Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

HỒI KÝ PHẠM DUY - TẬP II - PHẦN II

Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương bảy

Từ chàng ra đi
Lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ...
Chinh Phụ Ca
Trong một Hà Nội rất vui vì những sinh hoạt văn nghệ do chính quyền chủ trương hay do tư nhân đảm trách như vậy thì tình hình chính trị ở trong nước thay đổi.
Qua tới năm 1946 tình hình có vẻ gay go hơn lúc Cách Mạng mới thành công. Từ Saigon, Pháp mở rộng được vùng chúng chiếm đóng. Ông Hồ Chí Minh gửi Nguyễn Bình vào Nam để chỉ huy cuộc chiến tranh du kích lúc đó được gọi là "Kháng Chiến Nam Bộ". Tướng Leclerc cho tầu chiến chở đầy quân lính ra đậu ở Vịnh Bắc Việt với sự đe doạ đổ bộ vào miền Bắc để thay thế Quân Đội Tưởng Giới Thạch đã làm xong nhiệm vụ tước khí giới Nhật Bản và đang từ từ rút quân về Tầu. Để tránh một cuộc chiến tranh trên toàn quốc, ngày mùng 6 tháng 3 năm đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà bằng lòng ký với Pháp một Hiệp Định Sơ Bộ. Lính Pháp kéo vào miền Bắc, đóng quân ở một số tỉnh lỵ. Rồi Pháp và Việt Nam còn mở ra những Hội Nghị ở Dalat (tháng 4 và tháng 5, 45) và Hội Nghị Fontainebleau tháng 7 và tháng 9, 45) để cố tìm ra giải pháp hoà bình.
Sống trong một Hà Nội bị nung nấu bởi thời cuộc như vậy, tôi vẫn nhớ tôi là người có vinh dự hiện diện ở miền Nam khi tiếng súng Nam bộ đầu tiên nổ lên để chống lại cuộc tái xâm lăng của quân viễn chinh Pháp.
Dù khi đó tôi chỉ là một anh dân quân cầm gậy tầm vông đứng gác ở Cầu Kiệu hay một anh du kích vô danh ở Gò Vấp sau đó, chạy giặc nhiều hơn là đánh giặc. Tuy xa miền Nam, tôi vẫn luôn luôn theo rõi tình hình ở trong đó. Tôi rất thù ghét những kẻ theo Tây để lập ra Nam Kỳ Quốc như Nguyễn Văn Thinh chẳng hạn. Ngứa mắt vì sự có mặt của lính Pháp ở trên đường phố Hà Nội, tôi còn cho rằng nhóm chống đối kết tội Việt Minh "bán nước" là đúng. Tôi bực mình khi thấy những lính Pháp mà mình đã chống lại họ cách đây không lâu bây giờ lại được Chính Phủ cho đóng quân ở đây, có biết đâu rằng làm chính trị là phải gian manh, Việt Minh hoà hoãn với Pháp để rảnh tay tiêu diệt các đảng đối lập.
Rồi ngẫu nhiên tôi gặp lại Phạm Thanh Liêm, chủ tịch U±y Ban Kháng Chiến Gia Định, người đã ký cho tôi cái chứng minh thư để tôi ra Bắc. Phạm Thanh Liêm từ một chiến khu ở miền Nam trở ra Hà Nội để báo cáo tình hình Nam Bộ với Trung Ương. Gặp tôi, sau những chuyện hàn huyên thông thường, anh nói:
-- Cậu thích "zô" lại trong Nam để kháng chiến không?
-- Zô thì zô.
Tôi nhận lời ngay vì hai lý do: một là tôi sốt ruột vì cái tình hình ở đây chẳng ra ngô ra khoai gì cả; hai là tôi coi như mắc nợ với Phạm Thanh Liêm khi cầm trong tay cái chứng minh thư công nhận mình là U±y Viên liên lạc và bây giờ thì tôi cần phải trả cái nợ này.
Khi Phạm Thanh Liêm ra Bắc thì được Trung Ương mời giữ chức Giám Đốc Trường Quân Chính ở Bạch Mai. Nhưng anh ta không nhận và chỉ muốn xin thêm cán bộ để tiếp tục trở vào Nam chiến đấu. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đồng ý và cho anh ấy toàn quyền chọn người vào học một lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Tôi là người đầu tiên mà Phạm Thanh Liêm chọn để vào học trong lớp này. Trại học là Trại Lính Khố Xanh cũ. Trại trưởng là Thiếu Tá Lê Hiến Mai -- mà chúng tôi sẽ gọi là Lê Mái Hiên vì hàm răng rất vẩu của ông -- có giảng viên như Lý Ban, người của Đảng Cộng Sản Tầu được cử qua giúp Việt Minh và tới dạy chúng tôi về quân sự. Các giảng viên khác như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giầu, Dương Đức Hiền thì tới dạy về chính trị. Tôi còn nhớ Dương Đức Hiền nói nhiều đến nỗi xùi cả bọt mép. Thầy Võ Nguyên Giáp thì vẫn nói rất hay giống như khi thầy dạy tôi về môn Sử- Địa ở trường Thăng Long trước đây. Sau một tháng huấn luyện, mỗi đứa trong chúng tôi được phát một bộ quần áo cán bộ với một chiếc mũ ca-lô có đính huy hiệu sao vàng. Lúc đó chưa có nón cối và dép râu.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương tám
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến...
Xuất Quân
Vào mùa Xuân 1946, một chuyến xe lửa xuyên Việt đưa 13 anh thanh niên Hà Nội đi làm người hùng của thời đại. Đó là An Ngọc Phi, Nguyễn Huy Thọ, Kiểm, Thiệp, Chất, Công... và những người mà tôi đã quên tên.
Chỉ mấy tháng sau đó, trong toán người được gọi là "Đoàn Cán Bộ 13" này, chỉ còn vài mạng sống sót. Bây giờ tôi còn nhớ được mặt Thọ, cậu cán bộ Việt Minh có nét mặt như con gái và có giọng hát hay, đó là nhờ Phạm Thanh Liêm có bức ảnh của anh ta. Về sau Thọ làm Tham Mưu Trưởng cho một Khu Trưởng ở Nam Bộ rồi chết vì bệnh lao. Nguyễn Thúc Công, một hoạ sĩ hiền lành là một đồng chí luôn luôn ở gần tôi trong những công tác thông tin và tiếp vận. Trong đoàn còn có một anh cán bộ tên là Chất về sau làm nghề chụp ảnh dạo ở trên đường Catinat, sau bao nhiêu năm tháng trôi qua, sau bao nhiêu biến thiên lịch sử, mỗi lần gặp tôi lại như là muốn khóc.
Thế nhưng vào lúc khởi hành của cuộc Nam Tiến này, chúng tôi vui lắm. Trên tầu hoả, được đồng bào đi cùng chuyến tầu rất quý mến và tiếp tế đồ ăn lu bù, chúng tôi hát vang những bài như Chiến Sĩ Hải Quân, bài hát được soạn ra khi Quân Đội Việt Nam chưa có một cái ca nô hay một chiếc thuyền buồm nào cả. Hay hát bài Không Quân Việt Nam nhưng rồi sẽ phải đi bộ dài dài sau khi tầu hoả ì ạch tới được nhà ga cuối cùng là Nha Trang. Thật là lãng mạn. Tôi cũng nổi hứng soạn ngay khi còn đang ngồi trên chuyến xe lửa này một hành khúc là bài Xuất Quân:
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành...
Về sau, mỗi lần hát hay nghe lại bài này, tôi đều thấy những người bạn trong đoàn cán bộ 13 này hiện hồn ra trước mắt tôi...
... Vào tới quá Nha Trang, chúng tôi phải xuống tầu để đi bộ vì đường xe lửa bị phá hủy. Suốt dọc dường từ đó vào tới chiến khu Nam Bộ, chúng tôi đi qua những xóm dừa đã trở thành điêu tàn không phải vì quân Pháp tới đánh phá mà vì dân chúng tuân theo triệt để chính sách "tiêu thổ kháng chiến". Trước đây, khi đi theo gánh hát, tôi chỉ nhìn thấy khía cạnh no ấm và vui chơi của dân chúng miền Nam. Bây giờ, lòng tôi se lại khi thấy cảnh vườn hoang nhà nát và cảnh nghèo đói của dân quê ở nơi miền Nam đã khởi sự có khói lửa rồi. Chúng tôi phải sống tự túc vì đồng bào ở đây nghèo quá, không có thể tiếp tế gạo cho cán bộ được nữa. Nhiều ngày tôi chỉ ăn toàn đu đủ, khi đi đại tiện thấy phân vàng khè, sợ quá. Có lần anh em bắt được một con chó và đem luộc để ăn. Tôi thà nhịn đói...
Tôi được gửi về chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu dưới quyền chỉ huy của Trịnh Ngọc Hiền, nguyên Tư Lệnh "Thân Binh", một bộ phận quân sự trước đây lo việc bảo vệ Nam Bộ Phủ. Sau khi Saigon bị Pháp chiếm, Trịnh Ngọc Hiền đem quân ra lập chiến khu ở miền Đông Nam Bộ này. Bộ chỉ huy được đặt ở vùng Đất Đỏ. Tôi được giao phó nhiệm vụ thông tin, liên lạc và tiếp vận, trực thuộc Đại úy (tự phong) Nguyễn Ngọc Kỳ. Lực lượng kháng chiến tại khu Miền Đông Nam Bộ lúc đó còn mang tên là "Chi Đội Giải Phóng Quân", gồm một số người đi lính cho Pháp trước đây -- gọi là lính "thủ hộ" -- phần nhiều đã hơi có tuổi và có gia đình rồi. Cựu công chức như kỹ sư Công Chánh, phó giám đốc Bệnh Viện, giáo viên trường Tiểu Học... cũng tham gia vào tổ chức giải phóng quân này. Thương gia giầu có cũng bỏ Saigon để đi ra chiến khu. Đông đảo nhất là sinh viên, học sinh, con cháu anh em của những hạng người vừa kể. Nói tóm lại là đủ mọi tầng lớp giai cấp trong xã hội. Đặc biệt là có một sĩ quan Nhật Bản, từ một trại tù binh ở Vũng Tầu, bỏ trốn qua vùng kháng chiến, gia nhập Chi Đội Giải Phóng Quân và là người độc nhất biU±êt sử dụng khẩu súng liên thanh duy nhất của chi đội.
Ban Tham Mưu của Chi đội trước hết đóng ở thị xã Bà Rịa. Bị Pháp tấn công và chiếm tỉnh lỵ là rời đi Long Điền. Bị Pháp tới đánh nữa là lùi qua Đất Đỏ. Cuối cùng, khi Pháp đã chiếm hoàn toàn thị xã Bà Rịa và những đường giao thông chính ở chung quanh thành phố thì ban chỉ huy rời đi Xuyên Mộc. Khi còn ở tại một quận lỵ hay ở trong một làng nào đó thì có nơi ăn chốn ngủ là nhà đồng bào, nhưng khi ra tới Xuyên Mộc, tất cả mọi người phải sống ở ngoài trời, ăn ngủ ở ngay trong rừng. Lính giải phóng quân được phân tán đi đóng ở các nơi được gọi là "các điểm chiến lược" của tỉnh Bà Rịa này. Dù lúc đó Pháp tổ chức được tại những nơi chiếm đóng một số người làm tai mắt cho họ gọi là ban "hội tề" nhưng các ban hội tề này không hoàn toàn theo Pháp, chúng tôi vẫn có thể vào vùng Pháp chiếm để mua gạo, thực phẩm đem lên chiến khu. Gọi là chiến khu nhưng thực sự cả ban Tham Mưu cũng như các tổ binh lính đều luôn luôn di động, không bao giờ ở một nơi nào nhất định cả. Trừ thời gian bị truy nã riết quá, ban Tham Mưu phải leo lên đóng ở trên núi Mây Tào, một nơi cao nằm ở giữa ba tỉnh Biên Hoà, Bà Rịa, Phan Thiết. Ơ± đây phong cảnh đẹp như trong bức tranh Tầu, sau những đêm đi công tác về, tôi thường nằm ngủ ngày bên cạnh một con suối nhỏ.
Tôi không thể nào quên được những địa danh như Cầu Cỏ May, nơi chúng tôi đụng độ với lính Chà Và đội nón chóp, như Nước Nhì, Bình Ba, Long Điền, Đất Đỏ nơi tôi đi vô, đi ra như đi chợ (thật là đúng nghĩa) để làm công tác thông tin và tiếp vận. Và như Phước Bửu, một làng đánh cá nằm ở giữa Long Hải và Cù My, nơi tôi đã tới hát cho binh lính nghe vào đêm giao thừa của Tết Bính Tuất (1946).
Còn nhớ những lúc nằm cạnh thằng hoạ sĩ Công trên chiếc xe bò chở gạo, lọc cọc đi từ một cái chợ nhỏ leo lên chiến khu Mây Tào, cảnh đêm trăng trong khu rừng Đất Đỏ giống như cảnh quái dị trên một tinh cầu nào đó. Tại sao mầu trăng ở đây không trong xanh mà lại đỏ ngầu như mầu máu?
Còn nhớ trại huấn chính An Nhứt có Huỳnh Tấn Phát gầy gò cao ngẳng từ Hà Nội trở vào Nam đem theo những huấn thị của Trung Ương. Cũng có lúc tôi trút bỏ bộ quần áo cán bộ, giả dạng làm người Tầu, mặc áo khách quần đen ra chợ Long Điền nghe tin tức. Có lần tôi và thằng hoạ sĩ Công đang đi trên đường nhựa để trở về chiến khu thì thấy xe tăng Pháp ở xa chạy tới. Không kịp chạy vào rừng, chúng tôi vội vàng chui xuống nấp trong ống cống xi măng chôn ở dưới một cái cầu nhỏ. Nằm trong đó, nghe tiếng xe tăng chạy rầm rầm trên đầu, tôi cũng thấy rờn rợn.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương chín
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng...
Chiến Sỹ Vô Danh
Trong khoảng thời gian mấy tháng ở trong chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu này, tôi có được đầy đủ những niềm vui, nỗi buồn của một thanh niên tự nguyện tham gia vào một cuộc chiến đấu chung. Lúc đó, không cứ gì Mặt Trận Việt Minh hay ông Hồ Chí Minh, bất cứ một Mặt Trận nào, bất cứ một lãnh tụ nào cũng có thể đẩy chúng tôi vào cuộc chiến. Còn có thể nói hơi ngoa là chúng tôi đòi được đi đánh Tây. Và riêng tôi thì chắc chắn là tôi không bị kích thích bởi bất cứ một chủ nghĩa hay bất cứ một tham vọng nào cả. Không nhân danh một giai cấp, không ham muốn địa vị chỉ huy như đội trưởng hay chính trị viên, tôi chỉ có một tình yêu nước được nuôi dưỡng từ khi còn bé và bây giờ được dịp thể hiện mối tình đó ra một cách rất cụ thể. Không phải chỉ hô to: Đi là đi chiến đấu. Đi là đi chiến thắng. mà muốn đem thân xác, đem tính mạng của mình ra để tỏ tình. Chỉ muốn làm một người tuổi trẻ vô danh trong một cuộc chiến đấu chỉ có một danh nghĩa rất giản dị: đánh Tây, cứu nước. Trong ý nghĩ đó, tôi soạn bài Chiến Sĩ Vô Danh:
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống rồn
Trên khu đồi nương&& Im trong chiều buông.
. . . . . . . . && Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình.
Tham gia cuộc kháng chiến Nam Bộ này, tôi còn được biết thế nào là sự gian khổ của một người tay không đi chiến đấu. So với vũ khí của lính viễn chinh Pháp, chúng tôi chẳng có gì để có thể thắng họ được. Pháp chiếm đóng hầu hết các tỉnh ở miền Hậu Giang và mạnh mẽ tiến ra miền Đông. A³p dụng du kích chiến, chúng tôi làm chậm bước tiến của quân Pháp. Tôi tham dự hai cuộc phục kích, trong tay chỉ có khẩu mousqueton. Có lần chúng tôi bắt được một tù binh Pháp rất trẻ. Tôi ái ngại nhìn anh ta khi được dẫn đi, nói rằng đem về giam tại một nơi an toàn khu nào đó. Chắc bị thủ tiêu quá.
Quân Pháp nắm được các con lộ thì tiến vào rừng làm những cuộc tảo thanh. Chúng tôi lùi dần từ Đất Đỏ, Xuyên Mộc lùi tới biên giới của ba tỉnh Biên Hoà-Bà Rịa-Phan Thiết và lên đóng quân ở trên núi Mây Tào. Bây giờ, chúng tôi lại từ đó lùi ra Mũi Né và theo dọc bờ biển lùi ra tới Phan Rang. Đội viên cứ chết dần mà quân số thì không được bổ xung gì cả.
Tôi chứng kiến những cái chết âm thầm và thảm khốc của các đồng đội. Những xác bạn, có những xác đã mất đầu vì lính Pháp (chắc gốc Phi Châu) chặt cổ mang đi hay vì thú rừng tha đi, chỉ được vội vàng vùi nông trong một khu rừng không tên không tuổi. Để không ai quên được những xác không đầu đó, tôi đã soạn bài Nợ Xương Máu :
Ai nghe không sa trường lên tiếng hú
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên&& Đi lang thang tiếng cười vang rú&& Xác không đầu nào kia?
Lúc đó, tôi cũng ý thức được vũ khí để đánh Tây còn có thể là văn nghệ. Là thơ, là văn, là họa, là nhạc, là kịch. Trong trường hợp ở cái chiến khu cứ bị co dần là chiến khu miền Đông của tôi lúc này, làm gì có được nhà văn, nhà thơ, họa sĩ hay đội kịch đi theo? Chỉ có tôi để trang bị vũ khí tinh thần cho anh em bằng những bài hát yêu nước. Hơn thế nữa, tôi làm luôn công việc dân vận bằng âm nhạc nữa. Ngoài nhiệm vụ thông tin, liên lạc, tiếp vận, tôi là cán bộ văn nghệ độc nhất của chiến khu.
Làm sao quên được những đêm trong khu rừng miền Đông, có ngọn lửa chập chờn soi những khuôn mặt trẻ măng, có tôi hát những bài Nhớ Chiến Khu, Côn Đảo... những bài hát trước đây tôi chỉ hát để mua vui cho thính giả tại những phòng trà Hà Nội và bây giờ bài hát mới thực sự có sự sống.
Nhớ tới bãi biển đêm trăng khi tôi hát bài Chiến Sĩ Hải Quân cho dân chài ở Mũi Né nghe. Thật là chuyện khôi hài vì bài hát "lính thủy hào hoa" này nói tới chuyện ra đi không vương thê nhi đâu có phù hợp với hoàn cảnh thực tế? Vậy mà dân chài Mũi Né vẫn khoái những câu:
Toán chiến sĩ Hải Quân ra khơi hôm nay
Bờ nước Nam... && Cũng ở trên một bãi biển, lần này là bãi biển ở gần Phan Rang, sống tại nhà của đồng bào có cô con gái rất xinh, bởi vì bây giờ -- than ôi -- tôi cần phải giữ "đạo đức cách mạng" cho nên tôi chỉ soạn ra một bài hát rất dụt dè là bài Cây Đàn Bỏ Quên bịa ra chuyện tôi đến chơi tại nhà cô em rồi ra về mới nhớ rằng quên cây đàn:
Hôm sau tôi đến nhà em
Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi?
Bông hoa trên phím tươi cười
Người tiên tặng đoá hoa đời xinh xinh.&& Rồi tôi còn thắc mắc không biết cô gái -- hay người đời -- yêu tôi hay chỉ yêu nhạc của tôi mà thôi? Câu hỏi còn theo tôi tới già:
Người ơi tôi thường hay muốn biết
Yêu tôi hay yêu đàn?
Mới đây gặp lại Hoàng Xuân Yên tức Hoàng Xuyên, hiện nay là Hội Trưởng Hội Cao Niên ở San Jose, California. Anh này nhắc tới cái buổi gặp tôi ở Đất Đỏ thuộc chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu. Vào lúc Cách Mạng thành công ở Saigon Hoàng Xuân Yên làm U±y Viên Cảnh Sát trong ỵUy Ban Hành Chánh Tỉnh Gia Định. Cũng bị Pháp đánh bật ra khỏi Nam Bộ, trên đường trở ra Bắc, anh ta gặp tôi đang công tác ở Đất Đỏ. Lúc đó không hiểu tại sao mà chúng tôi lại hát cho Hoàng Xuân Yên nghe lời ca nhại bài Tiến Quân Ca như sau:
Đoàn quân Việt gian (?) đi sao mà chướng thế
Bước không đều nghênh ngang trên đường vào Nam
Cờ không có...
Phải công nhận lúc đó chúng tôi rất tếu. Có lẽ lúc đó chúng tôi không thần thánh hoá vấn đề đánh Tây lắm đâu. Vẫn trưởng thành trong khói lửa, vẫn học hỏi để trở thành con người mới trong xã hội mới nhưng vẫn vui nhộn. Chúng tôi mới có 25 tuổi thôi mà.
Hội Nghị Fontainebleau tan rã. Phái Đoàn Việt Nam bỏ ra về. Ban đêm Hồ Chí Minh tới nhà riêng của Bộ Trưởng Marius Moutet để ký bản Tạm Ước. Ơ± Hà Nội, Quốc Hội để nghe thuyết trình về Tạm Ước này. Lệnh ngưng bắn được ban hành ở Nam Bộ.
Cho tới đầu mùa Thu năm 46, đúng vào lúc có lệnh ngưng bắn, tôi bị thương nhẹ ở cánh tay và được phép đi Nha Trang để lên xe lửa về Bắc. Tôi ngừng chân ở Huế và ngồi chép ra 2 bài hát mà tôi đã có ở trong đầu khi còn ở trong chiến khu Nam Bộ. Một là Chinh Phụ Ca, nói tới ngày trở về của một chinh nhân:
Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Đem theo biết bao nhiêu ngày vàng.
Hai là Thu Chiến Trường. Bài này được soạn ra trong mùa Thu chinh chiến đầu tiên của đời mình, tôi đi chơi trong khu rừng Đất Đỏ miền Đông. Chân tôi đạp trên những xác lá vàng khô và bỗng nhiên tôi chú ý lắng tai nghe tiếng lá sột soạt dưới chân mình. Thấy được sự sống và sự chết, thấy được chiến tranh và hoà bình, thấy được tình yêu và hận thù:
Thu ơi Thu, ta vỗ súng ca
Ca cho đời cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái Hoà cho muôn chúng ta.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương mười
... hoa lá quên giờ tàn
Hồn người thổn thức trong phòng loan...
Khối Tình Trương Chi
Trong khi tôi thích hoạt động hơn là suy nghĩ cho nên xung phong vào Nam để kháng chiến thì phong trào mở phòng trà ở miền ngoài vẫn tiếp tục bành trướng. Trên đường trở ra Hà Nội, tôi dừng chân tại Huế...
... Ơ' đây bây giờ có nhà hàng Tam Tinh là nơi mướn ca sĩ tới hát giúp vui như nữ ca sĩ sông Hương tên là Tuyết, về sau mang tên là Ngọc Cẩm. Có thêm anh chị Quốc Thuận mở ra một phòng trà rất đẹp do hoạ sĩ Phạm Đăng Trí trang trí, lấy tên là Quán Nghệ Sĩ. Tôi được mời tới hát tại cả hai nơi này, nhưng tôi chọn Quán Nghệ Sĩ vì tại quán này tôi có thêm Bùi Công Kỳ để hát chung cho vui. Bùi Công Kỳ là người Nam Định, bạn thân của Đặng Thế Phong. Nó nói nó soạn lời ca cho bài Giọt Mưa Thu, một điều mà tôi vẫn chưa tin là đúng hoàn toàn, vì Đặng Thế Phong chết đã từ lâu, làm sao mà mình kiểm chứng được? Tôi rất yêu nó vì nó có một lối sống bất cần đời, lúc nào cũng say sưa nhưng không nát rượu. Nó có một giọng hát rất trầm và khi nó hát, nó biểu diễn bài hát như một kịch sĩ chứ không đứng hát lười biếng như một số ca sĩ khác.
Về tới Huế kỳ này, tôi có một thời gian vừa đủ để nghỉ ngơi ở bên dòng Hương Giang sau những ngày tháng gian lao ở Chiến Khu Bà Rỡia- Vũng Tầu, nhất là để cho tôi gặp gỡ một cuộc tình và soạn ra bài Khối Tình Trương Chi. Một người con gái có vẻ như một công chúa Mỵ Nương hay một tiểu thư "lá ngọc cành vàng" đang sống ở trong một dinh thự rất đẹp trên con đường lên Nam Giao đã giúp tôi cảm hứng để thay thế anh Trương Chi, hát lên cho hồn người phải thổn thức trong phòng loan...
Trở lại Huế lần này cũng còn là cơ hội để tôi gặp lại thi sĩ Lưu Trọng Lư và phổ nhạc bài thơ bất hủ của anh là bài Tiếng Thu. Lúc đó, dù đã được Cách Mạng chiếu cố, nhà thơ rất lãng mạn này vẫn còn ngơ ngác như con nai vàng mà tôi gặp ở Tourane trong thuở tôi đang đi hát rong. Còn nhớ hoài một người tình Tầu lai mà anh "tặng" tôi lúc đó như tặng một cái... bánh ngọt. Trong kỳ tới Huế này, tôi được mời tới nhà anh Lư để nghe vợ anh -- hồi đó là chị Mừng -- đánh đàn tranh.
Trong thời gian ca hát tại Quán Nghệ Sĩ, hằng ngày chúng tôi cũng phải giao thiệp với những người làm cách mạng cực đoan như Tố Hữu, Hải Triều, Nguyễn Chí Thanh... cho nên đêm đêm chúng tôi thường trình bày nhạc hùng nhiều hơn là nhạc tình. Tôi chuyên môn hát Gươm Tráng Sĩ, Chiến Sĩ Vô Danh hay Xuất Quân. Bùi Công Kỳ hát bài Quật Khởi, thơ của Phan Bội Châu do Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc. Với giọng hát ồ ồ của nó đi đôi với tiếng đàn piano loạn xạ của tôi, bài hát này đã được mọi người hoan nghênh:
Sống tranh đấu mà không sờn lao khổ
Chết anh hùng mà không khuất phục ai.
Bài hát sẽ được phổ biến rất mạnh mẽ trong dân chúng, nhất là trong
giai đoạn toàn quốc kháng chiến sau này với lời hát nhại:
Sống ăn sắn mà không thèm ăn phở
Chết trong rừng mà không có nệm bông.
Quán Nghệ Sĩ thỉnh thoảng có thêm vài ba ca sĩ tài tử tới hát chơi, ví dụ Kiều Miên. Đó một cô gái Huế rất xinh, hát rất hay và đặc biệt là tính tình rất cởi mở, khác hẳn với người con gái Huế trầm lặng của muôn thuở. Kiều Miên là lý do để cho tôi viết ra trên 20 trang giấy những ý niệm của tôi về cuộc đời, một cuộc đời dài hơn ba vạn sáu ngàn ngày mà chúng ta phải sống. Gần đây, từ Saigon, Kiều Miên gửi ra cho tôi một đoạn viết mà tôi đã tặng Nàng hồi đó. Đọc lại những câu "triết lý" rẻ tiền tôi đã viết ra ở Huế vào năm 1946, tôi thấy lúc đó tuy tôi mới ngoài 20 tuổi mà tôi đã có những ý nghĩ của một ông già. Lại còn làm thơ nữa:
Gió mưa trút xuống Hương Giang
Lòng ta dừng lại trên đàng ruổi rong.
Ra đi lưu lại chút lòng
Mong chờ có cuộc trùng phùng mai sau.
Có lẽ cũng tại vì Huế đang đi vào mùa mưa và tôi thì luôn luôn phải đệm đàn cho Kiều Miên hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong tại Quán Nghệ Sĩ. Dù Kiều Miên có nhí nhảnh và hoạt bát đến đâu th_ì cái vạn cổ sầu của người nhạc sĩ mệnh yểu này, cộng với những giọt mưa thu của Huế cũng đã bao phủ tâm hồn của tôi.
Sau khi sống một số ngày tháng dữ dằn ở chiến khu Nam Bộ, trong thời gian ở Huế này, tôi thu mình trong cái vỏ cứng của nghệ sĩ, nhưng cái không khí "cả nước ra đường" thì vẫn còn hừng hực ở nơi cố đô này. Có những buổi chiều tôi được mời tới hát ở Đài Phát Thanh cùng với các ca sĩ khác, những ống loa treo ở trước cửa Đài lôi kéo dân chúng tới đông như kiến cỏ ở hai bên bờ Hương Giang vì dân chúng đã thấy tinh thần của họ luôn luôn được nung nấu qua những bài ca Cách Mạng.
Ơ' Huế một thời gian, sau khi khán thính giả đã bắt đầu chán mình và mình cũng đã bắt đầu chán khán thính giả, tôi trở ra Hà Nội vào khoảng cuối tháng 10 năm 1946.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương mười một
Hà Nội vùng đứng lên
Sông Hồng reo
Hà Nội vùng đứng lên...
Nguyễn Đình Thi
Tại miền Bắc lúc đó, tôi thấy lính Pháp đóng đầy ở thủ đô và ở các tỉnh trọng yếu theo tinh thần của bản Hiệp Định Sơ Bộ hồi tháng 3 và của bản Tạm Ước mà ông Hồ Chí Minh vừa đem về sau sự thất bại của Hội Nghị Fontainebleau. Rất nhiều vụ lộn xộn xẩy ra giữa quân Pháp và các lực lượng Tự Vệ hay Thanh Niên Xung Phong.
Ngày 20 tháng 11, Tự Vệ ở Hải Phòng ngăn chặn thuyền chở hàng cho Pháp, khám xét và bắt đóng thuế Đoan, đồng thời bắt luôn vài người lính Pháp. Hai bên nổ súng. Pháp bị chết và bị thương khoảng vài chục người. Ban Liên Hiệp Kiểm Soát Việt-Pháp vội vàng từ Hà Nội xuống để giàn xếp nhưng tình hình vẫn rất gay go. Ngày 23, viên Đại Tá chỉ huy của Quân Đội Pháp ở Hải Phòng đòi U±y Ban Hành Chính phải rút hết Tự Vệ ra khỏi thành phố. Hai bên lại chạm súng. Chiến hạm Pháp đE°ậu ở ngoài hải cảng bắn phá dữ dội vào thành phố. Hai thằng bạn khi xưa của tôi ở Hưng Yên là Thiệp và Hoàng Thư (người ngâm thơ trong ban Tao Đàn của Đinh Hùng) đang đi công tác ở Hải Phòng thì gặp cuộc bắn phá. Thiệp bị chết. Hoàng Thư may mắn hơn, thoát nạn. Tại Lạng Sơn cũng có tiếng súng nổ giữa ta và Pháp.&& Tại Hà Nội, người già, đàn bà, trẻ em được khuyến khích để tản cư ra vùng quê. Chướng ngại vật được dựng lên ở khắp các ngã tư. Để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh trong thành phố mà ai cũng tin là sẽ xẩy ra, các thanh niên Tự Vệ được huấn luyện cấp tốc về chiến thuật chống xe tăng và xuyên ốc chiến. Có lệnh đục các vách tường thông qua từ nhà này qua nhà nọ để tiện đường giao thông khi có cuộc chiến. Vì đã từng sống những ngày hối hả, căng thẳng khi khởi đầu cuộc kháng chiến ở Nam Bộ cũng như đã nếm mùi chiến trường ở chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu rồi cho nên tôi rất bình tĩnh. Tôi tá túc tại nhà người anh rể, sống với mẹ những ngày cuối cùng của hoà bình... && ... Khoảng 6 giờ chiều ngày 19 tháng 12, tôi đang đi ở phố Huế thì gặp Văn Cao. Nó hất hàm hỏi:
-- Mày làm gì mà còn lảng vảng ở đây?
-- Không ở đây thì ở đâu bây giờ?
-- Gặp tao ở Hà Đông ngày mai, chỗ này...
Nói xong, Văn Cao đưa cho tôi một mảnh giấy và hấp tấp ra đi. Tôi đút mảnh giấy vào quần, chẳng thèm xem.
Như bất cứ hồi nào tôi trở về Hà Nội, ngoài sự tạm trú nơi nhà người anh rể, tôi thường hay tới nhà thằng bạn rất thân là Nguyễn Hiến ở đường Chanceaulme để ngủ. Nó là thằng bạn học cùng lớp với tôi ở trường Thăng Long. Nhà nó có một cái phòng rất xinh ở trên sân thượng, nơi chúng tôi hay nằm gác chân lên nhau để tâm sự. Nó thì thèm cuộc đời cô đơn và chuyển động không ngừng của tôi, tôi thì thèm cuộc đời trầm lặng bên cha bên mẹ của nó.
Vào khoảng 8 giờ tối hôm 19 đó, tôi và nó đang nằm tán phét về thời sự thì có một tiếng nổ lớn làm rung chuyển thành phố. Nhà Máy Điện bị phá hủy, đèn vụt tắt. Nổi lên những tràng súng chen với tiếng lựu đạn, tiếng mìn. Chúng tôi không ngạc nhiên vì cũng như tất cả mọi người ở Hà Nội lúc đó, chúng tôi thấy rằng việc phải đến đã đến:
-- Rồi. Đánh nhau rồi...
-- Tao đi nghe. Hiến, mày đi với tao không?
-- Tao còn ông bô bà via, đi sao được?
-- Thôi, ô voa...
Tôi không kịp về nhà để chia tay mẹ, rảo bước đi trong đêm Hà Nội căm lạnh và tối om, giữa đám đông người cũng đang hối hả tìm đường di tản, tránh đi qua những nơi có tiếng súng nổ. Nhớ tới lời dặn của Văn Cao, tôi ra Hà Đông.
Sáng hôm sau, tới điểm hẹn, tôi được đưa tới Chuà Trầm và vào làm việc với Đài Phát Thanh bí mật đặt trong một cái hang đá. Ơ± đây, trong đêm 20, ông Hồ Chí Minh lên tiếng kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tôi có vinh dự là một trong những ca sĩ đầu tiên cất lên tiếng hát tại Đài Phát Thanh bí mật này để động viên dân chúng. Tôi lại tìm thấy sự hào hùng mà tôi có trước đây khi xung phong vào Nam chiến đấu. Biết được rằng trong đêm 19 vừa qua, cũng có sự tấn công nhất loạt vào những nơi có quân Pháp đóng như Phủ Lạng Thương, Nam Định, Bắc Ninh, Hòn Gay, Cẩm Phả, Huế, Tourane, Vinh... tôi không còn bực mình như khi thấy Chính Phủ nhượng bộ Pháp trước đây. Vì làm việc ở Đài Phát Thanh, tôi cũng biết thêm là cuộc kháng chiến ở trong Nam Bộ do Nguyễn Bình lãnh đạo, sau khi có lệnh toàn quốc kháng chiến thì có thêm những cuộc tấn công dữ dội vào quân Pháp.
Từ tháng Tám 1945, tôi đã thấy không khí bừng bừng của Cách Mạng kéo nhân dân cả nước "ra đường". Từ đêm 19 tháng Chạp 1946 này trở đi -- tối thiểu cũng là kéo dài trong một thời gian 5 năm -- tôi sẽ thấy không khí rừng rực của kháng chiến đẩy toàn thể nhân dân "ra đi". Và không đi bằng phương tiện nào khác hơn là đi bộ. Toàn bộ văn học nghệ thuật của thời kỳ này, nếu cần phải định nghĩa thì phải nói rằng đó là một nền văn học nghệ thuật được xây dựng trên cái nền "xuống đường" và "khởi hành" của toàn dân Việt Nam. Hồi Ký này cũng chỉ mong nói cho những thế hệ đi sau thấy được điều đó.
Trong thời gian ngắn ngủi ở Đài Phát Thanh, tôi hát những bài "vùng đứng lên" như Hồn Việt Nam, Gươm Tráng Sĩ... là những bài của anh em trong làng Tân Nhạc soạn ra trong thời Cách Mạng. Phải đợi một thời gian -- cũng không lâu lắm -- mới có những bài nói lên sự "vùng ra đi" của toàn thể nhân dân. Tuy sống trong một cái hang ở Chùa Trầm nhưng tôi cũng hay đi chơi tại vùng quê ở gần Hà Nội này. Tôi nhìn thấy cả rừng người ở thành phố lũ lượt kéo nhau đi tản cư không lúc nào ngưng. gặp được người quen nào tôi cũng hỏi thăm về mẹ tôi. Khi được tin mẹ đang tản cư ở một làng nằm trong tỉnh Hà Nam, tôi lội bộ đi thăm mẹ và sống với mẹ một ngày. Rồi tôi từ giã mẹ để về cơ quan. Tôi không bao giờ gặp lại mẹ tôi nữa. Mẹ tôi qua đời vào năm 1950 khi tôi đang ở Việt Bắc. Không được báo hiếu khi mẹ còn sống, tôi xin được mời mẹ ngự trị trong các nhạc phẩm của tôi nói về những người mẹ như Bà Mẹ Quê, Bà Mẹ Gio Linh, Bà Mẹ Phù Sa hay Trường Ca Mẹ Việt Nam...
Sau khi làm việc tại Đài Phát Thanh được ít lâu, vì bản thân là một kẻ luôn luôn không thích chôn chân ở một chỗ cho nên nhân một hôm đi chơi tại một phiên chợ quê, tôi gặp Phạm Văn Đôn và tôi quyết định làm cuộc "khởi hành". Tôi nghe theo lời mời của anh chàng hoạ sĩ kiêm kịch sĩ Phạm Văn Đôn để gia nhập Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng do anh vừa mới thành lập dưới sự bảo trợ của Bộ Thanh Niên. Lại được đi hát rong, thú quá. Đoàn văn nghệ hiện đang trong thời kỳ tập dượt tại Sơn Tây.
Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Phạm Văn Đôn là trưởng ban kịch "Hoa Lan" và có tham vọng dựng vở Lôi Vũ của Tào Ngu, một vở kịch nổi tiếng của Trung Hoa. Một nhà đạo diễn Trung Cộng được gửi tới để giúp cho đoàn Hoa Lan dựng vở kịch này, với bản dịch của Đặng Thái Mai. Mới chỉ trình bày được có một buổi kịch kéo dài tới bốn, năm tiếng đồng hồ tại nhà Hát Lớn Hà Nội vào thượng tuần tháng 12 thì xẩy ra cuộc chiến. Thế là Phạm Văn Đôn vác cả đạo diễn lẫn diễn viên chạy ra vùng kháng chiến và đoàn kịch được Bộ Thanh Niên -- do Đào Duy Kỳ chỉ huy -- thu dụng ngay. Nhưng từ Đoàn Kịch Nói "Hoa Lan" tiến tới Đoàn Văn Nghệ "Giải Phóng", tổ chức kịch nghệ này cần phải có thêm những ngành khác như hội hoạ và âm nhạc.
Khi tôi tới Sơn Tây là địa điểm xuất quân của đoàn văn nghệ thì trong nhóm kịch, tôi thấy có nữ diễn viên Trúc Quỳnh, người thủ vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ và làm tôi say mê khi tôi có may mắn được coi buổi diễn độc nhất của vở kịch này. Có kịch sĩ Ngô Đặng Chinh với hàm răng ngựa lúc nào cũng cười toe toét. Trong nhóm nhạc, tôi thấy có vợ chồng Văn Chung. Đôi uyên ương này cũng kiêm luôn cả công tác diễn kịch. Có nhạc sĩ Phạm Văn Chừng (anh ruột Phạm Văn Đôn), tác giả bài Con Chim Lạc Bạn, con người lúc nào cũng ra vẻ quan trọng. Có Thương Huyền và Mai Khanh, những ca sĩ bắt đầu nổi tiếng và có Phạm Đình Viêm (tức là Hoài Trung sau này) lúc bấy giờ mới chỉ là mầm non nghệ sĩ nhưng có biệt tài vừa đóng kịch vừa hát được đủ các loại ca, từ những bản nhạc hùng cho tới những bài hát khôi hài. Đoàn "Giải Phóng" là đoàn văn nghệ kháng chiến đầu tiên có một tổ chức rất quy mô. Ngoài phần kịch và nhạc ra, còn có cả môn hội hoạ kháng chiến nữa. Một thằng bạn học cùng lớp với tôi ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm xưa là hoạ sĩ Quang Phòng, cùng với hoạ sĩ Phạm Văn Đôn, lo vẽ những bức tranh kêu gọi toàn dân kháng chiến. Những đình chùa và trường học ở trong các làng mạc Việt Nam lúc đó, ban ngày là những phòng triển lãm, ban đêm trở thành những hí trường.
Tập dượt trong một thời gian ngắn, đoàn văn nghệ ra mắt tại Sơn Tây rồi từ đó đi dần dần qua Phúc Yên tới Vĩnh Yên.
Về phần kịch, có vở Trả Con Tôi Đây, hình như phóng tác từ một kịch bản của Trung Cộng, đưa ra nhân vật chính là một thiếu phụ đã hoá điên khi chồng và con bị giặc Pháp giết. Nàng đi giữa cảnh hoang tàn để khóc gào và đòi mạng đứa con đã chết. Có lẽ ở ngoài đời nữ diễn viên Trúc Quỳnh là một người đàn bà không được thoả mãn về tình cho nên khi đóng vai người điên thì nàng biểu lộ được tất cả những cá tính của một người bị chứng loạn thần kinh (hystérie). Nhân vật người điên đã từng được Hoàng Cầm đưa ra trong vở kịch thơ Kiều Loan rồi sau này còn được Hoàng Thi Thơ đưa ra trong hoạt cảnh Cô Gái Điên nữa. Phải chăng các kịch tác gia của thời đại đều đã bị một nhân vật điên trong một vở hát điên dại khác là Vân Dại ở Sân Khấu Chèo Cổ ám ảnh chăng? Phải công nhận rằng với sự giúp đA°ơ của tay đạo diễn Trung Cộng và với tài năng tuyệt vời của Trúc Quỳnh, vở Trả Con Tôi Đây là một thành công rất lớn của đoàn văn nghệ kháng chiến. Ngoài vở kịch gây căm thù và nung nấu tinh thần chiến đấu của toàn dân đó, đoàn văn nghệ còn đưa ra vở hài kịch Thằng Thộn để hưởng ứng phong trào truyền bá quốc ngữ, với chuyện một anh con trai đi hỏi vợ, do Phạm Đình Viêm đóng, nhưng vì mù chữ cho nên chẳng có ai thèm lấy làm chồng cả. Cả hai vở kịch đều rất dễ hiểu và làm cho khán giả nông dân rất thích thú, coi như đã đáp ứng được khẩu hiệu "đại chúng hoá" mà những nhà lãnh đạo đưa ra lúc đó.
Về phần nhạc, Văn Chung phổ nhạc một bài thơ của thi sĩ Nga Sô Simonov với lời dịch của Tố Hữu nhan đề Đợi Anh Về. Bài này phải hát với nhiều bè thì mới lột được cái hay của nhạc phẩm. Phạm Văn Chừng rất chăm chỉ trong việc tập dượt hát bè cho các ca sĩ. Về phần tôi thì khung cảnh toàn dân lên đường đi kháng chiến khiến cho tôi có nhiều cảm hứng. Vì nằm trong một tổ chức của Bộ Thanh Niên. tôi phổ nhạc một bài thơ của ông Bộ Trưởng Đào Duy Kỳ nhan đề Thanh Niên Ca. Rồi theo cái đà đó, tôi soạn thêm mấy bài thanh niên ca khác như Nhạc Tuổi Xanh, Thanh Niên Quyết Tiến và Về Đồng Hoang. Bài Nhạc Tuổi Xanh lập tức được mọi người hát ngay vì nó nói lên lòng tự tin của thanh niên vào lúc đó:
Cùng đi. Đem máu lên đỏ ngọn cờ (ớ ơ)
Cùng đi. Đem sức trai đổ xuống bờ, bờ ruộng xanh
Tôi cùng anh, ta tranh hùng chờ ngày hoà bình
Nồng nàn sống (ư) vui tuổi xanh.
. . . . . . . . . . . .&& Đường ta, ta cứ đi. Nhà ta ta cứ xây.
Ruộng ta, ta cứ cầy đợi ngày,
Ngày mai bao ấm no, diệt xong quân Pháp kia,
Cười vang ta hát câu TƯ´ DO.
. . . . . . . . . . . .
Tôi còn nhớ là khi tôi soạn bài Nhạc Tuổi Xanh này, tôi đang đi trên một cánh đồng mà lúa đã mọc cao, tôi phải giơ hai tay ra để rẽ lúa mà đi. Những làn sóng lúa thơm như ôm lấy tôi, phả hương lúa vào tôi, vuốt ve tôi bằng những cành lúa. Tôi cũng như muốn ôm cả cánh đồng lúa vào lòng mình... Tôi cho rằng hành khúc trong thời gian này của tôi -- cũng như của các bạn nhạc sĩ khác -- ngoài tính chất hoan ca ra còn được tưới thêm rất nhiều tình cảm của thiên nhiên -- sentiment de la nature.
Những bài hát soạn cho thanh niên như bài Nhạc Tuổi Xanh này và những bài thanh niên ca khác không còn dữ dội như những bản nhạc hùng mà tôi soạn ra khi còn ở trong chiến khu Nam Bộ. Bây giờ nó muốn mang vẻ tươi mát như mầu xanh của tuổi trẻ. Vả lại, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, toàn dân đều hứng khởi và ủng hộ cuộc chiến, lòng ai cũng như muốn reo lên một niềm vui trong chiến đấu, do đó mấy bài thanh niên ca của tôi -- cũng như những bài của các nhạc sĩ khác -- đi vào quần chúng rất nhanh. Bài Về Đồng Hoang thì nói lên nỗi vui của thanh niên khi...
... Từ phố phường rời ra thôn quê
Anh em ta quyết chí về đồng hoang.
Đem máu căm hờn về đồi nương
Dưới thôn ta xây hầm, lập bao chiến khu vững bền.
Đồng ruộng kia ta gieo căm thù
Để mọc lên ngàn muôn cánh lúa.
Vượt đồi cao, đồng xa, vượt núi, núi non.
Nơi cô thôn, ta xây cánh đồng kháng chiU³ến.
Tuy nhiên cũng có người sợ cái "trường kỳ" của cuộc kháng chiến này rồi. Tôi còn nhớ một thiếu phụ trẻ măng khi nghe xong bài Về Đồng Hoang đã nói với tôi:
-- Anh Phạm Duy ơi. Đồng quê bát ngát... Nuôi toàn quốc đấu tranh vài năm thôi, chứ đấu tranh muôn năm thì sợ quá, anh ơi.&& Trong thời gian này, các nhạc sĩ khác cũng có chung một ý nghĩ như tôi, ai cũng muốn phản ánh việc hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người lớp lớp ra đi. Ngay từ khi có Nam Bộ kháng chiến rồi kể từ ngày toàn quốc kháng chiến trở đi, trước sau là những bài như Du Kích Ca, Tiếng Súng Nam Bộ, Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận, Đoàn Giải Phóng Quân (sau đổi là Đoàn Vệ Quốc Quân) của Phan Huỳnh Điểu, Cảm Tử Quân của Hoàng Qúy, Nhạc Đường Xa của Phạm Duy Nhượng, Hò Leo Núi của Phạm Đình Chương... tất cả đều là "nhạc khởi hành". Và đều chất chứa tình cảm của thiên nhiên chứ không còn là những hành khúc được viết ra ở trong phòng the và được hát lên ở trên phố phường như xưa nữa. Loại nhạc Cách Mạng và Kháng Chiến, ngoài nhạc tính hào hùng ra bây giờ có thêm chất lãng mạn. Đó là nhạc "Cách Mạng Lãng Mạn" .
Ngoài nhiệm vụ sáng tác bài hát tươi mát cho thanh niên, tôi còn là một ca sĩ chuyên môn hát nhạc hùng. Sân khấu kháng chiến cũng cần có những bài hát mạnh mẽ. Và bài Hồn Việt Nam, thơ của Phan Bội Châu do Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc được hát lên. Bởi vì tôi có kinh nghiệm sân khấu hơn Thương Huyền, Mai Khanh và Phạm Đình Viêm, tôi luôn luôn làm cho màn hát của mình có thêm phần ngoạn mục. Chẳng hạn khi tôi trình bày bài Giết Giặc cũng của Nguyễn Xuân Khoát:
A ha. Ta phải giết lũ tàn ác gian tham...
... thì tôi đeo một đôi găng tay đan bằng len mầu đỏ và vừa hát vừa làm những điệu bộ rất dữ dội. Trong đêm tối đen chỉ có ánh đuốc chập chờn, hình ảnh anh chàng ca sĩ trẻ, đeo kính cận thị, có đôi bàn tay như là nhuốm máu và cái miệng la hét om sòm trông cũng có vẻ mới lạ và hấp dẫn đấy chứ? Phạm Đình Viêm cũng là ca sĩ được khán giả hoan nghênh. Anh rất thành công với những "bài hát có điệu bộ" của Nguyễn Xuân Khoát như Con Voi, Con Mèo Mà Trèo Cây Cau, Thằng Bờm Có Cái Quạt Mo...Đó là chưa kể sự thành công của anh ta trong loại "nhạc hùng" dù là đơn ca hay hợp ca.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương mười hai
Cùng đi đem máu lên đỏ ngọn cờ
Cùng đi đem sức trai đổ xuống bờ, bờ ruộng xanh...
Nhạc Tuổi Xanh
Vào mùa Xuân năm 1947 này, đoàn văn nghệ của chúng tôi đang đóng quân ở Vĩnh Yên, sau khi từ Sơn Tây qua Phúc Yên để tới đây. Đã tới nơi sản xuất ra một loại sơn dầu đặc biệt của nước ta. Ơ± vùng này, trước khi tổ chức Quân Nhu gửi được người vào vùng Pháp chiếm để mua "nylon" đem ra làm áo che mưa cho bộ đội, tôi thấy người ta chế ra những tấm vải có sơn dầu không thấm nước, dùng để bọc quần áo và thức ăn khi gặp mưa.
Chúng tôi gặp cái lạnh đầu tiên trong kháng chiến. Lạnh này chưa thấm thía gì so với cái lạnh Bắc Kạn hay Lạng Sơn sau này. Nhưng bây giờ, ngoài thứ vải sơn dầu để che mưa, người đi kháng chiến có thêm cái áo trấn thủ màu xanh cứt ngựa rất giản dị và rất ngộ nghĩnh đối với thanh niên thị thành như chúng tôi. Trong cái Tết kháng chiến đầu tiên này, tôi thấy không còn gì ấm lòng hơn là được đồng bào đem đến tặng cho đoàn văn nghệ những cái bánh chưng còn nóng hổi. Tình gia đình đang thiếu thốn, có tình đồng bào đến để thay thế. Chúng tôi ngồi ăn bánh chưng ở trên ổ rơm để hưởng hương vị ngày Tết. Lúc đó đoàn văn nghệ đi tới đâu cũng thường ăn ở tại những nơi công cộng như trụ sở của Uỷ Ban Hành Chính-Kháng Chiến (gọi tắt là Hành-Kháng) đặt ở trường học hay đình chùa. Riêng tôi vì thích sống tách rời nên tôi thường tới ăn ngủ ngay ở trong nhà đồng bào. Đêm đêm tôi ngồi ở trong màn đốt nến lên để viết nhạc.
Vì luôn luôn được thảo luận với nhà đạo diễn Trung Cộng đang làm cố vấn cho Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng nên tôi được biết những nhạc phẩm của Nhiếp Nhĩ, tác giả của bài quốc ca Trung Cộng. Tôi có soạn lời ca tiếng Việt cho bài quốc ca đó và soạn luôn lời Việt cho bài Đông Phương Hồng là bài hát xưng tụng Mao Trạch Đông. Tôi còn làm lời ca tiếng Việt cho bài Quốc Tế Ca nữa. Làm lời ca tiếng Việt nhưng không phổ biến, chỉ muốn tự mình có thể hát lên những bài mình cần biết vào thời điểm đó. Nghe, ngẫm nghĩ và rút kinh nghiệm. Tôi còn tò mò muốn biết thêm về một trường ca nhan đề Hoàng Hà Đại Hợp Xướng cũng của tác giả Nhiếp Nhĩ. Tôi cũng còn muốn hiểu thêm về loại dân ca mới của Trung Cộng được gọi là ương ca. Nhà đạo diễn Trung Cộng giảng giải cho tôi nghe và chính nhờ ở những buổi học tập này mà tôi quyết định tung ra loại dân ca mới của Việt Nam, khởi đầu bằng bài Nhớ Người Thương Binh. Ngay từ lúc đó. tôi cũng nuôi ý định soạn những trường ca giống như bài Hoàng Hà Đại Hợp Xướng.
Miền trung du vào thời điểm mùa Xuân 1947 là nơi có đông đảo đồng bào ở các đô thị di tản lên. Những thành phố nấm (ville champignon = được gọi như vậy là vì mọc lên một cách rất nhanh chóng, do dân tản cư tạo ra) đã có mặt ở nhiều nơi và là những chợ trời với khá đầy đủ những đồ tiêu dùng mà người đi kháng chiến cần đến hằng ngày như sà phòng, thuốc đánh răng, kim chỉ, thuốc men... Nhất là có những quán cà phê với sữa đường và thuốc lá là những thứ mà dân tiểu tư sản thành thị đang làm việc tại các cơ quan Hành-Kháng di động lúc nào cũng thèm. Tôi hay la cà suốt ngày ở những nơi này và chỉ trở về địa điểm trình diễn vào lúc sắp khai diễn. Và tôi gặp một người bạn tên là Lý Ngọc, dân phố Bờ Hồ (sát phố Hàng Dầu của thời tôi còn thơ), đang chống nạng đi trong chợ trời...
Lý Ngọc là lính trong Trung Đoàn Thủ Đô, ở lại Hà Nội để chống cự với lính Pháp cho tới khi bị thương và bị cưa chân. Trung Đoàn Thủ Đô với các anh em thanh niên Tự Vệ giữ được Hà Nội từ đêm 19 tháng 12 năm 1946 cho tới ngày 17 tháng 2 năm 1947 mới chịu rút lui, đem theo rất nhiều dân thành phố và để lại cho Quân Đội Pháp một Hà Nội vắng tanh, đổ nát và buồn thiu. && So với thời tôi kháng chiến ở Nam Bộ, luôn luôn phải đối mặt với súng giặc, với gian lao, với cái chết... thì mấy tháng đầu của cuộc toàn quốc chiến này có vẻ thanh bình quá, nên thơ quá. Tôi thảnh thơi đi hát và soạn ra những thanh niên ca vui tươi cho đám người đang rời bỏ các thành thị ra sống ở đồng quê và đang nhìn cuộc kháng chiến đẹp như trong tiểu thuyết. Gặp Lý Ngọc, tôi có ngay đề tài mới để đưa vào một bài dân ca mới đầu tiên của nhạc Việt Nam hiện đại. Theo tôi, nhân vật điển hình và nổi bật của thời đại không phải là những thanh niên rời bỏ thành thị đi về đồng quê mà phải là anh thương binh. Có lẽ tôi là người đầu tiên đưa nhân vật điển hình này vào âm nhạc. Mấy tháng sau, trong Tuần Lễ Thương Binh, Trung Ương mở cuộc thi soạn bài hát cho thương binh, tôi có gửi dự thi bài dân ca mới của tôi nhưng bài hát bị đánh rớt bởi những ông ngồi chấm giải như Tống Ngọc Hạp hay Lưu Hữu Phước. Tôi nghĩ có lẽ lúc đó người ta còn quan niệm dân ca phải là của vô danh. Tác giả mà soạn dân ca là hỗn. Uả? Thế loại ương ca (tức là dân ca mới) của Trung Cộng là sai à?
Tôi không có thì giờ và hơi sức để cãi nhau với họ, cứ lầm lũi soạn thêm những bài "dân ca mới" khác như Mùa Đông Binh Sĩ, Ru Con, Nhớ Người Ra Đi...với quan niệm là phải làm mới loại dân ca cổ truyền. Phải phát triển giai điệu ngũ cung đang nằm chết trong một hệ thống. Phải chuyển giai điệu qua nhiều hệ thống ngũ cung khác nhau. Nói cho đúng ra, vào lúc đó, tôi soạn dân ca mới hoàn toàn với bản năng. Tôi chỉ cảm thấy phải dùng lại những điệu dân ca cổ truyền một cách khôn ngoan. Cũng may là trước kia tôi sống ở vùng Bắc Giang Yên Thế và thuộc nhiều điệu hát quan họ. Chưa kể những năm đi theo gánh hát Cải Lương tôi còn biết thêm nhiều điệu hát sân khấu và điệu hát địa phương. Tôi chưa đem lý trí vào việc sáng tác để có thể phát triển giai điệu một cách mạnh mẽ hơn nữa -- ví dụ trong các Trường Ca -- như sau khi đi học về nhạc ngữ trong hai năm ở Pháp. Tôi cũng thấy rõ ràng là 90 phần 100 đồng bào của chúng ta là dân quê cho nên đưa ra hình thức dân ca mới vì tôi cho rằng quân ca hay thanh niên ca chỉ phản ảnh tâm tình của tuổi trẻ thuộc lớp thị dân mà thôi. Dân ca mới phản ánh được tâm tình của dân quê. Tôi đã quyết định ngay từ lúc đó là cùng tiến lên với nhân dân. Nhất định không đưa ra những hình thức âm nhạc xa vời đối với nhân dân.
Tuy nhiên, trong đoàn văn nghệ Giải Phóng, với sự có mặt của những nhạc sĩ như Văn Chung, Phạm Văn Chừng... không phải chúng tôi chỉ chủ trương tung ra những bài hát soạn theo đường hướng dân ca của tôi. Những nhạc phẩm khác, soạn theo lối nhạc chủ thể của Âu Mỹ, dù là cổ điển hay tân kỳ, cũng đều được biểu diễn tối đa. Trước hết là những bài như Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận mang hành điệu của loại nhạc "fox trot", rồi tới những bài soạn theo lối hát tự do (aria) như Hồn Việt Nam và Giết Giặc của Nguyễn Xuân Khoát, hai bài này có rất nhiều tính chất bi kịch (operatic). Rồi tới những bản hợp ca dài như một màn tiểu-ca- kịch (micro-opera) của Tây Phương, như Bài Hát Của Người Hà Nội, thơ của Chính Hữu do Lương Ngọc phổ nhạc và Đợi Anh Về, thơ của Simonov do Tố Hữu dịch ra tiếng Việt và do Văn Chung phổ nhạc... Bất cứ một loại nhạc nào cũng đều được tự do đua nở miễn là nó đề cao sức mạnh của dân tộc trong công cuộc kháng chiến đầy thú vị này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét