Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Tin từ thủ đô Phnom Penh của Xứ Chùa Tháp cho biết Mục Sư Ngô Ðắc Lũy, người hoạt động cho nhân quyền và đang cai quản Hội Thánh Tin Lành Menonite Vietnam ở Campuchia đã mất tích từ chiều Chủ Nhật vừa rồi.
Ðể tìm hiểu vụ việc, khuya hôm qua, Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi đã liên hệ với Phụ Tá của Mục Sư Lũy là ông Nguyễn Phùng Phong, xin mời quý vị cùng nghe.
Nguyễn Khanh: Thưa anh Phong, câu chuyện như thế nào?
Nguyễn Phùng Phong:Thưa anh, trong suốt thời gian hơn một tháng vừa qua, người lãnh đạo tinh thần của nhóm anh em tỵ nạn chúng tôi là Mục Sư Ngô Ðắc Lũy gặp rất nhiều rắc rối, ông liên tục bị hăm dọa bức hại bởi mật vụ cộng sản Việt Nam tại Campuchia.
Mục Sư Ngô Đắc Lũy Kết Hợp Một Đôi Giáo Sỹ Trong Một Lễ Cưới Thánh (Holy Matrimony) |
Ngoài ra, trong thời gian qua, ông cũng nhận được nhiều thư e-mail của Bà Mục Sư gửi từ Việt Nam sang báo động, và những cuộc điện thoại hoặc tin nhắn qua điện thoại. Tất cả những thông tin này ông đều chia sẻ với tôi, vì tôi là người phụ tá của ông.
Ngày thứ Bảy vừa rồi, Mục Sư Lũy nhận 3 cú điện thoại hăm dọa, 2 cú từ nước ngoài mà chúng tôi nhận được số đầu là 001 và 007, cú điện thoại thứ 3 gọi từ trong nước ra. Mục Sư rất lo sợ, đến gặp tôi và tôi có báo cho ông biết rằng ngay ngày hôm đó, chính tôi cũng nhận được những cú điện thoại tương tự với lời hăm dọa, bắt phải đóng cửa Hội Thánh Tinm Lành Menonite Việt Nam ở Campuchia, và đóng cửa xưởng may Tình Thương mà Hội Thánh lập ra để giúp đỡ cho những người đói nghèo, trong đó có một số anh chị em người tỵ nạn chúng tôi. Kẻ gọi điện còn bảo rằng tuyệt đối ngày mai - tức sáng ngày Chủ Nhật - không được mở cửa Hội Thánh, không được nhóm họp truyền đạo. Tuy nhiên Mục Sư Lũy quyết định vẫn mở cửa để rao giảng Tin Lành Phúc Âm của Chúa.
Lúc 10 giờ 30, cuộc nhóm họp thờ phượng hoàn tất, Mục Sư và tôi hẹn nhau đến 2 giờ sẽ gặp lại vì có chương trình làm việc với nhau. Khoảng 1 giờ 30, tôi gọi cho Mục Sư Lũy để hẹn lại giờ làm việc thì không liên lạc được với ông. Mục Sư có 2 số điện thoại cầm tay nhưng đều không thấy ông trả lời. Ðây là điều từ trước đến giờ không hề xảy ra, nhất là đối với tôi.
Sau khi liên lạc không được với Mục Sư Lũy, tôi quá lo lắng, quá buồn phiền, và đã liên lạc báo tin cho tất cả các anh em trong nhóm 74 người tỵ nạn chúng tôi. Tất cả anh em đều hoang mang khi nghe tôi thông báo điều này, và sau khi nhận được thông tin, hầu hết anh em đều tìm cách tránh xa Phnom Penh, đi về vùng sâu, vùng xa để ẩn thân.
Nguyễn Khanh: Anh có liên lạc với gia đình Mục Sư, chẳng hạn như Bà Mục Sư hiện đang ở Việt Nam chưa?
Nguyễn Phùng Phong: Thưa anh, sau khi Bà Mục Sư thông báo cho Mục Sư Ngô Ðắc Lũy biết rằng Bà bị chính quyền ở Việt Nam làm áp lực, trong đó có cả Ban Ðiều Hành ở trường Bà đang dạy học tại Châu Ðốc, công an địa phương và công an tỉnh đã đến làm việc, buộc Bà phải làm đơn xin ly dị vắng mặt với Mục Sư Lũy, nếu không Bà Mục Sư sẽ phải lãnh những biện pháp mạnh như thứ nhất, không được tiếp tục dậy học, thứ hai, hai đứa con sẽ bị buộc phải thôi học, thứ ba sẽ bị cắt hộ khẩu và tịch thu tất cả giấy tờ tùy thân, như chứng minh nhân dân, hộ khẩu gia đình, những giấy tờ có liên quan đến đời sống của người Việt ở trong nước.
Sau khi được Bà thông báo đã gửi đơn xin ly hôn với Mục Sư Lũy, Bà có yêu cầu ông không được gọi điện thoại, không được e-mail và không được nhắn tin về, bởi vì những thông tin Mục Sư gửi về cho Bà đều bị công an in ra, trong đó có một số bài Mục Sư viết tung lên mạng, cũng như các bài trả lời phỏng vấn báo đài. Ðó là lý do tại sao tôi không liên lạc được với Bà Mục Sư đang sống ở Việt Nam.
Nguyễn Khanh: Có khi nào Mục Sư Lũy quyết định trở về Việt Nam mà không cho anh biết không?
Nguyễn Phùng Phong: Thưa điều đó là hoàn toàn không. Chắc chắn là không bao giờ. Trước hết, Mục Sư Ngô Ðắc Lũy là một người truyền đạo từng bị cộng sản nhiều lần bức hại rất nguy hiểm lúc ông còn ở Việt Nam. Thứ hai, Mục Sư là một vị Tiến Sĩ về ngôn ngữ học, với trình độ hiểu biết về Thánh Kinh, về thần học và hiểu biết về văn hóa, tôi tin ông không làm cái quyết định mà tôi xin gọi là ngu xuẩn như vậy được.
Nguyễn Khanh: Xin được hỏi là trong thời gian làm việc với Mục Sư Lũy, anh thấy quan hệ của Mục Sư với những người khác như thế nào? Liệu chuyện thù oán có thể xảy ra hay không?
Nguyễn Phùng Phong: Thưa anh, Mục Sư Ngô Ðắc Lũy là một trong những nhà lãnh đạo tinh thần được anh em chúng tôi kính trọng và qúy mến hết lòng. Trước hết Mục Sư là người chỉ biết chia sẻ tinh thần Phúc Âm của Chúa, thứ hai ôgn sẵn sàng chia sẻ những đồng xu cuối cùng ở trong túi cho những anh em nào khốn khổ, cần sự chia sẻ của ông về mặt vật chất. Do đó, tôi có thể khẳng định rằng Mục Sư Ngô Ðắc Lũy không bị tư thù, tư oán, vì ông Mục Sư là người luôn làm việc thiện và luôn luôn hướng thiên.
Nguyễn Khanh: Ít nhiều, Mục Sư Lũy cũng là một khuôn mặt khá nổi bật trong cộng đồng người Việt ở Kampuchea. Ông mất tích đã 2 ngày rồi, các anh có liên hệ với Chính Quyền địa phương chưa? Nếu có, Chính Quyền địa phương trả lời các anh như thế nào?
Nguyễn Phùng Phong: Thưa anh, câu hỏi này khó khăn cho chúng tôi trong việc trả lời. Chúng tôi ở đây không có khái niệm về chính quyền địa phương, chúng tôi luôn luôn bị đe dọa bởi chính quyền địa phương, nên chúng tôi bất hợp tác với chính quyền địa phương. Thí dụ như bản thân tôi 17 năm qua không bao giờ liên lạc với Chính Phủ địa phương ở đây.
Đón Tiếp Và Giúp Đỡ Đồng Bào Thượng Đến Tỵ Nạn |
Tuy nhiên trước sự nguy nan của Mục Sư Ngô Ðắc Lũy, chúng tôi đã liên hệ với Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Về Người Tỵ Nạn để thông báo vụ việc. Hồi 3 giờ chiều, Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc gửi một nhân viên đến gặp và phỏng vấn tôi về trường hợp mất tích của Mục Sư, còn Chính Quyền địa phương không bao giờ giúp chúng tôi về những việc như thế này. Chúng tôi là những người tỵ nạn, bị đối xử rất tàn tệ chứ không phải như người tỵ nạn ở những quốc gia tự do khác.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn anh Phong rất nhiều. Ngày mai chúng tôi sẽ gọi lại, hy vọng lúc đó anh sẽ có tin tức mới hơn về trường hợp của Mục Sư Lũy.
Nguyễn Phùng Phong: Xin cám ơn anh. Mong Ðài sớm đưa tin này lên, để tất cả những người Việt chúng ta cùng tìm những phương án nào tốt nhất, hầu mong cứu được Mục Sư của chúng tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét