Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

HỒI KÝ PHẠM DUY - TẬP II - PHẦN VI

Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương ba mốt

Em ở Thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi...
Quang Dũng
Trong mấy tháng trời được nghỉ ngơi, cũng có lúc chúng tôi đi chơi tại những vùng lân cận. Tại Núi Vôi gần Cầu Bố, vợ chồng tôi gặp lại một người bạn cũ mà tôi đã quen biết từ ngày vừa ở chiến khu Nam Bộ trở ra Bắc và ghé lại Huế. Đó là Lê Khải Trạch, người sau này sẽ là Đổng Lý Văn Phòng của Bộ Thông Tin, làm việc dưới quyền Bộ Trưởng Trần Chánh Thành.
Lê Khải Trạch là người thuộc hạng "phong lưu công tử", mặt mũi nở nang, thân hình béo tốt, lúc nào cũng gậm pipe, lúc nào cũng có sẵn một câu chuyện lý thú để kể cho bạn bè nghe. Ngày tôi gập Lê Khải Trạch ở Huế, anh ta cùng vợ con không ở khách sạn hay ở nhà người quen mà thuê hẳn một con đò trong một hai tháng để ban ngày thì cắm sào trên bến sông Hương, ban đêm thì thả đò trôi suôi trôi ngược trên con sông ái tình này. Tôi đã cùng với anh chị Trạch sống những đêm đàn ca thâu đêm suốt sáng.
Gập lại Lê Khải Trạch trong vùng kháng chiến, tôi thấy anh ta vẫn còn cái vẻ phong lưu công tử của ngày xưa. Trong khi mọi người đi tản cư phải nếm mùi ăn uống thất thường, ngủ nghê lạnh lẽo thì tại gian nhà chật hẹp xây trên một nền đất nơi gia đình anh Trạch ở, tôi thấy có kê một cái giường Hồng Kông to tổ bố. Người ở trong ngôi nhà đó thì vẫn béo tốt, mặc bộ quần áo lụa và ngậm pipe vui vẻ tiếp chuyện bạn bè ghé tới thăm. Bà Trạch hỏi thăm cô dâu mới Thái Hằng có khoẻ không? Cô con gái tên là Liên bưng lên một ấm nước vối ngon tuyệt trần...
... Và tôi gặp lại Quang Dũng ở đây. Thi sĩ "Tây Tiến" từ đơn vị đạp xe về thăm anh chị Lê Khải Trạch. Thăm bố mẹ hay thăm cô con gái tên là Liên đây? Chắc chắn cu cậu đang muốn làm rể gia đình này cho nên đem đôi bàn tay tài hoa của mình ra để giúp đA°ơ bà Trạch trong mọi việc. Chẳng hạn việc "sản xuất" cùi dià. Ai cũng biết rằng sống trong vùng kháng chiến là thiếu thốn đủ mọi thứ. Để làm vui cho gia đình này, Quang Dũng đi lượm một miếng sắt chắn bùn (garde boue) của xe đạp rồi cắt ra để làm cùi dìa tặng cho bà Trạch. Muốn tạo ra chỗ lõm của cùi dìa, Quang Dũng đào một cái lỗ nhỏ hình trái soan trên nền nhà, đặt miếng sắt vào cái khuôn đất đó rồi cầm hòn đá gò cho ra hình thù của cái thìa sắt. Nên nhớ rằng nền nhà đất nện ở vùng quê cứng như đá. Nhìn anh chàng thi sĩ to con ngồi lom khom gõ miếng sắt, tôi không khỏi phì cười. Tôi biết Quang Dũng là người -- giống tính tôi -- rất quý trọng cái "độc lập" của mình. Đi kháng chiến, đã ở nhờ nhà đồng bào mà còn chăng dây bao quanh chỗ mình nằmvà treo một mảnh giấy có dòng chữ: "Xin mọi người đừng bước vào đây". Thế nhưng trước gái đẹp, vị kỷ đến đâu thì cũng phải "lụy" ông bà thân sinh của người đẹp.
Quang Dũng còn có nhiều điểm giống tôi lắm. Trước hết, hai chúng tôi đều có một mối tình vũ nữ rất là đậm đà, mãnh liệt. Cũng như tôi, khi còn rất trẻ, anh đã bỏ nhà đi theo một gánh hát với tư cách nhạc công chơi đàn cò. Anh không học Trường Mỹ Thuật như tôi nhưng cũng thích vẽ và có một thời gian sống bằng nghề hoạ sĩ, dùng cái bút lông để được "lê gót giang hồ". Trong kháng chiến, Quang Dũng tham dự một cuộc Triển Lãm Hội Hoạ với bức tranh có tựa đề Gốc Bàng. Anh còn soạn cả nhạc nữa. Bài hát nhan đề Ba Vì của anh đã được dân vùng kháng chiến hát lên trong nhiều năm:
Ba Vì mờ cao
Làn sương chiều xa buông
Gió về hương ngát thơm
Đưa hồn về đâu?
Sau khi tôi tới thăm Lê Khải Trạch rồi ra về thì Quang Dũng theo tôi đi Chợ Neo. Với Thái Hằng ngồi đằng sau, tôi và Quang Dũng thong dong đạp xe trên con đường đê dọc theo nông giang. Trên đường về dài 15 cây số, tôi hỏi thăm Quang Dũng về người đẹp tên là Nhật tức Akimi. Anh vừa đạp xe vừa đọc cho tôi nghe bài thơ nhan đề Đôi Bờ mà trước đây tôi chỉ biết vài ba câu:
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai
Sông kia từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi gió heo về một sớm mai.
. . . . . . . . . .
Rét mướt mưa sầu chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia?
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh đất tề
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đông sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ.
Xa quá rồi em, người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau.
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào.
Cô hàng cà phê tên là Nhật Akimi đã bỏ lại người xưa, giã từ kinh đào quán lạnh dinh tê vào thành cho nên bây giờ Quang Dũng chỉ còn biết đứng bên này đất nước nhớ thương nhau. Rồi sẽ nhìn vào đáy cốc để nhớ lại người xưa, cũng giống như tôi và Hoàng Cầm một ngày trước đây đã uống cạn cốc cà phê kháng chiến rồi nhìn vào đáy cốc để thấy in hình bóng Lạng Sơn (xin đọc đoạn viết về chặng đường Cao-Bắc- Lạng và về Hoàng Cầm). Nàng Akimi sau này sẽ vẫn tiếp tục là "người đẹp trong đêm" tại nhà hàng khiêu vũ Tự Do ở Saigon.
Quang Dũng ở chơi tại Chợ Neo một đêm để nghe ban hợp ca gia đình chúng tôi hát chơi dăm ba bài trong đó có bài Nhạc Đường Xa là anh thích nhất. Sáng hôm sau anh đạp xe trở về đơn vị. Bên bờ con sông máng, tôi ngồi phổ nhạc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Nhưng -- cũng như với nhiều bài hát kháng chiến khác -- từ năm tháng xa xưa đó cho tới ngày hôm nay, tôi chẳng có cơ hội tốt đẹp nào để hát bài đó cả. Sống dưới hai triều đại Ngô và Nguyễn, hát bản nhạc hay ngâm bài thơ kháng chiến là dễ bị chụp mũ lắm. Cho nên tôi đã quên hẳn một số bài soạn ra trong giai đoạn chống Pháp đó. Tôi chỉ còn nhớ là trong đoạn cuối của bài thơ Tây Tiến được tôi phổ nhạc, đáng lẽ ra nét nhạc phải trở về chủ âm (Sol majeur) thì câu hát " Đường về Sầm Nứa chẳng (tôi đổi là không) về suôi "đã được tôi cho kết thúc với nốt LA ngang phè phè, giống như trên đường hành quân đoàn binh không mọc tóc của Quang Dũng chưa bao giờ -- hay không bao giờ -- có thể trở về nơi yên nghỉ.
Trong kháng chiến, tôi có may mắn được gặp hai nhà thơ hay nhất ở hai vùng kháng chiến khác nhau. Có lẽ khung cảnh ở mỗi vùng kháng chiến đều có những vẻ đẹp riêng cho nên thơ của Quang Dũng có vẻ âm u huyền bí trong khi thơ của Hoàng Cầm thì rất trong sáng. Đường lên Tây Tiến không phẳng lặng và không bình an như đường về Sông Đuống:
Dốc lên khúc khỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời.
Vốn là một đại đội trưởng chiến đấu, Quang Dũng gần súng đạn, gần cái chết hơn Hoàng Cầm, cho nên anh gầm lên trong thơ:
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
A³o bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành...
Tuy nhiên, cả hai thi nhân kiêm chiến sĩ này đều vẽ ra những hình ảnh điển hình của kháng chiến. Ơ± bên kia dòng sông Đuống, nếu ta thấy Hoàng Cầm đưa ra được cảnh người dân nhẫn nhục nơi vùng địch chiếm:
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô, mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương buổi sớm.
Chợt lũ qủy mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc, tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa Đông...
... thì ở vùng tự do của Quang Dũng, ta thấy được cảnh vừa bình dị, vừa hùng tráng của một làng chiến đấu:
Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùn rơm, khói thuốc, bạch đầu quân.
Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khoả vội cầu ao
Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào
Bờ tre cây rơm thôi tịch mịch
VA°ơ lá bàng khô bước du kích...
Chuyện Quang Dũng làm những bài thơ thở ra hào khí của kháng chiến như Tây Tiến, Những Làng Đi Qua... thì ai cũng đã biết. Nhưng thơ tình của Quang Dũng thì có vẻ ít được phổ biến. Hồi giữa thập niên 50, trên báo Đời Mới ấn hành tại Saigon tôi thấy có đăng một mẩu thơ tình của Quang Dũng, có lẽ do Lê Khải Trạch kể lại:
Trong kháng chiến, Quang Dũng có lần tới Phát Diệm và được một người bạn hứa giới thiệu cho một nàng goá phụ người Hà Nội tản cư về đó. Một hôm, người bạn hẹn Quang Dũng tới một căn nhà nằm ở đằng sau Nhà Dòng Mến Thánh Giá để gặp người đẹp goá phụ. Quang Dũng tới đó, ngồi đợi khá lâu mà không thấy Nàng tới. Anh đã viết một bài thơ suôi với tựa đề là Angelus:
Em có yêu ta không? Ta có yêu người chăng? Ngoài ba mươi tuổi trên đường đời. Chúng ta là hai kẻ rất bơ vơ. . Viết những bài thơ không bao giờ gửi...
Sau khi Quang Dũng đi rồi thì người đẹp goá phụ mới tới điểm hạn. Chắc Nàng cũng không bao giờ biết được rằng nhà thơ đã viết tặng Nàng bài thơ Angelus (Hồi Chuông Chiêu Mộ) này đâu.
Khi tôi đang viết những dòng chữ này thì tôi được tin Quang Dũng vừa từ giã cõi trần tại Hà Nội sau nhiều năm bị liệt một cánh tay và nói năng không rõ vì bị đứt mạch máu ở trong đầu. Người đẹp Akimi hiện đang ở trên nước Hoa Kỳ rộng lớn này. Tôi đã điện đàm với Nàng và ước mong có dịp gặp con người có vầng trán mang trời quê hương và đôi mắt dìu dịu buồn Tây Phương đã từng là nguồn cảm hứng cho những bài thơ bất hủ của Quang Dũng để tôi -- rất có thể -- nhìn thấy những giòng lệ rào rào tuôn chảy xuống. Những giòng lệ làm tôi hình dung ra được một con sông đào vùng tề hay một vùng biển lớn mang tên Thái Bình Dương, lúc nào cũng sẵn sàng để chia rẽ đôi bờ cho những người tình thuộc thế hệ tôi, thế hệ đầu tiên đã bị chiến tranh và thù hận bao vây không ngưng nghỉ.
Quang Dũng đã nằm xuống trên một mảnh đất quê hương -- tôi mong rằng -- không xa cánh đồng Bương Cấn của anh là mấy. Thôi nhé, xin anh ngủ yên trong giấc mộng thiên thu để cho chúng tôi tiếp tục buồn hộ anh nỗi buồn viễn xứ khôn nguôi...
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương ba hai
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Ôi lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến Xuân...
Bến Xuân
Tại Chợ Neo, đời sống của đôi vợ chồng son này cứ êm đềm trôi như trong một giấc mơ dù thỉnh thoảng nghe thấy tiếng phi cơ ở xa xa thì chúng tôi nhào ra khỏi cơn mộng đẹp, nhẩy lẹ xuống hố tránh máy bay được ông bố vợ đào sẵn ở sân chùa trước quán.
Bỗng có một hôm, một cán bộ từ trong Tư Lệnh Bộ tới tìm tôi ở Quán Thăng Long. Anh ta đưa cho tôi một Sự Vụ Lệnh của Trung Ương gửi cho Bộ Tư Lệnh Quân Khu IV để gọi tôi lên Việt Bắc. Tôi vội vàng đi gặp tướng Nguyễn Sơn, Đặng Thái Mai và Nguyễn Đức Quỳnh thì biết rằng đây là một đãi ngộ lớn của Trung Ương đối với một văn nghệ sĩ đã có thành tích công tác. Vừa mới lấy vợ có bốn tháng nên tôi tỏ vẻ ngần ngại, cả ba người này đều khuyên tôi nên đi và nên dắt cả Thái Hằng đi nữa. Tôi trở về nhà, bàn bạc với vợ và gia đình vợ. Cuối cùng, với sự đồng ý của mọi người, tôi quyết định ra đi. Và đem vợ đi theo luôn. Tôi cũng cho vợ tôi biết trước những sự vất vả trên đường nhưng vì yêu chồng và không muốn xa chồng cho nên:
-- Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin theo.
Ngày chúng tôi vác ba lô ra đi, ông bố vợ tiễn chân một quãng đường rất xa và khi chia tay nhau thì ông khóc. Con đường từ Chợ Neo lên Thái Nguyên, Bắc Kạn, chúng tôi sẽ phải đi trong một tháng, mỗi ngày trung bình phải vượt từ 30 tới 40 cây số đường rừng, đường núi. Chúng tôi không dám đi trong vùng đồng bằng nhưng cũng có những đoạn đường đã có Quân Pháp chiếm đóng mà chúng tôi bắt buộc phải đi qua như Đường số 6 ở gần Hoà Bình, Đường số 2 ở khu vực Vĩnh Yên, Đường số 1 ở mé dưới Thái Nguyên... Nhưng đi tới đâu cũng có liên lạc viên dẫn đi và toàn đi vào nửa đêm về sáng cho nên chẳng bao giờ chúng tôi gặp địch cả.
Mới đi chưa được một tuần lễ, Thái Hằng bỗng thấy khó chịu trong người. Nhân ghé lại một địa điểm có Quân Y Viện, tôi đưa vợ tới cho bác sĩ khám bệnh. Thì chúng tôi bật ngửa người ra: Thái Hằng có mang. Làm sao bây giờ? Quay về Thanh Hoá hay là cứ đi? Nếu có quay gót về Chợ Neo lúc này thì cũng chẳng phạm vào một kỷ luật nào cả. Cũng chẳng có ai nA°ơ trách móc chúng tôi gì đâu, tôi nghĩ thế. Nhưng không hiểu tại sao lúc đó chúng tôi lại chọn giải pháp: cứ đi. Chúng tôi tôn thờ anh hùng chủ nghĩa à? Chúng tôi yêu nước vô cùng ư? Chúng tôi tôn trọng Sử Vụ Lệnh của Trung Ương đến thế cơ à? Có thể là như vậy. Nhưng cũng có thể là trong suốt mấy năm trời, chúng tôi sống như những cái máy, chúng tôi đã bị "điều kiện hoá" bởi không khí hào hùng và nhiệt huyết ở chung quanh. Thấy ai cũng có những đóng góp và hi sinh cho kháng chiến thì mình cũng phải làm như mọi người. Thấy cả nước lên đường ra đi, làm sao mình có thể quay gót trở về được? Chua sót thay, ngày trở về cũng sẽ tới, sẽ phải tới...
... Chuyện trở về là chuyện tương lai. Bây giờ thì hai vợ chồng tôi hãy cứ kéo nhau đi, trực chỉ miền Bắc. Tôi đã quen với chuyện trèo đèo lội suối rồi cho nên tôi rất khoan khoái với cái thú xê dịch cố hữu của tôi. Nhưng khi nhìn thấy vợ mình đang bụng mang dạ chửa -- dù mới chỉ có thai được hai tháng -- ngã lên ngã xuống những lúc phải trèo qua những "sống trâu" tôi thương sót vợ vô cùng. Tuy vậy, tôi không dám để lộ tình thương đó ra, sợ vợ mình sẽ mất tinh thần. Tới bất cứ nhà của một đồng bào nào hay tới một quán trọ ở dọc đường nào là Thái Hằng lao người vào giường nằm, không thiết ăn uống gì cả. May làm sao mà trên con đường đi lên Việt Bắc kỳ này chỉ có tôi là đôi khi bị sốt đi sốt lại, người vợ có chửa của tôi chưa bị Thần Sốt Rét tới thăm viếng. Lúc này, Thái Hằng chỉ bị ốm nghén, nhưng khi lên tới Việt Bắc thì sẽ biết tay ông Thần này ngay.
Chúng tôi phăng phăng ra đi, dưới những trận mưa lớn hay dưới ánh nắng gay gắt, lúc đi trong những vùng có thưa thớt đồng bào, lúc trơ ra chỉ có hai vợ chồng đi trên những con đường rừng thật là vắng vẻ. Lại ngửi thấy mùi cọp. Lại thấy rằng cọp cũng sợ người chứ chẳng phải chỉ có người sợ cọp mà thôi. Có lần hai vợ chồng tôi phải lội qua một con suối rừng vào mùa nước lớn. Nước chảy rất mạnh cuốn đi một chiếc giép làm bằng vỏ xe hơi của tôi. Chúng ta quen gọi loại giép này là giép râu, vì nó có hai cái quai bằng cao su thòi ra như hai cái râu người. Nhưng tên đích thực của nó là giép Bình-Trị-Thiên. Nó được sáng chế ra trước tiên ở Phân Khu IV trong thời kỳ đầu của kháng chiến. Tôi đã mang nó từ
Chiến Khu Ba Lòng ra tới Thanh Hoá. Rồi từ Thanh Hoá đem nó lên tới con suối này. Mất thì tiếc quá. Tôi đã phải lặn xuống nước, mò cho ra chiếc giép, coi thường sự chết đuối có thể xẩy ra. Lại có lần không biết tôi nghe lời ai mách nước, mua chanh ngậm đầy miệng để cho tỉnh táo. Không ngờ bị sặc nước chanh gần như tắc thở. Cũng giống như hồi nào ở Lạng Sơn, anh bạn Giang Cao ăn quá nhiều cam trong lúc đói nên bị say nước cam như bị say rượu.
Nhưng trong cuộc ra đi này vẫn còn nhiều cái thú. Cái thú hoà mình vào với thiên nhiên. Bình minh hay hoàng hôn, đêm trăng hay đêm sao... tất cả đều ảnh hưởng vào mình để mình sẽ tuôn ra bằng lời ca, nét nhạc. Cái thú được ăn miếng cơm lam nấu bằng ống tre của đồng bào thiểu số. Cơm ngọt và bùi hẳn lên có lẽ vì có thêm mùi vị của "nước tre". Cái thú được tắm suối chung với người miền núi. Tôi quen nhìn người ta khoả thân để kỳ cọ tắm tắp rồi, nhưng Thái Hằng thì ngượng lắm. Vui nhất là người miền núi và người miền suôi đều thích đứng nhìn nhau tắm.
Nói một cách tích cực, trong chuyến ra đi này, đôi tân lang và tân giai nhân có thêm một tháng trăng mật, dù rằng bốn tuần trăng mật di động này mệt nhọc hơn những tuần trăng mật hú hí ở loanh quanh vùng Thanh Hoá. Hằng ngày, chúng tôi cứ việc vui vẻ ra đi và nếu có cái gì đáng sợ thì đó là... những con dốc. Trong tất cả những con dốc tôi phải leo qua từ trước cho tới nay, con dốc ở Tam Đảo -- chúng tôi cũng sẽ phải vượt qua dốc này khi trở lại Thanh Hoá -- là con dốc kinh khủng nhất. Vượt được nó rồi là đã đi được chín phần mười của lộ trình.
Thế là sau ba mươi ngày đi bộ và vượt được tám, chín trăm cây số gì đó, chúng tôi đã bò tới một nơi được gọi là "Trung Ương". Một nơi có lẽ cũng rất là thiêng liêng. Chẳng tin thì hãy nghe nhà văn Nguyễn Tuân nói kháy sau đây. Cũng từ Khu IV ra Việt Bắc tham dự Đại Hội Văn Nghệ, khi sửa soạn vượt qua dốc Tam Đảo để đặt chân lên đất Thái Nguyên, con người duyên dáng Nguyễn Tuân trịnh trọng tuyên bố với mấy anh em cùng đi:
-- Mình phải tắm rửa cho thật sạch sẽ để dọn mình vào đất Thánh.
Chúng tôi được liên lạc viên dẫn tới Yên Giã, một khu rừng nằm gần ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ơ± chung quanh đây không có một gia đình thường dân nào cả. Khu thung lũng rộng lớn và có núi bao quanh này là một thứ an toàn khu của tất cả các cán bộ làm việc trong các cơ quan khác nhau của Trung Ương. Mỗi gia đình cán bộ đều được cơ quan của mình phát cho một mảnh đất rồi có người tới phụ giúp để dựng lên một cái nhà bằng nứa.
Yên Giã có vẻ là nơi dành riêng cho các gia đình văn nghệ sĩ. Lúc này họ đều trở thành hội viên của các Hội Nhà Văn, Hội Hoạ Sĩ, Hội Nhạc Sĩ, Hội Sân Khấu cả rồi. Đi vài quãng đường là tới Cù Vân, vượt qua Đèo Khế tới khu vực của các lãnh tụ. Hang Pác Bố là nơi ở của Chủ Tịch họ Hồ cũng nằm ở đâu đây. Tại Yên Giã, vợ chồng tôi là thượng khách của Nguyễn Xuân Khoát, Chủ Tịch Hội Nhạc Sĩ Kháng Chiến. Anh Khoát bây giờ gầy tọp đi, dáng người rất mệt mỏi nhưng cái xiết tay chào của anh vẫn còn mạnh lắm. Và lập tức anh dắt tôi tới gặp Tố Hữu, người bắt đầu nắm trong tay vận mạng của toàn thể văn nghệ sĩ. Tố Hữu già hơn hồi tôi gặp anh ở Huế, vẫn ăn nói nhẹ nhàng nhưng có cái đanh thép ẩn trong câu nói. Chắc anh theo rõi công việc của tôi trong mấy năm qua, bây giờ gặp tôi, Tố Hữu khen nhạc của tôi có ưu điểm là rất nhạy cảm và uyển chuyển (sensibilité et souplesse). Tôi cũng đáp lễ và khen bài thơ Bắn Đi của anh, nói rằng nhờ bài thơ này mà tôi được bộ đội yêu mến. Đó là sự thật.
Chỉ trong khoảng vài ngày, vợ chồng tôi có một cái nhà tranh nằm không xa nhà của vợ chồng Văn Cao là mấy. Đây mới đích thực là cái nhà là nhà của ta -- kháng chiến giúp ta làm ra. Tưởng như là căn nhà bên suối đang nằm ở trong bài một hát bỗng nhẩy ra đây. Đây cũng là cái tổ ấm đầu tiên trong đời tôi, của một gia đình có đôi vợ chồng son và đứa hài nhi nằm trong bụng mẹ. Nhà có tới ba phòng, phòng ngủ có cái giường nứa, phòng bếp có cái bếp nứa, phòng tắm có tấm phên cũng bằng nứa. Thiếu phòng vệ sinh, nhưng chúng tôi có cả một khu rừng ở đằng sau nhà rồi. Căn nhà nứa này, tuy có phòng tắm đó nhưng có bao giờ chúng tôi chịu tắm ở trong nhà đâu? Ai chịu khó vác nước từ suối lên đây? Bà Phạm Duy đi tắm suối là kéo bà Văn Cao đi cùng. Đi mua thực phẩm hơi xa cho nên cứ cách dăm ba ngày là các bà rủ nhau cùng đi chợ. Gạo ở đây là gạo kháng chiến, khi ăn mà không nhằn miếng cơm cho kỹ là dám sứt răng vì những hòn sạn. Cũng mua được thịt để ăn nhưng kho xong nồi thịt, chỉ cần một đêm là thịt kho trở thành thịt đông ngay. Bởi vì ở trong vùng rừng núi này, mỗi khi đêm xuống thì dù là mùa Hạ, trời cũng trở lạnh như trong mùa Đông.
Tôi gặp lại hầu hết các bạn bè cũ ở trong làng nhạc như vợ chồng Văn Cao, vợ chồng Văn Chung, các nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Đình Phúc, Xuân Tiên, Xuân Lôi... Vì sắp sửa có Đại Hội Văn Nghệ cho nên các văn nghệ sĩ ở khắp mọi nơi đang lục tục kéo nhau lên đây. Nào là Lê Văn Vũ Bắc Tiến cựu trưởng ban Ban Kịch Nghệ Thuật ở Hà Nội nay là trưởng đội kịch của Sư Đoàn 308... Nào là các trưởng thượng trong Hội Sân Khấu như Thế Lữ, Võ Đức Diên, Đoàn Phú Tứ... Thằng bạn Hoàng Cầm của tôi cũng sẽ có mặt ở khu Yên Giã này. Hân hạnh cho tôi là bây giờ tôi được bắt tay những người như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu. Đặc biệt là gặp lại anh bạn cùng học trường Mỹ Thuật khi xưa là Mai Văn Hiến. Chàng hoạ sĩ tinh quái của ngôi trường cũ này rất chiều chuộng Thái Hằng. Không biết anh hái ở đâu được những đồ chua như me, sấu, là những thứ mà người đang có mang là vợ tôi rất thèm ăn.
Đời sống ở Yên Giã quá đẹp. Bõ công chúng tôi đã rời bỏ một nơi "an ninh thịnh vượng" (sic) là Thanh Hoá để lên đây ở. Tôi vẫn chưa được biết Trung Ương triệu tập tôi lên đây để làm gì? Hình như tất cả mọi người còn đang rất bận trong việc chuẩn bị Đại Hội Văn Nghệ cho nên tôi được ở yên -- hay được bỏ quên -- trong ngôi nhà nứa của mình, ngày ngày chỉ có một việc là dắt vợ đi chơi trong khu rừng hoang vắng và thơ mộng. Chúng tôi lại tự an ủi, cho rằng mình được hưởng thêm những tuần trăng mật khác. Tối đến, cũng như mọi người, vợ chồng tôi đốt đuốc soi đường đi tới hội trường (đang được xây dở dang) để tham dự những buổi sinh hoạt văn nghệ. Hai cô ca sĩ cùng có tên là Thái: Thái Hằng và Bùi Thị Thái (vợ ông Quản Liên, trước đây là Trưởng ban Quân Nhạc Lính Khố Xanh bây giờ là Trưởng ban Quân Nhạc Việt Minh) thi nhau hát những bài ca cổ điển Tây Phương. Ơ± nơi an toàn khu này, ca hát là môn giải trí độc nhất, cho nên các bà, các cô tới tham dự đông lắm. Các bậc phu nhân của các văn nghệ sĩ ở Trung Ương này, sau mấy năm ở "u tì quốc", đã đi khá sâu vào đời sống nâu sồng rồi. Phụ nữ của chúng tôi từ Khu IV rất thanh bình vừa lên tới đây thì hãy còn ăn diện ghê lắm. Trong những buổi họp hay trong đêm hát, Thái Hằng diện sơ mi trắng và quần xanh có yếm (kiểu combinaison của thợ thuyền Âu châu), tóc thắt bím buông xuống hai vai, xuất hiện ở khu Yên Giã này như một biến cố về y phục phụ nữ vậy. Thế nhưng nếu khám ba lô của cô dâu mới, sẽ thấy chỉ có thêm hai bộ quần áo cũng rất nâu sồng để mặc hằng ngày.
Lúc này cũng là thời điểm rất quan trọng đối với lịch sử kháng chiến Việt Nam. Quân Đội Mao Trạch Đông đánh bật Quân Đội Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa Trung Hoa. Các lực lượng quân sự của Việt Minh và Trung Cộng ở hai bên biên giới liên lạc được với nhau. Chủ Tịch họ Mao tuyên bố thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc. Hồ Chí Minh gửi điện văn chúc mừng Mao Trạch Đông. Có giả thuyết là ông Hồ qua Trung Quốc để hội nghị mật với Mao Trạch Đông. Việt Minh được Trung Cộng cung cấp tối đa về vũ khí, quân trang, quân dụng. Hơn nữa, từng sư đoàn hay trung đoàn Vệ Quốc Quân sang Tầu để được huấn luyện thêm. Quân Đội chính quy của Việt Minh lên tới 350.000 người.
Trung Cộng toàn thắng ở lục địa Trung Hoa. Chúng tôi được triệu tập đi họp để nghe thảo luận về chiến thắng của Mao Trạch Đông. Đây là lúc trong thế giới Cộng Sản, đứng trên căn bản lý thuyết của Mác, người ta thảo luận rất gay go về việc chủ tịch họ Mao dựa vào nông dân để làm Cách Mạng. Trước sự thắng lợi của Trung Cộng, bởi vì Mao không dùng công nhân để thực thi Cách Mạng như Mác đã đề ra, bây giờ người Cộng Sản phải gọi là đó là "chủ nghĩa" Mao Trạch Đông hay chỉ nên gọi là "tư tưởng" Mao Trạch Đông? Tôi ngồi nghe các cán bộ cỡ lớn thảo luận về vấn đề này cũng giống như vịt ngồi nghe sấm, chẳng hiểu mô tê gì cả. Cuối cùng, người ta chỉ phong cho sự nghiệp của họ Mao danh từ "tư tưởng". Còn chữ "chủ nghĩa" rất thiêng liêng kia, chỉ có thể dành cho Mác mà thôi.
Như thế là về phương diện chính trị và quân sự, thời gian đã đứng về phe Việt Minh. Sau bốn năm kháng chiến, qua tới đầu 1950, với sự thắng lợi của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, bây giờ Pháp không còn một chút hi vọng nào để thắng nổi một đội quân chính quy gồm 350.000 người với đầy đủ vũ khí do Trung Cộng vừa cung cấp. Nhất là trong trong đội quân này đã có từng Trung Đoàn được đưa qua huấn luyện ở phía bên kia biên giới. Đó là chưa kể tinh thần nhân dân Việt Nam vẫn còn rất cao. Cho tới bây giờ, tất cả mọi người vẫn quyết tâm kháng chiến trong mặt trận Việt Minh. Lúc đó chưa có chuyện "cải cách ruộng đất", "tố khổ" và "chỉnh phong, chính huấn" gì cả.
Còn tệ hại hơn nữa cho Pháp là phe tả của họ ở trong nước cũng hết sức bênh vực Việt Minh. Họ phái người qua thăm Việt Nam và đi vào tận cơ quan đầu não ở chiến khu. Chúng tôi được huy động để đón tiếp Chủ Tịch Liên Đoàn Thanh Niên của Pháp là Léo Figuères ở một nơi gần khu Yên Giã này. Giữa nơi rừng sâu núi thẳm, Léo Figuères có cơ hội tai nghe mắt thấy những thực lực của Việt Minh để khi trở về Pháp anh thanh niên tả khuynh này sẽ còn hoạt động ráo riết hơn nữa cho sự thất trận của Quân Đội Pháp bốn năm sau này.
Thế rồi vào một ngày hè trong năm 1950 này, Đại Hội Văn Nghệ -- có thêm vào đó hai chữ "Nhân Dân" -- được khai mạc. Hội trường do kiến trúc sư Võ Đức Diên vẽ kiểu và đôn đốc việc xây cất từ mấy tháng nay. Tuy vật liệu xây cất chỉ là những cột dọc làm bằng thân cây lớn, những cột ngang làm bằng tre, cùng với vách nứa và mái tranh, nhưng Hội Trường trông cũng đồ sộ lắm, khác hẳn với những hội trường ở miền suôi mà tôi đã biết. Thành phần tham dự Đại Hội là những văn nghệ sĩ nổi danh đang phục vụ trong Quân Đội hay trong các Hội Văn Nghệ ở Trung Ương, các nhân viên của các hội văn nghệ ở các địa phương và còn có thêm cả các cán bộ thông tin văn hoá nữa.
Chủ Tịch đoàn gồm có nhà văn Nguyên Hồng, hội viên Hội Văn Nghệ Trung Ương, kịch sĩ Lê Văn (Vũ Bắc Tiến) trưởng ban kịch của Trung Đoàn 308 và Vũ Thược, cán bộ văn hoá của huyện Lập Thạch thuộc Vĩnh-Phúc (tức hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên). Vào thời điểm này, Đảng Cộng Sản bấy lâu nay ẩn mình trong Mặt Trận Việt Minh bây giờ quyết định đưa ra bàn tay không còn bọc nhung nữa. Đại Hội gọi là "Văn Nghệ Nhân Dân" này không có mục đích nào khác hơn là bắt đầu từ nay trở đi, có Tố Hữu với bàn tay sắt, chỉ huy văn nghệ.
Trong ngày đầu tiên của Đại Hội, tôi thấy Chủ Tịch Đoàn đưa ra một đường lối gọi là "văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa". Mục đích chính là đưa ra một thứ kim chỉ nam cho tất cả mọi ngành sáng tác và biểu diễn. Mục đích phụ (hay đây mới là mục đích chính?) là biểu dương lực lượng văn nghệ sĩ và "báo cáo" đường lối chỉ huy văn nghệ của Nhà Nước cho các quan khách biết. Các quan khách đó là ai? Đó một số cố vấn Liên Sô, Trung Cộng và vị tân khách Léo Figuères, đại diện của Đoàn Thanh Niên Pháp Quốc đang ngồi ở hàng ghế đầu cùng với Trường Chinh, Tố Hữu, Trần Độ...
Sau đó, tới phần thảo luận riêng của các ngành. So với mọi ngành khác, thành phần nghệ sĩ trong ngành kịch là đông đảo nhất. Tuy tôi là nhạc sĩ và vợ tôi là ca sĩ nhưng Thái Hằng còn là kịch sĩ nữa cho nên chúng tôi có mặt trong những buổi hội thảo về ngành này. Tôi gặp Hoàng Tích Linh, tác giả vở kịch nhan đề Tiếng Đập Cửa là người ở trong đoàn kịch "Chiến Thắng" của Tổng Cục Chính Trị. Diễn viên trong đoàn này là Thúy Cẩm, em gái của kịch sĩ Kỳ Ngung và Thùy Chi, em ruột của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh. Thùy Chi có tên thật là Khuê, nhưng được mọi người gọi là Cô Thôn, tên của một nhân vật kịch. Cô Khuê đóng vai cô Thôn đặc sắc đến nỗi người ta không còn gọi cô bằng tên thật hay bằng tên nghệ sĩ của cô nữa. Nữ diễn viên Kiều Hạnh cũng là chị dâu của Thái Hằng và cũng có mặt tại Đại Hội này cùng với anh Phạm Đình Sĩ và mấy cháu Mai Hương, Bạch Tuyết và Sơn. Gặp được những người thân thích thì vợ tôi vui lắm. Tôi cũng gặp cả Hoàng Cầm, vừa mới tới Yên Giã cùng với các diễn viên nổi tiếng trong ngành Kịch Thơ như Trần Hoạt, Kim Lân. Tôi thấy Hoàng Cầm gầy đi nhưng đôi mắt của nó vẫn còn sắc như dao, giọng nói của nó vẫn sang sảng...
Dưới sự chủ toạ của Thế Lữ, Hội Trưởng của Hội Sân Khấu, một anh hội viên là Đoàn Phú Tứ đứng ra thuyết trình về sự hình thành của sân khấu Việt Nam gồm có Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ, Kịch Nói... và xin mọi người thảo luận để định nghĩa cho một hình thức sân khấu mới mẻ nhất là Thoại Kịch tức Kịch Nói. Sau nhiều tranh luận, Đoàn Phú Tứ tóm tắt các ý kiến của những người phát biểu. Tất cả đã nhất trí với định nghĩa này:
-- Kịch là bộ môn nghệ thuật dùng sân khấu làm phương tiện trình bày những cảnh đời đang có mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn đi tới chỗ kịch liệt thì phải giải quyết. Giải quyết xong mâu thuẫn là hết kịch.
Tôi đã biết tới những điều này từ lúc mới bước chân vào Liên Khu IV, được nghe tướng Nguyễn Sơn giảng về Tào Ngu và vở kịch Lôi Vũ. Có gì là mới lạ đâu? Đã tưởng thế là xong phần thuyết trình và định nghĩa về Thoại Kịch sau khi các văn nghệ sĩ đã đồng ý với thuyết trình viên Đoàn Phú Tứ. Nhưng lập tức một số cán bộ chính trị đứng lên đòi Chủ Tịch Đoàn phải bổ túc thêm vào biên bản của hội nghị:
-- Giải quyết những vấn đề trong các vở kịch thì phải có lập trường. Vậy chúng ta đứng trên lập trường nào? Lập trường phong kiến? Lập trường tư sản hay tiểu tư sản? Không. Phải đứng trên lập trường của giai cấp vô sản.
Trong một buổi họp khác, tổ kịch đang thảo luận về đặc trưng của các bộ môn sân khấu như Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ và Kịch Nói, Tố Hữu đứng ra lên lớp anh em, trước hết là đả kích bài Vọng Cổ. Tố Hữu nói:
-- Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, lòng người nghe bị mềm yếu rồi người nghe cúi đầu xuống, tiêu tan cả chí phấn đấu.
Lưu Hữu Phước, Tống Ngọc Hạp bèn kẻ trước người sau đứng lên bênh vực cho bài Vọng Cổ xuất xứ từ Nam Bộ của mình, nói rằng:
-- Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ được Vọng Cổ đâu ạ.
Nhưng Tố Hữu cười khảy:
-- Vâng, bài Vọng Cổ hay lắm. Hay đến độ đã làm cho Việt Nam mất nước, bây giờ trong kháng chiến, ta phải nên cấm nó.
Nghe thấy vậy, bụng bảo dạ, tôi nghĩ: A. Tố Hữu nói như vậy thì có nghĩa là Đại Hội Văn Nghệ "Nhân Dân" này phải có thái độ với bài hát đã "từ lòng nhân dân mà ra". Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp im lặng. Xưa nay tôi là người không ưa cãi nhau cho nên lúc đó tôi cũng im luôn. Dù lập trường của Tố Hữu khống vững lắm nhưng tôi cũng không đứng lên để bênh vực hai anh nhạc sĩ "Nam Kỳ" này. Theo sự hiểu biết của tôi -- vốn là kẻ đã đi theo gánh hát Cải Lương trong ba năm trời -- thì bài Vọng Cổ đã ra đời vào năm 1917 là lúc nước Việt Nam đã sống dưới ách nô lệ thực dân từ lâu rồi. Đã mất nước rồi mới có một người là ông Sáu Lầu ở Bặc Liêu đẻ ra bài Vọng Cổ. Điệu Vọng Cổ xuất thân từ điệu Hành Vân, mới đầu chỉ có 20 câu, mỗi câu 2 nhịp. Khi nó phát triển tới loại Vọng Cổ 6 câu mỗi câu 16 nhịp rồi tiến tới 32 nhịp thì âm nhạc của nó nghiêng hẳn về điệu ru con ở miền Nam. Trong suốt mấy chục năm, Vọng Cổ đã được dùng để kể lể đầy đủ mọi thứ chuyện buồn hay chuyện không buồn, kể cả những chuyện hài hước làm cho người nghe phải cười nôn ruột của mấy anh hề. Không phải chỉ có những bài hát Vọng Cổ than khóc mà thôi đâu.
Nhưng nếu cứ cho rằng đa số bài Vọng Cổ nói tới chuyện buồn đi, là làm "nhụt chí anh hùng" đi, thế tại sao vào ngày lịch sử 12 tháng 10 năm 1945, tất cả Nam Bộ cứ cầm gậy tầm vông vùng lên đánh Pháp và vẫn còn tiếp tục đánh Pháp cho tới bây giờ (là mùa Hè 1950). Những thính giả mà ta cho rằng đã bị "đầu độc" bằng bài Vọng Cổ hằng mấy chục năm, tại sao họ vẫn anh dũng chiến đấu? Họ đâu có đầu hàng Pháp? Và chắc chắn là họ vừa đánh giặc, vừa hát Vọng Cổ cho mà coi. Vọng Cổ, theo tôi, chính là bài hát phát sinh từ nhân dân cho nên nó mang rất nhiều chất "tình tự dân tộc". Nói một cách khác, khi tôi nghe hát Vọng Cổ, tôi rất cảm động và tôi thương yêu nước tôi hơn là khi tôi nghe nhạc... classic hay nhạc rock chẳng hạn.
Chỉ huy xong sự khai tử bài Vọng Cổ, Tố Hữu đi tới phán quyết thứ hai của anh. Anh mạt sát thậm tệ Kịch Thơ:
-- Nội dung kịch thơ phần nhiều chỉ phản ảnh tinh thần phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với cuộc sống động của toàn dân đang kháng chiến.
Lại cũng không ổn. Những vở kịch thơ trước đây tôi đã được coi, chính là những vở kịch nung nấu lòng ái quốc của chính tôi, vì nó nói tới chuyện Nguyễn Trãi, Phi Khanh, nói tới Quán Biên Thùy, Người Mù Dạo Trúc, Bến Nước Ngũ Bồ, Lên Đường, Viễn Khách... Lối ngâm thơ rền rĩ mà những ngâm sĩ đã mắc phải khi diễn kịch thơ, ta có thể khắc phục được nếu ta huấn luyện cho các ngâm sĩ biết chọn đoạn nào ngâm, đoạn nào nói. Và nếu ngâm nên ngâm theo giọng gì? Giọng "oán" cần phải dùng cho đúng lúc. Là kịch thơ nhưng vẫn có thể có những đoạn "nói thơ" -- lẽ dĩ nhiên không phải là lối "nói thường" hoặc "nói lối" theo kiểu Hát Chèo hay Cải Lương -- Cần nhất là phải dùng tối đa những điệu ngâm khác biệt với giọng"oán" như "sa mạc", "cổ thi" hay những điệu ngâm thơ nằm trong nhạc mục của Hát A± Đào. Vấn đề này nằm hoàn toàn trong lĩnh vực kỹ thuật (không phải nghệ thuật) cho nên rất dễ cải tiến. Opera của Âu Tây là cái gì, nếu không phải là kịch thơ có ngâm nga và có hát lên? Hơn nữa, gần đây, tại chiến trường Cao-Bắc-Lạng, tôi và Hoàng Cầm rất thành công với những màn diễn thơ có thể được gọi là những "màn kịch thơ ngắn" được lắm. Với Đêm Liên Hoan hay Tâm Sự Đêm Giao Thừa được trình diễn với hai diễn viên và có điệu bộ, ta có mầm mống của những vở kịch thơ ái quốc. Ngay chính tôi đây, khi diễn ngâm bài thơ Bắn Đi của Tố Hữu, tôi đã đóng kịch đó. Đóng vai anh thi sĩ đứng cạnh người lính Pháo Binh ở trên một ngọn đồi có đặt sẵn khẩu súng lớn nhắm xuống đồn địch. Người lính Pháo Binh phải chờ giờ khai hoả, nhưng anh nghệ sĩ quá căm thù giặc, nhìn thấy chúng đang cười nói ở dưới đồn thì sốt ruột quá, anh thúc giục đồng chí Pháo Binh phải bắn đi. Bắn ngay lập tức. Tôi được bộ đội rất hoan nghênh khi đóng kịch trong cái màn "thơ độc diễn" này. Tôi cho rằng, nếu lúc đó Hoàng Cầm được khuyến khích để tiếp tục phát triển Kịch Thơ thì không chừng chúng ta đã có một thứ sân khấu có tính chất opera theo kiểu Việt Nam, chứ không phải thứ opera học mót của các trường phái của Âu Tây.
Sau khi Tố Hữu đã đả kích Kịch Thơ xong rồi, cử toạ bỗng im phăng phắc, mọi người chăm chú nhìn vào Hoàng Cầm, mục tiêu của sự đả kích. Hoàng Cầm đứng dậy, nhấc cái ghế đẩu mà nó vừa ngồi lên, trịnh trọng bưng ghế ra đặt ở giữa hội trường, lấy ở trong túi ra một sợi dây dài, dùng dây buộc tập kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói chặt lên thật cao, tuyên bố:
-- Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm nay.
Phải công nhận là trong Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân này, những nhà lãnh đạo Việt Minh coi ngành sân khấu như một đội quân lớn để thể hiện đường lối gọi là "văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa" đã được Chủ Tịch Đoàn đưa ra ngay từ hôm khai mạc Đại Hội. Dưới con mắt của Chính Quyền và nhất là của Đảng Cộng Sản ẩn hình sau Mặt Trận Việt Minh, ngành Sân Khấu là bộ môn có nhiều quần chúng nhất. Do đó mà ta thấy Tố Hữu ra hết mệnh lệnh này tới mệnh lệnh khác, nhằm vào Kịch Thơ, nhằm vào bài Vọng Cổ của Sân Khấu Cải Lương và đề cao Thoại Kịch là đội quân xung kích của trận chiến này. Từ nay trở đi, sẽ có rất nhiều các đoàn văn công được thành lập để thực hiện những phương châm mà Đại Hội này đề ra, nói cho gọn là đem lập trường đấu tranh giai cấp vào ngành Ca-Kịch-Nghệ. Có lẽ để sửa soạn cho việc cải cách ruộng đất "long trời lở đất" sắp sửa xẩy ra trong năm sau, khi Việt Cộng tiếp thu được bài học về chính sách này của Trung Cộng.
Các ngành khác -- như âm nhạc chẳng hạn -- cũng được bàn tay chỉ huy chiếu cố tới, nhưng sự ra lệnh có vẻ kín đáo và tế nhị hơn. Tôi bị phê bình là tiêu cực với những bài như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, Bà Mẹ Gio Linh. Và tôi được khuyến khích để khai tử một bài hát quá ư lãng mạn và đang được phổ biến rất mạnh mẽ trong toàn quốc là bài Bên Cầu Biên Giới. Nhưng tôi đóng kịch giả vờ ngu dại và lơ đãng, lờ luôn cái chuyện đó đi. Chỉ không hát những bài bị phê bình là tiêu cực và lãng mạn đó ở trong Đại Hội là cũng đủ làm hài lòng "qúy vị" lãnh đạo rồi. Phải không? Tối đến, trong buổi sinh hoạt có tính cách giải trí, tôi và Thái Hằng hát xong bài Bà Mẹ Quê là xuống ngồi nghe các nhạc sĩ trong đoàn Văn Nghệ Khu III biểu diễn. Có Canh Thân hát bài Thiên Thai với sự phụ hoạ dương cầm của vua piano Nguyễn Văn Hiếu. Văn Cao ngồi cạnh tôi nhiều khi phải nhăn mặt khi nghe Canh Thân hát bài Thiên Thai với quá nhiều "fantaisies", nghĩa là ca sĩ hát sai nhiều nốt nhạc ở trong bài hát. Có các nhạc sĩ Xuân Tiên, Xuân Lôi... thổi kèn cho nhiều ca sĩ hát những bài của Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc...
Phải nói rằng Đại Hội Văn Nghệ này rất thành công. Thành công ở chỗ đại đa số văn nghệ sĩ được "chỉ huy" mà không có ai dám phản đối gì cả. Nếu có phản đối, phải đợi khi tan xong Đại Hội và trở về tới địa phương rồi mới phản đối bằng cách... "dinh tê". Đại Hội lại cũng rất là vui. Ơ± giữa khu rừng xưa nay heo hút, bây giờ có rất đông đảo các tay to mặt lớn trong làng văn nghệ và chính trị tới gặp nhau. Sau bốn năm đi tung hoành ở mọi nơi, bây giờ họ mới có dịp tụ hội, mà lại tụ hội ở một nơi chúng tôi gọi là "gần mặt trời". Giới văn nghệ sĩ có cảm tưởng như mình được trọng vọng. Trong giờ nghỉ giải lao, chúng tôi trò chuyện với nhau rất là thân mật, tránh không nhắc tới những vấn đề mà chúng tôi coi như là những "bêtes noires" vừa được nêu lên trong Đại Hội.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn vì quá yêu tôi qua những bài dân ca gần đây cho nên cho rằng tôi là người tạo ra được một âm giai đặc biệt Việt Nam, anh ta gọi là gamme phamduyrienne.
Đoàn Phú Tứ giúp tôi sửa lại hai chữ trong bài Tiếng Hát Trên Sông Lô:
Hỡi anh du kích tập bắn trên rừng
Thuyền tôi đậu bến Đoan Hùng
Nửa đêm nghe tiếng chim mừng líu lo...
-- Cậu nên đổi hai chữ "nửa đêm" bằng hai chữ "bình minh".
Tôi đồng ý ngay. Và cám ơn tác giả của bài thơ Mầu Thời Gian bất hủ. Sau này tôi có phổ nhạc bài thơ đó, không biết anh bạn vàng này có nghe được hay không?
Buổi tối có sinh hoạt văn nghệ. Có các khách ngoại quốc tham dự. Các cố vấn Liên Sô gặp nữ nghệ sĩ nào cũng ôm hôn khiến cho ai cũng ngượng. Họ còn mời các bà, các cô nhẩy theo kiểu "Son Đố Mì" nữa. Càng vui chứ sao? Đại Hội khoản đãi văn nghệ sĩ cũng rất chu đáo. Tuy không được hưởng chế độ ăn theo "tiểu táo" như các ông "vua mới" của nước ta, nhưng trong những bữa cơm tập thể nấu theo kiểu "đại táo" này, tôi đã được thưởng thức tài nội trợ của những bà như chị Võ Đức Diên với món chao làm bằng đậu xanh (soja) rất bổ béo. Trong suốt thời gian bốn tháng ở Yên Giã, ngày nào chúng tôi cũng được ăn cơm với chao, không đi tu mà cũng ăn trường chay.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương ba ba
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do.
CHO NHAU
Sau khi Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân bế mạc, mọi người ai nấy đã trở về những chiến khu của mình rồi thì "giây phút của sự thật" đã tới với tôi. Trong một buổi trưa có nắng vàng nhẩy múa trên lá cây, thả bước trên một con dốc nhỏ nằm trong khu rừng Yên Giã, anh Nguyễn Xuân Khoát bá vai tôi, hai người lặng lẽ đi... Một hồi lâu, anh Khoát nói, giọng nói thầm thì:
-- Đoàn thể cử tao nói cho mày biết. Là mày đã được kết nạp. Mày sẽ được cử đi Moscou. Mày sẽ được ông Cụ gắn cho một huân chương chiến sĩ. Nhưng có điều kiện. Mày phải bỏ cái tính "chơi" của mày đi. Mày phải khai tử bài hát Bên Cầu Biên Giới. Và nếu xuất ngoại thì Thái Hằng phải ở lại. Một mình mày đi thôi. Về suy nghĩ. Mấy hôm nữa, trả lời tao.
Tôi bàng hoàng. Như bị anh bốc-xơ -- cỡ võ sĩ Mỹ đen Tyson hiện nay chẳng hạn -- vừa "ục" vào đầu mình một cú đấm. Anh Khoát lảo đảo đi về phía trước, lảo đảo là vì anh đi đôi giầy bốt to quá, nặng quá. Tôi cũng lảo đảo như người vừa bị "nốc ao", quay về ngôi nhà nứa của mình, nằm chắp tay lên bụng, suy nghĩ...
... Khi bước chân lên miền Việt Bắc này, tôi không bao giờ chờ đợi có được những thứ gọi là "đại ân huệ" như thế này cả. Nhất là những ân huệ có điều kiện. Cứ nghĩ rằng mình lên đây để làm việc như một thường dân yêu nước và được tự do sáng tác hay được tự do đi công tác, giống như khi mình còn ở Liên Khu IV. Chỉ cần mình có thêm hai, ba người bạn mới để mình yêu mến như đã yêu mến Nguyễn Sơn, Đặng Thái Mai, Nguyễn Đức Quỳnh... Chỉ cần có thế thôi. Ai ngờ bây giờ mình lại được đãi ngộ đến thế. Ai ngờ bây giờ mình lại được đẩy vào một guồng máy chặt chẽ để sống cuộc đời của một anh cán bộ chính trị gương mẫu. Trong khi bản tính mình là một con người rất phóng túng. Trong suốt đời tôi, kể từ khi còn bé cho tới nay, tôi sợ nhất là bị đẩy vào kỷ luật. Vào làm đảng viên của một cái Đảng mà kỷ luật chắc chắn phải là thứ kỷ luật sắt, cứ yên chí đi, chỉ cần sau "ba bẩy hai mươi mốt ngày" là tôi sẽ bị đá đít tống ra khỏi đảng liền.
Hơn nữa, tôi ý thức hơn ai hết về giai cấp của mình. Nằm trong ngôi nhà nứa này, tôi tự nói thầm cho tôi nghe, bởi vì khi phải trả lời anh Khoát tôi sẽ không nói văn vẻ như thế này:
-- Anh Khoát ơi. Tôi là tiểu tư sản mà. Làm sao tôi có thể tiến thẳng "lên" giai cấp vô sản được? Dù tôi cũng xuất thân là một công nhân, đi khắp mọi nơi ở trong nước để làm các nghề lao động chân tay trước khi sống bằng nghề lao động trí óc (!). Nhưng anh ơi, đó là sau khi tôi đã bị ông anh bắt phải vào học nghề trong trường Kỹ Nghệ Thực Hành, rồi tôi bất mãn, phạm nhiều kỷ luật như đánh nhau, phá phách máy móc ở trường... cho nên tôi bị đuổi ra khỏi trường. Trong bản khai lý lịch cách đây không lâu, tôi đâu có khai tôi là công nhân? Tôi có thể là người có nhiều cảm tình với Cách Mạng nhưng không bao giờ tôi là người học thuộc lòng những bài học, những lý thuyết, những tôn chỉ của Cách mạng cả. Đã có lần tôi trả lời một thằng Cách Mạng nửa mùa, khi nó phê bình tôi là tôi là duy tâm, duy tiếc gì đó, nó nói như một con vẹt vậy. Tôi bèn chỉ tay vào mặt nó: " Ê mày, nghe đây. Tao không phải là "duy tâm" và cũng chẳng bao giờ là "duy vật" cả. Tao là... "duy cẩn", Phạm Duy Cẩn. Hiểu không? "
Tại Thanh Hoá, tôi đã có lần khó chịu vì bị phê bình là tiêu cực qua những bài mà tôi vẫn cho là theo đúng chủ trương hiện thực của chính quyền đề ra như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, Bà Mẹ Gio Linh. Nhưng khi tôi thấy -- qua anh Khoát -- Trung Ương bắt tôi phải khai tử bài Bên Cầu Biên Giới, tôi nổi giận chứ không chỉ khó chịu như trước nữa. Tôi thấy họ đặt vấn đề quá nặng. Một bài hát, theo tôi, nếu nó có may mắn được hát lên trong một thời kỳ nào đó thì đời của nó cũng chẳng khác chi một đời hoa, sớm nở tối tàn, có gì đâu mà quan trọng hoá đến độ phải treo cổ nó lên hả? Tôi thấy Cách Mạng bắt đầu lẩm cẩm khi kết án bài Vọng Cổ trong cái Đại Hội mà tôi vừa tham dự. Bây giờ lại tới chuyện lãnh đạo bắt tôi phải tự tay giết chết một bản nhạc tình tôi vẫn thường coi là tầm thường và còn vớ vẩn nữa là khác. Sự ngu đần trong việc quan trọng hoá một bản nhạc như thế này cũng vẫn còn thấy hiện ra mấy chục năm sau, khi ở Miền Nam có những người lên án bài thơ của một anh lính trong lực lượng Nhẩy Dù do tôi phổ nhạc -- bài thơ nhan đề Trả Lời Một Câu Hỏi mà tôi đổi lại là Kỷ Vật Cho Em -- cho rằng sự phổ biến của bài hát này đã làm cho quân nhân nản lòng, do đó miền Nam Quốc Gia thua miền Bắc Cộng Sản. Nói như vậy là chấp nhận rằng một bài hát có khả năng để đánh giặc giỏi hơn một đội quân có một triệu lính, với sự giúp đỡ của một nước Đồng Minh có bom nguyên tử à?
Bây giờ tới việc thứ ba là bỏ Thái Hằng ở lại Việt Bắc để đi Moscou. Thái Hằng đã có mang được gần sáu tháng rồi. Đã có lần cả hai vợ chồng tôi đều bị sốt rét, cùng nằm rên khừ khừ trên cái giường nứa ở khu Yên Giã này. Nhưng cũng còn có người ốm này săn sóc cho người ốm kia. (Thái Hằng vừa nhắc lại chuyện tôi... ỉa đùn ở Yên Giã khi bệnh sốt rét đưa tới bệnh kiết lỵ). Cái bệnh sốt rét quái đản mãi hơn mười năm sau mới được đẩy lui khi một Bác Sĩ ở Saigon tìm ra cách chữa rất hiệu nghiệm là tiêm quinine vào mạch máu của chúng tôi. Ngay trước ngày Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân, khi tôi phải đi vắng hai tuần -- tôi lên hát ở Đài Phát Thanh bí mật, có gặp lại Thương Huyền tại đó -- Thái Hằng nằm một mình ở trong khu rừng già này, nửa đêm có cọp về, vợ tôi vốn là người bị bệnh yếu dây thần kinh từ trước, nay lại sợ cọp tới độ muốn phát điên lên, sáng hôm sau phải tới xin ở tạm nhà chị Nguyễn Xuân Khoát trong khi đợi tôi đi công tác trở về.
Nếu tôi đi ngoại quốc mà Thái Hằng ở lại, vào ngày sinh nở, ai là người sẽ săn sóc người đẻ hộ tôi? Tôi cũng có thể tin rằng Đoàn Thể sẽ làm chuyện đó một cách rất chu đáo, nhưng tôi đã thấy trước mắt chuyện bà Đào Duy Kỳ, vợ của một đảng viên cỡ lớn, ở ngay tại khu Trung Ương này, khi sinh ra đứa con thì phải nuôi một con dê ở trong vườn để có sữa cho con bú. Hình ảnh của người mẹ nghèo thiếu ăn và của đứa con đói sữa trong bài thơ Tâm Sự Đêm Giao Thừa của Hoàng Cầm mà tôi thuộc lòng như cháo, cũng hiện ra trong đầu tôi lúc này...
... Trong thời gian chờ đợi tới ngày tôi phải trả lời anh Khoát về một vấn đề tối ư quan trọng có khả năng quyết định cả một đời người, tôi được gọi đi gặp ông Hồ. Đi khoảng gần hai tiếng đồng hồ thì tới chỗ ông ở. Qua khỏi một con suối được đặt tên là Lê Nin thì thấy hiện ra một ngôi nhà sàn b_ăng tre rất đẹp, có ông Chủ Tịch họ Hồ đang ngồi đánh máy. Nhìn thấy U³ông, tôi vẫn thấy cảm động như lúc gặp ông lần đầu. Nhưng vì bây giờ được nhìn ông gần hơn lần trước, tôi thấy cặp mắt của ông thật là sáng, nhưng nó không toát ra một sự trìu mến. Cũng có thể một người làm chính trị suốt đời như ông thì lúc nào cũng cần phải cần phải quyết liệt, phải tàn nhẫn, cho nên ông có một cái nhìn rất dữ.
Tới gặp ông lần này, tôi rất thông minh để thấy ngay rằng đối với ông, lúc đó, tôi chẳng là cái gì cả. Không chừng ông cũng chẳng biết tới tên tôi hay biết tới công việc của tôi là đàng khác. Trong cái bắt tay hay trong câu chuyện, tôi chỉ cảm thấy có một chút thân mật của một người muốn làm cha thiên hạ, ban xuống cho một đứa con dân. Chỉ có thế thôi. Một nhà lãnh đạo như ông Hồ, đang có muôn ngàn chuyện phải làm, đâu có thì giờ để mà đãi ngộ một văn nghệ sĩ? Chẳng qua là vì những vị phụ trách về văn nghệ nghĩ rằng gặp ông Hồ là một ân huệ lớn đối với một công dân và nghệ sĩ như tôi. Trong mọi tính toán như: cho vào Đảng, cho đi Moscou, đề nghị tặng huân chương, còn có thêm một tính toán nữa là cho tôi gặp một người mà ai cũng mong được gặp.
Họ không biết là tôi đã từng được mời tới gặp ông Bảo Đại khi ông vua này đi săn và tới Phan Rang hồi năm 1943. Tôi đang đi hát với gánh Đức Huy ở đó, ông Tỉnh Trưởng là Nguyễn Duy Quang cho xe hơi tới đón tôi đưa vào Dinh Tỉnh Trưởng để đàn hát cho ông vua nghe. Lúc đó tôi mới 22 tuổi. Chỉ có tôi và Bảo Đại ngồi ở trong phòng khách. Ông chăm chú ngồi nghe tôi hát, hỏi thăm gia đình tôi. Gặp ông vua mà cũng chẳng thấy có gì là ghê gớm cả. Ông vua nghe mình hát thì cũng như... ông trọc phú hay ông phu xe -- những quý vị khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp -- nghe mình hát mà thôi. Nhưng phải công nhận rằng ông Bảo Đại là một người rất nhã nhặn, rất thích âm nhạc. Tiếc rằng tôi không nhìn được rõ đôi mắt của ông vì ông luôn luôn đeo kính đen.
Sau này cũng thế, vì anh tôi là Phạm Duy Khiêm đang làm Đại Sứ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tôi cũng được mời vào Dinh Độc Lập để gập hai anh em lãnh tụ họ Ngô. Cả hai ông đều có những cái nhìn rất dữ và cao ngạo. Đối với hai ông, tôi cũng chỉ có đúng một sự lễ phép vừa phải như khi tôi gặp những lãnh tụ khác. Một thứ lễ phép theo kiểu "kính như viễn chi" vốn là một cách rất hay để thoái thác không nhận một ân huệ hay một món nợ vật chất hay tinh thần nào ở nơi những người có quyền hành này. Sự tương kính đã có giữa hai bên rồi thì không bao giờ tôi dám phê phán các nhà lãnh tụ đó cả, từ ông Bảo Đại, qua ông Hồ Chí Minh tới hai vị lãnh đạo họ Ngô. Đó là công việc của lịch sử.
Nhưng có một điều mà bây giờ tôi mới nhìn thấy khi tôi gặp ông Hồ Chí Minh ở Việt Bắc là: dù đây là một thứ chính quyền Cách Mạng nhưng ở cái nơi chiến khu âm u bí hiểm này cũng có một thứ triều đình rồi -- chẳng trách Nguyễn Tuân gọi đây là đất thánh. Triều đình nào cũng phải có kẻ nịnh. Kẻ nịnh bao giờ cũng đông hơn người trung. Lúc tôi tới nơi ông Hồ ở là lúc tôi thấy Tống Ngọc Hạp đem một bầy thiếu nhi tới và tôi chứng kiến một sự "tranh nhau đi gặp Bác Hồ", một sự cãi nhau om xòm giữa người này người nọ trong sự chọn lựa ai được vào gặp, ai không được vào gặp. Tôi trở về Yên Giã, lòng rất thản nhiên vì bây giờ thì tôi không còn gì để thắc mắc nữa.
Tôi tới gặp anh Khoát ngay và trả lời dứt khoát là tôi xin trở về Thanh Hoá. Và xin về ngay để cho kịp ngày vợ đẻ, sẽ có bà mẹ vợ săn sóc cho mẹ tròn con vuông. Tôi rất cám ơn mọi người, xin được không nhận bất cứ một thứ ân huệ nào cả. Nhưng khi vợ chồng tôi tới chào người lãnh đạo văn nghệ của cả nước thì Tố Hữu tặng cho vợ chồng tôi một số tiền. Tôi nhận ngay vì đó là tiền lương và vãng phí.
Ngày mai lên đường về suôi thì tối hôm đó bỗng nhiên tôi gặp vợ chồng tướng Nguyễn Sơn ở nơi an toàn khu này. Ông mời vợ chồng tôi tới ăn cơm. Trong bữa cơm rất ngon tại một ngôi nhà sàn ở giữa vùng Việt Bắc, dưới ánh đèn dầu leo lắt, ngoài những chuyện xã giao thông thường, ông không nói gì tới chuyện ông đã bị Đảng gửi trả ông về Trung Cộng. Tôi cũng không hé miệng cho ông biết tình trạng và thái độ của tôi trước những ân huệ mà cấp trên đã dành cho tôi. Nhưng khi biết tôi sẽ trở về Khu IV vì lý do Thái Hằng đang có mang thì ông gật gù, ra chiều đồng ý.
Khi tôi về tới Thanh Hoá, tôi mới biết rằng tướng Nguyễn Sơn đã bị thay thế bởi Hoàng Minh Thảo, có Trần Văn Quang làm ủy viên chính trị. Sau này, tôi mới biết rõ nguyên do tại sao ông Sơn lại bỏ kháng chiến để ra đi. Theo người bạn đàn anh của tôi là Hoàng Văn Chí -- anh em cột chèo với Nguyễn Sơn -- lúc đó đang làm việc tại Khu IV, thì tướng Nguyễn Sơn phản đối việc ông Hồ yêu cầu Trung Cộng viện trợ, cho rằng hễ nhận viện trợ của ngoại bang thì sẽ mất hết chủ quyền. Ông Sơn viện lẽ rằng trong thời kỳ chống Nhật, Mao Trạch Đông không thèm nhờ Nga Sô viện trợ, để mặc Nga Sô tiếp tế cho Tưởng Giới Thạch. Theo ông Sơn thì Việt Nam phải tự lực kháng chiến, chiếm lấy vũ khí của Pháp để mà đánh Pháp. Cuộc chiến đấu gian lao hơn nhưng nước mình sẽ không phụ thuộc ngoại bang. Cũng vẫn theo Hoàng Văn Chí, Nguyễn Sơn to tiếng với ông Hồ về việc này và bỏ ra đi ngay sau buổi thảo luận gay go đó, rất có thể ngay trong cái ngày mà tôi được ông mời tới nhà để ăn cơm. Tôi cũng không ngờ rằng đó là bữa cơm từ biệt mà tướng Nguyễn Sơn dành cho một nghệ sĩ trẻ tuổi mà ông hết lòng nâng đỡ không những chỉ trong công tác mà còn trong cả đời tư, khi ông là người se duyên và chủ hôn cho vợ chồng chúng tôi. Không còn Nguyễn Sơn ở Khu IV nữa, rồi đây tôi sẽ thấy mình bơ vơ vô kể.
Trên đường về, vợ chồng ghé qua một địa điểm ở trong tỉnh Thái Nguyên để gặp anh tôi là Phạm Duy Nhượng hiện đang là giáo viên của trường dạy các cán bộ cao cấp về văn hoá. Việt Minh có cái hay là trong kháng chiến, những người không có trình độ văn hoá cao hoặc có khi chỉ mới có bằng Tiểu Học mà thôi, sau khi đã chiến đấu ở ngoài mặt trận trong một thời gian thì dù có là Sư Đoàn Trưởng,Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng hay Đại Đội Trưởng gì đi nữa thì cũng -- a lê -- mời các ông quan to súng dài này buông súng ra, bỏ chức vụ đi, lục tục về một ngôi trường được dựng lên ở một nơi giống như "u tì quốc" để học lại từ đầu. Nhà giáo Phạm Duy Nhượng là thầy dạy học văn hoá cho vô số các Tướng Lãnh Cộng Sản về hưu hiện nay ở ngoài Bắc. Sống ở "ù tì quU³ốc" này vài ngày, tôi được nghe một câu chuyện có dính líu tới giới cầm bút, cầm đàn và cầm... dọc tẩu của chúng tôi:
"... Sau khi tan Đại Hội, các văn nghệ sĩ như Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Tuân, Canh Thân, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Nguyễn Văn Hiếu về tới thị xã đổ nát là Thái Nguyên thì gập Đinh Văn Tỉnh, người có biệt danh là Tỉnh "Chố" vì anh ta có đôi mắt cá vàng, lúc nào cũng như chố mắt ra để nhìn thiên hạ. Tỉnh "Chố" mách nước cho mọi người biết:
-- Ơ± một địa điểm gọi là Lăng Tạ, chỗ giáp giới Thái Nguyên-Bắc Giang ấy, các cậu có thể tới ăn hút thả giàn được đó. Tại đây có Lê Sỹ Cửu là đệ tử ruột của Cục Trưởng Cục Quân Nhu Trần Dụ Châu. Anh ta sẽ tổ chức một đám cưới cho người em. Họ cũng đang cần "văn nghệ giúp vui"...
Nghe thấy Tỉnh "Chố" mách nước như vậy, các văn nghệ sĩ nhà ta vội vàng kéo nhau tới Lăng Tạ. Đám cưới cực kỳ sang trọng được tổ chức tại ngôi nhà của Lê Sỹ Cửu, nằm trên một ngọn đồi. Ơ± hai bên đường, từ dưới chân đồi lên tới cổng nhà, để soi sáng cho đường đi là hàng ngàn ngọn nến bạch lạp. Cục Quân Nhu là cơ quan có nhân viên và phương tiện để ra vào Hà Nội hằng ngày, mua những đồ tiếp liệu như vải vóc thuốc men, các hàng thuộc loại "xa xỉ phẩm"... trong đó có thuốc lá thơm cho ông Hồ. Lê Sỹ Cửu luôn luôn cưA°ơi một chiếc xe đạp Sterling mà ghi đông là loại thép "dura" có pha chất "aluminium". Xe đạp thời kháng chiến mà có được một cái đèn hiệu RADIUS để đi ban đêm là đã sang trọng lắm rồi. Xe đạp của Lê Sỹ Cửu có tới hai cái đèn, đèn nào cũng to như đèn pha xe hơi cơ. Hằng ngày Lê Sỹ Cửu là một người tiêu tiền như rác. Số tiền đổ vào đám cưới này chắc chắn là phải kinh khủng lắm. Người ta kể lại là về phần ăn thì sau khi nhà bếp làm thịt, những lông gà, lông vịt đổ xuống sông trôi lềnh bềnh đến mấy ngày mà vẫn chưa hết. Và cũng không thiếu một thứ rượu ngon nào trong bữa tiệc cưới này. Thuốc lá thơm như Philip Morris, Cotab, Camel, 3 con 5... đem ra mời khách hút, không phải từng điếu mà là từng bao. Ăn uống no say xong là có luôn dăm ba cái bàn đèn thuốc phiện để đãi khách. Lẽ tất nhiên Trần Dụ Châu là thượng khách đám cưới.
Thực ra, cái đám cưới cực kỳ hoang phí được tổ chức trên xương máu của nhân dân này cũng chẳng có ai biết đến, ngoài những người tới dự đám cưới. Cũng chẳng có ai bận tâm đi báo cáo ai cả. Vả lại, Cục Trưởng Cục Quân Nhu đã là nhân viên cấp cao nhất ở đây rồi. Hơn nữa, Trần Dụ Châu là người rất hào hiệp đối với bạn bè và các đàn em. Có người bạn nào ở xa tới thăm anh là anh tặng luôn cho người đó một bộ đồ kaki Mỹ. Cho nên nếu anh có để cho đàn em của anh làm chuyện hoang phí như thế này thì cũng không có ai nỡ trách móc anh làm gì. Chẳng may trong đám cưới này lại có Đoàn Phú Tứ. Trong bữa ăn, có lẽ đã quá say -- hay giả vờ say không chừng -- Đoàn Phú Tứ nhìn thẳng vào mặt Trần Dụ Châu, lên tiếng phê bình sự hoang phí này. Lê Sỹ Cửu vội vàng chạy tới, nắm cổ Đoàn Phú Tứ kéo đi. Và để lấy lòng "xếp" của mình, anh ta giơ tay tát Đoàn Phú Tứ. Thế là chuyện này bùng nổ. Đoàn Phú Tứ lập tức báo cáo lên Trung Ương, đưa ra những tội của Trần Dụ Châu như: bao che cho đàn em phung phí công quỹ, tổ chức đám cưới vô cùng phí phạm trong khi chính phủ đang bắt cả nước phải hi sinh, có thái độ hung hãn với văn nghệ sĩ khi bị phê bình thẳng thắn. Câu chuyện lan tràn đi khắp mọi nơi. Ai cũng xì xào. Nếu người tố cáo không phải là Đoàn Phú Tứ thì chuyện này cũng có thể được lấp liếm đi, nhưng lúc đó người ta rất cần tới văn nghệ sĩ để động viên quần chúng cho nên Trung Ương đã không thể làm ngơ được. Kết quả, Cục Trưởng Cục Quân Nhu Trần Dụ Châu bị đưa ra xử án trước công chúng vào ngày mùng 5 tháng 9 năm 1950, có Chu Văn Tấn ngồi ghế Chánh A³n và có Trần Tử Bình đại diện của Chủ Tịch họ Hồ tới dự để cho phiên toà thêm phần long trọng. Trần Dụ Châu bị kết án tử hình và bị đem ra xử bắn tại sân vận động Thái Nguyên..."
Tôi biết sơ sơ là cô bạn ca sĩ Thương Huyền dễ thương và hát hay của tôi trong những ngày xa xưa, khi ra với kháng chiến thì cô trở thành người bạn tình hay người vợ chưa cưới của Cục Trưởng Cục Quân Nhu Trần Dụ Châu. Tôi cũng vừa mới gặp nàng ở Đài Phát Thanh bí mật một tháng trước đây. Lúc đó nàng đang ngồi trong phòng vi âm, tay cầm cái quạt nan để đuổi một lũ ruồi đang bu vào một vài nốt ghẻ ở nơi đôi chân thon đẹp của nàng, những nốt ghẻ mà ai đã đi kháng chiến thì cũng đều được thiên nhiên ô nhiễm âu yếm tặng cho. Rất niềm nở, Thương Huyền hỏi thăm tôi về Thái Hằng. Còn về phần tôi, vì mắc bệnh "tế nhị" cho nên tôi không dám thăm hỏi gì về đời tư của nàng cả. Nay biết chuyện Cục Trưởng Trần Dụ Châu gặp nạn, tôi nghĩ tới Thương Huyền rất nhiều. Từ giã trường dạy văn hoá và anh Nhượng, chúng tôi ra đi. Trong hành trình trở về Khu IV, trên một quãng đường nào đó, tôi chúc thầm cho người bạn cũ có một nụ cười rất phúc hậu qua khỏi được tất cả những khó khăn của cuộc đời. Rồi từ đó, tôi quên Thương Huyền.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương ba tư
Trời đầy cô tiên nữ
Xuống đầu thai thành hoa
Giữa đêm mờ, hoa nở ngát hương...
Cành Hoa Trắng
Một hôm Phạm Đình Viêm đang ngồi ở trong Quán Thăng Long thì có một cán bộ đi xe đạp từ đàng xa tới, đậu xe lại, bước vào quán và nói:
-- Tôi có gặp một ông già cùng đi với một cô con gái ở cách đây bẩy tám cây số gì đó. Họ biết tôi sẽ qua Chợ Neo nên nhờ tôi nói dùm với ông bà chủ quán Thăng Long là họ đang trên con đường về.
Thế là Phạm Đình Viêm bôn bả cưỡi xe đạp đi đón chúng tôi. Nhưng không gặp. Chúng tôi về tới Quán Thăng Long thì chỉ thấy có một mình bà Thăng Long đang ngẩn ngơ đứng đó. Hai mẹ con ôm nhau khóc oà. Tôi ngạc nhiên vì không thấy ông Thăng Long đâu cả. Trong sáu tháng vừa qua, ở nhà ra đi lên sống ở Việt Bắc rồi là chúng tôi không có một tí liên lạc nào với gia đình ở Chợ Neo cả. Xin được thưa với tất cả các dân tộc ở trên thế giới rằng: trong những năm kháng chiến, 90 phần trăm người dân Việt thoát ly gia đình để đi làm nhiệm vụ công dân. Dù trong quân đội và các cơ quan dân chính có những tổ chức bưu điện được gọi là "hòm thư" (sau này mới có cái tên "khu bưu chính", viết tắt là KBC) nhưng thư đi thư lại ở trong nước thật là ít ỏi. Tôi nhớ rất rõ ràng là trong bẩy năm kháng chiến, tôi không hề gửi đi hay nhận được một lá thư nào cả. Và tôi không phải là người độc nhất ở trong hoàn cảnh đó. Dân tộc này phải can đảm đến độ nào mới có thể chấp nhận một sự "biệt vô âm tín" lạ lùng giữa những người thân trong gia đình như vậy. Ông Thăng Long vào Hà Nội từ mấy tháng nay rồi. Chúng tôi đâu có biết? Gia đình này đã khánh kiệt. Bố vợ tôi phải vào thành phố để vay mượn tiền nơi bạn bè, đem ra vùng kháng chiến tiếp tế cho gia đình.
Phạm Đình Viêm phóng xe đi tìm vợ chồng tôi không thấy, quay xe trở về quán. Chúng tôi nhìn nhau cười như nắc nẻ. Anh cán bộ nói không sai: Tôi mới có 30 tuổi mà trông đúng là một ông già rồi. Sau khi cất ba lô, rửa mặt, thay quần áo, Thái Hằng chui ngay vào giường nằm. Tôi ra ngồi uống một ly cà phê, ăn một tô phở và hàn huyên, tâm sự cùng mẹ vợ và anh vợ...
"... Con đường về vất vả hơn con đường đi nhiều. Vượt khỏi được con dốc Tam Đảo là gặp những cơn mưa tầm tã. Hai vợ chồng ôm nhau đi trên những con đường bùn ngập tới cổ chân. Có những lúc Thái Hằng mệt quá, ngồi bệt xuống đường khóc. Tôi đi trước vài bước, thấy thế tôi quay gót lại, nâng vợ dậy, dìu đi và vừa đi vừa kể cho nghe những chuyện tiếu lâm của bố tôi là Thọ An, Phạm Duy Tốn. Chuyện rất tục và cái tục làm cho người nghe quên khổ, quên mệt trên đường dài. Tuy vậy, Thái Hằng vẫn còn lo lắng vì được ai đó nói cho biết rằng: có nhiều người mang thai đi công tác, vì đeo ba lô quá nặng và đi bộ quá nhiều cho nên đã đẻ non ở dọc đường. Nếu chuyện đó xẩy ra cho vợ tôi thì nguy to. Thấy vợ lo ngại nhiều quá, tôi lại phải luôn luôn nâng tinh thần vợ lên. Xách đỡ ba lô, vẽ ra niềm hạnh phúc khi đứa bé ra đời và... tiếp tục kể cho vợ nghe thêm những chuyện tiếu lâm khác. Có một hôm chúng tôi tới một nơi không có nhà trọ, tối đến phải ra nằm ngủ trên bờ suối, nửa đêm có mưa đổ xuống như trút nước, nước suối dâng cao, tôi phải đặt vợ với cái bụng chửa nằm lên trên ngực tôi để cho người đang có thai không bị dầm mình trong nước lạnh. Lại có một hôm tình cờ gặp một đoàn tù binh Pháp đang được dẫn đi ở giữa rừng, nằm ngủ cách đám tù binh Pháp không xa, suốt đêm phải nghe tiếng ho xù xụ của những tù binh -- có lẽ đang mắc phải bệnh lao -- chúng tôi mất ngủ luôn... "
Đó là câu chuyện "phiêu lưu" rất vắn tắt mà tôi kể cho mẹ vợ và anh vợ nghe trong ngày đầu tiên về tới Chợ Neo, với kết luận là chỉ có phép lạ mới cứu cho vợ tôi không bị xẩy thai mà thôi. Tôi nấn ná ở nhà vài hôm rồi mới đi gặp Đặng Thái Mai, Nguyễn Đức Quỳnh. Lúc này tôi không còn là cán bộ văn nghệ của Trung Ương hay của Trung Đoàn hay Sư Đoàn nào cả mà chỉ là một "thường dân hạng nhì" đi thăm các người bạn bực đàn anh. Tôi tránh né không nói gì tới chuyện đã qua ở trên Việt Bắc. Rồi tôi về nhà, trong một tuần trăng, không làm gì cả, ngồi chờ vợ đẻ. Thái Hằng có mang đã tới tháng thứ tám. Được mẹ săn sóc kỹ lưỡng, có ngày được ăn tới ba bát phở (của thùng phở ế khách), vợ tôi đã béo tốt ra, cái bụng đã to phềnh lên. Chúng tôi lại được sống những ngày rất êm ả dưới mái nhà tranh bên dòng sông máng.
Ông Thăng Long từ Hà Nội trở ra Chợ Neo. Mừng mừng tủi tủi khi gặp lại bố vợ nhưng tôi buồn vô hạn khi ông Thăng Long cho biết mẹ tôi vừa qua đời trên một tháng nay tại Hà Nội và ông có đi dự đám tang. Mẹ tôi vĩnh biệt cuộc đời vào lúc chúng tôi đang sửa soạn từ giã khu rừng Yên Giã để về suôi. Bây giờ thì tôi nhớ lại rồi. Có một đêm, tôi đang đứng chơi ở trước ngôi nhà nứa trong khu rừng vắng thì nghe tiếng cú kêu. Bấm đốt ngón tay thì thấy đó là ngày mẹ tôi giã từ cuộc đời. Cái chết của mẹ tôi có thể làm cho tôi đau khổ rất lâu nếu chúng tôi không có một sự sống là đứa con đang sắp sửa ra đời. Vừa mất mẹ thì có con ngay. Nỗi buồn đang nằm đó được niềm vui bước tới che đi. Đời tôi quả là may mắn vì gặp được những sự bù đắp không ngừng. Ngày tôi lấy vợ, cách đây hơn một năm, tôi chỉ mong sao mẹ tôi biết được tin mừng nhưng tôi không có cách nào để đưa tin cho mẹ được.
Nay ông bố vợ về Hà Nội và gặp mẹ tôi trước khi mẹ tôi mất. Mẹ tôi đã biết tin tôi lấy vợ. Mẹ tôi nói: "Nó lấy được con gái ông bà là tốt lắm đấy." Trong kháng chiến có biết bao nhiêu gia đình bặt tin nhau, cha mẹ chết đi, vài ba năm sau con cháu mới biết. Con cái thành vợ thành chồng, có cháu đầu lòng mà có khi cha mẹ không biết. Tôi tự an ủi là mình có phúc. Bố vợ còn đem ra cho tôi thêm một niềm an ủi khác nữa: một số bài hát kháng chiến của tôi được ấn hành ở trong thành. Một nhà xuất bản trao tiền tác giả cho mẹ tôi. Tôi coi đó là một sự báo hiếu của tôi, rất nhỏ nhoi nhưng rất cần thiết.
Mừng hơn nữa là bố vợ cũng mang ra cho tôi một số tiền tác giả của một nhà xuất bản khác. Tôi có đủ tiền để chi phí cho việc hộ sinh và việc nuôi đứa con đầu lòng nay mai, khỏi cần phải vay mượn hay nhờ vả chính quyền. Vả tới mãi bây giờ mới có thể sắm một cái nhẫn cưới cho vợ.
Mùa Đông năm 1950, vợ tôi đẻ. Nhà hộ sinh ở ngay bên kia bờ sông máng. Người đỡ đẻ là bà đỡ Ninh, từ Hà Nội tản cư ra đây, mang theo đầy đủ đồ nghề. Từ Việt Bắc, vợ tôi mang được cái bụng chửa về tới Chợ Neo để đẻ, đó là phúc bẩy mươi đời cho gia đình tôi vậy. Vì sao? Vì đẻ con so cho nên đẻ khó, phải có hai người dùng "forcep" mới gắp được đứa bé ra. Nếu đẻ ở dọc đường thì làm gì có bà đỡ Ninh và dụng cụ đỡ đẻ như bây giờ? Đứa bé không ra khỏi bụng mẹ được sẽ bị nghẹt thở, chết cả con lẫn mẹ. Và chắc gì tôi có thể sống nổi nếu chuyện đó xẩy ra? Đứa bé ra đời nặng 3 ký, được đặt tên là Quảng. Trong cái tên của vợ tôi, Phạm Thị Quang Thái, có chữ đệm là "Quang". Ông bố vợ đề nghị nên lấy tên đệm của mẹ mà đặt tên cho con. Nhưng một trong các vị tổ tiên của tôi đã mang cái tên là Quang rồi. Cần phải "kiêng tên", chúng tôi bèn cho thêm dấu hỏi vào tên đứa bé. Nhưng khi di cư vào miền Nam, phải làm lại giấy khai sinh cho đứa bé thì không hiểu tại sao cái dấu hỏi đó lại bị mất đi?
Tôi và Thái Hằng không còn là nhân viên của đoàn văn nghệ quân đội nữa. Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Băng Thanh (tức Thái Thanh) tuy vẫn còn là nghệ sĩ ở trong quân đội nhưng không phải đi công tác luôn luôn như ngày trước. Họ ở nhà nhiều hơn là ở trong cơ quan. Cũng như bất cứ một người cha nào, tôi vui thú với đứa con trai đầu lòng, ngày đêm ôm ấp nó. Cả gia đình cũng đều vui vì đây là lần đầu tiên có trẻ thơ ở trong nhà. Mọi người tranh nhau bế thằng nhỏ. Đứa bé vừa ra chào đời là nhận được đầy đủ mọi thứ tình yêu đến từ ông bà, cha mẹ, bác, cậu và gì... Trong khi đất nước vẫn còn trong thời kỳ chiến tranh, biết bao nhiêu gia đình bị lâm vào cảnh ly tán, được sống như chúng tôi vào những ngày tháng này cũng là điều may mắn. Nghĩ như vậy cũng là để luôn luôn tự an ủi trong thời gian có sự dằn vặt trong lòng.
Trong một năm vừa qua, vì quá bận bịu trong hai chuyến đi đi về về giữa Việt Bắc và Thanh Hoá, tôi không có một tí ti sáng tác nào cả. Vả lại, tôi cũng không gặp một đề tài hay ho nào, chỉ gặp toàn những chuyện chính trị thuần túy mà tôi không thích.
Tình hình chiến tranh sôi sục hơn trước. Pháp mở nhiều chiến dịch ở vùng trung du. Nhưng dù có gửi danh tướng De Tassigny qua Đông Dương để đưa ra những chiến lược, chiến thuật mới thì Pháp cũng không thể chuyển bại thành thắng được.
Bây giờ đang có một phong trào lớn là "dân công", một chế độ lao công bắt buộc mà toàn thể dân chúng phải theo. Những chiến dịch lớn đòi hỏi sự tiếp tế thường xuyên về vũ khí cũng như về lương thực. Một mặt, tất cả đường xá ở trong nước đã bị phá hủy, mặt khác Việt Minh không có những đoàn xe vận tải, bây giờ phải dùng tới nhân lực. Ngoài những người làm việc ở trong các cơ quan, chính phủ ra lệnh xung công tất cả nhân dân để làm công việc chuyên chở lương thực và vũ khí này. Ai cũng phải làm nhiệm vụ dân công hết, chỉ trừ người già và em bé. Lúc đó vợ chồng tôi là "phó thường dân", không còn làm việc cho bất cứ một cơ quan công quyền nào cả, trên nguyên tắc chúng tôi phải đi dân công. Nhưng chúng tôi xin được đóng tiền để cho ban dân công địa phương thuê người khác đi thay thế. Đó là chuyện hợp pháp chứ không phải tham nhũng, hối lộ gì đâu. Đi dân công như vậy, mỗi người dân phải chuyên chở 15 ký gạo, mỗi đêm đi từ 15 tới 30 cây số. Hoặc là gánh gồng, hoặc là thồ bằng xe đạp. Có những vùng, các đoàn dân công đi ban ngày. Có những vùng, để tránh nạn máy bay tới bắn phá, ban ngày nằm nghỉ, tối đến là đoàn dân công ríu rít lên đường. Hàng vạn dân công ra đi, cứ cách 5 hay 10 người lại có một người cầm đèn để soi đường, ở xa trông như một con rồng vĩ đại đang uốn khúc.
Ngồi bế con ở trong Quán Thăng Long, tôi thấy hàng ngàn, hàng vạn dân công kĩu kịt gánh thóc đi qua. Dù lúc này tôi không còn là một cán bộ văn nghệ nữa và dù cả đại gia đình này đang trong tình trạng thiếu hụt gạo ăn, nhưng trước cảnh hi sinh vô cùng lớn lao của người dân quê Việt Nam, tôi cũng có đủ cảm hứng để hát lên cảnh say thóc, giã gạo, gánh lúa nuôi dân... qua một bài "dân ca mới" có nhịp điệu rất vui:
Mênh mông mênh mông sóng lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông ư rạng đông.
Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng
Bước đều mà quang gánh ư nặng vai...
. . . . . . . . . . . .
Đêm qua trăng mơ sáng khắp thôn quê
Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi.
Có nàng gánh lúa quyến tròn thương nhớ
Thương chàng mà dãi nắng dầm mưa.
Đêm qua trăng mơ thức suốt canh khuya
Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi.
Sớm ngày mai tới, thóc vàng cơm mới
Đi nuôi dân gánh một thành hai.
. . . . . . . . . .
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh thóc về. Gánh thóc về.
Gánh về. Gánh về
Gánh về. Gánh về...
. . . . . . . . .
Đầu óc đang bị trói vào ưu tư phiền muộn nhưng trong lòng thì lại phơi phới hân hoan vì thấy mình vẫn tìm ra cái đep trong kháng chiến và vẫn có thể hát cái đẹp đó lên được. Tôi lại muốn tung cánh ra đi. Nhưng vào thời điểm cuối Đông Xuân 1950-51 và tại địa điểm Chợ Neo này, tôi không còn là một người hoàn toàn tự do như trước nữa. Con chuồn chuồn rụng mất đôi cánh rồi. Nó đâu còn có thể: khi vui nó đậu khi buồn nó bay được nữa? Tôi vừa có một gia đình nhỏ nhưng lại có thêm một bổn phận lớn. Lúc còn ở Việt Bắc, vào "giây phút của sự thực", với quyết định ưu ái của cái mà anh Nguyễn Xuân Khoát gọi là Đoàn Thể, tôi cũng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng khi thấy mình đứng giữa hai trách nhiệm. Trách nhiệm nào cũng xứng đáng để mình ôm chặt lấy.
-- Trách nhiệm đối với dân tộc ư?
Tôi tự thấy không cần phải gia nhập một đảng phái nào dù đó là một đảng đang nắm chính quyền, không cần phải đi ngoại quU³ốc, không cần được tuyên dương công trạng mà tôi vẫn có thể làm việc cho quê hương, dân tộc. Lúc nào, ở đâu và trong mọi trạng huống, tôi vẫn có thể soạn ra những bài hát tỏ tình với người dân hay viết ra những bài hát xưng tụng quê hương, đất nước.
-- Trách nhiệm đối với vợ con à?
Tôi đã có dịp cho thấy tôi không coi chuyện chính trị hơn vợ con. Tôi đã từ chối không đi ngoại quốc để ở lại với người vợ đang có thai, rồi cũng từ chối luôn một địa vị nào đó ở Trung Ương để đưa vợ về Chợ Neo sinh con đẻ cái, mẹ tròn con vuông. Cũng như đối với mọi người trên thế gian này, trách nhiệm đó chỉ chấm dứt khi tôi chết. Tôi đã từng quan niệm sự tự do của con người quan trọng như sự tự do của đất nước. Bây giờ, tôi có thêm quan niệm về trách niệm đối với gia đình và quốc gia: Trách nhiệm ngang nhau. Giản dị là như vậy.
Đã nói qua tới những vấn đề rất lý tưởng, xin quay về với chuyện la đà trên mặt đất là cuộc sống hằng ngày. Tôi không còn làm việc với bất cứ một cơ quan nào nữa rồi, có nghĩa là tôi "ngồi chơi sơi nước" trong gần một năm. Tướng Nguyễn Sơn ra đi là tôi trở thành một người bị bỏ quên ở Chợ Neo. Vị Tư Lệnh hiện nay ở Liên Khu IV này là Hoàng Minh Thảo và U±y viên chính trị Trần Văn Quang không phải là những người biết dùng văn nghệ sĩ. Ông Đặng Thái Mai là người hiểu biết thì ông không có được sự cởi mở dễ dàng như Nguyễn Sơn để thu hút văn nghệ sĩ. Tất cả như đã bỏ rơi tôi. Hoặc chờ tôi tới với họ. Khốn nỗi tôi thuộc vào hạng "quân tử Tầu" nên không bao giờ tôi xin ân huệ ở ai hết.
Có thể nước Việt Nam kháng chiến vào lúc này không còn là của "toàn dân" như trong những khẩu hiệu nữa, mà vào nằm gọn trong tay của một tổ chức, của một nhóm người rồi. Cũng cần phải nói ngay ra ở đây là tôi không có gì là phiền hà vì điều đó cả, bởi chưng trên quả điạ cầu bé nhỏ này, có nước nào mà không nằm trong một tổ chức đâu? Hoặc trong 4 năm, hoặc trong 10 năm, hoặc trong cả 100 năm. Tôi chỉ muốn nói rằng vào lúc tôi từ khước mọi ràng buộc với "tổ chức" để sống với gia đình thì tôi cảm thấy có sự lạnh nhạt của tổ chức đó trong lối đối xử với tôi. Lại còn có sự phao tin tôi bất mãn vì "không được đi ngoại quốc" (!) và Nguyễn Đình Thi đã được chọn để nhân danh Hội Nhạc Sĩ đi dự Hội Nghị Thanh Niên ở Berlin. Lúc tôi còn ở Yên Giã ai cũng tin rằng tôi là người có đủ tư cách để đi dự hội nghị này. Thực ra thì tôi đâu có màng tới chuyện đó? Cho tôi đi Moscou mà tôi còn không ham, huống gì Berlin?
Vào đầu mùa Hạ năm 1951 này, đời tôi đã rẽ qua một nẻo khác rồi. Trước đây, sống một thân một mình, tôi chẳng bao giờ quan tâm tới tiền nong hay lương lậu, hũ gạo hay lọ nước mắm. Cũng như mọi người độc thân khác, tôi chỉ sống với một cái ba lô ở trên lưng. Nay thì khác, không phải là hai cái ba lô ở trên lưng mà là hai mạng sống. Kể từ ngày tôi bỏ nhà ra đi, tự lập thân, đổ mồ hôi ra để sinh sống, lúc nào tôi cũng rất phong lưu dù đời sống của tôi chỉ là của một cậu giáo viên, một anh nông dân hay một chú công nhân tối tăm và vô danh. Đến khi tôi trở thành ca sĩ hát rong và nổi danh ở tiền trường thì tôi phong lưu hơn nhiều. Bây giờ thì sao? Chẳng gì mình cũng là người đã có thành tích công tác -- tuy thành tích cũng chẳng có gì là ghê gớm cả -- nhưng đáng lẽ ra tôi không nên bị lâm vào cảnh khó khăn như thế này.
Bước vào tuổi 30, tôi vẫn chưa mất đi cái tính "bất cần đời" của thời niên thiếu. Kháng chiến còn giúp tôi hiên ngang hơn trước là đàng khác. Do đó, ở vào cái tuổi "tam thập nhi lập" này, trong khi đại đa số các bạn bè của tôi, vì hoàn cảnh riêng của từng người, có thể họ không dám phản ứng mạnh trước những trói buộc của tình thế thì trái lại, tôi không bao giờ chịu thua hoàn cảnh cả. Tôi đã có đủ nghị lực để từ chối những ân huệ thì tôi cũng có đủ can đảm để tung hê, để quẳng đi những hư danh hay hư lợi nào đó. Không có gì trói buộc được tôi, dù là ân sủng, dù là lạnh nhạt, dù là tình yêu hay hận thù. Tôi là một nghệ sĩ. Tôi yêu chuộng tự do. Tôi đòi hỏi một sự đãi ngộ xứng đáng đối với một nghệ sĩ độc lập.
Sống với một tâm trạng có phảng phất hoài nghi và buồn bã, nhưng cũng với quá nhiều mệt mỏi vì đời sống vật chất hằng ngày, đã có những lúc tôi cần phải "siêu hoá" đời mình. Tôi ngồi soạn lời ca tiếng Việt cho rất nhiều bài nhạc cổ điển trong đó có bài Rêverie của Schumann mà tôi rất thích. Khi soạn lời Việt cho bài này, tôi mường tưởng nhạc sĩ người Đức kia đã nhìn những chòm sao để mà mơ mộng. Tôi bèn chơi chữ: vòm sao - vì sao - dù sao - mà sao:
Chiều rơi từ nơi nào xa vắng cũ
Bóng đêm về đó, trời sầu tưởng nhớ
Và lòng nặng mong chờ.
Ngồi im nhìn lên vườn sao lấp ló
Có muôn ngàn sao lững lờ
Có ai run trong xa mờ.
. . . . . . . . . . . . . . . . .
Vì sao lìa nhau để theo kiếp số?
Cách xa nhiều quá
Nhờ đêm chiếu cho thêm mịt mù.
Dù sao người trên trời cao vẫn nhớ
Biết duyên bạc số
Mà sao vẫn chưa quên tình hờ?
Đột nhiên hạt sao rụng như cánh lá
Thấy tinh cầu ngã
Tưởng là người cũ, là người của mong chờ.
Tình ta hoà theo vệt sao bỡ ngỡ
Tới nơi mơ hồ có một trời hoa
Suốt một đời mơ ước thành tình ta...
Siêu hoá bằng cách nhìn lên trời sao để soạn lời cho bài hát Mơ Mòng... Từ đó, tôi liên tưởng tới ngôi sao trên lá cờ Việt Minh. Tháng sau là tháng 5 và sắp tới cái ngày được coi là sinh nhật của ông Hồ. Để nhớ lại những huyền thoại khi tôi nghĩ về những người như ông lúc tôi còn thơ ấu, nhớ lại những rung động lúc tôi gặp ông một lần ở Hà Nội và một lần ở Việt Bắc -- nhớ lại một lần cuối cùng chăng? -- tôi soạn ra một bài hát nhan đề A³nh Sáng Hồ Chí Minh:
Ngày mười chín tháng năm, sáng tưng bừng
Trời Việt... (quên)
A³nh Sáng Hồ Chí Minh
Đôi mắt người dìu dắt dân mình.
A³nh sáng bừng khắp nơi
Tôi định hát bài này vào ngày 19 tháng 5 nhưng tôi và cả đại gia đình "dinh tê" vào ngày mùng 1 tháng 5 năm mất rồi.
Thời gian cứ trôi dần. Số tiền tác quyền mà bố vợ đem từ Hà Nội ra cho tôi nay đã gần cạn. Quán Thăng Long đã êm đềm đóng cửa vì vắng khách hoàn toàn. Cũng như tiểu gia đình của tôi, đại gia đình của bố mẹ vợ tôi cũng ăn gần hết số tiền ông Thăng Long vay được ở những bạn bè trong thành phố. Từ một nơi nào đó ở Việt Bắc, hai vợ chồng Phạm Đình Sỹ, Kiều Hạnh cùng với hai con gái là Mai Hương, Bạch Tuyết và một con trai tên là Lan Sơn cũng đã lặn lội về tới Chợ Neo. Phạm Đình Sỹ là con trai thứ hai của bố vợ tôi, trước đây là một công chức của Sở Quan Thuế Đà Nẵng, ra với kháng chiến thì phục vụ tại một cơ quan nào đó ở Việt Bắc. Chị Kiều Hạnh lúc còn ở Hà Nội là một nữ diễn điêu luyện của ngành Kịch Nói trong đoàn kịch Hoa Lan. Khi chị chạy ra với kháng chiến, có lần chị đã định gia nhập Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng của Phạm Văn Đôn, nhưng chị không nỡ bỏ chồng con ở một chỗ để đi công tác xa. Sống ở Việt Bắc, với số lương không đủ ăn của anh Sỹ, chị Kiều Hạnh phải làm thêm cái nghề bán quà vặt như bánh chưng,sôi, mía, khoai lang, sắn luộc... cho nhân viên của cơ quan. Ca sĩ Mai Hương lúc đó mới có 9 tuổi mà phải vào rừng, dù trời mưa hay nắng, để hái lá rong cho mẹ gói bánh. Anh chị Sỹ cũng ở trong tình cảnh của đại đa số các gia đình thị dân khác, sau 5 năm rời bỏ Hà Nội để đi theo kháng chiến, bây giờ gia đình này đã kiệt quệ về kinh tế rồi. Và khi bố vợ tôi nhắn tin thì gia đình này bò về Thanh Hoá.
Đại gia đình gồm gia đình bố, mẹ, anh em nhà vợ, gia đình anh chị Sỹ và gia đình tôi bây giờ ngồi nói chuyện với nhau thì tất cả mọi người chỉ còn có một ý nghĩ: "dinh tê". Y³ nghĩ buồn rầu đó đã xâm nhập tâm hồn tôi. Tôi đã soạn ra một bài hát kể chuyện một nàng tiên nữ có cái tên là Giáng Hương bị Trời đầy xuống trần gian. Bài hát nhan đề Cành Hoa Trắng:
Trời đầy cô tiên nữ
Xuống đầu thai thành hoa
Giữa đêm mờ, hoa nở ngát hương.
Người về trong đêm tối
Ôm cành hoa tả tơi
Bóng in dài gác đời lẻ loi...
Chúng tôi có khoảng một tháng trời để nhìn thấy chung quanh mình có khá nhiều gia đình đã "dinh tê". Gặp được những gia đình bạn như gia đình Nguyễn Giao (bố vợ Hoàng Thi Thơ), gia đình Đỗ Xuân Hợp, gia đình Đoàn Châu Mậu... là có ngay những vụ bàn bạc về việc "rentrer": vào thành? hay "rester": ở lại?
Ơ± lại --"rét tê" -- thì không còn tiền để mua gạo mà ăn. Chưa dám nói tới thịt, cá đâu. Nhất là không có tiền mua thuốc men để chống đỡ với các Thần Bệnh Tật. Riêng hoàn cảnh của gia đình tôi thì y hệt hoàn cảnh của người vợ lính trong bài thơ của Hoàng Cầm. Quán Thăng Long ế khách quá nên đóng cửa từ lâu, làm gì còn có dăm ba bát phở thừa để cho Thái Hằng ăn hằng ngày nữa. Thiếu sữa cho đứa bé ăn là cái chắc. Chẳng lẽ lại nuôi một con dê sữa như bà Đào Duy Kỳ ở Việt Bắc? Tôi nhìn lũ con của anh chị Sỹ là Mai Hương, Bạch Tuyết, thấy cháu nào cũng thiếu dinh dưỡng -- nhất là cháu Sơn sinh ra ở Lạng Sơn -- cháu nào cũng xanh xao gầy gò không thua gì cậu em vợ của tôi cả.
Vào thành -- "rinh tê" -- thì tiếc công đóng góp vào kháng chiến của mình. Cũng cần phải nói ngay rằng nếu trong lòng tôi lúc đó có một sự hoài nghi nào đối với lối cư sử của một tổ chức đang nắm vận mệnh của toàn dân thì tôi lại không có một chút hoài nghi nào về sự thắng lợi của kháng chiến cả. Sớm muộn thì Pháp cũng sẽ phải thua trong trận chiến này. Những người như tôi cũng có ích lợi cho một giai đoạn của cuộc kháng chiến rồi đấy. Đó là giai đoạn của Mặt Trận Việt Minh-- trên danh nghĩa -- bao gồm đủ mọi thành phần đảng phái. Nhưng bây giờ bộ mặt chính trị của Việt Minh đã đổi khác. Đảng Lao Động đã xuất hiện. Giai đoạn phản đế đã xong. Giai đoạn phản phong đã khởi sự. Bàn tay sắt đã giơ ra. Không một ai có thể đứng ngoài tổ chức được nữa. Tôi là một trường hợp muốn vượt ra ngoài tổ chức. Tôi bị bỏ quên là phải. Tôi không làm gì được cho kháng chiến nữa rồi, nhưng kháng chiến nhất định sẽ thành công. "Kháng Chiến Nhất Định Thành Công" không phải vì ông Hồ đã bảo như vậy, cơ quan tuyên truyền đã làm thành khẩu hiệu như vậy. Kháng chiến phải thành công vì Quân Đội của Việt Minh đã lớn mạnh, hậu phương của Việt Minh bây giờ không phải chỉ là vùng quê Việt Nam mà thôi, nó còn là cái nước khổng lồ Trung Cộng kia nữa, đa số dân chúng vẫn còn ủng hộ cuộc kháng chiến. Một số dân chúng bất mãn hay bị kiệt quệ về kinh tế mà phải bỏ kháng chiến về thành thì kháng chiến vẫn cứ nhất định thành công cho mà coi.
Bàn tán về việc "dinh tê", chúng tôi có thêm nỗi sợ cả hai bên Công An Việt Minh và quân đội Pháp.
-- Làm sao để đi thoát Công An Việt Minh?
Tôi bàn:
-- Chia nhau ra mà đi, đừng đi chung cả ba gia đình.
-- Tới vùng Pháp chiếm thì có bị Pháp giết như người ta đồn hay không? Ai sẽ đảm bảo cho mình khi mình tới vùng "địch"?
Bố vợ bảo:
-- Đừng lo, miễn là về được tới Phát Diệm. Đã có anh Chung (Phạm Đình Chung, người con cả) đang làm việc trong Bảo An Đoàn ở Hà Nội đảm bảo cho mình.
Trong thời gian này, có một người biết tôi sẽ "dinh tê". Đó là Nguyễn Đức Quỳnh. Một đêm, từ làng Quần Tín không xa Chợ Neo là mấy, anh đi bộ qua nhà tôi chơi. Hai anh em kéo nhau ra bờ đê sông máng, đứng nhìn về phía xa, thấy có một khoảng chân trời sáng hơn chỗ khác. Đó là một thành phố nào đó, có những đèn đường đêm đang phản ánh sáng lên trời, khiến cho dân thành phố như tôi và anh Quỳnh bỗng thấy nổi lên trong lòng một sự nhớ thương hè phố mà người Pháp đã gọi là "la nostalgie du pavé". Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi đã hẹn thầm là sẽ gặp nhau ở Hà Nội.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương ba lăm
Bên tê là phía sầu u
Có người dân mình gục đầu trên đất tù...
BÊN NI BÊN TÊ
Mùng 1 tháng 5 năm 1951, đại gia đình họ Phạm chia ra ba nhóm để dinh tê. Chúng tôi chọn ngày Lễ Lao Động để ra đi, tin rằng Công An hay cán bộ trong chính quyền ở nơi này cũng như ở những nơi khác đều lơ là trong việc canh gác, vì họ rất bận bịu trong công việc tổ chức ngày lễ quan trọng của họ. Ba người đàn ông là tôi và Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương đi một đàng. Đàn bà, con gái, ông già, trẻ con là ông bà Thăng Long, Thái Hằng, Băng Thanh và bé Quang đi một nẻo khác. Đứa bé được bỏ vào trong một cái thúng để gánh đi. Gia Đình Phạm Đình Sĩ, Kiều Hạnh đi riêng một nẻo khác. Đúng như dự đoán của chúng tôi, cuộc ra đi của ba toán đã chẳng gặp một trở lực nào cả.
Tôi, Phạm Đình Viêm và Phạm Đình Chương đã đi qua Đò Lèn để tới vùng Phát Diệm. Chỉ mất một ngày đường là tới vùng tề. Cảnh đồng quê vẫn êm đềm, óng ả như tự bao giờ, chẳng cần biết đến chuyến đi vô cùng quan trọng của chúng tôi. Vừa đi tôi vừa mở rộng đôi mắt, vừa lóng đôi tai để thu vào tâm trí hình ảnh và âm thanh của một miền đất nước mà không bao giờ -- phải, không bao giờ -- tôi còn nhìn, còn nghe thấy nữa. Tôi thở mạnh, không biết có phải tôi đang thở dài hay tôi đang cố hít một lần cuối cùng cái không khí "đồng quê bát ngát" nằm trong một bài hát của tôi đây?
Còn khoảng vài cây số nữa là sẽ tới cái đồn đầu tiên của vùng bên kia chiến tuyến. Chúng tôi gặp một cái quán nhỏ và vào quán để nghỉ ngơi. Lần đầu tiên, sau 5 năm đi kháng chiến, bây giờ chúng tôi mới nhìn thấy những chai rượu bia. Dù tôi không uống rượu bao giờ, cùng với hai anh em vợ, tôi cũng gọi mua một chai bia và một bát phở. Đã từng thiếu chất ngọt trong người từ lâu, cả ba chúng tôi pha đường vào bia để uống. Không ngờ bị say rượu, đỏ mặt tía tai lên. Đó là một kinh nghiệm đầu tiên trong cuộc đổi đời này. Ăn uống xong, chúng tôi hồi hộp ra đi trên con đường đưa chúng tôi tới thị xã Phát Diệm.
Khi tôi cùng với hai anh em vợ tới một con sông nhỏ thì nhìn thấy một cái đồn ở bên kia sông. Đột nhiên tôi thấy lá cờ tam tài cắm trên nóc đồn. Tôi bảo hai người anh em vợ hãy cùng tôi đứng lại ở bên này chiếc cầu. Ngước mắt nhìn lá cờ Pháp, tôi không làm sao ngăn được hai dòng nước mắt đang từ từ chảy trên đôi má...
... Nước mắt tiếc thương cho những năm đem hết tâm trí ra để cống hiến cho Cách Mạng và Kháng Chiến... Trong đó có giọt nước mắt rơi khi tưởng rằng gặp được tình yêu nước qua hình ảnh một lãnh tụ, trộn vào nước mắt vui trên chuyến xe lửa "xuất quân", nước mắt rơm rớm khi nhìn thấy xác bạn đồng đội trong chiến khu Đất Đỏ, nước mắt cảm động khi nghe bà mẹ quê hát bài dân ca của mình mà ngỡ rẵng đó là một bài hát cổ truyền, nước mắt ào ào vì chuyện bi hùng của một bà mẹ ở huyện Gio Linh, nước mắt chảy vào trong ruột khi được tin mẹ mình đã mất. Và lúc này là nước mắt nhục nhã...
Tôi giật mình, vội lấy tay lau khô nước mắt khi nghe tiếng quát ở bên kia sông:
-- Ê, mấy thằng kia. Đi đâu?
Nghe thấy tiếng súng lên đạn lóc cóc, chúng tôi vội vàng giơ cao lá cờ trắng đã làm sẵn với chiếc mù-xoa. Rồi chúng tôi bước qua cầu để tới đồn canh. Ơ± đây lính giữ đồn là lính "Commando", mặc binh phục mầu đen. Một Quản Binh Pháp tên là Vandenberghe đã tạo ra những toán lính Việt-Pháp này, ăn mặc và trang bị nhẹ giống như Việt Minh để hoạt động ở những vùng tề. Chúng tôi khai là thường dân đi tản cư ở vùng Việt Minh, nay đã kiệt quệ về kinh tế cho nên muốn trở về với gia đình và khai ra tên người anh ruột của Viêm là Phạm Đình Chung hiện đang phục vụ trong Bảo An Đoàn. Sau khi quay tê-lê-phôn hỏi ai đó không biết, trưởng toán lính Commando ký giấy cho chúng tôi ra đi. Chúng tôi vào tới thành phố Phát Diệm thì trời đã về chiều. Rồi đêm tối xập xuống. Chúng tôi đang đi lang thang ở trong đường phố tối om để tìm chỗ ngủ thì gặp một người quen tên là Diễn. Anh Diễn niềm nở cho chúng tôi về tạm trú tại nhà anh. Trong đêm đầu tiên ở một vùng cũng là phần đất quê hương nhưng vẫn còn cảm như xa lạ, tôi thức thâu đêm suốt sáng.
Hôm sau chúng tôi ra Ty Công An Phát Diệm để làm giấy tờ cần thiết. Chụp ảnh, lăn tay và được cấp một cái thẻ tùy thân to như một tấm passeport. Tôi cũng là nhân vật nổi tiếng ở trong vùng thành phố rồi cho nên tôi được đối sử rất là tử tế. Tôi không còn mang mặc cảm đầu hàng nữa khi nhận ra rằng vùng Phát Diệm này là một vùng rất độc lập. Ông Bảo Đại, sau khi từ Hồng Kông về nước với địa vị một Quốc Trưởng, đã giành được ở Pháp những gì mà ông Hồ đòi hỏi. Đã có một Chính Phủ Việt Nam mà Thủ Tướng là Trần Văn Hữu, Thủ Hiến Bắc Việt là Đặng Hữu Chí, nhưng người Công Giáo ở Khu Phát Diệm-Bùi Chu này, dưới sự lãnh đạo của Đức Giám Mục Lê Hữu Từ, vẫn tuyên bố vùng này là vùng tự trị, không thuộc quyền Phủ Thủ Hiến Bắc Việt. Không theo Pháp, không theo Việt Minh, không chịu sự chỉ huy của Phủ Thủ Hiến, họ có quân đội riêng, có tổ chức hành chính riêng. Đó là một thứ mầm mống của chính thể quốc gia sau này. Đặt bước chân đầu tiên vào vùng Bùi Chu-Phát Diệm này, tôi xác định là tôi về với quốc gia, không phải về với Pháp.
Chỉ ở lại Phát Diệm thêm một ngày nữa, rồi chúng tôi đi bộ qua Nam Định để từ đó mua vé máy bay đi Hà Nội. Tiền mua vé máy bay là tiền bán chiếc nhẫn cưới tôi mang theo phòng hờ. Lần đầu tiên ngồi trên máy bay, chúng tôi lại có thêm một kinh nghiệm nữa của cuộc đổi đời. Nhưng khi nhìn qua lỗ kính của máy bay để thấy cảnh đồng quê đang trôi lờ lững ở dưới kia, tôi cũng không cầm được dòng nước mắt. Về tới Hà Nội, tôi được tiếp đón rất nồng hậu bởi những bạn bè cũ của tôi, phần nhiều là đảng viên của Đảng Đại Việt, hiện nay đã nắm những chức vụ quan trọng của chính quyền. Ông Thị Trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín cũng là người quen biết. Ông có họ hàng với nhạc sĩ Thẩm Oánh. Có cuộc "thẩm vấn" người từ vùng Việt Minh trở về. Tôi cũng được anh bạn phụ trách việc phỏng vấn coi như một nghệ sĩ độc lập không làm chính trị cho nên buổi gặp gỡ đã diễn ra trong không khí thân hữu, nhẹ nhàng và nhanh như chớp nhoáng. Nhờ có hai người bạn là Đặng Trần Vận và Lý "Móm" -- lúc đó đang làm việc trong hai tổ chức của Bộ Thông Tin và Bộ Nội Vụ -- Sở Công An Hà Nội không làm phiền gì tôi nữa sau buổi phỏng vấn lúc ban đầu. Chỉ sau này, khi tôi vào sinh sống ở Saigon tôi mới bị Công An dưới quyền của Mai Hữu Xuân bắt nhốt vào khám Catinat trong 120 ngày. Bắt nhốt mà không có xét xử gì cả, với mục đích là "dằn mặt tôi", một người mà họ ngờ là hãy còn dính líu với Việt Minh. Hồ sơ về vụ bắt tôi vào năm 1952 này đã được giải mật sau thời gian ba mươi năm. Tài liệu đó hiện đang nằm trong Thư Viện QuU³ốc Gia Pháp.
Hai ngày sau khi tôi về tới Hà Nội thì 2 toán "dinh tê" kia cũng đã từ Chợ Neo đi qua Đò Lèn vào tới Phát Diệm, rồi từ đó đáp tầu thủy, ngược con sông Đáy đi lên Hà Nội. Chúng tôi chia nhau ra tạm trú ở nhà bà con vài ngày rồi sau khi thuê được một cái garage ở phố Hàm Long thì tất cả chúng dọn về đó ở chung với nhau, 8 mạng người trong một gian phòng không đầy 70 thước vuông mà chúng tôi gọi là cái hộp diêm. Gia Đình Phạm Đình Sĩ tách rời ra khỏi đại gia đình này, đi ở chỗ khác. Người anh Cả Phạm Đình Chung mặc quân phục oai nghiêm tới "cái hôE°p diêm" để gặp mọi người trong gia đình và kể cho nghe những chiến dịch trong đó có sự tham dự của Bảo An Đoàn...
Hà Nội bây giờ đã có khá nhiều người trở về sau 5 năm đi tản cư. Thành đô rất náo nhiệt vì mang một bộ mặt chiến tranh khẩn cấp. Kịch chiến xẩy ra giữa Pháp và Việt Minh ở khắp mặt trung du. Tại Vĩnh Yên. quân chính quy của Việt Minh đã xuất trận nghênh chiến với Quân Đội Pháp dưới quyền chỉ huy mới mẻ và quyết liệt của tướng De Lattre. Tại mặt trận Ninh Bình, con trai độc nhất của De Lattre là trung úy Bernard bị tử thương. Đã có lính của Quân Đội Quốc Gia -- được thành lập từ cuối năm 1950 -- tham dự vào các chiến dịch bên cạnh Quân Đội Pháp. Khi còn ở vùng quê, trong một thời gian dài 5 năm trời, tôi không biết một tí gì về tình hình ở trên thế giới cả. Về Hà Nội đọc báo thì mới thấy chiến tranh Cao Ly đang đi vào hồi quyết liệt. Sau Hội Nghị ở Yalta là nơi các cường quốc chia nhau những vùng ảnh hưởng, với chiến tranh Cao Ly này, tôi thấy thế giới đã chia ra hai phe rõ rệt. Bất cứ một cuộc nội chiến ở một nước nhỏ nào -- ngay từ bây giờ hay là về sau -- theo tôi cũng chỉ là phản ảnh của cuộc chiến giữa hai phe Tư Bản và Cộng Sản. Tuy đã sống hơn năm năm xa cách và thương nhớ Hà Nội nhưng bây giờ thì tôi không còn một phút rảnh rang nào để sống với thành đô yêu dấu của tôi cả. Ngoài sự lo liệu nơi ăn chốn ở và sự mưu sinh cho cả gia đình bố mẹ vợ lẫn gia đình của mình, tôi còn luôn luôn bị cái dĩ vãng gần gũi ám ảnh. Tâm trạng của tôi lúc đó còn là của một người hoảng hốt, vừa bị mất đi một tình yêu quá lớn và chưa có một mối tình tự quê hương nào tới để thay thế. Mối tình này rồi cũng sẽ tới, nhưng hiện nay còn quá sớm để nói tới nó...
Một cậu em tên là Phạm Viết, người phố Hàng Tre -- mà tôi yêu mến vô ngần kể từ ngày hai anh em còn chia nhau miếng bánh mì chấm dấm ở trường Tiểu Học phố Hàng Thùng -- đang là cán bộ Việt Minh hoạt động ở trong nội thành, bí mật tới gặp tôi ở trên căn gác nhỏ trong ngôi nhà lớn ở đường Carreau ngay khi tôi mới chân ướt chân ráo về tới Hà Nội và đang tạm trú tại nhà người anh rể. Phạm Viết cũng hoảng hốt như tôi. Hai anh em nhìn nhau rất lâu. Rồi chúng tôi mở lời tâm sự với nhau. Phạm Viết không có đủ thẩm quyền để trả lời những câu hỏi hoài nghi của tôi. Rồi cậu em mở cửa ra đi. Không bao giờ tôi gặp lại Phạm Viết thân yêu của tôi nữa.
Cùng với mấy người anh em vợ, chúng tôi đi coi phim chiếu bóng là môn giải trí mà chúng tôi đã thiếu thốn trong nhiều năm qua. Lúc đó có một rạp "xi nê ma" mới là rạp Studio, rất khang trang, ở gần rạp Majestic trên đường Hai Bà Trưng chiếu những phim "Tân Tả Thực" của ợY Đại Lợi trong đó có những tài tử như Vittorio De Sica, Sophia Loren đóng vai chính. Tôi rất thích những chuyện phim như Kẻ Cắp Xe Đạp (Le Voleur De Bicyclette) Lũ Trẻ Đánh Giầy (Sìiùca) nói lên thảm trạng của người dân ợY trong Thế Chiến 2. Nhưng ngoài thời gian đi rong chơi hay đi coi phim chiếu bóng như vậy, chúng tôi không biết phải làm cái gì cả. Gia đình ca nhạc sĩ của chúng tôi ngồi nhìn nhau suốt ngày. Thế là sau hai tuần sống ở thành đô này, tôi có ngay ý nghĩ là chúng tôi khó có thể sinh sống ở Hà Nội được. Phải đi tìm đất sống. Đi tìm một nơi nào có thể "bán" được tiếng đàn, tiếng hát của mình. Tôi lập tức đáp máy bay vào Saigon là nơi tôi đã có kinh nghiệm sống, nơi chắc chắn có Đài Phát Thanh, có hãng sản xuất đĩa hát, có gánh hát rong... địa bàn hoạt động của mình là đó.
Gặp lại Saigon, tôi không thấy ở đây có không khí chiến tranh như ở Hà Nội. Trái lại, thành phố có vẻ thanh bình và sầm uất hơn thời tôi đi theo gánh hát Cải Lương và thời tôi "hoạt động cách mạng" (!). Pháp có ưu thế quân sự hơn Việt Minh ở miền Nam cho nên Saigon rất an ninh dù thỉnh thoảng cũng có một, hai vụ ám sát viên thanh tra mật thám người Pháp hay người công chức cao cấp người Việt. Còn đang trong tâm trạng của một người vừa ở bên kia chiến tuyến trở về và đang lo tìm cách sống, tôi không dám nghĩ tới chuyện rong chơi tại nơi được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông này. Tôi đang chạy đi chạy lại trong thành phố đã được mở rộng hơn trước để tìm việc thì tôi gặp được Hoàng Cao Tăng, chủ sự Phòng Chương Trình của Đài Pháp A³, là người tôi đã quen biết từ trước.
Hoàng Cao Tăng đảm bảo là gia đình chúng tôi sẽ được mời tới hát tại đài phát thanh này với số tiền thù lao đủ cho mỗi người có một đời sống tương đối không khó khăn lắm. Gặp Phạm Xuân Thái và thấy anh bạn này vẫn sống một cách ung dung nhàn nhã và sẵn sàng cho đại gia đình chúng tôi tạm trú tại nhà anh. Rồi khi tôi tới gặp chủ nhân một hãng sản xuất điã hát Việt Nam là Lê Văn Tài thì tôi được lĩnh trước một số tiền tác quyền khá lớn. Tân Nhạc ở Saigon lúc này đã có đất sống. Trước kia, các hãng sản xuất đĩa hát chỉ thu thanh cổ nhạc, nay đã khởi sự thu thanh tân nhạc. Với kinh nghiệm đi hát với gánh Đức Huy, tôi thấy rằng nếu vào Nam sinh sống, tôi còn có thể tổ chức cho gia đình đi hát ở mọi nơi, nếu chúng tôi thành lập được một ban hợp ca và phối hợp với một ban kịch nhỏ. Chúng tôi sẽ có thể sống bằng nghề âm nhạc, một nghề rất độc lập, không cần phải dính líu tới chính trị.
Trở ra Hà Nội, tôi đã dùng số tiền lĩnh trước của Lê Văn Tài để mua vé máy bay cho tất cả mọi người đi vào miền Nam. Tính ra thì từ ngày bỏ Chợ Neo, Thanh Hoá để "dinh tê" vào thành, chúng tôi chỉ ở lại Hà Nội trong đúng có một tháng trời.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương ba sáu(hết tập hai)
Hà Nội ơi.
Nhớ về thành phố thân yêu...
Hoàng Dương
Thế là sau khi bỏ nhà ra đi từ năm 17 tuổi để làm một cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ với mục đích tầm thường là tự nuôi thân, nhưng không ngờ lại có đầy lý thú. Đó là cuộc phiêu lưu vào cuộc sống Việt Nam dưới thời bị trị. Cuộc phiêu lưu dắt tôi đi về các tỉnh nhỏ, dắt tôi tới làng mạc, dắt tôi vào những vui buồn của dân tộc tôi mà nếu tôi chỉ là một bạch diện thư sinh ở Hà Nội thì chẳng bao giờ tôi biết đến.
Rồi vào tuổi 23, cái tuổi muốn đội đá vá trời thì tôi gặp cơ hội trăm năm một thuở là cuộc kháng chiến để tôi có thể làm thêm một cuộc phiêu lưu khác trong 7 năm trời, cuộc phiêu lưu này vĩ đại biết bao, hào hứng biết bao. Cuộc phiêu lưu của riêng mình nằm gọn trong cuộc phiêu lưu của cả nước. Cuộc phiêu lưu của một dân tộc đang thay thịt đổi da, đang "xuống đường", "lên đường" trong tất cả ý nghĩa tuyệt vời của những danh từ đó.
Bây giờ thì với tuổi 30 tròn trĩnh này, tôi đang đứng ở ngưỡng cửa của một cuộc phiêu lưu mới. Lần này và vào lúc khởi đầu của nó, đó là một cuộc phiêu lưu trong nghệ thuật, với sự ra đời của một ban hợp ca đầu tiên của nền Tân Nhạc, có khả năng bồi đắp cho nền nhạc mới này càng ngày càng phong phú, càng vững chắc. Cuộc phiêu lưu mà trong đó, tài hèn của tôi càng ngày càng được tự do phát triển, dần dà cung cấp cho nhạc mục của Tân Nhạc Việt Nam những soạn phẩm phản ánh được phần nào lịch sử của nước tôi trong gần một nửa thế kỷ.
Nhưng mà.... Còn quá sớm để viết về quãng đời 20 năm sinh sống ở miền Nam của tôi, phải không, bạn đọc thân mến? Bây giờ, tôi xin phép tạm biệt bạn đọc để đi ra sân bay Gia Lâm nhé. Kẻo lỡ chuyến bay vào ngày mùng 9 tháng 6 năm 1951 này, chuyến bay sẽ đưa chúng tôi vào Saigon, vào một quãng đời mới chắc chắn cũng không kém phần vinh nhục của những quãng đời đã qua. Cho tôi gửi lời chào vĩnh biệt Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét