Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

HỒI KÝ PHẠM DUY - TẬP III - PHẦN IV

Chương Hai Mươi Mốt
A ha ! Ta tuy hai mà một A ha ! Ta tuy một mà hai... Đạo Ca Một - PHAP THÂN
Nhưng sự công phẫn của mọi người qua những bài ca muộn phiền hay phẫn nộ và đi thêm một bước nữa là văng tục (như tôi) cũng không thể kéo dài. Thứ nhất: không thể đổ thêm dầu vào lửa, Thứ hai: tâm lý chung của người Việt Nam là họ tìm thấy sự cao qúy khi chẳng may trở thành nạn nhân. Là nạn nhân của thằng ăn cướp hay của một chế độ hà hiếp hoặc của một hoàn cảnh khó khăn thì mặc dù mình đáng thương hại, nhưng mặt khác mình thấy mình cao qúy hơn cái thằng đàn áp mình. 
Có thể nói đó là một thứ triết lý nhẫn nhục, nhưng thực sự khi nạn nhân chịu đựng thời gian đau khổ của mình một cách chững chạc thì họ có cái lớn lao của họ. Và chính ở trong thái độ đó mà họ đi ra khỏi phẫn nộ, đi ra khỏi văng tục để đạt tới một thế quân bình mới. Nhưng khi có thế quân bình mới rồi thì lần này người ta không còn ngây thơ nữa. Không còn tin là phải ngồi lại với nhau, lấy lòng ra giải quyết vấn đề chung. Người ta biết tấm lòng cũng không đủ nữa rồi. Bây giờ phải thăng hoa sự đau khổ lên, phải đánh động tiềm thức chứ không thể đánh vào lý trí của cái lũ đang đàn áp mình. Bây giờ phải đánh vào chỗ cao cả nhất của tất cả các đối phương, nếu không đạt được mục đích cũng để cho lịch sử phán xét. Đạo Ca ra đời vào cuối năm 1971. Lúc đó cũng không phải chỉ có tôi đi từ phẫn nộ, nói đùa, văng tục để rồi tiến lên đạo ca. Còn có những người khác như Chu Tử và nhóm CON ONG trong báo chí, như Nguyễn Đức Sơn biệt hiệu Sao Trên Rừng trong thi ca, đó là chưa kể người đã thoát tục để lên được cõi tiên như Bùi Giáng. Trước vụ Tết Mậu Thân tức cuối 1966-67, người ta thường hay dùng tiếng Mỹ (trí thức for rent) hay nói lái (trí thức chồn lùi) để sỉ vả những người theo thời, đánh mất tinh thần kẻ sĩ. Nó đi từ diễu cợt tới lố lăng hoá cuộc đời, nói theo Võ Phiến là với thái độ trâng tráo (cynique). Rồi sau cùng người ta cũng phải thăng hoa, phải vượt qua tất cả những dung tục đó. Trước hết, người ta tưởng giải pháp nằm trong quá khứ, trong lịch sử, cho nên ai cũng chạy đi tìm hiểu thời Lý, thời Trần, thời tam giáo đồng nguyên. Nhưng người ta lại thấy tinh thần tồn cổ, trở về với giá trị cũ cũng không đúng. Giải pháp có thể là đem cái mới toanh vào không? Cũng không được, vì hoặc nó là siêu-vật-chất, là quá bạo động, hoặc mình không làm chủ được tình hình. Vậy chỉ còn có cách trở về với con người mà mình kiểm soát được tức là con người Việt Nam rất dung hoà, không có khía cạnh gì quá đáng, không chờ đợi cái gì lớn lao cả! Nghĩa là bây giờ người ta muốn khai mở nội tâm. Cũng trở về nguồn, về với cây nhà lá vườn, nhưng cũng không dựa trên một mẫu số nào nhỏ hẹp của cánh này, cánh kia. Một tổng hợp nho nhỏ của một thời đó. Cơ sở văn nghệ hoặc tập san đều chọn những tên thấm nhuần tinh thần về nguồn: AN TIÊM, CA DAO, GIỮ THƠM QUÊ ME... Trong văn có Lý Chánh Trung với cuốn Tìm Về Dân Tộc, có Người Việt Đáng Yêu của Doãn Quốc Sĩ... Trong nhạc có nhóm TIÊN RỒNG, nhóm NGUON SONG và có tôi với nhạc tập DÂN CA và cuốn BIÊN KHAO VU DÂN NHAC. Về nguồn, rồi khi vào Đạo Ca, tôi muốn thăng hoa mọi thứ lên. Lúc đó cũng có nhiều người muốn làm như tôi, ví dụ người thi sĩ tôi cộng tác để làm đạo ca là Phạm Thiên Thư. Anh là một nhà sư trẻ (đạo danh Tuệ Không), có một đàm trường -- kiểu đàm trường Viễn Kiến của Nguyễn Đức Quỳnh -- để bạn bè tới nói chuyện văn nghệ. Tất cả đều rất trẻ nhưng cung cách của họ giống như các ông cụ non. Tuy nhiên khi đàm luận với nhau, họ không có gì là lúng túng hết. Họ rất ung dung và họ cũng rất già giặn trong tâm hồn, bởi vì họ già trước tuổi. Khi phải sống dưới biết bao nhiêu đe dọa (đi lính chẳng hạn), cũng như trong hoàn cảnh kinh tế sa sút, họ chỉ còn có cách trốn vào một đàm trường, vào một cái vỏ trong đó họ có thể ung dung ngồi nói chuyện thi phú, nói chuyện tư tưởng, những chuyện nhẹ nhàng bên trong với nhau, không lý gì đến chuyện bên ngoài và không cần phải ai biết đến họ. Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư -- mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi và một đám mây -- là nhờ Nguyễn Đức Quỳnh. Vào năm 1971, anh Quỳnh bị ung thư dạ dày và vào nằm trong bệnh viện cho hai Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh cứu chữa. Ngày tôi tới thăm anh tại bệnh viện thì gặp Phạm Thiên Thư ở đó. Và chúng tôi yêu mến nhau ngay. Sau đó chúng tôi gặp nhau gần như hằng ngày. Lúc bấy giờ tôi đang soạn những bài ca cho tình yêu và tuổi học trò như Trả Lại Em Yêu, Con Đường Tình Ta Đi... Đọc được bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị mà anh bạn trao cho, tôi như bắt được viên ngọc quý và xin phổ nhạc ngay: Em tan trường về Đường mưa nho nhỏ Anh theo Ngọ về Gót giầy lặng lẽ đường quê... Khi đưa thêm thơ cho tôi phổ nhạc thì tôi chọn bài Em Lễ Chùa Này vì cả hai chúng tôi đều muốn quay về xưng tụng những gì thuộc về văn minh Việt Nam, như ngôi chùa cổ ở miền Bắc là nơi, lúc còn nhỏ, tôi thấy đôi kẻ tình nhân thường hẹn nhau tới tự tình: Đầu mùa Xuân cùng nhau đi lễ Lễ chùa này vườn nắng tung bay Và ngàn lau vàng mầu khép nép Bãi sông bay một con bướm đẹp... Mùa Hạ cùng em đi lễ... Rồi mùa Thu, mùa Đông vẫn cùng em đi lễ, bốn mùa hẹn nhau vào ngôi chùa cổ, có lò hương với làn trầm nghi ngút. Nhưng vào lúc tàn Đông, em yêu chết, anh tiễn đưa em trong áo quan này: Vườn chùa đây vào nằm trong đất Nép bên hoa đây những hoa vàng Vườn đào thơm chập chờn cánh bướm Bướm quơ râu, ngơ ngác bay ngang... . . . . . . . Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng Đến thăm em ngày tháng qua mau Một nụ mai vừa nở trong nắng Hỡi em ơi, mây đã qua cầu... Từ đó, tôi luôn luôn tìm đọc thơ của Phạm Thiên Thư như tập thơ Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng hay bài thơ Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu để phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại. Đối với tôi lúc đó, hình ảnh Thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có hai đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng. Để làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà để ẩn náu vậy. Lúc đó tôi tự coi mình cũng là một kẻ từ quan tìm được một nơi ẩn náu là cõi thơ Phạm Thiên Thư. Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca. Tôi muốn thử đi vào ĐAO với một tu sĩ mà cái uyên thâm về đạo giáo chắc chắn phải hơn tôi rất xa. Trước hết tôi đề nghị với anh bạn nên soạn lại kinh Phật -- ví dụ KINH KIM CƯƠNG -- với lời tụng là thơ Việt, để tôi phổ thành bài tụng kinh, khác với lối tụng kinh theo tiếng Phạn hay tiếng Hán. Lúc còn bé, tôi cũng thuộc vài câu kinh rồi, nhưng chẳng bao giờ tôi hiểu ý nghĩa của lời kinh. Việc thi hoá Kinh Phật chưa thành nhưng qua một bài thơ ngắn, Phạm Thiên Thư giúp tôi một con đường đi vào đạo ca, nếu chưa phải là đi vào ĐAO SONG. Vào lúc cuộc sống Việt Nam trở nên quá hãi hùng, quá tầm hiểu biết và tin tưởng của tôi, cũng như mọi người, tôi không biết sự thật ở đâu thì bài thơ Pháp Thân giúp tôi thấy được một sự thật trong đời là thuyết nhất nguyên Xưa em là kiếp chim Chết mục trên con đường nhỏ Anh là cội băng mai Để tang em chờ mấy thuở... Lập tức tôi đề nghị Phạm Thiên Thư cùng tôi soạn 10 bài hát giống như 10 bước đi của Thiền đã được thể hiện qua 10 bức tranh không trâu, có trâu, dắt trâu, mất trâu mà người học về Thiền đã biết. Chúng tôi đưa ra danh từ đạo ca, chữ "đạo" không có nghĩa tôn giáo mà là con đường. Con đường dẫn người nghe đi tìm sự thật. Cho tới lúc này, 1972, tôi chưa hề sản xuất băng nhạc. Tôi nổi hứng khởi sự nghề này với băng ĐAO CA do Thái Thanh hát với phần hoà âm phối khí của Hồ Đăng Tín. Trong băng có lời giới thiệu từng bài: Đạo Ca Một Pháp Thân khởi đầu cuộc đi tìm chân lý. Vũ trụ được hiện bày như một toàn thể sinh hoá, một tương duyên mật thiết không còn vực bờ hữu hạn, xoá bỏ tất cả ý thức về ngã và phi-ngã, xoá bỏ mọi dấu chân đi tìm ngoại vật. Một là tất cả, tất cả là một. Tôi thích những câu: Xưa em làm kiếp ao, ưu tư mùa cuối Hạ. Anh làm chim bói cá, đậu soi mấy mùa trăng. Xưa em là chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh Anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng... Đạo Ca Hai Đại Nguyện đi từ quan điểm toàn thể trên, dẫn đến một tâm linh bao la, diệu vợi. Đó là lòng từ bi, là ý lực cứu độ muôn loài như cứu chính mình: Thương người như thể thương thân (Gia Huấn Ca). Đạo Ca Ba Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng hay là Ảo Hoá, đưa ra hình ảnh một dũng sĩ cưỡi ngựa vàng đi tìm người yêu muôn thuở. Đi hết năm tháng, đi khắp mọi nơi, đi cho tới khi áo bào sờn rách, ngựa vàng đổi lông mà vẫn không tìm ra người yêu lý tưởng. Thế rồi một ngày kia, dũng sĩ dừng chân xuống ngựa trên cầu, ngựa vàng bỗng hoá thành người đẹp mà dũng sĩ ra công đi tìm. Thì ra, đã từ lâu, dũng sĩ ngồi lên sự thật mà không biết! Bài hát rất dài, có tới bẩy đoạn. Đoạn hay nhất là đoạn con ngựa hoá thân là người yêu muôn thuở: Mùa Đông rồi tới, hoa bay trước đời. Rừng mai nở mãi, trông như nét cười của ai... ai ơi ! Ngoài sông gầm gió, trên sông bắc cầu, Cùng con ngựa quý, qua sông lúc nào Chợt con ngựa cũ thân yêu hoá thành người yêu... Đạo Ca Bốn mang tên Quán Thế Âm hay là Hoá Thân. Bài này biểu tượng cá nhân bước vào đại thể. Người mẹ đi tìm con với niềm đau khổ riêng của mình đã nghe thấy tiếng khổ chung của nhân loại: Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng, Có bà mẹ đi tìm con trong động hang lan vàng, Có bà mẹ đi tìm con bên bờ sông lam tím, Có bà mẹ đi tìm con trong thung lũng cỏ hoang... Đạo Ca Năm Một Cành Mai, sự vượt thắng mối lo sợ về sự chết. Vì sinh tử chỉ là sự đắp đổi, thăng hoa trong một miên viễn là cuộc đời. Bài này còn muốn tưởng niệm nữ sinh viên Nhất Chi Mai đã tự thiêu để cầu nguyện cho hoà bình: Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời. Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai. Người không riêng của ai, nhân loại vẫn của người Đặt mình trong dòng đời, tử sinh cũng là vui... Đạo Ca Sáu Lời Ru Bú Mớm Nâng Niu muốn nói về hiện thể tạo hoá của Mẹ khiến cho đứa con có một nền tảng tâm linh, hiền hoà giữa tạo vật, nhân sinh không còn là tù ngục giữa con người: Ru con bằng vòng tay ấm, cho con yêu tiếng dịu dàng. Ru con bằng bầu sữa nóng, cho con ơn mãi tình nồng. Ru con bằng bài ca ngắn, cho con mến Nhạc và Thơ. Ru con còn nhờ mây gió, tim con chẳng có vực bờ... Đạo Ca Bẩy Qua Suối Mây Hồng hay là Vô Ngôn diễn tả cuộc chiến tranh thầm lặng giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, tranh nhau trái tim Mỵ Nương tượng trưng cho ý thức sáng tạo. Sơn Tinh, sự vắng lặng của ý niệm ngôn ngữ, cùng người đẹp biến vào Đại Thể, còn lưu lại trên đỉnh núi cuốn thiên thư không chữ và cây sáo thần không lỗ, thúc giục loài người vượt thoát ý niệm ngôn ngữ để thể nhập vào cõi uyên. Bài này cũng rất dài, có tới chín đoạn. Đoạn chiến tranh giữa Sơn Tinh, Thủy Tinh: Thề quyết không một trời Thủy Vương vùng kiếm thét : " Trả đoá hoa hồng ngời ! " Thủy Vương vùng kiếm thét. Nhưng trên ngọn đỉnh núi Chẳng được ai trả lời Thủy Vương căm giận điếng Xua quan quân thẳng tiến ! Đạo Ca Tám Giọt Chuông Cam Lộ là bình minh của tâm thức trong ba động của tiếng chuông chùa. Tiếng đại hồng như giọt nước làm tràn mạch suối tâm linh, với hình ảnh Thiền Sư Vạn Hạnh chống gậy trúc xuống núi, cưu mang cả mùa Đông trong lòng tay ngọc: Bóng đêm qua rồi ! Bóng đêm qua rồi ! Tiếng chuông vang hồi ! Tiếng chuông vang hồi ! Thấy trong nhân loại tiếng chuông vang hồi, Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông rơi. . . . . . Gậy Thiền đưa xuống thế gian cõi thường. Thời gian mãi mãi, tiếng chuông sáng ngời. Thiền Sư xuống núi, cứu nguy cho đời. Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang... Đạo Ca Chín Chắp Tay Hoa hay là Quy Y, diễn tả thái độ cung kính yêu thương vạn vật quanh ta vì tất cả đều hiện bày một bản thể mầu nhiệm như nhau. Bài này xô đổ mọi nấc thang giá trị: Chắp tay lạy Người, xin cho nụ cười. Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi. Chắp tay lạy Đất, cho mầm cây tươi. Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời. Chắp tay lạy Người, chắp tay lạy Trời Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi ! Đạo Ca Mười, tiểu đề Tâm Xuân, là con đường trở về thiên nhiên, gia đình, xã hội và siêu nhiên khiến cho cá nhân được quân bình giữa cảm xúc, trí thức và hành động. Đó là nền đạo lý tổng hợp tối diệu ba nguồn tư tưởng Phật-Lão-Khổng của Việt tộc. Mùa hồi sinh của tạo vật cũng là sự bừng sống mãnh liệt của tâm tư. Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Tâm ? Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Không ? Về nguồn về cội ! Về nguồn về cội ! Để rồi vươn tới, với lòng mênh mông... Thực hiện xong cuốn băng ĐAO CA vào năm 1972, tôi có hai điều buồn. Thứ nhất: là một người không giỏi về thương nghiệp, bước vào nghề sản xuất băng nhạc mà không chịu nghiên cứu thị trường, tung ra một cuốn băng cao hơn trình độ thẩm mỹ của người bình dân thì bị lỗ vốn là cái chắc. Đã tự thề nguyền là chẳng bao giờ ngu si dại dột như thế nữa, vậy mà vào cuối đời mình, lại cả gan bỏ tiền ra thực hiện cuốn băng 10 BAI RONG CA... Điều buồn thứ hai: băng ĐAO CA được thực hiện xong thì người bạn tâm tình của tôi là Nguyễn Đức Quỳnh không được nghe. Anh lìa đời vào ngày 21 tháng 6 năm 1972 sau khi hai người bạn bác sĩ giỏi nhất Việt Nam không chữa nổi bệnh ung thư ruột của anh. Mất hai người bạn hơn tuổi mình là Nguyễn Sơn và Nguyễn Đức Quỳnh, từ nay trở đi tôi không còn có ai để mà học hỏi nữa. Chỉ cần nhắc lại một câu lo lắng của anh Quỳnh khi nghe tin Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập. Nghe anh nói: -- Không khéo thì lại chết thêm vài triệu người nữa... là tôi học được cái nhìn xa nhìn rộng của Nguyễn Đức Quỳnh. Qua cuộc đời của anh, tôi thấy làm kẻ sĩ trong thời đại của chúng tôi, thật là khó! Tài hoa và thông thái trên mọi lãnh vực như anh Quỳnh, đi vào môi trường văn hoá và chính trị miền Nam với tất cả thiện chí, thấy trước được sự thất bại của Đệ Tam Quốc Tế nên muốn cùng mọi người đi vào văn hoá tổng hợp với nòng cốt là kẻ sĩ, thế mà chỉ được tiếng là phù thủy văn nghệ mà thôi... Cộng Sản coi trí thức không bằng cục phân, còn quốc gia thì chỉ biết dùng bồi bếp. Kẻ sĩ như Nguyễn Đức Quỳnh trước khi chết, dặn con cái phải treo trên xe tang một biểu ngữ: Làm người Việt Nam là một khốn khó. Làm kẻ sĩ còn là một khốn khổ hơn! Trong đời sống tan vỡ ra trăm ngàn mảnh, hôm nay, tại xứ lạ quê người, một lần nữa, tôi khóc thêm Nguyễn Đức Quỳnh bút danh Hà Việt Phương, Đặng Tâm Thành, Ngô Đồng Thanh, Hoài Đồng Vọng... một người suốt đời thành tâm muốn đồng thanh, đồng vọng với tất cả mọi người, rồi đã khuất bóng từ hai mươi năm nay mà sự tương ứng, tương cầu chưa hề xẩy ra giữa người Việt Nam ở bất cứ nơi nào, dù là người ở trong nước hay ở ngoài nước.
Chương Hai Mươi Hai
Em hỏi anh bao giờ trở lại Xin trả lời mai mốt anh về... Kỷ Vật Cho Em
Tưởng bước vào đạo ca (1971) là tôi có thể dứt điểm loạt bài ca phản kháng (protest songs) khởi sự từ tâm ca (1966), vậy mà tôi vẫn tung ra nhạc tập THƯƠNG CA CHIẾN TRƯƠNG với những bài soạn sau Tết Mậu Thân và một số bài mới, soạn ra vì nhu cầu của nhà xuất bản, hãng sản xuất băng nhạc và phòng trà. Nói cho đúng tâm ca và tâm phẫn ca chỉ được phổ biến trong giới sinh viên học sinh vì những bài ca thiên về chính trị và bị coi như quốc cấm này -- cũng giống như một số bài của Trịnh Công Sơn -- không được giấy phép kiểm duyệt thu thanh trong băng nhạc thương mại, ngoại trừ bài Giọt Mưa Trên Lá. Có người còn cho rằng nhét tâm ca vào băng nhạc là dung tục hoá bài ca tâm thức đi. Ai theo dõi âm nhạc ở miền Nam thì biết rẵng với tâm phẫn ca, tôi vạch mặt bọn cường đạo quốc tế đạo diễn vở bi hài kịch. Tố cáo sự nhân danh chủ nghĩa để giết hại nhau. Nói lên nghịch cảnh của hai người lính và kể chuyện hai anh cán bộ thù nghịch phải chui xuống gầm giường của bà mẹ Phù Sa. Bởi vì tôi không phải là gỗ đá, trước cái chết của người lính trẻ, tôi tuyên bố Trời Phật Thánh Thần đều bất lực. Những tiếng nói về thân phận con người như vậy cũng có người khác nói lên, nhất là những thanh niên đang phục vụ trong Quân Đội. Một hôm tôi đọc được một bài thơ ngắn nhan đề Trả Lời Một Câu Hỏi của một người lính chiến tên Linh Phương, đăng trong góc nhỏ của một báo hằng ngày. Tôi bèn thêm lời, thêm ý để phổ nhạc thành bài Kỷ Vật Cho Em : Em hỏi anh ! Em hỏi anh ! Bao giờ trở lại ? Xin trả lời ! Xin trả lời ! Mai mốt anh về... Anh trở về, có thể bằng chiến thắng Pleime, Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã. Anh trở về ! Anh trở về, hàng cây nghiêng ngả, Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa. Anh trở về trên chiếc băng ca Trên trực thăng sơn mầu tang trắng... Tôi hát bài này trước tiên tại phòng trà RITZ của Jo Marcel với ban nhạc Dreamers rồi hầu hết các ca sĩ, từ Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly qua Thanh Lan, Nhật Trường đều thu thanh vào băng nhạc. Bài hát trở thành một hiện tượng lớn của thời đó. Ở phòng trà, khi ca sĩ hát bài đó lên, bao giờ cũng có sự náo động nơi khán thính giả. Nếu là thường dân thì phản ứng cũng vừa phải, nhưng vì hồi đó dân nhà binh ở bốn Vùng Chiến Thuật về Saigon là đi phòng trà và khi trong đám thính giả có một sĩ quan đi nghỉ phép hay một thương phế binh là có sự phản ứng ghê hồn nơi người nghe. Có thể nói bài này gây một không khí phản chiến, nhưng có một cái gì cao hơn chính trị. Nó nói đến định mạng của con người Việt Nam mà ai cũng phải chấp nhận: Anh trở về, đây kỷ vật, viên đạn đồng đen Em sang sông cho làm kỷ niệm Anh trở về ! Anh trở về trên đôi nạng gỗ Anh trở về, bại tướng cụt chân Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân Bên người yêu tật nguyền chai đá... Nếu nói về tiến trình soạn nhạc của tôi, với bài Kỷ Vật Cho Em, đây là lần thứ ba tôi nói tới người thương binh. Lần thứ nhất vào năm 1947, tôi xưng tụng một nhân vật điển hình của thời đại qua bài dân ca Nhớ Người Thương Binh. Với tất cả tin tưởng vào kháng chiến, tôi nhắc tới một thứ anh hùng dân tộc mà cả nước phải mang ơn: Người về có nhớ thương binh? Anh hi sinh một cánh tay và vì lúc đó, ở trong nước, người dân chưa thấy mình là nạn nhân của chiến tranh nên ai cũng thương người cụt tay. Do đó mà người xa gửi đến quà xa. Người thương binh cũng thấy đẹp lòng tôi lắm ai ơi! Một thập niên qua đi, tưởng rằng Hội Nghị Genève 1954 mang tới hoà bình nên tôi lại nói tới nhân vật thương binh với bài Ngày Trở Về. Vẫn nói rất đậm đà về anh, nhưng bây giờ anh chỉ có con trâu cầy và người vợ mới cưới để cưu mang mình. Anh chống nạng cầy bừa và anh có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ. Anh lấy được vợ hiền lành để cố gắng sống đời hoà bình. Bài này đưa ra thêm một nạn nhân của chiến tranh nữa là mẹ của anh, đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ. Hơn một thập niên nữa lại trôi qua. Từ trận Ấp Bắc tới trận Tết Mậu Thân, chiến tranh giữa hai miền lên tới mức độ kịch liệt nhất. Tôi đọc bài thơ Trả Lời Một Câu Hỏi tôi hiểu được tác giả nhà binh mang tên Linh Phương đã biết hai bài hát về thương binh trước đây của tôi, nên anh ta đưa ra hình ảnh người thương binh thời nay, trong ngày trở về, có thể cũng giống chàng về nay đã cụt tay hay anh nông phu chống nạng cầy bừa, hoặc có thể là hòm gỗ cài hoa hay bại tướng cụt chân... Phổ nhạc bài thơ có chủ đề thương binh, tôi làm nốt công việc tạo ra những bộ ba (triptyque) như trước đây với Em Bé Quê, Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê hay với dự phóng bộ ba Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam, Trường Ca Trường Sơn -- Trường Ca này đã được thay thế bằng Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi muốn nói ra đây một điều cần nói, là: bài Kỷ Vật Cho Em tích cực chứ không hẳn là bài ca phản chiến hay định mạng. Nếu ta biết rằng miền Bắc xua quân đi trên con đường xương trắng Trường Sơn không có ngày về, vì bắt bộ đội xâm trên tay -- hay nhét trong đầu, cũng thế câu sinh Bắc tử Nam thì tối thiểu trong bài Kỷ Vật Cho Em, khi em hỏi anh bao giờ trở lại, em hỏi đi hỏi lại luôn luôn anh trả lời em mai mốt anh về. Anh còn tặng em viên đạn đồng đen nếu em bỏ anh sang sông, lấy chồng khác. Có nhân bản trong bài hát đấy chứ. Còn thêm một sự kiện: Kỷ Vật Cho Em vẫn là điều phải có trong nghiệp ca nhân của tôi. Trước đây tôi ca ngợi Vệ Quốc Quân kháng chiến nhưng tôi không quên nói đến khổ đau của người mẹ mất con ở Huyện Gio Linh. Quý vị nào luận về tôi trong giai đoạn này thì đừng quên qua bài thơ Mầu Tím Hoa Sim -- mà sau này tôi phổ nhạc với tên Ao Anh Sứt Chỉ Đường Tà -- thi sĩ Hữu Loan cũng nói tới đau thương của người lính trong kháng chiến, tưởng rằng không có ngày trở về với người yêu thì, oan nghiệt thay nhưng không chết người trai chiến sĩ, mà chết người em nhỏ hậu phương... Chứ không riêng chỉ có tôi mới nói tới cái bi trong kháng chiến! Và bây giờ, sau khi xưng tụng người chiến sĩ Cộng Hoà với bài Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc và loạt bài soạn cho Cục Quân Huấn trước đó, hay tổ khúc Chiến Ca Mùa Hè sau này chẳng hạn, thì tôi vẫn phải nói tới mặt trái của cái hùng là cái bi. Chỉ nên đặt vấn đề khi tôi bóp méo sự thật, dung tục hoá hay cường điệu hoá sáng tác mà thôi! Kỷ Vật Cho Em là một sự thật tôi phải nói lên. Nếu ai ngăn tôi không cho tôi nói tới mặt trái của huy chương tôi cũng sẽ có phản ứng như khi bị Việt Minh không cho nói lên sự đau khổ của nhân dân. Ngoài nhiều bài thơ trực tiếp nói về thân phận của người thanh niên trong quân ngũ mà bài Trả Lời Một Câu Hỏi là một ví dụ, tôi còn được đọc những bài thơ gián tiếp mong ước hoà bình như bài Khi Tôi Về của một sĩ quan tâm lý chiến Kim Tuấn, và được hân hạnh phổ nhạc bài đó cho Thái Thanh hát hằng đêm ở Phòng Trà QUEEN BEE: Khi tôi về, con chim câu nằm trong tổ ấm Dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự Và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa. Khi tôi về, con diều bay, đùa bay trong gió Chốn quê nhà trên thảm cỏ xanh Có lũ trẻ để bụng lòi rốn đen cười thanh bình... Vâng! Khi tôi về, có con trâu rung mõ xa xôi như trong giấc mộng. Khi tôi về, mẹ già vừa tóc bạc, đôi mắt nhìn xa xôi, mẹ tôi ngóng tương lai và quên hết ưu phiền. Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh. Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm cùng mùi khói lam quen thuộc! Đúng như vậy! Khi tôi về, tôi đi thăm bờ sông thuở nhỏ, tôi sẽ buồn vì chuyện ngày xưa, tôi sẽ khóc vì chuyện quê hương bao lần đau khổ, bao lần cay đắng. Quê hương tôi là ở đó, tôi lớn lên bằng lời ru, bằng tình thương, bằng hờn căm và bằng tủi hờn... Khi tôi về! Con chim ca lời ca tình ái Lũ thiếu nhi Đã hát mừng cho đời thịnh trị Dù còn yếu cũng nhoài mình vồ lấy tình yêu... Cái quan trọng nhất là tôi tìm lại được thằng tôi, sau khi tôi đã mất tôi trong cuộc chiến này: Khi tôi về ! Khi tôi về ! Cuộc đời suôi chẩy Bóng trăng xưa soi trên lối mòn, Có rừng cây ấm vì nhiều thương nhớ, Có người yêu cũ nằm chờ bên gối Và khi thức dậy tôi tìm thấy tôi ! Từ trận Ấp Bắc, qua trận Tết Mậu Thân tới Mùa Hè Đỏ Lửa vào năm 1972, tôi thấy ai cũng nhìn nước Việt Nam trong khoảng mười năm qua như một thứ chiến trường tồi tệ và trong bối cảnh bi đát này, tôi cho in nhạc tập THƯƠNG CA CHIẾN TRƯƠNG khi có yêu cầu của nhà xuất bản HIÊN ĐAI. Nhà báo kiêm thi sĩ Ngô Đình Vận cũng có chung một ý nghĩ về quê hương như tôi cho nên đã gửi cho tôi hai bài thơ để phổ nhạc. Đó là những bài Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ, Thầm Gọi Tên Nhau Trên Chiến Trường Tồi Tệ. Những bài này đã được Duy Quang, Thanh Lan, Anh Ngọc thu vào băng nhạc và hát trên Đài Phát Thanh. Bài Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ xưng tụng tình yêu đôi lứa: Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em ! Một hạt mưa lẻ loi trong đêm tối, mưa bay dài. Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em ! Một giọt mưa, hạt nước mắt hiếm hoi trong đời này ! . . . . . . Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em ! Những gì còn sống sót trên đời như hơi ấm tuyệt vời Ta ôm em và tan loãng trong không gian lưu đầy . . . . . . . . Em có nghe xào xạc ? Tiếng lá bay xào xạc, Tiếng gió đêm buồn buồn Lang thang trên muôn vàn đỉnh cây, Hạnh phúc nào không tả tơi đắng cay ? Bài Thầm Gọi Tên Nhau Trên Chiến Trường Tồi Tệ xưng tụng tình đồng đội: Thầm gọi tên mày ! Thầm gọi tên tao ! Thầm gọi tên nó ! Những thằng tốt đen trong cuộc đời, Những thằng lính non hay già rồi. Gọi tên mày ! Gọi tên tao ! Gọi tên nó ! Gọi tên nhau, tên nhau ! Thầm gọi tên mày ! Thằng bạn của tao ! Mày vừa ngã xuống Chiến trường núi cao nơi địa đầu Thung lũng sâu nơi Hạ Lào Gọi tên mày ! Gọi tên tao ! Gọi tên nó ! Gọi tên nhau, suốt đời ! Nhưng nếu cần phải đánh giá từng bài trong nhạc tập THƯƠNG CA CHIẾN TRƯƠNG, bài thơ Tưởng Như Còn Người Yêu của Lê Thị Y do tôi phổ nhạc vào năm 71 phải là bài ca não nùng nhất, đau thương nhất, chua xót nhất. Bài này mô tả cảnh người goá phụ đi lĩnh xác người chồng chết trận, được gửi về từ nơi chiến điạ: Ngày mai đi nhận xác chồng Say đi để thấy mình không là mình Ngày mai đi nhận xác anh Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ ! Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ Như môi goá phụ nhạt mờ vết son Tình ta không thể vuông tròn Say đi mà tưởng như còn người yêu. . . . . . . . Em không nhìn được xác chàng Anh lên lon giữa hai hàng nến trong. Mùi hương cứ tưởng hơi chồng Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu ! Đang soạn thêm những thương ca chiến trường để cho các ca sĩ thu thanh vào băng nhạc và để hát tại các phòng trà thì xẩy ra vụ mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tôi cùng vài bạn nghệ sĩ như Duyên Anh, Nhật Trường đi ra Huế, Quảng Trị để tham quan chiến trường. Tôi tạm quên những bài hát cho chiến trường tồi tệ để sáng tác những bài ca tích cực hơn như: Điệp Khúc Trần Thế Vinh, Vùng Trời Mang Tên Ta, Lên Trời, Trong Bão Cát Mưa Rừng soạn cho Không Lực Việt Nam... Tôi cũng đem một bài thơ của Phạm Văn Bình, thi sĩ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, để làm thành bài hát nhan đề Mười Hai Tháng Anh Đi. Rồi tôi phổ những bài thơ của Phạm Lê Phan, một thi sĩ làm việc tại Đài Phát Thanh Quân Đội, thành một Liên Khúc gồm 16 chiến ca nhan đề Chiến Ca Mùa Hè... Điệp Khúc Trần Thế Vinh đi sau bài Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc nên không được đón tiếp nồng hậu cho lắm. Trong bài này, tôi nói đến người quả phụ nhiều hơn là nói đến con người hùng mà trần thế phải quang vinh: Này mặt trời nhỏ bé phương Nam Mặt trời từng sưởi ấm cô đơn Cho ta bay ngang qua lửa đạn Cho quê hương yên vui ngày loạn Này mặt trời hãy khóc đi thôi Vì người tình của nắng lên ngôi Con chim xanh bao la tình người Thành vị thần: TRẦN THẾ VINH ơi ! Này Thần Đất giữ dùm thân tôi Ngăn xâm lăng dưới đất trên trời Này Thần Gió giữ hồn cho tôi Xin dâng cho Tổ Quốc muôn đời Này người tình yêu dấu không tên Phận đàn bà cuộc chiến trao duyên Quân xâm lăng gây nên sự tình Không ai mang khăn tang một mình Này người tình hãy nín đau thương Vì người dù xa vắng giai nhân Nhưng quê hương ta thêm thần tượng: Một người hùng trần thế vinh quang... Bài Mười Hai Tháng Anh Đi soạn theo thơ của Phạm Văn Bình thì nói tới hành trình trong 12 tháng của một chiến sĩ trong Thủy Quân Lục Chiến: Tháng giêng suôi quân ra Huế Cố đô hoang vu điêu tàn Bãi học chiều, em vắng bóng Tóc thề đã quấn khăn tang. Tháng hai về trấn ven đô Chong mắt hoả châu, giữ cầu. Gió thoảng vào hơi rượu mạnh Qua làn sương ánh đèn mầu... Tháng ba, tháng tư thì: Ba lô lên vai tới miền Tây Đô Quê hương em xanh, xanh rợp bóng dừa... . . .Tháng năm theo vì sao biếc Hoa phượng nở quanh sân trường... ...Tháng sáu anh vẫn miệt mài Hành quân chưa về thăm em... ...Tháng bẩy mưa ngâu, nước mùa bay mau Ô hay ta sao trong lòng rưng sầu... ...Tất cả bầu trời thơ ấu Ai làm tháng tám cằn khô... ... Tháng chín ta về Cửu Long ... Cuối năm mùa Đông đan áo Cuối năm trời đã lạnh rồi. Thiên hạ thì may áo cưới Ta thì hẹn tới năm sau... Thế là tuy đôi chân của tôi đang bị trói lại trong thành thị, tâm hồn tôi lại được theo anh lính Thủy Quân Lục Chiến đi giang hồ một phen qua bài hát này. Rồi khi cởi trói đôi chân, cùng với Duyên Anh, Nhật Trường ngồi trên xe thiết giáp M113 đi ra chiến tuyến, tôi có cảm hứng để đi vào một công trình khá lớn là Liên khúc Chiến Ca Mùa Hè 72, phổ thơ của Phạm Lê Phan với những đoản khúc như Qua Cầu Ai Tử, Bên Giòng Thạch Hãn, Lời Dặn Dò, Suối Trăng Hờn, Đêm Hội Máu, Một Tình Thiêng, Đêm Hội Pháo, Bất Khuất, Đưa Mẹ Về Trị-Thiên Yêu Dấu, Đưa Mẹ Về Sữa Trắng Rừng Xanh, Mặc Niệm, Xin Tha Thứ... Bản trường thi của Phạm Lê Phan có nhiều đoạn rất sắt máu nhưng lại có đoạn kết rất nhân bản: Xin một lúc mặc niệm Cho triệu người đã chết Chết trong lòng cuộc chiến Xin một phút bồi hồi Cho những người tinh khôn Cho những đứa dại khờ Xin cúi đầu thật thấp Xin âm thầm được khóc Những oan hồn bè bạn Những oan hồn kẻ thù Cùng đi thăm mộ tối Từng làn hương mờ khói Xin cho phủ mầu cờ Rồi khấn nguyện chung một lời : Là ngườiViệt Nam là xin tha thứ Tha thứ cho nhau tha thứ cho đời. Tủi hờn cùng chung, cùng chung kiêu hãnh Chung kiếp gian nan, chung kiếp u buồn. Cùng một mẹ cha, chung lời chung tiếng Xâu xé tan hoang hai mươi năm ròng. Xin thổi kèn lên, tiếng kèn u uất Xin đốt nén nhang, đốt nến hai hàng Việt Nam hãy khóc khóc cho thật nhiều ! Hai thi sĩ quân đội Phạm Lê Phan, Phạm Văn Bình mà tôi mang ơn vì đã cho tôi hai bài thơ hay để phổ nhạc, cả hai đều là thanh niên của thời đại, do định mệnh mà trở thành quân nhân, đi vào cuộc chiến với tâm hồn ướt át và tấm lòng đầy nhân bản như vậy... than ôi, sau ngày 30 tháng 4, 1975, được đi cải tạo rồi hoặc thành xác chết chôn trong nấm mồ chung của ngụy quân, ngụy quyền (!), hoặc âm thầm biến vào đám đông tiện dân có nợ máu với Cách Mạng (!) Nếu còn sống, liệu các anh có còn đủ tấm lòng Việt Nam để tha thứ như đã nói trong bài hát không ?
Chương Hai Mươi Ba
Xin đi lại từ đầu Chưa đi vội về sau ... Kỷ Niệm
Sau một thời gian ngụp lặn trong vũng lầy của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca, tục ca, thương ca chiến trường, chiến ca mùa hè và sau khi cố bay lên để trốn tránh vào đạo ca thì vào năm 1972, tôi rơi xuống đất. Tôi rơi vào kỷ niệm, những kỷ niệm của rất nhiều người thuộc lứa tuổi tôi, lúc còn bé, còn ngây thơ trong trắng và được sống ở tỉnh nhỏ, có những buổi chiều đi giữa làng quê, đi giữa ruộng lúa rồi vì quá mê trời mây tía nên không nghe tiếng mẹ gọi về... Hoặc trong những đêm mùa khô ráo ngồi bên cha mẹ, mơ ước viễn du khi nghe tiếng còi tầu xe lửa... Tôi nhớ lại kỷ niệm và xin quay về dĩ vãng: Cho tôi lại nhà trường Bao nhiêu là người thương Không ai thù ai oán Ai cũng bảo tôi ngoan... . . . . . . . . . Tôi theo tà áo trắng Cô em bạn cùng trường Cho tôi lại một mùa Mưa rơi buồn ngoại ô . . . . . . . . Tôi mơ thành triệu phú Cứu vớt gái bơ vơ. Tôi mơ thành thi sĩ Đem thơ dệt mộng hờ... Tôi xin lại Tình Yêu mà có lẽ tôi đã đánh mất. Tôi không cần khôn khéo nữa, tôi xin cho lòng tôi được non yếu để tôi có thể dễ khóc, dễ tin theo... Tôi xin lại thời thơ ấu nghĩa là tôi xin đi lại từ đầu: Xin đi từ thơ ấu Đi vui và bên nhau Trong tim thì sôi máu Khoé mắt có trăng sao Bông hoa cài trên áo Trên môi một nguyện cầu Cho đi lại từ đầu Chưa đi vội về sau... Tôi xin đi từ tuổi thơ nên tôi đi vào nhi đồng ca. Trong suốt mấy chục năm qua, kể từ khi có Tân Nhạc cho tới lúc bấy giờ là năm 1972, tôi soạn đủ mọi thứ loại ca, nhưng tôi chỉ soạn có hai bài hát nhi đồng là Em Bé Quê, Một Đàn Chim Nhỏ. Bây giờ, trước hết, tôi muốn phục hồi những đồng dao cổ tôi cho là những bài trong sáng nhất của thi ca bình dân Việt Nam... Tiếc thay, với sự xâm chiếm nước ta của thực dân Pháp và với sự áp đảo của văn hoá Âu Tây, tới đầu thế kỷ 20 này, đồng dao ở Việt Nam đã chết. Dù Trương Tửu đã viết cuốn KINH THI VIÊT NAM, không một câu đồng dao mới nào được hát lên. Bây giờ tôi muốn đồng dao sống dậy với âm điệu mới và nhịp điệu mới. Sau nữa, tôi còn muốn đồng dao có thêm ý mới, phù hợp với cuộc sống hôm nay. Phục hồi vốn cũ, nhưng tôi muốn đi từ đồng dao cổ (tức là bé ca của thuở xưa) đến việc soạn những bài hát mới cho trẻ em, dựa vào sự trong sáng của đồng dao. Tôi đặt tên cho loại ca này là Bé Ca. (*) Trước hết tôi đưa ra bài Ông Trăng Xuống Chơi: Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút. Ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa Ông trăng xuống chơi nhà Vua thì nhà Vua cho lính... Tôi thấy được trong bài đồng dao này một bài học về sự vật (lecon des choses) người xưa dạy cho tuổi thơ. Bài đồng dao cổ truyền cho tuổi thơ biết rằng: nếu cây cau có mo, học trò có bút, ông bụt có chùa thì nhà vua có lính, nồi chõ có vung, cành sung có nhựa, con ngựa có tầu, cần câu có lưỡi v.v... Vì Ông Trăng đẹp quá nên những sự vật đó được dâng tặng cho ông mỗi khi ông xuống chơi với chúng ta. Luân lý của bé ca Ông Trăng Xuống Chơi này là: ông Trăng không sống ở dưới trần gian này, ông ở trên Trời, từ phía Đông ông xuống chơi với chúng ta trong một đêm, rồi ông từ giã để đi khuất về phiá Tây. Ông Trăng đẹp quá nên đã quyến rũ luôn cả những tình nhân nữa, khiến cho gái đẹp cũng sẵn sàng cho chồng, đàn ông cũng sẵn sàng cho vợ. Nhưng ông Trăng cũng không nhận luôn cả cái chuyện cho vợ, cho chồng này... Ông Trăng bèn: Trả chồng (cho) cô gái Trả trái (cho) cây cà Trả hoa (cho) cây bưởi... Ông trăng trả lại hết, trả lưỡi cho cần câu, trả tầu cho con ngựa, trả nhựa cho cây sung.... cuối cùng là trả lính cho nhà Vua, trả chùa cho ông bụt, trả bút cho học trò, trả mo cho cây câu, ông trăng đi mất . Tới bài Chú Bé Bắt Được Con Công. Đây là một bài học về các con người quen thuộc trong gia đình: Chú bé bắt được con công Đem về biếu ông, ông cho con gà Đem về biếu bà, bà cho quả thị Đem về biếu chị, chị cho quả chanh Đem về biếu anh, anh cho con chim tu hú Đem về biếu chú, biếu chú, chú cho buồng cau Chú bé trong bài đồng dao này, rõ ràng nó có ông bà, có anh chị, có chú thím để làm một công việc đổi chác. Trong gia đình nó, ai cũng thích con công nó vừa bắt được nên đã đem con gà, con chim tu hú, quả thị hay buồng cau đổi lấy con công. Chú bé đồng ý, cho tới khi vì chuyện đổi chác mà gây ra vụ đổ máu giữa chú và cô thì nó nghe lời của mợ nó, đòi lại con công, không đổi chác nữa: Ai ngờ đánh nhau, cô chú đánh nhau vỡ đầu Ôi thằng bé nào, bé nào mà không hoảng sợ ? Thế rồi nghe mợ, nghe mợ trả lại buồng cau Xin hoà với nhau, Cô ơi ! Cô ơi ! Cô Chú! Buồng cau trả chú Tu hú hú trả anh Quả chanh trả chị... Với bài Thằng Bờm, lần này tôi muốn đổi tên nó là Thằng Bợm (dấu nặng): Thằng Bợm, thằng Bợm có cái quạt mo Phú ông, phú ông muốn đổi (ý) Ba bò chín trâu, Bợm chỉ lắc đầu Thằng Bợm, thằng Bợm nó chỉ lắc đầu Phú Ông muốn đổi (ý) Ao sâu cá mè, thế mà Bợm chỉ nín khe... Theo tôi, Thằng Bợm thời nay không dại như Thằng Bờm thời xưa, đã chỉ đổi cái quạt mo lấy một nắm xôi nhỏ của Phú Ông, trong khi Phú Ông sẵn sàng cho nó đổi lấy năm con bò, chín con trâu, một sâu cá mè, một Qua kết luận của câu đồng dao cổ, hình như ai cũng khen là Thằng Bờm thực tế, chỉ cần có nắm xôi ăn cho no bụng không cần sự giầu sang của Phú Ông. Tôi thì cho rằng Phú Ông bóc lột Thằng Bờm dấu huyền. Lần này gặp Thằng Bợm dấu nặng, nó ôm tất cả mọi thứ của Phú Ông và cùng với chiếc quạt mo của nó, chạy luôn một mạch khiến cho Phú Ông đứng đó kêu Trời: Một tay thì giữ quạt mo Một tay nắm cổ ba bò chín trâu Bợm chạy cho mau là Bợm chạy cho mau Cùng sâu cá mè Cùng bè gỗ lim Cùng chim đồi mồ Cùng với nắm xôi Bợm chạy đi thôi Là Bợm chạy đi thôi Mặc cho Phú ông kêu trời... Ba bài bé ca đó xoay quanh vấn đề cho nhau và trao đổi với nhau. Cái gì tốt và hợp lý thì nhận. Cái gì không hợp lý và đem lại sự đánh nhau thì thôi, không trao đổi nữa. Và cũng chẳng nên đánh lừa người thấp cổ bé miệng bằng sự đổi chác. Bé ca sẽ đi tới những bài hát, tuy không khởi sự từ đồng dao nhưng nó vẫn nằm trong thế giới trẻ em như bài Bé Bắt Dế. Ở đây, nó là một bài hát ám chỉ về thời cuộc nước ta trong cảnh chiến tranh, dựa vào việc trẻ con Việt Nam thường hay đào lỗ bắt dế rồi đem về chơi trò chọi dế. Con dế nói: tôi là ca sĩ chứ không phải là võ sĩ. Xin để cho tôi hát, đừng bắt tôi phải đánh nhau: A ! Này bé ! Con dế nó ở miền quê Chinh chiến lan về, nó phải tản cư Nó sống trên hè, quanh quẩn ngoại ô Làm thân sống nương, ở nhờ . . . . . . . . . . A ! Này bé ! Con dế nó ở nhà em Nên nó cũng thèm coi truyền hình đêm Nó thấy phi thuyền lên tận mặt trăng Mà không thấy đâu Chị Hằng? A ! Này bé ! Con dế cúi đầu phục lăn Nó hát khen rằng: Con người giỏi giang Nhưng vẫn chê rằng: Thiếu hẳn Tình Thương Lòng vẫn chứa đầy bạo cường... Thế rồi, tới lúc dế không còn ở lại với bé được nữa, vì dế phải đi tới quê mẹ để nối lại tình cha và ca hát câu giải hoà. Dế đi nhưng vẫn hứa hẹn ngày về: A ! Này bé ! Con dế đến mùa phải đi A ! Này bé ! Rồi sẽ có ngày trở về... Bé Ca thời nay tả thực hơn là mang những ẩn ngữ của đồng dao cổ. Nó muốn kết chặt thân tình anh em, như trong bài Đưa Bé Đến Trường: Đưa bé đến trường bằng xe anh đạp Khi bước ra đường bình minh đã lên Ba má đã khuyên mình nên đi sớm Em hãy leo lên để anh đi liền... Sáng đưa bé đến trường, chiều đón bé ra trường : Đón bé ra trường, chiều mưa xám xịt Đi giữa hai hàng đèn đêm đứng im Em bé co ro ngồi ôm tay lái Anh cũng so vai còng lưng tiến lên Xe đi loanh quanh, mưa xuống nhanh nhanh Chân anh, chân em tràn ngập nước văng Anh em ca lên cho đỡ run lạnh Ca lên, ca lên câu hát anh em Ta thương yêu nhau, đời là cõi tiên Nay mai xa nhau, kỷ niệm chẳng quên... Luân lý của bài Đưa Bé Đến Trường nằm trong câu hát chót: Mai mốt em thành người trong xã hội Chức lớn sang giầu, nổi danh khắp nơi Em có đi chơi bằng xe hơi mới Xin chớ cán xe đạp của anh, bé ơi ! Xin chớ cán xe đạp của anh, bé ơi ! Bé ca Đốt Lá Trên Sân sau đây cũng nằm trong không khí nối liền hố sâu thế hệ: Nếu bé yêu anh, anh mời đến ở Dưới mái thô sơ, nơi vườn xanh cỏ Ngày thì chia nhau sách đọc, mới cũ Để chiều còn ra tưới vườn, quét lá... Quét lá rồi vun lá giữa sân, nhóm lửa đốt: Khói, khói lên nhỏ nhoi Khói lên nhẹ hơi, khói lên lả lơi Khói, khói lên đầy vơi Khói lên tả tơi, khói lên mù khơi Khói, khói lên đẹp ngời... Khói trắng khơi lên kỷ niệm êm nhẹ của những ngày anh cũng nhỏ như bé, còn mẹ cha và cũng có những chiều đốt lá... Khói nhắc anh những ngày vui khoẻ, là chàng trai trẻ anh đi theo nhạc hành quân xa, trên nẻo đường ta... Khói làm cay mắt, em ạ! Nước mắt tuôn ra vì khói hay vì nhớ ngày xa xưa? Đốt lá trên sân, khói mờ cay toả Nước mắt rưng rưng, anh nhiều mắc cở Ngọn lửa làm anh mắt mờ thương nhớ Chỉ làm cho em má hồng đẹp thêm... Bé Ca được phát triển mạnh trên hình thức ngay sau mấy bài hát giản đơn. Bài Bé, Cây Đàn, Ngôi Nhà Xanh, Đồi Cỏ phong phú hơn, nó là một câu chuyện nên được chia ra nhiều đoạn: Trên ngọn đồi cao có ngôi nhà xanh và có một em bé đang đứng ôm một cây đàn. Tôi leo ngang qua đồi và đi qua nhà. Bé bắt tôi đánh đàn cho bé nghe. Đánh đàn xong, trả lại đàn, bước xuống đồi nhìn lên, tôi bỗng thấy bé rất lẻ loi... Bài Trong Tiếng Đàn Của Anh, Trong Tiếng Cười Của Em là sự bổ sung cho bài Bé, Cây Đàn, Ngôi Nhà Xanh, Đồi Cỏ. Kể từ khi tôi hay nói tới tiếng đàn trong những bài hát đầu đời, bây giờ -- nghĩa là mấy chục năm sau -- tôi mới lại có dịp nói tới tiếng đàn: EM : Trong tiếng đàn của anh, em thấy một niềm đau Em thấy nỗi buồn theo tang tóc nơi quê nghèo Trong tiếng đàn của anh, em thấy mối âu sầu Rơi rớt theo giọt châu thương nữ, chốn giang đầu Qua tiếng đàn của anh, em thấy nhạc Ly Tao... ANH : Trong tiếng cười của em, anh thấy một mầu xanh Anh thấy khung trời thanh, anh thấy bao tia lành Trong tiếng cười của em, anh thấy bao ân tình Cho tái sinh niềm tin nơi ngón tay bập bềnh... EM : Ôi tiếng đàn của anh, xin vẫn chẳng hề quên Những oái oăm về trên non nước ta ngoan hiền Ôi tiếng đàn của anh, xin vẫn chứa ưu phiền Nhưng cũng xin được vơi, vơi bớt chút oan nghiệt ANH : Ôi tiếng cười của em, xin vẫn cứ cười vang lên Ôi tiếng cười của em, xin vẫn mãi mãi êm đềm Ôi tiếng cười của em trong những tiếng anh đàn Ôi tiếng đàn của anh trong tiếng cười của em HAT CHUNG : Ôi tiếng lòng của ta, của đôi ta... Từ 1973 qua 1975, trong phạm vi bé ca, tôi đi từ đồng dao cổ phục hồi tới những bài nối liền hai thế hệ. Tôi cũng muốn đưa bé ca lên hình thức nhạc kể truyện, nhạc thần tiên nên đã soạn những bài có nhiều đoạn khúc. Trong đầu năm 75, tôi còn soạn được hai bài bé ca nữa: Con c Sên Và Hòn Đá Cuội và Một Con Chim Nhỏ Trên Cành Yêu Thương. Bài sau đã thành ra "lớn ca" mất rồi: Một con chim nhỏ trên cành yêu thương Cất tiếng ca đêm Việt Nam vô thường Nhựa Hoà Bình loang nhành khô héo xuống Mưa Hoà Bình gột tóc Mẹ sau gương Vòm tre lơi lả theo ngọn thùy dương Nắng đã soi trên Việt Nam mơ màng Đồng cỏ xanh lơ đợi chờ cơn gió Hoa nở đầy miền, bia mộ đường quên Một con chim nhỏ trên trồi cây non Cất tiếng yêu thương Việt Nam vô vàn Thảm cỏ mềm cho giọt sương lay lắt Sông nằm dài, chờ kết bạn trăm năm... Bây giờ nói về nữ ca. Nữ ca được soạn khi tôi bị lôi cuốn bởi những tờ báo dành riêng cho tuổi ô mai. Nhưng lý do chính là để cho con gái yêu Thái Hiền hát (**). Nhờ các con tôi đi theo phong trào nhạc trẻ, tự thành lập một ban nhạc combo lấy tên The Dreamers, lúc đó tôi cố gắng cười cổ sì tin nhạc trẻ, nghĩa là làm sao để sáng tác của mình không trở thành nhạc lai căng. Những bài như Tuổi Mộng Mơ, Tuổi Ngọc, Tuổi Hồng, Tuổi Thần Tiên, Tuổi Xuân, Tuổi Bâng Khuâng, Tuổi Vu Vơ hay Tuổi Ngu Ngơ, Tuổi Sợ Ma... xưng tụng tuổi tuyệt vời của các em và xin các em giữ chặt lấy nó, đừng... hít xì ke nghe. Tôi mở đầu loạt bài nữ ca với bài Tuổi Mộng Mơ. Đây là một bài hát đối đáp: Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, mười ba ? Em ước mơ em là, em được là tiên nữ Ban phép tiên cho hoa nói được cả tiếng người Ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời... Bài hát tiếp tục: Em ước mơ em được là thi sĩ hay hoa hậu, hoa khôi... Nhưng khi em đã vào tuổi mười lăm, mười sáu, nếu hỏi em ước mơ gì, em trả lời: em chỉ muốn được là cô gái yêu nước Việt, bước chân theo giống nòi. Bài nữ ca số 2 ra đời để hưởng ứng công việc của tờ báo của Duyên Anh, mang tên Tuổi Ngọc. Đây là lời nũng nịu của cô bé xin được mặc chiếc áo dài của dân tộc, rồi xin một mớ tóc dài chứ không phải tóc quăn. Cuối cùng: Xin cho em còn một xe đạp Xe xinh xinh, để em đi học Từng vòng, từng vòng xe Là vòng đời nhỏ bé Đạp bằng bàn chân gót đỏ hoe Cho em leo từng con dốc dài Cho em suôi về con dốc này Rồi một ngày mai đây Từng kỷ niệm êm ái Chở về đầy trên chiếc xe này... Bài Tuổi Hồng là bài nhiều tính chất của nhạc folk-rock nhất. Bài này có cơ hội được một bạn đồng nghiệp Hoa Kỳ là James Durst soạn lời ca Anh Ngữ nhan đề The Rosey Years và được thu vào băng nhạc và dĩa hát Hoa Kỳ (cũng như bài Bé Bắt Dếvới tên Little Child ! Catch A Cricket) : Hôm nay em đi trời không có nắng Nhưng sao đôi má em lại bừng bừng Nơi em đi qua lửa không bốc cháy Nhưng sao đôi má em như người say Em không hung hăng giận, hay tức tối Em không biết uống ly rượu người mời Đôi khi em đi hạt mưa giăng lối Nhưng sao môi mắt em như mặt trời.. Bài hát tiếp tục xưng tụng cô gái Việt Nam: Hoa chưa ra hoa nụ hoa chưa hé Nhưng em thơm mát hương mạ chiều hè . . . . . . . Mây xanh mây xanh nhiều khi mây đứng Nhưng em phơi phới bay vào trời quang . . . . . . . . Chưa ai cho em một câu ân ái Chưa ai đưa lối hoa mộng đường dài Em chưa nghe thiên tình ca êm ái Nhưng em đã bước chân vào huyền thoại . . . . . . . . Tuổi Hồng ơi ý ơi ! Tuổi Hồng ơi ý ơi ! Tuổi Hồng ơi ý ơi ! Tuổi Hồng ơi ý ơi ! Ba bài nữ ca đầu soạn theo nhịp rock, nhưng giai điệu vẫn nằm trong ngũ cung Việt Nam. Bài Tuổi Mộng Mơ chẳng hạn là nét nhạc bài Lưu Thủy... Nữ ca Tuổi Thần Tiên sau đây có một nhạc ngữ và cấu phong khác ba bài trước. Nó xưng tụng cô bé với tình yêu gia đình, yêu nhà trường, yêu quê hương: Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền . . . . Tuổi thần tiên lắng nghe cha ngọt ngào . . . . Tuổi thần tiên có thêm anh chị yêu Có thêm ông bà tóc trắng da nheo . . . . . Tuổi là cây bút thon thon ngọc ngà Tuổi là sách thơm, trong như ngoài bìa Tuổi là tay viết xanh xanh hàng chữ Ep trong đôi tờ, cánh bướm đã khô . . . . . . . . . . Tuổi thần tiên có quê hương hoà bình . . . . . . . . . Tuổi thần tiên có con sông thật dài . . . . . . . . . Tuổi thần tiên có quê hương đổi mới Nước non thanh bình cho bé yên vui Mùa Xuân đến, lên chùa phát tâm nguyện Nơi Phật đường, tuổi thêm thần tiên Mùa Đông đến với đêm Chúa êm đềm Giáng Sinh về, đẹp tuổi thần tiên. Nữ Ca Tuổi Sợ Ma rất vui. Cô bé Việt Nam trong thời đại đảo điên này, gặp nhiều ma lắm. Nào là ma lem, ma bùn, ma men, ma cờ bạc, ma túy, ma cà rồng, ma cô, ma giáo, kể cả mafia, ma đầu cơ, ma tích trữ... Em gặp ma, nhưng em... ... quyết đánh cho ma tan tành Ma vô hình, nhưng chúng mình phải giơ tay đánh... Thế rồi hôm qua em đang trong giấc ngủ bình an thì có ma đánh thức em dậy. Nhưng ma này lại là ma dịu dàng gọi là maman. Maman nói với bé: Hỡi bé ! Hãy nên ngoan ! Hãy nên ngoan ! Đừng cho Mẹ mắng ! Phải ngoan ! Maman ! Maman ! Maman ! Mẹ yêu, mẹ mến, mẹ thương ! Bài Tuổi Xuân sau đây mô tả cô bé quá yêu đời, yêu người và chỉ sợ con tim nhỏ bé của mình sẽ bị vỡ toang vì tình yêu: Bỗng dưng yêu đời ! Bỗng dưng yêu đời ! Tình yêu thứ nhất quê hương đẹp ngời Rồi yêu kế tiếp năm châu mọi nơi . . . . . . . . Yêu biết bao cuộc sống ! Yêu biết bao cuộc đời ! Yêu từ ngày hôm nay Yêu sẽ yêu còn dài . . . . . . . Bỗng dưng yêu người ! Bỗng dưng yêu người ! Ở trong thương xá hay trên vỉa hè Hoặc ngồi xe lam lắc rung rinh đường quê . . . . . . . Em mến yêu trẻ thơ Em kính yêu ông già Yêu Thầy và yêu Cô Yêu giấc mơ học trò... Bỗng dưng vui nhiều ! Bỗng dưng vui nhiều ! Niềm vui thứ nhất, ba nuông mẹ chiều Và vui thêm nữa anh yêu, chị yêu ! Bỗng dưng vui nhiều ! Bỗng dưng vui nhiều ! Niềm vui kế tiếp không chê giầu nghèo Và vui chót hết, em luôn được yêu . . . . . . . . . . Bỗng dưng mơ màng ! Bỗng dưng mơ màng ! Một con tim bé bao nhiêu là tình Chỉ lo nó vỡ con tim đẹp xinh . . . . . . . . . Nhưng em không sợ tim mình vỡ toang ! Nhưng em không ngại tim mình vỡ toang ! Em ca em hát, em vui rộn ràng Là la la là la la là là - Là la la là la la là la... Càng đi vào nữ ca, tôi càng tìm ra những nữ tính như vu vơ, ngu ngơ, ngù ngờ trong bài hát Tuổi Vu Vơ: Tuổi nào hay tủi thân Và hay khóc với hay dỗi hờn ? Tuổi nào hay ngạnh ương Tuổi hay bĩu môi và nguýt lườm ? Có khi vùng vằng lui tới ! Có khi ngồi thừ không nói ! Có khi nằm dài co ro bụng đói Có khi cười đùa thân thiết Có khi thiệt rầu muốn chết ! Sống trong nhiệt cuồng, yêu ghét liên miên ! . . . . . . . . . . Tuổi nào mở lòng ra, Thả theo gió bay đi bốn mùa Tuổi còn thêu dệt hoa Và bốn chữ "ái tình tôn thờ" . . . . . . . . . . Tình gần bỗng vội xa, Rồi khép nép xưng tội hững hờ Có khi ngồi nhà vui quá ! Có khi sầu về trên phố ! Viết hay đọc hoài không hết phong thư. . . . . . . Tuổi là của tình thương, Từ con rắn đến voi, đến hùm. Kể luôn tới loài dun, Dù nó dữ hay là nó hiền . Có thiên thần, thì cũng có Lũ ác quỷ ở bên đó Thế nên tuổi dành ngu ngơ ở giữa Tuổi là của vị tha, Tuổi thương sót biết cho mấy vừa Tuổi một ngày một xa, Thì hãy giữ cho tuổi không nhoà Giữa nơi lọc lừa gian trá, vẫn mang một niềm tha thứ Sống trong rừng già, nhún bước nai tơ... Trong bài Tuổi Bâng Khuâng, cô bé Việt Nam tự hỏi mình sao không phải là hoa, là lá, là cỏ, là cây, là mây, là gió, là trăng, là suối, là biển, là bướm, là chim ? Nó được soạn trong lúc có danh từ hoà hợp hoà giải cho nên nó cũng đưa ra hình ảnh một khu rừng, trong đó cây chen vai hoà hợp quanh năm cho nên khu rừng mới cao được. Đại ý nó muốn nói: ta phải đoàn kết thì nước ta mới lớn được: Sao em sao em không là hoa lá ? Sao em sao em không là cỏ cây ? Sao em sao em không là cơn gió ? Sao không như mây trên đồi cỏ xa ? . . . . . . . . . . Sao em sao em không là suối nhỏ ? Sao em sao em không là sóng cả ? Sao em sao em không là cánh bướm ? Sao em sao em không là chân chim ? Sao em không như một thời gian báu ? Không lâu, không lâu giải hoà niềm đau . . . . . . . . . . Sao em sao em vẫn còn mơ mãi ? Sao em sao em vẫn còn chơi vơi ? Tay em phân vân se làn tóc rối Trong đêm bâng khuâng nhớ mình, nhớ người . Tới đây cô bé đã tới tuổi 17, 18 rồi! Đã biết buồn rồi! Tôi soạn chung với Ngọc Chánh bài Tuổi Biết Buồn để đi dự thi Âm Nhạc Quốc Tế ở Tokyo trong năm 1974. Bài này do Thanh Lan hát và được vào chung kết: Buồn đã tới rồi, một chiều tím trên sông Làm cho úa vàng từng mộng ước tươi hồng Ôi những chú nai tơ, Công Chúa rừng già Nơi hoang đường xa, cửa đà khép ngăn em về... Nhớ bé xưa, cùng chơi đuổi nhau dưới bóng hàng cây Nấu nướng hay nhẩy dây, vòng chơi cuốn theo tuổi say Nụ hoa dắt trên đầu, tặng nhau đứng bên cầu Ai ngờ dòng đời đang cuốn mau Buồn đã tới rồi, một buổi tối không trăng Tình len lén vào cửa mở lớn tim nàng Ôi những phút say sưa, những phút dịu dàng Yêu người mà sao lòng còn mãi băn khoăn ? Buồn đã tới rồi, cả một trắng đêm khơi Tình đã hoen mầu vàng cả tóc mây ngời Ôi những mối dây tơ đã rối mù rồi Oan tình đầy vơi, mở rộng lưới giam bao người Nhớ lúc vai kề vai dìu nhau đi giữa hàng dương Thấy bóng soi hồ trong, ngừng chân dưới gốc đồi thông Nụ hôn lúc ban đầu, thần tiên dẫn ta vào Ai ngờ cuộc tình tan vỡ mau Buồn đã biết rồi từ thuở biết thương yêu Tình sẽ lớn dần và buồn sẽ thêm nhiều Mang những vết thương đi trong cõi tình dài Ôi tuổi buồn ơi ! Tuổi còn mãi theo ta hoài... Vào năm 1961, tôi có soạn bài Ngày Em Hai Mươi Tuổi cho một người bạn gái. Tôi dùng bài này là bài kết của loạt MƯƠI BAI NỮ CA, vì nữ ca khởi sự từ tuổi 13, nay ngưng lại ở tuổi 20 là vừa! Ngày em hai mươi tuổi Tay cắt mái tóc thề Giã từ niềm vui nhé Buồn ơi ! Hãy chào mi . . . . . . . . Ngày em hai mươi tuổi Tay níu chân cuộc đời Cho ngừng lời giăng giối Thời gian cũng đừng trôi Ngày em hai mươi tuổi Mới chớm biết yêu người Đã buồn vì duyên mới Rồi đây sẽ nhạt phai... Hình như khi nào tôi đi vào một đề tài nào đó thì khi đi qua những đề tài khác, tôi cứ bị đề tài cũ ám ảnh hoài. Do đó mà có cái vụ soạn ra một bài, rồi mười năm sau, được dùng để làm bài chót cho một thứ chương khúc gồm những bài mới cùng chung đề tài với bài cũ. Với 10 bài bé ca và 10 bài nữ ca, tôi đang tung ra những bài ca tươi thắm, khác hẳn với cảnh khốc liệt và trần truồng của tâm ca, tục ca. Vì tôi mắc cái bệnh thích làm bộ ba, tôi bèn soạn thêm 10 bài bình ca để cho vào một nhạc tập được ấn hành với tên HOAN CA, có tranh bìa rất đẹp của hoạ sĩ Đinh Tiến Luyện. Cho tới đầu thập niên 70, ở miền Nam đã có những bài thơ mà tác giả có khi là tu sĩ (Nhất Hạnh) hay anh thanh niên không thích đi quân dịch, có khi là lính trơn (Linh Phương) hay sĩ quan tâm lý chiến (Thái Luân, Kim Tuấn, Phạm Lê Phan), là thi sĩ được nhiều biết tới (Ngô Đình Vận, Lê Thị Y) hay hãy còn là mầm non thi sĩ... nói lên sự ước mơ hoà bình của toàn thể dân tộc Việt Nam dù chính quyền không đồng ý để văn nghệ sĩ nói lên giấc mơ đó. Văn nghệ sĩ miền Bắc là phải thề phanh thây uống máu quân thù thì văn nghệ sĩ ở miền Nam, dù sự bắt buộc không thành văn, cũng phải lên gân như vậy. Ai cũng biết từ thời ông Diệm cho tới giữa thập niên 60, danh từ hoà bình là một thứ cấm kỵ (tabou), không ai được nói tới. Một tờ báo như tờ HOA BINH của linh mục Trần Du, lúc xin cấp giấy phép ra báo thì Bộ Thông Tin đề nghị đổi tên manchette. Từ 68 trở đi, nghĩa là từ khi có Hội Nghị Paris và có chuyện việt nam hoá chiến tranh thì ở bên Mỹ, ở bên Âu Châu ai cũng nói tới hoà bình. Nhưng ở Việt Nam thì gần như người ta không muốn nhắc tới danh từ đó . Chỉ tới khi Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, trong một bài diễn văn do nhà văn kiêm nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm viết, nói rằng : Mặt Trận Giải Phóng, tuy không phải là một thực thể nhưng nó là một thực tế, thì chữ hoà bình mới không còn bị ngăn cấm nữa. Người ta bắt đầu sài chữ đó nhưng thêm vào hai chữ thành ra hoà bình công chính. Chữ hoà bình cộc lốc mà phe tả dùng đến thì coi như là ngụy hoà. Bên Công Giáo từ trước đến nay rất kị khái niệm hoà bình thiên tả thì bây giờ đưa ra phong trào Hoà Bình và Công Lý. Nói tóm lại, chiến lược của Miền Nam vào lúc đó đã có nét mới là chấp nhận chiến lược toàn cầu. Trong làng văn có ngay một buổi ra mắt được tổ chức rất xôm tụ của cuốn HOà BìNH, NGHĩ Gì, LàM Gì, một cuốn sách vừa to vừa dầy của Nguyễn Mạnh Côn. Anh bạn láng giềng của tôi xưa nay là người có tư tưởng, có lập trường, một nhân vật chỉ đạo của Nha Chiến Tranh Tâm Lý, đã từng viết nhiều về Việt Minh. Bây giờ thấy anh viết sách đó tôi hiểu được rằng chống Cộng đến chiều như anh mà cũng chuẩn bị hoà bình thì chắc việc đó là như thế đó. Là người phổ nhạc những bài thơ ước mơ hoà bình kể trên, bây giờ, trong bối cảnh Hội Nghị Paris với ba thành phần hay bốn phe gì đó đang sắp sửa ký kết với nhau, tôi soạn những bài hát nói tới hoà bình. Tôi không gọi tên loại ca này là hoà bình ca mà chỉ gọi là bình ca. Vì trong 10 bài hát này, tôi nói nhiều tới chuyện lấy lại cái bình thường, cái bình dị của dân tộc ta đã bị mất đi sau mấy chục năm chiến tranh. Hoà bình tới thiệt đi nữa cũng không phải để tôi nói tới chuyện tương lai, với sự trùng tu xứ xở, xây lại nhà trường, nhà thờ, nhà máy, đường xá, cầu cống... Tôi muốn bình ca là những bài hát điều hợp xã hội và con người, trong đó chỉ nghe ra ngôn ngữ hiền hoà mà thôi. Tuy nhiên nó cũng không thiếu ngôn ngữ của thời đại và nhạc ngữ của nó thì hoàn toàn theo sì-tin nhạc trẻ. Bài Bình Ca Một còn đưa ra hình ảnh anh hippy: Này em con chim lười Nhiều năm chim đau phổi Buổi sáng vắng tiếng chim cười vui Này em con trâu già Nhiều năm trâu vất vả Cùng với bác xã nơi đồng quê . . . . . . . . . . . . Này em vang tiếng cười Giờ chơi không e ngại Trường lớp đó là nơi Ngày xưa, giam bao người Trại cũ đã biến ra trường đời . . . . . . . . . . . Này em đã tới giờ Mẹ đưa em đi chợ Rồi khi đưa nhau về Gặp anh hippy trẻ Mặc áo rách đứng bên nhà thờ Trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ... Bài bình ca số 2, Sống Sót Trở Về đúng là ngôn ngữ tráng sĩ hành: Sống sót trở về, trên đường làng tươi mát, trên đại lộ thơm ngát, trên rừng đồi xanh ngắt, trên biển xanh cát vàng... có anh thợ cầy sung sức, có anh thợ mỏ náo nức, có anh mục đồng thao thức, có anh thợ chài bâng khuâng... Sống sót trở về, anh hùng rực chiến công cũng giống anh hiền ưa cuộc đời tối tăm, chúng ta đều ngập ước mong là được má ấp môi kề ôm người đẹp suốt năm: Sống sót trở về, tên cường đạo lau kiếm Xé áo giang hồ xin chèo đò trên bến Sống sót trở về, quên mầu hồng, gái điếm Trút phấn son rồi, xin mặc lại áo huyền... Còn riêng tôi: Sống sót trở về, tôi tạ từ vũ khí Sống sót trở về, tôi trở lại nhỏ bé Sống sót trở về, đeo một bầu rượu quý Sống sót trở về, vui một mình, tôi đi . Bình Ca số 3 Dường Như Là Hoà Bình mang nhiều tính chất nhạc trẻ nhất: Dường như nghe đâu đây tiếng người Ngày hôm qua im tiếng im hơi Người xưa nay thường che mặt lại Bỗng hôm nay không ai là không cười . . . . . . . . . . Dường như đêm hôm nay quá dài Dường như đêm nay ngắn quá thôi Cùng nhau chơi ở nơi mở hội Chúng tôi vui như điên, như dại . . . . . . . . . . Dường như tôi hôm nay bé lại Dường như tôi nay mới lên hai Mẹ ôm tôi vào lòng êm ái Gãi lưng tôi, nhặt chấy cho tôi... Bình Ca 4 Xin Tình Yêu Giáng Sinh là một bài thơ của Trụ Vũ do tôi phổ nhạc. Nội dung của bài này: Xin cho tình yêu được giáng sinh trên một quê hương đã cằn cỗi vì chiến tranh, trên một quả địa cầu đã tăm tối vì bạo lực, trong lòng mọi người hấp hối đang sống trên sự gian dối và tội lỗi trong một cuộc đời lầy lội và nổi trôi này. Bài ca nói tới mười ngàn đêm đau thương, trong đó chúng ta sống một trường thiên ác mộng. Bài ca nói tới mười ngàn đêm của hờn, mười ngàn đêm của giận và trên vũng lầy vô tận này ta chỉ thấy máu và xương, chỉ thấy khóc và than. Chúng ta đã có tới mười ngàn đêm đau thương, mười ngàn đêm đoạn trường, mười ngàn đêm oan khiên rồi thì đã đến lúc chúng ta phải qùy xuống, cầu nguyện cho tình yêu giáng sinh, cho một lần hoa nở, cho một lần ngực thở , cho một lần cửa mở và cho tình yêu của chúng mình cũng được giáng sinh. Bình ca số 5 với cái tên Xuân Hiền rất là cổ kính. Có dùng nhiều danh từ như Xuân Phong, Xuân Tiêu, Xuân Miên... để nói tới gió Xuân, ánh sáng mùa Xuân, tới giấc ngủ và giấc mộng đêm Xuân. Hình ảnh tôi thích nhất là: khoanh tay ra bờ giếng gọi tên Trời Đất: Xuân huy chan hoà trên khắp quê hương . . . . . Xuân phong đem về tin tức vui chung . . . . . . Xuân xanh em là xuân nữ tơ trinh . . . . . Xuân tiêu em nằm trong giấc mơ yêu . . . . . . . . . . . . . Xuân miên anh vào sâu giấc mơ tiên Anh ra bờ giếng, khoanh tay gọi tên Gọi đất trời rất ngoan hiền . . . . . . . . . . . . . Xuân non, Xuân già, Xuân vẫn Xuân quen Mới biết Xuân là cuộc tái sinh duyên . . . . . . . . . . . . . Xuân không lên đường Xuân đứng êm êm Đứng mãi trong đời để cõng ta lên Yêu Xuân đằm thắm, yêu Xuân một phen Và sống cùng với Xuân hiền... Bình ca số 6 nhan đề Ru Mẹ là lời con ru mẹ, không phải mẹ ru con: Mẹ năm mươi tuổi chiến tranh Con hai mươi tuổi, Hoà Bình về chơi . . . . . . . . . . . . . Mẹ tôi giấc ngủ khó khăn Xưa nay ru mẹ toàn bằng đạn bom Mẹ ơi ! Xin ngủ êm đềm Riêng con không ngủ, ngồi nhìn mẹ yêu Mẹ xưa nay ngủ không nhiều Con xin ru mẹ ngủ chiều, ngủ trưa . . . . . . . . . . . . . Mẹ năm mươi tuổi thiếu mơ Con hai mươi tuổi nằm chờ mộng xanh Mẹ ơi ! Giấc mộng tốt tươi Cho con xin gửi cuộc đời Việt Nam Mộng không máu đổ, xương tàn Mơ trong giấc ngủ một đàn trẻ thơ... Bình ca số 7 Lời Chào Bình Yên phát triển hình ảnh con người khoanh tay gọi tên Trời Đất: Mang giầy giớ tốt, mang khăn áo lành Tôi chào đất nước tôi nay thái bình Tôi cúi lưng xin chào anh Tôi đứng lên, tôi chào em . . . . . . . . . . . . . Tôi thấy chung quanh chào nhau Tôi cũng không quên chào đứa tôi đâu . . . . . . . . . . . . . Xin chào những bác nông dân ít lời Tôi chào chiến sĩ đang ôm súng ngồi . . . . . . . . . . . . . Tôi chào vũng nước trong xanh, tháng hè Tôi chào tấm áo bông, đêm rét về Tôi chào đứa bé sơ sinh khóc oà Tôi chào đám cưới đi ngang trước nhà Tôi vẫy tay theo nhịp xe Đưa đám ma ra ngoại ô Tôi muốn thăng hoa cuộc sống đi qua . . . . . . . . . . . . . Tôi chào trái đất xinh xinh giữa trời Tôi chào thế giới chung nhau giống người . . . . . . . . . . . . . Tôi chào ý nghĩ chia vui chúng mình Chia buồn, sẽ sống chung nhau thái bình . . . . . . . . . . . . . Ta bắt tay nhau chào tiếng hân hoan Lời Chào Bình Yên ! Lời Chào Bình Yên ! Bình ca số 8 Giã Từ Ac Mộng nói tới chuyện tìm lại được thiên đàng hạ giới: Nào người yêu, giã từ ác mộng Ta đưa nhau tới cõi địa đàng Về một nơi sông dài nước rộng Ta yêu nhau trên bãi cỏ hoang . . . . . . . . . . . . . Nào người yêu giã từ bóng tối Ta yêu nhau dưới ánh măt trời Cỏ vàng khô cũng là chăn gối Hay mưa rơi cũng mát lòng người . . . . . . . . . . . . . Nào người yêu đêm về phơi phới Ta yêu nhau dưới ánh đèn ngời Mầu tường vui, căn phòng êm ái Soi gương nhau nhớ mãi hình hài . . . . . . . . . . . . . Nào người yêu giã từ oán ghét Thôi ăn năn, hối tiếc, buồn phiền... Bình ca số 9 Chúa Hoà Bình muốn được nhìn Chúa Giê Su như một con người của hoà bình: Nếu có ai giận dữ, nếu có ai bất hoà Nếu có ai lầm lỡ, rồi sinh ra khắt khe Sẽ đánh tôi một cái, tát tôi nơi má này Sẽ thấy tôi lặng lẽ, chìa luôn ngay má kia . . . . . . . . . . . . . Đã chót mang tội gốc Gái hư thân não nùng Khóc giữa nơi quần chúng Nằm cho viên đá quăng Hỡi những ai ở đó Sẽ đóng vai phán toà Nếu tự thấy không tội lỗi Thì quăng viên đá coi . . . . . . . . . . . . . Lạy Chúa, lạy Chúa tôi ! Thân xác ra với đời Lạy Chúa, lạy Chúa tôi ! Tim óc về với tôi ! Lạy Chúa, lạy Chúa tôi ! Nơi khó khăn kiếp người Lạy Chúa, lạy Chúa tôi ! Nhận Chúa là nỗi vui Amen... Amen... Bài Ngày Sẽ Tới soạn từ lâu, nay dùng để kết thúc 10 bài Bình Ca: Ngày sẽ tới, biết bao nhiêu mừng vui Mừng biết mấy chiến tranh đã tàn phai Quê hương ta xưa nay đã đẹp rồi Thêm xinh tươi, thêm vui, thêm tuyệt vời . . . . . . . . . . . . . Ngày sẽ tới nước non thôi là hai Ngày thống nhất, Bắc-Nam đi lại rồi Anh đưa em ra nghe Thu Hà Nội Em đưa anh vô Nam coi mặt trời . . . . . . . . . . . . . Ngày đã tới, cái ta gọi là yêu Là quý mến chúng ta vẫn hoài nghi Nhưng hôm nay, ôm nhau không còn ngờ Ta yêu nhau, thương nhau như trẻ thơ Này hỡi hỡi hoà bình ! Réo gọi Này hỡi hỡi hoà bình... nhưng 10 bài bình ca là những bài hát không vui vẻ trẻ trung lắm đâu, dù về phần nhạc ngữ, nó được các con tôi hát lên với phong cách nhạc trẻ. Nếu là hoà bình ca thật sự thì phải là nhạc mở hội, nhạc vui nhộn, nhưng bình ca lại buồn man mác. Con người sống sót trở về, đi trên đường làng, trên đại lộ, trên rừng đồi hay trên biển xanh cát vàng mà lòng thì buồn rười rượi . Rồi chắp tay chào nhau một lời chào bình yên. Rồi ra bờ giếng khoanh tay gọi tên trời đất. Hoà bình tới, giã từ ác mộng để ôm ấp nhau nhiều hơn là xây dựng đất nước. Tôi không tin có hoà bình dù trong mấy chục năm trời, tôi nói tới ba lần hoà bình: Thu Chiến Trường, Hoa Xuân, Ngày Sẽ Tới của ba đời thương binh: Nhớ Người Thương Binh, Ngày Trở Về, Kỷ Vật Cho Em. Trực giác khiến cho tôi thấy hoà bình do Hội Nghị Genève hay do Hội Nghị Paris đem tới cũng đều chẳng ra cái gì cả. Biết là hoà bình giả tạo mà vẫn phải xưng tụng, bởi vì đã là con người ai mà chẳng ước mơ hoà bình? Bình ca đối với tôi, là những bài hát tất nhiên phải cất lên ở cuối một con đường. Nghĩ rằng đây là cuối đường cho nên ngưng lại để ca hát nhưng tôi cũng biết đây chưa thực sự là đoạn cuối của con đường. Thứ ánh sáng le lói ở cuối đường hầm mà hơn một người đang bận tâm về vấn đề Việt Nam -- như Kissinger chẳng hạn -- tưởng như nhìn thấy, không làm tôi tin tưởng vào văn kiện hoà bình mà chính quyền miền Nam, dù không muốn ký nhưng cũng bị Hoa Kỳ ép phải ký. Để cho người Mỹ rảnh tay đem quân, đem tù binh và đem xác tử sĩ về nước, sau khi nhờ chiến tranh ở Việt Nam mà nối được bang giao với Trung Cộng. Tuy vậy, ảo tưởng về hoà bình có thể sẽ tới với cuộc ngưng bắn, tiếp theo là việc lấn đất giành dân để chờ có chính phủ liên hiệp hay chờ cuộc chiến tái diễn giữa hai miền (mà không còn quân Mỹ nữa) cũng giúp cho tôi soạn ra những bản bình ca để, trước hết, bình thường hoá lòng mình. Đứng ở cuối một đoạn đường, với cõi lòng đã lấy lại bình thường, tôi ngộ ra từ ngày không còn được cầm súng kháng chiến chống thực dân Pháp nữa và chọn vào sinh sống ở miền Nam... tôi lại phải cầm đàn để làm cuộc kháng chiến khác, đối đầu với cuộc chiến khác. Trước hết, tôi ngẫu nhiên đứng vào hàng ngũ của một đội quân trong cuộc nội chiến Nam-Bắc mà tôi không chủ trương và cũng không tham gia tích cực, mặc dù tôi không hề từ chối một công tác văn hoá nào, rồi rút cục được đưa vào bảng phong thần trong Phòng Triển Lãm Tội Ac Mỹ Ngụy (!) sau ngày 30 tháng 4, 1975. Sau nữa là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm văn hoá do tình hình chính trị quốc tế gây nên ở miền Nam. Tôi đồng tình với các nhà văn hoá ở miền đất tự do này, trước hiểm hoạ của nền văn minh vật chất đột nhập vào Việt Nam với sức mạnh của tiền bạc và súng đạn, không ai bảo ai, đưa ra phong trào về nguồn trong mọi địa hạt văn chương thi ca âm nhạc... Tôi còn làm hơn thế nữa, nghĩa là sau khi kết án bạo lực từ Moscou và Washing ton D.C đổ xuống đất nước và lên đầu con người xứ này, sau khi tố cáo những tệ đoan xã hội do sự có mặt của ngoại nhân gây ra... tôi nhắm vào tuổi thiếu niên và nhi đồng qua những bài bé ca, nữ ca (vừa nói tới trong chương này). Tuy nhiên, trở về nguồn nhưng cũng phải tiến hoá. Xin các em gái giữ lại chiếc áo dài (hơn là mini-jupe), bảo vệ mớ tóc dài (hơn là mớ tóc quăn) nhưng không khước từ chiếc xe đạp. Cũng như giữ lại nhạc ngũ cung (dù hấp thụ nhạc thuật mới) nhưng không từ chối nhạc trẻ (nhạc điện tử). Quay về với đồng dao cổ truyền trong sáng nhưng cũng tạo ra đồng dao mới với những hình ảnh mới, tình cảm mới. Ô hay ! Vào thời điểm này, tôi mới bước vào tuổi 50 mà tại sao tôi lại làm những chuyện mà chỉ có người già mới làm, sau khi họ đã hiểu hết về con người, sau khi họ đã mệt mỏi về cuộc đời, nhất là sau một thời chiến tranh tàn phá và vào lúc khởi đầu của một xây dựng. Thầy Mạnh Tử cho rằng xích tử chi tâm, phải nhắm vào trẻ thơ mà tấm lòng chỉ là trong sạch để làm tiêu chuẩn giáo dục. Thi hào Goethe tới tuổi 80 mới soạn thi ca cho tuổi trẻ. Cũng như mọi người ở Việt Nam, phải sống hai mươi năm với số mạng làm người nhược tiểu da vàng (sic), phải chấp nhận những sự việc vừa oan khiên vừa oan trái, phải hành động như một răng cưa trong bộ máy chung... tôi già đi trước tuổi. Có phải vì thế mà đám thanh niên, ngay từ hồi đó, đã gọi tôi là bố già? Nói về cái già, tôi có một bài hát cho tuổi 60, soạn từ đầu thập niên 60 và được in trong nhạc tập HAT VAO ĐƠI. Bài này mang tên Nhạc Tuổi Vàng, lúc đó chỉ muốn là sự tiếp diễn của bài Nhạc Tuổi Xanh: Tuổi vàng như bông lúa thơm tho ngày mùa Trên cánh đồng chiều tà Nhờ gió Thu đưa về quá khứ Nhớ Xuân xa, khi còn tơ Tuổi vàng như hoa lá nguy nga đầu cành Thương xuống hạt mầm lành Chờ mai nghiêng mình gieo sức sống Mớm tương lai cho Hoà Bình... Bài hát tiếp tục nói về: giờ này, hoàng hôn đã xuống, và là giờ bao ước muốn, như lúa hoa mang tình thương. Chúng ta đã đem máu xương nuôi tuổi xanh thì bây giờ vào tuổi già, chúng ta đem ái ân nuôi tuổi lành... ... Vạn nghìn đời xưa chia cắt Đổi thành một đêm nối thắt Chúng mình xây đắp yêu đương... Cuối cùng: Tuổi vàng đã chói lói khi bao người đời Chung sức để thành Trời Để lúa lên ngôi miền băng giá Với bông hoa, trên sa mạc xa... Tuổi vàng đưa ta thoát ra ngoài thế giới Về mặt trăng đất mới Lúa ngô chen chúc nhau bên chị Hằng Nga Thành tình thắm, nuôi Cuội già... Đã có một bài hát về tuổi già rồi, tôi có luôn một bài hát về cái chết với nhan đề Những Gì Sẽ Đem Theo Về Cõi Chết. Bài này soạn ra sau giai đoạn tâm ca: Rồi mai đây tôi sẽ chết Trên đường về nơi cõi hết, Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây ? Rồi mai đây tôi hoá kiếp Trong lòng còn bao luyến tiếc Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây ? Tôi không đem theo với tôi được tiền tài hay danh vọng, được gái đẹp hay rượu nồng, được lầu vàng hay gác tía, được mộng giầu sang phú quý... thì tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại và đôi mắt đẹp ngời của trẻ thơ: Em giương to đôi mắt, soi vào cuộc đời đang bước tới Tương lai vui hay tối thui cũng là nhờ anh lớn thôi ! Tôi không đem theo với tôi được quyền hành trong giai đoạn, được giới hạn tiếng anh hùng, được tượng đồng, bia đá thì tôi xin đem theo với tôi một cuộc tình không quen thuộc của một đôi uyên ương, xin mến thương không khó nhọc hay ngượng ngùng, trong đêm thâu ôm ấp nhau bên cột đèn hay khóm trúc, không ai ngăn hay lấy cung vì phạm thuần phong mỹ tục. Kết luận: tôi không đem theo với tôi được tất cả thì xin để lại cho thế giới một vài điều tôi công nhận như số phận sinh làm người và cái quên của một người sẽ tái duyên... ... Rồi mai đây tôi sẽ chết Trên đường về nơi cõi niết Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu Rồi mai đây tôi hoá kiếp Trong lòng còn bao hối tiếc Tôi sẽ không đem theo với tôi những gì đâu... ____________________ (*) "bé ca" nghĩa là chưa đi vội về..."lão ca ". Gặp Vũ Khắc Khoan tại Santa Ana năm 1982, họ Vũ nói: Sao cậu không làm bài hát cho tuổi 60? Tôi trả lời: Có làm rồi đấy chứ ! Đó là bài Nhạc Tuổi Vàng. (**) Cũng như thơ của Nguyễn Tất Nhiên (Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Thà Như Giọt Mưa...) được phổ nhạc để "lăng xê" Duy Quang, lúc đó mới ra nghề.
Chương Hai Mươi Bốn
Tia sáng thiên đường cao Rọi vào ngục tim nhau... Chỉ Chừng Đó Thôi
Dưới thời Thủ Tướng Trần Văn Hương, trong khi Hội Nghị Paris đang họp, Nhà Nước hai miền Nam Bắc đều gửi phái đoàn văn nghệ đi Pháp. Hà Nội gửi một đoàn văn công rất hùng hậu qua Paris trong đó có nhiều nghệ sĩ tôi không quen biết và có anh bạn cũ ngày nảo ngày nào là Lê Yên, tác giả bản tình khúc lãng mạn Bẽ Bàng và bản nhạc vui Ngựa Phi Đường Xa. Saigon gửi một đoàn nghệ sĩ gồm anh Năm Châu (trưởng đoàn), chị Bẩy Phùng Há, Kim Chung, Thanh Nga, Thành Được, Bích Thuận, Bích Sơn, Thanh Thanh Hoa trong nhóm Cải Lương, Hoàng Thi Thơ và ban vũ Trịnh Toàn trong phần vũ, Vĩnh Phan, Nhật Thanh, Hồ Điệp, Lữ Liên trong phần ngâm thơ, dân nhạc, Phạm Duy, Thái Hằng, Kim Tuyến trong phần tân nhạc và Trần Văn Trạch, ban AVT trong mục ca hài hước. Thế là đương nhiên có sự thi đua tài nghệ của hai gánh hát ở giữa thủ đô văn hoá Paris. Gánh miền Bắc rõ ràng theo đúng đường lối tuyên truyền nên có màn vũ thủy thủ bắn máy bay Mỹ. Gánh miền Nam có màn Cải Lương đẹp mắt vui tai như Lã Bố Hí Điêu Thuyền, màn vũ trống ồn ào, màn hát dân ca êm dịu hay tân nhạc lả lướt, tất cả chỉ có mục đích biểu dương văn nghệ. Annie, người bạn gái, được đi coi cả hai gánh, phê bình: nghệ sĩ Hà Nội giỏi nhưng quá nghiêm (trop sérieux) trong khi chúng mày (vous) trình diễn vui đùa (trouvez du plaisir) trên sân khấu. Có lẽ vì miền Nam có màn ca hài hước chăng? Và sân khấu miền Bắc thừa màn động viên, thiếu màn hát vui. Riêng tôi rất phục anh đánh đàn bầu của đoàn văn công Hà Nội, trình tấu những bản nhạc mới, có tiết tấu rất nhanh, khác hẳn bài bản độc huyền cổ truyền vừa chậm vừa buồn. Đây là lần đầu tiên, sau hai mươi năm, tôi được tiếp xúc với nghệ sĩ miền Bắc khi đi coi họ trình diễn tại một rạp hát ở vùng Vitry-sur-Seine. Tiếp xúc một cách thầm lặng thôi, vì vào giờ nghỉ giữa màn (entr'acte) ra bar uống nước thấy Lê Yên đứng xa với cái nháy mắt đồng lõa, rồi sau giờ diễn thấy anh bạn leo lên xe với cái vẫy tay kín đáo. Thấy hai ông Huy Cận và Xuân Thủy, ông nào cũng béo tốt -- ít ra cũng béo hơn tôi vào lúc đó -- nhưng chúng tôi nhìn nhau như những hòn đá cuội. Chán quá ! Đoàn văn nghệ Saigon còn đi Marseille, Nice, Londres, Alger, Rabat, Dakar... để diễn cho kiều bào coi. Buồn cười nhất khi tới xứ Maroc, gặp một anh chàng Ả rập trước kia ở Việt Nam, da đen kịt, mặc quần áo trắng tinh, hỏi thăm bằng tiếng Việt: " Hà Nội có còn cô đầu Khâm Thiên không? " Rồi khi tới thủ đô Dakar của xứ Sénégal, sau đêm hát, một lô thiếu nữ da đen mặc áo dài mầu loè loẹt chen nhau vào hậu trường để tỏ tình với kép Thành Được bằng tiếng Nam Kỳ. Đó là những con lai của lính Sénégalais rạch mặt trong thời kỳ Pháp còn hiện diện ở Việt Nam. Trong thời gian ở miền Nam, tôi được xuất ngoại khá nhiều. Nhưng đây là lần đầu tiên Thái Hằng được ra nước ngoài nên vợ tôi thích lắm. Khi ở Nice, gặp đúng ngày hội Mardi-Gras, có đoàn xe hoa với Tây Đầm trẻ trung ném confetti vào mặt nhau khiến cho chúng tôi nhớ lại Hà Nội những ngày son trẻ. Thăm mấy nước Phi Châu thấy dân tuy nghèo nhưng được sống trong thanh bình, rồi dạo chơi khu Soho của thành phố Londres để ngắm các mốt quần áo táo tợn... chúng tôi tạm quên được những nhọc nhằn của đời sống trong nước sau khi Mỹ rút quân... để khi Đoàn Văn Nghệ trở về Saigon là chúng tôi lại sống với những nhọc nhằn đó. Khi quân đội Mỹ rút từ từ ra khỏi Việt Nam tình trạng kinh tế dần dần xuống dốc. Phòng trà vắng khách, băng nhạc không còn bán chạy như xưa, ban The Dreamers không còn đi hát cho Mỹ nghe được nữa. Tôi khởi sự thấy túng thiếu. Ba đứa con Quang, Minh, Hùng đã nhập ngũ, may mắn hơn các thanh niên khác là được xung vào Phòng Văn Nghệ của Không Quân, khi ở trong trại Tân Sân Nhất, khi được về nhà ăn ngủ và đi hát vặt. Lương lính làm gì đủ ăn, để có tiền nuôi cả gia đình, vợ chồng tôi phải bớt đi một người làm, chỉ giữ lại chị bếp và bà vú trông nom con gái út. Về sáng tác, sau những hoan ca, tôi không có đề tài nào hấp dẫn để soạn thêm loại ca nào khác. Tôi chỉ cung cấp cho phong trào du ca một bài hát nhan đề Muà Xuân Du Ca: Kìa mùa Xuân vừa mới bước chân Về đời ta vừa mới thoát thân Cho đi đời cũ đã qua một phần Còn lại đây ngày với tháng, năm Phần còn xa đời mới hiến dâng Ca lên lời hát du ca mùa Xuân . . . . . . . . . . . Tiếng du ca vang lên từ miền cát trắng Tiếng du ca vang lên từ miền ruộng vàng Tiếng du ca dâng lên đồng bào trong nước Tiếng du ca rưng rưng hoà nhịp quê hương... Đối với bầy em nhỏ bé mắt nai đang tung tăng dạo bước đi trên đường đời, với lời ca ước mơ, với lời ru thiết tha... du ca là tiếng hát thương yêu tuổi thơ. Đối với cô thợ cấy hay ông thợ già ở ngoài đồng hay ở trong nhà máy... du ca xưng tụng đời sống cần cù lao động. Đối với em, ôi người tình, với bài hát câu ca thật hiền... du ca là tiếng hát yêu ngày mai. Còn đối với riêng ta: Rồi về đêm ngồi đối bóng ta Chẳng cần ôm đàn hát cũng nghe Dư âm cuộc sống yêu thương tràn trề Rồi cả đêm ngủ với giấc mơ Vẳng lời ca nào đến vuốt ve Con chim mộng đã ru riêng đời ta ! Rồi vào đầu năm 75, tôi được Ngọc Chánh, chủ hãng Shotguns mướn làm hai bài ca mùa Xuân để cho vào băng nhạc, dự định bán ra trong dịp Tết. Vì trong lòng còn dư âm của những bài hoan ca, du ca, tôi soạn cho con gái yêu Thái Hiền bài hát nhan đề Trên Đồi Xuân: Một buổi sáng vừa tỉnh giấc là tàn Đông Liền vội đứng dậy mở tung cửa đón Xuân Nắng trên thềm lấp lánh Lũ bướm vàng tung cánh Với to nhỏ chim hót trên cành... Tôi không thể nào ngờ đó là hình ảnh mùa Xuân cuối cùng của tôi trên quê hương được thể hiện qua bài hát này: Muà Xuân Việt Nam đẹp quá, khiến cho cô bé choàng dậy, chải vội mớ tóc mây, mặc bộ áo vóc vào người, xỏ đôi giầy cong rồi chạy tung lên đồi. Cô bé đi như đi trong hơi thở của quê hương, gió mát và bầu trời ôm ấp cô, mây làm xanh mắt cô, hoa cỏ làm thơm lòng cô và trong tim của cô thì có sóng... Rồi một người trai mang kiếp rong rêu nào đó, muốn được cùng cô, cùng với con ốc trong vỏ, cùng với loài dun dế âm thầm hay với bầy chuồn chuồn vô tư lự... được quấn quýt đời, không muốn ra đi... Không muốn ra đi, nhưng cuối mùa Xuân đó, vẫn phải bỏ quê hương ra đi! Ngoài bài Trên đồi Xuân soạn cho Thái Hiền hát solo trong băng nhạc, còn thêm bài Mừng Xuân soạn cho Duy Quang và Thái Hiền hát duo. Bài này nói tới chuyện khoan dầu trên biển, khiến cho nước ta sẽ giầu to, người dân sẽ đủ no và có tự do. Với ba chữ vần "o" giống như là con số zéro như thế, đó là câu hát tiên tri sai bét vì cho tới bây giờ, 1991, dầu hoả vẫn chưa phun lên mịt mù ở biển Đông, còn nước ta thì đứng vào hạng nghèo nhất thế giới: Mừng Xuân tới bằng tiếng sáo vui Với tiếng cười yêu mến đời Mừng Xuân tới bằng tiếng vỗ tay Vang khắp trời mây Mừng Xuân tới bằng tiếng hát vang Dưới mái trường hay giữa đàng Lời ca hát từ núi xa xăm ra tận đại dương. Mừng em bé vừa mới lên năm Có Tiên về nơi bé nằm Mừng ông lão bà lão tám mươi lăm Sống thêm vài chục năm... . . . . . Mừng Xuân tới bằng tiếng máy khoan Nơi núi rừng, nơi suối ngàn Mừng Xuân tới bằng tiếng máy Xoi giữa nơi biển khơi... Trong những ngày nặng chĩu mối âu lo về kinh tế gia đình, những ngày cuối cùng được sống với hơi thở và tim đập của Saigon, với ngôi nhà vườn êm đềm ở Phú Nhuận này, một hôm ngồi trên ghế đá cạnh hồ nước, thấy nhện sa trước mặt, tôi chợt nhớ tới tình yêu. Trong một thời thế rất nghiêm trọng, tôi muốn kết liễu hoàn toàn cơn mộng đẹp trong tôi, nên soạn bài Chỉ Chừng Đó Thôi: Chỉ chừng một năm trôi là quên lời trăn trối Ai nuối thương tình ta, chỉ chừng một năm thôi Chỉ chừng một năm qua là phai mờ hương cũ Hoa úa trong lòng ta, chỉ cần một năm xa Chỉ cần một cơn mưa là vai gầy thêm nữa Cho ướt môi, mềm da, chỉ cần giọt mưa sa Chỉ chờ một cơn mưa để không ngờ chi nữa Đi dưới mưa hồng nghe giọt nhẹ vào tim ta Chỉ một chiều lê thê ngồi co mình trên ghế Nghe mất đi tuổi thơ, chỉ một chiều bơ vơ Chỉ là chuyện đong đưa, đời luôn là cơn gió Thay áo cho tình ta, chỉ là chuyện thiên thu... . . . . . . . . Cả triệu người yêu nhau, còn ai là không thấu Len giữa u tình sâu, một vài giọt ơn nhau Tia sáng Thiên Đường cao rọi vào ngục tim nhau... Chỉ cần chừng mười năm để vun sới một mối tình, và chỉ cần dăm ba năm thương nhớ nó, thế cũng là đủ lắm rồi. Sẽ không bao giờ tôi còn tặng thêm cho cuộc tình cuối của mình một bài hát nào nữa...
Chương Hai Mươi Lăm
Mai Kha ơi hỡi Mai Kha yểu Rời nhau một bước nên xa mấy trùng... Nhị Độ Mai
Theo Thoả Hiệp Hoà Bình Paris, cuộc ngưng bắn ở Việt Nam có hiệu lực từ 24 giờ quốc tế GMT, tức là 8 giờ sáng ở Saigon, ngày 28-1-73. Mấy ngày trước thời hạn thoả hiệp có hiệu lực, các lực lượng Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng đồng loạt tấn công vào nhiều vùng do Việt Nam Cộng Hoà kiểm soát để lấn đất giành dân, mở rộng vùng kiểm soát của họ. Quân Đội VNCH phản công. Nhiều trận đánh lớn xẩy ra, chiến tranh tái diễn. Tới ngày lệnh ngưng bắn có hiệu lực thì những trận đánh to nhỏ vẫn chưa ngừng và vẫn còn tiếp diễn dài dài. Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự được thành lập để kiểm soát sự ngưng bắn nhưng sau một thời gian hoạt động thì tan vỡ ngay. Qua năm 1974, vì Thoả Hiệp Paris trù liệu hai bên Quốc-Cộng gặp nhau để phân định lằn ranh giới giữa hai bên, Quân Đội VNCH mở những cuộc hành quân gọi là gậm nhấm để tẩy đi những vết da beo trên lãnh thổ miền Nam. Đầu tháng 3, 1974 để chiếm lại những đất đai bị mất, nhất là để trắc nghiệm sự phản ứng của Mỹ, quân Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng mở chiến dịch đánh lớn. Chiến tranh thực sự tái diễn với quyết tâm của Hà Nội là chiếm đoạt miền Nam mà không còn e ngại Mỹ can thiệp nữa. Nhất là sau vụ Watergate, Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon đã phải từ chức. Chiến dịch Tây Nguyên được mở ra, quân đội Cộng Sản tấn công Bình Long, bao vây An Lộc và cuối cùng vào ngày 7-1-1975, chiếm được Phước Long, một tỉnh lỵ cách Saigon khoảng 60 cây số. Lần đầu tiên, Hà Nội có một thành phố ở miền Nam để làm thủ đô cho Mặt Trận Giải Phóng. Khi nghe tin Phước Long bị mất vào tay Cộng Sản, ở Saigon, chẳng thấy ai lo lắng gì cả. Kinh nghiệm cuộc Tổng Công Kích năm 68 và kinh nghiệm Mùa Hè Đỏ Lửa năm 72 cho thấy Cộng Quân có chiếm được nơi nào thì cũng chỉ ít lâu sau là bị đánh bật đi. Cho nên mọi người có vẻ rất bình tâm. Cho tới khi Ban Mê Thuột bị chiếm vào ngày 12 tháng 3 năm 75 thì tất cả mới ngã ngửa người ra! Trong thời gian 55 ngày trước khi Saigon thất thủ, những tin tức kinh hoàng như vụ triệt thoái bi thảm của quân dân Cao Nguyên trên đường số 7 (mệnh danh là con đường máu và nước mắt)... vụ mất Quảng Trị tiếp theo là vụ thị xã Huế bị bỏ ngỏ và xẩy ra cảnh cướp của giết người hãm hiếp phụ nữ gây nên bởi đặc công Việt Cộng hay bởi đám lính tan hàng... vụ Đà Nẵng, Chu Lai, Nha Trang, Đà Lạt đồng loạt rơi vào tay Cộng Quân sau khi cũng lâm vào cảnh hỗn loạn như Huế, tất cả những chuyện đó làm cho tinh thần dân chúng đã buông xuôi rồi, nay lại bị nhận chìm xuống. Hồi Ký này không dám quy định tội lỗi làm mất miền Nam cho ai cả. Nó chỉ xin đưa ra một nhận định là trong suốt thời Đệ Nhị Cộng Hoà, chưa bao giờ có sự gắn bó giữa chính quyền và dân chúng. Chiến tranh 30 năm đã làm tê liệt phần hồn phần xác của dân chúng rồi, người dân không được chia sẻ quyền hành với chính phủ tối thiểu là được chia sẻ sự hiểu biết về tình huống quốc gia. Không có một tổ chức Thông Tin Dân Vận nào làm được công việc đả thông (communication) giữa người dân và chính phủ. Về phần thông tin ngoài chính quyền là báo chí, ngay tờ Chính Luận cũng chỉ phổ biến trong những thành phố lớn. Ở các tỉnh Không nắm rõ tình hình đất nước, không biết miền Nam đã bị Mỹ bỏ rơi, dù bị Cộng Sản tấn công liên tiếp, người dân vẫn không tin là mất miền Nam. Không tin luôn vào sự truyền thông trên thế giới -- như Đài BBC chẳng hạn -- về sự hấp hối của miền Nam. Dân chúng còn bị lừa gạt đến độ cho rằng với tinh thần Thoả Hiệp Hoà Bình Paris, chính phủ ba thành phần là giải pháp tối hậu. Mù quáng trước tình hình chung, người dân không nhận ra định mệnh của đất nước và của mình. Tới khi thấy nguy cơ miền Nam sắp bị mất vào tay Cộng Sản thì không còn ai có khả năng để chống chọi nữa! Tôi cũng không sáng suốt hay tích cực gì hơn ai. Nhưng trực giác giúp tôi thấy đượcmnguy cơ của miền Nam ngay từ ngày mất Bình Long. Sau đó, mất nốt Ban Mê Thuột là coi như miền Nam bị tiếp thu đến nơi rồi. Và thấy ngay số phận sắp tới của Saigon và của mình khi Bắc quân tiến vào. Tôi không lo sợ cho tính mạng mình, nhưng tôi cảm thấy không thể nào ở lại Việt Nam sống dưới một chế độ mà mình đã rời bỏ cách đây hơn 20 năm vì hai chữ tự do. Tôi chưa biết nhìn vào ai để giúp mình nhưng tôi biết tôi phải đi khỏi nơi này. Trong khi tôi đang bối rối tìm lối thoát ly, bạn bè xa gần gọi điện thoại hỏi han tin tức. Tôi cũng bốc máy nói gọi vài người quen, hi vọng tìm ra lối đi, cuối cùng được Hoàng Hải Thủy -- lúc đó đang làm việc với phòng Thông Tin Mỹ USIS -- cho biết trong bảng danh sách những người được Mỹ bốc đi, tên gia đình tôi đứng hàng đầu. Đang sốt ruột ngồi đếm từng giờ từng phút, lại chỉ thấy Giám Đốc USIS là Carter trấn an tinh thần dân chúng trên màn ảnh truyền hình... ... Một hôm, Phạm Thiên Thư và Trần Dạ Từ băn khoăn tới hỏi tôi về đường đi nước lùi. Tôi tâm sự với Phạm Thiên Thư về ý định soạn một bài hát bỏ nước, lấy tên Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi hình dung nước Việt Nam với một bầy chim phải cất cánh bay đi vì ở quê hương sẽ không còn bầu trời tự do cho chim bay bổng nữa. Phạm Thiên Thư cho tôi vài lời thơ, rồi tôi quên cả lo lắng buồn phiền, nằm bò trên nền đá hoa trong căn nhà vườn để soạn đoạn đầu của tổ khúc này. Thời gian không gian như bị lay động dữ dội. Thấy chung quanh mình, một số bạn hữu đã được Mỹ đem đi hay đang chuẩn bị ra đi, tôi sốt ruột quá! Trong một đêm vắng, người anh vợ là Hoài Trung, nhân viên của Đài Tự Do-VOF (Voice Of Freedom) đến chào từ giã vợ chồng tôi để ra đảo Phú Quốc chờ tầu chở đi Mỹ. Mừng cho Hoài Trung nhưng nhìn vào hoàn cảnh mình thì thất vọng, vì từ lâu tôi không còn cộng tác với Phòng Thông Tin USIS, không còn giao dịch với bất cứ một người Mỹ nào nữa. Tôi cũng không phải là một công chức quốc gia để có thể tới Toà Đại Sứ Mỹ xin cho đi tị nạn. Chạy đi kiếm Hoàng Hải Thủy thì không thấy anh ta đâu. Ca sĩ Tâm Vấn, bạn của vợ tôi, cho biết có lối ra đi trả tiền, nhưng gia đình tôi gồm hai vợ chồng cộng với tám đứa con thì phải là triệu phú, chúng tôi mới mua được đường đi. Dẫn con trai Cường đi tìm đường cao chạy xa bay suốt mấy ngày trời mà không có kết quả. Thất vọng trở về nằm dài trên chiếc võng, vì nhà ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn qua những cành dừa cao lớn, tôi thấy phi cơ vận tải C130 chở người đi tị nạn bay ngang từ sáng sớm tới chiều tối. Sau những ngày lo âu rồi tuyệt vọng, tôi chuẩn bị nếu phải ở lại Saigon thì không nên giữ những tài liệu có thể gây tai hoạ cho mình. Lấy ở tủ sách ra một số ảnh, bản thảo và ấn phẩm rồi đào một cái hố cạnh chuồng gà, nổi lửa đốt. Trong đêm tối, đứng ngoài sân, lại ngẩng đầu nghe tiếng phi cơ vận tải ầm ỳ trên không. Tôi sốt ruột vô cùng, lòng như lửa đốt, có thể là lửa trên đống tài liệu len vào chăng? Đốt mớ tài liệu, khói cũng bốc lên như ngày nào đốt lá trên sân cùng mấy em bé. Khói cũng làm cay mắt nhưng tôi không cảm động như lúc nhìn khói để nhớ về thời ấu thơ và trai trẻ. Bây giờ, tôi đang làm công việc tự thiêu, nói cho rõ hơn, tôi đang đốt đi một quãng đời của mình. Đây không phải lần đầu tôi lâm vào cảnh tự xử hoặc được người ta khuyên khai tử tác phẩm của mình. Khi còn ở Việt Bắc, tôi được dỗ dành chôn sống những bài ca ủy mị (!) Khi từ vùng kháng chiến về thành bố vợ cắt ảnh Nguyễn Sơn ra khỏi tấm hình đám cưới do ông tướng này chủ hôn. Suốt hai chục năm ở miền Nam, tuy không tuyên bố khai tử nhưng không bao giờ tôi dám in ra và hát lên những bài ca kháng chiến. Bây giờ, vì không biết mình có ra khỏi được Việt Nam hay không, tôi phải tự tay đốt những tấm ảnh chụp chung với các nhân vật chính trị Hoa Kỳ hay Việt Nam. Kể cả bức ảnh chụp chung với Bẩy Viễn và Nguyễn Đức Quỳnh khi cả bọn kéo nhau đi coi vũ đoàn tại nhà hàng Moulin Rouge ở Paris vào năm 54. Hoả táng luôn một mớ bản thảo, nhạc tập, thư từ... Thành phố nhốn nháo như tổ ong vỡ. Ra đường, nhìn ai cũng thấy vẻ lo lắng, hoảng hốt. Đây là lúc tôi không còn một chút sáng suốt nào để hiểu nổi cái gì là cái gì nữa! Chỉ nhớ câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc: Cái quay búng sẵn trên trời Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm... Nhớ tới di ngôn của Nguyễn Đức Quỳnh: Làm người Việt Nam khó quá! Làm nghệ sĩ còn khốn khó hơn! Nhìn lại dĩ vãng, thấy trong suốt 500 năm, không một lúc nào ngưng loạn ly trên đất nước. Sự thật không bao giờ ở lâu và ở một phía nào nhất định. Khiến cho tiền bối Nguyễn Gia Thiều, một người hiện sinh hơn Jean Paul Sartre, hiểu rằng định mạng người Việt là phải sống theo cái búng quay sẵn trên trời. Chao ôi, so với năm thế kỷ tao loạn làm đời người như chiếc lá mỏng manh nổi trôi theo mệnh nước, thời gian 20 năm vừa qua nào có nghĩa lý gì đâu? Mình là cái gì mà thoát khỏi cái vòng quay đó được? Nhất là đã biết từ lâu những ai đã búng con quay đó ở trên trời. Thời đại Nguyễn Gia Thiều thiếu phương tiện truyền thông nên chỉ nhận chân ra sự mù mờ. Còn mình biết rõ ràng số phận của người dân nhược tiểu, nạn nhân của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai thế lực quốc tế, vì thiếu người lãnh đạo tài ba, sáng suốt ở cả hai miền nên toàn thể nhân dân phải sống như trong một khúc dạ hành. Đang trong cơn buồn tủi não nề, vào 11 giờ 30 đêm 27 tháng 4, có cú điện thoại của một người bạn Mỹ giỏi tiếng Việt, rất yêu nhạc và có vợ Huế, cho biết tôi có thể ra khỏi Saigon nếu sáng mai tới địa diểm ở đường Kỳ Đồng là nơi người Mỹ sẽ bốc người ra đi. Tới đó, người già em nhỏ được đi ngay, nhưng mấy người con trai lớn đang là quân nhân có thể bị Quân Cảnh giữ lại. Vừa mừng cho mình, cho vợ và cho bốn con nhỏ, vừa lo lắng cho bốn con trai lớn thì có thêm cú điện thoại của Nguyễn Ngọc Bích hỏi: -- Đã có ai giúp anh chị và các cháu ra đi chưa ? -- Rồi, nhưng chỉ có một nửa gia đình... Nguyễn Ngọc Bích cho chúng tôi tên và số điện thoại của một người Mỹ tên là Ed Jones. Vào năm 1951, từ Khu IV vào thành, đại gia đình họ Phạm phải chia ra ba nhóm để dinh tê, bây giờ gia đình tôi cũng chia ra hai toán để xuất ngoại. Sáng mai vợ chồng tôi và bốn con nhỏ sẽ tới điểm hẹn ở đường Kỳ Đồng, còn bốn con trai sẽ đi theo đường dây Nguyễn Ngọc Bích vừa mách cho. Muốn chắc ăn, tôi gọi điện thoại hỏi Ed Jones thì anh ta cười hề hề: Ông yên chí, các con ông sẽ sang Mỹ trước ông! Chúng tôi thức suốt đêm để thu xếp hành lý. Khổ sở vô cùng vì không biết cái gì đem đi, cái gì để lại? Ưu tiên là những ảnh của tổ tiên và khoảng một chục cuộn phim âm bản. Không ngờ vào lúc này, có dịp rửa ra hình để cho in vào những cuốn Hồi Ký. Vớ thêm được vài cuốn băng nhạc. Cũng không ngờ những băng này giúp tôi trở thành nhà phát hành băng cassette trong những năm đầu ở Florida. Sáng ngày 28, con trai Cường chở bố mẹ và bốn em ra khỏi căn nhà vườn Phú Nhuận. Tôi không dám quay mặt nhìn lại cái tổ ấm của mình. Xe chạy chầm chậm trong một Saigon xơ xác giống như vào năm 45, khi bị lính Viễn Chinh Pháp tấn công tôi phải trốn khỏi thành phố như thế này. Tôi ngao ngán vô cùng vì chợt nhớ tới những cuộc bỏ chạy sau đó nữa... Nhớ lại đêm đông 1946, phải rời xa mẹ, bỏ Hà Nội ra vùng quê, kháng chiến... Nhớ lại ngày hè 1951, đôi vợ chồng và đứa con đầu lòng lếch thếch bỏ Chợ Neo để vào thành tìm tự do... Rồi lễ mễ giã từ miền Bắc vào Nam để sinh sống... Và bây giờ là long đong vĩnh biệt Saigon với một nửa con cái. Thì ra suốt đời, mình chỉ là người bị chơi trò ú tim đi trốn. Mỗi lần mang theo một gánh nặng. Gánh nặng mỗi ngày một nặng thêm. Đã mất đi bốn, năm lần tổ ấm và bây giờ có thể mất luôn cả tổ quốc. Tới địa điểm ở đường Kỳ Đồng, vì có sự giới thiệu của người bạn ân nhân rồi nên gia đình tôi được chấp nhận cho đi. Tôi định cho Cường đi theo nhưng không hiểu vì sao tôi bảo Cường về nhà đi với các anh. Có lẽ tôi sợ trên đường vào sân bay, Cường có thể bị Quân Cảnh chặn lại thì vừa hụt đi với cha mẹ, vừa hụt đi với các anh chăng? Về sau, khi các con tôi kẹt lại, trong bốn năm trời dài đằng đẵng, tôi hối hận và khổ sở vô cùng vì đã đuổi con về. Khi từ đường Kỳ Đồng đi vào Tân Sơn Nhất, quả có bị lính chặn xe lại, trong xe có một thanh niên vào tuổi quân dịch, nhưng khi bố mẹ anh này tặng mấy người lính một số tiền thì họ cho xe đi ngay. Vào lúc này tôi hoảng hốt tới độ không nghĩ tới chuyện có thể đút lót Quân Cảnh như gia đình rất thông minh của anh thanh niên kia đã làm. Đã có sẵn tờ giấy 20 đôn ở trong túi rồi mà! Và cũng chỉ có số tiền nhỏ nhoi đó thôi, để làm lại cuộc đời ở Mỹ. Vào tới Tân Sơn Nhất, gia đình tôi ngồi bệt xuống sân cỏ trước cổng DAO, cơ quan viện trợ quân sự của Mỹ, giữa một đám người khá đông, trong đó tôi nhận ra gia đình Vũ Khắc Khoan và quá nhiều bạn quen. Chúng tôi ngao ngán nhìn nhau, rồi tuần tự được gọi tên và mời vào ngồi trên những hàng ghế dài ở ngoài sân và trong phòng DAO. Trong một không khí tuy náo nức nhưng rất có trật tự, sau già nửa ngày ngồi đợi, mỗi gia đình leo lên một phi cơ vận tải C130 cùng với dăm ba chục gia đình khác. Chuyến phi cơ chở chúng tôi cất cánh vào khoảng năm giờ chiều ngày 28, lúc đó Bắc Quân đã pháo kích vào sân bay rồi. Nếu tôi không nhầm thì gia đình tôi là những người chót lọt được lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đẩy vào một trong những chuyến phi cơ cuối cùng rời khỏi Tân Sơn Nhất. Chui vào lòng tầu bay, mọi người phải co đùi, ép gối ngồi bệt trên sàn tầu. Ở hai bên cửa phi cơ có hai người lính Mỹ cầm sẵn súng phóng hoả châu, để phòng Việt Cộng bắn hoả tiễn tầm nhiệt lên thì chỉ trúng trái sáng. Lên tới độ cao, phi cơ nhào đi nhào lại để tránh đạn nếu bị bắn, rồi bay vút ra phía biển. Tôi ngồi ôm mấy đứa con thơ, mắt nhắm lại như không muốn nhìn thấy phong cảnh đất nước nữa. Vả lại, muốn nhìn quê hương một lần chót cũng không được, vì hai người lính Mỹ đã đóng chặt hai cánh cửa phi cơ lại rồi Trong lòng tầu chật cứng người tị nạn, bay từ vùng trời Saigon qua Căn Cứ Clark ở Phi Luật Tân, suốt trong không trình dài năm tiếng đồng hồ, không ai nói với ai một câu nào cả! Mọi người ngồi im lặng và buồn rầu như trong một đám táng. Một đám ma không có ai khóc ai vì mỗi người tự đưa đám ngay chính thân xác của mình. Sự câm nín này dường như còn kéo dài cho tới bây giờ...
Chương Hai Mươi Sáu(*)
Đền em một tháng trời gần Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi! Kiếp Sau -- Cung Trầm Tưởng
Như đã tâm sự cùng bạn đọc, trên 20 năm sống ở một phần quê hương khi đất nước bị đặt vào hoàn cảnh phân chia Quốc-Cộng, đời tôi quả là một cuộc phiêu lưu trong nghệ thuật hơn là cuộc đi bộ dài dài trên bản đồ Việt Nam như trong thời thơ ấu, vào đời, đi hát rong rồi đi kháng chiến. Dù trong thời gian hơn hai thập niên ấy, tôi có hơn một lần xuất ngoại, những cuộc đi về các nẻo chân trời xa lạ không có gì là phiêu lãng mà chỉ để bồi đắp cho vốn liếng nghệ thuật của mình. Có thêm một cuộc phiêu lưu khác là khi tôi phải bỏ nước ra đi để trở thành công dân của một xứ có nền văn hoá khác (nếu không nói là trái ngược) với những gì làm nên tôi, từ thuở lọt lòng tới khi lòng tới khi phanh ngực vào đời, cho đến ngày tóc đã bạc, lưng đã cong, giọng đã khàn, trí óc đã cùn và trái tim đã mỏi. Trong hơn 20 năm sống với cái mờ mờ nhân ảnh mà tiền nhân Nguyễn Gia Thiều đã thấy từ khá lâu về trước, tôi cũng được gần đàn anh Nguyễn Đức Quỳnh để thấy làm chính trị ở Việt Nam trong những năm đó khó như người đi đêm. Tôi không làm chính trị như anh Quỳnh, nhưng nhìn nhận chính trị là con rắn không buông tha ai cả. Từ ngày Cách Mạng mùa Thu 45 cho tới bây giờ, trong cuộc sống hằng ngày và ngay cả trong giấc ngủ, không một người Việt Nam nào ra thoát khỏi cái lưới chính trị. Suốt nửa thế kỷ vừa qua, trong sự nghiệp (!) của mình, tôi hoàn toàn bị chính trị bủa vây nhưng tôi luôn luôn cố gắng không để cho chính trị trói buộc. Mở to đôi mắt để nhìn vào thời thế. Tỉnh táo theo dõi đường đi nước bước của chính trị. Không có một nhượng bộ chính trị nào với bất cứ ai, nếu thấy sai. Được Việt Minh chiếu cố mà không chóng mặt. Được quốc gia nuông chiều mà không nóng đầu. Được ngoại quốc đãi ngộ mà không hoa mắt. Bị ngộ nhận, theo dõi hay bị đe doạ cũng không đầu hàng (**). Làm một nghệ sĩ trong 20 năm ở miền Nam kể ra cũng không khó lắm đâu. Chắc chắn là dễ hơn người đi trên giây của nhà thơ miền Bắc Phùng Quán: Người làm xiếc đi giây rất khó Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn Đi trọn đời trên con đường chân thật... Qua những trang hồi ký vừa cống hiến bạn đọc, không muốn tiến trình sáng tác bị đứt quãng, tôi viết qua loa về những biến cố chính trị ảnh hưởng tới tôi. Tôi chưa đả động tới những bộ mặt chính trị hay một số sự kiện lịch sử đã chi phối mọi việc để tôi nhìn thấy và soạn ra những bài ca chứng tích. Tôi cũng chưa có dịp nói tới hoạt động của các văn nghệ sỹ đồng thời. Bây giờ là lúc tôi muốn tạ ơn những hoàn cảnh, nhân vật và những chứng liệu, chứng nhân của 20 năm sóng gió đó, như đã từng tạ ơn cuộc đời nói chung qua một ca khúc. Xin được cắt thời gian 20 năm nổi trôi với lịch sử làm bốn giai đoạn. Đoạn đầu: Tôi rời bỏ vùng Việt Minh để vào Hà Nội rồi kéo gia đình nhà vợ vào sinh sống ở Saigon, dưới cái gọi là chế độ quốc gia Việt Nam (Etat du Viet Nam) nằm trong Liên Hiệp Pháp (***) con đẻ của giải pháp Bảo Đại. Lúc đó, tôi dửng dưng trước thời cuộc vì còn tiếc nuối những ngày được cùng cùng toàn dân làm cuộc lên đường vĩ đại, thực hiện giấc mộng đánh Tây mà cha ông ấp ủ. Hơn nữa tôi còn buồn tủi khi bị người quốc gia chưa chân chính, con đẻ hay con nuôi của thực dân nhốt vào khám Catinat cùng với Lê Thương, Trần Văn Trạch trong 120 ngày. Vào đầu thập niên 50 này, ông Bảo Đại không còn là sự hi vọng của những người yêu nước không đi với Việt Minh ngay từ đầu hoặc đã vỡ mộng với Mặt Trận Kháng Chiến. Ai cũng biết rằng trong cuộc đấu tranh để giành độc lập, đấu lực với Pháp vẫn hơn là đấu trí. Nhưng nếu muốn cầm súng đánh Pháp thì phải đi với ông Hồ. Lúc bấy giờ, ai cũng biết Bảo Đại không phải là người chơi trò chiến tranh với Pháp, nhưng chơi trò chính trị với thực dân, Cựu hoàng cũng không thua kém ai đâu. Cho tới năm 51, tôi còn nhìn Bảo Đại như một chính trị gia giỏi. Vào ngày Cách Mạng thành công, cái đầu của bất cứ một ông vua nào cũng giống như trứng để đầu đằng, ông ta biết rời ngai vàng với một câu tuyên bố bất hủ: Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ. Sau đó, ông Hồ Chí Minh cũng phải dựa vào Bảo Đại để thu phục nhân tâm và đánh lừa thế giới khi mời Cựu hoàng làm Cố Vấn chính trị. Rồi khi thấy cố vấn thoát khỏi tay Việt Minh để lập triều đình ở Hồng Kông thì tôi còn cho Bảo Đại là giỏi quá chừng! Nhưng giải pháp Bảo Đại cho một nền độc lập không thành công vì trong suốt thời gian từ 1948 cho tới 1954, các đảng phái và các nhân vật quốc gia, chống Pháp hay thân Pháp, dần dần bỏ rơi ông dù ai cũng thấy ông đòi được ở Pháp vài điều mà trong Cựu hoàng mà thôi! Tôi thường tự hỏi: sự chọn lựa làm người hành lạc hơn là hành mệnh (thiên mệnh) của cựu hoàng là do bản chất của ông hay vì ông cần phải đóng kịch chính trị? -- tôi cũng từng phải đóng vai ăn chơi đàng điếm để dễ dàng xa lánh chính trị --Trong thực tế, hình như vị Hoàng Đế cuối cùng của Việt Nam không muốn làm vĩ nhân. Là BẢO và ĐAI, ông chỉ muốn bảo toàn sinh mạng của mình và không hề có ý định thực hiện đại nghĩa cho dân tộc. Ông không làm được điều gì gọi là vĩ đại nhưng ông cũng không giết ai và không bị hạ sát như ông Diệm. Lịch sử muốn phán xét cựu hoàng ra sao cũng phải nhìn nhận vào lúc khởi đầu của một miền gọi là quốc gia Việt Nam, giải pháp Bảo Đại có ưu điểm mở đầu cầu cho những người ở chiến khu về và nhất là mở đường cho giải pháp Ngô Đình Diệm, Cho tới năm 1954, ngoài giới làm chính trị, có nhiều điều làm cho văn giới cũng xa lánh chính quyền. Lúc đó, quả rằng trong xã hội vẫn còn quá nhiều bất công, cờ bạc đĩ điếm được tổ chức và bảo trợ bởi chính phủ, người lãnh đạo thì bất xứng, kẻ thù là Pháp vẫn còn hiện diện, đa số trí thức, văn nghệ sĩ ở miền quốc gia đều có vẻ trùm chăn. Riêng đối với tôi, trong mấy năm đầu sống tại Saigon dưới một chính quyền độc lập có thực hay giả tạo, tôi cũng mang nhiều thất vọng. Ngó lại những ngày đi theo Việt Minh thì chua sót, nhìn vào người quốc gia thì thiếu hứng khởi. Nhưng sau khi bị ép lòng tới tột độ, tôi bung ra để soạn bài Tình Ca. Rồi trong đà sáng tác đó, nhờ ở gia đình êm ấm, nhờ ở đời sống khá sung túc, nhờ ở tình bạn thân thương, nhờ ở quần chúng yêu nhạc... tôi soạn thêm những bài hát ngọt ngào như Tình Hoài Hương, hạnh phúc như Vợ Chồng Quê, tung cánh như Viễn Du, phiêu diêu như Lữ Hành... Tôi chấp nhận đầu cầu Bảo Đại để bám vào mà sống, mừng thay cho tôi, một số tình ca quê hương đã ra đời để cho người yêu nhạc còn hát lai rai sau gần một nửa thế kỷ. Tôi còn có may mắn sống chung với một gia đình ca nhạc sĩ. Trong giai đoạn sáng tác này, nếu không có Thái Thanh và ban Thăng Long, chưa chắc tôi đã tung ra nổi một số ca khúc căn bản của ý niệm về bản sắc quốc gia và mang tinh thần vượt thời gian không gian nói trên. Thái Thanh sẽ còn là bạn đồng hành của tôi trên con đường dân nhạc đầy hứa hẹn này. Tôi sẽ trở thành người khuyến khích Thái Thanh lúc nào cũng nâng giọng hát của mình lên cao, không bao giờ hạ mình hát những bài hát thiếu giá trị. Và ngược lại, Thái Thanh luôn luôn là khuôn vàng thước ngọc để tôi đo chiều cao chiều sâu trong âm vực của từng bài hát quê hương, dù là đoản khúc, dù là chương khúc hay trường khúc... Đoạn hai là từ 1954 tới 1963. Sau khi giải pháp Bảo Đại -- tức giải pháp Pháp -- kết thúc, với sự phân chia nước ta ra thành hai miền Quốc-Cộng và với sự rút lui của người Pháp, bây giờ miền Nam có chủ quyền thực sự. Giải pháp Ngô Đình Diệm -- nói thẳng thừng là giải pháp Mỹ -- được đưa ra để đương đầu với miền Bắc Cộng Sản. Trong chiến lược toàn cầu, sau thắng lợi của Cộng Sản quốc tế với một tỉ người Trung Quốc rơi vào chế độ mầu hồng của họ Mao và với sự liên kết hãy còn chặt chẽ giữa Trung Cộng và Nga Sô, miền Nam nước Việt -- cũng như Đại Hàn, Tây Đức -- phải trở thành tiền đồn chống Cộng, dù ông Diệm, ông Nhu muốn hay không muốn. Chính thể Ngô Đình Diệm có rất nhiều ưu điểm mà tôi không cần nhắc ra đây nhưng sau một thời gian khá lâu, với cái nhìn khá xa, có một số người thấy rằng trong gần mười năm cầm quyền, để trị nước, hai anh em họ Ngô dựa trên căn bản quyền lợi gia đình và tôn giáo hơn là dựa trên quyền lợi quốc gia dân tộc. Ngay từ lúc khởi đầu, dựa vào Ky Tô Giáo ở trong nước và ở Hoa Kỳ hay ở La Mã - Hình như đã có lần ông Diệm tuyên bố: Je vais évangéliser le Việt Nam - họ Ngô đánh tan một số giáo phái nhỏ, truất phế Bảo Đại, thành lập chế độ gia đình trị, rồi cuối cùng đụng độ với Phật giáo và bị đánh đổ luôn (Lẽ dĩ nhiên, cũng có thêm những thành phần xã hội khác và nhất là có bàn phù thủy nhúng vào việc lật đổ ông Diệm. Hồi Ký của tướng Đỗ Mậu cho rằng vì hai anh em ông Diệm, Nhu có liên lạc với Hà Nội để mưu đồ việc thống nhất nên bị thủ tiêu. Nếu đúng như vậy thì thật là một oan nghiệp lớn cho hai ông Diệm, Nhu và cho nước Việt Nam). Để ngay sau khi hết thời nhà Ngô, suýt nữa thì xẩy ra cuộc đổ máu lớn giữa Công Giáo và Phật Giáo, qua những cuộc xuống đường đánh nhau của một số giáo dân và Phật tử mà tôi đích thân chứng kiến ở gần nhà thờ Huyện Sĩ. Dù sao đi nữa, trong thời thịnh của Cộng Hoà thứ nhất, nhờ được sống yên ổn và hứng khởi dưới một chế độ vững chãi, qua một số bài tình ca quê hương và tình tự dân tộc, tôi tạo dựng được hình ảnh một nước Việt Nam tự do để đối kháng với Cộng Sản. Miền Bắc chủ trương đấu tranh giai cấp, chọn chủ nghĩa Mác-Lê làm kim chỉ nam nên phủ nhận một tầng lớp xã hội, phủnhận quá khứ và phủ nhận luôn những giá trị truyền thống như gia đình, tôn giáo, tổ tiên. Sống tại một miền mà tất cả mọi người đang xây dựng một bản sắc quốc gia dân tộc, tôi phát triển những gì tôi chỉ mới phác hoạ trong bài Tình Ca như: Hình ảnh quê hương trọn vẹn ba miền đất nước với lịch sử và tiếng nói chung của toàn dân. Qua những bài mang tính chất dân ca mới, tôi đưa ra một bản sắc Việt Nam, man mác hình ảnh những con người vốn là sản phẩm của một nền nông nghiệp miền nhiệt đới, bám vào đất nước, gia đình, làng xóm, tổ tiên để sống còn. Cũng cần nhắc lại những gì tôi đã viết ra trong những Chương đầu của cuốn Hồi Ký này. Khi nước nhà đã có chủ quyền, sống dưới một chính phủ đang được tín nhiệm, với khung cảnh thái bình và khi xã hội đang được lành mạnh hoá, các văn nghệ sĩ ở trong các lãnh vực nghệ thuật khác cũng đều làm như tôi, nghĩa là hoàn toàn ủng hộ ông Diệm. Thi bá Vũ Hoàng Chương bỏ phiếu cho ông Diệm với câu thơ có tính chất khẩu hiệu: Lá phiếu trưng cầu một hiển linh, phá tan bạo ngược với vô hình. Vả lại đại đa số văn nghệ sĩ là những người từ miền Bắc di cư vào Nam và đã bầu ông Tổng thống bằng đôi chân của mình trước khi tham gia tích cực vào đời sống văn học nghệs thuật trong thời thịnh của nhà Ngô này. Cùng với lớp văn giới di cư, những văn nghệ sĩ già hay trẻ ở trong Nam cũng ủng hộ ông Diệm. Về sau, nếu ông Diệm không còn được toàn dân tín nhiệm nữa khi ông chủ trương gia đình độc trị thì vào lúc ông tiếp tục đường lối chống lại đòi hỏi của Hoa Kỳ là được đổ quân tham chiến trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam -- nhất là qua cuộc đối thoại vào giờ phút cuối cùng với Đại Sứ Cabot Lodge -- ông là một Trần Bình Trọng thứ hai mà lịch sử cần ghi lại. Tôi mang ơn những ngày được sống dưới chế độ nhà Ngô để chen vai thích cánh với bạn bè trong việc xưng tụng tổ quốc nghìn năm, con người muôn thuở. Thời Cách Mạng và kháng chiến khi xưa giúp tôi trưởng thành trong khói lửa, qua cuộc đấu tranh sắt máu với thực dân, cùng vui cùng buồn, cùng sướng cùng khổ với mọi tầng lớp nhân dân. Nay sống ở miền Nam, tôi không còn phải trèo đèo lặn suối như trước và trong niềm vui của người dân một nước vừa được giải thực sau nhiều khó khăn, tôi thảnh thơi để tự do học hỏi, tự do đi lại, tự do sinh hoạt và nhất là tự do sáng tác. Tôi cũng được chính quyền và tư nhân khuyến khích, ủng hộ rất nhiều. Qua những người nắm trong tay các tổ chức hay cơ quan phổ biến âm nhạc như Đài Phát Thanh, phòng trà, phòng thu băng và dĩa hát, nhà xuất bản nhạc tập. Trong khung cảnh tương đối thanh bình của thời Cộng Hoà thứ nhất, chấp nhận những hệ lụy của đời người, tôi còn được uống một liều thuốc nhục và một viên kẹo ngọt với hai cuộc tình vực thẳm và trời cao để soạn ra những khúc nhạc tình cho nhiều thế hệ tình nhân còn hát mãi mãi trong tình yêu. Hơn thế nữa tôi còn được che chở và nâng đỡ bởi sự bao dung và hi sinh của người vợ hiền để sống tận cùng với tình cảm đa đoan của một người chót sinh làm kiếp nghệ sĩ. Xin trân trọng cám ơn tất cả. Giai đoạn nhạc tình này còn phải nhờ tới giọng hát Thái Thanh thì những rung cảm về tình của tôi mới có nơi để vươn lên hay chìm xuống. Lúc này Thái Thanh đạt tới đỉnh cao của danh vọng, nghĩa là trở thành vương hậu của Đài Phát Thanh, Đại Nhạc Hội, Phòng Trà , dĩa hát hay băng nhạc. Chúng tôi không còn ở chung một nhà nữa nhưng không bao giờ Thái Thanh hát lạc điệu một bản nhạc tình của tôi. Nhất là những bài tình ca hoan lạc, có lẽ tại vì lúc đó cô em đã tìm được tình yêu và hôn nhân sau khi có danh vọng chăng? Đoạn ba, khởi sự từ sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung cho tới khi Hội Đồng Tướng Lãnh đưa ra một liên danh nhất trí cho cuộc bầu cử năm 1967, khởi đầu nền đệ nhị Cộng Hoà. Trong mấy năm 64-66, phải nói rằng miền Nam nước Việt là một quốc gia vô chủ vì không có một Nhà Nước nào đứng vững được trước những cuộc đảo chánh, chỉnh lý thường xuyên với những thay đổi nhanh chóng từ chế độ quân nhân này qua chế độ quân nhân khác, từ chính quyền nhà binh qua chính quyền dân sự rồi rút cục lại trở về chế độ quân nhân. Trong thời gian này, Hoa Kỳ đổ nửa triệu quân vào nước ta vì trong chiến lược toàn cầu, Chú Sam không tin rằng có mâu thuẫn thực sự giữa Trung Cộng và Nga Sô và muốn dùng Việt Nam làm nơi bao vây địch thủ, với chính sách be bờ để ngăn làn sóng đỏ. Cho tới khi Kissinger và Nixon lại dùng luôn Việt Nam để làm cửa lớn hay cửa hẹp đi vào Trung Quốc nói chuyện với họ Mao, yên chí về sự chia rẽ của khối Cộng Sản thì bình thường hoá ngoại giao với Tầu Cộng sau 20 năm đối địch. Xong xuôi mọi việc rồi thì Hoa Kỳ rút lui ra khỏi Đông Dương bằng cuộc Việt Nam hoá chiến tranh. Sự có mặt của người Mỹ tại miền Nam làm cho chiến tranh gia tăng, xã hội băng hoại ra sao và làm cho tất cả mọi người công phẫn như thế nào, tôi đã nói qua trong những Chương sách trước. Xin kể thêm phản ứng của quần chúng vô danh qua câu châm ngôn: Nhất đĩ -- Nhì cha -- Ba sư -- Bốn tướng. Hay câu ca dao: Rớt Tú Tài anh đi trung sĩ Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con Mai rồi xong việc nước non Anh về anh có Mỹ con anh bồng... Phản ứng của các văn nghệ sĩ cùng thời, ngoài nhạc phản đối của Trịnh Công Sơn, mệt mỏi của Lê Uyên Phương, tìm quên của Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang... đó là Thơ Đen, Thơ Chì, Thơ Xám của Tú Kếu, Trần Đức Uyển: Điên từ khi mất tuổi thơ Mười năm loạn lạc bơ phờ tóc xanh Súng thay câu hát ngọt lành Bom thay lời mẹ dỗ dành đêm đêm... Là thơ cảm khái hay thơ ngất ngưởng của Nguyễn Bắc Sơn, một trong hàng triệu thanh niên miền Nam phải đi lính, nhìn địch quân là đứa xâm mình, ăn muối đá, điên say chiến đấu và mình là lính cậu hiền khô, đi hành quân rượu đế vẫn mang theo... thì chúng ta đánh nhau không hề vì thù hận: Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi... Còn là phản ứng của Phạm Thiên Thư, tự coi mình là gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng.... nhớ nhau ! Ngoài nhạc phản đối, nhạc phản chiến, thơ đen, thơ ngất ngưởng, thơ lẩn tránh của lớp trẻ, còn là sự thất vọng hiện ra nơi bộ óc và trái tim văn nghệ lớn như Vũ Khắc Khoan: Không có cuộc sống nào đáng sống hết ! Nghiêm Xuân Hồng: Đời toàn là ảo ảnh ! Thi nhân Vũ Hoàng Chương thì tâm sự với Nguyễn Mạnh Côn và trả lời phỏng vấn trong báo VĂN: Tôi chỉ muốn tự tử ! Tôi sực nhớ tới anh bạn Tam Ich, mới ngày nào treo cổ lên trần nhà, đưa chân đạp chồng sách cao để tự tử. Đạp sách để chết, là coi như cái hiểu cái biết cũng chẳng dẫn mình đi đến đâu cả! Và nhớ tới cái chết vào đầu năm 1975 của người anh ruột học giỏi tài cao Phạm Duy Khiêm, một người suốt đời cho rằng mình đã hiểu biết rất nhiều, hơn thằng em út và có thể hơn tất cả mọi người nữa, rồi cũng phải quyên sinh vào lúc miền Nam đang hấp hối! Khiến cho tôi muốn sửa lại câu: Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết... cũng chết ! Phản ứng trước nghịch cảnh của giới văn nghệ sĩ còn là đi vào Thiền như Nhất Hạnh, Trụ Vũ, hay dấn thân như Nguyễn Văn Trung, Lữ Phương, Vũ Hạnh về một phía này và như Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam về một phía khác. Rồi viết bạo như Chu Tử và một số nhà văn nữ.. Phản ứng của tôi là Mẹ Việt Nam, là 10 bài tâm ca, là tâm phẫn ca, tục ca và đạo ca. Chân thành hết sức thì đem Mẹ Tổ Quốc ra để kêu gọi. Thương tâm vô cùng thì đem con tim ra để than thở. Công phẫn cực điểm thì nổi giận và chửi bới bằng tiếng nói mỉa mai hay bằng ngôn ngữ vỉa hè. Rồi khi thấy phản ứng của mình có vẻ tiêu cực thì, trước hết, tôi quyết định không phổ biến tục ca. Sau nữa tôi đi theo anh bạn Phạm Thiên Thư vào đạo ca để siêu hoá mọi sự. Xin tri ân tất cả bạn bè vì trong những năm leo cao và xuống dốc đó, tôi không thấy mình lẻ loi trong việc gánh vác định mệnh oan khiên của dân tộc mình. Vào lúc nhạc của tôi không còn là nhạc để ngồi nghe mà là nhạc để hát hay nhạc để bàn bạc như các bản du ca, tâm ca, tâm phẫn ca... thì Thái Thanh vắng tiếng. Tôi cũng không thể tưởng tượng nổi việc Thái Thanh hát Sức Mấy Mà Buồn hay hát tục ca trước công chúng, qua radio hay trong cassette. Cho tới khi có đạo ca thì giọng hát vượt thời gian này mới quay về với tôi và dù những bài hát đi tìm sự thực này không được phổ biến nhiều, băng cassette đạo ca do Thái Thanh hát từ 1970, cho tới ngày hôm nay (1991) vẫn còn gây cảm động cho những người nghe. Khi hát đạo ca, tôi ngờ rằng Thái Thanh vừa kinh qua một khổ đau lớn của riêng mình nên tìm được an ủi ở những lời thơ tuyệt vời của Phạm Thiên Thư và ở những nét nhạc thoát tục của tôi chăng? Đoạn bốn là thời Đệ nhị Cộng Hoà. Sau quá nhiều bất ổn về chính trị, tình hình tạm yên khi Đệ Nhị Cộng Hoà ra đời nhưng dân chúng ở thành phố đã ê ẩm mặt mày vì những vụ đảo chính, chỉnh lý, bãi khoá, xuống đường, đốt xe, bãi thị. Gian thương tiếp tục hoành hoành dù có dựng pháp trường cát ở giữa Saigon. Ở thôn quê, ấp chiến lược, ấp dân sinh bị phá tan, cán bộ quốc gia bỏ chạy lên quận lên tỉnh. Tình hình kinh tế suy sụp khiến cho chính quyền phải thành lập chính phủ của người nghèo. Những người hiểu biết cho đó là chính phủ của người nghèo làm cho người giầu vì biện pháp tân tiến hoá đất nước chỉ giúp cho hố sâu giữa người giầu và người nghèo sâu thẳm hơn lên. Chiến tranh gia tăng khủng khiếp với cao điểm là vụ Cộng Sản tấn công hầu hết các tỉnh lỵ và thành phố lớn miền Nam trong Tết Mậu Thân. Rồi là Mùa Hè Đỏ Lửa, là Mặt Trận Bình Long, An Lộc... Đây là lúc các nhà văn Phan Nhật Nam và Nhã Ca diễn tả hộ chúng ta bộ mặt thực của đất nước nhưng đây cũng là lúc người ta quá sợ hãi thực tại nên chúi đầu vào chuyện chưởng của Kim Dung hay chuyện tình của Quỳnh Dao.Tôi đi tìm bạo động ở Lý Tiểu Long cũng như trước đây đi tìm lối đi (!) ở Hiệp Sĩ Mù. Có lần cùng vợ con xếp hàng lấy vé vào rạp chiếu bóng REX, hết chỗ tốt, phải ngồi vào hàng ghế đầu, nhìn lên màn ảnh mà muốn mù mắt luôn, thế nhưng vẫn hả hê với những cú đấm cú đá của Lý Tiểu Long. Nhưng hoà bình có vẻ ló ra với Hội Nghị Paris. Đã quá mệt mỏi sau những đợt phản đối bằng tâm ca, tục ca và muốn quay về tắm mát trong cái ao tuổi thơ nên tôi soạn những khúc hoan ca. Tưởng rằng sắp có hoà bình, tôi muốn xây dựng lại con người ngay từ lúc đầu đời nên tôi soạn bé ca và nữ ca sau bình ca. Với những hoan ca, tôi cố tình vẽ ra khung cảnh thanh bình dù, cũng như mọi người, tôi không tin có hoà bình, vì tôi thấy hận thù giữa hai miền đã được nuôi dưỡng từ quá lâu. Suốt một đời, tôi chứng kiến biết bao nhiêu chuyện đảng tranh, nhìn thấy biết bao nhiêu chính trị gia, cán bộ bị thủ tiêu dưới triều Hồ, triều Ngô khiến cho nhân tài, nói theo Nguyễn Trãi, hiếm hoi như lá mùa Thu và khiến cho vào lúc sắp sửa mất vào tay Cộng Sản, miền Nam chỉ được lãnh đạo bởi những người ngẫu nhiên nắm được quyền lực, sau khi ngồi vào chức vụ chỉ huy rồi, chỉ nghĩ tới quyền lợi riêng tư mà thôi. Tôi rất tiếc, tôi không mang một chút ân huệ nào đối với những người lãnh đạo quân nhân vô trí, vô dũng đó. Tôi chỉ kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu đồng bào vô danh đã gục ngã ở khắp mọi nơi, ngoài chiến điạ hay chốn hậu phương tưởng là an toàn của một quê hương trong thời loạn. Tôi chỉ sót sa cho hàng triệu gia đình -- trong đó có gia đình tôi -- vì sự vụng về và mù quáng của các nhà lãnh đạo ở hai miền Nam, Bắc nên suốt đời chịu cảnh chia lìa và ly hương. Phải dăm ba lần làm đi làm lại cuộc đời, từ thời thực dân qua thời độc lập, từ tỉnh thành chạy ra miền quê, từ thôn quê chạy vào thành thị, từ miền Bắc đi vào miền Nam. Phải sống hai mươi năm nguy khốn, âm thầm chịu đựng để sống sót, trước khi còn phải chia ly một lần nữa với người thân thích và giã từ nơi chôn nhau cắt rốn để đi sống ở nước người với nhiều hãi hùng trong những năm đầu của cuộc sống lưu vong. * Bây giờ mới là năm giờ sáng nên mặt trời mùa Thu chưa lên ở Thị Trấn Giữa Đàng của miền Cali chỉ ấm áp khi nắng lên cao. Nhưng lòng tôi không lạnh lẽo cho lắm. Còn ấm lòng hơn khi nghe tiếng khóc của thằng cháu ngoại, lai Mỹ tên là Tori. Mọi người trong nhà còn đang ngủ kỹ. Đứa bé khóc nhưng không ai dỗ thì nó ngủ lại. Ngồi trước máy điện toán để viết nốt những dòng chữ cuối cùng của cuốn Hồi Ký này, tôi như vừa trút xong một gánh nặng nhất của đời mình. Suốt trong 16 năm sống ở ngoại quốc, lúc nào tôi cũng bị cái dĩ vãng 20 năm sống ở miền Nam đè nặng trái tim. Dĩ vãng của thời thơ ấu rồi vào đời và đi chiến đấu xa quá, thơ mộng quá, hào hùng quá nên không được tôi thương sót bằng dĩ vãng quay cuồng và nhọc nhằn khi nước mình là nơi để hai đế quốc xanh đỏ đấu tranh bằng xương máu thanh niên hai miền Nam, Bắc. Rồi tới khi Việt Nam trở thành sự nhức nhối của thế giới, phe biết tuyên truyền và chuyên nghề đánh đấm thắng phe không biết tuyên truyền và chống đỡ dở. Một phe thắng đại mùa Xuân rồi dương dương tự đắc và một phe chạy có cờ để luôn luôn chỉ nhớ mầu cờ -- như trong bài hát của một cô ca sĩ -- nhưng không bao giờ nhớ tới bài học chua cay của dĩ vãng, nghĩa là vẫn sống tới tận cùng của sự chia rẽ... Sự oan khiên của dân tộc mình chưa bao giờ được nói lên, hoặc có được nói tới qua những cuốn sách lếu láo hoặc qua những cuốn phim như Apocalypse Now, The Deer Hunter, The Last Patrol hay Rambo, nhất là loạt chương trình truyền hình VIET NAM, A TELEVISION HISTORY... thì đó chỉ là một sự thoá mạ dân tộc Việt Nam mà tôi không thể nào tha thứ được. Phải sống hơn 20 năm trong một nước bị chia đôi, khi người hai miền bị đặt vào thế đối địch, tôi cũng phải chọn cho mình một chỗ đứng. Chua sót thay, trong hơn hai thập niên đó -- và còn tới bao giờ? -- người Việt Nam ít khi được là "người Việt thuần túy" (như dân Thụy Sĩ chẳng hạn). Phải hoặc là "người cộng sản", hoặc là "người quốc gia". Là nghệ sĩ, chọn làm nghề ca hát, không muốn làm con khướu hót vui tai mọi người, hay làm con vẹt cho một phe, lại chọn làm kiếp ve sầu để hát lên những khổ đau của thời đại thì ráng mà chịu lấy oan khiên. Chất chứa oan khiên vào cõi lòng bé nhỏ của mình thì dù có soạn hàng trăm, hàng ngàn bài hát, cũng khó rũ sạch nổi. Phải chờ khi đi vào tuổi già và trở thành mầm non nghĩa địa mới được ngồi viết cuốn Hồi Ký này để trút bầu tâm sự với hi vọng giải oan cho mình, cho người. Là người chỉ mong nói lên những thống khổ của cả hai miền đất nước nhưng vì sinh sống ở đàng trong, tôi dễ dàng trở thành đối tượng của đàng ngoài. Giá tôi chỉ là một nghệ sĩ ít người biết tới thì nỗi oan đến với tôi cũng vừa phải thôi. Nhưng tối thiểu cũng đã có ba người viết về tôi với tất cả nhiệt tình. Nếu tôi có Georges Etienne Gauthier với loạt bài Một Người Gia Nã Đại Với Nghệ Thuật Phạm Duy và Tạ Tỵ với cuốn Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn để nhiệt tâm cứu sống tôi (****) thì cũng phải có nhà giáo Mác Xít Nguyễn Trọng Văn với cuốn Phạm Duy Đã Chết Như Thế Nào để giết tôi một cách nhiệt thành. Trong mấy chục năm qua, cũng có lúc tôi vui và buồn vì các nhiệt tình kể trên, nhưng bây giờ, đã bước vào tuổi 70 rồi, tôi mất cả buồn lẫn vui, chỉ xin được cám ơn cả ba tác giả đó. Là nghệ sĩ, sợ nhất là tác phẩm của mình rơi vào sự dửng dưng, im lặng. Được người đời nhắc tới, đó là hạnh phúc lớn. A, còn thêm một nỗi oan nữa cần hoá giải. Hơn 20 năm sống với Saigon mà tôi không có một tiếng hát nào cho thành phố nơi tôi sống những ngày phong phú nhất đời mình. Saigon không phải chỉ có con đường Duy Tân cây dài bóng mát để tôi đưa người tình đi học. Tuy cũng có Y Vân ghé bến Saigon để thấy Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi! Và có thêm Hoàng Anh Tuấn cùng với Phạm Đình Chương nhìn mưa Saigon để nhớ tới mưa Hà Nội... nhưng nói chung, lũ nhạc sĩ chúng tôi rất vô ơn đối với Saigon. Phải bỏ xứ ra đi, phải sống trong thành phố bị đổi tên, rồi mới hối hận để có khá nhiều nhạc sĩ lưu vong hay ở trong nước hối hả soạn ra sau ngày 30-4-75 những bài như Saigon Ơi Vĩnh Biệt, Saigon Bây Giờ Buồn Không Em, Saigon Vĩnh Biệt Tình Ta, Saigon Niềm Nhớ Không Tên, Saigon Của Tôi, Saigon Ơi Thôi Đã Hết... Con người là thế đó, có viên ngọc trong tay không biết giữ, mất rồi mới tiếc ngẩn tiếc ngơ. Hãy cho tôi được xụp lạy thành phố thân yêu ở đây, với vài câu trong bài Thương Nhớ Saigon soạn năm 1981 ở Mỹ: Saigon ơi ! Yêu tôi xin chờ tôi nhé ! Tôi sẽ trở về để hôn những vỉa hè Của Thành Đô, cao sang và say đắm Chia sớt tủi hờn và xây đắp tình nồng . Saigon ơi dù có thay tên Mà người yêu còn nhớ không quên... Lại nhắc tới Thái Thanh. Người ta thường gắn liền âm nhạc của tôi vào giọng hát của cô em. Đó là một vinh dự lớn cho tôi. Dù Thái Thanh không hẳn liên tục cùng đi từng bước với tôi trên nhiều đoạn đường vì có nhiều loại ca của tôi vắng giọng Thái Thanh (như bình ca, nữ ca, bé ca nhất là tị nạn ca, ngục ca, hoàng cầm ca và tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ... ) nhưng chúng tôi tái ngộ sau 10 năm xa cách vì hoàn cảnh lịch sử, chắc chắn Thái Thanh còn nhiều thời gian để đuổi kịp tôi. Vì nàng là giọng hát vượt thời gian mà . Ước mong những điều tôi viết ra trong cuốn sách này không làm buồn lòng ai cả. Hi vọng nó có thể giải toả những oan nghiệt mà tôi, một nghệ sĩ miền Nam, đã cam chịu trong 20 năm trời. Cám ơn bạn đọc đã kiên nhẫn nhìn vào ba mảnh đời của một nghệ sĩ được sống hết mình với Việt Nam trong nhiều thời đại, từ thời êm đềm hay hào hùng tới thời tủi nhục hay thác loạn để cố gắng nói lên định mệnh chung của dân tộc. Và dù tôi có trải qua dăm eo sèo nhân thế, tôi vẫn chưa phai lòng say mê để tiếp tục cống hiến nốt cho bạn đọc mảnh đời cuối cùng của mình bằng cuốn hồi ký thứ tư. Trong cuốn Hồi Ký THƠI HẢI NGOAI phát hành mùa Thu năm tới, tôi muốn cùng những người có chung số phận, ôn lại thời gian sống lưu vong, tuy chúng ta lúc nào cũng khắc khoải thương nhớ quê hương nhưng vẫn có thể mừng thầm vì được làm cuộc viễn du ra thế giới để cùng nhân loại đi vào thế kỷ 21 với kỷ nguyên kỹ thuật. Cuốn hồi ký này, may thay, được viết sau khi cuộc chiến tranh lạnh giữa các cường quốc chấm dứt, trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, chủ nghĩa Cộng Sản đang sụp đổ, các nước xã hội đang thay đổi và toàn cầu đang đi vào một trật tự mới. Người Việt Nam ở trong hay ngoài nước đã có thể nhìn thấy sự phi lý của 20 năm phân chia Quốc-Cộng chất chứa oan khiên và 15 năm phân chia Quốc Nội-Quốc Ngoại chan chứa hận thù. Liệu sớm có ngày chúng ta xúm nhau thực hiện sự Thống Nhất của Việt Nam mà vào năm 1975, có người đã làm mà chưa hề thành công. Thống nhất đất nước chưa đủ, cần phải thống nhất lòng người. Tôi hi vọng còn sống khoẻ, sống mạnh để đóng góp vào niềm vui chung đó. Thị Trấn Giữa Đàng Mùa Thu 1991  
(*) Xin được coi như những lời tạ ơn. (**) Một cán bộ của Đảng Cần Lao doạ tôi nếu không ca tụng nhà Ngô sẽ bị lôi thôi. Một trợ giáo mà tôi mướn tới nhà để kèm học cho các con tôi, về sau mới biết anh là người của Mặt Trận Giải Phóng. (***) Danh xưng "người quốc gia" có khi từ chính phủ Cộng Hoà Nam Kỳ ra đời năm 46. Như vậy Nguyễn Văn Thinh là một trong những người quốc gia đầu tiên.Và là người quốc gia độc nhất tự tử khi biết mình lầm. (****) Có lẽ sau khi tôi soạn bài Mùa Thu Chết và có người hát nhại là "Em nhớ cho, Phạm Duy đã chết rồi. "... nên Tạ Tỵ bèn "cứu sống" tôi, viết cuốn sách này, cho rằng "Phạm Duy vẫn còn đó, với nỗi buồn." Nhưng tôi thường nói đùa với anh bạn: " Sách này nên đặt tên là "Phạm Duy còn đó nỗi buồn... cười! Vì tôi là kẻ... sức mấy mà buồn !!! "

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét