Đức TỪ CUNG HOÀNG
THÁI HẬU
Tôi được
đọc tác phẩm Mây Tần của nhà văn Linh Bảo, trong đó có bài Chiếc Áo Vua
Ban. Chuyện này có nói về Đức Từ Cung, nhưng theo nhận xét qua những lần gặp
ngài, tôi có cảm tưởng khác hẳn. Có lẽ những ngày còn nhiều quyền và ít tuổi,
khác những ngày hết quyền và nhiều tuổi.
Cách đây
mấy năm, nhân ngày giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ở Orange County, tôi có gặp
ông Tôn Thất Thiết, nguyên là chánh sở nội dịch của Tổng Thống Diệm. Gặp tôi
ông mừng lắm, vì từ ngày đảo chính năm 1963, chúng tôi mới gặp lại nhau. Ông
nói:
- Trước
ngày sang đây, tôi có ra Huế chào Đức Từ Cung, thật ngạc nhiên khi đức Từ dặn:
“Ông sang Mỹ, nếu có gặp ông Đại Tá Duệ tỉnh trưởng Thừa Thiên trước đây, cho
tôi gửi lời thăm. Ngày làm việc ở đây, ông lo cho tôi nhiều lắm và rất quý mến
tôi”.
Rồi ông
Thiết tiếp:
- Lạ thật,
trước anh có nhiều vị tỉnh trưởng, và nhiều người là hoàng tộc nữa, bà không
thăm hỏi ai, mà chỉ nói với tôi về anh. Gặp anh đây tôi mừng quá. Nhân tiện,
cũng chuyển lời của đức Từ đã nhờ tôi nói với anh (ông Tôn Thất Thiết hiện ở
Orange County).
Ngày mới
ra nhận chức ở Huế, tôi nói với ông chánh văn phòng tòa Tỉnh, là tôi muốn dành
những ngày nghỉ đi thăm những thân hào nhân sĩ ở đây, để chào hỏi. Ông đã lập
cho tôi một danh sách dài, gồm các vị lãnh đạo tôn giáo, và rất nhiều người có
tiếng tăm ở Huế. Tôi không thấy tên Đức Từ Cung Hoàng Thái Hậu. Bèn hỏi lại
ông:
- Tôi
nghe nói ở đây còn có thân mẫu của đức Quốc Trưởng Bảo Đại nữa mà? Ông trả lời:
- Vâng,
đó là Đức Từ Cung Hoàng Thái Hậu. Tôi không để tên trong danh sách, vì các vị tỉnh
trưởng trước đây ít người đến thăm ngài một cách chính thức. Có thể các vị đó đến
riêng tư mà tôi không biết.
- Tôi muốn
đến chào ngài, ông xin cho một cái hẹn vào cuối tuần nào cũng được. Mời ông phó
tỉnh trưởng và cả ông nữa cùng đi với tôi.
Tôi còn hỏi
thêm:
- Khi gặp
bà thì tôi phải xưng hô làm sao?
- Ở đây
ai cũng thưa với ngài là “Thưa đức Từ” hoặc “Tâu đức Từ. “
Bà nhận lời
tiếp ngay vào cuối tuần sau, và đã được tiếp đón khá long trọng.
Khi chúng
tôi đến cửa ngoài, có mấy vị trong hoàng tộc đón, trong đó có một bà vóc dáng mảnh
mai, được giới thiệu là công chúa con đức Thành Thái, gọi là Mệ Sen, là bí thư
của bà. (Sau này đánh mạc chược với mấy bạn người Trung, ai mó được cây nhị
sách, đều gợi là Mệ Sen, vì bà bí thư gầy ốm như cây nhị sách). Khi vào đến cửa
trong, thấy bà ngồi ở đầu ghế tràng kỷ đứng dậy. Không muốn bà rời ghế, tôi vội
chạy lại, chào:
- Tâu đức
Từ, con là Đại Tá Duệ mới được đổi ra làm việc ở đây, xin đến chào đức Từ. Kính
chúc đức Từ luôn an mạnh.
Bà tỏ vẻ
hài lòng, mời tôi uống trà, và nói chuyện vui vẻ lắm. Tôi thưa với bà là mới ra
làm việc ngoài này, công việc còn bỡ ngỡ, nếu có gì không đúng, xin bà chỉ cho.
Bà cũng nói là nếu cần liên lạc với tôi, bà sẽ nhờ Mệ Sen. Bà biết tôi còn mẹ
già, nên gửi lời thăm.
Ít ngày
sau, nhân rằm âm lịch, khi tôi đi làm về, thấy có trái cây để ở bàn, và một giỏ
lớn bánh thẻ bài của bà gửi cho, được dặn đó là quà của bà gửi, để biếu cha mẹ
tôi.
Bánh thẻ
bài giống như bánh khảo ngoài Bắc, có mứt và vừng trộn lẫn, hình chữ nhật, có cắt
sẵn từng thẻ, khi ăn thì tách rời ra. Đặc biệt, phong bánh nào cũng đóng ấn
riêng của bà. Bánh này tôi gửi cho mẹ tôi, bà thích lắm. Phần vì bánh ngon, phần
để khoe với bạn bè là của đức Hoàng Thái Hậu, mẹ vua cho, và cũng không quên chỉ
cho họ xem dấu ấn riêng đóng ở giấy bọc ngoài.
Tuần sau
đó, tôi đến cám ơn, bà giữ lại khá lâu để chuyện trò. Tôi hỏi thăm về Hoàng Đế
Bảo Đại ở Pháp, bà cho biết vẫn được thư của ngài và ngài rất mạnh khỏe, chỉ phải
cái ngài thiếu tiền, nên bà phải bán nhiều đồ cổ để gửi tiền cho ngài.
Tôi cũng
phàn nàn là bà không có điện thoại, nên nhiều lần muốn đến thăm bà, phải cho
người đến thưa trước, và rất sợ làm phiền bà. Bà trả lời:
- Ông tỉnh
nghĩ xem (bà thường gọi tôi là ông tỉnh), tôi đâu có dư dả gì, cũng muốn có một
cái điện thoại để liên lạc đây đó, nhưng nghe nói khó xin và đặt mắc lắm, ngoài
ra còn phải tiền hàng tháng nữa.
Tôi thưa
sẽ tìm cách giúp bà.
Khi về,
tôi nói với ông phó tỉnh trưởng để cố gắng giúp bà mắc điện thoại. Nếu không có
quỹ nào, cứ lấy ở quỹ của phủ Tổng Thống cho các tỉnh trưởng mà dùng. Khi có điện
thoại, bà gọi ngay cho tôi và mừng lắm.
Bà vẫn có
phụ cấp hàng tháng, tôi nhớ là 25 ngàn, được cấp cho bà từ hồi Tổng Thống Diệm.
Từ đó, bà
rất thân thiết với tôi, mặc dầu biết là tôi đã từng làm việc với Tổng Thống Diệm,
và được Tổng Thống quý mến. Có lần bà hỏi khéo tôi về Tổng Thống, tôi cũng
thành thật thưa là tôi hết sức quý mến và kính trọng Tổng Thống về đức độ và
thanh liêm của người. Tôi cũng nói thêm là trong thời gian ở gần Tổng Thống,
tôi chưa bao giờ nghe ông nói điều gì bất kính với Hoàng Đế. Tôi còn kể cho bà
nghe, một lần có phiếu trình lên Tổng Thống về việc dành một thửa đất cho bà
làm lăng, Tổng Thống chấp thuận ngay.
Nhiều khi
chính bà, hay Mệ Sen gọi, mời tôi dự những lễ giỗ của hoàng tộc. Ai ở Huế cũng
biết việc cúng giỗ rất quan trọng, mà hoàng tộc thì bao nhiêu là giỗ. Riêng giỗ
các vị Hoàng Đế cũng đã nhiều rồi. Tôi vì bận việc, nên ít đi dự. Tôi nhớ chỉ dự
có ba lần, là giỗ đức Gia Long, đức Tự đức và đức Khải Định.
Có một kỷ
niệm khó quên, là hôm giỗ đức Khải Định, tôi đến hơi trễ vì bận công tác. Khi
vào đến tư dinh của bà, thấy có nhiều người đã đến trước tôi. Bà đón rất niềm nở,
và giới thiệu tôi với mấy vị trong hoàng tộc.
Khi đến gần
chỗ mấy bà khách, bà hỏi tôi:
- Chắc
ông tỉnh biết bà trung tướng tư lệnh quân đoàn I, và bà thiếu tướng tư lệnh sư
đoàn I rồi chứ?
Tôi thưa:
- Tâu đức
Từ, con chưa được gặp mấy bà này.
Bà tỏ vẻ
ngạc nhiên, đưa tôi lại giới thiệu với bà Trưởng. Tôi vội thưa:
- Thưa bà
trung tướng, tôi ra đây đã khá lâu mà chưa có dịp đến chào bà. Khi vừa ra,
trung tướng đã đưa ngay tôi ra Huế. Nhiều lần họp ở quân đoàn xong, tôi phải vội
về ngay nên chẳng có dịp nào tới thăm bà.
Bà Trưởng
đã trả lời hết sức nhã nhặn, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và kính nể:
- Chết, đại
tá dạy quá lời. Đại tá làm việc với nhà tôi, chứ chúng tôi là đàn bà thì biết
gì.
Có điều nếu đại tá có dịp ra Đà Nẵng, mời đại tá đến thăm chúng tôi, thì tôi mừng lắm.
Có điều nếu đại tá có dịp ra Đà Nẵng, mời đại tá đến thăm chúng tôi, thì tôi mừng lắm.
Rồi bà giới
thiệu tôi với bà chuẩn tướng Điềm. Từ đó đến ngày mất nước, tôi không được gặp
lại bà Trưởng. Cho đến ngày sang Hoa Kỳ, tôi có dịp đến thăm Trung Tướng Trưởng
ở Washington D.C, nên mới có dịp gặp lại bà. Nhiều lần trung tướng và bà ghé
thăm tôi tại San Diego.
Khi ăn cỗ
giỗ, tôi ngồi với các vị trong hoàng tộc. Riêng đức Từ không ngồi ở bàn nào nhất
định, mà đi hết bàn này tới bàn nọ mời mọc, tiếp đãi ân cần. Gặp tôi bà ghé tai
nói nhỏ: “ông tỉnh tự nhiên nhé, tôi ăn chay nên ăn sau“. Cử chỉ thân mật của
bà làm tôi cảm động. Nhìn một bà già ngoài 80 tuổi, người nhỏ bé, đi lại nhẹ
nhàng một cách vương giả, tôi chợt nghĩ đến ngày nào bà không còn nữa, chắc
hoàng tộc chả ai thay thế được.
Có một lần
bà làm tôi bối rối, và khó xử hết sức. Một hôm, đích thân bà gọi điện thoại cho
tôi, rủ đi lễ ở điện Hòn Chén vào ngày chúa nhật, để cầu phúc. Bà nhắc đi nhắc
lại, ông cố đi với tôi vì tôi không có xe, và muốn cùng đi với ông.
Tôi thưa:
- Tâu đức
Từ, con xin cố gắng đi cùng đức Từ, nhưng nếu có gì trở ngại bất thường, con sẽ
trình lại đức Từ sau. Như đức Từ rõ, việc quân đội nhiều khi không tính trước
được.
Bà nói:
- Nếu ông
bận thì tuần sau cũng được.
Tuần ấy
tôi không bận gì cả, và đến đón bà tại tư dinh. Tôi cũng nhờ ông quận trưởng
Nam Hòa đón ở bến đò, để đi cùng đến điện Hòn Chén. Bà tỏ vẻ quen thuộc với
phong cảnh trên đường đi, và chỉ cho tôi mọi thứ. Khi đến điện, thật không ngờ
điện xây ở chỗ đẹp đẽ như vậy. Phong cảnh ở đây và xung quanh thật hữu tình.
Ông quận còn kể cho nghe là vào ngày vía, có hàng trăm thuyền đến lễ, và ngồi đồng
ngay trên thuyền, cộng với ngồi đồng nhiều nơi trên điện, sáng rực cả dòng
sông, đẹp vô cùng.
Đức Từ
vào lễ ở chánh điện, trông nghiêm trang lắm. Sau đó, tôi và ông Quận trưởng vào
vái. Đợi tôi lễ xong, bà bước thẳng lên cung điện ở trên, và mang xuống một bọc
bằng satin vàng, gói một số đồ vật bên trong.
Lúc đó,
tôi không biết bà mang theo những gì, và nghĩ đó là sự thường, nên chẳng để ý đến.
Rồi tôi đưa bà về. Bà tó vẻ vui và cảm ơn tôi nhiều.
Sáng thứ
Hai, khi vừa đến văn phòng, tôi gặp ngay ông hội trưởng hội Thiên Thánh giáo,
và mấy vị thân hào xã sở tại của điện Hòn Chén, ngồi đợi sẵn ở phòng khách.
Dáng mặt mọi người có vẻ nghiêm trọng lắm. Chưa kịp ngồi, ông hội trưởng đã vội
nói:
- Chúng
tôi đến để xin đại tá giải quyết cho một việc hết sức quan trọng. Hôm Chúa nhật
vừa qua, đại tá đã đi cùng bà Từ Cung đến điện Hòn Chén, khi về bà ấy đã mang
theo ấn và hài của điện. Không ai dám nói gì. Chúng tôi hoang mang vô cùng. Nếu
việc này lộ ra ngoài, thì không ai đến lễ ở điện nữa, vì ấn và hài đã bị lấy đi
rồi.
Tôi hỏi tại
sao không cho tôi rõ ngay lúc ấy? Được trả lời là thấy đại tá đi cùng bà nên
không ai dám nói. Tôi hỏi thêm các ông có rõ tại sao đức Từ lại đến lấy ấn và
hài đi như vậy? Chắc phải có lý do gì. Một ông trong ban quản trị trả lời. Chả
là hôm ngài đến lễ, lúc ấy đông người quá, và lại toàn người tứ xứ nên chen lấn,
làm đổ đồ lễ của bà, vì vậy bà giận.
Tôi nói với
các ông ấy rằng, cả nước chỉ còn một bà Hoàng Thái Hậu, các ông phải kính trọng
ngài. Bà là mẹ của Quốc Trưởng, nếu khi Quốc Trưởng còn tại vị, các ông có dám
để như vậy không? Các ông phải rõ, tại các nước, nếu mời được một vị Hoàng Thái
Hậu đến lễ như vậy, là cả một vinh dự. Vậy từ nay khi ngài đến lễ ở điện, các
ông phải đón tiếp long trọng, và đừng để xẩy ra như vậy nữa. Tôi sẽ đến thưa với
ngài để trả ấn và hài cho điện, nhưng các ông phải đến tạ lỗi với ngài.
Cách ngày
sau vào buổi chiều, sau giờ làm việc, tôi đến thăm bà. Đến cổng thấy một ông ăn
mày, mặt mũi có vẽ bặm trợn, đang ngồi nói lảm nhảm. Sau khi cho mấy cận vệ bảo
người ấy đi, tôi chợt nghĩ: chỗ này không ai canh gác, nếu có người đến trộm đồ
hoặc gây nguy hiểm cho bà thì thật tai hại. Vì vậy khi gặp bà, tôi hỏi ngay:
- Tâu đức
Từ, ở đây có ai lo an ninh cho ngài không?
Bà nói chả
có ai cả, chỉ có mấy cháu nhỏ ở đây giúp việc mà thôi. Tôi nói xin đức Từ để
con lo việc này, và dùng ngay điện thoại của bà gọi cho ông trưởng ty cảnh sát,
yêu cầu lo an ninh, và cử một người cảnh sát gác dinh cho bà.
Tôi cũng
hỏi bà:
- Con
nghe nói Quốc Trưởng có một chiếc xe để ngài sử dụng, sao đức Từ không dùng để
đi cho tiện và an toàn?
- Ông
nghĩ xem, tôi làm gì có tài xế. Vả lại, tiền đâu để mua xăng, xe này ăn tốn
xăng lắm.
Tôi thưa:
- Nếu vậy
để con biệt phái cho ngài một tài xế. Xin đức Từ cho con tên một người nào là
bà con của ngài ở Địa Phương Quân, hoặc Nghĩa Quân, mà biết lái xe, con sẽ cho
về lái xe cho đức Từ, và cho mang cả súng về để giữ an ninh trong nhà. Ngoài
ra, con cũng biếu đức Từ 200 lít xăng hằng tháng, và xe thì tu bổ ở ban công xa
tỉnh.
Bà tỏ vẻ
cảm động vô cùng, đột nhiên cầm lấy tay tôi, và nói:
- Ông lo
cho tôi chu đáo quá, làm tôi cảm động. Thật từ ngày Quốc Trưởng bị truất phế đến
nay, các tỉnh trưởng, kể cả các tỉnh trưởng người hoàng tộc nữa, chả ai lo cho
tôi bằng ông. Thật ra, tôi quý ông như con cháu của tôi vậy.
Tôi cũng
thành thật thưa:
- Con
cũng quý đức Từ như bà nội con vậy.
Bà cầm tay tôi lâu lắm, nước mắt rung rưng. Tôi cũng cảm động, không cầm được nước mắt. Tôi thương bà, nghĩ bà đã quá già mà còn phải lo đủ mọi chuyện của hoàng tộc, không biết bà sẽ còn sống được bao lâu nửa.
Bà cầm tay tôi lâu lắm, nước mắt rung rưng. Tôi cũng cảm động, không cầm được nước mắt. Tôi thương bà, nghĩ bà đã quá già mà còn phải lo đủ mọi chuyện của hoàng tộc, không biết bà sẽ còn sống được bao lâu nửa.
Trước khi
về tôi mới thưa chuyện với bà về việc xảy ra ở điện Hòn Chén. Bà nói:
- Thật tụi
nó vô phép với tôi quá. Điện này là của nhà Nguyễn lập ra, mà tôi đến lễ, họ để
mọi người chen lấn làm đổ cả lễ của tôi, vì vậy tôi mới lấy ấn và hài mang về,
đó là đồ của tôi cúng cho điện. Hiện tôi còn để kia. Bà chỉ lên án thờ cho tôi
thấy.
Tôi thưa:
- Con đã
bảo họ đến tạ lỗi với đức Từ, xin đức Từ bỏ qua cho họ. Con cũng dặn họ từ nay,
mỗi khi đức Từ đến, phải đón tiếp long trọng, không được để xẩy ra những sự việc
đáng tiếc nữa.
Bà bằng
lòng làm theo ý tôi. Lần này khi ra về, bà đích thân dắt tay tôi, còn vỗ vai
như đối với con cháu khi tôi từ biệt bà.
Từ đó, mỗi
lần bà đi đâu, đều có xe đưa đi.
Có một lần,
bà làm tôi ngỡ ngàng và quá cảm động. Buổi tối hôm ấy, tôi được điện thoại của
bà mời, sau giờ làm việc ngày mai, đến chơi với bà. Rủi là chiều hôm sau trời
mưa lớn, tôi gọi lại cho bà, hẹn chiều hôm sau sẽ lại. Bà không bằng lòng, nói
ông chịu khó đến chơi, tôi đợi ông lâu rồi. Vì vậy tôi phải đến.
Đến cổng
thấy hạ sĩ tài xế, là cháu của bà mà tôi đã biệt phái để lái xe, cầm dù đợi sẵn.
Bà đón tôi một cách vui vẻ lắm, mời uống trà ướp sen, ăn bánh thẻ bài và mứt
sen. Tại đây, tôi gặp ông giám đốc viện Bảo tàng Huế, cũng là người hoàng tộc
(tôi quên tên). Ông nói với tôi:
- Đức Từ
vời tôi đến để tiếp đại tá.
Lúc sau,
bà gọi người nhà và hai người tớ gái khênh ra mấy cái rương sơn son thiếp vàng,
chạm trổ rất đẹp. Mở ra, thấy có mũ hoàng hậu của bà. Mũ có chín con phượng bằng
vàng, và hầu như cả cái mũ đều trạm vàng, trông rất cổ kính, và lộng lẫy vô
cùng. Mở một cái rương khác, có áo hoàng hậu bằng gấm. Cũng thêu những con phượng
bằng vàng lộng lẫy, trông nặng nề lắm. Ngoài ra, còn cái ấn bằng vàng nữa – lâu
rồi, tôi không nhớ rõ chi tiết – cũng chạm phượng, to bằng cái ấm tích, chắc nặng
cỡ 5-6 kí lô.
Ông giám
đốc viện bảo tàng xuýt xoa nói:
- Trời
ơi! Tôi không ngờ được cái diễm phúc này, thật là nhờ có đại tá. Tôi là con
cháu mà chưa từng được xem những thứ này, chắc đức Từ chưa cho ai xem bao giờ.
Thật không hiểu tại sao người lại quý đại tá đến như vậy. Thật là may cho tôi.
(Tôi hy vọng ông giám đốc viện Bảo tàng Huế cũng chạy sang đây được)
Nhìn bộ
mũ áo to lớn nặng nề, trong khi bà rất nhỏ nhắn, tôi tự nghĩ không hiểu bà làm
cách nào để mang phẩm phục này. Tôi thưa với bà:
- Giá hôm
nào đức Từ mặc áo đội mũ này, cho con được đứng hầu, để chụp một tấm hình kỷ niệm
thì quý quá, và là điều hãnh diện cho con.
- Bộ mũ
áo này có từ hồi tôi còn trẻ, và cũng ít khi dùng đến. Mỗi lần mặc, phải có nhiều
người giúp đỡ. Bây giờ tôi mang sao nổi, nặng nề lắm. Có điều quý ông lắm, tôi
mới cho ông xem. Các ông tỉnh trước tôi có cho ai xem đâu.
Bà khiến
tôi cảm động quá. Nhìn bà, tôi có cảm tưởng như nhìn bà nội tôi vậy. Thật là một
kỷ niệm khó quên trong đời. Trên đường về, tôi cứ suy nghĩ mãi, tại sao bà mời
tôi đến trong cơn mưa gió, để cho xem những đồ quý như vậy. Có lẽ trong những lần
gặp trước, bà đã kể cho nghe cuộc đời gian truân của bà khi còn trẻ, bây giờ bà
muốn cho tôi xem những ấn, mũ, áo hoàng hậu, coi như những chứng tích cụ thể
trong sự đổi thay của cuộc đời.
Lạ một điều
là, bà thường chỉ ở nhà, ít đi đó đây mà biết rất nhiều chuyện. Việc gì xẩy ra ở
Thừa Thiên bà cũng biết. Chắc có nhiều người đến thăm, kể cho bà nghe.
Có lần
tôi đi thăm quận Phú Thứ, gặp các hội đồng xã, có ông lãnh sự Mỹ đi theo. Khi về,
có hai ông già trên dưới 70 tuổi chạy ra nói với tôi:
- Xin
quan đừng chấp, chúng tôi chưa được đi máy bay bao giờ, giá quan cho chúng tôi
được lên bay một vòng, thì chết cũng thỏa dạ.
Tôi cười
trả lời:
- Được,
máy bay của tôi chở thêm được 5 người. Vậy ông quận trưởng cử thêm 3 người nữa,
tôi chở về tận xã.
Tôi phải
tạm để mấy người cận vệ ở lại, chở 5 cụ già về tận xã. Ngồi trên máy bay, các cụ
sướng quá. Tôi bảo phi công bay thấp với tốc độ chậm, cho các cụ nhìn xuống, chỉ
trỏ lung tung. Các cụ nhận ra từng xã, từng con kênh, cười nói ồn ào. Đến xã lại
bay một vòng cho các cụ nhìn thấy nhà mình, thật là vui mừng.
Trở lại
quận, tôi hỏi ông lãnh sự Mỹ có cách nào cho tôi mượn trực thăng của ông một
ngày vào tuần tới không, ông nhận lời.
Tôi nói với
trung tá quận trưởng:
- Tuần tới,
tôi cho anh mượn trực thăng một ngày, để anh mời tất cả các cụ trên dưới 70 tuổi
đến quận, rồi trực thăng sẽ đưa về từng xã. Anh làm xôi và thịt mời các cụ xơi.
Thế là tuần
sau các cụ ở Phú Thứ được đi máy bay hết. Nhiều cụ về đến nhà rồi vẫn không chịu
xuống, xin trở lại quận để đi bộ về. Thế mà thái hậu cũng biết, bà bảo tôi:
- Hôm nào
ông đưa tôi về quê ở Vĩnh Lộc cho tôi thăm nhà.
-Đức Từ
muốn đi lúc nào cũng được. Chỉ cần cho con biết trước một ngày, và trời tốt, chứ
đi vào ngày mưa sợ đức Từ mệt.
Lần ba
tôi ra thăm, bà cũng biết, và gọi cho tôi, mời ông cụ dùng cơm. Ba tôi mừng lắm
vì được đức Hoàng Thái Hậu mời ăn. Cha con tôi được bốn vị trong hoàng tộc tiếp
đón rất vui vẻ. Bà cũng nói chuyện với cha tôi thân mật như nói với tôi.
- Cụ cứ tự
nhiên nhé, tôi ăn chay nên ăn sau. Khi ra về, bà vỗ vai tôi và nói với ba tôi:
- Cái ông
này ở đây lo cho tôi nhiều lắm, và tử tế với mọi người. Cụ thật có phúc được
người con như vậy.
Nhiều người
ngoại quốc, nhất là những nhà ngoại giao được Bộ Ngoại Giao giới thiệu ra thăm
Huế, ai cũng nhờ tôi để được yết kiến thái hậu. Nhưng phần nhiều tôi thấy họ là
cấp thấp, nên không muốn phiền bà. Tôi chỉ xin bà tiếp một ông lãnh sự Ý, do
tôi hướng dẫn mà thôi. Ngoài ra, nhân ngày giỗ đức Tự Đức, tôi cũng xin bà cho
tôi được mời thêm hai ông bà mục sư Jonhson Glen, làm ở hội Hoàn Cầu Khải Tượng,
là người đã giúp tổng cục Chiến Tranh Chính Trị rất nhiều về quà cho chiến sĩ.
Ông được mời ra Thừa Thiên để giúp cho dân nghèo miền biển. Ông nói tiếng Việt
rất sõi. Khi gặp bà, ông thưa:
- Tâu đức
Từ, con là mục sư Johnson Glen, rất hân hạnh được đức Từ cho tiếp kiến. Con xin
chúc đức Từ vạn thọ.
Bà mục sư
cũng bái nhún, trang trọng theo cung cách đối với vua chúa Tây phương, và thưa
gởi rất lễ phép. Bà cười vui vẻ, hỏi thăm gia đình, và ngồi để hai ông bà mục
sư đứng hai bên chụp hình kỷ niệm. Sau khi ăn, ông bà mục sư được mấy vị trong
hoàng tộc dẫn đi thăm lăng. Tôi ngồi lại hầu chuyện bà. Tôi hỏi:
- Đức Từ
cho con biết, lăng của đức Từ đã sửa soạn đến đâu rồi? Bà đập vai tôi, nói:
- Thật lạ
là tôi cũng định nói với ông về chuyện này, sao đúng ý tôi quá. Ông biết đấy,
Ông Diệm có cho tôi một thửa đất để làm lăng, nhưng lâu nay bị tụi trẻ chăn
trâu, chăn bò vào phá quá, làm nát cả, mà tôi đâu có giữ được.
- Để con
lo cho đức Từ.
Sau đó,
tôi nhờ ông quận trưởng Hương Thủy, cũng là người hoàng tộc (Thiếu Tá Tôn Thất
Biên), lo cho bà. Ông nói cần kẽm gai để rào lại, và sẽ yết bảng cấm xung
quanh. Tôi phải lấy kẽm gai ở tư thất của tôi cho ông. Độ hai tuần sau, ông báo
cáo đã làm xong. Tôi gọi cho bà rõ, bà trả lời là đã biết rồi:
- Vừa định
cảm ơn ông, thì ông gọi. Ông tốt với tôi quá.
Trong thời
gian ở Huế, bà là người tôi lui tới nhiều nhất, để được nghe kể chuyện đời xưa,
và về các bà Hoàng Thái Hậu trước. Bà cũng kể về Hoàng Đế Bảo Đại và các hoàng
tử, Công chúa ngày còn nhỏ. Có lần bà nói với tôi là bà mong tôi ở đây mãi. Tôi
cũng nói đùa với bà:
- Con
cũng vậy, mong được ở đây đến khi đức Từ trăm tuổi, để con được đi đưa đám đức
Từ.
Tình hình
ở Quân khu I ngày một nặng nề. Các nhà giầu có ở Thừa Thiên đều lo lắng để di
chuyển vào Đà Nẵng, hay Sài Gòn, khi thấy Quảng Trị di tản; dân về Huế ngày càng
đông.
Tôi nhận
được nhiều đơn xin chuyển tiền, vàng, đồ cổ về Đà Nẵng hay Sài Gòn, bằng xe hay
ghe, thuyền. Thật không ngờ có nhiều nhà giàu thế. Không phải chỉ ở Huế, có nhiều
người ở vùng quê cũng xin chuyển cả mấy trăm lạng vàng, và đồ cổ nữa. Tôi chợt
nhớ đến đức Từ, và những đồ cổ của bà, nhất là những bộ đồ và ấn của hoàng hậu
mà bà đã cho tôi xem. Tôi cũng sợ là đồ của Hoàng Đế và nhiều đồ cổ của hoàng
gia do bà giữ, sẽ có thể bị hủy hoại hoặc thất lạc.
Tôi đến gặp
bà, thấy trong nhà không có gì thay đổi, và bà vẫn bình tĩnh. Chứng tỏ bà không
lo lắng gì, và chưa chuyển đồ đạc đi. Gặp bà tôi mừng quá. Bà hỏi tôi ngay:
- Ông Tỉnh!
Tình hình thế nào? Tôi nghe nói dân Quảng Trị chạy về đây đông lắm, và nghe nói
ông Thiệu định bỏ Huế và Quảng Trị cho Việt Cộng, chỉ giữ từ đèo Hải Vân về Đà
Nẵng mà thôi?
Tôi thưa:
- Dạ,
không có đâu đức Từ. Con còn đây, và Thừa Thiên vẫn còn yên lắm, hôm qua con
còn đi Phong Điền bằng xe mà. Con đến để thưa đức Từ rõ, là cần xem lại hầm
tránh pháo kích, và cũng xin chuyển những đồ quí giá của hoàng tộc vào Sài Gòn,
để tránh pháo kích bị hư hỏng.
Bà đồng ý
liền, và mượn tôi một chiếc G.M.C. để chuyển đồ về nhà một vị hoàng tộc ở Đà Nẵng.
Tôi cũng
gọi dây nói cho cụ Mai Thọ Truyền, quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, để xin ngân
khoản thuê Air Việt Nam, chuyển những đồ cổ của Huế vào Sài Gòn. Cụ đồng ý
ngay. Tôi lập một ủy ban gồm ông phó thị trưởng Huế, mấy vị nghị viên và ông
giám đốc viện Bảo tàng Huế, lo chuyển về Sài Gòn những đồ giá trị.
Sau này,
tôi được một người bạn ở Sài Gòn viết thư sang kể lại, có một tờ báo tố cáo mấy
ông lớn Việt Cộng đã đánh tráo, và lấy cắp mất khá nhiều.
Ít tuần
sau, đại tướng Thủ Tướng ra họp ở Đà Nẵng, để lo cho dân ty nạn, và cũng lo
phương tiện chở một số dân vào trong Nam. Thấy tình hình nghiêm trọng quá, tôi
xin với Trung Tướng Trưởng để mời đức Tăng Thống, đức Tổng Giám Mục và đức
Hoàng Thái Hậu di tản trước. Trung tướng đồng ý ngay. Riêng cụ Thứ, chánh nhất
tòa thượng thẩm, về bằng Air Việt Nam.
Với đức
Tăng Thống, tôi cũng đã có dịp gặp nhiều lần. Lần đầu tiên là khi mới ra Huế,
tôi đến chào ngài. Ông đã già lắm, tai to như tai Phật, hình như đã 98 tuổi.
Ngài sống gần một thế kỷ mà còn mạnh khỏe và sáng suốt lắm, chỉ phải hơi nghễnh
ngãng một chút. Tôi nói giọng Bắc, nên phải có một đại đức đứng cạnh ngài, để
ghé tai nhắc. Tôi được mời uống nước nụ vối pha gừng, và ăn bánh in. Tôi khen
nước uống ngon quá, ông nói là uống nước này tiêu hóa tốt, và ăn ngon. Nụ vối
phải để lâu, gừng thì phải đợi đúng nửa đêm ngày 5 tháng 5, ra vườn nhổ mấy gốc
già mang về thái ra, đem phơi sương đủ 15 ngày, rồi ủ với nụ vối, và cho vào
keo đậy thật chặt. Ngài hay cười, nói chuyện giọng nghe sang sảng. Có một con
chim bay ra bay vào, có khi đậu cả vào vai ông.
Lần thứ
hai tôi gặp ông, vì lúc ấy các chùa ở Huế đều treo đầy biểu ngữ “Xin đừng bắn
giết đồng bào ruột thịt của chúng ta”, ý muốn khuyên binh sĩ không nên chiến đấu.
Tôi xin ông ra lệnh cho các chùa không nên treo biểu ngữ đó. Ông trả lời:
- Ông tỉnh
thấy không, chùa tôi có treo gì đâu. Các thầy ấy bây giờ còn trẻ và hăng hái lắm.
Rồi ông
thở dài, mặt có vẻ buồn, ngồi lặng thinh. Tôi thưa:
- Đức
Tăng Thống nghĩ xem, ai cũng mong dân Huế mình được bình yên để làm ăn, nếu cứ
gây xáo trộn mãi chỉ dân là khổ.
Ông lại
thở dài, và trả lời xuôi:
- Thôi
ông tỉnh để tôi xem có lo gì được không.
Hai ngày
sau, có một đại đức còn trẻ đến thăm tôi vào buổi tối, nói là bí thư của đức
Tăng Thống, cho tôi biết ngài sai ông vào Sài Gòn, để đưa một thư riêng cho hòa
thượng Trí Thủ. Tôi nhờ ông cảm ơn ngài. Sau đó một số chùa vẫn để biểu ngữ, và
một số chùa tháo biểu ngữ đi.
Khi tôi gặp
đức Tăng Thống, trình bày với ngài về việc di tản vào Sàigòn, ngài đồng ý ngay.
Tôi đã lo trực thăng để ngài đi Đà Nẵng, và từ đây vào Sàigòn, ngài đi bằng
hàng không Việt Nam.
Tôi cũng
đến gặp Đức Cha Điền, ngài trả lời một cách dứt khoát sau khi cám ơn tôi:
- Tôi là
chủ chiên ở địa phận này thì chiên của tôi ở đâu, tôi ở đó. Cám ơn đại tá có
lòng, nhưng tôi dứt khoát không đi được.
Tôi biết
ngài đang chữa bệnh ở Sài Gòn, mà phải về Huế gấp, vì nghe tình hình ngoài
này lộn xộn.
Riêng về
Đức Từ Cung, Bà trả lời một cách khôn ngoan:
- Ông để
tôi họp hoàng tộc, rồi trả lời ông sau. Tôi hỏi lại:
- Nếu đức
Từ về Sài Gòn, thì đã có chỗ ở chưa? Nếu chưa, con sẽ trình về, để chính phủ lo
cho đức Từ.
Bà nói:
- Ở đâu
cũng có người của Hoàng tộc, và ai cũng hết lòng lo cho tôi.
Ngay hôm
sau, bà gọi dây nói cho tôi biết, bà không muốn di tản. Lý do là, nếu ra đi rồi
ông Thiệu bỏ Huế cho Cộng Sản, làm sao bà có thể về lại Huế, để lo lăng miếu của
nhà Nguyễn. Còn nếu giữ được Huế, thì bà cần gì phải di tản. Bà nói đùa với
tôi:
- Nếu có
đánh nhau ở Huế, ông đón tôi về cùng chiến đấu với ông, ông đã nhận tôi là bà nội
mà. Tôi cũng nhờ ông nhắn với ông Thiệu, nếu ông ấy bỏ Huế, là có tội với lịch
sử.
Ở Hoa Kỳ,
ngày nghe tin bà mất, tôi nhớ thương vô cùng. Có lẽ bà là người tôi gần gũi nhất
ở Huế, vì ngoài đó, tôi không quen biết nhiều. Địa bàn hoạt động phần lớn đời
binh nghiệp của tôi, hầu như hoàn toàn ở trong Nam. Tôi nghe nói khi bà mất, Việt
Cộng cũng để hoàng tộc lo đám tang cho bà long trọng lắm. Chỉ tiếc là con cháu
của bà ở xa không về đưa đám bà được nhắc đến bà Từ Cung, tôi không khỏi nhớ tới
bà thân mẫu của Tổng Thống Diệm. Mặc dầu khi cụ mất ở Sài Gòn, cũng được bà con
lo cho chu đáo, nhưng những con trai của cụ chẳng ai được gặp. Tôi không được dự
đám tang của cụ, vì lúc đó đang bị giam ở An Ninh Quân Đội. Nghe Đại Úy Minh là
bạn thân của tôi kể, có Trung Tướng Đôn và Trung Tướng Đính cho người đem vòng
hoa đến, nhưng hai ông không đến. Tôi nghĩ bụng, nếu mấy ông này còn chút liêm
sỉ và lương tâm, thì chả làm cái trò hề như vậy. Tay đã nhúng vào máu của người
đã gắn lon cho mình. Nếu cảm thấy hối hận, thì tự mình mang hoa tới chia buồn,
như một cử chỉ tạ lỗi. Nếu coi gia đình Tổng Thống như kẻ thù cần loại bỏ, tại
sao lại gửi hoa? Nhất là lúc ấy, các ông có quyền thế lớn trong tay, trong khi
người con duy nhất của cụ ở Việt Nam là ông Ngô Đình Cẩn bị giam ở Chí Hòa, người
mà hai ông đã từng đến chầu hầu, nịnh hót, cũng không được giúp cho ra để nhìn
mẹ lần cuối. Tôi chưa được biết mặt Cụ Cố, nhưng tất cả những người ở Huế mà
tôi được gặp, ai cũng khen cụ là một người đàn bà hiền đức, tử tế và nhân ái với
mọi người, nhất là hết lòng mộ đạo.
Tôi còn
được nghe nói về bà cụ thân sinh ra Tổng Thống Thiệu nữa. Ngày tôi theo học tại
trường chỉ huy và tham mưu Fort Levenworth ở Hoa Kỳ, bạn cùng khóa với tôi là Đại
Tá Ngô Hán Đồng, nguyên tỉnh trưởng Phan Rang, là quê của Tổng Thống Thiệu.
Chúng tôi ở hai phòng liền nhau, chung một phòng tắm, có cửa thông sang nhau. Tối
nào tụi tôi cũng nói chuyện đến khuya, nhiều khi cùng nhau ăn miến gà hay cơm
nguội (tiếc rằng anh đã mất về một tai nạn trực thăng trên hạm đội 7 của Hoa Kỳ).
Có lần tôi hỏi anh:
- Chắc hồi
mày làm tỉnh trưởng Phan Rang, cũng khổ với bà con gia đình ông Thiệu lắm
phải không?
- Lạ lắm
mày ạ! Ngày đổi ra ngoài ấy, tao cũng lo lắm, nhưng sự thật thì trái hẳn. Ra
ngoài đó, việc đầu tiên là tao và ông phó tỉnh trưởng đến chào bà cụ thân sinh
ra ông Thiệu. Khi tụi tao đến, bà đứng ở cửa đón, mặc áo dài cẩn thận, mời vào
nhà uống trà tử tế. Tao đứng dậy định thưa đôi điều. Thấy tao đứng dậy, bà cũng
đứng dậy. Tao nói: Thưa cụ, con được Tổng Thống bổ nhậm ra làm việc ngoài này.
Hôm nay con đến chào cụ, xin cụ chỉ dạy và giúp đỡ để con làm tròn nhiệm vụ Tổng
Thống giao phó. Bà mời tao ngồi xuống và nói nhỏ nhẹ:
- Đại tá
cũng rõ Tổng Thống tuy là con tôi thật, nhưng tôi là đàn bà đã già, quê mùa, chỉ
biết cầu nguyện cho Tổng Thống được sáng suốt mà lo việc nước. Ông là đại diện
Tổng Thống ở đây, và bà con Tổng Thống nội ngoại biết bao nhiêu người. Nếu ai
dùng danh nghĩa là bà con của Tổng Thống xin xỏ ông điều gì, xin ông đừng giúp
đỡ để khỏi mang tiếng. Nếu ông lo cho dân, là ông đã giúp đỡ Tổng Thống đấy.
Khi tao về, bà tiễn ra tận cửa. Mày nghĩ thế có lạ không? Nhà cửa của bà cũng
như đồ đạc đều giản dị. Thật ra, Phan Rang là tỉnh nghèo, và bà con gần của ông
Thiệu đều ở Sài Gòn cả, nên tao chả gặp khó khăn gì.
- Thế sao
mày lại bị đổi khỏi Phan Rang?
- Thì
cũng một phần tại tao, mình khôn quá hóa dại. Ngày đó, dựa vào tình hình an
ninh, các tỉnh phải phân loại có bao nhiêu xã loại A, B, C v.v… Khởi đầu, tao để
rất ít loại A, vì mình đâu có tin được nơi nào là an ninh 100%. Hơn nữa, tao định
cứ từ từ nâng loại B lên A, C lên B v.v… như vậy chứng tỏ mình một ngày một khá
hơn. Rủi cho tao, thằng cha lo việc này, nghe lệnh tao nên nó vẽ thế nào mà khu
vực ngay chung quanh nhà ông Thiệu đều xếp hạng B hết. Một hôm, ông Trung Tướng
Nguyễn Đức Thắng là tổng trưởng Xây Dựng Nông Thôn ra thanh tra, chính tao thuyết
trình, ông quay tao và hỏi: Ngay chính quê của Tổng Thống và gần tỉnh lỵ mà còn
hạng B, thì anh ăn nói với Tổng Thống thế nào? Tao đớ người, trả lời là nơi đó
cũng an ninh. Ban ngày thì hoàn toàn an ninh, nhưng về đêm không bảo đảm lắm.
Anh nói
thêm:
- Mày biết
tao và ông Thắng cũng là dân Pháo Binh cả, từ ngày hai thằng còn là thiếu úy.
Chắc ông có gì ghét tao. Hôm ông ra thanh tra, tao làm cơm mời ông và phái đoàn
ăn, nhưng ông không ăn, ra gốc cây ngồi nhai bánh mì, khiến cả phái đoàn có ai
dám ăn đâu. Thế là ít lâu sau tao bị đổi. Chắc ông chơi tao.
Tôi ghi lại
đây chuyện về ba bà mẹ của ba vị Quốc Trưởng Việt Nam. Các bà đều là người hiền
đức xứng đáng. Câu Phúc đức tại mẫu thật đúng lắm. Nhờ phúc của mẹ mà
con đã đạt được địa vị nguyên thủ quốc gia. Nhưng khi ở ngôi cao, mỗi người con
tự tạo cho mình một hướng đi riêng, đưa tới kết thúc riêng:
- Một người
cương trực, trọng tiết tháo, thà chết không chịu nhục. Chết thảm nhưng còn lại
tiếng thơm.
- Một người
ham thú vui vật chất hơn quyền lợi quốc gia, thà lưu vong hơn dấn thân. Sống lặng
lẽ, chết cũng lặng lẽ.
- Một người
láu lỉnh, làm bất cứ điều gì, thỏa mãn bất cứ ai để tiến thân, trọng địa vị hơn
chữ hiếu. Trước khi chết thật, đã kéo dài những ngày tháng lưu vong, sống cũng
như chết.
ÁI NỮ VÀ THANH GƯƠM CỦA
QUAN ĐỀ THÁM
Ông bác của
tôi là cụ Nguyễn Tất Tế, đậu cử nhân thời vua Thành Thái. Ngày đó cả Hưng Yên
chỉ có hai vị đậu cử nhân, một là cụ Nguyễn Đình Tỵ ở làng Hoàng Xá, hai là ông
tôi ở làng Nhật Lệ – huyện Phủ Cừ tỉnh Hưng Yên, hai làng ở gần nhau chỉ cách một
cánh đồng độ 2 cây số mà thôi. Cụ Nguyễn Đình Tỵ đậu thứ 8 và ông tôi đậu thứ
12. Hai gia đình rất thân nhau – 2 người con gái của ông tôi lấy 2 người
con trai của cụ Tỵ. Ông bác của tôi vì không có con, cha tôi là người thừa kế,
vì vậy tôi phải sang ở với ông tôi, coi như đầu sai, suốt ngày sau khi đi
học về chỉ quanh quẩn bên cụ.
Vì gần cụ,
chuyện gì cụ cũng kể cho tôi nghe. Riêng việc cụ giao thiệp thân tình với ông Đề
Thám khi cụ làm tri phủ Yên Thế, là cụ không kể. Mãi sau này, khi Việt minh nổi
lên, tôi đã lớn khoảng 16 tuổi, cụ mới kể cho nghe. Có lẽ trong thời Pháp thuộc,
cụ không dám kể, sợ tôi nói bậy ra ngoài mật thám để ý chăng.
Trong nhà
của ông bác tôi có một cái giá, chạm rồng thiếp vàng rất đẹp, kê 1 khẩu súng
săn và 4 thanh gươm: hai thanh vỏ đồng đỏ trạm bạc kiểu Âu Tây, một thanh cong
và một thanh thẳng, ông tôi nói là của một ông công sứ đổi cho ông, lúc ông tôi
làm tuần phủ Vĩnh Yên, lấy một cái chậu cắm hoa cổ đời Tống. Thanh gươm thứ ba
vỏ bằng đồng đen, ông tôi mua được khi làm tuần phủ Cao Bằng (thời Từ Hy thái hậu,
bên Tầu có loạn ở Kinh thành, thổ phỉ vào cướp các nhà quan và cung vua lấy rất
nhiều đồ quý đem bán bên ngoài, có nhiều đồ bán sang tận Việt Nam), ông tôi mua
được thanh gươm này, cùng với một bộ bàn đèn thuốc phiện và một số đồ cổ nữa.
Còn thanh gươm thứ tư, vỏ bằng gỗ khảm xà cừ, chuôi gươm bằng sừng chạy chỉ bạc,
so với mấy thanh gươm kia thì thanh này xấu hơn, nhưng lưỡi gươm sắc hơn nhiều,
ông tôi nói là của quan Đề Thám tặng.
Vì thời
gian quá lâu, vả lại lúc ấy tôi còn nhỏ, chỉ nhớ trong lòng chứ không ghi chép
nên tôi quên một số chi tiết, nhưng ý chính trong câu chuyện mà ông tôi kể (lúc
Tây không còn cai trị nữa) cho tôi nghe về quan Đề Thám, thì tôi còn nhớ. Đại
khái câu chuyện như sau.
Ngày ông
tôi đang làm tri huyện ở Hà Đông (tôi không nhớ huyện gì và năm nào) thì được
thăng tri phủ và bổ nhậm về phủ Yên Thế. Theo ông tôi, được thăng tri phủ mà phải
bổ đi Yên Thế, thì chả có gì đáng mừng vì phủ ở miền trung châu, lại có đồn điền
của ông Đề Thám (lúc ấy đã về hàng Pháp) nên rất khó khăn trong việc đối xử. Đặc
biệt,ø thường khi được lệnh đổi đi đâu thì chỉ chào giã từ công sứ và tuần phủ
rồi đáo nhậm nơi mới sau khi trình diện công sứ và tuần phủ sở tại, nhưng trường
hợp của ông tôi lại khác: khi chào công sứ Hà Đông, ông này bảo ông tôi phải đi
gặp ông thống sứ Bắc Kỳ trước khi đi Yên Thế.
Khi gặp
thống sứ, ông này nhắc nhở ông tôi:
- Ông sẽ
gặp nhiều khó khăn với Đề Thám, tôi được nhiều tờ trình là thuộc hạ của ông ta
vẫn kiểm soát nhiều làng nằm ngoài vùng mà chính phủ đã chia cho ông ấy. Họ thu
thuế ở các làng xung quanh vùng này và còn thu thuế chợ phủ nữa, nhất là ông Đề
Thám vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều với người thiểu số trong vùng. Vì muốn yên
bình, chính phủ đã phải chia cho ông Đề Thám một vùng đất để ông Đề lập đồn điền.
Mặt khác, chính phủ cũng muốn ông Đề lộ diện để dễ bề theo dõi, nhưng theo tin
tức thì ông Đề hãy còn để lực lượng lại các vùng xung quanh, v.v…
Ông tôi hỏi
lại:
- Theo
tôi, muốn được yên ổn thì hai bên cần phải giao thiệp với nhau để giải quyết những
xích mích có thể xảy ra. Nếu tôi đi lại với ông Đề Thám, chính phủ có thể ngờ
là thông với giặc. Nếu không giao thiệp thì rất khó cho việc cai trị.
Ông thống
sứ nói ngay:
- Ông yên
tâm, cứ giao thiệp và lấy tin tức. Tôi tin là ông đã làm quan thì không theo giặc
mà đã theo giặc thì không làm quan. Tôi tin cậy ông nên mới bổ nhậm ông về Yên
Thế.
- Thế còn
đồn lính bảo hộ đóng ở phủ lỵ thì sao?
- Họ sẽ
làm những gì ông yêu cầu, và bảo vệ phủ lỵ.
Ông tôi
cũng nhắc lại những điều đó với công sứ và tuần phủ sở tại. Ai cũng đồng ý là
ông tôi nên giao thiệp với ông Đề Thám, để được dễ dàng trong việc cai trị.
Khi ông
tôi đến nhận bàn giao, ông tri phủ cũ mừng ra mặt và nói:
- Quan
bác đến đỡ cho tôi một gánh nặng. Ở đây nó phá quá, tôi chả đi được đến đâu và
thỉnh thoảng lại bị cướp chợ, các tổng lý còn sợ chúng (ý nói thuộc hạ của ông
Đề Thám) hơn cả sợ quan nữa.
Thế rồi
ông đi ngay, sau khi các tổng lý đến chào từ biệt. Ông phủ cũ ở một mình trong
phủ, không có gia đình. Ông tôi có bà đi cùng, và một người cháu gái. Ở phủ Yên
Thế lính cũng đông hơn các nơi khác. Có khoảng trên ba chục người, do một người
đội lệ và hai người cai coi sóc.
Chưa đầy
một tháng sau khi ông tôi nhậm chức, đã xảy ra vụ cướp chợ do bộ hạ của ông Đề
Thám đến thu thuế – họ thu thuế mỗi tháng một lần. Thế là vỡ chợ ồn ào, mà chợ
thì ở gần ngay Phủ. Ông tôi đích thân cho lính phủ ra vây chợ, đồng thời nhờ
lính đồn bảo hộ giúp sức. Kết quả có 7 người cướp chợ bị bắt đem về phủ giam. Đồn
lính bảo hộ, do một thiếu úy người Pháp chỉ huy, có độ từ ba đến bốn chục lính
Pháp trang bị súng máy và súng cối. Ông đồn trưởng vui thích lắm, nói với ông
tôi là xưa nay chả ai nhờ vả gì đến lực lượng của đồn cả.
Sau khi lấy
khẩu cung những người cướp chợ bị bắt, ông tôi được biết họ là một toán thuộc hạ
của ông Đề, tự động đi thu thuế, chứ không có lệnh của ông Đề. Ông tôi bèn viết
một lá thư cho ông Đề, kể rõ sự việc và nói sẽ thả những người bị bắt, xin ông
Đề trừng phạt họ để làm gương, đồng thời yêu cầu ông Đề cho người ra lãnh họ về.
Thư này do một người cai dẫn theo một người bị bắt đem vào đồn điền trình ông Đề.
Ngay ngày
hôm sau, con trai ông Đề là ông cả Huỳnh (tôi không chắc nhớ đúng tên) đem một
đùi nai ra phủ biếu ông tôi, cùng với một lá thư xin lỗi, trong đó ông Đề nói
là ông không biết thuộc hạ đã làm bậy như vậy.
Người con
trai ông Đề rất lễ phép và được ông tôi đón tiếp rất thân mật. Ông cả Huỳnh
nói:
- Đáng lẽ
cha con ra chào quan phủ, nhưng xin quan phủ hiểu cho, cha con ít ra vào chỗ
công môn nên sai con đi. Nhưng cha con tha thiết mời quan phủ đến thăm.
Ông tôi
vui vẻ nhận lời, hứa nếu có dịp quan Đề rảnh và được mời ông tôi sẽ vào thăm.
Ông tôi nói ông là người đầu tiên của chính quyền nhận lời đến thăm ông Đề. Các
quan khác không ai dám vào thăm, vì sợ bị nghi là tư thông với giặc.
Thế là
khi ông cả đem thư mời của ông Đề đến, ông tôi nhận lời liền. Đến ngày hẹn, ông
cả ra phủ đón, ông tôi dẫn theo ông thừa phái, ông đội lệ và 6 người lính phủ
đi cùng.
Đến trại,
ông tôi được đón tiếp rất long trọng, đủ cả chiêng trống tù và, các đầu lĩnh của
ông Đề đều có mặt và được ông cả giới thiệu từng người một. Ông Đề Thám ra đón
ông tôi ở cửa nhà, ông mặc áo dài đen và chít khăn cẩn thận. Tiếp đó ông Đề mời
ông tôi dự một bữa cơm cùng với các đầu lĩnh và con trai của ông. Đang ăn thì
cô Ba (vợ ba ông Đề) ra mời chào. Cô Ba hết sức nhã nhặn, là người có nhan sắc
và còn trẻ. Cô mặc áo dài, không đeo nữ trang.
Sau bữa
ăn, ông tôi và ông Đề Thám bàn bạc riêng với nhau. Hai người rất tương đắc, những
việc gì ông tôi đề nghị ông Đề đều đồng ý và những gì ông Đề nhờ ông tôi đều nhận
lời. Điều quan trọng mà ông Đề nhơ,ø là nếu mật thám định bắt ông mà ông tôi biết
được, thì xin mật báo cho. Ông Đề nói:
- Ngày
còn chiến đấu trong rừng tại khu chiến bí mật thì không sợ. Nay về đầu thú, tụi
Pháp biết rõ đường đi nước bước của mình rồi thì dễ bị bắt lắm; lực lượng của
mình có gì là tụi nó biết hết, nó dẹp lúc nào cũng được. Vì vậy tôi vẫn còn phải
để một số anh em ở trong rừng xa.
Từ đó hai
bên thân thiết và quý mến nhau lắm. Ông Đề coi ông tôi là tri kỷ. Có khi ông
tôi vào chơi nằm bàn đèn hút thuốc phiện cùng ông Đề nữa. Ông Đề có một người bồi
tiêm rất trẻ, đặc biệt là anh ta không nghiện và theo ông Đề, anh ta giỏi võ lắm,
lúc nào cũng ở cạnh ông. Ngoài ra, còn có nhiều anh em giữ an ninh cho ông ở
quanh nhà. Hai bên thư từ với nhau bằng chữ Hán, ông tôi nói ông Đề chữ Hán
cũng giỏi, chữ viết sắc và tươi.
Ngày ấy
có nhiều nhà cách mạng đến thăm ông Đề Thám, trong số có cả các cụ Phan Bội
Châu và Phan Chu Trinh, cũng bí mật đến thăm ông Đề. Mật thám Pháp biết ngay kể
cho ông tôi nghe. Khi ông tôi hỏi thì ông Đề nhận là đúng. Có lần cụ Nguyễn Thượng
Hiền đến phủ nhờ ông tôi đưa vào thăm ông Đề – lúc ấy cụ Hiền đang làm đốc học ở
một tỉnh nào mà tôi quên tên – ông tôi không dám đi cùng, sợ mật thám nghi, nên
cho ông thừa phái dẫn cụ vào. Cụ Nguyễn Thượng Hiền ở với quan Đề Thám một ngày
một đêm. Hôm sau về kể với ông tôi là ông Đề già rồi, người mập và có vẻ uể oải
(ngày hút thuốc phiện mấy cữ nên rất ít hoạt động), không biết rõ tình
hình thế giới bên ngoài, và không có chí lớn, do đó lo việc lớn không được (đó
là nhận xét của cụ Nguyễn Thượng Hiền), vả lại ông Đề còn nghiện thuốc phiện nữa.
Ông tôi
cũng phải cho mật thám Pháp biết là cụ Nguyễn Thượng Hiền có đến nhờ đưa vào
thăm quan Đề Thám. Mật thám cho hay họ cũng biết chuyện này, và cũng biết cụ
Nguyễn Thượng Hiền ở lại với ông Đề một ngày một đêm, nay ông tôi cho biết thì
họ tỏ ra tin tưởng ông tôi lắm. Như vậy chứng tỏ bên cạnh ông Đề mật thám Pháp
đã cài được người rồi. Khi vào thăm ông Đề và lúc chỉ có riêng hai người với
nhau, ông tôi cho ông Đề biết việc này để đề phòng.
Ông Đề tỏ
ra lo lắm, vì có rất nhiều người, ở cả miền Trung lẫn trong Nam đến liên lạc với
ông, họ nghĩ lực lượng của ông rất mạnh và tiếng đồn ngày một rộng ra, vì vậy cứ
ít lâu lại có người đến liên lạc. Ông Đề nghĩ theo tình hình này thì thế nào mật
thám cũng biết, có lẽ họ muốn làm một cái bẫy để theo dõi những người đến thăm
ông, rồi sau đó có cớ để dẹp ông; bây giờ mình ở trong vòng kiểm soát của nó rồi
nên không thể làm gì được, nó muốn dẹp lúc nào chả được.
Rồi một lần,
có viên đại úy pháo thủ người Pháp, đến đồn lính bảo hộ ở lại cả tuần, ngày nào
cũng đi thám sát tìm chỗ đặt súng đại bác, có khi vào sát khu vực của ông Đề nữa.
Ông Đề bàn với ông tôi là có thể họ dọa để ông sợ, và cũng có thể là họ sẽ tấn
công. Ông Đề có vẻ thối chí lắm.
Một hôm
ông cả ra phủ mời ông tôi đến thăm ông Đề, để bàn một việc gấp lắm. Ông Đề nói:
- Đến nước
này tôi đành chịu thua. Tôi định đem một số tay chân tâm phúc đến vùng gần biên
giới Trung Hoa cho anh em buôn bán làm ăn, còn lại giải tán một số và để lại một
số tiếp tục canh tác đồn điền. Nếu người Pháp để tôi yên thì tôi ở lại Việt
Nam, còn nếu bị truy lùng tôi sẽ sang Tầu rồi chết già bên đó. Dù cố gắng hết sức
tôi cũng không làm gì hơn được, súng ống của mình thô sơ chả làm nên việc lớn
được.
Ông tôi
bàn ông Đề nên gặp ông công sứ, nói ý định của mình muốn giải tán anh em, chắc
Tây sẽ mừng lắm, và có thể xin giúp đỡ một số tiền để cho anh em về quê quán lập
nghiệp. Ông Đề liền nhờ ông tôi đi gặp ông công sứ giùm, ông còn xui ông tôi nhận
đó là công ông tôi đã thuyết phục được ông Đề Thám!
Ông tôi gập
ông công sứ, mật thám tỉnh cũng có mặt. Quả nhiên ông công sứ mừng lắm, nhưng
ông nói phải đợi ông về trình với ông thống sử. Sau khi được thống sứ chấp thuận,
người Pháp xúc tiến việc giải tán các lực lượng vũ trang của ông Đề Thám. Họ tiếp
xúc với ông Đề qua một số người – có lẽ do mật thám chỉ định – thành ra ông tôi
không được rõ chi tiết và cũng không biết họ đã chu cấp tiền nong cho tay chân
ông Đề như thế nào.
Từ đấy
ông tôi vẫn thường xuyên liên lạc với ông Đề, hai người bàn bạc thành thật với
nhau. Còn ông công sứ thì vui mừng lắm và tỏ ra rất nể nang ông tôi. Chắc rằng
khi việc này xong ông ta sẽ có công lớn.
Khi sắp
đi, ông Đề có hỏi ông tôi là muốn biếu ông tôi cái gì đề làm kỷ niệm. Ông có
cái ngà voi quí, đó là ngà voi chết tức là tìm được ở trong rừng khi voi già mà
chết chứ không phải bắn được nên quí lắm. Ông tôi từ chối và chỉ xin ông Đề
thanh gươm. Ông Đề có 3 thanh gươm, một thanh luôn ở bên người, một thanh do
người Tầu tặng, và một thanh nữa cũng của Tầu mà ông mua dược khi còn trẻ lúc mới
hoạt động. Ông kể rằng thanh gươm sau cùng đã nhúng máu nhiều người, và tặng
luôn thanh này cho ông tôi. Ông cũng tặng thêm một mã tấu nhỏ vỏ bằng da trâu
cùng với một cái mật gấu. Sau đó, ông cho người mời cô Ba vợ ông ra rồi nói với
ông tôi, giọng rất cảm động:
- Đàn bà
nhà tôi (2) có đứa con gái, nay mai không biết làm sao mà mang đi được. Vợ chồng
tôi muốn cho quan phủ làm con nuôi, biết quan phủ không có con nên chắc quan phủ
vui lòng. Tôi thật lòng coi quan phủ như là tri kỷ nên tin là quan phủ sẽ nhận
và thương đến cháu.
Ông tôi mừng
và nhận lời ngay, nhưng cũng bàn thêm là sẽ nói cho công sứ biết, để sau này khỏi
có điều tiếng gì. Ông tôi nói chuyện này với ông công sứ, và nói thêm như vậy
là rõ ràng ông Đề Thám muốn giải tán bộ hạ thực sự. Ông công sứ đồng ý vơi ông
tôi và cũng hứa sẽ chu cấp tiền để lo cho cô nhỏ, cô tên là Hoàng Thị Thế (tôi
không hỏi ông tôi lúc đó cô bao nhiêu tuổi.)
Lạ một điều
là ông tôi được ông Đề coi như tri kỷ, việc gì cũng bàn cùng, và về phía người
Pháp thì ông tôi được tin cậy vô cùng, ý kiến gì cũng được công sứ chấp thuận.
Thế rồi
ít ngày sau, ông cả đến phủ vào lúc gần tối, báo cho ông tôi biết ông Đề đã đi
dược hai hôm rồi, chắc là bình yên. Ông cả cũng cho ông tôi rõ là kế hoạch đi
được tổ chức chu đáo lắm. Ông Đề ra đi vào buổi sáng hôm trời mưa lâm râm. Ông
cưỡi ngựa, mặc áo tơi, đội nón rộng vành, dẫn theo một số thuộc hạ thăm mấy đồn
xung quanh, rồi trở về. Tiếp đó, lại đi thanh tra thêm ba lần nữa, nhưng lần thứ
hai thì ông đi luôn. Còn những lần thứ 3 và 4 thì do mấy người tâm phúc giả dạng
đi đi về về. Cô Ba cũng đi cùng. Ông Đề dặn ông cả là đợi khi ông đi được hai
ngày, thì báo cho ông tôi biết, để ông cho công sứ hay. Ông tôi hỏi ông cả bao
giờ đi, ông thưa sáng mai sẽ đi. Mọi việc ở đồn điền đều làm đúng như đã bàn với
ông tôi.
Khi ông
tôi nói việc này cho ông công sứ nghe, ông ta không tỏ ra ngạc nhiên gì hết, cỏ
vẻ như ông ấy cũng biết rồi.
Đột nhiên
ít ngày sau, ông công sứ cho ông tôi rõ là ông Đề đã bị phản và chết rồi. Thủ hạ
của ông đã giết ông khi ông đang hút thuốc phiện (sau này đọc sách tôi thấy kể
là Lương Tam Kỳ (3) chứ ông tôi không kể tôi nghe tên người giết quan Đề Thám).
Ông công
sứ nói với ông tôi là muốn bêu đầu ông Đề, cho các phủ huyện cử đại diện đến
xem, để mọi người tin là ông Đề đã chết, sẽ không còn ai nghĩ đến ông mà liên lạc
nữa. Ông tôi không đồng ý. Ông công sư nói:
- Đằng
nào ông Đề cũng chết rồi, vả lại không phải do mình giết mà do thủ hạ của ông ấy,
và đó là lệnh của thống sứ thì phải thi hành thôi.
Đầu ông Đề
được bỏ trong một cái giỏ treo ở cổng phủ, nhưng ông tôi nói là đã rữa rồi và
tóc cũng rụng nhiều không còn nhận ra được là ai nữa.
Ông tôi kể
rằng cho đến nay (bấy giờ là năm 1946) ông tôi vẫn hy vọng ông Đề còn sống. Ông
tôi nghĩ rằng ông Đề và Tây đã thỏa thuận với nhau để ông giả chết mà an hưởng
tuổi già. Nếu bị ám sát thì mấy người cận vệ và nhất là người bồi trẻ tiêm thuốc
của ông đâu? Cô Ba và ông cả đi đâu? Sự việc thật là khó hiểu.
Trong mấy
tuần liền, đại diện các phủ huyện trên toàn thể Bắc Kỳ đến Yên Thế đông lắm, có
phái đoàn do chính tri phủ hay tri huyện cầm đầu, có khi do một chánh tổng
trong phủ huyện hướng dẫn. Các quan thì ở trong phủ với ông tôi, còn những người
khác từ chánh tổng trở xuống thì ở trọ nhà dân. Phủ lỵ vui nhộn, hàng quán tấp
nập. Riêng trong phủ đề chiêu đãi mọi người, ngày nào cũng mổ bò mổ lợn làm mấy
chục mâm đãi khách. Ai đến cũng vào chào quan phủ sở tại và biếu đồ. Thôi thì đủ
mọi thứ sâm, nhung, quế, chim câu, ngỗng, gà vịt, cả bê bò nữa chứa đầy cả phủ.
Lính phủ thì chia nhau đưa từng phái đoàn lên thăm đồn điền của quan Đề Thám,
chi phí chiêu đãi do công sứ cấp.
Sau đó,
ông tôi được đổi đi làm tri phủ Vân Đình, thuộc tỉnh Hà Đông. Từ đó ông tôi
không được tin gì về ông cả con trai ông Đề. Ngay cả cô Ba vợ ông Đề cũng không
liên lạc thăm hỏi đến cô Thế là con của bà. Cô Thế không thích đi học ở trường
phủ, ít nói, và tính nết cứng cỏi, ông tôi phải mượn một thầy giáo dậy cô ở
nhà. Cô rất mến ông tôi, nhưng không hợp với bà tôi. Bà tôi kể là cô lười biếng
không chịu học hỏi việc nhà và bướng bỉnh, tính nết như con trai. Đặc biệt ông
bà công sứ rất thương cô Thế, họ tặng cô quần áo và mời cô ăn nhiều lần.
Thương cô
quá cô đơn, ông tôi đề nghị ông công sứ cho cô sang Pháp học thì được chấp thuận
liền. Từ bên Pháp, khi còn nhỏ, tháng nào cô cũng viết thư cho ông tôi. Khi lớn
lên, cô theo học ngành điện ảnh, thư từ thưa dần, mỗi năm chỉ có vài ba lần,
tuy nhiên cô luôn luôn nhớ ngày sinh nhật của ông tôi. Tôi nhớ thư cô viết bao
giờ cũng mở đầu bằng Cher Papa. Có lần cô gửi ảnh về, thấy người cao và đầy đặn,
mặc quần áo trắng, ông tôi vẫn để mấy tấm hình cô trong ngăn kéo. Từ khi Vệt
minh nổi lên, cô không còn liên lạc nữa. Sau đó không biết cô có chồng con gì
không chứ trước năm 1945 thì chưa. Có điều đặc biệt là trong những thư gửi cho
ông tôi, cô không bao giờ hỏi han gì về gia đình cô, nhất là mẹ cô. Sau này tôi
có đọc một bài báo nói về cô, được biết cô đóng vai phụ trong vài cuốn
phim của Pháp, nhưng chắc không xuất sắc lắm nên không có tiếng tăm gì.
Còn thanh
gươm của quan Đề Thám tặng, ông tôi quí lắm, luôn luôn nói rằng ông Đề nổi tiếng
cũng do thanh gươm này và nó đã nhúng máu nhiều người. Nhà nào trong làng nghi
bị ma quấy thường đến xin ông tôi cho mượn thanh gươm về để trừ tà.
Thời Việt
minh (khoảng năm 1947) ông Hoàng Minh Giám, bộ trưởng ngoại giao của chánh phủ
Hồ Chí Minh đi kinh lý Hưng Yên, có ghé thăm ông tôi. Ông Giám là con cụ Hoàng
…?(tôi quên tên) cụ là bạn thân của ông tôi. Gặp ông Giám, ông tôi mừng lắm, giữ
ở lại ăn cơm tối cùng chủ tịch tỉnh và chủ tịch huyện đi tháp tùng ông Giám.
Khi ăn cơm, tôi được ngồi cùng để ông tôi sai vặt. Ông Giám có hỏi ông tôi về
chuyện ông Đề ,vì đã được ông thân của ông kể cho nghe. Ông tôi kể lại, rồi sai
tôi đi lấy thanh gươm của ông Đề cùng ảnh của cô Thế cho ông Giám xem. Ông này
tỏ ra thích thú lắm. Tôi còn nhớ ông Giám đi kinh lý dẫn nhiều người tháp tùng,
có một người mang theo hai cái sacoches bằng da đựng đầy bút máy parker và
pilot dùng làm quà tặng. Ông Giám biếu ông tôi một chiếc Parker.
Mấy tháng
sau, chủ tịch tỉnh mời ông tôi và cha tôi ăn một bữa tiệc gây quỹ cho hội
Liên-Việt, đồng thời ngỏ ý xin ông tôi thanh gươm để bán đấu giá. Ông tôi tặng
thanh gươm vỏ đồng của Tây, không chịu cho thanh gươm của quan Đề Thám. Tuy
nhiên, khi bán đấu giá thì cha tôi lại là người mua được, do đó mấy thanh kiếm
của ông tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Thời gian
sau, Tây về chiếm tỉnh ly Hưng Yên rồi dần dần mở rộng vùng hoạt động. Họ thiết
lập một đồn binh lớn ở La Tiến cạnh sông Hồng, cách làng tôi chừng 6 cây số, gọi
là chi khu (quartier) Ở La Tiến. Có một dạo Bernard Delattre làm chi khu trưởng
(Bernard Delattre là con trai thống tướng Pháp Delattre de Tassigni),
quân Pháp
mở cuộc càn quét lớn vây cả mấy làng trong đó có làng tôi. Hầu hết dân làng đều
chạy vào nhà ông tôi, vì họ tin rằng ông tôi làm quan thời Pháp thuộc, chắc được
người Pháp nể nang. Đặc biệt cả chủ tịch huyện cùng mấy cán bộ cao cấp của Việt
Minh cũng chạy vào nhà cha tôi – họ Nguyễn nhà tôi ở cả vào một khu trong làng,
nhà nọ thông sang nhà kia như cùng một nhà vậy. Ông tôi và gia đình lo sợ, cha
tôi phải lấy áo dài cho chủ tịch huyện mặc và dặn dò phải nhận là tá điền ở ấp
Quang Lệ của cha tôi đến vay thóc – làng Quang Lệ ở sát làng tôi và cha tôi có ấp
ở đó.
Đứng trên
lầu cao, chúng tôi theo dõi được cuộc hành quân của Tây. Nhận thấy quân Pháp mỗi
lúc mỗi tiến gần, ông tôi lo sợ lắm, chốc chốc lại gọi cha tôi lên hỏi về chủ tịch
và mấy cán bộ cao cấp của Việt Minh. Ông tôi phàn nàn:
- Tại sao
lại cho tụi này ở nhà mình? Tây mà biết dược, nó sẽ phá nhà mình cho mà coi.
Cha tôi
thưa:
- Thưa
bác, con không biết làm sao được. Tây không ở đây lâu, còn mình phải ở với họ
hoài. Nếu xẩy ra sự gì cho ho,ï chúng sẽ hại cả nhà mình…
Ông tôi
đi lên đi xuống băn khoăn vô cùng, mặc dầu gia đình tôi có một giấy giới thiệu
của cha xứ Cao Xá người Pháp – cha Condé Thập – trong giấy nói gia đình tôi
thân Pháp, và ông tôi đã từng làm quan đầu tỉnh thời Pháp. Cha xứ dặn rằng, hễ
Tây đi càn qua thì đưa giấy cho họ. Ông tôi giao tôi giữ giấy này để nếu quân
Pháp vào nhà mình thì đưa ra. Sau ông tôi nghĩ ra một việc nữa, cụ lấy ở đáy tủ
ra mề đay bắc đẩu bội tinh đeo lên ngực và lấy khăn quàng cổ dài che đi. Ông
tôi nói cái bắc đẩu bội tinh (Légion dHonneur) này đối với Tây quí lắm, nhiều
công sứ Tây cũng chưa được, ở Bắc Kỳ chỉ vào khoảng sáu chục người có mà thôi.
Ông tôi được mề đay này khi làm tuần phủ Thái Bình.
Khi Tây đến
cổng, tôi ra đón. Cùng đi với tôi là ông già gác cổng Binh Măng – ông này là
lính thợ đã từng sang Pháp tùng chinh, nói bập bẹ được mấy câu tiếng Tây, tên
ông là Măng đi lính nên gọi là Binh Măng. Sau khi giải ngũ, ông gác cổng cho
ông tôi và trông coi vườn tược. Tụi Tây xông xáo, chạy vào lục soát trông hung
hăng vô cùng, làm tôi cũng run sợ. Thấy có người đội đi sau, tôi bèn đưa giấy của
cha xứ Cao Xá cho người này. Ông trung sĩ thấy thư thì gật gù, đưa tôi lại gặp
cấp chỉ huy là trung úy Bernard Delattre và đưa thư cho ông ta coi. Tôi thấy
Bernard rất đẹp trai, còn trẻ, và rất lịch sự. Ông ta bắt tay tôi, rồi tôi dẫn
ông vào gặp ông bác tôi.
Trong nhà
lúc bấy giờ đông cả mấy trăm người, tập trung ở nhà thờ họ trong ngôi nhà của
cha tôi. Người ngồi đầy cả ngoài vườn nữa, thấy Tây vào, ai nấy mặt mày xanh
xám ngồi như chết. Thấy ông tôi đeo Bắc Đẩu Bội Tinh, trung úy Bernard Delattre
vô cùng ngạc nhiên. Ông ta đứng nghiêm, chào rất kính cẩn và lập tức ra lệnh
cho binh sĩ không được lục soát ồn ào nữa. Ông tôi mời Bernard vào phòng khách
uống rượu – rượu DuBonnet nhà tôi còn từ xưa. Thấy phòng khách đẹp quá, nhiều đồ
cổ, hoành phi câu đối treo đầy, Bernard thích lắm. Khi đến cái giá để mấy thanh
kiếm, ông ta mê luôn. Thế rồi Bernard ở chơi với ông tôi cả mấy tiếng đồng hồ,
đi xem nhà thờ và xuống nhà cha tôi. Gặp chủ tịch huyện và mấy cán bộ ngồi ở
tràng kỷ, ông lại gần bắt tay họ sau khi được cha tôi giới thiệu – mấy người
này run muốn chết, khi được bắt tay thì cúi gập người xuống.
Trước khi
ra về, ông tôi tặng Bernard một cái bình phong nhỏ để che lò sưởi, khảm trai
hai mặt, một mặt có hai người đánh kiếm, mặt kia là lưỡng long chầu nguyệt bằng
gỗ trắc. Bernard ngỏ ý xin ông tôi thanh gươm của quan Đề Thám. Ông tôi không
cho, nói là của người bạn cố tri tặng. Thay vào đó, đồng ý cho thanh gươm của
Tây, nhưng Bernard nói không thích, vì đã có rồi. Ông chỉ thích thanh gươm của
ông Đề, vì cái vẻ cổ kính đặc biệt Á Châu của nó. Sau ông tôi tặng thêm một cái
bát để cắm hoa đời Minh, Bernard thích vô cùng, hứa sẽ đến thăm ông tôi thường
xuyên, vì từ đồn đến nhà tôi có độ 6 cây số mà thôi, nếu bắc được cây cầu ở
Hoàng Xá, đi xe chỉ mất nửa giờ là cùng.
Kế đó,
Bernard cho một toán lính Tây sắp hàng bồng súng chào ông tôi, nói đó là danh dự
dành cho những người có Légion dHonneur, rồi mới giã từ ra về. Sau Bernard đổi
về khu chiến Hưng Yên, làm trưởng phòng 2. Tình hình chiến sự ngày một nặng nề
hơn, máy bay Pháp bắn phá lung tung các làng trong vùng, nhà của cha tôi bị Việt
Minh trưng dụng làm nơi giam tù binh Pháp. Cha tôi bị bắt buộc phải tản cư vào
Thanh Hóa, ông tôi vì quá già không phải tản cư, nhưng bị canh chừng kỹ lắm.
Gia đình tôi phải đào hố ngoài vườn để chôn giấu đồ quí giá, nhất là đồ cổ, kể
cả thanh gươm của quan Đề Thám. Tôi còn nhớ chỗ chôn. (tuy nhiên, gần đây em
tôi ở bên Pháp có dịp về thăm quê, vào nhà cũ thì chả nhận ra được đâu là đâu.
Các ngôi nhà cũ đều bị tiêu thổ không còn lại một di tích gì. Trong khu gia
đình tôi ở lúc trước, bây giờ có đến trên sáu chục hộ làm nhà ở đó, nên không
thể nào nhận ra được).
Rồi sau
đó chúng tôi phải chạy ra Hà Nội, và tôi gia nhập quân đội. Ông tôi quá già, nhất
định không chịu vào Nam, ở lại rồi bị đấu tố mà chết. Khi chết không được chôn ở
lăng mộ đã làm sẵn mà phải chôn ở cạnh đê. Sau này người làng kể lại, khi Việt
Minh đấu tố ông tôi, họ phải lấy người làng khác đến kể tội, vì người làng
không ai nỡ nói hỗn với cụ – có vài người trẻ bị bắt buộc, nhưng cũng không dám
có hành động gì quá đáng.
Khi còn
sinh thời, ông bác của tôi luôn luôn dậy tôi phải chung thủy, đừng vì danh lợi
mà bỏ bạn bè. Như trường hợp của ông tôi, theo ông thống sứ nói – làm quan thì
không theo giặc mà theo giặc thì không làm quan – thế mà ông tôi vẫn giữ trọn vẹn
tình nghĩa với quan Đề Thám (giặc Đề Thám, theo như Tây gọi lúc bấy giờ), mà
không bị người Pháp nghi ngờ. Tội một điều, vào cuối cuộc đời, cụ vẫn bị khổ với
bọn Cộng Sản vô thần.
Tôi vì nhỏ
tuổi, chỉ nghe kể mà không biết gì để hỏi, sau này có thắc mắc tại sao lại gọi
là quan Đề – Đề Lại hay Đề Đốc – cũng như khi tôi là trung úy coi chi khu Doãn
Lại ở Vĩnh Yên, có dẫy núi dân chúng kể cho nghe là trước đây cụ Đốc Tít đóng
quân ở đó – tôi có hỏi mấy cụ già trong vùng thì chả ai rõ tại sao gọi là Đốc
Tít, mà cũng không ai biết cụ Đốc Tít họ gì – mong quý vị độc giả ai biết xin
giải thích giùm, Đốc là Đề Đốc, Đô Đốc, hay Đốc Học.
Theo ông
tôi thì, trái hẳn với cụ Nguyễn Thượng Hiền, ông tôi rất nể trọng quan Đề Thám.
Ông tôi nói ông Đề toàn ở rừng sâu núi thẳm và liên lạc phần lớn với các quan
Lang hoặc tù trưởng người thiểu số, mà những người này hầu hết nghiện thuốc phiện
vì giá thuốc trong vùng quá rẻ, vả lại hút thuốc phiện cũng trù được nhiều bệnh
tật và không gì vui bằng nằm bàn đèn để bàn công việc. Ông Hoàng Hoa Thám là
người nhiều mưu kế, ăn nói ngay thẳng, rất có tình và rất tin người – việc ông
trao con gái của ông cho ông bác tôi là một điều lạ, có thể nếu ông bị phản mà
chết thì đó là do tính tin người. Có điều đặc biệt là các thuộc hạ của ông sợ
ông như cọp, tuy nhiên ông rất quảng giao và quen biết rất nhiều người.
Điều mà
ông Đề ân hận nhất là đã ra hợp tác với người Pháp, ông phàn nàn nhiều lần với
ông tôi về điều này. Sau vì buồn phiền nên hút thuốc phiện, rồi càng ngày càng
nhiều, làm cho người yếu đi. Ông còn bị người Pháp theo dõi quá chặt chẽ nên
ngày càng thêm nản chí.
Dù sao
ông cũng đã có một thời oanh liệt, để lại danh tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Ghi chú:
1. Quan Đề:
Tôi chắc là Đề Đốc chứ không phải là Đề Lại vì không ai gọi Đề Lại là quan.
Có lần
ông tôi giảng cho tôi về cách gọi các quan lại thời phong kiến như sau (có thể
tôi lầm hay quên, quý vị độc giả ai hiểu hơn xin bổ túc.) Từ dưới trở lên có:
thầy lý trưởng, thầy chánh tổng, quan bang tá, quan huyện tư pháp, quan tri huyện,
quan tri phủ, quan bố chánh, cụ lớn án sát, cụ lớn tuần phủ, cụ lớn tổng đốc
(các quan này có bài ngà.) Ngoài ra còn quan đốc học, quan kiểm học, quan đốc tờ
(không có bài ngà.) Cũng có thể gọi là quan như quan hàn (hàn lâm đãi chiếu,)
quan nghị (nghị viên hàng tỉnh) – không bài ngà. Còn như viết thư hay thiếp thì
chỉ từ án sát đến tổng đốc mới được gọi là Đại Nhân. Thí dụ thư đề: Nguyễn Đại
Nhân, án sát Thái Bình.
2. Đàn bà
nhà tôi: các cụ xưa hay dùng thành ngữ này để chỉ vợ mình, nhưng có lẽ là để chỉ
vợ hai hay vợ ba. Khi ông tôi nói chuyện với bạn bè, muốn nói đến bà tôi (bà cả)
thì nói là Bà Tuần tôi chứ không dùng thành ngữ trên.
3. Lương
Tam Kỳ: cách đây ít ngày tôi gặp Đại Tá Chu Văn Sáng nguyên là chánh sở 2 An
ninh quân đội, anh Sáng hiện đang ở San Diego và là người do tôi bảo lãnh từ Việt
Nam sang đây theo diện HO. Trong lúc anh em trò chuyện, tôi may mắn được biết
anh Sáng là cháu ngoại ông Lương Tam Kỳ (mẹ anh là con út ông Lương Tam Kỳ.)
Anh Sáng kể với tôi là ngày xưa ông Lương Tam Kỳ cũng là người hợp tác với quan
Đề Thám, sau về hàng được người Pháp cho coi mấy sòng bạc ở mấy tỉnh miền thượng
du để nuôi đám thuộc hạ của ông. Anh Sáng cũng đồng ý với tôi là sự việc ông
Lương Tam Kỳ hạ sát quan Đề Thám không đúng vì ông Kỳ là thuộc hạ của quan Đề,
anh em gắn bó với nhau. Vả lại, ở cạnh quan Đề có biết bao nhiêu cận vệ, dễ gì
giết được. Dầu cho giết được, cũng phải có nhiều người chết theo, lẽ gì chỉ có
một mình quan Đề chết. Mặt khác, sau này dễ gì ông Lương Tam Kỳ thoát khỏi sự
trả thù của các thuộc hạ trung thành với quan Đề Thám. Tiếc rằng ngày ấy anh
Sáng còn quá nhỏ, không rõ sự việc và ông ngoại của anh cũng chả kể gì với anh.
Sau gia đình anh vào Nam lúc anh mới 6 tuổi, khoảng năm 1937 hay 1938 gì đó nên
anh không nhớ. Như vậy, theo ông tôi nghĩ là có sự sắp xếp giữa quan Đề và Tây,
hy vọng của ông tôi là quan Đề hãy còn sống (vào năm 1946) cũng có thể đúng.
Tuy nhiên tôi không dám đoan chắc điều gì và chỉ nêu lên một nghi vấn trong lịch
sử đối với một vị anh hùng của đất nước chúng ta.
4. Khi
bài nay được sửa soạn lại để in thành sách, một thân hữu đã căn cứ vào cuốn Thành-
Ngữ Điển- Tích Danh- Nhân Tự- Điển của Trịnh Vân Thanh, ghi thêm mấy chi
tiết, theo đó:
- Đề Thám
tên thật là Trương Văn Thám, tục gọi là Hoàng Hoa Thám. Theo sách này, Đề Đốc
là một chức quan võ ngày trước, quản hạt binh lính trong một tỉnh. Vào tuổi 20,
Thám đã nổi tiếng trong hàng ngũ nghĩa quân chống Pháp nên được phong chức Đốc
Binh. Do đó, mọi người gọi Thám là Đề Thám.
- Vẫn
theo sách trên, năm 18 tuổi, Thám lấy vợ, và được một con trai là Cả Trọng. Bài
viết về Đề Thám sau đó lại nói Ông có hai con trai là Cả Trọng, và Cả Rinh. Cuối
bài có nhắc tới một người là Cả Huỳnh, nhưng không nói rõ là con ai. Cả ba ông
Cả này đều tử trận.
- Cô Ba,
tức vợ ba của Đề Thám, tên Đặng Thị Nhu, là em nuôi một bộ hạ của Đề Thám.
- Lương
Tam Kỳ nhận 25.000 đồng của Pháp, cho bộ hạ giả làm người theo giúp Đề Thám, rồi
ám sát ông bên mâm đèn hút, vào sáng ngày 10-2-1913.
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét