Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

HỒI KÝ PHẠM DUY - TẬP I - PHẦN I

TẬP I
Mấy Lời Nói Đầu
Kể lại chuyện mình xẩy ra từ sáu, bẩy mươi năm về trước là một việc làm không dễ. Tuy nghề nghiệp bắt buộc người nhạc sĩ phải có trí nhớ tốt để thuộc lầu hàng trăm, hàng ngàn bản nhạc, nhưng khi ngồi đào sâu ký ức để tìm về quá khứ thì tôi thấy những dữ kiện quá ư phức tạp, quá ư hỗn độn. Tôi lại không còn ở trong nước để kiểm chứng hàng chục, hàng trăm những nghi vấn về địa chí, về danh xưng và cũng không có trong tay những bản đồ với tên tỉnh, tên huyện, tên phố đã được thay đổi tới 4, 5 lần dưới nhiều chính thể... Do đó Hồi Ký Thời Thơ Â'u Vào Đời này có những khuyết điểm tuy không quan trọng nhưng tác giả cũng xin một sự độ lượng nào đó của người đọc.
Là con mồ côi cha quá sớm, tôi muốn dâng cuốn Hồi Ký này lên người bố mà tôi không được gần gũi, vì tôi tin ở huyết thống. Tôi mường tượng bố tôi sinh ra đã có người Pháp cai trị dân Việt Nam rồi. Bên cạnh những hành động của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cùng với các bạn "đồng chí hướng" như Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim... bố tôi đem uẩn ức của dân nô lệ vào đời và hoạt động trong nhiều địa hạt, khi làm công tác trong một Nghĩa Thục, khi dùng ngòi bút tả chân trong văn chương và báo chí, khi tranh thương với Hoa Kiều v.v... Tất cả cho mục đích thay đổi xã hội, thay đổi cuộc đời.
Nói như vậy vì tôi thèm được thấy bạn đọc nhìn nhận Hồi Ký này không khởi sự từ những năm 20 khi tôi vừa ra đời mà còn ôm đồm thêm những dữ kiện về thế hệ cha ông trong những năm đầu của thế kỷ. Nếu được như vậy, toàn bộ Hồi Ký của tôi sẽ bao trùm được đủ 100 năm của thế kỷ mà 50 năm đầu là sự đoàn kết của tất cả "người Việt nô lệ" -- trong đó có bố con tôi -- trong việc giành Độc Lập và Tự Do. Muốn biết rõ hơn cuộc đời của một "người Việt tự do" -- là tôi -- trong 50 năm sau của thế kỷ thứ 20, xin mời bạn đọc tiếp những cuốn Hồi Ký tiếp theo.
Thế hệ ông cha ta, với các phong trào Văn Thân, Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục, thành công hay thất bại, ai cũng đều biết. Riêng tôi biết rõ bố tôi chết đi mà chưa thực hiện được những giấc mơ của mình. Những đứa con là nơi để bố trút bầu tâm sự. Bốn người con lớn không thừa hưởng vẹn toàn thông điệp của bố, có lẽ tại vì các anh các chị chưa phải là thứ "tinh trùng bất mãn" được bố cấy vào trong mẹ. Thằng con út, khởi sự là bào thai đã được bố gửi gấm những hoài bão vào lúc bố biết mình đã thất bại và sắp chết. Nó lớn lên, vì sự linh thiêng của huyết thống, nó thực hiện giấc mộng không thành của người cha ?!
Hình như Goethe và Maxime Gorki đã coi những ngày thơ ấu của hai ngài là những ngày Đại Học. Vốn chẳng được theo đuổi việc học hành trong sách vở tại nhà trường, tôi cũng bắt chước hai vị để nói rằng trường Đại Học Âm Nhạc của tôi là kho tàng âm nhạc bình dân mà tôi hấp thụ trong quãng đời sớm lang bạt của tôi. Thuật sống của tôi học được ở mọi tầng lớp nhân dân mà tôi sớm được tiếp xúc. Lẽ dĩ nhiên sự giáo dục về cuộc đời cũng đến với tôi từ mẹ ruột, từ vú nuôi, từ mẹ nuôi, từ thầy giáo, từ bạn bè... đến cả từ những khắc nghiệt của người anh cũng như từ những ân sủng của người tình. Xin được tri ân tất cả!
Tôi cũng cần phải cám ơn những người giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn tất tập HỒI KÝ này: Bạn cùng học tại những ngôi trường cũ như Bác Sĩ Nguyễn Đình Thi (Trường Hàng Vôi), Cao Trung (Trường Bách Nghệ), Tạ Tỵ, Võ Lăng (Trường Mỹ Thuật). Bạn tâm giao cũ hay bạn mới làm quen là những người ở từng địa phương như Phạm Thanh Liêm, Lê Ninh (Hưng Yên), chị Lê Tôn Hy (YênThế-Bắc Giang), Nguyễn Sĩ Hưng (Thanh Hoá), Cao Xuân Vỹ, Nguyễn Đình Khuê (Nghệ An), Nguyễn Cúc (Huế), Hàn Vĩ, Lê Trọng Nguyễn (Hội An), Nguyễn Văn Sang (Quảng Ngãi), Lữ Liên (Dalat), Trần Văn Khê (Vĩnh Long). Bạn văn nghệ như Lê Văn-Vũ Bắc Tiến, Nguyễn Hiền. Tất cả đã nhắc lại tên các rạp hát và các điạ danh của tỉnh mình, hoặc kể lại vài mẩu chuyện cũ để cho cuốn Hồi Ký của tôi thêm mầu sắc và thêm xác thực.
Lẽ ra có hai tập: Hồi Ký Thời Thơ Â'u và Hồi Ký Thời Vào Đời. Nhưng để tiết kiệm thời giờ và tiền mua sách của bạn đọc, tôi thu gọn hai tập vào một cuốn sách. Do đó toàn bộ Hồi Ký chỉ còn 4 tập thay vì 5 tập như tôi đã rao. Vậy tôi xin rao lại, và xin trân trọng mời bạn đọc cùng tôi đi về dĩ vãng.
Thị Trấn Giữa Đàng,
Mùa Đông 1989

Hồi ký Phạm Duy (Tập 1)
Thời Thơ ấu - Vào Đời
Chương một
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về...
XUÂN CA
Tôi ra đời tại nhà hộ sinh ở số 40 Rue Takou (phố Hàng Cót) Hà Nội vào lúc 1 giờ 15 sáng ngày 05 tháng 10 năm 1921, theo âm lịch là ngày mùng 5 tháng 9 (nhuận) năm Tân Dậu. Trước đó vài giờ, mẹ tôi còn đang ôm bụng ngồi đánh tổ tôm với mấy bà bạn và với Bác Hàn Làng Vẽ (*).
Mẹ tôi vừa ù xong ván bài tổ tôm thì dở dạ và người nhà vội vàng đưa vào nhà đẻ. Do đó, khi tôi lớn lên, mỗi lần gặp Bác Hàn là bác nhắc tới chuyện ván bài tổ tôm và gọi tôi là thằng "Tôm". Ai ngờ bây giờ về già, tôi cũng trở thành một thứ Uncle Tom.
Tuy luôn luôn đắc ý cho rằng mình ra đời trong một ''canh bạc thắng'' của mẹ, nhưng khi lớn lên thằng Tôm này lại khoái với cái tên tự do chính mình đặt ra là ''Mộng Vân''. Vì sao ? Vì trong một lúc quá yêu Tôm, mẹ buột miệng nói rằng đã nằm mơ thấy những đám mây trong thời kỳ có mang... Lại cũng là một cái tên ''tiền định''. Thằng Tôm sẽ như mây, lang thang suốt đời. Và khi du nhập vào nghề hát rong thì đụng ngay một đoàn hát Cải Lương mang tên Gánh Mộng Vân.
Ngoài hai tên hiệu đó, cái tên thật -- rất quan trọng vì là tên cúng cơm -- cha mẹ đặt cho khi tôi vừa chào đời, tuy nó chẳng ngộ nghĩnh hay thơ mộng gì cho lắm, nhưng khi tôi trở thành ca sĩ của một gánh hát rong và chỉ dùng chữ họ và chữ đệm để cho khán giả dễ nhớ tên thì... cái tên cúng cơm đó biến mất. Ngay chị ruột tôi, về sau, cũng chỉ gọi tôi bằng tên đệm mà thôi. Giống như là có một sự quên tên hay kiêng tên vậy. Có điều chắc chắn là tôi đã ra thoát được tục lệ từ xưa của người Việt là thường đặt những cái tên rất xấu xí cho con cái để ma quỷ không thèm bắt đi như: (xin lỗi) thằng Buồi, thằng Đít vân vân...
Bố tôi là Phạm Duy Tốn, được người đời biết như là một nhà báo, một nhà văn đã từng tiếp súc với văn hóa Âu Tây và đã không còn là một nhà nho thuần túy nữa, nhưng khi bố tôi đặt tên cho con cái thì đều dựa vào chữ nho cả. Tên của ông cũng như tên của các con đều là tên của những đức tính và nếu viết bằng chữ nho thì chữ nào cũng nằm trong bộ ''ngôn'', nghĩa là bộ chữ thuộc vào những hạng người thích ăn to nói lớn.
Anh cả của tôi mang tên Khiêm, tới hai người chị là Thuận và Trinh, rồi tới người anh hơn tôi 2 tuổi là Nhượng. Hai người anh trong thực tế sẽ sống bằng nghề ăn nói, họ đều là những ông thầy dạy học. Nhưng họ đều giống tôi ở chỗ tính nết sẽ không như cái tên bố đã đặt cho. Ông Khiêm nhiều khi có vẻ thiếu khiêm cung. Ông Nhượng không hẳn lúc nào cũng nhường nhịn em nhỏ. Còn tôi, với cái tên Cẩn, nếu suốt đời đã sống nhờ chữ ''ngôn'' trong cái tên thì trái với điều mong muốn của bố tôi, chẳng bao giờ tôi thấy trong tôi có được một sự cẩn trọng tối thiểu! Tuy vậy, về sau tôi cũng học mót bố tôi trong việc đặt tên cho tám đứa con. Chúng đều phải mang những cái tên tốt đẹp như: Quang, Minh, Hùng, Cường, Hiền, Thảo, Đức, Hạnh. Tôi đã thừa hưởng tinh thần hướng thượng của bố tôi vậy.
Ông nội tôi là người đã từng giữ chức Thiên Hộ -- chef de quartier -- cai quản một khu phố trong nội thành Hà Nội. Ông bà tôi chỉ có hai người con, một trai là bố tôi và một gái (chúng tôi gọi là cô A'n) lấy chồng làm A'n Sát ở Bắc Ninh. Cô tôi có người con rể là hoạ sĩ Côn Sinh, chuyên vẽ hí hoạ cho báo LOA, người khuyến khích tôi vào học trường Mỹ Thuật sau này.
Tôi không biết mặt ông nội nhưng bà nội thì có ảnh chụp từ ngày xưa để lại. Trông bà thật là đẹp đẽ. Lúc còn bé, không nhớ đã có ai trong họ cho tôi biết rằng bà là một ca kỹ tài danh của một thuở xa xưa, lọt vào đôi mắt hào hoa của tay chơi Thiên Hộ Phạm Duy Đạt rồi được ông cưới về làm vợ. Các con, cháu và chắt của bà có trở thành những ''văn nhân, tài tử'' cũng nhờ ở huyết thống này. Trong bức ảnh cũ, thấy bà còn có vẻ phúc hậu nữa. Nhưng theo lời mẹ tôi kể thì bà không hiền lành lắm đâu, còn có thể nói là ác nghiệt nữa: ''Không phải ác với tao mà với bố mày''!
Bố tôi là một trong những người Việt Nam đầu tiên cắt búi tó và mặc âu phục. Không biết lúc chuẩn bị cắt tóc bố tôi có sai vợ lập ban thờ để làm lễ xin tổ tiên tha cho cái tội tày trời như những người cùng cảnh ngộ hay không? Nhưng sau khi bố tôi cắt tóc, bà tôi buồn rầu và căm giận đến độ từ đó trở đi, mỗi một buổi sáng vừa mở mắt dậy là bà tôi ngồi chửi con. Bà cứ ngồi ở đầu giường, không thèm đi xúc miệng vì muốn làm tăng ác độ của câu chửi : ''Tốn ơi! Mày là thằng con bất hiếu! Mày cắt tóc là mày từ bỏ cha mẹ đó, biết không? Rồi đây tao chết đi thì mày còn có cái gì để mà tóc tang hở mày?'' Kèm theo câu chửi là câu rủa. Đệm vào câu rủa là một cái bát đàn -- loại bát bằng đất nung, rẻ tiền nhất -- được bà tôi đập xuống đất vỡ tan. Rủa cho bố tôi chết. Lời rủa có vẻ hiệu nghiệm. Bố tôi chết trước bà tôi hai năm.
Mẹ tôi là con dâu nên coi thái độ đó của mẹ chồng là nghiệt ngã nhưng tôi không nghĩ rằng bà tôi là người ác tâm. Bà là đại diện của một nền văn minh cũ, mang trong lòng tất cả những tín ngưỡng rất lâu đời và khó bỏ. Việc cắt tóc của bố tôi không chỉ là một hành động chống lại mẹ, nó còn là sự đả phá một kỷ luật đã có hằng mấy trăm năm, nếu không dám nói là cả nghìn năm. Có cái ''gap generation'' nào mà không làm đau lòng những người trong cả hai thế hệ?
Ông ngoại tôi lúc sinh thời -- được gọi là cụ Tú Hàng Gai -- có nhiều học trò lắm, mỗi lần tới ngày kỵ của ông thì có rất đông học trò cũ từ miền quê lên Hà Nội và tới phố Hàng Gai để cúng giỗ. Ông ngoại tôi có hai vợ, do đó họ ngoại của tôi đông hơn bên họ nội. Không biết mặt ông bà ngoại nhưng bà trẻ -- nàng hầu của ông ngoại -- thì tôi biết. Bà trẻ hiền lành lắm. Không đẹp đẽ và oai phong như bà nội ở trong bức ảnh cũ, bà trẻ là hình ảnh của sự chịu đựng nơi những người sinh ra để làm vợ thứ. Dù con cái của bà -- cậu Khuê và dì bé lấy chồng làm Tham Tá tên là Nhữ -- đều là những người có địa vị trong xã hội nhưng lúc nào bà cũng sống như một chiếc bóng nhạt mầu.
Mẹ tôi là con gái của một ông thầy đồ và trước khi lấy chồng, mẹ tôi là cô hàng bán sách ở phố hàng Gai. Tôi không biết tên họ của ông bà ngoại nhưng một hôm gặp bà dì ruột ở Saigon vào khoảng 1970 thì dì nói: ''Mày có biết bà họ gì không? Họ Lưu, dòng dõi Lưu Vĩnh Phúc đó!'' Thế ra trong tôi có dòng máu nổi loạn à? Người Pháp gọi Lưu Vĩnh Phúc là giặc -- Giặc Cờ Đen -- nhưng đối với tôi, ông là người làm Cách Mạng.
Tôi có khá nhiều các bác, các dì, các cậu và có rất đông các anh em, chị em họ cùng với một rừng các cháu gọi tôi bằng chú và bằng cậu. Một trong những người anh họ của tôi là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, con của Bác Hai Hàng Đường. Tôi thường được ngồi ngắm tác giả Cổ Học Tinh Hoa, Tục Ngữ Phong Dao... nằm hút thuốc phiện. Trong đại gia đình tôi, không phải chỉ có anh Ngọc mới là bạn của Nàng Tiên Nâu. Tôi có bao nhiêu ông chú, ông cậu, có bao nhiêu ông anh hay em họ là có bấy nhiêu ''ông tiên''. Thậm chí sau này, con của cậu tôi, tên là Bá, còn mở hẳn một tiệm hút ở phố Hàng Dầu, không có một nhà văn Hà Nội nào hằng đêm là không tới đó để gập nhau. Ơ' đây, tôi hay gập Đồ Phồn, Lan Sơn, Đàm Quang Thiện...
Nói tới đại gia đình là nhớ tới nhưng ngày đại giỗ. Gia đình càng lớn thì hằng năm càng có nhiều ngày giỗ. Vào những ngày này, tôi mới được gặp gỡ tất cả mọi người và tôi có nhận xét là các bác, các cậu và các anh họ tôi ai cũng có giọng nói rất lớn. Nói chuyện trong nhà mà như người ta cãi nhau khi mổ bò. Ngược lại, các mợ, các dì, các cháu gái lại nói năng rất khẽ như bị đàn ông ăn hiếp vậy. I't khi tôi được ăn cơm với người lớn. Tôi và lũ cháu trai -- gần bằng tuổi nhau nên toàn xưng hô mày, tao -- tranh nhau từng miếng gan gà hay mảnh trứng muối. Mấy thằng cháu này hơn tôi ở chỗ chúng nó uống rượu như uống nước lã. Trong ngày giỗ, chỉ có con trai được cho vào ăn chung một mâm và ăn trước. Con gái đều phải chui xuống bếp để giúp việc rồi ăn sau. Tinh thần trọng nam giới của gia đình tôi vào đoạn đầu của thế kỷ 20 này dường như vẫn còn đeo đẳng tôi cho tới tận bây giờ.

Hồi ký Phạm Duy (Tập 1)
Thời Thơ ấu - Vào Đời
Chương hai
Nhà tôi ở Phố Hàng Dầu
Số nhà 54, đứng đầu... du côn!
Phạm Duy Cẩn
I't lâu sau khi tôi ra đời, gia đình họ Phạm dọn từ phố Mã Mây (Rue Des Pavillons Noirs -- phố Cờ Đen, lại một cái tên có liên hệ tới gia đình tôi) xuống phố Hàng Dầu (rue Felloneau), một con phố có chưa tới 30 căn nhà thấp bé nằm ôm lấy nhau.
Bên phải phố Hàng Dầu là phố Bờ Hồ nằm đối diện với một khu đất trên đó có Đền Bà Kiệu và rạp chiếu bóng Pathé. Hồ Gươm không xa nhà tôi mấy. Đứng trước cửa nhà, tôi có thể nhìn thấy mặt hồ lúc nào cũng lặng lẽ và xanh đục. Và thấy xe điện leng keng lọc cọc đi ngang. Trong 17 năm sống với thủ đô, tôi có tới 14 năm sống chung quanh hồ Gươm cho nên Hà Nội đối với tôi chỉ là Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Rùa, đền Bà Kiệu và khu vườn nhỏ bên bờ hồ là nơi tôi hay ra leo lên cây đa hoặc lúi húi hái hoa bắt dế. Trong 3 năm còn lại, tôi theo gia đình lên ở bên cạnh Hồ Trúc Bạch trước khi rời xa Hà Nội đi sinh sống ở Moncay, Hưng Yên, Kiến An, Bắc Giang. Thỉnh thoảng ghé về thăm mẹ, tôi không có đủ thời gian để yêu được tất cả Hà Nội 36 phố phường.
Các nhạc sĩ như Trần Văn Nhơn, Hoàng Dương (em họ của Thái Hằng, vợ tôi), Nguyễn Đình Thi... khi thương hay khi nhớ Hà Nội, họ đều có những bài hát nói tới đầy đủ các khu các phố. Văn Cao có bài Thăng Long Hành Khúc xưng tụng đủ cả Nhị Hà, Tháp Gươm, Văn Miếu, Cột Cờ, Tràng Thi... Tôi chỉ có một mối tình dành riêng cho hồ Hoàn Kiếm mà thôi. Qua bài Gươm Tráng Sĩ...
Đã có nhiều nhà văn cho chúng ta thấy cái thơ mộng của hồ Gươm. Anh bạn Nguyễn Đình Toàn nhìn nó như trái tim của Hà Nội rồi còn nghe được tiếng guốc thiếu nữ reo vang trên những lối đi quanh hồ... Ông còn ví hồ này, vào mùa thu, giống như con mắt buồn bã của người tình. Tôi cũng thấy như vậy. Nhưng vì quanh năm sống với hồ Gươm nên tôi còn thấy nó trong những hoàn cảnh ít nên thơ hơn, như ra coi những xác người treo cổ trên cây đa bên bờ hay trầm mình xuống hồ nước, vì thất tình hay vì lý do buồn bã hơn là sự túng quẫn.
Nói tới Hồ Gươm, người ta còn nói tới mùi nhang thơm trong đền Ngọc Sơn hay nói tới môi hôn ngọt của cặp tình nhân trên cầu Thê Húc. Tôi được sống lâu với chiếc cầu và ngôi đền nên còn nhìn thấy cả đám ăn mày ngồi la liệt trên lối ra vào với lũ ruồi bu đầy trên những đôi mắt toét đỏ lòm. Và cảnh nhà nho cuối cùng mặc áo bông rách, ngồi viết những chữ Phúc Lộc Thọ hay những câu đối trên giấy đỏ... chỉ làm tôi bùi ngùi hơn là bồi hồi. Hồ Gươm với tôi là giọt lệ, không phải lệ ngọc ngà mà là lệ buồn thương.
Hồ Gươm còn có những buổi chiều mùa lạnh với sương mù toả xuống mặt hồ, cảnh vật mờ ảo làm tôi tưởng tượng như đang sống trong một truyện Liêu Trai. Tôi vừa sợ, vừa thèm gặp con ma hồ Gươm mà người trong khu phố cho rằng nó thường hay ra đây dụ dỗ người ta tự tử. Hình như con ma này đẹp lắm!
Đối diện với Hồ Gươm là rạp chiếu bóng Pathé. Phía sau rạp có bãi đất rộng, thỉnh thoảng người Tầu tới dựng lều làm trò múa rối. Những màn múa rối này tinh vi hơn múa rối Việt Nam tôi được coi ở Hội Chùa Thầy. Chỉ mất có mấy đồng trinh mà tôi được biết nhiều màn ca kịch rất linh động của truyện Tầu trước khi biết chữ để đọc tiểu thuyết. Tại đây còn có Ông Hai Tây hay tới làm trò đóng đinh lỗ mũi và trò quỷ thuật. Ông Hai Tây còn thổi kèn bằng mu bàn tay và bằng ống đu đủ. Có thêm những người Tầu bán thuốc Sơn Đông và đánh võ. Họ dán thuốc cao vào những vết dao mà họ chém trên ngực để cho chúng tôi thấy công hiệu của thuốc cao.
Nếu là ngày hội 14 Juillet (lễ Quốc Khánh của Pháp) thì tại đây có các cuộc vui như leo cột mỡ, đập nồi, bịt mắt bắt vịt. Nhất là có những đám hát xẩm... Tất cả những biến cố nghệ thuật và những trò chơi bình dân này đã gây nên giấc mộng giang hồ và cái thú biểu diễn nơi cậu bé họ Phạm. Rồi đã có lần tôi bỏ nhà đi theo một anh làm trò quỷ thuật sau khi bị mê hoặc thêm bởi cuốn tiểu thuyết Vô Gia Đình (Sans Famille) của nhà văn Pháp Hector Malot. Nhà văn này đưa ra nhân vật tiểu thuyết là một ca sĩ nổi danh một thời rồi chẳng may bị mất giọng. Muốn giữ mãi hình ảnh tuyệt vời của mình trong lòng người, anh thay tên đổi họ và sống cuộc đời lang thang trong một gánh xiếc nhỏ. Cuối cùng anh chết vì đói rét trong khi tên tuổi anh vẫn còn vang lừng khắp Âu Châu.
Bên trái phố Hàng Dầu là phố Hàng Tre thông ra bờ đê sông Hồng. Vào mùa nước cạn, tuy cho chuồn chuồn cắn rốn nhiều lần mà vẫn chưa biết bơi nên tôi hay chạy chơi trên bãi cát rộng. Nhưng vào mùa nước lớn, dù trong đêm tối, tôi cũng ra bờ đê để coi mọi người trong khu phố phấp phỏng ngồi canh mực nước, chuẩn bị đề phòng nạn lụt. Dòng sông Cái (nghĩa là sông Mẹ?) bình thường êm ả nay bỗng trở thành bà mẹ hung dữ khiến tôi sợ lắm! Đứng nhìn dòng nước phóng đi như điên cuồng, tôi thấy con sông lúc thường đỏ thắm vui tươi, trong mùa lụt, sông Hồng giận dữ và đỏ ngầu như máu đục.
Phía sau phố tôi là phố Hàng Bè, nơi vú già hay giắt tôi đi chợ và phố Hàng Thùng, nơi có lớp mẫu giáo để tôi đi vào chữ nghĩa khi tôi lên 6. Phố nào cũng ngắn với dãy nhà tí hon. Riêng phố Hàng Bè có thêm ngôi nhà ba tầng -- gọi là nhà Tây -- của Bác Sĩ Lê Văn Chỉnh, người gốc miền Nam, có người con trai không hiểu vì sao mà tự tử (bằng súng lục). Cái chết của con Bác Sĩ Chỉnh và của những người tự vẫn ở Hồ Gươm ám ảnh tôi rất lâu.
Người mở lòng cho tôi trong lớp mẫu giáo ở phố Hàng Thùng là một thầy giáo mặc áo the thâm, đầu đội khăn xếp, với bộ râu nằm ngang trên cái miệng răng đen, trông thầy giống như một bức tranh hí hoạ. Lớp học trong cái phố chuyên môn làm thùng gánh nước bằng sắt tây, cậu bé hỉ mũi chưa sạch là tôi thường ê a đọc bài với nhịp điệu văng vẳng của tiếng đập thùng nghe giống như tiếng trống nhạc jazz vậy.
Đầu phố Hàng Dầu và xế nhà tôi là một cửa hàng tạp hoá với những món hàng rất sơ sài. Bà chủ cũng góa chồng như mẹ tôi nhưng không có con nên bà yêu tôi lắm, thường cho ăn ô mai không lấy tiền. Bên cạnh cửa hàng của bà là nhà làm nước đá, có nước nóng để tôi được tắm táp trong những ngày đông giá. Khu phố tôi chưa có ống dẫn nước, vú già phải đi gạnh nước về, ít khi có chuyện đun nước để tôi tắm.
Gọi là phố Hàng Dầu nhưng tôi chỉ thấy có một cửa hàng bán dầu ở xế cửa. Vào thời tôi mới sinh ra, Hà Nội không còn dùng dầu lạc để đốt đèn nữa vì đã có đèn điện và có loại đèn Hoa Kỳ dùng dầu lửa (pétrole) tiện lợi và sạch sẽ hơn dầu lạc. Hoa Kỳ láu cá lắm, biếu không cho người Việt Nam hàng vạn cái đèn để khi có đèn rồi thì phải mua dầu của họ. Cạnh nhà tôi là nhà Ông Ký Hải, ông lang nổi tiếng. Các cháu bé của ông là những bạn thân thiết nhất của tôi thời thơ ấu. Trong thời gian ở phố Hàng Dầu, tôi không thấy hàng xóm cũ dọn đi hay láng giềng mới dọn tới. Chỉ gia đình tôi là sẽ rời bỏ con phố này khi anh Khiêm từ Pháp về sau 7 năm du học.
Nhà của chúng tôi ở giữa phố và cũng thấp bé như những nhà trong phố nhưng lại rộng hơn nhà Bác Hai phố Hàng Đường hay nhà cậu Trưởng phố Hàng Gai. Trong nhà có xây sáu cái giường quây chung quanh một cái sân nhỏ lộ thiên nằm giữa nhà. Tôi thường nằm trên giường để nhìn nước mưa buồn buồn chẩy xuống những chậu hoa trên sân. Hoặc ra sân để tắm mưa.
Dưới gầm của những giường ngủ có chôn những cái vại bằng sành rất lớn để đựng dầu. Mua lại căn nhà là một cửa hàng bán dầu nhưng bố mẹ tôi không sinh sống bằng nghề bán dầu, những vại dầu trống không này chỉ là một thứ đồ chơi của tôi khi còn bé. Chơi đi trốn với anh chị hay với bạn bè, tôi thường hay nhẩy vào một trong những vại dầu cao hơn đầu tôi này. Vì trong nhà có tới 12 cái vại cho nên bắt được tôi rất khó, tôi đã phải nằm trong đó rất lâu để tưởng tượng mình là Ali Baba của truyện thần thoại A' Rập.
Nơi quan trọng thứ nhất của nhà tôi là bàn thờ tổ tiên, chiếm hết một phần sáu của diện tích căn nhà. Trước bàn thờ là hai bức tường có gắn những tượng người bằng sành rất đẹp. Vào ngà Tết Nguyên Đán, bàn thờ được mẹ tôi làm cho lộng lẫy từ ngày ông Táo về trời và được duy trì cho tới sau ngày 21 tháng giêng, nghĩa là sau hai cái giỗ của bà nội tôi và của bố tôi, rồi mới được buông mành che đi. Tôi được ăn Tết lâu hơn các trẻ con khác trong phố.
Nơi quan trọng thứ hai là cái giường gỗ lim nơi mẹ con tôi nằm ngủ, kê sát tủ chè có tranh ảnh nạm bằng sà cừ rất tinh vi. Ơ' chân giường, trước mặt cái sân nhỏ, là hai chiếc ghế gụ để khách tới ngồi chơi trong khi chủ nhân ngồi xếp chân bằng tròn trên giường tiếp chuyện. Nếu có đánh chắn hay tổ tôm thì canh bạc cũng xẩy ra ở chỗ này. Cuộc chơi bao giờ cũng kéo dài tới đêm khuya, tôi đi ngủ sớm thì phải nằm cạnh những canh bài đỏ đen, tai nghe thoang thoảng những tiếng reo được thua trong cơn mộng mị.
Nơi không được coi là quan trọng trong căn nhà là cái chồ. Địa điểm phải được gọi là phòng vệ sinh này bé bằng cái hộp, to béo như tôi bây giờ thì không thể nào chui vào ngồi xổm trong đó một cách dễ dàng được. Không có hầm phân mà chỉ có thùng phân. Vài ba ngày, có người của ông nhà thầu Năm Diệm đem thùng khác tới đổi thùng đựng đầy phân. Đổi thùng thường làm vào nửa đêm về sáng. Lúc đó, tiếng phu đổi thùng gõ cửa ầm ầm trong đêm thanh vắng thường làm thằng bé này giật mình thon thót. Chắc tiếng gõ cửa bắt người ban đêm cũng chỉ hãi hùng đến thế mà thôi.
Hoài niệm thời thơ ấu, ai cũng có kỷ vật, nhân vật hay một chuyện nào đó để bâng khuâng nhớ. Tôi nhớ nhất cái đồng hồ cũ kỹ đặt trên mặt tủ chè. Nó là chứng tích rõ ràng nhất của thời gian. Mỗi một tích tắc hay một hồi chuông của nó ghi lại một li ti hay một khoảng ngắn của thời tôi còn thơ. So với những đồ vật khác trong nhà, chỉ có nó có sự sống.
Bà con hàng xóm trong khu phố tôi là những người dân hiền lành sống cuộc đời âm thầm nhưng cũng có một nhân vật dị thường khiến tôi để ý. Tên anh là Hùng, nhưng ai cũng gọi là Khùng. Hằng ngày, anh bắc ghế đẩu ra ngồi ở ngã tư, thấy ai đi qua cũng chào. Chào bằng đủ mọi thứ tiếng. Mọi người đều cho anh là thằng hoá dại. Trẻ con thường quây chung quanh anh để chọc ghẹo. Riêng tôi, lúc nào cũng ngẩn ngơ đứng nhìn con người "kính chào không mỏi mệt" này. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ gương mặt hiền hoà của một người lịch sự nhất phố Hàng Dầu.
Hà Nội có những buổi trời mưa thật to, mưa nặng nề như mưa đá vậy. Có thêm những tia chớp lớn. Những hạt mưa cục đập xuống mặt đường chưa trải nhựa, làm thành những bong bóng to. Ngồi trên bậc cửa nhìn qua nhà trước mặt, thằng bé này biết nhớ nhung da diết một con bé tên là Nguyệt. Nó thấy được nỗi buồn của một câu ca dao để rồi sẽ đưa vào một bản trường ca:
Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Hỏi người bên đó có buồn hay không ?

Phạm Duy
Hồi ký Phạm Duy (Tập 1)
Thời Thơ ấu - Vào Đời
Chương Ba
Con cóc nhẩy ra
Con cóc nhẩy vô
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhẩy đi
Thọ An Phạm Duy Tốn
ghi lại trong TIÊU LÂM AN NAM
Tôi không có một kỷ niệm nào với bố tôi cả. Ông chết đi khi tôi mới lên hai. Theo lời mẹ tôi nói thì bố tôi có hình vóc hao gầy, mặt rỗ hoa, rất vui tính, hay nói đùa và chọc ghẹo bạn bè, vợ con. Tôi rất giống bố tôi ở điểm này.
Ông làm nhiều nghề ngoài nghề viết văn, viết báo. Sau khi tốt nghiệp ở trường Thông Ngôn, ông làm thông dịch viên ở một vài toà công sứ tỉnh nhỏ. Rồi bỏ đi làm thư ký cho một chi nhánh của Banque de L'Indochine ở tỉnh Mông Tự bên Tầu. Rồi mở nhà hàng cao lâu ở phố Cầu Gỗ, mở tiệm vàng ở phố Hàng Đào. Sau đó, đi tìm mỏ than hay mỏ vàng gì đó ở Quảng Yên... Trong đời, tôi cũng hay đổi nghề như bố. Vào với nghề viết văn, bố tôi chọn con đường tả chân và phê bình xã hội, khi thì viết những truyện ngắn rất đứng đắn khiến cho truyện của ông về sau được đưa vào giáo trình của Bộ Giáo Dục, khi thì sưu tập và phóng tác những chuyện tiếu lâm (dưới bút hiệu Thọ An). Những lúc tôi soạn loại bài hát phê bình xã hội như tâm ca hay tục ca tôi đều liên tưởng tới việc làm của một người bố tuy không gần gũi mà hoá ra thân thiết. Sau khi làm báo và cũng đã là một người khá nổi danh trong xã hội rồi, cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, bố tôi được bầu làm Hội Viên Thành Phố Hà Nội và được cử đi dự'Đấu Xảo Marseille vào năm 1922. Trở về nhà, ông lâm bệnh và tới năm 1924 thì ông qua đời vì bệnh ho lao.
May mắn cho tôi là anh chị tôi còn giữ được một số tài liệu về bố tôi. Chẳng hạn những lá thư hay những bưu ảnh bố tôi gửi về khi ông đi Nam Kỳ hay đi Pháp. Chẳng hạn những mẩu báo Trung Bắc Tân Văn, Thực Nghiệp Dân Báo, Khai Hoá Nhật Báo... đăng tin ông mất vào năm 1924 trong đó có phần tiểu sử của bố tôi. Những tài liệu này được anh chị tôi đem qua Pháp từ lâu và gửi cho bản sao trước năm 1975. Do đó, tôi được "gặp" lại bố tôi trong những kỷ vật này. Báo Trung Bắc Tân Văn số 2078 ra ngày 25 tháng 2 năm 1924 cho tôi biết rõ hơn bức chân dung của bố tôi. Trước hết là con người ký giả, văn sĩ Phạm Duy Tốn:
"... Ông Tốn khi mới tốt nghiệp trường Thông Ngôn ở Yên Phụ năm 1901 thì bổ làm thông ngôn ngạch toà sứ Ninh Bình rồi đổi sang Thị Cầu (toà sứ Bắc Ninh). Ngay lúc bấy giờ ông đã nổi tiếng là một tay thông ngôn có đặc sắc và bắt đầu kết bạn với ông Nguyễn Văn Vĩnh, bản báo chủ nhiệm, lúc đó cũng làm thông ngôn một toà..."
Bài báo này cho biết thêm là bố tôi được:
"... quan trên tin dùng (...) giá ở người khác ắt có thể làm nên phú quí lắm, nhưng cái chí khí cao thượng, cái tâm huyết hăng hái của ông, không hám về đường công danh phú quí như ai, cho nên dù được tín dụng thế nào mặc lòng, ông cũng xin từ chức mà vào làm biên tập trong Đại Việt Tân Báo là cái báo quốc văn ra đời trước nhất tại xứ ta. Vậy thì trong làng báo, cùng với bản báo chủ nhiệm, ông là người vào làng trước nhất vậy."
1913 khi mở Đông Dương Tạp Chí thì ông ở Mông Tự có gửi nhiều bài về đăng báo, rồi ông lại từ hẳn Mông Tự mà về giúp một tay trong bộ biên tập báo Đông Dương Tạp Chí, Trung Bắc Tân Văn và Công Thị Báo. Ngoại những bài xã thuyết có giá trị của ông, thì ông lại sở trường nhất về lối Hài Văn và Đoản Thiên Tiểu Thuyết là hai mục ông đã gây ra trước nhất trong báo giới vậy. Bài báo viết tiếp, về nghề làm báo, bố tôi được tiến cử vào Nam để chủ trương tờ Lục Tỉnh Tân Văn rồi khi trở ra Bắc thì giữ chức tổng thư ký trong bộ biên tập Học Báo... Về con người kinh tế của bố tôi, bài báo này viết:
"... Về đường kinh tế thì ông có mở một cửa hàng Tân-Nam-Lâu là cửa hàng khách sạn của người Việt Nam ta mới có là một; ngày ấy là ngày vào khoảng 1908 là lúc cái phong trào khai thương ở xứ ta mới nhóm lên. Cánh nam nhi học thức mình mới thoát tỉnh cái giấc mộng hư văn mà không cho việc buôn là tiện nghệ; trong cảnh đó thì ông có thể kể vào tay kiện tướng tiên phong vậy. "
Thuyết gia Hoàng Văn Chí, trước khi qua đời, qua một bài báo đăng trên báo Người Việt ở Cali gần đây, đã có cái nhìn rất đúng về xã hội Việt Nam. Ông cho rằng Trung Hoa có bốn thành phần Sĩ, Nông, Công, Thương nhưng người Việt chỉ có ba: Sĩ, Nông, Công. Từ xưa ông bà ta coi nghề buôn là "tiện nghệ" (nghề hèn hạ) nên vào đầu thế kỷ này, nghề buôn bán hoàn toàn nằm trong tay Hoa Kiều. Thành phố nào cũng có một phố khách là nơi có đầy đủ các tiệm hàng lớn nhỏ của người Tầu. Bố tôi là một trong những người Việt đầu tiên muốn ra thoát "giấc mộng hư văn", giành lại quyền kinhátế của nước mình nơi tay các khách trú hay chú khách.
Vẫn trong bài báo đó:
"...Mấy năm sau ông lại có mở một cửa hàng buôn đồ vàng bạc, tức là cái cửa hàng Nam Bảo đã có tiếng mà ông để lại cho một đồng bang kế nghiệp. Ông vốn không phải là nhà buôn, sự khai thương của ông cũng vì một cái tân tư tưởng của ông nóng nẩy quá nó xui giục ông làm vậy... "
Ông nóng nẩy thực! Theo Vũ Bằng viết trong báo Văn số 169 ra ngày 1 tháng 1 năm 1972 tại Saigon là số đặc biệt Tưởng Niệm Phạm Duy Tốn, bố tôi thủ một vai quan trông trong vụ tẩy chay người Tầu ở Hà Nội vào lúc bố tôi là người tiên phong trong phong trào khai thương ở xứ ta:
"... Phạm Duy Tốn đã đứng trước cửa tiệm Nam Bảo phố Hàng Đào chỉ huy thanh niên chống lại đội xếp đàn áp các người biểu tình tẩy chay Hoa Kiều ăn cơm gạo của ta béo mập rồi quay lại khinh bỉ dân ta..."
Vũ Bằng còn ghi thêm:
"... Mở tiệm kim hoàn ở Hàng Đào, cụ Phạm Duy Tốn đã khéo áp dụng cái cười để quảng cáo cho cửa tiệm. Riêng về cách quảng cáo ấy cũng hết sức mới, so với lúc bấy giờ. Cụ thuyết phục được các đào kép rạp Quảng Lạc quảng cáo cho tiệm vàng của cụ. Nhiều lần người ta thấy đào Cưỡng và đào Đinh đóng tuồng Nhất Bộ Nhất Bái Phàn Lê Huê và Quan Công Phò Nhị Tẩu giơ tay lên trời nói một câu rất trơ mà cũng rất công hiệu: Ra hiệu Nam Bảo mua vàng đeo tay..."
Tuy vậy, tôi phải chua sót mà nói rằng bố tôi đã thất bại lớn trong công việc kinh doanh. Khách sạn Tân Nam Lâu và tiệm vàng Nam Bảo được mở ra với ý định tranh thương với Hoa Kiều, đã không thành công. Bố tôi chết đi để lại khá nhiều những món nợ mà mẹ tôi và anh Khiêm phải mất hàng chục năm sau mới trả hết.
Cần phải biết động lực nào đẩy bố tôi đi vào thương trường trong khi đáng lẽ ra ông chỉ nên đứng ở điạ vị một người cầm bút. Chỉ mãi gần đây tôi mới đọc cuốn ĐÔNG KINH NGHI²A THU´C của Nguyễn Hiến Lê do LA³ BÿI ấn hành tại Saigon năm 1968 và nhờ đó biết thêm con người chính trị Phạm Duy Tốn.
Nguyễn Hiến Lê viết:
"... cụ Tây Hồ [Phan Chu Trinh] kể rõ phương pháp của Khánh Ư³ng nghĩa-thục [của Trung Hoa] và đề nghị lập tại Hà Thành một nghĩa-thục tương tự. Đề nghị được chấp thuận và sau một hồi bàn xét, tên Đông Kinh Nghĩa Thục được lựa chọn, mục đích được vạch rõ: khai trí cho dân. Đại cương đã vạch rồi, ít lâu sau các cụ tới hội để tổ chức nghĩa-thục và phân phối công việc. Lần này vắng mặt cụ Tăng [Bạt Hổ] và cụ Sào Nam [Phan Bội Châu], nhưng thêm nhiều nhà nho khác như Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần... và vài nhà tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học... Hết thẩy đều cử cụ Lương Văn Can làm thục trưởng... Các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn tự đảm nhiệm việc xin giấy phép mở trường và tức thì thảo đơn gửi Phủ Thống Sứ..."
Theo Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục được mở ra vào năm 1906 này là sự phân công giữa các nhà làm Cách Mạng, một số chủ trương bạo động, một số làm cách mạng văn hóa qua một chính sách được gọi là "duy tân". Nghĩa-thục muốn đào tạo một lớp người mới không những chỉ bằng những lớp dạy những môn học mới như địa dư, toán học... mà còn cử người soạn sạch mới, soạn bài ca ái quốc, đi diễn thuyết để truyền bá tư tưởng mới. Ngoài những phong trào vận động cắt tóc, bỏ nhuộm răng, mặc âu phục, nghĩa thục còn phá bỏ cái tục khinh công thương nên lúc đó đã chủ trương chấn hưng công thương. Cụ Phan Chu Trinh là người đầu tiên chấn hưng thương nghiệp, mở QUA'NG NAM THƯƠNG HộI, mướn người dệt vải nội hoá. Nghĩa Thục cũng còn khuyến khích việc khuếch trương nông nghiệp, khai thác quặng mỏ nữa... Cũng cần nói thêm rằng phong trào nghĩa thục này đưa tới vụ âm mưu đầu độc người Pháp ở Hà Nội và Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn đã bị bắt, dẫn vào Hà Đông (trang 121, Đông Kinh Nghĩa Thục - Nguyễn Hiến Lê).
Như vậy là nhờ tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục bố tôi nhìn thấy kẻ sĩ phải thoát ra khỏi giấc mộng hư văn để bước vào đường khai thương. Cùng là đồng chí với bố tôi trong Đông Kinh Nghĩa Thục, ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng nhìn thấy đâu là quyền lợi của dân tộc. Ông cũng bỏ cả sự nghiệp văn chương và báo chí để đi tìm mỏ vàng ở bên Lào rồi cũng chết đi cùng với giấc mộng kinh tế của mình. Hai nhà văn nhà báo này khi trở thành những Nghị Viên của thành phố là đã nhẩy ra làm chính trị để bênh vực quyền lợi quốc dân. Cả hai đều đã sớm nhìn thấy kinh tế mới là sức mạnh. Được cử đi dự Đấu Xảo ở Pháp (Exposition de Marseille -- 1922) thì lại càng nhìn thấy rõ hơn sức mạnh đó. Làm báo, viết văn hay hoạt động chính trị nghĩa là khai trí chưa đủ. Còn phải khai thương nữa.
Quả rằng cả hai ông đều là những người vừa can đảm vừa ngây thơ. Can đảm ở chỗ dám làm chứ không phải chỉ dám nói, dám viết. Khuyến khích người Việt làm kinh tế qua những bài diễn văn hay qua những bài viết trên báo chưa đủ, phải tự mình nhẩy vào đấu trường. Ngây thơ ở chỗ nhẩy ngang vào thương trường mà không có vốn, không có học lực về thương mại. Người Pháp lúc đó chỉ muốn đào tạo cho người Việt trở thành những người thông ngôn, họ đâu có muốn đào tạo những người làm kinh tế? Không có vốn thì phải đi vay nợ. Hai hay ba bốn người không có kinh nghiệm thương mại, không có vốn liếng thì làm sao cạnh tranh nổi với Hoa Kiều? Thất bại là con cháu phải gánh lấy nợ nần. Bây giờ thì tôi nhìn thấy thái độ vừa hùng tráng vừa bi thảm của hai kẻ sĩ muốn trở thành thương gia để xây dựng đất nước, thái độ này đáng lẽ ra phải được nhắc tới trong bài viết mới gần đây của thuyết gia Hoàng Văn Chí, nói về sự khiếm khuyết của giới thương ở nước ta, mới chỉ có sĩ, công và nông mà thôi !
Bao nhiêu năm đã trôi qua kể từ khi có bài học của hai ông Vĩnh và Tốn. Nhưng tại nước Việt Nam, qua nhiều chế độ, vẫn chưa có nhiều nhà kinh doanh lớn. Dưới thời Pháp thuộc, Hoa Kiều ở Việt Nam nắm nghề buôn là chuyện dĩ nhiên. Nhưng sau khi nước Việt Nam giành được độc lập và bị chia đôi vào năm 1954, tại miền Nam, dưới hai chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, người Tầu vẫn còn nắm việc kinh doanh dù chính phủ Ngô Đình Diệm cấm không cho họ làm 18 thứ nghề. Và kể từ 1975 cho tới bây giờ (1989) ngay trong cộng đồng người Việt ở rải rác khắp nơi trên thế giới, nghề buôn bán tiêu biểu là các dịch vụ ngân hàng, nhà đất và thực phẩm A' Đông, hình như vẫn còn nằm trong tay người Tầu cũng từ Việt Nam ra đi "tị nạn chính trị"! Ơ' trong nước, Cộng Sản thành công về quân sự, chính trị. Họ hoàn toàn thất bại về kinh tế.
Bố tôi gặp khó khăn trong việc khai thương nhưng bù lại, bố tôi không bị trở ngại trong văn chương. Trước hết, ông viết những đoản thiên tiểu thuyết như Sống Chết Mặc Bay, Con Người Sở Khanh, Nước Đời Lắm Nỗi... (đăng trên báo NAM PHONG, các số 18, 20, 23). Các nhà biên khảo như Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Cổn,Vũ Ngọc Phan đều cho bố tôi là "nhà văn xã hội đầu tiên của nền văn học cận đại". Một truyện rất ngắn như Câu Chuyện Thương Tâm đã khiến cho phê bình gia Thanh Lãng, sau khi gọi bố tôi là "ông tổ của phong trào tiểu thuyết", viết thêm: Phạm Duy Tốn có một xu hướng xã hội rõ rệt: ông đứng về phía những người yếu đuối, bị bóc lột; ông đứng về phía ông cụ già kéo xe để chống lại bà phì nộn ngồi trên xe, ông bênh vực bọn dân đen sống nheo nhóc trên bờ đê Yên Phụ để phản đối thái độ vô nhân đạo của bổn quan lại ngồi trong sòng bạc.
Bài May Cho Ta ca tụng một cách xỏ xiên người Pháp. Bố tôi viết rằng: người Pháp qua nước ta... vì văn minh nên chỉ ăn bánh mì thôi, chớ chi mà người Nhật, người Tầu (vốn ăn cơm) đến bảo hộ dân mình thì cả nước chết đói. Thật là may cho ta quá! Loại hài văn của nhà văn Phạm Duy Tốn sẽ không còn "tế nhị " như thế nữa khi ông kể truyện tiếu lâm.
Sau loại đoản thiên tiểu thuyết, bố tôi ghi chép và phóng tác những truyện cười bình dân. Truyện "tiếu lâm An Nam" dùng tiếng cười để phê bình xã hội hơn là dùng tiếng khóc. Bố tôi đem chuyện tục và khôi hài ra để răn đời. Căn nhà thấp bé ở phố hàng Dầu có một cái gác nhỏ đầy bụi bậm mà trong thời thơ ấu, tôi chỉ dám leo lên lục lọi có một đôi lần. Lần đầu vớ phải một cái đầu lâu! Tôi sợ quá muốn ngất đi! Chủ nhân của cái sọ người đó là ông anh họ Nguyễn "u Thìn có thời ở trọ nhà tôi để theo học Trường Y Khoa. Mọi người trong nhà đã quên không đem chôn đồ vật thí nghiệm của anh sinh viên bác sĩ sau khi anh Thìn tốt nghiệp và không còn ở chung với chúng tôi nữa. Trong một lần lục lọi khác, tôi tìm thấy một tập bản thảo mà giấy đã ngả sang mầu vàng có ghi lại một số chuyện tục hay quá. Tác giả là Thọ An. Vội đem xuống hỏi mẹ: "Thọ An là ai?" Mẹ nói: "Là bố mày chứ còn ai nữa! " Về sau, tôi được anh Vương Hồng Sển tặng cho bản sao của 2 tập TIÊ'U LÂM AN NAM, tôi hiểu rõ hơn "sự nghiệp" của bố tôi. Truyện tiếu lâm là sự phản ứng của nhân dân đối với các hạng người trong bộ máy cai trị như quan huyện, lãnh binh, thầy đề v.v...
Lúc còn bé, tôi thường được nghe câu thơ bình dân chỉ trích quan lại:
Kể truyện ông Huyện về quê
Có hai hòn dái kéo lê cùng đường
Bà Huyện tưởng hai hòn vàng
Đánh trống đánh mỏ cả làng ra khiêng.
Tôi đã không sợ nói tục, lại còn thích nghe kể truyện tục. Làm sao mà tôi không khoái trí khi đọc một truyện tiếu lâm như U³m Ba La Ba Ta Cùng Khỏi trong đó cái dâm đã được nói tới công khai? Thích đến độ sẽ phổ nhạc truyện tiếu lâm đó thành bài "tục ca" số 4. Và phục bố mình, vào thời dư luận vẫn còn rất khắt khe, đã không sợ "mang tiếng" khi kể những truyện tục. Như truyện đặt tên cho con cái sau đây: Ơ± Bắc Việt có cái tục đặt cho con những cái tên xấu vì các bậc cha mẹ tin rằng tên đặt cho con càng xấu, càng dơ thì tử thần càng chê, do đó con không chết yểu... như đặt tên con trai là thằng Cu, thằng Cò, thằng Cứt và con gái là cái Hĩm, cái Trôn, cái Đái. Vì thế có câu chuyện này: Trong một gia đình theo tục lệ đặt tên xấu cho con, một hôm bố gọi con:
-- Cứt ơi ! Về ăn cơm.
Em thằng Cứt trả lời :
-- Anh Cứt còn đi ỉa !
Ngoài truyện tục (mà tôi không dám kể ra đây), trong sách tiếu lâm, bố tôi hay diễu cợt những người tự phụ làm thơ hay. Khi phê bình bài thơ dở, người ta thường gọi đó là thơ "con cóc". Chắc người ta đã dựa vào truyện tiếu lâm này:
Có ba anh học trò thường tự phụ là thơ hay, vẫn thường than thở với nhau sợ chết non vì "mạng tài tương đố". Một hôm, cả ba cùng đi với một tiểu đồng vào vãng cảnh chùa kia. Dở rượu ra uống, ba thày xúc cảnh sinh tình, muốn làm thơ thì vừa vặn có một con cóc nhẩy ra. Thầy thứ nhất xuất khẩu: Con cóc nhẩy ra. Thầy thứ hai: Con cóc nhẩy vô. Thầy thứ ba: Con cóc ngồi đó. Tên tiểu đồng cũng xin lạm phần một câu: Con cóc nhẩy đi. Rồi cả ba thày cùng lăn ra khóc, sợ thơ mình hay như thế thì trời đất ghen ghét chết non. Họ sai tiểu đồng đi mua ba cái quan tài để ngộ nếu có chết thì có cái mà chôn và không quên bảo tiểu đồng mua cái áo quan thứ tư cho nó, vì thơ nó cũng hay, sợ cũng cùng chung số phận.Vào lúc đó sư cụ trong chùa nghe thấy chuyện như thế cũng móc túi lấy tiền đưa cho tên tiểu đồng:
-- Mày mua cho tao một cái quan tài thứ năm.
-- ?...
-- Là vì tao có lời thề nguyền: Ơ± trên đời này, ông mà thấy được một chuyện nực cười nhất thế gian thì ông xin chết. Bây giờ việc đó hiển nhiên rồi, tao còn sống làm sao được ?
Trong truyện "rừng cười" này, tôi thấy luôn luôn có sự châm biếm các thi sĩ nửa mùa như vậy. Một truyện khác: Có một ông quan võ thích làm thơ lắm. Một hôm, nhìn thấy con chó đi qua, ông nổi hứng ứng khẩu bài thơ:
Chẳng phải voi mà chẳng phải trâu
"y là con chó cắn gâu gâu
Khi nằm với vợ thì lại đứng
Cả đời không ăn một miếng trầu.
Anh láng giềng nịnh bợ thường được ông quan võ cho ăn uống linh đình mỗi khi anh ta khen thơ của thi sĩ nhà binh, vội vàng xin hoạ theo:
Quanh quanh đường đít lại đường đầu
Hễ thấy ai vào cắn gâu gâu
Ăn hết của thơm cùng của thối
Trăm năm chẳng được chén trà tầu.
Cũng bởi vì có một ông bố nghiêm khắc như vậy cho nên trong đời tôi có những khi tôi nổi hứng định làm thi sĩ thì tôi vội vàng bỏ ý định đó ngay. Chỉ sợ ông bố đội mồ sống dậy đưa mình vào truyện tiếu lâm!
Con người có tinh thần hài hước rất cao như vậy, trong cuộc đời rất thanh bần và nhất là vào lúc mắc phải bệnh ho lao và đang nằm chờ chết, đã được Thực Nghiệp Dân Báo vẽ chân dung một lần chót qua bài báo tin buồn:
"... Ông thiên tính khẳng khái trực triệt, đối với đồng bào tổ quốc ông chan chứa tấm nhiệt thành, tuy vì buổi đời đen bạc, con tạo đành hanh, làm cho ông nhiều phen gian nan nguy hiểm, lại bó buộc vì một chữ nghèo song cái nhiệt thành ông không khi nào nguội, cái khí khái ông không lúc nào lùi, kim tiền và thế lực ông khinh như cỏ rác vậy. Ông thường nói: Ôi nghèo thì nghèo chứ không khi nào đem chữ ái quốc làm món hàng buôn. Mấy tháng trước, anh em vào thăm ông, da xanh nhợt , vóc gầy như mai, đầu hoa lốm đốm, hơi thở hổn hển mà mắt vẫn sáng như sao mai, miệng vẫn tươi như hoa nở, khoa chân khoa tay nói chuyện quốc kế nhân sinh, nhân tình thế thái.
Hỏi đến bệnh thì ông cười nói rằng: Chỉ có một chết, chứ còn gì nữa. Tôi đã biết chết từ mấy năm trước. Nhưng tôi, cái chết tôi không mong mà cũng không sợ, cơm ăn thì ăn, thuốc uống thì uống, nó chết bao giờ thì nó chết. Nghe những câu ông nói đủ biết cái tinh thần ông không hề mỏi mệt, mà cái khí khái, cái nhiệt thành của ông thực có chỗ hơn người vậy. Vì thế nên ông phát ra văn chương cũng sốt sắng và hùng kính khác thường. Ông không có những văn phóng phiếm phù hoa, đối đáp tiểu xảo, nhời kêu mà ý tưởng chẳng có gì.
Nay rở những bài của ông trong các báo mà xem, nhiều bài còn thấy nhiệt huyết lâm ly, cái tính cách lăng tằng (*) hình như dũng dược (**) ở trên tờ giấy... "
Cũng như những người cùng lứa tuổi, phải sống cả đời trong một thời tao loạn, khiến mình bị đánh bật gốc ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, rồi lang thang trong nước, rồi lưu vong trên thế giới... tôi cứ tưởng chỉ có thế hệ tôi mới gặp phải gian nan nguy hiểm, cuộc đời đen bạc, con tạo đành hanh... Không ngờ bố mình đã ở trong hoàn cảnh đó rồi! Nhưng tôi rất vui lòng vì -- dù chẳng được bố dạy dỗ một lần nào -- tự thấy mình đã thừa kế được tinh thần của bậc sinh thành là không phóng phiếm phù hoa trong nghệ thuật, không đưa ra những soạn phẩm nhời kêu mà ý tưởng chẳng có gì và nhất là không khi nào đem chữ ái quốc làm món hàng buôn bán.
Ngồi đọc lại một vài đoạn của bài điếu văn xa xưa để viết về thời thơ ấu của mình, tôi bỗng thương xót bố tôi vô cùng vì bố tôi đã lìa đời vào lúc còn quá trẻ, mới ngoài 40 tuổi. Tôi xót xa khi thấy việc làm của ông, chẳng may nước nhà gặp thời ly loạn kéo dài mấy chục năm, chỉ được nhắc nhở một cách thoáng qua. Chỉ có một số báo tưởng niệm Phạm Duy Tốn là báo VĂN ra ngày 1-1-71 ở Saigon.
Tôi xót xa nghĩ tới xã hội ngày xưa với nhữngcảnh thương tâm mà bố tôi đã phác hoạ, rồi nghĩ tới xã hội của thời tôi còn thơ ấu, biết yêu Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Tam Lang... cũng vì các vị đàn anh, với cặp mắt Nguyễn Du, trước những điều trông thấy mà đau đớn lòng, đã tiếp tục làm công việc phê bình xã hội như bố mình.
Nghĩ luôn tới hoàn cảnh xã hội của thời tôi bước vào đời, gặp gỡ và sống thực sự với rất nhiều cảnh thương tâm, chứ không còn ngồi yên một chỗ để đọc truyện thương tâm nữa. Rồi thấy rằng chỉ có một khoảng thời gian 10 năm để cho xã hội Việt Nam tốt đẹp và lành mạnh vì toàn dân chấp nhận gian khổ, đoàn kết đánh đuổi thực dân. Tới khi nước nhàbị chia đôi thì ở một miền, bực thang xã hội được thu tóm trong câu châm ngôn nhất đĩ, nhì cha, ba sư, bốn tướng... người hùng trong trắng -- nếu có -- dù đầy thiện chí cũng khó lòng vào ngồi chung với những kẻ "ăn cướp của công" được. Ơ± một miền khác, chỉ có khẩu hiệu "ra ngõ gặp anh hùng" được áp đặt lên đầu toàn dân mà không hề có chủ trương "ra ngõ gặp người hiền"!
Xót xa cho 20 năm chiến tranh, xã hội Việt Nam băng hoại vì tiền bạc và vũ khí mà ngoại nhân đổ vào nước ta để "nhờ" ta giải quyết hộ mâu thuẫn của cường quốc. Tới khi "sạch bóng quân thù" và trả giá bằng núi xương biển máu rồi thì cả nước lâm vào cảnh nghèo khổ, xã hội đã đổ vỡ lại thêm suy thoái. Tại sao vậy? Có phải vì thế hệ đi trước không để lại cho con cháu cái phẩm giá làm người và những trách nhiệm xã hội? Để lại cho em này nước non mình ra làm sao mà vào năm 1988 vừa qua người lãnh đạo phải thốt lên: "Việt Nam đang ở trên bờ vực thẳm"?
May thay vẫn còn có những văn nghệ sĩ muốn và dám cảnh tỉnh xã hội. Nhà đạo diễn điện ảnh vác máy quay phim đi tìm "người tử tế", tiếp tục sự đi tìm "người chân thật" mà một nhà thơ đã nêu lên từ mấy chục năm trước. Nhà văn hay nhất của thời đại -- đối với tôi -- qua một số truyện ngắn (đã gây ra nhiều cuộc tranh luận ở trong nước) tố cáo bộ mặt xấu của chế độ bao cấp trong xã hội Việt Nam hiện nay. Một nước thực thi "chủ nghĩa xã hội" mà lại làm cho xã hội suy thoái nhanh chóng như vậy, thật là đau lòng! Đau lòng hơn nữa vì, với những điều trông thấy của cả đời mình, trước đây có định học mót người cha và những đàn anh văn nghệ, đưa ra mười bài tâm ca và mười bài tục ca để cống hiến xã hội thì bị ngộ nhận.
Đã 40 năm nay, tôi không được về thăm cái nôi của gia đình họ Phạm. Không biết nấm mồ bố tôi nằm tại làng Phương Liệt, Hà Đông có còn nguyên vẹn không, sau bao nhiêu năm chiến tranh. Có một vài độc giả vô danh nào tới nghiêng mình trước ngôi mộ nhà văn xã hội đầu tiên của nước Việt Nam không? Có còn đứa cháu, đứa chít cực kỳ nghèo khổ nào thay mặt chúng tôi tới thắp nén hương trên mộ ông hay không, khi ông chỉ còn hai đứa con già nua (tôi và bà chị 80 tuổi) đang sống lạc lõng nơi đất khách quê người? Bao giờ tôi được về nước để đứng chắp tay trước ngôi mộ của người cha mà tôi đã càng ngày càng cảm thấy gần gụi hơn qua những trang Hồi Ký này.
Để kết thúc cho Chương Sách viết về người cha mà nếu được sống với nhau thì tôi phải gọi bằng Cậu và tự xưng là em (cái tục lệ kiêng không gọi " bố con" này cũng không ngăn được sự chia lìa sớm sủa của "cậu và em")... xin chép ra đây những lời cuối của bài điếu văn đăng trong Thực Nghiệp Dân Báo :
"...Ôi! Núi Nùng Sông Nhị, khí thiêng đúc lại một người; nước Nhược non Bồng, cõi lạc trông vời muôn dặm. Văn đành bất hủ, người đã tràng từ, giấy ngắn tình dài, mây bay nước chẩy! Ô hô! "
---------------------------------------------
* lăng tằng = tằng lăng thì đúng hơn, nghĩa là ngang tàng
** dũng dược = hăng hái
Hồi ký Phạm Duy (Tập 1)
Thời Thơ ấu - Vào Đời
Chương bốn
Tôi mồ côi cha năm lên hai tuổi
Mẹ tôi thương con nên không lấy chồng...
Lời Mẹ Dặn-- Phùng Quán
Bố tôi chết đi để lại một gánh nặng cho mẹ tôi. Ngoại trừ Anh Khiêm vì học giỏi nên có học bổng của Pháp cho đi Tây học và không cần đến ai lo lắng, mẹ tôi phải lo liệu để nuôi sống lũ chúng tôi lúc đó hãy còn thơ dại.
Con gái một ông đồ và vợ goá của một nhà văn thì làm gì có sẵn nghề nghiệp chuyên môn trong tay. Nhưng rồi cũng giống như hầu hết các bà mẹ Việt Nam trong xã hội Hà Nội trí thức tiểu tư sản ấy, mẹ tôi đã khéo xoay xở để nuôi chúng tôi lớn lên. Khi thì mẹ đi các tỉnh miền thượng du để mua sừng nai, xương cọp đem về nấu thành cao ban long, cao hổ cốt, bán thẳng cho người mua. Khi thì mẹ mua cả dăm bẩy chục gánh hoa sen rồi cả nhà ngồi bóc cánh sen lấy nhụy hoa ướp trà, cũng để bán trực tiếp cho khách hàng. Không hề có một cửa hàng bán cao hay bán trà sen. Việc bóc cánh hoa sen làm cho anh em chúng tôi rất thú vị vì được nhẩy nhót hay ngã lăn quay trên đống cánh sen vừa thơm vừa mát. Việc phụ giúp cho mẹ và các chị nấu cao thì cực lắm. Nấu cao vào buổi trưa mùa hè ở trong một ngôi nhà thấp lè tè là một cực hình. Cho nên phải nấu vào ban đêm. Có một lần ai cũng buồn ngủ cả, lửa bén lên mái bếp, xuýt cháy cả phố !
Nếu đem so sánh với lũ con tôi lúc chúng còn bé thì phải nói rằng tôi sinh ra là con nhà nghèo. Tuy không đến nỗi phải sống trong cảnh mẹ goá con côi rất bi thảm nơi đồng quê hay trong cảnh ngộ của những người thiếu thốn hơn mình nơi đô thị, nhưng cho tới năm 14 tuổi, tôi vẫn phải quanh năm mặc quần áo ta -- trong mấy năm tiểu học, học trò đều phải mặc áo dài khi đến trường -- và phần nhiều là áo rách, áo vá. Tôi không bao giờ có một thứ đồ chơi nào cả! Đừng nói chi tới những thứ đồ chơi tầm thường của hai đứa con út của tôi mười năm trước đây như xe ô tô hay xe lửa tí hon, búp bê hay "gi ai giồ" (GI JOE = búp bê lính Mỹ) ngay cả những đồ chơi nội hoá làm ở phố Hàng Sắt Hà Nội hay những ông tiến sĩ giấy, những đèn xếp, đèn lồng trong ngày Tết Trung Thu, tôi cũng không nhớ là đã được mẹ hay được bất cứ một người lớn nào tặng cho anh em tôi. Toàn là tự tay làm đèn giấy để chơi với nhau. Trong suốt năm, lúc nào hai anh em tôi cũng ngong ngóng chờ ngày Tết đến vì chỉ vào những ngày này mới có thêm một bộ quần áo mới và mới được người lớn cho tiền. Mẹ tôi phải xoay xở vất vả lắm mới có đủ tiền để nuôi con và trả nợ cũ của bố tôi, thậm chí đã nhiều lần phải gá bạc để có tiền đi chợ. Nói cho đúng ra, mẹ tôi có hai thứ say mê là đánh bài và đi lễ cho nên cái chuyện mời bạn bè tới nhà đánh bài để lấy tiền hồ cũng chỉ là chuyện tự nhiên.
Không giầu để có thể luôn luôn mua đồ chơi hay may quần áo mới cho anh em tôi, mẹ tôi chỉ có thể biểu lộ tình thương yêu đối với đứa con út bằng cách cho tôi theo mẹ trong bất cứ một cuộc đi lễ xa gần nào. Tôi được đi lễ ở nhiều đền chùa nổi danh miền Bắc như Chùa Hương, Chùa Trầm, Đền Sòng Phố Cát... Cảnh đẹp của những ngôi chùa cổ làm tôi muốn trở thành một con người hiếu đạo. Thật thế, chùa chiền rất cần khung cảnh chung quanh để tạo cho ta sự thoát tục sau khi phải sống cuộc đời đầy bụi bậm. Tiếc rằng sau này tôi không tìm lại được sự rung cảm kỳ diệu đó ở những đền chùa quá ư "văn minh" tại miền Nam.
Từ lúc còn rất bé, không những được đi lễ với mẹ luôn luôn, tôi còn được mẹ tôi dạy tụng những câu kinh Phật: "... Lư hương xạ nhiệt pháp giới mông vân chư phật hải hội... " Tôi lại là thằng bé không thích ăn thịt hay chấm nước mắm, nhiều khi chỉ ăn cơm với oản, với chuối cho nên ngoài cái tên "thằng tôm", tôi còn có thêm cái tên là "chú tiểu".
Bây giờ về già nếu cần phải nhớ tới một trong những mối sầu lâng lâng đầu tiên của đời mình thì tôi phải nói tới buổi trưa hè trên một nẻo đường cái quan... Sau khi đi lễ ở một ngôi chùa nào đó, hai mẹ con tôi ngồi ôm nhau trên chiếc xe kéo bánh gỗ đưa chúng tôi về Hà Nội, anh phu xe nhễ nhại mồ hôi, con đường vắng tanh vắng ngắt, hai bên đồng lúa im phăng phắc, thời gian như ngừng trôi... Hình ảnh êm đềm và bâng khuâng này giống như một âm bản tuyệt vời của tuổi thơ đặt vào trong một cái máy thu hình là trí nhớ của tôi để mỗi khi muốn nhớ tới mẹ là tôi đem rửa ra thành một tấm dương bản. Lại cũng còn có thêm một âm bản khác, dữ dội hơn, với hình ảnh hai mẹ con đi lễ trong khi trời đang giông bão, có cột đèn đổ, có cây gẫy cành chắn ngang đường đi... Người ta thường nhớ tới cha mẹ trong cảnh gia đình đầm ấm -- tôi cũng đã từng nói tới -- với hình ảnh cha ngồi xem báo, mẹ ngồi khâu áo, xa xa có tiếng còi tầu v.v... Tôi thường chỉ nhớ mẹ tôi trong kỷ niệm của những cuộc đi lễ xa xưa như vậy.
Tất cả các bà mẹ trên thế gian đều là mẹ hiền cả, nhưng mẹ tôi, Nguyễn Thị Hoà, là người mẹ hiền hoà nhất. Không bao giờ đánh mắng tôi cả. Mỗi khi tôi làm điều trái thì mẹ kể cho nghe một câu truyện cổ răn đời. Truyện Thằng Cuội hay truyện Lục Súc Tranh Công. Hoặc dạy tôi bằng những câu châm ngôn, ca dao, tục ngữ: Trông người phải gẫm đến ta thử sờ lên gáy xem xa hay gần...
Là con một ông đồ, mẹ tôi cũng đã làm thơ. Tôi chỉ nhớ mang máng qua một câu thơ yết hậu, mẹ tôi kể truyện chú tiểu ăn trộm oản khi nhìn thấy ông sư ve bà vãi. Chữ nghĩa mà mấy anh em chúng tôi có được, từ Khiêm qua Nhượng tới tôi, không hẳn chỉ từ người cha Phạm Duy Tốn. Tấm lòng thì chắc chắn phải từ mẹ mà ra. Trong đời, đôi khi tôi là người tốt bụng, đó là lúc tôi nhớ tới mẹ tôi. Cử chỉ khoan thai, đi đứng từ tốn, nói năng nhẹ nhàng, không bao giờ mẹ tôi có những hành động quá đáng. Vui vừa đủ khi ù một ván tổ tôm. Buồn kín đáo khi ngồi im lặng cả ngày trước cỗ bài để phá trận. Lúc nào cũng lo lắng về những món nợ cũ của bố tôi. Chủ nợ là người không giầu có cho lắm, không tháng nào mẹ tôi chậm trả nợ.
Tuy nghèo nhưng mẹ là người rất rộng rãi. Nhà tôi luôn luôn có những người không phải họ hàng tới trọ. Ơ± lâu đến độ trở thành người trong gia đình luôn. Tôi vừa lớn lên là đã thấy một ông già gầy gò móm mém, có cái tên là ông Cả Bịp, lúc nào cũng mặc áo dài, sống luẩn quẩn trong nhà. Giang sơn của ông là một trong sáu cái giường trong nhà. Tài sản của ông là cái tráp và cái gối gấp, ông hay dựa vào đó để ngồi tụng kinh. Công việc của ông chỉ có thế! Ông không hề phải làm bất cứ việc nào khác hơn là tối tối thắp hương cúng Phật. Tôi cũng được ông dạy tụng kinh. Sinh ra trong một gia đình thờ Phật nhưng tôi không phải là kẻ sùng đạo. Hay là đệ tử cuồng tín của một đạo giáo. Lớn lên, tôi hiểu được cái hay của "tam giáo đồng nguyên" trong mỗi chúng ta: lúc còn bé, đạo Phật dạy ta biết chuyện muôn ngàn thế giới, lớn lên đạo Khổng dạy ta phép sống trong xã hội, về già đạo Lão dạy ta sự vô hư.
Ông Cả Bịp có người con tên là Tường, làm phu cạo mủ cao su trong Nam. Lúc còn bé, tôi được người lớn cho biết hai chuyện ghê gớm: chuyện mẹ mìn bắt trẻ con đem sang Tầu bán và chuyện Tây "bắt cóc" người đem đi làm phu ở Nam Kỳ hay ở Tân Thế Giới (Nouvelle Calédonie, thuộc địa của Pháp). Bị bắt cóc hay nói cho đúng hơn là bị ông Tây mộ phu lừa lọc, phải làm việc rất nặng nhọc, bị bóc lột một cách tàn nhẫn, phải sống ở nơi sơn lam chướng khí... rất ít phu đồn điền cao su còn sống để trở về quê quán. Và tôi thấy được cái thảm hại trên con người từ đồn điền cao su trở về là anh Tường. Con ông Cả Bịp về Hà Nội với thân tàn ma dại, với đôi mắt lờ đờ của người nghiện rượu, với đôi bàn tay trắng và cũng chẳng còn sống thêm được bao nhiêu năm nữa. Khi lớn lên tôi mới thấy thương anh Tường. Lúc còn bé tôi nhìn anh như một tay "anh hùng hảo hớn", dám sống, dám chết, vì được anh cho coi những vết sẹo trên người và nghe anh kể lại những ngày ở trong rừng cao su, đụng nhau với đủ mọi thứ anh chị trên đời. Cũng chính anh đã đem vào trí tưởng tượng của tôi hình ảnh một Nam Kỳ xa lắc xa lơ mà người Bắc Kỳ nào cũng mơ ước có ngày được phiêu lưu vào nơi đó! Và tới ngày tôi nghe tin ông Tây mộ phu nổi danh ở Hà Nội là Bazin bị ám sát thì tôi cảm thấy như anh Tường, con ông Cả Bịp đã được trả thù!
Năm 1930 cũng là năm đầu tiên của sự khủng hoảng về kinh tế ở Hoa Kỳ, kéo theo sự khủng hoảng mọi nơi trên thế giới. Ơ± Việt Nam và trong xã hội trung lưu Hà Nội, ảnh hưởng của nó cũng chẳng là bao vì làm gì có một nền kinh tế lớn lao tại thủ đô miền Bắc này. Tuy nhiên cũng có đôi ba người thất cơ lỡ vận và mẹ tôi đã cho bà "m Chung và bà Tư Hưng Yên tới tá túc tại nhà chúng tôi. Bà "m Chung mở lớp dạy đàn tranh, có lèo tèo dăm bẩy học trò trong đó có hai chị của tôi. Bà Tư thì cùng mẹ tôi bổ cau, phơi khô đem ra chợ bán.Về sau tôi cũng thừa kế tính rộng rãi của mẹ. Trong đời tôi, đã có nhiều lúc tôi mở rộng cánh tay ra, như mẹ yêu đã làm trong dĩ vãng.
Không phải vì thương con nên không lấy chồng như bà mẹ Phùng Quán trong bài thơ Lời Mẹ Dặn, xã hội thị thành lúc đó không cho phép người goá phụ còn trẻ là mẹ tôi bước đi bước nữa. Trong khu phố tôi, cũng không thấy có goá phụ nào tái giá cả. Ngay cả người vú sữa mà tôi coi như người mẹ thứ hai cũng là người lâm cảnh góa bụa và cũng ở vậy suốt đời dù vú không thuộc giai cấp trung lưu Hà Nội.
Vì mẹ tôi phải lo toan cho cuộc sống gia đình nên tôi được khoán trắng cho chị vú sữa để chị nuôi nấng tôi từ lúc lọt lòng cho đến khi tôi 6 tuổi. Tôi sống gần vú hơn là gần mẹ, do đó tới ngày tôi lớn và không cần tới sự săn sóc của vú nữa, vú phải trở về quê thì tôi nhất định không cho vú đi. Tôi khóc và lăn mình dẫy dụa trên đường cái. Mẹ tôi thương con nên dỗ ngọt nhưng Thầy Kim lôi vào nhà đánh cho một trận đòn khá nặng.
Thầy Kim đây là Trần Trọng Kim, nhà viết sử và vị Thủ Tướng sau này của Việt Nam. Từ khi bố tôi chết đi (là lúc tôi lên 2) cho tới khi tôi 14 tuổi (là lúc Ông Khiêm đã đậu xong bằng Thạc Sĩ và đã trở về nhà) ông Trần Trọng Kim, vốn là bạn thân của bố tôi, trở thành một thứ bố đỡ đầu của chúng tôi. Chúng tôi phải gọi bằng Thầy (danh từ này không hẳn chỉ có nghĩa là Thầy Giáo mà còn có nghĩa là Thầy Mẹ) và mỗi tuần, Thầy Kim đều tới nhà tôi một hay hai lần để coi sóc chúng tôi.
Thầy Trần Trọng Kim không có con trai nên hai anh em tôi được thầy năng tới chăm sóc. Tôi kính trọng Thầy nhưng thấy Thầy không thay thế được bố mình. Nhiều khi có những bạn cũ của bố tôi như các ông Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Đỗ Mục... tới chơi với Thầy Kim thì có ngay một cuộc đánh chắn hay đánh tổ tôm với mẹ tôi. Tôi và các anh chị tôi tranh nhau chia bài để lấy mấy chục xu tiền thưởng.
Tôi còn nhớ giọng nói sang sảng của ông Bùi Kỷ, cái tính hay bẹo má chúng tôi của ông Nguyễn Văn Vĩnh và lòng bàn tay đỏ như son của Thầy Trần Trọng Kim. Mầu đỏ rực của lòng bàn tay này, cái tướng của những người cai trị dân, tôi cũng thấy có nơi lãnh tụ Cộng Sản Trường Chinh mà tôi gặp ở Thái Nguyên vào năm 1946. Thầy Kim lúc đó làm Thanh Tra Tiểu Học và tuần nào cũng tới nhà tôi trước khi ra toà nhà Khai Trí Tiến Đức để cùng với một số các vị khác hợp soạn cuốn Việt Nam Tự Điển. Khi đó tôi đã qua tuổi lên 10 và tôi hay đánh cờ tướng với Thầy, có những ván cờ tôi thắng Thầy mới là hay chứ! Kỷ niệm khó quên nhất là năm tôi học lớp Nhất trường Hàng Vôi, sắp tới ngày thi tốt nghiệp Tiểu Học, trong cuộc đánh nhau với một thằng bạn (tên là Doãn thì phải), tôi đã dùng bút để đâm vào tay nó khiến cho tay nó sưng vù lên và suýt nữa nó không đi thi được. Nếu không có Thầy Kim thì tôi đã bị đuổi ra khỏi trường rồi!
Vì là con út, lại mồ côi cha nên tôi là con cưng của mẹ. Khi tôi lên 6 và vú tôi trở về quê thì từ đó tôi được ngủ chung với mẹ. Cho tới khi tôi 14 tuổi, tôi vẫn còn được ngủ chung với mẹ. Lúc còn rất bé, sáng nào cũng nằm hay ngồi trong chăn để nhìn mẹ pha trà tầu, hơ chén nước nóng lên mắt cho hạ hoả, uống trà và... cãi nhau với vú già. Tội nghiệp, vú già đần độn và bướng bỉnh vô cùng, sáng nào cũng có một cái lỗi lầm nào đó để nghe mẹ tôi mắng mỏ rồi hai bên cãi nhau như hai chị em vậy. Vú già ở trong gia đình tôi gần như suốt đời nên sự to tiếng không bao giờ dữ dội cả. Tôi còn thấy vui vui là khác. Vì được mẹ nuông chiều, tôi về bè với mẹ và đôi khi tôi cũng nói nhảm với vú già, nhưng đối với vú nuôi thì tôi lại yêu quý vô cùng, có lẽ cũng còn do ở tính tình của vú nữa.
Đây là một người đàn bà nhà quê điển hình của miền Bắc lúc bấy giờ, nghèo mạt rệp, lấy chồng làm lính lệ, vừa có con mọn thì chồng chết, gửi con cho mẹ chồng và em chồng rồi ra tỉnh thành đem bầu sữa nóng của mình nuôi con người khác. Không ngu đần hay bướng bỉnh như vú già, trái lại, rất nhanh nhẹn, rất chịu khó, rất thông minh, trên môi lúc nào cũng có một nụ cười ngượng nghịu, ai khen cũng cười, ai chửi cũng cười. Đúng như Nguyễn Văn Vĩnh đã viết: người Việt Nam mình, cái gì cũng cười.
Bụng dạ vú Cẩn rất tốt. Nhiều khi thấy mẹ tôi tôi túng thiếu, vú mở hầu bao ra lấy tiền cho mẹ tôi mượn. Anh Nhượng cũng có một người vú nuôi, nhưng vú Nhượng đến rồi đi như một cái bóng, còn vú Cẩn thì sau khi thôi việc vẫn còn luôn luôn đi lại trong gia đình tôi như một người thân, có lần ở với chúng tôi gần một năm với tư cách vú già trước khi vú chết trong thời Nhật tới chiếm Đông Dương, khi đó tôi đã 19 hay 20 tuổi.
Từ khi vú bỏ tôi về quê, tôi đã nhiều lần được về sống với vú và con vú là thằng Cương ở một ngôi làng gần Trạm Chôi thuộc tỉnh Sơn Tây. Lúc đó tôi đi học rồi và qua những bài tập đọc bằng văn suôi hay văn vần trong cuốn QUÔ'C VĂN GIA'O KHOA THƯ, tôi được dạy dỗ để biết yêu đồng quê Việt Nam như thế nào rồi! Hãy giở những cuốn sách học vỡ lòng đó ra mà coi. Cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư -- Lớp Đồng "u có 55 bài tập đọc thì có tới gần 10 bài tả cảnh đồng quê. Em bé thị thành như tôi vào tuổi lên 9 mà lại học về cầy cấy, gieo mạ, gặt lúa. Học bài "con người nói chuyện với con trâu" bằng thơ. Hay học "nghề làm ruộng":
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta.
Rủ nhau đi cấy đi cầy
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Học về đồng ruộng nhiều hơn là học về vỉa hè, tôi lại có may mắn được về sống với vú tôi tại Trạm Chôi vào lúc tâm hồn tôi còn trong trắng, tôi biết được cái khổ hay cái sướng của một em bé quê ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ... để mấy chục năm sau có bài dân ca mới
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao...
Gia đình vú sống trong một nhà tranh vách đất thấp bé và tối tăm. Trong nhà không có bàn ghế, không có cả cái giường (kể cả giường nan), làm sao có được cái bàn thờ như ở số nhà 54 phố Hàng Dầu? Nhưng cũng có một cái bát hương đặt ở một xó nhà. Đêm đêm tôi ôm vú hay thằng Cương nằm ngủ trong ổ rơm, sáng dậy ra sân xúc miệng và rửa mặt bằng tay bên cái chum nước đã vỡ miệng.Vạch quần ra định đái thì cả nhà kêu thất thanh: " Đái vào cái nồi đất! Để còn tưới rau"... Cơm ăn là gạo hẩm. Món ăn là bát rau muống luộc, hiếm hoi mới có ngày ăn cơm với vài ba quả cà hay một đĩa tép. Cũng không sao, vì thuở bé, tôi rất dễ ăn.
Chắc chắn đời sống của dân quê dưới thời Pháp thuộc rất là cực khổ nhưng lúc đó tôi mới lên 9 lên 10, xin cho tôi chỉ nhìn cái đẹp của đời sống thôn ổ. Khi lớn lên, tôi sẽ biết cảnh dân quê nghèo khó tới mức nào và bị áp bức bởi cả thực dân và quan lại ra sao qua những tác phẩm văn chương của Trần Tiêu (CON TRÂU) hay Hoàng Đạo (Bùn Lầy Nước Đọng)... Nhất là khi tôi trở thành một nông dân bán-chính thức ở vùng Yên Thế. Được sống hẳn hòi ở nơi thôn ổ nên tôi cảm thông với tình cảnh của đa số dân chúng. Tôi sẽ nhanh chóng có hành động tích cực của một công dân yêu nước thương nòi. Tôi sẽ dễ dàng đi kháng chiến cùng với mọi người. Nếu chỉ ở Hà Nội và ngồi đọc sách không thôi, chưa chắc tôi đã tích cực như thế. Rồi khi trở thành nghệ sĩ thì có ngay lập trường rõ rệt là biết cúi đầu trước những niềm vui nỗi buồn của nhân dân, đa số là dân quê, để sáng tác. Nếu trong thời thơ ấu và khi mấp mé vào đời tôi không về sống ở đồng quê, chưa chắc tôi đã bén nhạy trước cảnh cô nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt thù hay cảnh bà mẹ quê cuốc đất trồng khoai ở vùng Bình Trị Thiên. Chưa chắc tôi đã ở lại với dân ca sau khi -- cũng như đa số các nhạc sĩ trẻ tuổi -- bị hấp dẫn bởi sự đồ sộ của nhạc Âu Tây dù cổ điển hay tân kỳ.
Tôi biết ơn những ngày được sống trong thôn ổ khi tâm hồn mình còn ngây thơ và trong trắng. Hình ảnh ruộng lúa xanh rì, đường làng hun hút, lũy tre bát ngát, cây đa bóng rợp, ngôi chùa tư lự... tất cả đã in sâu vào trí óc tôi để sau này khi cần phải phác hoạ cảnh đồng quê qua những bài dân ca mới, tôi không phải khó nhọc gì cả. Là người sống bằng tưởng tượng nên tôi cứ cho rằng cảnh vật cũng rất yêu tôi vì lẽ giản dị là tôi yêu cảnh vật ở đồng quê vô cùng.
Thằng Cương yêu tôi là chuyện tất nhiên. Có tôi nó hết bơ vơ. Hai anh em dắt nhau đi thả diều, đi câu cá. Thú nhất là đi bắt châu chấu rồi đem về rang với muối để ăn một cách ngon lành. Chúng tôi chia nhau từng củ khoai, củ sắn. Là con út trong gia đình, nhưng tôi lại có riêng một thằng em sữa.
Trải qua không biết bao nhiêu biến động chính trị trong đó không biết bao nhiêu đầu rơi xác đổ cho những nhân danh này nọ, ngày hôm nay, tôi vẫn tự hỏi không biết thằng em sữa bần cố nông của tôi có cái tên là Cương ấy, còn sống hay chết, đang làm gì và ở đâu? Lần cuối cùng tôi gặp nó là vào ngày Cách Mạng vừa mới thành công, nó là phu vác than ở Phố Hàng Than, Hà Nội. Tôi vừa ở trong Nam ra, mời nó đi ăn một bữa cơm rất sang và cho nó một ít tiền. Biết rằng vú đã chết, tôi cũng không hỏi thăm nó về chuyện vợ con của nó gì cả !
Hồi ký Phạm Duy (Tập 1)
Thời Thơ ấu - Vào Đời


Chương năm 

Hà Nội băm sáu phố phường

Hàng mật, hàng đường, hàng muối trắng tinh...

CA DAO
Trước khi đề cập về sự học của tôi trong thời thơ ấu, hãy nói tới cái chơi của tôi lúc đó:
Hàng Ngang sang Hàng Đào
Hàng Đào vào Hàng Bạc
Hàng Bạc tạt sang Hàng Mắm
Hàng Mắm ngắm xuống Hàng Bè
Hàng Bè về Hàng Dầu
Hàng Dầu trông ra đầu Lò Xũ
Lò Xũ có một lũ bờ sông
Bờ sông trông thấy cầu
Trên cầu có tầu chạy...
Đó là "đại tác phẩm" của tôi lúc còn thơ, mô tả cái thế giới thu hẹp của đôi chân bé bỏng, không đi được tới gần chợ Đồng Xuân hay đi quá cầu Paul Doumer. Nhưng cần gì phải đi đâu xa? Khu phố Hàng Dầu của tôi cũng đủ để cho anh em chúng tôi tung hoành. Chuyện trốn học để đi chơi là chuyện quá thường đối với tôi, qua một câu thơ "khẩu khí" của con nít phố Hàng Dầu:
Ma cà bông (vagabond), mà cà cúi
Lúi húi vườn hoa (école buissonnière)
Ông Tây bắt được hỏi nhà mày đâu ?
Nhà tôi ở Phố Hàng Dầu
Số nhà 54 (*), đứng đầu... du côn !
Tuy chỉ gắn bó với khu Hồ Gươm, tôi cũng được làm quen với các khu khác. Khi tôi sinh ra thì Hà Nội đã văn minh lắm rồi. Thành phố chia ra hai khu. Khu "Phố Tây" mới xây từ ngày Pháp tới còn nhà cửa ở khu "Phố Ta" thì có từ thời vua Lê chúa Trịnh. Nhưng đất Thăng Long bị phá hủy bởi giặc giã liên miên trong quá khứ cho nên khu phố ta cũng đổi mới luôn luôn. Hồ Gươm với Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn thật cổ điển nhưng khu phố Hàng Dầu của tôi lại mới mẻ quá. Nhà cửa được xây cất thẳng hàng. Đường cái rộng rãi, chạy dọc chạy ngang theo hình thước thợ và đang được trải nhựa. Anh Nhượng bị bỏng nặng và suýt què tay khi loay hoay mở cái vòi của thùng hắc ín đang sôi sùng sục.
Trong Hà Nội, chỉ còn một số di tích cho tôi thấy dấu vết của thời xa xưa. Chẳng hạn chùa Trấn Quốc, cửa Ô Quan Chưởng hay cái tháp nhỏ, di tích còn sót lại của ngôi chùa lớn tên là Chùa Báo Ân nằm trên bờ hồ Gươm đã bị tàn phá để ở đó mọc lên nhà Giây Thép (Bưu Điện). Muốn âm thầm đi trong một con phố thật cổ kính, tôi phải tới ngõ Phất Lộc. Trong cái ngõ cũ nhỏ hẹp và khuất khúc này, có những ngôi nhà thấp bé, bề ngang chưa đầy 2 thước, thụt ra thụt vào, với mái ngói dẹp, với những cây leo bám vào tường rêu trông như những con rắn, con rết. Tôi hay tới ngõ Phất Lộc để biết yêu thêm bài thơ Thăng Long Thành Hoài Cổ:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...
Hơn một trăm năm trước tôi, Bà Huyện Thanh Quan đã nhớ Thăng Long Thành như vậy!
Còn có thêm dăm ba di tích cổ ở chốn thành đô làm tôi rung động. Tới chơi với các con của bà Suzanne -- vợ thứ của ông Nguyễn Văn Vĩnh -- ở phố Giám, tôi thường ra đứng ngắm những con rùa đá trong Văn Miếu và bỗng thấy mình già đi cả mấy trăm năm. Rồi mơ ước mình cũng thông thái như các bực hiền sĩ có tên khắc trên bia đá...
... Rồi khi tới nhìn lỗ đạn trên Thành Cửa Bắc do Pháp tạo ra thì thấy tủi nhục trong lòng. Nhưng khi tới Ô Cầu Giấy thì hãnh diện vì có quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc-- người có liên hệ với họ ngoại của mình -- đã hạ Henri Rivière ở đây...
Đi trong di tích cũ để tưởng tượng ra truyện lịch sử hay dã sử Việt Nam. Rồi thuộc lòng truyện anh hùng dân tộc không phải vì đọc sách mà qua lời ca của người hát rong, hát xẩm: ''Bà Trưng quê ở Châu Phong... '' Nhưng phải thú thật là chúng tôi bị ảnh hưởng chuyện kiếm hiệp Tầu hay cinéma câm nhiều hơn là truyện lịch sử, dã sử. Chúng tôi thích đóng tuồng Hoàng Giang Nữ Hiệp với nhau hay đóng vai anh hùng của cinéma câm là Zorro, đeo mặt nạ, khoác chăn dạ, đánh gươm.
Chúng tôi cũng mê đá bóng kinh khủng, luôn luôn theo dõi thành tích của Hội E³CLAIR (Tia Sáng) vốn là hội bóng nhà, trụ sở ở ngay phố Hàng Tre. Mê đến độ nhớ tên các cầu thủ theo thứ tự ra quân, như nhớ một bài thơ không có vận:
Ty, (thủ môn) Tâm, Biềng (hậu vệ)
Mao, Tâm, Thịnh (trung phong)
Phao, Mai, Hựu, Trọng, Tín (tiền đạo)
Chúng tôi cũng lập ra đội bóng nhi đồng trong đó Nhượng là hậu vệ trái, tôi là thủ môn. Đá bóng ngay gần nhà tôi, trên bãi cỏ ở sau lưng rạp Cinéma Pathé, cạnh Đền Bà Kiệu, đối diện với Hồ Gươm.
Nói tới chuyện coi cinéma thì trước khi cậy cửa hông rạp Pathé để coi cọp cuốn phim nói đầu tiên A° L'Ouest, Rien De Nouveau, chúng tôi chỉ được coi phim câm tại rạp FAMILY ở Phố Hàng Buồm. Rạp này có hai hạng, coi mặt chính thì phải trả hai xu, coi mặt trái thì chỉ mất nửa tiền, cả hai hạng đều không có ghế, khán giả ngồi xệp xuống đất mà coi. So với phim thời nay, những phim trắng đen của thời đó đạo đức hơn nhiều. Chúng tôi rất thích coi phim khôi hài với các vua hề như Fatty, Charlot, Max Linder... Hề Charlot có ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới sân khấu Việt Nam. Đã là hề của gánh hát thì thể nào cũng có thêm cái tên Charlot, ví dụ Charlot Miều. Vào khoảng năm 1930, Charlot đi du lịch vòng quanh thế giới với vợ mới cưới là Paulette Godard và có ghé Hà Nội. Tôiđã thấy ông vua hề này đứng chụp ảnh cạnh Tháp Báo Ân ở bờ hồ khi tôi tới đó để mua lạc rang pha húng lìu rất ngon của vợ chồng một người Tầu. Họ bán hàng ngay cạnh Tháp nhưng mỗi khi trời mưa thì họ chui vào ngồi bên trong cái Tháp.
Những trò chơi hay những trò giải trí của lũ nhóc trạc độ 10-14 tuổi vào cái thời 1930-1935 tại Hà Nội, nói chung cũng rất là lành mạnh. Không có chuyện đua đòi theo nhau hút thuốc lá. Không có chuyện bài bạc, ngay cả chuyện đánh đáo, đánh khăng cũng ít xẩy ra, có lẽ vỉa hè thành phố không phù hợp với các trò chơi đó. Không có chuyện tới tuổi dậy thì, ham muốn nhục dục, và bàn nhau về chuyện trai gái. Lại càng không có chuyện lập "gang" đi vẽ bậy trên tường hay đi ăn cắp, ăn cướp tuy cũng hay túm năm tụm ba để chơi chạy thi, chơi nhẩy saute-moutons, chơi đánh boxe...
... Thỉnh thoảng gọi nhau đi đánh nhau với trẻ con ở khu khác. Trong khu phố có một thằng tên là Y° khá to con được coi như "đầu đảng" nhưng mỗi khi khởi sự đánh nhau thì thằng này chạy trước tiên! Còn có thêm cái chuyện kéo nhau đi trêu chọc những người "n Độ mở cửa hàng bán vải ở các Phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Biết họ thờ bò khinh lợn, chúng tôi đến trước cửa hàng của họ, lấy hai tay nắm hai cái vạt áo để làm thành ra hai cái tai lợn, ngoe nguẩy hai cái tai đó trước mặt họ rồi bỏ chạy khi họ vùng lên đuổi theo chúng tôi.
Ngoài những trò chơi đó và cái thú vui đọc truyện kiếm hiệp dịch từ truyện Tầu, đọc loại sách hồng bằng Pháp Văn (livre rose, sách dành cho tuổi thơ của người Pháp) thì cái thú lớn nhất vẫn là đi coi cinéma, nhất là cinéma có tiếng nói, rồi sưu tập những tờ chương trình (gọi là plaquettes) và ảnh tài tử Pháp hay Mỹ. Lúc đó thần tượng của chúng tôi là Albert Préjean, là Brigitte Helm, là Annabella vân vân...
Nhưng trong cái vui thưởng thức nghệ thuật của thời đó, lũ chúng tôi có mê đi coi Chèo Cổ đang được Nguyễn Đình Nghị biến thành Chèo Văn Minh hay không? Có thích đi coi Tuồng Quảng Lạc tức là Tuồng Tầu đã được Trần Phềnh hiện đại hoá hay không? Có tranh nhau đi coi Cải Lương Nam Kỳ đang ở trong thời thành lập với hai loại Tuồng Tầu và Tuồng Tây hay không? Chúng tôi có đi coi, nhưng không mê. Con nít thường hay bị mê hoặc bởi những gì rất xa vời hơn là bởi những cái quá gần gũi. Tuồng, Chèo, Cải Lương quá quen thuộc cho nên dù có cải cách cũng không có gì để hấp dẫn tuổi thơ. Vả lại những hình thức ca diễn kể trên nhắm vào khán giả người lớn nhiều hơn.
Trong phạm vi âm nhạc, chúng tôi cũng không có những bài hát cho tuổi thơ do nhạc sĩ Việt Nam soạn ra như trong những thế hệ sau này. Qua những dĩa hát thuộc loại 78 tours được người Pháp sản xuất và được phổ biến một cách giới hạn chúng tôi thuộc những bài Pháp hoặc những bài được gọi là bài ta theo điệu Tây nghĩa là soạn lời ca Việt để hát theo nhạc điệu Pháp hay Mỹ. Nhưng trong lúc vui chơi với nhau, không bao giờ chúng tôi có can đảm để hát cho nhau nghe những bài hát mà mình đã thuộc. Ngay ở trong trường học, cũng chẳng bao giờ có những buổi họp mặt, những ngày hội vào trường hay ra trường để có những tiếng hát của học trò, hát chung với nhau hoặc hát riêng cho nhau nghe.
Tuy vậy, trong cuộc sống gia đình, riêng tôi được nuôi dưỡng khá nhiều bằng âm nhạc. Mẹ tôi nuôi một bà đánh đàn tranh người Huế tên là bà "m Chung ở ngay trong nhà để dạy đàn cho hai chị tôi đánh những bài Nam Ai, Nam Bình, Lưu Thủy, Hành Vân... Tôi được làm quen ngay với nhạc dân tộc từ khi hãy còn măng sữa. Tôi còn có cảm tính quá nhạy bởi vì tôi khóc khi nghe một người hát rong đến trước cửa nhà, vừa hát vừa xin tiền với hát bài kể chuyện một hành khất mù bị đánh mất gậy. Cái vụ tôi cảm động đến khóc vì bài ca này là đề tài cho cả nhà tôi luôn luôn chọc quê tôi...
Tuổi thơ của tôi còn chứng kiến những cái gì được gọi là có truyền thống lâu đời, những truyền thống mà chẳng bao lâu nữa sẽ bị đào thải vì sự tiếp xúc với văn hoá Âu Tây do người Pháp mang tới. Chẳng hạn một ngành nghệ thuật cổ truyền là múa rối mà tôi được coi khi theo mẹ đi lễ. Tại các đền chùa khi xưa, vào những ngày lễ chính, người ta thường hay tổ chức những cuộc vui chơi như đánh đu, ném "còn" là những trò chơi không có gì là đặc biệt cho lắm. Nhưng trò múa rối thì rất hấp dẫn. Có hai loại múa rối: múa rối cạn và múa rối nước. Múa rối cạn của Việt Nam cũng giống như trò "marionnette" hay trò "puppet" của Âu Mỹ nhưng ít khi được biểu diễn ở chốn thị thành nên tôi thích lắm. Tuy nhiên, như đã nói ở Chương Hai múa rối cạn của chúng ta không tinh vi bằng múa rối Tầu. Nhưng múa rối nước thì chắc chắn ở Âu Mỹ không có. Tôi không biết Trung Hoa có loại nghệ thuật bình dân này hay không? Múa rối nước được biễu diễn ở một cái hồ hay cái ao. Khán giả đứng chung quanh bờ bỗng dưng thấy những con rối ở dưới nước nhẩy lên và làm trò trên mặt nước. Thật là ngoạn mục khi ta thấy những con rối lướt đi trên nước giống như con người có phép tiên. Kỳ diệu nhất là nếu có cảnh chiến tranh thì có pháo nổ từ dưới nước nổ lên. Trò múa rối bị bỏ rơi hằng mấy chục năm, bây giờ đang được phục hồi và canh tân.
Một trong những trò chơi khác là chọi chim. Nhiều người thường cho chim bồ câu là hiền lành vì nó được đem ra để làm biểu tượng cho hoà bình. Sai bét! Vì người ta không thấy trò chơi chọi chim ở Việt Nam như tôi đã thấy khi còn bé. Thật ra chim bồ câu rất hiếu chiến. Hai con bồ câu đực được nhốt trong một cái chuồng. Chúng rất hoà bình với nhau nhưng nếu đem con mái tới, và khi con mái "xùy" thì hai con đực đánh nhau tới chết ! Ta đừng nên lấy làm lạ nếu thấy hai người con trai trong thời nay đánh nhau tới chết vì một người con gái.
Còn một trò chơi này tôi không biết gọi tên là gì (**) nhưng tôi chỉ thấy người ta chơi trong thời đó mà thôi. Đó là những thanh que dài, được người chơi đứng xa phóng lên cho đầu thanh que rơi xuống một cái trống con rồi thanh que đó bật ngược lên cao để rơi vào họng của một cái bình hoa đặt ở xa xa. Người chơi phải đạt được hai lần chính xác: một lần khi tung thanh que rơi xuống mặt trống và một lần nữa khi thanh que đó rơi vào cái miệng hẹp của chiếc bình hoa. Trò chơi này cho ta nghe hai âm thanh vui: tiếng "tom" của cái trống và tiếng "thụt" của thanh que khi rơi vào bình.
Ngoài những trò vui mà trẻ con nhà nghèo như tôi được coi không mất tiền vào những năm 30 như chuyện ông Hai Tây đóng đinh lỗ mũi, làm trò quỷ thuật và những người mãi võ bán thuốc sơn đông ở bãi cỏ bên đền Bà Kiệu... còn có thêm những trò xiếc ở chợ Hàng Da. Đây là nơi dành riêng cho những gánh xiếc lớn, ngày thường là nơi họp chợ, khi có gánh xiếc ngoại quốc hay xiếc Việt Nam tới dựng lều thì chợ Hàng Da là nơi thu hút tất cả trẻ em Hà Nội.
Tôi thích coi xiếc vì, với tôi xiếc là nơi kỳ diệu, con người đùa giỡn với tử thần khi đu bay hay nghịch ngợm với hổ báo... những việc tôi cho là siêu phàm. Tôi mê khung cảnh ồn ào của xiếc, bóng dáng và hành động phi lý của những chàng hề, thân hình mềm mại như bún của cô gái xiếc và nhất là mùi nồng của thú dữ. Và bao giờ tôi cũng buồn bã rất lâu khi gánh xiếc nhổ cọc cuốn lều ra đi.
Trò xiếc tôi được coi lúc đó không hoàn toàn theo truyền thống dân tộc dù trong quá khứ, Hát Cửa Đình, tiền thân của Hát A± Đào cũng có trò đi trên dây và có nhào lộn. Có ba gánh xiếc Việt Nam, tổ chức theo xiếc Âu Tây. Gánh xiếc Việt Nam đầu tiên là Gánh Lạc Long. Rồi tới gánh Long Tiên và Tạ Duy Hiển. Giá vé vào coi cũng không đắt lắm nhưng trẻ con như tôi thì thường chui dưới lều vào coi cọp một cách rất dễ dàng. Gánh Long Tiên có câu hát quảng cáo:
Xiếc này là xiếc Long Tiên
Đi xe đạp trên dây, gẩy đàn...
Sau này Gánh Long Tiên tan nhưng nhân viên của gánh trở thành những nhạc công giỏi như Xuân Tiên, Xuân Lôi. Gánh Tạ Duy Hiển đồ sộ hơn vì có voi, có hổ giống như một gánh xiếc Âu Mỹ. Ông chủ gánh Tạ Duy Hiển là người Việt Nam đầu tiên điều khiển các thú dữ. Đầu chít khăn đống, mình mặc áo gấm hoa, thắt lưng đỏ, đôi chân đi ủng và một tay cầm ghế, một tay cầm roi dài quất lên đen đét để sai khiến mấy con hổ, trông ông rất oai! Xiếc ngoại quốc có tới Việt Nam để kiếm ăn và có một chủ xiếc Hoa Kỳ tự tử chết tại Nha Trang (***). Chỉ vì mấy anh hề trong gánh làm một trò khôi hài trong đó có một anh "clown" đóng vai người da trắng đá đít một anh hề khác đóng vai người Việt Nam, chạm tới danh dự người mình cho nên gánh xiếc bị tẩy chay. Chủ gánh là Hamilton không đủ tiền để trả nhân viên và để nuôi thú vật nên tự tử! Tôi mê xiếc đến độ tự đặt cho mình thêm cái tên bằng tiếng Pháp: Emecirque (Em-mê-Xiếc). Đó cũng còn bởi vì lúc đó tôi đang mê một con nhỏ láng giềng lai Pháp tên là Emilienne mà tôi sẽ nói tới trong một Chương sau.
Nói đến cọp trong gánh xiếc là nhớ tới Suối Rút ở biên giới hai tỉnh Sơn La-Hoà Bình và Núi Chẹ ở Sơn Tây. Một người bạn của mẹ tôi là bà Bách, sau khi lấy ông chồng Tây và có mấy người con gái lai thì tục huyền với một người Việt ở Suối Rút. Hai người con gái của bà lấy chung một ông chủ đồn điền ở Núi Chẹ tên là Thibault. Mẹ tôi đi mua sừng nai hay xương hổ để nấu thành cao ban long hay cao hổ cốt là lên hai chốn sơn lâm này và tôi thường được mẹ cho đi theo. Ơ± Núi Chẹ thì vui lắm nhưng ở Suối Rút thì tôi sợ ma vì được nghe câu doạ:
Đất Sơn La (có con) ma Vạn Bú...
Từ Núi Chẹ đi Suối Rút phải đi qua Núi Tản của Tản Đà tức là Ba Vì của Trần Quang Dũng. Đi khỏi Chợ Bờ là tới Suối Rút, một làng sơn cước nằm ở Châu Mai (hay Châu Mộc?), hai cái tên sẽ vào nằm trong bài thơ Tây Tiến của thi sĩ họ Trần, anh bạn của tôi trong kháng chiến. Và ngay từ khi còn bé, tôi được sống những buổi chiều rừng có làn sương lam toả lên ôm ấp ngọn núi đá cạnh nhà, được nghe tiếng chim rừng gọi nhau buổi sớm hay nghe tiếng cọp gầm trong đêm. Sau này đi kháng chiến và phải sống ở vùng thượng du, tôi thấy rừng núi đối với tôi rất là thân thiết. Như bạn cũ lâu ngày gặp lại.
Trong những ngày ở Núi Chẹ, tôi còn được thấy chị Yvonne là vợ của ông Thibault đêm đêm vác súng đi bắn cọp. Thấy đàn bà không sợ cọp, lại còn giết được cọp thì tôi phục lắm. Ngoài ra tôi còn được biết rằng cọp không bao giờ dám vồ người khi người đối diện với cọp và nhìn vào mắt cọp. Do đó ở "n Độ, người đi rừng thường đeo một cái mặt nạ ở đằng sau gáy. Cọp đi theo người, nhìn vào mặt nạ tưởng là nhìn vào mặt người, cọp bèn lảng đi.
Đồn điền Núi Chẹ cũng như nhà ông bà Bách ở Suối Rút đều nằm trong khu vực người Mường, người Thái. Tôi thấy được cuộc đời vật lộn với thiên nhiên của người sơn cước ngay từ khi tôi còn bé. Với cái nhìn vào sự sinh hoạt của dân miền núi, với hình ảnh chị Yvonne đội mũ có đèn pin đi bắn cọp và với bài học về Chúa Sơn Lâm như vậy, tôi sớm có ý niệm về sức mạnh tinh thần và vật chất của con người được dùng để cả thắng rừng thiêng thú dữ ra sao.
______________________________________________________________
(*) Thằng bạn ở số nhà 21 cũng dùng được câu thơ này, miễn là đổi số nhà.
(**) Trong thư 1-9-91, Thái Văn Kiểm cho biết tên trò chơi này là ''đầu hồ''.
(***) Cũng theo Thái Văn Kiểm, chủ xiếc là người Anh, tự tử ở thành phố Vinh.
Hồi ký Phạm Duy (Tập 1)
Thời Thơ ấu - Vào Đời
Chương sáu
bà tú từ bi -- ta ở bờ bể
bò lê bò la -- tò te tí te...
QUÔ'C VĂN GIA'O KHOA THƯ
Tôi học vỡ lòng ở trường Hàng Thùng. Rồi học Tiểu Học ở trường Hàng Vôi (*), trường nào cũng chỉ cách nhà tôi khoảng 200 thước. Mỗi sáng được mẹ cho hai xu để ăn bánh mì chấm dấm.
Chúng tôi là thế hệ đầu tiên đi vào nhà trường không phải với cái bút lông ở trong tay như thế hệ cha ông, mà là với ngòi viết bằng sắt có tên hiệu Mallart. Việc học đánh vần cũng chưa có tí gì là thi vị như vào thời có phong trào Bình Dân Học Vụ sau này. Lúc đó là: A Bê Xê dắt dê đi ỉa... Đó chỉ là lối học chữ mà học trò "mất dạy" như tôi đã học được ở lũ bạn lếu láo. Thực ra, lối dạy trẻ em tập đọc của Nha Học Chính Đông Pháp cũng nên thơ lắm. Bài tập đọc thứ 15 của lớp Đồng "u với những câu ba ba, lá to, tủ bé, bí bỏ bị, bê bú bò... đã giúp chúng tôi soạn ra những "tác phẩm" như bà ba bán bánh bèo bên bãi bể bị bắt bỏ bóp ba bốn buổi...
Chữ quốc ngữ đã rất thông dụng khắp nơi trong nước nhưng trong gia đình tôi, chữ nho vẫn còn được coi là thiêng liêng. Hễ thấy dưới đất có tờ giấy nào in hay viết những mẩu "chữ của Thánh Hiền" thì mọi người phải trịnh trọng cúi xuống nhặt lên. Rồi cũng không được vứt giấy có chữ nho đó vào sọt rác mà phải đốt đi.
Ơ' trường Hàng Vôi, trong những năm học các lớp đồng ấu (cours enfantin) lớp dự bị (préparatoire) và hai lớp sơ đẳng (cours moyen I và II), tôi học dốt lắm. Trong các thầy, sợ nhất là thầy Quỳnh -- chúng tôi gọi là Quỳnh Cóc -- rất dữ, rất ác. Thằng nào mắc lỗi là bị quỳ lết, nghĩa là phải lết đi lết lại trong lớp bằng hai đầu gối. Có lần tôi bị toét hai đầu gối, hai ba tuần lễ sau vết thương mới lành.Thầy Quỳnh Cóc mà ở bên Mỹ bây giờ thì sẽ bị "sô si an uốc kơ" tố cáo và đi tù bằng thích.
Năm tôi 13 tuổi và lên được lớp nhất (cours supérieur) thì tôi được coi như một trong những học trò giỏi nhất lớp. Tôi xuất sắc trong môn récitation francaise với bài Après La Bataille của Victor Hugo, khi diễn tả bằng cử chỉ và giọng đọc một bài thơ vừa hùng hồn, vừa đầy tính nhân đạo.
Victor Hugo kể truyện người cha của thi sĩ, có nụ cười êm ả (au sourire si doux), sau một cuộc chiến, cưỡi ngựa đi quan sát chiến trường. Thấy một người lính địch bị thương nặng, nằm rên và kêu khát nước, vị tướng ra lệnh đem nước uống tới cho kẻ thất trận. Ai ngờ người lính đó rút súng bắn ông, nhưng vì con ngưạ lồng lên nên ông không trúng đạn. Ông tướng kìm cương ngựa lại, cất tiếng nói: "Cứ cho nó uống nước đi! Donnez lui tout de même à boire!"
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ ơn thầy Quỳ ở lớp Nhất trường Hàng Vôi, với lối khuyến khích học trò đọc những bài thơ có diễn tả như vậy, thầy đã làm cho khả năng biểu diễn trong tôi được khêu gợi rồi phát triển không ngừng.
Vào tuổi 13, 14 mà hiểu biết được cái hay, cái đẹp của văn chương Pháp qua những bài thơ của Victor Hugo, André Chenier, Alfred de Vigny... cũng là một điều tốt. Nhưng không hẳn phần hồn của thế hệ chúng tôi đã chỉ được nuôi dưỡng bằng nền văn hoá của Pháp mà thôi. Chất liệu cần thiết cho sự hình thành con tim và khối óc của chúng tôi lúc vừa bước vào cái ngưỡng cửa của xã hội là nhà trường, đó là cái mà nhà văn Sơn Nam nhắc tới trong mẩu truyện ngắn nhan đề Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư trong cuốn HƯƠNG RƯ`'NG CA' MÂU.
Đúng như vậy, trong bốn năm học tiểu học, những bài học trong các cuốn LUÂN LY' GIA'O KHOA THƯ, QUÔ'C VĂN GIA'O KHOA THƯ do Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Thận và Đặng Đình Phúc soạn ra cho Nha Học Chánh Đông Pháp... đã khắc ghi một cách rất sâu đậm vào tâm hồn hãy còn non nớt và trinh bạch của chúng tôi, những đức độ của con người Việt Nam, không phải là của con người ở thành thị đang sửa soạn mất gốc, mà là của con người ở nông thôn, (tôi nhấn mạnh) con người muôn thuở, con người căn bản của một nước, dù đó là một nước đang trong thời kỳ Pháp Thuộc.
Sau bốn năm tiểu học này, chúng tôi đã hấp thụ được những gì gọi là cao nhã, lễ nghĩa, nhân hậu trong con người Việt Nam. Chúng tôi được hiểu biết những cái gọi là tình huynh đệ, tính đùm bọc, sự trong sạch, niềm tương trợ, lòng cao cả, sự cương nghị, niềm đại lượng, tính khoan hồng... đã sống động như thế nào trong con người, trong cuộc sống và trong lịch sử Việt Nam. Qua những bài học rất ngắn ngủi, có thể khoanh tay đọc ê a ở trong lớp rồi về nhà là quên đi, nhưng không ngờ nó vào nằm sâu trong lòng và sẽ không bao giờ bước ra khỏi tâm hồn của chúng tôi.
Tuy nhiên, khi rời ghế nhà trường để bước chân vào đời, than ôi, tôi thấy con người Việt Nam xử sự với nhau không giống những bài học luân lý mà tôi học được khi còn thơ. Những lúc đó, tôi phải gồng mình lên, nhớ lại bài học cũ. Và nghĩ rằng đả phá xã hội nông thôn để thay thế bằng một xã hội thị thành chưa chắc là điều đúng.
Ngoài những điều hay tôi hấp thụ được nơi nhà trường, tôi còn cho rằng tâm hồn của lớp thiếu nhi chúng tôi hồi đó đã được nuôi dưỡng bằng những bài ca ái quốc. Thời ấu thơ của lứa tuổi chúng tôi còn là thời ấu thơ của những đứa bé sống trong một nước bị trị. Dù muốn hay không, chúng tôi sinh ra đã có ẩn ức của người dân nô lệ mà cha mẹ cấy vào bào thai. Chúng tôi chưa có ai dạy cho mình biết là phải yêu nước và chống Tây ra sao nhưng chắc chắn chúng tôi vừa ghét Tây, vừa sợ Tây, luôn luôn bị ám ảnh bởi câu đe doạ của những bà mẹ Việt Nam thời đó: Mày không ngoan, tao gọi ông Tây đến bắt đi bây giờ. Hoặc bởi câu châm ngôn do chính mình soạn ra: Ông Tây bắt được hỏi nhà mày đâu? Ghét Tây, sợ Tây nhưng chúng tôi cũng luôn luôn được người lớn dạy cho những bài học yêu nước qua những câu hát có tính cách tuyên truyền hoặc qua những hành động cách mạng cụ thể.
Thời đó, như tôi đã nói, trẻ thơ Việt Nam sống ở Hà Nội không có nhiều bài hát như các nhi đồng trong những thập niên sau này. Chúng tôi chỉ có dăm ba câu ca lếu láo như:
Tôi chờ cô tối qua
Suốt canh chầy chẳng thấy cô ra...
hay là :
Mình ơi có đi bờ hồ
Cùng tôi chén kem kẹo dừa...
...hát theo điệu cổ truyền. Tuổi thơ nào và ở đâu mà chẳng thích ca hát? Do đó một số nhà giáo bèn bắt chước người xưa (như Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái đã dùng thi ca để viết cuốn Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca) cho phổ biến một số bài hát với lời ca kể lại truyện tích trong lịch sử Việt Nam.
Tôi còn nhớ một bài về dòng giống Lạc Hồng, hát theo điệu Cổ Bản:
Dân số 25 triệu
Nòi giống da vàng (ứ)
Chi Hồng Bàng
Dòng họ Hùng Vương (ứ ư)
Phi thường
Về thời hồng hoang...
Soạn lời ca mới để hát trên điệu cổ, kể truyện lịch sử hay truyện dã sử, cốt ý nhồi cái phi thường của dòng giống Việt Nam vào đầu lũ trẻ, lúc đó các nhà giáo còn làm một chuyện cũng khá ngộ nghĩnh là dùng một điệu hát Việt Nam đang thịnh hành là điệu Hành Vân, để dạy học trò với lời ca bằng tiếng Pháp:
Mes chers enfants
Mes chers enfants
Vous êtes des jeunes gens,
Travaillez
Et rappelez vous
Que le temps qui passe
Marche vite...
Các vị đó còn dùng một điệu hát bình dân của Pháp để soạn lời ca yêu nước, đánh thức người dân đang ngủ vùi dưới chế độ thực dân với một đoản khúc hát trên điệu Frère Jacques của Pháp:
Hời hợi đồng bào
Hời hợi đồng bào
Tỉnh dạy mau
Tỉnh dạy mau
Nước ta đã mất rồi
Nước ta đã mất rồi
Mau tỉnh mau
Mau tỉnh mau
Thật là hay! Vì ý nghĩa của bài Frère Jacques của người Pháp cũng là một lời kêu gọi, thức tỉnh:
Frère Jacques
Frère Jacques
Dormez vous
Dormez vous
Sonnez les matines
Sonnez les matines
Ding dang dong
Ding dang dong
. . . . . . . . .
Nhưng nếu phải tìm hiểu xem trong thời đó có bài hát nào đã ảnh hưởng rất sâu vào tâm hồn non dại của tôi thì đó là bài thơ được ngâm lên nhan đề Tiễn Chân Anh Khoá của thi sĩ A³ Nam Trần Tuấn Khải. Đây là một bài thơ ngâm, nói tới chuyện người thanh niên Việt Nam bị cưỡng bách lên đường tòng chinh qua Pháp để che chở "mẫu quốc" chống lại "Đức tặc" trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhất. Bài này được các bà mẹ Việt Nam thời đó rất thích, do đó chúng tôi luôn luôn được nghe mẹ mình hoặc được nghe chị mình ngâm nga:
Anh Khoá ơi
Em tiễn chân anh ra tận bến tầu...
Bài thơ ngâm này là lời than thở của một người vợ lính nhưng thực sự nó nói tới cảnh khổ của lớp đồ nho, một tầng lớp khá cao trong xã hội Việt Nam lúc đó vì được coi như lớp người đại diện cho đại đa số dân chúng là giai cấp nông dân. Họ bất lực trước hoàn cảnh nước mất vào tay thực dân:
Anh Khoá ơi
Em nghĩ thương anh cũng bậc anh hào
Ngang trời dọc đất anh nào có chịu thua ai ?
Chỉ tiếc thay anh sinh chẳng gặp thời
Để tang bồng nặng gánh, anh ngậm ngùi bước ra đi...
Hoặc là anh Khoá ra đi, nhưng anh đi đâu? Hoặc là anh bịt mắt, bịt tai, bịt mồm trước sự bất lực đó:
Anh Khoá ơi
Em cảm thương anh, em lại giận cho Trời
Bức tranh vân cẩu, tấn trò đời bày xoá như không
Anh thà như ai câm điếc cho xong
Bưng tai nhắm mắt ôm lấy miếng đỉnh chung nó cũng hư đời...
Và cuối cùng, vẫn mơ có ngày xoay lại điạ cầu:
Anh Khoá ơi
Thôi kể bao nhiêu lại động mối quan hoài
Gan vàng dạ sắt có đất trời soi xét cho nhau
Em chỉ nhờ anh xoay lại quả địa cầu
Cho non nước khỏi u sầu với lúc mưa râm...
Người Pháp đã tìm mọi cách để cấm lưu hành bài thơ này. Có thể vì thế mà ai cũng thích bài Anh Khoá. Giản dị là như vậy. Tôi luôn luôn được mẹ và chị rót bài Anh Khoá này vào tai, tuy trong lòng thì thương xót Anh Khoá nhưng trong đầu thì lại mơ màng tới chuyện được đáp tầu đi Tây như Anh Khoá. Cuốn ĐÔNG KINH NGHI'A THUC của Nguyễn Hiến Lê cũng cho biết bài hát Anh Khóa được viết ra trong thời gian Nghĩa Thục chủ trương việc soạn những bài ca ái quốc.
Ngoài những bài hát tình cảm trở thành bài hát tuyên truyền như thế, còn có những hành động cách mạng làm cho tôi bị rung động. Đông Kinh Nghĩa Thục là một tổ chức cách mạng công khai đã bị tan rã sau khi vụ đầu độc quan binh Pháp ở Hà Nội bị thất bại vào năm 1908. Từ đó trở đi, người ta thấy rằng muốn lật đổ Pháp thì phải dùng bạo động và phải tổ chức những "hội kín". Ngày cụ Phan Chu Trinh từ Pháp trở về nước rồi qua đời tại Saigon vào năm 1926 và lễ truy điệu nhà ái quốc này được tổ chức rất long trọng ở trên toàn quốc kéo theo những cuộc bãi khoá của sinh viên thì Pháp ra tay đàn áp. Sinh viên cao đẳng thương mại Nguyễn Thái Học đã bị đuổi ra khỏi nhà trường.
Các đảng phái cánh mạng ở ngoài nước và ở trong nước đã hoặc bắt đầu thành hình như:
-- Đảng Tân Việt Cách Mệnh do Tôn Quang Phiệt lãnh đạo có xu hướng cách mạng vô sản, nhen nhóm ở Bắc Trung Kỳ;
-- Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do Nguyễn A'i Quốc thành lập ở Quảng Châu, Trung Hoa là tiền thân của Đảng Cộng Sản bây giờ cũng đã loáng thoáng tuyên truyền ở quốc nội;
-- Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập ngày 25-12-1927 với Đảng Trưởng là Nguyễn Thái Học, Phó Đảng Trưởng là Nguyễn Khắc Nhu.
Vào lúc tôi lên 10, tức là khoảng năm 1930, tôi còn quá nhỏ bé để có thể biết đến những hoạt động cách mạng xa vời của Cường Để, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Hải Thần hay Nguyễn A³i Quốc... nhưng tôi lại được nhìn thấy tận mắt một hành động của Việt Nam Quốc Dân Đảng trong vụ ám sát một người tên là Giáo Du ở ngay trước cổng trường Amiral Courbet (Nguyễn Du) là nơi tôi đi học. Giáo Du đồng loã với con là Đội Dương, người dắt mật thám Tây về bao vây làng Võng La để định bắt các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Do đó, Giáo Du đã bị bắn chết ở trước cửa căn nhà đối diện với trường tiểu học của tôi và trước mắt tôi.
Đây cũng là lúc Việt Nam Quốc Dân Đảng cho phổ biến một bài ca Cách Mạng mà về sau này, có người nói với tôi là do chính Nguyễn Thái Học soạn ra, hát theo điệu Bình Bán:
Ta là dân nước Nam
Giống Lạc Hồng nay đã lầm than
Phải làm sao giết quân tham tàn
Thì lòng ta rồi sẽ mới an.
Nghĩ câu nước mất nhà tan
Sáu mươi năm làm dân nô lệ
Cảnh tình này rất tệ
. . . . . . . .
Phải làm sao giết quân tham tàn
Thì lòng ta rồi sẽ mới an...
Tiếp tới là vụ Yên Báy với kết quả là các vị anh hùng trong Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đưa lên đoạn đầu đài. Lúc đó, tôi không cần phải được ai giáo dục để cho tôi hiểu được thế nào là cách mạng nhưng tôi đã cảm thấy ngay là nếu muốn độc lập tự do (thu gọn trong hai chữ đánh Tây) thì phải làm như Nguyễn Thái Học và các đồng chí của Ông.
Tôi bị rung động vì sự hi sinh tính mạng của bản thân các vị anh hùng đó ở ngay trên đất nước chứ không phải vì những huyền thoại về những nhà cách mạng xa vời. Đối với thằng bé con như tôi lúc đó, câu nói không thành công cũng thành nhân của Nguyễn Thái Học mang nhiều ý nghĩa hơn bốn chữ "bôn ba hải ngoại" rất lãng mạn mà sau này tôi vẫn thường đọc thấy hoặc nghe thấy khi người ta nói về những người làm chính trị khác.
Tôi được mục kích hành động của người anh hùng bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ nhìn những giấc mơ của anh hùng trong sử liệu, trong tiểu thuyết hay trong tranh vẽ. Tôi thấy ảnh của Nguyễn Thái Học và các đồng chí mà thực dân cho đăng trên mặt báo mà tim tôi thắt lại, cũng giống như mỗi khi tôi được coi những bưu ảnh có hình đầu lâu các vị anh hùng Yên Thế. Có thể hình ảnh những đầu lâu này ám ảnh tôi để rồi sẽ hiện ra trong vài bài hát của tôi sau này.
Người Pháp muốn khủng bố dân chúng nên đã cho phổ biến những hình ảnh ghê rợn đó nhưng ngược lại những hình ảnh đó chỉ làm cho người Việt Nam căm thù họ hơn lên. Dù còn bé, tôi cũng biết thù ghét người con nuôi của Cụ Đề Thám đã dắt tay sai của Pháp là Lê Hoan tới bắt Cụ cũng như tôi đã biết khinh bỉ những vị quan lại như ông tuần phủ họ Cung đã giúp kẻ thù trong việc bắt giết những anh hùng trong Việt Nam Quốc Dân Đảng.
---------------------------------------------------
(*) Có thể vì ghét Pháp hay cho tiện nói cho nên mọi người không gọi tên Pháp của các trường học: Trường Amiral Courbet gọi là trường Hàng Vôi, trường Jean Dupuis gọi là trường Bờ Sông, trường Henry Russier gọi là trường Hàng Than...

Hồi ký Phạm Duy (Tập 1)

Thời Thơ ấu - Vào Đời

Chương bảy

Lui đôi chân, tiến đôi thân
Sàn gỗ trơn, chập chờn như biển gió...
MƠ'I SAY -- Vũ Hoàng Chương
Trong cái xã hội xinh xinh là Hà Nội vào những năm 1930 đó, ngoài biến động lớn như sự vùng lên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cũng có những biến động nhỏ có tính chất cải cách phong hoá mà tôi được chứng kiến.
Thực ra, cuộc cải cách đã bắt đầu từ khi người Pháp mới tới nước ta. Nền luân lý cổ đã khởi sự bị từ chối bởi một giai cấp trung lưu thị thành được tạo nên do sự có mặt của người Pháp. Lớp người này được tiếp xúc với văn minh Tây Phương nên có lề thói và tâm lý khác hẳn với quần chúng nông thôn. Họ muốn biến đổi thứ văn hoá cũ có tính chất nho phong và thôn ấp mà họ cho là lạc hậu. Trước hết là trong phạm vi thẩm mỹ. Một tổ chức yêu nước như ĐÔNG KINH NGHI²A THU´C, tuy chống Pháp nhưng cũng vận động cắt tóc, bỏ nhuộm răng, mặc âu phục... Như đã kể ra trong Chương Một, việc bố tôi cắt búi tó là một thảm kịch trong gia đình tôi.
Khi tôi lên 10, tôi được biết thêm một cuộc cải cách phong hoá rùng rợn khác. Đó là chuyện cạo răng đen của các chị tôi! Trong thời đó, chỉ có hạng me Tây mới cạo răng đi. Con nhà nền nếp, những khi soi gương, dù đã bắt đầu thấy răng đen là "phản mỹ thuật" nhưng ai cũng sợ bị liệt vào hạng gái lấy Tây nên người nào quyết định cạo răng thì người đó phải có tinh thần "kách mệnh" ghê lắm! Với bản tính hiền lành, mẹ tôi không nguyền rủa hai cô con gái sau chuyện cạo răng này nhưng tôi thấy hai chị phải dấu mẹ để đi cạo răng. Cạo răng xong, trở về nhà, hơn một tuần lễ không dám mở miệng ra để nói chuyện với mẹ.
Rồi lúc đó lại có thêm một biến động nữa làm cho dân Hà Thành nhốn nháo cả lên. Đó là một phong trào do cô Hoàng Thị Nga khởi xướng, với một nhóm thiếu nữ mặc quần áo chẽn, biểu dương tinh thần bình đẳng với nam giới bằng cách phăng phăng đi bộ trên đường cái, từ Bạch Mai tới Vạn Thái, vượt được con đường "chông gai" dài những... 4 cây số! Đây cũng là một chủ trương biến đổi phong hoá. Thanh niên bây giờ phải khoẻ mạnh, phải ham chuộng thể thao. Con gái cũng không thua con trai đâu nhé! Sau khi biểu diễn một đường đi bộ như vậy ở Hà Nội, các cô làm một phát đi xa hơn, đi từ Hà Nội ra tận Đồ Sơn. Giữa đường có cô mệt quá đành phải bỏ cuộc lên xe lửa trở về. Người Hà Nội gọi phong trào này là "Tiểu Thư Đi Bộ". Ai cũng lắc đầu le lưỡi bảo nhau: "Con gái nhà ai vô phúc hay sao mà dám mặc quần đùi đi bộ như thế kia nhỉ?" Một ông giáo dạy tiếng La Tinh tên Pétrus Lê Công Đắc -- người mà cả Hà Nội cho là "gàn bát sách" -- còn viết một vở hài kịch để chế nhạo các tiểu thư đi bộ này. Về sau, ngoài phong trào phụ nữ Âu Châu đòi bỏ nịt vú gây khá nhiều xúc động, không biết những phong trào các bà các cô đòi bình quyền ở những nước khác có gây nên những cơn giông tố nào không? Chứ cái vụ tiểu thư đi bộ ở Hà Nội vào đầu thập niên 30 đã bị dư luận chê bai dữ dội lắm.
Nhưng việc chê bai những"tiểu thư đi bộ" này cũng không ngăn được sự "tiến hoá" của một số thiếu nữ Hà Nội. Với sự ủng hộ của Thống Sứ Châtel, họ thành lập một đội đánh "khúc côn cầu" (hockey) là môn thể thao quen thuộc của người Hồng Mao. Mặc cho điều dị nghị của những người khó tính mô tả họ như những "mụ thung" -- nghĩa là các bà đi gắp phân -- các thiếu nữ tân tiến này vẫn vung "khúc côn" lên để nêu cao tinh thần thể thao của nữ giới như thường! Một trong các nữ cầu thủ của đội hockey này sẽ trở thành hoa khôi trong cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Việt Nam.
Một vụ khác cũng làm cho Hà Nội sôi nổi, gây nên cuộc bút chiến lớn trên báo chí. Đó là sự xuất hiện lần đầu tiên của một nhà hàng khiêu vũ tại Khâm Thiên. Hồi đó, ở khu vực mà Văn Cao sau này gọi là Phường Dạ Lạc có một kỹ nữ nổi danh là đẹp và hát hay là Cô Đốc Sao. Bà chủ của nhà hát ả đào này là người đã làm cho nhiều khách làng chơi phải nghiêng ngửa và sau khi bỏ ông chồng làm Đốc Tơ thì trở thành người tình của một nhà văn kiêm chủ báo Đông Tây là Hoàng Tích Chu. Ông này là một thanh niên du học bên Pháp trở về và là người đầu tiên gây nên phong trào lãng mạn, trước cả những nhà văn, nhà thơ lãng mạn trong Tự Lực Văn Đoàn.
Nhà hàng khiêu vũ đầu tiên ở Hà Nội do Cô Đốc Sao và người em làm chủ, vũ nữ là các ả đào cũ, được mở ra để chiêu đãi các ông Tây rồi khi khách làng chơi Việt Nam nếm mùi khiêu vũ rồi thì họ mê luôn. Nhẩy đầm trở thành một phong trào lớn. Có người chống đối, có người ủng hộ... sau dần rất nhiều người học nhẩy đầm và nếu còn ngượng ngùng không dám tới dancing thì tổ chức nhẩy đầm ở tư gia vậy. "Giáo sư" đầu tiên của nghề dạy khiêu vũ là Đỗ Đình Khang. Anh này lấy tên Jean Dod K. cho có vẻ "kẻng" (américain).
Người ta cứ đổ tội cho Pháp tạo ra nhẩy đầm để người Việt ăn chơi rồi quên chiến đấu. Cũng có thể là như vậy. Nhưng vì suốt đời sống bằng nghề nhạc, nhiều khi phải đánh đàn hay ca hát cho người ta khiêu vũ, tôi có một nhận xét là: nhẩy đầm không phải môn giải trí tao nhã của văn minh Tây Phương (theo quan niệm của người bênh vực nó trong những năm 30) hay là một chuyện bất lương, đồi phong bại tục (như người chống đối nó). Nó cũng chẳng phải là chuyện dâm dật như người đạo đức ở Hà Nội lúc đó đã gán cho là dâm đứng (amour vertical).
Khiêu vũ, theo tôi, là một cách thoát dục (défoulement) rất hiệu nghiệm. Khi thấy người ta ôm nhau nhẩy với nhịp điệu cổ điển như tango, slow... hay không ôm nhau nữa với nhịp tân thời như charleston, be bop... và uốn éo hay quay cuồng một cách rất tự nhiên trên sàn nhẩy, tôi có cảm giác họ đang... lên đồng! Vâng, phải là lên đồng thì mới có can đảm phô diễn cái dục tính của mình ra trước công chúng qua những cử chỉ mà dưới con mắt của người khó tính thì là đang làm những... trò khỉ. Không nhớ đã có ai nói với tôi rằng con người là hậu thân của loài khỉ nên vẫn còn rớt lại cái tính thích biểu lộ cái dục ra ngoài. Ai đã từng đi chơi Sở Thú nhiều thì đều thấy loài khỉ hay đứng dạng háng cho loài người coi... cái "của quý" của khỉ. Nhà nhẩy đầm chính là nơi để người ta, sau khi làm việc, tới ôm nhau để cho bản năng thú tính -- dục tính -- được thoát ra với cuộc nhẩy múa, nhẩy theo tiếng nhạc càng ngày càng giống như nhạc Hát Chầu Văn. Nhẩy đầm cũng còn là để chống cái luật "nam nữ thụ thụ bất thân", không cho trai gái gần nhau của thời đó.
Chỉ có những người nào mà dục tính được thể hiện mạnh mẽ qua những nẻo đường khác thì mới không thích nhẩy đầm. Như tôi chẳng hạn. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có bài thơ Mời Say mô tả sự nhẩy đầm. Tôi có hai bài ca nói tới khiêu vũ là Tình Kỹ Nữ và Vũ Nữ Thân Gầy:
Ta ghì cho tan vỡ trái tim này
Cho người vũ nữ nhíu đôi lông mày
Ta cười cho xanh ngát kiếp lưu đầy
Cho người vũ nữ nhíu đôi lông mày.
Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau...
(Vũ Nữ Thân Gầy)
Trong xã hội Việt Nam, cũng đã có từ lâu một phương cách hiệu nghiệm để giải toả ẩn ức như nhẩy đầm. Đó là sự lên đồng. Tôi không biết truyền thống đồng cô bóng cậu có mặt ở nước ta từ bao giờ nhưng vào lúc tôi còn bé, tôi thấy trong gia đình tôi có nhiều người lúc nào cũng muốn nhập vào bóng bà Mẫu Thoải, bà Chúa Thượng Ngàn, Ngũ Vị Vương Quan hay Thập Tam Hoàng Thái Tử...
Từ lúc còn bé, tôi đã được tham dự không biết bao nhiêu lần những buổi lên đồng, nghe không biết bao nhiêu lần những điệu hát chầu văn vô cùng phong phú và hấp dẫn. Về sau này tôi còn được làm quen với ông vua của làng cung văn là Tư Quất, khi tôi soạn những chương trình âm nhạc dẫn giải cho một Đài Phát Thanh ở Saigon.
Người Việt Nam, từ xưa cho tới ngay bây giờ -- 1989 -- dường như không bao giờ chống đối sự lên đồng. Trước 1975, tuy ở cả hai miền Nam Bắc đều có những cuộc "cách mạng" cả nhưng tại điện Hòn Chén ở Huế vẫn còn có những cuộc lên đồng tập thể với sự tham dự của hằng trăm phụ nữ giầu cũng như nghèo. Trong cộng đồng tị nạn ở Hoa Kỳ và ở Âu Châu hiện nay, vẫn còn có những nơi để phụ nữ tới lên đồng. Trong cuốn Đặc Khảo Về Dân Nhạc -- nhà xuất bản Hiện Đại, Saigon 1972 -- tôi cho rằng... phụ nữ Việt Nam nhờ ở sự lên đồng để giải toả những ẩn ức và để thể hiện những nguyện vọng thầm kín của mình. Người đàn bà Việt Nam suốt đời bị lép vế đã nhờ ở sự lên đồng để "hoá thân" thành thần thánh và ban ơn cho mọi người. Đó cũng là một hành động tốt để làm cho xã hội được quân bình và không sinh ra nhiều tội ác... Không biết các bà lên đồng rồi mê cung văn có phải là một tội ác hay không nhỉ? Một bà bạn của mẹ tôi đã bỏ chồng đi theo một anh cung văn hát hay. Họ sống cũng có vẻ hạnh phúc lắm.
Nói tới chuyện lên đồng của thời tôi còn bé thì phải nói tới Cô Bé Tý ở Hàng Bạc, một cô me Tây rất ngộ nghĩnh mà tôi có hân hạnh được tới gần. Cô Bé Tý được coi như ngang hàng với người nổi danh trong làng me Tây là cô Tư Hồng nhưng cô Bé Tý được nhiều người yêu mến vì tính đồng bóng của cô.
Trước hết, cô Bé Tý là người rộng rãi, ai xin tiền cô cũng cho. Rồi tới cái ngông của cô là ở ngay giữa thành phố, cô cho xây một Sở Thú (Zoo) nhỏ với một dẫy chuồng nhốt khỉ, gấu và những con thú (cô làm thành quái vật) như gà ba chân và lợn hai mõm. Ai đi qua nhà cô cũng phải dừng chân lại để coi Sở Thú tí hon này. Tôi và thằng Bảo là bạn ở cạnh nhà (cháu của Chu Viên, em rể của Duy Lam, Thế Uyên) được cô rất yêu. Được cô cho vào chơi. Vào trong nhà cô là như lạc vào trong truyện vẽ bằng tranh, vào trong truyện thần tiên. Nào là những xác chim, xác hổ được nhồi bông. Nào là những con rắn sống uốn mình quanh chiếc ngai sơn son thếp vàng trên đó có cô Bé Tý ngồi bảnh choẹ và lên đồng thường xuyên giữa một đám đầy tớ toàn là những người lùn. Ai vào nhà Cô thì đều phải gọi Cô là Bà Chúa.
Đối với tôi, cô Bé Tý với thế giới gà ba chân, lợn hai mõm, những người lùn, những đồng cô bóng cậu mặc y phục lộng lẫy, múa gươm hay chèo thuyền trong khói nhang nghi ngút, với chiêng trống tưng bừng... giống như chuyện ảo tưởng có thực. Tôi luôn luôn cho rằng những người như Cô Bé Tý, người chào không biết mỏi ở phố Hàng Dầu -- và sau này nhà thơ Bùi Giáng -- là những người sung sướng nhất, vì họ được luôn luôn sống trong cảnh dị thường. Được sống đầy đủ với cô Bé Tý trong một thế giới thần tiên nên sau này tôi không còn ham mê đọc những tác phẩm giả tưởng của Andersen và cũng không còn thích coi những phim hoạt hoạ của Walt Disney nữa.
Hà Nội ngày tôi còn bé, luôn luôn có những cơn sốt dị đoan như hiện tượng bàn ma xẩy ra trong một thời gian khá lâu. Nhà nào cũng có một cái bàn nhỏ ba chân rồi người ta ngồi chung quanh cái bàn đó, hai tay đặt vào thành bàn, sau khi khấn khứa với con ma bàn, người ta hỏi chuyện nó. Hỏi chồng bà này chết bao nhiêu năm rồi? Hỏi mẹ của bà nọ ở bên kia thế giới có vui hay không? Vui thì chân bàn gõ hai cái, buồn thì chân bàn gõ một cái... Cái bàn ma đã trả lời vanh vách với tiếng chân bàn gõ canh cách. Vừa run rợ vừa thích thú vì thấy mình như lạc vào cõi ma, nghe được thông điệp của người chết, tôi lại càng sợ hơn khi thấy có người đào mả lấy gỗ quan tài để làm thành cái bàn ma.
Hồi ký Phạm Duy (Tập 1)
Thời Thơ ấu - Vào Đời
Chương tám
Hội ca cầm chúc cậu mợ được giầu sang
Giầu sang phú quý, trên ô tô dưới thời ca nô
Nằm giường lèo đắp chăn nệm gấm
Đi giầy Gia Định, ngồi ghế phụng loan
Cậu bịt răng vàng, trên đầu mợ xịt dầu thơm dầu thơm
Điệu Hành Vân
Bên cạnh những truyền thống lâu đời -- có cái bị tiêu vong, có cái còn tồn tại -- và trong tất cả những cái mới vừa tới với thời đại... cái hay nhất đối với tôi là sự chuyển mình của âm nhạc Việt Nam từ Cổ Nhạc qua Tân Nhạc.
Vào những năm đầu của thập niên 30, tôi mới là cậu bé đang bước vào tuổi lên mười. Không như những thiếu nhi, thiếu niên trong các thập niên sau này, sẽ có hàng chục hay hàng trăm bài hát cho tuổi của các em, lúc đó, tôi không có tới dăm ba bài ca để hát một mình, hát chung với bạn bè hay là hát biểu diễn cho ai nghe cả.
Âm nhạc cổ truyền như Hát Trống Quân, Hát Cò Lả, Hát Quan Họ... hoàn toàn vắng mặt tại các thành phố. Ngay cả trong các vùng thôn quê là nơi xuất xứ của các loại dân ca đó, người dân Việt Nam sống dưới chế độ thực dân Pháp cũng không còn hết lòng ca hát trong các vụ hát hội, hát đám nữa. Những điệu dân ca mà tôi được nghe họa hoằn trong những ngày lễ, như lễ 14 Juillet do người Pháp tổ chức tại chính quốc và tại các thuộc địa để ăn mừng ngày phá ngục Bastille chẳng hạn... là loại hát xẩm, hát trên viả hè hay trên bãi đất trống trước cửa nhà tôi.
Nếu tôi có được nuôi dưỡng thêm bằng âm nhạc vào lúc đó thì cũng chỉ là đi coi Hát Chèo Văn Minh của cụ Nguyễn Đình Nghị tai rạp Sán Nhiên Đài hay coi Tuồng Cải Lương của Trần Phềnh (hơi khác với Cải Lương Nam Kỳ) tại rạp Quảng Lạc. Hoặc là nghe những bài ca Huế của bà Â'm Chung là người mẹ tôi nuôi ở trong nhà để dạy cho hai chị tôi đánh đàn tranh.
Cũng còn là những bản Hát Bộ Miền Trung của một ông lái buôn nước mắm, mỗi khi từ Nghệ An chở nước mắm ra bán tại ngoài Bắc thì đến ngủ ở nhà tôi và được mẹ tôi coi như em nuôi, tôi phải gọi là Cậu. Cậu Xuân hay đùa nghịch này là người dạy cho tôi cái tính hài hước. Hơn thế nữa, đây là lúc tôi hay bịa ra những chuyện hát tuồng, vẽ mặt bôi râu, căng một cái màn đỏ ở trên giường rồi đứng làm trò cho cả gia đình coi.
Ngoài loại nhạc Việt Nam cổ truyền ra, tôi cũng được nghe nhạc Pháp với loai ca khúc thịnh hành (chanson à la mode), nghe thì thích đấy, nhưng chưa lấy gì làm say mê cho lắm. Cậu bé lên mười ở trong một thành phố Việt Nam, vào những năm 1931,1932... nếu muốn có cái gì mới để hát thì không có thể làm khác hơn là bắt chước người lớn hát những bài như:
Tôi chờ cô tối qua
Suốt canh chầy chẳng thấy cô ra.
Chờ bấy lâu mới biết cô là
Cô là người tôi hằng mơ mến yêu...
Đó là một điệu hát cổ mà ai cũng biết: điệu Bình Bán, bây giờ được dùng để làm bài hát ve gái.
Trong những năm đầu của thập niên 30, vì chưa có ai dám nghĩ đến chuyện sáng tác ca khúc mới với cả nhạc điệu với lời ca cho nên người ta chỉ dám dùng các điệu đã quen biết để làm lời ca mới phù hợp với nhu cầu của mình. Một số điệu Tầu đã từng được thu dụng trên sân khấu Việt Nam cũng được người ta soạn lời ca mới để hát chơi. Hát tán gái bằng điệu Mãi Tạp Hoá:
Mình ơi có đi bờ hồ
Cùng ta chén kem kẹo dừa
Cứ đi, cứ đi mình nhé
Trong túi có vài Rồng Xanh
(Rồng Xanh là giấy bạc 5 đồng có hình con rồng)
Mình ơi! Tôi xin một điều
Cùng nhau thề thót cũng liều
Xin mình chớ nên từ chối
Đôi chúng mình có thiếu cái chi...
Hồi đó, kéo nhau đi ăn kem ở bờ hồ Hoàn Kiếm là một cái thú cho mọi lứa tuổi, Trẻ con chỉ được ăn kem thường, nhưng người lớn thường ra đây để được ăn "kem sờ", nghĩa là vừa ăn kem vừa sờ mó các cô bưng kem vừa trẻ, vừa đẹp.
Các điệu Tầu được dùng để làm những bài hát mới và cũng để chế diễu Hoa Kiều luôn. Đó là mấy câu hát theo điệu Bài Tạ:
Bên Tầu ngộ ở bên Tầu
Bên Tầu ngộ mới qua đây
Qua Nam Việt bán buôn làm giầu
Mới đến ngộ có cái đòn gánh
Mới đến ngộ bán chè khô
Chè lỗ ngộ bán mì khô
Bán không được kéo nhau về Tầu...
Tuy nhiên, điệu nhạc Tầu hay điệu nhạc Việt Nam cổ truyền, vốn nằm trong nét nhạc ngũ cung (pentatonic) quá quen thuộc, dẫu có hát lên với lời ca mới, vẫn chưa thoả mãn được nhu cầu cần thay đổi một không khí âm nhạc của tuổi trẻ hồi đầu thập niên 30. Cái mới lúc đó, đối với chúng tôi là những bài hát Tây Phương, được phổ biến tại Việt Nam dưới hình thức đĩa hát loại 78 tours, hoặc được phô diễn trên màn ảnh chiếu phim nói (cinéma parlant).
Tóm tắt lại, trong thời gian sống dưới chế độ thực dân Pháp, lũ thiếu nhi hay thiếu niên chúng tôi, cũng như một số những người lớn, đã chỉ làm một công việc rất dễ dãi là: hoặc dùng nhạc điệu cổ Việt Nam để soạn lời ca mới, có khi là lời ca tiếng Pháp, với mục đích khêu gợi tinh thần yêu nước; hoặc dùng những nhạc điệu Tầu để soạn những bài hát chơi. Sự chắp vá này chỉ nói lên nhu cầu có cái mới trong ca hát và chỉ được coi như đang trong giai đoạn sửa soạn để có một loại ca nhạc nào đó, khác với nhạc cổ truyền, nhạc dân ca đã có từ lâu và đang suy tàn.
Người đầu tiên biết sử dụng điệu hát Tây và phổ biến trong công chúng Việt Nam là nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi. Ông là người sáng tạo ra hình thức tiểu ca kịch (opérette) theo kiểu Âu Tây mà ông đặt tên là "hoạt kê hài hước" (opérette comique) trên sân khấu các đoàn hát Cải Lương Trần Đắt và PHƯƠ'C CƯƠNG vào khoảng 1933-1934.
Sân khấu Cải Lương lúc đó đã có hai loại tuồng gọi là Tuồng Tầu với tích truyện cổ, diễn viên mặc quần áo giống như các nhân vật của sân khấu Trung Quốc và Tuồng Tây với tích truyện tân thời diễn viên mặc quốc phục và âu phục. Tuồng Cải Lương có phần âm nhạc thoát thai từ loại Nhạc Tài Tử đặc biệt của miền Nam với giàn nhạc đệm là các thứ nhạc cụ dân tộc, có thêm một giàn nhạc Tây Phương ở dưới đất, giữa quan khách và sân khấu, diễn tấu những bài bản Tây Phương trước giờ mở màn hay vào giờ nghỉ (entracte).
Ngay từ khi xẩy ra Thế Chiến I, một bài hát rất phổ thông trong binh lính Pháp là bài Madelon cũng đã được giới Cải Lương Nam Kỳ thu dụng để toàn ban ra hát chào khán giả, lẽ dĩ nhiên là hát với tiếng Việt:
Xin chào đồng bào và xin chúc quý quan an vui...
Trên sân khấu các đoàn Trần Đắt và PHƯƠ'C CƯƠNG, ngoài việc soạn ra những tích tuồng mới phản ảnh xã hội Việt Nam vào lúc đó, phần nhiều là hài kịch nghệ sĩ Tư Chơi còn muốn cải cách cả phần âm nhạc. Ông không muốn dùng các bài bản có tính chất cổ truyền trong opérette của ông nữa. Nhạc Tây Phương qua những bài hát theo thời (chansons à la mode) đã bắt đầu thịnh hành trong xã hội đô thị Việt Nam. Những bài hát Pháp như J'ai Deux Amours, Ma Tonkiki Ma Tonkinoise đã được nhiều người biết đến. Bài J'ai Deux Amours do nữ ca sĩ Mỹ đen Joséphine Baker hát:
J'ai deux amours
Mon pays et Paris
Par eux toujours
Mon coeur est ravi...
Bài này làm cho những thanh niên thèm đã từng đi Tây như tôi, lại càng thèm biết thủ đô Paris hơn nữa. Nhưng nó được nghệ sĩ Tư Chơi đưa ngay lên sân khấu với lời ca của nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu tức Năm Châu, nội dung xã hội:
Buồn thay nghề hát
Trong xứ ta nhiều gương xấu
Tìm bạn đồng tâm
Đâu thấy ai? Nào đâu?
Lập tức báo Phong Hoá có câu hát giễu cợt theo điệu J'ai Deux Amours đó:
Giò này giò nóng
Ai muốn mua thì xin cứ
Bỏ một hào ra
Ai muốn mua, thì mua...
Một xu hướng đi tìm không khí mới cho âm nhạc Việt Nam đã thực sự ra đời khi nghệ sĩ Tư Chơi khẳng định đường lối soạn nhạc của ông. Ông soạn một số bài hát mà ông gọi đích danh là bài ta theo điệu Tây. Hoặc ông dùng nguyên vẹn những điệu Tây, chẳng hạn điệu Hoài Tình của ông, rất phổ biến trong giới Cải Lương, có thể khởi sự từ bài Tabou, bài này, theo tôi, cũng còn là bài đẻ ra nhiều bản đầu tay của một số mầm non nhạc sĩ vào hồi Tân Nhạc mới được thành lập.
Cùng một lúc với việc anh Tư Chơi tung ra trên sân khấu loại hát anh gọi là bài ta theo điệu Tây, thì trong giới yêu nhạc, với đa số là nam nữ trong tuổi thanh xuân, cũng có phong trào chuyển ngữ các bài hát Tây do các ca sĩ thời thượng như Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton... hát vào đĩa hát 78 tours.
Các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trẻ, đẹp, hát hay như A'i Liên, Kim Thoa, lại được hãng BéKa, một chi nhánh của hãng Pathé bên Pháp mướn để thu thanh các bài ta theo điệu Tây vào dĩa hát. Suốt mấy năm liền, từ 1935 cho tới 1938, rất nhiều các bài hát của Pháp như Marinella, C'est A° Capri, Tant Qu'il Y Aura Des E³toiles, Un Jour Loin De Toi, Celle Que J'aime E³perdument, Les Gars De La Marine, L'oncle De Pékin, Guitare D'amour, Créola, Signorina, Colombella... và của Mỹ như Good Bye Hawaii, South Of The Border... đã được phổ biến mạnh mẽ với lời ca tiếng Việt, soạn bởi một nhà báo trẻ tên là Mai Lâm.
Trong mấy chục bài ta theo điệu Tây của hồi giữa thập niên 30, tôi chỉ còn nhớ lõm bõm vài bài, chẳng hạn bài hát theo điệu C'est A' Capri:
C'est à Capri que je l'ai rencontrée
Je fus charmé encore plus que surpris.
De mille fleurs elle était entourée
Au milieu d'un jardin de Capri
Tout comme dans un poème
Me voyant elle me sourit
Je lui ai dit: je vous aime.
C'était au pays de Capri.
. . . . . . . . . . . . .
Ngày đua xe hoa năm đã qua bao tình sâu xa
Còn như in sâu trong trí tôi bao ngày vui qua.
Người mà tôi yêu, tôi đắm say, tôi hằng mơ
Đến với tôi, trong ngày vui, trong hội hoa.
Ngày nay anh tới đây, đợi chờ nắng
Mà sao em nỡ sao, em biệt bóng ?
Lòng anh ôi chứa chan mối tình ái
Lời thề nguyền non nước em đành sai...
Vào đầu thập niên 30, mỗi lần các gánh hát Cải Lương ở trong Nam ra Bắc trình diễn thì các minh tinh như các đào Năm Phỉ, Phùng Há, Kim Thoa các kép Năm Châu, Bẩy Nhiêu, Tư Chơi ngụ tại Hotel Đồng Lợi (?) ở đường Bờ Hồ, ngay gần nhà tôi. Tôi tò mò tới đứng ngoài cửa khách sạn, ngó qua cửa kính nhòm vào phòng ăn, thấy sao họ có thể đẹp đẽ sang trọng như người ngoại quốc thế kia? Tôi không thể ngờ rằng có ngày tôi đứng chung trên một sân khấu với Tư Chơi hay Năm Châu tại Saigon trong thời gian trước và sau cuộc Cách Mạng-Kháng Chiến.
Làm sao mà chúng tôi không thích những bài ta theo điệu Tây cho được? Trước hết, những bài mà tôi vừa dẫn kể ở trên, không những rất hay về ý nghĩa (lúc đó chúng tôi cũng đã giỏi tiếng Pháp lắm rồi) lại còn được những giọng hát ngọt lịm của Tino Rossi, lanh lảnh của Rina Ketty, hài hước của Georges Milton hay bình dị của Albert Préjean... làm tăng giá trị. Rồi bây giờ lại còn được Mai Lâm soạn những lời ca rất phù hợp với tuổi mơ mộng của chúng tôi. Đã có những hội "A³i Tino" được thành lập. Một thanh niên có giọng hát tốt, sau này là một nhạc sĩ được nhiều người biết tới, nhạc sĩ Canh Thân, bắt đầu cuộc đời ca hát của anh bằng cái tên Tino Thân.
Hồi đó, tuổi trẻ Việt Nam có những ngày rất vui khi có tổ chức chợ phiên (kermesse) và những cuộc diễn hành xe hoa (corseau fleuri). Những đôi lứa yêu nhau là nhờ ở những ngày đua xe hoa với bao tình sâu xa... như lời ca của bài C'est A° Capri kể trên. Trai gái gặp nhau ở chợ phiên hay tại cuộc thi xe hoa là ném confetti vào mặt nhau. Có anh đùa nhả, ném cả bụi đường vào mặt người đẹp rồi được nghe chửi thậm tệ. Trong chợ phiên, tôi được coi cuộc thi đánh yoyo, một trò chơi hiện nay vẫn còn thịnh hành ở Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ tên tay vô địch yoyo ở Hà Nội lúc đó là Kính tức Kính "què".
Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam đã diễn ra trong lần tổ chức kermesse ở "u Trĩ Viên và người được giải là một thiếu nữ nổi tiếng của Hà Thành, với bộ y phục người Thái làm tăng thêm vẻ đẹp của thân hình kiều diễm. Đó là nữ cầu thủ trong đội hockey mà tôi đã nói ở Chương Bẩy và là bà thân sinh của ca sĩ Khánh Ly sau này. Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam tên là Tân, người mà chúng tôi thèm rỏ dãi khi đi bơi và nhìn thấy thân hình của hoa hậu trong bộ đồ tắm không hở hang như bây giờ ở hồ Quảng Bá lúc đó là nơi gặp gỡ của những thanh niên nam nữ Hà Nội, mệnh danh là những "tài hoa son trẻ" của thời đại.
Nói tiếp về những bài ta theo điệu Tây trong những năm 30, tôi thấy đủ mọi loại ca khúc thịnh hành của Pháp được hát lên với lời Việt:
CRE'OLA
Phút mơ màng !
Gần bên em khác chi Thiên Đàng
Và Trời sao chứa muôn kho tàng
Đôi mắt em bừng sáng chào Xuân sang.
UN JOUR LOIN DE TOI
Un jour loin de toi est un jour sans bonheur
dịch là:
Một ngày xa mặt em là một ngày anh buồn tênh.
hay là:
Xa em trong một khắc, tầy ba thu đau xa cách.
Ngoài những bài mơ mộng một cách rất ngây thơ như vậy, cũng có những bài vui và hơi tục tĩu:
CELLE QUE J'AIME E³PERDUMENT
Trông thấy có, có cô con gái
Đi qua phố vén chân lên đái...
Tục tĩu hạng nhất là một bài ta theo điệu tây hát với nhạc điệu của Les Trois Petits Cochons, bài hát nòng cốt trong một cuốn phim hoạt họa đầu tiên của Walt Disney:
LES TROIS PETIT COCHONS
Il y avait trois petits cochons
A la queue en tire bouchon
Qui lorsqu'on parlait du méchant loup
Ne s'affolaient pas du tout...
Lời Việt rất tục:
Có ba nàng tè bằng cái nong
Cái lông tè ngoằn ngoèo uốn cong
Ai nói đến cái sợi lông tè
Thì ba nàng vùng vằng khiếp kinh...
Thành công nhất tại Bắc Hà trong việc phổ biến những bài ta theo điệu tây là cô A'i Liên, người có giọng hát trong như tiếng hạc bay qua. Đĩa hát BéKa thu giọng cô hát với phần nhạc đệm của Charles Thu (tức nhạc sĩ Võ Đức Thu). Cùng với chồng là Hà Quang Định, cô thành lập một đoàn Cải Lương ở Hải Phòng. Có Canh Thân tức Tino Thân, cậu của A³i Liên hát Tân Nhạc. Cùng với tôi, Tino Thân là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên sân khấu.
Trong làng nghệ sĩ Cải Lương Bắc Hà, các cô A'i Liên và Kim Chung là những người có gia đình êm ấm. Ngược lại, người chị của A'i Liên là Lan Phương -- cũng là nghệ sĩ sân khấu -- gặp nhiều điều không may trong đời tình ái. Lan Phương lấy phải một anh chồng thuộc hạng du đãng tên Móng (cũng có thời sống chung với một nghệ sĩ khác là Bích Hợp) và thường bị anh ta đánh đập một cách dã man. Tôi là người đem tới cho nàng một chút an ủi khi tôi bước vào thế giới Cải Lương và sau khi nàng không còn ở chung với người bạn trai thứ hai tên Lý. Lan Phương có đôi mắt xanh thẫm lúc nào cũng như long lanh giọt lệ, ngay cả lúc đang nở một nụ cười như hoa giữa đôi má lúm đồng tiền. Trong số các bà mà tôi hân hạnh gặp, nàng là người độc nhất muốn tìm vui trong men rượu, có lẽ để quên đi những sầu muộn chăng? Về sau Lan Phương tìm được hạnh phúc bên cạnh một phóng viên nhiếp ảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét