Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

VỀ MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ QUẢNG BÌNH CẦN BIẾT TỚI: CỤ NGÔ ĐÌNH KHẢ (1857-1923)


(Tham luận của Nguyễn Đức Cung, 
Cao Học Sử Học Viện Đại Học Huế (1974)
Hiện cư ngụ tại TB Pennsylvania, Hoa Kỳ)

I.- LỜI THƯA TRƯỚC

Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Quốc - Cộng đã chấm dứt cách đây hơn ba thập niên (1960-1975), một cuộc chiến được mang nhiều tên gọi, thí dụ nhìn từ quan điểm của người Cộng Sản thì là cuộc chiến tranh giải phóng, từ quan điểm của người Việt quốc gia, đó là cuộc chiến tranh bảo vệ tự do, và với người ngoại quốc như Hoa Kỳ chẳng hạn, họ gọi đó là chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War), nhưng rồi mới đây giới nghiên cứu sử học lại gọi đó là cuộc chiến tranh ủy nhiệm [1], một số sự kiện lịch sử cùng nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên lịch sử Việt Nam trong đó có một số nhân vật của tỉnh Quảng Bình cho tới nay vẫn không được nhắc nhở tới, thậm chí còn là những nhân vật “kị húy” nghĩa là giới nghiên cứu sử học nói riêng và giới cầm bút nói chung trong nước không ai được quyền viết tới hoặc đề cập đến khi chưa được phép của nhà cầm quyền đương nhiệm. Đây là trường hợp cụ Ngô Đình Khả, thân sinh của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963) của Miền Nam Việt Nam, một trong những nhân vật lịch sử quan trọng của tỉnh Quảng Bình. Người ta sở dĩ không dám hay không muốn nhắc nhở tới cụ Ngô Đình Khả thì ngoài lý do huyết tộc (là thân sinh của một vị từng là Tổng Thống đứng đầu Việt Nam Cộng Hòa) còn có nhiều lý do khác mang tính cách chính trị, tôn giáo và tri thức. 

Về chính trị, cụ Ngô Đình Khả là phần nào biểu tượng cho chế độ phong kiến nhà Nguyễn vì cụ từng là Thượng Thư, Phụ Đạo Đại Thần đóng góp nhiều công sức xây dựng Nam Triều. Ngoài ra trước khi làm quan cho triều Nguyễn, cụ đã trải quá quá trình làm việc cho người Pháp, dù chỉ làm công việc thông ngôn. Dưới nhãn quan của nhà nước cộng sản trước đây, những người có thời gian làm việc cho Nam Triều và hợp tác với người Pháp đều là những người thiếu lập trường dân tộc chân chính, là “Việt gian” và dĩ nhiên họ không thể được chấp nhận dù dưới góc cạnh nào. 

Về tôn giáo, cụ Ngô Đình Khả là người theo đạo Công Giáo, và hơn nữa, một người trí thức ngoan đạo - vì cụ từng được chọn đi học ở Đại chủng viện Pénang, Macao - để làm linh mục và những người con của cụ cũng đều là những giáo dân thuần thành, có người làm đến chức phẩm cao trong tôn giáo như Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục mà với những người cộng sản vốn đại diện cho khuynh hướng vô thần thì làm sao họ có thể chấp nhận được những người hữu thần mạnh mẽ hay “đạo dòng” như cụ Ngô Đình Khả.

Về tri thức, có nhiều người trong giới nghiên cứu sử học biết đến cụ Ngô Đình Khả nhưng không dám viết ra. Cũng có nhiều người không biết nên không chịu tìm hiểu, vả lại họ chẳng dám xâm mình xé rào, mò tới một lãnh địa bất khả xâm phạm, một vùng cấm địa để khỏi phải gặp điều phiền toái cho con đường tiến thân của mình.

Nếu những người cầm bút trong giới nghiên cứu sử học, thậm chí các nhà văn, nhà báo không dám viết tới cuộc đời và sự nghiệp của cụ Ngô Đình Khả trong các tác phẩm của mình và cứ để nhân vật lịch sử này chìm sâu vào quên lãng, xuống tận đáy thời gian thì nhân dân, quần chúng Việt Nam vẫn không quên truyền tụng cho nhau câu nói: “Phế vua không Khả, đào mả không Bài…” để nhắc nhở tới nhân vật lịch sử này.

Khi kết thúc một cuộc chiến tranh, người ta thường cho rằng chỉ kẻ thắng trận mới được quyền viết lịch sử, bởi vì kẻ chiến bại coi như đã chết mà người chết thì làm sao có thể lên tiếng được nên luôn luôn là kẻ phải chịu thiệt thòi (Les absents ont toujours tort). Điều này thật ra chỉ đúng trong một xã hội toàn trị bởi vì nhà nước kiểm soát mọi cơ quan truyền thông ngôn luận, báo chí kể cả các phạm trù nghiên cứu của mọi bộ môn văn hóa, ngoại trừ những ai sống bên ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Bởi thế cho nên trong một lá thư gửi cho vị hoàng đế nước của nước Phổ, nhà văn Pháp Voltaire (1694-1778) có nói: “Chỉ ở trong những quốc gia có tự do người ta mới viết được những cuốn sử đúng đắn”. Làm sao để có thể thay đổi quan điểm này khi giới sử học Việt Nam nhận thức được trọng trách của mình, nhất là giới nghiên cứu sử học xuất thân từ vùng đất Quảng Bình, và bức xúc vì ý chí độc lập trong quan điểm và nhận thức, dù ở trong một quốc gia tương đối bị hạn chế tự do, nhất là tự do tư tưởng, phải thể hiện quyết tâm tiếp cận được với sự thật qua các nhân vật lịch sử của “Quảng Bình quê ta”.

Ngày nay, khuynh hướng viết sử theo kiểu có chỉ đạo ở Việt Nam đã và đang có nhiều thay đổi. Trước đây, khi đất nước còn trong chiến tranh, giới sử học miền Bắc luôn luôn nhìn nhà Nguyễn, vua và các quan Nam Triều như là những lực lượng Việt gian, phản động thể hiện đậm nét trong sách vở của họ. Nhưng nay thì tình hình đã đổi thay, vì một số nhận thức căn bản đã được viết lại về triều Nguyễn, Đó là một điều đáng mừng, và chúng ta có thể đọc nhiều sách sử với các quan điểm đổi thay khi viết về triều Nguyễn thí dụ qua cuốn Những vấn đề lịch sử và văn chương Triều Nguyễn của nhóm Nguyễn Phong Nam, Trần Hữu Duy, Huỳnh Kim Thành, Trần Đại Vinh (Nhà xuất bản Giáo Dục, 1997) hoặc với cuốn Những vấn đề lịch sử Triều Nguyễn do Tạp chí Xưa & Nay và Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn chủ biên (2007) hay qua tác phẩm Lịch Sử Nhà Nguyễn, một cách tiếp cận mới, Nhiều tác giả, Nhóm biên soạn: GS.TS Phan Ngọc Liên, GS.TS. Đỗ Thanh Bình, GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ, (Nhà xb. Đại Học Sư Phạm, 2011). Trên diễn đàn sử học đã thấy xuất hiện rất nhiều cuộc hội thảo và đánh giá lại về các nhân vật lịch sử thí dụ Phan Thanh Giản với cuốn sách Thế Kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản (Tạp chí Xưa & Nay cùng Nhà xuất bản Đồng Nai, 2006). Một số chủ đề lịch sử cũng đã được các sử gia trong nước nhìn lại như công lao thống nhất đất nước vào đầu thế kỷ XIX được trả lại cho Gia Long hoặc một vài câu chuyện lịch sử gần đây như nhân vật Lê Văn Tám được Trần Huy Liệu hư cấu nhưng nay được sử gia Phan Huy Lê thẳng thắn nhìn nhận đó là chuyện bịa đặt.

Trước đây, tôi có viết một cuốn sách nhan đề Diên Lộc Quận Công NGUYỄN THÂN, do nhà xuất bản Nhật Lệ ở Thành phố Philadelphia, Tiểu bang Pennsylvania ấn hành năm 2002, mục đích trình bày lại hành trạng của một nhân vật lịch sử Quảng Ngãi, ông Nguyễn Thân, người bị gán cho tiếng xấu – hay là một tội ác – đó là đã đem quân tiêu diệt nhóm khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng, đã đào mả và đốt xác cụ Phan rồi đem tro rải xuống sông Lam. Khi viết cuốn sách đó, tôi muốn trình bày thêm một tiếng nói thứ hai về nhân vật lịch sử Nguyễn Thân và muốn chất chính vấn đề sự thật lịch sử trong vụ án Nguyễn Thân cùng giới sử học Việt Nam. Ở hải ngoại, trên một số báo chí tôi cũng đã tranh luận công khai với một số thức giả Việt Nam về vấn đề Nguyễn Thân và luôn đưa ra chủ trương rằng ông Nguyễn Thân không hề làm công việc “đào mả và đốt xác cụ Phan Đình Phùng” mà việc đó là do chính người Pháp, hay rõ hơn quân đội Pháp làm [2]. Mười năm sau khi xuất bản cuốn sách nói trên, năm 2011, tôi đã nhận được phản ứng của giới sử học Việt Nam, trong ngôn từ tương đối dứt khoát, đã giải tỏa cho vấn đề sự thật có liên quan đến Nguyễn Thân, qua một tác phẩm in ấn rất trang trọng, khá đồ sộ cũng không kém phần nghiêm túc chứa đựng trong đó là những tiếng nói có thẩm quyền, về phương diện hành chánh và về phương diện chuyên môn đó là cuốn Đại Nam Thực Lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nhà xb. Văn Hóa – Văn Nghệ, 2011, 784 trang). 

Ở trang 21, trong phần nhận định về “Nội dung và giá trị của Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên”, ông Cao Tự Thanh đã viết: “Trên phương diện sử liệu, Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên chứa đựng nhiều thông tin hay lạ có thể giúp những người đọc sách điều chỉnh nhận thức, giải toả thiên kiến trước nay về nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử. Chẳng hạn chi tiết Nguyễn Thân cho đào mộ Phan Đình Phùng “đốt xác, trộn tro với thuốc súng, bắn xuống sông Lam” mà trước nay nhiều người vẫn sao đi chép lại của nhau hoàn toàn là một câu chuyện hư cấu (Nguyễn Đức Cung in đậm). Điều 0629 cho biết sở dĩ quân Pháp (không phải quân của Nguyễn Thân) đào mộ Phan Đình Phùng lên là nhằm khám nghiệm để xác nhận tử thi, và căn cứ vào dấu vết đặc biệt trên cơ thể ông (bàn tay phải có sáu ngón), họ đã xác định được đó đúng là Phan Đình Phùng, sau đó có lẽ đã ra lệnh cho gia đình làng xóm thiêu hóa để tránh gây ra những xáo trộn chính trị đồng thời cũng để giữ vệ sinh, nên mới có báo cáo thứ hai nói “nhận được tin quan một về đồn đòi họ hàng làng xóm lên khai, khám ra quả là xác tên giặc ấy đã được thiêu hóa.” [3] Những gì chứa đựng trong đoạn văn này ngày nay của ông Cao Tự Thanh, đã được chúng tôi quảng diễn và chứng minh cách đây mười năm trong một cuốn sách 576 trang, với hơn 60 trang viết về cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng với ước mong giải quyết được phần nào nghi án Nguyễn Thân.

Nếu những việc làm của giới sử học Việt Nam trong những năm gần đây là cố gắng trả lại sự thật những cái gì thuộc về sự thật lịch sử thì tôi, trong cương vị là một nhà nghiên cứu sử học, đã và đang làm theo lời khuyên của Marcus Tullius Cicero, một nhà chính khách và hùng biện gia cổ La Mã (106-43 trước Công Nguyên): “Luật đầu tiên của lịch sử là không được nói gì mà không đúng với sự thật, và không có gì thật mà không nói đến”(Primam esse historiae legem, ne quid falsi dicere audeat, ne quid very non audeat” [4]. Trong bầu khí nghĩ rằng tương đối có những điều kiện khá thuận lợi như vậy thì việc chọn đề tài viết về cụ Ngô Đình Khả, một nhân vật lịch sử có liên hệ rất nhiều với giai đoạn lịch sử cận đại của Việt Nam không phải là không có lý do xác đáng. 

II.- QUẢNG BÌNH, DẤU ẤN ĐỊA LINH VÀ TÂM LINH QUA MỘT DÒNG TỘC.

Ông Ngô Đình Khả sinh năm 1857 tại làng Đại Phong, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình, con của ông Giacôbê Ngô Đình Niêm và bà Ursula Khoa (người thuộc giáo xứ Phủ Cam, Huế). Làng Đại Phong còn có tên Kẻ Đợi, làng Đợi hay Kẻ Đại cũng còn là một làng theo Công Giáo từ đầu thế kỷ XVII với câu ca dao sau đây như một phương cách giao lưu tình cảm hoặc một lời nhắn gửi thân thương:

Ai lên Tuy Đợi thì lên,
Bún thịt Chợ Tréo chớ quên mang về.

Tuy là tên gọi tắt làng Tuy Lộc, quê hương của Tiến Sĩ đời Mạc Dương Văn An (1517-1591) tác giả sách Ô Châu Cận Lục; làng này ở cạnh làng Đại Phong. 

Theo địa hình, sông Kiến Giang (phía thượng nguồn của sông Nhật Lệ) khi tiếp tục chảy xuôi theo hướng bắc qua làng Đại Phong ở bờ phải, tiếp nhận thêm dòng nước Hói Đợi, còn gọi là rào Mỹ Phước, hay hói Mỹ Phước. Theo nhà văn hóa Nguyễn Tú, “Vào đời nhà Mạc, nơi đây gọi là làng Đại Phúc Lộc, sinh ra bốn vị quận công: Đoàn quận công, Đặng quận công, Phạm quận công, Võ quận công, thờ chung một miếu gọi là miếu Chung Linh. Tương truyền vua nhà Mạc sợ làng này có long mạch phát võ tướng sẽ dễ bề chống lại mình, bèn cho đào một con hói (kênh) từ song Bình Giang (tên gọi sông Kiến Giang thời đó) đến làng Mỹ Phước rồi cắt đôi làng Đại Phúc Lộc ra thành hai làng, một bên gọi là Tuy Lộc, còn gọi tắt là làng Tuy, một bên gọi là làng Đại Phong, gọi tắt là làng Đợi và làng tiếp cận vốn mang tên là làng Tiểu Phúc Lộc cũng bắt đổi tên là làng Thượng Phong. Do tên cũ là Tiểu Phúc Lộc nên chợ họp ở Thượng Phong gọi là chợ Tiểu, cũng như mõm đất đầu làng, đối diện với Chợ Tréo, cũng có tên Mõm Tiểu.

Làng Tuy, làng Đợi có hai ngôi đình đặt sát cánh nhau kiểu mẫu, thước tấc giống nhau, mái ngói cả hai ngôi đình dần dần đóng vảy trắng. Dân gian bàn tán đình làng này kết, ắt sẽ có quan to. Chẳng hiểu có kết hay không, nhưng người ta nói, ở hai làng này, khi đặt đình làng ông thầy điạ lý đã nói trước: “Trần lai Ngô khứ, Trần khứ Ngô lai” nghĩa là : Họ Trần đến, họ Ngô đi; họ Trần đi họ Ngô đến.” [5] Theo Hippolite Taine (1828-1893) vốn là một triết gia, sử gia và nhà phê bình nổi tiếng của Pháp. con người được cấu tạo nên bởi những yếu tố như dòng giống, thời thế, và hoàn cảnh xã hội. [6] Vậy có thể lấy các yếu tố này làm tiêu chuẩn khi nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của ông Ngô Đình Khả đối với lịch sự cận đại Việt Nam.

Về dòng giống, ông Ngô Đình Khả vốn sinh ra trong một gia đình di cư theo các đợt nam tiến dưới thời nhà Lê hoặc dưới thời các chúa Nguyễn từ Thanh Hóa Nghệ An vào, và phải kể họ là những người đầy tinh thần mạo hiểm, phiêu lưu kể cả niềm trung tín, bởi vì theo như Li Tana cho biết “nhiều người trong họ ra đi với mục đích tìm một tương lai sáng sủa hơn tại vùng đất mới” [7] .

Trong tác phẩm Việt Sử : Xứ Đàng Trong, 1558-1777, tác giả Phan Khoang có trích dẫn vài đoạn về công trình nghiên cứu Quảng Bình của Linh mục Léopold Cadière trong tập sách giá trị Géographie historique du Quảng Bình cho biết “ Năm Thái-Ninh thứ 4 (1075) vua Lý sai Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh Chiêm Thành, bị Harivarman đánh thua, Thường Kiệt chỉ họa đồ hình thể núi sông ba châu Bố-chính, Địa-lý, Ma-linh rồi trở về. Vua Lý đổi châu Địa-lý làm châu Lâm-bình, châu Ma-linh làm châu Minh-linh, xuống chiếu chiêu mộ nhân-dân đến ở và tổ-chức lại việc cai-trị. Chiếu chiêu mộ di dân này là một văn-kiện quan trọng trong lịch sử nước ta; ấy là bước đầu của cuộc nam tiến mà dân tộc theo đuổi trong 6, 7 thế-kỷ sau này. Đáp ứng chiếu ấy, nhiều người đã từ bắc, đa số chắc là từ miền Nghệ-An ở gần đấy, bắt đầu đến đất này khai khẩn, làm ăn. Trong số người di dân ấy, những người cùng một họ (tộc) thường tụ tập một nơi, rồi thành lập một làng (xã). Người ta thấy có những làng mà tiếng nôm gọi là “nhà Phan”và tên chữ là xã Phan-xá, nôm gọi “nhà Vàng” và tên chữ là xã Hoàng-xá, nôm gọi “nhà Ngô” mà tên chữ là xã Ngô-xá, và xã Vũ-xá tức là làng người họ Vũ v.v…” [8] 

Giải thích về hiện tượng người lưu dân cự ngụ theo dòng tộc của mình, bà Li Tana cho biết: “Truyền thống của người Việt Nam trong việc duy trì tính chất đại gia đình đã đóng một vai trò quan trọng trong việc di dân xuống phía nam. Truyền thống này khuyến khích người di dân đi theo từng nhóm cùng huyết thống hay họ tộc hơn là đi lẻ tẻ từng cá nhân riêng rẽ hay từng gia đình nhỏ.” [9] 

Tư liệu của Phan Khoang trong phần trích dẫn sách của Léopold Cadière cho biết thêm :

“Các làng ấy đã được thành lập ở châu Lâm-bình, châu Minh-linh, tức là miền nam tỉnh Quảng-bình và miền bắc tỉnh Quảng-trị ngày nay, còn ở châu Bố-chính, tức miền bắc tỉnh Quảng-bình thì không có những làng lấy tên họ mà đặt như thế. [10] 

“Theo R.P. Cadière là học giả đã dày công tìm tòi về địa-lý. lịch-sử trong tỉnh Quảng-bình thì đáp ứng tờ chiếu di dân lập ấp của vua Lý Nhân-tông, nhiều người đã di cư vào nam lập nghiệp, nhưng họ không dừng ở châu Bố-chính mà đi thẳng vào Lâm-bình là nơi đất thấp và phì-nhiêu hơn, vì vậy Lâm-bình (nay là huyện Lệ-thủy và phủ Quảng-ninh) được khai khẩn sớm hơn Bố-chính, châu này đến đời Lê Thánh-tông mới chiêu dân đến ở.” [11] 

Trong lịch sử đạo Công Giáo Việt Nam, làng Đại Phong phải được xem là một trong những cái nôi tôn giáo do công lao của linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes, thường được gọi là cha Đắc Lộ. Năm 1643, cha Đắc Lộ từ Hội An ra Quảng Bình và tới làng Đại Phong rửa tội cho 300 người đã được nhóm thầy giảng I-Nha-xô ra truyền đạo các dinh ở phía Bắc đến tận sông Gianh .[12] 

Từ những năm đầu tiên khi đạo Công Giáo mới được truyền tới vùng đất phía nam tỉnh Quảng Bình (thế kỷ XVII) cho đến những năm 80 của thế kỷ XIX, làng Đại Phong đã nếm nhiều thử thách đức tin và người dân giáo xứ này đã chứng minh sức mạnh tâm linh của họ trước sự bách hại, tróc nả của nhà cầm quyền và những kẻ ghét đạo. Tinh thần này đã ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của ông Ngô Đình Khả không ít.

Theo linh mục Nguyễn Hồng, trong tác phẩm Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam có nhắc đến cái chết của hai vị trùm trưởng nhiệt thành là Augustinô, Simêon và một giáo dân tên là Alexi của họ Quảng Bình dưới đời Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan (1635-1648). [13] Họ Quảng Bình thật sự là một tập thể các làng Công Giáo ở phía nam tỉnh Quảng Bình trong đó có bốn giáo xứ lớn đó là Đại Phong, Trung Quán, Dinh Mười và Động Hải. Bốn giáo xứ này được hình thành trong một thời gian tương đối ngắn. Sau khi thành lập các giáo xứ Quảng Bình sống và giữ đạo tự lực, không có linh mục chăn dắt. Các vị này chỉ ở Huế, thỉnh thoảng tới viếng thăm một năm một hai lần mà thôi. Trong một báo cáo gửi về Tòa Thánh La Mã ngày… tháng 12-1692 của Linh mục Lôrensô Lân có ghi: “Tôi tới thăm các họ đạo Đại Phong, Trung Quán, Dinh Mười, Động Hải, tại vùng này có dinh quan Chưởng Cơ và quân đội chúa Nguyễn, có lũy lớn là lũy Trấn Ninh, ở đây có 50 lính công giáo…[14] 

Sau cuộc chính biến đêm 22 rạng ngày 23 tháng tư năm Ất Dậu (1885) nổ ra tại kinh đô, Triều đình Huế đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, rồi sau đó đưa đến huyện Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình, có các ông Tôn thất Thiệp và Tôn Thất Đạm cùng Nguyễn Phạm Tuân đi theo phò vua. Phong trào Cần Vương do Văn Thân lãnh đạo nổi lên tàn sát người công giáo và đốt phá các làng công giáo. Tất cả các giáo xứ ở Quảng Bình như Sáo Bùn, Trung Quán, Mỹ Hương, Mỹ Định, Mỹ Trạch, Đại Phong v.v… đều bị tiêu diệt. Văn Thân lùa giáo dân vào trong các nhà thờ rồi lấy lửa đốt luôn nhà thờ, chỉ có một số ít chạy thoát được.

Sau khi giáo xứ Đại Phong bị thiêu hủy, dòng tộc nhà Ngô chia ra hai nhánh: nhánh ông Ngô Đình Khả chạy vào Thừa Thiên và định cư ở Bãi Dâu còn nhánh ông Ngô Đình Quyền (anh ruột của Ngô Đình Khả) chạy về Tam Tòa, Đồng Hới. Tại đây họ gặp một số giáo dân các làng Sáo Bùn, Trung Quán, Mỹ Hương, Mỹ Định và dưới sự lãnh đạo của Linh mục Claude Bonin tất cả số giáo dân còn sống sót này thành lập một giáo xứ mới lấy tên giáo xứ Tam Tòa ở trên bờ sông Nhật Lệ. Gia đình ông Ngô Đình Quyền về lại làng Đại Phong nhưng một người con của ông là Ngô Đình Miều ở lại luôn Tam Tòa lập nghiệp.

Một người em gái ruột của ông Ngô Đình Khả là Ngô Đình Thị Tiến may mắn sống sót trong vụ Văn Thân đốt nhà thờ Đại Phong. Vì nhỏ con nên cô trốn được dưới các xác chết của giáo dân, sau đó cô lẻn chạy về một nhà quen không công giáo và họ tốt bụng cho trốn dưới một cái ao phủ bèo lên trên đầu mà thoát được dù bị một lưỡi giáo thọc trúng trán khi đám Văn Thân nghi ngờ sục soạt ruồng bố. Cô này về sau đi tu Dòng Mến Thánh Giá Tam Tòa và làm Bề Trên.

Dòng tộc ông Ngô Đình Khả có nhiều người chết trong vụ Văn Thân thiêu sát giáo xứ Đại Phong, những con người nông thôn mộc mạc, chất phác nhưng trung thành với lý tưởng công bình, bác ái của đạo Công Giáo và nhất là thủy chung với Đấng Tối Cao mà họ tôn thờ. Ngày nay ai cũng thấy rằng việc Văn Thân hay nhóm Cần Vương đề ra chủ trương “bình Tây sát Tả” là một sai lầm nghiêm trọng bởi vì không thấy các nhóm đó bình Tây mà chỉ thấy họ sát Tả tức là giết những người cùng máu mủ ruột thịt với mình. Dòng máu Đức Tin của những người thân nhân đã đổ ra đó sẽ là chất liệu nuôi sống tinh thần làm việc của các thế hệ sau này thuộc một dòng tộc là con dân đất Quảng Bình.

Vốn là con đầu trong một gia đình đạo hạnh nên thuở nhỏ ông Ngô Đình Khả được thân phụ cho đi giúp lễ một linh mục người Pháp ở giáo xứ Mỹ Duyệt Hạ (tổng Thạch Xá, Lệ Thủy, tỉnh Quảng bình). Vị linh mục này bảo trợ cho ông Khả vào tu Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng thuộc tỉnh Quảng Trị. Học xong tám năm ở đó, ông được Giám Mục Caspar (tên Việt là Lộc, 1841-1917) gửi qua Đại chủng viện Pénang để theo học các lớp Triết học và Thần học 1870-1878. Vào thời điểm này ông Khả nhận thấy mình không có ơn gọi (Vocation) làm linh mục nên ông trở về Việt Nam, dạy học ở Huế. Biến cố Văn Thân thiêu sát giáo xứ Đại Phong xảy ra năm 1885 đã chừa lại ông Ngô Đình Khả vì lúc bấy giờ ông làm việc tại Huế.

Lúc bấy giờ người Pháp mới tới Trung Kỳ nên rất cần người Việt biết tiếng Pháp làm thông ngôn mà ông Ngô Đình Khả lại rất giỏi tiếng Pháp, thạo chữ Hán và biết chữ La Tinh nên được các linh mục người Pháp giới thiệu với nhà cầm quyền.

Ngày 8.9.1888, sau khi Pierre Rheinart được cử làm Khâm Sứ tại Huế, ông này đã cử ông Ngô Đình Khả làm Chánh Phòng Thông Sự tại Tòa Khâm cùng khoảng thời gian đó cũng đã có các ông Diệp Văn Cương, Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Thông là những trí thức có Tây học được kể là đồng liêu.

Ở Huế lúc bấy giờ người Pháp có lập ra một trường gọi là “Đại Pháp Tự Thoại Học Đường” vào tháng 4-1887 do ông Diệp Văn Cương làm Chưởng Giáo (Hiệu Trưởng). Trường này có chức năng như trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) ở trong Nam dưới thời các đô đốc hải quân Pháp mục đích cũng là để đáp ứng các nhu cầu về giao thiệp giữa Pháp và Việt Nam sau hòa ước 1883-1884. Ông Ngô Đình Khả cũng được mời dạy tiếng Pháp ở trường này.

Trong thời gian này, ông Ngô Đình Khả tạo lập tư thất ở Phủ Cam.

Theo sổ bộ hôn phối của Giáo xứ Phủ Cam do Linh mục Eugêne Allys (sau này làm Giám Mục gọi là Đức Cha Lý) thiết lập năm 1887, tờ 27, số thứ tự 25 thì ông Ngô Đình Khả (tên thánh Micaê) lập gia đình với bà Mađalêna Chĩu, con gái của Micae Quê và Agnatia Quy thuộc họ giáo Phủ Cam, nhưng sau đó không lâu bà Chĩu qua đời.

Tháng 3-1889, ông tục huyền với bà Anna Phạm Thị Thân, con ông Phaolô Huyên và Anna Bùi người gốc làng Vân Dương, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên, cư ngụ tại Phủ Cam [15]. 

Trong số những người ra cộng tác với Pháp trong những ngày khởi đầu chế độ thực dân dĩ nhiên cũng có những khuôn mặt lợi dụng thế lực người Pháp để vinh thân phì gia, hãm hại đồng bào nhưng cũng có những người giữ được nhân cách của mình, vẫn còn tâm tình thương nước yêu nòi và cố gắng giúp đỡ triều đình nhà Nguyễn để tranh đấu cho tiền đồ của đất nước, và tương lai của dân tộc Trong số những người thuộc hàng thứ hai này phải kể đến ông Ngô Đình Khả.

III .- ÔNG NGÔ ĐÌNH KHẢ VỚI HOÀI BẢO “BÁCH NIÊN CHI KẾ…”

Trong thời gian làm việc ở Cơ Mật Viện với hàm Hồng Lô Tự Khanh là một chức quan hàm chánh tứ phẩm, dần dần ông Ngô Đình Khả lên Thượng Thư Bộ Công, rồi làm Phụ Đạo cho vua Thành Thái. Khi người Pháp đưa ông Ngô Đình Khả vào chức Phụ Đạo dụng ý của họ là muốn ông theo dõi các hoạt động của vua Thành Thái để báo cáo cho họ nhưng ông Ngô Đình Khả đã hướng vua Thành Thái đi về một hướng khác. Ông là thầy dạy của vua nên cái hoài bảo “thụ nhân” không chỉ đóng khung trong bốn vách tường thành của chốn hoàng cung và còn thể hiện ra trong một dự án mang đầy tính viễn kiến trong lãnh vực giáo dục quốc dân. Đó là việc thành lập trường Quốc Học tại Huế.

Ngày xưa Quản Trọng tức Quản Di Ngô, sống vào thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên đã để lại cho đời một câu nói nổi danh: “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân” có nghĩa là “Kế một năm trồng lúa, kế mười năm trồng cây, kế trăm năm trồng người.”

Ông Ngô Đình Khả vốn là người rất ưu tư đến việc vun đắp thế hệ trẻ Việt Nam và bởi vì ông may mắn hơn những người cùng thời với ông là được du học nước ngoài, thụ huấn với những vị thầy giỏi về kiến thức và đáng kính vì phẩm hạnh nên ông cố gắng tạo điều kiện thăng tiến cho các phần tử hậu sinh. Chính thời thế đã cho ông cơ hội hấp thụ nhiều kiến thức, tiếp xúc với nhiều giới chức trong xã hội, thấy rõ được dân tình và nhu cầu của họ nên trong đầu óc của ông đã thai nghén nhiều chủ trương ích quốc lợi dân mà cụ thể hơn cả là xây dựng các cơ sở giáo dục cho lớp hậu sinh, mở mang dân trí. Thành tích của ông Ngô Đình Khả trước hết phải kể là thành lập Trường Quốc Học tại Huế.

Sáng kiến thành lập cơ sở giáo dục này tiên khởi là của ông Ngô Đình Khả nhưng cũng có sự đóng góp và hỗ trợ của nhiều người. 

Ngày 27-9-1897, vua Thành Thái ban dụ bỏ Hội đồng Phụ chính, tái tổ chức Cơ Mật Viện. Nguyễn Thân và Hoàng Cao Khải trở thành cố vấn. Triều đình có 6 bộ, mỗi bộ do một Thượng thư cầm đầu, phụ tá có Tham tri và hai Thị lang: Tả thị lang lo 6 tỉnh Tả trực kỳ vả Hữu thị lang lo 6 tỉnh Hữu trực kỳ. Viện Cơ Mật gồm 6 Thượng thư, có Khâm sứ Pháp chủ toạ; tại hai bộ Lại và Công có cố vấn Pháp. Nguyễn Thân được cử giữ bộ Lại, Hoàng Cao Khải bộ Binh, Huỳnh Vỹ bộ Lễ. Khi ý kiến của Ngô Đình Khả xin thành lập Trường Quốc Học được nêu ra, Nguyễn Thân đã ủy cho một số viên chức gồm có Ngô Đình Khả (Thương biện Cơ Mật), Trương Như Cương (bộ Hộ), Huỳnh Vỹ (bộ Lễ) trách nhiệm nghiên cứu, thương thảo với người Pháp để thành lập trường Quốc Học thay cho trường Hành Nhơn. Ngày nay có thừa nhận rằng trường Quốc Học là cơ sở đầu tiên trong toàn quốc tiếp thu nền văn hóa Âu Tây rồi từ đó lan rộng ra cả nước mới thấy được sang kiến và những nỗ lực tiên khởi chính là điều rất quan trọng.

Sau đây là những lời xác nhận của Nguyễn Đình Hòe, một người từng theo Nguyễn Thân trong các cuộc tiễu vũ ở Quảng Nam và Nghệ Tịnh, và nguyên là giáo sư Pháp văn tại trường Quốc Học trong thời gian từ 1902 đến 1911, về sáng kiến tiên khởi liên quan tới việc thành lập cơ sở giaó dục này: “Đây chính là bổn phận của tôi bày tỏ lòng cảm phục công khai đối với công trình của Ngài Ngô Đình Khả. Vì chính từ người bạn chân thành ngày nay vừa quá vãng đã thai nghén ý kiến đầu tiên về việc dạy tiếng Pháp tại xứ An Nam. Ông đã suy nghĩ về dự án này từ những lúc đi chiến dịch Nghệ Tịnh và đã cho tôi chia xẻ ý kiến với ông. Trong những giờ yên lặng của cuộc chiến, cả hai chúng tôi đã suy nghĩ đến việc xây cất trong tương lai một trường quốc học đầu tiên dạy tiếng Pháp tại Huế. Đối với việc xây cất cơ sở mới này, chúng tôi dự trù dung vật liệu của các doanh trại cũ của các “dinh” và “vệ” Thủy Sư (Hải Quân Hoàng Triều) lúc bấy giờ nằm phía hữu ngạn sông Hương, đối diện với khu vực Kỵ binh của Hoàng Đế. Sauk hi được hai Chính quyền chấp thuận, bạn Khả của tôi được giao trọng trách tổ chức việc giảng dạy và ông là vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Quốc Học.” [16] 

Thật ra, tiến trình thành lập trường Quốc Học cũng trải qua nhiều giai đoạn cụ thể trước hết Viện Cơ Mật có một tờ tấu trình dâng lên vua Thành Thaí nói về sự cần thiết phải có một cơ sở giáo dục, kế đó là bài Dụ ngày 23-10-1896 của vua Thành Thái liên hệ đến dự án này. Sau đây là trích đoạn bài Dụ đó: 

“…Nay ngoài những thánh kinh, hiền truyện ở Trung Hoa, lại còn nhiều sách trước tác ở các nước khác và trách nhiệm của người đại diện phát ngôn trong khi giao thiệp trên trường quốc tế rất là quan trọng. Vả lại phát triển giáo dục là phương tiện duy nhất để mở mang trí thức, để đào tạo đầy đủ tài năng hầu giải quyết những vấn đề chánh sự và hành chánh và đều hòa giáo dục đúng phương pháp lại là phương tiện để khai thông dân trí, đào tạo nhân tài. Trong tình hình hiện tại không thể xem thường những nhận xét trên đây bởi vì ở nước ta việc giáo dục theo sách vở Khổng giáo từ trường Quốc Tử Giám ở kinh đô đến các trường công ở các tỉnh, huyện, tuy phổ cập và đầy đủ, nhưng việc giảng cứu các môn học Tây phương đến nay vẫn còn thiếu sót, nên cần phải được bổ cứu”. [17] 

Theo Nguyễn Đắc Xuân, “nghĩ đến tiền đồ Tổ quốc, vua Thành Thái đã vi hành gặp ông Ngô Đình Khả bàn về mở trường Quốc học (1896) để đào tạo nhân tài có trình độ về văn minh văn hóa phương Tây.” [18] 

Vì nhu cầu cần có người tân học hợp tác với chánh quyền trong các tổ chức hành chánh trên toàn quốc, vả lại ngân sách điều hành trường Quốc Học do Nam triều đài thọ cho nên người Pháp đã bằng lòng cho thành lập cơ sở giáo dục này.

Sắc dụ của vua Thành Thái cho biết: “Lại năm ấy (Thành Thái thứ 8) nghị đặt trường Quốc Học, chuyên dạy chữ và nói tiếng Pháp; nhưng vẫn không nên bỏ hẳn chữ Hán. Học trò từ mười lăm tuổi đến hai mươi tuổi, mới được vào học. Người nào xét ra am hiểu chữ Hán, có thể theo học được, thì cho phép được vào học. Trẻ con từ tám đến mười lăm tuổi trở xuống, cha mẹ có đơn xin cho vào học, thì đặt vào lớp học trò ngoại ngạch, đặt riêng ra một lớp để dạy học. Viên chức ở trường này, đặt một, hai, ba, bốn hạng chưởng giáo, mỗi hạng một giáo chức. Một giáo viên dạy học trò trẻ con, hai viên giám thị. Viên Chưởng giáo đối hàm quan lại Việt Nam, được quyền chuyên giữ các việc tư báo. Sinh viên học tập, lúc sát hạch được trúng cử, sẽ tuân lệ ban thưởng.” [19] 

Ngày 18-11-1896, Toàn quyền Armand Rousseau ban hành nghị định hợp thức hóa cơ chế giáo dục của trường Quốc Học (có đăng trong Công báo Chính phủ Đông Dương, Journal Officiel du Gouvernement de l’Indochine 1896), và phạm vi xây cất là công thổ Tả doanh Thủy sư thuộc Phường Đệ bát (8è Quartier). Thái Thường Tự Khanh Ngô Đình Khả được bổ nhiệm làm Chưởng Giáo (Hiệu Trưởng); Phụ tá Chưởng giáo trong chức vụ quản giáo môn Hán văn là Phó Bảng Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, và môn Pháp văn là ông Dioudonnat.

Tài liệu của Vũ Ngự Chiêu nói rằng “Khâm Sứ Brière - mới được Rousseau tái bổ nhiệm làm Khâm sứ từ ngày 28/5/1895 - đề cử Ngô Đình Khả làm Giám đốc, nhưng Rousseau, qua nghị định ngày 18/11/1896 đề cử Edmond Nordemann làm Giám đố; Khả chỉ giữ chức Phó Giám Đốc, phụ trách vấn đề nhà cửa, lương bổng.” [20] 

Thành phần ban giáo sư niên khóa đầu tiên gồm hầu hết các vị túc nho như tiến sĩ Phan Văn Khải, Hoàng Thông. Năm sau them nhiều vị trợ giáo khác như Nguyễn Hữu Mân, Nguyễn Tấn Cường, Nguyễn Văn Tương, Nguyễn Văn Phiếm, Nguyễn Hữu Xuân, Nguyễn Hữu Nguyên, Hoàng Cang. Bên cạnh ban giảng huấn còn có ban kiểm khan gồm 3 kiểm khan viên (Trương Tố, Hồ Đình Mậu, Từ Hãn). Trong niên khóa đầu tiên 1897-1898, thành phần theo học tại trường Quốc Học gồm các lớp Tuấn tú, Tôn ấm, Khoa mục và Hành nhân và một lớp đặc biệt “học trò ngoại ngạch” tất cả 50 người tuyển chọn trong số 200 đơn xin nhập học kể cả một số được miễn thi.

Sắc dụ ngày 23-10-1896 của vua Thành Thái và Nghị định của Toàn Quyền Rousseau ngày 18-11-1896 cho phép thu nhận vào trường Quốc Học không hạn chế tuổi tác và miễn thi” các cử nhân, tú tài đang theo học tại hai trường Quốc Tử Giám và Hành Nhân. Tưởng cũng cần biết là trước khi có trường Quốc Học, tại kinh đô đã có 3 trường học cũ đó là Quốc Tử Giám với các lớp Tôn ấm, Tuấn tú, Cử nhân, Tú tài, Tôn Học Đường là trường học dành riêng cho con cháu các thân phiên, hoàng thân, những người trong hoàng tộc (học trò gọi là tôn sinh hay tôn sanh) và trường Hành Nhân được thành lập từ đời Gia Long, Minh Mạng để đào tạo các viên chức thông ngôn cần thiết cho vấn đề bang giao bên ngoài.

Niên khoá 1898-1899, trường mở thêm lớp Quan viên tử đệ, sĩ số 30 người. kể từ niên khóa này mỗi năm đều có kỳ hạch “tấn ích” và một số sinh viên tốt nghiệp được biết tới như Đào Nguyên Phổ (cha của Đào trinh Nhất), Phạm Liệu, Nguyễn Tự Dư, Nguyễn Đình Hiến, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Ưng Dinh, Ưng Bình, Tôn Thất Quảng, Bùi Hữu Hưu, Bùi Hữu Thứ, Nguyễn Trọng Tịnh, Đặng Văn Hướng, Đặng văn Oánh. Niên khóa sau 1899-1900 có thêm một số sinh viên ra trường như Hồ Đắc Hàm, Ưng Dự, Chiêm Thiết…

Để xúc tiến việc xây cất, chính phủ Nam triều cho dỡ một phần vật liệu của trường Hành Nhân đem qua Tả doanh Thủy sư để xây cất trường gồm có tòa đốc giáo ba gian (travée) hai chái (demi-travée), mỗi gian theo chiều rộng có hai hàng cột và ba dãy nhà trợ giáo mỗi dãy hai gian. Để làm nổi bật ngôi trường mới chốn đế đô, Chưởng giáo Ngô Đình Khả cho sơn tất cả trường ốc, lớp học, nhà ở cùng một màu đỏ thắm, biểu tuợng điều tốt lành vui tươi và sự hưng thịnh của ngôi trường.

Hồi đó ở phía cổng trường, ông Ngô Đình Khả cho xây bức bình phong “Long Mã”, được ông Nguyễn Hữu Bài làm bài thơ rằng: 

“Ấy ai tạc đá dựng “bình phong”?
Khiến khách qua đường những chạnh lòng
Phất phới trong mây long hóa mã
Ruổi rong trước gió mã thành long
Đồ thư chở nặng nền luân lý
Văn vật phô bày cuộc biến thông
Quốc học mở mang nền nếp cũ
Ấy ai tạc đá dựng bình phong! 
(Báo “Vì Chúa”, Huế, 1938)

Cổng trường được xây dựng theo kiểu kiến trúc tam quan Á Đông, có lầu treo chuông lớn, trước cổng treo bảng sơn son thiếp vàng có 6 chữ Hán : “Pháp Tự Quốc Học Trường Môn”

Trải qua dòng lịch sử của đất nước, trường Quốc Học từ những dãy nhà tranh năm 1896, đến 20 năm sau cải biến bộ mặt từ ban giảng huấn cho tới cơ sở vật chất. Năm 1902, ông Ngô Đình Khả xin từ chức; phụ tá là ông Dioudonnat lên thay thế. Tu2 ưhời Hiệu trưởng Nordemann, trường Quốc Học mở rộng các lớp tiểu học 6 năm: cấp sơ học và tiểu học. Đầu niên khóa 1917-18, trường nhận hoc5 sinh cao đẳng tiểu học và học sinh nội trú, dần dần theo thời gian, trường mở them các lớp bậc trung học. Từ tên gọi cũ là Collège Quốc Học, trường đổi tên mới là Lycée Khải Định năm 1936 với các khoa thi tú tài bán phần và toàn phần, rồi mở them các lớp 6A cổ điển tây phương, chú trọng cổ ngữ Hy La, sinh ngữ Anh văn và các môn thủ công thực hành, xưởng mộc, tiện, giờ scoutisme v.v…

Năm 1904, ông Ngô Đình Khả còn là người có công trong việc thành lập một trường thứ hai cũng nổi danh ở đất thần kinh đó là Trường Pellerin vốn là một trường tư thục cho mọi gia đình lương cũng như giáo, giàu cũng như nghèo. Ông Ngô Đình Khả hội ý với giáo quyền Huế lúc đó là Giám Mục Allys để xây dựng trường Pellerin và giao cho các Sư huynh Dòng Lasan điều khiển việc phân bố chương trình học và hành chánh. Vị hiệu trưởng đầu tiên của trường này là Sư Huynh Aglibert Marie.

Nói chung cả hai ngôi trường này đều đã đóng góp nhiều trong việc đào tạo nên biết bao nhân tài khắp đất nước Việt Nam.

IV.- “PHÊ VUA KHÔNG KHẢ…”

Năm 1904, ông Ngô Đình Khả được cử làm Tổng Quản Cấm Thành, trông coi Tử Cấm Thành, làm Phụ Đạo và Cố Vấn cho vua Thành Thái. Vua Thành Thái là người có chí hướng duy tân, có cuộc sống khác hẳn các ông vua tiền nhiệm, là người thông minh, hiếu học, giỏi Hán văn. Vua cắt tóc ngắn, biết lái xe hơi và xuồng máy. Để tránh việc người Pháp theo dõi, nhà vua giả vờ sống như một người điên rồ, thường đi về làng Kim Long tìm gái đẹp đưa về cung làm cung nữ hay luyện họ thành nữ binh để đánh giặc. Vua không nghe lời các quan chức lớn người Pháp mà thường tự ý theo mình, hành động một mình.

Lúc bấy giờ Khâm Sứ tại Huế là Favin Lévêque, một nhân vật thuộc Hội Tam Điểm (Franc-Maconnnerie) rất hách dịch, coi thường vua quan Việt Nam, luôn tìm mọi cách áp chế triều đình hầu đi đến chế độ trực trị thậm chí y còn muốn tước đoạt cả quyền tế tự của nhà vua để giao cho Trương Như Cương, một viên quan đại thần thuộc hạng dễ sai bảo của Pháp.

Năm 1907, Khâm Sứ Lévêque ra lệnh cho trương Như Cương, Thượng Thư Bộ Lại họp Hội Đồng Thượng Thư, thảo một bản tuyên bố rằng vua Thành Thái mắc bệnh tâm thần nên cả hai chính phủ Pháp và Nam Triều quyết định phế bỏ vua Thành Thái. Các quan đều ký tên chỉ trừ ông Ngô Đình Khả không ký. Ông Ngô Đình Khả bị giáng ba cấp xuống hàm Án sát tức hàm chánh tứ phẩm và phải rũ áo từ quan. Bị giáng chức và không được lãnh tiền hưu dưỡng, ông Ngô Đình Khả đã chấp nhận cuộc sống khó khăn thanh bần từ đó cho đến năm 1916 khi vua Duy Tân lên ngôi mới được khôi phục lại phẩm hàm.

Từ đó ngoài dân gian truyền tụng câu nói: “Phế vua không Khả…”

Ông Ngô Đình Khả có 9 người con theo thứ tự như sau:
-Ngô Đình Khôi (1885-1945)
-Ngô Đình Thị Giao (đã qua đời năm1944, có chồng là ông Ngô Đình Tùng, tức bà Thừa Tùng)
-Ngô Đình Thục (1897-1984, Tổng Giám Mục)
-Ngô Đình Diệm (1901-1963)
-Ngô Đình Thị Hiệp (chồng là ông Nguyễn Văn Ấm, thân mẫu của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận)
-Ngô Đình Thị Hoàng (chồng là ông Nguyễn Văn Lễ, thường được gọi là Bà Cả Lễ)
-Ngô Đình Nhu (1910-1953)
-Ngô Đình Cẩn (1912-1964)
-Ngô Đình Luyện (1914-1990) [21] 

Đối với đất Quảng Bình, ông Ngô Đình Khả luôn giữ một niềm gắn bó, thương yêu bằng chứng là trong thời gian ông làm quan tại triều, khi có sĩ tử Quảng Bình vào Huế thi Hương, người nào được vào “trường Ba”, ông cũng mời dự bữa cơm chiêu đãi sĩ tử đồng hương [22]. 

Trong cuốn sách có tên “Dòng họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt”, tác giả Nguyễn Văn Minh đã viết về Cụ Ngô Đình Khả như sau: “Cụ áp dụng một đường lối giáo dục con cái rất đặc biệt. Ngay từ khi còn tại chức, trong cuộc sống hàng ngày, cụ không chỉ nghiêm khắc với các con mà chủ yếu là nghiêm khắc với chính mình, nêu gương một nếp sống cần kiệm, liêm khiết, trung nghĩa. Cụ bắt các con sống đúng theo khuôn mẫu ấy, nhằm hun đúc, xây đắp cho họ một lý tưởng sống vững chắc trên nền tảng một Đức Tin tôn giáo bất biến và một tinh thần nho học Khổng-Mạnh thâm sâu.” [23] 

Theo tác giả Nguyễn Văn Minh, năm 1925 (đúng là năm 1923), trước Tết ít lâu cụ bị sốt, con sốt mỗi ngày mỗi nặng hơn. Các con đưa cụ vào bệnh viện, bác sĩ khám nghiệm cho biết cụ bị bệnh cháy phổi (pleurisy). Thời kỳ ấy chứng bệnh này thuộc loại nan y.

Khi biết mình sắp chết, cụ Ngô Đình Khả gọi các con đến bên giường chúc lành cho từng người và trối cho họ phải tiếp tục thực hiện lý tưởng của cụ. Đặc biệt với ông Diệm cụ trối: “Diệm, con có đủ đức tính cần thiết để trở thành người lãnh đạo tốt. Con phải lãnh đạo.” Và cụ nói với tất cả các con: “Các con phải cùng với nó (ông Diệm) tranh đấu dành lại cho được một nền độc lập hoàn toàn, thì mới thực hiện công cuộc cải tạo xã hội xóa bỏ bất công được.” [24] 

Trong sổ bộ khai tử năm 1923, số thứ tự 237 của giáo xứ Phủ Cam, người ta thấy ghi như sau: “Năm Thiên Chúa 1923, ngày 18 tháng Hai, Micae Ngô Đình Khả, ông Thượng, đã về với Chúa, năm sinh 1857, an táng tại Phủ Cam.” (Chữ ký cha sở: T.a.Stoeffler)

Ông Ngô Đình Khả qua đời ngày 18.2.1923, nhằm ngày mồng ba tháng giêng năm Quý Hợi, thọ 66 tuổi.

Trên báo Vì Chúa số 82, ra ngày 8 tháng sáu năm 1938 có một bài thơ vịnh cụ Thượng Ngô Đình Khả như sau:

“ Đức lớn tài cao trí có thừa,
Đại thần Thị vệ tiếng khi xưa.
Ngay vua, nào sợ cơn nguy biến,
Thờ Chúa bao nài trận gió mưa.
Danh bằng Phi-Năng tên đề mãi,
Bình phong Quốc Học dấu còn lưa
Nay người chầu Chúa trên trông xuống,
Trông xuống trần gian dạ cũng vừa. [25] 

Người Việt Nam thường nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Kinh Thánh đạo Công Giáo cũng có câu: “Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây sâu thì sinh quả xấu” (Mát-thêu, 7, 17). Một nhân vật lịch sử kiệt xuất của đất Quảng Bình như cụ Ngô Đình Khả tất nhiên cũng phải sinh những người con trung hiếu đối với đất nước, với dân tộc. Lịch sử chắc chắn sẽ phán quyết công minh đối với dòng tộc Ngô Đình, những người con yêu quý của quê hương chúng ta.

Nguyễn Đức Cung
Philadelphia, 29-6-2012

CHÚ THÍCH:
1.-Lê Xuân Khoa, Tranh luận về tên gọi cuộc chiến 1955-1975, Talawas, 29-4-2005.
2.- Nguyễn Đức Cung, Diên-Lộc Quận Công Nguyễn Thân, Nxb. Nhật Lệ, 2002.
3.- Quốc sử quán Triều Nguyễn, ĐẠI NAM THỰC LỤC Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên,
Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nhà xuất bản Văn Hóa – Văn Nghệ, 2011, trang 21.
4.- “ The first principle of history is never to tell falsehood, and never not to tell the truth”. Cited by William Leo Lucey, S.J., History: Methods and Interpretation, Holy Cross College Publication, Worcester, 1948, page 11; dẫn lại theo Nguyễn Phương, Phương pháp sử học, Phòng nghiên cứu sử, viện Đại Học Huế xuất bản 1964, trang 30.
5.-Nguyễn Tú, Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền ở Quảng Bình, Tập I, Bản dự thảo chưa in, trang 137.
6.- Nguyễn Phương, Sách đã dẫn, trang 158.
7.- Li Tana, Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Bản dịch của Nguyễn Nghị, Nhà xuất bản Trẻ, 1999, trang 29. 
8.- Phan Khoang, Việt Sử: Xứ Đàng Trong, Nhà xuất bản Khai Trí, trang 54.
9.- Li Tana, Sách đã dẫn, trang 33. 
10.- Phan Khoang, Việt Sử: Xứ Đàng Trong, 1558-1777, bản in của Xuân Thu theo ấn bản cũ, trang 54.
11.- Phan Khoang, Sđd, trang 55, dẫn theo Géographie historique du Quảng-bình d’après les annals impériales của L. Cadière trong B.E.F.E.O. tập 2, năm 1902, trang 66.
12.- Phạm Đình Khiêm, Người chứng thứ nhất, Lịch sử tôn giáo chính trị Miền Nam đầu thế kỷ XVII, Tinh Việt Văn Đoàn, Sài Gòn, 1959, trang 83. 
13.- Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Quyển I, Nhà xuất bản Hiện Tại, 1959, trang 246. 
14.- Nguyễn Văn Ngọc, Trang sử giáo xứ Tam Tòa, Tư liệu phổ biến nội bộ của họ giáo Tam Tòa, Sài Gòn, 1996, trang 5, dẫn lại theo Nguyễn Tú, Địa chí Đồng Hới, Trung Tâm VHTT Thị Xã Đồng Hới, 2000, trang 150.
15.- Theo sổ bộ hôn phối năm 1889, tờ 27, hồ sơ lưu trữ của giáo xứ Phủ Cam. Nguyễn Thế Anh, trong Nhập môn Phương pháp Sử học, Sài Gòn, 1974, nêu rõ lợi ích của việc sử dụng sổ hộ tịch hàng xứ (registres paroissiaux) để thiết lập các dữ kiện về sinh suất, tử suất hay mắn suất của ngành nhân khẩu học cổ điển hoặc tiểu sử của cá nhân.
16.- L. Sogny, Les grandes familles de l’Annam, S.E. Nguyễn-Đình-Hoè, Bulletin Des Amis Du Vieux Hue (BAVH), 1942, tập III, trang 347.
17.- Nguyên Hương Nguyễn Cúc, Trường Quốc Học - Khải Định, Tiếng Sông Hương, Dallas, 1996, trang 26.
18.- Nguyễn Đắc Xuân, Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, tr. 144).
19.- Nguyễn Sĩ Giác, Đại Nam Điển Lệ Toát Yếu, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 353.
20.- Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, Văn Hóa xuất bản, 2000, tập II, trang 546.
21.- Lữ Giang, Những bí ẩn lịch sử đàng sau cuộc chiến Việt Nam, Quyển I, 1998, trang 404.
22.- Theo Nguyễn Cao lượng, Đặc san “Quảng Bình Quê Tôi”, Xuân Ất Mão 1975, trang 140-141.
23.- Nguyễn Văn Minh, Dòng Họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt, Hoàng Nguyên xuất bản, tái bản lần thứ nhất tháng 11-2003, trang 18.
24.- Nguyễn Văn Minh, Sđd, trang 20.
25.- Lê Ngọc Bích, Nhân vật giáo phận Huế, Tập I, 
2000, trang 109.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét