NGUYỄN HỮU DUỆ
TỰA
Hơn hai trăm năm sau ngày Hoa Kỳ lập quốc, các sử gia Mỹ ngày nay vẫn còn viết sách về cuộc đời của các vị Tổng Thống đầu tiên George Washington, John Adams, Thomas Jefferson…Trong khi đó, các vị vua Việt Nam cùng thời như Quang Trung, Lê Chiêu Thống, Gia Long…chỉ được biết tới rất ít, xa xôi như trong truyện thần thoại. Ước gì bây giờ chúng ta có được những cuốn sách, do những người sống gần các vị vua này viết lại, để soi sáng thêm cho lịch sử, quý biết chừng nào.
Hy vọng những thế hệ tương lai không phải ao ước như chúng ta hôm nay, vì từ giữa thế kỷ 20, đã có rất nhiều sách Việt ngữ và ngoại ngữ viết về các biến cố cũng như các nhân vật lịch sử Việt Nam. Từ khi Ông Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ Tướng đến nay đã 49 năm, và đã tròn 40 năm kể từ cuộc đảo chánh lật đổ ông, có nhiều sách đã viết về giai đoạn lịch sử này. Vốn hoạt động trong lãnh vực báo chí, chúng tôi đã có cơ hội theo dõi nhiều tài liệu về Đệ Nhất Cộng Hòa, và cuộc đời của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tuy có vẻ mâu thuẫn khi nói rằng tài liệu nhiều, mà vẫn thiếu, nhưng sự thật là thế. Nhiều về lượng, nhưng thiếu về phẩm.
Rất nhiều tài liệu Việt ngữ cũng như ngoại ngữ viết về Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam và cá nhân Tổng Thống Ngô Đình Diệm thiếu phẩm chất, vì các tác giả đã dùng tác phẩm của mình để buộc tội, hay chạy tội, hoặc có chủ đích muốn chứng minh lối nhìn chủ quan của mình về tình hình Việt Nam. Ví dụ có nhiều tác giả viết rằng vì ông Ngô Đình Diệm sợ thua Cộng Sản, không chịu bầu cử vào năm 1956 theo sự quy định của Hiệp Định Genève, nên Bắc Việt phải phát động chiến dịch thống nhất đất nước bằng quân sự. Thật ra, vào năm 1956, nếu Nam Việt ngại bầu cử với miền Bắc thiếu tự do, miền Bắc cũng ngại bầu cử với miền Nam tự do, nhất là dưới sự giám sát quốc tế. Do đó, vào ngày 11-4-1956, đại diện của nước Anh là Lord Reading, và đại diện của Liên Sô là Gromyko, hai nước bảo trợ Hội Nghị Genève năm 1954, đã gặp nhau tại Luân Đôn, đồng ý rằng cuộc tổng tuyển cử được dự liệu không thể tổ chức được trong những điều kiện hiện tại. Như vậy, cuộc bầu cử đã không có, không phải do lỗi của một bên.
Về cá nhân Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cũng gây nhiều tranh cãi, do những tài liệu hoàn toàn trái ngược. Có người mô tả ông như một lãnh tụ gương mẫu, với lòng yêu nước nhiệt thành, và các đức tính công minh liêm chính. Dưới ngòi bút của người khác, ông là hiện thân của những thủ đoạn tàn ác xấu xa. Nhưng những lời khen hoặc chê nhiều khi thiếu vô tư, xa sự thật, vì không do những người ở cạnh ông, biết rõ về ông viết ra, mà chỉ là những lời tán tụng hoặc mạ lị vô bằng cớ. Ngay cả tài liệu từ mấy chục năm nay được coi là có giá trị, được nhiều tác giả trích dẫn, như cuốn “Hồi Ký Đỗ Thọ”, cũng chưa chắc hoàn toàn do Đỗ Thọ viết ra. Đại Úy Đỗ Thọ (cháu của Đại Tá Đỗ Mậu) là sĩ quan tùy viên của Tổng Thống, đã vào dinh Gia Long sau khi tiếng súng đảo chánh bắt đầu, và chiều 1-11 đi theo Tổng Thống Diệm vào Chợ Lớn, ở cạnh Ông và Ông Nhu cho đến khi các ông này lên xe thiết vận xa, rồi bị giết. Đại Úy Đỗ Thọ bị chết vì tai nạn máy bay sau đó ít lâu. Sáu năm sau, một thân nhân của Đỗ Thọ đã cho đăng “Hồi Ký Đỗ Thọ”, viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trên nhật báo Hòa Bình. Nhưng không phải bản chính của hồi ký, mà là bản đã được viết lại, mỗi lần đưa một ít để đăng mấy kỳ báo, như kiểu truyện dài, rồi những bài báo này đã được góp lại, in thành sách. Như vậy, nội dung Hồi Ký Đỗ Thọ tin được bao nhiêu?
Vì thiếu thốn những tài liệu đáng tin cậy, nên khi được Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ cho xem tập bản thảo “Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm”, gồm một số bài đã đăng báo và một số bài mới viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và một số nhân vật trọng yếu của Nam Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, tôi đã đọc xong ngay trong một buổi chiều.
Bốn mươi năm trước, Thiếu Tá Duệ là Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Trước khi ở chức vụ này, chính ông Duệ đã chỉ huy lực lượng chiếm lại Đài Phát Thanh Sàigòn trong cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960. Vào ngày đảo chánh 1-11-63, Thiếu Tá Duệ là người chỉ huy lữ đoàn, chiến đấu chống đảo chánh, cho đến khi Tổng Thống Diệm hạ lệnh buông súng.
Ông Nguyễn Hữu Duệ đã làm việc gần Tổng Thống Diệm trong nhiều năm. Nhờ địa vị đặc biệt này, ông Duệ biết nhiều về Tổng Thống Diệm, và những nhân vật trọng yếu quanh ông. Ông Duệ là một trong số rất ít nhân chứng còn sót lại của một giai đoạn lịch sử đầy xáo trộn, do đó, những gì ông ghi lại có một giá trị đặc biệt.
Thẳng thắn nhìn nhận một lòng trung thành với Tổng Thống, và quý trọng Ông Diệm như cha, tất nhiên ông Duệ chỉ ghi lại những điều tốt đẹp. Hay nói khác đi, ông Duệ chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp về Tổng Thống Diệm. Nhưng điều này không làm giảm giá trị những gì ông Duệ viết ra. Ông Duệ không đóng vai quan tòa luận công tội của Ông Diệm, ông không đóng vai công tố buộc tội, cũng không đóng vai luật sư bào chữa. Ông Duệ chỉ là một nhân chứng, ghi lại những gì còn nhớ được về những ngày làm việc gần Tổng Thống Diệm.
Tuy theo lối nhìn của ông Nguyễn Hữu Duệ, Tổng Thống Diệm là một nhà lãnh đạo hoàn hảo, nhưng người đọc vẫn có thể tìm thấy qua lời kể của tác giả những sai lầm khá quan trọng của Ông Diệm. Ví dụ câu chuyện về Đức Cha Si-Mong Hòa Hiền, giám mục Sàigòn, vào một buổi sáng sớm lái xe đi việc riêng, đã cán què một người, trong khi ông không có bằng lái xe. Đức Cha Hiền đã cầu cứu Đức Cha Thục, rồi Đức Cha Thục nhờ Ông Diệm can thiệp để nạn nhân bãi nại, vì chẳng lẽ để một giám mục ra tòa như một phạm nhân. Vụ này chứng tỏ cả Tổng Thống Diệm và hai vị giám mục đều sai lầm. Khi nhậm chức, Tổng Thống tuyên thệ trung thành và bảo vệ hiến pháp. Dùng địa vị mình để can thiệp cho một người phạm pháp khỏi phải ra tòa, là cản trở việc thi hành pháp luật. Dưới chế độ thượng tôn pháp luật, đây có thể là một nguyên cớ để bị bãi nhiệm. Về phía hai vị giám mục, đây là một việc đáng buồn, vì hai ngàn năm trước, Chúa Giê-Su, người sáng lập ra đạo Công giáo, chuyên rao giảng điều lành, chỉ chữa người bệnh, không làm què ai cả, vậy mà vẫn chịu ra tòa, chịu bị hành hạ, bị làm nhục, và chịu chết. Đức Cha Hiền lái xe không bằng lái, lại cán què người, còn chạy chọt để khỏi bị ra tòa, vừa không dám nhận trách nhiệm, vừa lỗi phép công bằng.
Ngày 26-6-1954, Ông Ngô Đình Diệm về tới Sàigòn nhận chức Thủ Tướng, vì dinh Độc Lập (Norodom) còn do cao ủy Pháp cư ngụ, ông làm việc tại dinh Gia Long. Khung cảnh dinh Gia Long trong ngày làm việc đầu tiên (27-6) của Thủ Tướng Diệm, được Trung Tá Edward Lansdale, đi cùng với nhân viên sứ quán Mỹ ở Sàigòn George Hellyer, mô tả như sau:
“Công thự nhỏ (dinh Gia Long) mà Ông Diệm đặt văn phòng thật là vô trật tự khi tôi và Hellyer bước vào. Không có lính gác, không có nhân viên tiếp khách. Một vài người vẻ mặt cau có, lang thang từ phòng này qua phòng khác, tay ôm hồ sơ và văn phòng phẩm, như thể đang kiếm một chỗ ngồi để làm việc. Một trong những người ấy bảo chúng tôi là Thủ Tướng ở trên lầu. Chúng tôi đi lên, hành lang trên lầu không có ai. Thấy một cửa phòng hé mở, chúng tôi đẩy cửa, ghé đầu nhìn vào. Đó là căn phòng hẹp, có một cái bàn lớn choán gần hết phòng, trên chất đầy giấy tờ. Một người Việt trung niên ngồi tại bàn đang đọc hồ sơ. Ông ngước lên khi chúng tôi bước vào. Mới thoáng nhìn, ông ta không có gì đáng để ý lắm. Dáng vẻ tròn trịa, mặc một bộ đồ lớn bằng xẹc-kin mầu trắng, chân chưa chấm đất, chắc ngắn lắm. Tóc ông ta đen và dầy, chải gọn ghẽ, khuôn mặt lớn với đặc điểm nổi bật là những u thịt tròn trên gò má, như lúc nào cũng cười. Tôi nhìn ông ta, cặp mắt sống động và thân thiện của ông khiến tôi có cảm tưởng ông là một con người khác hẳn…Hellyer xin lỗi ông ta, và ngỏ ý chúng tôi muốn gặp Thủ Tướng Diệm. Ông trả lời: Tôi là Ngô Đình Diệm”
Cuối năm 1954, tướng Nguyễn Văn Hinh với quân đội trong tay, âm mưu đảo chánh lật đổ Thủ Tướng Diệm, nhưng bất thành. Edward Lansdale đã vận động Tổng Thống Phi Magsaysay, gửi Napoleon Valeriano từ dinh Malacanang sang Việt Nam huấn luyện và tổ chức tiểu đoàn phòng vệ Phủ Tổng Thống. Đến năm 1963, Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống là một lực lượng khá hùng hậu, gồm trên hai ngàn người, có pháo binh, thiết giáp, và phòng không.
Năm 1954, Thủ Tướng Diệm về nước với hai bàn tay trắng, không có cảnh sát, không có quân đội, bị các lực lượng võ trang chống đối khắp nơi, dinh Gia Long hầu như bỏ ngỏ, nhưng không ai hại được ông. Năm 1963, Tổng Thống Diệm có trong tay quyền hành rộng rãi, từ trung ương tới địa phương, dinh Gia Long được bảo vệ vòng trong vòng ngoài, và cả trên không, nhưng ông đã phải lẻn ra ngoài trong cô đơn, rồi chết thảm. Như vậy, thế mạnh yếu, sự an nguy của một nguyên thủ quốc gia, không do ở chỗ được nhiều hay ít quân bảo vệ, mà do những yếu tố khác.
Năm 1954, Thiếu Tá Lucien Conein, một trong hai cộng sự viên thân tín của Trung Tá Edward Lansdale, tới Việt Nam giúp Thủ Tướng Diệm củng cố địa vị và ổn định tình thế. Trong cuộc đảo chánh 1963, Tổng Thống Diệm hỏi sĩ quan tùy viên là Đại Úy Lê Công Hoàn: Có thằng Mỹ nào đằng sau nhóm đảo chánh không? “Thằng Mỹ” đóng vai liên lạc đưa anh em Ông Diệm tới chỗ chết, chính là Lucien Conein. Người Mỹ đã thay đổi, hay Ông Diệm đã thay đổi?
Năm 1955, Thủ Tướng Miến Điện U Nu sang thăm Việt Nam, được Edward Lansdale hỏi ý kiến về vị quốc khách này, Ông Diệm nhận xét là ông U Nu không đủ bản lãnh để cầm quyền ở Á Châu, vì ông ta không biết tí gì về quân đội của mình, không nói được quân đội Miến có bao nhiêu người, bao nhiêu tiểu đoàn, và dùng loại súng nào. Quả nhiên, ông U Nu bị mất chức năm 1958, tuy trở lại cầm quyền hai năm sau, nhưng rồi bị tướng Ne Win đảo chánh lật đổ năm 1962. Chỉ qua một câu chuyện, Ông Diệm đã biết rõ khả năng lãnh đạo của ông U Nu, nhưng tiếc thay, lại không biết rõ khả năng của chính mình. Ông biết tường tận về quân đội của mình, nhưng không biết rõ lòng dạ các tướng tá do ông lựa chọn. Chỉ có tướng tá đảo chánh, quân không bao giờ đảo chánh.
Đinh Từ Thức
Tháng 3-2003
LỜI NÓI ĐẦU
Đây không phải là một tập hồi ký. Cuốn sách này chỉ bao gồm những điều ghi nhận trung thực của một sĩ quan đã từng phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa suốt 24 năm trường (1951-1975).
Trong thời gian tại ngũ, tôi là người may mắn được làm việc bên cạnh một số cấp chỉ huy tài ba, đứng đắn và trong sạch. Với tôi, những ngày sống trong quân ngũ quả thật là tuyệt đẹp và ý nghĩa vô cùng.
Điều mà tôi cảm thấy hãnh diện nhất là được phục vụ bên cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, được ông thương mến và tin cậy. Lúc đó tôi chỉ là một sĩ quan mang cấp bực thiếu tá, đảm nhận một vai trò nhỏ bé trong Lữ Đoàn Liên Minh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Nhờ cơ duyên này, tôi được biết rõ Tổng Thống là một người rất đạo đức và liêm chính, lại kèm theo một nếp sống thật giản dị, khiêm nhường. Trong những năm tháng được gần ông, tôi chưa từng thấy ông đòi hỏi riêng gì cho cá nhân mình, mà chỉ thấy lúc nào ông cũng ưu tư lo cho dân, cho nước. Đối với tôi, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người khai sáng ra nền Đệ Nhất Cộng Hòa, xứng đáng là một vị lãnh đạo chân chính, đã có công bảo vệ và đem lại nền độc lập và tự do thực sự cho Miền Nam Việt Nam. Tiếc thay, trước những biến đổi của tình hình chính trị, qua tham vọng của một số tướng lãnh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị thảm sát trong cuộc đảo chính ngày 01.11.1963.
Khi cuốn sách được thành hình, chúng tôi không quên cảm ơn:
- Nhà báo Đinh Từ Thức, vì tình bạn, đã hết lòng dành rất nhiều thời giờ giúp đỡ chúng tôi trong việc hoàn chỉnh bản thảo.
- Họa sĩ Long Ân đã giúp tôi thực hiện hình bìa .
- Em tôi là Nguyễn Tấn Khang, trong khi tôi đang đau yếu, đã khuyến khích và giúp tôi chu toàn mọi việc để cuốn sách này được ra mắt bạn đọc.
- Anh Vũ Ngọc Hiến và Saigon Graphic đã đánh máy và trình bày tác phẩm này. Vốn dĩ không phải là một nhà văn nên cách viết thiếu phần chải chuốt, xin quí vị
độc giả rộng tình lượng thứ và chỉ dẫn cho những sơ suất. Tôi đã cố gắng tối đa ghi
lại các sự việc đúng sự thực, nếu có chỗ sai thì không phải do cố tình, mà vì sơ sót hoặc vì thời gian quá lâu không còn nhớ rõ được.
Kính,
Nguyễn Hữu Duệ
GIA TÀI CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NGÔI NHÀ ÔNG DỰ ĐỊNH VỀ HƯU
Lời mở đầu:
Tôi tin ở phúc đức và nhất là ở số tử vi. Ngày mới ra đời, ông cố nội cho cha tôi biết sau khi lấy lá số của tôi.
- Ta chắc sau này nước ta sẽ loạn, vì số thằng này phát võ. Kể cả mấy anh chị em của nó cũng phát võ, và chồng của con gái cũng là võ quan. Ngoài ra con nhà Mại (tên ông chú tôi) cũng đều phát võ cả, kể cả các con cái người làng ta cũng vậy.
- Con sau này lúc về già sẽ ở với thằng này. Số nó có tử vi cư Ngọ ở cung Thiên Di, tức là được ở gần những người lớn đứng đắn, không chừng được ở cạnh vua nữa.
Sau này được ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm để lo an ninh cho ông, tôi mới nhớ lại lời cha tôi kể.
Được ở gần vị Tổng Thống đức độ, nhân ái và yêu nước, tôi rất hãnh diện và đã trung thành với ông cho đến cuối đời ông, mặc dù bao nhiêu cám dỗ về tiền bạc và công danh, mà phía đảo chánh hứa dành cho tôi, nếu tôi phản bội ông.
Tôi viết bài này để tưởng nhớ tới người yêu nước thương dân.
Năm 1963, khi vụ Phật giáo bùng nổ, tôi thấy rõ Tổng Thống tỏ vẻ buồn rầu. Một cận vệ của Tổng Thống kể với tôi, có đêm lúc 2, 3 giờ sáng, ông bỏ phòng ngủ ra ngoài hành lang đi lại có vẻ nghĩ ngợi. Cận vệ phải đánh thức sĩ quan tùy viên và sĩ quan cận vệ để đi theo ông. Thấy đông người xung quanh, ông lại lững thững vào phòng.
Một chiều Chủ nhật khoảng 4 giờ, được tham mưu biệt bộ gọi dây nói cho biết Tổng Thống muốn ra ngoài, đi thăm nhà Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ ở đường Chi Lăng, sau sẽ đến thăm nhà ông Nguyễn Lương, bộ trưởng Tài Chánh ở đường Trương Minh Ký. Tôi hỏi lại số nhà của hai ông để lo an ninh, sau đó lên dinh Gia Long tháp tùng Tổng Thống.
Vì đi bất thường nên thủ tục về an ninh không có gì phải lo nhiều. Nhưng tôi cũng phái một số binh sĩ của Lữ đoàn phòng vệ đến trước những nơi đó để giữ an ninh. Tháp tùng Tổng Thống chỉ có cận vệ, hai xe cảnh sát mở đường, và xe của tụi tôi mà thôi.
Khi đến nhà Phó Tổng Thống, vì được báo trước, ông đã ra đón sẵn ở cổng. Đó là ngôi nhà khá lớn, hai tầng lầu, trông đẹp và to nhất ở khu ấy.
Vì mới xây xong, trong nhà đồ đạc chưa có gì. Phó Tổng Thống mời Tổng Thống lên phòng khách ở lầu một. Cả phòng chỉ có một ghế bành để Tổng Thống ngồi, hai ông bà đứng hai bên. Thấy vậy, Tổng Thống không ngồi và ngỏ ý muốn đi xem vườn, vì nghe nói có người Nhật vẽ kiểu đẹp lắm.
Ông được hướng dẫn ra thăm vườn. Tôi thấy vườn khá đẹp, nhưng hơi nhỏ, có mấy tảng đá to, có nước chảy và mấy cây thông, cây liễu khá lớn v.v… Tổng Thống cũng khen là xếp đặt khéo, nhưng nhà to mà vườn quá nhỏ, trông không xứng.
Rồi hai vị đi quanh sân, chỉ trỏ ngôi nhà, bàn về kiến trúc khá lâu. Sau ông được mời lên lại phòng khách để uống trà, nhưng ông từ chối và ra xe lên thăm nhà ông Nguyễn Lương ở đường Trương Minh Ký. Cũng là ngôi nhà mới xây xong, và hình như không có người ở nhà, vì cổng khóa. Tổng Thống chỉ ngừng xe nhìn vào nhà khá to và cũng đẹp nhất khu này, nhưng vườn phía trước nhà quá nhỏ và chả có gì đặc biệt.
Thay vì về lại dinh Gia Long, ông đổi ý, muốn đi thăm nhà ông chủ tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ, và nhà ông bộ trưởng Nội Vụ, ở khu làng đại học Thủ Đức.
Vì không được báo trước, cả hai ông đều đi vắng, Tổng Thống chỉ xuống xe xem phía ngoài. Những nhà này đều xây khá lâu rồi nên nhà nào cũng có cây to bóng mát vườn rộng nhà ông Trương Vĩnh Lễ có cả hồ bơi. Ông có vẻ thích thú, khen khu này xa thành phố, rộng rãi và yên tĩnh.
Ít lâu sau, khi lên Đà Lạt nghỉ cuối tuần, sáng Chủ Nhật ông đòi đi xem nhà của ông bà Nhu mới mua (tôi nhớ hình như ở đường Bùi Thị Xuân). Nhà của cả hai vợ chồng ông Nhu, nhưng ai cũng gọi là biệt thự bà Nhu.
Khi đến ông đi thăm vườn trước – vườn này đang sửa lại, có hai người làm và cũng do một người Nhật vẽ kiểu. Cây cối còn nhỏ và chưa có hoa nên chả có gì đặc biệt. Chỉ có hai cây tùng bút khá lớn ở ngay trước cửa nhà là ông khen đẹp mà thôi.
Nhà trệt, có bốn phòng ngủ khá lớn và hai phòng ngủ nhỏ. So với các nhà ông đã xem ở Sài Gòn và Thủ Đức, cùng các biệt thự đẹp ở Đà Lạt thì ngôi nhà này kém xa. Ông chê: Thế mà bảo đẹp, ngó chả ra chi! (sau đảo chánh ai cũng nói nhà to, đẹp, và rất lộng lẫy. Còn mở cửa cho dân chúng vào xem. Sau nghe nói chỉ có một số người đến coi rồi chả ai đến nữa, vì chẳng có gì đáng coi).
Cụ Lại Mấn (thân sinh của cụ Lại Tư, phó chủ tịch Quốc Hội), là nghị viên tỉnh Thái Bình, bạn thân của ba tôi (cũng là nghị viên của tỉnh Hưng Yên cùng thời với cụ), kể cho ba tôi nghe.
- Đây là ngôi nhà đầu tiên của vợ chồng ông Nhu, xưa nay ông bà chưa có cái nhà nào, suốt đời đi ở nhờ. Ngày ở ngoài Bắc thì ở nhờ nhà ông bà Trần Văn Chương là cha mẹ của bà Nhu. Tại Huế thì ở nhà ông bà Cả Lễ, anh rể và chị ruột của ông Nhu. Vào Sài Gòn thì ở nhờ nhà của địa phận Vĩnh Long mà Đức Cha Thục làm giám mục. Có một thời ở Đà Lạt thì ở nhờ nhà bác sĩ Đôn, là thân phụ của Trung Tướng Trần Văn Đôn. Ông Nhu thời Pháp làm cũng khá lương, nhưng không đủ tiền mua nhà, và cũng đổi chỗ ở nhiều lần.
Vì cụ Lại Mấn là nhà thầu nên bà Nhu nhờ cụ mua hộ một số vật liệu để sửa nhà. Nhờ thế, cụ biết rõ ông bà Nhu không có tiền nhiều, và bà rất dè sẻn trong việc mua bán.
Sau khi thăm nhà ông bà Nhu, Tổng Thống lại đi thăm khu đất của ông Đức Âm (một nhà kim hoàn giầu có nổi tiếng ở Sài Gòn). Ông định mua lại khu đất này để làm ký túc xá sinh viên cho học sinh các trường Quốc Gia Nghĩa Tử và Thiếu Sinh Quân, sau khi tốt nghiệp trung học muốn học đại học thì ở đó. Vì khu này gần viện đại học Đà Lạt. Ông thích khu này lắm vì đất rộng gần đường và rất đẹp. Ông nói khi về hưu thì lên Đà Lạt nghỉ ở đó với sinh viên.
Mấy tuần sau, ông lại đi thăm ngôi vườn ở Gia Định. Nơi này, ông đặt tên là vườn Phượng Hoàng. Vườn tọa lạc giáp ranh tỉnh Gia Định và Bình Dương, gần sông Vàm Cỏ. Lần này có kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và Thiếu Tá Nguyễn Đức Xích, tỉnh trưởng Gia Định tháp tùng. Vườn này hình con phượng hoàng, có khu trồng hoa rộng, có hồ thả cá trồng sen, có nhà nguyện, trường học và một khu khá lớn đã làm xong một số nhà cấp cho gia đình tử sĩ ở. Một khu ở cạnh nhà nguyện đã được dành sẵn để làm nhà cho ông ở khi về hưu.
Lần đầu tiên trong mấy tháng nay, tôi thấy ông vui vẻ và thoải mái. Sau khi cầu nguyện độ 15 phút ở nhà nguyện (tuy nhỏ nhưng kiểu đẹp lắm, do ông Ngô Viết Thụ vẽ), ông ra ngoài nói chuyện với các bà sơ và một số em nhỏ đứng quây quần quanh ông. Lúc ấy, khu vườn chưa làm xong nhưng đã xây được nhiều phòng học và các sơ đã bắt đầu dậy cho các em nhỏ ở khu gia đình tử sĩ mới dọn đến. Ý của ông là lúc đầu dựng độ chừng 100 nhà cho gia đình tử sĩ ở, sau sẽ xây dựng thêm để thành một làng tử sĩ. Khi về hưu, ông sẽ ở tại đây để trông nom các gia đình này và vui cùng các con em tử sĩ. (Tôi nghe nói ở Vĩnh Long cũng có một làng Tử Sĩ rồi nhưng chưa được đi xem).
Sau đó, ông Ngô Viết Thụ trình ông xem họa đồ vẽ ngôi nhà ông sẽ ở. Nhà làm bằng gỗ có ba phòng ngủ và một phòng đọc sách. Ông muốn lợp tranh thật dầy cho mát và có một giàn hoa trước nhà. Tôi thấy họa đồ rất sơ sài, giống kiểu nhà ánh sáng như báo Ngày Nay đã vẽ mà tôi được đi xem khi còn nhỏ. Sau khi nghe ông nói muốn lợp tranh thật dầy, tôi nói nhỏ với một sĩ quan cận vệ đứng cạnh là nếu lợp bằng ngói đỏ cũng đẹp và mát lắm chứ. Chắc ông nghe được, ngẩng đầu nhìn tôi:
- Thôi, việc lợp tranh hay ngói sẽ tính sau.
Tôi thầm nghĩ chắc ông sẽ so sánh giá cả, rồi quyết định sau. Ở gần ông, tôi biết tính ông không muốn phung phí về tiền bạc, nhất là những gì cho ông.
Ngày phá dinh Độc Lập để xây lại sau khi bị bỏ bom. Giá ước tính của Bộ Công Chánh chắc ông nghĩ là quá cao nên nhờ Nha Công Binh tính lại. Tôi được đứng gần ông nghe Thiếu Tá Nguyễn Văn Chức thuyết trình về ước lượng thời gian và kinh phí để phá hủy của Nha Công Binh, chỉ bằng 60% giá Bộ Công Chánh ước lượng, và thời gian ngắn hơn. Ông tỏ vẻ vui mừng và khen ngợi Thiếu Tá Chức.
Tôi cũng nhớ một hôm ở Đà Lạt, ông bảo tôi cho gọi Đại Úy Đẳng lên cho ông nhờ một việc. Đại Úy Đẳng là sĩ quan Quân cụ ở Sài Gòn theo lên Đà Lạt để bảo trì những khẩu súng săn của cựu hoàng Bảo Đại. Khi gặp Đại Úy Đẳng, ông móc túi lấy hộp thuốc lá ông dùng hằng ngày, và hỏi:
- Anh xem có thể sửa cái hộp thuốc này được không, sao nó không đóng lại được.
Tôi ngạc nhiên nhìn vào cái hộp thuốc đã quá cũ và sây sát nhiều. Ông nhìn tôi như nói cho tôi hiểu:
-Tôi thích cái hộp thuốc này vì nó nhẹ và dùng nó đã lâu, tôi còn mấy cái nữa, đẹp hơn nhưng tôi không thích. Bây giờ nhớ lại những lời ông nói tôi vẫn còn thấy xúc động.
Nhớ ngày ông đến khánh thành trường Quốc Gia Nghĩa Tử ở Sài Gòn do Đại Tá bác sĩ Trương Khuê Quan làm giám đốc. Trường lớn và đẹp vô cùng, cũng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ.
Ông nói với Đại Tá Quan:
- Trong cuộc chiến này chỉ có con của tử sĩ là thiệt thòi nhất vì vậy tôi chọn cái tên “Quốc Gia Nghĩa Tử” để nhớ là quốc gia phải có bổn phận với họ. Tôi sẽ lo cho các tỉnh đều phải có trường Quốc Gia Nghĩa Tử và sau khi tốt nghiệp sẽ là các cán bộ trung thành của Quốc Gia. Ngoài ra tôi sẽ lập các ký túc xá ở gần các trường đại học cho các học sinh giỏi ở để học đại học.
Xem họa đồ căn nhà ông dự định sẽ ở khi về hưu ở vườn Phượng Hoàng, so sánh với nhà của Phó Tổng Thống và các ông bộ trưởng, tôi nghĩ mà thương ông. Sau ngày đảo chánh, gặp ông Võ Văn Hải là chánh văn phòng và cũng là người lo giữ tiền bạc của cải cho ông, tôi hỏi ông Hải:
- Thế cụ định hết nhiệm kỳ này thì nghỉ, phải không?
- Đúng, ông cũng mệt quá rồi, nhất là sau vụ Phật giáo xảy ra.
- Thế cụ định khi về hưu thì ở đâu? Ở cái nhà tại vườn Phượng Hoàng đâu có được. Ai lo cho cụ.
- Không, cụ có tâm sự với tôi là sẽ về Huế ở với bà cụ cố. Nếu cụ cố chết sẽ vào tu ở Dòng Chúa Cứu Thế. Vì vậy, lương và phụ cấp của cụ đều gửi cho Cha Toán là quản lý của nhà dòng. Còn vườn Phượng Hoàng, là chỗ ông cụ tính sẽ lên nghỉ và vui với các con tử sĩ.
- Thế lương và phụ cấp tất cả gửi Cha Toán được bao nhiêu ?
- Hai triệu tám trăm ngàn (hay ba triệu vì lâu quá tôi không nhớ), số tiền này sau đảo chánh hội đồng cách mạng cho Trung Tướng Trần Văn Minh đến gặp Cha Toán để lấy về vì Trung Tướng Minh là người công giáo và cũng quen Cha Toán (Cha Toán sau khi giao số tiền này cho hội đồng cách mạng thì phải trốn sang Pháp vì sợ các tướng lãnh nghĩ ông còn giữ nhiều hơn. Khi cha trốn sang Pháp ông đi qua ngả Cao Miên, do chính tôi cho hạ sĩ Tiến tài xế của tôi lấy xe Peugeot đưa cha lên Tây Ninh. Năm 1983, tôi sang Pháp có gặp Cha và lúc ấy Cha vẫn mạnh khỏe).
- Sao họ biết là tiền gửi cho Cha Toán ?
- Họ hỏi, tôi khai ra. Mà không khai cũng không được.
- Thế ông có bị đe dọa hay tra khảo gì không ?
- Không, tôi và ông Dương Văn Minh khá thân. Sau đảo chánh, ông vẫn mời tôi đi đánh tennis với ông.
- Ngoài ra, ông nghĩ cụ có tiền gửi ngoại quốc không?
- Làm gì có, ông có để ý gì tới tiền bạc đâu, mà lấy tiền đâu mà gửi đi ngoại quốc. Có lần ông hỏi tôi gửi tiền ở nhà dòng được bao nhiêu, tôi thưa gần 3 triệu. Ông ngạc nhiên là sao để dành được nhiều thế? Đó là lần duy nhất ông hỏi tôi về tiền bạc.
Tôi hỏi thêm ông Hải:
- Thế ông có biết số tiền của Tổng Thống họ dùng vào việc gì không?
- Chắc họ chia nhau chứ không thấy công bố.
- Ngoài ra họ có bắt ông khai những bí mật gì của Tổng Thống không?
- Cụ chả có gì bí mật. Mà có thì tôi cũng chả nói vì đã gọi là bí mật mà (ông cười).
- Thế cụ có viết những gì về mình không. Chẳng hạn như nhật ký và những hoạt động của cụ từ trước tới nay v.v…
- À cái này, tôi không trả lời ông được, nhưng sau này những người viết sử sẽ lo.
- Ông có biết cụ và cụ Hồ có liên lạc với nhau sau này không?
- Tôi không trả lời được câu này.
- Sao ông không viết cho người ta rõ sự hy sinh của cụ, để trả lời những xuyên tạc về cụ?
- Tôi có viết nhưng không thể phổ biến. Lúc này, mấy ai tin những người viết không đứng đắn và không có bằng cớ xác thực. Thời gian sẽ trả lời, anh tin đi, rồi sẽ có nhiều sử gia sẽ viết một cách đứng đắn về cụ.
Ông Hải sau ngày mất nước bị kẹt ở lại và bị đi cải tạo, sau đó chết. Nhưng bà Hải còn sống, hy vọng những gì viết về Tổng Thống hãy còn lại.
Sau này nhiều tin đồn là Tổng Thống và ông cố vấn Nhu còn sống và đang ở Tây Ninh. Nhưng tôi không tin. Đức Cha Thuận là cháu của Tổng Thống có lần đến mượn xe tôi để đi Tây Ninh hai ngày, không biết có phải để tìm tin tức của Tổng Thống, hay ngài đi về việc khác.
Nguyễn Hữu Duệ
ĐẠI SỨ NGÔ ĐÌNH LUYỆN
Nhân dịp ông Ngô Đình Luyện từ Pháp qua Mỹ thăm Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đang nghỉ ở dòng Đồng Công tại Missouri, lúc ấy gần ngày giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên anh Nguyễn Văn Nghi và tôi mời ông đến San Diego dự lễ giỗ ngày 1 tháng 11, sau đó đến Orange County dự lễ vào ngày 2 tháng 11. Ông đến San Diego sớm, nên ở chơi với tôi hơn một tuần.
Khi ở nhà tôi, tối nào ông và tôi cũng nói chuyện đến khuya, có khi đến 2, 3 giờ sáng. Tôi đã hỏi ông được nhiều chuyện của gia đình, và nhiều việc quốc gia nữa, mà tôi chưa được đọc ở sách nào. Tôi xin kể ra đây để các sử gia có thêm tài liệu về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và nền Đệ Nhất Cộng Hoà do ông thành lập.
Tại sao Ông Diệm nhận lời về làm Thủ Tướng năm 1954?
Theo lời ông Luyện kể, trước đó, mỗi lần muốn thay đổi Thủ Tướng, Quốc Trưởng Bảo Đại đều mời ông Luyện đến, để nhờ thuyết phục Ông Diệm lập nội các. Nhưng Ông Diệm đều từ chối, vì biết nếu về mà còn người Pháp chỉ huy, thì cũng chả làm được gì, chẳng khác gì khi ông được mời làm thượng thư Bộ Lại ngày Bảo Đại mới lên ngôi.
Ông Luyện và Bảo Đại là bạn thân từ thuở nhỏ, cùng học với nhau thời thơ ấu ở Pháp, vì vậy hai người thân thiết với nhau như anh em ruột. Bảo Đại có nhiều người bạn Pháp cũng như ông Luyện, nhưng đối với ông Luyện thì Bảo Đại thân hơn, vì hai người cùng học một thầy người Việt Nam do triều đình cử sang dạy về lễ nghi, lịch sử và cách xưng hô cùng luật lệ của triều đình Việt Nam, hầu khi Hoàng Đế về chấp chánh thì đã sẵn sàng.
Vị thượng thư mà triều đình cử sang là người cao lớn, đen, và mắt trông hơi dữ dằn. Triều đình hy vọng nhờ vị thầy học này, Hoàng Đế sẽ nể nang hơn. Ông Luyện có nói tên vị thượng thư này cho tôi nghe, nhưng nay tôi quên mất rồi (hình như là cụ thượng Thứ thì phải)
Lúc ấy Hoàng Đế đã khá lớn, ông rất thông minh và thích thú khi học về lịch sử và quyền hạn của nhà vua. Mỗi lần ông đến học, thầy giáo phải quỳ để đón và cách xưng hô rất là kính cẩn, luôn miệng phải thưa là “Tâu Ngài”. Ngoài ra, triều đình cũng cử thêm một số thị vệ để hầu hạ Hoàng Đế nữa.
Vì được trọng vọng như vậy, đôi khi Hoàng Đế mải chơi tennis hay cưỡi ngựa mà bỏ học, ông Luyện lại được thầy sai đi mời Hoàng Đế về. Khi ông đi mời Hoàng Đế, bao giờ ngài cũng về ngay, và xin lỗi thầy. Ông Luyện và Hoàng Đế nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, xưng “mày tao” (tu-toi) với nhau. Nhưng ở trong lớp thầy Việt Nam thì nói với nhau bằng tiếng Việt, ông Luyện cũng thưa là “Tâu Ngài”. Thầy bao giờ cũng để sẵn bánh kẹo, nhất là chocolat, để Hoàng Đế và ông Luyện ăn, ngoài ra thị vệ phải hầu trà.
Ông Luyện kể thêm: Khi Hoàng Đế hồi loan, Ngài nhiều lần căn dặn ông Luyện khi về nước phải đến gặp ngài. Khi ấy ông Luyện còn phải ở lại để học thêm một thời gian nữa. Sau đó, ông đậu kỹ sư và về Việt Nam được bổ đi coi điền địa của hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, ăn lương ngạch Tây nên khá giầu (điền địa là cadastre). Có lần Hoàng Đế đi kinh lý các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, có khâm sứ đi theo, các quan đi đón đông lắm, trong số đó có ông Luyện. Khi gặp ông, ngài ôm chầm lấy và la ông bằng tiếng Pháp: Tại sao khi về không đến thăm tôi? Và vẫn “tu, toi” với ông như khi ở Pháp. Ngài giới thiệu ông với ông khâm sứ rằng “Hai chúng tôi là amis d’enfance”. Và ngài bắt ông Luyện tuần tới phải về thăm ngài.
Khi ông Luyện đến thăm, ngài đón tiếp rất niềm nở và mời hoàng hậu Nam Phương ra giới thiệu, cùng giữ lại ăn cơm gia đình. Hoàng Đế cũng muốn giữ ông Luyện làm việc gần ngài, nhưng ông từ chối.
Sau đó, mỗi lần Hoàng Đế có bạn người Pháp sang thăm, Ngài đều mời ông Luyện về Huế chơi cùng các bạn cũ, và ôn lại những ngày thơ ấu ở Pháp một cách vui vẻ lắm. Sau này, Quốc Trưởng và ông Luyện thường gặp nhau ở Pháp.
Khi hội nghị Gènève bắt đầu, ông được Quốc Trưởng mời đến, và được giao cho chức vụ đặc phái viên của Quốc Trưởng, để theo dõi hội nghị và trình thẳng với Quốc Trưởng các diễn tiến của hội nghị. Ông cũng từ chối, viện lý là không có quần áo sẵn sàng và phương tiện di chuyển. Quốc Trưởng nói: “Đây là việc nước và của người bạn thân (ami), ông phải giúp tôi. Còn việc quần áo và phương tiện sẽ có người khác lo cho ông”. Nói rồi ngài gọi ông Quang và ra lệnh ông lo cho ông Luyện tất cả những gì ông cần (tôi không rõ ông Quang là ai?) Ngoài ra ông cũng lưu ý ông Luyện thông báo các diễn tiến hội nghị cho Ông Diệm hay để Ông Diệm rõ tình hình.
Ông Luyện cũng kể rằng, Quốc Trưởng có vẻ hận người Pháp lắm, vì họ đã đặt Ngài vào sự việc đã rồi, và không hề có giới chức cao cấp nào của Pháp bàn với Quốc Trưởng điều gì trước đó cả. Quốc Trưởng cũng lưu ý ông Luyện, là phải giao thiệp mật thiết với phái đoàn Mỹ ở hội nghị.
Khi hội nghị sắp kết thúc, chỉ còn bàn cãi về việc chia cắt ở vĩ tuyến nào thì ông Luyện được lệnh Quốc Trưởng liên lạc với phái đoàn Mỹ, để nhờ họ giúp cách nào giữ được Huế cho phía quốc gia.
Sau đó, Quốc Trưởng mời Ông Diệm đến để giao cho chức vụ Thủ Tướng. Ông Diệm từ chối, nhưng Quốc Trưởng cố ép, và nói ngài rất lo lắng cho số phận của những người di cư và cán bộ trung kiên của người quốc gia. Ngài thêm một điều kiện là cho Ông Diệm được toàn quyền về hành chánh và quân đội. Thêm nữa, do sự thúc giục của ông Luyện, ông Cẩn cùng Đức Cha Thục và các cán bộ ở trong nước, nên Ông Diệm nhận lời.
Tôi hỏi ông Luyện:
- Cháu có nghe nói trước khi về nhận chức, Ông Diệm đã thề hết lòng trung thành với Quốc Trưởng, phải không?
-Tôi không rõ lắm là các Thủ Tướng trước đó có phải thề giữ lòng trung thành với Quốc Trưởng không, nhưng Ông Diệm chỉ thề là hết lòng phục vụ và giữ vững nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng. Và Quốc Trưởng cũng nhắc Ông Diệm rằng bất cứ trong trường hợp nào, cũng phải đặt tổ quốc Việt Nam trên hết.
Ông Luyện có đọc cho tôi nghe câu thề bằng tiếng Pháp, vì đã lâu tôi không còn nhớ nguyên văn, nhưng tôi hiểu ý là như vậy. Cách đây ít lâu, tôi có đọc một bài của giáo sư Tôn Thất Thiện nói về việc này, và ghi rõ câu thề bằng tiếng Pháp, tôi nghĩ là đúng.
Sau đó, có cuộc nói chuyện riêng giữa Quốc Trưởng và Thủ Tướng, ông Luyện cũng có mặt. Quốc Trưởng nhắc Ông Diệm phải tìm mọi cách đẩy người Pháp đi và củng cố quân đội, đào tạo cán bộ theo người Mỹ v.v…Khi Thủ Tướng về nước, ông Luyện về theo và giúp Ông Diệm mọi việc.
Theo ông Luyện, điều khó khăn nhất là việc đối xử với các giáo phái, và tìm được cán bộ trung kiên. Ông Cẩn đã giúp rất nhiều trong việc này cho miền Trung. Trong Nam, ông Nguyễn Ngọc Thơ là người giúp Thủ Tướng rất nhiều trong việc sắp xếp nhân sự.
Việc đối phó với tướng Nguyễn Văn Hinh và các giáo phái cũng rất khó khăn. Miền Trung thì coi như ủng hộ Thủ Tướng 100%, nhưng trong Nam thì các giáo phái luôn luôn đòi hỏi Thủ Tướng mọi điều. Ngay như Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, là người ủng hộ và quý mến Ông Diệm, cũng nghe người Pháp mà phá chính phủ. Tuy nhiên, các đơn vị ở Bắc rút vào thì ủng hộ Thủ Tướng hết lòng.
Ông Luyện kể sư đoàn Nùng lúc đó đóng ở sông Mao, ông có ra gặp đại tá Wòng A Sáng để nhờ đưa hai tiểu đoàn bí mật vào bảo vệ dinh Thủ Tướng. Đại tá Sáng nhận lời ngay, và hứa nếu cần ông sẽ đem hết lực lượng Nùng vào bảo vệ Thủ Tướng. Phương tiện di chuyển không có, đại tá Sáng phải trưng dụng xe đò, xe lửa để đưa quân vào. Ngoài ra ông Luyện còn gặp trung tá Thái Quang Hoàng, là người đã rút quân ra lập chiến khu để phản đối trung tướng Hinh v.v…
Tôi hỏi ông Luyện về việc giao thiệp với người Pháp và đại sứ Mỹ ra sao, ông kể: Đại Tướng Ely là cao ủy Pháp lúc bấy giờ rất thân với đại tướng Taylor là đại sứ Mỹ, hai người mỗi lần muốn ép Thủ Tướng Diệm điều gì, đều đi cùng với nhau, mặc quân phục, và cùng một ý kiến. Ông Diệm tức lắm và gọi hai ông này là “hai chị bà sơ”. Ngoài mặt thì phải nhượng bộ, nhưng Ông Diệm cứ âm thầm theo đuổi mục đích của mình là lo cho dân di cư và tìm cách trục xuất cho được người Pháp ra khỏi Việt Nam, cùng dẹp bỏ các giáo phái võ trang.
Việc truất phế Bảo Đại.
Vẫn theo ông Luyện, Ông Diệm gặp khó khăn nhất khi ra lệnh đóng cửa các sòng bài và nhà điếm, vì không còn lợi tức nào để gửi tiền cho Quốc Trưởng hàng tháng nữa. Những người ở quanh Quốc Trưởng cũng không được Ông Diệm o bế và tặng tiền như Bảy Viễn đã làm từ xưa, nên bị gièm pha nhiều.
Cái công điện mà Quốc Trưởng gọi Thủ Tướng sang Pháp, là giọt nước làm tràn cái ly, nên buộc lòng Ông Diệm phải đối phó. Ông nghĩ nước Việt Nam mà giao phó vào tay Bảy Viễn, thì sớm muộn gì cũng mất vào tay Cộng Sản.
Khi công bố cưỡng lệnh Quốc Trưởng, ông Luyện được Thủ Tướng cử sang Pháp gặp Quốc Trưởng, để trình bày sự khó khăn của chính phủ. Ông Luyện phải đợi 3 ngày mới được Quốc Trưởng tiếp kiến. Trái với trước kia, ông Luyện muốn gặp Quốc Trưởng lúc nào cũng được.
Ông mang theo 700 ngàn đồng, là tiền quỹ đen của Thủ Tướng mà ông không dùng đến từ ngày về nước, để biếu Quốc Trưởng. Ông trình bày cho Quốc Trưởng rõ, là tình hình Việt Nam đã sáng sủa, người Pháp sẽ phải rút đi, mình đòi lại được dinh Độc Lập và việc dẹp bỏ các lực lượng giáo phái võ trang để thống nhất quân đội, thì chỉ còn là vấn đề thời gian v.v…Quốc Trưởng và ông nói chuyện rất lâu, và Quốc Trưởng không còn oán trách gì về Ông Diệm và ông Luyện nữa. Nhưng ngài nói: “Tôi biết việc này do ông Nhu bày ra”
Việc mua Toà Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc.
Anh Trần Mạnh Phúc là tham vụ ngoại giao của Toà Đại Sứ Việt Nam tại Anh quốc và được ông đại sứ Luyện rất mến trọng, có kể với tôi (anh Phúc hiện ở San Diego) rằng:
Khi Ông Diệm có ý định viếng Anh quốc thì Bộ Ngoại Giao trình Tổng Thống nên mua một trụ sở cho Toà Đại Sứ để khi Tổng Thống viếng Anh quốc có nơi tiếp tân, vì chắc chắn Nữ Hoàng Anh sẽ tới dự. Vì muốn cho nhanh việc, nên Bộ Ngoại Giao ủy cho đại sứ Luyện lo việc này. Muốn tiến hành mau lẹ, tòa nhà dùng làm Toà Đại Sứ tạm thời đứng tên đại sứ Luyện. Dinh thự này khá lớn, tọa lạc cả một block đường, không có số nhà, nói đến là ai cũng biết đó là khu đẹp vào hạng nhất ở Luân Đôn, thủ đô Anh quốc.
Mới mua được ít lâu thì đảo chánh xảy ra nên chưa kịp sang tên cho chính quyền Việt Nam và tòa nhà này vẫn đứng tên đại sứ Luyện. (Chính phủ Việt Nam cũng có một căn nhà tại Pháp, đứng tên Vĩnh Thụy, là tên của Quốc Trưởng Bảo Đại. Sau năm 1975, nhà cầm quyền Hà Nội thu hồi căn nhà này. Nhưng về sau, người vợ đầm của Bảo Đại là Monica thắng trong vụ kiện đòi lại, rồi đem bán đi).
Sau đảo chánh, Bộ Ngoại Giao có nhờ ông Trần Mạnh Phúc đi gặp đại sứ Luyện để sang tên lại tòa nhà cho chính quyền Việt Nam. Ông Phúc gặp đại sứ Luyện và được trả lời như sau: “Tôi rất muốn làm theo Bộ Ngoại Giao yêu cầu, nhưng rất tiếc sau khi đảo chánh, chính phủ đã ra một sắc lệnh tịch thu toàn thể gia sản họ Ngô. Tất cả gia sản anh em tôi đều bị tịch thu, nên bây giờ tôi không có quyền gì sang tên căn nhà này”
Khi ông Phúc đến thăm ông Luyện tại nhà tôi, tôi có hỏi ông Luyện vụ này thì ông xác nhận là đúng.
Tôi nói với ông Luyện:
- “Theo ý cháu, tội gì mình để cho tụi Việt Cộng dùng tòa nhà này? Cụ đòi lại bán đi để giúp anh em có phương tiện kháng chiến chống lại Cộng Sản”
Ông trả lời:
- Đâu có được! Anh thấy không, anh em tôi gia sản có gì đâu! Nếu tụi tôi tham lam thì bao năm nay thiếu gì cơ hội tụi tôi làm giàu. Một tòa nhà này thì có nghĩa lý gì! Cho đến bây giờ mọi người mới hiểu cho anh em tôi.
Việc Thủ Tướng Trung cộng Chu Ân Lai muốn có liên lạc ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Luyện kể cho tôi nghe một bí mật hết sức quan trọng mà tôi chưa nghe bao giờ. Ngày Thủ Tướng Chu Ân Lai viếng Anh quốc (tôi quên không nhớ năm nào), phái đoàn của Chu Ân Lai đông lắm, có đến hơn 100 người và được chính phủ Anh đón tiếp rất long trọng. Ông Luyện được một tham vụ ngoại giao của Toà Đại Sứ Trung Quốc đem biếu hai vò rượu “Mao Thái”, kèm thiệp của Thủ Tướng Chu Ân Lai mời dự tiếp tân ở Toà Đại Sứ Trung Quốc với sự hiện diện của Nữ Hoàng Anh.
Khi ông được đại sứ Trung Quốc giới thiệu với Thủ Tướng Chu Ân Lai, Thủ Tướng rất niềm nở, nói đã biết ông là em của Tổng Thống Việt Nam, là người ông rất kính trọng và ngưỡng mộ, xin ông Luyện chuyển lời thăm của Mao chủ tịch đến Ngô Tổng Thống. Ông Chu nói ông không có cơ hội để nói nhiều với đại sứ Luyện nhưng đã chỉ thị đại sứ Trung Quốc đến gặp đại sứ Luyện trình bầy chi tiết sau.
Sau đó, đại sứ Trung Quốc đến thăm ông Luyện ở Toà Đại Sứ Việt Nam. Đại sứ Trung Cộng nói với ông Luyện rằng chủ tịch Mao rất cảm phục lòng yêu nước và những gì Ngô Tổng Thống đã làm cho miền Nam Việt Nam được phồn thịnh như ngày nay. Ý chủ tịch Mao muốn có liên lạc ngoại giao với miền Nam Việt Nam.
Theo ý Mao Trạch Đông, trước tiên hai bên sẽ đặt liên lạc trên cấp tổng lãnh sự, sau đó sẽ nâng lên cấp đại sứ nếu tình thế cho phép. Theo Mao Trạch Đông hai bên sẽ có liên lạc chặt chẽ về văn hóa và bình thường hóa việc buôn bán giữa hai quốc gia, Trung Quốc sẽ dàn xếp để hai miền Nam Bắc Việt Nam có đại diện giữa hai miền, sau đó sẽ đi đến việc liên lạc, tiếp tế và buôn bán giữa hai miền v.v…
Ông Luyện trả lời là sẽ về trình Tổng Thống và sẽ trả lời ông đại sứ Trung Cộng sau.
Ông Luyện đã đích thân về trình Tổng Thống Diệm việc này. Sau đó gần hai tháng, ông được Tổng Thống triệu về và cho biết là sau khi đã nhờ ông đại sứ Trung Hoa Quốc gia về tham khảo ý kiến của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch. Tổng Thống cũng tham khảo ý kiến với đại sứ Hoa Kỳ thì đi đến kết luận là việc này chưa thể đồng ý trong giai đoạn này được.
Tổng Thống Diệm cũng cho ông Luyện rõ là khi ông sang thăm Đài Loan, ông và Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã giao ước với nhau rằng sẽ hết lòng giúp đỡ nhau trong việc chống Cộng và hai nước coi nhau như anh em. Tổng Thống bảo ông Luyện về trả lời đại sứ Trung Quốc rằng chính phủ Việt Nam rất cảm ơn Mao chủ tịch và xin một thời gian để sắp xếp.
Khi ông Luyện kể cho tôi nghe chuyện này, tôi chợt nhớ năm 1963, Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan là ông Tưởng Kinh Quốc (sau làm Tổng Thống Đài Loan) có bí mật sang thăm Việt Nam và thường đàm luận với Tổng Thống Diệm nhiều đêm (ông Tưởng Kinh Quốc là con Tổng Thống Tưởng Giới Thạch)
Tổng Thống Diệm cũng nói với ông Luyện rằng ông đồng ý với Tổng Thống Tưởng Giới Thạch là không bao giờ tin được Cộng Sản, vì vậy phải rất thận trọng. Ngoài ra, Việt Nam Cộng Hòa có chính sách rõ ràng là nước nào đã có Toà Đại Sứ ở miền Bắc thì Việt Nam phải rất thận trọng khi đặt liên lạc ngoại giao với nước ấy.
Tổng Thống Diệm và ông Luyện có biết trước việc đảo chánh sẽ xảy ra không ?
Ông Luyện còn kể cho tôi nghe trước ngày đảo chánh độ mấy tháng, có một linh mục dòng Jesuit ở Hoa Kỳ đã bí mật sang gặp ông. Vị linh mục này muốn giữ bí mật nên trước khi gặp ông Luyện đã ghé qua nhiều nước Âu châu rồi mới đến thăm ông Luyện. Ông Luyện và vị linh mục này gặp nhau ở một tiệm ăn ở ngoại ô Luân Đôn.
Vị linh mục này muốn cho Ông Diệm rõ là sớm muộn gì Hoa Kỳ cũng sẽ giúp cho việc đảo chánh ở Việt Nam để lật đổ Tổng Thống Diệm. Theo linh mục này thì sự việc xảy ra gần đây thôi. Ông Luyện hỏi vị linh mục này làm sao có thể ngăn chận được?
Vị linh mục này nói có hai ý kiến, theo ông thì Tổng Thống Diệm nên làm.
1. Nên nhượng bộ chánh phủ Hoa Kỳ, đồng ý tất cả những gì người Mỹ muốn qua đại sứ Hoa Kỳ. (Theo ông Luyện thì người Mỹ muốn Việt Nam nhường cảng Cam Ranh cho người Mỹ một thời gian, như Phi Luật Tân nhường cảng Subic, và để cho người Mỹ một thời gian vào Việt Nam).
2. Nếu Tổng Thống và chánh phủ Việt Nam không đồng ý thì Tổng Thống phải công khai nói ra những gì Hoa Kỳ buộc Việt Nam mà Việt Nam không thể chấp nhận được trong một cuộc họp báo, có đầy đủ ngoại giao đoàn các nước, và Tổng Thống kêu gọi các nước giúp Việt Nam Cộng Hòa chống Cộng Sản qua công hàm ngoại giao. Ông Luyện hỏi thêm:
- Theo ý linh mục thì trong hai ý kiến này, ý kiến nào nên theo?
- Ý kiến 1 vì Việt Nam khó tách rời khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ, vì mọi phương tiện chống Cộng đều do Hoa Kỳ viện trợ.
Tuy nhiên, ý kiến 2 không phải là không đúng nếu Việt Nam được các cường quốc ủng hộ và nhân dân Hoa Kỳ cũng như quốc hội Hoa Kỳ có thể thay đổi thái độ, thay vì chống đối chiến tranh; quay lại ủng hộ.
Linh mục cũng lưu ý thêm với ông Luyện rằng tình hình rất gay go từ khi vụ Phật giáo xảy ra, chắc chắn là do bàn tay của CIA dính vào. Nếu đảo chánh xảy ra ở Việt Nam sớm muộn gì cũng giống như trường hợp của Trung Hoa với Tưởng Giới Thạch vậy.
Ông Luyện vội về trình với Tổng Thống Diệm sự việc như trên. Tổng Thống có vẻ suy nghĩ và hỏi ý kiến ông Luyện, thì ông khuyên Tổng Thống nên nhượng bộ người Mỹ, vạn nhất nếu đảo chánh xảy ra dù mình có thắng thì tiềm lực của quân đội cũng bị sứt mẻ, rất có hại cho việc chống Cộng.
Tổng Thống có vẻ không lưu ý về việc đảo chánh mà phàn nàn nhiều với ông Luyện về vụ Phật giáo. Ông tỏ ra rất buồn vì người Mỹ đã nhúng tay vào vụ này. Theo tin tức đích xác ông nhận được thì ông rất lo hậu quả của vụ này giữa Phật giáo và Công giáo sẽ chống đối nhau.
Tổng Thống Diệm nói sẽ nghiên cứu kỹ việc này và bảo ông Luyện sang gặp ông Nhu để bàn thêm. Ông Luyện gặp ông Nhu và ông Nhu có vẻ chú ý và cũng đồng ý nhưng ông lo rằng người Mỹ đòi mang quân vào và sử dụng Cam Ranh thì khó được Tổng Thống chấp thuận. Ông cũng lo rằng, nếu người Mỹ mang quân vào thì Nga và Tàu sẽ giúp miền Bắc nhiều hơn và có thể cũng đem quân vào nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ là bãi chiến trường đẫm máu.
Còn việc đảo chánh thì ông không lo vì đã nắm vững quân đội và xem mặt các tướng lãnh thì thấy không ai có đủ khả năng làm việc này. Ông cũng đồng ý với Ông Diệm rằng, vụ Phật giáo sẽ làm cho dân Việt Nam chia rẽ sau này.
Ông Luyện ở lại Việt Nam hai ngày và họp với Tổng Thống cùng ông Nhu thêm một lần sau đó. Tổng Thống bảo ông Luyện cứ yên tâm về lại nhiệm sở và ông tin là mọi sự sẽ được giải quyết êm đẹp.
Ông Luyện nói với tôi: “Chắc Ông Diệm nói cho tôi yên lòng chứ kỳ này khác hẳn những kỳ trước, tôi gặp ông thấy ông buồn rầu và suy nghĩ nhiều lắm!”
- Cháu nghe nói sau đảo chánh cụ được vua Ma-Rốc cho tỵ nạn phải không? Tôi hỏi.
- Đúng, việc này làm cho tôi suýt chết đấy! Tôi đông con, các cháu lớn đều học ở Pháp và khi đi tỵ nạn chỉ có nhà tôi và mấy cháu nhỏ theo sang Ma-Rốc. Đến phi trường, tôi được ông hoàng đệ (ông kể tên mà tôi quên), em vua Ma-Rốc đón ở phi trường và đưa về ở tạm tại dinh quốc khách.
Ông biết không? cái dinh này to và đẹp vô cùng, dinh Độc Lập của mình chả thấm vào đâu. Gia nhân hàng hơn chục người, có lính gác rất trang trọng. Tôi bối rối vô cùng và nghĩ riêng tiền thưởng cho đám gia nhân này cũng sạt nghiệp mình, nên tôi trình với ông hoàng đệ rằng tôi đang gặp cơn bối rối, vì vậy tôi chỉ mong được ở một căn nhà nhỏ và đi dậy học ở đây để qua lúc này mà thôi.
Ông Hoàng đệ nói cứ ở tạm đó rồi sẽ tính sau.
Khi ở đó, ông Luyện và gia đình được phục vụ rất chu đáo và ông Hoàng đệ đến thăm luôn. Độ mấy ngày sau, ông hoàng đệ đến gặp ông Luyện, có mấy người tùy tùng đi theo và mang cả bản đồ. Ông hoàng giới thiệu với ông Luyện mấy người đi theo toàn là tổng giám đốc mấy công ty lớn ở Ma-Rốc và kỹ sư cả.
Ông ta muốn giúp đỡ cho ông Luyện có việc làm cho khuây khỏa khi ở đây, và muốn ông Luyện đầu tư (invest) vào công ty khai thác mỏ vàng ở Ma-Rốc. Ông ta nói sơ khởi, ông Luyện chỉ cần bỏ 10 triệu đô la, sau đó sẽ bỏ thêm sau, và hy vọng mỏ vàng này sẽ đem lại lợi tức hàng năm cho ông Luyện độ nửa triệu để sinh sống và có thể nhiều hơn nếu bỏ thêm vốn.
Ông Luyện nghe nói, sợ hết hồn. Nhưng nếu từ chối ngay, sợ bị hại mà khó lòng ra khỏi Ma-Rốc, nên ông vờ hỏi thêm địa điểm và cách điều hành, làm như chú ý đến việc này lắm. Sau đó ông trả lời là cho ông suy nghĩ ít lâu và cần phải bàn với bà Nhu là chị dâu ông đã. Sở dĩ ông phải mang tên bà Nhu ra là bởi trước đó, ông Nhu đã từng đại diện Tổng Thống sang thăm Ma-Rốc để đáp lễ lại việc thái tử Ma- Rốc sang thăm Việt Nam.
Ông Luyện nói: “Mình đã nghèo mà họ cứ nghĩ là mình giàu có! Ông Duệ nghĩ xem, thiên hạ cầm quyền thì giàu có đến mức nào mà anh em tôi thì có gì đâu! Tôi đang lo muốn chết để làm sao có tiền cho các con ăn học mà họ nói chuyện toàn bạc triệu, mà lại triệu đô la nữa chứ!”
Sau đó, ông Luyện phải bí mật gặp đại sứ Anh và Pháp ở Ma-Rốc, xin giúp đỡ bằng cách nào để đi khỏi Ma-Rốc về Pháp dậy học. Ông Luyện phải lấy cớ về Pháp gặp bà Nhu để bàn việc. Các đại sứ Pháp và Anh đưa ông ra tận phi trường để về Pháp.
Tôi nhớ lại cách đây ít năm, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ có kể với tôi ngày ông mới sang đây khi còn ở trại tỵ nạn, cũng có mấy người Hoa Kỳ đến tiếp xúc với ông và hứa hẹn sẽ giúp việc làm cho một số người tỵ nạn. Ông mừng lắm và hy vọng sẽ giúp đỡ cho anh em một phần nào. Một hôm, ông được họ đến đón ở trại tỵ nạn và đưa đến một khách sạn rất sang trọng, họ đưa vào phòng họp đã có sẵn bản đồ và sơ đồ. Họ cũng thuyết trình trang trọng lắm và cuối cùng đề nghị thiếu tướng Kỳ invest nhiều triệu đô la để khai thác mỏ vàng.
Tôi hỏi thêm ông Luyện:
- Chắc cụ cũng rõ việc ông Trần Văn Chương từ chức đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ và bà ấy từ chức quan sát viên thường trực ở Liên Hiệp Quốc để phản đối Tổng Thống Diệm về vụ Phật giáo? Cũng như vụ ông Vũ Văn Mẫu cạo đầu từ chức bộ trưởng ngoại giao?
- Việc ông Mẫu, tôi không rõ chi tiết, nhưng tôi biết chắc là ông ấy thấy Hoa Kỳ muốn có sự thay đổi ở Việt Nam và cũng biết Hoa Kỳ muốn Việt Nam có Thủ Tướng, ông Mẫu ngấp nghé địa vị này nên làm trước. Ngoài ra ở địa vị Ngoại trưởng, ông ấy rõ tình hình hơn ai hết.
Còn vụ ông bà Trần Văn Chương, tôi biết rất rõ. Chắc khi ở Hoa Thịnh Đốn, ông bị Hoa Kỳ mua chuộc và xúi bẩy. Trước khi từ chức, ông có viết cho Ông Diệm một thư dài, khuyên Ông Diệm nên từ chức và ông sẵn sàng thay Ông Diệm trong lúc khó khăn này. Ông Diệm giận lắm. Ông Nhu khuyên Ông Diệm cất chức ông bà Chương và bà Nhu gọi điện thoại gây gổ với ông bà Chương, dọa sẽ cắt đứt liên lạc mặc dầu là cha mẹ ruột. Theo ông Nhu kể lại thì bà Nhu trách ông Chương là luật sư mà không biết gì về hiến pháp. Nếu Tổng Thống Diệm có từ chức thì phải nhường quyền cho phó Tổng Thống chứ sao lại nhường cho ông Chương được? Ông Diệm cũng đồng ý cách chức ông bà Chương và đang tìm người thay thế thì ông bà Chương đã từ chức trước.
Gia đình tôi, ai cũng rõ việc này do bà Chương chủ động, còn ông Chương là người rất hiền lành, mọi việc trong nhà do bà ấy quyết định cả. Bà ấy có nhiều tham vọng và ngang ngược lắm. Để tôi kể ông nghe chuyện nực cười này của bà ấy.
Bà Nhu thấy tổ chức phụ nữ ở Phi Luật Tân rất thành công nên bà ấy rất muốn sang thăm để học hỏi và được bà Tổng Thống Phi chính thức mời sang. Khi đang sửa soạn thì bà Chương ở Mỹ về, và đòi tham gia phái đoàn.
Nực cười là khi gửi danh sách phái đoàn đến Bộ Ngoại Giao để xin thông hành ngoại giao thì bà ấy đòi trong thông hành của bà phải rút xuống 10 tuổi, chứ không chịu theo tuổi trong thẻ kiểm tra, nên việc này đặt Bộ Ngoại Giao vào hoàn cảnh khó xử.
Bộ Ngoại Giao không giải quyết được, nên trình Tổng Thống và ông Nhu quyết định. Ông đổng lý chuyển phiếu trình cho ông Nhu, đúng lúc ông Nhu đang đọc phiếu trình thì ông Luyện vào, ông Nhu đưa phiếu trình cho ông Luyện đọc. Ông Luyện nói đùa:
- Sao bà ấy không rút tuổi xuống hàng trăm cho được việc! Rồi ông Luyện hỏi ông Nhu:
- Thế anh định sao?
Ông Nhu nói ngay:
- Thì còn sao nữa? Mình mà phê vào đây đồng ý cho rút tuổi thì còn thể thống gì!
Đó anh xem, thông hành ngoại giao chỉ làm cho đúng phép mà thôi, chứ chả lẽ sang Phi người ta hỏi tuổi bà ấy sao? Và chả lẽ người ta lại xem thông hành để biết tuổi người ấy? Tôi rất may là vợ tôi chỉ biết lo cho chồng con, chứ lại nhiều chuyện như gia đình bà Nhu nữa thì khổ cho Ông Diệm biết mấy!
Ông Luyện cũng cho tôi biết là từ khi bà Chương từ chức thì bà Nhu cắt liên lạc với cha mẹ, kể cả khi sang thăm Hoa Kỳ để giải độc bà cũng không liên lạc. Khi bà đến Hoa Thịnh Đốn và sau này khi di cư bà cũng không liên lạc nữa.
Cũng nên nói thêm là tôi chưa hề gặp bà Luyện ở dinh Gia Long bao giờ, và cũng chưa biết mặt bà và bất cứ người nào trong gia đình bà.
Chuyện ông Mẫu, ông Đính
Còn ông Vũ Văn Mẫu, tôi được gặp ông khi ông vào trình diện Tổng Thống trước khi đi hành hương ở Ấn Độ. Mặc dầu khi gặp ông, tụi tôi vẫn đứng dậy chào một cách lễ phép, nhưng thấy dáng điệu của ông không được tự nhiên mấy khi đáp lễ. Ông vào phòng Tổng Thống không lâu lắm, độ 10 phút sau, ông sang phòng ông Nhu và ở đó khá lâu. Ông Nhu ra lệnh cho mang máy thâu băng vào để ông nói vào đó. Tôi không biết ông đã nói những gì, nhưng ông Trần Sử là bí thư của Tổng Thống, có kể với tôi rằng ông Mẫu có làm đơn xin đổi thêm 4 ngàn đô la nữa và được Tổng Thống chấp thuận. Sau này ông được làm Thủ Tướng lúc Cộng Sản sắp vào, và chưa kịp trình diện nội các thì đã bị Việt Cộng bắt.
Chuyện về tướng Đính và ông Luyện sau đây, tôi được anh em cận vệ kể lại, vì xẩy ra ngày tôi chưa về cạnh Tổng Thống.
Khi Tổng Thống lên Pleiku, lúc ấy Thiếu Tướng Tôn Thất Đính làm tư lệnh Quân khu II. Phái đoàn của Tổng Thống khá đông, có mấy vị đại sứ và cả ông Luyện đi thăm khu dinh điền. Gặp hôm trời mưa, đường trơn, Tổng Thống đã thay giầy bốt, riêng ông Luyện vẫn đi giầy thường, thiếu tướng Đính phải ra lệnh lấy giày vải nhà binh cho ông Luyện thay.
Khi mang giầy đến, Thiếu Tướng Đính bèn quỳ xuống cởi giầy cho ông Luyện trước sự ngạc nhiên của tất cả sĩ quan và phái đoàn. Sau khi đảo chánh, tôi được đổi về sư đoàn 25 làm Tham mưu phó hành quân kiêm trưởng phòng 3. Đại úy Trịnh Tiến là trưởng phòng 2 cũng kể với tôi như vậy (Đại úy Tiến lúc đó ở bộ tư lệnh Quân đoàn II, đơn vị cuối cùng của anh là Đại tá Trưởng phòng 2, Quân đoàn II)
Tôi hỏi ông Luyện việc này, ông nhận là đúng. Ông nói thêm: Chắc ông Đính nghĩ mình là con cháu trong nhà nên có cử chỉ ấy. Ông nói: Ông Đính nhận là con nuôi ông Cẩn, và gọi tôi là cậu, xưng con.
Một chuyện khác cũng liên hệ tới giầy, xẩy ra ngày Tổng Thống đi thăm khu dinh điền Tánh Linh, và ở lại đó đêm thứ Bảy. Theo chương trình sáng Chủ Nhật, Tổng Thống dậy lúc 7 giờ, và xem lễ lúc 8 giờ ở nhà thờ gần đấy. Nhưng Tổng Thống dậy sớm, bảo sĩ quan tùy viên gọi dây nói xin Cha Xứ cho Tổng Thống xem lễ sớm hơn, vào lúc 7 giờ thay vì 8 giờ. Khi ông thay quần áo, người lính đi theo lo việc này tối hôm trước đi ngủ với mấy người bạn ở đơn vị giữ an ninh chưa về kịp. Đại úy Cảnh, là sĩ quan cận vệ, vội mang giầy vào để ông thay. Thấy vậy, ông cau mày hỏi:
- Thằng nớ đâu mà phải lo việc này?
Tôi kể việc này, để quý vị độc giả có dịp biết thêm về “người và việc”. Khi đảo chánh lật đổ Tổng Thống, tướng Đính gọi là làm cách mạng để lật đổ chế độ “phong kiến gia đình trị”, trong khi tướng Đính nhận là con cháu trong nhà con nuôi ông Cẩn.
Gần đây, đọc cuốn hồi ký của tướng Đính, tôi thấy sợ cho tình người. Viết sao cũng được!
Việc Tổng Thống Diệm dùng người
Tôi hỏi ông Luyện:
- Cụ đã đọc quyển sách do ông Đỗ Mậu viết chưa?
- Có người đem cho tôi một cuốn, nhưng tôi không đọc. Tôi nghĩ đọc để mà thoải mái, chứ đọc mà bực mình thì đọc để làm gì!
Tôi hỏi thêm:
- Thế cụ nghĩ sao khi người ta phàn nàn là Tổng Thống không biết dùng người nên mới xảy ra vụ đảo chánh để đến nỗi chết?
- Thì tôi đã kể với anh rằng khi mới về, tìm được người hợp tác rất là khó. Anh xem, sau đảo chánh qua bao nhiêu là chánh phủ mà có ai thành công đâu, và có ai được khen là biết dùng người đâu! Vì mình chỉ được huấn luyện theo người Pháp, và họ nào có muốn đào tạo mình thành các cấp lãnh đạo giỏi đâu!
Tôi đồng ý với anh là Ông Diệm không dám làm mạnh để đưa các người trẻ ra, nhưng nếu làm nhanh quá sẽ gây nhiều xáo trộn và chưa chắc đã thành công. Vì vậy, ông dành mọi phương tiện cho các trường đại học, nhất là trường Võ Bị Đà Lạt, trường Quốc Gia Hành Chánh, trường Thiếu Sinh Quân, trường Quốc Gia Nghĩa Tử v.v… Hy vọng sau này đào tạo nhiều cán bộ trẻ, giỏi để gánh vác việc nước. Thật ra những người như Đính và Mậu hay Đôn, Khiêm, Minh… đều là sĩ quan cao cấp cũ, các sĩ quan trẻ thì cấp bậc còn thấp quá nên chỉ thay thế dần dần mà thôi. Đó cũng là sự khó khăn của ông để đến nỗi chết. Lại còn kéo theo cả anh Nhu và anh Cẩn tôi nữa. Gia đình tôi có 6 anh em trai, anh Khôi tôi thì Cộng Sản giết và 3 anh tôi thì bị người Quốc Gia giết, chỉ còn tôi và Đức Cha phải lưu lạc nơi quê người.
- Có bao giờ Tổng Thống và cụ nghĩ đến việc sẽ có ngày xảy ra biến cố và gia đình gặp tai biến mà lo có tiền bạc, nhà cửa ở ngoại quốc để phòng khi tai biến xảy ra không?
- Không, chưa bao giờ anh em tôi nghĩ đến chuyện này. Ông Diệm rất vững lòng tin vì ông nghĩ suốt đời ông chỉ lo cho đất nước thì việc gì ông phải lo sợ! Ông luôn luôn nhắc anh em tôi rằng mình làm việc cho quốc gia để giữ tiếng tăm cho gia đình họ Ngô từ bao đời nay rồi. Nếu lợi dụng để lo cho được giàu có thì có nghĩa gì!
Để tôi kể cho anh nghe một chuyện mà khó ai có thể tin được. Anh biết không, hồi đó, tôi xin nghỉ hai tuần lễ về thăm mẹ tôi đau, khi mẹ tôi khỏi, tôi về Saigon nghỉ. Tôi thích đánh golf nên nhiều lần lên sân golf ở gần nhà thương Cộng Hòa chơi. Tôi thường chơi với mấy bạn người Pháp, và mấy người Tàu, vui vẻ lắm, họ chơi giỏi hơn tôi nhiều. Sau khi chơi xong, thì rủ nhau đi ăn và uống rượu.
Có một lần, mấy người Tàu rủ vào Chợ Lớn ăn ở một cái cercle. Ăn cơm có nhiều món ngon lắm, nhưng đặc biệt, tôi thích nhất là mấy thứ đậu hũ. Có thứ đậu hũ ăn ngậy và béo, nhưng mùi hơi thúi, tôi chưa hề được ăn bao giờ. Tôi khen ngon, nhưng mấy người bạn Pháp thì không dám đụng đũa. Một người bạn Tàu mới ở Hồng Kông sang du lịch, nói với tôi:
- Ông sành ăn lắm! Món đậu hũ này do tôi đề nghị, rất khó làm vì rất công phu. Nhưng ở đây làm không ngon bằng Hồng Kông, nhất là do gia đình tôi làm thì ngon lắm. Tiện đây, tôi mời quý vị thứ Bảy này đi Hồng Kông nghỉ, và đến nhà tôi ăn cơm, tôi sẽ đưa quý vị đi thăm một số phong cảnh ở đó. Một người Pháp, một người Tàu và tôi nhận lời đi.
Tối hôm ấy, hắn mời khách lại nhà ăn cơm, và ngủ ở nhà hắn. Nhà rất lớn và sang trọng. Cơm ăn đặc biệt có nhiều món đậu hũ. Riêng món đậu hũ thúi, thì ngon hơn ở Chợ Lớn nhiều. Cũng có nhiều món rau xào lạ lắm. Món mặn thì chỉ có hai món cá và ngỗng quay. Ăn xong, tụi tôi chơi mạt chược đến khuya, sáng hôm sau đi ăn sáng và xem phong cảnh ở Hồng Kông. Tôi cũng đi Hồng Kông nhiều lần, nhưng không có người hướng dẫn sành sỏi nên không thích mấy. Đi chơi với hắn thì vui lắm, và ăn nhiều món lạ. Có nhiều món rất sơ sài, nhưng ngon miệng lắm, tôi chưa được ăn bao giờ.
Chiều về đến Tân Sơn Nhất, có ông phó tổng giám đốc Quan Thuế và một nhân viên ra đón ngay ở phi cảng. Ông có vẻ băn khoăn lo lắng và nói với tôi:
- Thưa cụ đại sứ, xin cụ hiểu cho sự khó khăn của tụi con. Nhưng đây là lệnh của Tổng Thống, tụi con phải thi hành. Xin cụ cho tụi con được xem hành lý của cụ.
Tôi ngạc nhiên vì xưa nay đi đâu, kể cả ngoại quốc, chưa ai khám xét hành lý của tôi cả, vì mình là nhân viên ngoại giao cao cấp đi bằng thông hành ngoại giao. Thế mà về nước mình lại bị khám xét bởi lệnh của Tổng Thống?
Tôi bình tĩnh trả lời:
- Tôi đi chơi chứ không phải đi công vụ, chả cần có lệnh Tổng Thống cũng vậy, các ông cứ làm đúng phận sự của các ông.
Tôi mang theo cái va ly mang từ Anh Quốc về, nên khá to. Sau khi khám xét xong, thấy chả có gì, anh này cứ xin lỗi tôi hoài và có vẻ lo lắng. Tôi cám ơn, lên xe ra về.
Về tới dinh Gia Long, tôi vào thẳng phòng Ông Diệm với vẻ bực bội. Gặp tôi, ông cười hỏi:
- Sao chú? Chắc khó chịu lắm phải không? Tụi nó cứ nói ra nói vào và báo cáo với tôi rằng chú đi Hồng Kông để giúp tụi Tàu chuyển bạc về Việt Nam (ngày đó tụi Việt Cộng có nhiều tiền Việt Nam để ở Hồng Kông lắm mà không sao mang vào Việt Nam được), nên tôi phải cho khám, để tụi nó khỏi xuyên tạc và sau này tụi nó không dám báo cáo bậy nữa. Và cũng để quan thuế không nể nang một người nào, cho họ dễ làm phận sự của họ.
Anh biết không? Ông (Diệm) có vẻ thích thú lắm và cười ra tiếng. Tôi (ông Luyện) hỏi lại:
- Thế nếu tôi làm bậy thật thì anh không sợ mang tiếng sao?
- Anh em mình ở với nhau từ nhỏ đến giờ, tôi không biết tính chú sao? Nếu chú làm bậy, tôi cũng chả bênh chú.
Sau đó, tôi sang gặp ông Nhu, nghe chuyện tôi kể, ông Nhu cũng ngạc nhiên.
Tôi về phòng nghĩ còn tức, nên mời Tuyến (bác sĩ Tuyến) và Thuần (bộ trưởng phủ Tổng Thống) đến kể cho họ nghe, hy vọng họ biết ai đã báo cáo bậy về tôi. Hai ông này thề không biết gì, và tôi thấy họ ngạc nhiên hết sức, không hiểu tại sao Tổng Thống lại làm như vậy? Tuyến cho tôi biết thêm là cụ có nhiều tin báo cáo thẳng mà chính ông cùng ông Nhu cũng không biết.
Vụ nhà thầu Pháp
Ông Luyện kể cho tôi nghe một chuyện nữa:
- Có mấy người Pháp học cùng trường kỹ sư với tôi, đến phàn nàn với tôi về việc đến thầu xây cất nhà máy đường ( chắc là nhà máy đường Hiệp Hòa ở Đức Hòa) bị ông Thuần, bộ trưởng phủ Tổng Thống xử ép, vì họ trúng thầu rồi mà ông Nguyễn Đình Thuần lại muốn giúp cho nhà thầu Mỹ được.
Tôi hỏi Ông Diệm tại sao lại như vậy?
Ông trả lời rằng chưa được ông Thuần trình báo. Và muốn cho công bằng, ông bảo tôi ngồi đợi ông Thuần mang hồ sơ lên trình để hỏi cho rõ trước mặt tôi.
Ông Thuần mang hồ sơ lên trình và có ý kiến là tuy nhà thầu Pháp trúng thầu thật, nhưng ông ngại nhà thầu Pháp không có kinh nghiệm và máy móc ông nghĩ là của Mỹ tốt hơn. Vả lại, tiền này là của viện trợ Mỹ, nên ưu tiên cho họ.
Thấy ông Thuần có ý chê kỹ sư Pháp học cùng trường với tôi, nên tôi hỏi lại:
- Thế đấu thầu để làm gì? Cứ theo điều lệ sách thì phải thi hành cho đúng chớ. Ông Thuần nể tôi không dám cãi, và ông cụ lại sợ hai bên mếch lòng nhau, nên bảo:
- Thôi, việc này để tôi xem lại.
Sau tôi nghe nói người Pháp được trúng thầu. Tôi cũng biết, Tổng Thống ngoài những tin của bác sĩ Tuyến và tổng nha Cảnh sát công an, ông còn có nhiều tin của các nơi báo cáo cho ông nữa. Bác sĩ Tuyến kể với tôi nhiều lần ông gọi Tuyến lên và cho xem báo cáo về hoạt động của Việt Cộng ở Sàigòn, nơi tụi nó liên lạc và đóng quân ở các vùng nữa, mà ông Tuyến thấy nhiều tin rất đúng.
Có một lần Trung Tá Hùng là tham mưu trưởng Biệt Bộ phủ Tổng Thống và Đại Úy Bằng, là sĩ quan hầu cận được một trưởng ty Cảnh sát mời ăn ở một tiệm sang ở SàiGòn, uống rượu say sưa làm ầm ĩ, thế mà cũng có người báo cáo đến tai ông. Ông giận lắm, gọi hai ông này lên la mắng. Lần đầu tiên tôi thấy ông la to như vậy với các nhân viên ở gần ông. Thường khi ông nói rất nhỏ nhẹ, gọi chúng tôi bằng anh, và không bao giờ la mắng, ông coi tụi tôi như trong gia đình.
Sau vụ ấy, các nhân viên cao cấp trong phủ Tổng Thống được một văn thư của ông đổng lý Quách Tòng Đức đại ý như sau: Tổng Thống dạy các nhân viên làm việc cạnh Tổng Thống phải giữ tác phong, để giữ uy tín cho phủ Tổng Thống. Cấm ngặt không được bê tha vào các nơi trà đình tửu điếm ăn uống say sưa, để dân chúng phàn nàn. Các nhân viên cao cấp đều phải ký vào văn thư để nhận rõ là đã được lệnh này. Tôi cũng phải ký, và từ đó tụi tôi chả dám nhận lời mời của ai đi ăn tiệc cả trừ khi đi với bạn bè và gia đình.
Chuyện Đức Cha Thục
Tôi cũng hỏi ông Luyện về Đức Cha Thục:
- Cháu nghe người ta đồn Đức Cha muốn lên Hồng Y, nên cố gắng hoạt động để có thêm người rửa tội vào đạo Công giáo. Chuyện này hư thực ra sao?
- Sao có vụ ấy được. Nếu Ông Diệm không làm Tổng Thống thì có thể, vì Đức Cha quá thâm niên. Những người bạn của ngài học cùng ở La Mã, nhiều người làm Hồng Y lắm, nhưng Việt Nam bị chia cắt, và Toà Thánh cũng khôn ngoan lắm; bên đời em làm Tổng Thống thì anh làm Hồng Y sao được? Có cái các ông thày tu thì ông nào cũng mong nhiều người theo đạo của mình, thấy có thêm được con chiên thì thích lắm. Đức Cha cũng vậy.
Ông Duệ biết không? Ngày học ở La Mã, Ngài có đến 4 bằng tiến sĩ, và cả trường ai cũng phục ngài. Anh biết không? Ngày Đức Cha Simon Hòa Hiền được Toà Thánh bổ nhiệm làm giám mục Sàigòn thì mọi người cũng đồn đại là Đức Cha thích về làm chỗ ấy và Tổng Thống cũng vận động với Toà Thánh về việc này. Thật ra là vô lý, vì Tổng Thống quý Đức Cha Hiền lắm. Có lần ngài gặp rắc rối về pháp lý, chính Tổng Thống phải đứng ra dàn xếp.
Một sáng ngài dậy sớm, tự lái xe đi có việc mà không gọi tài xế vì quá sớm. Rủi đụng gẫy chân một người đàn ông, mà ngài không có bằng lái xe. Gia đình họ kiện. Mặc dù vụ này không có gì to tát, nhưng về pháp lý thì rắc rối. Chả nhẽ để gọi một vị giám mục ra tòa, nên Đức Cha Thục phải nhờ Tổng Thống can thiệp cho ngài. Rất nhiều người phải đến dàn xếp với người bị nạn, để xin bãi nại và phải thu xếp cho người này một việc làm mới xong.
Ngày Đức Cha được bổ nhiệm làm tổng giám mục Huế, ông rất mừng, kể cả Tổng Thống nữa, ông nói thật là Thiên Chúa đã sắp xếp cho gia đình tôi để Đức Cha về Huế gần mẹ già và phụng dưỡng mẹ lúc cuối cuộc đời.
Còn gì đau khổ hơn cho ngài là lúc về già mà chết một lúc 3 người em và mẹ già lúc chết ông không được nhìn mặt. Thêm một việc nữa, là khi ở La Mã, đức Hồng Y bộ trưởng của Toà Thánh mời ngài đến, để xin ngài từ chức tổng giám mục Huế, và ngài sẽ nhận chức tổng giám mục của một địa phận chỉ có tên trong Kinh Thánh, nên ngài bị giao động mạnh. Vì vậy ngài bị đám của Đức Cha Lefèvre mua chuộc, mời ngài phong chức cho một số giám mục và linh mục của họ.
Chuyện bà Nhu, ông Cẩn
- Còn về bà Nhu, mọi người đồn là giàu có lắm, bà có mấy dãy phố buôn bán ở Paris và có đồn điền ở Ba Tây nữa. Tuy không tin, nhưng cháu cứ nghĩ là bà cũng có ít nhiều. Nay gặp cụ cháu mới biết bà chả có gì.
- Bà Nhu thì bây giờ ai cũng biết bà chả có gì! May quá Đức Cha Thục có quen một bà bá tước giàu có, nên bà cho ở nhờ một thời gian, và mấy đứa con đứa nào cũng học giỏi, thành tài cả. Cháu Lệ Quyên và cháu Quỳnh đều dạy đại học ở La Mã, còn Trác thì tốt nghiệp đại học và lấy vợ rồi.
- Cháu nghe nói giữa Đức Cha và ông Cẩn ở ngoài Trung có nhiều va chạm xảy ra.
- Tôi chả tin. Anh biết gia đình tôi thế nào rồi. Đức Cha là nhất, tôi và anh Cẩn thì kém tuổi Đức Cha nhiều lắm, nên sợ ngài như cha. Ông Cẩn đâu dám va chạm với ngài. Vả lại có gì để mà va chạm? Đức Cha chỉ lo cho giáo hội. Ngài đang chú tâm sửa lại nhà thờ Phú Cam, có để ý gì đến việc chính trị đâu!
Ngày ông Luyện ở San Diego chơi với tôi cả tuần lễ, tôi mời ông đi xem sở thú và Sea World, cùng phong cảnh trong vùng. Ông đều từ chối và nói mấy câu làm tôi cảm động.
- Anh nghĩ tôi còn vui gì mà đi xem phong cảnh? Tôi chỉ muốn đi gặp đồng hương, ai tôi cũng thích, miễn gặp người để tâm sự là tôi mừng rồi.
Vì vậy, tôi đưa ông đi thăm các Cha, cả các chùa và một số thân hào nhân sĩ ở San Diego. Gặp ông, ai cũng vui vẻ và cũng có nhiều người tới thăm ông nữa. Ông nói chuyện rất cởi mở và thành thực. Ông ngủ rất ít, chỉ độ 3, 4 giờ một ngày, và hút thuốc lá liên tục, ngày đến hai gói.
Chuyện ông Luyện
Hôm dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống và ông Nhu ở nhà thờ Linda Vista, thấy đồng bào đến chật nhà thờ và nghe Cha giảng về Tổng Thống, ông cảm động chảy nước mắt và nghẹn ngào khi lên cám ơn.
Ngày hôm sau, anh em ở Orange County xuống đón ông lên trên ấy để dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống, tôi đi cùng và ở nhà ông Cao Xuân Vỹ. Ban tổ chức có mời cả Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị dự lễ nữa. Theo anh em đề nghị thì để Thiếu Tướng Kỳ đến đón ông ra nhà thờ, nhưng ông bàn để ông đến đón Thiếu tướng Kỳ, vì Thiếu tướng Kỳ là khách, và đã từng làm phó Tổng Thống, để tỏ lòng cảm ơn và kính trọng. Tôi nghĩ ông đúng là một nhà ngoại giao.
Ông nói với tôi và anh em là được dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống ở San Diego và Orange County làm ông xúc động và an ủi vô cùng.
Hôm sau, khi đang ăn sáng thì được điện thoại là Đức Cha Thục ở dòng Đồng Công bị đau nặng và đang nằm nhà thương. Anh em ai cũng bận, nên tôi đi cùng ông sang nhà dòng Đồng Công.
Trên máy bay, khi từ toilet ra, dây lưng bị đứt, khiến quần ông muốn tụt ra, vì ông mặc đồ cũ từ ngày xưa, nay ông ốm đi nhiều. Tôi phải tháo dây lưng của tôi cho ông dùng. Tôi cảm thấy thương ông, vì ông nói rằng cả chục năm nay, ông chưa may quần áo mới và thay dây lưng.
Khi đến nơi, gặp ông Trường là chủ một khách sạn lớn ở New York sang, mang theo một bác sĩ Việt Nam (tôi nhớ bác sĩ tên là Nghiêm thì phải). Sau đó, Đức Cha bình phục dần và được các tu sĩ ở nhà dòng trông nom tận tình lắm. Khi ở nhà dòng, tôi được gặp Đức Cha Của, Cha Cao Văn Luận và mấy Cha tôi quen ở Huế nữa.
Tôi ở lại 3 ngày với ông, rồi về California. Trước khi về, tối hôm ấy ở motel ông nói với tôi:
- Ở Việt Nam tôi chỉ gặp ông vài lần và không biết nhau nhiều, sang đây vì ông thương ông cụ mà lo cho tôi hết lòng, tôi thật cảm ơn ông nhiều và không bao giờ quên được những ngày ở gần nhau.
Tôi thưa: Như vậy cụ rõ là anh em thương Tổng Thống đến mức nào.
Ông mở ví, móc hết tiền ra, và nói:
- Như tôi đã kể với ông là tôi nghèo lắm, khi đi chỉ mang theo có 600 đô la, và chưa tiêu một đồng nào. Vé máy bay và khi ở New York được ông Trường lo cho, đến San Diego được ông lo cho mọi thứ, kể cả vé máy bay sang đây. Nay tôi đề nghị chia đôi số tiền này, ông lấy 300 đô la gọi là tiền tôi góp vào tiền máy bay ông mua cho tôi. Thật chả đủ vào đâu, nhưng là tấm lòng của tôi.
Tôi từ chối:
- Cụ càng nghèo, con càng thương cụ. Chắc nếu cụ giàu có như gia đình của các Quốc Trưởng khác, chắc gì cụ đã cần đến con. Con xin cụ cứ tự nhiên, để con có chút kỷ niệm với cu, và để nhớ đến Tổng Thống.
Ông nắm tay tôi và chảy nước mắt, làm tôi cảm động.
Khi về Pháp, ông viết cho tôi một lá thư khá dài để cám ơn, nhắc lại cái dây lưng, và nói sẽ giữ suốt đời để làm kỷ niệm.
Tôi xin phép nhà văn Lữ Giang trích mấy dòng trong cuốn sách: “Những bí ẩn lịch sử đằng sau cuộc chiến Việt Nam” để kết luận nhận xét về Tổng Thống Diệm, và anh em của người:
“Tất cả những người trong dòng họ Ngô đều có lòng yêu nước nồng nàn. Cả dòng họ đều nuôi quyết tâm để giành lại độc lập cho quê hương và không khuất phục trước mọi khó khăn. Cụ Ngô Đình Khả bị sa thải vì không hướng dẫn vua Thành Thái theo ý muốn của người Pháp, và không ký tên vào tờ biểu yêu cầu vua Thành Thái thoái vị theo lệnh của khâm sứ Pháp. Ông Ngô Đình Khôi bị mất chức vì có các hoạt động chống Pháp và bị giết vì mưu toan ngăn chận sự thống trị của Cộng Sản trên đất nước. Ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị hạ sát vì chống lại việc Hoa Kỳ muốn can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam.”
Nguyễn Hữu Duệ
TƯỚNG NGUYỄN VĂN QUAN VÀ BIẾN CỐ 1-11-1963
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Quan, ngày đảo chánh là đại tá, nhưng ông giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức và điều khiển biến cố này. Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, tư lệnh lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống kể với tôi rằng, khi ông đi họp ở Tổng Tham Mưu vào ngày 1-11-63 thì bị Thiếu Tá Thiệt, quân cảnh, còng tay với nhiều sĩ quan cao cấp mà phía đảo chánh gọi là người tin cậy của Tổng Thống Diệm. Ông cằn nhằn Thiếu Tá Thiệt, và hỏi:
- Sao kỳ vậy anh Thiệt? Tôi là một sĩ quan cao cấp được Tổng Tham Mưu mời họp mà anh lại còng tôi ?
- Thưa trung tá, tôi không dám, nhưng đây là lệnh của Đại Tá Quan.
Thật vậy, sau này mới biết địa vị quan trọng của Đại Tá Quan từ lúc tổ chức đảo chánh, rồi ông được coi như phụ tá của Trung Tướng Dương Văn Minh, người cầm đầu đảo chánh sau trở thành Quốc Trưởng.
Khi ông Quan làm tỉnh trưởng Phước Tuy (Bà Rịa), tôi là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, thuộc sư đoàn 7 đóng quân tại đó. Tôi không thuộc quyền chỉ huy của ông, mà trực thuộc tư lệnh sư đoàn. Tuy nhiên, tôi rất kính trọng ông và những gì ông cần đến tôi trong việc giữ an ninh tỉnh, tôi đều vui vẻ thi hành, vì tư lệnh sư đoàn đồng ý cho giúp địa phương giữ an ninh.
Theo tôi biết, ông tốt nghiệp sĩ quan từ thời Pháp (hình như cùng khóa với tướng Dương Văn Minh). Ông từng là tỉnh trưởng Vĩnh Long, rồi đổi về Phước Tuy. Ông hơn tuổi tôi rất nhiều, nhưng biệt đãi và coi tôi như em. Có lần ông nói là ông ít quen người Bắc, nhưng gặp tôi ông quý ngay và nể nang tôi. Ông hay mời tôi đi dự tiếp tân, và khi có các bạn tướng tá đến thăm, ông đều mời tôi dùng cơm ở tư dinh. Ông có cô con gái khá đẹp, khiến anh em ở trung đoàn cứ ngỡ tôi muốn làm rể ông.
Có lần Trung Tướng Dương Văn Minh về thăm ông, muốn đi tắm suối nước nóng và tắm biển Vũng Tàu. Ông Minh có người con đang học ở Phi Luật Tân về nghỉ hè, nên muốn đem con đi nghỉ cùng. Tôi cũng được mời đi chơi trong dịp này, và tôi quen Trung Tướng Minh từ ngày đó.
Khi đến suối nước nóng (tôi nhớ thuộc quận Đất Đỏ thì phải), phong cảnh quá đẹp, và đường vào rất tốt. Trung Tướng Minh thích lắm, khen ít có chỗ nào đẹp như vậy. Ông nhớ trước đây, chỗ này hoang vu, đâu có đẹp như thế này? Đại Tá Quan cho biết, sở dĩ đẹp như thế là do lệnh của Tổng Thống muốn sửa lại con đường từ quốc lộ vào, và tu sửa suối nước nóng thành nơi thắng cảnh, để thu hút khách du lịch khi ra Long Hải tắm biển thì ghé chơi, và cũng là nơi để học sinh ra cắm trại giải trí cuối tuần.
Ông kể thêm:
- Về việc này, moa bị lũy cự đấy (chắc đại tá thân với tướng Minh nên ông xưng moa với Trung Tướng và gọi Tổng Thống bằng lũy, vì quen miệng. Một hôm lũy gọi moa về gặp, moa vào văn phòng, lũy mời moa ngồi cẩn thận, và bảo:
- Ông lấy viết ra ghi đi, tôi muốn nhờ ông làm một việc.
- Moa đớ người ra, vì mình có mang giấy viết đâu. Moa thấy trên bàn của lũy có xấp giấy trắng và mấy cây viết, moa bèn thò tay với lấy. Lũy trừng mắt nhìn moa, nói: Tỉnh trưởng gì mà Tổng Thống gọi về không mang giấy viết, lại lấy giấy viết của Tổng Thống mà xài!
- Thưa cụ, được cụ gọi, tôi vội về trình diện nên quên mang giấy viết.
Thế rồi lũy mang bản đồ ra, chỉ cho moa nơi có suối nước nóng, và hỏi moa có biết chỗ này không? Moa thưa đại là có biết, thật ra mình cũng đi qua một lần nhưng không nhớ lắm. Lũy vẽ cho moa cái plan muốn sửa như thế nào, và đào hồ cùng làm vườn hoa và nhà thủy tạ v.v…
Moa nói là làm được, nhưng xin ngân khoản để làm. Lũy bảo đã bàn với ông tổng trưởng Công Chánh, và sai moa sang gặp để bàn ngân khoản. Khi làm xong, moa mời lũy về khánh thành. Khi đến, lũy có vẻ thích và khen đẹp. Có mấy ông đại sứ ngoại quốc đi cùng cũng khen đẹp, nên lũy có vẻ vui.
Sau đó, ông Quan mời Trung Tướng Minh và tôi ra Vũng Tàu ăn cơm ở Grand Hotel. Đến nơi thì gặp Đại Tá Có, tư lệnh quân khu ở đó rồi. Con của Trung Tướng Minh đi cùng tùy viên của ông ăn ở ngoài.
Bữa ăn chỉ có bốn người. Tôi lấy làm lạ vì Đại Tá Có là tư lệnh Quân khu, coi như xếp của ông, mà ông vẫn gọi là chú một cách tự nhiên, và ông Có gọi ông là anh. Sau này, nhiều lần ăn cơm ở nhà ông, có mấy vị đại tá và có lần cả Thiếu Tướng Tám nữa, mà ông vẫn gọi là chú cả. Vì vậy, tôi chắc ông được nhiều người kính nể. Trong bữa ăn, tôi thấy tướng Minh và ông rất thân mật. Tôi nhớ Đại Tá Có hỏi trung tướng về Trung Tá Fernand Bùi. Ông Có nói:
- Ông này chả xuất sắc gì và hay chơi bời mà sao trung tướng quý ông ấy thế, bao giờ cũng dùng ông.
Tướng Minh cười, nói:
- Hắn có mạng rất là hên, kỳ nào hành quân có hắn là thắng nên moa quý lắm, mạng của hắn hợp với moa.
Nói đến Trung Tá Fernand Bùi, tôi nhớ đến ông ngày cùng làm việc một thời gian hết sức ngắn với tôi ở Tổng vụ Dân nguyện của Thiếu Tướng Cao. Ông người lùn mập, rất vui vẻ, có điều hay chửi thề. Hễ mở miệng ra, bao giờ cũng bắt đầu bằng hai chữ Đù mẹ. Ngày ở Hậu Giang,sư đoàn 4 (sư đoàn 7 sau này) cũng tham gia chiến dịch. Trung Tá Ngô Dzu là tham mưu trưởng sư đoàn, kể với anh em tôi một chuyện về ông khiến ai cũng buồn cười.
Ngày Tổng Thống xuống thăm Long Xuyên, nơi Trung Tá Bùi làm tỉnh trưởng, tối đó có làm khán đài nơi bờ sông để Tổng Thống và quan khách ngồi xem các thuyền chăng đèn kết hoa trình diễn trên sông. Có cả sân khấu nổi trên thuyền để diễn kịch nữa. Vở kịch có một màn lính Tây đi càn, bắt gà và trêu ghẹo phụ nữ. Có cô con gái bị lính Tây cởi áo và bóp vú. Tổng Thống quay mặt đi, nói:
- Tục tĩu ! Tục tĩu !.
Trung Tá Bùi ngồi sau Tổng Thống sợ quá bèn la lên:
- Chết tôi rồi! Đù mẹ, chết rồi. Đù mẹ ông phó hại tôi rồi! Cả khán đài ai cũng cười.
Lúc đó, có cả Phó Tổng Thống Thơ ngồi cạnh Tổng Thống. May được Phó Tổng Thống nói với Tổng Thống là vì ông tỉnh trưởng sợ quá, nên la ông Phó Tỉnh trưởng, xin Tổng Thống bỏ lỗi cho. Rồi Tổng Thống cũng cười.
Một anh bạn tôi ở sư đoàn 5 (sư đoàn Nùng cũ), kể với tôi ngày mới vào còn đóng ở sông Mao, có lần Tổng Thống ra thăm sư đoàn. Khi xe Tổng Thống vừa đến, một đoàn gia đình binh sĩ chạy đến sát xe, tranh nhau xem mặt Tổng Thống. Có người ngó thẳng vào xe, hỏi: ¸”Nó đâu, nó đâu?”. Vì vậy, khi Đại Tá Xứng được chỉ định coi sư đoàn 5, ông kể với tôi rằng Tổng Thống nhắc đi nhắc lại phải lo trường học cho con em binh sĩ và cả binh sĩ Nùng nữa, sao cho họ phải biết đọc, biết viết và nói thạo tiếng Việt.
Có lần trung đoàn tôi được chỉ định giữ an ninh vùng Võ Đất, nơi sẽ thành lập thêm một tỉnh nữa gọi là tỉnh Bình Tuy, lấy một phần đất của tỉnh Biên Hòa và một phần của tỉnh Phước Tuy để lập ra tỉnh này. Có đại diện của các bộ ở trung ương gửi về để vẽ bản đồ và nghiên cứu việc xẻ đường và đất đai xem hợp với chủng loại lúa nào, hoặc cây ăn trái nào, vì cả vùng là rừng tranh bát ngát. Ông tỉnh trưởng Biên Hòa và Đại Tá Quan cũng nhiều lần đến bộ chỉ huy họp liên bộ. Vì lẽ đó, nhiều lần Đại Tá Quan ở lại với tôi vào ban đêm, và tôi luôn nhường lều ngủ của tôi cho ông. Nhờ thế, ông quý tôi lắm và hai bên nói chuyện rất cởi mở. Có lần Tổng Thống đến thăm. Tổng Thống ngồi xe jeep do Đại Tá Khiêm, tư lệnh Sư đoàn lái, tôi ngồi sau với sĩ quan truyền tin có máy để liên lạc.
Tôi hướng dẫn Tổng Thống đi qua rừng tranh từ Võ Đất ra quốc lộ 1, chỉ là vạt tranh đi chứ chưa có đường sá gì cả, nên chỉ đi xe jeep được mà thôi. Tuy đường đi gập ghềnh và xóc lắm, nhưng Tổng Thống rất vui vẻ. Đến một khu rừng nhỏ độ mấy chục mẫu, cây cối không cao lắm và cạnh đó có một cái đìa khá lớn, Tổng Thống bảo dừng xe lại và xuống xem rừng. Tôi trình Tổng Thống, dân ở đây gọi nơi này là ổ voi vì voi đi hàng đàn, chạy qua đây đều ngừng lại, nghỉ để uống nước. Cả đoàn nghỉ lại trong rừng, ông khen rừng nhỏ, nhưng sạch sẽ và nhắc tôi:
- Anh nhớ nhắc ủy ban liên bộ phải bảo vệ khu rừng này, cả cái đìa nữa, để sau này là nơi cắm trại cho học sinh, vì là nơi gần tỉnh.
Tôi lấy sổ tay ra ghi, ông có vẻ bằng lòng lắm (tôi nhớ đến lời Đại Tá Quan kể khi gặp ông không mang giấy viết).
Khi ấy rừng tranh đã già nên ông hỏi Đại Tá Khiêm, nếu rủi ro bị cháy thì chạy sao cho kịp ? Đại tá nói nếu rừng tranh bị cháy thì không nên chạy về phía trước, mà phải chạy về phía sau, vì phía sau đã bị cháy rồi, chỉ bị nóng một chút chứ không mệt. Ông thích lắm và khen đúng. Ông nói với chúng tôi:
- Nước mình còn nhiều tài nguyên chưa được khai thác. Anh xem khu này quá rộng mà chả được canh tác gì, sau này có đường sá, giúp cho dân vào định cư ở đây sẽ trở thành trù phú.
Quả nhiên sau này, tôi có dịp đi ngang Bình Tuy và thấy dân cư đông, cây cối xanh tươi, tôi lại nhớ đến ông.
Thời đó còn thanh bình, đi lại dễ dàng và có an ninh, nên tụi tôi hay tổ chức đi săn ở các rừng xung quanh. Đêm nào đi săn về cũng có thú rừng như nai, mễn, thỏ v.v…
Một lần khoảng 2 giờ chiều, đột nhiên có một đàn voi chạy qua khu tiền đồn do một đại đội đóng cách bộ chỉ huy của tôi độ một cây số, tôi tưởng như có động đất lớn. Tụi tôi đều chạy xuống hố phòng thủ và chưa rõ chuyện gì. Đại đội ở tiền đồn báo cáo là có đàn voi chạy qua, sợ nó chạy vào chỗ đóng quân, nên xin phép bắn để tụi nó tránh xa ra. Thế là các súng khai hỏa và đàn voi chạy qua ngoài khu đóng quân. Có một con voi mẹ trúng đạn chết, và một con voi bị thương nằm cạnh với mẹ. Nghĩ lại, tôi thấy quá sơ.ï Nếu đàn voi này chạy thẳng vào khu đóng quân, chắc là binh sĩ chết và bị thương rất nhiều. Đời tôi chưa bao giờ nghe tiếng động lớn và đất rung chuyển như vậy.
Khi nghe tin một con voi mẹ to lắm, và một con voi con bị bắn chết, thượng sĩ trung đoàn nói với tôi:
- Thiếu tá biết con voi cái có cái gì quý không ?
- Thì voi có cái vòi là quý nhất. Ông bảo tụi họ gửi cho mình ít thịt voi và miếng vòi cho cả bộ chỉ huy ăn một bữa.
- Không phải cái vòi là quý nhất đâu! Voi đực già thì có cái ngà, còn voi cái nếu tìm được cái lông của nó chỗ cửa mình thì quý nhất, bán cho Tàu bao nhiêu nó cũng mua. Để làm nhẫn đeo tay, trừ được gió độc và mang lại may mắn. Mỗi con voi cái chỉ có mấy cái ở chỗ kín mà thôi. Ngoài ra, mấy cái lông của nó cũng làm tăm xỉa răng, trừ sâu răng rất hiệu nghiệm.
Nghe ông nói vậy, mấy ông cận vệ và nhân viên văn phòng đều xin phép tôi đi xem voi, và tìm lông voi. Tôi đồng ý, nói:
- Ừ đi thì đi. Nhưng phải nộp cho tao một cái nếu tìm được.
Thế là cả đoàn chạy đi xem voi. Tôi nhờ ông thượng sĩ gọi họ bảo đem một cái chân, và thịt voi về biếu đại tá tư lệnh Sư đoàn.
Tối đó, ông đại đội trưởng báo cáo với tôi một chuyện rất buồn cười. Đám lính ở bộ chỉ huy xuống, thằng nào cũng xông xáo móc vào cửa mình của voi. Có thằng thọc sâu ngập cả cánh tay. Nghe vậy ai cũng cười lăn.
Cái chân voi tôi gửi biếu Đại Tá Khiêm, ông thích lắm. Ông cho đem thuộc và làm cái bình cắm hoa, coi rất đẹp. Sau ông làm Thủ Tướng, một lần đến thăm ông ở tư dinh, tôi vẫn thấy cái chân voi để ở góc nhà, cắm mấy cành lau.
Trở lại Đại Tá Quan, ít lâu sau được đổi về Sàigòn, ông bị đau nhiều, bị bệnh trĩ nặng và phải mổ. Người ta đồn ông nghiện thuốc nữa, nhưng tôi không thấy bao giờ, mặc dầu nhiều lần đến thăm ông. Khi ông đau, mỗi lần tới thăm, tôi thường được bà bảo: “Anh Quan đau nằm trên lầu, chú cứ lên thăm anh”.
Trước ngày đảo chánh độ một tuần, Tổng Thống đi thăm nhà thương Cộng Hòa, hôm ấy Trung Tá Khôi tháp tùng. Khi Tổng Thống thăm khu cấp tá ở nhà thương, có ghé thăm Đại Tá Quan. Đại tá có nhắn Trung Tá Khôi là ông mong gặp tôi. Ngay chiều hôm sau, tôi đến thăm ông ở nhà thương, được cho biết ông đã về nhà. Tôi đến nhà thì ông đi vắng.
Sau đảo chánh, ông kể với tôi là ông ở nhà thương để tiện việc liên lạc với anh em sắp xếp kế hoạch đảo chánh. Sở dĩ ông nhắn tôi đến gặp, là muốn dò ý tôi. Sau này tôi cứ nghĩ ngợi mãi: Nếu tôi gặp ông trước ngày đảo chánh, không biết khi ông kể tôi nghe kế hoạch đảo chánh, thì tôi phải làm gì? Nếu tôi gặp ông thì chắc là sự việc sẽ khác, vì ông tin và quý tôi vô cùng. Sau này, khi lập kế hoạch đảo chánh đại tướng Khánh do ông và Đại Tá Phạm Ngọc Thảo chủ mưu, ông mời tôi về thảo luận và rủ tôi tham gia, không có một sự e dè hay nghi ngờ gì cả.
Tôi không gặp ông cho đến ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963. Vào hồi gần 12 giờ đêm hôm ấy, ông điện thoại nói chuyện với tôi. Sau đây là cuộc điện đàm giữa ông và tôi. Lúc ấy tôi ngồi ở bàn chỉ huy cạnh máy truyền tin, có đủ cả bộ Tham mưu Lữ đoàn Phòng vệ ở cạnh.
- Duệ đấy hả ? Qua là Đại Tá Quan đây.
- Dạ… thưa đại tá, Duệ đây.
- Duệ à ! Qua được Trung Tướng Dương Văn Minh bảo gọi cho toa, vì ông biết qua và Duệ thân nhau. Qua nói Duệ nghe, tất cả các tướng lãnh đều theo phía cách mạng cả rồi, chắc toa nghe trên đài thì rõ, các tỉnh đều đánh điện ủng hộ. Khánh ở vùng II và Trí ở vùng I cũng đồng ý cả. Ông Minh hứa là nếu toa theo nữa thì mọi việc sẽ êm xuôi, và tránh được sự đổ máu. Ông Minh sẽ cho Duệ lên đại tá và muốn bao nhiêu tiền cũng cho. Sau này muốn ở Việt Nam, Duệ có một chỗ tốt trong quân đội, hoặc muốn đi ngoại quốc cũng được. Toa nghĩ kỹ đi Duệ (tôi không chắc là đúng 100% vì lâu quá rồi, nhưng đại ý là như vậy)
- Dạ… thưa đại tá, chắc đại tá cũng biết là tôi quý mến đại tá như thế nào. Tôi cũng biết là mình tôi không chống lại với các tướng lãnh được…Nhưng xin đại tá hiểu cho tôi, lúc này tôi chỉ nghe lệnh của Tổng Thống mà thôi, mặc dầu tôi biết có thể sau này tôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Xin đại tá thưa với trung tướng là cố gắng dàn xếp với Tổng Thống chứ lúc này bảo tôi phản lại Tổng Thống thì tôi không sao làm được.
- Ừ, qua cũng rõ em rất khó xử nhưng qua lo cho em thì qua phải gọi cho em. Thế bây giờ tình hình trong ấy thế nào ? Ông Diệm ở đâu?
Ông đổi giọng nghe rất thân mật, gọi tôi là em và gọi Tổng Thống là Ông Diệm.
- Dạ, Tổng Thống vẫn ở trong dinh, và tôi ở thành Cộng Hòa, vẫn chạy đi chạy lại giữa dinh Gia Long và thành Cộng Hòa. Còn tình hình ở đây rất yên tĩnh.
- Thôi, để qua nói lại với ông Minh.
Đại Úy Khôi, Trưởng phòng 3 Lữ đoàn, hỏi tôi:
- Ai gọi cho thiếu tá vậy ?
- Đại Tá Quan, trước đây là tỉnh trưởng Phước Tuy, nơi Trung đoàn 12 đóng quân, ông và tôi thân nhau lắm.
- Ông có nói ông giữ nhiệm vụ gì trong cuộc đảo chánh này không ?
- Moa cũng chẳng rõ, nhưng moa biết ông và tướng Minh thân nhau lắm. Đại Tá Quan chỉ nói đến tướng Khánh ở vùng II và tướng Trí ở vùng I, làm tôi hy vọng Trung Tướng Cao ở vùng IV chưa chịu theo phía đảo chánh. Chắc thế nào tướng Cao cũng đem quân về cứu Tổng Thống, như chuyện đã xẩy ra ngày 11 tháng 11 năm 1960.
Sau này gặp tướng Cao, ông kể cho tôi nghe ông nhất định không theo đảo chánh, mặc dù được gọi nhiều lần. Ông cố gắng để liên lạc với sư đoàn 9 và Sư đoàn 7 đêm quân về, nhưng sư đoàn 9 không có phương tiện vượt sông, và sư đoàn 7 thì bị Đại Tá Có đem công điện của Trung Tướng Đôn, quyền Tổng Tham Mưu trưởng, về tiếp thu, nên Đại Tá Đạm bị cô lập. Vì vậy, đến gần sáng, Thiếu Tướng Cao mới chịu gửi công điện ủng hộ, sau khi đã nói chuyện với Thiếu Tướng Khiêm, yêu cầu giữ an ninh cho Tổng Thống và bảo vệ danh dự cho ông.
Sau đảo chánh, Thiếu Tướng Khánh và Thiếu Tướng Trí được lên trung tướng, mặc dầu Thiếu Tướng Trí mới được lên thiếu tướng hơn một tháng. Còn Thiếu Tướng Cao thì bị cất chức về ngồi chơi ở nhà, mãi sau khi chỉnh lý mới có việc làm là tổng vụ trưởng tổng vụ dân nguyện. Trong khi đó, tôi cũng chưa có việc làm, nên là người đầu tiên được gọi về làm với ông. Sau vì có việc xích mích với đại tướng Khánh, ông bị cất chức và lại về ngồi chơi ở nhà, còn tôi bị đổi ra sư đoàn 25 ở Quảng Ngãi. Sau khi ông Khánh lưu vong, tướng Cao lại được bổ nhậm làm tổng cục trưởng tổng cục Chiến tranh chính trị, tôi lại là người đầu tiên được lấy về làm việc với ông.
Tôi cũng kể thêm một chuyện về Trung Tá Đinh Văn Phát, là tỉnh trưởng Kiến Phong. Đêm đảo chánh, các tỉnh trưởng đều được thúc giục để đánh điện ủng hộ hội đồng cách mạng. Trung Tá Phát cũng được Đại Tá Có gọi dây nói giục làm kiến nghị, ông trả lời như sau:
- Đại tá hiểu cho, tôi là con nhà Nho, việc gì cũng phải có trước có sau. Mới đây được Tổng Thống tin cậy cho làm tỉnh trưởng, mà nay làm kiến nghị ủng hộ đảo chánh, sao tôi làm được?
Sau đảo chánh, ông bị cất chức và bị kiếm chuyện bỏ tù ở nhà tù Mỹ Tho. Gặp tôi khi đến thăm ông ở nhà tù, ông nói:
- Tôi chả sợ gì, chỉ sợ lương tâm mà thôi!
Sau này ông làm chủ hãng phim, và là chủ một tờ nhật báo (tờ Độc Lập), rất giàu có. Gặp tôi, ông khoe là được Ông Diệm phù hộ.
Còn một người khác gọi điện thoại cho tôi trong đêm đảo chánh, là Đại Úy Tôn Thất Đình, anh của tướng Đính, và cũng là chánh văn phòng của ông.
- Thiếu Tá Duệ hả? Đại Úy Đình đây!
- Chào anh Đình, tôi là Duệ đây, có gì vậy anh?
- Ông tướng bảo tôi gọi cho anh biết, là mọi sự đã xong rồi, đừng chiến đấu nữa để đổ máu anh em vô ích.
Tự nhiên tôi nổi nóng lên, khi nghĩ đến tướng Đính ra vào dinh Gia Long hầu như hàng tuần. Lúc vào Tổng Thống, lúc vào ông cố vấn, luôn luôn như con cháu trong nhà mà phản lại Tổng Thống, không ai có thể ngờ được!
- Anh thưa với ông tướng là lúc này tôi chỉ nghe theo lệnh Tổng Thống mà thôi. Tôi không thể ngờ được ông tướng lại phản Tổng Thống, tôi chả kính trọng ông một chút nào.
Nói rồi tôi cúp máy, anh em ở bộ tham mưu ai cũng đồng ý là tôi nói phải. Một sĩ quan (tôi không nhớ là ai) nói:
- Thật không thể tin được!
Khi đảo chánh thành công, tôi bị an ninh quân đội do tướng Mậu ra lệnh bắt giam khoảng hơn một tháng. Tôi đã viết cho Trung Tướng Minh một thư khá dài, rồi mật chuyển cho cô em gái tôi trong một chuyến thăm nuôi, để em tôi mang lại nhà Đại Tá Quan, nhờ ông lo cho tôi ra.
Gặp em tôi, ông rất niềm nở và hứa ngay là ông cam đoan tôi sẽ về trong một tuần. Bà Quan cũng nói với em tôi là yên trí, bà sẽ nhắc ông hàng ngày. Quả nhiên tôi được về ngay. Khi đến cám ơn ông, tôi gặp Trung Tá Nguyễn Viết Đạm ngồi ở phòng khách đợi ông tiếp. Bà Quan gặp tôi thì quá mừng, bảo tôi cứ lên lầu gặp ông như trước kia.
Gặp tôi, ông mừng lắm, thân mật kéo tôi ngồi ngay lên giường. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông sau ngày đảo chánh, nên thưa với ông:
- Thưa đại tá, xin lỗi đại tá đã gọi dây nói cho tôi mà tôi không nghe. Xin đại tá hiểu cho, tôi là người chung thủy và Tổng Thống tin cậy ở tôi, có thể nào tôi phản ông được?
- Duệ nói đúng. Kể cả ông tướng Minh cũng chả phiền trách gì toa. tướng Đôn cũng vậy, vừa nghe qua lời trình là ông ra lệnh thả ngay. Sau moa mới rõ là Mậu hắn trù toa mà bắt, chứ có ai ra lệnh đâu!
Tôi thắc mắc hỏi ông, sao mọi người được lên tướng mà ông chưa được lên.
- Xào, lúc nào moa lên chả được! Moa và ông Minh như anh em, nhưng moa không muốn lên tướng vì cách mạng. Cứ nghĩ đến cái chết của hai anh em ông, đến giờ moa vẫn còn bàng hoàng! Khi về đến Tổng Tham Mưu, moa ngã vật ra ngay trên giường, phải gọi bác sĩ đến chích thuốc.
Thấy ngồi đã khá lâu, và có Trung Tá Đạm đợi dưới nhà, tôi nhắc ông xuống tiếp khách. Ít lâu sau, Trung Tá Đạm được lên đại tá, làm tư lệnh sư đoàn 25.
Khi Đại Tá Quan lên tướng, thì được chỉ định coi An Ninh Quân Đội. Một buổi tối, tôi đến mừng ông, đang ngồi nói chuyện thì người nhà lên trình có ông nguyên bộ trưởng phủ Tổng Thống là ông Nguyễn Đình Thuần đến thăm, ông hỏi tôi:
- Chắc toa cũng biết lũy.
- Dạ, tôi có biết.
- Ngày lũy làm bộ trưởng có gặp moa một lần, thấy cũng tử tế. Lũy đến nhờ moa cho thông hành đi Pháp.
Tôi đi cùng ông xuống để tiếp ông Thuần, và tôi đi về. Gặp ông Thuần, tôi kính cẩn chào và ông bắt tay tôi. Thấy có một hộp sâm để trên bàn, ngay ghế salon ông ngồi. Sau đó ít lâu, tôi được ông kể cho nghe là ông Thuần đã đi Pháp. Cách đây ít lâu, tôi đọc một bài báo nói ông Thuần đi Pháp là nhờ một tòa đại sứ nào đó đưa đi. Tôi chỉ kể lại những gì tôi biết, không dám chắc là ông Thuần đi bằng cách nào.
Những người làm việc với ông Quan ở Phước Tuy, sau cách mạng cũng được ông giúp đỡ. Ông chánh án Dương Thiệu Sính, được đổi về làm tổng giám đốc quan thuế; ông phó tỉnh trưởng (tôi nhớ là ông Ngọ thì phải) làm thị trưởng Vũng Tàu v.v…Tôi cũng được ông rủ về làm ở an ninh quân đội với ông, nhưng tôi không thích, vì sợ ân oán. Tôi xin ông để tôi học xong khóa anh ngữ, rồi đi du học như đã xin với Trung Tướng Khiêm.
Tôi nhớ là hình như ông ở an ninh quân đội một thời gian rất ngắn. Lạ lùng nhất, người thay ông lại là Đại Tá Phước (sau lên chuẩn tướng khi ông coi biệt khu 44, và bị chết vì rớt trực thăng). Đại Tá Phước cũng quen nhiều với tôi. Ông cũng bị Đỗ Mậu bắt giam ở an ninh quân đội cùng với tôi, vì tội không theo đảo chánh. Ông và tôi cùng bị giam ở một phòng nhỏ có 3 giường, 2 tầng, 6 người, có cả ông tỉnh trưởng Đà Lạt là Thiếu Tá Phước nữa. Trại giam do một thượng sĩ coi, anh ta tên là Hường rất hách dịch và dưới quyền Đại Úy Sinh, trưởng phòng điều tra. Mỗi ngày tụi tôi được ra ngoài hai lần, mỗi lần một giờ ở cái sân nhỏ. Ngày ấy, trừ một số người được thăng thưởng nhờ cách mạng, việc lên cấp bậc rất khó khăn. Lên đại tá có thể giữ các chức vụ rất quan trọng như tư lệnh sư đoàn, hay giám đốc nha, hoặc trưởng phòng bộ Tổng Tham Mưu v.v… Thế mà khi Đại Úy Sinh đi thăm trại giam, thượng sĩ bắt tụi tôi phải ngồi dậy, mặc quần áo tươm tất để đón. Đại Tá Phước và tôi không thèm thi hành, chỉ mặc quần đùi, áo thung vì trại giam quá nóng. Đại Tá Phước tâm sự với tôi:
- Duệ này, moa giữ chức vụ trưởng phòng nhì Tổng Tham Mưu, người nắm tất cả những tin tức địch trong tay mà thằng Mậu, nhất là thằng Đại Úy Sinh này, nó đối với mình như Việt cộng vậy, moa buồn vô cùng. Bất kể tình anh em trong quân đội, tụi an ninh này tưởng tụi nó là trời! Toa biết không, moa chỉ mong có một ngày moa được coi nha này, để moa làm sạch sẽ lại, và ngày ấy toa về phụ moa mới được.
Khi được bổ nhiệm coi an ninh quân đội, ông gọi ngay cho tôi. Lúc ấy tôi đang làm ở tổng vụ dân nguyện với Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao.
- Duệ này, toa nhớ ngày anh em mình bị giam ở an ninh, moa đã nói gì với toa không? Bây giờ moa về làm giám đốc nha này, toa về làm phó cho moa, giúp moa chỉnh đốn lại.
Lấy cớ là tướng Cao mới xin tôi về, nay xin đi thì kỳ quá, nên từ chối theo ông.
Sau đó, một số lớn sĩ quan ở an ninh phải đổi đi, rất nhiều người phải ra khỏi ngành nữa. Thấy vậy tôi rất mừng, vì nếu về làm với Đại Tá Phước, tôi cũng sẽ bị oán trách nhiều.
Đại Tá Quan lại nghỉ ở nhà, nhưng không phải nhà riêng ở đường Phan Đình Phùng (trong một ngõ khá rộng chỉ có 4, 5 nhà) mà là một căn biệt thự lớn ở đường Phùng Khắc Khoan, nhà ông Ngô Viết Thụ ở trước đây. Sau khi ông giúp Trung Tá Phạm Ngọc Thảo đảo chánh tướng Khánh không thành công, thì ông ở nhà và ít người tới thăm. Tôi luôn đến thăm ông, thấy sức khỏe của ông kém đi nhiều. Thường ông phải nằm ở phòng ngủ tiếp tôi, hôm nào trời đẹp thì đem ghế ra ngoài bao lơn ngồi.
Ông tâm sự với tôi về cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963.
- Toa biết không, việc đảo chánh là do Mỹ gây ra, và xúi ông Dương Văn Minh. Tụi họ nói là đã sắp xếp xong cả với các tướng lãnh rồi, nhưng khi ông Minh hỏi những ai, thì họ chỉ cho tên ông Đôn và ông Kim thôi. Ông Minh gặp ông Đôn thì ông Đôn nói là đang tiếp xúc, và có nhiều hướng thuận lợi, khi nào sắp xếp xong sẽ cho ông Minh rõ. Chính ra mọi sự là do ông Đôn lo cả, ông Minh chỉ được bầu ra làm xếp sau này mà thôi. Ông Minh bàn với moa và giao cho moa gặp gỡ các sĩ quan cấp nhỏ, hầu hết đều có quân, và cũng có nhiều anh em ở Đại Việt nữa. Ông Minh lưu ý ông Đôn thế nào cũng phải rủ cho được ông Khiêm và ông Đính, thì mới có cơ may thành công. Thật ra, ông Minh không oán trách gì Ông Diệm đâu, mà ông luôn nghĩ ông không được tín nhiệm là do ông Nhu, nên không ưa ông này.
Tôi hỏi ông:
- Thiếu tướng có biết tại sao có quyết định giết Tổng Thống và ông Nhu ?
- Thật ra, lúc đầu có ai nghĩ đến việc đối xử với hai ông như thế đâu. Nhiều ông tướng đến họp mới hay có đảo chánh, chứ có ai biết trước đâu. Lúc moa gọi toa thì ai cũng nghĩ là khó thành công, nhưng không dám nói ra. Lúc nghe tin có tiểu đoàn Biệt động quân đóng ở Bưu Điện để bảo vệ Tổng Thống và sư đoàn 5 chưa đưa được đơn vị nào vào gần để tấn công, thì nhiều người sợ ra mặt. Moa nghĩ nếu như lúc ấy để họ tự do rút lui thì họ chạy cả. Nhưng gần sáng, nghe tin hai ông đã trốn ra khỏi dinh, thì ai cũng mừng rỡ và sốt sắng bàn bạc sôi nổi.
- Thế thiếu tướng có biết những vị tướng nào xui Trung Tướng Minh giết cả hai anh em Tổng Thống? Tôi nghe Trung Tướng Lễ và Trung Tướng Chiểu đã xui Trung Tướng Minh là nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ, có người lại nói ý kiến của thiếu tướng cũng như vậy nữa.
- Thật tình moa không biết, nếu biết moa đã cản ông Minh. Moa đối với Ông Diệm có chuyện gì đâu, lũy cũng tử tế với moa, và khi moa ở Vĩnh Long thì đối với cha Thục, giao tình cũng thân. Sau moa về Bà Rịa thì cũng ở khá lâu và lần sau cùng lũy vào nhà thương Cộng Hòa, cũng ghé thăm moa, còn chúc moa sớm bình phục.
- Tôi nghe nói thiếu tướng cũng ở trong phái đoàn cùng với tướng Xuân và Đại Tá Lắm đi đón Ông ở nhà thờ cha Tam.
- Đúng, moa vì tò mò mà đi theo, chứ moa chả được ông Minh giao cho nhiệm vụ gì đi đón hai ông. Khi đến nơi, moa chỉ ngồi trên xe theo dõi mà thôi.
- Theo thiếu tướng thì việc giết hai ông là do lệnh của tướng Minh? Hay Đại Úy Nhung và tướng Xuân tự ý làm?
- Làm gì có chuyện này, ông Minh phải ra lệnh thì thằng Nhung mới đi cùng chớ. Chắc ông cũng rõ, ngoài thằng Nhung không ai dám thi hành việc giết hai ông. Việc ông chỉ định tướng Xuân đi đón hai ông cũng vậy, vì chỉ Xuân mới dám đi với nhiệm vụ ấy chứ các tướng khác không ai dám nhận lời.
- Thiếu tướng thấy sự việc như thế nào khi tướng Xuân và Đại Tá Lắm gặp hai ông?
- Moa thấy ông Xuân gặp hai ông không chào hỏi gì cả, Lắm thì chào cung kính và moa thấy Ông Diệm hỏi gì thì Lắm đều trả lời.
- Thế còn vai trò của Thiếu Tá Nghĩa ?
- Ông Minh chỉ định, hay tự ý hắn xin đi theo, moa cũng không biết nữa.
- Thiếu Tá Nghĩa có cùng đi xe M113 với hai ông và Đại Úy Nhung không ?
- Moa không để ý và cũng không nhớ hai ông đi xe thứ mấy nữa, nhưng thấy hai ông lên xe thiết giáp và ông Nhu còn vất điếu thuốc xuống đất trước khi lên xe. Moa có nghe mấy tiếng súng nổ trên đường đi, và đến Tổng Tham Mưu mới hay hai ông đã chết một cách thê thảm lắm! Moa ớn lạnh, lên đến phòng tướng Minh là moa muốn xỉu luôn, phải nằm vật trên giường và gọi bác sĩ.
- Người ta nói tướng Xuân chào tướng Minh và trình Mission accomplie có đúng không thiếu tướng?
- Đúng, moa có nghe và nhiều người cùng nghe.
- Thiếu tướng thấy thái độ của Thiếu Tướng Đôn và tướng Khiêm cùng các tướng khác khi nghe hai ông bị giết thế nào?
- Lúc ấy lố nhố đông người nhưng moa thấy Khiêm lộ vẻ ngạc nhiên và bỏ kính xuống lau, còn các người khác chả ai dám có ý kiến hoặc dám nói gì.
- Thiếu tướng có biết tại sao mà các vị tướng lại đồng tình để đảo chánh Tổng Thống không?
- Thì ai cũng nghĩ là Mỹ đã không ủng hộ thì Ông Diệm làm sao đứng vững được? Toa thấy không, như Đính và Khiêm nếu không theo thì làm sao lật được. Ai cũng nghĩ nếu đám nào đảo chánh thì hai ông này tránh sao khỏi bị tội, nên khi nghe Mỹ xúi là họ theo ngay. Trong vụ này có tướng Đôn và Kim là người chủ chốt và bàn với Mỹ từ ban đầu.
- Thiếu tướng thấy có đơn vị lớn nào theo đảo chánh không?
- Chả có đơn vị lớn nào cả. Không quân, hải quân chỉ liên lạc được mấy anh nhỏ. Ở các sư đoàn, ngoài sư đoàn 5 thuộc quyền Đính là theo, và trung tâm huấn luyện Quang Trung. Moa tin là Mỹ đã xúi bẩy các tướng là bằng mọi cách phải làm đảo chánh. Toa thấy không, sau này họ lại sợ những người cầm đầu toàn là sĩ quan của Pháp nên lại ủng hộ Khánh để lật, nhưng họ quý ông Minh nên vẫn giữ lại làm Quốc Trưởng, vì nghĩ chỉ ông Minh là không thân Pháp.
Ngưng một lúc, ông thở dài, rồi lại nói tiếp:
- Sau cách mạng, ông Minh giao toàn quyền về quân đội cho ông Đôn, về hành chánh thì giao ông Thơ, moa là người giúp ông phối hợp với ông Thơ, còn bên quân đội, thật tình moa cũng không nắm vững.
Lúc Khánh làm chỉnh lý, moa cũng lo cho ông Minh vô cùng. Nhưng sau liên lạc được, lũy cho moa biết là không có bị gì, và lũy cũng đã liên lạc được với tòa đại sứ Hoa Kỳ, và họ cũng hứa là sẽ bảo vệ lũy.
- Còn thiếu tướng, sau chỉnh lý có bị làm khó dễ gì không?
- Không, Khánh biết moa quá mà, nhưng moa tự ý xin từ chức ở an ninh quân đội, vì lúc đó thấy nản vô cùng.
Khi ngồi ở balcon, nói chuyện về cuộc đảo chánh, tôi thấy Thiếu Tướng Quan đã yếu lắm rồi, có vẻ mệt thấy rõ. Tôi hỏi ông:
- Thiếu tướng đau làm sao, và bác sĩ nói thế nào về bệnh tình của thiếu tướng?
- Có lẽ moa bị đau phổi, ngoài ra bệnh trĩ của moa vẫn chưa khỏi hẳn.
- Theo tôi, thiếu tướng cũng nên vào nhà thương nằm để có bác sĩ thường xuyên chăm sóc, và bớt phải tiếp khách đỡ mệt.
Ông cười một cách chán nản:
- Duệ xem bây giờ có mấy người đến thăm moa đâu, ngoài mấy anh em thân thiết như Duệ.
Ngồi một lúc, ông thấy mỏi nên rủ tôi vào phòng cho ông nằm nghỉ. Đột nhiên, ông cầm tay tôi và nói:
- Moa muốn bàn với Duệ một việc, thấy toa là người Công giáo và thẳng thắn, nên moa bàn với toa.
- Dạ, thiếu tướng, tôi đâu có phải người Công giáo, tôi theo đạo ông bà. Nhà tôi chỉ có mẹ tôi và bà nội tôi hay đi chùa. Còn đàn ông thì ít đi.
- Thế mà người ta nói Ông Diệm chỉ tin những người Công giáo mà thôi.
- Đó là tin đồn, tôi chả thấy có gì phân biệt cả. Rất nhiều người Phật giáo ở cạnh Tổng Thống và rất được ông quý mến.
- Moa lúc này yếu lắm, nằm ôn lại cuộc đời mình thì moa cũng chả làm điều gì ác đức, chỉ phải là ngày còn trẻ trác táng quá độ nên moa thương các con mình sau này phải trả cái nợ của moa. Toa biết không, ngày còn trẻ moa chơi bời quá sức. Bây giờ moa muốn trở lại đạo Công giáo, toa nghĩ sao?
Ngày ở miền Tây, moa thân với Đức Cha Bình lắm. Moa đã gặp ông, cũng học đạo được mấy tháng nay rồi.
- Nên lắm, thiếu tướng! Tôi cũng muốn theo đạo Công giáo, nhưng khi ở với Tổng Thống Diệm, sợ mang tiếng là theo đạo để tạo công danh, nên tôi chưa theo. Ngày còn nhỏ, làng tôi có thầy giáo dạy đạo, ông và tôi thân nhau lắm nên tôi học hỏi được khá nhiều.
- Hồi tưởng lại, moa thấy cuộc đời quá ngắn, đời moa được chứng kiến biết bao là biến cố và moa thấy moa là người may mắn. Bây giờ nghĩ lại, mình thấy chả có gì đáng quý ngoài tình anh em.
Ít ngày sau, ông nằm ở nhà thương Saint Paul, tôi có vào thăm, thấy lúc bấy giờ ông đã yếu lắm rồi. Ông được Đức Cha Bình, Tổng Giám Mục địa phận Sàigòn rửa tội.
Khi ông chết thì làm lễ theo nghi thức Công giáo, có thánh giá để trên quan tài. Tuy nhiên, cũng có mấy vị sư đến hành lễ và tụng kinh cho ông. Ông được đưa về chôn ở Biên Hòa.
Nguyễn Hữu Duệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét