Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

HỒI KÝ PHẠM DUY - TẬP IV - PHẦN IV

THỜI HẢI NGOẠI
Chương Hai mươi hai

1989-90. Tôi đi trình diễn ở Đức Quốc, tại một địa điểm chỉ cách xa Berlin khoảng trên 100 km. Bức tường ô nhục đang được dân chúng Berlin phá hủy, sau khi được xây lên và đứng vững trong nửa thế kỷ dể làm bức tường ngăn chia thế giới ra làm hai phe. Chiến tranh lạnh đã thực sự chấm dứt với sự vỡ tan của cái mà Thủ Tướng Anh Quốc Winston Churchill đã gọi là tấm màn sắt.
Lòng tôi xiết bao mừng rỡ vì thấy rằng khúc quanh của lịch sử đã tới và nghĩ rằng mình đã có thể hoàn tất tổ khúc mang tên Bầy Chim Bỏ Xứ. Bầy chim bỏ nước ra đi đã có thể bay về quê cũ được rồi !
Hãy nói về tổ khúc này...
Tôi là một nghệ sĩ có may mắn được tham dự và nói lên nhiều biến cố của Việt Nam trong thế kỷ 20, vào những thời điểm như sau :
1) 1945-1951, khi xẩy ra cuộc Cách Mạng và cuộc Kháng Chiến giành độc lập thì tôi tham gia với trên dưới 50 bài ca đủ loại.
2) 1954, khi Hội nghị Geneve chia Việt Nam ra hai miền Quốc-Cộng, tôi phản đối sự chia cắt đó bằng trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN.
3) 1963-65, khi VN trở thành nồi da nấu thịt với cuộc chiến leo thang dữ dội làm cho xã hội bị phân hoá tới cực điểm thì tôi kêu gọi lòng thương yêu và sự xoá bỏ hận thù bằng trường ca MẸ VIÊT NAM.
4) 1975-1990, với biến cố lớn nhất trong đời sống Việt Nam, khi hằng triệu người lũ lượt bỏ nước ra đi thì tôi soạn tổ khúc BẦY CHIM BỎ XỨ (và vì có thêm biến cố lớn nhất của thế giới là sự ra đi của một chủ nghĩa mà bây giờ BẦY CHIM đã có cơ hội để HỒI XỨ)
Tác phẩm được thai nghén vài tuần trước biến cố 30-4-75 với vài ca khúc rồi định viết thêm tại Florida thì tôi bị bế tắc. Tổ khúc bị bỏ quên trong gần 10 năm rồi được hoàn tất vào năm 1985 tại Midway City-California nhưng chưa được phổ biến ngay. Vào năm 1990, sau khi những biến cố lớn làm thay đổi tình hình thế giới, tổ khúc được tu chỉnh và tung ra công chúng.
Nội dung diễn tả một xứ xở mà những con chim ngoan hiền, tươi đẹp, múa giỏi, hát hay phải bỏ xứ ra đi, ở lại trong nước là những bầy chim yếu bị một số chim dữ đàn áp, đoạ đầy, miệt thị. Bầy chim bỏ xứ bay đi sống đời lưu vong tại xứ người, có con buồn rầu thổ huyết chết, có con cấu cổ tự tử vì không còn được múa hát như xưa. Đại diện cho lòng yêu nước là chim Quyên, vốn đã chết một lần ở phía Bắc và bay về phía Nam tái sinh thành chim Quốc, nay phải bỏ xứ ra đi và chết trên gềnh đá nước ngoài. Nhưng nó lại tái sinh một lần nữa (l'oiseau renait de ses cendres) để tiếp tục nung nấu lòng yêu nước như xưa.
Rồi có một ngày, những đàn én nhạn bay lên báo tin mừng : Mùa Xuân Nhân Loại đã trở về với sự dâng trào của làn sóng Dân Chủ. Bầy chim bỏ xứ đã có cơ hội để hồi xứ. Lại có thêm những con chim huyền sử như chim Hồng, chim Lạc - vốn là tổ tiên của bầy chim Việt - cũng bay lên từ động Đông Sơn, Ải Chi Lăng, vườn Tao Đàn, bến Bạch Đằng, đồi Yên Thế... kêu gọi bầy chim xa xứ hãy hồi xứ bởi vì lũ chim dữ đã thất bại trong việc làm đẹp nước Việt.
Bây giờ là lúc cả chim hiền và chim dữ (tức là Ông Thiện và Ông Ác mà người Việt đã tôn thờ cả hai ở các đình, chùa, miếu, đền nơi thôn ổ) phải xúm nhau lại để tái tạo mùa Xuân dân tộc. Phần đầu của là cơn ác mộng, phần sau là giấc mơ hồng, giấc mơ hồi xứ để xây dựng lại tổ chim (tức là tổ quốc) Việt Nam.
Tổ khúc này đưa nhạc Việt lên một trình độ rất cao về nghệ thuật, qua hình thức opéra. Nó có thể được trình diễn với hàng chục diễn viên trang phục các bộ áo lông chim và với một giàn nhạc đại hoà tấu. Nó phản ánh lịch sử đương thời (histoire contemporaine) và là tiếng vang của huyền sử (mythologie). Nó cần được phổ biến để giáo dục "nhị thế" (deuxième génération) người Việt, vốn là những thanh niên thiếu nữ Âu học, không chấp nhận các loại nhạc thương mại đang được phổ biến trong các cộng đồng Việt Nam và cần được giới thiệu với người Âu Mỹ.
Hình Thức và Nội Dung
Về hình thức, nếu như tính chất của CON ĐƯỜNG CÁI QUAN là tả thực (réaliste), của MẸ VIỄT NAM là tượng trưng (symbolique) thì BẦY CHIM BỎ XỨ mang tính chất ẩn dụ (allégorique).
Về nội dung, tổ khúc đưa ra một xứ sở, vì hoàn cảnh đặc biệt, một bầy chim phải cất cánh bay đi. Trong đời sống xa xứ, có con thổ huyết chết, có con cấu cổ chết, có con chết trên sông, trên biển, trên núi, trên rừng hay trên những thành phố xa lạ, trong bão mưa, trong tuyết đổ... Có con buồn tủi nên không nhẩy múa, không hót ca như xưa nữa...
Nhưng trong đám chim chết, có con chim đã tái sinh trên xác tro của mình - như người Pháp nói : ''l'oiseau renait de ses cendres'' - chẳng khác chi con chim Quyên của huyền thoại Việt Nam hay con chim phoenix của huyền thoại Ai Cập.
Thế rồi một ngày kia, đàn én, đàn nhạn bay lên báo tin mừng là mùa Xuân nhân loại đã trở về. Rồi những con chim huyền sử của Việt Nam như chim Hồng, chim Lạc, chim Hùng, chim Việt bay lên từ động Đông Sơn, từ cánh đồng Phù Đổng, từ huyện Mê Linh, từ Hoa Lư, từ Bạch Đằng Giang, từ Chi Lăng, Yên Thế... kêu gọi đàn chim xa xứ bay về làm lại mùa Xuân dân tộc trên quê hương yêu qúy.
Tổ Khúc được soạn gần giống như một thứ nhã ca (cantate) hay một tiểu ca vũ kịch (mini-opera)... Nhạc nhiều hơn lời... Nhạc mô phỏng chim bay, chim hót ca hay khóc than... Lời ca hoàn toàn là ca dao, phong dao, đồng dao, châm ngôn, sấm truyền... Mỗi đoạn đều có những câu thơ giáo đầu giống như trong các vở ca kịch cổ truyền Việt Nam là TUỒNG, CHÈO.
BẦY CHIM BỎ XỨ, nhạc và lời của Phạm Duy, được Duy Cường hoà âm phối khí và được hai giọng ca Kim Tước và Vũ Anh hát lên.
Mở đầu là cảnh một xứ sở đang vui trong nắng Xuân thì bỗng đâu mây đen kéo tới và có một bầy chim gọi nhau bay đi :
1.- Bầy Chim Buồn Bã
2.- Chim Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài
Trời đang rực rỡ
Chợt đâu kéo mây đen,
Bầy chim buồn bã
Rủ nhau vút bay lên.
Chim hỡi chim ơi !
Chim hỡi chim ơi !
Trong đoàn chim đó có con chim Quyên, vai chính của tổ khúc :
Cuốc kêu khắc khoải trên ngàn
Chim quyên thảm thiết gọi đàn chim đi...
Chim Quyên nhớ lại sự tích của mình :
Chim Quyên từ độ ở quê nhà
Chim là hồn Thục Đế nghìn xưa.
Lìa cố hương nhục nhằn nơi xứ Bắc,
Hồn tìm về đậu chót cành Nam.
Hồn hóa sinh ra thành con chim Quốc,
Hồn hóa thân là họ Đỗ chim Quyên.
Đỗ Vũ không ngừng kêu mất nước,
Khuyên đời bằng một khúc dao ca
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Trong một mùa Xuân đang êm vui thì...
Chim Quyên từ độ ở Thôn Đoài
Trong mùa Xuân nức nở tình dài
Thì nước non tới một thời biến đổi
Bình minh mà mờ ảo ánh sao rơi.
Toả cánh diều đưa nắng vào đêm tối
Cánh nặng chim bằng đè xuống tim tôi !
Chim Quyên phải ra đi rồi thổ huyết chết nơi quê người...
Chim Quyên phải từ bỏ quê mình
Bay về miền tuyết phủ buồn tênh.
Thổ máu tươi, một đêm chim chết
Nhưng chim Quyên - như hồn Thục Đế thuở xưa - lại tái sinh lần nữa...
Chết khi đêm về, xác chưa tan, thì...
...Tái sinh thành lần nữa Đỗ Quyên.
Đỗ Quyên ! Đỗ Quyên !
Nơi mùa Đông vắng lạnh,
Kêu gào : Ôi Tổ Quốc linh thiêng !
Vẫn tái sinh thành chim khóc nước,
Cho dù phải gục chết như xưa.
Nhớ nước nên gào lên quốc quốc
Khắc khoải lòng người sống lưu vong.
Bầy chim buồn bã
Rủ nhau trốn quê hương.
Vì đâu bỏ xứ
Để lê kiếp tha phương ?
Chim hỡi chim ơi !
Chim hỡi chim ơi !
Chim Quyên từ độ bỏ thôn Trầu,
Quê nhà tôi ruộng trắng quạ kêu.
Là vắng tanh lời yêu, lời thương mến,
Là bầy diều sai khiến lũ kên kên
Bầy ác bầy ưng nạt nộ chim hiền,
Thành lũ thần nanh đỏ mỏ chuyên quyền.
Chim Quyên từ độ bỏ đi rồi,
Quê nhà tôi héo hắt đìu hiu,
Nghe bình minh lơ láo vẹt kêu,
Đêm sập về lôi cú vọ theo.
Hai đoản khúc đầu tiên của tổ khúc đã đưa ra chính đề là chim hiền và phản đề là chim dữ. Đưa ra số phận của vai chính là CON CHIM QUYÊN, đại diện cho lòng ái quốc, phải chết đi, sống lại như vậy... Còn số phận của những con chim đại diện cho tuổi thơ, như chim chích choè, chim chào mào... thì ra sao?
3.- Bầy Chim Nhỏ Bé
4.- Con Chích Choè, Con Chào Mào
5.- Chim Bay Từ Đồng Lúa Phương Nam
Bầy chim nhỏ bé, nào đâu khác chim Quyên ?
Loài ưng loài ó, nào dung lũ chim non ?
Chim lớn hung hăng sai áp chim con
Chim dữ gieo oan gieo oán chim ngoan.
Con chim sáo sậu ăn cơm nhà cậu
Uống nước nhà cô, đánh vỡ bát ngô, cậu cô bắt đền.
Con chích choè mày đậu cành chanh
Thì tao ném, tao nèm hòn sành,
Con chích choè lộn cổ xuống đây !
Con chích choè mày ở trên cây
Tao đứng dưới gốc,
Đứng dưới gốc, mày bay đằng nào ?
Con chào mào mày đậu cành lau
Thì tao chém, tao chém vào đầu,
Con chào mào sứt trán trụi lông !
Chim hãi hùng vùn vụt bay tung
Xa lánh đất nước,
Chim xáo xác giã từ quê hương !
Số phận của con bồ câu, của giới tu hành, cũng vậy thôi :
Chân tu như chú bồ câu
Mà sao nên nỗi áo nâu đeo xiềng.
Thế là bầy chim đã vượt biển bay đi, bất chấp những hiểm nguy...
Con chích choè vượt biển về đâu ?
Rồi chim hót, chim hót giọng sầu,
Chim chúc đầu vào biển sóng nâu.
Con chích choè chìm vào đêm sâu,
Vẫn cất tiếng hót,
Cất tiếng hót gọi tôi rầu rầu.
Con chào mào đậu ở rừng thông
Học câu hót, câu hót lạ lùng,
Con chào mào liú lưỡi ngọng câm!
Chim hãi hùng cuộc đời mênh mông,
Nhưng vẫn vỗ cánh,
Chim nhớn nhác bay về muôn phương.
Qua lời lẽ của một câu ca dao Huế, đây là lời than vãn chung :
Chim bay từ đồng lúa phương Nam,
Chim vượt trùng về lũng phương Tây
Chim xa bầy thương cây nhớ cội
Người xa người, tội lắm chim ơi !
Ôi người xa người, tội lắm ai ơi !
Tội lắm ai ơi !
Tội lắm chim ơi !
Tội lắm tôi ơi !
Bây giờ tới số phận của con chim Phượng, con chim Hoàng Khuyên, đại diện cho giới trí thức trong đời sống lưu vong :
6.- Một Đôi Phượng Quý
7.- Trên Cành Vàng, Con Hoàng Khuyên
Một đôi phượng quý
Than ôi ! Xù lông dưới mưa Đông
Nhìn công thèm múa
Ơi ơ, rồi chim xuống ven sông.
Mưa vẫn lâm dâm,
Chim đứng căm căm
Khi tuyết rơi tung
Chim chết trên sông.
Tuyết rơi lả tả là tà
Như chim lạc tổ như ma lạc mồ.
Trên cành vàng trơ trụi nơi xứ tuyết,
Con hoàng khuyên lên giọng hát nao nao.
Mây vẫn trôi cao, trời vẫn xanh xao,
Chim vẫn nâng niu giọng hót yêu kiều.
Mây trời này, mây trời không tím ngát,
Con hoàng khuyên không ngừng hát chiêm bao
Mây vẫn trôi mau, trời vẫn thâm sâu,
Ai có nghe đâu giọng hót chim đau.
Con hoàng khuyên ngưng giọng ca tiếc nuối,
Trên đầu non, chim tưởng tới khi xưa
Khi lũ chim ri gọi nó bay đi.
Theo cuốc, theo gia, bỏ xứ đi xa.
Nay hoàng khuyên không còn ai nghe hót!
Chim khổ đau, cấu cổ chết không hay
Ta đứng đâu đây, đàn mốc trên tay
Nghe đất lung lay, đàn đứt tung dây.
Bao nhiêu chết chóc, khổ đau đã được diễn tả qua đoạn đầu của tổ khúc... Nhưng trong khi bầy chim đang sống trong cảnh buồn bã thì có đàn nhạn, đàn én - vốn là loài chim chuyên môn đưa tin vui - bay tới để an ủi lũ chim buồn. Nhạc từ đây trở đi sẽ vui hơn trước.
8.- Bầy Chim Hoài Xứ
9.- Én Bay Thấp, Én Bay Cao
10.- Bầy Chim Một Nhà
Bầy chim hoài xứ
Còn u uất trong hang.
Thì nghe bầy én
Nhạn xanh tới hân hoan !
Trong phút cô đơn
Nghe én ca vang
Chim nén đau thương
Trong trái tim đen.
Én nhạn bảo với bầy chim bỏ xứ rằng : Chim nào còn nhớ gốc đa thì hãy bay về nước đi... Còn nếu tự thấy mình vốn là bầy chim của một góc trời nhỏ hẹp, nay được bay đi khắp muôn phương thì phải chung vui với thế giới chứ ? À, én nhạn hiểu rồi ! Bầy chim lưu vong buồn bã là vì xưa rày chim sống rất là chia rẽ. Vậy, xin nhắc lại cho bầy chim lẻ loi nghe một bài ca dao Việt Nam nói về tình gia đình của loài chim :
Nhạn xanh chắp cánh bay chuyền
Én xanh ríu rít đưa tin tháng ngày
Én bay thấp, nên mưa ngập bờ ao
Én bay cao nên mưa rào lại tạnh
Én hay nhạn thương cho bạn tỉnh mê.
Bạn tình xa nếu nhớ gốc đa bộn bề
Không cần được bay khắp cõi thế gian thì về.
Bầy chim một góc khung trời
Được bay về bốn phương đời
Chim đã yêu mình, nên nhớ yêu người
Từ kiếp đơn côi vào đám đông vui
Thì tôi nào có lẻ loi.
Én bay thấp, nên không sợ diều hâu
Én bay cao, không khi nào gặp nạn.
Én thương bạn trong ly loạn, hoài hương
Bạn buồn thương có lẽ vấn vương tình nhà
Nên kể bạn nghe gốc tích lũ chim hiền hoà.
Én kể cho nghe...
Nhạn kể cho nghe...
Bồ các là bác, ý a chim ri,
Chim ri là dì là dì sáo sậu.
Sáo sậu là cậu, là cậu sáo đen
Sáo đen là em ý a tu hú.
Tu hú là chú, là chú hoàng oanh,
Hoàng oanh lấy anh của chim bói cá.
Bói cá là mạ, là mạ bồ nông,
Bồ nông là ông ý a con cò.
Buồn cho con yểng là yểng nhát gan,
Thấy mầu đỏ chót là toan giết mình.
Phục cho chèo bẻo rất ư hùng anh,
Hễ mà thấy quạ, nó rình đánh ngay
Câu ca dao hiện đại hoá vừa rồi đưa ra tính tình của vài con chim Việt Nam: chim yểng rất sợ mầu đỏ, chim chèo bẻo tuy bé nhỏ nhưng thích đánh nhau với quạ, lớn hơn mình... Câu ca dao mới sau đây nói tới những con chim ở trong nước không chịu ca hát nữa, qua sự kiện danh ca Thái Thanh im tiếng hát trong mười năm. Và CON CHIM THANH chỉ hát lại sau khi ra tới nước ngoài...
11.- Lên Rừng Ba Mươi Sáu Thứ Chim
Con công tố hộ trên rừng
Chim trời cá nước vẫy vùng dọc ngang.
Tiếng chim qúy báu vô chừng
Con công tố hộ trên rừng, mặc công.
Lên rừng già ba mươi sáu ơ... chim loài chim.
Có con chim chèo bẻo
Có con chim anh hùng
Quan họ rằng, tôi hiểu rằng
Chim chèo bẻo đánh, đánh chim đen.
Nơi rừng nhà ba mươi sáu ơ... chim loài chim.
Có con chim ở lại,
Có con chim đi rồi,
Quan họ rằng, tôi hiểu rằng
Chim ở lại quyết, quyết không thua.
Chim thuở nào chim đã hót ơ... tiếng chim vượt thời gian.
Hát cho, cho cuộc sống
Hát cho, cho cuộc tình
Quan họ rằng, tôi hiểu rằng
Rằng chim hót tiếng chim Thanh !
Chim ở nhà, chim không hót ơ... chim nhất định lặng thinh.
Dẫu cho chim thèm khóc
Dẫu cho chim thèm cười
Quan họ rằng, tôi hiểu rằng
Chim gìn giữ tiếng, tiếng chim Thanh
Bây giờ là một tin vui nhất thế kỷ mà đàn chim én, nhạn đem tới cho bầy chim Việt xa xứ : Tình hình thế giới đã đổi thay với làn sóng dân chủ đang dâng lên khắp mọi nơi. Hình ảnh ngày về đã mở ra cho bầy chim bỏ xứ :
12.- Bầy Chim Nghìn Xứ
13.- Én Bay Dọc, Én Bay Ngang
14.- Bầy Chim Một Tổ
Nhạn xanh và én thì đưa những tin êm
Bầy chim nghìn xứ còn đưa những tin thêm
Trên khắp dương gian Xuân đã vươn lên
Nên chốn quê hương Xuân cũng mon men...
Nhạn kia ríu rít trời xanh
Én kia chắp cánh bay quanh địa cầu
Én bay thấp, nhưng bay dọc biển sâu
Én bay cao, bay ngang nhiều lục địa.
Én hay nhạn, cho hay lạnh mùa thu,
Lạnh mùa đông đã tới lúc phai và tàn.
Trong trời tự do đã có lũ chim bạt ngàn.
Bầy chim được lúc tung hoành
Tường ô nhục đã tan tành
Xuân tới khi màn tre nhốt chim lành...
...Màn sắt ô danh, đều đã rung rinh
Tự Do là tiếng loài chim.
Én bay thấp, nên nghe được lòng dân
Én bay cao, nên trông vào thời vận.
Én kêu gọi, bao chim bạn cùng nghe.
Một trời xuân đã bát ngát trên đường về !
Tôi hiểu loài chim đã hót tiếng Xuân chàn chề.
Én kể cho nghe...
Nhạn kể cho nghe...
Tổ khúc mở đầu với một cơn ác mộng, tới đây tiếp tục với một giấc mơ hồng...
Tình nghĩa là lứa ý a chim uyên,
Lên tiên thì tìm, thì tìm cánh hạc.
Tấu nhạc là phượng, là phượng xuống non,
Nắng lên đầu non, véo von kim tước.
Tha thướt, tha thướt là dáng thiên nga,
Còn nuôi giấc mơ là chim gõ mõ.
Sóng gió, sóng gió là bầy hải âu,
Gọi nhau, gọi nhau, cháu con chim Rồng.
Bìm bịp dựa nước, dựa nước nhoi ra
Yến ơi ! Khạc máu chẳng qua tin người.
Giẻ cùi tốt mã, tốt mã dài hơi
Ăn gian, uống bẩn ai nuôi làm gì ?
Thế rồi, những con chim huyền sử của Việt Nam như Chim Hồng, Chim Lạc.. bay lên từ động Đông Sơn, từ cánh đồng Phù Đổng, từ huyện Mê Linh, từ Hoa Lư, từ Bạch Đằng Giang, từ Chi Lăng, Yên Thế... kêu gọi đàn chim xa xứ bay về làm lại mùa Xuân dân tộc trên quê hương yêu qúy. (Tôi cố gắng đưa vào đoạn này tiếng tù và, tiếng trống đồng làm nền nhạc cho một điệu múa trống) :
15.- Bầy Chim Tỉnh Giấc
16.- Bầy Chim Huyền Sử
Bầy chim tỉnh giấc cùng nghe tiếng thiêng liêng,
Từ nơi huyền bí, nổi lên tiếng chim Tiên.
Chim đã vươn lên như gió thiên niên
Tôi đã nghe vang cơn bão không gian.
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu.
Trứng rồng lại nở ra rồng
Chim tiên lại đẻ ra dòng chim tiên.
Lặng nghe đây con chim Hồng, đây con chim Lạc !
Hỡi những cánh chim huyền sử xa vời.
Những cánh chim là NGƯỜI cho THIÊN và ĐỊA chung vui.
Lặng nghe đây con chim Hồng, đây con chim Lạc !
Hỡi những cánh chim của Tiên với Rồng.
Những cánh chim ẩn ngữ Đông Sơn, hoàn mỹ âm dương.
Những cánh chim dẫn đường đưa lối,
Những cánh chim sinh tử không rời.
Vỗ cánh theo Cha về miền suôi,
Vỗ cánh bay theo Mẹ lên núi.
Những cánh chim bay từ Mê linh,
Bát ngát trời Phù Đổng oai linh.
Những cánh chim khơi động Hoa Lư
Những cánh chim Lê, Lý, Trần xưa!
Lặng nghe đây con chim Hồng, đây con chim Việt!
Hỡi những cánh chim huyền sử mơ mòng
Những cánh chim lịch sử oai phong, bảo vệ non sông
Lặng nghe đây con chim Hùng, đây con chim Việt !
Hỡi những cánh chim mở hội Diên Hồng
Những cánh chim Hồng Đức hân hoan, mở cõi giang sơn.
Những cánh chim trên Bạch Đằng Giang,
Những cánh chim vui cảnh Tao Đàn.
Lướt gió bay qua miền Chi Lăng,
Hót liú lo trên đồi Yên Thế
Những cánh chim nối lòng nhân dân
Khiến ó, ưng và diều hung hăng
Muốn đắp xây uy quyền độc tôn
Đã thấy bơ vơ giữa loài chim.
Vào những ngày cuối của thế kỷ này, thế giới đã đổi thay, Việt Nam rồi cũng phải thay đổi. Giang sơn không thể là riêng rẽ của một lũ chim nào cả, mà phải là chốn vui chung. Đã tới lúc những con chim bỏ xứ đã có thể làm công việc hồi xứ. Để xây dựng lại Việt Nam, cần có chim hiền để xây đắp tình thương thì cũng cần có chim dữ để gìn giữ biên cương... Cũng như hai tác phẩm trước là CON ĐƯỜNG CÁI QUAN và MẸ VIÊT NAM... tổ khúc BẦY CHIM BỎ XỨ (và HỒI XỨ) cũng xưng tụng một nước Việt Nam đoàn kết và thống nhất trong tinh thần đa nguyên và dân chủ. Tổ khúc kết thúc với hình ảnh già trẻ ôm nhau khâu vá lại nước Việt Nam.
17.- Bầy Chim Hồi Xứ
18.- Chim Quyên Về Đậu Ở Thôn Đoài
Vì hung tợn quá
Và không biết yêu thương
Diều hâu bạo dữ
Mời đi giữ biên cương!
Cho cánh chim ngoan
Xây đắp quê hương
Câu hót hân hoan
Cho mãi xuân sang.
Vũ đi thì Vũ lại về
Giặc đến Bồ Đề thì giặc lại tan
Đầu cha lấy làm thân con
Mười lăm năm tròn hết số thời thôi!
Chim đi rồi một buổi chim về
Cho Tình Yêu nở khắp miền quê.
Vì đã không làm nên mùa Xuân thắm
Thì một ngày chim dữ cũng lui chân
Để thấy giang sơn là không riêng rẽ
Của lũ chim nào, là chốn vui chung.
Cất tiếng vang lừng trong gió mới
Trong tình nồng nhiệt lũ chim ơi!
Giữ nước, cao giọng con quốc quốc,
Canh nhà, rền rĩ tiếng gia gia
Chim vui về họp ở khu rừng,
Chim hồi sinh réo bạn tưng bừng
Từ Bắc Quang, Bắc Mục về núi Tản
Hội chim còn dài, biết mấy Thu Đông.
Điệu vũ loài công, tiếng hùng chim núi,
Chim biển vẫy vùng, bầy én mông lung.
Chim Xuân về lượn rợp cánh đồng
Bên bờ sông, cá lội chờ mong...
(Đằm thắm, đôi bồ câu bú mớm
Khói lên mơ màng, mái tranh êm đềm)
Ngắm chim về sưởi ấm nóc rơm
Ấm nóc rơm... Ấm nóc rơm...
Nơi vườn thơm, nắng rọi,
Kết bầy, chim ủ ấp quê hương.
Vỗ cánh chim chiều vang lớp sóng
Như lòng của một kiếp ca nhân.
Nước hỡi, thương loài chim lắm chứ!
Ơi nhà, dìu dặt hắn du ca.
Bầy chim hồi xứ về quê cũ yêu thương
Dựng xong mùa mới rồi chim sẽ bay tung
Bay khắp dương gian trong nỗi vui chung
Ra tít không gian thăm cõi mông lung.
Chim Quyên về đậu ở Thôn Đoài
Trong phận mình ở cõi tử sinh
Buồn với vui bằng tâm hồn chân chính
Bầu trời này hay thế giới mông mênh
Thì cũng chỉ ca một bản Xuân Tình
— chốn trần gian hoặc ở vô hình.
Chim ngoan về đậu ngọn tre già
Ta và chim khâu vá đời sau
Chim và ta âu yếm gọi nhau,
Ta còn nhiều phen hát tình yêu.
Khởi soạn 1975
Hoàn tất 1985
Bổ xung và thu thanh 1990
Cùng với đĩa CD và sách nhạc Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới và khi qua Âu Châu thì tôi có được sự giúp đỡ rất tận tình của một người bạn mới. Một ngàn đời sau, tôi vẫn không quên ơn người phụ nữ trong sáng, nhiệt thành và đại lượng này. Tôi mới chỉ kịp mời bà vào ngự trị trong một tập nhạc của tôi, vào lúc mà một cuốn sách mùa Xuân phải đóng lại... một cơn gió Xuân đã ngừng thổi... một giọt mưa Xuân đã ngưng rơi... và một con bướm mùa Xuân đã không còn hoa để hút nhụy, bay đi...
Tôi là tôi, tôi cũng là em
Em là tôi, em cũng là anh
Là Xuân con bướm hút nhụy xuân tình
Là gió xuân hồng, là cơn xuân vũ
Là ý thơ nồng trang giấy xuân thư...
Thời Hải Ngoại
Chương Hai mươi ba
Là người được hân hạnh cùng bạn đồng lứa tuổi khởi xướng và phát huy Tân Nhạc bằng nhạc đơn điệu, sau gần 50 năm phát triển đến tận cùng giai điệu Việt Nam với những dân ca, trường ca, tình khúc, tâm ca, hoan ca v.v..., bắt đầu từ 1988 trở đi, nhờ sự trợ lực của người con thứ Duy Cường, tôi đã bước qua một giai đoạn mới : giai đoạn nhạc đa điệu (polyphonique).
Khi rời Thanh Hóa vào Hà Nội (1950) rồi đem cả gia đình vào Saigon, tôi có một đời sống tương đối khá đầy đủ để có thể xa nhà đi du học, vì thấy rằng sau 10 năm sống bằng nghề nhạc, tất cả vốn liếng âm thanh của mình chẳng qua chỉ là kết quả của sự học mót, học lỏm mà thôi. Tất cả những gì mình làm ra mới chỉ là những ca khúc ngắn ngủi, chỉ là những thử thách, chưa có thể cho rằng đó là cái đích nghệ thuật của mình. Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, ai cũng cho rằng phải tiến lên cái đích là nhạc hoà tấu, nhạc giao hưởng. Hình thức concerto, symphonie, opera trong nhạc classique... là mẫu mực.
Nhưng sau hai năm1954-55 học nhạc ở Paris, tôi thấy rằng loại nhạc soạn theo đường lối nhạc cổ điển Tây Phương không phù hợp với xã hội và con người Việt Nam. Những hình thức đại nhạc như concerto, symphonie, opera v.v... vốn là sản phẩm tinh thần rất lâu đời của giống da trắng ''tư lạp phu'' (slave), không dễ dàng mau chóng đi vào lòng người dân da vàng tiểu nhược quốc trong thời loạn. Muốn đi vào con đường âm nhạc giống như của Mozart, Chopin, Beethoven... nước Việt Nam phải có vài chục trường nhạc thành lập theo kiểu conservatoire de musique của Tây Phương để đào tạo vài ba thế hệ nhạc trưởng, nhạc công, rồi có ngân sách quốc gia khá lớn để tổ chức nhiều ban nhạc giao hưởng, luôn luôn trình diễn cho dân chúng quen dần với những hình thức hoà tấu khúc, đại nhạc kịch.
Nhìn vào thực tế, tôi thấy nước Việt Nam đang trong thời loạn, một chút yên ổn trong cuộc sống hằng ngày còn không có, nói chi tới hoà bình thịnh vượng để phát triển văn hoá, văn nghệ ? Một nước nông nghiệp nghèo, bị chiến tranh đe doạ, dựa vào viện trợ để sống, mà đua đòi giống thiên hạ à ? Dưới thời ông Ngô Đình Diệm, dù trong nước có ba trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Saigon, Huế và Dalat nhưng việc đào tạo nhân tài xem ra thật là nhũn nhặn.
Là một nhạc sĩ không theo trường phái nào cả, tôi đã chủ trương phải đi từ dân ca, tức là nhạc đơn điệu đi lên. Đợi thế hệ sau rồi mới tính tới chuyện nhạc đa điệu. Việc du học chỉ giúp tôi hiểu biết kỹ càng về sự thành hình và biến hình của nhạc ngũ cung để tôi phát triển đến tột độ những giai điệu trong vài trăm tác phẩm ngắn hoặc dài. Và hiểu biết rõ ràng về lịch sử âm nhạc thế giới để mình sẽ tìm ra con đường nghệ thuật của mình.
Thế rồi hoàn cảnh lịch sử đã khiến tôi phải bỏ nước ra đi và sau 15 năm sống ở Mỹ, tôi nghĩ rằng tôi đã có thể từ từ tiến lên giai đoạn nhạc đa điệu. Trước hết, tôi khuyến khích con tôi học về hoà âm phối khí từ khi Duy Cường vừa mới qua Mỹ, rồi bắt đầu từ năm 1988 trở đi, hai bố con tôi thử nghiệm tìm ra một đường lối hoà âm cho nhạc đơn điệu, thuận với lỗ tai Việt Nam. Chúng tôi thử đi vào thể đại nhạc (grande musique) mà không nhất định phải hoàn toàn theo trường phái nhạc classique hay neo-classique Tây Phương.
Năm 1988 lại đúng vào thời kỳ mà ở trên thế giới, trong phạm vi thu thanh, hình thức compact disc (gọi tắt là CD) đã ra đời để thay thế cho băng tape, băng cassette, đĩa hát long player 45 tours hay 33 tours... Còn loại đĩa hát cổ lỗ sĩ chạy với tốc độ 75 tours một phút thì đã được mọi người cho vào nằm trong bảo tàng viện từ lâu rồi.
Khi chúng tôi cho phát hành một chương trình nhạc đa điệu vào compact disc thì đây là một thử thách đầu tiên về cả hai phương diện nội dung và hình thức. Đúng ra, đây là một sự liều lĩnh vì vào lúc đó, người Việt Nam -dù đang ở Mỹ - chưa chịu bỏ tiền ra để mua máy chạy CD. Điều này cũng rất dễ hiểu : chưa có đĩa CD nhạc Việt thì mua máy chạy CD làm gì ?
Lúc đó, phí tổn để làm dĩa CD hãy còn rất đắt, tôi còn nhớ giá thành của một đĩa là khoảng 3 dollars (so với bây giờ là 77 cents). Chỉ sau khi đĩa CD đầu tiên của chúng tôi - nhan đề Nhạc Tình - ra đời, băng cassette từ từ xuống giốc, các nhà sản xuất mới ùn ùn cho phát hành đĩa CD...
Nhưng chương trình âm nhạc đa điệu này chưa có thể là một cái gì hoàn toàn mới, nó phải là một số điệu ca mà người nghe đã quen thuộc nhưng chưa hề có một hoà âm, phối khí nào đúng nghĩa là phối âm cả.
Chúng tôi bèn dùng 10 bài hát rất quen và sắp xếp vào một chủ đề. Đó là chủ đề ra sông ra biển. CD này mang tính chất nhạc thính phòng, mở đầu bằng bài Chiều Về Trên Sông. Sau khi cho nghe đoạn ''nhạc sông'' mô tả cảnh một người ngồi mơ màng bên dòng Cửu Long Giang, nhạc chuyển qua ''nhạc biển'' đưa người nghe vào cuộc ra đi (exodus) lớn nhất của người Việt trong thế kỷ. Ra tới thế giới mịt mùng rồi là một sự hoài xứ (nostagia) mông lung, nhạc gợi lại dĩ vãng với cảnh chiến tranh/hoà bình, tình yêu/thù hận, náo nhiệt/cô đơn, hi vọng/thất vọng v.v... qua những bài như Tình Khúc Chiến Trường, Trả Lại Em Yêu, Con Đường Tình Ta Đi, Đừng Xa Nhau, Mộ Khúc v.v... trong bất cứ bài nào cũng đều có sự tái tạo.
Với đĩa CD đầu tiên này, chúng tôi thử thách soạn nhạc đa điệu và không lời theo trường phái ấn tượng (impressionist).
Qua năm 1991, Con Đường Cái Quan, Nhạc Hoà Tấu nghĩa là nhạc đa điệu và không lời, được phát hành. Ai cũng đã biết rằng vào năm 1954, Hoà Hội Genève phân đôi nước Việt khiến tôi soạn trường ca Con Đường Cái Quan để phản đối sự chia cắt đó. Được thu thanh vào năm 1960 bởi những giọng ca hay nhất của Saigon, trường ca được phổ biến trên các Đài Phát Thanh trong suốt những năm phân chia của Việt Nam. Rồi vì sự éo le của lịch sử, Việt Nam được thống nhất vào năm 1975, nhưng không thống nhất bằng hoà hợp hoà giải, khiến cho tới bây giờ (1994) lòng người ở trong và ngoài nước còn cực kỳ chia rẽ.
Để kêu gọi sự thống nhất lòng người, tôi mời mọi người nghe lại bản Con Đường Cái Quan. Lần này, nhạc phẩm được trình bầy theo lối nhạc không lời, dưới hình thức giao hưởng (symphonie), hoà tấu (concert). Về nghệ thuật, khi soạn trường ca trước đây, tôi bị hạn chế bởi lời, không diễn tả được sự hối hả hay cô đơn của người lữ khách trong cuộc trường chinh, không nói lên được những hiểm nguy mà lữ khách gặp phải khi trèo đèo, lội suối, không phô bầy được cảnh đập lúa giã gạo của người dân ở hai bên con đường xuyên Việt v.v...
Bây giờ là lúc chúng tôi dùng nhạc thuần túy để diễn tả, gợi cảm và gây ấn tượng cho người nghe về âm sắc, mầu sắc, nhan sắc và tâm sắc của một Việt Nam trong một thời gian và không gian (dans l'espace et dans le temps) nhất định.
Về không gian, tuy chỉ là một nước Việt nhưng vì có ba phần đất khác nhau nên mỗi phần đều có nhạc tính riêng : nhạc miền Bắc là nhạc núi rừng hiểm trở; nhạc miền Trung là nhạc miếu đền cung điện; nhạc miền Nam là nhạc gió mưa sông nước.
Về thời gian, lữ khách chỉ có ba ngày ba đêm để hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước lòng người.
Về động tác, tuy chỉ là những bước đi nhưng nhịp đi lúc nào cũng thay đổi tùy theo hoàn cảnh và phong cảnh. Bản nhạc này đưa nhạc Việt lên một địa vị cao.
Sau khi nghe Con Đường Cái Quan - Nhạc Hoà Tấu, có nhà phê bình ở Hoa Kỳ gọi tôi là Schubert của Á Đông. Ban hợp xướng NGÀN KHƠI và ban nhạc hoà tấu ở Little Saigon đã trình bày bản Con Đường Cái Quan trước công chúng Việt-Mỹ ở Nam-California. Người Việt ở Úc Châu, sinh viên Đại học Berkeley... muốn có phần nhạc bản để cho giàn nhạc giao hưởng ở Sydney, ở Bắc Calị.. có thể trình diễn trước công chúng.
Rồi tới mùa Thu 1994. chúng tôi phát hành Mẹ Việt Nam, Nhạc Hoà Tấu. Bài này hợp lỗ tai người Việt Nam hơn người ngoại quốc vì nó mang quá nhiều tính chất tượng trưng (symbolique). Phải hiểu nó qua lời ca rồi mới nên thưởng thức nó qua nhạc không lời. Nó không hoành tráng như Con Đường Cái Quan, Nhạc Hoà Tấu, nó là một pho tượng, tượng Mẹ Việt Nam của chúng ta, phần một là tươi tắn, xinh đẹp, phần hai là ưu tư, lo lắng, phần ba là chua sót, đau khổ, phần bốn là tha thứ, siêu thoát...
Tôi muốn đưa ra một tác phẩm rất giản dị, rất đạm bạc (sobre), không diêm dúa, không xa hoa lộng lẫy : Mẹ Việt Nam không son không phấn, mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng mà ! Người nghe toàn bộ tác phẩm mà thấy cảm động thì tác phẩm được coi như đã thành công. Mẹ Việt Nam, Nhạc hoà tấu, một lần nữa kêu gọi các con trở về với mẹ tổ quốc. Lời kêu gọi, vì quá quen thuộc nên đã trở thành vô ngôn.
Cũng trong chủ trương đi vào cõi nhạc không lời, con trai tôi là Duy Cường chọn một số lớn ca khúc quen thuộc, bỏ phần lời ca mà chỉ dùng nhạc điệu với hoà âm, phối khí mới để soạn thành những chương trình nhạc nhẹ (easy listening) như Đêm Nguyệt Cầm, Phù Du, Mộ Khúc... Những casettes hay CDs này bán rất chạy.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói qua về nhạc hoà tấu của các nhạc sĩ khác. Trước hết là những người soạn nhạc theo trường phái cổ điển Tây Phương, có pha trộn ít nhiều nhạc cụ dân tộc.
Ở trong nước, nhạc hoà tấu theo truyền thống này đã có từ lâu và sau 1975 thì có thêm những nhạc phẩm ca tụng một nước Việt Nam đã được thống nhất như Hoà Tấu Khúc Ba Chương nhan đề Đất Nước Thống Nhất của Nguyễn Vinh, concerto cho đàn tranh và giàn nhạc giao hưởng nhan đề Quê Tôi Giải Phóng của Quang Hải, Quê Mẹ với các khúc : giáo đầu, nhạc đề, biến tấu cho piano, cho piano và violon...
Ở ngoài nước, trong nhiều năm ngưòi ta chỉ biết Cung Tiến có một nhạc phẩm lớn như bản hợp tấu khúc Chinh Phụ Ngâm, gồm 1 giáo đầu, 3 chuyển động là Nước Thanh BÌnh, Cơn Gió Bụi, Nhớ Nhung Cơn Mộng Dữ và Mộng Khải Hoàn, được ra mắt mọi người nhờ một khoản tiền viện trợ của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Và hai bài khác là thơ Thanh Tâm Tuyền được Cung Tiến phổ nhạc, những bài này chưa hề được in ra, hát lên hay thu thanh.
Lê Văn Khoa có nhiều sáng tác hơn và vì có sự cộng tác với một ban hợp ca lớn mang tên NGÀN KHƠI ở Nam Cali mà mỗi năm tổ chức được hai hay ba buổi nhạc hoà tấu, nhạc giao hưởng dù đa số cũng chỉ là những buổi nhạc có lời nay được trình diễn với ca sĩ hạng nhất và với nhạc trưởng mặc áo đuôi tôm điều khiển trên dưới 100 ca viên nam nữ giỏi ca, nhạc công Mỹ, Việt giỏi nhạc.
Về nhạc trưởng thì trước đây có thêm Trần Chúc, hoạt động rất hăng say với ban NGÀN KHƠI, và trong những năm gần đây thì thấy có Thomas Ngô xuất hiện để điều khiển vài ban nhạc thính phòng. Về nội dung trình diễn thì loại nhạc không lời mà các vị này cho biểu diễn thì khá vắng bóng, đa số chỉ là chương trình ca nhạc gồm những ca khúc xưa hay ca khúc bây giờ có thêm phần hoà âm, phối khí theo trường phái neo-classique.
Thời Hải Ngoại
Chương Hai mươi bốn
Bây giờ là tháng 6, năm 1992. Tôi soạn Thiền Ca.
Nói tới thiền thì ai cũng đều biết thiền là vô ngôn. Vậy tại sao lại cần đến thiền ca nhỉ ? Tôi xin thưa ngay : Bởi vì bản thân tôi hãy còn đang rảo bước trên con đường trở về cõi tâm và trước khi tới đích là vô ngôn thì phải hát lên.
Nếu tôi không lầm thì người ta đã dùng nhiều phương tiện (hay phương pháp) để đạt tới thiền. Nào là ngồi thiền, thở thiền, nằm thiền, đi thiền... Trải qua bao niên kỷ, Thiền đã đi vào đời sống của nhiều dân tộc dưới nhiều dạng : Thiền của Bồ Đề Đạt Ma là Võ Thiếu Lâm, võ Thái Cực Quyền. Tổ sư Huệ Năng giã gạo, bửa củi để vào thiền. Người Nhật Bản coi việc pha trà, cắm hoa là hành thiền. Gần đây Thiền sư Nhất Hạnh còn đem thiền vào việc thức dậy, quơ giép, mở cửa sổ, vặn nước, rửa mặt, rửa tay chân, v.v. Nghĩa là con đường vào thiền có rất nhiều phương tiện. Phương tiện của tôi là hát lên mười khúc thiền ca.
Đó là lý do vì sao tôi soạn thiền ca như trước đây, 1972... tôi đã soạn đạo ca, phổ thơ Phạm Thiên Thư.
Thế nhưng, tại sao đạo ca ? Là bởi vì vào lúc đó, chiến tranh, hận thù, chia rẽ và ly tán, đã làm cho đạo lý của con người suy đồi. Đạo Ca có thể là loại ca khúc để chúng ta cùng nhau xét lại đạo sống Việt Nam.
Niềm hạnh phúc của tôi bây giờ là vào lúc tuổi đã về chiều mà vẫn có thêm một chút hành trang mới, để làm nốt cuộc hành trình khá dài và khá nhiều gian truân. Tôi đã được cùng đồng bào vinh quang đi trên những nẻo đường kháng chiến, rồi cùng nhau chua xót đi giữa hai lằn đạn trên con đường cái quan bị cắt làm hai mảnh. Tôi đã được cùng các bạn yêu nhạc say đắm đi trên con đường tình chan chứa yêu thương. Tôi và các bạn cũng đã bị lôi cuốn đi trên con đường hận thù xiết bao buồn bã. Rồi những năm qua, trên con đường khốn khổ lưu vong, tôi vẫn còn được cùng đi với gần hai triệu đồng hương. Hôm nay đây, trên một con đường hoàn toàn mới mẻ, con đường trở về cõi tâm bằng những thiền ca, tôi âu yếm kính mời các bạn cùng tôi cất bước lên đường.
Trước hết, tôi xin phép được nói về những yếu tố làm nên kết quả đạo ca, rong ca, thiền ca của tôi.
Lúc còn nhỏ, vì mẹ tôi là một Phật tử thuần thành cho nên tôi đã được theo mẹ đi tới các nơi lễ bái nổi tiếng như Chùa Thầy, Chùa Hương, đền Sòng Phố Cát... Tôi biết tụng kinh, chẳng hạn Kinh Dược Sư : Lư hương xạ nhiệt, pháp giới mông huân, chư Phật hải hội tất diêu văn, tùy xứ kiết tường văn, thành ý phương ân, chư Phật hiện toàn thân... Tôi cũng thuộc ít nhiều câu Kinh Bát Nhã : Xá Lợi Tử, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị... Thuộc làu kinh kệ nhưng tôi chẳng hiểu gì hết !
Về sau tôi mới hiểu nghĩa của câu tụng là : Lư hương vừa dốt, cõi pháp thơm bay, chư Phật bốn biển đều xa hay, thấu tâm thành này, chư Phật hiển hiện ngay... Lời kinh Bát Nhã còn cho tôi biết cõi đời là bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm... cõi sinh là vô sắc, vô thanh, vô hương, vô nhãn...
Lớn lên thì thấy những gì mình không hiểu trong Đạo dần dần được giảng giải một cách minh bạch và rất nên thơ, như :
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
(Từ Đại Hạnh - Thế kỷ XII)
Tôi hiểu được rằng : tôi với cây cỏ, côn trùng hay với núi, biển, trăng sao là một. Tôi với hòn đá cuội có liên quan với nhau trong cõi sinh. Có tôi mới có nó. Không có nó thì không có tôi. Tôi hiểu được cái tôi trong cái ta. Và cái ta trong cái tôi.
Lớn lên hơn nữa, tôi được biết những lời thơ rất thiền như sau :
Thuyền xuôi thì nước cũng xuôi
Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tư tưởng đã thay đổi rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này.
Qua những lời thơ này, tôi hiểu được cái lẽ vô thường của tạo hóa.
Thế rồi tôi trưởng thành, phanh ngực vào đời và luôn luôn bị cơn phong ba thời đại cuốn đi, ít khi có thì giờ để suy nghĩ về đạo. Nhưng cũng có những buổi chiều quê hương, tôi đi một mình trên đường quê, lòng đang nặng trĩu những nợ đời, bỗng có tiếng chuông chùa gióng lên. Tôi cảm thấy vơi đi những lo lắng, ưu tư. Hoặc có những buổi trưa, nằm trên một cái chõng tre hay trên một cái võng gai, nhìn lên trời, thấy áng mây bay và bỗng thấy mình là mây, đang bay thoát ra khỏi cõi đời đầy tục lụy. Tôi thấy được cái gọi là siêu thoát. Tôi cảm thấy mình vừa ra thoát khỏi vòng vây chật hẹp của cuộc đời. Tôi thấy tôi đang đi vào cái ta...
Nền giáo dục trong gia đình và ở nhà trường còn dạy tôi rằng trong bất cứ một người Việt Nam nào cũng có ba đạo giáo Phật, Khổng, Lão thường được gọi là tam giáo đồng nguyên. Đạo Phật dạy ta về cõi đời, đạo Khổng dạy ra sống với đời, đạo Lão dạy ta thoát đời. Trong phạm vi văn học, tam giáo đồng nguyên hiển hiện trong Truyện Thơ Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Truyện Thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, trong tập thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tập hát nói của Nguyễn Công Trứ... Và trong nghệ thuật ca diễn, tam giáo đồng nguyên đó soi sáng tất cả các loại Tuồng, Chèo, Hát Ả Đào, Hát Cải Lương...
Nói cho rõ hơn, vào cuối thế kỷ 19, tập thể Việt Nam sống trong gia đình và ngoài xã hội với tinh thần trung, hiếu, tiết nghĩa. Cá nhân Việt Nam là mẫu người từ bi, mẫu người quân tử, mẫu người phóng khoáng.
Nhưng sau khi văn hóa Âu Tây theo chân thực dân Pháp tới nước ta thì đạo lý theo đường tam giáo đồng nguyên bắt đầu suy vi. Văn minh vật chất, cá nhân chủ nghĩa dần dần làm mờ đi giá trị của đạo lý cũ. Rồi tới khi lịch sử nước ta đi tới khúc quanh 1945 thì một đạo lý khác tới, mới đầu là sự cần thiết để giải phóng dân tộc, rồi sau 50 năm ngự trị trong đời sống Việt Nam, đạo lý đó rõ ràng là đạo lý của sức mạnh.
Ngay từ năm 1945 đó, dù rất đồng ý với việc người Việt Nam cần phải có sức mạnh để làm cuộc kháng chiến chống xâm lăng nhưng có lẽ vì tinh thần tam giáo vẫn còn tồn tại trong tôi cho nên tôi không hề suy tôn đạo lý bạo lực đó. Đầu mùa kháng chiến, khi mọi người đang khởi sự phải sống theo đạo lý thề phanh thây uống máu quân thù thì tôi soạn một bài ca nhan đề Thu Chiến Trường, vừa xưng tụng chiến đấu, vừa xưng tụng hòa bình :
Thu ơi Thu ! Ta vỗ súng ca
Ca cho đời, cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái Hòa cho muôn chúng ta!
(Kháng chiến Nam Bộ 1946)
Thế rồi ngay trong lúc đang say mê với nhạc chiến đấu, đứng bên chiếc cầu sắt ở Lào Kai, tôi bỗng nhìn thấy cái chật hẹp của biên cương. Vào lúc mới ngoài 20 tuổi, tôi soạn bài Bên Cầu Biên Giới :
Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi.
Sông nước xa xôi
Mây núi khắp nơi không tỏ một đôi lời !
. . . . . . . .
Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mải
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới
Đời tôi sao vẫn ngừng nơi đây...
Thì ra không phải tôi chỉ nói tới cái biên giới giữa hai nước Hoa Việt ngăn không cho tôi tới sống bên người đẹp Tô Châu hay chết bên bờ sông Danube. Đứng ở Lào Kai, tôi bỗng nhìn thấy biên giới trong cuộc đời và trong lòng mình. Đó là biên giới giữa khoảnh khắc và thiên thu, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa tình yêu và hận thù...
Đi sâu vào kháng chiến, trong khi đa số các bài ca chỉ xưng tụng người chiến sĩ ngoài tiền tuyến thì tôi hay nhắc tới người hậu phương, ví dụ trong bài Nhớ Người Ra Đi :
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già...
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền...
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ...
(Thái Nguyên 1947)
Trong những năm chiến tranh, tình người luôn luôn được tôi xưng tụng qua những hình ảnh : cô con gái giặt yếm bên bờ sông Lô, cô nàng về để suối tương tư ... hay cô nàng về quẩy gánh trên vai nơi nương chiều Việt Bắc... những cô gánh gạo, gánh lúa ở Thanh Hóa... hay những o nghèo thở dài ở Quảng Bình, Quảng Trị... Ngoài tinh thần điều hợp con người và xã hội của Khổng Giáo, trong một hoàn cảnh bi thảm nhất của cuộc chiến, tôi đưa ra một câu hát có khả năng cứu khổ của Phật Giáo trong bài Bà Mẹ Gio Linh (1948) :
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy...
Người mẹ này, một hôm đang tưới nước trồng rau bỗng nghe tin xóm làng kêu gào :
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu...
Giặc Pháp bêu đầu con giữa chợ. Không ai dám tới lấy cái đầu lâu đó. Bà mẹ đành...
...nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa reo...
Trong thực tế, tại Quận Gio Linh vào năm 1948 này, với chủ trương vườn không nhà trống, không còn một ngôi chùa nào nữa. Vậy mà tôi đã cho vào đây một tiếng chuông chùa. Tiếng chuông chùa này, về sau vẫn còn vang lên trong một bài dân ca kháng chiến khác của tôi, bản Người Về :
Mẹ ơi! Mẹ ơi! Chuông chùa nào la đà ?
Nhớ tới, nhớ tới những linh hồn vắng nhà
Một vòng hương trắng xóa
Tình nồng trong thương nhớ
Gửi người chiến sĩ chết trong xa mờ.
Hiệp định Geneve chia đôi nước ta. Với đạo lý Mác Xít, miền Bắc xây dựng một xã hội sắt máu để trị dân và để chiếu cố miền Nam. Miền Nam phải gồng mình chống đỡ. Bạo lực được cổ võ ở cả hai miền. Trong suốt 20 năm, ba bốn thế hệ thanh niên bị lùa đi làm nghĩa vụ hay đi quân dịch, bị bắt buộc phải sống cho bộ máy Nhà Nước hay cho một chủ nghĩa... ít khi được sống cho mình. Trong bài Dạ Lai Hương soạn trong năm 1952, tôi phải thốt lên những câu hát :
Đời ngon như men say tình lên phơi phới
Đẹp duyên người sống cho người !
Rồi với những tiếng kinh cầu, những lời yêu mến nhau, với tình thương nhân thế bao la... tôi tiếp tục xưng tụng tình người qua bài Xuân Thì (1953) :
Xa xa có tiếng kinh cầu
Chiều trên dương thế mang sầu mênh mông
Người đi giữa độ Xuân nồng
Nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương.
Tình thương nhân thế bao la
Yêu người năm trước đã khiến cho ta giận hờn
Và thương cây súng cô đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa...
Trong những ngày đầu tiên sống ở Saigòn, hai năm trước khi đất nước chia đôi, tôi chưa bị tình hình chính trị chi phối nên ngồi soạn một bản nhạc tâm linh. Đó là bài Lữ Hành :
Người đi trên dương gian
Thở hơi gió từ ngàn năm
Gió lung lay Hoành Sơn
Gió dâng cao Biển Đông...
Người đi trong không gian, đi trong thời gian, đi trong thiên nhiên hay đi trong nhân gian, đi trong thanh xuân hay vào lúc đã bẩy mươi tuổi đều lên đường với :
Thiên thu trong lòng này
Tương lai trong bàn tay...
Tôi cũng cho rằng người nghệ sĩ là kẻ luôn luôn đi tìm. Do đó tôi có bài Tìm Nhau. Tìm nhau là tìm người yêu hay tìm mình cũng thế. Tìm mình cũng là tìm mọi sự quanh mình, tìm thiên thu, tìm thiên nhiên... cho nên :
Tìm nhau trong hoa nở, tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ.
Tìm nhau khi nắng đổ, tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ.
Đối với tôi, đã quyết định đi tìm người, tìm mình, tìm thiên thu, tìm thiên nhiên thì phải gặp :
Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông
Trong 20 năm Nam Bắc phân tranh này, với đạo lý Phật, Lão, Khổng luôn luôn sáng tỏ trong lòng, tôi mong mỏi thống nhất đất nước và lòng người qua Trường Ca Con Đường Cái Quan trước khi vinh danh tình yêu thương qua Trường Ca Mẹ Việt Nam. Trong cả hai trường ca này, tiếng kinh cầu, tiếng chuông chiều vẫn tiếp tục vang lên.
Tới khi chiến tranh và hận thù đi tới chỗ khốc liệt nhất, tôi soạn mười bài tâm ca (1966) :
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
. . . . . . . . . .
Giọt mưa trên lá
Bóng dáng Phật về
Xoa vết thương trần thế...
Trong tâm ca, ngoài tinh thần cứu khổ của Phật giáo, tôi còn đưa thêm lòng nhân ái của Kitô giáo vào đạo sống của tôi :
Giọt mưa trên lá
Tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời
Xin đóng đanh vì người...
Tất cả những câu hát lẻ loi hướng về tâm linh đó ẩn hiện trong những bản nhạc đời của tôi mà tôi vừa kiểm điểm để mời bạn đọc, đã sửa soạn cho tôi đi thẳng vào nhạc đạo khi tôi gặp một tu sĩ kiêm thi sĩ là Phạm Thiên Thư để soạn ra mười bài đạo ca trong năm 1972.
Đạo Ca ra đời sau Tết Mậu Thân và trong Mùa Hè Đỏ Lửa, nghĩa là trong thời gian chúng tôi nghe thấy tiếng rên siết trong khổ đau của dân tộc qua bài Quán Thế Âm , nó là sự quỳ gối trước Phật Đài với bài Quy Y. Nó là giọt chuông Cam Lộ, nó là chiếc gậy của thiền sư Vạn Hạnh, xuống núi cứu nguy cho đời... Đạo ca Pháp Thân thì nói tới cái tôi trong cái ta, cái ta trong cái tôi mà tôi đã được giác ngộ từ khi còn nhỏ. Đạo ca Đại Nguyện nhấn mạnh tới câu thương người như thể thương thân trong Gia Huấn Ca. Đạo Ca Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng đưa ra hình ảnh một dũng sĩ cưỡi ngựa vàng đi tìm người yêu muôn thuở. Đi hết năm tháng đi khắp mọi nơi, đi cho tới khi áo bào đã sờn rách, ngựa vàng đã đổi lông mà vẫn không tìm ra người yêu lý tưởng. Thế rồi một ngày kia, dũng sĩ dừng chân xuống ngựa trên cái cầu bắc qua con sông đang gầm sóng, ngựa vàng bỗng hóa thành người đẹp mà dũng sĩ ra công đi tìm. Thì ra, đã từ lâu, dũng sĩ ngồi lên sự thật mà không biết !
Tuy nhiên, Đạo Ca nói lên sự vất vả của dũng sĩ phóng ngựa đi tìm đường sự thật hay nói lên thống khổ của một bà mẹ... là vẫn còn nằm trong vòng tục lụy. Nhạc điệu, lời thơ còn đánh vào tình cảm hay lý trí con người.
Thiền ca thì khác ! Nó không gợi cảm, không gợi nhớ. Nó không còn làm cho người nghe vui buồn, thương hận. Nó chủ yếu làm cho cái tâm chuyên chú vào một cảnh giới hay một sự kiện nào đó. Nó nhắm vào việc đưa con người từ cõi phiền não cũ kỹ tới những cảnh sắc tươi sáng, mới mẻ. Những cái thường tình như vui khổ, giầu nghèo, mê ngộ, thiện ác được siêu việt hết, đều trở thành vô thường. Thiền ca giúp người nghe biểu dương sự sống làm chủ ý muốn của mình.
Tôi đã tâm sự với các bạn là ta chỉ cần một tiếng chuông chiều, một áng mây bay để giúp ta siêu thoát. Thế nhưng trong cuộc đời này, ai là người có đầy đủ thì giờ và tâm trạng để ngồi chờ tiếng chuông chiều, áng mây trưa. Chỉ có các cụ ông ngày xưa, trong thời bình và luôn luôn thất nghiệp (jobless) và được các cụ bà nuôi thì mới có thể khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên... Vả lại, tiếng chuông hay áng mây, nếu có tới với ta thì cũng không ở với ta lâu. Thoáng tới, thoáng đi... Mười bài thiền ca, cho vào compact disc với âm thanh ngàn đời không hư, ai muốn nghe lúc nào cũng được, khỏi cần nhờ tới thiên nhiên.
Bây giờ là chuyện Thiền Ca.
Tháng Sáu, năm 1992, tôi đi hát ở Boston. Vì từ nơi cực Đông của Hoa Kỳ qua Pháp không xa lắm, tôi đi Paris chơi một tuần. Bỗng nhiên, tôi có một ngày chủ nhật đi lang thang một mình trong thành phố để gậm nhấm rồi hoá giải một nỗi buồn. Trong dĩ vãng, mỗi khi gặp phải chuyện buồn, tôi đều phản ứng như vậy.
Ít lâu nay, trong cuộc đời về già không dễ dàng tung hoành như trước nữa, tôi luôn luôn bị vài nỗi buồn ám ảnh : Buồn vì đang sắp sửa phải kết liễu một chuyện tình, buồn vì sức khoẻ mỗi ngày một giảm sút, buồn vì tình hình dân chúng - tôi cảm thấy - ở hải ngoại cũng như ở trong nước không còn thiết tha với người nghệ sĩ nữa, v.v...
Thế nhưng, trong một buổi sáng lãng đãng đi một mình giữa Paris nắng rực và vắng vẻ này, tôi lại đánh đuổi được sự dằn vặt trong tôi. Một lần nữa - sau Đạo Ca, Rong Ca - tôi bỏ rơi con đường nhạc đời để tìm về nhạc đạo. Tôi lại tìm thấy an ủi trong siêu nhiên. Trong một đêm (16-6-1992) tôi hoàn thành 10 bài hát - tôi muốn được gọi là - Thiền Ca.
Soạn ra những bài ca thoát tục, trước hết tôi tạ từ một người tình. Sau nữa tôi thể hiện giấc mơ soạn thiền ca mà tôi nuôi nấng khi đi hát mới đây ở Nhật Bản. Chưa kể việc tôi muốn trả ơn một bạn yêu nhạc ở Saigon (Phạm Phú Lợi) gần đây (1990) có một bài viết đăng trên báo PH‡T GIÁO ấn hành ở Los Angeles, nhìn tôi là một bồ tát đọa, vì cứ sống lửng lơ giữa đạo và đời và vì nhân quả chẳng bao giờ tròn nên cứ đành phải tái sinh muôn kiếp.
Tôi trở về Boston để làm nốt công việc ca diễn và tu chỉnh MƯ–I BÀI THI‹N CA. Trong ba ngày đêm, tôi ở trong nhà một người ngẫu nhiên là người em vì có chút liên hệ gia đình là Thầy Giác Đức. Vốn là kẻ không bao giờ đọc kỹ một cuốn kinh hay một cuốn sách về Thiền, tôi đọc lời ca cho Thầy nghe, và đã làm Thầy mất ngủ ba đêm.
Trở về thị trấn giữa đàng, Mười Bài Thiền Ca được thu thanh ngay với phần phóng tác về hoà âm của Duy Cường và với giọng ca Thái Hiền. Có khá nhiều bạn bè thân thương viết về những bài Thiền Ca, được gọi thêm là Hát Trên Đường Về. Thiền Ca được phát hành vào mùa Thu 1992 là nhạc tâm linh (spiritual) với phần nhạc nhiều hơn phần lời, nhạc đi vào vô thể (atonic), không gợi nhớ, gợi cảm mà gợi hứng. Sau khi Thiền Ca được phát hành, bà Thuỵ Khuê có viết một bài nhan đề : Phạm Duy Trên Đăng Trình Đến Vô Cực, đăng trên nguyệt san HỢP LƯU và trong cuốn SÓNG TỪ TRƯỜNG (nxb Văn Nghệ, California - USA). Bài viết như sau :
"Đạo Ca và Thiền Ca, hai cái tên có tính cách song song nhưng không đồng nhất, được sáng tác trong hai bối cảnh dị biệt, cách nhau hai mươi năm. Với hai Phạm Duy khác nhau.
"Đạo Ca và Thiền Ca gần nhau vì hai tác phẩm cao về giá trị mỹ quan, khó về thẩm thức và lựa chọn thính giả. Cả hai đều đi ra ngoài hành trình âm nhạc đại chúng của Phạm Duy. Không có những yếu tố cận nhân tình như : quê hương, ca dao, dân tộc... Đạo Ca mở đường và Thiền Ca kết thúc cuộc hành trình tìm đạo của một kẻ ngoại đạo.
"Trong vòng tử sinh của kiếp người trầm luân trong bể khổ, Đạo Ca cất lên lời huyền diệu thiết tha, đưa ta vào chặng đầu của giáo lý nhà Phật. Nhạc Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư, giọng hát thiên sứ Thái Thanh hướng dẫn chúng sinh - từ cõi vô minh - lắng nghe số kiếp trầm luân của chính mình mà vượt trùng luân hồi, tìm về bến giác như một cứu cánh :
Xưa em là kiếp chim, chết mục trên đường nhỏ
Anh là cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở...
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa
Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi chim hót ca...
"Nhạc Phạm Duy trong Đạo Ca thanh thoát và siêu thoát, gần gũi tâm hồn một thiền sư tuy đã gột rửa lòng trần nhưng vẫn còn tha thiết ngoái lại dĩ vãng với luyến tiếc và u hoài. Âm hưởng gieo cho người nghe là âm hưởng tìm thấy trong những bài thánh ca - thanh khiết và từ bi - bên đời cũng như bên đạo. Giọng hát pha lê Thái Thanh cất lên như một nguyện cầu, vút cao, thăm thẳm và thánh thiện chỉ bảo con người cư xử với nhau trong đạo đức và nhân ái :
Thương người như thương mình
Thương người như thương thân.
"Đạo Ca là hình thức giáo lý cơ bản và sơ đẳng tìm thấy trong kinh điển chính thống của đạo Phật. Là phật pháp hiểu theo nghĩa đại chúng : hành thiện để kiếp sau khá hơn kiếp trước, vì :
Sinh tử vẫn còn đây
Đời này qua đời nọ
Tử sinh vẫn còn kia...
"Phạm Duy và Phạm Thiên Thư đã thơ mộng hoá kinh điển nhà Phật : đem tình yêu vào đất thánh. Nhưng hồn của Đạo Ca mới chỉ là hồn bướm mơ tiên, là tình yêu chưa bước vào vườn địa đàng đã thoáng nghe tiếng chầy kình của thiền sư Không Lộ mà giật mình tỉnh ngộ quay về với đạo lý. Tình yêu trong Đạo Ca là thứ tình nửa chừng xuân: tình yêu đã diệt dục. Đạo Ca thuộc về đạo, là ý thức muốn giác ngộ, đang tìm đường giác ngộ, nhưng mới đi được nửa đường. Bản Đạo Ca TÂM XUÂN kết thúc cuộc hành hương bên bờ nghi vấn :
Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Tâm ?
Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Không ?
"Thiền Ca, hai mươi năm sau, Phạm Duy hoàn toàn phá giới, bước ra ngoài vòng đạo lý, an nhiên trong tự tại, không còn tìm kiếm, không cần tìm kiếm, vì đã thấy chính mình. Phạm Duy trong Thiền Ca xác định nội dung giác ngộ, qua tự giác, bằng chính sự sống. Thiền Ca thuộc về đời. Thiền Ca là Sinh ca, là Tình ca, xa và cao hơn Đạo Ca trong triết lý. Thiền Ca thể hiện bến giác cho nên Thiền Ca gần người mà cũng rất xa người..."
Mười Bài Thiền Ca được bà Thụy Khuê giới thiệu rất kỹ lưỡng như sau :
" Bước vào Thiền Ca là một thinh không vô tận, vang trong thang âm mà chúng tôi tạm gọi là gian âm : âm nhạc trong không gian và âm nhạc trong thời gian. Hoà âm của Duy Cường ở đây là một thử nghiệm : nghiệm âm. Âm nhạc, bình thường chỉ là nghệ thuật âm thanh dội lên trong một khoảnh khắc thời gian nhất định. Nhưng ở đây, Duy Cường đã tạo được chiều dày thứ hai : chiều dày không gian.
Rồi từ đó biến tiết, tạo thêm các chiều khác : dương gian, nhân gian... khiến cõi thinh không của Phạm Duy dày thêm, sâu thêm, biền biệt, trở thành vô cùng vô tận...
"Cõi thinh không ấy, do đó, không chỉ là một không gian thuần túy mà còn là cõi không sinh động, cõi không đầy ắp sinh trùng, những vi bản của đời sống. Giữa không gian sinh động ấy, trong bài Thiền Ca mới mở đầu, giọng ca Thái Hiền, xuất thần, cất lên, mê hoặc, quyến rũ người nghe từ lúc nhập thiền :
Thinh Không
Trống trải mênh mông
Rộng rãi vô cùng... . . . . . . .
Tất cả là tôi
Mà cũng là chung...
"Bản chất thiền lộ ra rõ hơn khi ý thức vô ngã từ từ xâm nhập thinh không âm nhạc : tất cả là tôi mà cũng là chung. Về phần nhạc, Pham Duy cống hiến cho người nghe một vũ trụ âm thanh mới lạ, khác xa với những tiết điệu mà chúng ta quen nghe từ trước tới giờ. Phần nghiệm âm của Duy Cường đưa thính giả vào một thế giới giàu âm sắc. Cái thinh không đầy ắp sinh trùng ấy là một vũ trụ hành tinh có hai dòng sữa tình yêu đồng quy ở một điểm tạo ra sự sống. Rồi cái vũ trụ hành tinh ấy cũng chỉ là hư vô, hư ảo.
"Nguyên lý của cuộc đời tiềm ẩn trong tiếng võng. Tiếng võng đưa nằm trong tiềm thức chúng ta từ thuở ấu thời. Đến tuổi hoàng hôn, người nghệ sĩ tóc trắng gẫm lại, thấy cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận, núi đợi, vực chờ, niềm vui, nỗi khổ... THI‹N CA 2 nằm trong cấu trúc tiếng võng xa xưa: chao đảo giữa đôi bề tương đối. Nhưng chính cảm giác đu đưa ấy cũng chỉ là ngoại tưởng. Cập bến giác rồi thì ở đâu, tâm cũng lặng, tâm không đu đưa : Tôi nằm đó... nằm im mọi chỗ. Sự trùng hợp tiếng võng mẹ ru với nguyên lý tương đối là một thực chất hiện sinh trong cuộc sống và hiện diện trong Phạm Duy con người và tác phẩm. Nhạc sĩ linh cảm và sống điều đó từ thuở ấu thời, chìm trong tiềm thức, rồi một chiều nao, nằm trên chiếc võng đưa, trưa hè, tại Thị Trấn Giữa Đàng, Phạm Duy thấy tất cả. Đột xuất và trực ngộ. Thế là Thiền. Không cần giải thích. Những ''nhời bàn'' ở đây chỉ là một cách se sua, hoa lá cành, cho vui, vậy thôi.
Tôi nằm võng đưa võng đưa
Tôi nằm đó nằm im mọi chỗ...
"Thiền Ca 3, THŠ THÔI nói về những yếu tố chính của cuộc đời như tình yêu, khổ đau và cái đẹp đều chênh vênh. Cho nên lúc nào thấy hạnh phúc thì hưởng ngay hạnh phúc. Đừng chờ đợi, đừng đòi hỏi.
Một cuộc đời
Ừ, chỉ cần thế thôi.
"Hạnh phúc là một loài hoa không tên, không sắc không hương, mà như lòng tôi lộng lẫy thơm lừng toả ra bốn hướng. Nhạc ở đây mời gọi dịu dàng đắm say, mê hoặc. Nhạc toả mùi hương và tiếng hát Thái Hiền đã đem vào thính thị cả bốn trùng dương quyến rũ trong Thiền Ca 4, KHÔNG TÊN :
Một loài hoa không tên
Không sắc không hương
Mà như lòng tôi
Lộng lẫy thơm lừng
Toả ra bốn hướng...
"Nếu tình yêu đó mở cửa cho Phạm Duy bước vào vô tận từ thuở LỮ HÀNH thì đến THIỀN CA, bản chất vô ngã của tình yêu mới được Phạm Duy trải ra tới nguồn cội. THIỀN CA 5 mang tên XUÂN. Xuân là mùa Xuân, Xuân cũng có thể là tên một người, nhưng đây Xuân là Tình yêu. Khi hát câu người người hung dữ, trừ tôi, chớ tưởng ''tôi'' là Phạm Duy. Không, tôi đây là Xuân, Tôi đây là : Xuân con bướm hút nhụy xuân tình, là gió xuân hồng, là cơn xuân vũ, là ý thơ nồng trang giấy xuân thư... Phạm Duy giải thích về nhạc lý : nhạc ban ngày, mở đầu là những nét roi, nhát chém của cuộc đời. Rồi là những lời vãn ca. Rồi nhạc trở nên mặn mà, tha thiết... Đối với người nghe thì ở đây bản chất vô ngã hay sự tan loãng của con người trong nhau - mất đi trong nhau - đã được cất lên dịu dàng qua giọng hát Thái Hiền băng trinh : Tôi là tôi, tôi cũng là em, em là tôi, em cũng là anh... Và không phải ai cũng thấy được những ''mất mát'' đó. Phạm Duy xưng tụng tình yêu từ hơn nửa thế kỷ nay, sáng tác những bản tình ca tha thiết nhất cho nhiều thế hệ yêu đương. Nhưng chỉ trong THIỀN CA, Phạm Duy mới thấy đến tận cùng bản chất tình yêu. Sự trực nhận ấy là thiền, là sức mạnh của sự sống.
"THIỀN CA 6, CHIỀU đẩy đưa sức mạnh ấy vào cuộc tình mà ngôn ngữ bình thường gọi là sóng tình. Sóng tình được thể hiện trên một âm điệu trữ tình, âm hao ả rập, mang nét dục tính. Sóng tình ở đây không ẩm ướt, cô đọng và mong manh. Chợt đến - đột xuất - và cũng chợt đi như chưa từng hiện hữu : Ta chưa ôm em thì mất em...
"THIỀN CA 7, NGƯỜI TÌNH. Phạm Duy tổng kết đời tình, quan niệm và bản chất yêu đương của chính mình : vừa chung tình, vừa đa tình.
"THIỀN CA 8 mang tên RĂN, mở rộng tình yêu sang tình đời : ăn, chơi; sống, chết; yêu, ghét; khóc, cười; nhớ, quên... những yếu tố bao trùm tất cả nổi trôi của kiếp người. Niềm lạc quan của Phạm Duy với cuộc đời được thể hiện qua tiếng nhạc mà Phạm Duy gọi là nhạc cười. - đây mới thật là an nhiên, tự tại. Tiếng nhạc, lời ca đơn giản tối độ, tối đa : Ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay... không có triết lý. Không cần triết lý. Sống và hát được như vậy đã là đời rồi, là đã đời rồi. Là cõi giác đấy !
"Nếu cõi đời là cõi tạm thì dại gì chúng ta không đi chơi cõi khác : Phạm Duy rong ca nơi thiên đàng và địa ngục trong THIỀN CA 9, thì mới hay thiên đường kia cũng tối om và tưởng địa ngục đen, ngục sáng hơn đèn. THIỀN CA 9 phá vỡ ảo tưởng : tốt-xấu, trắng-đen, thiên đàng-địa ngục. Vì tất cả chỉ là tương đối. Bản chất con người đu đưa giữa hai bờ đen-trắng. Vậy phân biệt làm chi ? Hình ảnh Thượng Đế bên cạnh thiếu nữ khoả thân có thể cảm nhận thế nào cũng được nhưng nó chứng minh không có thánh thần, Thượng Đế chỉ là người với những yêu thương, khát vọng thầm kín nhất.
"THIỀN CA NHÂN QUẢ kết thúc cuộc đăng trình bằng một vòng tròn, tròn như viên đạn, tròn như trái đất, tròn vòng vũ trụ, vòng tử sinh, vòng luân hồi, vòng tay ôm ấp, vòng thai bụng mẹ... nhạc tha nhân.
Tròn như viên đạn đồng đen
Đã khô vết máu quên miền chiến tranh.
"Từ viên đạn đồng, công cụ của chiến tranh, một thứ tay sai chuyên nghề sản xuất những vũng lầy xương máu, Phạm Duy đã vê vết máu bọc đạn, sấy khô những đau thương, cô lại thành hạt bụi. Hạt bụi tái sinh thành trái tim trên một trần gian yên lành, yêu thương, tha thứ."
Thụy Khuê, Paris - 20/6/93
Từ khi còn bé và cảm thấy cuộc đời là tù túng, rồi có lúc chợt thấy le lói ở xa xa, một con đường giải thoát cho mình... tôi vẫn cho rằng có nhiều con đường để đi tới cõi thiền. Nay thì tôi xin đuợc trân trọng cám ơn chị Thụy Khuê đã cho tôi biết rõ hơn về hành trình của một kẻ đi vào thiền. Tôi xin được nói thêm vài điều :
Thiền Ca được phát hành vào mùa Thu 1992 là nhạc tâm linh (spiritual) với phần nhạc nhiều hơn phần lời, nhạc đi vào vô thể (atonic), không gợi nhớ, gợi cảm mà gợi hứng. Sở dĩ tôi đã dám soạn thiền ca là vì tôi đã đi tìm đọc thơ Thiền của những người trong những thế kỷ trước và của những bạn văn cùng sống một thời đại với tôi, để thấy được những con đường đi tìm cõi vô thường bằng thi ca. Nghĩa là trước và cùng với tôi, đã có thiền ca, đã có những bài thơ Thiền của nhiều thi sĩ dắt chúng ta đi sâu vào cõi tâm linh.
Hơn nữa, đồng thời với tôi có Hoàng Quốc Bảo mà tôi đã nói trong một chương đầu của Hồi Ký này, cũng đã đi vào cái gọi là ''nhạc thiền'' như tôi, với ba chương trình ca nhạc đặc sắc nhan đề Tịnh Tâm Khúc, Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không, Tình Sầu Vô Lượng với nhiều ca khúc như Chốn Bụi, Thanh Xuân Đánh Giấc Ngậm Ngùi, Tịnh Mặc Nét Ai Cười, Thuở Theo Nhau, Hồ Như, Tháng Ngày Gió Xoá, Tango Xanh. Người Về Như Bụi, Quán Lạ, Rừng Thu Illinois Ta Nhớ Em, Lên Non Quảy Mộng, Cuối Trời Mây Trắng Bay... mà tôi chưa có thể làm cuộc phân tích kỹ càng trong sách này hay trong chương trình radio cho Đài BBC được.
Bây giờ chỉ xin được đan kể những bài thơ Thiền đã dạy tôi về... thiền.
Từ thế kỷ XI, Mãn Giác thiền sư đã có một bài thơ rất vô thường mà Ngô Tất Tố đã dịch :
Xuân ruổi, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng Xuân tàn, hoa rụng hết
Đêm qua sân trước, một cành mai...
Vào thế kỷ XII, thiền sư Đạo Hạnh có thêm một bài thơ về cái có, cái không, qua bản dịch của Sư Huyền Quang, thế kỷ XIII (đã nói tới trong đoạn trước và có thêm hai câu nữa) :
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Vầng trăng vằng vặc in sông
Chắc chi có có không không mơ màng...
Mạc Đĩnh Chi, vào lúc sinh thời (1284-1361) cũng có những câu thơ nói về cái không, cái có (Huệ Chi dịch) :
Trời xanh một cụm mây
Lò hồng một giọt tuyết
Vườn ngự một cành hoa
Cung Quảng một vừng nguyệt
Ôi ! Tuyết chảy, mây bay, hoa tàn, trăng khuyết...
Có khá nhiều những bài thơ về cõi đời hay về cuộc đời, mà tôi tin rằng, ở một quốc gia luôn luôn náo động như Việt Nam, những câu giảng đó đã đóng góp vào việc giữ vững tâm linh của dân tộc ta.
Như bài TÂM KHÔNG của Viên Chiêu chẳng hạn, qua lời dịch của Ngô Tất Tố :
Thân như tưòng vách đã lung lay
Lật đật người đời những sót thay
Nếu được lòng không, không tướng sắc
Sắc không ẩn hiện mặc vần soay...
Trong thế kỷ này, cũng có một bài thơ thiền ngắn mà người ta cho là của Khái Hưng (đã nói tới trong đoạn trước nhưng hơi khác một chút) :
Thuyền trôi thì nước cũng trôi
Làn mây trắng bạc trên trời vẫn bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tư tưởng đã thay đổi rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này...
Và những câu thơ của Nguyễn Du :
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
hay của Hàn Mặc Tử :
Chàng ơi ! Chàng ơi ! sự lạ đêm qua
Mùa Xuân đến mà không ai biết cả !
thường làm tôi rất bâng khuâng...
Trên đây là dịp tốt để tôi vinh danh các thi nhân đã ảnh hưởng đến tôi để soạn ra những bài hát tâm linh như : Mười Bài Tâm Ca, Mười Bài Rong Ca, Mười Bài Đạo Ca, Mười Bài Thiền Ca...
Hiện nay, tôi vẫn còn đi tìm trong cõi thơ những bài thơ thiền để nuôi dưỡng tâm linh. Tôi tìm đọc loại thơ phá chấp để thong dong đi vào cõi bình thường... như thơ của thi sĩ biệt danh Sao Trên Rừng tức Nguyễn Đức Sơn :
Ngày mai núi cũ tôi về
Dĩ nhiên hạnh phúc tràn trề em ơi.
Thơ bay tự cổ ngút trời
Quanh năm bảo đảm tuyệt vời nước mây.
Cớ sao đãng tử bực thầy
Hỏi ra từ đá tới cây lắc đầu...
. . . . . .
Đêm qua nằm mộng tới em
Sớm mai thức giấc lại thèm sân si.
... hay thơ của Trần Mạnh Hảo :
Thành Phật phải sát Phật
Gốc bồ đề một mình
Người nhập cùng tạo vật
Diệt diệt mà sinh sinh.
. . . . . .
- ngoài vòng sinh tử
Cọng cỏ cũng Phật mà
Ngộ rồi là chưa ngộ
Phật Phật mà ta ta...
Gần đây nhất là bài thơ Lập Nghiêm của Ngô Đình Vận (1993), tặng tôi sau khi tôi viết Thiền Ca :
Em lập nghiêm coi mình là đá
Ta chửi thề em đã ngứa gan
Lời lỗ mãng từ căn khoan đại
Phá chấp mê mở ngục đoan nghiêm
Ta tặng em đôi cánh thần tiên
Đưa chân tánh bay lên bát ngát
Ta là đất và em yêu là cát
Xin bình thường giữa chốn trần gian.
Tôi trộm nghĩ, kể từ 1975 cho tới năm 2000, đạo lý Việt Nam vẫn chưa được hoàn toàn khôi phục cho dù cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Cả một dân tộc bị chìm đắm vào đạo lý sức mạnh đang lúng túng đi tìm một cuộc sống chung hoà bình. Giải pháp chính trị sẽ không bao giờ đạt được nếu không dựa vào đạo lý. Thiền Ca với phụ đề Hát Trên Đường Về ra đời để hi vọng mọi người Việt Nam trở về với ba đạo gốc.
Hát trên đường về không hẳn chỉ là trở về với quê hương, tổ quốc, với đồng bào ruột thịt hay với đạo lý Việt Nam... mà còn là sự trở về cõi TÂM sau khi bị tha hoá đã từ lâu. Thiền Ca cũng còn là sự trở về với cái CHUNG nữa. Con người sống là phải cùng chia sẻ môi sinh với cỏ cây, muông thú, sông núi, trăng sao...phải sống chung cả với thiên nhiên và vũ trụ.
Thời Hải Ngoại
Chương Hai mươi lăm
Tiếp tục soạn nhạc tâm linh và nhạc đa điệu, tôi tìm về thơ Hàn Mặc Tử mà tính chất tôn giáo đã ám ảnh tôi từ ngày tôi còn rất trẻ. Và khi phổ nhạc thơ Người, tôi không ngờ cuộc đời của thi sĩ lại phản chiếu nước tôi như thế...
Trường Ca Hàn Mặc Tử ra đời vào cuối năm 1993 là nhạc siêu thực (surréalist) rất phù hợp với hồn thơ của thi sĩ. Trường ca này mở đầu với sự an bình dưới thế và sự thanh bình trên nước Việt yêu quý của chúng ta, đồng thời cũng là niềm hạnh phúc của một nhà thơ trẻ. Từ sân nhà hay đồi quê, trong mây bay hay dòng nước, nơi bờ liễu hay cành lê, trong im lìm hay qua tiếng động, lúc nắng lên trên hàng cau hay khi trăng về nơi thuyền neo bến, dưới đáy nước hồ reo hay trên đồi thông gió thổi... và nhất là trong Tình Yêu, tất cả đều là cao cả, thiêng liêng.
Trường ca tiếp tục và nói lên sự đau thương đến tột cùng của thi sĩ khi bị bệnh hủi, ám chỉ tới sự đổ vỡ của một nước Việt Nam trong chiến tranh và hận thù. Cuối cùng, trường ca là sự siêu thăng của hành trình thơ Hàn Mặc Tử từ tập Gái Quê qua tập Đau Thương tới tập Xuân Như Ý. Cũng không khác gì một nước Việt Nam đang an lành bỗng lâm vào cảnh điên loạn rồi sẽ phải được siêu thăng.
Về hình thức, nhạc kháng chiến của tôi là hiện thực và trữ tình (Nương Chiều, Gảnh Lúa). Nhạc tình của tôi là cảm tính, đôi khi là nhục tính (Cỏ Hồng). Tôi đi vào ấn tượng với Chiều Về Trên Sông, mon men tới siêu thực khi đả động tới cái chết trong Đường Chiều Lá Rụng... Trường Ca Con Đường Cái Quan là tả thực, Mẹ Việt Nam là tượng trưng, Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ là ẩn dụ. Mười bài rong ca với Người Tình Già Trên Đầu Non đi vào vũ trụ là nhạc siêu nhiên. Đạo Khúc/Thiền Ca là hành trình vào cõi siêu linh. Trường Ca hay Chương Khúc Hàn Mặc Tử là nhạc siêu thực.
Tôi rất sung sướng được dùng lá thư và bài báo của hai người Việt ở London, Anh Quốc để nói về một chuyến đi lưu diễn của tôi với TRƯỜNG CA HÀN MẠC TỬ tại Âu Châu.
Nguyễn Văn Ngọc
Sương Mù London
và Âm Thanh Phạm Duy
Bầu trời vào buổi chiều thứ ba 13 tháng 12 năm 1994 như rắc những lớp bông xám xịt che phủ mặt trời, gần tối bắt đầu có mưa nhẹ, bay bay như những dòng nhạc. Tối đó là một buổi sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Việt Nam với chủ đề Nhạc Thoại Phạm Duy - Nói về Hàn Mặc Tử nhân một chuyến đi giới thiệu các tác phẩm mới của nhạc sĩ ở Châu Âu.
Tổ chức buổi gặp gỡ vào một ngày không phải cuối tuần, đồng thời là ngày mưa lạnh, thế mà những bạn bè thân hữu, những người ái mộ đã đến dự buổi nói chuyện đó. Thật hoàn toàn bất ngờ và tôi nhận được giấy mời rất gấp nhưng cũng chuẩn bị sẵn một số câu hỏi để có dịp thì sẽ nói chuyện với Nhạc sĩ Phạm Duy. Vì đó là một địa chỉ lạ, muốn đến đó phải đổi xe bus hai lần cho nên tôi đã đến sớm hơn giờ qui định 20 phút.
Mưa vẫn mưa rơi... lời của một bài hát được soạn ra như để diễn tả thời tiết London tối hôm đó. Địa điểm là một ngôi trường cổ, phải đi qua một dãy hành lang dài rồi lên tầng trên. Trong khi chờ đợi, tôi ra chỗ canteen mua một tách cafe rồi uống. Chợt mười phút sau thì cánh cửa rộng mở. Một người đầu đội chiếc mũ dạ, khoác một chiếc mantel mầu đen bước vào. Khi ngả mũ tôi mới để ý thấy mái tóc bạc như cước và khuôn mặt một người châu Á. Theo sau là mấy người nữa, trong đó có một người trung niên tay bê một cái ampli và có hỏi tôi : '' Sao đến sớm thế '' ?
Do mới biết lần đầu cho nên lịch sự xã giao tôi gật đầu đáp lễ. Người tóc bạc đó có đúng phải là Nhạc sĩ Phạm Duy không? Tôi nghi ngại bởi vì lần đầu tiên gặp mặt nên không dám chào. Điều này vào 5 phút sau tôi lên phòng ngỏ ý xin lỗi vì cũng có lý do riêng, sợ Nhạc sĩ hiểu lầm sự thất lễ của một người trẻ tuổi. Đối với nhạc Phạm Duy trước năm 75 tôi có được xem qua một số bản nhạc viết trước 1954. Đây là sự sưu tầm của nhạc sĩ Hồ Bắc là thông gia với gia đình tôi.
Trên phòng họp, ông ngồi trên một ghế dài hàng đầu dành cho khách như đang trầm tư suy nghĩ chuẩn bị cho cuộc nói chuyện sắp tới. Lúc đó ông đã cởi chiếc áo khoác đi đường và tôi thấy ông vận bộ Âu phục rất hợp với tuổi 75 của mình. Mái tóc bạc trắng, vầng trán cao, cánh mũi rộng nở cộng với đôi tai to như tai Phật đã nói lên dáng điệu của một người kỳ tài dù chưa biết là nghề gì đối với những người lưu tâm đến diện mạo. Tôi vốn là người thích coi tướng số. Vì thời gian khai mạc chẳng còn bao lâu, tôi đưa ra vài câu hỏi đã chủ định trước khi tới đây. Cách trả lời rất phong độ của ông chứng tỏ Phạm Duy vẫn còn nhiều năng động, không như mấy người đang bước vào tuổi ''thất thập cổ lai hi'' (Đỗ Phủ). Điều này càng được chứng tỏ khi nhạc sĩ đứng nói chuyện và diễn tả âm nhạc của mình trong hơn hai tiếng đồng hồ.
Người nghe buổi nói chuyện đêm đó có thể so sánh Phạm Duy như những ca sĩ pop rock phương Tây trình diễn concert trước công chúng. Tuy nhạc sĩ có cái bụng hơi lớn nhưng phong thái diễn xuất của ông làm người xem cảm phục chương trình nhạc thoại từ đầu tới cuối không bị ngưng ở đoạn nào. Trước khi vào buổi nói chuyện của Phạm Duy thì anh Đoàn Xuân Kiên - sau này anh mới tự giới thiệu tên mình - nói đã viết thư mời tôi đến dự buổi gặp mặt. Vào tháng 6/1993, tôi có triển lãm tranh trong ngày hội văn hoá Việt Nam tại vùng Surrey, thuộc vùng ngoại thành London. Do đó, anh Kiên biết tên và địa chỉ của tôi. Là người đã từng làm việc thông tin, văn hoá cho cộng đồng sáu năm về trước đã vì tấm lòng yêu nghệ thuật và đã không quên mời tôi. Âu cũng là điều quí trọng riêng cho những người ''nghệ thuật vị nghệ thuật''...
Sau đây là bài giới thiệu của Đoàn Xuân Kiên về nhạc phẩm Trường Ca Hàn Mặc Tử.
Trường Ca Hàn Mặc Tử
Hành Trình Của Người Nghệ Sĩ Về Cái Đẹp
(đăng trong Thế Kỷ 21, tháng 6, 1994)
Trường ca Hàn Mặc Tử (TcHMT) là tác phẩm mới của Phạm Duy vừa ra mắt quần chúng vào những ngày cuối năm 93. Về hình thức thì đây là một tổ hợp những bài thơ Hàn Mặc Tử do Phạm Duy phổ nhạc. Nhưng người nghe có thể hình dung được chủ đích của tác giả tổ khúc này không phải chỉ là phổ nhạc một số bài thơ lẻ của một nhà thơ; TcHMT có thể xem là một bản diễn giải bằng nhạc những hành trình nghệ thuật của tâm hồn Hàn Mặc Tử (HMT).
Kể từ khi nhà thơ qua đời đến nay đã hơn 50 năm, không biết bao nhiêu sách và bài báo nỗ lực phân tích tâm sự nhà thơ bằng nhiều ngả. Nhiều người đã dựa vào căn bệnh hiểm nghèo của thi sĩ mà nói nhiều về tâm trạng điên loạn bất thường của HMT để dẫn đến sự nương náu tâm hồn trong ánh sáng tôn giáo; có người đã dùng con mắt của nhà phân tâm để diễn dịch tâm hồn HMT qua những biểu hiện phức tạp của một người chịu đựng những ẩn ức tâm lý triền miên từ lúc trẻ đến khi phát bệnh nan y.
Rất nhiều ngả đường đã dựng lên để mong tiếp cận tâm hồn người thơ quá cố. Có điều là nhiều ngả đường đã đi quanh co qua những điểm tựa bên ngoài tác phẩm của HMT. Rất ít oi những nỗ lực nghiên cứu vẽ lên được con đường sáng tạo nghệ thuật của HMT dựa trên chính những biến thiên tâm hồn nhà thơ thể hiện qua tác phẩm của chính ông. TcHMT là một nỗ lực hiếm hoi của một nghệ sĩ nhằm diễn giải hành trình nghệ thuật của nhà thơ. Lại là một công trình biểu hiện qua thế giới âm thanh. Cho nên ý nghĩa của TcHMT sẽ không chỉ là đóng góp vào kho tàng nhạc phẩm vốn đã đồ sộ của Phạm Duy thêm một tác phẩm thơ phổ nhạc nữa mà còn là ở sự đồng cảm của hai tâm hồn nghệ sĩ trước phận người không thiếu gì điêu linh, khổ nhục.
Hành Trình Nghệ Thuật
Của Trường Ca Hàn Mặc Tử
Trường ca Hàn Mặc Tử được bố cục làm ba phần mang tựa đề như sau :
PHẦN I .- TÌNH QUÊ
PHẦN II .- TRĂNG SAO
PHẦN III .- AVE MARIA
Mỗi phần gồm có ba phân khúc nhạc được phổ từ một bài thơ HMT, hoặc phổ từ sự tập hợp của một số trích đoạn thơ, có khi lại chỉ là phổ nhạc một trích đoạn trong một bài thơ thôi.
PHẦN I .- TÌNH QUÊ gồm ba phân khúc nhạc phổ từ ba bài thơ HMT làm từ những ngày còn trẻ. (Bài TÌNH QUÊ đã in trong tập thơ GÁI QUÊ - 1936). Phân Khúc 1 là nhạc mở đầu bằng những âm thanh ngân nga trong nhịp điệu êm ả nhưng rất lãng mạn. Chất nhạc đã được kỹ thuật hòa âm làm bật lên tính cách đặc trưng của nhạc chiều (sérénade) quen thuộc trong nhạc cổ điển Tây phương.
TÌNH QUÊ
Trước sân anh thơ thẩn
Đắm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau im tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau xa muôn dặm
Nhớ chi tới trăng thề
Ai dù không lắng đợi
Hay ai không lặng nghe
Dù ai không lắng đợi
Hay dù ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng buồn sau lũy tre
Dù ai bên bờ liễu
Hay dù ai dưới cành lê
Với ngày xanh hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trước sân anh thơ thẩn
Đắm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Dưới trời Thu bàng bạc
Lả lướt khắp thôn quê
Rồi khi nhìn mây nước
Lòng não nề tình quê
Trước sân anh thơ thẩn
Đắm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê...
Phân Khúc 2 là nhạc phổ toàn bài thơ ĐÂY THÔN VĨ GIẠ. Nhạc gợi tả một không gian u tịch, vắng lặng như những buổi hoàng hôn nơi đồng quê những thuở thanh bình : tiếng côn trùng kêu vẳng, hoàng hôn uốn lượn xa vắng như tiếng phi lao rì rào trong gió, như tiếng gió thì thầm lúc chiều tà. Không gian âm nhạc thật không còn gì trữ tình hơn. Tiếng hát Thái Hiền duyên dáng một vẻ đẹp mộc mạc, chất phác như hình tượng cô gái quê dịu dàng trong thơ HMT. Nhạc và hòa âm trong phân khúc đã chuyển sang nét u uẩn, gợi tả những cảm giác bâng khuâng man mác mà ta vẫn gặp trong những ngâm khúc của văn học cổ điển. Không gian nghệ thuật trong phân khúc này cứ gợi tả những ấn tượng về Tỳ bà hành hay những bài thơ Đường của trường phái biên tái, hoặc giả những phân cảnh người tình nhân tha thẩn đi tìm hương cũ nơi vườn xưa quạnh vắng trong Kiều.
ĐÂY THÔN VĨ GIẠ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai neo bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Từ nét buồn u ẩn mênh mang trong phân khúc hai, nhạc chuyển sang Phân Khúc 3. Phần nhạc dạo tạo ngay cảm tưởng về một sự thiêng liêng huyền nhiệm của không gian qua cảm nhận của nhà thơ. Tâm cảm của HMT trước vẻ Đẹp của ảnh trí Đà Lạt có lẽ cũng không khác gì tâm sự của nhân vật nghệ sĩ mà Vũ Khắc Khoan cũng có lần tìm cách diễn dịch bằng ngôn ngữ (1).
Nhạc đề của phân khúc là nỗi đắm say trong tiếng gọi ảo huyền của cái Đẹp mà nhà thơ đã cảm thán rằng phút thiêng liêng đã khởi đầu. Tiếng hát Tuấn Ngọc có tính cách say đắm mê hoặc cũng hoà theo nhạc réo rắt mà không kém phần huyền hoặc. Kĩ thuật thể hiện hoà âm gợi tả rất khéo cảm giác bâng khuâng của Kiều khi thấy Đạm Tiên in dấu giày trên ngấn rêu xanh. Đã thoáng hiện những băn khoăn, khắc khoải khi tiếng nhạc vút lên niềm u uẩn vang ngân rồi hiện rõ giọng rền như tiếng chuông gọi hồn vừa u uất rền rĩ như nỗi đơn côi của người nghệ sĩ. Sự cảm nhận tế vi của nhà thơ dễ chừng chỉ mới đến Phạm Duy mới thấy sự đồng cảm sâu sắc giữa hai tâm hồn nghệ sĩ như vậy.
ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu (3 lần)
Trời mơ trong cảnh huyền mơ thực huyền mơ
Trời sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một giấc mơ
Xin hãy nín thinh chớ nói nhiều
Xin hãy nín thinh chẳng nói nhiều
Để nghe đáy nước hồ reo nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa chữ YÊU
Đây phút thiêng liêng đã khởi ý đầu
Hàng thông lấp loáng đứng trong im lìm
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu (2 lần)
Trời mơ trong cảnh huyền mơ thực huyền mơ
Trời sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một giấc mơ
Xin hãy nín thinh chớ nói nhiều
Xin hãy nín thinh chẳng nói nhiều
Để nghe đáy nước hồ reo nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa chữ YÊU.
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Cả trời say nhuộm một mầu trăng
Cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe đụng chạm
Dẫu rằng tiếng nổ vỡ sao băng
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Phần Một vừa rồi đã khởi đầu từ hành âm êm ả thanh thoát đến vẳng xa u uẩn, rồi chuyển sang sâu lắng ngẩn ngơ. Diễn tiến âm nhạc gợi được hình ảnh con người đi trên hành trình hồn nhiên của tuổi nhỏ đến xôn xao tình trẻ, rồi đến tiếng gọi sâu lắng của nội tâm đã biết băn khoăn thao thức trong sự tìm kiếm. Không gian âm nhạc là không gian chiều tà đi vào đêm sâu, tính cách của nhạc cũng vì thế mà êm ả lãng đãng như sérénade và nocturne của nhạc cổ điển. Diễn biến tâm tình như thế cũng khớp với cảm nhận của chính Phạm Duy khi ông cho rằng nhạc ở đây đã diễn được thân phận của đất nước chúng ta đi từ thời thanh bình sang cảnh trạng của sự bất trắc... 1
PHẦN II .- TRĂNG SAO, gồm các phân khúc số 4, số 5 và số 6 :
Phân Khúc 4 là đoạn tán thán về sự mầu nhiệm của ánh trăng. Tính cách của âm nhạc là tính cách thánh ca, nhưng đối tượng của lời tán thán không là hình tượng siêu nhiên mà chỉ là ánh trăng. Nhà thơ bị trăng mê hoặc và tắm đẫm mình trong ánh trăng. Đấy là khởi điểm của những xúc cảm thơ trong THƠ ĐIÊN - ĐAU THƯƠNG, tập thơ HMT làm từ khi phát bệnh phong. Hành âm của phân khúc lần lượt đi qua bốn biến điệu : vầng trăng -> chơi với trăng -> trăng tự tử -> rượt trăng.
Có lẽ đây là lần đầu tâm trạng khúc mắc của HMT được thể hiện một cách cụ thể qua hình tượng gợi tả của âm nhạc. Nhạc vờn múa như trong cơn say trong một kết cấu đẹp : hình tượng âm nhạc tăng cường độ xúc cảm dần qua từng biến điệu, cho đến cuối biến điệu thứ tư. Tiếng hát Tuấn Ngọc vút lên cao như cơn thảng thốt của nhà thơ vừa tắt khi nhà thơ vừa ngất lịm trong cơn xuất thần. Nhạc đi những bước ma quái làm nổi bật xúc cảm của người nghệ sĩ trước nỗi cô đơn vì cảm nhận vẻ Đẹp mê hồn mà nhân gian không thể hiểu được. Cường độ cảm xúc trong phân khúc này, về mặt bố cục, khá gần với đoạn Kiều tâm sự với em trước lúc từ giã gia đình lên đường về Lâm Truy. Hoà âm của Duy Cường đầy tính tưởng tượng khi tận dụng khả năng gợi tả của tiếng sáo Mèo xa vắng chìm lẩn như chiều sâu của thế giới nội tâm sừng sững thách đố cuộc đời chung quanh.
TRĂNG SAO RỚT RỤNG
Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi
Ôi vầng trăng cao sáng
Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi
Xin ban cho sáng thêm lên
Sáng thêm lên cho không gian rất đẫm
Cho hồn thơ mát rợn tới hương nguyền
Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi
Lạy Chúa tôi
Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi
Lạy Chúa tôi.
Tôi đi trong ánh trăng mờ
Tìm con trăng lạc ngoài bờ bên kia
Ban khuya ý tứ tôi dò
Liều thân bát ngát tôi lìa xứ yêu
Tôi gò mây lại tôi tìm sao bay
Gió nào, gió tràn, gió ngập nơi đây
Không tràn nước mắt, không thảm thê buồn
Tôi doạ không gian, tôi rủa tới cùng
Tôi khát vô cùng, khát vô cùng
Khát vô cùng, khát vô cùng...
Tôi riết thời gian trong nắm tay
Cất tiếng cười ròn đụng vùng mây
Tôi nhập hồn mình trong khúc hát
Để nhờ khúc hát đẩy lên trăng
Lên chơi cung Quế đây lần đầu
Để hớp tinh anh của Nguyệt Cầu
Để thoát ly ra ngoài thế giới
Để cười để khóc để yêu nhau
Ha ha tôi đuổi theo trăng (2 lần)
Trăng bay tơi tả trăng tan
Trăng ngã trên cành, ngã trên cành vàng
Về đây tôi sẽ gặp nàng
Về đây tôi lại gặp nàng, nàng ơi !
Lòng giếng lạnh sao chẳng ai hay
Nghe nói mùa thu ẩn náu nơi này
Cả âm dương đều tụ họp (2 lần)
Để cả trăng mây ngừng lại nơi đây
Để nghe, à để nghe lời nói thời loạn ly
Giọng buồn thương gió, trăng gió đã thề
Của bầy trai gái trong gió não nề, tự tình bên giếng
Lời oán hận của tuổi si mê
Lòng giếng lạnh mở miệng bao la
Giếng nuốt vì sao rụng với trăng ngà
Loạn rồi loạn rồi, tôi hoảng hốt (3 lần)
Nhẩy ùm xuống giếng vớt trăng lên.
Phân Khúc 5 mở đầu bằng tiếng sáo Mèo rền ma quái để rồi sẽ đeo đẳng mãi suốt phân khúc. Người nghệ sĩ vừa thoát hồn để dẫn hồn mình đi suốt một đêm qua những biến điệu đầy kịch tính : Lúc thì cười như điên sặc sụa cả mùi trăng, lúc thì cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình, lúc thì dìm nhau xuống một vũng trăng êm, lúc thì lặng yên trăng thổn thức, lúc thì bay lên cho tới một hành tinh... (3) Hình tượng âm nhạc cũng tràn trề sức quyến rũ : hai giọng hát sóng đôi nhau gợi tả rất mạnh sự phân thân của người nghệ sĩ trong cơn say nghệ thuật. Tâm sự HMT trong tập THƠ ĐIÊN - ĐAU THƯƠNG dễ thường tới bây giờ mới được dẫn giải một cách cụ thể, sinh động. Thể hiện được kịch tính của các biến điệu âm nhạc trong hai phân khúc này là một thành công xuất sắc của Duy Cường và các giọng hát. Nỗi lòng u uẩn của người nghệ sĩ đã lẩn khuất đâu đó từ phân khúc cuối phân khúc I cứ tăng lên dần theo diễn tiến phát triển hình tượng âm nhạc trong phân khúc này.
HỒN LÀ AI
Hồn là ai, là ai, hồn là ai, tôi chẳng biết (3 lần)
Hồn theo tôi, theo tôi, hồn như muốn cợt tôi chơi
Tôi chết giả và no nê vô vạn
Cười như điên sặc sụa sụa cả mùi trăng
Tôi đã cấu đã cào nhai ngấu nghiến
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh...
A a a à
Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình (2 lần)
Để gào thét một hơi cho rởn óc
Cả Thiên Đàng, Địa Ngục, Trần Gian
Hồn là ai, là ai, hồn là ai, tôi chẳng biết (3 lần)
Dẫn hồn đi, hồn đi ròng rã một đêm nay!
(hát lại đoạn cuối)
Phân Khúc 6 có thể xem như một thoái trào của đợt sóng hình tượng âm nhạc trong phần II. Ba biến điệu nối tiếp nhau nặng nề như cảnh tha ma mộ địa lẫn khuất tiếng sáo Mèo nghẹn ngào như tiếng cú đêm khuya. Hình tượng âm nhạc cũng dàn trải như khoảng trống mênh mông của không gian tịch lặng. Nhạc đi êm nhẹ mà sao vương vấn nỗi thê lương. Lời thì thầm của nhà thơ là lời bộc bạch về tâm tình ông dành cho cuộc đời thân mến. Ba trích đoạn thơ ghép lại thể hiện khá rõ tâm sự HMT trong giai đoạn sáng tác THƠ ĐIÊN - ĐAU THƯƠNG.
Nghệ thuật phát triển hình tượng âm nhạc trong phần 2 này là nghệ thuật ba lan; cảm xúc dâng lên từng đợt như sóng tràn. Không gian nghệ thuật là đêm tối mênh mang. Giai điệu và hoà âm đều đẫm vẻ ma quái. Nhạc đề rất nhất quán ở điểm thể hiện tâm trạng người nghệ sĩ. Anh ta cảm nhận tiếng gọi vô hình của cái Đẹp thể hiện ở ánh trăng. Vẻ đẹp mê hoặc của ánh trăng hay của nàng thơ hay của âm nhạc nào có khác chi những cơn say đắm xuất thần của HMT. Diễn đạt được tâm sự nghệ sĩ qua hình tượng âm nhạc là một thành công của Phạm Duy (mà cũng có phần không nhỏ của Duy Cường trong nghệ thuật hoà âm).
TRÚT LINH HỒN
Sáng như gươm lạnh như ma (2 lần)
Ngọn bút thần khai phước lộc nhà
Mực lùa khí vị vô hồn chữ
Văn hút hào quang ở miệng ta
Giấy trắng tinh khôi tuôn huyết mạch
Lời vàng nguyên vẹn trổ tài hoa.
Thơ chưa ra khỏi bút, giọt mực đã rụng rời (2 lần)
Lòng tôi chưa kịp nói, giấy đã toát mồ hôi (2 lần)
Máu đã khô rồi thơ cũng khô rồi
Tình ta cũng đã, đã chết từ lâu
Từ nay trong gió và mây gió
Lời thảm thương rền mọi nẻo mơ (2 lần)
Ta còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một thời
Đầy lệ đầy thương đầy tuyệt vọng
Ôi giờ hấp hối sắp chia phôi
Ta trút linh hồn giữa nơi đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả
Xin để tang anh đến vạn ngày
(hát lại hai đoạn)
PHẦN III .- AVE MARIA cũng gồm các phân khúc số 7, số 8 và số 9 :
Phân Khúc 7 là một lời xưng tụng đấng tinh truyền thánh vẹn. Nhạc bắt đầu bằng đoạn hợp xướng nghiêm trang, thánh thiện. Toát ra toàn thể phân khúc là vẻ đẹp thuần khiết của hình tượng người nữ trong nghệ thuật muôn đời. Nhà thơ cũng như người nhạc sĩ đều rung động nồng nàn trước vẻ Đẹp nguyên mẫu đó. Trong thế giới nguyên vẹn tinh tuyền chỉ còn sự yêu thương, sự yên nghỉ. Không còn những dằn xóc của những hệ lụy của cuộc đời dưới thế. Kĩ thuật đồng ca của nhạc cổ điển tây phương đã góp phần tăng tính cách thánh đường của phân khúc.
LẠY BÀ LÀ ĐẤNG TINH TUYỀN THÁNH VẸN
Ma ri a Ma ri a
Ma ri a linh hồn tôi ớn lạnh
Ma ri a Ma ri a
Run như run thần tử thấy long nhan
Ma ri a Ma ri a
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Ma ri a Ma ri a
Nhưng lòng nhuần ơn trìu mến
Ma ri a Ma ri a
Lạy Bà là Đấng tinh truyền thánh vẹn
Giầu nhân đức, giầu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ dâng phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ
Dòng thao thao bất diệt của nguồn thơ
Trí tôi hút bao nhiêu là khí vị
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Lạy Bà, Bà rất ư nhiều phép lạ.
Ngọc như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh (2 lần)
Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen.
Lạy Bà, Bà rất ư nhiều phép lạ
Ngọc như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh (2 lần)...
Sau phần tán tụng vẻ Đẹp tinh tuyền thánh thiện, Phân Khúc 8 chuyển sang lời cảm thán về hình tượng thiên thần bằng một biến điệu khác : Kỹ thuật nội tỉnh như trong kinh cầu nguyện. Tiếng hát an nhiên của Thái Hiền và Thái Thảo toát ra vẻ thanh thoát cần thiết của hình tượng âm nhạc. Tiếng hát vẳng nhẹ như lời thì thầm của người con khi ngỏ lời yêu thương với Mẹ, như người nghệ sĩ ngây ngất trước vẻ đẹp mong manh như gió, như sương huyền diệu, bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu...
Người nghệ sĩ Phạm Duy hát về Mẹ bao lần rồi, vậy mà những âm thanh về người Mẹ trong phân khúc này vẫn quyến rũ, vẫn mới nguyên như vẻ đẹp gặp gỡ lần đầu, giai điệu láy lả lướt vẻ đẹp dân ca đã khép lại cảm xúc kì lạ về sự thanh thoát an nhiên trong vòng tay yêu thương của sứ thần thiên chúa Gabriel. Nghệ thuật diễn tả trong phân khúc hai là nghệ thuật độc thoại khá quen trong đối thoại nội tâm của kịch : nhân vật thì thầm những lời nói với chính mình. Hành âm của nhạc ở phân khúc này cũng chìm khuất kín nhiệm như ý thơ.
HỠI SỨ THẦN THIÊN CHÚA GABRIEL
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga bri en (2 lần)
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe xôn xao nghìn tinh tú
Để ca tụng bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm Xuân là rất đỗi anh linh
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga Bri en (2 lần)
Lạy Bà là Đấng ban đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn trong mạch máu
Lạy Bà là Đấng ban đầy ơn phước
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
Cho vỡ lở cả muôn nghìn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
Chim hay tên ngọc đá biết tuổi vàng (4 lần)
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga bri en (2 lần)
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe xôn xao nghìn tinh tú
Để ca tụng bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm Xuân là rất đỗi anh linh
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga Bri en (2 lần)
Lòng vua chúa như lòng lê thứ
Sẽ ngất ngây bởi thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu Mẹ Sầu Bi... (2 lần)
Phân Khúc 9 láy trở lại hành âm của phân khúc một để viên mãn một chu trình. Bốn câu thơ đã ngân vang âm hưởng của lời tán tụng vẻ Đẹp thánh thiện của nàng thơ. Nghệ thuật diễn xướng ở phân khúc này đã không ngừng lại ở nghệ thuật đồng ca cổ điển mà đã kết hợp với nghệ thuật diễn xướng dân ca : hát đuổi, hát đối. Hình tượng âm nhạc toát ra tính cách trữ tình, rất người mà vẫn trong suốt như vẻ đẹp thiên thần.
PHƯỢNG TRÌ ÔI PHƯỢNG TRÌ
Ma ri a Ma ri a
Ma ri a linh hồn tôi ớn lạnh
Ma ri a Ma ri a
Run như run thần tử thấy long nhan
Ma ri a Ma ri a
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Ma ria a Ma ri a
Nhưng lòng nhuần ơn trìu mến
Ma ri a Ma ri a
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì
(Lạy Bà là Đấng tinh truyền)
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì
(Lạy Bà là Đấng tinh truyền)
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì
(Lạy Bà là Đấng tinh truyền
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì
(Lạy Bà là Đấng tinh truyền
Thơ tôi bay suốt một thời chưa thấu
Hồn tôi bay biết bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang (2 lần)
A Men
Trọn phần ba là bài thơ Ave Maria được phổ thành nhạc. Không gian âm nhạc vẫn là nhạc nocturne nhưng tính cách đã thay đổi hẳn qua mầu sắc ấm áp của ánh sáng. Nhạc đề là sự xưng tụng biểu tượng của vẻ Đẹp thánh thiện thuần khiết được thể hiện qua hình tượng Người Nữ nguyên mẫu : khi thì là Đức Bà tinh truyền thánh vẹn, có lúc hoá thân làm sứ thần Gabriel, rồi Phượng Trì (Âm thanh của tên gọi này sao cứ làm ta liên tưởng đến hình ảnh toàn bích của người đẹp có đầy đủ Long trì và Phượng các trong tử vi). Nghệ thuật thể hiện là nghệ thuật nhạc nhà thờ, vừa đồng ca, vừa độc thoại. Bao trùm toàn thể phần ba này là vẻ đẹp rực rỡ mà tâm hồn nghệ sĩ quay về nương náu trong sự bình yên của hạnh phúc trong thế giới nguyên tuyền thanh khiết.
Trường ca HMT đã thể hiện tài tình những diễn biến tâm tình của nhà thơ quá cố : từ chất thơ trong sáng buổi đầu, nhà thơ đã trải qua những cơn đau đớn quằn quại trước khi quay về yên nghỉ trong vẻ Đẹp mầu nhiệm thanh khiết của Phượng Trì là hiện thân của vẻ Đẹp nữ tinh truyền thánh vẹn. Đấy là hành trình thơ HMT, mà cũng là hành âm của trường ca HMT của Phạm Duy.
Hành Trình Thú Đau Thương
Của Người Nghệ Sĩ
Trong lời dẫn giải về tác phẩm TCHMT, Phạm Duy cho biết rằng ông đã từng làm quen với thơ HMT từ thuở còn đi học. Ông cảm được những nếp gấp tâm tình của nhà thơ này khi nêu ra những chủ đề chính trong thơ HMT : tình yêu, tình dục, sự đau khổ, sự đau thương, sự điên dại, cái chết, Đạo, Thượng Đế, Thiên Chúa... 2 Bảng liệt kê vừa kể thật ra chưa nói đủ hết mối đồng cảm sâu sắc của ông đối với nhà thơ quá cố. Phải nghe chính tác phẩm mới có thể nhận ra được rằng TcHMT là bản vẽ sâu sắc bản đồ tâm hồn thơ HMT.
Bố cục của TCHMT thể hiện khá rõ về những biến chuyển trong tâm sự thơ HMT từ tập thơ đầu (GÁI QUÊ) đến giai đoạn THƠ ĐIÊN - ĐAU THƯƠNG, và cuối cùng là thời kỳ sáng tác XUÂN NHƯ Ý trở về sau. Ba giai đoạn chính trong hành trình sáng tạo thơ HMT với những nội dung khác nhau, phản chiếu tâm hồn người thơ một cách sinh động và độc đáo.
Có thể phác lại nét chính của con đường thơ HMT được phác họa qua trường ca của Phạm Duy như sau : 1) thời thanh xuân lãng mạn đẹp ngời (TÌNH QUÊ) -> 2) thời điên loạn, đau đớn vì thể nghiệm nỗi đau thương của thân phận (TRĂNG SAO) -> 3) thời tìm lại được yên ổn tâm hồn trong thế giới của cái Đẹp vĩnh hằng (AVE MARIA). Cứ thế, nhạc đề phát triển từng đợt ba phân khúc như những lớp sóng xô cao thấp khác nhau. Con đường thơ của HMT thể hiện khá sinh động tâm hồn người nghệ sĩ giữa đời.
Con tim yêu thương bao la của người nghệ sĩ rung lên những nhịp điệu tình ca muôn vẻ của thơ tình. Không biết có ai phân tích hết những dáng vẻ của tình yêu trong thơ HMT hay chưa, nhưng Phạm Duy đã thể hiện khá đẹp những nét lớn của tình yêu trong thơ HMT : sự dâng hiến trọn tình, sự e ấp trộn lẫn với nỗi rạo rực, nỗi đắm say trước vẻ Đẹp hiện thân của tình yêu. Có thể nhận ra những dáng vẻ tình yêu đó trong thơ HMT khi thưởng thức phần một TcHMT. Con tim yêu thương của người nghệ sĩ phả vào cuộc đời xã hội bằng những mối tình người tặng cho những người yêu dấu chung quanh. Tình yêu ấy đọng lại trong TCHMT là tình yêu ông dành cho đất nước quê hương là nơi bóng hình những người ông thương mến, là tình yêu ông dâng tặng vẻ Đẹp nguyên trinh qua hình tượng Phượng Trì/sứ thần Gabriel/Đức Bà.
Thế nhưng người nghệ sĩ có trái tim vô số mà anh ta không chỉ dành tặng cho những người yêu dấu trong đời. Trong đáy sâu thẳm của con tim, người nghệ sĩ luôn cảm thấy có một lời thì thầm vượt lên khởi bình diện nhân gian. — đây cần nhắc lại một bài viết của HMT thường vẫn bị các nhà nghiên cứu bỏ quên khi muốn tìm hiểu về tâm sự thơ ông. Trong bài viết về Quan niệm thơ, HMT cho thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ, vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt.
Nói cách khác, thi sĩ đã sống cô độc đời mình giữa cuộc thế lao xao, và làm thơ là để tìm người tri kỷ. Làm thơ là một sự ham muốn vô biên của những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt (4) . Người nghệ sĩ thoáng nghe ra những tiếng nói mầu nhiệm vượt lên khởi chiều kích trần thế. Sự nhạy cảm tột cùng dẫn đưa con đường sáng tạo của người nghệ sĩ qua những cơn loạn lạc với thú đau thương. Đó có thể là nỗi ngậm ngùi về những hoang phế quạnh hiu của những thành quách cũ (Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương), đó cũng có thể là những lời độc thoại triền miên của người tình trẻ bên đời hiu quạnh (Trịnh Công Sơn), của người tình già nghe tiếng gọi nghìn thu (Phạm Duy).
Thế thì tại sao không có một HMT điên mê trong nỗi đau đớn của thân phận vui buồn của nhân gian mà ông tự cho mình là một đại biểu? (Ý nghĩa của trường thơ Loạn mà HMT và các bạn ông dựng lên dường như chưa được tìm hiểu, nhưng chúng tôi cho rằng sự nổi loạn của thế hệ nhà thơ trẻ Qui Nhơn lúc bấy giờ là dấu chỉ của một khao khát về một sự quân bình mới). Nỗi đau về phận người khổ nhục có khiến thơ ông đẫm máu lệ, vang vang nỗi đau hận pha lẫn với hoan lạc trong tình yêu thánh hóa.
Thơ điên của HMT phản ánh nỗi bi phẫn về phận người khốn khó, mà sự đau khổ của đời này thì muôn hình vạn trạng, người nghệ sĩ đau nỗi đau nhân thế và mang thập giá thay cho chúng ta, có phải đâu chỉ là người ca nhân làm mõ cho những mối tình đôi lứa như người đời vẫn nghĩ. Một nhân vật của Dostoievsky đã bảo rằng : cả trái đất, từ vỏ vào trong ruột, đều ướt đẫm nước mắt con người. Thế nên khi người nghệ sĩ hát về nỗi đau đớn của kiếp nhân sinh hoặc giả cảm nhận được tiếng hát nghìn thu nơi đầu non thì chẳng phải là lúc người nghệ sĩ đã xa cách đại quần chúng, trừ phi đại quần chúng muốn giam hãm nghệ sĩ như giam những tên tù trong vũng lầy nghệ thuật nô dịch.
Gần đây khi nhận định về một số tác phẩm mới của Phạm Duy, có người nghĩ là ông đã dần tách khởi vị trí của người nhạc sĩ của đại chúng, hiểu theo nghĩa là ông không còn hát về những vui buồn của nhân thế gần gũi : hát về quê hương dân tộc, về những mối tình rất riêng tư trong không gian sống của những thị dân. Nếu nghĩ rằng Phạm Duy nay đang lui dần về sáng tác những tác phẩm để riêng cho ông bởi vì không có bóng dáng những hình ảnh quen thuộc trong các ca khúc bao lâu nay thì cũng xin lưu ý là đã từ những ngày xa xưa, khi còn trẻ Phạm Duy cũng đã từng có những bài hát mang chủ đề hướng nội. Người thanh niên ấy đã từng nghe ra tiếng gọi huyền nhiệm từ sâu thẳm của nội tâm. Tiếng đời nào phải chỉ có tiếng tình yêu mà còn có tiếng gọi của thinh không (Lữ Hành), cảm nhận về những biên giới cắt chia con người trong những không gian tâm tưởng khác nhau (Bên Cầu Biên Giới)...
Cho nên Phạm Duy vẫn chỉ là một thôi dù là Phạm Duy của Tình Ca, của Cỏ Hồng, của Pháp Thân, của Ngục Ca, của Bài Hát Nghìn Thu, của thiền khúc Hát Trên Đường Về, hay của Trăng Sao Rớt Rụng. Có thế mới có thể có mối đồng cảm giữa hai người nghệ sĩ với những thân phận riêng tư rất khác nhau nhưng cũng rung những cung bậc tâm hồn trước những hoan lạc cùng những khổ nhục của kiếp người. Nghệ thuật, nói cho cùng, chỉ là những tiếng kêu bất bình của người nghệ sĩ trước những hệ lụy của cuộc đời. Đôi mắt người nghệ sĩ là đôi mắt nhìn sâu thẳm vào phận người. Một thời vàng son của đào nguyên đã vĩnh viễn xa rồi ư, đời ta chỉ còn là một chuỗi những ngày nơi trần gian khổ lụy (Văn Cao), hát như chưa biết buồn phiền chi dù đường về quê nhà đã xa, nơi thành cổ rêu mốc của đời ta vẫn đi về một cõi quạnh hiu và hai vầng nhật nguyệt trĩu hai vai (Trịnh Công Sơn).
TcHMT là tiếng hát của người nghệ sĩ về những ràng buộc của cuộc đời, là sự thăng hoa giữa những khổ đau và hạnh phúc của phận người thành âm nhạc và thơ. Ba phần của trường ca là ba dáng vẻ của cuộc đời được phả vào nghệ thuật, trong đó có tình yêu sôi nổi mà e ấp của một thời hoa niên lãng mạn, có những khổ nhục của một đời lận đận vì những dằn xóc khác nhau.
Trước nỗi khổ mang chất bi kịch của đời người, người ta có thể phản ứng một cách khác nhau : có người an nhiên lặng lẽ đi về một cõi quạnh hiu và chấp nhận hạnh phúc trong niềm tuyệt vọng (Trịnh Công Sơn), có người không nguôi hoài tưởng một thiên thai không bao giờ trở lại (Văn Cao), có người lại dấn mình sống rất hiện sinh với chính những vinh nhục của đời và bật lên những tiếng tâm tình trước mọi cảnh huống. HMT và Phạm Duy đồng cảm với nhau ở điểm này. TcHMT là tác phẩm nghệ thuật thăng hoa những đau thương khổ nạn của đời người.
Hành trình nghệ thuật của HMT bắt đầu từ những hoa mộng thời trẻ hồn nhiên đến những đau khổ điên loạn vì những nhục nhằn, và khép lại với tình yêu thanh khiết trong thế giới vĩnh hằng trong suốt một vẻ Đẹp tinh tuyền. Nhạc Đề phát triển nhất quán với chủ ý HMT khi nhà thơ biểu tượng Maria bằng những tiếng gọi khác nhau : Đức Bà tinh truyền thánh vẹn, sứ thần thiên chúa Gabriel, Phượng Trì. Ngôn từ ở đây chỉ là những chiếc bè giả tạm để chuyên chở một cảm nhận về một thế giới vĩnh cửu của Mỹ thể.
HMT về yên nghỉ trong tôn giáo hay nghệ thuật? Vô thức về người nghệ sĩ trong Phạm Duy đã nghiêng về xu hướng thứ hai khi ông đã không phổ nhạc bài Ave Maria theo cách nhìn của ông lúc ông phổ thơ Phạm Thiên Thư trước đây : vẻ đẹp quyến rũ trong thơ Phạm Thiên Thư là sự nguyên trinh thánh thiện, là vẻ đẹp trong thế giới nghệ thuật trong đó không gian và thời gian như không còn tuổi trong cõi tuyệt đối vô cùng. Phạm Duy đã chẳng nói là những bài ông phổ thơ Phạm Thiên Thư là những bài hát thanh cao nhất của thời đại đấy ư 3 ? Hát lên tiếng hát xưng tụng một thiên thần là cách thế của người nghệ sĩ xưng tụng cái Đẹp. Mỹ thể là điểm đi tới và cũng là điểm quay về của Nghệ thuật.
Phạm Duy tâm sự rằng nguyên ủy của ý định sáng tác TcHMT là : ông muốn tiếp tục nói tới chuyện hóa giải nỗi oan khiên to lớn của cuộc đời Việt Nam sau nửa thế kỷ chiến tranh và hận thù bằng con đường đi vào Đạo để siêu hóa mọi sự 4. Hiểu như thế thì HMT cũng là một biểu tượng của thân phận VN, và những biến chuyển tâm tình của HMT là điển hình cho bi kịch trong đời người VN chúng ta trong một thời oan khổ dài dằng dặc. Âu cũng là một cao vọng đáng trọng của người nhạc sĩ già. Nỗi trăn trở của Phạm Duy về đất nước gần đây được tô đậm nét qua một trường ca gây nhiều xúc động (BẦY CHIM BỎ XỨ - 1990). Ta cũng bắt gặp trong một trang viết, ông cũng đã có lần trăn trở về thân phận nhục nhằn của người trí thức VN chứ chẳng phải không 5. Nhưng cứ như sự phát triển của chính nhạc đề của TcHMT thì ý nghĩa của tác phẩm đã tự nó có sức nặng của một tác phẩm nghệ thuật phản ánh rất đậm những cảm xúc về phận người biểu hiện qua thân phận một nghệ sĩ. Phạm Duy có nhớ không những lời ông viết về chính mình khi ông sáng tác TcMHT : đối với tôi chỉ có ba điều quan trọng : tình yêu, sự đau khổ và cái chết 6? Tôi muốn thêm : hận thù, hạnh phúc và vĩnh cửu.
Một Tác Phẩm Thơ Phổ Nhạc Lớn
Trong Sự Nghiệp Phạm Duy
Trong kho tác phẩm đồ sộ của Phạm Duy, thơ phổ nhạc có một vai trò rất đáng kể. Phải nhận rằng nhạc của ông đã làm bất tử một số những bài thơ, và ngược lại thơ đã gợi hứng cho ông viết những giai điệu mượt mà quyến rũ nhiều thế hệ người nghe. TCHMT là công trình thơ phổ nhạc rất khác với những bài trước đây thường chỉ là những đoản khúc hoàn chỉnh riêng rẽ, dù có đặt chúng vào một tập hợp như Đạo Ca, Ngục Ca, Hoàng Cầm Ca. Một công trình dài hơi và dài ngày, nếu cứ tính từ khi lần đầu tiên bài Tình Quê xuất hiện như một phụ bản trong tập san THẾ KỈ HAI MƯƠI (1960) tại Sàigòn.
Ngoài Phạm Duy ra có Hải Linh và Viết Chung trước đây cũng phổ nhạc HMT, mỗi người một phong cách khác nhau. Nhưng cũng chỉ với Phạm Duy rất đáng chú ý vì tính cách đa dạng và thể hiện một phong cách đặc biệt. Trong TCHMT, có đủ các kỹ thuật phổ nhạc mà Phạm Duy thường vẫn sử dụng : lắp giai điệu vào lời thơ, biến thể các giai điệu để phát triển nhạc đề, và chuyển ý thơ thành điệu. Kỹ thuật lắp giai điệu và thủ pháp quen thuộc thường thấy ở thơ phổ nhạc : Bài Chiều Đông phổ nguyên lời bài thơ Khoác Kín của Cung Trầm Tưởng là một thí dụ. Phải nói ngay là Phạm Duy rất hiếm khi phổ nguyên lời thơ của toàn bài, vì đòi hỏi của cấu trúc câu nhạc cũng có mà vì sự chọn lọc lời ca của ông cũng có. Vì vậy, bài thơ phổ nhạc của Phạm Duy thường phong phú về giai điệu và nhạc đề nhờ ở nghệ thuật gây ấn tượng qua những kết hợp kỹ thuật khác nhau.
Bài thơ phổ gần như nguyên vẹn trong TCHMT là Đây thôn Vĩ Giạ (gồm có ba khổ thơ thất ngôn) thật ra cũng phải tôn trọng cấu trúc của bài hát mà kết cấu như sau : đoạn một của bài hát gồm khổ một và khổ hai, đoạn hai gồm khổ một và khổ ba. Sự láy lại khổ thơ là một nghệ thuật gây ấn tượng bằng sự láy lại nhạc đề của phân khúc này. Kỹ thuật biến thể các giai điệu để phát triển rộng nhạc đề là thủ pháp đã được dùng trong khi phổ bài Tình Quê. Ông đã bố cục bài hát làm hai đoạn lớn có giai điệu không xa nhau lắm và nối chúng lại với nhau bằng bản lề rất khéo là hai câu thơ ngũ ngôn trong bài thơ nhưng đã phổ thành hai biến điệu khác nhau cho phù hợp với âm hành của câu nhạc. Sự tròng tréo các giai điệu trong hai đoạn có tác dụng nghệ thuật đặc sắc cho bài hát. Kỹ thuật mà Phạm Duy thường sử dụng là kỹ thuật chuyển ý thơ thành giai điệu.
Đây là một kỹ thuật đòi hởi khả năng thưởng ngoạn văn học ngõ hầu có thể nắm bắt được ý của câu đoạn hay cả bài thơ để chuyển thành giai điệu. Phạm Duy đã sử dụng kỹ thuật này mà hoàn thành những tác phẩm bất hủ như Tiếng Sáo Thiên Thai, Vần Thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông... trong TcHMT, phần phổ nhạc nhóm bài thơ về Trăng là phần rất công phu nhờ sự biến ảo của giai điệu theo nhịp điệu phù hợp với tâm trạng trong thơ. Phạm Duy đã tổ hợp các bài thơ khác nhau theo một thứ tự do ông thiết định để làm bật lên trạng thái tâm hồn của nhà thơ trong phân khúc này. Không có được khiếu thưởng ngoạn thi ca sâu sắc thì không thể có được những bản thơ phổ nhạc như thế. Cứ so sánh lối tiếp cập của Hải Linh và Phạm Duy khi phổ bài Ave Maria sẽ thấy ngay phong cách Phạm Duy : ông tước bỏ đoạn đầu của bài thơ mà Hải Linh đã dùng để phát triển nhạc đề cho bài hợp xướng Ave Maria giầu tính cách tôn giáo : Như song lộc triều nguyên ơn phước cả...
Phong cách phổ nhạc ở đây đã phản ánh phong cách người nhạc sĩ. Bao trùm lên các kỹ thuật vừa kể là nghệ thuật gây ấn tượng qua sự nhấn mạnh nhạc đề. Đây là điểm đặc sắc của nghệ thuật sáng tác Phạm Duy. Bài Đà Lạt Trăng Mờ chẳng hạn, đã láy đi láy lại nhiều lần nhạc đề bài hát. Ta tìm thấy lại nghệ thuật ấy trong tất cả các phân khúc của TcHMT. Ấn tượng về câu nhạc được tô đậm trong trí người nghe là nhờ những sự nhấn mạnh nhạc đề như thế. Điều kỳ diệu là những câu hát được tô đậm bằng sự láy lại đã không hề tạo ấn tượng nhàm chán. Làm sao nắm bắt được nhạc đề của bài thơ phổ nhạc, hoàn toàn thuộc về sự bén nhạy của tư duy nghệ thuật của Phạm Duy. Nếu những bài thơ hay là những bài thơ có thần thì những câu thơ phổ nhạc của Phạm Duy trong TcHMT cũng có thần của chúng, tạo nên khí vị nhất quán khi nghe riêng từng bài hay lúc nghe toàn thể chín phân khúc. Ma lực cuốn hút của những phân khúc thơ phổ nhạc TcHMT là ở những đợt sóng cảm xúc xô đẩy tới lui như những đợt sóng khác nhau dào dạt đuổi bắt không ngừng.
TcHMT là một dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy. Nếu thơ phổ nhạc nói chung đã là một gạch nối đặc biệt giữa văn học và nghệ thuật âm nhạc thì TcHMT còn có ý nghĩa một phác họa chân dung của một nhà thơ bằng âm nhạc. Giá trị của tác phẩm như vậy là đa dạng. Hãy chỉ nhìn tác phẩm trong địa hạt âm nhạc thôi, TcHMT cũng là một công trình đồ sộ : giai điệu phong phú, hòa âm tân kỳ, giọng hát nhã luyện. Tác phẩm để lại dư vị ngất ngây và những bâng khuâng không dứt về thân phận người thi sĩ quá cố mà cũng là của mỗi chúng ta. Đạt được như thế không thể không có một khí lực âm nhạc dữ dội.
London, tháng 6, 1994
--------------------------------
1Vũ Khác Khoan, Thằng Cuộc Ngồi Gốc Cây Đa (kịch), 1948
2Phạm Duy, bài đã dẫn, Hợp Lưu 15, tr. 164-166
3Hàn Mặc Tử, Quan Niệm Thơ, CHƠI GIỮA MÙA TRĂNG. An Tiêm xb, 1972, tr. 31-40
4Phạm Duy, bài đã dẫn. Hợp Lưu 15, tr. 164
5Phạm Duy, Hồi Ký 3, sđd. tr. 307.
6Phạm Duy, Hồi Ký 3, sđd. tr. 123
Thời Hải Ngoại
Chương Hai mươi sáu
Nhạc Phẩm Cuối Đời
Chẳng còn bao lâu là tới năm 2000. Tôi sẽ bước vào tuổi 80 và bước tới thế kỷ mới. Lúc đó, để ăn mừng tuổi thọ và ăn mừng một thiên niên mới cũng như để kết thúc cuộc đời ca nhân khá lâu và khá dài của mình, tôi sẽ hoàn tất một nhạc phẩm lớn, mang cao vọng thăng hoa được con đường dân ca tôi đã chọn từ khi mới nhập cuộc đàn ca. Nhạc phẩm đó là Minh Họa Truyện KIều mà tôi đang từ từ biên soạn.
Tôi chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du để làm tác phẩm cuối đời vì thi phẩm này tiêu biểu cho tâm thức Việt Nam trong khi tôi đã giã từ loại nhạc thế tục để đi vào loại nhạc tâm linh. Tôi còn muốn trung thành với lý tưởng điều hợp xã hội bằng âm nhạc cho nên tôi muốn dùng lời thơ vĩ đại của Tố Như và nét nhạc nhỏ nhoi của tôi để làm nơi tự tình cho những ai đã chót lìa nhau, đã chót xa nhau hơn nửa thế kỷ.
Tôi không dám cả gan phổ nhạc tất cả trên 3000 câu thơ của cụ Tiên Điền mà chỉ dùng một số câu thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh để đưa ra bốn cảnh ngộ của Nàng Kiều. Nhạc phẩm mang tên Minh Họa Truyện Kiều. Minh họa ở đây - xin dịch là illustration - có nghĩa là hiển dương, là làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có của thi phẩm, là làm cho thơ có thêm mầu sắc, có thêm tầm vóc. Một ví dụ nhỏ là trong thơ, cụ Nguyễn Du chỉ có 6 chữ (hay 8 chữ) để tả cảnh hay tả tình như : Cỏ non xanh ngát chân trời hay Buồn trông cửa bể chiều hôm... thì bây giờ trong nhạc, tôi và con tôi là Duy Cường phải dùng giai điệu và hoà điệu để mô tả cái cánh đồng cỏ non của ngày Xuân ấy... hay tả nỗi buồn của Nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích.
Minh Họa Truyện Kiều của chúng tôi sẽ gồm có :
Prologue (Giáo Đầu) giới thiệu không gian, thời gian và nhân vật...
Phần Một : Kiều gặp Đạm Tiên, tức là gặp số phận mình, số phận của những người tài hoa bạc số...
Phần Hai : Kiều gặp Kim Trọng, nghĩa là gặp tình yêu, nhưng là tình yêu không trọn vẹn...
Phần Ba : Kiều gặp cảnh gia biến, phải bán mình chuộc tội cho cha, rồi gặp toàn người xấu, là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư v.v...
Phần Bốn : Kiều gặp người cứu tinh là Từ Hải... nhưng Từ Hải sẽ vì nàng mà phải chết đứng...
Epilogue (Kết) : Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường... Trong Đoạn Trường Tân Thanh, cụ Nguyễn Du cho Giác Duyên thuê ngư phủ kéo sẵn lưới để vớt sống Nàng Kiều, nhưng trong nhạc phẩm Minh Họa Kiều này, chúng tôi có ý đặt câu hỏi : Ai là người sẽ cứu sống Nàng đây ?
Về phần nhạc thuật, trong công việc đưa nhạc Việt Nam từ hình thức đơn điệu (monophonic) lên hình thức đa điệu (polyphonic) mà chúng tôi thử thách trong mười năm qua, bây giờ việc này mới tạm được coi như khá ổn thỏa. Đó là nhờ ở công phu của Duy Cường, trong gần hai năm, đã đi đi về về Việt Nam/USA... để lấy mẫu (sampling) hầu hết các âm thanh của nhạc cụ dân tộc rồi áp dụng vào nhạc phẩm Minh Họa Kiều này. Duy Cường còn thu thanh vài giọng ngâm rất cổ để cho vào tác phẩm cùng với những âm sắc của nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, trống phách... hoà vào âm thanh của các nhạc cụ Tây Phương. Làm công việc giao hưởng giữa lối ngâm xưa và lối hát bây giờ, giữa nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ tân thời, nhất là với khả năng phi thưòng của computer chúng tôi mời người nghe đi ngược dĩ vãng 200 năm rồi đi tới tương lai cũng 200 năm đang tới...
------------------------------------
Vì tự thấy mình đã cao tuổI, không có thời gian chờ đợi soạn đầy đủ bốn phần rồi mới cho thu thanh, tôi cho thực hiện ngay đoạn Giáo Đầu và Phần Một của Minh Họa Kiều để ra mắt khán thính giả. Các đoạn này đã do những giọng hát của Ái Vân, Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Quang và Tuấn Ngọc trình bày. Phần ngâm thơ do Thanh Ngoan (Hà Nội) và Ái Vân (San Jose) phụ trách.
Đối với tôi, Phần Một tương đối dễ soạn vì nếu đoạn giáo đầu giới thiệu đầy đủ thời gian, không gian và nhân vật thì những hành động về sau của Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương Quan như : cùng đám đông đi tảo mộ, gặp nấm mồ vô chủ, dừng lại để cho Thúy Kiều cảm thương người xấu số và tiên đoán được phận mình... là những đoạn nhạc tả cảnh, tả tình rất dễ viết. Tột đỉnh của Phần 1 là đoạn hồn ma Đạm Tiên hiện ra cũng không làm cho tôi khó nhọc, rồi ''nhạc trình'' xuống dần dần để kết thúc với việc nàng Kiều gặp chàng Kim.
Như vậy, bố cục âm nhạc trong Phần Một của Minh Họa Truyện Kiều được chia ra ba hành điệu :
* Hành Điệu Một là những hành âm của cuộc du Xuân, khoan thai, trong sáng rồi cuốn nhanh như tiếng cười giòn giã, biểu hiện một thời Xuân của đời Kiều...
* Hành Điệu Hai là sự hoang mang, nghẹn ngào... biểu hiện những xúc động đầu đời về thân phận mình khi Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên.
* Hành Điệu Ba là sự trở lại nhạc đề một, êm đềm tươi sáng... khi Kim Trọng xuất hiện ở cuối cuộc du Xuân.
Trong thi phẩm KIM VÂN KIỀU của Nguyễn Du do tôi phổ nhạc, đây là phần duy nhất có phong vị cuộc sống tươi vui trọn vẹn.
Vào chiều thứ Bảy ngày 19 tháng 4 năm 1997, tôi hân hạnh cho ra mắt một phần của bốn bức minh họa truyện Kiều bằng âm nhạc tại nhà tôi. Sau đó là việc tôi đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới với Phần I của nhạc phẩm này. Đó là tại những thị trấn như Vancouver, CANADA, London, ENGLAND, Amsterdam, NETHERLAND, tại ba nơi ở GERMANY, tại thành phố Saint Paul, MINNESOTA, USA, tại hai nơi ở Paris, FRANCE, tại Tokyo, JAPAN, San Jose, CALIFORNIA, USA, Oklohama City, OKLOHAMA, USA, Orlando, FLORIDA, USA, Santa Ana, CALIFORNIA, USA, Toronto, CANADA, Atlanta, GEORGIA và Washington D.C, USA...
------------------------------------
Phần 2 của MINH HOA KIỀU đã được tôi khởi soạn ngay trong những ngày tôi đem Phần 1 đi phổ biến trên thế giới. Tôi còn nhớ đã ngồi trước piano để viết đoạn Người Đâu Gặp Gỡ Làm Chi tại nhà anh Đỗ Xuân Kiên ở London vào tháng 7 năm 1997, rồi tiếp tục soạn những đoạn sau tại nhà anh chị Lê Tất Luyện ở Paris.
Rồi trong thực tế, tôi đã hoàn tất Phần 2 vào năm 1998, trong khi Duy Cường đang ở Việt Nam và đã thu thanh xong một số điệu hát, điệu ngâm của cô Thanh Ngoan để dùng trong nhạc phẩm này. Chúng tôi đang dự định thu thanh Phần 2 thì vào đầu năm 1999, bỗng nhiên xẩy ra vụ nhà tôi bị ung thư phổi. Trong suốt 8 tháng trời, ngày và đêm, cả gia đình tôi thay phiên nhau lo việc săn sóc cho người bệnh. Rồi vào tháng 8 năm 1999 thì nhà tôi mất. Vừa chôn vợ xong, tới phiên tôi phải vào bệnh viện Long Beach để mổ tim. Cả tâm hồn lẫn thể xác tôi bị suy sụp nặng nề. Sau đó tôi không còn tha thiết đến sự sống nữa, nói chi tới chuyện nghệ thuật.
Thế rồi việc phục hồi sức khoẻ giúp tôi chống chỏi được nỗi buồn. Tôi thấy rằng tôi phải hoàn tất Phần Hai của MINH HỌA KIỀU. Tôi là người xưa nay rất coi trọng chữ TÍN. Phần này đã soạn xong thì phải thu thanh. Thu thanh xong rồi, có thể không cần phải ra mắt quần chúng. Cũng như HỒI KÝ này, tôi phải viết cho xong. Viết xong rồi chưa chắc đã cần phải phát hành.
Như đã nói, Phần Một là phần Kiều gặp Đạm Tiên, tức là gặp số phận mình, số phận của những người tài hoa bạc số. Phần này dễ soạn. Phần Hai là phần Kiều gặp Kim Trọng, nghĩa là gặp tình yêu, nhưng là tình yêu không trọn vẹn. Từ khi nhớ nhung nhau, đi tìm nhau cho tới khi gặp nhau, tỏ tình với nhau, đôi người tình này không hề nắm tay nhau, kề vai nhau, ôm hôn nhau... thì khó cho tôi quá trong việc diễn tả ra bằng âm nhạc.
Tôi đành phải soáy vào việc đánh đàn của Kiều khi Kim Trọng ngỏ ý muốn nghe nhạc. Bốn khúc nhạc mà cụ Nguyễn Du chỉ cho chúng ta 4 cái tên là : Hán Sở Chiến Trường, Tư Mã Phượng Cầu, Kê Khang, Chiêu Quân thì bây giờ tôi - và nhất là Duy Cường - phải tạo ra bốn nhạc khúc đó. Phần Hai, do đó không là nhạc tả cảnh, tả tình như trong Phần 1 mà là nhạc tỏ tình, tỏ tài... Là nhạc tài tình chăng ?
Bố cục âm nhạc trong Phần Hai của Minh Họa Truyện Kiều cũng được chia ra ba hành điệu :
* Hành Điệu Một là những hành âm của cuộc đi tìm tình yêu của đôi người tình trẻ...
* Hành Điệu Hai là sự thổ lộ tài hoa của Kiều khi gặp người yêu...
* Hành Điệu Ba là sự trở lại nhạc đề một, đậm đà nhưng phần nào cay đắng khi hai người phải chia tay nhau...
Cho tới khi viết xong HỒI KÝ 4 này rồi, tôi vẫn chưa quyết định được việc thu thanh và phổ biến Phần Hai của Minh Họa Truyện Kiều. Nhưng chắn chắn tôi sẽ không bỏ dở dang tác phẩm cuối cùng của đời mình và những nét nhạc đầu tiên của Phần Ba đã khởi sự trong đầu tôi rồi. Lạy Trời cho tôi còn đủ sức khoẻ để hoàn tất hai phần còn lại.
Thời Hải Ngoại
Chương Hai mươi bảy
Trong khi tôi soạn Minh Họa Kiều, tức là đi vào địa hát ca nhạc kịch Việt Nam thì tôi nhớ ra rằng trong dĩ vãng, tôi cũng đã từng soạn nhạc cảnh rồi. Nhưng trước đây, vì tôi liên tục soạn nhạc cho phòng trà, nhạc cho sinh viên, nhạc cho người tình, nhạc cho người lính v.v... với những thể tài như đoản ca, trường ca, chương khúc, cho nên người yêu nhạc không biết rõ ràng về một loại ca có cốt truyện, có nhân vật, có dàn cảnh, có diễn xuất v.v... của tôi. Những màn nhạc cảnh nho nhỏ này là những thử thách để tôi sẽ có ngày tiến tới cái gọi là ''đại ca kịch'' Minh Họa Kiều.
Vào năm 1963, khi hãng phim Mỹ Vân tại Saigon muốn có những nhạc cảnh để cho vào những cuốn phim của họ thì họ tìm đến tôi. Hãng này mướn tôi soạn hai nhạc cảnh với ''kịch bản'' - libretto - của kịch sĩ Năm Châu. Đó là nhạc cảnh CHỨC NỮ VỀ TRỜI và nhạc cảnh TẤM CÁM. Hồi đó, trong làng Tân Nhạc Việt Nam, mới chỉ có Lưu Hữu Phước với nhạc cảnh - hay nhạc kịch - CON THỎ NGỌC, TỤC LỤY và Hoàng Thi Thơ với CÔ GÁI ĐIÊN v.v...
Trong hai nhạc cảnh CHỨC NỮ VỀ TRỜI và TẤM CÁM, phần hát là do các ca sĩ Hoài Trung, Thái Thanh trong ban Thăng Long thu giọng để cho các tài tử La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng diễn trong phim với kỹ thuật ''lipsing''. Rất tiếc rằng tôi không giữ được bản thảo hay thước phim của hai nhạc cảnh này.
Tới khi tôi qua Hoa Kỳ, dù vẫn được sống bằng nghề ca nhạc nhưng trong những năm đầu, về sáng tác, tôi vẫn chỉ cần soạn ra những ca khúc ngắn hay dài để thu thanh rồi cho vào những băng cassette hay CD để phổ biến, đa số là những tị nạn ca mang nặng tinh thần hoài hương.
Rồi trong cộng đồng người Việt xa xứ, vào những năm 80 bỗng phát sinh ra một ngành mới là ngành sản xuất băng video do những hãng trước đây chỉ sản xuất băng audio-cassette như THÚY NGA, LÀNG VĂN hay ASIA v.v... Trước tiên chương trình trong băng video chỉ là những màn đơn ca với ca sĩ đứng hát như một pho tượng hoặc có kèm những hình ảnh đi đôi với ca khúc, hoặc có khi với những hình ảnh chẳng ăn nhằm gì đến nội dung bài hát cả.
Sau dần, để cạnh tranh, các hãng sản xuất bỏ thêm tiền để thực hiện những màn vũ, nhạc cảnh, nhạc kịch. Và khi hãng THÚY NGA sản xuất một cuốn video về tôi với nội dung Phạm Duy, Con Người Và Tác Phẩm (Paris By Night số 19) thì tôi đề nghị đưa bài Chú Cuội vào cuốn video thành một nhạc cảnh nho nhỏ do Ái Vân đóng cả hai vai Chú Cuội và Hằng Nga.
Sau đó, hãng THÚY NGA luôn luôn nhờ tôi soạn nhạc cảnh, phần nhiều để cho nghệ sĩ Ái Vân đóng vai chính. Đó là những nhạc cảnh Người Đẹp Trong Tranh, Thằng Bờm, Thị Mầu Lên Chùa, Trên Đồi Xuân. Rồi tới hãng THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT mời tôi cộng tác với những nhạc cảnh Chum Vàng, Truyện Tình Sơn Nữ, Mài Dao Dạy Vợ.
Nhạc cảnh Người Đẹp Trong Tranh, phóng tác theo truyện cổ BÍCH CÂU KỲ NGỘ, đưa ra trên sân khấu một chàng thư sinh ngồi uống rượu bên một bức tranh mỹ nữ thật đẹp. Sau phần nhạc dạo, thư sinh kể chuyện mình vừa đi hội chùa, gặp một người đẹp và mua được bức tranh vẽ chân dung của người thiếu nữ đó...
Thư sinh :
Từ khi ngơ ngẩn ra về
Sầu tương tư mãi não nề lòng ta
Rồi may gặp được ông già
Bán cho tranh vẽ bóng người chiều xưa.
Thư sinh sống với người đẹp trong tranh...
Bên song thắp ánh đèn mờ
Sớm khuya với bức hoạ đồ làm đôi
Trông tranh mà ngỡ như ai
Lung linh mắt ngọc, miệng cười đón Xuân.
Thư sinh ngủ gục... Nhạc hoà tấu và nàng tiên từ trong tranh bước ra...
Rằng ta thần nữ xuống đây
Tiền duyên thuở trước với ai
Kiếp nay xin đền tình tang, kiếp nay xin đền.
Thư sinh tỉnh giấc, thấy người đẹp :
A ha à a ha ! A ha à a ha !
Rõ ràng mày liễu mặt hoa
Đào nguyên lạc lối đâu mà tới đây ?
Và như trong truyện cổ tích, bởi vì chàng là mối duyên tiền kiếp, bởi vì tình chàng quá ư đằm thắm, nên khiến Trời rộng tâm cho, cho thiếp hầu hạ người thơ... Nhạc cảnh kết thúc với đám cưới của Thư Sinh và Giáng Kiều :
Bóng mây bỗng kéo quanh nhà
Thảo am thoắt đổi, đổi ra lâu dài
Sáng một góc trời và áo mũ xiêm hài
Lả lơi bên nói bên cười
Bên mừng tố nữ bên mời tân lang.
Nhạc cảnh Thị Mầu Lên Chùa, Trên Đồi Xuân cũng được hãng THÚY NGA thực hiện với nhiều công phu, và hình như được khán thính giả thích thú hơn. Vì trong mỗi cuốn video, có trên 20 tiết mục thì đa số là những màn hát có múa với các vũ sinh trang phục và nhẩy nhót theo kiểu Âu Mỹ, thì những màn video của tôi có nhiều dân tộc tính hơn.
Tôi rất thích nhạc cảnh Thằng Bờm, vì tôi đem được vào màn ca vũ đó một ý nghĩa hơi khác với quan niệm của mọi người. Đó là sự trao đổi giữa một người giầu có nhưng không an nhàn với một chú bé an nhàn nhưng không đủ ăn. Khi Thằng Bờm và Phó Ông biết chia cho nhau cái có của mình, trao đổi cho nhau hạnh phúc thì cả hai đều sung sướng. Nhạc cảnh này được một nữ vũ sư người Mỹ dàn cảnh với những vũ sinh đóng vai trâu, bò, chim, cá và gỗ lim cùng múa hát với Thằng Bờm và Phú Ông.
Với Trung Tâm THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT, tôi có những nhạc cảnh như Truyện Tình Sơn Nữ, Chum Vàng, Mài Dao Dạy Vợ. Nhạc cảnh Chum Vàng cũng giống như nhạc cảnh Thằng Bờm, là một chuyện cổ tích bình dân do tôi phóng tác.
...Có một đôi vợ chồng nghèo, làm nghề nông, suốt đời vất vả, lam lũ. Một hôm, chồng ra ruộng khoai (hay ruộng lúa), đang (cầy sâu hay) cuốc bẫm thì đào được một cái chum. Mở nắp chum ra, thấy chum đựng đầy vàng bạc châu báu. Người chồng bèn đậy nắp chum lại rồi để chum bên bờ ruộng. Về nhà khoe vợ là mình đào được cái chum vàng. Vợ hỏi :
- Của trời cho, sao không khiêng chum vàng về ? Để đó, người ta khiêng đi còn gì ?
Chồng đáp :
- Nếu thật sự là của trời cho, thì tự nhiên chum vàng sẽ về nhà, chẳng đứa nào lấy được !
Đang lúc vợ chồng trò chuyện thì có hai thằng kẻ trộm ngồi rình ở ngoài cửa (hay dưới gầm giường), chúng nó nghe hết cả. Hai thằng chạy ra bờ ruộng thì quả nhiên thấy cái chum nằm đó. Chúng vội vàng khiêng cái chum về nhà và khi mở nắp chum ra thì chẳng thấy vàng bạc đâu cả, chỉ thấy trong chum toàn là rắn, rết ! Chúng sợ quá đem chum giấu ở một nơi.
Sáng hôm sau, người chồng ra ruộng thì thấy mất cái chum. Khi về nhà, vợ hỏi :
- Chum đâu ?
Chồng đáp :
- Trời lấy lại chum vàng rồi !
Hai kẻ trộm lại đã ngồi rình và nghe nói vậy, chúng bực quá, chạy đi khiêng cái chum đặt lại chỗ cũ, cho vợ chồng này sẽ bị rắn cắn.
Hôm sau, chồng ra ruộng lại thấy cái chum, về nhà khoe vợ :
- Trời cho lại cái chum vàng rồi.
Vợ bảo :
-Thế sao không khiêng về ?
Chồng đáp :
- Trời đã cho lại cái chum thì chum sẽ về nhà mình cho mà xem.
Hai thằng kẻ trộm lại cũng ngồi rình và nghe nói vậy, chúng tức quá chạy đi khiêng cái chum đặt ngay trước sân nhà, cho vợ chồng này chết vì rắn cắn. Sáng hôm sau, vừa mở cửa ra sân thấy cái chum vàng nằm chình ình ngay đó, chồng bảo vợ :
- Thấy chưa ? Ta nói có sai đâu ? Trời đã cho thì tự nhiên cái chum vàng sẽ bò về tận nhà mình !
Nhạc Cảnh Mài Dao Dạy Vợ cũng soạn cho Trung Tâm Video THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT, và cũng rút từ chuyện cổ nước ta, cũng đề cao luân lý. Mở đầu, người chồng, dáng hiền lành, thuần hậu, ngồi than :
Người ta thường nói :
Mẹ chồng nàng dâu
Có yêu nhau bao giờ ?
Có yêu nhau bao giờ ?
Người ta còn nói :
Mẹ chồng hung dữ,
Nên mẹ mau chết
Nàng dâu nết na
Nàng dâu sống lâu...
Số tôi thật chẳng ra đâu,
Mẹ thì ác miệng,
Nàng dâu dữ dằn...
Có tiếng mẹ chồng và nàng dâu cãi nhau ở trong hậu trường :
Mẹ chồng nàng dâu có yêu nhau bao giờ
Nàng dâu mẹ chồng có bao giờ yêu nhau...
Rồi người vợ hộc tốc chạy ra, vẻ giận dữ :
Một mẹ chồng già bằng mười ba ông Thiên Lôi
Dạy khôn, dạy khéo, dạy ngồi, dạy đi...
Một mẹ chồng già bằng mười ba bà La Sát
Coi con dâu như rác, như một bát cơm ôi...
�i giời ôi, ối giời ôi, ối giời ôi ! Giời ôi !
Người ta lấy chồng thì vui
Tôi nay cái bếp những chai cùng lọ
Người ta một vợ một chồng
Tôi nay chưa thoát cái gông mẹ già...
Chồng tới gần, an ủi vợ :
Từ ngày em về làm dâu
Anh đã dặn trước, dặn sau mọi đường
Mẹ già dở dở ương ương
Thì em phải nhún
Phải nhường... phải thua!
Vợ đáp lại :
Việc gì phải nhịn trước sau
Tôi là phận gái làm dâu nhà này
Mẹ chồng ác nghiệt mà ghê
Tôi ở chẳng được, thì tôi về nhà tôi !
Vợ vùng vằng bỏ ra đi, chồng ngồi suy nghĩ... rồi cũng ra đi.
Tiếng hát trong hậu trường (giọng nam) :
Giời ơi đất hỡi!
Mẹ chồng nàng dâu
Cãi nhau như mưa rào
Có ai thua ai nào ?
Giọng mẹ the thé
Nàng dâu cũng thế
Ông giời cao vói
Nàng dâu cũng coi
Giời như cái vung...
Chồng ra sân khấu với con dao bầu thật lớn :
Sáng nay vào chợ mua dao
Về nhà lấy đá ra, mài dao kỹ càng...
Chồng ngồi xuống mài dao... vừa mài dao, vừa hát :
Cuộc đời như thể con bài
Đã quyết thì đánh, chẳng nài thấp cao
Cuộc đời như đá với dao
Năng mài thì dao sắc
Buông dao thì dao cùn...
Vợ ra sân khấu, thấy chồng ngồi mài dao, cất tiếng hỏi :
Nhà ta thiếu gì dao mà
Dao cùn chốn chợ anh mua nó về ?
Chồng không trả lời, cứ ngồi mài dao :
Ứ ừ, ứ ư...
Vợ lại hỏi...
Mài dao sắc nhọn nhiều lần
Lên rừng, lên núi để săn thú à ?
Chồng vẫn không trả lời, cứ ngồi mài dao :
Ứ ư, ứ ư...
Vợ lại hỏi...
Mài dao giết vịt hay gà
Hay là giết lợn đem ra bán hàng ?
Chồng vẫn không trả lời :
Ứ ừ, ứ ư...
Vợ lại hỏi...
Mài dao sắc nhọn, để mà
Dao này đi giết người ta lấy tiền ?
Người chồng bèn đứng lên, nhìn dao, ôn tồn trả lời:
Mài dao anh giết
Mẹ già hư nết
Đã gây nên chuyện buồn
Xấu chung cho họ hàng
Tuổi già nua đến
Thì ai cũng chết
Không là chết trước
Thì sau, chết sau
Thọ lâu mãi đâu ?
Xót em là phận con dâu
Mẹ già ác nghiệt,
Dùng dao giết Bà !
Có tiếng la trong hậu trường :
Mẹ chồng nàng dâu có thương nhau không nào !
Nàng dâu mẹ chồng có khi nào thương nhau ?
Vợ sợ quá, lạy chồng :
Một lạy mình rồi, mười lạy em xin anh tha
Đừng nên giận dữ, thật là mẹ oan
Mẹ mình già rồi mẹ đổi tâm mẹ thay nết
Em con dâu, em biết, em phải biết thương thôi...
�i mẹ ôi, ối mẹ ôi, ối mẹ ôi ! Mẹ ôi !
Là không cãi mẹ từ nay
Em xin cố gắng đắp xây nhà này
Từ nay chồng vợ, đời đời
Ơn cao, nghĩa lớn cũng nơi mẹ già...
Chồng tới gần, ôm vợ, vợ chồng hợp ca :
Người mình đem chuyện mài dao
Ra muốn dạy dỗ : nàng dâu mẹ chồng
Mẹ mình đặt ở trên cao
Đâu ai mà dám đụng vào mẹ yêu...
Việc nhà phải nhịn lẫn nhau
Ta thờ đạo lý nàng dâu mẹ chồng
Mẹ chồng cũng phải hiền khô
Mẹ hiền, dâu thảo... chan hoà niềm vui !
Chan hoà niềm vui...
Thật là may cho tôi. Trong một thời ca nhạc Việt Nam có vẻ xuống giốc vì đa số những bài hát mới, nếu là ''tình khúc'' thì rất dung tục, nếu là ''nhạc video'' thì rất lai căng, tất cả đã biến thành nhạc thương mại... thì tôi vẫn còn có cơ hội róng lên những bài hát mà tôi cho rằng có trách nhiệm với người nghe. Tôi mong rằng ca nhạc Việt Nam có những Mạnh Thường Quân luôn luôn tìm cách giúp cho nó là tiếng nói văn hóa của một dân tộc trong mọi thăng trầm của cuộc sống hơn là món quà mua vui cho thiên hạ.
Thời Hải Ngoại
Chương Hai mươi tám
Bước qua năm 1999. Trong niềm vui chung của cả gia đình đang chờ Xuân tới, tôi ve vuốt hạnh phúc lớn của riêng tôi khi nghĩ rằng chỉ còn một năm nữa, tức là qua Tết năm 2000 là tôi có thể thực hiện được bốn cái lễ mừng long trọng nhất đời :
* Năm 2000, như mọi người vào tuổi này, tôi sẽ ăn mừng lễ thượng thọ 80 tuổi, trong khi sức khoẻ của tôi còn khá sung mãn, vợ con tôi còn rất đầy đủ chung quanh tôi, không một ai ở xa hay vắng bóng...
* Năm 2000, vợ chồng tôi lấy nhau và ăn ở với nhau đã đúng 50 năm, dù tôi có là người chồng không nhiều đức tính hay rất dễ tính (như mọi đấng nam nhi thôi !)... nhưng suốt cuộc đời đôi lứa, đôi ''uyên ương'' này chưa hề cãi nhau hay giận nhau một lần. Các con sẽ xúm nhau lại để làm cho cha mẹ một lễ cưới gọi là kim hôn (noce d'or).
* Năm 2000, tôi sẽ cho ra mắt nếu chưa phải là toàn thể ba phần còn lại của MINH HšA KI‹U thì là Phần Hai của nhạc phẩm, đã được tôi coi như tác phẩm cuối cùng - lại là sáng tác quan trọng nhất - của đời mình nên cứ nhẩn nha sáng tác, không có gì vội cả...
* Năm 2000, có thể tôi sẽ trở về Việt Nam, sau 50 năm xa Hà Nội, 25 năm xa Saigon... đúng như đã hứa trong một ca khúc soạn ra từ năm 1988 : Hẹn Em Năm 2000.
Nhưng vào đúng ngày mùng một Tết 1999, một việc đã xẩy ra mà không một ai trong gia đình có thể ngờ được : sau một trận ho không dứt, vợ tôi đi bệnh viện khám phổi thì bác sĩ cho biết phổi đã bị ung thư đến thời kỳ không còn chữa chạy gì được nữa ! Bác sĩ còn cho gia đình tôi biết vợ tôi chỉ còn sống trong vòng một năm nữa thôi. Nhưng chỉ tám tháng sau, vào tháng 8, 1999, vợ tôi qua đời.
Trong thời gian vợ tôi nằm chờ chết, cả gia đình tôi thay phiên nhau trông nom bà, khi thì trong bệnh viện Fountain Valley, khi thì trong căn nhà ấm cúng ở Thị Trấn Giữa Đàng. Biết rằng có thể làm chậm thời gian về cõi chết nếu chăm làm ''chemotheraphy'' nhưng vợ tôi đã không chịu nổi lối trị liệu này vì mỗi lần trích thuốc thì thuốc làm tê liệt đường gân trên tay, trên ngực, làm rụng tóc v.v... Tuy nhiên hai lá phổi bị ung thư không làm cho người bệnh đau đớn, thân hình vợ tôi không bị hư hao và bà chỉ càng ngày càng khó thở và phải thường xuyên nằm với bình dưỡng khí bên mình.
Trước Tết Mậu Thân, tại Saigon, tôi đã từng chứng kiến căn bệnh và cái chết vì cancer của anh tôi, Phạm Duy Nhượng, từng đau buồn vì bất lực trước sự tàn phá ghê gớm của bạo bệnh này. Nay thì không riêng gì tôi buồn lo, bận bịu suốt đêm ngày, các con tôi cũng tất tả ngược xuôi, chật vật vì mẹ. Trên mười đứa con, cả con ruột lẫn con dâu con rể, thay phiên nhau ngủ chung phòng với mẹ để trông nom, hầu hạ việc ăn uống thuốc men. Vậy mà có những lúc phải cần đến những người đã không còn ở trong gia đình này nữa là Julie tới săn sóc. Tất cả chỉ biết chia nhau sống 24 trên 24 giờ bên cạnh mẹ để vợ tôi có được những ngày cuối cùng không lúc nào thấy cô đơn.
Ngày nhà tôi mất, sau khi chúng tôi cho đăng cáo phó, bạn bè ở khắp nơi trên thế giới gửi có tới cả trăm bức điện thư (e-mail) để chia buồn.
Các báo, từ những tờ The Register, Người Việt, Việt Báo Kinh Tế, Thế Kỷ 21, Văn Hoá, Khởi Hành ở Orange County, CA USA...
... cho tới những tờ Việt Nam Tạp Chí, Toronto, CANADA, Ngày Nay, Houston, TX USA, Phố Nhỏ, Washington DC USA, Chiêu Dương Sydney, NSW ÚC, Người Việt Brisbane, Queenland ÚC, MeKong Tokyo Nhật... đều có bài viết về sự ra đi của nhà tôi.
Ngày an táng, hơn 400 vòng hoa phúng viếng được gửi tới, treo chật trên bốn bức tường nơi nhà quàn của PEEK FAMILY FUNERAL. Trước khi đưa nhà tôi ra nghĩa trang để hạ huyệt, trong khi nắp quan tài chưa đóng lại, tôi gọi các con tới trước linh cữu mẹ rồi cho mở máy phát thanh để mọi người nghe vợ tôi hát bài Bà Mẹ Quê, bài này được thu thanh tại Saigon cách đây khoảng gần 50 năm. Thật là như chuyện trong mơ là vì làm sao mà sau một thời gian dài như thế, trải qua biết bao nhiêu biến cố ở trong hay ở ngoài nước, tôi còn giữ được cái cassette này và mới hôm qua, tìm ra đuợc nó trong số hàng nghìn cuốn băng ?
Trước hết tôi thưa với mọi người rằng tất cả những bài hát về mẹ của tôi đều lấy hứng từ hai người đàn bà là mẹ tôi và vợ tôi. Rồi tôi mời các con và hai ba người thân quyến của gia đình (Thái Thanh, Mai Hương...) cùng các nghệ sĩ có mặt trong tang lễ (Nhật Trường, Duy Khánh...) ra đứng trước linh cữu để cùng hát cho vợ tôi nghe bài Mẹ Trùng Dương.
Việc tiễn đưa vợ tôi về bên kia thế giới bằng hai bài hát về Mẹ này đã làm cho nhiều người khóc, kể cả Thượng Tọa Pháp Châu là vị chủ lễ an táng.
Đáng lẽ cho đăng báo một lời cám ơn với mọi người thì tôi đã gửi bức thư cám ơn sau đây cho hầu hết những người đã chia buồn trước cái tang lớn của gia đình tôi. Đây cũng là lời tiễn biệt đối với người vợ thân yêu, vì số mệnh, phải bỏ tôi ra đi.
Midway City, ngày 16 tháng 8 1999
Cám ơn các bạn đã có những lời phân ưu đến với gia đình tôi vào những ngày tang tóc này, như những lời an ủi huyền diệu.
Nhà tôi ra đi rất êm ái như đã êm ái đến với cuộc đời quá huyên náo này. Êm ái lớn lên trong bóng mát của cha mẹ, êm ái đi vào cuộc chiến, đi vào hai cuộc tình rồi êm êm đi vào hôn nhân. Thành người vợ, người mẹ một triệu lần êm ái, rồi cùng chồng con và biết bao nhiêu tổ ấm khác, êm đềm ruổi rong di tản trong nước rồi lưu vong trên thế giới. Êm ả và âm thầm ngay cả trong cuộc hẹn hò với bạo bệnh và tử thần từ nhiều năm qua...
Đầu năm nay, sau khi từ bệnh viện về nhà và biết rõ số phận mình, nhà tôi có đủ thời gian để ôn lại chuyện đời, chuyện nhà và trối trăn với chồng con, với anh em ruột, và cùng dăm ba người bạn vong niên...
Bà cũng biết rằng bà đã có may mắn, trong 50 năm nước nhà tan tác, dù cũng như nhiều người khác, phải ba bốn lần bỏ nhà bỏ cửa ra đi... nhưng bà chưa hề phải xa chồng một ngày, chỉ bị xa con ít lâu rồi lại đoàn tụ. Bà luôn luôn được sống chung dưới một mái nhà với chồng, với con, với cháu cho tới ngày tận số.
Là chủ gia đình nhưng chưa bao giờ bà phải lo lắng hay vất vả vì sinh kế, bà chỉ sống để làm người vợ đại lượng và hiền lành nhất vùng, người mẹ bao dung và hiền hậu nhất xóm với nhiệm vụ là bà tiên nữ của các con và trách nhiệm là vị Thần Hộ Mệnh (hay Bà Chúa Ngục) của chồng.
Bà là người mẹ không biết dùng roi với con. Bà là người vợ trong 50 năm chung sống với chồng không một lời nói nặng. Bà là sự nâng đỡ của tôi trong phen sa ngã, là sự thanh bình của tôi trong nhiều sóng gió, là sự thành công của tôi trong cơn vật vã với đời, là nụ cười của nàng Mona Lisa kín đáo, đậm đà của gia đình này. Nhà tôi ra đi với nụ cười lặng lẽ đó...
Về phần tôi, vào đúng ngày Tết Nguyên Đán năm nay, khi bác sĩ khám phá ra nhà tôi bị ung thư phổi và không thể sống quá một năm, tôi đã bị chấn động tinh thần, mất ăn, mất ngủ, sụt 13 pounds và phải đi khám tổng quát tim, phổi, gan, dạ dầy... xem có bị ung thư hay không ?
Kết quả là cơ thể không hề hấn gì nhưng tinh thần thì suy sụt. Tôi đã phải đình chỉ mọi hoạt động văn nghệ dù có những ''shows'' đã ''booking'' từ lâu. Suốt tám tháng trời cùng với các con lo việc chữa bệnh cho nhà tôi, thay phiên nhau trông nom bà trong bệnh viện hay khi đưa bà về nhà điều trị, tôi cũng dần dần lấy lại được sự thăng bằng trong đời sống, dù lúc nào cũng có một tảng đá lớn đè trên ngực mình.
Bây giờ thì nhà tôi đã nhẹ nhàng ra đi, tảng đá kia đã cũng nặng nề đổ xuống, lo xong việc chôn cất cho vợ là tôi có thể thành một người tự do hơn trước, vì đã làm xong bổn phận người chồng. Các con tôi cũng đã quá khôn lớn, bây giờ tôi sắp sửa được trở về cái cõi cô đơn truyền kiếp của người nghệ sĩ muôn đời. Tôi lại được tự do thênh thang vác đàn ngao du như trong một thuở xa xưa nào, hoa cài trên phím, tiếng cười trong dây... Xin được cám ơn mọi người bằng nụ cười cô đơn đó.
Phạm Duy...
Hai tháng sau ngày an táng, tôi đi bác sĩ để được khám sức khoẻ nói chung thì được biết áp huyết lên rất cao, phải vào bệnh viện tim để tìm bệnh. Nếu một huyết quản bị tắc thì thông bằng cách luồn ống thông từ háng tới nơi bị tắc. Nếu nhiều huyết quản bị nghẽn thì phải mổ tim để thay thế, phương pháp trị liệu này được gọi là bypass. Khi vào bệnh viện chuyên về tim tại Long Beach thì được biết tất cả những ống đưa máu vào ra trong tim tôi đều bị nghẽn, bác sĩ bắt phải mổ ngay.
Vào bệnh viện khoảng 1 giờ trưa, khám bệnh xong, bác sĩ quyết định giải phẫu, tôi được đánh thuốc mê...
... khi tỉnh dậy vào khoảng 7 giờ chiều thì tim đã mổ xong, năm huyết quản đưa máu vào tim được thay thế bằng ''ống tĩnh mạch'' (veine) lấy từ bắp chân trái.
Trong hơn 20 ngày nằm trong bệnh viện, ngay chuyện ngồi dậy cho nữ y tá đo áp huyết hay để gắn kim vào ống nước biển cũng làm tôi mệt vô cùng. Đi tiểu tiện hay đi đại tiện là một cực hình. Nữ y tá lại còn bắt tôi phải đi bộ 20 phút mỗi ngày, khi cô ta dắt đi, khi thì đi một mình. Trong suốt đời tôi, chưa bao giờ tôi phải chống chỏi với mình như bây giờ.
Rồi tôi được cho về nhà. Người già mà mổ tim thì thường hay bị những bệnh ''hậu giải phẫu'' (post operatoires) như yếu phổi, tiểu đường... Nhưng tôi theo đúng lời dặn của bác sĩ, tập thở nhiều, tập đi bộ nhiều, ăn uống kiêng khem. Hai vết thương ở ngực và ở chân không bị nhiễm trùng vì tôi xưa nay rất lành da. Chỉ một tháng sau ngày mổ tim là tôi đã đi lại như thường. Và điều quan trọng hơn, tôi đã có một trái tim mới. Tôi khoẻ ra và chuyện buồn vì vợ chết không làm tôi quá tiêu cực nữa. Sự phản ứng ghê gớm với thể xác đã giúp tôi phản ứng luôn với bệnh tâm thần.
Tính ra, từ ngày qua Mỹ, tôi bị giải phẫu và bị đánh thuốc mê nhiều lần : một lần để đốt cái sẹo trên phổi, một lần để cạo prostate, một lần để khám ruột, lần cuối cùng và lâu nhất để mổ tim... mỗi lần là coi như đã chết trong khoảng thời gian từ một giờ tới nửa ngày. Tôi biết thế nào là chết và không sợ chết nữa.
Hai tháng sau ngày giải phẫu, tức là đầu mùa Xuân năm 2000, tôi cùng các con đáp máy bay về Việt Nam.

Những Lời Cuối

Thế là xong. Trước khi tôi trở về cát bụi, HỒI KÝ 4 đã kịp hoàn tất để tôi kể nốt chuyện đời mình trong quãng cuối.
Nhưng viết gì thì viết, viết ra được lời tạ ơn đời trong khi mình còn sống mới là cần thiết. Tôi mang ơn cha mẹ, sinh tôi ra để chỉ biết hồn nhiên ca hát cho đời thêm sắc, thêm hương. Tôi mang ơn người vợ, ở với tôi trong 50 năm trời, tuy bốn lần chạy loạn nhưng lúc nào cũng có nhau, đối với tôi bao giờ cũng là một nguồn an ủi lớn. Tôi mang ơn cả lũ con, không lúc nào xa tôi cả, cho tôi sự đầm ấm cần thiết trong cuộc đời cũng có khi lạnh lẽo. Mang ơn bạn bè, những bạn lữ thứ không mỏi mệt cùng đi trên những con đường mưa nắng dãi dầu. Mang ơn những người tình, những người yêu, nhưng chưa đủ, còn phải mang ơn cả những người thù nữa. Mang ơn từ ngọn cỏ, cội hoa tới viên sỏi, đá cuội, không có ''em'' thì không có ''anh''.
Đọc cả bốn tập Hồi Ký của tôi, có thể có bạn đọc nghĩ rằng vì tôi nói tới tôi nhiều quá rồi cho tôi là kẻ tự kiêu, tự mãn. Thưa không phải thế đâu ! Trong một chương trước, tôi đã có dịp tâm sự rằng : những éo le của Việt Nam đã đẩy tôi - và hình như cả giới nghệ sĩ - vào con đường một chiều, một nẻo. Tôi lại là một kẻ không ngoan ngoãn, cứ chỉ muốn được thênh thang đi trên lộ trình tự do của mình. Viết ra cả trăm câu nghìn chữ như thế này, chẳng qua chỉ là phản ứng tự nhiên của một nghệ sĩ phải tự sinh tự tồn từ thời trẻ đến già mà thôi.
Nhiều khi tôi tự hỏi : trên 25 năm nay được cái may - lúc đầu mệt nhọc mưu sinh, về sau an cư lạc nghiệp - tới sinh sống tại một nước giầu sang nhất thế giới là Hoa Kỳ, tại sao không sống bình thản với cái mất, cái còn, cái thua, cái được trong cuộc đời rất nhiều tiện nghi này ? Mà cứ không chịu quên mình là người Việt Nam, lúc nào cũng sốt ruột sốt gan, lúc nào cũng đứng núi này trông núi nọ để được ''khóc cười theo mệnh nước'', cứ mãi mãi là anh bán thịt lợn mang hồn Trương Ba ? Cứ viết Hồi Ký ?
Thế rồi tôi nhìn ra sự thật : tôi chỉ là anh chàng chạy theo cái bóng của mình. gần như suốt đời.
Cho tới khi tôi biết bỏ loại ''nhạc ảo ảnh quê hương'' để soạn Rong Ca, là tôi bỏ được tôi, bỏ được cái nhất thời để đi tìm cái vĩnh củu. Rồi khi soạn xong Thiền Ca là tôi giác ngộ vì tìm đươc chữ ''quên'', tôi không còn ''vọng động'' nữa. Nhà tôi qua đời, tim tôi mổ xong là tôi tái sinh, tôi được giải thoát. Khắc khoải cuối cùng cũng đã ra đi với sự tôi trở về đứng trong căn nhà thời thơ ấu ở 54 Phố Hàng Dầu (nay đổi tên là Phố Lò Sũ) Hà Nội để hoàn tất chu kỳ một đời lang thang. Còn mong gì hơn nữa ? Còn làm gì hơn được nữa ? Nếu còn chút ràng buộc, đó chỉ là món nợ nhỏ phải trả cho xong : Hồi Ký 4 và KIỀU Phần 2.
Nay thì KIỀU Phần 2 và Hồi Ký 4 đã hoàn thành, lời hứa đã đúng hẹn và đây là lúc tôi xin được buông rơi tất cả. Buông bút, treo đàn, hạ màn nhung, cởi áo tuồng, chùi phấn son, tắt đèn, rời sân khấu... Tôi buông rơi hết, không có nghĩa là tôi chối từ những gì tôi đã làm ra trong dĩ vãng. Tôi vẫn chịu trách nhiệm về từng soạn phẩm của mình, nhưng tôi sẽ không còn đứng giữa chợ đời để nhận lời khen hay tiếng chê đến từ bất cứ ai, từ bất cứ đâu, cho bất cứ loại nhạc gì !
Cầm bằng cho gió cuốn bay đi, tất cả !
Bây giờ thì tôi mới thật sự là :
... vui một mình tôi đi !
(Câu chót của Bình Ca số 2, Sống Sót Trở Về)

-HẾT-


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét