Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

HỒI KÝ PHẠM DUY - TẬP II - PHẦN IV

Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương mười chín

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm...
Quang Dũng - Tây Tiến
Một ngày mưa lạnh trong vùng Lạng Sơn. Chúng tôi cắm cổ ra đi từ sáng sớm cho tới gần xế chiều, bụng thì đói, chân thì mỏi, tai lạnh ngắt, cổ khô khan... mà vẫn chưa gặp một cái quán nào để dừng chân, uống một cốc cà phê, lau khô cái đầu, cái cổ, nắn bóp cái chân. Mãi cho tới khi mặt trời đã khuất dần sau rặng núi, trời còn đang chạng vạng tranh tối tranh sáng thì gặp một số đồng bào người Thổ đi ngược đường cho biết là sắp tới chợ rồi. Chúng tôi reo mừng lên: "Thế là ta có một vụ nghỉ ngơi ăn uống trả thù cái khổ rồi đây. " Và chúng tôi bước mau...
... Nhưng niềm hi vọng đó tiêu tan ngay khi chúng tôi tiến vào mảnh đất được gọi là cái chợ. Chỉ có ba túp nhà tranh vách nứa ọp ẹp n_ăm cách nhau khoảng chục thước. Nhà đầu trống không. Nhà thứ hai chỉ có treo lủng lẳng vài miếng thịt ôi. Tới nhà thứ ba thì... cả đội sững sờ, đứng lại trố mắt nhìn vào rồi thét lên vì kinh ngạc: Trời Đất, Cha Mẹ, Đồng Bào, Đồng Chí ơi. Không thể tưởng tượng được: nào là chè lam, kẹo vừng, kẹo lạc... nào là cà phê, sữa đặc (mới kháng chiến chưa tới một năm thôi mà)... và quá sức tưởng tượng hơn nữa là bà chủ quán, một thiếu phụ ngoài hai mươi tuổi, người Hà Nội, rất đẹp, cùng với đứa hai con nhỏ theo chồng đi kháng chiến, chồng đi Vệ Quốc Quân ở đâu không biết, nàng mở quán cà phê ở đây, một cái chợ không có cả cái tên. Và cái lũ văn nghệ sĩ kháng chiến này có lẽ cũng là những lữ khách hiếm hoi của chủ quán đây.
Thật là vui hơn Tết, vui hơn cả "ngày trọng đại" Cách Mạng Thành Công. Trong khi bà chủ quán giết gà làm thịt, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Văn Chung ngồi nhắm rượu xuông. Tôi và Ngọc Bích thì tự pha cà phê để uống. Cả bọn bỗng nổi hứng lên, giở trò làm thơ như lúc đi trên đường đá.
Văn Chung, dù có vợ kè kè bên cạnh, cũng nhăn nhó đưa ra câu đầu:
Mệt mỏi mà mơ mộng mỹ miều
Chẳng cần phải đợi lâu, và vì cũng đọc được ý tình trong mắt của bà chủ quán, tôi tuôn ra câu thứ hai:
"y ai âu yếm ỡm ờ yêu&& Kịch sĩ Trúc Lâm, người chuyên đóng vai hài hước trong đội, nhìn thấy trên cái giường nứa độc nhất trong quán, nơi ăn ngủ của bà chủ và hai đứa con, nay có mấy thằng văn nghệ sĩ ngồi dựa vào các loại ba lô đủ kiểu, ngất ngưởng uống rượu chờ gà... nó bèn đưa câu thơ thứ ba:
Chung chăn chung chiếu chung chè chén
Cả bọn khoái chí, vỗ tay, hò la, tán thưởng câu thơ vui nhộn đó.
Nhưng chúng tôi bỗng ý thức ngay được sự thô lỗ của mình và tất cả đồng ý là phải chữa lại cái lỗi này bằng một câu kết cho thật hay. Trò chơi ồn ào bỗng trở nên trầm lặng. Mặt đứa nào cũng nghệt ra vì phải suy nghĩ. Lâu lâu lại có một thằng đưa ra một câu bị mọi người chê ngay. Gà đã làm xong, bà chủ bưng ra, hơi nóng bốc lên cùng với hơi gà làm miệng đứa nào cũng có nước dãi nhưng không thằng nào dám đụng vào đĩa thịt gà khi câu thơ chưa làm xong....... Tới lúc Hoàng Cầm, sau khi rung đùi một lúc, đứng lên đưa ra câu thơ thứ tư thì ta mới thấy con người của nó hiện ra, thật là bình dị nhưng sâu sắc, thật là thơ mộng nhưng cũng rất tình người. Thằng bạn thơ của tôi có đôi mắt sắc long lanh, có cái mũi dọc dừa và cái miệng lúc nào cũng như đang ngâm nga một câu thơ hay... bây giờ nó trịnh trọng đứng lên đọc câu thơ kết thúc cho bài thơ đặc biệt này. Đó là câu:Cháu trẻ chờ cha chốn chợ chiều.
Lúc đó, trời đã hơi về khuya, trăng đã lên đầu ngọn núi, cả bọn xúm nhau lại, lấy giấy bút ra ghi bốn câu thơ đó rồi dán ngay lên trên vách nứa với sự chứng kiến rất thân mật của bà chủ và hai đứa con nhỏ. Tôi không kịp tìm hiểu xem bà chủ quán vui hay buồn sau khi tụi này làm xong bốn câu thơ đó, bởi vì tôi còn mải lấy đàn ra để phổ nhạc và hát ầm ỹ lên.
Những kỷ niệm đẹp như vậy dường như chẳng bao giờ rời tôi cả và mỗi lần gặp ai nhắc tới Hoàng Cầm hoặc mỗi lần được đọc những bài báo về nó, về cuộc sống của nó trong kháng chiến, sau kháng chiến và trong lúc này... tôi lại được lạc hồn về những nẻo đường Cao-Bắc-Lạng của những ngày xa xưa, tưởng tượng mình đang đứng trên nương chiều trong mùa đông chiến sĩ để nhớ người thương binh.hay để nghe những lời dặn dò của người chiến sĩ. Nhưng càng được sống yên thân ở nơi chân trời góc biển tôi càng thương sót cho những bạn bè ở nơi quê hương tù túng. Tôi chỉ còn một ước mong nho nhỏ là gặp lại bạn bè xưa như Hoàng Cầm chẳng hạn, để đọc cho nhau nghe những bài thơ soạn cho riêng nhau trong những ngày còn trẻ. Chẳng hạn bài thơ Vịnh Cà Phê, soạn tập thể theo vần "ơm" rất khó khăn mà Hoàng Cầm đưa ra hồi năm 1948 ở một bản thôn nào đó trong vùng Lạng Sơn:
Một tách đưa lên khói bốc thơm&& Đỡ cơn mệt nhọc lại tiêu cơm
Tay pha ngọt nhạt đừng chê trách
Phích chẩy mau thưa chớ nguýt lườm
Nâng chén say sưa chàng liếm mép
Tính tiền e lệ thiếp che mồm
Sau khi uống cạn niềm yêu ấy
Đáy cốc soi hình bóng Lạng Sơn.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương hai mươi
Bông Lau, Bông Lau rừng xanh pha máu
Biên cương lưu danh ngàn đời về sau...
Bông Lau, pha máu
Sau hai năm chiến tranh, Pháp đã chiếm đóng được nhiều thành phố, nhưng không dám mạo hiểm ra khỏi các vị trí đóng quân ngoại trừ một chiến dịch lớn gồm 12.000 quân mà tướng Salan tung ra từ tháng 10 năm 47 cho tới tháng giêng 1948 với mục đích không thành là tiêu diE°êt Quân Chủ Lực của Việt Minh và bắt sống toàn thể nhân viên Chính Phủ Kháng Chiến. Trong cuộc giao tranh đầu tiên giữa hai quân lực sự thiệt hại của đôi bên cũng rất là đáng kể nhưng Việt Minh biết khai thác những chiến công đầu tiên của kháng chiến. Những chiến thắng trên Sông Lô, trên đường số 4 đã được thổi lớn. Người dân đã khởi sự mệt mỏi trong kháng chiến nay nghe tin chiến thắng thì bớt được bi quan.
Lúc đó Vệ Quốc Quân đã được lệnh thực hiện chiến thuật "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung" nghĩa là vẫn dùng một đại đội để đánh du kích nhưng khi cần thì tập trung ba đại đội thành một tiểu đoàn để đánh đồn. Tất cả đặt mũi dùi vào đường số 4 qua những vụ tấn công chiếm cứ điểm Đông Khê, vụ phục kích ở Bông Lau là một địa điểm nằm giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.
Trong chặng kháng chiến ở Cao-Bắc-Lạng này, khác hẳn trong hai chặng đường Sơn Tây-Lao Kai và Lao-Kai-Bắc Kạn... tôi đã được sống gần bộ đội và tôi thấy Vệ Quốc Đoàn đã trưởng thành hơn lúc trước. Đã có những buổi học tập gần giống như lối rèn cán chỉnh quân sau này. Văn nghệ sĩ chúng tôi đã được tham dự những buổi đánh sa bàn trước khi tiến đánh cái đồn thật. Rồi tới khi bộ đội đi đánh đồn thì chúng tôi cũng được đi theo luôn. Chúng tôi đã thực sự được sống trong không khí chiến tranh. Còn nhớ có một lần, tôi và Hoàng Cầm ngâm bài thơ Đêm Liên Hoan cho bộ đội nghe 15 phút trước giờ tấn công đồn địch. Sau đó một anh bộ đội đã nói: "Tôi vào giữa đồn mà vẫn còn nghe tiếng ngâm thơ của các anh văng vẳng ở trong đầu". Thế mới biết sức mạnh của văn nghệ. Cũng nên kể ra đây bài thơ Bắn Đi của Tố Hữu do tôi thường diễn tả trong chuyến đi phục vụ quân đội ở vùng Cao-Bắc-Lạng này. Đó là một trong những bài thơ mạnh mẽ nhất của thời kháng chiến...
... Một ngày đẹp trời, tại gần địa điểm Bông Lau là nơi đã được tôi gọi là rừng xanh pha máu, tôi gặp lại Đoàn Bính tức Giang Cao từ Liên Khu X đi công tác qua Bắc Kạn-Cao Bằng từ mấy tháng nay. Được nghe kể lại một câu chuyện đẹp: Vào lúc Quân Pháp mở chiến dịch biên giới thì từ Cao Bằng, Hồng Giang đã phải mở đường máu để ra thoát cuộc tấn công của Quân Pháp vào tỉnh này. Những Vệ Quốc Quân trong các đơn vị đã bị tan vỡ bây giờ được tập hợp thành một đội quân với cái tên rất oai là Trung Đoàn Cảm Tử. Từ một bản có cái tên là Nà Thúm, đội quân đi về phía Nam. Đi tới đâu thì cũng thấy cảnh tàn phá với những bản thôn vắng tanh và những nhà sàn bị cháy rụi đang còn bốc khói. Đồng bào thiểu số đã sơ tán vào tận rừng sâu hết cả rồi. Cũng may mà đU³ội quân đang ngất ngư vì đói thì tới được một nơi có một rừng cam với mầu vàng ói đến nỗi mọi người phải nhức mắt. Đang thèm ăn quá thì gặp một bà ké (tức là một bà mẹ). Bèn lễ phép xin bà cho ăn. Bà đồng ý cho ăn cam nhưng không được hái đem đi. Mọi người vội vàng ùa vào rừng cam ăn lấy ăn để, theo kiểu "ăn cam nhả bã" đến độ bị "say cam" như bị say rượu vậy. Có lẽ cái bụng trống rỗng bị chất át-xít của nước cam làm cho cồn cào và người ăn bị phản ứng. Nhân vật bà ké này là một phản ánh tuyệt vời của người dân Việt Bắc đối với cuộc kháng chiến lúc đó.
Đội quân "cảm tử" đóng trại tại cái bản thôn đã bị tàn phá này với những cái bụng hãy còn đói và với một câu thốt lên của anh bạn Giang Cao là: && -- Thèm vài quả trứng gà quá ta.&& Bà ké nghe thấy và lẳng lặng đi moi móc ở trên những nhà sàn chưa bị cháy rụi đủ mọi những thứ còn lại của khoai, của sắn, của củ cải, của cơm lam... rồi bỏ vào nồi đốt lửa nấu chung thành một thứ lương thực không tên. Rồi mang tới cho toàn đội ăn. Giang Cao cũng như các anh em đồng đội nghĩ rằng sáng mai sẽ trả ơn bà ké bằng một số tiền nào đó cũng là đủ lắm rồi. Ăn xong, mọi người gối đầu gác chân lên nhau mà ngủ.
Sáng hôm sau, trước khi hành quân lên đường, Giang Cao đưa tiền cho bà ké. Bà ké không nhận. Cố nài nỉ bà thì bà khóc và nói rằng: -- Ké có hai đứa con trai đi Vệ Quốc Đoàn. Một đứa đã chết ở mặt trận "Phe Đén", một đứa hiện ở đâu không biết? Gặp các anh em, cho các anh em ăn với hi vọng con của ké ở đâu đó cũng có cái ăn.
Tất cả mọi người nghe bà ké nói như vậy đều khóc hết. Mấy anh chỉ huy, anh thì lột cái khăn che cổ làm bằng vải dù ra, anh thì thò túi rút cái bút chì ra, anh thì lục ba lô lấy mấy viên ký-ninh ra để tặng bà ké. Nên nhớ rằng trong kháng chiến, đó những thứ đồ qúy giá nhất, cần thiết nhU³ất của người đội viên. Nhưng mọi người đã đưa tặng bà ké để nói lên cảm tình cao đẹp nhất của mình. Đẹp nhất là bà ké nhận những thứ đồ tặng đó một cách rất vui vẻ dù rằng chưa chắc bà ké cần tới cái khăn đeo cổ, cái bút chì hay vài viên ký ninh đó. Cái đáng kể ở đây là thái độ rất đẹp của tất cả mọi người, của một bà mẹ có con đi kháng chiến và của những người thanh niên đã phải xa cha mẹ để đi làm chiến tranh. Tôi còn mục kích nhiều chuyện tương tự như chuyện bà ké Lạng Sơn này. Chẳng cứ gì là chuyện bà mẹ ở Gio Linh mà tôi ghi vào một bản hát, ở bất cứ một nơi nào trong thời này cũng đều có chuyện hi sinh ngút trời của những bà mẹ như thế. Nhưng sự hi sinh của những bà mẹ đó chỉ có nghĩa lý trong một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm như cuộc kháng chiến chống Pháp này. Phi lý vô cùng khi ta sẽ thấy, sau ngày thực dân Pháp bị thua trận và phải rút lui, có những bà mẹ Việt Nam vẫn phải tiếp tục hi sinh từ năm này qua năm khác, và vẫn có những người con bây giờ không còn là phải xa mẹ để đi giết giặc ngoại xâm mà là để đi giết lẫn nhau chỉ vì một chủ nghĩa ngoại lai.
Có những chuyện cảm động và sót thương nói lên tinh thần của người mẹ vô danh trong kháng chiến như chuyện bà ké Lạng Sơn, bà mẹ Gio Linh như vậy thì cũng có một chuyện vui và rất đơn sơ về một bà mẹ Việt Nam mà thằng Ngọc Bích đã phổ thành một bài hát nhan đề Bà Già Giết Giặc Bài này phổ thông đến nỗi sau này danh từ "bà già giết giặc" đã trở thành câu nói đùa đầu môi của mọi người:
Làng kia có một bà già&& Thân mình tiều tụy tuổi đà 65&& Một hôm giặc Pháp đói ăn&& Chúng lần vào tới xóm nghèo tìm ăn...
Chúng tóm được một bà lão và bắt bà đi lấy gạo thổi cơm cho chúng ăn. Trong lúc chúng sơ ý, bà mẹ liền bỏ vào nồi cơm một ít thuốc độc mà bà giấu ở trong đống rơm. Rồi bà bưng cơm ra cho giặc Pháp ăn:
Ăn vào liền gục nồi còn bốc hơi
Bà ta bèn lấy đóm soi
Đốt nhà nhà cháy, hết đời thực dân...
Chưa chắc đây là một câu chuyện có thật -- bởi vì chúng tôi đọc được câu chuyện này trong một tờ báo nào đó -- nhưng vào thời điểm đó thì một bài hát như vậy cũng rất là có ích cho công cuộc kháng chiến.
Trong thời gian ở vùng Cao-Bắc-Lạng này, chúng tôi có cái khoái là được sống trên nhà sàn của đồng bào sắc dân Tày. Chúng tôi được nghe những bài ca Cách Mạng đầu tiên như bài Bâu Lao Thai -- tức là Không Sợ Chết -- do Trung Đội Giải Phóng dạy cho mọi người hát hồi trước 1945. Đây cũng là lúc mà tôi học hát những tình ca của người Tày là hát lượn và được nghe họ hát bài Nhớ Người Thương Binh của tôi b_ăng tiếng điạ phương: "Pài mà, pài mà qua nứng nà khuê..." Tôi còn được hưởng cái lạnh tê người ở vùng núi rừng này nhưng đồng thời cũng được hưởng cả cái thú ngồi bên bếp lửa nhà sàn và do đó mà nhìn thấy mái nhà sàn thở khói âm u. Và cũng có lúc, dù lạnh chết người, được ra suối tắm chung với các cô nàng để thấy được hình ảnh cô nàng về để suối tương tư.
Nói tới chuyện cô nàng và sự tương tư thì phải nhắc lại một kỷ niệm không quên được của tôi và Ngọc Bích. Đó là một buổi chiều sơn cước, tại một phiên chợ núi ở vùng Lạng Sơn. Gặp hai cô gái Tày thật đẹp, má đỏ hồng hồng, ăn vận quần áo chàm còn thơm mùi vải, đeo đầy lục lạc bằng bạc ở thắt lưng. Hai thằng cán bộ văn nghệ tán rất giỏi cho nên hai cô ưng thuận cho đi theo về nhà. Chúng tôi liều bỏ đơn vị để đi theo hai cô sơn cước. Không thể ngờ rằng cái bản thôn của hai cô gái ở một nơi xa quá, phải trèo hằng chục ngọn núi và phải đi từ 5 giờ chiều cho mãi tận 11 giờ đêm mới về tới nhà hai cô. Lại bị cha mẹ các cô mời ra ngồi ở giữa nhà sàn nơi có bếp lửa, nghe họ nói chuyện lẩm cà lẩm cẩm cho tới quá nửa đêm. Chẳng thấy hai cô đâu mà chỉ nghe thấy tiếng cười rúc rích. Nói chuyện với cha mẹ hai cô hoài, sốt ruột quá, chúng tôi phải xin kiếu. Rồi mệt quá, lăn ra sàn, ngủ lúc nào không biết.
Đã chẳng được sơ múi gì, sáng ra hai cô còn bầy trò lưu luyến, tặng cho hai thằng những cái vòng dây có ba mầu đỏ, trắng, vàng. Hai thằng chửi thề ầm ỹ lên bằng tiếng Tày: ê mê thổ mừ... rồi lại leo núi hết hơi trở về đơn vị, hẹn thầm rằng từ nay trở đi xin chừa tán tỉnh những cô sơn nữ ứ ơi... mà nhạc sĩ Trần Hoàn đã vẽ ra trong một bài hát tiền chiến.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương hai mốt
Đường mòn lên cheo leo
Vượt đồi non lên phiêu diêu...
Đường Lạng Sơn
Vào cuối mùa Xuân 1948 này, Quân Đội Viễn Chinh Pháp đặt mục tiêu của cuộc chiến tranh ở Bắc Việt vào chiến dịch biên giới, đem rất nhiều quân lên chiếm hầu hết các tỉnh lỵ, các thị trấn và đóng nhiều đồn trú trên những con đường chiến lược nằm giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa, từ Moncay, Tiên Yên qua Lạng Sơn, Cao Bằng (Đường Số 4) vòng xuống Bắc Kạn (Đường Số 3). Quân Đội Việt-Minh tập trung toàn thể sức lực gồm dân quân du kích, địa phương quân và chủ lực quân vào việc đánh tiêu hao cũng như đánh bật quân lực Pháp ra khỏi các nơi chiếm đóng tại chiến trường biên giới này. Các vụ đánh đồn và các cuộc phục kích liên tiếp xẩy ra. Từ du kích chiến, Việt Minh chuyển dần qua vận động chiến với chiến thuật "công đồn-đả viện", gây nên rất nhiều sự thịêt hại cho địch quân. Đường Số 4 chứng kiến nhiều sự tan vỡ của các chiến đoàn Pháp khiến cho Pháp phải đặt cho đường này thêm cho cái tên rùng rợn là "con đường máu". Việt Minh thì gọi là Đường Số 4 "con đường lửa".
Đây là lúc mà tôi tạm quên loại "dân ca" êm dịu để tung ra những lời "quân ca" mãnh liệt:
Đường Lạng Sơn âm u (ù u)
Trời bình minh êm ru (ù u)
Rừng êm ái thức giấc sau đêm mờ,
Đường Thất Khê Đông Khê (ề ê )
Vừa mới tan cơn mê (ê ê)
Chợt nghe thấy tiếng ta kéo quân về.
Biên Khu (ù u)
Biên Khu (ù u)
Ta nhìn qua Cai Kinh ngang tàng
Chờ cơn gió Bắc Sơn lùa sang
Biết say đời, cuộc đời trai nước Nam...
...Và nói lên sự oai hùng của vùng rừng núi bất khuất kiên cường này:
Việt Bắc ứ ư
Việt Bắc ứ ư
Chốn đây rừng rú ú u
Chốn đây rừng núi ứ ư
Chốn đây toàn dân biên khu
Theo cha già tiến ra một mùa Thu.
. . . . . .
Trong hai năm sống ở miền thượng du Bắc Việt, tôi được sống những ngày đẹp nhất đời mình. Khi mới bước vào đời, được cái may mắn đi tới tận hang cùng ngõ hẻm của các thành phố Việt Nam, được gặp gỡ đủ mọi hạng người, từ vua Bảo Đại (gặp tại Phan Rang năm 43) tới một anh du côn, từ một gái giang hồ tới một mệnh phụ, lúc nào và bất cứ ở đâu thì tôi cũng đều được mọi người yêu mến. Và tôi cũng trả lại tình yêu đó bằng tình yêu của tôi. Qua âm nhạc. Nhưng phải có cuộc kháng chiến, tôi mới được đi tới những làng xã và bản thôn xa xôi hẻo lánh nhất của miền Việt Bắc này, để thấy người miền núi và người miền suôi đã thực sự đoàn kết để làm nhiệm vụ chung: chống Pháp, bảo vệ sự độc lập tự do còn non nớt của Việt Nam. Tôi thấy được sự chia cơm sẻ áo, chia vui sẻ buồn của tất cả mọi người. Tôi nghe được những chuyện gây dựng tài sản cho con của người Nùng ở Lào Kai, chuyện bà ké ở Lạng Sơn... để thấy được những cái đẹp của cuộc đời mà mình có thể sờ mó được chứ không phải là những cái đẹp nằm trong sách vở.Trong những ngày gần đây, khi phải tiếp súc với những thằng bạn cùng đi kháng chiến với mình cách đây 40 năm để hỏi han chuyện này, chuyện nọ... chúng tôi đều có một thắc mắc chung: hồi đó, làm sao mà chúng mình sống được nhỉ? Ai nuôi chúng mình để có thể đi kháng chiến khơi khơi như vậy được? Chúng tôi đều ngộ ra rằng chính nhân dân đã nuôi chúng tôi. Đồng ý là chúng tôi cũng có một số tiền lương hàng tháng đủ để tiêu vặt và đi tới đâu thì cũng đều được nuôi ăn, nuôi ở. Nhưng gạo mà cơ quan mua để thổi cơm cho chúng tôi ăn là do nhân dân sản xuất ra. Chính Phủ cứ việc in ra giấy bạc để mà mua gạo. "Tiền cụ Hồ" trong kháng chiến thì làm gì có trữ kim để đảm bảo? Dân chúng giữ giấy bạc đó thì cũng chỉ như là giữ Công Khố Phiếu mà thôi. Tôi khẳng định là trong kháng chiến, cùng với bộ đội, văn nghệ sĩ là con đẻ của nhân dân. Bộ đội thì có đời sống tập thể, nhưng văn nghệ sĩ thì phải bám vào dân chúng. Đi tới đâu thì cũng ở trong nhà dân. Và dù xuất thân là tiểu tư sản thành thị, sau khi sống chung với dân quê, chúng tôi hoà mình ngay vào đời sống thôn ổ. Chính quyền Việt Minh nhìn thấy điều đó cho nên trong bất cứ một chiến dịch nào, khi cần động viên quần chúng là chính quyền dùng văn nghệ sĩ ngay. Về sau này, khi vào sinh sống ở trong miền Nam, tôi cũng thấy có những tổ chức dân vận ở trong chính quyền. Nhưng khi nhìn thấy những cán bộ mặc áo đồng phục mầu xanh có nếp ủi, hay mặc quần áo bà ba đen láng coóng, ban ngày tới công sở làm việc, tối đến trở về nhà ăn ngủ với cha mẹ hay vợ con thì tôi thấy ngay là họ không thành công trong việc vận động dân chúng, đa số là nông dân. Hơn nữa, ở thành phố còn có quá nhiều thú vui, người nào cũng muốn hưởng thụ nhiều và ít chịu hi sinh. Trái lại, trong kháng chiến, chúng tôi không còn thú vui nào khác hơn là... kháng chiến. Chúng tôi không còn có chọn lựa nào khác hơn là phải sống chung đụng thực sự với dân quê. Và cũng chẳng cần ai dạy chúng tôi hai chữ "đoàn kết". Rất tự nhiên, chúng tôi và quần chúng đã thực sự gắn bó với nhau. Điển hình là chuyện bà ké Lạng Sơn và những anh bộ đội.
Con người thì hoàn thiện như vậy. Phong cảnh đất nước thì -- nhất là ở vùng Việt Bắc này -- tôi bỗng thấy linh thiêng hẳn lên. Tới Lạng Sơn, núi "vọng phu" và câu ca dao quen thuộc:
Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa
Có Nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...
... đối với tôi lúc này chỉ còn là một câu sáo ngữ. Cũng như câu:
Ai đưa ta đến chốn này && Bên kia là núi bên này là sông.
Phải tạo ra cái mới. Không cần nhắc lại những câu ca dao hay những huyền thoại cũ như một con vẹt nữa. Hào khí của kháng chiến khiến cho tôi có can đảm tung ra loại dân ca mới bất cần sự chống đối của những ông "nhạc phiệt". Hào khí này còn giúp tôi có đủ sự tự tin để viết ra những câu hay những bài ca dao mới, những huyền thoại mới, chẳng hạn câu ca dao về mùa đông chiến sĩ :
Mùa Đông đã tới nơi rồi
Gửi mau áo rét cho người chiến binh.
Nào ai vui thú gia đình
Gửi ra chiến sĩ chút tình nước non.
Những câu chuyện thực phải được đưa vào huyền thoại như chuyện một bà mẹ ở huyện Gio Linh chẳng hạn (xin coi đoạn viết về chuyến đi Bình-Trị-Thiên). Cách mạng đâu có phải chỉ là đánh Tây? Cách mạng là phải "làm mới" văn học nghệ thuật.
Lúc đó, thi sĩ Tố Hữu có mấy câu thơ mà tôi cho là ca dao mới:
Rét Thái Nguyên, rét về Yên Thế
Gió qua rừng Đèo Khế gió sang
Em là con gái Bắc Giang
Rét thì mặc rét việc làng em lo...
Em gái Bắc Giang lo chuyện xóm làng thì tôi cũng từ Hà Nội đi ra Sơn Tây, lên Phúc Yên, Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Kai... qua Bắc Kạn rồi tới Thái Nguyên để theo gió về Bắc Giang để lên Lạng Sơn, Cao Bằng rồi đấy nhé. Đi tới đâu thì cũng đóng góp thêm huyền thoại vào cuộc sống anh hùng của toàn thể dân tộc.
Thế nhưng trong sự hào hùng của cuộc sống tại Việt Bắc, có lúc nào tôi bị mỏi mệt hay chán chường hay không? Có chứ, nếu nói là không thì là nói dối. Tôi có thể -- hãn hữu -- nói dối người ngoài, nhưng tôi không thể nói dối tôi được.
Tình hình chiến sự ở Cao-Bắc-Lạng đã trở nên vô cùng quan trọng do đó Khu XII bấy giờ được sát nhập và Quân Khu I để tiện cho việc điều quân của Bộ Tổng Tư Lệnh.
Đội Văn Nghệ của chúng tôi không còn là của Khu U±y nữa mà vào nằm trong Bộ Chỉ Huy của một Trung Đoàn mà tôi đã quên mất "phiên hiệu" rồi - phải chăng là Trung Đoàn 28? Hoạt động của chúng tôi bị hạn chế hơn trước. Nhân viên bị giảm bớt. Trong đoàn đã có người có ý định bỏ Đội Văn Nghệ ra đi.
Vào lúc này, cả tôi lẫn Ngọc Bích đều biết sợ cuộc đời "sơn lâm". Thèm đồng bằng quá rồi. Đồng ý là nương chiều ở Lạng Sơn rất đẹp khi mình vừa bước tới nơi này. Nhưng sau một thời gian sống ở đây, trong rất nhiều buổi chiều âm u, khi đêm sắp sửa tới, nhìn sương mù và bóng đen dần dần đè xuống những ngôi nhà sàn ọp ẹp đang bị bao vây bởi núi đá chập chùng trong một thung lũng nhỏ nhoi... tôi như bị nghẹt thở. Chúng tôi gọi nơi đóng quân của chúng tôi là "u tì quốc" (u tì nói ngược là đi tù). Dù sao thì chúng tôi sinh ra và lớn lên là người dân ở phố xá, quen sống ở nơi có vỉa hè, có xe cộ, có đèn điện, có nước máy. Chúng tôi nghe theo tiếng gọi của kháng chiến, quyết chí về đồng hoang, lại còn vui vẻ trèo đèo lội suối lên sống ở trong hang đá, dưới lều tranh nơi rừng già hay trên nhà sàn ở những nơi đúng là "rừng thiêng, nước độc", bị sốt rét lên sốt rét xuống, phải ăn uống kham khổ và luôn luôn thiếu vệ sinh (không có cả thuốc đánh răng.) Bị kiết lỵ sau khi bị ngã nước. Bị đau răng là cái chắc. Nạn đau răng này càng làm cho tôi ngán cái "Việt Bắc" hơn lên, vì ở nơi khỉ ho cò gáy này, đào đâu cho ra một ông hay một bà nha sĩ để mà sửa, mà chữa, mà o bế cái răng sâu? Răng mà hơi hư một tí là được y tá lấy kìm sửa xe đạp, sắn tay, đè miệng mình ra để nhổ phứt răng đi. Nhổ răng không cần thuốc tê. Nhổ đến nỗi sau khi "dinh tê" về thành, tôi phải lắp quá nửa hai hàng răng giả. Hơn nữa, sau khi đi theo kháng chiến hai năm, bây giờ tôi muốn biết tin tức về mẹ tôi. Tôi cũng vừa được tin là người chị thứ hai của tôi và anh Nhượng hiện đang ở Chợ Đại. Tôi bèn rủ thằng Ngọc Bích: "Hay là ta về Khu Ba chăng?" Ngọc Bích gật đầu.
Ngày chúng tôi ra đi, cũng chẳng có ai ở trong Trung Đoàn níu ba lô mời ở lại.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương hai hai
Quê em miền trung du
Đồng tươi lúa xanh rì...
Nguyễn Đức Toàn
Một ngày lạnh cóng và ẩm ướt vì những giọt mưa cuối cùng của mùa Xuân, Ngọc Bích và tôi giã từ Hoàng Cầm và rừng núi Lạng Sơn, vác ba lô lên đường. Lúc này chúng tôi không còn là văn nghệ sĩ của Cục Chính Trị nữa. Sau vài ngày cuốc bộ, mầu tím đen dữ dội của núi rừng đã dần dần không còn đi theo để bưng mắt chúng tôi nữa. Chúng tôi đang đi trong khoảng trời cao mây rộng, rảo bước trên con đường đê dọc theo con sông đào quen thuộc vẫn đang trôi lờ lững trong vùng Nhã Nam, Yên Thế.
Tôi thản nhiên đi qua làng Lan Giới, lờ luôn người đẹp nông thôn. Rồi chúng tôi tới Bắc Ninh. Bây giờ thì tôi đi qua Sông Đuống để nhớ tới Hoàng Cầm... Và nhận ra được cô hàng sén răng đen, ông già phơ tóc trắng, thấy được cả những tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Nhưng không thấy được em bé sột soạt quần nâu... vì lúc này là chiến tranh. Buồn. Rồi từ Bắc Ninh, sau khi len lỏi qua những đồn địch đóng lẻ tẻ ở dọc đường số 1, chúng tôi rẽ sang Phúc Yên, Sơn Tây để xuống địa phận Hà Đông.
Vùng trung du lúc này vẫn còn an ninh vì Pháp không có đủ quân để chiếm đóng cả vùng thượng du lẫn vùng trung du hay vùng đồng bằng. Quân Pháp còn đang bận tâm ở chiến trường biên giới. Họ chỉ cho máy bay đi bắn phá những tỉnh nằm ngoài vòng đai lớn bao quanh thành phố Hà Nội, ở những nơi mà họ nghi ngờ là có kho đạn hoặc có Vệ Quốc Đoàn đóng quân.&& Hình như cả Pháp lẫn Việt Minh đều muốn như vậy cho nên có một cái chợ trời rất lớn mọc lên ở làng Thịnh Đại, gần bến Đồng Quan thuộc tỉnh Hà Đông, chỉ cách vùng Quân Pháp chiếm đóng khoảng hai chục cây số. Chợ là nơi để Pháp tuôn hàng hoá Âu Mỹ ra vùng quê một cách dễ dàng và là nơi Việt Minh có thể mua những thứ cần thiết cho kháng chiến. Chợ trời này nằm ở ngay làng Đại cho nên nó mang luôn cái tên là Chợ Đại. Chợ trải dài từ làng Đại cho tới làng Thần, nơi đây có một cái cống lớn để dẫn nước sông vào ruộng -- cho nên được gọi là Cống Thần -- từ đầu chợ tới cuối chợ là khoảng 5 cây số. && Chợ Đại-Cống Thần này nằm dọc theo ven bờ của một nhánh sông thuộc dòng sông Đáy -- Hát Giang là đây -- rất tiện lợi cho những ai từ mạn Phúc Yên đi xuống hay từ dưới Ninh Bình, Phát Diệm đi lên bằng thuyền. Ơ± đây có khoảng không dưới một trăm túp lều gỗ hay lều tranh do khoảng một trăm gia đình, dân số trên dưới 500 người, từ Hà Nội tản cư ra chỗ này và cất thành một cái chợ ven sông. Khác hẳn với đa số thị dân khác, hoặc có cha mẹ hay anh chị em ở trong gia đình làm việc cho các cơ quan kháng chiến và đi theo đơn vị lên Việt Bắc, hoặc là thường dân tản mác đi khắp các vùng quê và cố gắng hội nhập vào đời sống cày bừa trồng trọt của nông thôn, những người dân Hà Nội tới "lập nghiệp" ở Chợ Đại-Cống Thần này không dính líu gì tới đời sống sản xuất hay tham dự vào một tổ chức kháng chiến nào cả. Họ sống nhờ ở nghề buôn đi bán lại đồ cũ, đồ mới. Đặc biệt là những thứ hàng ngoại hoá. Một giới làm ăn mới mẻ được mệnh danh là "bờ lờ" (tức là buôn lậu) đã tạo ra ở đây một thị trường khá lớn để tuôn hàng hoá Âu Mỹ từ Hà Nội ra hậu phương.
-- Họ đi buôn hàng ngoại hoá ở đâu vậy?
-- Thưa ở vùng "tề" ạ.
Chỉ cần ra khỏi Cống Thần-Chợ Đại khoảng chừng10 cây số là tới vùng "tề" tức là những làng bị lính Pháp tới "bình định" (pacifier) và bắt dân làng phải thành lập những "hội tề" để làm việc cho Pháp. Nhưng bất cứ một "hội tề" nào làm việc cho Pháp vào lúc ban ngày, vào ban đêm họ bắt buộc phải theo Việt Minh thì mới sống được. Vùng "tề" được coi như là vùng sôi đậu và là nơi đã tạo ra nhiều câu ca dao của thời đại, ví dụ:
"m ớ hội tề&& Sáng đi buôn lậu
Tối về Tây đen.
Câu ca dao này muốn nói tới những chị đi buôn lậu ở vùng tề, ban ngày thì đi lấy hàng hoá từ Hà Nội để chuyên chở ra hậu phương nhưng tới ban đêm thường hay bị lính Phi Châu bắt vào đồn để làm tình. Có người từ hậu phương vào tề để mua hàng trở ra thì cũng có người hằng ngày mặc áo blouson Tây, có cài bút máy Tầu, tay đeo đồng hồ Thụy Sĩ, chân đi dép Nhật... đang sống ở vùng tề bây giờ đi ra Chợ Đại để bán hết những thứ hàng mang trên mình, rồi lại trở về vùng tề. Do đó có câu ca dao:
"m ớ hội tề
Khi đi có dép
Khi về chân không
Còn có một câu ca dao khác dùng để phê bình những người ở vùng tề, không bao giờ có lập trường vững chãi:
"m ớ hội tề
Chính phủ gọi về&& Ra chiều bất mãn.
Vùng "tề" còn là nơi có người chỉ đường dẫn lối cho những ai muốn "dinh tê" vào thành.
Chợ Đại-Cống Thần mọc lên rất nhanh và trở thành một nơi thu hút những người ở các vùng khác. Những thị dân đi tản cư cho tới lúc này đều nhớ vỉa hè và đều chán cảnh đồng quê hay rừng núi, nghe tin đồn về thiên đường Chợ Đại thì ai cũng tìm mọi cách để tới nơi này, sống trong ảo ảnh của cuộc đời phố xá trước đây. Như tôi chẳng hạn. Tại đây, các quán ăn mọc lên như nấm, có nhiều món ăn mà chúng tôi từng thòm thèm trong mấy năm. Ví dụ món phở. Món này ở Việt Bắc cũng có nhưng tôi nghi là phở ở trên đó được nấu với thịt trâu hơn là với thịt bò.
Tại Quán Thủy Tiên lại có thêm một món mà trong kháng chiến ai cũng thích là: hai quả trứng sống pha với đường rồi quậy lên thành một ly thuốc bổ hạng nhất. Quán này có chơi nhạc, ban nhạc gồm anh "Cai Kèn" tên là Cách thổi saxo, Chương "Ve" kéo acordéon, Paul Trí chuyên đánh piano nhưng vì nay không có đàn nên phải đánh guitare. Tội nghiệp Paul Trí có bàn tay đang bị ghẻ nặng cho nên chỉ có thể dùng ba ngón tay để bấm những hợp âm.
Quán Café Lan đông khách vì cô chủ quán có người chị lấy kép Cải Lương Huỳnh Thái, người được toàn dân phong cho mỹ danh: "Huỳnh Thái, cây sái của Bắc Việt" -- sái đây là sái thuốc phiện -- khách tới đây hi vọng được gặp kép hát nổi danh.
Lại còn một cái quán nữa -- ở chợ Vân Đình cũng gần Chợ Đại -- có cái tên là Sem Sem, hình như do Tạ Đình Đề làm chủ. Nếu đánh vần theo kiểu bình dân học vụ thì là: " Sờ em xem. Sờ em xem." Tức là quán Sờ Em.
Chợ Đại-Cống Thần có những túp lều bán các thứ "xa xỉ phẩm" (!) như bút máy, đồng hồ, thuốc tây, vải kaki, áo blouson Mỹ, sà phòng thơm, bàn chải và thuốc đánh răng. Nhất là có thuốc lá thơm. Nói về thuốc lá thì ở các nơi khác, các tay nghiện thuốc chỉ được hút thứ thuốc sản xuất tại Việt Bắc mang nhãn hiệu "Du kích" và "Bazooka". Bây giờ tại Chợ Đại Cống Thần này, họ đã có thể mua được những bao thuốc lá thượng hảo hạng như Cotab, Philip Morris, Camel... Nhất là mua được bật lửa, thứ bật lửa có bánh quay để quệt ra lửa -- gọi là "bật lửa cu lu xe" -- Có bật lửa rồi là thi nhau bật lửa xem ai có lửa, ai không có lửa? Những người không mua được dầu xăng xe hơi, không bật ra lửa nhanh được vì dùng dầu thắp đèn Hoa Kỳ, thua cuộc và phải khao những người có lửa nhanh một chầu bún riêu.
Chợ Đại-Cống Thần chỉ đông người từ xế chiều cho tới nửa khuya. I³t ai ra chợ vào ban ngày vì sợ máy bay Pháp tới bắn phá. Đêm đêm, với ánh sáng của hằng trăm ngọn nến hay đèn dầu, với tiếng người vui đuà trò chuyện, với tiếng đàn ca văng vẳng từ trong quán ăn hay từ trong khoang của những chiếc thuyền đang trôi trên sông Đáy hay đang chen nhau đậu tại các bến, khung cảnh Chợ Đại-Cống Thần giống như những đêm hội hoa đăng của thời bình. Sống ở đây, người ta có thể tạm quên được những cam go của kháng chiến. Từ Việt Bắc đi xuống, từ Thanh Hoá và ngay cả từ Nam Bộ đi ra, ai ai cũng phải ghé lại nơi chợ trời (tương đối) khổng lồ này.&& Khi bước chân tới đây, tôi và Ngọc Bích gặp các văn nghệ sĩ đã đóng đô ở Chợ Đại từ lâu như thi sĩ Đinh Hùng, thi sĩ Huyền Kiêu, thi sĩ Lê Đại Thanh, nhạc sĩ Auguste Ngọc (người Pháp lai, đánh guitare rất giỏi), nhạc sĩ Canh Thân, nhạc sĩ Việt Lang (tên thật là Lê Qúy Hiệp), hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, hoạ sĩ Tạ Tỵ. Giống như Phạm Văn Đôn và Quang Phòng trước đây ở Việt Bắc, hai hoạ sĩ họ Bùi và họ Tạ này cũng đang tổ chức một phòng triển lãm tranh tại một trường học gần Chợ Đại. Đinh Hùng thì vẫn còn dáng dấp tiên ông như lúc Cách Mạng vừa mới thành công, cùng với Vũ Hoàng Chương, hai người ở tiệm hút mở cửa ra phố, trông thấy lá cờ đỏ sao vàng thì hỏi: "Cờ nước nào thế kia?" Lúc này, tiên ông Đinh Hùng thỉnh thoảng còn mặc một cái áo gấm đi chơi trong Chợ Đại, có một người xách làn mây đựng bàn đèn đi theo sau. Tiên ông mà cũng ra đi như thế này thì "cả nước lên đường" là đúng lắm.
Tôi cũng được gặp hai người bạn làm nghề xuất bản là Nguyễn Văn Hợi (nhà xuất bảnThế Giới) và Nguyễn An Nghi. I³t lâu sau hai người này sẽ về thành và ấn hành nhạc của tôi trong vùng tạm chiếm, nhờ đó mẹ tôi có được một số tiền tác giả khá lớn. Trần Quốc Bảo, Giám Đốc nhà xuất bản Minh Đức thì đang tản cư ở đây và sẽ là người xuất bản cuốn Những Điệu Hát Bình Dân Việt Nam của tôi, trong đó tôi ghi âm lại một số những bài dân ca cổ truyền như Cò Lả, Trống Quân, Hò Huế vân vân...
Đây cũng là nơi mà một vài nhân vật nổi tiếng như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, cựu tri huyện Trần Chánh Thành... thường hay ra chợ để sắm đồ hay để vào quán ăn. Các ông này đang phục vụ trong ngành Tư Pháp của Quân Khu III. Cũng thấy sự có mặt của Bác Sĩ Trần Hữu Tước, ông này ở Pháp cùng về nước với ông Hồ sau Hội Nghị Fontainebleau, vì không chịu được đời sống kham khổ ở Việt Bắc cho nên đã về sống ở đây.
Chợ Đại còn có những ổ tình báo của hai bên đối phương nữa. Tôi thấy nhân viên làm việc tình báo với Văn Cao ở Lào Kai như Ty "Rỗ", bây giờ, cùng với những nhân vật mang nhiều huyền thoại như Tạ Đình Đề, Hãn "Trắng", Viễn "Mập" tự "Kinh Bắc" (bố Khánh Ly), Học "Kirisitô" (vì trông giống Chúa Kitô), Hoành "Hổ" và Nguyễn Trần Huyên (sau lấy tên là Cao Dao)... trở thành nhân viên của một đội trưởng Biệt Động Đội thuộc Sở Tình Báo Ngoại Thành trong U±y Ban Thành Phố Hà Nội tên là Chi Nam (anh này hiện ở Hawaii). Nhóm Biệt Động Đội này thường ra vào Hà Nội để hoặc lấy tin tức, hoặc làm công tác phá hoại, ám sát... Pháp cũng gửi điệp viên ra Chợ Đại-Cống Thần để theo rõi sự chuyển quân của Việt-Minh. Về sau, ở ngay Chợ Đại này, anh nhạc sĩ Tây lai Auguste Ngọc bị thủ tiêu vì bị nghi ngờ là làm việc cho "đơ bò" (Deuxième Bureau) của Pháp. "Kinh Bắc", người cha của Khánh Ly cũng mất tích luôn. Tôi gặp lại Hoành "Hổ" và Ty "Rỗ" ở Saigon, biết chắc chắn là họ không còn là người của "bên kia" nữa rồi. Còn Nguyễn Trần Huyên tức Cao Dao thì cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, không biết anh ta có còn hoạt động cho Miền Bắc nữa không?
Chợ Đại cũng còn là nơi dưỡng sức của kháng chiến quân đi nghỉ mát bừa hay đi nghỉ phép -- sự kiện này khiến cho tôi nhớ tới cái tên của một cuốn phim Pháp Le Repos Du Guerrier. Tại đây, ngoài những cán bộ quân sự hay chính trị hạng trung và hạng thấp, tôi còn gặp cả cán bộ gộc như Chu Văn Tấn từ Việt Bắc đi xuống và Trần Văn Giầu từ trong Nam đi ra. Những người lãnh đạo của Quân Khu III lúc đó là Hoàng Minh Thảo, Văn Tiến Dũng, cũng hay lảng vảng ra "dưỡng sức" ở Chợ Đại-Cống Thần. Một trong hai ông này còn cưỡi xe Vélo Solex chạy trên con đường ruộng dẫn tới chợ. Khi họ ra đi, dân chúng đang bu lại coi chiếc xe, thấy người cưỡi xe phải dùng chân đạp nhiều vòng để lấy đà cho máy nổ rồi mới ngưng đạp thì tưởng rằng xe này chạy bằng... dây cót.
Và không có ai tới Chợ Đại-Cống Thần mà không ghé tới Quán Thăng Long. Quán này là của ông bà Phạm Đình Phụng, rất đông khách vì chủ nhân là người rất "văn nghệ". Các văn nghệ sĩ nổi danh đang ngụ cư ở Chợ Đại rất năng tới quán Thăng Long. Mà hễ ở đâu có văn nghệ sĩ là người ta đổ sô tới.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương hai ba
Mênh mông lả ơi.
Thuyền về tới bến Mê rồi...
Tiếng Đàn Tôi
Hai ông bà Phạm Đình Phụng nguyên là chủ nhân của một cửa hàng bán mứt và ô mai ở phố Bạch Mai tên là hiệu Mai Lộc. Hồi 13 tuổi, cậu Nguyễn Cao Kỳ thường hay tới hiệu Mai Lộc để ăn ô mai và đánh đàn mandoline cùng với lũ con của chủ nhân. Ngày 19 tháng 12 năm 46, tức là ngày toàn quốc kháng chiến, ông bà Mai Lộc Phạm Đình Phụng dắt hai người con trai và ba người con gái tản cư ra Sơn Tây. Cả gia đình thuộc vào hạng "tiểu thương thành phố" này đã tới ở nhờ trong nhà của một gia đình nông dân tại một nơi gọi là đồi Cốc. Một hôm phi cơ Pháp tới bắn phá nơi đây và đau lòng thay, người con gái lớn của ông bà bị tử thương. Chôn cất người bạc mệnh xong, ông bà còn quá hoảng sợ muốn đi khỏi nơi này. Mới đầu tính di cư lên Việt Bắc nhưng vì sợ những nơi thường được gọi là "rừng thiêng nước độc" cho nên ông bà quyết định dắt một người con trai và hai người con gái đi về vùng suôi và dừng chân ở Chợ Đại. Người con trai lớn thì đã gia nhập một đoàn văn nghệ kháng chiến ở Sơn Tây đi lưu diễn ở miền thượng du rồi. Tại Chợ Đại, ông bà mua lại một cái quán và đặt tên là Quán Thăng Long. Ơ± đây có đủ ba món phở sào, phở áp chảo, phở nước, có cà phê ngon và có luôn một anh Tây lai tên là Auguste Ngọc ngày nào cũng vác đàn guitare tới quán để biểu diễn chơi. Ông bà Thăng Long vốn là những người rất sành nhạc cổ. Đi chạy giặc như vậy mà vẫn mang đàn đi theo. Thỉnh thoảng, cao hứng, ông bà lấy nhạc cụ ra. Ông đánh đàn nguyệt và bà đánh đàn tranh, đàn tỳ. Rất là du dương. Văn nghệ sĩ nào tới Quán Thăng Long thì cũng đều được đón tiếp rất niềm nở. Không có sự cách biệt giữa chủ và khách. Có anh nghệ sĩ đã xung phong vào bếp để phụ giúp trong việc thái thịt bò và thái bánh phở.
Tại Quán Thăng Long, ông bà có ba người con để giúp đỡ trong việc nấu phở, pha cà phê và tiếp khách. Người con gái lớn tên là Phạm Thị Thái, vào chạc 20 tuổi, biết hát và biết chơi cả đàn guitare hawaienne nữa. Nàng có một vẻ đẹp rất buồn, lại là người ít nói, lúc nào cũng như đang mơ màng nghĩ tới một chuyện gì xa xưa. Văn nghệ sĩ nào khi tới gần nàng thì cũng đều bị ngay một cú "sét đánh". Thi sĩ Huyền Kiêu luôn luôn thích làm người "tao nhã" (galant) và có nhiều lúc, trịnh trọng cầm hoa tới tặng Nàng. Thi sĩ Đinh Hùng, dụt dè hơn, nhờ người chị ruột của tôi -- đang tản cư ở Chợ Đại -- làm mối. Còn anh hoạ sĩ hiền lành như bụt và có đôi mắt rất xanh là Bùi Xuân Phái thì ngày ngày tới Quán Thăng Long, ngồi đó rất lâu, im lặng... Ngồi, nhìn, chứ không vẽ. Ngọc Bích cũng soạn một bài hát tỏ tình, lời ca do tôi "gà" cho...
Sau Phạm Thị Thái là người con trai 18 tuổi của ông bà tên là Phạm Đình Chương. Cậu này rất có khiếu về đàn guitare, bây giờ lại được Auguste Ngọc tới dạy cho cậu những ngón đàn rất hay. Rồi tới người con gái út, tên là Phạm Băng Thanh, mới 13 tuổi mà đã có một giọng hát rất hay. Văn nghệ sĩ người lớn thường gọi cô này là chú bé.
Trước khi tôi và Ngọc Bích tới Chợ Đại-Cống Thần, đoàn Văn Nghệ Giải Phóng của Phạm Văn Đôn -- mà chúng tôi là cựu đoàn viên -- từ vùng thượng du kéo về vùng suôi với ý định vào Liên Khu IV ở Thanh Hoá để làm việc với tướng Nguyễn Sơn. Phạm Văn Đôn là cháu ruột của ông bà Phạm Đình Phụng, chủ quán Thăng Long, do đó người con trai lớn của ông bà là Phạm Đình Viêm đã gia nhập đoàn văn nghệ Giải Phóng này từ khi mới từ Hà Nội tản cư ra Sơn Tây, như đã nói ở Chương trước. Dừng chân tại Chợ Đại, Phạm Văn Đôn tới Quán Thăng Long và xin hai chú thím cho phép hai người con đang ở đó -- là Phạm Thị Thái và Phạm Đình Chương -- nhập luôn vào đoàn văn nghệ này để đi vào Thanh Hoá. Cũng có thể vào lúc này, hai ông bà Thăng Long đã có ý định di cư thêm một lần nữa vào một vùng được coi như là an toàn nhất là Liên Khu IV cho nên ông bà để cho Phạm Thị Thái và Phạm Đình Chương ra đi một cách dễ dàng. Còn cô bé út Băng Thanh thì ở lại Chợ Đại với cha mẹ.
Phạm Thị Thái là cháu của nữ kịch sĩ Song Kim, trước đây được Thế Lữ (là chồng của bà Song Kim) có ý định cho vào hoạt động trong đoàn kịch Thế Lữ. Nhà thơ kiêm kịch gia này đặt cho nàng cái tên sân khấu là Thái Hằng. Bây giờ nàng dùng luôn cái tên này để trở thành một ca sĩ kiêm diễn viên kịch nghệ của đoàn văn nghệ do Phạm Văn Đôn chỉ huy, đầu quân vào làm việc tại Phòng Chính Trị của Trung Đoàn 9 (sau này sẽ trở thành Sư Đoàn 304) thuộc Bộ Chỉ Huy của Liên Khu IV.Khi tôi tới Chợ Đại cùng Ngọc Bích thì ba người con của ông bà
Thăng Long từ Thanh Hoá trở ra thăm gia đình sau 6 tháng đi công tác. Tôi gặp lại Phạm Đình Viêm thì vui lắm. Sau khi Viêm giới thiệu tôi với ông Thăng Long, tôi được ông cho biết là cha mẹ tôi và ông khi trước là chỗ thân tình. Hà Nội hồi xưa bé bỏng như một cái làng nhỏ. Ai cũng quen nhau. Ông Phụng còn nói là ngày đó có lần ông đã nhờ người tới dạm hỏi để xin lấy mẹ tôi làm vợ. Tôi chỉ ghé Quán Thăng Long đôi ba lần và chỉ có đủ thời giờ để thấy cảnh đầm ấm của gia đình nghệ sĩ họ Phạm. Họ thường hoà tấu và hát chung với nhau những bản Tân Nhạc trước sự hâm mộ của khách hàng hay của các bạn bè văn nghệ sĩ. Cũng thấy hay đấy, nhưng tôi không bị choáng váng trước tài nghệ hay tài sắc của mấy anh em, chị em nhà này. Tôi cũng được mời để trổ tài hát và ngâm thơ. Có lúc tôi nổi hứng lên hơi nhiều và tôi nhẩy đại lên trên bàn ăn ở giữa quán, đứng vung tay vung chân ngâm những bài thơ kháng chiến của Tố Hữu và Hoàng Cầm. Mọi người khoái lắm. Phạm Đình Viêm gạ tôi đi theo ba anh em vào Liên Khu IV để, một lần nữa, làm nhân viên của đoàn văn nghệ. Tôi ầm ừ lấy lệ.
Lúc đó, tôi quên hẳn là mình đang sống trong thời kháng chiến. Khung cảnh sầm uất của vùng Chợ Đại làm cho anh chàng lãng tử ở trong tôi vùng lên. Tôi đang muốn tận hưởng sự "nghỉ ngơi của chiến sĩ" giống như lúc tôi từ chiến khu Bà Riạ-Vũng Tầu trở ra sống những đêm hành lạc ở trên những con đò Hương Giang. Cũng không khác đời sống của mọi người, đời tôi xưa nay vẫn là một chuỗi những ngày lao lung vất vả đi theo những cuộc nghỉ ngơi ăn chơi. Hay ngược lại. Giống như những đoạn nhạc trong một trường ca, có lúc rồn rập, có lúc khoan thai, có đoạn vội vã, có đoạn nhàn hạ. Bây giờ, từ mạn ngược về đây, lối sống "hoang chơi" trong tôi được bùng nổ sau hai năm bị đè nén ở miền núi rừng Việt Bắc.
Ngọc Bích tạm biệt tôi để về thăm gia đình ở Thái Bình. Tôi gặp người chị ruột đang sống với người chồng làm việc tại ban Dân Vận của Quân Khu III. Anh tôi là Phạm Duy Nhượng cũng từ Thái Nguyên đi xuống và soạn ra những bài như Tà A³o Văn Quân, Đêm Đô Thị... Tội nghiệp anh Nhượng, làm nghề thầy giáo, lúc nào cũng phải tỏ ra là con người mô phạm, nhưng lúc nào cũng muốn sống cuộc đời lang bạt kỳ hồ như tôi. Rất thèm được làm một chàng phiêu lãng ôm đàn đến giữa đời... Nhờ người chị và người anh, tôi biết rằng mẹ tôi đã được người chị lớn ở Hà Nội cho người ra đón về thành. Thế là tôi yên tâm.
Mùa hè 1948. Chợ Đại-Cống Thần. Tâm hồn tôi nhẹ nhõm. Cơ thể tôi sung mãn. Và tôi buông thả đời tôi lúc đó cho được nổi trôi bềnh bồng trên khúc sông 5 cây số từ đầu chợ tới cuối chợ. Suốt mấy năm qua, chưa có lúc nào tôi vô tư như bây giờ. Tôi đang bắt được một người tình mới tên là Hiếu. Nàng thuộc vào loại đàn bà rất phóng túng của Hà Nội mấy năm trước đây, có một thân hình nở nang đẹp đẽ không thua gì bức tượng của Thần Vệ Nữ ở Milo, có đôi mắt lặng lờ và khiêu khích, có cái răng khểnh rất kiêu sa và có một con tim bốc lửa. Tôi sống với Nàng Hiếu trong một con thuyền nhỏ. Thuyền tình này khi thì trôi trên dòng sông Đáy, khi thì đậu ở bến chợ Đại hay bến Cống Thần. Đêm đêm tôi giả vờ là anh Trương Chi, ôm đàn guitare, ngồi hát ở mạn thuyền. Tại đây tôi soạn bài Tiếng Đàn Tôi:
Mênh mông lả ơi.
Thuyền về tới bến Mê rồi.
Khoan khoan hò ơi.
Dặt dìu trong tiếng đàn tôi.
Hương Hương, Nàng ôi.
Nàng về xoã tóc không lời.
Khoan khoan hò ơi.
Lệ sầu rụng xuống đàn tôi.
Nhưng rồi cũng như những cuộc tình tạm bợ trước đây, Nàng Hiếu và tôi sẽ tới lúc lạnh lùng rời nhau như trong bài hát.
Quân Khu III hồi này không có không khí chiến tranh như ở các Quân Khu trên Việt Bắc. Pháp chưa tung ra những chiến dịch lớn ở vùng đồng bằng như lúc sau này với Tướng De Lattre De Tassigny. Người dân sống khá thảnh thơi. Không có sự nguy hiểm tới tính mạng vì hòn tên mũi đạn giữa cảnh giao tranh giữa ta và Tây, ngoại trừ những lúc phải nhẩy xuống hố tránh máy bay oanh tạc. Đối với một kẻ rất lười biếng như tôi thì trong lúc này tôi không còn phải leo những con dốc làm cho chân tay rụng rời, mắt nổ đom đóm, tim đổ rồn và ngực bị đè nặng. Không phải sống cảnh cô đơn vắng lặng nơi núi rừng chỉ có tiếng chim kêu "bắt cô trói cột" buồn tênh hay tiếng cú rên não nùng. Được ăn uống thoả thuê. Không bị dồn nén dục tình. Nhất là không phải họp với cấp trên, không phải học tập chính trị, nghe báo cáo tình hình trong nước, tình hình thế giới, vân vân và vân vân... Bài Tiếng Đàn Tôi được ra đời trong bối cảnh đó.
Sự cởi mở trong đời sống như vậy không phải chỉ thấy trong tôi. Nó còn được thể hiện ra ở những bản nhạc ra đời tại Quân Khu III lúc đó. Nhạc sĩ Việt Lang tung ra bài Đoàn Quân Đi. Bài này rất được phổ thông với câu hát Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vì sao... Nhưng nếu phải đem ra để so sánh với những hành khúc mới soạn ra gần đây tại Việt Bắc bởi Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn hay Đỗ Nhuận thì bài Đoàn Quân Đi này nghe giống như là bước đi của một đoàn quân đang đi... vui chơi trong đêm tối.
Tại vùng Đống Năm (Thái Bình) -- cũng là nơi tập trung nhiều văn nghệ sĩ -- hai nhạc sĩ Tử Phác và Lương Ngọc Châu soạn bài Tiếng Hát Lênh Đênh. Tuy hai nhạc sĩ này đang sống trong kháng chiến và cũng có lúc nghe ầm vang lên tiếng chiến chinh nhưng cả hai chàng, cũng như tôi, chỉ mơ làm diều mang sáo thanh bình. Nhạc sĩ Tô Vũ (tức Hoàng Phú) thì có bài Tạ Từ và chàng cũng chỉ mong rồi đây khi mùa dứt chiến chinh sẽ nhờ gió dâng khúc đàn thanh bình cho chúng ta. Trong khi chờ đợi, chàng hẹn sẽ đến thăm em một chiều mưa...dù rằng mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều. Rất khác xa với thứ mưa dầm dề trong bài Đợi Anh Về của Văn Chung (phổ nhạc thơ Simonov và Tố Hữu).
Thứ tình cảm ướt át mang tính chất "quốc cấm" của thời đại này cũng còn đến với một nhà thơ Quang Dũng. Anh đang là một Đại Đội Trưởng ở trong Trung Đoàn Tây Tiến, đóng quân ở đâu đó trong vùng Hoà Bình thuộc Quân Khu II. Vừa được nghỉ phép để về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây, anh tạt qua một nơi có cái tên là Kinh Đào ở gần Chợ Đại để gặp lại người tình vũ nữ tên là Nhật, hiện nay là một "cô hàng cà phê" ở cái chợ trời trong vùng kháng chiến này. Người tình này còn có thêm một mỹ danh là Akimi. Nàng chính là người đẹp Sơn Tây mà Quang Dũng đã tặng bài thơ có những câu:
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
Gặp Akimi đang cùng với người mẹ mở cái quán di cư ở Kinh Đào này, Quang Dũng ngồi viết ra những câu thơ tình và dán lên vách nứa:
Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước Kinh Đào, sóng nổi lên.
Y³ nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên...
(Những câu thơ này, tôi đã được Akimi Nhật đọc cho tôi nghe vào đầu năm 1989 khi tôi bất ngờ biết rằng Nàng đang sống ở trên đất Mỹ)Những bài thơ lãng mạn viết ra trong kháng chiến này có thể là lý do khiến cho Quang Dũng bị chuyển ngành từ quân đội qua văn hoá. Quang Dũng gặp tôi ở Chợ Đại và cho nghe bài thơ Tây Tiến mà anh vừa viết ra ở một nơi gọi là Phù Lưu Chanh, cách Chợ Đại khoảng 7 cây số. Mới nghe qua mấy câu mà đã thấy hay, lúc đó tôi đã có ý định phổ nhạc bài thơ này rồi. Tôi với Quang Dũng là bạn học chung một lớp ở Trường Thăng Long. Trước đây, một nhà văn ở Saigon, trong một bài viết về Quang Dũng đã có quá nhiều óc tưởng tượng, gán cho anh là con của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Theo như chỗ tôi biết thì tên thật của thi sĩ Trần Quang Dũng là Bùi Đình Diễm, quê ở Phượng Trì, Sơn Tây. Anh có họ hàng với tướng Bùi Đình Đạm. Qua tới chương sau, viết về hai chặng đường Thanh-Nghệ-Tĩnh và Bình-Trị-Thiên, tôi sẽ kể thêm những kỷ niệm giữa tôi và chàng chiến sĩ-thi sĩ, giữa cảnh kháng chiến ngụt trời này, vẫn chỉ đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm và chỉ mong có ngày trở về miền Sông Đáy chậm nguồn để nghe sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng...
Quang Dũng cũng không phải là cán bộ quân sự hay cán bộ chính trị độc nhất làm thơ lãng mạn. Chính ủy của một Trung Đoàn trong Quân Khu III là Nguyễn Văn Giáp cũng có những câu thơ sặc mùi tiểu tư sản:
Hà Nội bây giờ có đẹp không?
Có còn những lứa mắt xanh trong?
Có còn những buổi bình minh dậy,
Cô gái bên song thẹn, má hồng?
Lẽ dĩ nhiên tình trạng buông thả trong giới văn nghệ sĩ ở Quân Khu III này chỉ thấy ở trong đám người đang sống tự do ở những thành phố nấm như Chợ Đại-Cống Thần, Đống Năm. Trong tập thể quân đội, các ủy viên quân sự, chính trị hay các văn nghệ sĩ đã trở thành "văn-công" chắc chắn đã có nhiều đề tài chiến đấu để viết ra những tác phẩm tích cực hơn. Tôi xin miễn nói tới những công trình "vĩ đại" đó. Trong tập Hồi Ký này, tôi không muốn làm công việc sưu tầm nghiên cứu hay nhận xét phê bình mà chỉ muốn gợi lại những kỷ niệm đã in dấu trên từng chặng đường kháng chiến của mình.
Nhưng tôi phải nói tới một không khí sinh hoạt văn nghệ rất hào hứng ở đây khi tôi được tham dự Đại Hội Văn Nghệ Liên Khu III. Trong mấy chặng đường kháng chiến trước, hoạt động văn nghệ của tôi chỉ có tính cá nhân nằm trong sinh hoạt thu hẹp của hai đoàn văn nghệ. Tôi chưa bao giờ được sinh hoạt văn nghệ chung với mọi người như bây giờ.
Khu III là nơi tụ họp rất đông văn nghệ sĩ kháng chiến. Vào dịp Đại Hội Văn Nghệ này, phòng tranh ở trong đình của hai hoạ sĩ Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái có thêm tranh của Văn Cao và của những hoạ sĩ khác, chẳng hạn Lương Xuân Nhị, Cát Hữu (người đã tạo ra nhân vật điển hình là Vệ Tếu). Tôi chỉ còn nhớ là những tranh lập thể của Tạ Tỵ với đề tài Lià Phố và Nhạc Máu có vẻ dữ dội hơn những tranh ấn tượng của Bùi Xuân Phái với cảnh vài ba ngôi nhà cũ kỹ trong một ngõ hẻm cong queo của Hà Nội. Cũng rất hay. Vì hoạ sĩ này thì nói lên tinh thần dân tộc muôn đời, hoạ sĩ kia nói lên tinh thần dân tộc của chiến đấu hôm nay và dự phóng cả ước vọng của ngày mai nữa. Văn Cao thì vẫn là người tài hoa trong cả ba lĩnh vực thơ-hoạ-nhạc. Tranh kháng chiến của Văn Cao là anh bộ đội đánh Cây Đàn Đỏ.
Ngoài những nhà thơ đã kể ở trên kia như Huyền Kiêu, Đinh Hùng, bây giờ tôi gặp Hoàng Công Khanh. Và được nghe thơ kháng chiến của Mai Luân:
Nón nghiêng che nắng em cười
Nắm tay trao chút bùi ngùi anh đi
Chiều về gió múa hàng mi
Cổ vuông chiếc áo mềm khi giã từ.
Tất cả hình ảnh kháng chiến chỉ thu vào hai chữ cổ vuông có lẽ là cổ áo trấn thủ. Rồi tới thơ Yên Thao. Thơ nhớ nhà, nhớ gia đình nhiều hơn là thơ chiến đấu. Thơ nói với người bạn chiến sĩ, có phải bắn súng thần công thì bắn vào địch chứ đừng bắn vào nhà mình:
Anh rót vào cho khéo nhé
Kẻo lại nhầm nhà tôi.
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn hoa lý, có người tôi thương.
Vui nhất là những đêm trình diễn cải lương và kịch nói. Nghệ sĩ Cải Lương hạng nhất của miền Bắc là Sĩ Tiến và vợ là Khánh Hợi diễn nhiều màn như Lã Bố Hí Điêu Thuyền, Tam Khí Chu Du... Nhưng màn Chu Du hộc máu là màn được khán giả nông thôn khen nức nở. Vì tôi đã đi theo gánh hát Cải Lương cho nên tôi biết cách làm thế nào để có thể phun máu ra được. Thực ra, máu chỉ là phẩm đỏ pha với lòng trứng rồi đánh lên... Nghệ sĩ phải nhịn cơm và uống chất lỏng đó nhiều giờ trước khi ra trình diễn. Và tới lúc vai Chu Du cần tỏ ra tức khí đến tột độ thì diễn viên... oẹ ra. Vở kịch nói Bão Loạn thì do các kịch sĩ của tổ chức Bình Dân Học Vụ phụ trách. Ngọc Đĩnh, chủ tiệm may, là đạo diễn của vở kịch với Tạ Tỵ lo việc vẽ phông cảnh. Một ban nhạc khá đồ sộ trong đó có Nguyễn Văn Hiếu vua piano và Đỗ Thế Phiệt vua violon với sự cộng tác của Nguyễn Hiền, Nguyễn Văn Huấn, Tạ Phước... làm cho những buổi trình diễn ở đây càng thêm náo nhiệt. Tử Phác vừa soạn ra những bài như Tiếng Hát Quay Tơ, Tiếng Hát Lênh Đênh cũng có mặt ở Đại Hội Văn Nghệ Liên Khu III này.
Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương hai tư
Nghĩa nhơn mỏng nhánh
Như cánh chuồn chuồn...
CA DAO
Tôi sống ở Chợ Đại-Cống Thần đã được gần hai tháng. Tôi gặp lại nhiều bạn cũ, có thêm nhiều bạn mới và có thêm một người tình nữa để soạn thêm một bản nhạc tình. Từ khi đi theo kháng chiến thấm thoát đã được ba năm, tôi soạn ra khá nhiều những bản nhạc hùng xưng tụng đầy đủ mọi tầng lớp nhân dân, từ anh Vệ quốc quân qua anh du kích tới người thương binh, từ bà mẹ già qua người vợ hiền tới đàn trẻ nhỏ... Tôi đã cố gắng nói lên những vinh quang của con người Việt Nam, tám mươi năm một thuở, được đem xương máu, mồ hôi và nước mắt ra để đánh đổi lấy tự do và độc lập cho đất nước. Tôi cũng không quên, dù chỉ là một con số quá ít ỏi, soạn ra hai bản nhạc tình. Tôi chịu đựng khá nhiều gian khổ của kháng chiến nhưng tôi cũng được nghỉ ngơi, ăn chơi thoả thích. Nhất là ở vùng Chợ Đại-Cống Thần này... Tôi rất vui.
Nhưng cuộc vui nào rồi cũng có lúc trở thành ra chán. Trong bản "trường ca kháng chiến", đoạn nhạc "phóng túng" trong tôi đã réo lên những câu kết. Tôi đã bắt đầu thấy cảnh Chợ Đại-Cống Thần giống như những hợp âm chuệch choạc của một bản nhạc hào hùng. Tôi lại thèm được thay đổi không khí...
... Một hôm, tới quán Thăng Long, tôi gặp Trần Văn Giầu. Sau khi ôn lại chuyện kháng chiến Nam Bộ, anh ta lại đưa ra một câu hỏi ngắn ngủi giống như câu hỏi của Phạm Thanh Liêm trước đây:
-- Phạm Duy "zô" Nam không?
-- Zô thì zô.
Thì ra cuộc đời của tôi cũng rất là giản dị. Bởi vì tôi muốn nó giản dị. Cho tới lúc này, cuộc Kháng Chiến đối với tôi đẹp đẽ vô cùng bởi vì tôi không bị ràng buộc vào bất cứ một tổ chức nào, một đoàn thể nào hay một cơ quan nào cả. Tôi hoàn toàn độc lập. Không ai bắt tôi phải sáng tác ra sao, phải sống với tác phong nào, phải đi tới đâu, phải ở lại đâu? Tôi định đoạt lấy chương trình hoạt động của tôi, lối sống của tôi, miễn là những hoạt động hay lối sống đó không làm hại cho đại cuộc. Tôi rất thoải mái trong tình yêu nước, yêu người dân, yêu Cách Mạng, yêu Kháng Chiến và yêu... đàn bà. Không phải lúc nào tôi cũng nghiến răng lại để "phục vụ tốt". Khi làm việc thì rất siêng năng. Khi vui chơi được thì cứ vui chơi cho tới khi chán chê thì thôi. Nói tóm lại, tôi tôn thờ hai chữ "Tự Do". Sự tự do của con người cũng quan trọng như sự tự do cho đất nước.
Sinh ra đời là đứa trẻ mồ côi cha, không được gần mẹ nhiều và được vú nuôi rất nuông chiều, tôi là một đứa bé có cái may mắn là không bị ai uốn nắn, bẻ cong hay hay bẻ thẳng ngay từ khi hãy còn thơ ấu. Tôi nhớ rằng mẹ tôi không bao giờ phải dạy tôi bằng roi hay bằng những câu trách mắng nào cả. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ là một đứa bé hư. Tôi chắc chắn chịu ảnh hưởng giáo dục của thiên nhiên, rung động bởi lẽ tạo hoá nhiều hơn là bị nhồi sọ bởi những bài học luân lý của con người.
Khi gần tới tuổi thanh niên và thấy người lớn trong gia đình có vẻ độc tài thì tôi bỏ nhà ra đi. Tôi tự lập thân. Sau nhiều phen phải bó mình trong những công việc mưu sinh, cuối cùng tôi lại có may mắn được làm một nghề rất tự do là nghề hát rong, rồi từ đó tôi là người chỉ thích bay bổng. Tôi đến với Cách Mạng và Kháng Chiến cũng với cái nết thích bay bổng đó. Giống như con chuồn chuồn...
... khi vui nó đậu khi buồn nó bay.
Nói đến con chuồn chuồn, sực nhớ ra chuyện cái tổ. Con chim nào thì cũng đều có tổ, hoặc ở trên những cành cây hay ở trên những mái nhà mà ai nhìn cũng thấy. Con ó, con diều còn làm tổ ở tận đỉnh núi đá. Con rắn, con chuột thì có tổ ở những nơi kín đáo nhưng nếu cần, ta vẫn có thể tìm ra cái tổ của nó. Con người, ngoài tổ ấm ra lại còn có cả tổ quốc nữa. Ngay cả đến con chấy, con rận mà cũng có tổ. Duy chỉ có con chuồn chuồn thì không ai biết cái tổ của nó ở đâu? Nó mới thực là có tự do vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét