Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

NHỚ LẠI NHỮNG NGÀY Ở CẠNH TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM - PHẦN 2

THĂM MỘ Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM

Biết mình đã già và đau yếu, nên tôi cố gắng một lần về Việt Nam, để thăm lại mồ mả tổ tiên mà gần nửa thế kỷ qua chưa được thăm nom. Nhất là tìm một số tài liệu về Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà tôi nghĩ là ông Hà Di, một nhiếp ảnh gia còn lưu giữ được. Tôi cũng hy vọng được gặp bà Võ Văn Hải, ông Hải vốn là chánh văn phòng Tổng Thống, may ra được thêm chút tài liệu nào chăng. Rủi ro là ông Hà Di đã mất được mấy năm, và tôi đã không tìm được bà Hải.


Khi phục vụ Tổng Thống Diệm, tôi chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ, giữ một chức vụ khá khiêm nhường, nên không rõ được những việc lớn cấp quốc gia. Nhưng được luôn ở cạnh ông, lo an ninh cho ông, và nhất là được ông thương mến và tin cậy, tôi thấy hãnh diện, nên ngoài việc hết lòng phục vụ Tổng Thống một quốc gia, tôi còn thương mến ông như một người cha.
Thật vậy, ai ở gần ông, thấy nếp sống thanh bạch giản dị, và nhất là sự làm việc không mệt mỏi ông dành cho quốc gia dân tộc, thì chẳng ai không kính trọng ông.
Suốt thời gian khá dài ở cạnh ông, tôi chưa bị ông la rầy bao giờ. Kể cả các anh em khác ở gần ông cũng vậy. Gần ông riết, chúng tôi được ông coi như con cháu. Tuy chưa dám xin ông điều gì, nhưng tôi cứ yên trí là nếu cần xin, ông sẽ chấp nhận  ngay. Đó là cảm tưởng của tôi. Thật ra, tôi thấy chả có điều gì cần phải xin, vì sống gần ông, tôi thấy thoải mái và vui vẻ lắm. Tuy không được  thong thả về giờ giấc, nhưng lúc nào cũng thấy hãnh diện được ở gần vị nguyên thủ quốc gia xứng đáng về mọi mặt.
Tôi đi thăm mộ phần của ông ở Lái Thiêu, ngay cạnh quốc lộ (quốc lộ 13 thì phải). Người lái xe taxi cho tôi chưa biết mộ ông ở đâu, chỉ biết nghĩa trang Lái Thiêu. Đến nơi, tụi tôi phải đậu xe ở một chòi lá để hỏi thăm. Thật may, chỗ ấy chỉ cách mộ độ 200 thước. Một bà khoảng ngoài 50, và một em nhỏ khoảng 16 tuổi, thấy tụi tôi mang theo hoa thì hỏi ngay:
- Chắc ông đến thăm mộ ông huynh đệ phải không ?
- Dạ, thưa đúng, tôi trả lời.
- Kỳ này nhiều người đến thăm mộ các ông lắm, để tôi đưa các ông đi.
Tôi có cảm tưởng bà và em nhỏ này ở đây chỉ để đưa người ta đi thăm mộ trong nghĩa trang lấy tiền thưởng.
Đưa đến mộ, bà nói:
- Các ông thấy không, tụi tôi làm cỏ sạch sẽ lắm.
Tôi biếu bà 50 ngàn (khoảng gần 4 dollars), bà mừng lắm.
Mộ nhỏ bé sơ sài, để một hàng ngoài cùng phía bên trái là mộ đề tên Đệ (mộ ông cố vấn Nhu), rồi đến mộ bà cụ cố , rồi đến mộ đề tên Huynh (mộ Tổng Thống Diệm), cách thêm ít mộ nữa là mộ ông Cẩn. Đặt hoa ở mộ các ông, tôi thấy lòng buồn và xót xa vô cùng.
Tôi đứng rất lâu cạnh mộ Tổng Thống, nói thì thầm như khấn nguyện cùng ông:
- Cụ sống giản dị, không ăn cao lương mỹ vị, cụ nằm phản không nệm, cụ không xa hoa phung phí, khi đương thời cụ chỉ lo cho quốc gia, chẳng lo gì cho bản thân, nay cụ được chôn ở đây, nghĩa trang sơ sài này, cạnh đồng bào nghèo khổ của cụ, chắc Chúa định vậy để hợp với đức tính khiêm nhường của cụ. Con mừng vì nơi thiên đàng cụ ở, cụ cũng còn thấy nhiều người nhớ đến cụ và đến thăm viếng cụ. Con từ nơi xa xôi về đây viếng mộ cụ, con thấy vui về nơi an nghĩ cuối cùng của cụ đúng với ý cụ.
Trên đường về và cả ngày hôm ấy, những kỷ niệm cũ cứ hiện lên trước mắt. Thấy mộ của ông, tôi nhớ lại ngày ông bị thảm sát. Đầu tiên chôn ở bộ Tổng tham mưu, sau chuyển ra nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, nay lại về đây. Cả ba nơi tôi đều đi viếng, nơi nào cũng sơ sài giản dị.
Có lần tôi gặp ông Võ Văn Hải, nguyên là chánh văn phòng của Ông, ông Hải hậm hực phàn nàn:
- Anh xem, Tổng Thống Thiệu tệ bạc và bất nhân đến mức nào. Mộ hai ông chôn ở Mạc Đỉnh Chi cũng không yên. Ông Thiệu là Tổng Thống, bố ông chết thì chôn ở đâu chả được, mà đem chôn ngay trên đầu hai ông. Chắc ông nghĩ chôn ở đó để yểm hai ông không hại đến ngôi vị của ông. Ổng làm hồ con rùa là cũng nghe mấy cha địa lý tầm bậy để ngôi vị được vững vàng.
Có những kỷ niệm tôi không sao quên được, chợt nhớ đến nên viết ra đây, không thứ tự đầu đuôi, chỉ ghi lại như những Tạp ghi. Ông thích cây cỏ vô cùng. Tôi nhớ một buổi sáng cuối tuần ở biệt điện số 1, nơi ông nghỉ tại Đà Lạt, ông xuống thăm vườn hoa và dừng lại rất lâu ở khu ươm cây giống, vì có một số cây tùng bút mới xin ở Nhật Bản về. Các cây này cao độ nửa thước tây trở xuống ông dặn người làm vườn giữ cẩn thận để đem một số về dinh Độc Lập trồng khi dinh xây xong.
Thấy có khá nhiều, tôi cũng muốn xin một cây về tặng ba tôi trồng ở ngôi nhà mà ông đang xây.
Tôi bảo người làm vườn:
- Chiều nay về Sài Gòn, anh sang vào giỏ cho tôi một cây nhé.
Anh này băn khoăn thưa lại:
- Cụ quý mấy cây này lắm, thiếu tá lấy em sợ Cụ biết thì chết.
- Không sao đâu, nhiều quá mà! Chiều về cùng máy bay với cụ thì ai cũng thấy, có gì cụ la tôi, anh đừng sợ.
Tôi nghĩ trong bụng chả nhẽ cụ quý cây tùng hơn mình sao. Chiều hôm ấy, trên đường về, tôi xách cây tùng nhỏ trên tay, lên máy bay cùng ông. Ông nhìn tôi và nhìn cây tùng, rồi mỉm cười. Tôi mừng hết lớn. Nhớ lại nụ cười của ông sao dễ thương vậy. Cử chỉ của ông với thuộc hạ như vậy, sao mà quên được.
Một lần đi thăm công trường dinh Độc Lập, thấy cây cối, vườn hoa xác xơ, ông nói Trung Tá Khôi ở lữ đoàn có người lính già nào cho ông một người về chăm lo cây cảnh ở dinh này. Trung Tá Khôi thưa:
- Dạ ở lữ đoàn có một trung sĩ khỏe mạnh và giỏi về cây cảnh để cho lên săn sóc cây cối.
Ông liền cau mặt và nói:
- Ta nói đây là cho một anh nào già yếu và là lính, chứ trung sĩ ăn lương một đống tiền, để chỉ huy binh sĩ chứ lại coi cây cảnh sao.
Thế mà nhiều người chê ông không biết dùng người, tôi không tin.
Xưa nay, lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống chỉ có chức tư lệnh lữ đoàn và tham mưu trưởng lữ đoàn. Riêng tôi, được ông cho làm tư lệnh phó, kiêm tham mưu trưởng.
Ngày về nhận việc làm, tham mưu trưởng lữ đoàn là Trung Tá Khôi đưa tôi lên trình diện ông. Ông cười vui vẻ và chỉ nói anh em về làm việc với nhau vui vẻ. Khi làm việc, tôi chú trọng nhất việc ứng trực và canh gác, nên duyệt sổ trực gác hàng ngày. Có một lần, thượng sĩ Ngô Đình Bá (là cháu gọi Tổng Thống bằng chú, Bá là con người anh họ của Tổng Thống, ông nội anh là anh cụ thân sinh ra Tổng Thống – ngành trưởng) bỏ gác. Tôi gọi Đại Úy Huy là đại đội trưởng công vụ lên hỏi:
- Dạ thưa thiếu tá, anh này ở truyền tin, xưa nay bỏ trực gác luôn, vì cậy là cháu cụ nên chả ai nhắc đến.
Tôi phê ngay vào sổ trực: Phạt 15 ngày trọng cấm, đem giam ở quân vụ thị trấn, nếu tái phạm sẽ thuyên chuyển khỏi lữ đoàn. Tôi nghĩ bụng, nếu không phạt nặng thì không làm gương cho người khác được. Lữ đoàn cũng có nhiều con ông cháu cha lắm.
Đương sự nghe bị phạt, liền chạy lên phòng trung tá tư lệnh khiếu nại, làm cho tôi càng bực thêm. Trung tá tư lệnh không tiếp. Tôi gọi quân cảnh đón bắt ngay khi đương sự ở cửa phòng tư lệnh ra, đem đi giam ở quân vụ thị trấn. Tại đây, đương sự kêu la, và lấy dầu nóng uống dọa tự tử. Đêm đó, khoảng 1 giờ sáng, sĩ quan trực gọi dây nói cho biết đương sự là cháu Tổng Thống, nên cũng ngại.
Tôi hỏi sĩ quan trực:
- Nếu không phải là cháu của Tổng Thống thì anh giải quyết sự việc này như thế nào ?
- Dạ thưa thiếu tá, tôi sẽ cho y tá xem bệnh và nếu cần cho đi nhà thương.
- Vậy anh cứ giải quyết như quy định. Nếu tự tử giả thì cứ tiếp tục giam cho đến khi hết hạn. Anh nên nhớ, Tổng Thống không bao giờ binh con cháu đâu.
- Dạ, thiếu tá chỉ thị như vậy, tôi xin thi hành. Thượng sĩ Bá tiếp tục bị giam cho đến khi hết hạn.
Mấy hôm sau, trung tá tư lệnh kể với tôi, mẹ đương sự sợ đương sự bị đổi đi nơi khác như tôi đã dọa, nên ra xin với ông Cẩn (cố vấn miền Trung). Ông Cẩn cũng không bênh, chỉ nhắn vào là xin phạt thôi, đừng đổi đi, vì đương sự là con một, và là ngành trưởng.
Sợ có người xuyên tạc và trình bậy với Tổng Thống, tôi xin trung tá tư lệnh làm một phiếu trình sự việc lên Tổng Thống, ông cũng chả nói gì và có vẻ bằng lòng.
Anh Bá này còn trẻ, đẹp trai và được các trưởng ty cảnh sát nể nang. Anh in danh thiếp là Ngô Đình Bá – Phủ Tổng Thống nên nhiều vị trưởng ty cảnh sát cho anh mượn xe Jeep đi hàng ngày. Sau đảo chánh, anh bị đổi ra đơn vị. Khi tôi ở tổng cục chính trị, anh đến thăm. Tôi nói nếu anh muốn thì có thể xin cho anh về làm việc ở tổng cục, nhưng sau đó anh cho tôi rõ là được Trung Tướng Đôn xin về làm việc với ông. Ngoài ra, còn một hạ sĩ quan nữa có họ với Tổng Thống, là Ngô Đình Ánh, ở cận vệ. Anh này cũng chỉ làm việc, và được đối xử như những người khác.
Tổng Thống có bốn sĩ quan tùy viên, lúc nào cũng có hai người ở cạnh ông, là các Đại Úy Lê Châu Lộc, Đỗ Thọ, Lê Công Hoàn và Đắc (tôi quên họ). Bốn người này đều tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia (khóa 12 thì phải).
Lúc nào cửa phòng làm việc của Tổng Thống cũng mở, có cận vệ gác ngay cửa. Ông làm việc và ngủ ngay trong phòng làm việc, có một chiếc phản gỗ không có nệm cho ông ngủ. Suốt gần chục năm trời, ông sống như vậy.
Nhiều khi tôi tự hỏi, làm Tổng Thống như vậy có gì vui không? Chả có gì giải trí, làm việc cả ngày đến gần nửa đêm mới đi ngủ, lúc nào cũng có người ở cạnh, còn gì tự do? Trừ phi phải có nghị lực, và lòng yêu nước vô cùng, mới giữ mình được như vậy.
Tôi còn biết Đại Úy Nguyễn Văn Tuyên, là cháu ruột của ông, tôi gặp đôi lần ở trong dinh. Anh ở ngành Quân cụ, gặp tôi anh rất lễ phép và kêu tôi bằng cấp bậc. Anh là con của em gái Tổng Thống, và là em đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, cũng chả được giữ nhiệm vụ gì quan trọng.
Riêng ông cố vấn Ngô Đình Nhu, có Trung Tá Phạm Thư Đường là chánh văn phòng, có sĩ quan tùy viên là Đại Úy Hạp, cận vệ lo an ninh cho ông mỗi khi ông cần. Ông làm việc gần như suốt ngày tại văn phòng của ông. Nhiều khi tôi thấy đèn ở văn phòng còn sáng đến quá nửa đêm. Ông sống rất giản dị, ăn mặc xuề xòa. Mỗi khi anh em gặp ông chào, ông đều mỉm cười, gật đầu đáp lễ. Nhiều lần ông đi săn, thì đi bằng máy bay Air Việt Nam, chỉ có một vài anh em tháp tùng. Ông chả bao giờ dùng máy bay riêng của Tổng Thống, cũng không bao giờ dùng phòng danh dự.
Ông Ngô Đình Cẩn một lần ở Huế vào thăm Tổng Thống cũng vậy, đi bằng Air Việt Nam, và không dùng phòng danh dự. Phòng danh dự rất ít khi mở cửa, hầu như chỉ dành riêng cho Tổng Thống mà thôi.
Sau cách mạng, phòng danh dự mở cửa luôn, hầu như ai dùng cũng được, kể cả các bà tướng. Có lần tôi lên sân bay tiễn một người bạn đi ngoại quốc, thấy phòng danh dự mở cửa, và gặp một sĩ quan bạn thuộc Vùng II ở trong đó. Tôi ghé chào, thấy bà Trung Tướng Nguyễn Hữu Có ngồi bên trong. Thì ra phòng danh dự mở để bà dùng khi lên Pleiku, và số người đưa đón cũng gần 20 người.
Tất cả những người làm việc trong dinh tôi kể trên đều thương quý nhau. Mỗi khi Tổng Thống cần gì, gặp ai ở gần là ông sai. Tôi có cảm tưởng mọi người như anh em trong một gia đình, mà ông là người cha. Các sĩ quan tùy viên là những người gần ông nhất. Khi thấy có điều gì ông không bằng lòng, anh em nhắc nhau để sửa đổi, chả bao giờ phiền hà hay ganh ghét nhau. Gặp nhau là tươi cười vui vẻ, thường ngồi ở phòng tùy viên để chuyện gẫu và thông báo cho nhau tin tức hàng ngày. Tham mưu biệt bộ là nơi phải tập trung mọi tin tức đệ trình Tổng Thống đọc buổi sáng. Chúa nhật ông xem lễ trong dinh, do Cha Toán ở dòng Chúa Cứu Thế làm lễ.
Bản tin hàng ngày các tỉnh phải trình thẳng về Tham mưu biệt bộ, nên việc gì xảy ra trong ngày, Tổng Thống đều rõ cả.
Có lần khi ông đang nghỉ cuối tuần ở Đà Lạt thì ở Phan Thiết có một vị sư trẻ mới 19 tự thiêu nhưng cứu sống được, chỉ bị phỏng thôi. Thế là ông đang vui vẻ tự nhiên sầu mặt lại, ngồi thừ người ra, và đòi về Saigon ngay.
Tôi nói với Trung Tá Hùng, tham mưu trưởng biệt bộ:
- Cụ ít lâu nay buồn nhiều và mệt mỏi quá rồi, sao những việc buồn như vậy mà cứ trình để cụ mệt thêm, tôi nghĩ nên bỏ đi là hơn.
- Không được toi ơi, không trình mà cụ biết được, cụ rầy chết. Trung Tá Hùng trả lời.
- Cụ làm sao mà biết được, dù biết được thì chuyện cũng đã qua rồi, còn hơn là để cụ bực tức lo nghĩ.
Tôi cũng được biết Đại Tá Y, tổng giám đốc Cảnh sát có trình một vụ động trời nữa. Phía Phật giáo tranh đấu có một ban chuyên môn đi rủ rê những người nhẹ dạ để tự thiêu. Họ cho những người này tiêu xài, ăn chơi thỏa thích rồi kể là chính quyền đã giết hại các tăng ni, và đưa cho những người này ký giấy tự thiêu. Có một thanh niên sợ quá, phải đến trình diện cảnh sát để xin bảo vệ.
Theo tôi, trong việc dùng người, hình như Tổng Thống không bao giờ để ý tới địa phương, là người Công giáo hay Phật giáo. Tôi là người Bắc và theo Phật giáo. Phần đông những người lớn ở cạnh ông đều là Phật giáo và người Nam, người Bắc nhiều hơn người Trung. Nhưng Tổng Thống đã bị chống đối là kỳ thị.
Chính ông cũng buồn phiền vì nghe tin này. Những lúc ông bực bội hay buồn phiền là lộ ra mặt. Ông để một tay sau lưng, đi đi lại lại, hút thuốc liên tục. Khi phòng làm việc có vẻ quá nhỏ hẹp, ông đi ra ngoài. Nhưng mỗi khi ông ra khỏi phòng, nào là cận vệ, tùy viên, có khi cả tôi nữa, luôn ở xung quanh, nên ông lại lững thững quay vào.
Lần mà tôi nghĩ ông khó chịu, và khó xử nhất, là lần ông mời vợ chồng ông đại sứ Mỹ cùng ông đi kinh lý, thăm khu dinh điền thuộc tỉnh Quảng Đức, rồi về Đà Lạt ăn cơm tối. Ông đại sứ Mỹ có ông trưởng cơ quan CIA sắp rời nhiệm sở về Mỹ đi cùng. Khi đến sân bay Quảng Đức, có xe cắm cờ Việt Nam và cờ hiệu của Tổng Thống để ông đi. Ông bà đại sứ ngồi xe thứ hai theo dự trù. Nhưng ông lại mời ông bà Đại sứ đi cùng xe với ông. Ông ngồi bên tay mặt, bà đại sứ ngồi giữa và ông đại sứ ngồi bên tay trái. Ông bà đại sứ đều cao lớn, xe lại nhỏ nên hơi chật chội. Tôi để ý thấy ông có vẻ lúng túng khi ngồi sát cạnh bà này.
Khi vào thăm một trong những khu dinh điền của tỉnh này, ông Đại sứ tỏ vẻ ngạc nhiên vô cùng về sự sung túc của dân ở đây, nhà cửa khang trang, đều lợp tôn cả, cây cối tốt tươi, nhà nào cũng có vườn lớn trồng đủ mọi loại cây trái, rau khoai. Tôi thấy như là người miền Trung vào lập nghiệp ở đây. Có những xưởng cưa, xưởng mộc, xưởng làm nón và trưng bày cho Tổng Thống xem những đồ mộc, nón và đặc biệt là những trái cây, có những củ khoai to đến nửa ký, có những trái bí ngô, bí đao, mướp v.v…trái nào cũng lớn hơn những trái tôi thấy ở các chợ Saigon.
Đón Tổng Thống có các vị linh mục, mục sư và đại đức. Dân chúng ăn mặc tươm tất, ai cũng vui vẻ và mừng rỡ khi gặp Tổng Thống. Tại đây, tôi gặp đại đức Thích Độ Lượng, làm tuyên úy Phật giáo của Trung đoàn 12 của tôi trước đây (ngày ấy chưa có ngành Tuyên úy Phật giáo, nhưng Trung đoàn của tôi có chùa và nhà thờ riêng, nên anh em Phật tử mời được đại đức Thích Độ Lượng về coi chùa). Vị đại đức này cũng có chùa ở đây và ở Ban Mê Thuột nữa. Sau này đại đức lên thượng tọa và làm Phó giám đốc nha Tuyên úy Phật giáo cho thượng tọa Thích Thanh Long. Sau 1975, hai vị này đều bị tù cải tạo, khi được tha hai vị đều chết cả vì yếu sức. Khi tôi ở tổng cục Chiến tranh Chính trị gặp ông, ông hay phàn nàn là Thật dại cả lũ, nghe Mỹ nó xui làm đảo chánh để bây giờ lộn xộn. Mấy năm nay tôi có được lên cao nguyên thăm chùa của tôi đâu, đường đi bây giờ đâu có được an ninh như thời của cụ Diệm. Thế mà trong cuốn sách của ông Nguyễn Vĩnh Phúc nói ở miền Trung nhiều người theo đạo Phật sợ phải đi dinh điền, nên xin theo đạo Công giáo để được ở lại. Tôi thấy khu dinh điền phần đông là người Công giáo, do các linh mục trẻ hướng dẫn đến lập nghiệp ở đây, và đời sống sung túc hơn ngày ở quê hương nhiều. Sau này tôi ở Huế, rất nhiều người xin đi dinh điền mà không được.
Tổng Thống lấy hai cái nón tặng ông bà đại sứ, và một cây gậy chạm trổ rất đẹp tặng ông trưởng cơ sở CIA. Thấy Tổng Thống và ông đại sứ vui vẻ, anh em chúng tôi cũng mừng, vì tụi tôi cũng biết tình hình rất căng thẳng giữa Mỹ và Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau khi thăm Quảng Đức, phái đoàn đi Đà Lạt ở dinh số 2, và Tổng Thống mời ông bà đại sứ ăn cơm tối ở dinh số 1. Khoảng 5 giờ chiều, Tổng Thống chợt nghĩ là cần một bà để tiếp chuyện bà đại sứ Mỹ. Thấy tôi đứng cạnh, ông bảo Anh mời bà dân biểu Đà Lạt tới ăn cơm để tiếp bà đại sứ, nhớ xin lỗi là bây giờ mình mới đến Đà Lạt nên không kịp mời trước.
Tôi vâng lệnh đi ngay, nhưng ra đến cửa lại giật mình, vì chưa biết bà Dân biểu tên là gì và ở đâu. Tôi định nhờ ông tỉnh trưởng Đà Lạt mời hộ và xin ông đi cùng. Rất may khi ra xe thì gặp ông bí thư Trần Sử đi đâu về, tôi lại nhờ ông lo hộ vì ông quen việc này.
Tối đó, khi dự tiệc xong, Tổng Thống và ông đại sứ nói chuyện riêng. Tôi chắc sự việc rất gay go, vì đến hơn 1 giờ đêm ông đại sứ mới ra về, còn ông thấy rõ vẻ đăm chiêu.
Sáng hôm sau, tôi còn đang ngủ, cận vệ đã đánh thức, báo Tổng Thống đã dậy rồi. Ông đi lại ngoài vườn còn sương mù và hút thuốc liên tục, tỏ vẻ mệt mỏi nhiều. Tôi chắc đêm qua ông mất ngủ. Sau khi ăn sáng, ông đổi ý, không nghỉ ở Đà Lạt ngày hôm ấy (Chúa nhật) và đòi về Saigon ngay.
Sáng hôm sau (thứ hai) ông lại đi Cam Ranh và dùng xe đi thăm khắp vùng. Tụi tôi ai cũng biết là đại sứ Mỹ đề nghị ông nhường cảng Cam Ranh cho Hoa Kỳ. Ông bí thư Trần Sử cũng kể cho tôi nghe là Tổng Thống rất khó xử khi người Mỹ muốn đem quân vào Việt Nam, và muốn Việt Nam nhường cảng Cam Ranh cho họ. Ông chỉ đồng ý là nhận thêm cố vấn Mỹ, nhưng những người này phải có thông hành như những người ngoại quốc vào Việt Nam. Ông phàn nàn là nếu để họ đem quân vào, và nhường cảng Cam Ranh thì còn gì là chủ quyền nữa, khác chi khi quân Pháp trước đây.
Thế là từ đó đến ngày đảo chánh, Ông không gặp riêng đại sứ Mỹ nữa. Khi đến khánh thành lò nguyên tử ở Đà Lạt, có nhiều vị đại sứ các nước đến dự, và trước khi đảo chánh, đại sứ Mỹ đưa đô đốc tư lệnh Thái Bình Dương đến thăm ông. Ông bị giết chết, theo tôi nghĩ là vì không chịu nhường Cam Ranh và cho Mỹ mang quân vào Việt Nam.
Oái oăm thay, Bác sĩ Phan Huy Quát đồng ý nhường Cam Ranh cho Mỹ và đồng ý cho Mỹ mang quân vào Việt Nam, cũng bị chết về bàn tay Việt cộng, vì bị Mỹ bỏ rơi.
Sau đảo chánh, thật là bối rối cho anh em ở lữ đoàn Phòng vệ. Nghe Tổng Thống chết, ai cũng đau buồn. Rất nhiều người khóc lóc như cha chết. Thật vậy, tụi tôi coi ông như cha.
Khi tôi ở lữ đoàn đợi lệnh đi đơn vị mới, có một Frère (sư huynh) ở trường Taberd đến xin gặp. Tôi quên tên, nhưng thấy ông còn trẻ, khoảng tuổi tôi, ông gặp tôi để xin cho biết chi tiết về Tổng Thống và cuộc đánh ngày 1 tháng 11 năm 1963. Tôi kể cho ông nghe, nhiều lúc ông vừa ghi vừa khóc, ông hỏi tôi: Có nhiều báo nói về hầm át- xít ở thành Cộng Hòa, và đường hầm ở dinh Gia Long ra ngoài v.v…Tôi đưa ông ra cửa và chỉ cho ông xem toàn thành Cộng Hòa. Còn về cái hầm ở dinh Gia Long, được làm ra chỉ để Tổng Thống và nhân viên trú ẩn nếu bị pháo kích hoặc oanh tạc, chứ làm gì có đường ra ngoài. Thấy tôi buồn vì báo chí đua nhau nói xấu Tổng Thống, ông an ủi:
- Lịch sử không ai ghi chép ngay sau khi biến cố xảy ra, phải đợi một thời gian dài mới xét đoán được công hay tội của cụ Diệm. Như vua Quang Trung, khi vua Gia Long lên ngôi, ai dám ngợi khen ngài là anh hùng. Theo tôi, ai đảo chánh cướp ngôi mà được nhân dân kính phục, nhất là giết cụ Diệm một người đạo đức trong sạch, yêu nước. Thiếu tá cứ đợi xem kết quả sẽ như thế nào cho dân mình sau này.
Bây giờ tôi không biết vị sư huynh này ở đâu, và ông có giúp gì cho các nhà viết sử sau này về tài liệu ông ghi chép.
Thật khổ cho anh em lữ đoàn Phòng vệ tụi tôi. Biết chắc là lữ đoàn bị giải tán, và anh em phải đổi đơn vị, mấy ngàn anh em toàn những người giỏi về tác chiến và chung thủy, nay bơ vơ không biết về đâu.
Trước khi đảo chánh, anh em quân đội thương quý nhau, nay đâm ngờ vực chia rẽ nhau. Thậm chí, lính lữ đoàn trong khi chờ đợi đi đơn vị mới, không được trang bị vũ khí.
Tôi xin kể một câu chuyện nghe như khó tin. Hạ sĩ nhất Nguyễn Khắc Phương ở lữ đoàn, bị thương ở bụng và gẫy tay, vì bị pháo kích trong khi theo tôi và Đại Úy Bạch coi đại đội Phòng không đi coi chỗ đặt mấy khẩu súng không giật (57 ly). Anh được tải thương về bệnh viện Cộng Hòa. Hai hôm sau, phái đoàn của các thầy đi thăm thương binh và mang quà cho các chiến sĩ có công trong cuộc đảo chánh, khi đến giường hạ sĩ nhất Phương và biết anh ở Lữ đoàn Phòng vệ Tổng Thống, thì khựng lại, bỏ sang giường khác. Cô y tá phản đối, nói ai cũng là thương binh, tại sao chia rẽ như vậy. Thế là phái đoàn bàn tán một lúc, rồi đem quà để đầu giường anh, không một lời thăm hỏi. Anh tức qua,ù cầm gói quà ném ra cửa (Anh Phương hiện ở chung cư Phạm Thế Hiển, và vẫn giữ liên lạc với tôi).
Người thay thế Trung Tá Khôi làm tư lệnh Lữ đoàn là Thiếu Tá Đầy. Ông và tôi quen nhau, ông nhờ tôi đưa anh em đến căn cứ chuyển vận để lên tầu theo lệnh thuyên chuyển ra các đơn vị thuộc vùng I và II. Lúc chia tay lên tầu, tôi muốn rơi nước mắt. Về phía anh em, có lẽ phần vì phải lo cho vợ con, phần nhớ đơn vị nên có đến 25% vắng mặt. Sau này, khi gặp lại anh em ở các đơn vị, tụi tôi đều vui mừng như ruột thịt gặp lại nhau. Đặc biệt là kỳ về thăm Việt Nam năm 2000, tôi có đến thăm trại gia binh của lữ đoàn cũ ở đường Hồng Thập Tự, hiện còn 40 gia đình. Tôi được gặp một số anh em, ai cũng tay bắt mặt mừng, nhưng đều già cả. Nhiều người đến hơn 70 tuổi rồi, và ai cũng nhắc đến Tổng Thống, họ còn đưa tôi đến giới thiệu với cha xứ ở nhà thờ Lữ đoàn cũ nữa. Nhiều người kể với tôi, cứ đến ngày 2 tháng 11 hàng năm, đều xin lễ cầu cho Tổng Thống. Nghĩ cũng an ủi cho ông, gần 40 năm rồi mà người ta vẫn nhớ đến ông, và công lao của ông với đất nước.
Vì chưa có gia đình nên ngày ấy tôi ở ngay trong thành Cộng Hòa, nhiều tối buồn tôi hay ra sân cờ chuyện gẫu với anh em nên tình thân càng thắm thiết. Khi giải tán Lữ đoàn, một số anh em đào ngũ nhưng một thời gian sau, nhiều người gặp tôi và tôi lại lo cho họ trở lại quân ngũ, và cũng có nhiều người về làm việc với tôi.
Một chuyện mà báo chí sau này đã làm ồn ào về việc xét chùa Xá Lợi để bắt một số tăng sĩ chống đối. Nhiều báo nói bà Nhu mặc quần áo rằn ri đích thân chỉ huy lính chính quy, trong đó có lính của Phủ Tổng Thống và lính lực lượng Đặc biệt. Tôi xác nhận lính của lữ đoàn không tham dự, và đặc biệt là tuy ở Đặc khu 1 (Đặc khu quanh dinh Gia Long mà bất cứ đơn vị nào vào vòng đai này cũng phải báo trước cho bộ Tham mưu Lữ đoàn Phòng vệ rõ) mà cũng không hay.
Khuya đó (20-8-63), toán tuần cảnh do quân cảnh lữ đoàn đi tuần báo cho tôi biết cảnh sát đang bao vây chùa Xá Lợi, có cả một số binh sĩ của lực lượng đặc biệt yểm trợ ở ngoài (không một người lính của lực lượng Đặc biệt nào vào trong khuôn viên chùa). Tôi trình cho Trung Tá Khôi tư lệnh rõ, ông liền liên lạc với Đại Tá Tung và tỏ ý trách là tại sao vào trong Đặc khu 1 mà không thông báo cho Lữ đoàn Phòng vệ rõ.
Đại Tá Tung trả lời là quên, xin lỗi Trung Tá Khôi, và nói chỉ có một đơn vị nhỏ của lực lượng Đặc biệt hiện diện theo yêu cầu của Đại Tá Y (Đại Tá Tung không có mặt), vì có tin các vị tăng sĩ có súng phóng lựu đạn và võ khí các loại.
Tôi ra tại chỗ xem thì lúc ấy đã yên rồi. Gặp Thiếu Tá Dần, người chỉ huy tổng quát và cũng là chỉ huy trưởng của Cảnh sát dã chiến. Ông kể cho tôi nghe là trong chùa có kháng cự rất hăng bằng gạch đá, dao, búa ở trên cao ném xuống, cả bàn ghế nữa, nhưng không có vũ khí. Tôi hỏi có bắt giữ những vị cao tăng nổi tiếng chống đối không?
- Thượng tọa Thích Trí Quang không có trong chùa, nhưng có thượng tọa Thích Tâm Châu.
- Anh thấy thái độ của thượng tọa thế nào?
- Ông có vẻ run và nhờ tôi cho gặp ông Đại Tá Y, hay ông bộ trưởng bộ nội vụ, hoặc Phó Tổng Thống Thơ.
- Sao anh không để thượng tọa gặp mấy vị này?
- Lúc đó lộn xộn lắm nên tôi chỉ báo cáo qua máy.
Tôi thấy sân chùa ngổn ngang gạch đá và bàn ghế, lối bậc thang lên chùa cũng ngổn ngang bàn ghế.
Sáng sau là lệnh thiết quân luật ban hành và tôi thấy Trung Tướng Đôn, Đính đang ngồi trong phòng của Tổng Thống.
Một chuyện nữa là vụ thương phế binh và dân vệ biểu tình phản đối trước chùa Xá Lợi khiến phía Phật giáo chống đối chỉ trích chính phủ. Ngày ấy, dân vệ do Trung Tá Chiêu làm Giám đốc. Tôi nhớ một buổi họp tối, mấy vị sĩ quan đến họp ở lữ đoàn bàn nhau để anh em thương phế binh biểu tình phản đối, vì nếu để vụ này kéo dài thì binh sĩ ngoài tiền tuyến mất tinh thần. Tôi thấy có Trung Tá Khôi, Trung Tá Chiêu và một số người nữa tôi quên. Đại Úy Hồ Ngọc Tâm là thư ký phiên họp. Trung Tá Chiêu được giao trách nhiệm tổ chức cuộc biểu tình.
Chiều hôm sau, tôi tháp tùng Tổng Thống lên Đà Lạt. Khi trở về đến sân bay, tôi thấy Phó Tổng Thống Thơ, Thiếu Tướng Nghiêm và ông bộ trưởng Phủ Tổng Thống đón ở phòng danh dự.
Phó Tổng Thống trình sự việc cho Tổng Thống nghe. Tôi chưa thấy ông giận dữ như vậy bao giờ. Ông cầm gậy đập xuống đất, mặt đỏ bừng và ra lệnh ngay tại chỗ:
- Bắt phạt ngay những người đứng ra tổ chức, và cách chức ngay Trung Tá Chiêu.
Trung Tá Chiêu là người tôi quen nhiều, ông đã từng là tư lệnh sư đoàn và hết lòng trung thành với chế độ. Nhưng Tổng Thống vẫn cách chức cho phía chống đối biết Tổng Thống hết lòng muốn hòa giải, và nhượng bộ tất cả những gì họ yêu cầu.
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc, không hiểu Tổng Thống hay ông Nhu có biết là sắp có biến cố xẩy ra hay không. Riêng tôi, ngày ấy nghe có tin đồn là sắp có đảo chánh. Nhất là Trung Tá Khôi kể cho tôi nghe có một phiếu trình Tổng Thống, xin cho Thiếu Tướng Đính lên trung tướng làm bộ trưởng Nội vụ và để Trung Tướng Đôn làm bộ trưởng Quốc phòng, sau đó sẽ có biện pháp mạnh đối với phía tranh đấu (phiếu trình này do ông Đôn làm). Tổng Thống không chấp thuận, và Thiếu Tướng Đính có vẻ buồn, lên Đà Lạt nghỉ ít ngày. Theo tôi nghĩ, Tổng Thống không muốn có biện pháp mạnh đối với phía chống đối, nên từ chối đề nghị này.
Có lần tôi bàn với Trung Tá Khôi để xin Tổng Thống ra lệnh, nếu có biến cố gì xảy ra, mà không có mặt Tổng Thống thì phải làm sao. Sau khi trình, Trung Tá Khôi cho tôi rõ: Tổng Thống bảo có Thiếu Tướng Khiêm và Đính đó.
Tuy là sĩ quan cấp nhỏ, nhưng lúc ấy tôi suy đoán là không có ai có thể đảo chánh được. Ngay cả một đơn vị lớn như sư đoàn 7, sư đoàn 5 hay nhẩy Dù hoặc Thủy quân lục chiến, cũng không thể nào tấn công vào dinh được, vì với Lữ đoàn phòng vệ và các loại vũ khí tối tân đủ để cầm cự một thời gian lâu. Ngoài ra, còn lực lượng đặc biệt, là đơn vị thiện chiến nhất lúc bấy giờ, thì làm sao có thể xảy ra đảo chánh bằng quân sự được. Chỉ lo về mặt chính trị, mà lại do Mỹ (CIA) đặt kế hoạch, thì mới là đáng ngại. Tuy nhiên có một số sự việc xảy ra.
1) Tôi có nghe tin là có người báo cho ông cố vấn Nhu biết là Đại Tá Đỗ Mậu đi rủ rê một số anh em làm đảo chánh, ông ra lệnh cho Đại Tá Tung điều tra và được trình lại là đúng như vậy. Đại Tá Tung được lệnh cô lập ông Mậu để dằn mặt những người mưu toan. Rủi đúng ngày hôm ấy, Trung Tá Châu (nguyên là giám đốc nha Chiến tranh tâm lý) là tùy viên quân sự ở Hoa Kỳ được về phép để dự lễ mở tay của người em mới được thụ phong linh mục.
Nhân gặp một số anh em trong Cần Lao kể cho nghe nội vụ, thế là ông Châu nhẩy bổ vào trình diện Tổng Thống, khóc lóc than phiền là ông Nhu bây giờ hết tin anh em, đã đẩy ông đi xa, nay còn anh Mậu theo cụ từ bao lâu nay mà cũng ra lệnh bắt.
Tổng Thống gọi Đại Tá Tung hỏi sự việc, và cũng được trình là ông Mậu có rủ rê một số anh em thật. Ông Châu viện cớ Mậu là an ninh quân đội, nên phải dò xét mọi người, chứ sao mà phản Tổng Thống được, ông coi Tổng Thống như cha. Thế là Tổng Thống ra lệnh ngừng có biện pháp với ông Mậu.
Đảo chánh xảy ra mấy ngày sau, lúc ông Châu còn ở Saigon. Tôi gặp ông trong bữa cơm ở nhà Trung Tá Khôi và có hỏi ông việc này, ông nhận là đúng. Nếu ông Châu đừng xía vô việc này thì ông Mậu bị bắt, như vậy các ông tướng sẽ không dám làm đảo chánh, tôi hỏi thêm ông Châu.Việc này có thể đúng, ông trả lời.
Sau ông được ông Mậu xin với hội đồng tướng lãnh cho ra khỏi Việt Nam để về lại nhiệm sở cũ ở Hoa Kỳ, và bàn giao chức vụ tùy viên quân sự cho Đại Tá Nguyễn Phương. Ông Châu sau khi bàn giao thì chạy sang Pháp và không trở về Việt Nam nữa.
Sau khi mất nước, tôi có sang Pháp và gặp lại ông. Tôi hỏi ông về việc có anh em cho biết, khi tướng Văn Tiến Dũng sang Pháp, ông cũng có mặt trong phái đoàn đón hắn có đúng không? Ông trả lời có, vì ông muốn xin cho gia đình còn kẹt lại Việt Nam được sang đoàn tụ với ông.
- Từ khi cụ Diệm chết, moi thấy sớm muộn gì Việt Nam cũng mất về tay Cộng Sản.
Đó là lời nói cuối cùng của ông với tôi. Ông chết ở Pháp vì bệnh. Tôi có đọc cuốn sách của ông viết Ngô Đình Diệm và cuộc hòa bình dang dở.
2) Lực lượng đặc biệt là đơn vị có thể gọi là thiện chiến nhất lúc bấy giờ, và cũng là đơn vị trung thành nhất với chế độ. Xưa nay Đại Tá Tung ít khi đi họp, thế mà hôm ấy (1 tháng 11 năm 1963) ông lại đi, vì ông được Trung Tướng Đôn đích thân gọi đi họp. Trung Tá Khôi kể với tôi là khi hai người bị giữ, Trung Tá Khôi được Đại Tá Tung phàn nàn là sao tôi sơ ý quá, đáng nhẽ tôi phải ở lại đơn vị lúc này.
Đại Tá Tung là người trung thành với Tổng Thống Diệm hết lòng. Ông quá kín đáo nên việc chống đảo chánh ông không bàn và giao phó cho Trung Tá Hộ, là phụ tá của ông. Ngoài ta, Thiếu Tá Phú (sau là thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn II) là chỉ huy trưởng lực lượng, cũng không được chỉ thị phải làm gì khi xẩy ra sự việc.
Xưa nay chức tư lệnh phó là Thiếu Tá Trần Khắc Kính, anh rất thân với tôi, tiếc thay ông Tung nghe gièm pha nên tạm thời đẩy đi xa. Những lời gièm pha nói là Tổng Thống và ông Cố vấn được trình là mọi việc tác chiến đều do Thiếu Tá Kính chỉ huy.
Thiếu Tá Kính là phó mà có bằng nhẩy dù, ông Tung là trưởng mà không có. Anh Kính kể với tôi là một hôm ông Tung bàn với anh là đám Việt cộng xâm nhập vào Cam Bốt quá nhiều, nên ông Tung nhờ anh đích thân xuống Quân khu IV một thời gian, để phá vỡ sự xâm nhập của Việt cộng. Chức vụ tư lệnh phó của anh Kính vẫn như cũ.
Trước đảo chánh hơn một tháng, nhân đi thăm anh tôi làm quận trưởng Cái Răng ở Cần Thơ, sau đó tôi vào chào Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, là tư lệnh Quân khu IV lúc bấy giờ.
Tướng Cao nói với tôi.
- Chiều nay có anh Tung đến thăm, tôi mời ăn cơm ở tư thất của tôi. Tiện anh ghé thăm, ở lại ăn cơm tối với tôi và tôi sẽ mời cả Thiếu Tá Kính ăn một thể.
Bữa ăn tối chỉ có bốn người: Thiếu Tướng Cao, Đại Tá Tung, Thiếu Tá Kính và tôi. Lúc ăn cơm, Thiếu Tướng Cao và ông Tung nói chuyện với nhau, tôi và anh Kính cũng nói riêng với nhau.
Tôi kể cho anh Kính nghe những tin đồn về đảo chánh sẽ xảy ra ở Saigon, và nói anh nên về sớm. Tôi lo nếu chuyện gì xảy ra, với Thiếu Tá Triệu là em ruột của ông Tung làm tham mưu trưởng, sợ không đủ uy tín điều động anh em, vả lại mới được ông Tung cất nhắc lên, chắc khó chu toàn nhiệm vụ chống đảo chánh, còn Trung Tá Hộ làm phụ tá thì mới đổi về.
Anh Kính cũng đồng ý với tôi, và nói cho tôi rõ là chính ông Tung về đây là để cho anh biết nên giao công việc cho người phụ tá của anh sớm, để về Saigon. Nhưng anh trả lời là cần một thời gian để sắp xếp công việc đang làm, rồi sẽ về.
Anh Kính cũng phàn nàn với tôi là ông Tung thấy nhiều lần Tổng Thống hoặc ông cố vấn gọi thẳng cho anh để hỏi việc và giao những công tác mật, nên ông Tung buồn mà viện cớ nhờ anh xuống miền Tây để lo đặt các cơ sở bên Miên chống lại sự xâm nhập của Việt cộng vào xứ này.
- Duệ thấy không, ông Tung tuy trung thành và khôn ngoan chứ đâu có kinh nghiệm chỉ huy như tụi mình, tôi cũng lo khi biến cố xảy ra thì lúng túng cho mà xem.
Quả nhiên, khi biến cố xảy ra, chả ai dám quyết định việc gì, vì ông Tung vắng mặt.
Riêng tôi có liên lạc được với Thiếu Tá Phú là chỉ huy trưởng Liên đoàn 77 lúc bấy giờ, nhưng anh Phú cũng không theo đề nghị của tôi. Nếu anh Kính ở Saigon lúc biến cố, tôi tin là tình hình sẽ khác, vì chúng tôi rất tin nhau, thân thiết, cùng ở trong đảng và trung thành với chế độ.
Trong lúc ăn cơm, tôi còn nghe Thiếu Tướng Cao phàn nàn là tại sao vụ Phật giáo chỉ xảy ra ở miền Trung và Saigon, còn vùng IV, vùng II và nhiều tỉnh ở vùng III không có sự chống đối nào. Chứng tỏ là sự việc xảy ra có ngoại quốc dính vào để thao túng về chính trị. Quả thật, cả vùng IV không có một chùa nào chống đối cả.
3) Sư đoàn 7 đang thuộc quyền của Quân đoàn IV và do Đại Tá Bùi Đình Đạm chỉ huy. Sư đoàn này rất thiện chiến, do các đơn vị ở ngoài Bắc di cư vào. Đột nhiên, bộ Tổng tham mưu đề nghị sát nhập vào Quân đoàn III do Thiếu Tướng Đính chỉ huy, và Đại Tá Lâm Văn Phát làm tư lệnh thay Đại Tá Đạm kể từ 1 tháng 11 năm 1963, đúng là ngày đảo chánh.
Nếu Sư đoàn này để như cũ, vẫn thuộc quyền Thiếu Tướng Cao và Đại Tá Đạm thì sự việc sẽ khác hơn, vì sư đoàn này rất trung thành với Tổng Thống.
4) Vì quá chủ quan, nên Tổng Thống không quan tâm đến vấn đề báo cáo là sẽ có đảo chánh. Còn nhớ, có lần tôi trình với Trung Tá Khôi là nếu các biến cố xảy ra thì Tổng Thống có dự trù việc chống đảo chánh chưa, và Tổng Thống giao cho ai lo việc này. Trung Tá Khôi đã diện trình Tổng Thống và ông nói cứ liên lạc với Thiếu Tướng Khiêm và Thiếu Tướng Đính. Sau đúng hai ông này phản thì sao mà chống đỡ được.
Lữ đoàn Phòng vệ, tuy gọi là lữ đoàn, nhưng chỉ bằng quân số một trung đoàn. Đã vậy, mỗi khi Tổng Thống thấy chỗ nào cần, cũng đồng ý cho mượn quân của lữ đoàn giúp. Tuy tình hình nghiêm trọng, vậy mà Tổng Thống còn chỉ thị biệt phái hai đại đội cho Trung Tướng Nguyễn Văn Là, để bảo vệ công trường làm đường từ Bình Dương qua rừng Cò Mi đến Thủ Đức, để cắt đường giao thông của Việt cộng. Sau thấy tình hình quá nghiêm trọng, tôi phải lên gặp Trung Tướng Là xin đem hai đại đội này về. Sự việc xảy ra trước khi đảo chánh gần một tháng.
Tổng Thống cứ tin là ông làm việc cho quốc gia, các tướng lãnh đều do ông gắn lon, họ nỡ lòng nào mà phản ông. Tổng Thống chỉ lo nếu có sự giao tranh, như tấn công vào tổng tham mưu để bắt các tướng lãnh phản loạn, thì quân đội sẽ tan vỡ, mất tiềm năng chống cộng, nên ông hy sinh từ bỏ quyền hành. Ông đâu ngờ những người ông vốn tin cẩn, đã vì danh vọng và quyền lợi cá nhân mà giết cả gia đình ông một cách thảm thương và dã man như vậy.
Còn một điều đáng tiếc nữa, là vì trọng nguyên tắc và không muốn để ai có thể làm áp lực với mình, nên ông không chịu nghe đề nghị của tướng Đôn và Đính để giao cho quân đội giải quyết vụ Phật giáo, cho tướng Đính lên trung tướng để coi bộ Nội vụ và để Trung Tướng Đôn coi bộ Quốc phòng. Thật ra, nếu chỉ thăng cho tướng
Đính lên thêm một sao nữa, thì cuộc đảo chánh đã không xảy ra.
Trung Tá Nguyễn Văn Minh, ngày đó là Đại Úy Chánh văn phòng của ông cố vấn Ngô Đình Cẩn, kể với tôi: Trước ngày đảo chánh độ mấy tuần, anh được Tổng Thống gọi về để hỏi cho rõ những sự việc đã xảy ra tại Huế, và hỏi rõ về tình hình và thái độ của các vị lãnh đạo Phật giáo ngoài đó. Khi anh đợi ở phòng sĩ quan tùy viên thì gặp Thiếu Tướng Đính tới đây, cũng để gặp Tổng Thống. Gặp anh, thiếu tướng mừng quá, hẹn là sau khi anh gặp Tổng Thống, thì đến nhà ông chơi, để ông nhờ anh trình ông cố vấn mấy việc cần.
Tổng Thống tiếp Thiếu Tướng Đính trước, và khi ra về, ông nhắc lại anh Minh là ông không về văn phòng, mà về nhà để đợi anh Minh. Khi anh Minh tới nhà, ông mời anh lên lầu ngay, để nói chuyện cho kín đáo. Ông phàn nàn với anh Minh là ông bị bên Phật giáo thù ghét lắm, ông đã trình xin Tổng Thống để thiết quân luật và làm mạnh với Phật giáo để chóng kết thúc. Ông chỉ mong Tổng Thống hiểu rõ sự hy sinh và lòng trung thành của ông, để cho ông lên trung tướng, nhưng Tổng Thống vẫn chưa chịu, làm cho ông chán nản và rất buồn. Thiếu Tướng Đính nhờ anh Minh về trình với ông cố vấn, để ông xin Tổng Thống hộ.
Ngay chiều hôm ấy, anh Minh gặp Đại Tá Lê Quang Tung là tư lệnh lực lượng đặc biệt, anh cũng đã kể cho Đại Tá Tung rõ việc ông Đính phàn nàn và tỏ vẻ chán nản, sợ nếu không được lên trung tướng, ông sẽ bất mãn và bị mua chuộc chăng.
Đại Tá Tung nói với anh Minh là ông rất hiểu Thiếu Tướng Đính, tính ông này nóng nảy và thích danh vọng, nhưng ông cũng biết là Tổng Thống không thể thăng cấp cho ông Đính lúc này được, vì lúc nào Tổng Thống cũng muốn hòa giải với bên Phật giáo. Nếu thăng cấp cho Thiếu Tướng Đính lúc này sẽ làm cho bên Phật giáo hiểu lầm thêm. Vả lại, Đại Tá Tung rất rõ là Tổng Thống không bao giờ muốn bị ai ép buộc cả, vì vậy dù có trình, Tổng Thống cũng không thuận đâu.
Thiếu Tướng Đính, sau khi giết được cụ Diệm thì lên trung tướng, và làm bộ trưởng Nội vụ như ông hằng mong ước. Nhưng chỉ được mấy tháng, rồi cũng mất tất cả. Năm 1975, ông cũng sang Mỹ tỵ nạn như nhiều người khác. Gần đây, ông được một tổ chức lưu vong phong làm Tổng tham mưu trưởng, có nhiều hy vọng lên đại tướng. Với người tham danh vọng, mà thiếu danh vọng thật, xài danh vọng hão huyền, cũng đỡ cơn ghiền.
Nguyễn Hữu Duệ

PHẠM NGỌC THẢO và BIẾN CỐ 19-2-1965

Trong những năm vừa qua có rất nhiều bài viết về Đại Tá Thảo kể cả ở Việt Nam lẫn bên này. Gần đây tôi có được đọc cuốn Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm của ông Vĩnh Phúc, một quyển sách có giá trị. Tôi nghĩ cuốn sách này có những điều mà tác giả đã nghe được do bác sĩ Trần Kim Tuyến kể, vì tôi cũng từng nghe bác sĩ Tuyến kể ngày tôi còn ở Việt Nam. Có điều sách này nói về Đại Tá Thảo tôi thấy nhiều điều không đúng; vì Đại Tá Thảo và tôi từng làm việc nhiều lần với nhau, và cũng khá thân, nên hôm nay viết lại những gì tôi biết về ông.
Sách nói: Ông Thảo được đề cử làm tỉnh trưởng Kiến Hòa mà không dám đi vì sợ Thiếu Tướng Cao (ngày đó là đại tá), tư lệnh quân khu 4 trù, và muốn hại ông. Nhiều lần ông xin quân tiếp viện thì ông Cao không giúp v.v…
Sự thật, lúc ông Cao coi sư đoàn 7 còn đóng ở Biên Hòa, ông Thảo đã làm tỉnh trưởng Kiến Hòa rồi. Sau quân đội cải tổ, miền Tây chia làm hai khu chiến: l) Khu Tiền Giang do sư đoàn 7 coi, và 2) Khu Hậu Giang do sư đoàn 21 coi. (Đại Tá Cao làm tư lệnh sư đoàn 7).
Hồi ấy, khu Tiền Giang gồm 5 tỉnh, do các sĩ quan sau đây làm tỉnh trưởng: Long An, Thiếu Tá Mai Ngọc Dược; Định Tường, Thiếu Tá Lâm Quang Thơ; Kiến Hòa, Trung Tá Phạm Ngọc Thảo; Kiến Phong. Trung Tá Phát; Kiến Tường, Thiếu Tá Nhật. Bộ Tư Lệnh sư đoàn đóng ở Mỹ Tho. Tôi là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, đóng ở Gò Công. Như vậy, nói ông Thảo không dám đi nhận Tỉnh trưởng Kiến Hòa, là không đúng.
Ngoài ra, nói nhiều lần ông Thảo xin tiếp viện mà ông Cao không giúp, cũng  sai. Vì những lần họp ở khu chiến, bao giờ đến lượt Kiến Hòa trình bày về an ninh lãnh thổ, Trung Tá Thảo đều thuyết trình là an ninh tỉnh ông đã tiến triển nhiều, ông có thể an toàn đi xe Jeep thăm các quận thuộc tỉnh. Như vậy, cần gì phải xin tiếp viện? (Ngày ấy chưa có quân khu 4).
Theo kế hoạch của khu chiến, các trung đoàn đều lưu động, nơi nào có địch thì đưa trung đoàn đến giúp đỡ các tỉnh trưởng. Vì vậy, trung đoàn tôi cứ di chuyển hoài, nay tỉnh này mai tỉnh khác. Đi đến đâu cũng được các tỉnh trưởng quí mến, vì giúp họ hành quân các vùng kém an ninh. Có lần, tôi được lệnh đem trung đoàn sang Kiến Hòa. Theo đúng qui tắc, tôi đến trình diện tỉnh trưởng để đặt kế hoạch hành quân, và nơi đóng quân (Thật ra, tôi không bị đặt dưới quyền của tỉnh, mà chỉ hành quân theo lệnh sư đoàn). Khi đến gặp ông Thảo, một sĩ quan ngồi ở ngoài phòng vào trình ông là có tôi đến. Sau anh ra mời vào, và cũng xin bỏ súng Colt mà tôi đang đeo, để ở ngoài. Tôi trừng mắt nhìn anh, nói hơi lớn:
- Sao anh bắt tôi bỏ súng? Là trung đoàn trưởng tác chiến, tôi đã từng về Bộ Tư Lệnh khu chiến, Bộ Tổng Tham Mưu, có khi vào cả phủ Tổng Thống, chưa có ai bắt tôi bỏ súng. Bộ anh sợ tôi ám sát ông tỉnh trưởng của anh sao?
Anh ta xanh mặt, run run trả lời:
- Thưa thiếu tá, em không dám thế, nhưng lệnh như vậy thì em phải thi hành thôi.
Thiếu Tá Lê Hoàng Thao, là phó Nội An, ngồi gần đó nghe ồn ào, liền chạy sang. Thấy tôi, ông niềm nở:
- Anh Duệ, tôi không biết anh đến. Xin lỗi, anh này mới đổi về nên không biết anh.
Vì trước đó, khi Thiếu Tá Thao làm trung đoàn trưởng trung đoàn 11, thì tôi làm trung đoàn phó, lúc nào tôi cũng kính trọng ông, nên không dám nói gì nữa, và ông dắt tôi vào phòng Trung Tá Thảo.
Chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ. Ông Thảo cũng khoe với tôi là tỉnh của ông bây giờ yên lắm, đường sá đi lại rất an ninh và ông rủ tôi đi thăm các quận với ông. Ông còn mở ngăn kéo lấy ra hũ kẹo ngoại quốc mời tôi ăn.
Khi tôi chào ông ra về, ông cũng về, và cả hai cùng ra xe. Trên đường đi ông nói:
- Nếu tiện chiều mai tôi sang thăm Bộ Chỉ Huy trung đoàn anh.
Tôi nói:
- Xin vâng, và tiện thể mời trung tá ăn cơm tối với sĩ quan của tôi.
Ông nhận lời. Khi ông đến, tôi mời ông vào phòng hành quân nghe thuyết trình về quân số và phương tiện. Đặc biệt khi nghe phòng 2 thuyết trình về tình hình địch ở khu chiến, và nhất là thuộc tỉnh Kiến Hòa, ông ngạc nhiên hỏi:
- Sao trung đoàn anh mới sang mà biết được tình hình của tỉnh tôi rõ thế ? Làm gì mà có nhiều địch như vậy ?
Tôi trả lời cho xong:
- Thì đó là tin của tổng tham mưu và sư đoàn, cả của mật báo viên nữa. Tuy nhiên có điều đúng, điều sai. Phòng 2 phải rà lại, nhưng chắc có tin gì nên sư đoàn mới điều động tôi đến đây để làm trừ bị.
Rồi tôi nói lảng sang chuyện khác. Ông nghe thuyết trình và nói:
- Không ngờ trung đoàn nhiều quân số và phương tiện thế.
Ngoài ra ông cũng khen là mới sang mà tổ chức chu đáo quá ông không ngờ được. Sau đó tôi mời ông sang lều câu lạc bộ sĩ quan trung đoàn dùng cơm. Ông lại ngạc nhiên vì thấy câu lạc bộ trung đoàn có đủ bàn ghế ăn cùng chén bát kiểu, khăn ăn, khăn bàn đầy đủ. Các sĩ quan vui vẻ cười nói đủ thứ chuyện. Khi ăn, ông kể chuyện lúc ông coi tiểu đoàn ngoài khu cực khổ thế nào, được ăn một bữa thịt chó là ngon lắm rồi. Và ông kể những trận đánh của tiểu đoàn ông với quân Pháp, ở những đâu. Ông khoe tiểu đoàn của ông đã lội nhiều vùng ở miền Tây nên nói đến nơi nào là ông biết liền.
Tôi nghe nhưng không góp ý. Còn các sĩ quan của tôi thì vẫn xầm xì chuyện riêng nói cười vui vẻ. Nhiều anh trẻ tuổi còn nói là gái Kiến Hòa quá đẹp. Có anh còn tếu nói với tôi:
- Thiếu tá cố xin sư đoàn cho trung đoàn ta ở đây lâu lâu để tụi em có cơ hội lập gia đình.
Tôi cũng đùa trả lời: Thì để tôi vận động với trung tá tỉnh trưởng, và xin với Sư đoàn, nhưng tụi toa phải đánh mau đánh mạnh lên, sao trong ít tuần có một vài đám cưới ở Câu lạc bộ này. Trung đoàn sẽ đài thọ cho cả hai họ.
Tôi có cảm tưởng như ông Thảo vẫn còn mặc cảm là sĩ quan hồi chánh và đồng hóa, nên ông cố tỏ ra có kinh nghiệm nhiều về chiến trường. Lúc ông về, anh em còn bàn tán nhiều về ông.
Trung Úy Xuyên là Trưởng phòng 3 nói: Nghe ông nói chuyện sao thấy giống Việt Cộng quá !
Có anh nói đùa: Ông nhìn thiếu tá mà cứ nghĩ ông nhìn tôi ! (vì mắt ông bị lé). Trung Úy Giai nhắc tôi: Nghe nói ông được Đức Cha Thục ở Vĩnh Long quí mến lắm vì ông là người công giáo ở Vĩnh Long, gia đình quen vói Đức Cha từ thời Pháp nên mới lên nhanh như vậy. Ở với Việt Cộng chỉ là thiếu tá, về hồi chánh mà lên đến trung tá và làm tỉnh trưởng nữa chứ.
Thật ra ông người to lớn, nước da đen và mắt lác nên trông hơi dữ, nhưng nói chuyện lâu mới thấy, càng nói càng có cảm tình nhiều. Ngay hôm sau, ông gọi dây nói rủ tôi đi Bình Đại chơi, độ một giờ chiều ông đến đón. Khi đến, ông tự lái xe, và chỉ có 2 cận vệ ngồi sau, không có máy truyền tin. Còn tôi có cả một trung đội thám báo, xe truyền tin và hai cận vệ riêng nữa.
Ông kêu lên:
- Trời ơi! Đi chơi mà anh làm như đi hành quân vậy!
- Thì đó là thói quen mà, trung tá! Nhưng cũng chả có hại gì.
Ông mời tôi đi chung xe và hai cận vệ của tôi cũng lên ngồi cùng xe. Tôi nhớ trước khi sang Kiến Hòa, Đại Tá Cao căn dặn:
- Sang đó anh phải cẩn thận lắm, đừng có nghe ông Thảo thuyết trình là tỉnh có an ninh mà lơ là. Mỗi lần tỉnh nhờ hành quân ở vùng nào thì phải do mình chỉ huy, và làm kế hoạch trình về Sư đoàn cho tôi rõ. Anh nhớ câu Kiến Hòa là thành đồng vách sắt của Việt Cộng không?
Tôi cũng ngạc nhiên, qua bao nhiêu đời Tỉnh trưởng, tỉnh này là nơi sôi động nhất, nay sao yên quá ? Đặc biệt mình không bắt hay giết được tên địch nào? Vậy chúng rút đi đâu?
Đi dọc đường ông ngừng lại nhiều đồn và cùng tôi vào thăm, ông tỏ ra rất bình dân, chuyện trò vui vẻ với anh em trong đồn, ai cũng quý mến và thân mật với ông. Trên đường về, ông rủ tôi thứ Bảy này về Mỹ Tho thăm Sư đoàn, và tiện thể đưa tôi vào thăm Đức Cha địa phận (địa phận này mới thành lập và hình như là Đức Cha Thiện, tôi không nhớ rõ). Ông lại hỏi tôi có quen Đức Cha Thục không? Tôi trả lời:
- Tôi đâu có được quen với ngài, nhưng ngài biết tôi vì tôi cũng gặp ngài nhiều lần.
Rồi ông lân la hỏi:
- Ngày đảo chánh 1-11-60 anh đã đem trung đoàn về tái chiếm đài phát thanh và bảo vệ dinh Độc Lập, sau đó chắc anh được Tổng Thống tin cậy lắm?
Tôi chắc ông hỏi để biết rõ về tôi, nên cũng nói thêm:
- Tổng Thống biết tôi từ trước chứ, ông đã đặc cách cho tôi lên thiếu tá và coi trung đoàn này từ năm 1958, trong lúc tôi mới lên đại úy được hơn 2 năm, và chỉ có 27 tuổi.
Tôi cứ thắc mắc hoài, tại sao ông chú ý nhiều đến tôi như vậy? Chắc ông nghĩ tôi được Đại Tá Cao quí mến, và quen biết nhiều ở Trung Ương, nên muốn tỏ cho tôi biết, ông cũng quen biết nhiều. Tỉnh của ông có an ninh thật, nên có vẻ rảnh rỗi. Chỉ trong một tuần, ông gặp tôi đến ba lần. Lần đi thăm Bình Đại là để tôi rõ tỉnh ông có an ninh. Lần này để tôi rõ ông là người Công giáo ngoan đạo, quen với Đức Cha Thiện và Đức Cha Thục. Khi vào thăm Đức Cha Mỹ Tho, chúng tôi được tiếp đón niềm nở lắm. Sau sang sư đoàn, ông vào thăm Đại Tá Cao, còn tôi ở ngoài đi thăm anh em ở Bộ Tham Mưu. Đại Tá Cao mời ông và tôi đi ăn tiệm. Ăn xong, chúng tôi đi Vĩnh Long thăm Đức Cha Thục. Đức Cha và ông Thảo có vẻ thân nhau, ông mời Đức Cha đến thăm Kiến Hòa. Đức Cha nói:
- Tôi bận quá và Kiến Hòa bây giờ thuộc địa phận Mỹ Tho, tôi sang thăm không tiện.
Đức Cha hỏi tôi:
- Thế anh Duệ bây giờ cũng ở chỗ anh Thảo.
Tôi thưa: Vâng. Vậy thì anh em làm việc với nhau vui vẻ. Rồi Đức Cha xin kiếu vì bận có hẹn khách.
Tôi gặp Thiếu Tá Thao, phó nội an, để ông rõ tôi sang đây có 2 tiểu đoàn, muốn Tỉnh chỉ định một vùng mất an ninh nhất, để anh em binh sĩ có dịp tập hành quân, và để cho tỉnh bớt lo. Nhưng ông Thảo không chịu, cho là chưa cần thiết. Có mấy lần Thiếu Tá Thao liên lạc với tôi để mượn, lúc một đại đội, lúc một tiểu đoàn để hành quân do tỉnh chỉ huy, tôi không chịu. Vì muốn quân của tôi, chỉ do tôi chỉ huy mà thôi. Thế là ông giận, và ít liên lạc với nhau.
Ít lâu sau, Đại Tá Cao gọi tôi về và chỉ định tôi đi hành quân vùng Khu Trù Mật Hậu Mỹ. Đại Tá Cao cũng cho biết, tỉnh trưởng Kiến Hòa khiếu nại với thượng cấp là tôi không chịu giúp tỉnh hành quân. Tôi kể sự việc cho ông nghe.
Ông cười nói:
- Tôi có lạ gì đâu!
Trước khi rời Kiến Hòa, ông Thảo mời tôi và các sĩ quan ăn cơm ở tư dinh của ông. Ăn thịt dê. Đặc biệt, ông mặc quần Kaki và áo nâu cổ vuông (áo của cán bộ Việt Cộng mặc vào thời kháng chiến).
Cuộc hành quân ở ranh giới Kiến Tường và Kiến Phong, sư đoàn 7 thắng lợi lớn lắm, lấy được hơn 100 súng đủ loại, có cả súng cối 81 ly, súng đại liên. Địch chết và bị thượng cả mấy trăm, tù binh cũng bắt được khá nhiều, coi như xóa tên được một tiểu đoàn của địch. Tôi được thưởng đệ ngũ đẳng bảo quốc huân chương với nhành dương liễu và Trung Tá Thảo cũng được đệ ngũ đẳng bảo quốc huân chương nhưng không có nhành dương liễu, vì không phải chiến công ở mặt trận. Huy chương được gắn ở Long An, do ông bộ trưởng phụ tá quốc phòng Nguyễn Đình Thuần.
Cũng trong cuốn sách nói trên, có kể ông Cao là người ít tài mà thích nổi tiếng. Tôi thấy cũng không đúng. Không phải tôi là trung đoàn trưởng của Sư đoàn 7 mà khen ông tư lệnh, nhưng năm 1961-1962 Sư đoàn 7 là sư đoàn nổi danh nhất. Được quốc hội về thăm nhiều lần và quan sát những chiến thắng, sau được quốc hội mời về Sài Gòn để ông chủ tịch quốc hội tặng bằng khen. Sư đoàn 7 là sư đoàn duy nhất của quân đội được vinh dự này và được đeo biểu chương đầu tiên.
Có lần sư đoàn hành quân ở Chợ Gạo, bắt được mấy tàu chở cả đoàn cán bộ ngoài Bắc xâm nhập vào, người nào cũng mang súng lục và đều là sĩ quan cấp thiếu úy trở lên đến đại tá. Ngoài võ khi, ta còn tịch thu cả vàng lá nữa. Đại Tá Cao sau đó được lên thiếu tướng, coi quân đoàn IV. Các binh sĩ, hạ sĩ quan được huy chương và thăng cấp rất nhiều.
Quân nhân sư đoàn 7 được dân chúng ở Tiền Giang quí mến lắm. Các trận đánh thắng lớn đều do dân chúng cho tin tức. Như vậy nói ông Cao là người ít tài là không đúng. Chúng tôi rất quí mến ông vì ông là người chung thủy, hiền lành, thương yêu thuộc cấp, nhất là rất trong sạch.
Theo tôi, ông Thảo tuy rất thông minh và khéo nói, dễ chinh phục người đối diện, nhưng học lực không cao lắm, vì ông ra khu khi còn ít tuổi. Tôi nhớ một lần Tổng Thống đi kinh lý ở Kiến Hòa, có ông đại sứ Pháp, đại sứ Úc tháp tùng. Ông được lệnh thuyết trình tình hình an ninh tỉnh bằng tiếng Pháp. Bài thuyết trình chỉ dài độ 20 phút, ông có đưa tôi xem, và khoe đã nhờ một bà dược sĩ trong tỉnh sửa hộ.
Tôi nhớ, lúc đón Tổng Thống ở sân bay, ngoài một số đông dân chúng, còn có cả ông Đạo Dừa. Lần đầu tiên tôi được gặp ông Đạo Dừa. Người nhỏ bé, gầy còm, có nhiều tóc quấn quanh đầu. Đặc biệt ông cười rất tươi, cặp mắt tinh anh. Gặp Tổng Thống, ông đưa ra một bản đề nghị mang lại hòa bình cho Việt Nam. Tổng Thống nhận, rồi trao lại cho sĩ quan tùy viên.
Tôi có đọc qua đề nghị này. Ông muốn cho mượn Cồn Phụng làm nơi hội họp của Ngô-Hồ-Bảo – tức là Tổng Thống Diệm, chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc Trưởng Bảo Đại – để ông đưa ra giải pháp, rồi cả 3 vị ký vào v.v….
Khi về tiểu khu, Trung Tá Thảo thuyết trình, ông ít nói về quân sự, chỉ nói nhiều đến giải pháp chính trị của ông với phía bên kia. Ông còn khoe đã dùng nhiều người hồi chánh, cho làm dân vệ giữ làng, và có một số người giữ việc xã ấp nữa. Sau các đại sứ và tùy viên quân sự hỏi nhiều câu bằng tiếng Pháp, ông có vẻ lúng túng. Có lẽ không hiểu rõ, nên phải có người giúp thông dịch. Vì vậy, tôi nghĩ ông chỉ học đến trung học là cùng.
Độ mấy tháng sau, ông bị đổi khỏi Kiến Hòa, để đi học trường tham mưu và chỉ huy Leavenworth ở Hoa Kỳ. Tôi cũng được lệnh làm tham mưu trưởng lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống. Đại Tá Cao kể: ông xin Tổng Thống cho tôi về Kiến Hòa thay ông Thảo, nhưng vừa trình xong thì Tổng Thống nói đã triệu tôi về lo an ninh cho ông, nên Đại Tá Cao không dám xin nữa.
Về Sài Gòn, tôi gặp lại ông Thảo. Ông không đi học Hoa Kỳ nữa, mà làm ở ban thường trực Ấp Chiến Lược, với Đại Tá Hoàng Văn Lạc. Gặp tôi ông mừng lắm, cho tôi số điện thoại và mời tôi về nhà chơi. Ông cũng hẹn đến thăm tôi. Trong cuộc đảo chánh l-ll-1963, ông theo Thiếu Tướng Khiêm, và là người điều khiển đài phát thanh chống Tổng Thống Diệm.
Vụ chỉnh lý 30 tháng 1 năm 1964, ông cũng ở trong cuộc. Tôi nhớ một lần gặp ông ở phủ Thủ Tướng, đường Thống Nhất, ông đeo lon đại tá, hình như làm phát ngôn viên và báo chí cho ông Khánh (lâu rồi tôi không nhớ). Ngày ấy, tôi làm ở Tổng vụ dân nguyện của Thiếu Tướng Cao. Rồi từ đó xảy ra nhiều biến chuyển, tôi không gặp lại ông nữa.
Cho đến khi Thiếu Tướng Nguyễn văn Quan mời tôi ăn cơm ở Cercle Tím của Tầu trong Chợ Lớn…. Cercle Tím là câu lạc bộ của mấy người tài phiệt Tầu, dùng làm chỗ hội họp để chiêu đãi mấy ông lớn ăn uống, chơi bời, cờ bạc. Cercle có phòng ăn, phòng khách, sàn nhẩy, phòng đánh bài và nhiều phòng ngủ sang trọng, đèn đều mầu tím. Trong bữa ăn, tôi gặp lại Đại Tá Thảo, có Thiếu Tá Lê Hoàng Thao là phó nội an cũ của ông Thảo, Thiếu Tá Hồ văn Phàn, một thiếu tá thiết giáp và một thiếu tá địa phương quân (tôi không nhớ tên).
Ăn xong, Thiếu Tướng Quan chủ tọa một phiên họp. Mở đầu, ông nói:
- Hôm nay mời anh em đến đây để bàn việc làm sao đẩy được ông Khánh đi. Tôi và anh Thảo đã gặp nhiều anh em và ai cũng đồng ý hợp tác. Cuộc gặp mặt này, tôi không mời nhiều, chỉ mời mấy anh em chủ chốt để bàn kỹ lại.
(Thật ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên tôi biết chuyện, vậy mà thiếu tướng cũng cho tôi là chủ chốt mới mệt cho tôi !)
Rồi thiếu tướng nhường lời cho Đại Tá Thảo để nói rõ hơn. Ông Thảo nói rất sơ lược, khoe ông đang làm việc với đại tướng Khiêm, lúc ấy làm đại sứ ở Hoa Kỳ. Sau khi tiếp xúc với người Mỹ ở bên đó (ý nói C.I.A.) người Mỹ cũng đồng ý phải đẩy ông Khánh đi, tình hình Việt Nam mới ổn định được. Chỉ cần tạo ra một biến động, người Mỹ sẽ có cớ đẩy ông Khánh đi ngay. Ông Khánh và người Mỹ bây giờ không thể hợp tác với nhau được nữa. Kế hoạch là, nếu đảo chánh thành công, bên này đại tướng Minh đang làm Quốc Trưởng sẽ lên tiếng ủng hộ, bên Mỹ đại tướng Khiêm sẽ họp báo, rồi lên đường về nước ngay, để lập chính phủ mới. Ông Thảo cũng kể thêm đã kết nạp được nhiều anh em ở thiết giáp, bộ binh, lực lượng đặc biệt và địa phương quân, kỳ này toàn là anh em trẻ có nhiều nhiệt huyết và cùng có quân cả. Mục tiêu chính là Bộ Tổng Tham Mưu, đài phát thanh, tư dinh đại tướng Khánh ở bến Bạch Đằng, Bộ Tư Lệnh không quân v.v … Mục đích chính là làm sao bắt được tướng Khánh, buộc ông lên đài phát thanh tuyên bố từ chức, là thành công. Nếu không bắt được ông Khánh, cũng tạo ra biến động, để người Mỹ có cớ đẩy ông Khánh đi. Các tướng lãnh bấy giờ sẽ hết tin ở ông Khánh, vì không còn được người Mỹ ủng hộ.
Ông đoan chắc đã được bên thiết giáp úng hộ 100%, và kỳ này trung đoàn 49 thuộc sư đoàn 25 là lực lượng chính mà tôi là tham mưu phó, kiêm trưởng phòng 3 của sư đoàn.
Tôi hỏi ông Thảo:
- Ngoài tướng Quan, có tướng lãnh nào đứng ra nữa không?
- Tôi đã gặp nhiều vị, ai cũng đồng ý nhưng không ra mặt, chỉ ủng hộ ngầm. Thật ra cũng chả cần, vì mục đích là tạo ra một biến động mà thôi.
- Thế anh về được bao lâu rồi?
- Hơn một tháng rồi, gần 2 tháng.
- Có ai theo dõi anh không?
- Chả thấy ai, và cũng chả ai để ý đến tôi. Vả lại tôi cũng ít khi ở nhà, chỉ đi gặp anh em, nhất là anh em cũ của đại tướng Khiêm, vì ai cũng mong ông về.
- Thế tòa đại sứ Mỹ ở đây, nhất là tụi C.I.A., có biết anh về không?
- Sao không biết, tôi liên lạc với tụi họ hoài mà. Kỳ này họ không muốn làm lớn chuyện, không muốn thay đổi và chỉ muốn đẩy được ông Khánh đi mà thôi.
Tôi nghĩ bụng: Thật ra anh là người đáng sợ! Có thể nói anh là chuyên viên đảo chính. Bất cứ biến động nào cũng có mặt anh: ngày 11-11-60, ngày 1-11-63, ngày chỉnh lý của ông Khánh và việc sắp xảy ra đây nữa! Thật đúng là Mỹ dùng anh để thao túng, và nhất là cả đại tướng Khiêm cùng bác sĩ Tuyến cũng dùng anh.
Lạ một điều là anh gặp ai thì người đó cũng tin và theo anh, vì anh làm như là cánh tay mặt của Đại Tướng Khiêm, và đang cộng tác với C.I.A. Anh còn nói thêm với tôi:
- Trong số người ông Khiêm dặn liên lạc có cả anh để nhờ anh giúp một tay (tôi chắc câu này do anh phịa ra). Thật may quá, trung đoàn 49 của anh Thao lại thuộc sư đoàn 25 của anh, nên nếu được anh giúp, Trung đoàn này về Sài Gòn không có trở ngại gì. (Trung đoàn này hiện đang ở Cần Giuộc thuộc Long An)
- Thì từ Cần Giuộc về Sài Gòn có mấy chục cây số, anh Thao cứ việc về, cần gì tôi giúp, vả lại tôi ở tận Đức Hòa.
Anh Thao cướp lời:
- Cần lắm chứ, phương tiện di chuyển cả một trung đoàn làm sao có ? Vả lại, phải qua bao nhiêu trạm gác của quân cảnh, nếu về không hợp pháp sẽ lộ ngay, vậy chỉ có anh Duệ là giúp tôi được thôi. Tôi biết sư đoàn bây giờ việc hành quân là do anh lo hết.
Tôi ngồi im không trả lời. Thật lòng, tôi không muốn dính vào vụ này, nhưng nể Thiếu Tướng Quan là ân nhân của tôi. Ngày trung đoàn 12 của tôi đóng ở Bà Rịa thì ông là tỉnh trưởng, tôi coi ông như đàn anh.
Sau ngày đảo chánh l-11-63, ông là phụ tá của tướng Minh, còn tôi bị giam ở an ninh quân đội của ông Đỗ Mậu. Tôi đã viết thư cho Trung Tướng Minh, và nhờ em gái tôi đem thư này đến nhà, nhờ ông chuyển. Ông hứa với em tôi, chỉ một tuần là tôi về. Ông sẽ trình với ông Minh và ông Đôn vì tôi chả có tội gì. Quả nhiên độ 5 ngày sau tôi được thả về. Ông nói khi tôi đến cám ơn ông:
- Mậu nó trù toa nên bắt chứ ông Minh, ông Đôn có ai biết gì đâu, họ còn nói toa chả có tội gì. Mậu nó hiểm lắm.
Thêm nữa, với ông Khánh, tôi chẳng ưa chút nào. Ông lãnh đạo quốc gia, mà hành động như một thằng hề, trái hẳn với Tổng Thống Diệm, một lời nói là mọi người nể sợ. Ông Khánh rất sợ báo chí, sinh viên, nhất là các thượng tọa, như sợ cha vậy. Tôi bất bình nhất là ngày ông chỉnh lý, ông chê ông Minh đã giết anh em Ông Diệm một cách dã man. Rồi ông kể lể làm như thương và phục Ông Diệm lắm, để lấy lòng anh em chế độ cũ. Nhưng khi ra Huế gặp thượng tọa Trí Quang là sợ ngay, và ký giấy hành quyết ông Cẩn là người độc nhất của họ Ngô còn ở Việt Nam. Vả lại ông Cẩn bệnh tật nặng ở khám Chí Hòa, và chả có tội gì rõ ràng để bị bắn.
Sau này anh Tuyên là em của Đức Cha Thuận, là cháu của Tổng Thống Diệm kể với tôi rằng ông cho người liên lạc với gia đình đòi một số tiền để giữ mạng sống cho ông Cẩn, số tiền là 80 triệu (?) Nếu đủ sức thì cả dòng họ đóng góp để lo, nhưng nhiều quá thì chạy đâu ra? Anh Tuyên hiện ở Hoa Kỳ. Tôi thấy tiếng gian hùng như Tào Tháo mà mọi người vẫn gán cho ông là quá đúng…. ! Vì vậy tôi đồng ý giúp ông Thảo, nhưng không nhận thêm một nhiệm vụ gì khác, và cũng không tham gia đảo chánh.
Ông Thảo nói:
- Anh giúp như vậy là quá đủ, thành công hay không là ở anh, vì trung đoàn 49 là chủ lực trong vụ này.
Sau đó, Thiếu Tướng Quan lại mời tôi về họp một lần chót ở nhà thờ Tân Sa Châu, tôi hỏi:
- Thiếu tướng có dự không? Ông trả lời là Có dự.
Khi tôi đến, buổi họp chưa bắt đầu và có một ghế dành cho tôi sát tay mặt ông Thảo. Trái với cuộc họp lần trước, lần này quá đông. Có đến hơn 30 người và không có một vị tướng nào. Đại Tá Bùi Dzinh, cựu tư lệnh Sư đoàn 9 là người cao cấp nhất. Tôi thấy có nhiều anh em cấp thiếu tá và đại úy, như vậy tuy tôi chỉ là thiếu tá nhưng cũng là người khá cao cấp ở đây và hầu hết anh em họp tôi đều quen cả, có nhiều người đã làm việc dưới quyền tôi trước đây.
Thấy quá đông, tôi đâm sợ. Thế này làm sao mà không lộ bí mật cho được? Thế mà không lộ mới lạ chứ! Tôi nói với ông Thảo:
- Tôi vội về Đức Hòa vì ngày mai ở sư đoàn có hành quân, tôi chỉ có một nhiệm vụ và tôi chắc chắn sẽ hoàn thành được, xin anh cho tôi về, tôi sẽ gặp anh Thao để bàn chi tiết.
Tôi rút lui lúc buổi họp chưa bắt đầu. Nhiều anh em làm việc dưới quyền tôi trước đây lại chào, ai cũng nói:
- Nghe có ông thầy cũng ở trong cuộc nên tụi em cứ nhắm mắt theo.
Tôi làm tham mưu phó hành quân kiêm trưởng phòng 3. Tư lệnh là chuẩn tướng Nguyễn Thanh Sằng. Ông cùng làm trung đoàn trưởng với tôi từ thời Tổng Thống Diệm. Ông quen ông Khánh nhiều. Tham mưu trưởng là Trung Tá Đỗ Kế Giai, là bạn của tôi. Khi tôi ở Bà Rịa, ông coi tiểu đoàn Dù ở Vũng Tàu, sau ông lên thiếu tướng coi Biệt động quân. Hiện ông cũng ở Hoa Kỳ. Hai ông Xếp của tôi đều tin cậy, và giao tất cả việc hành quân ở sư đoàn cho tôi.
Tôi chưa làm việc với một tư lệnh sư đoàn nào dễ dãi như ông Sằng. Sáng 9-10 giờ ông mới đến văn phòng, chiều 3-4 giờ ông đã về tư thất ở hậu cứ Quang Trung. Thứ bảy và Chúa nhật ít khi thấy ông đến sư đoàn, trừ khi có hành quân quan trọng. Trung Tá Giai và tôi ở ngay văn phòng tại Đức Hòa, ăn cơm câu lạc bộ, và làm việc 24/24 ở Bộ Tư Lệnh. Khi ông đến, tôi đem bản đồ lên thuyết trình tình hình và các cuộc hành quân do tôi vạch ra, ông đều đồng ý.
Vì vậy khi anh Thao đến gặp, tôi cho biết là sẽ mở một cuộc hành quân ở Long An, do trung đoàn 49 chỉ huy. Vùng hành quân gần Cần Giuộc, được tăng cường 2 đại đội địa phương quân của Long An và đại đội thám báo của sư đoàn. Nhưng để tạo bất ngờ, trung đoàn cho một tiểu đoàn án ngữ gần Cần Giuộc, còn hai tiểu đoàn sẽ đi xe qua Sài Gòn xuống Long An để vào chiếm các mục tiêu, như vậy trung đoàn anh về Sài Gòn dễ dàng. Tôi sẽ xin tổng tham mưu tăng cường thêm xe cho đại đội vận tải sư đoàn để anh có đủ 40 xe GMC. Khi đoàn xe về gần Sài Gòn, sẽ có quân cảnh hướng dẫn.
Anh hỏi lại:
- Thế có hai tiểu đoàn về thôi à? Tôi phì cười:
- Anh sao lẩn thẩn quá! Đây có phải là hành quân thật đâu! Anh cứ mang cả trung đoàn về, ai đến mà kiểm soát? Sư đoàn chỉ theo dõi, còn anh là người chỉ huy mà!
Anh nói:
- Như vậy là hoàn toàn.
Trước ngày đảo chánh, tôi điện thoại mời anh Thao về sư đoàn, cùng tôi lên trình chuẩn tướng Sằng vùng hành quân, còn lệnh hành quân tôi đã làm sẵn, chuẩn tướng chỉ có việc ký. Ngoài ra mọi việc như xin xe tăng cường, xe quân cảnh hướng dẫn v.v… tôi ký hết.
Sáng hôm sau, 19-2-65, qua đài phát thanh, người ta biết có đảo chánh. Lúc ấy chuẩn tướng Sằng còn ở Quang Trung. Một sĩ quan truyền tin báo cho tôi là trung đoàn 49 theo đảo chính, và đang chiếm Tổng Tham Mưu. Tôi trình tin này cho Trung Tá Giai rõ, và cũng gọi dây nói báo Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn. Ông nói ở trên đó ông cũng biết rồi, và đang cố gắng liên lạc với Thiếu Tá Thao. Mãi 5-6 giờ chiều, ông mới có trực thăng đưa lên Đức Hòa.
Sau khi bàn định, ông có vẻ lo lắng, vì sư đoàn 25 tham gia đảo chánh chắc ông sẽ có trách nhiệm. Ông hỏi tôi bây giờ mình phải xử trí thế nào?
- Theo chuẩn tướng thì đảo chánh có thể thành công không?
- Moa cũng chưa rõ lắm.
- Như vậy, nếu thành công, chẳng có gì đáng ngại. Dù thất bại, cũng chả có gì phải lo. Chuẩn tướng ở đây và trung đoàn trưởng 49 do tổng tham mưu bổ nhậm, có phải chuẩn tướng xin đâu. (Chỉ ít lâu sau đảo chánh, ông phải đổi khỏi sư đoàn, Đại Tá Phan Trọng Chinh thay thế)
Tôi về văn phòng, độ nửa giờ sau ông gọi lên, muốn tôi về Sài Gòn vào tổng tham mưu gặp ông Thao.
Tôi thưa:
- Tôi thấy về chả có lợi gì. Sau này đảo chánh không thành công, lại đổ cho tôi về liên lạc với quân đảo chánh.
- Thì moa bảo đảm là toa về theo lệnh của moa, chỉ có toa về được vì toa quen cả Thảo và Thao.
Tôi đồng ý, và về tới tổng tham mưu khoảng tám giờ tối, sự vụ lệnh do chuẩn tướng ký. Lạ một điều là ông Thảo ngồi ngay điếm canh ở tổng tham mưu, cạnh có chai nước cam đang uống dở, không có ly và cũng chả có sĩ quan tham mưu nào làm việc với ông. Chỉ có mấy binh sĩ giữ an ninh và có máy truyền tin nhỏ ở cạnh. Còn ông Thao ngồi ở trung tâm hành quân, có Thiếu Tá Trần Thiện Thành ở cục quân vận là em của đại tướng Khiêm chạy đi chạy lại.
Gặp tôi ông mừng lắm và hỏi ngay:
- Anh ở Đức Hòa về hả? Có tin gì lạ không?
- Tôi đang định hỏi anh, chứ tôi ở Đức Hòa có biết gì đâu. Tình hình bây giờ như thế nào?
- Bắt hụt ông Khánh trong đường tơ kẽ tóc, không biết bây giờ ổng ở đâu. Ông Kỳ đi cùng ông Khánh bằng máy bay. Tôi liên lạc với không quân thì không ai rõ và có thẩm quyền trả lời. Liên lạc với ông Viên ở Quân đoàn 3 thì ông né.
Mặt ông có vẻ lo lắng và mệt mỏi, không biết phải làm gì và cũng không biết phải bàn với ai. Tôi thấy một trung úy, hình như thuộc đại đội bảo vệ cho ông, vào trình tối nay anh em chưa có gì ăn. Ông chỉ góc nhà có mấy chục két nước ngọt, và nói cho anh em dùng tạm.
Tôi vào trung tâm hành quân gặp ông Thao, thấy anh đang liên lạc với Không quân và Quân đoàn 3. Anh có vẻ nóng nảy, dọa sẽ giữ Tổng Tham mưu đến cùng, và nếu cần, sẽ dùng mìn giật sập Trung tâm Hành quân và tòa nhà chính. Rồi ông cùng tôi ra gặp ông Thảo. Anh đề nghị nhờ tôi đi quân đoàn 3 gặp Trung Tướng Viên. Ông Thảo đồng ý liền và nhờ tôi đi hộ. Tôi hỏi lại:
- Trên đường đi từ đây về Biên Hòa, có đơn vị nào theo mình không?
- Có đơn vị của trường Thủ Đức và địa phương quân đóng ở xa lộ.
- Như vậy phải cho tôi một sự vụ lệnh để khi đi đường lỡ bị chặn lại tôi không bị họ làm khó dễ.
Thiếu Tá Trần Thiện Thành đi làm sự vụ lệnh cho tôi. Buồn cười nhất là sự vụ lệnh cấp cho Thiếu Tá Duệ đi liên lạc, do Đại Tá Thảo ký, đặc biệt là trên chỗ ký để là Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, tư lệnh! Không biết là tư lệnh đơn vị nào, chỉ để trống không là tư lệnh mà thôi! Lại đóng dấu của Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi chắc đây là sự vụ lệnh và chữ ký cuối cùng của Đại Tá Thảo.
Trên đường đi, tôi gặp Thiếu Tá Vũ Lộ ở xa lộ, là liên đoàn trưởng sinh viên sĩ quan. Anh là trung đoàn phó cũ của tôi, và thay tôi coi trung đoàn khi tôi đổi đi. Tôi chắc anh cũng không biết làm gì và anh hỏi tôi tình hình như thế nào? Tôi được ông Thảo nhờ đi liên lạc với Quân đoàn III. (Anh Lộ hiện đang ở Orange County.).
Đi độ mấy cây số nữa, tôi gặp một đơn vị địa phương quân. Một trung úy, chắc là đại đội trưởng, ra chào và hỏi tôi đi đâu?
- Tôi đi Quân đoàn III.
Thế là anh chào, và để tôi đi. Không rõ anh ở bên nào. Đến Quân đoàn III, bộ Tham mưu vẫn làm việc, đèn đóm sáng trưng. Lúc ấy độ l giờ sáng. Tôi gặp Đại Tá Đỗ Ngọc Nhận (hay Nguyễn), tham mưu trưởng Quân đoàn, và kể ông nghe sự việc ông Thảo nhờ tôi (Đại Tá Nhận cũng quen tôi nhiều). Ông đưa vào gặp Trung Tướng Viên. Trung tướng hỏi tôi về tình hình và sự việc (như vậy là chả có ai hiểu rõ tình lình), tôi trình tất cả những gì tôi thấy và nghe. Trung tướng hỏi lại:
- Thế ý kiến anh thế nào?
Đối với Trung Tướng Viên tôi rất kính trọng. Trước đây ông làm Tham mưu trưởng biệt bộ của Tổng Thống Diệm, sau làm tư lệnh Nhẩy dù, ông biết tôi nhiều, nên tôi thành thật thưa:
- Chắc bên đảo chánh chỉ có mục đích bắt đại tướng Khánh, nhưng không bắt được, bây giờ chưa biết làm gì. Ngoài ra tôi không thấy một người Mỹ hay một tướng lãnh nào ở tổng tham mưu cả.
- Vậy anh thấy có những tướng lãnh nào ở cạnh ông Thảo?
- Dạ, chỉ có Thiếu Tá Thao và Thiếu Tá Trần Thiện Thành là hai sĩ quan cao cấp tôi gặp ở cạnh ông Thảo.
- Vậy ông Thảo nhờ anh gặp tôi để làm gì?
- Thì nhờ tôi gặp trung tướng để xin ủng hộ và dàn xếp để khỏi đánh nhau.
- Trên đường từ Sài Gòn về đây anh có gặp đơn vị nào không?
- Có liên đoàn sinh viên trường Thủ Đức do Thiếu Tá Vũ Lộ coi và một đại đội Địa phương quân.
- Theo ý kiến anh thì sao?
- Dạ, tôi cũng không biết nữa. Duy có ông Thảo nhờ tôi về gặp trung tướng, thì tôi về. Chuẩn Tướng Sằng sai tôi về gặp ông Thao, thì tôi về. Tôi thấy Thiếu Tá Thao còn hăng hái lắm. Theo tôi, Trung tướng để Đại Tá Nhận về Sài Gòn với tôi gặp ông Thảo và nhận định tình hình. Còn tôi mới ở Đức Hòa về nên không có ý kiến.
Ông quay sang hỏi đai tá Nhận ý kiến thế nào? Đại Tá Nhận thưa:
- Tùy lệnh trung tướng. Tôi về Sài Gòn cũng được. Và anh Duệ có chắc tôi về không có gì trở ngại ở trên đường không?
- Chắc không, vì tôi mới ở Sài Gòn lên mà. Lực lượng chính giữ đường là liên đoàn sinh viên, và Thiếu Tá Lộ vốn là trung đoàn phó của tôi.
Trung Tướng Viên quyết định cho Đại Tá Nhận về Sài Gòn với tôi. Ông cảm ơn tôi đã cho tin tức, và có vẻ vui, vì Đại Tá Nhận về là có đủ yếu tố cho ông quyết định.
Trung Tướng Viên sau lên đại tướng, và làm tổng tham mưu trưởng. Ông là người chung thủy, khi đảo chánh l-l1-63, ông là tư lệnh Nhẩy dù, đã nhất định không theo đảo chánh, và suýt bị đại úy Nhung là tùy viên của Trung Tướng Minh thủ tiêu. May được Thiếu Tướng Khiêm và chánh văn phòng của ông đưa vào phòng Thiếu Tướng Khiêm ngồi. Ông rất hận tướng Minh đã giết Tổng Thống Diệm. Mấy người bạn của tôi nói số tử vi của ông là vô chính diệu, kình dương độc thủ. Vì vậy, tính ông ân oán phân minh: thương ai thì bênh và nâng đỡ đến cùng, ghét ai thì trái lại. Cuối tháng 4-75, khi biết Tổng Thống Trần Văn Hương sẽ nhường chức cho tướng Minh, ông xin từ chức, và được Tổng Thống Hương chấp nhận. Người ta nói ông Viên tham nhũng, và giàu có lắm. Nhưng sang đây, tôi thấy ông bà chả có gì. Bây giờ có mình ông sống trong cái apartment nhỏ gần New York của người con gái. Không người giúp đỡ và cũng nghèo lắm (do Đại Tá Bầu, chánh văn phòng cũ của ông, kể với tôi).
Tôi từng bị ông giận, vì ông bổ nhậm tôi làm tham mưu trưởng sư đoàn 18 (trước là Sư đoàn 10) do Đại Tá Giai làm tư lệnh lúc mới thành lập, nhưng tôi đã được đổi về tổng cục Chiến tranh chính trị mà ông không biết. Một hôm gặp tôi ở tổng tham mưu, ông hỏi anh làm gì ở đây? Tôi thưa:
- Tôi được đổi về tổng cục chiến tranh chính trị, làm việc với Thiếu Tướng Cao. Ông sầm mặt và trách:
- Thế mà tôi không biết gì, lại đưa anh về làm tham mưu trưởng cho ông Giai ở sư đoàn 10.
Tôi đưa Đại Tá Nhận về gặp ông Thảo khoảng 3 giờ sáng. Thấy Đại Tá Thảo chả biết làm gì nữa, tôi thì quá mệt, nên xin Đại Tá Nhận về nghỉ, và nói với ông Thảo:
- Việc anh nhờ, tôi đã làm xong, xin cho tôi về ăn cơm vì chưa được ăn uống gì! Anh cảm ơn và bắt tay từ biệt. Cái bắt tay thật chặt, có vẻ cảm động. Từ đấy về sau, hai chúng tôi không gặp lại nhau nữa.
Tôi cũng báo cáo sự việc cho chuẩn tướng Sằng rõ, rồi về nhà ở Sài Gòn nghỉ. Thiếu Tá Nguyễn Dương Huy là trung đoàn trưởng, tăng phái cho sư đoàn 25 cũng về, có cả thiết giáp của sư đoàn và đóng ở rừng cao su Phú Thọ. Tôi đến gặp sư đoàn ở đó, thấy chuẩn tướng Sằng có vẻ buồn lắm.
Rồi tôi nghe Đại Tá Thảo và Thiếu Tá Thao đã trốn đi đâu mất tăm. Chuẩn tướng Sằng bị đổi khỏi Sư đoàn 25, Đại Tá Phan Trọng Chinh thay thế. Tôi về tổng cục Chiến tranh chính trị.
Các sĩ quan tham gia đảo chánh bị bắt đông lắm, giam đầy ở an ninh quân đội. Tôi đến thăm những anh em quen biết, thấy ai cũng vui, ăn uống đầy đủ vì được gia đình tiếp tế tự do. Chả bù ngày tôi bị giam, chỉ được ăn cơm hẩm và cá khô của ông Đỗ Mậu. Anh Vũ Lộ còn nhờ tôi gửi cho cỗ mà chược. Sau đó được tha hết. Riêng Đại Tá Thảo và Thiếu Tá Thao vẫn còn trốn.
Rồi đại tướng Khánh cũng lên đường lưu vong, đúng như anh Thảo nói với tôi: Chỉ cần một biến động là người Mỹ có cớ và có cách để ông Khánh đi.
Thế rồi một chiều, khoảng 4 giờ, tôi đang ngồi ở văn phòng đường Hồng Thập Tự, cạnh cục an ninh quân đội, thì nghe tiếng trực thăng đậu xuống cục an ninh. Một thượng sĩ thuộc cấp của tôi ở an ninh cho biết là đã bắt được Đại Tá Thảo. Ông bị thương ở mặt, được băng bó nhưng còn khỏe lắm, xuống trực thăng không cần người đỡ. Mấy hôm sau cũng thượng sĩ này cho biết là ông đã chết, và nói thêm: đêm ông chết, ông kêu la dữ lắm, và Đại Úy Hùng Sùi bóp dái chết (Tôi chỉ ghi lại những gì thượng sĩ này kể cho tôi, chứ không chắc chắn, vì tôi không được chứng kiến.)
Tôi có hai người thân, là bác sĩ Tuyến và Thiếu Tướng Cao. Hai người có ý kiến ngược nhau. Thiếu Tướng Cao cả quyết ông Thảo là Việt Cộng, và là gián điệp để làm xáo trộn Miền Nam. Ông nêu lý do: Đất Kiến Hòa thành đồng vách sắt của Việt Cộng, ông Thảo về ít lâu mà bình định được như vậy, chỉ có là thần, hoặc được Việt Cộng giúp. Không có cuộc hành quân nào ở Kiến Hòa bắt được cán bộ cao cấp, vậy tụi nó chui đi đâu? Ngoài ra, sư đoàn thắng được nhiều trận lớn, là do ông tiết lộ cho ông Thảo biết vùng sắp hành quân, rồi bất thần cho trực thăng xuống vùng khác. Tôi có lần hỏi ông:
- Thế Tổng Thống và ông cố vấn có biết không?
- Làm sao mà không biết, tôi có trình nhiều lần. Ngoài ra, còn nhiều nguồn tin khác, nhưng tôi chắc ông cố vấn dùng hắn để lợi dụng việc khác.
Bác sĩ Tuyến thì trái lại:
- Anh Cao là người đa nghi, chứ Thảo theo mình là thật tình. Hắn cho mình (ông Tuyến khi nói chuyện với tôi thường gọi là Duệ và xưng mình) nhiều tin tức đúng lắm. Ta có chính sách chiêu hồi mà người ta về với mình lại nghi ngờ thì ai dám về? Từ ngày Thảo về chiêu hồi, cán bộ theo mình nhiều hơn trước.
- Thế có đúng là Đức Cha Thục đã nâng đỡ ông Thảo nhiều không?
- Đúng, Đức Cha biết gia đình này từ hồi Pháp, vì gia đình này giàu có, là Công giáo và lớn vào bậc nhất ở Vĩnh Long. Thảo là người học thức và đánh nhau cũng giỏi. Hắn đã là tiểu đoàn trưởng bên kia.
Sau khi mất Miền Nam, Việt Cộng vào Sài Gòn có làm lễ truy điệu rất long trọng cho ông Thảo, và phong ông là liệt sĩ. Có một cuốn sách in ở Sài Gòn ca tụng ông, trong đó có đoạn nói ông Ngô Đình Nhu cảm phục ông Thảo lắm, và về tận Vĩnh Long tranh luận với ông v.v… Tôi đã đọc cuốn sách này và cho là giả tưởng. Tôi không tin, chỉ buồn cười. Ông Thảo đâu có phải là người để ông Nhu tranh luận với. Bác sĩ Tuyến, tôi quen nhiều. Ngày ông cưới vợ, có mời Đại Tá Xứng, nhưng ông bận không đi được, nên nhờ tôi, nhân một chuyến về phép ở Sài Gòn, mang tấm tranh sơn mài để mừng. Sau ngày đảo chánh ll-ll-60, ông lại càng thân với tôi hơn, và nhờ tôi nhiều việc, như đi kết hợp anh em đơn vị trưởng v.v… Theo tôi, ông chú trọng đến anh em có quân. Những người này hay được mời về Sài Gòn chơi, để bảo vệ cho chế độ. Trong cuốn sách Những Huyền thoại và Sự thật về Chế độ Ngô Đình Diệm cũng nói đến cuốn sách Làm thế nào để giết một Tổng Thống do nhà văn Cao Thế Dung viết, nói là ông Dung lợi dụng tên của Bác sĩ Tuyến để cùng tác giả, và thực ra, bác sĩ Tuyến không biết việc này. Tôi vốn không quen anh Dung, nhưng bác sĩ Tuyến viết thư giới thiệu để Dung gặp tôi, và nhờ tôi giới thiệu với anh em quen biết, vì vậy tôi mới quen anh Dung từ ngày đó. Theo chỗ tôi được biết, bác sĩ Tuyến chỉ giúp anh Dung, giới thiệu anh đi phỏng vấn những người có liên hệ tới Đệ I Cộng Hoà, để có tài liệu viết sách. Bác sĩ Tuyến không viết chung với anh Dung.
Riêng tôi nghĩ Thiếu Tướng Cao là đúng, và tôi cũng biết là CIA dùng ông Thảo chỉ để lợi dụng, như ông Nhu đã làm. Nếu người Mỹ muốn giúp ông Thảo thì khi ông bị bắt, họ can thiệp liền, sức mấy mà ông bị giết một cách ám muội như vậy. Ông Thảo đã từng thổ lộ với tôi là CIA sẽ đưa ông đi khỏi Việt Nam nếu bị thất bại, thế mà khi thất bại ông phải trốn tránh hết khu nọ đến khu kia ở Hố Nai. Tuy nhiên, tôi  không đoan chắc là đúng những gì tôi không rõ tường tận.
Vì quen biết ông Thảo nhiều, tôi có mấy nhận xét về cá tính của ông.
Ai gặp ông lần đầu là e dè, và ngờ ông ngay, vì tướng mạo của ông: mắt lác nhiều, da đen, mặt không cân đối. Nhưng càng nói chuyện lâu, càng có cảm tình. Ông có những cử chỉ rất thân mật, như tự nhiên móc túi lấy kẹo mời mình ăn cùng; hoặc vỗ vào lưng mình làm như chân tình lắm. Biết mình thích ai và thích cái gì là nói theo ý mình ngay, để mình có cảm tưởng là ông giống mình. Ông luôn tỏ ra thật thà và cởi mở, nửa kín nửa hở, làm như Tổng Thống, ông Cố Vấn và nhất là Bác sĩ Tuyến luôn gặp ông hỏi ý kiến. Về quốc sách Ấp Chiến Lược và Khu Trù Mật, ông cũng góp một phần. Ông luôn nhìn nhận là người của Mỹ (CIA) để anh em tin tưởng ông và theo ông tạo biến cố. Tiếc thay khi ông bị bắt và chết tức tưởi, chả thấy Mỹ nào giúp. Ông không sợ người ta biết mình là Việt Cộng hồi chánh. Ông hay kể cho tôi nghe những kỷ niệm ngày còn ở với kháng chiến, như cãi lệnh cấp trên như thế nào, hoặc được anh em binh sĩ thương mến đến mực nào v.v… Ông kể với tôi là ông thích Mỹ hơn Tàu và Nga, vì vậy ông tin là với sự giúp đỡ của Mỹ, Miền Nam sẽ phồn thịnh.
Tóm lại, tôi thấy ông là người có thủ đoạn và mưu kế, giỏi tổ chức, can đảm và hơi gian hùng. Tôi không thể ngờ rằng chỉ có một Trung đoàn 49, vài đơn vị cấp đại đội của bảo an, mấy chiếc thiết giáp mà ông dám làm một cuộc binh biến để tướng Khánh chạy có cờ, suýt bị ông bắt sống. Trong khi ông đại tướng tổng tư lệnh có cả một lữ đoàn phòng vệ, và cả một quân đội trong tay, khi bị tấn công không dám ra lệnh chống cự mà chỉ biết chạy….. Cận vệ binh gác có cả thiết giáp mà không dám bắn lại, nếu là Việt Cộng tấn công, không biết đối xử thế nào?
Nếu ông Thảo là hồi chánh viên thật sự, thì ông là người phản phúc, không chung thủy, vì Tổng Thống Diệm, ông Nhu và Đức Cha Thục quí mến, đối với ông quá tốt. Là Thiếu Tá Việt Cộng hồi chánh, được lên Trung Tá làm tỉnh trưởng một tỉnh lớn ở Việt Nam mà ông nỡ tâm phản bội, theo đảo chánh điều khiển đài phát thanh để Tổng Thống và ông Nhu bị ám sát. Nếu là người chung thủy, thì phải báo cho Tổng Thống rõ trước, biết đâu Việt Nam chưa mất vào tay Cộng Sản. Nhưng nếu ông là gián điệp của Cộng Sản, phải theo lệnh mà hành động, thì chả trách ông được. Tuy nhiên, cái chết mờ ám của ông cũng chứng tỏ ông Thiệu, ông Kỳ cũng phải sợ ông!
Nguyễn Hữu Duệ
NHỮNG GÌ TÔI BIẾT VỀ VỤ MƯU SÁT T.T. NGÔ ĐÌNH DIỆM

Tình cờ tôi gặp một người bạn ở Houston đến thăm tôi ở  San Diego. Anh hỏi tôi về vụ mưu sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963 (lúc gần ngày đảo chánh 1/11/63). Anh kể với tôi ngày anh ở Việt Nam, anh có đọc một bài báo nói về chuyện này  trong đó có kể đến tên tôi và hình như bài báo do chính người chủ mưu việc mưu sát viết ra.
Tôi thấy cũng là cơ hội để viết bài này cho độc giả biết một cách rõ ràng để khỏi có những lời đồn đại không đúng.
Mong rằng người chủ mưu vụ mưu sát này hiện có mặt tại Hoa Kỳ trong diện H.O được đọc bài này và nếu được liên lạc với anh thì tôi mừng lắm, vì chính tôi là người ra lệnh bắt anh nhưng chỉ là bổn phận mà vẫn giữ được tình anh em trong đơn vị và giữa hai sĩ quan với nhau. Sau này anh em ở Phủ Tổng Thống ai cũng khen tôi là khéo cư xử để sự việc được giữ bí mật và không ồn ào.
Sự việc xảy ra như sau:
Khi Phật giáo phản đối chính phủ về sự kỳ thị tôn giáo; và nhất là sau khi Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu, thì không biết bao nhiêu lời đồn đại thất thiệt xảy ra, chính mẹ tôi cũng có lần hỏi tôi:
- Mấy bà bạn mẹ hay đi chùa kể cho mẹ nghe là các vị tu hành bị thủ tiêu và đem thả xuống sông trôi về cầu Bình Lợi nhiều lắm.
- Làm gì có chuyện này mẹ, Tổng Thống là Tổng Thống của toàn dân chứ đâu là Tổng Thống của người Công giáo, sao mẹ tin những lời đồn đại vô lý như vậy.
- Ừ thì mẹ nghe nói thì cũng hỏi lại con, chứ mẹ cũng chả tin như vậy. Mẹ vẫn còn ơn cụ Diệm đưa cả triệu người Bắc mình vào đây. Trong đó có cả gia đình họ hàng nhà ta mà mình có phải là có đạo đâu.
- Mẹ đừng tin, con ở cạnh Tổng Thống, người lo an ninh cho ông mà con là đạo Phật mà.
Ngoài ra còn rất nhiều tin đồn quái dị nữa là ông Ngô Đình Nhu bây giờ át quyền Tổng Thống và sắp sửa đảo chính để lật đổ Tổng Thống nữa – hình của Tổng Thống treo ở Tòa Đô Chính Sài Gòn cũng được thay thế bằng hình của ông Nhu rồi, tượng Hai Bà Trưng ở bến Bạch Đằng là hình ảnh của hai mẹ con bà Nhu v.v…
Vì không có gia đình nên tôi ở ngay trong thành Cộng Hòa, vì vậy sáng dậy sau khi ăn sáng xong là tôi đến ngay văn phòng. Sáng hôm đó vừa vào văn phòng là tôi gặp ngay Thiếu Úy Kiệt ở đại đội Truyền Tin. Anh lo lắng kể với tôi là thân phụ của anh là một tu sĩ Phật bị cảnh sát Gia Định mời đến thẩm vấn, anh lo rằng ông cụ sẽ bị cảnh sát làm khó dễ nên nhờ tôi lo hộ.
Tôi hứa với anh là tôi sẽ trình ngay cho Trung Tá Tư Lệnh để gọi ngay cho Đại Tá Nguyễn Văn Y tổng giám đốc Cảnh Sát Công An can thiệp và nếu cần tôi sẽ đích thân đến Ty Cảnh Sát Gia Định lo cho anh nếu sáng nay Trung Tá Tư Lệnh bận việc gì không đến văn phòng.
Tôi bảo anh cứ về và để lại tên của ông cụ và địa chỉ nhà.
Khi Trung Tá Tư Lệnh đến, tôi gặp ông ngay và trình sự việc. Ông vội gọi dây nói ngay cho Đại Tá Y – Đại Tá Y rất thân với Trung Tá Khôi (hình như hai người học cùng một khóa ở trường võ bị Đà Lạt – Khóa 3)
Sau khi gặp Đại Tá Y rồi, Trung Tá Tư Lệnh nói với tôi là Đại Tá Y hứa là cụ thân sinh ra Thiếu Úy Kiệt không bị giữ như Thiếu Úy Kiệt lo và chắc Ty Cảnh Sát Gia Định chỉ mời cụ đến chỉ là để hỏi hoặc nhờ cụ giúp cho việc liên lạc và giải thích cho quý vị tu sĩ Phật giáo trong tỉnh mà thôi.
Tôi cho Thiếu Úy Kiệt rõ sự việc và anh rất vui mừng kể cả các sĩ quan trong đơn vị cũng nhiều người rõ sự việc.
Trong số này có Chuẩn Úy Thành (tôi không nhớ họ của anh) là sĩ quan nghi lễ của Phủ Tổng Thống.
Chuẩn Úy Thành thuộc quân số của 1 đại đội của lữ đoàn được biệt phái lên phủ để làm sĩ quan nghi lễ hàng ngày.
Chức vụ này chả có gì quan trọng, anh chỉ việc mặc quân phục trắng và đón tiếp quan khách đến gặp Tổng Thống hoặc ông Cố Vấn mời ngồi ở phòng khách uống nước hút thuốc đợi sĩ quan tùy viên mời vào gặp Tổng Thống khi Tổng Thống mời.
Không biết anh được tổ chức nào xui bẩy hay tự ý anh nghĩ đến việc mưu sát Tổng Thống và ông Cố Vấn. Vì khi bị phát giác ra là mấy ngày sau thì cuộc đảo chính xảy ra nên tôi không rõ chi tiết.
Khi nghe cụ thân sinh ra Thiếu Úy Kiệt bị mời thì anh nghĩ Thiếu Úy Kiệt cũng oán trách chế độ, nên tìm Thiếu Úy Kiệt rủ cùng làm. Anh đâu biết Thiếu Úy Kiệt là người rất trung thành và thương mến Tổng Thống, vì vậy Thiếu Úy Kiệt gặp tôi ngay và cho tôi biết sự việc.
Lúc Thiếu Úy Kiệt báo cáo với tôi thì Trung Tá Tư Lệnh không có ở văn phòng nên tôi tự quyết định ngay là gọi trưởng Phòng An Ninh của lữ đoàn lên ngay dinh để cô lập Thiếu Úy Thành, cử ngay một sĩ quan khác làm sĩ quan nghi lễ thay anh Thành, và dặn Đại Úy Ngân là trưởng Phòng An Ninh phải giữ thật bí mật. Rất may là sau đó, Trung Tá Khôi đã về và tôi vội vào trình ông. Ông khen là tôi đã làm đúng và chúng tôi bàn nhau là làm sao giữ được bí mật để khỏi lộ tin này ra ngoài sợ thiên hạ lại xuyên tạc và đồn đại sai sự thật, ngoài ra anh em ở lữ đoàn cũng xôn xao nữa.
Tôi trình rõ cho Trung Tá Khôi là anh Thành kể cho Thiếu Úy Kiệt là đầu tiên anh định dùng súng lục, nhưng sau anh đổi ý là dùng lựu đạn để lúc mọi người nhốn nháo, lộn xộn thì anh sẽ chạy trốn được.
Ngoài ra tôi cũng đề nghị với Trung Tá Tư Lệnh là không nên giao Chuẩn Úy Thành cho an ninh mà nhờ Đại Tá Tung- Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt khai thác một cách bí mật chứ giao cho Nha An Ninh thì sẽ bị lộ bí mật ngay.
Tôi đề nghị là sẽ đưa Chuẩn Úy Thành sang Lực Lượng Đặc Biệt với nhiệm vụ là sĩ quan liên lạc giữa lữ đoàn và Lực Lượng Đặc Biệt và đưa Chuẩn Úy Thành đi không cần hộ tống, chỉ có Đại Úy Ngân trưởng Phòng An Ninh và một hạ sĩ quan đưa đi mà thôi. Trung Tá đồng ý.
Tôi cũng hỏi Trung Tá Khôi là có nên trình sự việc này cho Tổng Thống rõ hay không.
Ông nói là chắc phải trình vì ông muốn tất cả tin tức quan trọng phải trình ông rõ, nhưng việc này trình miệng mà thôi, không phải làm phiếu trình.
Rồi ông quyết định, tôi lo việc Chuẩn Úy Thành và ông lo việc trình Tổng Thống.
Sau khi ông đã liên lạc với Đại Tá Tung- Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt.
Sau đó, tôi gọi đại đội trưởng của Chuẩn Úy Thành tập họp các sĩ quan kể cả Chuẩn Úy Thành để tôi lên gặp ở Bộ Chỉ Huy đại đội. Đại đội này đang giữ an ninh ở dinh Gia Long.
Tôi và Đại Úy Ngân lên gặp anh em sĩ quan và tôi cho họ biết là bên Lực Lượng Đặc Biệt xin lữ đoàn đề cử một sĩ quan để làm liên lạc giữa hai bên. Yêu cầu đại úy đại đội trưởng cử cho tôi một sĩ quan lo nhiệm vụ này, ngay sau đó, Đại Úy Ngân đề nghị tôi cho Chuẩn Úy Thành lo việc này vì Phòng An Ninh đã sưu tra và thấy Thành lo được và Đại Úy Ngân là người có bổn phận hướng dẫn công việc cho Chuẩn Úy Thành.
Tôi đồng ý và giao Chuẩn Úy Thành đặt dưới quyền của Phòng An Ninh kể từ giờ này.
Đại Úy Ngân có nhiệm vụ đưa Chuẩn Úy Thành sang bộ tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt. Sau đó Đại Úy Ngân về báo cáo lại với tôi là đưa Chuẩn Úy Thành sang bên Lực Lượng Đặc Biệt rồi và anh cũng dặn phải đối xử tử tế với anh Thành cũng như mua cho Thành một tút thuốc lá như lời tôi dặn.
Trung Tá Khôi sau khi trình Tổng Thống cũng kể lại với tôi là sau khi nghe trình; Tổng Thống rất buồn ngồi thừ ra và phàn nàn với Trung Tá là ông ngạc nhiên là những người ở gần ông mà còn không hiểu ông huống chi là những người dân ở xa ông, chẳng qua là thiếu học tập và thiếu thông tin.
Tôi hỏi lại: Trung Tá thấy cụ có nóng giận hay ra lệnh trừng phạt Chuẩn Úy Thành thế nào không ? Cụ bảo chỉ cần cho anh em học tập nhiều để hiểu rõ Tổng Thống hơn và không chỉ thị gì về việc phạt Thành vì tôi đã trình Tổng Thống rõ là đã nhờ Đại Tá Tung lo việc thẩm vấn để rõ tại sao đương sự lại có ý nghĩ như vậy.
Chính tôi nghe xong tôi cũng muốn chảy nước mắt vì tôi nghĩ chắc khi trình Tổng Thống sự việc thì ông sẽ nổi giận và khiển trách Trung Tá Tư Lệnh và Chuẩn Úy Thành sẽ bị một hình phạt nặng nề.
Trái lại ông chỉ buồn là anh em ở gần ông còn không hiểu ông thì dân chúng ở xa ông sao không bị những lời đồn đại xuyên tạc mà oán ông.
Từ ngày Tổng Thống chấp chánh theo tôi biết có mấy vụ định mưu sát ông.
1) Ngày ông lên khánh thành hội chợ Ban Mê Thuột thì bị một người bắn bằng súng tiểu liên (tên người này là Hà Minh Trí thì phải, tôi không nhớ rõ) nhưng rất may là Tổng Thống không bị trúng đạn và sau đó ông vẫn bình tĩnh lên đọc diễn văn và đi xem hội chợ như chương trình đã định, không có một cử chỉ nào bối rối.
Ngày đó việc giữ an ninh cho Tổng Thống rất sơ sài không chặt chẽ và tỷ mỷ như sau này. Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng ngày đó là tư lệnh sư đoàn 4 dã chiến (Sư đoàn 7 sau này) kể với tôi và ông khen Tổng Thống là can đảm và bình tĩnh vì chính Đại Tá Xứng có mặt tại chỗ.
Tôi cũng nhớ đến Tổng Thống Pac Chung Hi là tổng thống Nam Hàn sau này cũng có cử chỉ phi thường như vậy mặc dầu viên đạn của kẻ ám sát bắn trúng vợ ông mà ông vẫn bình tĩnh đọc diễn văn làm đúng những điều như chương trình đã ấn định.
Tôi cũng nhớ đến thái độ của tướng Nguyễn Khánh khi bị sinh viên biểu tình phản đối thì bối rối đến nỗi hô đả đảo cả chính mình.
2) Lần mưu sát thứ hai là lần ông bị các phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử thả bom và bắn súng từ phi cơ xuống dinh Độc Lập nơi ông và gia đình ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu ở.
3) Lần thứ ba là do Chuẩn Úy Thành định mưu sát mà chưa thi hành. Đó là những điều tôi biết có thể có thêm mà tôi không biết.
Điều mà tôi kính trọng và thương ông là những người mưu sát mặc dầu đã bị bắt mà ông vẫn không hành hạ hoặc giết bỏ họ mà ngược lại ông vẫn đôi khi hỏi thăm họ nữa.
Sau này tôi đọc những bài viết mà những người ghét ông hay đối lập với ông nói ông đã cho thủ tiêu những người đối lập hoặc hành hạ họ mà không đưa ra một chứng cớ nào cụ thể nên tôi không thể nào tin được vì chính những người cầm súng bắn ông hay những người tham gia đảo chánh ông vẫn còn sống khỏe mạnh sau này khi được tha ra thì lý do nào mà ông lại thủ tiêu người đối lập một cách ám muội như vậy.
Thử hỏi những người định mưu sát ông mà gặp Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Stalin, Kim Nhật Thành, Hussen v.v…thì liệu họ còn sống và ngay cả gia đình họ nữa có được tự do như thời Ngô Đình Diệm không ? Vì vậy riêng tôi và theo tôi biết khi ở gần ông tôi vẫn thấy ông là một người lãnh đạo nhân từ và kẻ cả. Mong rằng mọi người hiểu ông hơn và đừng nghe những lời xuyên tạc không có chứng cớ mà hiểu lầm ông.
CUỘC ĐẢO CHÁNH 11-11-1960
Khi xẩy ra cuộc đảo chánh 11-11-1960, tôi chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ (thiếu tá), nhưng lại là một trong những vai chính bảo vệ chế độ, nhất là bảo vệ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Ngày ấy, tôi là  trung đoàn trưởng Trung Đoàn 12, thuộc Sư Đoàn 7 do Trung Tá Huỳnh Văn Cao làm tư lệnh. Trung đoàn của tôi là đơn vị đầu tiên ở miền Đông về Thủ Đô, chiếm lại đài phát thanh và ngăn chận đơn vị Nhảy Dù, lúc đó đang chiếm thành Cộng Hòa, không cho đơn vị này tấn công Dinh Độc Lập.
Ngày 11/11/60, đơn vị của tôi đóng tại Bà Rịa là tỉnh Phước Tuy bây giờ. Lúc hơn 4 giờ sáng, tôi được Trung Úy Hảo gọi cửa, cầm theo một radio chạy pine, cho tôi rõ là Sàigòn có đảo chánh, do đơn vị Nhảy Dù làm chủ động.
Lập tức, tôi cho báo động, và ra lệnh cho các tiểu đoàn thuộc trung đoàn sẵn sàng di chuyển theo lệnh. Đồng thời lúc đó, tôi cũng được lệnh sư đoàn phải đem quân ngăn chận trên đường từ Vũng Tàu về Sàigòn, không cho đơn vị Tiểu Đoàn 5 Dù về thủ đô. Tiểu đoàn này do Đại Úy Đỗ Kế Giai làm tiểu đoàn trưởng (sau này ông là thiếu tướng chỉ huy trưởng Biệt Động Quân).
Tôi cho một đơn vị ra chận ở cầu Cỏ May, nhưng phần lớn tiểu đoàn dù vừa di chuyển qua rồi, chỉ còn đại đội chỉ huy và bộ phận hậu cần đang di chuyển. Hai bên bàn với nhau là ngừng lại, ai ở đâu ở đó đợi lệnh, vì cùng là bạn cả.
Tôi ra lệnh cho Tiểu Đoàn 2 đang đóng ở Bình Long, do Đại Úy Bùi Sanh Châu làm tiểu đoàn trưởng, di chuyển  ngay về Biên Hòa để gặp tôi ở đó. Ngoài ra, tôi cũng bảo Đại Úy Châu nhờ ông tỉnh trưởng lúc đó là Thiếu Tá Mẫn giúp đỡ, để trưng dụng xe đò nếu thiếu xe. Tiểu Đoàn 3 do Đại Úy Nguyễn Tri Phương làm tiểu đoàn trưởng cùng với tôi và bộ chỉ huy trung đoàn cũng di chuyển ngay về bộ tư lệnh sư đoàn ở Biên Hòa.
Trước khi rời Bà Rịa, tôi gọi dây nói cho Thiếu Tá Nguyễn Minh Khen là tỉnh trưởng rõ tình hình, và cho biết sẽ đem trung đoàn về Sàigòn bảo vệ Tổng Thống. Thật ngạc nhiên khi ông trả lời là sự việc theo đài phát thanh thì đã xong rồi, và mừng là ông cũng quen nhiều với Đại Tá Nguyễn Chánh Thi. Ông khuyên tôi nên ở lại để đợi tình hình ra sao.
Tôi trả lời là sẽ di chuyển trong ít phút nữa. Còn nhớ khi ông về nhận chức tỉnh trưởng, trong buổi tiếp tân ra mắt, ông kể tôi nghe là được Tổng Thống tín nhiệm và quen nhiều người quan trọng.
Khi đoàn xe đến tỉnh lỵ, có xe hiến binh do thượng sĩ trưởng ty ra chận lại. Ông này đến chào tôi, thưa là theo lệnh của thiếu tá tỉnh trưởng, ông phải giữ đơn vị lại, không cho di chuyển.
Tôi cười hỏi ông thượng sĩ này:
- Anh có biết là tôi không thuộc quyền của tỉnh trưởng không?
- Dạ tôi biết. Ông trả lời.
Tôi nói thêm:
- Anh có biết tỉnh trưởng là đại diện cho Tổng Thống ở tỉnh này, và bây giờ, Tổng Thống đang bị bọn phản loạn đảo chánh, tôi đem quân về dẹp loạn mà ông tỉnh trưởng ngăn lại, tức là ông theo phản loạn rồi còn gì. Thế bây giờ anh còn muốn giữ tôi lại hay không? Và anh co đủ sức làm việc này không?
- Dạ em đâu có dám thiếu tá, có điều là theo lệnh thì em phải ra trình với thiếu tá rõ mà thôi.

Nói rồi, ông nghiêm trang chào tôi. Đoàn xe tiếp tục lên đường.
Đi đến Long Thành (quận lỵ), dân chúng đứng nhiều ở hai bên đường nghe tin trung đoàn 12 về dẹp phản loạn thì vỗ tay vui mừng. Khi đến Tam Hiệp, lại bị chặn nữa. Trước tôi, tiểu đoàn dù cũng bị chặn lại bởi tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 11, cùng là một đơn vị của sư đoàn 7 như chúng tôi. Tiểu đoàn trưởng là Đại Úy Hà Văn Tấn đến chào tôi, thưa là có lệnh của sư đoàn ngăn chận tất cả các đơn vị muốn di chuyển qua, để chờ lệnh của tư lệnh sư đoàn.

Tôi đồng ý để đơn vị lại, bảo Đại Úy Tấn để tôi đi đến bộ tư lệnh cùng với mấy sĩ quan tham mưu trước. Đại Úy Tấn trước là sĩ quan ở trung đoàn của tôi mới đổi về đây. Ông cho biết là Đại Úy Đỗ Kế Giai chỉ huy tiểu đoàn 5 Dù cũng để đơn vị lại, chỉ có xe của ông về bộ Tư lệnh sư đoàn trước tôi gần một giờ mà thôi.
Vào đến bộ tư lệnh sư đoàn, tôi gặp Đại Úy Đỗ Kế Giai, hai anh em bắt tay thân mật. Anh Giai kể tôi nghe là theo lệnh của lữ đoàn Dù, anh phải đem tiểu đoàn của anh về Sàigòn. Anh không biết trước vụ đảo chánh xảy ra. Tôi hỏi thêm anh về tình hình, anh nói:
Tôi không rõ lắm. Anh cho biết trung tá Tư lệnh sư đoàn đã bảo anh ngừng lại.
Tôi vào gặp tư lệnh sư đoàn, ông mừng lắm, bảo tôi ông chưa rõ tình hình ở Sàigòn ra sao, vì mất liên lạc. Tôi xin về ngay Sàigòn cho kịp thời gian, sẽ trình sư đoàn khi về đến nơi, và đợi chỉ thị của sư đoàn. Ông đồng ý và cho tôi rõ, cầu Bình Lợi đã bị phá bởi công binh nhẩy Dù rồi, nên phải sử dụng xa lộ mới, và sẽ gặp trở ngại ở cầu Xa Lộ phía trên Thủ Đức chưa làm xong. Tôi thưa đến đó, sẽ cố gắng lấy thuyền bè của dân chúng để vượt sông. Thế là trung đoàn của tôi về ngay Sàigòn bằng đường xa lộ, qua Thủ Đức.
Trên đường di chuyển, tôi gặp Đại Tá Chuân, tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh đang ngừng quân ở lối vào trường bộ binh Thủ Đức. Đại Tá gặp tôi cũng mừng lắm, cho biết ông ở đây để đợi quân của ông đang di chuyển từ Bình Dương về. Khi đến cầu xa lộ, tiểu đoàn 2 của tôi cũng theo kịp đến đó. Có cả Thiếu Tá Mẫn là tỉnh trưởng Bình Long, cũng theo về với tiểu đoàn của tôi. Anh em gặp nhau mừng rỡ . Anh hứa là về đến Sàigòn sẽ giúp tôi lo việc liên lạc với phủ Tổng Thống, vì trước đây anh làm việc ở đó.
Cùng lúc ấy, Đại Úy Nguyễn Đức Xích là phó tỉnh trưởng nội an của Gia Định cũng dến gặp tôi, cho biết anh đã phải giả trang là thường dân đi xuồng qua cầu Bình Lợi, chạy về sư đoàn 7, được trung tá tư lệnh cho xe đưa đến chỗ tôi để cùng về Sàigòn.
Đơn vị của tôi tập trung được một số thuyền buôn để vượt sông, nhưng mỗi lần chỉ được một đại đội, và sông quá rộng nên mỗi lần di chuyển phải mất hơn nửa giờ.
Anh Xích và tôi bàn nhau sẽ cho thử hai đại đội qua sông, rồi cứ di chuyển về tòa Tỉnh trưởng Gia Định trước, đợi các đơn vị đến sau. Nhưng khi đang bàn định thì may mắn gặp một đoàn tầu Hải quân ghé vào, giúp chúng tôi vượt sông một cách dễ dàng. Thế là cả đơn vị tôi đến tòa tỉnh trưởng Gia Định khoảng 5 giờ sáng hôm sau, ngày 12-11-60.
Chúng tôi, Thiếu Tá Mẫn, Đại Úy Xích và tôi tìm mọi cách để liên lạc với phủ Tổng Thống mà không được. Tôi dùng điện thoại quân sự để liên lạc với Nha chiến tranh tâm Lý của Trung Tá Nguyễn Văn Châu, gặp ngay một sĩ quan ở đầu dây bên kia. Tôi nói cần gặp Trung Tá Châu gấp, cho biết tôi là trung đoàn trưởng trung đoàn 12 hiện ở tòa tỉnh trưởng Gia Định.
Anh Châu mừng quá:
- Duệ ơi, moa muốn rơi nước mắt nghe tin Duệ về bảo vệ Tổng Thống. Tình hình còn rối ren lắm vì chúng có đài phát thanh, nên dân chúng và quân đội hoang mang vô cùng. Vậy Duệ cố làm sao lấy lại đài phát thanh là chúng sẽ mất tinh thần ngay, và anh em quân đội cũng như dân chúng hết hoang mang.
Tôi hỏi thêm ngoài nhiệm vụ này, anh còn ý kiến gì và việc gì cần làm nữa không? Theo tôi, chỉ cần một tiểu đoàn của tôi đủ sức lấy lại đài phát thanh trong một hay hai giờ là cùng. Tôi đề nghị sẽ cho một tiểu đoàn tái chiếm đài phát thanh và một tiểu đoàn đóng tại sở thú, gần với nha chiến tranh tâm lý, để làm trừ bị và bảo vệ dinh Độc Lập.
Anh Châu reo lên trong điện thoại: Nghe Duệ nói, mình thấy lên tinh thần, vậy Duệ cứ làm ngay đi, mình tin tưởng ở Duệ.
- Vậy anh cứ sắp xếp những công việc phải làm sau khi tái chiếm được đài phát thanh đi.
Trong khi ấy, Đại Úy Xích giúp tôi lo được một số quân xa và mọi thứ xe đủ để di chuyển.
Tôi họp anh em, giao cho tiểu đoàn 2 của Đại Úy Châu tái chiếm đài phát thanh. Tôi lưu ý anh là phải chiếm các cao ốc xung quanh và nếu cần bắn trên nóc nhà đài phát thanh, để cho tụi họ mất tinh thần trước, rồi tấn công sau. Điều cần là phải bảo vệ máy móc trong đài, để có thể sử dụng được ngay sau khi tái chiếm đài. Tôi sẽ đích thân chỉ huy cùng với tiểu đoàn 3 nếu anh gặp khó khăn. Nhưng tôi tin là chỉ một tiểu đoàn là đủ rồi.
Thiếu Tá Mẫn hăng hái nói với tôi xin đi theo tiểu đoàn 2 để tái chiếm đài phát thanh. Tôi trả lời tùy anh, nếu anh thích đi với tiểu đoàn 2 cũng được, nếu không, anh đi cùng với tôi về sở thú vì hai nơi này gần nhau. Anh quyết định đi theo tiểu đoàn 2. Tôi đùa với anh khi nói với Đại Úy Châu:
- Anh lại có thêm một nhiệm vụ nữa là bảo vệ thiếu tá tỉnh trưởng, như khi anh ở Bình Long vậy.
Khi đoàn xe của tiểu đoàn 2 di chuyển, tôi cũng đi ngay. Tôi di chuyển về sở thú qua đường Hồng Thập Tự, mục đích là để đi qua thành Cộng Hòa phía sau. Anh em ở trên lầu trong thành thấy binh sĩ của tôi đi qua vẫy tay chào, anh em cũng vẫy tay chào lại, có vẻ thân mật lắm. Một vài binh sĩ trong đám hộ tống của tôi còn hô: Ngô Tổng Thống muôn năm, anh em trong thành vẫn vẫy tay.
Tôi mừng thầm vì anh em quân đội vẫn còn tình đồng đội. Chỉ có một số cấp cao nhiều tham vọng gây ra cuộc đảo chánh này, chứ anh em ở dưới, đâu có oán hận gì Tổng Thống mà muốn đảo chánh ông? Ngay như việc đơn vị của tôi ra ngăn đơn vị của tiểu đoàn 5 Dù ở cầu Cỏ May cũng vậy, anh em gặp nhau thì chào hỏi và bàn tính với nhau để trình lại cấp trên, chứ có ý định giao tranh với nhau đâu. tiểu đoàn 5 Dù đến Tam Hiệp bị chặn lại bởi tiểu đoàn 1, trung đoàn 11 cũng vậy, hai bên vẫn êm ả thảo luận với nhau và Đại Úy Giai cũng cho tôi biết là đâu có biết cuộc đảo chánh xảy ra mà chỉ về Sàigòn theo lệnh của lữ đoàn mà thôi. Khi ông được Trung Tá Cao, tư lệnh sư đoàn 7 yêu cầu ngừng lại, ông cũng đồng ý.
Sau này tụi tôi mới biết là một số cấp chỉ huy đã lừa anh em, nói là lính lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống làm phản, nên anh em phải tấn công thành để cứu Tổng Thống. Như vậy, đâu phải là cuộc cách mạng như nhiều sách viết sau này, mà là cuộc phản loạn thì đúng hơn.
Khi tôi đến sở thú thì được báo cáo của tiểu đoàn 2 là đã bố trí xong quanh đài phát thanh rồi, và đúng như lệnh của tôi, các cao điểm quanh đài đều được chiếm đóng và sẵn sàng yểm trợ cho đơn vị tấn công vào đài.
Tôi hỏi lại để rõ đơn vị bảo vệ đài độ bao nhiêu.
- Theo tôi ước lượng thì khoảng trên dưới một đại đội mà thôi. Anh Châu báo cáo.
- Như vậy mình chắc chắn sẽ chiếm lại đài một cách dễ dàng vì các cao điểm mình đã giữ được.
- Chắc chắn như vậy đại bàng, tôi sẽ lấy lại đài phát thanh trong vòng một giờ. đại bàng yêm tâm.
- Một điều tôi cần nhắc anh: đơn vị bảo vệ đài không phải là địch mà là bạn. Cái khó là chiếm được đài mà không có thiệt hại nhiều cho đơn vị bảo vệ, và như tôi đã dặn phải giữ cho máy móc không bị hư hại để sử dụng sau khi tái chiếm. Tôi đề nghị anh biểu dương cho họ rõ là mình đông quân và đã chiếm được các cao điểm, chỉ bắn trên nóc nhà cho họ ẩn núp, cho ném mấy trái lựu đạn khói rồi tấn công thẳng vào đài.
- Tôi hiểu ý đại bàng.
- Vậy anh thi hành đi, tôi mở máy thường trực theo dõi.
Tôi theo dõi trên máy truyền tin có khuếch đại, nghe rõ tiếng súng cùng tiếng hò hét, rồi nghe rõ ràng tiếng Thiếu Tá Mẫn hét to:
- Tất cả giơ tay lên và đâu đứng đó.
Thế là đài đã được tái chiếm trong độ 20 phút sau khi tôi nói chuyện với Đại Úy Châu.
Đại Úy Châu hớn hở báo với tôi.
- Trình đại bàng, đài đã được mình lấy lại và không có tổn thất gì, vì đơn vị bảo vệ không chống cự. Xin đại bàng đến đây để nói lời mở đầu.
- Tôi đang bận báo cho Nha chiến tranh tâm lý để họ làm việc; vậy anh nhờ Thiếu Tá Mẫn nói mở đầu để trình Tổng Thống rõ ngay đi, càng sớm càng hay.
- Thiếu Tá Mẫn xen vào và hỏi lại tôi.
- Đại bàng sang đi chứ tôi biết nói gì bây giờ.
- Thời giờ là quan trọng, nếu đợi tôi qua sẽ mất thời gian tính đi. Thiếu tá cứ nói là sư đoàn 7 đã về đến Sàigòn để bảo vệ Tổng Thống và tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ nguyện trung thành với Tổng Thống – và hô Ngô Tổng Thống muôn năm – đại ý như vậy.
Từ khi chiếm lại được đài phát thanh thì tình hình khác hẳn. Tôi được tin sư đoàn 21 ở miền Tây cũng đã về tới. Tôi thấy nhiều xe phát thanh của Nha chiến tranh tâm lý đi kêu gọi anh em phía đảo chánh về lại đơn vị. Đơn vị nhẩy dù chiếm thành Cộng Hòa cũng rút về căn cứ, anh em của tôi đóng tại sở thú vẫy tay với họ, họ cũng vẫy tay lại rất là thân mật.

Tôi luôn báo cáo sự việc về sư đoàn qua máy truyền tin, trung tá Tư lệnh sư đoàn mừng lắm và khen ngợi tôi. Người mừng nhất là Trung Tá Châu, Giám đốc nha chiến tranh tâm lý. Anh ôm lấy tôi:

- Duệ ạ, thật moa không ngờ Duệ lấy lại đài phát thanh nhanh như vậy. Thật là tuyệt vời, moa mừng muốn khóc.
Tôi di chuyển bộ chỉ huy về Nhà thờ Đức Bà. Đơn vị đóng ở sở thú thì gác thành Cộng Hòa, anh em gặp nhau vui vẻ mừng rỡ. trung tá tư lệnh sư đoàn đến gặp, tôi trình là khi đi, đã mang theo hết quân. Trung đoàn tại Phước Tuy chỉ còn mấy anh em tân binh mới tuyển mộ, nên trung úy Chỉ huy hậu cứ trung đoàn lo lắm, xin tôi cho gấp một đơn vị về ngay. Ông đồng ý. Tôi để Đại Úy Vũ Lộ là trung đoàn phó cùng một số đơn vị ở lại, còn tôi và một số thì về ngay chiều hôm đó.

Trước khi về, tôi rủ một số anh em độ hơn chục người ra nhà hàng Givral ở cạnh tòa Đô Chính ăn kem, được đích thân ông chủ là một người Pháp ra mừng, và nhất định không lấy tiền. Ông nói:
- Thật không tưởng tượng được. Tôi ngạc nhiên là binh sĩ cả hai phía đều rất có kỷ luật, không lợi dụng tình hình để phá dân chúng. Chúng tôi cứ nghĩ là hai bên sẽ nổ súng và thiệt hại chứ không êm đẹp như thế này, chúc mừng commendant đã thành công.
Tôi trả lời:
- Chúng tôi đâu có phải là kẻ thù của nhau, vẫn là anh em cả.
Và vẫn trả tiền cho ông, mặc dầu ông không chịu lấy.
Thật vậy, binh sĩ của chúng tôi vẫn tự nấu ăn lấy và đóng nhờ trong thành Cộng Hòa, không ai được ra ngoài để làm mất trật tự. Tôi cũng được nghe tin những người cầm đầu cuộc đảo chính đã trốn sang Cao Miên bằng một máy bay không quân. Tôi ghé lại Nha chiến tranh tâm lý để cho Trung Tá Châu rõ, tối nay tôi không đến ăn cơm với ông được theo lời mời của ông.
Đến Nha chiến tranh tâm lý, tôi gặp Trung Tá Châu đang họp với khoảng gần 20 người để bàn định tổ chức biểu tình và tuyên dương các đơn vị về giải cứu vào ngày mai. Khi tôi bước chân vào, mọi người đều đứng dậy vỗ tay, ai cũng bắt tay tôi ân cần. Tôi thấy có Đại Tá Chuân, tự lệnh sư đoàn 5, Trung Tá Tung, chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt, cha Vàng dòng Chúa Cứu Thế, một vị thượng Tọa và nhiều người nữa mà tôi không nhớ tên. Khi nghe nói tôi cần về ngay để lo cho đơn vị, ai cũng ngăn và nói nên ở lại để dự lễ đón tiếp ngày mai. Tôi thưa là đã để đại úy trung đoàn phó của tôi ở lại với một số đơn vị. Tôi nhớ nhất là Trung Tá Tung, khi bắt tay từ biệt tôi, có nói:
- Anh Duệ về bằng an, khi có biến loạn mới hay lòng trung thành của anh đối với Tổng Thống, tụi mình sẽ gặp lại nhau sau cám ơn anh.

Khi tôi về lại Phước Tuy, có Đại Úy Nguyễn Dương Huy (sau lên trung tá làm tỉnh trưởng Phước Long) trước đây cũng là trung đoàn phó của tôi về cùng. Lúc bấy giờ anh là trưởng phòng 2 của Sư đoàn 22 do Trung Tá Nguyễn Bảo Trị là tư lệnh (sau ông lên trung tướng và cũng ở OrangeCounty. Tôi vẫn gặp ông nhiều lần). Khi cuộc đảo chánh xem như thất bại thì Đại Úy Huy mặc thường phục, đến tìm tôi ở sở thú. Gặp tôi anh em mừng lắm. Anh nói đang đi phép về Sàigòn, nghe tin trung đoàn 12 về đây thì đến thăm tôi. Gặp lại các sĩ quan ở bộ tham mưu của tôi, và cũng là những người đã làm việc với anh trước đây, ai cũng niềm nở chào hỏi, nhưng tôi thấy anh có vẻ gượng gạo, và không được vui lắm. Rồi từ đó anh ở lại với tôi. Khi tôi quyết định về lại Phước Tuy, anh cũng xin đi cùng. Tôi hơn băn khoăn và muốn biết sao lại kỳ vậy, anh về thăm nhà ở Sàigòn mà lại muốn theo tôi đi Bà Rịa. Tôi chợt nhớ lúc đầu gặp lại ở sở thú, thấy anh có vẻ lo lắng.

Tôi mừng rỡ nói:
- Anh về với tôi thì vui quá.
Trên đường về, anh em tâm sự, tôi hỏi:
- Anh về bằng sự vụ lệnh hay giấy phép.
- Tôi về bằng sự vụ lệnh.
- Chắc ông tư lệnh cũng biết anh về chứ.
- Biết vì ông ký sự vụ lệnh mà.
- Chắc lúc xẩy ra cuộc chính biến anh bị kẹt ở tổng tham mưu. Anh ngần ngừ rồi trả lời:
- Vâng tôi ở phòng 3 với Thiếu Tá Lợi là bạn của tôi (Thiếu Tá Lợi chạy sang Cao Miên với Đại Tá Thi và Trung Tá Đông).
Tôi không muốn đưa anh vào thế kẹt, nhưng biết chắc là anh cũng dính vào cuộc nên không hỏi thêm và chỉ nói.

- Tụi mình lúc nào cũng là bạn, tôi sẽ lo cho anh.
- Cám ơn thiếu tá.
Tối đó anh em bàn luận với nhau về cuộc đảo chánh, tôi đưa ý kiến.
- Cuộc đảo chánh này cầm đầu bởi Đại Tá Thi, một người võ biền không có ý thức gì về chính trị thì dù đảo chánh có thành công, sau này cũng không làm gì cho dân cho nước được – Tôi chỉ thấy có cái lợi điểm là bất ngờ mà thôi – Họ ngụy tạo lý do là lính lữ đoàn phòng vệ làm phản, để lừa anh em nhẩy dù, là họ tự nhận không xứng đáng rồi. Chắc ông Thi muốn bắt chước Đại Úy Không Lee ở Lào chăng?
Sáng hôm sau, tôi bàn với anh Huy là tôi sẽ ký một giấy nhận anh đã giúp tôi khi về đến sở thú để chống đảo chánh. Ngoài ra, tôi cũng hé cho anh biết là tôi thân với Trung Tá Châu và Trung Tá Tung trong quân ủy Cần Lao. Vì tình bạn, tôi sẽ lo cho anh nếu anh gặp điều gì khó khăn. Anh mừng lắm, tự đánh máy giấy chứng nhận, đưa tôi ký. Tôi nghĩ dù sao việc đã xong, nếu tôi muốn tâng công thì anh sẽ bị hại, và chắc chắn ảnh hưởng không hay cho cả tư lệnh của anh nữa, mà Trung Tá Nguyễn Bảo Trị là một vị tư lệnh trẻ và trong sạch, rất có cảm tình với anh em trong quân đội. Các bạn tôi đều khen như vậy. Tôi phải tảng lờ đi như không biết, để giữ trọn tình bạn. Anh em sĩ quan ở trung đoàn tôi ngày ấy rất quý mến nhau.
Tối ngày 13 tháng 11 năm 1960, khi tôi gần ăn cơm tối thì có bác sĩ Nguyễn Đình Luyện là trưởng ty Y tế của tỉnh Phước Tuy đến kiếm, tôi ngạc nhiên không hiểu sao ông đến kiếm tôi vào giờ này.

Ông nghiêm trọng bảo:
- Ông thiếu tá giúp tôi việc này. Tối nay cho tôi ngủ lại đây với ông, tôi sợ bị bắt vì trong danh sách của phía đảo chính về chính phủ tương lai có tên tôi là bộ trưởng y tế, nên gia đình tôi ở Sàigòn cho tôi hay và tôi phải đi trốn sợ họ truy nã thì sẽ bắt tôi.

Bác sĩ Luyện rất thân tình với tôi, ở tỉnh nhỏ tụi tôi đều quen nhau, chúng tôi hay lại nhà ông chánh án Dương Thiệu Sính đánh tổ tôm còm vào cuối tuần. Tôi đồng ý ngay và thu xếp chỗ cho ông ngủ ngay trong trung đoàn.

Tối đó, ông nhờ tôi ngày mai đi gặp trung tá tư lệnh sư đoàn để nhờ ông nói với ông cố vấn Ngô Đình Nhu, là ông tuy ở Đại Việt, nhưng không biết có vụ đảo chính, sợ anh em cứ để tên ông vào vì ông có uy tín trong đảng. Ngoài ra, ông cũng hoạt động cùng ông Nhu trước đây khi Tổng Thống chưa về nước. Tôi cũng nói cho ông yên tâm là tôi quen với bác sĩ Tuyến (người cầm đầu mật vụ lúc bấy giờ). Tôi sẽ gặp ông Tuyến để trình bày cho ông rõ.

Sáng hôm sau, tôi đi ngay về sư đoàn gặp trung tá tư lệnh. Ông bảo tôi là ông sẽ trình với ông cố vấn ngay.

Theo ông biết, Tổng Thống rất buồn sau vụ này và ra lệnh không bắt giữ ai ngoài một số nhỏ người cầm đầu để giữ tình đoàn kết trong quân đội và nhân dân.

Tôi lại về Sàigòn gặp bác sĩ Tuyến, ông cũng nói với tôi về việc Tổng Thống Diệm không cho bắt ai để giữ tình đoàn kết, và ông cũng biết danh sách lập chính phủ là do ông Hoàng Cơ Thụy lập sẵn, chứ họ không hề tiếp xúc với ai cả, để giữ bí mật. Ông cũng cho tôi rõ ông Thụy là bà con của Trung Tá Hồng.

Tôi có đọc được tên các vị bộ trưởng trong danh sách mà lâu ngày tôi quên đi. Tôi chỉ nhớ có tên một người đàn bà là bà Mai Cắm làm đại sứ ở Phi Luật Tân. Tôi hỏi bác sĩ Tuyến bà này là ai, ông cho biết là mẹ vợ Trung Tá Đông và Trung Tá Hồng.
Khi tôi ra về đến cửa, ông gọi lại, nói:

- Duệ bảo bác sĩ Luyện không có gì để lo đâu, nếu được Duệ cứ đưa ông về thăm mình; mình cũng biết ông mà ngoài ra ở đây còn một ông dược sĩ Nguyễn Đình Luyện nữa, nên ông Luyện cứ an tâm.

Tôi về kể cho bác sĩ Luyện nghe, ông mừng lắm. Sau này ông ở trong Thượng hội đồng quốc gia và ông luôn thăm hỏi tôi.

Tóm lại, sau đảo chánh không có gì thay đổi trong quân đội, trừ những người trốn sang Cao Miên và một số người cầm đầu ra mặt bị giữ, còn không ai bị theo dõi hay nghi ngờ gì. Và trái lại, những người có công cũng không được thăng thưởng gì để giữ tình đoàn kết trong quân đội. Tổng Thống đến thăm lữ đoàn nhẩy Dù ngay. Trung Tá Viên là tham mưu trưởng Biệt bộ phủ Tổng Thống, được về thay Đại Tá Thi. Đa số vợ con những người bị bắt hoặc trốn sang Cao Miên cũng không bị làm khó dễ gì. Có nhiều bà vợ sang được Cao Miên sum họp với chồng.
Sau này, tôi được đọc hồi ký của Trung Tá Vương Văn Đông và của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi nói về cuộc đảo chính này, làm tôi nhớ lại lời Trung Tá Lê Quang Tung nói với tôi về sự chia rẽ của các ông hồi lưu vong ở Căm Bốt: các vị sĩ quan này khi lưu vong sang Cao Miên cũng bất đồng ý kiến với nhau, tình đồng đội cũng chả còn; đáng nhẽ ra cùng nhau mưu việc lớn mà khi thất bại phải lưu vong thì đùm bọc lấy nhau, đằng này lại thù ghét nhau. Giá như các ông này thành công, chắc lại tranh giành địa vị và đưa đến đổ máu lần nữa.

Có một thiếu tá người Hoa Kỳ làm cố vấn cho tôi; ông này xuất thân từ trường Westpoint và đã học lớp bộ binh cao cấp như tôi, nhưng ông học khóa trước tôi nhiều, ông rất thân với tôi và giúp tôi rất nhiều trong việc huấn luyện và tham mưu. Trước khi lên đường về Sàigòn chống đảo chánh, tôi có rủ ông đi cùng, nhưng ông từ chối, nói không có lệnh của cố vấn sư đoàn nên không đi được; mặc dầu ông rất muốn đi để giúp tôi. Tôi hỏi ông nghĩ sao về cuộc đảo chánh này, ông trả lời ở Hoa Kỳ chả bao giờ có việc này xẩy ra, nên ông không có kinh nghiệm.

Riêng ông, vì tình bạn giữa ông và tôi, nên ông cũng cho biết ý kiến. Theo sự hiểu biết của ông thì Tổng Thống là tổng tư lệnh quân đội, và quân nhân chống lại tổng tư lệnh là không đúng. Quân nhân chỉ có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và nghe lệnh của Tổng Thống. Quân nhân không thể lãnh đạo đất nước, trừ phi được dân chúng bầu lên, nhưng phải giải ngũ trước khi ứng cử.

Tóm lại, quân đội cứ giữ đúng kỷ luật, và bảo vệ chính quyền hợp hiến, là đúng nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét