Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

HỒI KÝ PHẠM DUY - TẬP III - PHẦN III

Chương Mười Bốn

Kẻ thù ta đâu có phải là người Giết người đi thì ta ở với ai?... TÂM CA số 7
1965 là năm miền Nam nước Việt giống như cái chai có gắn cuống phễu và đang bị một thùng dầu sôi lửa bỏng rót vào. Trong chín năm Đệ Nhất Cộng Hoà chỉ có ba biến động, nhưng chỉ trong một năm 64, biến động lên xuống 13 lần, con người như bị quay cuồng trong cơn bão tố, tuổi trẻ già hẳn đi, tuổi già mệt nhọc hơn. Quân Đội Hoa Kỳ, Đại Hàn, Uc, Phi... đổ bộ vào Việt Nam khiến cho chiến tranh leo thang. Xã hội ngả nghiêng vì đồng dollar, dù tiền lưu hành mang mầu đỏ, giống như giấy bạc giả. Giới trẻ bị động viên. Ba đứa con trai của tôi tuần tự nhập ngũ. Tôi đi thăm chúng tại trại Quang Trung, lòng đầy ái ngại. Gia đình nào cũng có con phải đi lính. Ai cũng nếm mùi chia ly, hoặc mùi chết chóc, mặc dù chưa bị khó khăn về kinh tế như sau này. Ai cũng sống trong thao thức, lo âu. Tôi gọi đây là thời kỳ thần đồng gẫy cánh, cõi tiên lạc lõng, nhạc trời đứt đoạn. Tôi soạn bài Tôi Còn Yêu, Tôi Cứ Yêu: Tôi còn yêu, tôi cứ yêu Tôi còn yêu, tôi cứ yêu Tôi còn yêu mãi mãi mãi Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người Tôi còn yêu tôi...  
Cho dù tôi đã chết rồi Cho dù ai đã giết tôi Cho dù xương trắng vẫn chất núi Cho dù sông ngòi vẫn hoen máu người Oán thù vẫn dài... Sống trong cơn bão thời đại, tôi mất luôn đời sống riêng tư. Tôi không gặp người tình thường xuyên nữa, coi như đã gần mất nhau. Trong bài hát nói về Tình Yêu chữ hoa này, tôi để lộ sự mất mát mối tình riêng: Vâng! Tôi còn yêu Tôi còn nhớ mãi thân hình gầy yếu Một dòng tóc mây yêu kiều Một cặp mắt ngây hương chiều Nụ cười đắm say tâm hồn người yêu Vâng! Tôi còn yêu Tôi còn nhớ mãi làn môi ngọt ngào Một vòng cánh tay mỹ miều Còn lại chút hương tiêu điều Và mộng đắng cay đi về, đìu hiu... Tôi lại nhìn thấy sự chết: Tôi còn yêu mãi mãi mãi Tới ngày mai rồi, xa lìa cõi đời, tôi còn yêu ai Ơi người ơi ! Hãy lắng tai Nghe hồn tôi trong nắng mai Trong làn gió mới, trong đêm tối Trong giọt mưa dài, suốt năm tháng ngày Yêu người, yêu hoài... Đang sống quay cuồng trong một xã hội đảo điên như vậy, một hôm tôi bỗng đọc được bài thơ của Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh, với đầu đề Hoà Bình: Sáng nay vừa thức dậy Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường Nhưng trong vườn tôi Vô tình, hoa tường vi Vẫn nở thêm một đoá Tôi vẫn sống, vẫn ăn Và tôi vẫn thở Nhưng biết bao giờ Tôi mới được nói thẳng Những điều tôi ước mơ? Qua bài thơ này, tu sĩ kiêm thi sĩ Nhất Hạnh cho ta thấy cảnh người vẫn chết, hoa vẫn nở rất là bi đát của thời đại và sự mong muốn được nói ra niềm ước mơ hoà bình. Tôi yêu bài thơ này ngay lập tức. Thi sĩ tự hỏi biết bao giờ mới được nói thẳng những điều ước mơ thì tôi xin góp tiếng bằng cách phổ nhạc và hát ầm ỹ bài thơ đó lên. Theo Albert Camus, nói lên được bi đát là hết bi đát. Rồi tôi thấy rằng bài hát này -- bây giờ mang tên Tôi Ước Mơ -- có thể mở đầu cho một thứ chương khúc, nghĩa một loạt bài hát cùng nằm trong một đề tài mà tôi đặt tên tâm ca. Chương khúc TÂM CA gồm 10 bài (tôi cho con số 10 là con số trọn vẹn nhất) là phản ứng của tôi trước sự vong thân (aliénation) của con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hết sức nhiễu nhương. Hãy thử nhìn vào tình trạng âm nhạc của nước ta giữa thập niên 60 này. Nhạc tuyên truyền ở miền Bắc, chịu sự chỉ huy của Nhà Nước, chỉ có mục đích phục vụ cho chính trị. Ở miền Nam, Tân Nhạc nằm trong tay tư nhân, trở thành một thương phẩm (produit commercial) trong một xã hội tiêu dùng (société de consommation). Vào lúc Quân Đội ngoại quốc vừa mới chân ướt chân ráo bước vào nước ta, rõ ràng có sự phồn thịnh ở Saigon, dù giả tạo. Người dân với mức lương thấp nhất cũng dễ dàng có máy radio hay máy cassette. Các Đài Phát Thanh mọc lên ở hầu hết các đô thị phổ biến mạnh mẽ Tân Nhạc trong giai đoạn tôi gọi là loạn phát (ex-croissance) này. Những bản nhạc cũ và mới được tung ra thị trường dưới hình thức nhạc bản, nhạc tập, dĩa hát, tape, cassette. Tân Nhạc trở thành một trào lưu, một thứ trang trí cho đời sống và đội luôn cái tên không ổn là nhạc thời trang, nhạc hợp thời, nhạc à la mode/ Trước những hiểm nguy hay bi đát của cuộc đời, con người thường có hai thái độ: hoặc đối đầu hay lẩn tránh sự thực. Trong hoàn cảnh đất nước ngả nghiêng, Tân Nhạc ở Saigon lúc đó giúp cho người ta quên được thực tại ê chề bằng những bài hát được gọi là nhạc vàng mang tính chất mượt mà, êm dịu, vuốt ve, an ủi (*). Hoặc là những bài mới soạn ra thiếu giá trị nghệ thuật. Hoặc những bài hát tình cảm và lãng mạn của thời trước được cho sống dậy và mang cái tên Nhạc Tiền Chiến dù một số bài soạn hồi hậu chiến. Vì chủ trương một dòng nhạc phản ảnh con người và cuộc sống Việt Nam, trong khi loại nhạc thời trang đang hoành hành như vậy, tôi quyết định lên tiếng. Không lẩn tránh sự thực, nhìn thẳng vào cuộc đời 1965, qua 10 bài tâm ca, tôi nói lên sự bi đát của thời đại. Cho tới năm 1965 -- thấm thoát đã trên hai mươi năm rồi -- kể từ khi tôi bước vào nghề hát rong và soạn ca khúc, đi khắp mọi nơi trên đất nước, sống dưới nhiều triều đại khác nhau, gặp đầy đủ mọi hạng người trong xã hội... tôi chỉ làm một việc là xưng tụng và xưng tụng. Hết xưng tụng tổ quốc, lịch sử, con người lại xưng tụng tình yêu, sự đau khổ hay cái chết. Qua những bài tình ca quê hương, tình tự dân tộc, tình khúc lãng mạn với những nội dung phơi phới, với những nét nhạc lộng lẫy, với những lời ca ngọt ngào. Bây giờ, tôi đang đứng trước một quê hương đã trở thành nơi thử võ khí và tranh chấp ý thức hệ của những thế lực quốc tế. Với mức độ gia tăng của chiến tranh, xã hội Việt Nam quay cuồng theo cơn lốc chiến cuộc, những giá trị tinh thần bị đổ vỡ và bị thay thế bằng những giá trị vật chất, đời sống càng ngày càng trở nên khốc liệt... tôi cần phải nhận diện lại quê hương. Không thể cứ xưng tụng một nước Việt Nam lý tưởng qua những dân ca, trường ca yêu nước được nữa. Bây giờ là lúc phải phê phán xã hội. Vấn đề là phê phán ra làm sao thôi. MƯƠI BAI TÂM CA, với những tựa đề như Tôi Ước Mơ, Tiếng Hát To, Ngồi Gần Nhau, Giọt Mưa Trên Lá, Để Lại Cho Em, Một Cành Củi Khô, Kẻ Thù Ta, Ru Người Hấp Hối, Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe, Hát Với Tôi... muốn được là tiếng nói lương tâm của con người đối mặt cùng sự thật, nhận diện lại mọi thứ trong đời. Trong một bài viết đăng trên báo VĂN HOC số 21 tháng 10, 1987, nhà văn Bùi Vĩnh Phúc đã tóm tắt tâm ca: Tâm Ca số 1 (Tôi Ước Mơ) nhận diện cái bi đát của xã hội trong giai đoạn ấy. Tâm Ca số 2 (Tiếng Hát To) là thái độ của tác giả trước sự bi đát đó. Tâm Ca số 3 (Ngồi Gần Nhau) nhận diện lại dân tộc. Tâm Ca số 4 và Tâm Ca số 6 (Giọt Mưa Trên Lá, Một Cành Củi Khô) nhận diện lại thiên nhiên, siêu nhiên, đời sống con người khi được (hay bị) đặt vào cái thiên nhiên đó và trái tim của nó hướng về những điều siêu nhiên kia. Tâm Ca số 5 (Để Lại Cho Em) nhận diện lại gia tài của người đi trước để lại cho người đi sau. Tâm Ca số 7 (Kẻ Thù Ta) nhận diện kẻ thù. Tâm Ca số 8 (Ru Người Hấp Hối) nhận diện cái chết. Tâm Ca số 9 (Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe) nhận diện chính mình. Và Tâm Ca số 10, một tuyên ngôn, trình bày lại thái độ (và lời mời gọi) của tác giả sau khi đã có cơ hội nhận diện lại mọi sự trong đời... Cũng nên biết qua bối cảnh xã hội trong thời kỳ này. Tâm Ca ra đời vào lúc giới trẻ Việt Nam, lần đầu tiên, được dịp đi sâu vào Phật Giáo dưới khía cạnh văn hoá truyền thống. Sau biến cố 11-63, việc giảng dậy về văn hoá bớt bị giới hạn trong văn hoá công giáo với những thuyết duy linh, nhân vị. Phật Giáo được đem vào các môi trường giáo dục, nhấn mạnh tới những truyền thống Phật Giáo thời Lý, Trần và gây được sự học hỏi trong giới trẻ. Nhấn mạnh tới Lý Trần là nói tới Thiền Việt Nam với hình ảnh mà bình dân có thể hiểu được như Nhất Chi Mai, thiền sư Vạn Hạnh. Lúc đó Phương Tây cũng đang học hỏi về Thiền của Phương Đông, sách vở ùa vào Việt Nam vì không bị hạn chế như thời ông Nhu trước đây. Rồi phong trào hippy cũng tràn vào cùng với những sách như CÂU CHUYÊN MÔT DONG SÔNG với Tất Đạt Đa, sách của Herman Hess, nhạc dân ca có giọng điệu phản chiến của Pete Seeger, tất của đều là sự tìm hiểu và làm quen với Thiền trong giai đoạn dễ hiểu và ngộ nghĩnh của nó. Những ý niệm về hòn đá, về hoa, về những công án trở nên rất quen thuộc với giới trẻ nên lúc đó tuổi trẻ Việt Nam đi vào Phật Giáo với hình ảnh khá tinh vi của Thiền môn, của Vô Môn Quan, của Thiền Luận, của Suzuki... ... Và đột nhiên những hình ảnh đó xuất hiện trong Tâm Ca vì tôi cũng bị lôi cuốn vào cuộc hành trình về phương Đông này. Tôi áp dụng những gì tôi hiểu về Thiền vào tình thế, nghĩa là vào hoàn cảnh người vẫn chết, hoa vẫn nở, súng vẫn nổ, tiếng hát vẫn to, bụt ngồi chung với kẻ sát nhân, con người chia sẻ vui buồn với cành củi khô hay hòn đá cuội... Hơn nữa, đây là lúc chiến tranh khởi sự sôi sục. Chiến tranh này cũng không phải là cuộc nội chiến bình thường mà bị quốc tế hoá. Quốc tế hóa trong nhiều khía cạnh. Trước hết, trong hai năm 1964-65 này, Quân Đội ngoại quốc đổ vào Việt Nam quá đông, quá lẹ, mang theo nhiều sản phẩm của xã hội Tây Phương. Cái phễu đặt trên chai Việt Nam đã được những tư tưởng mới đổ vào (qua sách vở nói trên) nay bị lối sống siêu-tiêu-thụ là the american way of life rót vào nữa. Khi Hoa Kỳ ồ ạt vào Việt Nam, tuổi trẻ đua nhau đi học Anh Văn để làm thông dịch viên và có đời sống cao hơn. Sau khi nắm được Anh Ngữ, họ lại càng đọc thêm những sách của thời thượng như thuyết chán đời, hippy v.v... Một sự kiện quan trọng nữa là -- lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh -- cuộc chiến ở Việt Nam được chiếu trên Tivi, do đó Saigon là nơi có một đạo quân báo chí, truyền hình đông đảo nhất thế giới, với những phóng viên trẻ trung, hăng hái, xông xáo, có phương tiện tối tân để thực hiện những phương pháp làm báo rất táo bạo... Tiền bạc đổ ra -- chỉ riêng cho việc lấy tin tức -- còn hơn tiền ném qua cửa sổ. Tất cả ảnh hưởng mạnh tới giới truyền thông Việt Nam, giới có dịch vụ với Mỹ kể từ cô gái bán bar, anh lái xe taxi, tới anh sinh viên hay người trí thức, ảnh hưởng tới người làm thương phẩm cũng như ảnh hưởng tới người làm văn học nghệ thuật. Trong làng nhạc, có một biến chuyển lớn. Saigon vẫn có thứ văn nghệ thông thường, rất mềm mại, than thở về chuyện đi lính, chia ly, nhớ Thành Đô v.v...rất ăn khách của các bạn soạn nhạc ít bận tâm về thời thế. Bây giờ máy thu băng hay máy chạy đĩa hát mang những tên PIONNEER, AKAI, SONY giúp cho nhạc Âu Mỹ (nhất là nhạc Beatles) nhẩy vào Việt Nam cùng với lính Mỹ. Loại Nhạc Trẻ ra đời, ồ ạt như vũ bão. Rất nhiều ban nhạc được thành lập để đi hát cho lính Mỹ nghe. Nhiều bài hát soạn theo điệu rock ra đời. Các hãng băng đua nhau phát hành chương trình nhạc thưong mại. Về phần tôi, vào lúc này, quyết định không soạn những bài hát bọc đường nữa, lại càng không đi vào loại nhạc trẻ thời thượng vì tôi đang thao thức trước tình thế và muốn tung ra loại nhạc tâm thức với 10 bài tâm ca. Tôi quyết định đi vào tuổi trẻ vì gần đây, đem máy AKAI tới phóng thanh cho thanh niên, sinh viên nghe hai trường ca CON ĐƯƠNG CAI QUAN và ME VIÊT NAM và được tuổi trẻ nồng nàn chấp nhận. Tôi muốn cùng tuổi trẻ nhận diện lại quê hương. Giới trẻ còn hưởng ứng tâm ca một cách tích cực hơn, nghĩa là chấp nhận tâm ca rồi tham gia vào việc sáng tạo. Một số anh em thành lập những nhóm ca hát ở nhiều nơi rồi sau này đặt tên là PHONG TRAO DU CA. Phong trào này bành trướng trong giới trẻ về của phương diện địa lý nữa, khi nó ra khỏi Saigon để đi về các trường Đại học trong nước, từ Miền Nam ra miền Trung lên Cao Nguyên, xuống Hậu Giang. Các Hội Đoàn lớn, các phong trào của người lớn cũng hưởng ứng theo. PHONG TRAO DU CA ra đời quy tụ một số nhạc sĩ trẻ, chấp nhận lối soạn những bài ca phi-thương-mại và nói thẳng vào xã hội Việt Nam, cũng như chấp nhận lối hát chung với nhau mà họ sẽ gọi là hát cộng đồng. Những du ca viên sau này sẽ trở thành những du ca trưởng như Nguyễn Đức Quang, Giang Châu, Ngô Mạnh Thu... đưa ra những bài ca mới, đi theo đường lối nhận diện lại quê hương của Tâm Ca. Đó là những bài mang tên Quê Hương Ta Đó, Đến Với Quê Hương, Đi Vào Quê Hương, Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương... Điểm son của Tâm Ca và những bài hát Du Ca là ở chỗ tuy dám nói lên cái bi đát của thời đại nhưng không hề có sự tuyệt vọng. Nguyễn Đức Quang khẳng định: Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu đang chiến tranh Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu chưa thanh bình ... dẫu đang khó khăn .... dẫu chưa ấm êm Và nói lên niềm hi vọng: Hi vọng đã vươn lên trong nhọc nhằn trong nước mắt ... như làn tên đang rực lên trong màn đêm. Quê hương đang rách nát, xã hội đang ngả nghiêng, những toán du ca rủ nhau đi khắp mọi nơi để mời mọi người cùng hát bài Về Với Mẹ Cha của Nguyễn Đức Quang: Cùng đi xoay Hoành Sơn Cùng đi lay Trường Sơn Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm Vượt khơi ra đảo xa Lướt ngàn nước sông nhà Ta đắp bồi cho Mẹ Cha... Từ Nam Quan, Cà Mâu Từ non cao rừng sâu Cùng nhau do non nước xây cầu Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng Tiếng reo vui rộn trong lòng... Nói cho cùng, tâm ca hay du ca cũng chỉ là những bài hát tuyên truyền mà thôi, nhưng ở đây, người thanh niên tự nguyện làm công việc vận động quần chúng chứ không phải bị chính phủ hay một tổ chức chính trị nào ép buộc phải làm. Việc làm này cũng chẳng mang lại cho họ một quyền lợi tài chánh to nhỏ nào cả. . Ngôi nhà chệt đầu ngõ E trong cư xá gọi là Chu Mạnh Trinh (vì trong khu này có một trường học mang tên đó) của chúng tôi đã được nâng lên thành nhà ba tầng. Căn phòng chín thước vuông trên lầu ba là nơi tôi thường nằm bò trên sàn đá hoa để sáng tác. Về sau tháp ngà này sẽ là tháp tiên của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn để anh mơ màng bên Nàng Tiên Nâu khi tôi bán căn nhà -- chưa trả hết tiền -- cho anh. Gia đình chúng tôi đã càng ngày càng thêm đông đúc. Thái Thảo ra đời, rất xinh, giống bố nhất nhà. Giúp việc cho gia đình là một chị bếp và hai vú em để trông coi những đứa bé nhất. Lũ con đầy đàn là một bọn quỷ sứ, nếu tôi không có một căn phòng trên gác cao này thì tôi không thể nào sáng tác được. Thái Hằng có phòng riêng ở lầu hai. Đã từ rất lâu, chúng tôi không ở chung phòng vì tôi thường đọc sách tới khuya, hay sáng tác vào lúc nửa đêm về sáng và khi ngủ thì ngáy to như sấm nên bị vợ chê. Tuy ở riêng phòng mà cứ một hai năm lại sinh một đứa con. Bây giờ qua Mỹ mới thấy mình may mắn quá. Con cháu của lớp người đi tị nạn không dám có nhiều con, vì đời sống Mỹ quốc không cho phép. Chúng sẽ không được hưởng không khí vui nhộn của những gia đình đông con. Tôi còn nhớ những đêm ngồi soạn tâm ca trong ngôi nhà bình yên và ấm áp này. Khi ngồi phang piano dưới phòng khách hay khi ôm đàn guitare ngồi trên sàn gạch lầu ba, cũng như khi nẵm ghế xích đu ngoài sân thượng để vừa nhìn trăng sao vừa soạn nhạc, tôi hơi lấy làm lạ là tại sao tôi soạn tâm ca nhanh đến thế. Bài bản cứ tuôn ra một cách dễ dãi, bài này tiếp bài kia, chỉ hơn một tuần là soạn đủ 10 bài. Có bài chỉ soạn trong khoảng 15 phút như bài Giọt Mưa Trên Lá. Gần đây, tôi mới hiểu tại sao. Trước giai đoạn tâm ca, đa số sáng tác phẩm của tôi đều hướng về những huyền thoại quê hương, nhất là huyền thoại Mẹ. Những ca khúc đó đều mang tính chất mô tả (descriptive) tạo ra những khung cảnh oai hùng rạng rỡ hay dịu dàng êm ả để người nghe cất bước lên đường hay trầm mình vào những huyền thoại đó. Nhạc điệu và lời ca của những bài đó thật là tươi đẹp, thật là lãng mạn, với kiến trúc vững vàng, với cấu phong chặt chẽ, thường thường là những bài hát khá dài dòng. Vào với tâm ca, tôi bị hoàn cảnh đất nước lúc đó thôi thúc, tôi bị sự lo âu, sự hoảng sợ hay sự sống chết hằng ngày bao vây, tôi như bị một cơn hồng thủy cuốn đi... tôi không có thì giờ và tâm trí để soạn những điệu nhạc ngọt ngào và những lời ca óng ả được nữa. Bây giờ không phải là nhạc mô tả mà phải là nhạc kêu gọi hành động (impérative). Bây giờ không phải là lúc sáng tác một Cung Oán Ngâm Khúc với hàng trăm câu thơ hay một thứ hùng ca Hy Lạp với một hay hai ngàn lời. Hoặc một trường ca 19 khúc (Con Đường Cái Quan) hay một trường ca 22 khúc (Mẹ Việt Nam). Bây giờ chỉ cần một đoản khúc để nói về kẻ thù ta đâu có phải là người. Vũ trụ thu lại trong một hòn đá cuội hay một cành củi khô, cũng như cuộc đời thu lại trong một giọt mưa: Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá. Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về. Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa Đứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười. Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già... Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế. Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người. Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người. Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai Nói với loài người : xin cứ nuôi mộng dài... Giọt mưa trên lá bối rối, bồi hồi, Ráo riết, miệt mài, em (anh) biết yêu lần cuối. Giọt mưa trên lá bỡ ngỡ, xôn xao, Cuống quít, dạt dào, anh (em) biết yêu lần đầu. Giọt mưa trên lá thấp thoáng, bơ vơ, Khép nép, đợi chờ, xa cách nhau vài giờ. Giọt mưa trên lá dĩ vãng xa xôi Sớm tối bùi ngùi, xa cách nhau một đời... Tuy nhiên, dù không còn ý định xưng tụng quê hương một chiều nữa mà là nhạc phê phán xã hội, Tâm Ca cũng là tiếng nói của Tình Yêu. Hãy nghe nhà văn Bùi Vĩnh Phúc nói lên điều này: Tiếng nói của Tâm Ca là tiếng nói đậm đà, tha thiết, có lúc đi đến chỗ đắm đuối, mời gọi mọi người bước vào để chia sẻ tình yêu. Tình yêu theo cái nghĩa tràn đầy và dung chứa được mọi thứ của nó. Tiếng nói ấy cũng có khi xót xa thoảng lên lời cay đắng (Đừng cho ai ăn cướp tình ta -- Để lại cho em thành phố lên đèn, bọn người tranh nhau một đám bụi đen - Chập chờn bay trong bại thắng, ngọn cờ khăn sô mầu trắng...) rất nhẹ, rất nhẹ thôi, nhưng thấm thía. Sự phẫn nộ -- mặc dù vẫn dung chứa yêu thương -- được nhận thấy rõ nhất ở hai bài Tâm Ca số 7 (Kẻ Thù Ta) và số 9 (Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe). Ở đây, nhìn thấy cảnh chém giết, đầy đoạ nhau của chính con người Việt, nhìn thấy sự ngụy thiện vẫn tiếp tục vênh vang bề thế của nó, Phạm Duy không giấu nổi sự phẫn nộ của mình. Phẫn nộ là yếu tố kích thích và là thước đo của chính lòng quí trọng, yêu thương. Sự phẫn nộ không phải là sự thù ghét. Phẫn nộ là cái gì trái lại với thù ghét. Phẫn nộ là một góc cạnh của tình yêu. Hãy phẫn nộ, hãy cất tiếng, hãy hành động để tình yêu được trả về cho chúng ta, cho con người... Tâm Ca và Du Ca ra đời năm 1965 để nói lên cái bi đát của thời đại, mời mọi người ra khỏi sự vuốt ve của nhạc vàng, để hát to những điều mình muốn nói. Với mức độ chiến tranh càng ngày càng khủng khiếp, với sự có mặt của quân đội và vũ khí ngoại quốc ở của hai miền đất nước, nhờ ở sự dọn đường của Tâm Ca và Du Ca, một dòng nhạc khác xuất hiện, mang tính chất nhạc phản kháng (protest song) dẫn tới nhạc phản chiến. ___________________________________ *) Các nhà sản xuất băng nhạc tại Saigon hồi đó dùng danh từ nhạc vàng để đánh giá thật cao những thương phẩm của họ -- Cộng Sản thì dùng danh từ đó để đánh giá thật thấp loại nhạc họ cho là ốm yếu bệnh hoạn.
Chương Mười Lăm
Mà nghe quê hương mình quá nặng nề. Thảm thương bên kia, kia đời nước Buồn vương bên đây, đây đời Quốc. Dẹp nỗi oan, thì tìm đường gai góc mà đi... Một Người Mang Tên Quốc
Sau vụ lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, tuổi trẻ ở miền Nam tỏ ra có ý thức về chính trị nhưng họ không được võ trang bằng văn nghệ vì trong hơn một năm trời, chính quyền thay đổi như chong chóng cho nên không chính phủ nào có đủ thời gian để đưa ra một kế hoạch hun đúc tinh thần thanh niên. Tới thời Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương của Nguyễn Cao Kỳ thì Bộ Thanh Niên mới để ý tới sinh hoạt của sinh viên, nhất là trong phạm vi ca hát. Hoàng Ngọc Tuệ là thành viên của ban TRẦM CA, vì cũng có thời cộng tác với Bộ Thanh Niên, bèn đem ban hợp ca vào hoạt động trong một thời gian ngắn. Rồi anh Tuệ đứng tên xin phép thành lập một tổ chức gọi là PHONG TRAO DU CA. Phong trào này có những khoá huấn luyện du ca viên để đi phổ biến những bài thanh niên lịch sử ca, hướng đạo ca đã có trước đây. Ngoài những bài đó, phong trào còn đem luôn những bài tâm ca, trầm ca, thanh ca tác động (*) vào chương trình dạy thanh niên ca hát. Điều đáng nói là các toán du ca không hề là công cụ tuyên truyền cho chế độ. Đa số những bài hát của phong trào du ca là những bài hát nói tới thân phận tuổi trẻ thời đó. Tôi đóng góp vào phong trào troubadour này với bài Trả Lại Tôi Tuổi Trẻ: Trả lại tôi là tuổi trẻ mênh mông Chúng mình như lúa reo trên ruộng đồng Dù mưa tuôn, dù bão cuốn Bông lúa vàng cuồn cuộn gió vươn lên Dù bom rơi, dù súng tới Bông lúa ngời vượt lửa khói lên ngôi Trả lại tôi là tuổi trẻ yên vui Dẫu rằng đang chiến tranh hay hoà rồi... Thanh niên thời nào cũng bị các lực lượng chính trị đẩy vào việc đấu tranh, nhất là trong những năm vừa qua. Bài hát đòi trả lại những gì vốn thuộc về tuổi trẻ nghĩa là: tuổi trẻ vô tư, tuổi trẻ say mê, tuổi trẻ nên thơ, tuổi trẻ bao dung, tuổi trẻ tin yêu... ...Trả lại tôi là tuổi trẻ hôm nay Chúng mình như đoá sen trong bùn lầy Việt Nam đây, đầy rắc rối Nhưng vẫn còn nhiều hình dáng vui tươi Việt Nam ơi ! Còn tiếng nói Yêu giống nòi đặt Tổ Quốc lên vai. Trả lại tôi là thần tượng tôi đây Chúng mình xin khắc sâu trong dạ này... Ngoài phần huấn luyện và đi hát, Phong Trào DU CA còn có một tổ chức gọi là XƯỞNG DU CA để thúc đẩy công việc sáng tác. Những nhạc sĩ ở ngoài phong trào như Trịnh Công Sơn và Tôn Thất Lập đã có thời kỳ tới sinh hoạt tại xưởng du ca này. Tôi vẫn tự coi mình không ở phe nào khi soạn tâm ca hay bài hát du ca. Tâm ca số 3 Ngồi Gần Nhau còn mời mọi người trong mọi phe vào ngồi gần nhau: Ngồi gần người từ bi, bên lũ giết người kia. Ngồi gần loài dun dế, hay ác thú hùm beo Mình vào ngồi đây với nhau... . . . . . . . . . Ngồi gần ngồi gần hơn, đôi mắt đôi mi lạ lùng Ngồi gần ngồi gần hơn, đôi má đôi môi làm quen Vào ngồi làm một đôi, trong tiếng than trong nụ cười Vào ngồi làm đỏ đen cho đời... Ngồi gần loài ma quái Nghe tiếng nói lả lơi Ngồi gần tình thương yêu Nghe rõ tiếng bụt kêu Gần người hùng trong trắng Hay lũ cướp của công Ngồi thở dài hay ước mong... Bài tâm ca này nói rằng : muốn thật sự ngồi lại gần nhau thì người từ bi cũng phải ngồi chung với kẻ sát nhân, ông bụt cũng phải ngồi cạnh loài ma quái... Tất cả chúng ta vào ngồi chung trong một thế giới không xấu, tốt, buồn, vui, không mới toanh nhưng cũng không rách nát tả tơi. Tuy tôi không phải là một nhân viên trong phong trào DU CA nhưng sự kiện tâm ca được hát trong một phong trào đã có chút liên hệ với Bộ Thanh Niên khiến cho tôi bị phe bên kia coi là đối lập. Một bài báo của ông Lý Chánh Trung đăng trên tập san Bách Khoa cho rằng tâm ca là ảo tưởng vì tiếng hát to (trong tâm ca số 2) không thể nào to hơn tiếng súng nổ bên bờ ruộng già. Ông Nguyễn Văn Trung thì cho tâm ca là mê hoặc vì không thay thế được tư tưởng chính trị để dẫn tới một tranh đấu chính trị. (**) Hai bài báo đó kéo theo một bài viết của Thượng Toạ Thích Mãn Giác cũng đăng trong Bách Khoa với tựa đề Lần Đầu Tiên Tôi Thấy Ông Lão Tử Lầm... Vị tu sĩ cho rằng Lão Đam lầm vì chống sự hiện hữu của lễ nhạc và tác dụng của nó. Đối với tâm ca, ông nói: trước hết, tác giả chỉ phản ảnh cái đau thương vì chiến tranh của dân tộc và làm cho thiên hạ cảm động. Thứ đến không phải bỏ nhạc đi thì con người mới trở về với cái lẽ đắc thất hay lẽ vô vi của Lão Giáo. Có thể âm nhạc là rất cần để tác dụng tới một cuộc chiến tranh nồi da sáo thịt nhưng âm nhạc cũng rất cần để hướng con người về bản thể trạm tịch thường hằng. Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh thì mở đầu cuốn sách NOI VƠI TUỔI HAI MƯƠI bằng những cảm tưởng rất tốt đẹp khi nghe tâm ca số 5 Để Lại Cho Em, cho rằng sự thành thật với nhau và sự thương yêu nhau giữa những người Việt ở hai thế hệ (hay ở hai phe, hai miền) trong giai đoạn bị kẹt cứng của lịch sử này là con đường đi tìm lối thoát cho nhau. Có một điều làm tôi rất cảm động là, qua những bài viết của các quý vị kể trên, dù ý kiến có khác nhau nhưng các ngài đều tự nhận là đã khóc khi nghe tâm ca. Trong thời gian tôi soạn tâm ca, tôi có bạn già như hoạ sĩ Tạ Tỵ hay bạn trẻ như nhạc sĩ Viết Chung, đã từ lâu hoặc mới nhập ngũ, được điều động qua phụ trách phần văn nghệ trong QUÂN ĐÔI hay trong tổ chức XÂY DƯNG NÔNG THÔN nên tôi có dịp soạn cho họ một số bài hát. Tạ Tỵ lúc này là Trưởng Đoàn Văn Nghệ trong Cục Tâm Lý Chiến. Tôi được anh dành cho một bàn giấy để tới sinh hoạt với anh và các đoàn viên như Lữ Liên, Lê Đô, Trịnh Toàn... Ngoài ra, tôi còn cộng tác với Trung Tá Hoàng Đạo Thế Kiệt (có họ hàng với Hoàng Đạo Thúy, người sáng lập Hướng Đạo Việt Nam) của Cục Chính Huấn trong chiến dịch trong sạch hoá quân ngũ. Tôi soạn những bài vận động thanh niên đi quân dịch như Một Hai Ba Chúng Ta Đi Lính Cả Làng và tạo không khí lành mạnh trong quân đội như Thi Đua Biện Luận, Tứ Đại Công Khai, Mừng Ngày Sinh Chiến Hữu, Anh Hùng Trong Trắng, Chiến Sĩ Gương Mẫu ... ... Đây là lúc tôi sống với người lính Cộng Hoà tại những làng quê trù mật hay hẻo lánh trong miền Tiền Giang, Hậu Giang, giống như khi tôi sống tam cùng (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với Vệ Quốc Quân trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi lại được ngửi mùi gian khổ của người thanh niên trong cuộc sống ăn bờ nằm bụi luôn luôn bị cái chết đe doạ. Trong khi tôi xung phong đi phục vụ cho Quân Đội như vậy, xẩy ra chuyện phi công Phạm Phú Quốc của miền Nam bị hi sinh trên không phận Bắc Việt. Lúc đó cũng là lúc hình ảnh anh hùng, thần tượng, mẫu người lý tưởng đã bị mai một trong tâm khảm của con người Việt Nam. Tôi bèn soạn bài Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc để ghi lại trong lòng chúng ta, nếu chưa phải là thần tượng thì cũng là hình ảnh một người anh hùng. Trong ngành nhạc, hình thức ballade là một thứ chant épique, có thể là truyện ca hay là anh hùng ca. Tôi dùng chữ huyền sử ca cho nó có vẻ huyền bí. Bài Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc ra đời vào năm 65 này sẽ kéo theo một số bài hát của các nhạc sĩ khác nói tới các vị anh hùng trong Quân Đội ở Miền Nam như Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Em (Trần Thiện Thanh) v.v... : Ngày xưa khi anh vừa khóc vào đời Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời Đặt tên cho anh, anh là Quốc Đặt tên cho anh, anh là nước Đặt tên cho người, đặt tình yêu nước vào nôi... Đã lâu lắm rồi, bây giờ tôi mới có cơ hội để xưng tụng một người trai chết cho quê hương đất nước. Tuy nhiên, tôi không muốn chỉ làm một công việc có tính chất tuyên truyền thuần túy, tuân theo chỉ thị như một văn công. Tôi chỉ mượn chuyện anh Phạm Phú Quốc để khóc bất cứ một người Việt Nam nào trong thời đại, sinh ra đã phải khoác lên mình cái số phận làm người hùng, trong khi có thể anh Quốc -- cũng như một số thanh niên nào đó -- chỉ ước mong được làm người hiền mà thôi. Vì số phận phải làm anh hùng cho nên: Từ anh lên cao, anh là nắng, là trăng hay sao, anh nhìn xuống, nhìn nước non nhà đẹp xinh như gấm như hoa... anh vẫn phải đánh bom như thường. Cho nên, khi ngạo nghễ, anh chắp cánh thênh thang, bình minh lên chiếm không gian thì khi hoàng hôn về, lòng anh lại chan chứa tình thương. Một chiều nao anh đi làm kiếp người hùng, anh về quê (***) rồi than ôi, anh phải rụng cánh đại bàng, anh đi về nước, anh đi về đất làm cho bụi vàng bay khắp không gian... Anh chết và biến thành vừng Thái Dương để soi sáng nước Việt Nam (****): Anh Quốc ơi ! Từ nay trong gió xa khơi Từ nay trong đám mây trôi Có hồn anh trong cõi lòng tôi Anh Quốc ơi ! Nghìn thu anh nhớ tới tôi Thì xin cho Thái Dương soi Nước Việt Nam sáng rọi muôn đời... Đến với XÂY DƯNG NÔNG THÔN, tôi được tới sinh hoạt tại Trung Tâm Vũng Tầu. Và được phát cho bộ quần áo mầu đen để đi hát rong. Những bài hát tôi soạn cho tổ chức này chú trọng tới việc đề cao người nông dân: Tay Súng Tay Cầy, Cùng Nhau Xây Ấp Mới, Ai Về Thôn Ấp Mà Coi, Hát Hay Không Bằng Hay Hát, Khoác Ao Mầu Đen, Bát Cơm Bát Mồ Hôi Bát Máu... Bài Nông Thôn Quật Khởi mở đầu bằng những câu hát nói lên số phận người nông dân Việt Nam trong thời này, chỉ có một cổ mà phải đeo tới hai tròng: Đã bao năm nhân dân ta đau khổ vô cùng Đã bao năm mang trên vai hai kẻ thù chung Bọn cường hào ác bá nó dùng bạo quyền áp bức Làm người dân lầm than sống trong nhục nhằn... Bài Hát Hay Không Bằng Hay Hát là cái đuôi của bài Hát Với Tôi. Tâm ca số 10 là để cho sinh viên, học sinh thị thành hát. Hát Hay Không Bằng Hay Hát là để cho cán bộ và nông dân hát. Đầu đề cũng như câu hát chính của bài này trở thành một thứ phương ngôn của thời đại: Hát hay không bằng hay hát ! Hát hay không bằng hay hát ! Hát luôn luôn, Hát luôn luôn ! Hát những lời xây dựng nông thôn. (vỗ tay : Bốp bốp bốp bốp bốp bốp) Hát hay không bằng hay hát ! Hát hay không bằng hay hát ! Hát liên hoan ! Hát vang vang ! Hát đông đông ! Hát cộng đồng ! (vỗ tay : Bốp bốp bốp bốp bốp bốp) Hát cho ông già em bé Hát cho ông già em bé Gái thôn quê, với trai quê Chúng ta đừng nghi ngại nhau chi. (vỗ tay : Bốp bốp bốp bốp bốp bốp) Hát cho dân làng luôn nhớ Hát cho dân làng luôn nhớ Hát dân quân, hát vinh quang Hát nông thôn, hát tự cường (vỗ tay : Bốp bốp bốp bốp bốp bốp) Trong số bài soạn cho XÂY DƯNG NÔNG THÔN, tôi thích bài Khoác Ao Mầu Đen bởi vì hồi đó tôi hay mặc áo bà ba đen để đi hát du ca: Khoác áo mầu đen mặc mầu dân tộc Chiếc áo mầu đen nhuộm mầu đấu tranh Mầu đen mầu tối ám, vùng lên để chiến thắng Dẹp tan mầu son, mầu phấn điếm đàng... Bài Bát Cơm, Bát Mồ Hôi, Bát Máu nói tới món nợ của người thị thành đối với nông dân: Hai bữa no đầy, một ngày cơm nước Bát cơm vàng, ôi bát cơm vàng Mình ăn được là nhờ ai ? Nhờ ai nuôi sống đời tôi ? Với bao nhiêu máu đổ Với bao nhiêu máu đổ Cùng mồ hôi trên ruộng đồng... Ăn bát cơm rồi, một đời ghi nhớ Chớ nghi ngờ, xin chớ nghi ngờ Mình mắc nợ người dân Người dân ra sức ngày đêm Nắng mưa ôi vất vả Nắng mưa ôi vất vả Để làm nên cơm gạo này... Với những bài tâm ca, tôi tỏ thái độ của một nghệ sĩ trước cảnh sống tha hoá của người Việt Nam trong một cuộc chiến tranh tương tàn. Với những bài hát cho PHONG TRAO DU CA, cho QUÂN ĐÔI và cho tổ chức XÂY DƯNG NÔNG THÔN, tôi tự nguyện làm bổn phận của một công dân đang sống trong một miền mà mọi người vừa phải xây dựng đất nước, vừa phải chống đỡ một cuộc tấn công đến từ miền ngoài. Với lập trường chính trị của những nhà lãnh đạo miền Bắc, những người thiên Cộng ở miền Nam có thể cho tôi là tay sai của ngụy quyền (!) nhưng thực ra, qua những bài hát tâm ca, du ca, quân đội ca và xây dựng nông thôn ca này, tôi chỉ có một mục đích là phục vụ tuổi trẻ, dù đó là thanh niên nơi thành thị, thanh niên mặc quân phục hay thanh niên lam lũ nơi đồng quê, tất cả đều là đối tượng duy nhất của tôi vào lúc đó. Tôi không hề suy tôn một lãnh tụ, một đảng phái hay một chế độ nào cả. Dòng nhạc trong tôi trào dâng như một giòng sông... Trôi tới đây và vào lúc này là khúc sông của thanh niên nam nữ Việt Nam trong một thời để yêu và một thời để chết khác thường... Yêu trong chiến tranh và chết trong chiến đấu... ______________________________________ (*) Phải sau những danh từ "tâm ca" của cuối 64 qua 65, "trầm ca" của cuối 65 qua 66 và "thanh ca tác động" của giữa năm 66 thì đến cuối năm 66, danh từ "du ca" mới ra đời cùng với phong trào của Hoàng Ngọc Tuệ. (**) Hai ông Trung (mà không trung lập) này đều có vẻ thiên vị vì không hề đả động tới một bài hát cũng có chung một ý niệm với tâm ca Tiếng Hát To là bài Tiếng Hát At Tiếng Bom của phe miền Bắc. (***) Nhiều người hiểu lầm chữ về quê khi cho nó ý nghĩa về chốn chết trong khi anh Quốc người Bắc mà bắt buộc phải đánh bom miền quê của mình. (****) Sau này tôi được tin riêng (chưa kiểm chứng) là anh Phạm Phú Quốc chưa chết ! Nếu đúng như vậy thì thật là điều đáng mừng cho gia đình và những người thân thích của anh.
Chương Mười Sáu
The rain on the leaves is the tears of joy Of the girl whose boy returns from the war... THE RAIN ON THE LEAVES
Tháng 3 năm 1966, vào lúc Mỹ đang thực hiện cuộc leo thang chiến tranh ở Việt Nam, tôi được văn phòng Giáo Dục Văn Hoá (Bureau of Educational and Cultural Affairs) của Bộ Ngoại Giao Mỹ mời viếng thăm Hoa Kỳ. Hãy nói tới chuyện leo thang chiến tranh. Thử phóng tầm con mắt về dĩ vãng để xem nó có từ lúc nào? Và 1949. Sau ngày Hoa lục bị nhuộm đỏ hoàn toàn, Việt Minh có một hậu phương lớn để chiến thắng Đoàn Quân 1953. Dwight Eisenhower đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Trong suốt hai nhiệm kỳ, vị cựu Thống Tướng này tiếp tục giúp cho Việt Nam trở thành tiền đồn chống Cộng tại Đông Nam A. Tuy không chủ trương đưa Quân Đội Mỹ vào Việt Nam nhưng Hoa Kỳ gửi tới nước này một phái đoàn cố vấn quân sự. 1954. Hoa Kỳ không giải vây cho Quân Đội Viễn Chinh Pháp trong trận Điện Biên Phủ nhưng tích cực giúp ông Ngô Đình Diệm loại trừ các giáo phái, đảng phái để ông này nắm quyền tại Nam Việt Nam. Mặt khác, 1960, với đạo luật 10/59 (gọi là luật máy chém), vì cán bộ Cộng Sản nằm vùng ở miền Nam bị chính quyền nhà Ngô tiêu diệt nặng nề nên miền Bắc phải thay đổi ưu tiên và thực hiện ngay kế hoạch chiếu cố miền Nam. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập và được miền Bắc cung cấp nhân lực và vũ lực để mở ra những trận đánh lớn tại Nam Việt Nam. Lúc đó cũng là lúc Nam Dương có thể rơi vào tay Cộng Sản nên phe Cộng càng 1961, khi Kennedy lên làm Tổng Thống và tình hình Nam Việt Nam trở nên càng ngày càng khó khăn hơn thì phái đoàn Cố Vấn Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam trở thành Lực Lượng Yểm Trợ quân sự với con số khá lớn là 16,000 người. Hơn nữa, bị thất bại vì không ngăn được Cuba rơi vào tay Castro, tức là vào phe Cộng Sản, Tổng Thống Hoa Kỳ thi hành chính sách be bờ đối với Cộng Sản một cách chặt chẽ hơn, ngoài việc giúp Nam Dương chiến thắng Cộng Sản, còn giúp miền Nam Việt Nam tung những toán biệt kích ra phá hoại miền Bắc. 1963-1965. Sau khi cả hai ông Ngô Đình Diệm và Kennedy qua đời và Phó Tổng Thống Lyndon Johnson đắc cử Tổng Thống vào năm 1964, trước cảnh hỗn loạn của Nam Việt Nam sau vụ đảo chính tháng 11-63, vào lúc Thủ Tướng Liên Sô Kossigyne tới Hà Nội, Hoa Kỳ mượn cớ chiến hạm MADDOX bị tấn công ở Vịnh Bắc Việt, quyết định tham chiến tại Việt Nam. Cuối tháng 6-65, quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam lên tới 82.000 người. Rồi từ tháng 6 cho tới tháng 12 năm 1965, Hoa Kỳ đổ thêm vào Việt Nam 184,000 quân nữa.Tại miền Nam, đã có tới vài ba trung đoàn quân Bắc Việt được mệnh danh là những người sinh Bắc tử Nam... Như vậy là ngay sau khi Hội Nghị Genève kết thúc với sự chia đôi nước Việt, Hoa Kỳ quyết tâm ủng hộ chính quyền miền Nam để đương đầu với chế độ theo Nga Sô và Trung Cộng ở miền Bắc. Khởi đầu người Mỹ chỉ có mặt tại miền Nam Việt Nam qua những cơ quan như USOM coi về viện trợ, MAAG giúp về huấn luyện quân sự và USIS tức là Phòng Thông Tin Hoa Kỳ. Vào năm 1955, khi vừa ở Pháp về, tôi được Ban Điện Ảnh của Phòng Thông Tin USIS mướn làm nhạc đệm cho những phim thời sự và phim tài liệu, lúc đó tôi đang cộng tác với Đài Phát Thanh và sắp sửa vào làm việc với TRUNG TÂM ĐIÊN ẢNH QUC GIA. Làm cả hai công việc âm nhạc và điện ảnh, tôi thường được mời tới dự những buổi tiếp tân do Toà Đại Sứ Mỹ tổ chức. Tới năm 1956, nhân có đạo diễn Mỹ nổi danh là Josef Mankiewicz tới Saigon để quay cuốn phim THE QUIET AMERICAN (Người Mỹ Trầm Lặng) rút từ cuốn sách của văn-sĩ người Anh Graham Greene, tôi được mời tới dự buổi tiếp tân và gặp luôn Edward Lansdale là một nhân vật huyền thoại mà đời sống đã được đưa vào cuốn sách và cuốn phim kể trên. Tài tử Audie Murphy được chọn để đóng vai một người Mỹ, tính tình rất trầm lặng nhưng thích nhúng tay vào những chính biến lớn ở Đông Nam A, đặc biệt là ở Saigon. Trong cuộc đời, Edward Lansdale quả rằng có dáng dấp của một người Mỹ trầm lặng và đã nổi tiếng là người phù thủy chính trị tạo ra vua (king maker). Sau khi giúp Magsaysay dẹp tan quân phiến loạn HUK để trở thành Tổng Thống Phi Luật Tân, anh ta qua Việt Nam để giúp ông Diệm dẹp tan các phe phái chống đối và trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà. Từ buổi tiếp tân đó trở đi, tôi có nhiều cơ hội gặp anh chàng Đại Tá Không Quân Mỹ làm công việc chính trị này và chúng tôi trở thành hai người bạn, không thân thiết lắm nhưng cũng không nhạt nhẽo lắm. Tôi biết chắc chắn anh chàng Ed này -- người Mỹ thích được gọi tên tắt khi đã quen nhau -- lúc còn trẻ đã từng là người soạn ca khúc cho nên anh ta thích chơi với một nghệ sĩ dân ca (folksinger) như tôi. Về phần tôi, có một người Mỹ huyền thoại để làm bạn, tôi cũng thấy vui vui. Trong sự giao du giữa một nghệ sĩ tự do và một người đang làm công việc tình báo cho cơ quan CIA, chúng tôi luôn luôn tránh không nói chuyện chính trị hay quân sự. Những ngày cuối tuần, Ed hay tổ chức tại nhà riêng ở đường Ngô Đình Khôi những buổi hootnanies (hát chung) và thường mời tôi với một số nghệ sĩ Việt Nam khác như Thanh Lan, Phương Oanh, Nguyễn Đức Quang... tới hát. Người Mỹ bao giờ và ở đâu cũng là một dân tộc rất xuề xoà. Sau giờ làm việc, khi gặp nhau, quan to súng dài đến đâu cũng buông áo bỏ mũ ra để giải khuây (relax). Tại nhà Edward Lansdale, chúng tôi có những buổi hát chơi với những ca sĩ tài tử như Cabot Lodge (Đại Sứ), Daniel Ellsberg (người công khai hoá hồ sơ Pentagon), Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Bộ Trưởng Bùi Diễm, Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng vân vân... Tại đây, tôi còn được hân hạnh hát bài Giọt Mưa Trên Lá bằng Anh Văn cho John Steinbeck nghe khi ông qua thăm người con đi lính ở Việt Nam (*) và nhận cuốn sách tặng có chữ ký của đại văn hào. Ngoài ra, tôi còn được tiếp xúc với những nhân vật Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam như chủ tịch Tổ Chức Truyền Hình CBS Frank Stanton, nữ văn sĩ Mary McCarthy, tài tử Bob Hope v.v... Trong 12 năm qua, nghĩa là trong suốt thời gian ông Diệm nắm chính quyền cho tới lúc khởi đầu của chế độ quân nhân, ngoài những bài hát xưng tụng tình yêu, sự đau khổ và cái chết, tôi đã viết ra khá nhiều tác phẩm có tính cách phục vụ xã hội. Đó là những bài hát cho BÔ THÔNG TIN hay BÔ CHIÊU HỒI, cho QUÂN ĐÔI và cho XÂY DƯNG NÔNG THÔN. Nhất là hai bản trường ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam và 10 Bài Tâm Ca. Tất cả những tác phẩm đó đã gây tiếng vang khá lớn trong dân chúng. Tôi còn là một công chức tại Trung Tâm Điện Ảnh, giáo sư của trường Quốc Gia Âm Nhạc, làm việc hàng tuần với các Đài Phát Thanh và là người cộng tác với Phòng Điện Ảnh của Sở Thông Tin Hoa Kỳ. Đối với người Mỹ, tôi là một nhân vật văn hoá. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có Bureau of Educational and Cultural Affairs phụ trách việc mời những nhà văn hoá ở trên thế giới tới thăm Mỹ Quốc. Qua sự giới thiệu của Toà Đại Sứ ở Saigon, văn phòng này chính thức mời tôi viếng thăm Hợp Chủng Quốc. Thế là vào tháng 3 năm 1966, tôi leo máy bay đi Mỹ. Trước tiên, tôi tới Honolulu và được nghỉ ngơi hơn một ngày trời cho quen với sự thay đổi giờ giấc. Sau khi ở Pháp về, mười năm đã trôi qua, bây giờ tôi mới có dịp đi xa, hơn nữa còn được tới hải đảo thần tiên mà tôi từng mơ tưởng khi còn bé. Bây giờ tôi được nghe tận tai loại nhạc hạ-uy-di nũng nịu và đa cảm, được nhìn tận mắt những cô gái đảo gần như khoả thân, uốn bụng múa điệu hula-hula gợi tình trong buổi hoàng hôn vàng tím. Từ Honolulu, tôi đi thẳng qua Washington D.C., tới văn phòng International Exchange Program để biết mình sẽ được đi thăm viếng những nơi nào trên địa lục rộng lớn này. Người Mỹ làm việc gì cũng rất chu đáo. Biết tôi là nghệ sĩ dân ca văn phòng này tổ chức cho tôi đi thăm các đài truyền hình ở New York, đi dự các nhạc hội dân ca (Festivals) ở Florida và Pennsylvania, tới ở vài ngày trong một gia đình nghệ sĩ là The Beers Family ở Petersburg... Họ cũng chiều ý tôi, không bắt tôi phải đi du lịch quá nhiều trên quốc gia mênh mông này và thuận để tôi tới sống trong một tháng tại thành phố mà tôi ưa thích nhất là New York. Khi tới New York, vào thăm Đài CHANNEL 13 với Steve Addiss và Bill Crofut, ngẫu nhiên tôi được tham dự vào chương trình dân ca của Pete Seeger, nhạc sĩ phản chiến số một của Hoa Kỳ. Rồi còn được mời ăn trưa với Frank Stanton, Walter Cronkite, Mike Wallace... trong bữa cơm có trao đổi ý kiến về nhạc của THE BEATLES mà tôi cho là có tính chất tribal, nghĩa là nhạc họp bầy, bởi vì khi tiếng nhạc của ban Tứ Quái này cất lên là tất cả thanh niên nam nữ trên thế giới, dù khác mầu da, cũng đều thấy là của mình cả. Tại Festival ở White Springs, Florida, nơi có đài kỷ niệm ông tổ dân ca Hoa Kỳ là Stephen Foster, tôi được nghe những bài cổ ca Anh Cát Lợi và những bài dân ca của người Mỹ gốc Pháp. Bị mời lên sân khấu, tôi hát bàiGiọt Mưa Trên Lá bằng tiếng Anh (The Rain On The Leaves). Sau đó, bài này được nhóm hợp ca nổi danh Mitch Miller thu thanh vào dĩa hát. Tại Festival ở Pittsburgh, Pensylvania, tôi được thưởng thức những màn ca diễn của người Mỹ gốc Đông Âu. Tôi thấy dân nhạc Hoa Kỳ là sự tổng hợp những bài dân ca của nhiều nước. Trái với quan niệm hẹp hòi của một vài anh chàng chơi cổ nhạc ở Việt Nam, dân ca nước nào cũng đều phát triển và di chuyển không ngừng. Tại hai Nhạc Hội Dân Ca ở Florida và Pennsylvania này, những bài dân ca cổ xưa được hát lên không có gì là xa lạ đối với những bài dân ca mới mà tôi được nghe qua cassette hay radio trong thời gian ở Mỹ, ví dụ những bài hát của bộ ba Paul, Peter, Mary hay của Bob Dylan, Joan Baez. Có khác chăng là về nội dung, bây giờ đa số dân ca mới của Hoa Kỳ mang tinh thần phản chiến. Rồi khi tôi được sống vài ngày trong một nông trại ở Petersburg với gia đình họ Beers, gồm người chồng đánh đàn harpshicord, người vợ hát và cô con gái đánh guitare, tôi liên tưởng tới gia đình nghệ sĩ Thăng Long... Là một khách du lịch được tổ chức International Exchange Program cho đi thăm những cảnh tượng vĩ đại của nước Mỹ như thác Niagara, vực Grand Canyon, cho tới hưởng cái nóng nung người và thấy cảnh nghèo của người da đen trong thành phố New Orleans, rồi cho thấy thêm cảnh hoa lệ của San Francisco giữa thời kỳ hippy... còn cho gặp gỡ khá nhiều người nổi danh trong giới nghệ sĩ trình diễn (show business), dù trong lòng rất thích thú nhưng tôi không khỏi băn khoăn khi thấy đa số dân Mỹ chống đối cuộc leo thang chiến tranh tại Việt Nam của Hoa Kỳ. Nhất là sau khi được dự buổi họp ở New York của một nhóm chủ hoà, thấy Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh mặc áo cà sa mầu vàng ngồi trên sân khấu hội trường bên cạnh nhà văn thiên tả Arthur Miller và thấy những cuộc biểu tình trên đường phố hay trong khuôn viên Đại Học với đám đông gồm đầy đủ trẻ già trai gái, cầm cờ Giải Phóng Miền Nam và những biểu ngữ GET OUT OF VIET NAM, MAKE LOVE NOT WAR... Với chuyến Mỹ du vào năm 1966, tưởng chỉ là chuyện đi du lịch, nhưng lại là dịp để tôi nhìn thấy tận mắt sự chống đối dữ dội của dân chúng tại một quốc gia đang là đồng minh của Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh máu lửa với chính quyền Bắc Việt mà ai cũng biết đó là mũi nhọn tiền phong của Cộng Sản quốc tế. Đây là lần đầu tiên tôi thấy tính tình của người Mỹ và sức mạnh của người dân trong một nước có dân chủ thực sự. Sức mạnh có thể thay đổi một đường lối chính trị hay đánh đổ một ông Tổng Thống dễ như chơi. Tôi thấy người Mỹ, nhất là đám thanh niên, dù mức sống rất cao vì nền kinh tế vững chắc của nước này, nhưng họ luôn luôn chống lại những cái gọi là trật tự xã hội. Thập niên 50 là lúc trong giới trẻ Hoa Kỳ có những người chống lại lối sống ngoan ngoãn như cừu của mọi người. Họ mặc quần áo da, đi mô tô và đề cao hư vô chủ nghĩa dù họ đang sống trong một xã hội dư thừa. Một thế hệ được gọi là beatnik generation ra đời để luôn luôn ảnh hưởng tới tuổi trẻ Hoa Kỳ. Sau đó, có lẽ vì được tiếp xúc với văn hoá phương Đông nên một số người Mỹ đưa ra phong trào hippy, chống lại đời sống máy móc. Quyết định không theo luật tài chính kinh tế của xã hội, họ chủ trương sống trong những cộng đoàn và xoá bỏ tư hữu. Họ góp tiền để sống chung với nhau như trong một bộ lạc. Họ còn phản đối định chế hôn nhân, chủ trương tự do luyến ái... Vào lúc Hoa Kỳ nhúng tay mạnh mẽ vào chiến tranh Việt Nam, thanh niên là nòng cốt của phong trào phản kháng xã hội (social protest). Từ hành động này, họ đi tới phong trào phản chiến. Tất cả khởi nguồn từ các khuôn viên Đại Học (campuses) vì khi bị bắt lính, các sinh viên peacenik này tổ chức biểu tình, đốt thẻ trưng binh... Tuy rất phục tinh thần dân chủ cũng như tính hiếu hoà của lớp người phản kháng, nhưng khi thấy khẩu hiệu MAKE LOVE NOT WAR được áp dụng vào cuộc chiến Việt Nam tôi soạn một bài hát trong đó tôi cho rằng, đối với người Việt chúng tôi, không thể có sự chọn lựa giản dị là chỉ làm tình mà chẳng làm chiến tranh. Thưa quý vị phản chiến, chúng tôi -- than ôi -- phải làm cả hai việc ạ: Một ngày cho người sống Một ngày cho người chết Một ngày cho người thương Một ngày cho người ghét... Trong cảnh ngộ một ngày cho cuộc chiến thì một ngày cho lười biếng và một ngày cho bình yên, thì một ngày lại cho điên... người Việt Nam chúng tôi đành chép miệng thở dài: Hỡi, hỡi ôi ! Thân phận làm người ! Thân phận làm người ! Tôi chấp nhận cuộc đời, cho nên: Một ngày cho khẩu súng thì môt ngày cho ngòi viết Một ngày đi mà giết, thì một ngày đi mà hát Một ngày đi làm lính, thì một ngày đi đảo chính Một ngày đi cầu kinh, rồi một ngày về quyên sinh... Bài hát nhan đề Một Ngày Một Đời này kết luận, khác hẳn với ước muốn của con chuồn chuồn năm xưa: Một đời mang phận sống Một đời đeo cùm gông Một đời đi ruổi rong Một đời vẫn chờ mong Một đời không còn mới Một đời không từ chối Một đời vẫn thường nói: Một đời người, than ôi ! Hỡi, hỡi ôi ! Thân phận làm người ! Thân phận làm người ! Cứ việc băn khoăn vì phong trào phản chiến lên cao ở nước Mỹ, tôi dùng ngày giờ ở New York để đi mua đĩa hát băng nhạc và đi sắm nhạc cụ cho các con (đang tập toẹ đi vào thế giới nhạc trẻ với ban THE DREAMERS). Vào năm 1966 Việt Kiều ở Mỹ không nhiều, tại New York tôi chỉ gặp Thượng Toạ Thích Giác Đức đang học Anh Ngữ tại Columbia University để cùng đi thăm tượng Nữ Thần Tự Do và gặp Nguyễn Ngọc Bích để nhờ anh bạn trẻ giới thiệu bằng Anh Văn những bản tâm ca khi tôi có hân hạnh tới hát cho sinh viên ở New York City College nghe. Tôi cũng được hai người bạn đã từng qua Việt Nam để đi hát rong với tôi là Steve Addiss và Bill Crofut dẫn tôi vào thế giới âm nhạc Hoa Kỳ. Đi nghe nhạc jazz tại các hộp đêm và đi coi ca kịch tại các rạp hát lớn ở Broadway, tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích cho việc sáng tác của tôi. Được tới chơi với nhiều ca nhạc sĩ rất trẻ và được mời hút thử cần sa, tôi hơi nhạc nhiên khi thấy chất ma túy này quá nhẹ và vô vị so với á phiện mà tôi đã nếm thử, tại sao dân Mỹ có thể ghiền nó được nhỉ? Tôi cũng được thấy mặt trái của cái xã hội được gọi là dư dật này, khi đi qua những khu phố của dân nghèo, nhất là khu người da đen. Không còn gì buồn thảm hơn cảnh một nhà máy bị đóng cửa với những mảng tường vỡ, trơ ra những sườn sắt rỉ và những sân xi măng xanh mầu rêu phủ. Sau chuyến thăm viếng Hoa Kỳ vào năm 1966, tôi lại có dịp qua Mỹ lần thứ hai vào năm 1970, khi một phái đoàn của Bộ Thông Tin đi giải độc dư luận Mỹ mời tôi đi theo làm cố vấn. Vào giai đoạn này, tinh thần phản chiến ở Hoa Kỳ đã lên tới cực độ. Sau hai sự kiện mà tôi cho là tệ hại nhất cho Nam Việt Nam là cảnh vụ thảm sát Mỹ Lai và vụ Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đích thân hạ sát Việt Cộng trong Tết Mậu Thân được chiếu trên Tivi, tôi thấy rằng không ai có thể làm gì để thay đổi dư luận Hoa Kỳ được nữa! Riêng đối với tôi, phản ứng trong cuộc Mỹ du lần thứ hai là một bài hát nhan đề Kể Chuyện Đi Xa. Khi vụ thảm sát Mỹ Lai xẩy ra, tôi chỉ biết vụ này qua một bản tin ngắn. Nay qua Mỹ, tôi được coi chương trình Tivi và được đọc những tờ báo có hình ảnh kinh hoàng của vụ thảm sát. Lúc đó phái đoàn đang ở trong một hotel New York. Đứng trong phòng ngủ, nhìn qua cửa sổ, tôi thấy thiên hạ náo nhiệt đi trong mưa tuyết để mua quà Christmas tặng nhau. Rồi nhìn thấy trên giường ngủ có tờ báo Mỹ với ảnh mầu ghi lại vụ thảm sát Mỹ Lai, tôi liên tưởng tới chuyện Quân Đội Pháp và bà mẹ Gio Linh khi xưa, tới bọn buôn súng đạn, buôn tin tức, làm giầu trên đầu người dân Việt Nam bây giờ. Bài hát là lời hỏi của lũ con và sự trả lời của người cha vừa đi xa về : Cha ơi ! Cha ơi ! Cha đã đi nhiều ! Đi những nơi nào ? Cha biết những gì ? Kể chuyện con nghe Cha biết những gì ? Kể chuyện con nghe . . . . . . Con ơi ! Con ơi ! Cha đã đi từ ruộng đồng quê ta Lê gót trên hè của nhiều kinh đô Châu A đông người, ở rồi ra đi Âu, Mỹ xa vời, tạt về Châu Phi Nhưng con ơi ! Cha đã đi nhiều mà chẳng bao nhiêu Cha đã la cà mà chẳng đi xa Con muốn nghe, thì kể chuyện cho nghe... Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời ! Lũ trẻ thơ hỏi tiếp, để người cha trả lời Cha ơi ! Cha ơi ! Cha đã đi nhiều ! Đi những nơi nào ? Nghe thấy những gì ? Kể lại con nghe Nghe thấy những gì ? Kể lại con nghe Con ơi ! Con ơi ! Cha đã nghe toàn là lời cao sang Nhân Ai, Nhân Quần ngập Đại Tây Dương Cha đã soi mình vào dòng sông Seine Ôm ấp nhân tình ở ngọn Eiffel Nhưng con ơi ! Trong lúc xuân tình vừa bừng hơi men Cha bỗng se mình vì chợt nghe lên Tiếng khóc la rền của Mẹ Gio Linh Chen tiếng vô tình của bọn yêu tinh Buôn súng buôn tiền, làm giầu lên trên Thân xác dân hiền. Cuộc đời như điên Nghe súng bom liền, nổ từ hai bên Nghe tiếng dân mình chửi bọn lưu manh Nghe thuế điên cuồng (cùng) thịt gạo leo thang Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời ! Bài hát tiếp tục: Cha ơi ! Cha ơi ! Cha đã đi nhiều ! Đi những nơi nào ? Trông thấy những gì ? Thuật lại con nghe Trông thấy những gì ? Thuật lại con nghe Con ơi ! Con ơi ! Đêm Giáng Sinh nào ở miền Tân Châu (**) Cha đứng trên lầu chọc trời trông theo Dân chúng ra vào, quà tặng khen nhau Chơi tuyết bên cầu, trẻ đùa xôn xao Nhưng con ơi ! Trên những hoa đèn chập chờn công viên Bỗng thấy in hình một miền tre xanh Đôi bé quê mình qùy gục trên mương Anh lớn tay choàng chịu đạn cho em Vết máu trên đường, một tràng liên thanh Ôi ! Mỹ Lai thành quà tặng No-en Cho những thiên đường của từng con em Trong những gia đình gọi là văn minh. Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời Và kết luận: Cha ơi ! Cha ơi ! Cha đã đi nhiều ! Cha đã đi nhiều ! Cha nhắn nhe gì ? Để tụi con nghe Cha nhắn nhe gì ? Để tụi con nghe Con ơi ! Con ơi ! Cha muốn thưa rằng: Địa cầu xoay nhanh Kiếp sống thanh bình, người người mưu sinh Sao nước non mình còn nhiều điêu linh ? Ai đã cố tình đẩy cuộc đua tranh ? Đem cháu con mình làm vật hi sinh Đất nước hai miền chật chội oan khiên Ôi con ơi ! Cha có đi tìm một niềm vui riêng Cũng thấy thẹn thùng vì tội gom chung Thế giới lẫy lừng để một quê hương Chua sót vô vàn ! Thật là vô lương ! Cha muốn thưa rằng : Người Việt đau thương Thế giới âm thầm, thủ phạm lâu năm Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời ! Con ơi ! Con ơi ! Thế giới bên ngoài ! Cha đã đi nhiều (nhưng) Cha có đi hoài ? Chỉ buồn thêm thôi ! Cha có đi hoài chỉ buồn thêm thôi ! Chỉ buồn... thêm... thôi ! Như vậy, hai cuộc Mỹ du của tôi chỉ càng làm cho tôi nhìn rõ hơn cuộc đấu tranh giữa hai phe Tư Bản và Cộng Sản trong đó, phe được gọi là thế giới tự do vì người dân được hưởng quá nhiều tự do, nhất là tự do thông tin qua báo chí và tivi nên bị nhiều bó tay hơn phe có một chủ nghĩa xã hội rất hấp dẫn đối với các tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ Hoa Kỳ. Tôi còn được mời qua Mỹ một lần nữa, tham dự một symposium về Nhạc Việt tại Southern Illinois University cùng với Trần Văn Khê và nhạc sĩ cổ nhạc Vĩnh Bảo, và càng thấy rõ chính tình nước Mỹ. Sau chuyến đi Mỹ 1966 về nhà được ít lâu, con trai Đức ra đời, rất kháu khỉnh vì trong thời gian thụ thai, vợ tôi được tôi gửi vitamines từ Mỹ về để bổ dưỡng sức khoẻ. Tôi còn nhớ Ed Lansdale mà tôi gặp ở Washington D.C. là người cầm thuốc bổ về cho vợ tôi.
 (*) Anh này về sau thành đệ tử trung thành của ông Đạo Dừa. (**) New Continent = USA
Chương Mười Bảy
...Không biết rồi ai sẽ cứu ai ? Bà Mẹ Phù Sa
Trước Tết Mậu Thân, tôi theo Tạ Tỵ ra Huế hát cho một vài đơn vị Quân Đội Cộng Hoà nghe. Không ngờ được tặng hai bài thơ rất dữ dội, tiên đoán một đại thảm kịch sẽ xẩy ra ở đất Thần Kinh này. Gặp Nguyễn Đắc Xuân, người góp ý với tôi trong tâm ca Để Lại Cho Em ngày nào, bây giờ tặng tôi một bài thơ để tôi phóng tác thành một bài ca chua chát nhan đề Nhân Danh: Vì giữ mình tôi phải giết một người ! Vì gia đình tôi phải giết mười người ! Vì xóm làng tôi phải giết ngàn người ! Vì giống nòi tôi phải giết vạn người ! Vì lý tưởng tôi phải giết triệu người ! Vì nhân loại tôi phải giết trọn loài người. Xin nhân danh đường lối hoà bình, giết luôn tôi ! Khi hát bài này trước khán giả và được vỗ tay khen ngợi thì tôi nói: Quý vị không nên vỗ tay khen ngợi kẻ sát nhân, đã nhân danh mọi điều tốt đẹp để giết hết mọi người, rồi tự giết mình luôn. Nhưng vì quý vị hoan nghênh nên tôi xin được hát lại bài này và xin thay thế tất cả những chữ giết bằng chữ cứu: Vì giữ mình tôi phải cứu, phải cứu Cứu một người, cứu một người Xin nhân danh ngồi dưới mặt trời Vì giữ mình tôi phải cứu một người Vì gia đình tôi phải cứu, phải cứu Cứu mười người, cứu mười người Xin nhân danh hạnh phúc lạc loài Vì gia đình tôi phải cứu mười người...v.v. Cũng ở Huế, thi sĩ trẻ Thái Luân có bài thơ nhan đề Bi Hài Kịch, tôi thấy hay quá và xin phổ nhạc: Đạo diễn đưa tay lên Đạo diễn đưa tay xuống Bi hài kịch mở màn Bi hài kịch khai trương Diễn viên quay súng bắn Diễn viên gục đầu đường Máu chẩy vệt loang loang Máu chẩy vào quê hương Quê hương là ruộng đồng Quê hương là mưa nắng Quê hương là khoai sắn Quê hương là cơm ngon... Vở bi hài kịch Việt Nam trong bài thơ dù đổi màn, thay phông nhưng diễn viên vẫn là hai kẻ nguyền rủa nhau, hành hạ nhau, chém giết nhau. Cuối cùng khi vở bi hài kịch bỏ màn (nhưng ai cũng cảm thấy vở đó chưa xong) thì tất cả diễn viên, đạo diễn và khán giả cũng đều buồn như nhau: Diễn viên rơi nước mắt Đạo diễn khóc hay cười Khán giả thì bưng môi Khán giả thì im hơi Ôi bi kịch còn dài Trong hay ngoài sân khấu Bên trên hay là bên dưới Ai cũng buồn như nhau... Trở về Saigon ít lâu, xẩy ra biến cố Tết Mậu Thân. Chiến tranh vào thành phố! Nhưng đối với người dân Saigon, vì quá quen với ánh sáng hoả châu và tiếng B52 thả bom ầm ỳ hàng đêm ở xa xa, chiến tranh chẳng bao giờ làm chúng tôi sợ cả. Khi đặc công Việt Cộng tấn công bộ Tổng Tham Mưu gần nhà, gia đình tôi còn đua nhau leo lên gác thượng để coi đánh nhau. Chỉ tới khi có viên đạn lạc bắn vào mái nhà thì mọi người mới hoảng hốt tụt xuống ! Thản nhiên trước cảnh đánh nhau, thản nhiên luôn trước cái chết. Khi đi coi những khu phố đã trở thành chiến địa, nhìn tận mắt những xác người nằm trên vũng máu đào bên đống gạch vụn còn bốc khói, tôi không thấy lòng náo động như trong thời chiến tranh chống thực dân Pháp. Cũng như tôi, nhà văn trẻ Lê Tất Điều viết trong một bài báo nào đó: Tôi không còn thấy rung động hay sợ hãi trước xác người chết... ... Cho tới khi tôi biết rõ những gì xẩy ra tại Huế trong tết Mậu Thân thì mới thấy hết dửng dưng rồi căm phẫn và phản ứng bằng những bài tâm phẫn ca. Xưa nay tôi vẫn cho Huế là nơi người ta nói hộ dân chúng những điều u uất nhất của cuộc đời Việt Nam. Qua những câu hò, câu ru, câu ca tôi cho là nhọc nhằn, nỉ non, ai oán nhất. Cũng là điệu ru nhưng lối ru Huế sao mà nghe vắng xa chi lạ! Cũng là bài ca nhưng trong Ca Huế mới có những bản hát buồn. Nhạc miền Bắc chẳng bao giờ buồn cả, điệu làn thảm trong Chèo không thảm thiết bằng điệu Nam Ai, Nam Bình. Bài Vọng Cổ nghe buồn man mác, và chỉ man mác mà thôi! Hò kéo gỗ, hò đẩy xe ở miền ngoài có thể làm cho người nghe nhức da nhức thịt nhưng hò mái nhì, hò mái đẩy mới đánh vào tâm não chúng ta. Mặt khác, chỉ những nhà thơ gốc Huế (hay ở Huế lâu) mới nói hộ ta những lời buồn như thơ sầu rụng của Lưu Trọng Lư, thơ hờn tủi của Chế Lan Viên hay thơ ngậm ngùi của Huy Cận. Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân có hậu quả chính trị làm rúng động dư luận Hoa Kỳ, khiến Tổng Thống Johnson không tái ứng cử nữa, cuộc hoà đàm Paris thành tựu... Nhưng thảm kịch xẩy ra tại Huế là một sai lầm lớn nhất trong cuộc nội chiến Bắc-Nam dài hai mươi năm. Thảm kịch được phơi bầy qua tư liệu lịch sử hoặc qua các tác phẩm văn chương như Tình Ca Cho Huế Đổ Nát (1968), Giải Khăn Sô Cho Huế (1969) của Nhã Ca, Ngôi Sao Trên Đỉnh Phú Văn Lâu của Hoàng Phủ Ngọc Tường (1971), Huế Những Ngày Nổi Dậy (1979) của Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ, Đất Nước Vào Xuân (1979) của tướng Lê Chưởng, Chính Ủy mặt trận Huế thời đó, Mùa Biển Động Tập III (1988) của Nguyễn Mộng Giác... và cho ta thấy sau khi Bắc Quân bị đánh bật ra khỏi thành phố, Huế là chốn tử địa kinh hoàng với 19 mồ chôn tập thể. Số người bị thảm sát lên tới năm, sáu ngàn người. Ngoài những quân nhân, công chức cộng tác với chính quyền miền Nam, còn có cả tử thi đàn bà, con trẻ. Ai ra lệnh giết? Ai bình tĩnh, mù quáng thi hành mệnh lệnh dã man, tàn bạo đó ? Những người đó nhân danh một chủ nghĩa hay một lý tưởng nào??? Thảm kịch Mậu Thân thay đổi cuộc đời, thay đổi thái độ sống của nhiều người, ảnh hưởng vào sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ. Riêng tôi, nói về thành phố Huế yêu thương và đau thương, ngày nào tôi mơ một chiều nao đốt lửa rực đô thành, giấc hoả mộng của tôi là giấc mơ nghệ thuật, giấc mơ ánh sáng. Thảm kịch Mậu Thân cho tôi trực diện hơn nữa với bộ mặt thực của cuộc chiến tranh Nam-Bắc tương tàn để từ đây những sáng tác của tôi không thể nào dửng dưng được nữa. Tôi soạn một bài hát có tính cách phẫn uất nhan đề Tôi Không Phải Là Gỗ Đá (khi in ra có đề tặng Lê Tất Điều): Tôi không phải là cỏ cây Tôi không phải là gỗ đá Nên tôi khóc Việt Nam tôi Ròng rã ba đời không biết vui Tôi không phải là người dưng Tôi không phải là nước lã Nên tôi khóc người không xa Gục ngã chiến trường tuổi còn xuân.. Đừng ngụy trang trong tiếng hát Đừng cần mang đôi kính mát Hãy lắng nhìn vào quê hương điêu tàn Hãy đếm từng người dân đang chết oan Hãy oán hờn cuộc binh đao tương tàn Hãy khóc thầm dù nước mắt đã cạn Hãy biết buồn ! Hãy biết thẹn ! Vì non sông còn tối đen... Rồi bởi vì tôi không thể nào thản nhiên, tôi không thể nào im tiếng, nên tôi thét vào thinh không lời nói hãi hùng hơn tiếng bom...Bởi vì tôi không thể nào miệng câm, tai điếc, nên tôi khóc và tôi điên... cho nên tôi tiếp tục đưa ra một số bài hát dữ dội, đặt tên là tâm phẫn ca (chanson en colère). Trước đây hai ba năm, khi tâm ca ra đời nó gây một tiếng vang lớn trong đám thi sĩ và nhạc sĩ trẻ. Họ cũng đồng ý với tôi là không thể nào thản nhiên và im tiếng được nữa. Thơ chống chiến tranh được viết ra (ví dụ những bài thơ của Thái Luân, Nguyễn Đắc Xuân tôi vừa kể) và nhạc phản chiến được soạn ra (ví dụ những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng). Cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn khiến cho một thi sĩ mang tên rất đẹp là Hoa Đất Nắng phải viết ra những câu thơ hung tợn, để tôi phổ thành bài Đi Vào Quê Hương: Tôi vào quê hương bằng cuộn dây thép gai Đồng cỏ cha tôi, tôi trói gô hình hài Tôi đào thông hào, trồng cây chông nhọn hoắt Tôi giơ tay cao, tôi cấu tôi cào Tôi vào quê hương bằng xe traction Chở mìn clay-mo, plát-tíc đi ngoài đường Tôi đặt lên sườn Mẹ Việt Nam gầy ốm Ôi Mẹ tan tành ! Ôi Mẹ phanh thân ! Tôi vào quê hương bằng dòng nước mắt Nước mắt vợ chồng, nước mắt cha con Nước mắt bạn bè, nước mắt anh em Tôi lội tôi bơi mệt nhoài trong đó Máu loang từ đầu, chảy xuống ruột mềm Tôi vào quê hương qua nòng thép súng Lửa cháy trong làng, lửa cháy trong thôn Lửa cháy trong lòng, lửa cháy trong tim Trên da mặt tôi mọc lên cổ thụ Cổ thụ sai oằn lựu đạn mooc-chiê... Tôi vào quê hương bẵng một gánh hát quê Đả đảo hoan hô tôi đứng lên làm hề Lũ trẻ ngù ngờ cười phun nước miếng Trên da mặt tôi, trên yếm, trên đầu Tôi vào quê hương quà tặng nhớ đem theo Một khẩu thompson hay chiếc súng cộng đồng Mỗi thằng một đứa, dành cho nhau một phát Mỗi đứa một thẵng, dành một phát cho nhau... Tôi tiếp tục soạn tâm phẫn ca. Bây giờ tôi muốn nói tới người lính Việt Nam nhưng không dùng những lời ca nịnh nọt hay mị dân mà các bộ máy tuyên truyền lúc đó đang đề cao. Tôi nói về cái chết của người lính trẻ: Người lính trẻ chết trận chiều qua Nên trăng sao vụt tắt chẳng ngờ Người lính trẻ chết trận hồi mơi Nên hôm nay chẳng có mặt trời Người lính trẻ chết trận ngày mai Trên quê hương ngọn lúa rụng rời Người lính trẻ chết trận ngày kia Trên ngôi cao là hết dị kỳ.., Cái chết của tuổi trẻ làm cho tất cả đều nổi giận: mặt trời, trăng sao phải vụt tắt, ngọn lúa phải rụng rời, các vị Thần phải ôm mặt khóc rồi rủ nhau chạy mất... Dây đàn phải đứt, dòng chữ phải tan, con người trần truồng trở về thời hồng hoang cho tới khi địa cầu nổ toang, cuộc đời tận thế: Người lính trẻ chết trận còn đâu ! Nên không lâu, nổ vỡ địa cầu. Người lính trẻ chết trận rồi nghe ! Xin nghe đây tận thế gần kề ! Người lính trẻ chết trận còn chi Bởi vì tôi phẫn nộ nên sau khi nổi giận về cái chết của người lính trẻ, tôi nói chuyện mỉa mai với Chuyện Hai Người Lính: Có hai người lính ở chung một làng Cùng yêu Tổ Quốc Việt Nam. Có hai người lính ở chung một làng Cùng yêu ruộng đất Việt Nam. . . . . . Có hai người lính cùng chung một lòng Cùng không để mất Việt Nam Có hai người lính cùng tiến lên đường Quyết tâm gìn giữ Việt Nam... Chuyện hai người lính là chuyện có thể xẩy ra ở mọi nơi trong nước. Nhà văn Xuân Vũ cũng từng chứng kiến cảnh anh em trong một nhà, người theo giải phóng, người theo quốc gia rồi một sớm mai nào đó: Có hai người lính nằm trên ruộng đồng Cùng ôm khẩu súng chờ mong Có hai người lính, một sớm mai hồng Giết nhau vì nước Việt Nam... Nói chuyện khôi hài đen, tôi có bài Bà Mẹ Phù Sa. Đây có thể là một câu chuyện có thực như chuyện Bà Mẹ Gio Linh trước đây hay Chuyện Hai Người Lính vừa kể. Tôi kể chuyện một bà mẹ ở đất Phù Sa, mới năm mươi tuổi đã già như tám mươi... Đúng như người mẹ trong câu ca dao: Mẹ già ở túp lều tranh Đói no ai biết rách lành ai hay... Một ngày tháng 8 năm 62, có anh Ba cán bộ tới xóm tuyên truyền về Ấp Chiến Lược. Trong khi anh đang thuyết trình thì có tiếng súng nổ ở dưới vườn, bà mẹ vội lùa anh Ba vào trốn dưới gầm giường. Người nổ súng cũng là một cán bộ: anh Tư của Mặt Trận Giải Phóng. Anh này mò đến nhà bà mẹ để tuyên truyền. Đón tiếp anh Tư, chợt trông ra đường mương, thấy Quân Đội Mỹ đang đi hành quân và tới gần lối xóm, bà vội vàng lùa anh Tư cũng vào trốn dưới gầm giường... Câu kết của bài hát là: trong cuộc chơi đi trốn này, không biết rồi đây ai sẽ cứu ai ? Vào lúc này, ngoài ngôi nhà lớn trong cư xá Chu Mạnh Trinh ở ngã tư Phú Nhuận, vợ chồng tôi mua thêm một căn nhà gỗ cũng nằm trong cư xá. Để tăng lợi tức cho gia đình đã trở nên khá đông đảo (con gái út Thái Hạnh mới ra đời), chúng tôi bèn cho Đại Hàn thuê ngôi nhà ba tầng để làm xưởng sửa máy điện tử và dọn về sống trong căn nhà nhỏ. Nhà này toạ lạc bên cạnh một cái giếng sâu, nơi có lần Duy Cường (mới lên 5) rơi ống mà không chết, Ở đầu đường Võ Di Nguy có cái ngõ nhỏ dẫn vào nhà mà khỏi cần qua ngả lớn đường Chi Lăng. Ở hai bên ngõ là dẫy nhà gỗ mái tôn, nơi cư ngụ của vài gia đình nghèo, trong đó có nhà của một ông giáo phải ngưng dạy học vì mắc bệnh thần kinh sau khi vợ bỏ đi lấy Mỹ. Cuộc chiến tranh nào cũng tạo ra những người điên. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi đã gặp vài ba người mất trí. Nhưng bây giờ có quá nhiều người điên ở trong nước. Trong thành phố, ở khu nào cũng có người mất trí. Nhiều đến nỗi người điên hiện diện luôn trong một ca khúc rất cảm động của Trịnh Công Sơn, bài Tình Ca Người Mất Trí. Sống trong căn nhà mới ở trong cư xá này, hằng ngày chúng tôi được coi cảnh ông giáo chống tay bên hông đứng bên bờ giếng để lải nhải chửi bới. Thường thường ông chỉ chửi một cách nhẹ nhàng và bâng quơ, nhưng đôi khi ông réo tên các Tướng, Tá, các vị Bộ Trưởng Chính Phủ để chửi bới om xòm, và chửi luôn cả Tổng Thống nữa! Và lẽ dĩ nhiên ông chửi Mỹ một cách thậm tệ. Đặc biệt ông không chửi vợ. Có lẽ vào lúc đó, cả công chức lẫn tư chức và dân thường, ai cũng đều chửi thầm Chính Phủ cho nên ông giáo điên này không bị ai phản đối hay bị cảnh sát bắt đi. Chứng kiến cảnh một người suốt ngày đứng chửi rủa như vậy, tôi bỗng nhớ tiếc người điên của phố Hàng Dầu ngày xưa, suốt ngày lễ phép đứng chào khách qua đường! Cũng tại căn nhà gỗ này, nằm trên cái gác xép nhỏ nhoi và nóng nực, tôi được coi trong Tivi đen trắng cảnh phi hành gia Amstrong đặt chân lên mặt trăng. Đúng như tôi đã nói trong bài Một Đàn Chim Nhỏ, quả rẵng Amstrong không tìm thấy chú Cuội và chị Hằng ở nơi cung Quảng. Thấy kỹ thuật Hoa Kỳ đem được con người lên tới mặt trăng rồi thì tôi rất phục, nhưng thấy sự hiện diện của lính Mỹ ở Việt Nam quá đông thì tôi buồn. Trong bài Bé Bắt Dế soạn ra vào năm tới, tôi có nói đến tình cảm đó. Vào hai năm 69-70, chiến tranh ở Việt Nam đã leo thang tới tột đỉnh. Nửa triệu binh lính Mỹ trên nước ta cùng với hàng ngàn Mỹ kiều khác (các nhân viên ngoại giao kinh tế, các nhà thầu xây cất, làm đường xá cầu cống...) tạo ra tại các đô thị lớn một giai cấp mới là những người Việt giao dịch hay kinh doanh với Mỹ. Trong khi đa số thị dân chỉ có đồng lương cố định, người làm với Mỹ làm giầu rất nhanh qua những dịch vụ mở quán rượu, nhà tắm hơi, phòng trà khiêu vũ. Một số lớn phụ nữ Việt Nam trở thành gái bán bar, gái đấm bóp hay gái nhẩy. Tiền tiêu pha của lính Mỹ, tiền chi phí cho các hãng thầu Hoa Kỳ và tiền ăn sài của những người có dịch vụ với Mỹ tạo ra nguy cơ lạm phát phi mã. Tình trạng này làm cho người giầu cứ giầu lên, người nghèo càng ngày càng nghèo hơn. Đời sống của đa số dân chúng rất khó khăn. Xẩy ra những vụ nhũng lạm của các cấp hành chánh hay chợ đen... Đây là thời gian hầu hết những giá trị tinh thần, đạo đức của người Việt bị lật nhào vì chiến tranh và tiền bạc. Sự sa đoạ của xã hội Việt Nam phải kéo theo những phản ứng. Trước cảnh thoái hoá trong gia đình, phản ứng của người mất vợ như ông giáo kể trên chỉ là mắc bệnh thần kinh rồi đứng bên bờ giếng chửi rủa. Ngoài xã hội, phản ứng lớn hơn nhiều, qua hành động của hai người tôi gọi là anh hùng trong trắng. Tại Nha Trang, trước cảnh đảo điên của xã hội, thấy rằng danh dự quân nhân và trí thức của mình bị thương tổn, một bác sĩ sĩ quan là Hà Thúc Nhơn làm kiến nghị đòi trừng phạt Tỉnh Trưởng về tội tham nhũng. Bị tham nhũng vây bắt anh Nhơn cố thủ trong bệnh viện, quyết tâm chống lại bằng vũ khí, nhưng cuối cùng anh bị tham nhũng bắn chết. Một người bạn của anh Hà Thúc Nhơn là Phạm Văn Lương -- cũng là bác sĩ sĩ quan -- phản ứng bằng cách đứng trước trụ sở Quốc Hội ở Saigon, tay cầm quả lựu đạn đã mở sẵn chốt, kể tội tham nhũng của các Tướng Tá Việt Nam, kể từ Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên trở xuống. Vì hành động của anh Lương xẩy ra giữa thủ đô, nơi có tai mắt của quốc tế nên bọn tham nhũng không dám giết anh. Nhưng sau khi xoa dịu anh Lương rồi, nạn tham nhũng vẫn chẳng bớt đi chút nào. Nó còn tăng lên với vụ buôn lậu ở Long An có xe nhà binh hộ tống. Việc làm của hai người hùng trong trắng này và kết quả không đi đến đâu của nó khiến tôi phải soạn bài hát nhan đề Dạ Hành: Người đi trong đêm tối, trong đêm thâu Trong đêm vắng, trong đêm sâu Trong đêm dầy, trong đêm dài Việt Nam, hự (sau mỗi câu hát là có tiếng hự, tức là tiếng đấm vào lưng) Người đi giương đôi mắt, khua đôi tay Đưa chân bước trên chông gai Trên đất gầy, trên vũng lầy bùn nhơ, hự Người đi không ai dắt, không ai đưa Như đui mắt, đi bơ vơ Đi trong vòng vây quanh của bầy ma, hự Bầy ma chuyên uống máu nơi dân đen Moi tim óc bao thanh niên Ăn linh hồn, ăn da thịt Việt Nam, hự Bầy ma giơ tay níu, giơ tay mua Giơ tay đón, giơ tay đưa Giơ tay dọa không cho người vượt qua, hự Bầy ma giơ tay kéo, giơ tay ôm Lôi ta cúi, lôi ta khom Như con vật cong lưng bò trong đêm, hự... Biết rằng khó lòng thắng nổi bầy ma tham nhũng nhưng tôi cũng cứ hi vọng có thêm nhiều phản ứng của những người hùng trong trắng khác: Thế nhưng người là NGƯƠI nên không chịu làm thú ! Thế nhưng người là NGƯƠI nên không sợ loài ma ! Người đi, đi đi lên ! Người đi tìm ánh sáng trời lên... Bài hát dữ dội này là một trong bộ ba Lữ Hành, Xuân Hành, Dạ Hành của tôi. Lữ Hành là cuộc lên đường bất tận. Xuân Hành là cuộc đi trong chật hẹp một đời người. Dạ Hành là cuộc đi trong đêm tối để chiến thắng loài ma qủi. Vào lúc Hoa Kỳ ào ạt đem quân sang Mỹ hoá chiến tranh ở Đông Dương -- để sau này sẽ phải mượn cớ Việt Nam hoá cuộc chiến che dấu sự thất trận của mình -- thanh niên Việt Nam liên tiếp được động viên nhập ngũ và cầm súng ra chiến trường. Tôi luôn luôn kính trọng và tôn thờ lòng yêu nước, sự hi sinh (cũng như thương cho số phận) của họ nên không bao giờ tôi dám gọi họ là lính đa tình cả! Chiến tranh cần có chiến sĩ và tuổi trẻ Việt Nam phải chấp nhận bước theo định mệnh đó thì ta chỉ nên chúc cho họ sống một cách tuyệt vời trong niềm đau của phận người trong thời đại như thi sĩ Thanh Hữu đã nói ra qua một câu thơ ngắn: Vì yêu anh không là lính đa tình Bước tuyệt vời trong mùa Xuân định mệnh Nên từ đó dân tộc ta vẫn hoà bình... Tôi còn muốn nói thêm vào xã hội này nên dùng thơ Thanh Hữu để mở đầu bài Cung Chúc Việt Nam, tặng những cô gái thích làm hoa hậu, tặng các em bé thích làm siêu nhân và tặng cho những người thích làm thiên thần: Vì yêu em không đảo nước khuynh thành Sống tuyệt vời trong chiều hoa khổn hạnh Nên từ đó dân tộc ta đỡ nhục hình... Vì yêu em không là bé siêu phàm Sống tuyệt vời trong đồng trinh mộc mạc Nên từ đó dân tộc ta đỡ lầm lạc... Vì thương nhau không là những thiên thần Sống tuyệt vời trong niềm đau một phận Nên từ đó nhân loại kia vẫn vẹn toàn... Trong hoàn cảnh đất nước ngả nghiêng như vậy, nhất là sau vụ Tết Mậu Thân, tôi không còn bụng dạ nào để nghĩ tới chuyện tâm tình. Tôi không còn thảnh thơi để cuối tuần lái xe đi đón người tình rồi chúng tôi ngồi trong xe hơi hay trên một bãi cỏ hoang ở vùng ngoại ô, nói với nhau những chuyện cao xa, thơ mộng. Người bạn gái cũng cảm thấy phải xa tôi để bước lên xe hoa. Qua một lá thư viết bằng bút chì, nàng giã từ tôi, không buồn rầu nuối tiếc, không ân hận xót xa. Xong rồi, mối tình của tôi phải chấm dứt ở đây rồi. Tôi soạn bài Nghìn Trùng Xa Cách, coi như lời tiễn biệt người yêu: Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi ! Còn gì đâu nữa mà khóc với cười ? . . . . . Vâng, nghìn trùng xa cách, đời đứt ngang rồi, tôi chỉ còn lời trăn trối gửi đến cho người: Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người... Tôi sẽ có dịp để biết nàng có hạnh phúc hay không, mấy chục năm sau.
Chương Mười Tám
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi ! Mùa Thu Chết
Một khái quát về Tân Nhạc: * 1938. Nhạc cải cách ra đời, sau một thời gian chuẩn bị là dăm ba năm với những bài ta theo điệu tây. * 1940-1945 là thời gian thành lập của một nền nhạc khác hẳn với nhạc cổ truyền, với hai xu hướng nhạc tình và nhạc hùng. * 1945-1954. Dù vẫn được gọi là nhạc mới để phân biệt với cổ nhạc, Tân Nhạc đi tới thời kỳ phát triển 1 với hai xu hướng, hoặc từ dân ca cổ truyền đi lên hoặc đi theo đường lối soạn nhạc Tây Phương. * 1954-1966. Ở miền Nam, vì có thêm nhiều phương tiện như radio, đĩa hát, băng nhạc, nhạc Việt đi tới thời kỳ phát triển 2 nếu có loại nhạc muốn được coi như phục vụ nghệ thuật thì cũng có loại nhạc chỉ được soạn ra với mục đích thương mại. * 1966-1975 là thời kỳ loạn phát của nhạc Việt. Vào giữa thập niên 60, có hai yếu tố làm cho nhạc Việt phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trước tiên là hiện tượng phòng trà. Hai mươi năm trước, tôi đã chứng kiến và đóng góp vào sự ra đời của những phòng trà đầu tiên của Việt Nam. Vào lúc đó, người Việt chưa có những phương tiện dồi dào như radio, đĩa hát, băng nhạc, lối phụ diễn chiếu bóng và hình thức đại nhạc hội như về sau này, phòng trà là nơi Tân Nhạc khởi sự sinh sôi rồi nẩy nở. Lúc đó chỉ có vài phòng trà ở Hà Nội (Quán NGHÊ SĨ, Phòng Trà THIÊN THAI) và ở Huế (Nhà Hàng TAM TINH, Quán NGHÊ SĨ), vấn đề ca sĩ, thính giả và nhạc mục còn là chuyện rất đơn sơ. Để thay thế cho hình thức tiêu khiển của nho sĩ là nhà hát ả đào đã hết thời, những nơi giải trí của giới tân học hồi bấy giờ chỉ có khoảng bốn, năm ca sĩ thuộc thế hệ thứ nhất là Phạm Duy, Kim Tiêu, Ngọc Bảo, Thương Huyền, Mai Khanh... hằng đêm tới hát khoảng năm, sáu bài tân nhạc như Biệt Ly, Con Thuyền Không Bến, Bản Đàn Xuân, Bẽ Bàng, Buồn Tàn Thu... cho khoảng 10 hay 15 thính giả nghe. Dần dà, phòng trà mọc thêm ở Hà Nội với những tên THĂNG LONG, TUYẾT SƠN... Khi xẩy ra kháng chiến, phòng trà trong thành phố đóng cửa, nhưng chỉ ít lâu sau, tại vùng quê có những quán cà phê thay thế cho phòng trà. Từ ngày đất nước chia đôi, toàn bộ âm nhạc ở miền Bắc nằm trong tay của Nhà Nước và chỉ được phép phục vụ cho chính trị. Tại miền Nam ca nhạc sĩ người Bắc di cư vào Saigon, sau khi đời sống ổn định, cùng với nghệ sĩ gốc Nam, ngoài việc đi hát Đài Phát Thanh có thêm đất dụng võ là phòng trà có ca nhạc (live concert) như nhà hàng VĂN CẢNH chẳng hạn... Thế hệ ca sĩ thứ hai xuất hiện với Minh Trang, Thái Thanh, Anh Ngọc, Mộc Lan, Tâm Vấn, Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm... Phòng trà phát triển với ĐƯC QUYNH đường Cao Thắng, TRUC LÂM (của nhà văn Mặc Thu) đường Ngô Tùng Châu, đào tạo thêm ca sĩ. Khi chính phủ cấm nhẩy đầm, các khiêu vũ trường TABARIN, BACCARA, TƯ DO trở thành phòng trà. Quán ANH VŨ của Võ Đức Diên đường Bùi Viện được chính quyền giúp đỡ để trở thành quán ăn kiêm phòng trà, thu hút học sinh, sinh viên. Phòng trà KIM ĐIÊP trước rạp CASINO mở ra là đông ngay nhưng bị đóng cửa vì có vụ ghen tuông bắn chết người ở đây. Các phòng trà lúc đó là nơi phổ biến những ca khúc mới mẻ như Tiếng Sáo Thiên Thai, Phố Buồn,Mùa Thu Paris... và đào tạo thế hệ ca sĩ thứ ba: Lệ Thanh, Kim Chi, Thu Hương, Thanh Thúy, Kim Vui, Thanh Lan (bà Cao Xuân Vỹ)... Sau thời ông Diệm, nhất là khi Quân Đội Mỹ tới Việt Nam và biến Saigon thành một thành phố rất phồn vinh (dù giả tạo) các phòng trà mọc lên như nấm. Có ba nơi rất đông khách: * Phòng trà TƯ DO, với ban nhạc Blue Notes và các ca sĩ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba; * Phòng trà RITZ, với chủ nhân là Jo Marcel -- một người không những hát hay mà còn giỏi về kỹ thuật âm thanh -- nơi ra mắt của thế hệ ca nhạc sĩ thứ tư như ban nhạc The Dreamers và Julie Quang trong bản Mùa Thu Chết; * Phòng trà QUEEN BEE với ban nhạc Shotguns, nhờ tài "lăng xê" ca sĩ của Ngọc Chánh, trở thành nơi xuất hiện của những giọng ca mới như Lệ Thu, nổi tiếng qua bài Ngậm Ngùi. Nhà Hàng MAXIM'S (rạp Majestic cũ) đường Tự Do, có ăn uống và nghe nhạc cũng thành công với những tiết mục ca-vũ, phần ca do hai ba thế hệ ca sĩ thay nhau tới hát, phần vũ do Hoàng Thi Thơ và Trịnh Toàn phụ trách. Hai nơi có vẻ trí thức nhất là Phòng Trà KHANH LY, mang tên cô ca sĩ, người giới sinh viên gọi là "nữ hoàng chân đất", khởi sự ca hát từ Quán VĂN rồi sau khi bước vào thế giới âm thanh với nhạc Trịnh Công Sơn, nghiễm nhiên trở thành chủ phòng trà. Cuối cùng là ĐÊM MẦU HỒNG và ban Thăng Long, với nghệ thuật ca diễn càng ngày càng vững chãi. Những em bé trong ban VIÊT NHI do nhạc sĩ Nguyễn Đức thành lập và hoạt động từ lâu tại các Đài Phát Thanh, nay đã lớn và trở thành thế hệ ca sĩ thứ năm của phòng trà hay sân khấu với những cái tên giống nhau như Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm... Khán thính giả của các phòng trà trong thời đó là giới làm ăn khá giả nhờ đồng dollar được chi dụng bừa bãi ở Việt Nam, nhưng cũng là nơi không thể nào không ghé tới của những sĩ quan hay binh lính Cộng Hoà, từ mặt trận xa xôi trở về thủ đô nghỉ phép, vì không có nơi nào xoa dịu chiến sĩ khi nghỉ ngơi hơn là những phòng trà (giống như các quán cà phê trong kháng chiến là nơi giúp cho cái gọi là le repos du guerrier mà tôi nói tới trong HỒI KY II). Vào cuối thập niên 60, đi nghe nhạc tại phòng trà là cái mốt của thời đại. Vô phòng trà là bước vào cõi tình và cõi thơ. Nữ ca sĩ là thần tượng của mọi giới, có cô trở thành bà Tướng, bà Lớn một cách nhanh chóng: Minh Hiếu là phu nhân Tướng Vĩnh Lộc, Thanh Lan thành bà Cao Xuân Vỹ... Người ta đặt cho phòng trà những tên nên thơ như CHIỀU TIM, HẦM GIO... Tên ĐÊM MẦU HỒNG cũng do bài thơ của Thanh Tâm Tuyền. Âm nhạc đi kèm với ly cà phê, được khán thính giả ưỡn người ngồi nghe trong một thính phòng mờ ảo, bây giờ đi vào quần chúng không phải là nhạc đồng quê hay nhạc vỉa hè nữa. Nó là nhạc góc nhà, dần dà trở thành nhạc ma túy, nhạc thở dài... Nhưng phòng trà không phải luôn luôn là nơi để vui chơi. Tối thiểu, có hai lần tôi thoát chết tại phòng trà. Tại QUEEN BEE một đêm nọ, một khách hàng nhà binh, sau khi uống rượu say, làm tàng, tung ra quả lựu đạn khói, khiến cho mọi người xô nhau chạy toán loạn. Thái Thanh, tôi và ban Dreamers xuýt bị chết bẹp và chết ngạt. Trong đám khách hàng có người chị ruột của Thanh Thúy (vợ của Tỉnh Trưởng Nha Trang Lê Khánh) bị ngã dập lá gan rồi bị điếc tai luôn. Một đêm khác, tôi và các con vừa ở phòng trà TƯ DO bước ra khỏi cửa để tới chỗ đậu xe thì mìn nổ tại nhà hàng này. Có người (thuộc phe nào đây?) muốn thủ tiêu nhân vật chủ hoà Hoa Kỳ McGovern đang từ khách sạn Caravelle đi tản bộ trên vỉa hè gần đó. Ông này không sao nhưng vợ của nhạc sĩ Lê Văn Thiện tới chơi phòng trà bị tan xác. Phong trào phòng trà ở Saigon còn được nối dài qua những quán nhỏ của sinh viên. Quán VĂN được thành lập trên bãi đất trống sau trường Đại Học Văn Khoa, với sự có mặt thường xuyên của Khánh Ly, người sẽ mở quán ở đường Đinh Tiên Hoàng lấy tên Quán TRE. Quán THẰNG BƠM cũng do sinh viên mở ra ở đường Đề Thám. Có thêm hai quán nữa ở Thị Nghè do Nguyễn Trung và Vị Y chủ trương, được trang hoàng rất đẹp vì có tranh "cây nhà lá vườn" của hai hoạ sĩ này. Quán DALAT gần sân banh Cộng Hoà do các sinh viên gốc gác ở thành phố sương mù, về Saigon ăn học, tạo ra quán này để làm nơi gặp gỡ nhau (*). Sau phòng trà, hiện tượng thứ hai làm cho Nhạc Việt phát triển mạnh mẽ là nhạc trẻ. Loại nhạc này xuất hiện ở Việt Nam sau khi giới trẻ Saigon tiếp xúc với nhạc của tứ quái Beatles lúc đó đang lan tràn trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, nhờ sự phát minh ra đàn điện, dễ chơi, dễ hấp dẫn người nghe bằng âm thanh điện tử, bốn thanh niên Anh quốc làm cho âm nhạc trở thành tiếng nói chung của tuổi trẻ trên hoàn cầu. Vào giữa thế kỷ 20, với phương tiện truyền thông tối tân, nhân loại sống trong một thế giới thu hẹp bằng một ngôi làng. Tuổi trẻ có chung lối sống, qua trang sức và trang phục như tóc dài, quần áo mầu sặc sỡ... nghiễm nhiên trở thành một bộ lạc không phân biệt mầu da. Nhạc Beatles xuất hiện, trở thành sự đam mê của tất cả thanh niên nam nữ. Nhạc học gia gọi nhạc Beatles là nhạc bộ lạc (musique tribale) vì có khả năng gọi bầy nghĩa là dễ dàng tụ họp tuổi trẻ ở mọi nơi đang cùng có chung một sở thích về ăn mặc, suy tư và nghe nhạc Khi quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam, họ mang theo những tiện nghi của họ như Tivi, máy hát, băng nhạc, phim ảnh... Cùng với nhạc Beatles, nhạc rock Hoa Kỳ xâm nhập Saigon. Chỉ trong một thời gian ngắn, tuổi trẻ Việt Nam thành lập những ban nhạc mang tên CBC, The Uptight, The Hammers, The Enterprise, The Peanuts... học đàn hát ở đĩa hát, băng nhạc ngoại quốc, rồi tới trại lính để giải trí cho quân đội Đồng Minh. Trong thế hệ ca-nhạc-sĩ thứ tư này, có những nhân tài mới như Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Vi Vân, Cathy Huệ, Minh Xuân, Minh Phúc, Elvis Phương, Paolo... Các con tôi tự động thành lập một ban nhạc trẻ lấy tên The Dreamers với Duy Quang làm đầu đàn. Khi tôi được mời qua Hoa Kỳ trong ba tháng vào năm 66, tôi dành nhiều thời giờ đi mua dĩa hát và sắm nhạc cụ cho các con. Ngoài việc đi hát tại các trại lính Hoa Kỳ ở Biên Hoà hay ở Long Bình, ban The Dreamers được mời tới hát tại ba phòng trà TƯ DO, RITZ, QUEEN BEE. Tôi luôn luôn cùng đi hát với các con. Được tiếp xúc với nhạc rock, tôi không ngần ngại đi vào nhạc ngữ mới mẻ này để sáng tác những bản nhạc mới trong chủ đề tình yêu hay trong chủ đề đang rất thịnh hành lúc đó là chiến tranh hoà bình. Hơn nữa tôi được các nhà phát hàng băng nhạc trả tiền để soạn lời ca cho những bản nhạc Pháp Mỹ đang được giới trẻ ưa chuộng: If You Go Away, Listen To The Music, Love Story, Bang Bang... Thanh Lan, xuất thân từ lò ca sĩ Việt Nhi, rất thành công khi hát loại nhạc dịch này. Tuy cũng thú vị khi soạn lời ca tiếng Việt cho nhạc ngoại quốc nhưng lúc bấy giờ tôi chú trọng vào việc sáng tác hơn là việc dịch lời. Về chủ đề Tình Yêu, tôi đã soạn Nghìn Trùng Xa Cách để từ giã người tình. Tôi không còn soạn tình ca đôi lứa nữa. Những bản nhạc tình, từ nay trở đi, đối với tôi, là tình ca một mình. Bài điển hình nhất là Mùa Thu Chết, soạn theo bài thơ La Chanson du Mal Aimé của Apollinaire: J'ai cueilli ce brin de bruyère L'automne est morte, souviens t'en Nous ne nous verrons plus sur terre Odeur du temps, brin de bruyère Et souviens toi que je t'attends... Bài thơ từng ám ảnh tôi hồi giữa thập niên 50 khi là sinh viên học nhạc tại Pháp, được phổ thành một ca khúc Việt Nam, mang ngữ thuật nhạc trẻ, nối lại truyền thống soạn nhạc mùa thu của các nhạc sĩ lãng mạn trước đây, lần này ở một xúc cảm cao độ nhất. Vì nó khóc một cuộc tình có thật: Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi ! Mùa Thu đã chết, em nhớ cho Mùa Thu đã chết, đã chết rồi Em nhớ cho, đôi chúng ta Sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa trên cõi đời này . . . . . . . . Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em ! Bài thơ tiếng Pháp cũng giản dị như lời ca tiếng Việt, nhiều người người ưa thích vì bài Mùa Thu Chết được hát lên với nhịp rock của thời đại, nhất là với giọng hát sôi nổi của Julie, lúc đó là con dâu của tôi. Lối hát như gào lên của thế hệ thứ tư này khác xa lối hát ỏn ẻn, vuốt ve hay thủ thỉ của các thế hệ ca sĩ đi trước, nhất là bây giờ được ban nhạc có âm thanh điện tử đệm theo làm cho bài hát hấp dẫn hơn. Về phần hoà âm, lối đệm đàn bass theo chuyển cung chromatique cũng tối tân hơn trước. Julie sẽ còn thành công trong những bài tôi soạn theo style nhạc rock như Nước Mắt Mùa Thu, Thu Ca Điệu Ru Đơn, Tưởng Như Còn Người Yêu... Không khí của phòng trà vào cuối thập niên 60 khác hẳn thời mới xuất hiện ở Hà Nội, Huế. Lúc trước, nhạc sĩ, ca sĩ chỉ muốn tạo cho thính giả một không khí nhạc thính phòng hay nhạc café-concert. Người đi phòng trà nghe nhạc như đi vào nhà thờ hay tham dự salon littéraire. Bây giờ thì khác, nhạc phòng trà phải là nhạc rock sôi nổi. Lúc này, những bài hát của hai anh em nhạc sĩ Carpenters được mọi người ưa thích. Những bài We've Only Just Begun, Close To You... được các con tôi vặn máy hát nghe suốt ngày. Khi soạn thêm một bài hát tình ca một mình như Trả Lại Em Yêu, tôi bị ám ảnh bởi âm hưởng của nhạc THE CARPENTERS: Trả lại em yêu khung trời Đại Học Con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt... Qua bài Nghìn Trùng Xa Cách tôi trả hết cho người yêu những kỷ vật xưa như tập thơ tình có ép xác lá khô, hoặc mớ tóc nâu mà nàng đã dùng -- tôi tưởng tượng -- chiếc dao vàng của Đoàn Phú Tứ để cắt tặng tôi một ngày sinh nhật. Bây giờ, tôi xin được trả luôn những vết chân của những ngày nào trên đường Duy Tân, qua bài Trả Lại Em Yêu. Tôi mượn lời của người trai phải xa người yêu đi lính để bắt toàn thể thanh niên lúc bấy giờ phải hát mối tình của tôi: Trả lại em yêu mối tình vời vợi Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới Đường buồn anh đi bao giờ cho tới ? Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài ! Trả lại em yêu ! Trả lại em yêu ! Mây trời xanh ngát ! Tình ca một mình là những bài hát của kỷ niệm. Kỷ niệm trên bãi cát bên bờ trùng dương như bài: Nha Trang ngày về Mình tôi trên bãi khuya Tôi đi vào thương nhớ Tôi xây lại mộng mơ năm nào Bờ biển sâu, hai chúng tôi gần nhau... Ngồi trên bãi biển để nhớ tới lớp sóng mơn man thịt mềm, da ngát hương, nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang... Bài hát soạn ra khi tôi trở lại Nha Trang sau mấy năm xa cách người thơ, ngồi trên bãi biển đông người cho tới khi chỉ còn tôi trên bãi đêm khóc người tình. Kỷ niệm trên đồi hồng ở Dalat thì có bài Cỏ Hồng: Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối Rước em lên đồi, hẹn với bình minh . . . . . . . Mời em lên núi cao thanh bình Cỏ non phơn phớt ôm chân mình Mời em rũ áo nơi đô thành Cùng ta lên núi cao thanh thanh Em ơi ! Đây con đồi dài Như bao nhiêu mộng đời Nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu đương . . . . . . . . . Em ngoan như tình nồng Em bao la mịt mùng Em thơm như cỏ hồng em ơi ! Với hai bài Nha Trang Ngày Về, Cỏ Hồng, có vẻ nhạc tình cảm tính của tôi đã hơi ngả qua nhạc tình dục tính rồi. Đó là dấu vết của thời đại hơn là dấu vết cuộc tình. Người bạn tình là một người rất yêu thơ và đã viết tới 300 bài thơ để tặng tôi. Trước khi xa nhau, nếu chúng tôi gặp nhau thì thường thường là để nói chuyện về thơ hay về nhạc, và cũng vì nàng yêu thơ cho nên nếu có những bài thơ hay của thời trước hay của thời đó là tôi phổ nhạc để tặng nàng. Bài Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài là sự phát triển của một câu ca dao Miền Nam mà nàng đọc cho tôi nghe lúc đó: Tóc mai sợi vắn sợi dài Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm... Từ đây trở đi, hoặc tôi phổ nhạc những bài thơ chết chóc của các thi sĩ Việt Nam như Đừng Bỏ Em Một Mình (thơ Hoài Trinh), Chuyện Tình Buồn (thơ Phạm Văn Bình), hoặc tôi dựa vào một câu thơ của Hàn Mặc Tử để soạn bài hát giết người trong mộng: Làm sao giết được người trong mộng Để trả thù duyên kiếp phũ phàng... Nhưng vì không ai ở trên đời này có thể làm được việc đó, cho nên tôi xin: Làm sao giữ được người trong mộng Để được tình yêu, dẫu bẽ bàng... Cũng thuộc dòng nhạc tình chết chóc, tôi còn soạn những bài không được phổ thông lắm như Yêu Là Chết Ở Trong Lòng, Nỗi Buồn Có Tên... Và vì cũng đã có lúc hát lên những bài tình ca mùa Xuân, tình ca mùa Thu rồi, bây giờ tôi soạn tình ca mùa Hạ, trong đó, cũng giống như trong bài Cỏ Hồng, dục tính có nhiều hơn. Mùa Hạ là mùa hoa phượng. Vào lúc trời đất ấm áp nhưng lòng mình giá lạnh, tôi soạn Phượng Yêu là để kể lại cuộc tình vừa qua: Yêu người như lá đổ chiều đông Như mây hồng chưa tím Như con chim khóc trong lồng Như cơn giông đêm hè Tình ta nức nở canh khuya... Tôi muốn yêu người như dòng suối cuồn cuộn không ngưng tỏ tình với rừng sâu, như con tầu mê say gió trùng dương, như con giun ngước lên trời để yêu trăng sao vời vợi... Tôi cho rằng được yêu người rồi nếu ngày mai phải chết, tôi cũng xin vui lòng nhắm mắt! Và phải theo bước chân người như ma quái đi theo yêu tinh tình nữ (**) tới cuối chân trời : Yêu người, yêu có một lần thôi Xin yêu, dù gian dối, xin yêu tôi, dẫu nghi ngờ Khi bơ vơ còn nhiều thì đâu chối bỏ tình yêu ? Hiện tượng phòng trà và các quán cà phê của sinh viên và sự du nhập của nhạc rock vào Việt Nam khiến cho âm nhạc ở miền Nam phát triển trên cả hai phương diện sáng tác và ca diễn. Thêm vào đó là việc ấn hành bản nhạc và sản xuất băng nhạc làm cho âm nhạc được dễ dàng phổ biến tới ngang cùng ngõ hẻm, từ thành thị tới thôn quê. Rồi còn có thêm Đài Truyền Hình tiếp tay cho Đài Truyền Thanh trong việc giới thiệu sáng tác mới, ca sĩ mới. Theo Ngọc Chánh, người ấn hành nhạc bản và sản xuất băng nhạc thành công nhất Sai-gon, một bài hát nào mà dân chúng thích có thể được in ra không dưới 10.000 bản. Chương trình băng nhạc ngon lành có thể bán được 8.000 tapes reel-to-reel, 15.000 cassettes. Những người mua băng lớn lại dùng nó làm băng chính để sang qua tape hay cassette bán cho dân chúng, cho nên số băng nhạc tiêu thụ tăng lên gấp bội. Đời sống của tôi trở nên phong lưu hơn trước. Hầu hết nhạc phẩm của tôi được cơ sở SHOTGUNS in ra và thu băng. Nhưng tôi cần phải tâm sự với bạn đọc là, trong suốt hai mươi năm đứng ở đầu sóng ngọn gió của làng nhạc miền Nam, soạn ra nhiều loại ca nhưng nhạc yêu nước (!), nhạc chiến đấu (!!), nhạc xây dựng (!!!) chẳng đem lại cho tôi số tác quyền nào đáng kể. Chỉ có loại nhạc tình hay nhạc ngoại quốc lời Việt mới giúp tôi có nhiều tiền tác giả. Có dịp ngồi soạn lại gia tài âm nhạc để tặng các con, mới thấy mình soạn quá nhiều lời Việt cho những bản nhạc ngoại quốc. Có tới hàng trăm bài! Lời Việt của nhạc Âu Mỹ mới mẻ hơn lời nhạc Việt thuần túy của tôi nhiều! Và có ảnh hưởng lớn trong dân chúng. Có lẽ nên in ra cuốn NGAN LƠI CA KHAC chăng? Khởi sự từ nhạc cổ điển rất lãng mạn: Dòng Sông Xanh (Danube Bleu), Sầu (Chopin), Chiều Tà (Toselli), Dạ Khúc (Schubert) v.v... qua nhạc khiêu vũ ê chề: Vũ Nữ Thân Gầy (La Cumparsita), Tango Xanh (Tango Bleu)... tới nhạc trong phim thê thiết : Chuyện Tình (Love Story), Hỡi Người Tình Lara (Dr Jivago)... Với nhạc tối tân hơn là new wave, disco... tôi cũng soạn lời Việt ngồ ngộ (cho Thái Thảo hát) ví dụ Leo Lên Xe Này (Jump In My Car), Hỡi Cô Bé (Hi Girl)... Kể cả bài ca phản ánh đời sống mệt mỏi ở Mỹ: Thứ Hai Chán Chường (Manic Monday), Sau Ngày Cuối Tuần (I've Done It)... Lời ca bài Emmanuelle còn rất bạo: Cánh tay nào khát khao nồng cháy hơn là Emmanuelle ? Dục tình nào lửa đốt làn môi ? Đắm say nào bốc lên từ vú căng tròn Emmanuelle ? Vùi đầu vào làn tóc nồng thơm... Nhạc cổ điển Tây Phương với lời Việt làm nên một phần sự nghiệp Thái Thanh. Nhạc rock với lời Việt : Cuộc Tình Tàn (Je Sais), Hè 42 (Summer '42), Hai Khía Cạnh Cuộc Đời (Both Sides Now), Himalaya... giúp cho Elvis Phương, Paolo, Vy Vân, Duy Quang, Julie... được thính giả Việt Nam yêu hơn, vì hiểu rõ ý nghĩa bài ca. Những bài nhạc Pháp Bang Bang, Chèvrefeuille Que Tu Es Loin, Dans Le Soleil Et Dans Le Vent... khi trở thành đã làm nên phần nào sự nghiệp Thanh Lan, cô bé ca sĩ rất trí thức từng có chút kỷ niệm đẹp với tôi khi cùng đi Tokyo dự thi âm nhạc quốc tế. Tiền tác quyền để dành -- phần lớn do việc soạn lời Việt cho nhạc Âu Mỹ cộng với tác quyền nhiều bản nhạc tình -- và tiền bán hai căn nhà cũ cho phép vợ chồng tôi mua một miếng đất khá lớn cũng trong ngõ Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận. Tôi vay thêm tiền để xây một ngôi nhà ngói nhỏ, thuê người trồng cỏ, đào một hồ nước có núi non bộ. Tôi còn lái xe đi lấy những tảng đá ở Định Quán đem về đặt trong khu vườn có thảm cỏ xanh biếc, có bụi trúc lưa thưa, có hàng chuối la đa, có cây dừa cao lớn này. Từ đó, tôi được sống cảnh thiên nhiên tôi ao ước từ lâu, sáng ra ngoài hiên nghe tiếng chim hót, tối nằm võng nghe tiếng ếch kêu...Tại đây, sau bài Đốt Lá Trên Sân, với sự cộng tác của một sinh viên (quên tên) tôi soạn một bài thuộc loại mới tôi gọi là dã ca (pastorale): Hầy hồ hây hô hấy hố ! Ta đi qua cầu này Nhịp cầu tre soi nước soáy, ta nghe ta lạnh đầy. Hầy hồ hây hô hấy hố ! Ta đi ra vườn ngoài Dạt dào dăm ba gốc chuối, cây không cao buồng dài... Có vườn rộng rồi, tôi nuôi hai con chó. Một con thuộc loại bull, mặt nhăn nheo rất dễ thương. Con berger tên SABA to lớn nhưng hiền lành, ít sủa và chắc cũng chẳng bao giờ cắn ai đâu! Người ta nói súc vật nuôi trong nhà thường giống tính chủ. Rồi tôi bỏ nước ra đi. Các con tôi biến nhà vườn thành nơi nuôi lợn. Trong bức thư vào giữa năm 75, chúng cho tôi biết con SABA nhớ chủ rồi bỏ ăn mà chết. Sau khi các con tôi vượt biên, nhà tôi trở thành dinh thự của một anh Công An. Gần đây, có người về thăm Phú Nhuận, xin phép vào chụp hình căn nhà xưa rồi gửi cho tôi coi. Tôi coi hình rồi khóc! __________________________________ (*) Những quán nhạc Saigon bây giờ có cháu đích tôn là QUAN NHƠ do sinh viên Việt Kiều mở ra tại UCLA (Los Angeles).MUA THU CHẾT... (**) tên một bài hát của tôi, cũng soạn trong giai đoạn này.
Chương Mười chín
Sức mấy mà buồn niềm vui ở ta đến. Sức mấy mà buồn phải vui để sống còn... Sức Mấy Mà Buồn
Trong suốt một đời, tôi chỉ muốn được nói thật nhiều về đất nước và con người Việt Nam. Khi với ngôn ngữ ngợi ca và tả thực hay hiện thực như trong nhạc kháng chiến. Khi nói một cách trừu tượng, siêu hình như trong trường ca. Tâm ca thì dùng hẳn trực ngôn và khi thấy nói như vậy mà chưa thấy đủ thì có tâm phẫn ca đi theo... Nhưng nếu những bài ca kháng chiến mang ngôn ngữ của cả bình dân (nhất là nông dân) lẫn trí thức thì những loại ca sau đó như trường ca, tâm ca, tâm phẫn ca nhắm vào giới có học nghĩa là thanh niên, sinh viên thị thành. Tôi lại còn nhận thấy trường ca, tâm ca đứng đắn quá, nói cách khác, nó cũng có thể là bài ca đạo đức giả hay mị dân, là điều tôi sợ nhất trong đời ! Tôi bèn phá tung những huyền thoại đó bằng cách xuống vỉa hè. Ngôn ngữ vỉa hè Saigon lúc đó là gì? Là Sức mấy mà buồn, Bỏ đi Tám, Ô Kê Salem... Cũng chẳng cứ gì anh phu xe, chị bán hàng rong, chú bé đánh giầy, người lính Cộng Hoà -- lính mà em -- mới chế ra những danh từ của thời đại. Ngay Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Tướng, Tá, nhà văn, nhà thơ... ai cũng đều nói : sức mấy, sức voi, ô kê, chịu chơi, Tết Congo... Do đó tôi cũng cởi áo trang nghiêm để khoác áo bình dân. Tôi soạn vỉa hè ca số 1, Sức Mấy Mà Buồn: Sức mấy mà buồn ! Buồn Giao Chỉ không lớn ! Sức mấy mà buồn ! Chịu chơi cả với buồn... ... với mục đích dùng ngôn ngữ của vỉa hè thành phố Saigon để nói những gì tôi đã nói qua tâm ca. Theo tôi, tinh thần sức mấy là một cái gì rất Việt Nam. Đó là phản ứng muôn đời của người mình trước định mạng. Nó là niềm tự tin, sự coi thường khó khăn. Sức Mấy Mà Buồn, trong thực tế nói triết lý đó lên một cách rất bình thường, không dung tục hoá hay cường điệu hóa chút nào cả! Vỉa hè ca này nói cái gì? Nó nói trong ái tình: Tôi buồn vì nó đã bỏ tôi ! Tôi buồn vì nó đã đi rồi ! Tôi buồn nhưng nó vẫn thảnh thơi Tôi buồn một lúc sẽ tức cười ! Ơ ! Sức mấy mà buồn... Đối với những cái buồn viển vông như: Tôi buồn vì tích hát, chuyện phim. Tôi buồn vì những cái hão huyền. Tôi buồn không có cớ là (tôi) điên. Không buồn lại rước lấy cái phiền ! Hơ ! Sức mấy mà buồn... Còn cái buồn lớn của người Việt Nam hiện nay là gì ? Là chiến tranh phải không ? Cho nên: Tôi buồn vì đấm đá mọi nơi. Tôi buồn vì chém giết tơi bời. Tôi buồn vì đất nước tả tơi... Vỉa hè ca bèn mượn lời của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Biết rồi ! Khổ lắm! Cứ nói hoài ! Cái tinh thần sức mấy đã có sẵn trong người Việt Nam cho nên tác giả chỉ kết luận dùm: Không buồn thì đã có làm sao ? Không buồn là sẽ hết đau đầu ! Không buồn đi đấu hót cùng nhau. Yêu đời bằng bất cứ giá nào ! Và câu nói cuối cùng của tác giả là gì? Là: Sức mấy mà buồn, cười lên để tranh đấu ! Sức mấy mà buồn vượt ra khỏi cái sầu ! Sức mấy mà buồn niềm vui ở ta đến. Sức mấy mà buồn phải vui để sống còn ! Lúc tôi soạn vỉa hè ca là lúc quân đội ngoại quốc đổ bộ ào ạt vào Việt Nam, trước sự xâm nhập của nền văn minh vật chất, một số người mình quả thực có chạy theo lối sống Âu Mỹ! Sự ham muốn những gì quá tầm tay của mình, chẳng hạn già như tôi mà còn mê gái sẽ bị gái nguýt cho một cái "Xí ! Già mà ham"! Trong xã hội Việt Nam hồi đó, nếu ta ngăn được cái lối nghèo mà ham ở mọi địa hạt, ta sẽ tránh được cảnh ô kê salem rất lem nhem đó. Tôi soạn bài Nghèo Mà Không Ham với mục đích này: Nghèo mình nghèo mà mình không ham Xin cô em đừng nên quá đáng Nghèo mình nghèo mà mình không ham Xin anh Hai đừng nên láng cháng Chớ khoe giầu là chớ có khoe giầu Chớ khoe sang là chớ có khoe sang Nghèo mình nghèo mà mình không ham Xin bà con đừng nên vội mừng... . . . . . . . . . . Nghèo mình nghèo là nghèo cho vui Không lên voi mình không xuống chó Nghèo mình nghèo của mình không to Tuy không "beau" mình không xí quá (*) Sống cho đẹp là mình sống cho đẹp Chết cho oai là mình chết cho oai Nghèo mình nghèo là nghèo chơi chơi Chưa thực ai thực ai là nghèo... Bây giờ mới có dịp để nhìn kỹ vào vỉa hè ca. Té ra nó là luân lý ca ! ! ! Hai bài ca vui đùa này được in ra và bán rất chạy. Nhưng lập tức có sự phê bình gay gắt đến từ nhiều phía. Tôi định soạn thêm bài Ô Kê Salem, Ô Kê Nước Mắm thì cụt hứng! Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn chưa chịu thua... Rồi tôi phản ứng lại bằng cách soạn những bài ngỗ nghịch hơn vỉa hè ca. Và phải có qui mô hơn. Đó là mười bài tục ca, bài thì tục về chữ, bài thì tục về ý, bài thì tục về chuyện. Bài đầu tiên là sự phát triển của câu ca dao mà ai cũng thích: Em như cục cứt trôi sông Anh như con chó ngồi trông trên bờ... Tôi cũng thích nó và bịa thêm lời mới: Em đừng nói vậy em khờ Ba em hồi đó cũng chờ như anh... Tôi soạn thêm một vế bốn câu hát nữa để thành bài tục ca nhan đề Hát Đối: Nam : Anh như con đực chạy rông Còn em như con mèo cái, chổng mông em gào... Nữ : Anh đừng nói chuyện tào lao Má anh hồi trước... cũng ồn ào như em... Tục ca số 2 thì lấy cảm hứng ở một câu thơ rất lãng mạn của nữ thi sĩ thời tiền chiến, T.T.KH: Người ấy thường hay vuốt tóc tôi Thở dài những lúc thấy tôi vui. Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi... Câu thơ buồn này dù sao cũng có thể được coi như một mối tình thơm tho vì có mùi hương của những bông hoa hình con tim vỡ. Tục ca của tôi, khởi đi từ câu thơ đó thì lại mang tên là Tình Hôi, hát theo nhịp american blues: Người ấy thường hay đến gặp tôi Thở dài, thở dài khi thấy... nách tôi hôi Nói rằng : Sao nách anh hôi thế ? Mỗi lần ngửi thấy chết đi thôi.. Mỗi lần ngửi thấy chết đi thôi Nhưng chót yêu anh, em ráng chịu cho rồi Vả chăng em vẫn thường hay nói: Tè mình đôi lúc cũng... hôi hôi... Tục Ca số 3 là bài thơ của Bùi Giáng, Gái Lội Qua Khe, nói tới chuyện một cô con gái bị ướt đầm thân thể sau khi lội qua con suối rừng và phải cởi quần áo ra để vắt cho khô. Thi sĩ trông thấy thế thì nhắm mắt lại, không nhìn cô gái loã thể. Nhưng có cái khăn thường quấn trên đầu để khấn vái tổ tiên thì thi sĩ vui lòng cho cô gái mượn để lau... lau bất cứ chỗ nào, tùy ý! Thi sĩ nhắm mắt không nhìn cô gái lau tay chân, lau mình mẩy nhưng tổ tiên ở dưới mồ thì thức dậy và khuyên cô gái cứ việc tự nhiên tùy nghi sử dụng cái khăn vẫn thường dùng để khấn vái tổ tiên. Tục ca số 4 là truyện tiếu lâm Um Ba La ! Ba Ta Cùng Khỏi ! do bố tôi là Thọ An, Phạm Duy Tốn viết và cho in ra trong tập TRUYÊN TIẾU LÂM AN NAM xuất bản vào hồi đầu thế kỷ. Đây là câu truyện hai vợ chồng nhà kia, vì thòm thèm chuyện tình mà bị khó khăn. Vợ thì nhét củ từ vào chỗ ấy. Chồng về định tòm tèm thì vợ khai ốm, bèn nghịch ngợm với con chó cái, ai ngờ dính luôn, lôi chẳng ra. Rồi cả hai leo lên giường, nói là bị bệnh. Người nhà hoảng sợ vội đi mời ông thầy cúng tới. Ai ngờ ông này cũng bị dính luôn: Thầy bùa tuy ra cúng Um ba la ! Um ba la ! Mà lòng còn tưởng hoài. Nậm rượu thờ, đem xuống Um ba la ! Um ba la ! Thầy luồn vào của ... thầy ! Nậm rượu mắc ngẵng, muốn lôi ra chẳng được, thầy bùa như chết cứng, đứng giữa sân khư khư ôm nậm rượu. Chị vợ trông thấy phì cười và phọt củ từ ra! Tưởng là miếng thịt, con chó cái nhẩy vọt ra tìm cục mồi. Thầy bùa nghi chó cắn, hoảng sợ chạy, nậm rượu đập vào bàn, vỡ tan tành! Thế là cả ba thoát nạn. Thầy bùa bèn niệm chú: Um ba la ! Ba ta cùng khỏi ! Như đã nói, trong thời gian tôi đi học nhạc ở Pháp, tôi rất yêu thi sĩ kiêm nhạc sĩ và ca sĩ Georges Brassens. Anh này soạn những bài hát rất tục, rất sắc bén... nói thẳng vào xã hội nước Pháp, nhưng bao giờ cũng nói với tâm hồn của một thi nhân. Trong số những bài được gọi là chansons grossières của ông, tôi thích bài Gare Au Gorille nhất . Tôi dịch nguyên văn bài này để thành ra tục ca số 5, nhan đề Khỉ Đột: Đàn bà rủ nhau ra gánh xiếc xem Một con khỉ đột đứng im trong chuồng, Lớn to như người, chẳng chi là kém ! Bà này bà kia mắt liếc mắt lia Nhìn đi nhìn lại cái nơi đen xì, Vốn tên tục tằn, mẹ tôi cấm nghe... Một hôm con khỉ đột thoát ra khỏi chuồng và vui mừng vì phen này sẽ được mất tân. Dù nữ lưu trong vùng xưa rày vẫn phục khỉ đột là hay hơn người nhưng bây giờ họ chạy đâu mất tung. Trừ ra một bà cụ và một ông Quan Toà... Khỉ đột nhìn quanh không thấy gái tơ Bèn đi đủng đỉnh tới nơi ông Toà, Tới nơi bà già, khỉ toe toét ra... Bà già cho rằng ta đã 60 mà con khỉ đột có ưa biết mùi thì cái duyên may này, thật không ngờ tới! Ông quan Toà thì yên chí : Làm sao khỉ đột dám nghi ta là khỉ non trắng da? Nào ngờ khỉ ta tuy có tiếng tăm Là tay khoẻ mạnh, vốn tay dâm thần, Khỉ ta khờ lắm ! Phải chọn bà kia cho đúng lẽ ra Ngờ đâu khỉ đột nắm tai ông Toà Cùng ra chiến khu... Câu chuyện kết thúc với hình ảnh con khỉ đột hiếp dâm ông Toà ở khu rừng lá. Ông Quan bù lu bù loa khóc, giống như anh tù nhân mà ông vừa kết án tử hình hôm qua... Vào những năm đầu của thập niên 70, tại Saigon có phong trào sửa sắc đẹp. Tôi soạn bài tục ca nhan đề Mạo Hoá để phản ánh xã hội thời đó: Tôi có người yêu, cái đít to như Thẩm Thúy Hằng Cái đít nhìn qua đã khiến cho ta phải ngỡ ngàng Vừa to vừa lớn ! Như những mặt Vua Mặt ông Tổng Thống, cũng phải thua... Nhưng có ngờ đâu mông của em được bơm nhựa, mỗi khi em bị cúm, tiêm thuốc vào mông em thì gẫy cả kim của anh thầy chích. Luân lý của bài này là: Mông giả, vú giả, răng giả, tóc giả... cái gì của em cũng giả, thì anh phải đi Đức Quốc mua một cái giả cho hợp marque với em ! Tục ca số 7 Nhìn L... là một chuyện có thật, xẩy ra hồi tôi còn bé và sống ở tại một tỉnh nhỏ ngoài Bắc Việt. Một lũ ranh con thích rủ nhau đi nhòm phụ nữ tại cầu tiêu công cộng. Ai ngờ một hôm nhòm đúng cái đó của bà mẹ một thằng trong bọn. Từ đó: Lũ ranh con tò mò tọc mạch Cùng nói với nhau: Xin chừa ! Xin chừa ! Tục ca số 8 nhan đề Em Đ... thì tục quá là tục, tôi không dám kể ra đây! Ngoài tính chất châm biếm xã hội, tục ca còn là bài hát chính trị nữa. Tục ca số 9 Chửi Đổng và tục ca số 10 Cầm C... phản ảnh sự công phẫn tột độ của tôi vào giai đoạn 1968-72, trong đó có Tết Mậu Thân, mùa Hè đỏ lửa, xã hội Việt Nam bị băng hoại vì đồng tiền và chiến tranh, tham nhũng trong chính quyền và cái Hội Nghị dăm ba thành phần gì đó ở Paris mà tôi cho là sự đổi chác của lũ bịp (marché de dupes). Bài Cầm C... còn biểu dương mạnh mẽ tinh thần độc lập, nhất định không cầm cờ cho phe nào cả ! (**) Hai vị viết sách, viết báo về tôi là Tạ Tỵ và Georges Gauthier đều cho rằng cái vui, cái tếu không phải là chất liệu Phạm Duy, cho nên tục ca không thành công. Chưa kể có người chê tôi đi tới chỗ nhảm nhí trong nghệ thuật. Tôi cũng hiểu được vì sao có những người chống đối tục ca dù họ không biết cặn kẽ nội dung của nó. Tôi không hề tung tục ca ra quần chúng. Tôi chỉ tặng vài người bạn thân một băng cassette ghi lại buổi hát chơi ở Vũng Tầu và còn dặn dò đừng phổ biến! Tôi soạn vỉa hè ca và tục ca trước và sau khi đi Mỹ. Lúc đó, sự có mặt của người Mỹ tại nước ta là một điều rất trầm trọng, mọingười đều sợ bị ngoại xâm văn hoá. Người ta không thích Cộng Sản, nhưng người ta cũng không thích văn hoá Mỹ, nhất là không muốn lối sống Mỹ xâm nhập vào Việt Nam. Khi thấy tôi được mời đi Mỹ theo Chương Trình Trao Đổi Văn Hoá, nếu nói một cách nhẹ, người ta nghĩ rằng tôi có một thứ compromis nào đó với Mỹ rồi. Nếu nói thâm độc hơn, ai được Mỹ mời mọc, người đó phải là tay sai của Mỹ. Ở Hà Nội mà được đi Liên Sô thì phải có liên hệ chặt chẽ ra sao chứ? Bây giờ, tôi đi Mỹ về, muốn chỉ trích tôi cũng không tìm được cái gì cụ thể để tấn công. Khi biết tôi soạn tục ca (chứ không hề được nghe tôi hát tục ca) thì người ta có cái họ cho là sở đoản để tấn công. Cũng có thể đây chỉ là hành động của những người ghen ghét về nghề nghiệp, chưa chắc đã là do nơi những người làm chính trị chống Mỹ cứu nước. Sau hai mươi năm, bình tĩnh nhìn lại thời thế, phải công nhận một điều: người nào sống trong xã hội Việt Nam liên tục từ 1954 thì cho tới 1968-70 -- là lúc tôi soạn những bài ca nổi giận như tâm phẫn ca, vỉa hè ca, tục ca -- họ cũng phải nổi giận như tôi! Người dân miền Nam đã chờ đợi, chịu đựng suốt từ thời ông Diệm cho tới biến cố 11- 63, rồi chịu đựng thêm một năm 64 để hi vọng có một cuộc Cách Mạng thực sự. Người ta còn cố chịu đựng để cho Mỹ vào Việt Nam giải quyết chiến tranh, giải quyết nổi loạn. Đúng là một chuỗi dài chấp nhận hi sinh trong hi vọng có một chiều hướng tiến bộ nào đó làm đẹp cho quốc gia. Đến lúc đó, 1970, sự chờ đợi đã lâu quá rồi! Hết sự thất bại này đưa tới lời hứa hẹn và khuyên nhủ chờ đợi thêm, tới sự thất bại khác với lời hứa hẹn khác. Đến lúc sự chết chóc, đổ vỡ cứ tiếp diễn, cuộc chiến cứ đi sâu và mang tính chất hoàn cầu, hoàn cảnh đất nước trở nên quá lớn lao, không rút chân ra được thì người ta càng thấy bị trói buộc. Sự thất bại, chua cay không nằm trên bình diện lý luận hay quan sát nữa. Nó đi vào tiềm thức mất rồi! Sự phản ứng bây giờ không phải là phân tích tình hình bằng bon sens hay bằng cách ngồi lại với nhau, giải thích với nhau. Ai cũng bị bó tay, bó chân trong cơn bối rối. Tất cả những áp lực cùng tới mà mình phản ứng không khéo thì có hại cho bản thân. Và mọi người bèn nổi giận. Sự nổi giận lúc đó là gì? Là phải văng tục ra chứ còn là gì nữa? Về phương diện dân tộc học, xưa kia, trong nền văn minh dân gian, mỗi năm có một ngày lễ hèm để người ta tới đó làm chuyện gọi là bậy bạ, văng tục, chửi thề để giải toả ẩn ức. Nền văn minh của người Việt miền Nam vào những năm cuối của thập niên 60 bắt con người phải văng tục vào nền văn minh cơ khí, nền văn minh chiến tranh, nền văn minh tiêu thụ, nền văn minh hippy đang hiện diện ở mảnh đất này. Trong khi thế giới rêu rao rằng nền văn minh hippy là cao siêu nhất, tổng hợp được Đông Phương và Tây Phương thì bây giờ người Việt thấy những cái gọi là HANH TRINH VỀ ĐÔNG PHƯƠNG, CÂU CHUYÊN MÔT DONG SÔNG, những gì ngỡ là cao siêu nhất hoá ra chỉ là không tưởng. Ngay cả Phật Giáo đang lên, tưởng rằng có thể đem lại đường lối tốt đẹp nhất để cho Miền Nam ra khỏi ngõ bí, lại dường như góp phần vào bế tắc chung. Nói gì đến sự thất vọng đối với văn minh Thiên Chúa Giáo lúc đó nữa? Nhân Vị, Duy Linh là đồ chơi của một số người. Rồi khi có một nền văn minh gọi là chống lại Duy Vật chủ nghĩa thì hoá ra nó lại là một thứ Siêu Duy Vật chủ nghĩa khác! Còn người Cộng Sản thì nói là giải phóng, nhưng rõ ràng là họ đưa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra để lợi dụng. Người trong cuộc thì biết mình chỉ là nạn nhân, không ăn thua gì vào cái sự giải phóng đó! Ai cũng biết là dù chúng ta có ngồi lại với nhau, nói chuyện với nhau một cách xây dựng và có thiện chí nhất, có cởi mở hoàn toàn thì cũng không đi đến đâu hết. Mọi sự đã hoàn toàn ra khỏi tầm tay của người Việt, nạn nhân của một thời đại trong đó thế giới đang ở điểm cao nhất của một cuộc chiến tranh lạnh! Đó cũng là cao điểm tột bực của cuộc chiến tranh lạnh vì ngay sau đó, người ta đã phải giải quyết bằng sự rút quân. Mình là cái gì mà có thể bình tĩnh để ra khỏi cái mâu thuẫn mà mình là nạn nhân ba bốn đời đó được? Chỉ có thể phản ứng bằng tiếng hát. Tiếng hát thở than hay tiếng hát chửi rủa cũng đều là tiếng hát phản kháng. Trong phạm trù ấy, âm nhạc ở miền Nam đã diễn tả rõ ràng sự nổi giận của tất cả mọi người qua nhiều bài hát Phản kháng của tôi là sự kéo dài từ tâm ca, tâm phẫn ca qua vỉa hè ca, tục ca. Phản kháng của anh em trong các nhóm du ca là bài hát của Nguyễn Đức Quang: Xương sống tôi đã oằn xuống, triệu mưu toan cứ đè lên... Phản kháng của Phạm Thế Mỹ là thương quá Việt Nam, của Tôn Thất Lập là đứng dậy hát cho đồng bào tôi, của Miên Đức Thắng là hát từ đồng hoang... Và của Trịnh Công Sơn là: Bao năm máu như sóng trôi thành nguồn, máu đã khô trên ruộng đồng, máu âm u trong rừng rậm, từng dòng máu che mặt trời soi quanh đời u tối... Người nói mạnh nhất là Giang Châu: Tuổi trẻ chúng tôi Đã bao nhiêu năm lần lượt đi lên giàn lửa thiêu Kiếp sống lang thang như mây chiều Vì đâu xương máu ngất núi Trên quê hương giẫy đầy hận thù... Sao chúng tôi không có quyền lên tiếng nói Sao chúng tôi phải gục đầu và hi sinh cho ngoại quyền Cho chủ nghĩa, cho danh từ rỗng không? Hai mươi năm Việt Nam -- từ 1954 tới 1975 -- là sự đấu tranh không ngưng nghỉ giữa người Việt hai miền. Tại miền Bắc với một nền văn nghệ chính ủy, âm nhạc hoàn toàn phải phục vụ tuyên truyền, đố ai tìm được một bài hát tình yêu hay phản kháng. Ở miền Nam, may thay, người nghệ sĩ được nói lên đầy đủ hai khía cạnh của cuộc đời (tôi sực nhớ tới bài hát rất được phổ biến hồi đó là Both Sides Now của Judy Collins, người tình một thời của anh bạn Steve Addiss) nghĩa là nói lên được đầy đủ cái tốt cái xấu, cái thực cái giả, cái buồn cái vui... âu cũng là một liều thuốc an ủi cuộc đời. Sau thời huy hoàng của nhạc kháng chiến, tới thời tương đối hoà bình nên có nhạc tình yêu rồi cũng phải có nhạc nổi giận trước hoàn cảnh ngả nghiêng của đất nước chứ ! _________________________ (*) Đã le lói cái phong cách của tục ca rồi đó! (*) Quý bạn có thể đọc toàn thể lời TUC CA trong cuốn NGAN LƠI CA.
Chương Hai Mươi
Tình yêu như trái phá con tim mù loà... Tình Sầu-- Trịnh Công Sơn
Đầu thập niên 70 là lúc Nhạc Việt, trong phạm vi ca khúc, phát triển đến tột độ. Có sự thành công của những bài hát thông thường và chỉ được coi là nhạc thương phẩm -- mệnh danh là nhạc vàng -- với những tình cảm dễ dãi phù hợp với tuổi choai choai, với em gái hậu phương và lính đa tình, tuy không được coi trọng nhưng lại rất cần thiết cho vài tầng lớp xã hội trong thời chiến. Rồi có phong trào du ca và tâm ca với những bài hát phi-thương-mại, đi kèm với tình ca quê hương và trường ca, nói lên được phần nào tâm thức của thời đại và được thanh niên sinh viên công nhận. Trong phạm vi giải trí, phòng trà trở thành cái mốt của mọi người: thương gia, công chức, tư chức, quân nhân, thương phế binh và cả các bà nội trợ nữa... ai ai cũng thích đi nghe nhạc và giúp cho ca sĩ chuyên nghiệp, nhạc sĩ sáng tác, nhạc công đánh đàn thăng tiến trong nghề mình. Cánh tay nối dài của phòng trà là quán cà phê có nghe nhạc, thu hút đông đảo sinh viên, học sinh. Nhạc trẻ ra đời, đem lại cho nhạc Việt một số bài hát mới, sôi nổi, đậm sắc hơn trước. Một rừng nhân tài trẻ trung xuất hiện qua những ban nhạc bốn người (gọi là combo), sử dụng nhạc khí điện tử với âm thanh mới lạ. Mười năm trước, ở trong nước chỉ có ba nhà sản xuất đĩa hát. Bây giờ, rất nhiều người -- từ Ngọc Chánh (SHOTGUNS) qua Duy Khánh (TRƯƠNG SƠN) tới những người của các hãng khác (NHA CA, HOA MI, SƠN CA, SONG NHAC)... làm nghề sản xuất băng nhạc, mỗi tháng tung ra những chương trình nhạc rất hấp dẫn, kể cả cổ nhạc lẫn tân nhạc, nhạc trẻ lẫn nhạc già (nhạc tiền chiến). Hàng trăm, hàng ngàn (hàng vạn, nếu kể cả Saigon và các tỉnh) cửa hàng sang băng, càng làm cho băng nhạc phát triển dữ dội. Trong bối cảnh sinh động như vậy, phần chính yếu là sáng tác phẩm phải rất phong phú. Vào lúc này, ngoài những người đi trước như Vũ Thành, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Lâm Tuyền, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Văn Giảng, Ngọc Bích, Hoàng Thi Thơ, Trần Ngọc, Y Vân, Lê Dinh, Anh Bằng, Trúc Phương, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh tức Nhật Trường, Lam Phương, Đỗ Lễ, Phạm Thế Mỹ... đã xuất hiện một số người mới như Thanh Trang, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Nguyễn Anh 9, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang... Tân Nhạc đã có tới bốn đời nhạc sĩ và có hàng trăm, hàng ngàn ca khúc được soạn ra và hát lên. Trong Hồi Ký này, tôi chỉ nhắc tới những người đánh dấu thời đại một cách sâu đậm bằng tác phẩm của mình. Người nổi nhất là Trịnh Công Sơn. Trước tiên, người ta biết tới anh nhờ Quán VĂN. Quán do nhóm sinh viên mang tên KHAI HOA chủ trương. Nhóm này đã làm nhà xuất bản (QUANG HOA) rồi khi phong trào phòng trà thịnh hành, nhóm mở quán cà phê ở ngay trung tâm Saigon, trên nền Khám Lớn cũ trong khu Đại Học Văn Khoa, sinh viên tới uống cà phê nghe băng nhạc và nghe Khánh Ly hát. Bài hát của Trịnh Công Sơn đươc nghe tại quán VĂN lúc đầu là Lời Buồn Thánh. Cũng như nhạc Đặng Thế Phong, bài hát tân lãng mạn (néo-romantique) này nói về nỗi buồn. Bài Lời Buồn Thánh thật là buồn, như bài hát buồn làm cho người Âu Châu phải tự tử là Chủ Nhật Buồn tôi đã nói tới trong một chương sách. Trong bài hát của mình, họ Trịnh cũng nói tới ngày chủ nhật buồn: Chiều chủ nhật buồn Nằm trong căn gác đìu hiu Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều Trời mưa, trời mưa không dứt Ô hay mình vẫn cô liêu... Thoạt nghe đã thấy ngay là tiếng hát đau đớn, thấy mưa ảm đạm trong lòng (như thơ Verlaine), thấy sự cô đơn, hoang vắng. Sinh ra ở Ban Mê Thuột, sống ở Huế, mưa ám ảnh Trịnh Công Sơn rất nhiều cho nên cũng vẫn là nỗi buồn của ngày chủ nhật mùa mưa trong bài Tuổi Đá Buồn: Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang Từng ngón tay buồn em mang em mang Đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn... Nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc nói về QUÊ HƯƠNG, TINH YÊU, và THÂN PHÂN CON NGƯƠI. Hãy nói về tình khúc Trịnh Công Sơn, nói về thân phận Người Tình trong giai đoạn quê hương đổ nát này... ... Từ khi Tân Nhạc Việt Nam ra đời đầu thập niên 40, đã có những tình khúc của Lê Thương, Lê Yên, Hoàng Giác, Dzoãn Mẫn... Lúc đó là thời bình, khi tình còn xanh và yêu chưa lo sợ. Ngôn ngữ tình yêu thật là bình dị, đối tượng là cô hái mơ, cô láng giềng, cô lái đò, cô hái hoa hay anh Trương Chi. Từ khi nước Việt bị chia đôi, nhạc tình miền Nam đậm sắc hơn và trong mười năm đầu, vì cuộc đời chưa thực sự bị đe doạ, người ta vẫn có những bài hát hữu tình hay thất tình, xinh xinh, hiền lành, lúc đầu còn mới mẻ, dần dà ngôn ngữ tình yêu trở thành sáo ngữ. Tới lúc đời sống trở nên bấp bênh, thanh niên được gọi đi lính rất nhiều (chết trận cũng nhiều) biết bao nhiêu đôi lứa phải xa nhau (có khi vĩnh viễn xa nhau) tình khúc miền Nam thay đổi ngôn ngữ. Nhạc tình không còn là nhạc lãng mạn, nhạc cảm tính với câu hát đắm đuối hay hờn dỗi nữa! Bây giờ là những bài hát nhức nhối của những tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng. Nhạc trở thành não nề và đánh vào não tính. Nhạc tình bây giờ là tình ca của người mất trí. Tình khúc Trịnh Công Sơn ra đời, từ giàn phóng là Quán VĂN được hoả tiễn Khánh Ly đưa vút vào phòng trà, rồi vào băng cassette và chỉ trong một thời gian ngắn chinh phục được tất cả người nghe. So với tình khúc của ba bốn chục năm qua, ngôn ngữ trong nhạc Trịnh Công Sơn rất mới, chất chứa những hình ảnh lạ lùng, quyến rũ như cơn mưa hồng, thuở hồng hoang, dấu điạ đàng, cánh vạc bay... Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù loà, như nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng... Cuộc đời là hư vô chủ nghĩa, con người sống trong cảnh Chúa, Phật bỏ loài người. Cuộc đời còn là đám đông nhưng cũng là quán không. Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi... Tất cả nói lên sự muộn phiền, đau đớn... Buồn tủi cho thân phận con người nên nhánh cỏ cũng xót xa, phiến đá cũng ưu phiền, và chỉ còn những mưa và mưa để xoa dịu vết thương mở lớn! Hãy nghe thêm những câu hát về mưa trong Diễm Xưa: Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động Làm sao em biết bia đá không đau ? Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau... Diễm Xưa cho thấy rõ tiếng hát đứt đoạn của nội tâm về nỗi đau con người trong tình yêu, thấy thêm sự hoang vắng của tâm hồn. Bị ám ảnh bởi mưa đến độ còn nhìn ra mầu sắc của mưa -- mưa hồng -- Trịnh Công Sơn nói lên nỗi bàng hoàng của con người khi thấy cái chết nằm ngay trong sự sống: Người ngồi xuống xin mưa đầy Trên hai tay cơn đau dài Người nằm xuống nghe tiếng ru Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ? Nguyễn Đình Toàn gọi nhạc Trịnh Công Sơn là những bản tình ca không có hạnh phúc, những bài hát cho quê hương đổ vỡ. Cũng là phản ứng của người đau đớn trước hoàn cảnh đất nước, nhưng nó là sự chịu đựng và chết lịm hơn là sự nổi sùng và chửi bới. Như tôi đã làm qua tâm phẫn ca hay tục ca. Có lẽ vì tác giả là người lớn lên ở Huế, một thành phố nên thơ, hiền hoà, không chấp nhận bạo động. Tôi vẫn cho người Việt ở ba miền đất nước có những phản ứng khác nhau trước những hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ người con gái miền Bắc thất tình thì phản ứng bằng sự điên giả -- CHEO có vở Vân Dại Giả Điên -- hay điên thật rồi nguyền rủa, chửi bới cuộc đời (như ông giáo ở Phú Nhuận nói ở chương trên). Sự phản ứng của người gái Huế là buông xuôi (fatalisme), mất người tình là nàng có thể đâm đầu xuống sông tự tử. Còn ở miền Nam à? Không oong đơ gì cả, người thất tình sẽ đốt chồng như cô Quờn. Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại. Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hoà âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này. Từ nhạc tình yêu, thân phận con người, Trịnh Công Sơn chuyển qua nhạc thần thoại quê hương. Âm nhạc ở miền Nam trong thời gian này thật phong phú. Vẫn có những bài hát soạn cho tuổi choai choai: Em 16, Em Mới Biết Yêu Đã Biết Sầu, Túp Lều Lý Tưởng, Người Tình Chung Vách, Người Tình Chung Thủy và cho người lính Cộng Hoà: Lính Mà Em, Lính Dù Lên Điểm, Lính Nghĩ Gì, Lính Xa Nhà, Lời Người Lính Xa, Lính Trận Miền Xa, Anh Là Lính Đa Tình, Người Lính Chung Tình, Đám Cưới Nhà Binh... Và có thêm những bài hát phản ứng trước cảnh tang thương của đất nước. Như đã nói trong chương trước, nhạc tâm ca, du ca lúc này là sự phẫn nộ của thanh niên khi thấy mình bị đưa lên giàn hoả thiêu hoặc phải đi vào quê hương bằng cuộn dây thép gai rồi xuống vỉa hè và trở thành tục ca. Bây giờ, ngoài những ca khúc đi vào tình nhớ, tình xa, tình sầu... với cơn chết lịm, với nỗi muộn phiền và niềm xót xa trong cảnh cô đơn mà ta đã biết, nhạc Trịnh Công Sơn phản đối nghịch cảnh bằng cách khác. Nhạc anh đi vào quê hương bằng bước chân của người con gái da vàng, của em bé loã lồ suốt đời lang thang... Sống cùng thời với những người đi vào quê hương qua nẻo tâm ca và du ca, Trịnh Công Sơn cũng nhận diện lại quê hương. Đi tìm quê hương, phải sống những ngày dài trên quê hương thì phảt hát bài quê hương, phải nhỏ giọt nước mắt cho quê hương khi thấy quê hương hình hài nát dấu bom với xác người chết hai lần... Phải gặp những người tình có người yêu chết trận Pleime hay chết ở chiến khu D... gặp thêm người già em bé, chị gái anh trai, người phu quét đường, đồng hoá họ là người nô lệ da vàng, ngủ im trong căn nhà nhỏ... Rồi đánh thức họ dậy, khuyên họ đập tan xiềng xích để chờ ngày quê hương sáng chói, đứng dậy hò reo, chờ Hoà Bình đến tiếng bom im, cho những bước đi trên những con đường không chông mìn, cho đường giao thông chắp nối chuyến xe qua ba miền, ngày Thống Nhất tới cho những tình thương vô bờ... Nhạc thần thoại quê hương, nhạc tình yêu và thân phận con người của Trịnh Công Sơn có một tư tưởng chỉ đạo khá rõ, dù toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức hoạ trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác chữ lẫn hồn thơ, nghe bảng lảng, mơ hồ khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng nếu nghe kỹ cũng tìm ra ý chính: Trịnh Công Sơn muốn nói lên nỗi đau con người trong cuộc sống hiện đại, có tình yêu, có chiến tranh, có hận thù, có cái chết dễ dàng như chết trong mơ. Anh ca tụng tình yêu và -- cũng như bất cứ nghệ sĩ nào ở trên đời này -- anh chống bạo lực và chống chiến tranh. Một, hai năm trước biến cố 30-4-1975, nhạc Trịnh Công Sơn đi vào Thiền, có lẽ cũng giống như tôi đi vào Đạo Ca, vì lũ chúng tôi, khi nhập cuộc khi xuất thế ... như thể sống lửng lơ giữa thiên đường và điạ ngục. Đồng thời với nhạc đau thương, nhạc phản đối chiến tranh của Trịnh Công Sơn, nhạc do đôi uyên ương Lê Uyên và Phương tung ra là những khúc ca không mang tham vọng lớn, hoặc để cầu nguyện cho Việt Nam, hay nói lên thân phận da vàng. Những bài hát của Lê Uyên, Phương chỉ muốn xoáy vào cá nhân, nói rõ hơn nữa là vào thú đau thương của đôi tình nhân. Những ca khúc Nỗi Buồn Dâng Hiến, Buồn Đến Bao Giờ, không còn là tình sầu của họ Trịnh mà là tình điên. Nhìn đôi uyên ương này hát với lối diễn tả rất khêu gợi thì càng thấy được chất nhục tính trong nhạc của họ. Tuổi trẻ quá đau khổ chỉ còn một cách phản ứng là vùi đầu vào ái ân. Từ trong Vũng Lầy Của Chúng Ta, đôi Lê Uyên, Phương đưa ra những bài hát ngây ngất như đôi người tình vừa ôm ấp nhau, hay chán chường như họ vừa buông nhau ra sau một trận ân ái. Chúng ta cho nhau lần cuối nhưng cũng không nhìn nhau lần cuối! Cũng trong thời kỳ cực thịnh của âm nhạc này, nhạc Từ Công Phụng xuất hiện với những bài hát được coi như sự nối dài của những ca khúc Đoàn Chuẩn trên một bình diện trí thức hơn, có nghệ thuật hơn. Tình yêu là chiếc que diêm, một lần loé lên để soi sáng mắt người tình, thấy mình là con dã tràng trên bãi cát, có sóng thủy triều xoá đi ngôi lâu đài tình ái, nghĩa là rất lãng mạn. Còn là nhạc tình đậm đà và trong sáng của Ngô Thụy Miên nữa. Chấp nhận khó khăn của cuộc đời trước mặt, dù sao đi nữa, anh vẫn yêu em, nhạc của anh còn là những bài thơ có giá trị của Nguyên Sa như Ao Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, dễ dàng làm cho sinh viên, thanh niên yêu thích. Cũng nói tới tuổi đá buồn, tới cơn buồn phiền, nhưng nhạc của Miên tươi hơn nhạc của Sơn. Với họ Trịnh, mưa cho em tay buồn đi về giáo đường. Với họ Ngô, mưa cho tình thắm tươi nồng nàn. Người thi nhân có nhiều hơn trong người thứ nhất nhưng người nhạc sĩ nổi bật hơn trong người thứ hai. Thế là trong giai đoạn phát triển tột bực của âm nhạc ở miền Nam này, đã có khá nhiều xu hướng khác nhau, nhưng tất cả đều nằm trong hai chủ đề Tình Yêu và Chiến Tranh/Hoà Bình. Có nhạc phục vụ cho lính quốc gia, cho tuổi mơ mộng nhưng cũng có dòng nhạc nhận thức thân phận làm người trong một nước đang cơn tao loạn. Tình khúc là nhạc tình tân-lãng mạn, nhạc tình cảm tính, nhạc tình não tính, nhạc tình nhục tính. Như thế đã đủ chưa? Thưa chưa đủ ạ! Còn nhạc tình ảo tính của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang nữa! Hai nhạc sĩ nòng cốt của ban nhạc trẻ PHƯƠNG HOANG, trong thời kỳ này, đã soạn ra những ca khúc tôi cho là mới mẻ nhất. Với nhạc ngữ rất lạ, phù hợp với ban nhạc combo hơn là nhạc tiền chiến, những Hợp Khúc của họ hay không thua gì những bài hay nhất của nhạc rock Hoa Kỳ. Nhạc của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, theo tôi, phản ảnh một lớp trẻ lạc loài trong xã hội đang sa đoạ: Nước mắt ấy đã lau khô rồi Đôi môi ấy đã hoen nụ cười Cuộc tình lỡ đã phai nhạt rồi Người tình cũ đã xa ta rồi ! Lính Mỹ tới Việt Nam đánh giặc Vixi thì đụng luôn phải giặc ma túy. Họ mua ma túy dễ dàng thì thanh niên Việt Nam -- nhất là ca nhạc sĩ -- cũng dễ mua ma túy. Tệ đoan xã hội này được phản ảnh qua bài Mặt Trời Đen trong Hợp Khúc số 3 của hai chàng Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, bài này quả rằng có mùi vị của cần sa hay bạch phiến: Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta Đời hằng mong thoát ly, thay khung trời xa, Cuộc đời như chó hoang lang thang về đêm. Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm. . . . . . . . Trong khu phố se sua, trong khu phố lao xao Sao ta thấy hoang vu như sa mạc thôi ! Khi chân thấp chân cao Trong khu phố lao xao, đêm lung linh đèn mầu Trong hơi khói cay cay, trong giây phút say say Ta quên đi ngày mai. Bài hát là ảo giác của người dùng chất ma túy rồi chân thấp chân cao đi trong khu phố lao xao, trong hơi khói cay cay làm cho mình say say... Bài Mặt Trời Đen chắc chắn phải là nhạc tình ảo tính. Một người viết tình khúc khác là Vũ Thành An thì tung ra những bài ca không tên. Tình ca không có đầu đề, chỉ được đánh số 1, số 2, số 3 v.v... có lẽ vì tác giả không còn tin tưởng vào Tình Yêu nữa. Giống như một trường ca về tình bị cắt rời, mỗi lúc lại hát lên một đoạn nào đó, đứt quãng như những mối tình dang dở của thời chiến. Bây giờ nhắc tới Vũ Thành, Cung Tiến và Phạm Đình Chương vào lúc nhạc Việt lên tới cao độ này. Vào năm 72 Vũ Thành đưa ra bài Thụy khúc sau những ca khúc đã trở thành cổ điển Giấc Mơ Hồi Hương, Gửi Ang Mây Hàng, Say Giấc Canh Tàn, Nhặt Cánh Sao Rơi... Thụy Khúc là bài hát tự ru mình ngủ, ngủ rồi mà vẫn còn mang mộng mị vui buồn của kiếp nhân sinh. Sau bài Thu Vàng phổ biến từ 1954, Cung Tiến vẫn chủ trương soạn nhạc theo đường lối Tây Phương và vạch cho mình mục đích tối hậu là nhạc giao hưởng, hoặc là nhạc tân-cổ điển (neo-classique) hay là nhạc vô thể (atonal). Trong khi chờ đợi, anh vẫn cho chúng ta những ca khúc như Thu Vàng, Hoài Cảm, Nguyệt Cầm, Đêm Hoa Đăng, với cấu phong rất vững chắc, với tứ nhạc rất nhạy cảm, với lời ca rất trí thức, có khi là lời thơ của thi sĩ nổi danh như Xuân Diệu. Anh chịu ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây Phương và không ngần ngại dùng nhạc đề Beethoven để mở đầu cho ca khúc của mình. Nổi tiếng trong ban Thăng Long trong thập niên 50 với những bài như Được Mùa, Tiếng Dân Chài, Thuở Ban Đầu, Đợi Chờ, Xóm Đêm, Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, vào lúc hình thức trường ca được thử thách, Phạm Đình Chương cống hiến bản Hội Trùng Dương, một tác phẩm rất có giá trị. Vào đầu thập niên 70 này, Phạm Đình Chương phổ nhạc nhiều bài thơ như Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng Dưới Hoa (thơ Đinh Hùng), Mầu Kỷ Niệm (thơ Nguyên Sa), Mưa Saigon Mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn) Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ) Nửa Hồn Thương Đau, Đêm Mầu Hồng (thơ Thanh Tâm Tuyền)... thành những bài hát Việt Nam có nhiều chuyển cung rất hay, để cho Thái Thanh làm cho thính giả ở mọi phòng trà luôn luôn phải nín thở để nghe. Trước ngày biến cố tháng 4-1975, Đêm Mầu Hồng được coi là nơi rất cao qúy của nhạc Việt và vì phòng trà không rộng lớn lắm nên cũng là nơi ấm cúng nhất của Saigon trong những ngày cuối cùng của thành phố này. Hai mươi năm ở miền Nam là thời gian của khói lửa chiến tranh đem lại chết chóc, của ô nhiễm chính trị đem lại mệt mỏi, của tiền bạc và lối sống ngoại nhân đem lại sa đoạ... khiến cho cả xã hội lẫn con người có thể bị tha hoá. Tại sao vẫn còn những người hùng trong trắng, những chiến sĩ vô danh, những phụ nữ kiên trinh, những tuổi thơ ngọt ngào, những người mẹ hiền khô -- như mẹ ở đất Phù Sa hay trong Ca Dao Mẹ -- trong đám đông thầm lặng ở xã hội này? Tôi trộm nghĩ, nhờ biết qua phúc lợi Kinh Nhạc của Cụ Khổng, xã hội và con người miền Nam đã phần nào được điều hợp bởi hàng trăm ca nhạc sĩ. Hãy tưởng tượng một miền Nam không có nhạc tình hay chỉ có nhạc tuyên truyền như miền Bắc. Hai mươi năm âm nhạc ở miền Nam xưng tụng một cách rất hùng hồn nhiều khiá cạnh cuộc đời (chứ không chỉ có both sides mà thôi) với tất cả hạnh phúc và khổ đau, sự sống và sự chết... để bình thường hoá mọi sự, hoá giải mọi khó khăn. Nói ra bi đát là hết bi đát, tôi nhắc lại một lần nữa câu nói của nhà văn Pháp Albert Camus. Tôi khẳng định: âm nhạc trong giai đoạn chịu đựng của miền Nam có khả năng trị liệu những căn bệnh tinh thần, vì trong đó, TINH YÊU và CON NGƯƠI lúc nào cũng được xưng tụng. Sẽ chẳng bao giờ có một diễn đạt phong phú như thế nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét