Mấy Lời Nói Đầu
|
Chẳng cần phải nhắc lại, cuộc đời của tôi - cũng như của lớp người cùng chung thế hệ - là sự nổi trôi theo mệnh nước, một nước thuộc địa của Pháp thực dân, từ giữa thế kỷ 20 và trong Thế Chiến Hai, đã tranh đấu giành lại được tự do và độc lập... Rồi sau đó, đáng lẽ toàn dân phải đoàn kết chặt chẽ để phát triển đất nước như đa số các quốc gia khác trong vùng thì nước Việt Nam bị chia đôi, trở thành công cụ của một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản trong suốt 50 năm trời.
Nhưng có lẽ tôi cũng cần phải nhớ lại rằng nước mình chưa hề có một thời gian thống nhất lâu dài kể từ ngày bị chia thành Đàng Trong-Đàng Ngoài, Trịnh-Nguyễn phân tranh, nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh, còn bị chia ba thành Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ dưới chế độ thực dân Pháp, rồi bị chia đôi sau Hiệp Định Genève... và cho tới bây giờ, vẫn còn là Việt Nam quốc nội, Việt Nam hải ngoại !
Khiến cho thế hệ tôi, trong thực tế, phải sống nửa đời người trong chiến tranh và hận thù, trong chia rẽ và ngăn cách, trong ác cảm và khinh thị. Dù tôi may mắn còn sống sót để chứng kiến sự chấm dứt của cuộc chiến tranh lạnh dài nửa thế kỷ kia, đầu dây mối rợ của sự chia đôi đất nước và lòng người... nhưng nay thì tôi đã gần đất xa trời rồi mà nước Việt Nam vẫn chưa là một mối ! Và như vậy, trước khi từ giã cõi đời, có thể tôi vẫn chưa được hưởng sự yên vui của một kẻ lưu vong, áo vải về làng, cùng toàn dân xóa bỏ được một oan nghiệt đè lên mệnh nước trong suốt 500 năm.
Một nghệ sĩ như tôi - như đã nói trong khúc bình ca số 3 : Dường Như Là Hoà Bình - chỉ muốn có một dân tộc Việt Nam để mến yêu, một nước Việt Nam để tôn thờ thì, sau một đời làm nghề hát rong hát dạo, dù cho có thành công tới đâu trong sự nghiệp nhỏ nhoi của mình thì cũng chỉ là một thất bại lớn hay bé mà thôi ! Vẫn chỉ là một người nghệ sĩ đi và hát giữa một vùng trời ầm ỳ súng nổ hay âm vang lời nguyền mà thôi ! Chưa bao giờ tôi được coi là nghệ sĩ chính thức của một Nhà Nước nào, một danh vọng - hay hư danh - mà tôi cũng không hề đòi hỏi, nhưng những gì tôi soạn ra và hát lên, nếu nó không gặp phải sự cấm đoán thì nó cũng rơi vào sự thờ ơ !
Hơn nữa, sống ở đâu cũng thế, làm nghề hát rong hát dạo là phải hát lên những suy tư hay rung động của mình trước cuộc đời. Cuộc đời Việt Nam thì đâu có giản dị ? Tôi đã từng nói :
Một ngày cho người sống
Một ngày cho người chết
Một ngày cho người thương
Một ngày cho người ghét
Một ngày cho cuộc chiến
Một ngày cho lười biếng
Một ngày cho bình yên
Một ngày lại cho điên.
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
(Một Ngày Một Đời, Saigon1965)
Cuộc đời là thế này, cuộc đời là thế khác, nó có thể làm cho ta cuồng điên hay tê dại nếu ta không biết phản ứng lại nó. Riêng tôi, khi mảnh đời trở nên bi đát, tôi thường phải chạy trước hay phải chạy ngược lại dòng đời. Điều này thì ai cũng nghĩ là thành công ! Riêng tôi, đó là thất bại.
Bởi vì tôi mang tinh thần chủ bại đó cho nên trước đây, tôi đã có ý định không cho xuất bản HỒI KÝ 4 là tập sách cuối cùng trong 4 tập hồi ký của tôi. Tôi đã cho rằng trong một phần tư thế kỷ, đối với quê hương, đối với đồng bào, tôi là người vắng mặt. Đã chắc gì còn ai trong nước còn nhớ tới người hát rong này ? Mà viết thêm hồi ký làm gì ? Tôi lại còn cho rằng, đối với xã hội Việt Nam càng ngày càng bị phân hoá - vì chính trị, kinh tế hay giản dị hơn vì hố sâu thế hệ - tại hải ngoại, bây giờ tôi là kẻ lạc loài rồi !
Thế nhưng, từ khi thế giới bước vào kỷ nguyên điện toán, bởi vì tôi nhanh chóng biết dùng phương tiện điện tử để sưu tập, sáng tác và phổ biến âm nhạc của mình... sau khi cái gọi là Pham Duy Anthology leo lên Mạng Lưới Toàn Cầu, thì tôi nhận được điện thư của rất nhiều người cảm thông ở trong và ngoài nước... Và thấy mình vẫn còn đó, với nỗi buồn và niềm vui của một ca nhân được chia sẻ rất nhiều với tha nhân, dù không còn nhiều lắm đâu nhưng cũng còn đủ để tôi phải đền bù, đáp ứng.
Tuy vậy, trong hai năm qua, vì tuổi già và vì lòng đà chua chát nên tôi không phản ảnh được - không muốn phản ảnh - xã hội nữa, cuộc đời sáng tác cho mọi người của tôi được coi như kết thúc. Soạn nhạc tâm linh là soạn bài hát cho riêng mình mà thôi.
Đối với người góa bụa, cuộc đời trần tục cũng đã là xong sau khi vợ tôi qua đời. Còn lại là nỗi dằn vặt về quê hương của một người xa xứ quá lâu thì, sau khi lặng lẽ về thăm Hà Nội, được đứng mỉm cười giữa căn nhà thời thơ ấu... tôi đã giải toả được niềm khắc khoải cuối cùng. Một đời đi hoang đã kết thúc. Chim bay từ độ... rồi chim cất cánh bay về. Chu trình một đời người, vui thay, đã hoàn thành.
Cuộc đời đã được tôi hoàn tất một cách dễ dàng như vậy, há gì một cuốn sách ? Vậy thì, vì đã chót hứa hẹn bằng ba tập HỒI KÝ trước, nay tôi xin được kết thúc tập 4 này, trong lòng bình yên, thanh thản, lâng lâng, nhẹ nhõm.
Chuyện "hai mươi lăm năm tình cũ" - tình đời, không hẳn chỉ là tình yêu nam nữ - chắc có ít nhiều điều sơ hở. Xin bạn đọc rộng lòng tha thứ.
Thị Trấn Giữa Đàng
Mùa Thu, năm 2001
Người đi trong đêm tối, trong đêm thâu
Trong đêm vắng, trong đêm sâu
Trong đêm dài Việt Nam...
Dạ Hành
Không còn nghi ngờ gì nữa, vào đêm 28 tháng 4, 1975, cuộc ra đi của gia đình tôi cùng với những gia đình khác trong chuyến bay về hướng mặt trời mọc là một cuộc dạ hành dài. Bất cứ ai trong chuyến ra đi này cũng có thể nói rằng đây là đêm đen nhất, dài nhất của đời mình. Những phi vụ chở người tị nạn từ Saigon qua căn cứ không quân Clark ở Phi Luật Tân rồi lại bay ngay đi đảo Guam hay đảo Wake, đó là những chuyến bay đêm. Đúng ra, vì sự khác nhau của thời khắc ở những vùng cách nhau vài kinh tuyến, đêm phải ngắn chứ ? Vậy mà phi cơ bay hoài cũng chỉ gặp toàn đêm và đêm thôi. Mặt Trời đâu rồi ? Đêm hôm nay không phải là đêm 12 tiếng đồng hồ, thời gian thực tại của đêm ngắn đi vài ba tiếng nhưng thời gian tâm lý thì dường như kéo dài dằng dặc...
Về sau, trong lúc trà dư tửu hậu, tôi có bạn bè đưa ra giả thuyết : các chuyến bay đêm của chúng tôi đều được dự tính từ trước. Những phi vụ chở người tị nạn Đông Dương vào Hoa Kỳ đều được tính toán để khi mặt trời lặn mới cất cánh hay hạ cánh. Đó là những chuyến bay kín đáo, không bay ngày mà chỉ bay đêm vì nhà chức trách sợ gây náo loạn trong dân chúng Mỹ, lúc đó vẫn còn bị ám ảnh nặng nề bởi hai chữ Việt Nam. Hơn nữa, để có thể chở được nhiều người hơn, có chuyến bay 300 ghế ngồi trong phi cơ được gỡ đi, ''hành khách'' - trong đó có gia đình tôi - phải dựa vào nhau, ngồi bệt trên sàn phi cơ 1. Người Mỹ sợ cảnh khổ tâm này có thể bị báo chí phanh phui rồi sẽ bị phê bình là đối sử tệ với người tị nạn chăng ?
Trong đêm dạ hành đầu tiên của cuộc đời mới này, ngũ giác quan trong tôi như bị tê liệt cho nên hôm nay tôi không có nhiều kỷ niệm của đêm đó để cho vào Hồi Ký. Trái với sự xao xuyến trong lòng của những chuyến xuất ngoại trước kia, tôi không có một cảm giác nào khi máy bay đáp xuống căn cứ Clark ở Phi Luật Tân. Trong đêm tối được chiếu sáng bởi những đèn mù của trại không quân, không một tiếng động nào lọt vào tai tôi, dù dân tị nạn đổ bộ ào ào từ những con khủng long bằng sắt đen ngòm và được tập trung thành đám đông, người nằm kẻ ngồi la liệt ngay trên sân bay, bên cạnh đống hành lý cao ngang đầu người.
Sau khi các chuyến bay đáp xuống đầy đủ, chúng tôi được đưa tới nơi làm thủ tục nhập cảnh ở ngay trong căn cứ này. Cùng vợ con loạng quạng bước đi trong một phi cảng đã từng là nơi xuất hành của những phi vụ B52, tôi sợ nhất là phải nhìn thấy những máy bay đã làm cho nhiều vùng Việt Nam trở thành hoang địa, gây cái chết thảm khốc cho dân chúng. Nhưng tôi chỉ thấy những nhà kho rộng lớn, tối mù và rỗng tuếch : các máy bay chiến lược đó đã được đem ra khỏi những nhà chứa phi cơ (hangar) rồi.
Những người Mỹ phụ trách cuộc di dân khổng lồ này dẫn chúng tôi tới nơi được dùng làm Sở Quan Thuế lưu động của Hoa Kỳ. Các nhân viên xét hành lý (hình như là quân nhân được xung công) ở nơi này rất vui vẻ, không như những nhân viên hách dịch (phần nhiều là người Mỹ gốc Phi) của Sở Di Trú chúng tôi gặp khi vào đất liền để làm thủ tục chuyển từ qui chế parole (tạm dung) qua resident (thường trú) hay lập hồ sơ thi vào Mỹ tịch.
Ai cũng biết nhập cảnh vào Hoa Kỳ là một điều rất khó, vậy mà trong đêm nay, người tị nạn chúng tôi đi vào đất Mỹ thật là dễ dàng. Xếp hàng dọc, vác hành lý đi vào một dẫy nhà tiền chế bằng tôn rất hẹp, vùn vụt đi qua một dẫy bàn, rồi vừa ra khỏi khu nhà tôn này là coi như đã làm xong một nửa thủ tục nhập cảnh rồi. Lúc đó, tôi chưa coi việc sẽ trở thành công dân nước Mỹ là một niềm vui vì tôi đang gặm nhấm một bất hạnh lớn là phải bỏ nước ra đi trong niềm tủi nhục.
Đã gặp bất hạnh lớn, tôi lại gặp luôn bất hạnh nhỏ : sau khi ra khỏi nơi làm quan thuế, kiểm soát lại hành lý, gia đình tôi mất một va li đựng quần áo ấm, rất cần thiết khi tới sinh sống ở xứ lạnh. Tuy vậy tôi vẫn cho rằng trong cái rủi cũng có cái may, chiếc va li thứ hai đựng nhiều kỷ vật vô giá như ảnh cũ, băng nhạc cũ v.v... nếu bị thất lạc chắc sẽ làm tôi đau khổ vô cùng.
Xong thủ tục quan thuế, gia đình tôi cùng mọi người ngồi chờ cho đủ số ''hành khách'' để leo lên những chiếc phi cơ lớn, bay tới đảo Guam, nơi địa đầu của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Sau vài giờ bay đêm, chúng tôi tới đảo và được xe bus chở vào một trại lính mang tên Trại Anderson. Trại rất rộng, chứa được năm, sáu ngàn người là ít. Người tới trước được ở trong những chung cư bằng gỗ, người tới sau phải ở trong những lều lính. Ở trong nhà hay ở trong lều thì cũng chỉ vài ngày sau là được bốc vào lục địa Mỹ ngay, nhường chỗ cho những đợt người tị nạn sắp tới bằng những chiến hạm đang trôi trên biển cả. Ngoài trại Anderson ở Guam, Hoa Kỳ còn một trại lính nữa trên đảo Wake để đón người tị nạn. Trong đợt tị nạn vào tháng 4 năm 75 này, tổng số hơn 100.000 người đã đi qua các trại không quân tạm trú ở Guam và ở Wake.
Tới Guam ngày 29, ngày 30 là ngày đầu tiên tôi được nghỉ ngơi sau hơn 20 giờ đồng hồ không ngủ. Tại trại Anderson này, người tị nạn sống chung với nhau trên sàn gỗ của những chung cư hai tầng đã từng là phòng ngủ của lính không quân Mỹ. Giường ngủ được gỡ đi để có rộng chỗ cho chúng tôi ở tạm. Giang sơn của gia đình tôi là vài ba thước vuông trong một góc phòng. Cũng như nơi tôi nằm chơi trong bót Catinat ngày xửa ngày xưa, nơi tôi tạm trú bây giờ ở ngay cạnh phòng vệ sinh. Thế là tôi vẫn còn bị bất hạnh đuổi theo đấy nhé ! May mà cầu tiêu của lính Mỹ không hôi thối như cầu tiêu của tù trong bót Catinat. Trong phòng có vài chục gia đình đông con và vài chục người độc thân, chia nhau chỗ nằm trên sàn gỗ. Lạ lùng thật ! Cùng chung sống với nhau trong dăm bẩy ngày mà không xẩy ra một vụ cãi lộn nào cả ! Dù cũng có một anh thanh niên tóc ngắn được cử làm trưởng ban quét rác ra vẻ lộng quyền khiến cho Thái Hiền ghét ra mặt, con gái tôi xưa nay không quen bị ai sai bảo cả...
Trước mặt gia đình tôi là gia đình người vợ goá của một người bạn thời 1944-45, Đỗ Bá Phúc, thất lộc từ lâu. Phúc là cựu sinh viên trường Mỹ Thuật, khi lấy vợ thì không làm điêu khắc gia mà trở thành chủ nhân của một tiệm mua bán kim cương ở đường Tự Do, nơi đây tôi và Tôn Thất Niệm (lúc còn là sinh viên) thường gặp nhau để ca hát. Chị Phúc và tôi chỉ gật đầu chào nhau bởi vì từ ngày bạn Phúc qua đời, tôi không còn gặp chị nữa. Tôi còn gặp trong phòng này vài ba người quen khác nhưng chúng tôi đều tránh không nhìn thẳng mặt nhau.
Ngày hôm nay cũng là ngày Saigon vừa được Bắc quân gọi là giải phóng. Giờ lịch sử đã điểm. Một ông nằm cạnh tôi đang dò đài Saigon với cái máy radio nhỏ tí. Mọi người trong phòng lặng lẽ kéo tới, khi nghe thấy có chương trình phát thanh về cuộc thắng của Bắc quân và cái thua của Cộng Hoà Việt Nam. Tôi cảm thấy buồn bã vô cùng ! Chẳng nhẽ nằm đó và bịt tai lại, tôi vùng dậy, xuống thang ra khỏi chung cư.
Bây giờ tôi mới ý thức rằng Guam là một hòn đảo. Tôi lững thững bước ra bãi biển. Đứng trước cảnh trùng dương bát ngát, lòng tôi rất im lặng, dửng dưng. Tôi thấy tôi không còn một chút rung động nào nữa trước cảnh biển cả mông mênh như những ngày trước đây. Tôi không còn là tôi nữa rồi ! Quay lưng lại biển, tôi lặng lẽ bước về chung cư.
Đi qua phòng thông tin của trại, bỗng nghe từ các loa lớn phóng ra tiếng nói của một nữ xướng ngôn viên:
-Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Cộng Hoà buông súng đầu hàng...
Một rừng người tị nạn đang ồn ào trên sân cỏ, bỗng dưng không ai bảo ai, tất cả ngưng hoạt động, đứng im để nghe tiếng nói của nữ xướng ngôn viên Kim Vui. Cô này là ca sĩ, bỏ nghề hát từ lâu để theo chồng qua Mỹ, nay làm việc cho ban phát thanh của trại tị nạn khi trại được thành lập từ đầu tháng Tư. Nhiều người quen biết như Lê Quỳnh, Lâm Quang... cũng xung phong làm việc trong văn phòng.
Trong suốt tháng Tư này, kẻ trước người sau bỏ nước ra đi nhưng Saigon và vùng Hậu Giang hãy còn, nay nghe tin Việt Nam đã hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản, mặt ai cũng xa xầm, mắt ai cũng rớm lệ, đầu ai cũng cúi gằm. Khi cô Kim Vui đọc xong bản tin và bản thông cáo, mọi người lủi thủi bước đi trong sự lặng lẽ tột độ. Người mình xưa nay vốn rất ồn ào vì thích nói nhiều, nói to. Chưa bao giờ tôi thấy hình ảnh lạ lùng là một đám rất đông người Việt đi đi lại lại mà không có một tiếng động nào cả. Trông chẳng khác chi những bóng ma trong một khúc dạ hành...
Tôi lại càng buồn rầu hơn nữa, rảo bước về chung cư, ngồi bệt xuống sàn gỗ. Mọi người vẫn quây quanh cái radio để nghe những tin tức liên quan tới ngày Bắc Quân tiến vào Saigon. Trong radio bỗng có tiếng Trịnh Công Sơn hát bài Nối Vòng Tay Lớn với giọng hát thất thanh và với tiếng đệm đàn guitare (rất là sai dây). Tôi chạnh lòng nghĩ tới thân phận mình, nếu bị kẹt lại... Liệu mình có phải hành động như thế không ? Chưa kịp nghe hết bài hát, chủ nhân cái radio chửi thề rồi tắt máy, mọi người giải tán trong ngao ngán.
Nghe tin Saigon đã mất, nhưng tôi vẫn hi vọng bốn con trai Quang, Minh, Hùng, Cường có thể đi thoát vào giờ phút cuối cùng. Chúng xưa nay là những thanh niên khá nhanh nhẹn. Chúng cũng đã có anh chàng CIA Ed Jones đảm trách việc ra đi rồi mà ! Hơn nữa, vào ngày 28 vừa qua, khi nửa gia đình tôi và vợ Minh Phúc là ca sĩ Minh Xuân 2 tới điạ điểm bốc người đi Mỹ ở đường Kỳ Đồng, vợ con của Lê Quý Biên (người mua lại căn nhà của tôi rồi trở thành quen biết) cũng được tôi cho đi theo và cũng được Mỹ bốc đi dù không có tên trong giấy giới thiệu của Sứ Quán Mỹ. Trước khi đi, vì đã - coi như - giúp đường đi trốn cho người thân của Biên và Minh Phúc, tôi dặn dò họ phải gánh vác việc ra đi của các con tôi. Cho chúng biết là đừng nên quá trông cậy vào Ed Jones. Bây giờ trong số gần một chục vạn người đang lục tục kéo vào đảo Guam hay đảo Wake trên những chuyến bay cuối cùng và trên những chiến hạm, tôi hi vọng các con tôi cũng có mặt trong đám đông đó cùng với Lê Quý Biên và Minh Phúc.
Người tị nạn tới Guam càng ngày càng đông. Mỗi khi có xe bus chở người từ phi cảng tới trại, ai cũng đổ xô ra cổng tìm người thân thích. — trong trại, đi tìm thân nhân trong số năm, sáu ngàn người thật là khó. Chúng tôi gặp Mai Hương, nữ ca sĩ và là cháu ruột vợ tôi, cùng chồng con xếp hàng đi ăn cơm. Chúng tôi cũng chỉ ngán ngẫm nhìn nhau và nói với nhau vài ba câu thăm hỏi. Khi được biết văn phòng ban giám đốc trại cho phép người tị nạn gọi nhau qua hệ thống loa, tôi tìm đến cô Kim Vui, nhờ cô ta phóng thanh lời vợ chồng tôi gọi các con. Trong những lời nhắn gọi thân nhân của hàng ngàn người khác, tôi nghe tiếng Lê Quỳnh gọi tên Thái Thanh và tên các con. Như vậy là Thái Thanh chưa đi thoát. Tuy đang sốt ruột vì các con, vợ chồng tôi cũng thấy lo lắng cho số phận cô em.
Tới ngày mùng 2 tháng 5, tôi xuống văn phòng để lục coi bảng danh sách người tị nạn luôn luôn được cập nhật hoá thì thấy tên Minh Phúc.
-Trời ơi, nó đã tới được đảo Wake rồi...
Tôi vội vàng xin phép nhân viên văn phòng cho tôi gọi phone cho Minh Phúc. Khi có Phúc ở đầu giây, tôi rụng rời tay chân ! Vào giờ phút cuối cùng của Saigon, sau khi bị Ed Jones bỏ rơi, bốn con tôi cùng Minh Phúc chạy tới Toà Đại Sứ Mỹ nhưng chỉ có một mình Minh Phúc lọt qua hàng rào lính Mỹ và được bốc đi.
Tôi ôm mặt chạy về chung cư. Chữ nghĩa trên thế gian này không đủ để diễn tả một phần nghìn nỗi đau của những người lâm vào hoàn cảnh như tôi, hôm nay. Tôi lao mình vào giường ngủ, gục mặt vào đống chăn, khóc rống như chưa bao giờ khóc như vậy. Không cần đối thoại, vợ tôi biết các con bị kẹt lại rồi. Dù cũng buồn khổ như tôi, nhưng vợ tôi vốn là người kín đáo, ít khi biểu lộ tình cảm một cách mạnh mẽ như tôi. Tôi vẫn cho rằng trong những năm tháng buồn rầu vì xa bốn đứa con, tôi không ngã quị xuống vì không bao giờ vợ tôi làm tăng thống khổ của tôi lên. Đúng thế, trong những năm xa con, nếu người mẹ này suốt ngày ngồi khóc thầm, oán trời, oán đất, oán chồng thì tôi phải chết từ lâu.
Như kẻ đang sắp chết đuối cố níu vào mảnh gỗ mục, khi tới phiên gia đình tôi phải vào lục địa, tôi xin với ban giám đốc trại Anderson cho tôi ở Guam thêm ít ngày nữa. Tôi vẫn nuôi hi vọng các con tôi tìm ra lối đi, khi nghe tin đồng bào vẫn tiếp tục ra khơi sau ngày mất Saigon vì Cộng Sản chưa nắm hết được các cửa khẩu. Trại Anderson cần chỗ cho những đợt người đang tới, gia đình tôi được cho ra ở Hotel Tokyo nằm trong thành phố. Hơn một chục gia đình đã ở trong hotel này, trong đó có gia đình bà thông gia và vài người quen. Dù trong hotel có nhiều tiện nghi như hồ tắm, tivi, phòng bida... nhưng chỉ có các con nhỏ của tôi vô tư tung tăng chạy lui chạy tới cùng lũ trẻ khác. Hơn một tuần lễ, tôi ngồi ủ rũ hay nằm vật vã ở trong phòng, vợ con lĩnh thực phẩm về, nhưng tôi ăn không thấy ngon, rồi tôi ngủ không thấy yên. Tôi nằm im một chỗ như một kẻ đã gục ngã và không còn sức để ngóc đầu lên nữa. Thấy tôi buồn rầu, vài người quen lân la tới nói chuyện. Họ cũng đang ở trong tình trạng đi tìm hay chờ đợi người thân thích như tôi. Ai cũng đem chuyện số phận ra để an ủi nhau. Kể cho nhau nghe những chuyện may rủi:
- Một gia đình kia vào được Tân Sơn Nhất, đã ngồi trên hàng ghế đợi chuyến bay rồi nhưng vào lúc cuối cùng hai con nhỏ ngồi hàng ghế trên được bốc đi, cha mẹ ngồi hàng ghế sau bị kẹt lại...
- Một gia đình nọ biết tin có chuyến tầu đang sửa soạn nhổ neo. Các con đi chơi vắng, cha mẹ đành ôm hai bị quần áo chạy ra bến tầu. Bỗng dưng các con cũng từ đâu chạy tới, cùng xuống tầu với cha mẹ...
- Một bà đang bán bánh giò trong chiếc tầu đóng neo ở Khánh Hội, chưa kịp lên bến trở về nhà thì tầu ra sông và ra biển luôn, bà ta trở thành người di tản bất đắc dĩ...
Nhưng than ôi, những chuyện vừa kể, đi kèm với lời bàn về thuyết định mạng :
- Con người ta, giầu hay nghèo, thành công hay thất bại là có số cả đấy, ông à !
... không đủ vực tôi lên từ một chán nản vô biên, kéo tôi ra từ một thất vọng cùng cực. Kể cả vợ tôi cũng an ủi chồng (và tự an ủi mình) :
- Năm nay là năm xung của em, 49 chưa qua 53 đã tới, phải có các con gánh hộ đại hạn cho mình.
Kể từ lúc bỏ nhà ra đi và biết đủ mùi đời, tới bây giờ tôi mới biết rõ mùi đắng cay, xót xa, chua chát, não nề. Quá nửa đời mình, cũng như mọi người mà thôi, tôi đã gặp ít nhiều đen đủi, mất mát. Trong chuyến ra đi bất hạnh này (mất nước là một bất hạnh có thể chia sẻ với mọi người), tôi gặp thêm hai cái sui sẻo như mất va ly và nằm cạnh cái chồ. Tôi thừa sức để chịu đựng những chuyện đó vì vào lúc Bắc Quân tấn công Saigon, tôi tưởng bị kẹt lại rồi, một là bị sát hại, hai là đi tù mọt gông, ba là trở thành kẻ hàng thần lơ láo thì, a ha, tôi đã tới đảo Guam, tôi đã chạy thoát...
Nhưng với sự kẹt lại của bốn đứa con, tôi không chống cự nổi một đại nạn đang giáng xuống đầu tôi. Bất hạnh này, tôi không thể chia sẻ với ai, ngoài vợ. Tôi chôn ngay tôi vào ý nghĩ đau đớn là sẽ không bao giờ gặp lại các con. Tôi dìm tôi vào ân hận day dứt là tại sao không dắt các con cùng đi với mình vào ngày 28 ? Tôi đẩy tôi vào căm giận buồn phiền Minh Phúc và Lê Quý Biên tôi cậy nhờ giúp các con tôi ra khỏi Saigon. Tôi sẽ phải mất một thời gian khá lâu rồi những thống khổ này mới nguôi ngoai dần. Sự thống khổ vào lúc này còn giầy vò tôi đến độ tôi muốn trở về Việt Nam ngay lập tức. Hay là nhẩy ngay xuống biển tự tử cho rồi...
... Cho tới lúc tôi chợt tỉnh ngộ, nhìn ra người vợ hiền lành và biết chịu đựng, suốt đời trông cậy vào tôi, nhìn ra mấy đứa con thơ dại với tương lai có thể sáng sủa của chúng, tôi nghiến răng lại, quyết định xua bỏ những ý nghĩ tiêu cực đi. Tôi sẽ vào đất liền ngay. Bàn với vợ con, rồi tôi lên văn phòng xin đi tạm cư ở trại Eglin nằm trong tiểu bang Florida.
Để có nơi tạm trú cho hơn 100,000 người tị nạn Đông Dương, Hoa Kỳ thiết lập bốn trại, tất cả đều là trại lính : Trại Pendleton ở miền cực Tây (California), trại Fort Chaffee ở miền trung bộ (Arkansas) hai trại Indiantown Gap và Eglin ở miền cực Đông (Pennsylvania, Florida).
Tôi chọn đi trại Eglin vì tôi muốn ở một nơi nào càng xa quê hương bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Gia đình bà thông gia, vợ chồng Minh Phúc, Minh Xuân, vì chưa biết mặt ngang mũi dọc của nước Hoa Kỳ này ra sao, thấy tôi chọn đi trại Eglin thì cũng đi theo tôi luôn.
Ngày 15 tháng 5, cùng với một số đông đồng bào tị nạn, gia đình tôi rời trại Anderson ở đảo Guam, leo lên phi cơ bay về hướng Đông. Chúng tôi lại như là bay đi tìm kiếm mặt trời.
---------
1 Đó không phải là tình trạng chung. Có nhiều người tị nạn tốt số hơn chúng tôi, khi bay vào đất Mỹ, được ngồi bảnh choẹ trong những phi cơ thương mại lộng lẫy.
2 Đêm 28-4, khi người bạn ở Sứ Quán Mỹ gọi phone để cứu nguy cho tôi thì vợ chồng Minh Phúc đang ở nhà tôi. Tôi chỉ được phép ghi tên đàn bà, con nít, người già và ghi luôn tên Minh Xuân vào danh sách.
Như bông bay qua miền Louisiana
Như cam đong đưa miền Florida...
Hát Trên Đường Tạm Dung
Tôi chọn đi Florida thì dù tầu bay hạ cánh xuống phi cảng quân sự ở gần trại tị nạn Eglin vào giữa đêm khuya, tôi cũng gặp ngay mặt trời rồi. Ngẫu nhiên, hôm nay chúng tôi tới tạm cư ở một nơi đã được người Mỹ gọi là tiểu bang nắng (Sunshine State), dù về sau, khi ''mu'' (move) về miền California, tôi thấy nắng ở tiểu bang vàng (Golden State) 1 này mới đáng gọi là nắng.
Trại Eglin, với hàng trăm lều vải nằm giữa một khu rừng thấp, là nơi tạm trú của dăm bẩy ngàn người tị nạn Đông Dương. Đây đó có dựng thêm những căn nhà gỗ nhỏ dùng làm phòng hành chánh, phòng khám sức khoẻ, bếp và phòng ăn, lớp học và phòng chơi của con nít v.v... Giải quyết vấn đề tiêu hoá của vài ngàn cái dạ dầy là những cầu tiêu cá nhân đặt ở nhiều nơi.
Gia đình tôi ở chung lều với gia đình bà thông gia, vợ chồng Minh Phúc và mấy gia đình khác. Mỗi người có một cái giường vải nhà binh để ngồi chơi hay nằm ngủ. Lều dựng giữa khu rừng đất cát, mái vải không ngăn được mặt trời hay sương đêm nên ban ngày chúng tôi bị nóng đổ mồ hôi, ban đêm lạnh buốt xương sống.
Trong những ngày đầu tiên ở trại, cũng như mọi người, gia đình tôi phải suốt ngày xếp hàng đi khám sức khoẻ (khám phá ra vi trùng bệnh lao đã tái sinh trong tôi), xếp hàng đi làm giấy tờ căn cước (giấy ai nai ti fo = I-94), xếp hàng đi lĩnh quần áo, xếp hàng đi ăn sáng, ăn chiều... Người Việt Nam xưa nay là vua giành chỗ, bây giờ ở nhà hay chạy ra ngoại quốc cũng đều khởi sự đi vào lối sống xếp hàng cả ngày rồi. Tôi bận lùa lũ con nhỏ vào đội ngũ xếp hàng nên tạm quên được nỗi buồn.
Đêm về là lúc tôi chịu cực hình. Một nỗi buồn khổng lồ xâm chiếm tôi, buồn này không có tên vì là nhiều nỗi buồn chồng chất lên nhau. Buồn nhất là bốn con bị kẹt lại. Thêm sự buồn tủi của kẻ bị xua đuổi, phải chạy trốn. Buồn vì bỗng thấy cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Còn có thêm một buồn lo cho tương lai. Làm gì để sống ? Đi hát để nuôi thân à ? Hát cái gì ? Hát cho ai nghe đây? Còn đâu hứng khởi để hát nữa ? Và nếu không đi hát, 55 tuổi rồi, tôi đâu còn thời gian và sức khoẻ để học hay làm nghề khác ???
Không ngủ được, vén lều nhìn ra ngoài, tôi thấy đêm rừng tị nạn Florida 1975 không giống đêm rừng kháng chiến Đất Đỏ 1945. Khi xưa, ánh trăng đỏ như máu làm rạo rực lòng tôi. Bây giờ, ánh trăng xanh nhợt nhạt làm cho nỗi buồn của tôi càng thêm tê tái... Sự buồn tủi còn tăng thêm khi tôi chứng kiến, vào cuối tuần, cảnh người Mỹ rầm rập vào trại ra trại để bảo lãnh người tị nạn vì lòng nhân đạo hay tới trại để nhìn người Á Đông vì tính tò mò. Vấn đề tị nạn Đông Dương đang nóng bỏng, phóng viên báo chí, truyền hình tới tấp vào trại làm phóng sự. Tôi được phỏng vấn và thốt ra một câu buồn bã :
- Tôi sinh ra để hát về nước tôi ! Nước tôi đâu rồi ?
Một số lớn báo trong toàn quốc đăng ảnh tôi ngồi trước lều tị nạn với bộ mặt thảm thiết, hai tay ôm đàn guitare (của Minh Phúc cho mượn) với bài báo rất lâm ly mang những tít lớn : I Sing About My Country, Where's My Country Now ?, Folksinger Has No Country, Vietnamese Singer Laments Loss...
Cũng nhờ những bài báo này, khi xuất trại và tới ở nhà sponsor (người bảo lãnh), vợ chồng tôi và Thái Hiền được mời lên New York để ra mắt trong chương trình truyền hình TOMORROW của Tom Snyder 2.
Sau vài ngày hoàn tất các vấn đề khám sức khoẻ, chụp ảnh, lăn dấu tay để làm hồ sơ nhập cảnh, một ngày dài như thiên thu của tôi là buổi sáng xếp hàng đi tắm rồi đi ăn. Buổi trưa xếp hàng đi lĩnh chăn hay lĩnh quần áo nhà thờ 3. Buổi chiều lại xếp hàng đi ăn, rồi có khi ra ngồi trên bãi cỏ coi ciné ngoài trời hay nghe ban nhạc của học sinh High School trong thành phố Fort Walton Beach (cách xa trại 17 cây số) tới biểu diễn. Ông giáo sư âm nhạc của trường này đọc báo nên biết tôi là nhạc sĩ bèn tới lều xin tôi chép cho bài The Rain On The Leaves để ban nhạc học sinh trình bày. Đưa bài hát cho ông ta, tôi cũng chẳng thấy thích thú gì...
Tại nơi giải trí chung này, nhìn những đôi uyên ương ôm nhau coi phim tình hay thấy những gia đình có đầy đủ vợ chồng con cái ngồi quấn quýt bên nhau nghe nhạc Mỹ... tôi tủi thân vô cùng.
Đối với nhiều người, quả rằng đời sống trong trại Eglin rất là vui. Ít khi hàng ngàn người Việt sống chung với nhau một cách vô tư như thế này. Họ không phải làm gì, được nuôi ăn, được khám và chữa bệnh, được giải trí. Nhưng đối với tôi, những ngày này thật là vô vị. Với những người cũng trong hoàn cảnh ly tán như gia đình tôi, chắc cũng vậy thôi !
Gặp nhạc sĩ Vũ Thành, mặt mày ủ rũ vì con gái và chàng rể bị kẹt lại ở Việt Nam, chúng tôi không còn nói những chuyện vui đùa thấp lè tè hay những chuyện nghệ thuật cao siêu như những ngày gặp nhau trên Đài Phát Thanh Saigon nữa. Chúng tôi nở ra những nụ cười mếu máo mỗi khi gặp nhau trong hàng ngũ đi ăn. Một buổi chiều, cùng Vũ Thành âm thầm đứng trong đám đông nghe ban nhạc học sinh tới trổ tài và an ủi dân tị nạn, chỉ một lát sau, nhạc sĩ hàng đầu của Việt Nam bỏ về lều, thốt ra lời cay đắng :
- Suốt đời mình, không bao giờ có trong tay một ban nhạc với đầy đủ nhạc cụ như lũ nhoắt con học sinh tỉnh nhỏ kia !
Gặp ông chủ đất của căn nhà Phú Nhuận tôi mua lại năm xưa, thất thểu đi một mình trong trại vì chỉ có đủ số vàng để mua một chỗ trên chiếc thuyền đánh cá ở Phước Hải... Tôi cũng gặp những người quen khác như cựu chuẩn tướng Phan Hoà Hiệp (anh của nhà văn quân đội Phan Nhật Nam) thường chơi bàn bi điện với tôi ở nhà hàng La Pagode ngày nào. Gặp một người có dính líu tới chính biến 1963 mà tôi cũng không tò mò hỏi chuyện đi bắt Tổng Thống và về cái chết của ông Diệm, ông Nhu... Gặp anh bạn cũ Đỗ Xuân Hợp, chúng tôi chỉ ngượng ngùng nhìn nhau chứ không còn chuyện nổ như pháo ran nữa...
Có một số người không lâm vào hoàn cảnh gia đình ly tán như tôi hay Vũ Thành mà vẫn phải nhìn người đồng trại với cặp mắt không được tự nhiên. Đó là những quan to hay xếp lớn, khi còn tại chức, thét ra lửa mửa ra khói, nay qua tới trại, gặp người cấp dưới thì họ rụt rè, e ngại. Đời sống trong trại quá nhàn rỗi, mọi người hay tụ tập ở phòng ăn để bàn bạc về thời thế, lính trơn nay ngồi chung với Tướng Tá, không khỏi có ít nhiều mặc cảm ở đôi bên. Tôi không được chứng kiến nhiều cảnh ân oán giang hồ ngoài chuyện một ông Cảnh Sát Trưởng vừa ngu vừa hách xì xằng nên bị ăn đòn tôi sẽ kể trong đoạn sau.
Những ngày ở trong trại Eglin này, tôi còn bị cắt đứt hẳn với thế giới bên ngoài. Tôi không có người thân thích hay người quen biết ở Hợp Chủng Quốc để ra phòng điện thoại gọi collect (người nghe trả tiền) cho ai cả. Lại càng không thể nào gửi thư hay nhận thư của các con... Tuy nhiên, sống trong cơn đau khổ mù loà, tôi vẫn còn minh mẫn để thấy vài điều mới lạ đối với những ai vừa đi ra từ một quốc gia bị điên đảo, băng hoại trong chiến tranh và hận thù, qua vài ba chuyện ở đây...
Trại tị nạn vẫn còn chuyện tìm thân nhân qua hệ thống loa. Một hôm, với giọng nói hách dịch, một cựu Cảnh Sát trưởng nhắn tin qua hệ thống loa:
- A lô a lô, tôi là Trung Tá Cảnh Sát ở Quận X trước đây, hiện đang ở lều số Z, nhắn tin cùng thân nhân là Y.
Chắc ông này lúc còn tại chức đã gây nhiều tội ác nên trong đám dân tị nạn có một số người cựu dân đen ở quận cũ vác gậy tới hỏi thăm sức khoẻ. Vừa mới được ăn tí đòn thù thì MP (Military Police) Mỹ xông tới bảo vệ, không phải vì nhà nước Hoa Kỳ chủ trương che chở tội ác mà vì ở một xã hội văn minh không ai có thể làm gì mà không qua luật pháp.
Tiền nong cũng được bảo vệ như sinh mạng. Những người mang theo vàng bạc, kim cương hay tiền dollar dù đó là tiền tham nhũng, nếu khai với nhà chức trách thì được xe hộ tống đưa ra thành phố để gửi vào nhà băng. Một chủ gia đình ngư phủ mang theo khoảng gần trăm ngàn đôn (tiền chở người ra khơi), vốn là gốc bình dân ngay thẳng (hay nhát gan) nên khai báo ngay. Các vua tham nhũng của chúng ta kín đáo hơn, đóng kịch rất giỏi. Vậy mà ông Trời có mắt (dù nhiều khi ông bất công vì ông mắc bệnh cận thị) nên có chuyện của thiên trả điạ là bà vợ của một ông Đại Tá (nổi tiếng tham nhũng) ở cạnh lều tôi, sau khi xếp hàng đi ăn cơm trở về thì mấy chục lạng vàng giấu rất kỹ đã không cánh mà bay đi rồi !
Nói thêm về chuyện tiền bạc thì có một số người mang theo được khá nhiều tiền Việt, nghĩ rằng tiền này hết giá trị nên đốt đi. Ai dè vài ngày sau, xe hơi bọc sắt (nhà băng lưu động) lù lù tiến vào trại. Thì ra người tị nạn được phép đổi tiền Việt Nam ra dollar Mỹ. Đó, thấy không, ở nước Cờ Hoa này, đồng tiền, con người rất được tôn trọng. Kể cả súc vật nữa... Điều này rồi sẽ gây nên nhiều rắc rối cho những người Đông Dương được gọi là di tản buồn nhưng chưa bỏ được tính ghiền thịt chó.
Không phải tới bây giờ Hoa Kỳ mới có vấn đề di dân khẩn cấp như thế này. Trong dĩ vãng đã có những trường hợp người Đông Âu, người Cuba đi tị nạn Cộng Sản ở Hoa Kỳ. Nhưng trước kia, những hội đoàn (tôn giáo) hay tư nhân đứng ra tổ chức việc đón nhận, nuôi dưỡng, hướng dẫn người tị nạn. Bây giờ, để giải quyết vấn đề di dân của hơn 100,000 người, chính phủ thành lập hẳn một Lực Lượng Đặc Nhiệm (Task Force) với Bà Giám Đốc là Julia Taft, con gái một Thượng Nghị Sĩ nổi danh, tổ chức này nằm trong Bộ Y Tế-Giáo Dục-Xã Hội (Health-Education-Welfare, viết tắt là HEW). Do đó, việc đón nhận người tị nạn Đông Dương vào đất Mỹ rất có quy củ. Việc nuôi dưỡng, nhất là việc hướng dẫn người tị nạn hội nhập vào xã hội Mỹ được khởi sự từ khi chúng tôi còn ở trong trại. Một đồng xu không dính túi mà chúng tôi được khuyến khích đi dự lớp học dạy lái xe ! Tưởng là vô ích, nên có người không thèm đi học. Ra khỏi trại mới thấy ở nước Mỹ không có xe hơi coi như què cẳng. Họ phải lập tức học lái xe ngay.
Hướng dẫn người Đông Dương hội nhập nhanh chóng vào đời sống Mỹ quốc không gì hơn là cho ở chung với người Mỹ. Do đó có giải pháp bảo lãnh (sponsor). Sống trong nhà của người Mỹ là học hỏi từng giờ từng phút công việc hằng ngày, như cách xử dụng bếp gas hay bếp điện, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh. Rồi tới việc đi chợ rồi dùng giấy gói thực phẩm làm gói đựng rác, đi ra Bưu Điện, đi vào ngân hàng, đi xin học cho con cái. Đó là chưa kể học về lưu thông trong thành phố hay ngoài xa lộ. Lẽ dĩ nhiên đó là cách hướng dẫn người Đông Dương thuộc giới bình dân, đối với những người sống suốt đời ở Saigon, thành thật mà nói, chúng tôi tới ở với sponsor thì dạy cho người Mỹ nhiều điều, chuyện này sẽ nói trong chương sau.
Sau hơn mười ngày ở trong trại, khi có vợ chồng cựu Trung Tá Không Quân là Jon và Joyce Carle (đã từng ở Việt Nam vài ba năm và quen biết tôi qua mấy người bạn chung) tới thăm và ngỏ ý mời về ở gia đình họ trong thành phố Fort Walton Beach thì tôi nhận lời ngay. Chúng tôi đã quá ngán cuộc sống nửa vời ở trong lều vải của trại Eglin này rồi...
Một buổi sáng tháng năm, chia tay với Minh Xuân, Minh Phúc, Vũ Thành và vài người quen, gia đình họ Phạm gồm hai vợ chồng và một nửa trong số con cái lên xe camion đi vào thực tế Hoa Kỳ. Gia đình bà thông gia cũng theo chân chúng tôi vào sống trong thành phố bờ biển nhỏ bé này.
----------
1 Tiểu bang này là nơi người Mỹ trong thế kỷ trước đổ xô về để tìm vàng.
2 Buổi phát hình này khiến cho một thiếu phụ Mỹ ở Wisconsin cảm động và gửi tặng gia đình tôi 200$.
2 Nhà thờ quyên quần áo, chăn nệm của người Mỹ để phát cho dân tị nạn.
Từ Guam vào đất liền, tôi chọn đi Florida vì tôi muốn sống ẩn dật tại một nơi thật xa quê hương. Bây giờ nhìn vào bản đồ tôi đột nhiên thấy tiểu bang này có hình hài hơi giống nước Việt Nam. Cũng là dải đất hao hao hình chữ S nằm ven biển rộng. Thế là muốn đi thật xa để có thể quên được quê hương thì quê hương lại lù lù hiện ra. Quê hương thiêng liêng thật !
Người Mỹ đặt thêm cho Florida danh hiệu tiểu bang của mặt trời là đúng vì miền Đông Nam Hoa Kỳ này có nhiều nắng ấm. Vào mùa Đông, ở các tiểu bang phía Bắc, ai cũng bị cái lạnh hành hạ thì ở đây thời tiết vẫn nóng như trong mùa hè. Người già chọn về ở vùng này vì ngoài cái nóng ra, giá sinh hoạt nơi đây rẻ hơn nơi khác. Căn nhà 100,000 US$ ở Cali, ở đây chỉ đáng giá 30,000. Tiểu bang này ấm áp, êm ả, dễ sống đấy nhưng Florida cũng là nơi có những cơn bão lớn từ biển tràn vào, phá nát nhà cửa, đường xá, mùa màng... sự thiệt hại có khi lên tới hàng trăm triệu đô la.
Fort Walton Beach ở phía Tây Bắc của tiểu bang là một thành phố của người già. Dù Florida có Disneyworld quanh năm nhộn nhịp, hàng tháng thu hút hàng triệu du khách, nhưng nơi thần tiên này ở rất xa Fort Walton Beach 1.
Tôi đang sống với một nỗi buồn lớn, muốn trốn tránh cuộc đời nên từ trại Eglin ra tạm cư ở nơi buồn hiu này là rất hợp cảnh. Thị trấn là vài dẫy phố nằm dài ven biển, có hàng dừa lùn, có bãi cát trắng, có cồn cát cao, có biển xanh nhợt... kể ra cũng đẹp đấy nhưng làm sao đẹp bằng Nha Trang của tôi được ? Trong những ngày tháng ở đây, tôi ít khi ra biển và ra phố nên chỉ có một hình ảnh duy nhất của thị trấn in sâu vào óc tôi, đó là nhà Bưu Điện, nơi tôi đi gửi thư về Việt Nam cho các con. Và cũng chỉ có một người tình mà ngày ngày tôi mong đợi, đó là người đưa thư vào mỗi buổi sáng.
Gia đình họ Carle ở con đường mang tên một tiểu bang khác : Nebraska Avenue. Nhà Mỹ thường chỉ có ba phòng ngủ, cựu trung tá Jon và vợ là Joyce với con gái Kelly đã chiếm hai phòng rồi. Bốn con trai của gia đình Carle (được đặt tên theo vần K, cũng như tên con gái út) là Kit, Kriss, Kurt, Klay đã thoát ly gia đình từ lâu. Hiền, Thảo ở một phòng, Đức, Hạnh ở chung phòng Kelly, còn vợ chồng tôi, a lê, xuống garage.
Jon và Joyce Carle thuộc giới trung lưu Mỹ, rất yêu nước nên ghét Cộng Sản, rất bảo thủ nên chỉ bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hoà.
Chồng từng là phi công riêng của Tướng Westmoreland nhưng uống nhiều rượu quá nên đau tim và được cho về hưu non. Vợ là cựu giáo viên, lấy chồng rồi thôi việc, thành bà nội trợ.
Cũng như mọi người Mỹ khác, họ rất ngây thơ, rất lạc quan, khá tốt bụng và nóng tính. Những ngày sống chung với Jon, Joyce, Kelly và thỉnh thoảng gặp các con trai từ đâu đó trở về thăm cha mẹ (Kriss dễ thương nhất, để tóc dài trông như Chúa Giê Su, ăn chay, mặc quần áo kiểu hippy, về sau làm giáo sư văn học), tôi thấy gia đình này rất đáng yêu, chỉ tiếc rằng tôi không thể vồn vã với bất cứ ai trong lúc tôi đang đau khổ vì nhớ con và lo lắng cho đời mình.
Nhẩy xổ vào gia đình họ Carle vào ngày 24 tháng 5, hôm sau, tôi đánh một điện tín về cho các con. Khi nhận được điện tín trả lời, tôi vơi ngay được một lo lắng. Rồi sau lá thư tôi gửi về (tháng 6) và lá thư đầu tiên của Duy Quang tôi nhận được (tháng 11), là một chuỗi thư đi thư lại, thư nào cũng mất hai tháng mới tới tay người nhận.
Trầm mình trong đau khổ khi ngồi im trong sáu tháng (từ tháng 5 tới tháng 11-75), từ đầu 1976 trở đi, hạnh phúc của tôi là ngồi viết thư cho con hay nằm đọc thư của các con. Và từ đó, sự thống khổ chống gậy ra đi dần dần, niềm tin yêu từ từ khập khiễng trở về lòng tôi... cho tới ngày tôi thét to như vỡ tung lồng ngực (chữ của Hoàng Cầm) khi ôm các con vào lòng, đầu tháng ba năm 1979.
Trước khi tìm lại được sự bình tĩnh vào đầu năm 1976, tôi khởi sự làm hai công việc : một là tìm mọi cách để đoàn tụ với các con, hai là gửi tiền về cho chúng.
Tôi viết thư cho thượng nghị sĩ Edward Kennedy, cho vài chức sắc của Hội Đồng Tôn Giáo Hoa Kỳ (mà tôi quen) để nhờ họ đích thân can thiệp. Họ đều viết thư trả lời phải đợi có bang giao giữa hai nước. Lúc đó, không ai tiên đoán được sự ra đời của việc đoàn tụ gia đình qua một chương trình (gọi là) ra đi có trật tự (ODP = Orderly Departure Program). Muốn ra khỏi Việt Nam, chỉ có cách vượt biển.
Lúc đó cũng chưa có sự dễ dãi trong việc gửi quà hay gửi tiền về Việt Nam, tôi phải gửi tiền qua Pháp, nhờ mẹ Julie (quốc tịch Pháp) đem về Saigon. Nhưng muốn có tiền để giúp các con, tôi không thể nằm dài trong nhà sponsor được nữa. Bỏ nước ra đi, tôi chỉ có 20 US$ ở trong túi. Khi ra trại, cũng như mọi người, gia đình tôi được một số tiền trợ cấp thì Jon Carle lĩnh hộ rồi. Tôi không hề nhận được một xu nào trong số tiền đó, nhưng không bao giờ tôi có ý nghĩ mình bị lợi dụng. Trong mối liên hệ người tị nạn/người bảo lãnh có khá nhiều chuyện vui buồn tôi muốn kể ra đây :
... Một cô gái được một ca sĩ trong loại nhạc country ở Tennessee bảo lãnh rồi đương nhiên trở thành con nuôi của triệu phú đó.
... Một cô gái khác vừa về ở với sì-pông-so đầu tháng thì cuối tháng chủ nhà nhận được cái bill điện thoại 1,000 $ vì ở nhà một mình, buồn quá, cô gọi long distance cho bạn bè suốt ngày. Sì-pông-so điên lên, mời cô ra khỏi nhà ngay !
... Một số đồng bào may mắn gặp được ''sì-pông-so'' trong dòng đạo Mormon. Trước kia, dòng đạo này bị kỳ thị và bị bao vây kinh tế nên sống chặt chẽ trong cộng đồng riêng, thực phẩm bao giờ cũng chứa đầy kho. Nay người tị nạn được tiếp tế hàng tấn lương thực, khỏi phải đi chợ hàng tuần hay hàng ngày, thật là khoẻ quá!
... Một gia đình nọ được đôi vợ chồng hippie tới bảo lãnh. It ngày sau họ nhăn nhó trở về trại : nhà của sì-pông-so bẩn hơn chuồng lợn, tối tối vợ chồng hippie mời tị nạn hít cần sa. Có danh từ pông sô lủng (nghĩa là có lỗ) để nói tới những người tị nạn không may như vậy. Sì-pông-so (sponsor) nghe gần giống pông-sô (poncho = cái bạt che mưa).
Ở chung với ''sì-pông-so'' John và Joyce Carle, chúng tôi làm cho họ thay đổi ít nhiều trong cách sống. Khi trước, họ có cái lối ăn không hết thực phẩm là đổ ngay vào thùng rác. Vợ tôi phụ bếp với Joyce, với số tiền đi chợ hằng tuần của họ, bây giờ có thể nuôi ăn cho cả hai gia đình Carle-Phạm. Tiền điện nước không tăng dù có thêm người ở, vì tôi không chịu nổi sự phung phí của gia đình này, cứ tối đến là cả nhà bật đèn sáng trưng. No way ! Không có ai ở trong phòng là tôi tắt đèn ngay.
Có bạn Mỹ để sớm tối trò chuyện, tôi cũng vơi được nỗi buồn riêng nhưng tôi gặp luôn một tai nạn ! Cũng như đa số người Mỹ, vợ chồng nhà này uống rượu kinh khủng. Ban ngày còn khá, vào buổi tối, khó lòng ngồi nói chuyện với họ được. Họ lè nhè làm tôi bực bội. Muốn bỏ đi ngủ nhưng lại sợ mình vô lễ. Nghiện rượu là quốc bệnh của Hoa Kỳ vì người Mỹ cô đơn khủng khiếp. Jon và Joyce rất ít bạn. Trong 9 tháng sống ở đây, tôi chỉ thấy họ tiếp khách vài lần. Một người bạn chung là Tướng Samuel Wilson (khi trước làm cố vấn ở Long An, bây giờ điều khiển cơ quan DIA tại Washington D.C.), một hôm về chơi Fort Walton Beach, thấy tôi buồn thì an ủi :
- Buồn làm gì, Fam Zwee ? Sao ''zu'' không coi như đi du học rồi ít lâu nữa sẽ trở về Việt Nam...
Sĩ quan tình báo cấp cao này nói khá đúng : 15 năm sau, cửa Việt Nam hé mở và tôi ung dung trở về...
Có chúng tôi tới ở chung, Jon và Joyce vui ra mặt. Thấy tôi sống điều độ, không rượu, không thuốc lá, họ muốn chừa rượu hay uống ít đi. Họ cưng chiều lũ con tôi - chúng gọi Joyce là Mommy Two - nhưng có lần họ quá say và to tiếng với Thái Hiền. Khi tỉnh rượu, nhớ ra chuyện vợ chồng tôi ngăn không cho con phản ứng mạnh, họ khâm phục người Việt điềm tĩnh và lễ độ, dù đang sống trong cảnh nước mất, nhà tan, xa con... May cho họ đấy, họ không biết có trường hợp người tị nạn quá đau khổ nên mắc bệnh tâm thần, hay vì bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hoá sinh ra bất bình rồi đánh sì pông so sứt đầu bể trán.
Trước khi thấy cần phải làm ra tiền để cứu các con, tôi rất nhàn rỗi. Các con nhỏ Thảo, Đức, Hạnh vừa ra trại là đi học ngay. Đức mới10 tuổi vào lớp học là khóc hu hu vì không hiểu gì hết. Nhưng chỉ ít lâu sau là các con tôi trở thành Mỹ con ngay...
Để có tiền tiêu vặt, Hiền phải đi làm trong một tiệm chuyên bán các loại trứng chiên từ 11 giờ đêm tới 4 giờ sáng. Tôi đưa đón các con đi học và đi làm nên cũng bớt phải ngồi (hay nằm) một mình để nhớ nhung, buồn bã, đau khổ...
Sau khi liên lạc được với các con và quyết định làm ăn sinh sống, tôi ngửi thấy mùi thèm nghe nhạc của người tị nạn. Mang theo dăm bẩy cuộn băng cassette với những chương trình như Trường ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Viêt Nam, Đạo Ca, Tình Ca Tuổi Trẻ... tôi quyết định ''mở '' nhà phát hành băng nhạc, bán theo kiểu mail order. Với 200 đôn của một thiếu phụ Mỹ ở Wisconsin gửi tặng, tôi mua hai cái máy cassette nhỏ rồi chỉ cần một sợi dây cable là tôi hoàn thành một món hàng đáng giá 5 đôn trong 60 hay 90 phút. Bìa băng là giấy trắng với tên bài bản được viết tay hay đánh máy. Trừ đi tiền băng trinh và tiền gửi, bán được một băng là lãi được ba đôn. Băng cassette bán chạy đến độ tôi phải mua ngay một máy sang băng với tốc độ nhanh hiệu Wollensak, chỉ cần hai phút là sang xong hai cuộn băng.
Rồi tôi soạn ba cuốn sách Tự Học Guitar và cho in với giá in rẻ nên cả bìa lẫn ruột đều xấu xí. Tuy vậy, bộ sách này bán rất chạy vì dễ hiểu, dễ học. Ngoài những bài dạy nhạc lý, trong sách có nhiều bài hát quen thuộc. Sách có băng cassette đi kèm để giúp người học thực tập. Tôi nhận được thư khen của vài người học đàn tuổi đã ngoài năm mươi.
Có tiền, tôi mua một xe Volkwagen nhỏ để, trước hết, đi tới làng chài của người tị nạn mua tôm đem về luộc ăn. Fort Walton Beach và những thị trấn phụ cận là vùng đánh cá nên dân chài Việt Nam tới sinh sống khá đông. Trong số hơn 100,000 người Việt di dân qua Mỹ, người đánh cá là lớp người thành công nhanh nhất. Chẳng cần phải học nghề hay học chữ, tới định cư ở thành phố biển nào là mua tầu ra khơi hành nghề ngay. Một là quá thành công 2 vì siêng năng, hai là ít tôn trọng luật lệ về chài lưới nên họ tạo nên sự ghen ghét của dân đánh cá người Mỹ vốn có sẵn chất kỳ thị trong máu. Xẩy ra những cuộc ẩu đả, đấu dao, đấu súng làm cho nhà chức trách địa phương cùng với đại diện người Việt phải mất nhiều thời gian mới giải quyết xong những mâu thuẫn to nhỏ 3.
Có xe hơi là có thể đi thăm người thông gia là bà Tường. Bà này là chị của ca sĩ Tâm Vấn và là mẹ vợ của một con trai tôi (cũng vì con tôi kẹt lại trong bốn năm mà hai đứa sẽ mỗi người một ngả). Bà Tường hiện đang ở với sponsor cách Fort Walton Beach khoảng 20 miles. Tới nơi, thấy bà Tường gặp phải poncho lủng rồi! Người bảo lãnh thuộc lớp trưởng giả, đối đãi với gia đình này rất tệ. Bà Tường sẽ nhanh chóng bái bai (bye bye) cái poncho thủng lỗ này. Vợ chồng tôi có ý định cộng tác với bà thông gia để mở tiệm cơm vì bà ta có tài nấu bếp thật là tuyệt diệu. Tôi đã xin tài liệu về nghề mở restaurant, nếu tôi không tiếp tục nghề nhạc thì chúng tôi và bà Tường đã mở hàng ăn và đã giầu to. Hay đã vỡ nợ rồi !
--------------------------------
1 Có duyên với Walt Disney nên khi ''mu'' về California, tôi được ở ngay cạnh ''thiên đường làm bằng máy điện tử '' mang tên Disneyland.
2 Về sau người ta thường bỏ dấu để gọi người ''đánh cá'' là ''danh ca''. Có lẽ vì danh ca cũng chẳng cần học hành mà vẫn dễ dàng thành công.
3 Cuộc chiến giữa da trắng, da vàng trong nghề biển này khiến cho đạo diễn nổi danh người Pháp Louis Malle kéo cả đoàn quay phim tới vùng Texas để thực hiện cuốn phim thương mại PORT ALAMO. Phim này không thành công vì truyện phim cũng như diễn viên quá dở.
Trèo lên quán giốc, ngồi gốc cây đa
Ai sui ối a cho ta đi hát...?
Dân Ca Cổ Việt Nam
Tới lúc này, có thể nói rằng vợ chồng Jon và Joyce Carle giúp tôi đứng dậy. Dù đã khởi sự hồi sinh sau khi liên lạc được với các con, rồi làm nghề bán băng và sách dạy nhạc để có tiền gửi về Saigon (tính cho tới tháng 4-76, tôi gửi cho các con được khá nhiều tiền, quà và thuốc men) nhưng tôi chưa đích thực sung mãn.
Tôi vẫn còn phải uống thuốc trừ lao và bị thuốc làm mệt. Vết thương trong phổi luôn luôn khiến tôi khạc ra máu. Thỉnh thoảng (nhất là khi thư Saigon tới chậm) tôi mất tinh thần (depressed). Tôi mất ngủ thường xuyên. Những khi mót tiểu vào quá nửa đêm, ngại không muốn từ phòng ngủ/garage ở sau nhà đi vòng qua bếp vào phòng tắm, bèn (xin lỗi) vạch quần đứng đái ở sân cỏ. Nhìn xa nhìn gần thấy đèn đường, đèn chợ sáng trưng, gió biển thổi tới, có tiếng nhạc đâu đây, có tiếng phi cơ bay ngang... thấy đời đẹp quá, tôi muốn gào lên :
- Trời ơi ! Sao tôi khổ đến thế này ?
Sự xuống giốc trong tôi còn được thể hiện ra bằng sự bất lực trong tình dục. Đã mất gần hết, tưởng rằng còn cái này, ai ngờ mất nốt! Sẽ còn lâu lắm dục tính mới trở lại trong tôi để tôi lại mê gái và thèm gái như xưa.
Vợ chồng Carle giúp tôi đứng dậy nghĩa là trước tiên họ giới thiệu tôi và Thái Hiền đi hát tại vài ba nơi ở chung quanh Fort Walton Beach.
Rồi họ vận động ráo riết Lực Lượng Đặc Nhiệm Tị Nạn trả tiền cho vợ chồng tôi và Thái Hiền đi hát giải trí cho dân tị nạn ở các trại chưa đóng cửa, như Fort Chaffee, Indiantown Gap. Đề nghị này được Bộ HEW chấp thuận ngay. Tôi được lĩnh một ngân khoản lớn là tiền lương và tiền mua sắm một hệ thống phát thanh rất to, rất nặng. Đã quá 50 tuổi rồi mà vợ chồng tôi vẫn phải khiêng đồ đi hát như ban nhạc trẻ.
Mùa hè 1976, chúng tôi đi lên đường lưu diễn, kéo Khánh Ly đi theo cho chương trình thêm xôm tụ. Chưa bao giờ tôi có một đêm ca diễn với thính giả đông đảo như tại Fort Chaffee này. Mấy ngàn người hãy còn ở trong trại, chưa phải lo tới đời sống hằng ngày, chỉ ngồi nhớ nhà, nhớ nước, nay được nghe bài hát quê hương thì họ vỗ tay vang trời. Tôi khoái trá, bèn phun ra một bài tục ca khiến cả hội trường cười vang như sấm sét. Người Mỹ nhốn nháo nhờ người Việt cắt nghĩa tùm lum.
Gặp các bạn cũ như T.T. Thích Giác Đức, Trần Văn Ân... ở trại tị nạn, ai cũng có vẻ cảm thương cho cảnh ngộ bị kẹt con và sự đi hát miễn cưỡng của tôi. Họ không biết rằng khi tôi được đi hát lại, được tiếp tục ra mắt quần chúng, được khán giả vỗ tay hoan nghênh... thì tôi sẽ vượt thắng số mệnh khắt khe cho mà coi.
Thế là sau khi đi hát ở trại tị nạn, tôi đã có đủ tự tin (nhất là có đầy đủ dụng cụ âm thanh) để tiếp tục hành nghề hát rong. Tôi liên lạc với Steve Addiss, Bill Crofut, James Durst... để cùng họ đi hát tại nhiều đô thị. Chúng tôi hát ở những coffee house, ở các trường Đại Học, tại các hội quán Rotary Club, Kiwani Club v.v... dù tiền thù lao chẳng là bao nhiêu nhưng tôi rất vui vì đó là những lợi tức (income) đầu tiên của tôi trong cuộc đời mới này.
Tôi cũng học thêm được cách tổ chức đi hát (booking show) tại Hoa Kỳ để bù đắp thêm vào những kinh nghiệm mà tôi đã có khi làm việc này với gánh Đức Huy ngày xửa ngày xưa.
Rồi tới khi không còn cơ hội hát thường xuyên với các bạn Mỹ kể trên nữa thì tôi liên lạc với các cơ quan đang lo cho người tị nạn như Lutheran Service, USCC, YMCA để booking show cho ban tam ca gia đình Phạm Duy. Tôi vẽ bảng hiệu cho ban The Pham Duy Family Singers, in chương trình, soạn thêm bài bản cho vào nhạc mục.
Chương trình ca diễn song ngữ mang tên A Gift We Share/Món Quà Chung Hưởng hay là Songs For A New Land/Hát Trên Đất Mới gồm một số bài ca Việt-Mỹ (tôi gọi là vietnamerican songs) như Full Moon Fair Song (Hát Hội Trăng Rằm), The Wind On The Bridge (Qua Cầu Gió Bay), The Rosey Years (Tuổi Hồng), Little Boy ! Catch A Cricket ! (Bé Bắt Dế), Young Girl With Skin Like Gold (Người Con Gái Việt Nam Da Vàng), One Day, One Life (Một Ngày Một Đời), God Bless America (Chúa Ban Phước Lành), Việt Nam Việt Nam v.v...
Chương trình này được ngay sự bảo trợ của Ron Luce trong tổ chức YMCA (anh này không có họ hàng với Don Luce của phong trào phản chiến) và chúng tôi đã tới hát ở nhiều nơi trên đất Mỹ... như tại các trường Đại Học ở Illinois, South Dakota, New Jersey, New York, Virginia, North Carolina và Georgia v.v...
Đã đến lúc chúng tôi phải làm một tờ brochure với ảnh đẹp để quảng cáo...Ảnh do Ron Luce thuê nhiếp ảnh gia Mỹ chụp.
Vấn đề Việt Nam vẫn còn nóng bỏng, tuổi già, tuổi trẻ Hoa Kỳ đều cảm động khi được nghe những bài hát mang nhiều tâm sự người tị nạn.
Vinh dự nhất là buổi trình diễn tại Oliver College (Michigan) trong ngày kỷ niệm 200 năm thành lập Mỹ Quốc. Trường Đại Học này tổ chức một đại hội ba ngày mang tên EXPRESS AMERICA, có sự tham gia của nhiều nhóm diễn giả, văn sĩ, nghệ sỹ Mỹ dưới sự chủ toạ của bà Tổng Thống Carter. Là đại diện lớp người di dân mới nhất, sự góp mặt của chúng tôi vào chương trình này rất có ý nghĩa.
Sau đó, Toà Bạch Ốc cũng ủng hộ tôi qua tờ chương trình của buổi diễn ở Dothan (Alabama) trong đó có thư giới thiệu The Pham Duy Family của cố vấn Tổng Thống là Hamilton Jordan. Tới buổi diễn tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dưới sự chủ toạ của bà giám đốc Task Force Julia Taft, vô tình chúng tôi trở thành một phái đoàn ngoại giao (!) của nước Việt Nam Hải Ngoại.
Các tổ chức tôn giáo cũng mời chúng tôi tới hát trong phạm vi của những community concerts nghĩa là hát cho cộng đồng của họ nghe. Chúng tôi cũng tham dự vài Đại Nhạc Hội Dân Ca (festival) ở Petersburg (New York) và ở Deerfield (Illinois).
Đi tới bất cứ nơi nào, chúng tôi cũng được mời xuất hiện tại các Đài Truyền Hình địa phương. Và thường thường chúng tôi được sống vài ngày trong những khách sạn rất đắt tiền, như Hotel Hilton chẳng hạn. Sống tại khách sạn cực kỳ lộng lẫy này, tôi tưởng mình là triệu phú !
Cũng có khi được mời tới ở chung với người Mỹ và được coi như bạn thân ngay, dù mới quen nhau. Người Mỹ với tính tình cởi mở, thích kể chuyện tâm sự, coi người nghe như bác sĩ chuyên về phân tâm học vậy. Họ cũng thích tổ chức tiếp tân, do đó chúng tôi được giao thiệp với đủ mọi giới, từ chính trị gia tới văn nghệ sĩ, từ giới thượng lưu tới giới trung lưu và có dịp hiểu biết thêm về con người, cảnh vật và cuộc sống ở nước Hoa Kỳ rộng lớn này. Nói chung, cảnh vật ở đây quả là vĩ đại, con người thật là hào phóng, cuộc sống rất là dễ dàng. Nếu có ngày nào được trở thành công dân nước này, tôi cũng sẽ chẳng có một tí ti mặc cảm nào cả...
Những buổi hát cho người Mỹ nghe rất thành công làm tôi vững dạ. Tôi tính tới chuyện đi hát cho người Việt nghe.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét