TẬP
II CHƯƠNG VIII
PHẬT GIÁO VÀ TỔNG THỐNG DIỆM
Nếu không có vụ tranh
đấu 1963 và nói một cách chung thì Phật giáo chưa có xích mích nào đáng kể đối
với chính quyền Ngô Đình Diệm. (Ngoại trừ những xích mích có tính cách địa
phương xảy ra tại Bình Định vào những năm 1960-1961). Trước năm 1963 Phật
Giáo Việt Nam chỉ là một tập thể bao gồm những cục bộ riêng rẽ. Mà những cục bộ
này cũng không được tổ chức chu đáo (vì bản chất của Phật Giáo là phi tổ chức).
Tuy vậy Phật Giáo Việt Nam cũng bị ảnh hưởng sâu xa bởi sắc thái địa phương bối
cảnh địa dư và nhân sự.
Do đó, Phật giáo đã
thể hiện rõ rệt qua ba “sắc thái sinh hoạt”: Phật Giáo Miền Nam, Phật giáo Miền
Trung và Phật Giáo di cư. Phật giáo Miền Nam gồm Hội Phật Học Nam Việt (Cư
sĩ Mai Thọ Truyền và Chùa Xá Lợi), Giáo Hội Tăng Già Việt Nam (Thượng Tọa Thích
Thiện Hoa chùa Ấn Quang), Phật Giáo nguyên thủy (nhóm Tiểu Thừa chùa Kỳ Viên)
và một số hội đoàn lẻ tẻ khác. Phật Giáo miền Bắc di cư có độ 20.000 người
nhưng không tạo thành một cộng đồng. Phần nhiều Phật Tử đã đi di cư với tư cách
cá nhân và bằng phương tiện cá nhân. Trong số 200.000 người có vào khoảng
50.000 sống rải rác ở các trại định cư. Khoảng 50.000 người sống tại các thị
xã. Còn lại 100.000 người qui tụ tại Sài Gòn. Phật Giáo di cư tại Đô Thành đại
cương có thể chia thành hai nhóm, nhóm thuộc chùa Phổ Quang và Nghĩa Trang Bắc
Việt (Thượng Tọa Thích Trí Dũng). Nhóm đa số thuộc chùa Từ Quang (Thượng Tọa
Thích Tâm Châu).
Riêng Phật Giáo Miền
Trung được coi là một cộng đồng có tổ chức sinh hoạt từ cấp khuôn hội cho đến
trung ương (tức chùa Từ Đàm). Theo thống kê trước năm 1963 Phật Giáo Việt Nam
miền Trung có khoảng 40.000 người với một tổ chức thanh niên và hướng đạo Phật
Tử đáng kể. Sau 1963 thì số Phật giáo miền Trung 800.000 người.
Tổng Hội Phật Giáo
Việt Nam do Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội Chủ. Trên thực tế, Phật Giáo
miền Trung mới là thành phần chủ lực của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Hòa
Thượng Thích Tịnh Khiết là một bậc cao tăng nổi tiếng về đức độ của con người
xuất thế tu đạo. Nhưng tước vị Hội Chủ chỉ là một danh nghĩa tiêu biểu cho tinh
thần hiệp nhứt cao trọng. Quyền hành xử Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam vẫn do các
vị Thượng Tọa Trí Quang và Thiện Minh, xa hơn nữa là các Thượng Tọa Trí
Thủ và Đôn Hậu cùng một số Thượng Tọa, Đại Đức thuộc khuynh hướng dấn thân tích
cực.
Phật Giáo miền Nam
trước năm 1963 luôn luôn giữ thái độ xuất thế không thân chính quyền mà cũng
không chống chính quyền và cũng không hề biểu lộ một thái độ nào có mầu sắc
chính trị và thời thế.
Cư sĩ chánh trí Mai
Thọ Truyền không có một quan hệ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng giữa
ông và Phó TT Thơ lại có nhiều mối tương giao thân hữu.
Ngược lại, Tổng Hội
Phật Giáo Việt Nam miền Trung lại được coi là thân thiện và có những tương giao
tốt đẹp với chính quyền Ngô Đình Diệm qua ông Ngô Đình Cẩn, chính ông Cẩn vẫn
tự hào và lớn tiếng kể công với các ông anh là ông đã nắm được Phật Giáo miền
Trung.
Ông Cẩn thường coi
thành tích này như một điều để “bắt bí” mấy ông anh. Bất cứ một hội nghị
Phật Giáo nào tại ngoại quốc, các Thượng Tọa Miền Trung phải được ưu tiên.
Do đó cũng làm cho
giới chức tại Sài Gòn gặp nhiều cảnh “tréo cẳng ngỗng”. Theo Lương Khải Minh,
vào khoảng năm 1960… TT Diệm đã chấp thuận một danh sách gồm mấy Thượng Tọa và
Cư Sĩ đi tham dự hội nghị Phật Giáo Thế Giới. Các vị này đã được thông báo để
sửa soạn làm giấy thông hành, bỗng nhiên ông Cẩn cho người đem vô Saigon một
danh sách mới đòi cho bằng được phải để mấy vị Thượng Tọa miền Trung tham dự và
nắm chức trưởng phái đoàn.
Ông Cẩn lấy cớ rằng:
Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam do Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội Chủ và trụ
sở đặt tại Huế thì Huế mới là Trung Ương Tổng Hội. Do đó, một Thượng Tọa ở Huế
phải làm trưởng phái đoàn.
Sự việc này quả khó
giải quyết cho nên lại phải trình lên TT Diệm. Ông TT đáp: “Ai đi cũng vậy.
Tôi nghe nói mấy ông Thượng Tọa này tốt lắm. Chắc ông cậu ở ngoài nớ đã biết rõ
họ“. Có lẽ bắt nguồn từ những sự việc này nên Phật Giáo Saigon vẫn rì
rầm là chính quyền không hiểu sao đã ưu đãi các Thầy ở Huế. Nhiều kẻ đa nghi
lại rỉ tai nhau “Thày ấy… là người thân của ông Cẩn mà“.
Đại Úy Bằng, sĩ quan
hầu cận của TT Diệm cũng xác nhận rằng: “không hiểu một lý do gì mà ông Cẩn
lại quá ưu đãi và trọng vọng mấy vị Thượng Tọa ở chùa Từ Đàm“. Đại Úy Bằng
nhớ lại: cũng vào khoảng năm 1960 khi tháp tùng TT Diệm về Phú Cam, ông Cẩn đã
gọi ông Bằng đến dặn dò rất kỹ: “Mi về Saigon gặp ngay anh Tuyến hỏi xem
tuần trước Thầy có mang thơ giới thiệu của tao đến gặp anh ấy không? Mi
bảo anh Tuyến lo ngay cái vụ hồ sơ xin xuất ngoại của Thày Trí Quang” -
Một lát sau, ông Cẩn lại nhắc lần nữa và biểu Bằng tin ra Huế ngay để
ông biết rõ vụ giấy tờ xuất ngoại của mấy Thầy đã đi đến đâu.
Khi về Saigon, Đại Úy
Bằng đến tìm BS Tuyến và nói như vậy. BS Tuyến cho biết là hồ sơ đưa qua phòng
ông Hải rồi: “Có thư của ông Cậu ai mà dám chậm trễ”
Ông Ngô Đình Cẩn tỏ ra
rất tự hào về mối tương quan thân hữu của ông và Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam
tại miền Trung. Do đó, khi nhận được bức công điện cấm treo cờ tôn giáo, ông
Cẩn tỏ ra tức giận không ít.
Bức công điện mang số
9195 đề ngày 6-6-1963 dl cho đến chiều ngày 6, bức công điện đó mới về đến Tòa
Đại Biểu và Tỉnh đường Thừa Thiên. Văn Phòng Cố Vấn Chỉ Đạo của ông Cẩn vẫn
không hay biết một chút nào. Mãi đến sáng ngày 7, người vú già của Đại Úy Minh
đi chợ về, thuật lại: “Ngoài chợ đang xôn xao về việc gì đó. Đồng bào nói rằng
chính phủ cấm không cho Phật giáo treo cờ”. Lúc đó Văn Phòng Cố Vấn Chỉ
Đạo mới rõ và tìm cách gặp ông Cẩn để trình bày tự sự mới hay.
Ông Nguyễn Văn
Đẳng, Tỉnh Trưởng Thừa Thiên vào trình bức công điện kể trên. Với sự hiện diện
của Đại Úy Minh, ông Cẩn băn khoăn…
”Sao lại có
chuyện lạ như thế”.
Đại Úy Minh cũng ngần
ngại:
- Đồng bào các nơi đã
treo hết cờ cả rồi. Bây giờ làm thế nào được.
Ông Đẳng lo ngại:
- Thưa nếu thi hành
bức công điện này, con thấy lôi thôi lắm.
Ông Cẩn bảo Đại Úy
minh hỏi tòa Đại Biểu xem thế nào và yêu cầu xác nhận bức công điện có phải
đúng như thế không? Cầm bức công điện trên tay ông Cẩn vẫn chưa tin là
thực. Ông Cẩn nhắc đi nhắc lại “Quyết định cái gì mà lại lạ lùng như vậy”.
Trong thời gian này,
ông Ngô Đình Cẩn đang bị thất sủng. TT Diệm không còn tín nhiệm ông em như
trước nữa. Trên thực tế, kể từ ngày Đức Cha Ngô Đình Thục trở về Huế thì uy tín
ông Cẩn bắt đầu xuống dốc dần dần… TT Diệm đã quyết định bãi bỏ Văn Phòng Cố
Vấn Chỉ Đạo từ đầu năm 1963 (cho đến tháng 10 năm 1963 tt Diệm mới dứt khoát
bãi bỏ Văn Phòng Cố Vấn Chỉ Đạo có nghĩa ông Cẩn bị loại ra khỏi chính trường
Miền Trung)
Bức công điện trên đây
ông Cẩn chỉ được biết sau khi ông Đằng mang vào. Ông Cẩn bảo Tỉnh Trưởng Thừa
Thiên:
“Đồng bào người ta
treo cờ rồi thì cứ để nguyên như vậy đừng có ra lệnh hạ gì cả”. Ông Cẩn
lại bảo ông Hồ Đắc khương, Đại Biểu Chánh Phủ Trung Nguyên Trung Phần, đánh
điện vào Trung Ương xin hoãn thi hành bức công điện “kỳ quái” này.
Một viên chức có mặt
tại nhà ông Cẩn lúc ấy đều đồng ý phải hoãn thi hành lệnh trên và cứ để đồng
bào Phật tử treo cờ như mọi năm. Đai Úy Minh bàn luận với một số viên chức:
“Tại sao không ra lệnh từ trước mà mãi đến bây giờ mới ra lệnh. Vụ này kẹt cho
tụi mình lắm. Các anh tính sao?”
Ông Cẩn thắc mắc hỏi
ông Đẳng và Hoàng Trọng Bá: “Các Thày dưới Từ Đàm đã biết chưa?” Thực ra,
các Thày cũng như một số đông Phật tử biết tin từ tối hôm trước.
Tất nhiên là phải có
một viên chức nào ở Tòa Tỉnh đã tiết lộ bức công điện trước khi thông báo cho
ông Cẩn.
Sau một hồi thảo luận,
cân nhắc ông Cẩn bảo Tỉnh Trưởng Thừa Thiên: “Chú cho mấy xe thông tin nó đi
thông báo gấp cho đồng bào hay là không có gì thay đổi. Đồng bào cứ treo cờ như
mọi năm”.
Ông Cẩn đồng thời căn
dặn Đại Úy Minh cũng như Hồ Đắc Khương, Hoàng Trọng Bá phải thận trọng hết sức
và làm thế nào để tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra. Mặt khác Văn
Phòng ông Cẩn cũng chỉ thị cho giới chức Cảnh Sát thành phố Huế không được hạ
cờ của đồng bào.
Nói về ông Ngô Đình
Cẩn và Phật giáo, Thượng Tọa Mật Nguyện (thuộc phái Ấn Quang) cho rằng, trong
chín năm chế độ Ngô Đình Diệm, không hiểu trong lòng như thế nào nhưng ngoài
mặt, ông Cẩn tỏ ra thân thiết và tin cậy các Thầy trong Tổng Hội Phật Giáo Việt
Nam (tại Huế). Qua bức công điện cấm treo cờ, thái độ ông Cẩn ngay từ phút đầu
là sửng sốt tức giận. Ông Cẩn than thở với mấy thuộc viên thân cận: “làm như
rứa tao còn mặt mũi nào nói chuyện với người ta” (tức là các Thầy tại chùa
Từ Đàm)
Buổi trưa ngày 7, ông
Cẩn trầm ngâm một cách khó hiểu, ông uống một hơi hết ly rượu lễ và cho gọi ông
Minh vào để tìm hiểu tình hình Huế cho đến giờ phút này vẫn không hề xao động.
Cả một thành phố như
rừng cờ. Số lượng cờ Phật Giáo như càng tăng thêm. Vào buổi chiều ông Cẩn nhận
được báo cáo cho biết khoảng 8:30 sáng (khi Nguyễn Văn Đẳng vào trình bức công
điện) thì lại có mấy Cảnh Sát viên trong Thành Nội kéo nhau đi hạ cờ tại mấy
nhà đồng bào và đã có sự dằng co xô xát. Sau đó được thu xếp êm ngay. Huế nơi
nơi như bừng sống như đang vươn cao trong hương hoa ngào ngạt. Không khí
như ngày hội hoa đăng và như tất cả dành riêng cho ngày Phật giáng thế.
Ông Nguyễn Hữu Cang,
một trong những chiến sĩ trong vụ Phật giáo Huế 63 đã kể lại cho chúng tôi:
“Sáng ngày 7 trong giới đồng bào và các khuôn hội đã xôn xao lắm. Nhất là chúng
tôi lại được tin cho biết chính Đức Cha Ngô Đình Thục đã về tận Saigon thúc đẩy
ông Ngô Đình Nhu ra lệnh “triệt hạ” Phật Giáo. Do đó lại càng khiến mọi Phật tử
sôi động, bất mãn” Nguyễn Hữu Cang cho biết thêm: “trưa ngày 7, khi được
tin chính quyền cho Cảnh Sát đi hạ cờ và xé cờ Phật Giáo tại mấy khuôn hội thì
dư luận lại càng thêm sôi nổi phẫn uất. Nhất là giới bạn hàng chợ Đông Ba. Có
thể nói giới bạn hàng này mới là thành phần đi tiên phong trong vụ tranh đấu kể
từ ngày 7 chứ không phải chỉ riêng ngày 8″.
Nguyễn Hữu Cang cũng
công nhận rằng: “anh có nghe thấy xe thông tin đi loan báo là đồng bào cứ
treo cờ như thường lệ. Tuy nhiên lúc bấy giờ bao nhiêu dồn nén trong quần
chúng được khơi dậy và chỉ chờ đợi giây phút nổ tung”.
Các hội đoàn và quân
đội đều nhận được mọt lệnh sửa soạn dể tranh đấu đòi quyền bình đẳng tôn giáo,
đối tượng cho sự đấu tranh như vậy quả là hấp dẫn và dễ dàng lôi cuốn được mọi
giới Phật Tử.
Khoảng 6 giờ chiều,
một số công chức tòng sự tại Tòa Đại Biểu không đến Tòa Hành Chánh Thừa Thiên
và ở đây cũng có một số công chức thuộc Tỉnh Đường tụ tập bàn tán xôn xao về
bức công điện cấm treo cờ, đồng thời cũng vào khoảng một ngàn đồng bào cùng với
một số đông Thượng Tọa Đại Đức kéo đến Tòa Hành Chánh để tỏ thái độ trong đó có
Thượng Tọa Đôn Hậu, Trí Quang.
Không khí lúc ấy đã
nhuốm mầu tranh đấu. Anh Nguyễn Hữu Cang cũng có mặt trong đó. Ngày nay
tuy đã quên nhiều chi tiết nhưng anh vẫn còn giữ nguyên giây phút ngọn lửa
hồng cháy rực. Anh nói: “Khi nghe tin cờ Phật bị xé tôi có cảm tưởng như chính
tổ tiên mình bị chính quyền chà đạp. Lúc ấy dù có phải chết cho đạo pháp tôi
cũng bằng lòng.”
Trong một không khí
sôi động như vậy Thượng Tọa Trí Quang xuất hiện cùng với mấy Thượng Tọa khác
như Thượng Tọa Trí Thủ, Thiện Minh.
Về phía chính quyền
thì có ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đẳng, ông Phó Tỉnh Trưởng Hành Chính, ông
Phong Trưởng Ty Cảnh Sát thành phố Huế… Lát sau, Thiếu Tá Đặng Sỹ – Phó Tỉnh
Trưởng Nội An lái xe đến. Ông này mới đi hành quân về từ chiều ngày 6. Khi được
cấp báo đồng bào Phật tử đang biểu tình ở Tỉnh Đường, Thiếu Tá Sỹ vội vã lái xe
đến.
Lúc ấy Thượng Tọa Trí
Quang với một vẻ xúc động mạnh, lên tiếng gay gắt phản đối bức công điện cấm
treo cờ tôn giáo. Ông Đẳng cho các Thượng Tọa biết chính quyền đã hoãn thi hành
bức công điện này và xin các Thượng Tọa cứ an tâm. Mọi sự đều như mọi năm không
có gì thay đổi.
Tuy vậy, Thượng Tọa
Trí Quang vẫn giữ vẻ tức giận và lên tiếng phản đối chính quyền Thừa Thiên tại
sao sáng 7 đã cho Cảnh Sát hạ cờ Phật giáo và tại một vài nơi Cảnh Sát xé cờ
Phật giáo.
Ông Đẳng quay sang hỏi
ông Phong Trưởng ty cảnh Sát xem sự thể hư thực thế nào. Ông Phong lên tiếng:
“Tôi quả quyết không có chuyện đó”. Ông Phong lại nhấn mạnh thêm: “Tôi quả
quyết với các Thày không có chuyện xé cờ” Thiếu Tá Sỹ lên tiếng: “Nếu có
chuyện xảy ra như vậy xin Thày cho biết rõ nơi nào Cảnh Sát đã xé cờ tôi sẽ cho
điều tra và trừng trị ngay”.
Ông Phong lại một lần
nữa quả quyết không có chuyện như vậy. Ông Phong xin Thượng Tọa Trí Quang nêu
lên một vài chứng cớ. Thượng Tọa Trí Quang đáp: “Tôi nghe đồng bào Phật Tử nói
như vậy”.
Ông Phong lại thỉnh
cầu: “Xin Thày cho biết rõ nơi xảy ra chuyện. xé cờ thuộc về khuôn hội nào, khu
phố nào để chúng tôi mở cuộc điều tra”.
Thượng Tọa Trí
Quang lắc đầu không tiết lộ và nói đại ý:
“Tôi không thể cho các
ông biết rõ được. Tôi cho các ông biết để rồi Công an Cảnh sát đến làm phiền
đồng bào Phật tử rồi tính sao đây”?
Cuối cùng Thượng Tọa
Trí Quang tỏ vẻ lo ngại: “Hiện nay chúng tôi rất hoang mang không hiểu
chính quyền sẽ đàn áp chúng tôi khi nào?”
Ông Nguyễn Văn Đẳng
vẫn “xuống nước” thỉnh cầu các Thượng Tọa yên tâm trở về chùa và ngày mai mọi
sự sẽ tiến hành tốt đẹp như mọi năm. Thượng Tọa Trí Quang vẫn lo ngại:
“Mai này đồng bào Phật Tử sẽ tổ chức rước kiệu chúng tôi đã sửa soạn đâu vào
đấy cả rồi chúng tôi rất hoang mang”.
Hai bên chính quyền và
các Thượng Tọa cứ vòng vo bàn cãi cuối cùng chính quyền Thừa Thiên phải nhượng
bộ bằng cách gọi điện thoại ngay cho ông Trưởng Ty Thông Tin cho ba xe có máy
phòng thanh đến Tòa Tỉnh. Ông Nguyễn Văn Đẳng đề nghị các Thượng Tọa cho cán bộ
Phật Tử của mình đi theo xe và chính các cán bộ này chia nhau đi khắp khu phố
để loan báo cho đồng bào rõ ngày 8-5 sẽ không có gì thay đổi, đồng bào cứ đi
hành lễ như chương trình đã ấn định. Kết quả các Thượng Tọa cũng bằng lòng như
vậy. Khoảng 9 giờ đêm đám đông mới giải tán và mọi chuyện tưởng đã được giải
quyết tạm thời êm đẹp. Ba xe Thông tin chia nhau đi vào các khu phố để làm phận
sự như chính quyền và các Thượng Tọa đã thỏa thuận.
Theo Nguyễn Hữu Cang
đêm 7 là một đêm không ngủ. Cang cũng như một số Phật Tử khác thừa hành lệnh
trên đi kẻ banderoles và quay ronéo những bản văn đòi chính quyền thực thi
quyền bình đẳng tôn giáo.
Giới An Ninh Quân Đội
khu XI chiến thuật đã “cảm thấy” những hiện tượng đáng lo ngại. Có lẽ vì
vậy, đêm 7, Đại Tá Đỗ Cao Trí ra lệnh cấm trại.
Đêm 7 vẫn bình thường.
Không một ai ngờ được rằng chỉ một ngày sau Huế nổ tung mở đầu cho một biến
chuyển lịch sử.
Sau cuộc thảo thuận
với các Thượng Tọa tại Tòa Hành Chánh Thừa Thiên, ông Cẩn không còn gì băn
khoăn, ông dặn dò mấy người thân cận: “các Thày họ đòi hỏi như thế cũng là
phải. Ngày lễ của người ta. Nếu có gì quá găng thì bọn bay tìm ông Nghiêm không
có thì gọi cho Lê Trọng Quát hoặc tìm Hà Thúc Luyện”. Ngay đêm đó, ông Cẩn đã nhận
được báo cáo là mọi chuyện đã được giải quyết êm đẹp. Ông Cẩn tin tưởng sẽ
không còn chuyện gì xảy ra nữa vì ông vẫn tự hào được các Thày chùa Từ Đàm
trọng nể và tin ông. Hơn nữa, những người ruột của ông Cẩn lại là những Phật tử
có nhiều tương quan mật thiết với các Thày như Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, có họ
hàng rất gần với Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết. Ông Lê Trọng Quát lại là
một Phật tử quy y nơi Thượng Tọa Đôn Hậu, ông Hà Thúc Luyện vốn từ xưa đóng vai
trò giao liên giữa ông Cẩn và mấy Thày. Đó là sự tự hào và tin tưởng chủ quan
của ông Cẩn. Trong khi đó bức công điện cấm treo cờ trở nên một đối tượng khích
động quần chúng. Nguồn tin Cảnh Sát xé cờ lại là những yếu tố ngoại quan đập
mạnh vào lòng hiếu động của quần chúng mà quần chúng là những khối quần chúng
có tổ chức (masse organisée) như Phật Tử, Thiên Chúa Giáo vốn không biết suy
nghĩ và lý luận vì chỉ là một khối người cho nên từ sự thật “cấm treo cờ” đã dễ
dàng liên tưởng đến sự hạ cờ và xé cờ thì chả có gì vô lý cả. Rồi đến một đối tượng
cao hơn như đấu tranh cho quyền bình đẳng tôn giáo bỗng nhiên đối tượng ấy trở
nên thần bí, ly kỳ. Những biến cố lớn của lịch sử lại thường được tạo hình
thì những tiêu ngữ ly kỳ thần bí quả là những đối tượng đầy những huyền thoại.
Vì lẽ đó bất cứ trong một biến cố nào của lịch sử cái hư bao giờ cũng chiếm
phần ưu thế và thủ một vai trò quan trọng hơn sự thực rất nhiều.
NGÀY LỊCH SỬ 7-5-1963 (âm lịch)
Không một người Việt
Nam nào có thể ngờ rằng, ngày ấy và bức công điện ấy đã cắm một cái mốc khởi
điểm cho một tấm thảm kịch bi thương nhất của lịch sử Việt Nam.
Trần Khôi hồi tưởng
lại những ngày khi ông ra Huế thanh tra trước ngày 8-5 khoảng mấy ngày. Bây giờ
nghĩ lại ông Khôi chợt bàng hoàng về một sự trùng hợp như là ngẫu nhiên và tự
hối. Người Mỹ muốn gì ở Việt Nam?
Vốn quen biết với Đại
Tá Conein trong thời gian thuộc Bộ Nội Vụ trước khi ra Huế, Khôi tình cờ gặp
lại Conein. Ông Conein khoe:
- Do sự thuyết phục
của tôi, TT Diệm mới chịu thi hành dân chủ tại ấp xã.
Kể từ ngày đó xã ấp
đều do dân chúng trực tiếp bầu theo lối phổ thông đầu phiếu.
Biết rõ bản tính
Conein nên ông Khôi nghĩ bụng “Thằng cha thuộc loại nói dóc tay
tổ”. Conein còn nói thêm:
Chính phủ VNCH còn
phải thi hành nhiều cải tổ quan trọng nữa mới thắng được Cộng sản. Chính quyền
này thiếu dân chủ. Rồi Conein lại nhấn mạnh: “Tôi có cảm tưởng Chính phủ Việt
Nam là chính phủ của những người Công Giáo.”
Anh ra Huế thì biết.
Tôi sẽ giới thiệu anh với Johnson, đàn em của tôi đang giúp Hoàng Trọng Bá huấn
luyện lực lượng Nhân Dân Võ Trang. Conein nói với Khôi như một lần giải bày bày
tâm sự:
- Dư luận Mỹ đang bất
lợi cho Việt Nam, muốn chống CS thì phải huy động lực lượng Phật Giáo không
phải chỉ một chính quyền Công Giáo. Phật Giáo sẽ (saboter) chính phủ.
Ông ra Huế thì biết ở
đó chỉ là một vương quốc của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục (Empire de
l’archevèque Ngô Đình Thục).
Ông Khôi lấy làm lạ
lùng về thái độ của Connei, một người Mỹ đã có kinh nghiệm gần 30 năm tại Việt
nam không hiểu suy luận từ một sự kiện nào. Conein lại nhất đán cho rằng chính quyền
Ngô Đình Diệm là một chính quyền của người Công Giáo. Ông Khôi biết bụng vậy
thôi và khi ra Huế đúng vào dịp Huế đang tưng bừng đón Phật Đản và đồng thời
đang sôi động về bức công điện cấm treo cờ.
Theo lời Trần Khôi,
quan sát ngay tai chỗ về vụ nổ ở Đài Phát Thanh Huế sẽ không đủ cho ta những
lập luận có thể tin được là CIA hay CS đã nhúng tay vào biến cố 8-5. Nhưng về
phía Mỹ, qua những cuộc đối thoại trao đổi thì ta lại dễ dàng cảm thấy (bằng
trực giác) là Mỹ đã có thể nhúng tay và qua nhiều ngẫu nhiên trùng hợp thì quả
là người Mỹ đã “ra tay hành động”.
Buổi tối 7-5, ông Khôi
được mời dùng cơm tại nhà một viên chức Mỹ. Trong bữa cơm đó, ông gặp Johnson,
ông Phó Lãnh sự Mỹ, một Bác Sĩ người Đức tại trường Đại Học Y Khoa Huế và một
người Việt Nam tự giới thiệu là Giáo Sư trường Đại Học Văn Khoa Huế. Khôi ngồi
cạnh Johnson, ông ghi nhận rằng Johnson là một người Mỹ tốt, ông Khôi không
thấy Johnson khen chê chính quyền. Nhưng luận điệu của ông Phó Lãnh Sự Mỹ cũng
tương tự như Conein. Đề cập đến Phật Giáo, ông Phó Lãnh Sự Mỹ nói đại ý:
- Phật Giáo là lực
lượng rất lớn lao. Nhưng Phật Giáo không tham gia vào công cuộc chống Cộng nên
chính phủ VN không mở rộng cho Phật Giáo tham dự.
Nghe nói như vậy, ông
Khôi phản đối:
- Quan niệm của ông
Phó Lãnh Sự có phần không đúng. Tôi là Phật giáo . Ông Tỉnh Trưởng ở đây, ông
Tướng Tư Lệnh vùng cũng đều là Phật Giáo. Phó Tổng Thống cũng là Phật Giáo.
Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cũng là Phật Giáo.
Ông Phó Lãnh sự mỉm
cười không đáp. Một lát sau, viên chức Mỹ Warren Smith lên tiếng công kích nặng
nề việc làm của Nha Công Tác Miền Thượng. Viên chức Smith cho rằng chính quyền
Việt Nam đang thực hiện kế hoạch VN hóa và Công Giáo hóa tất cả đồng bào Thượng
và nhất là Nha này đã xâm phạm chủ quyền Vương Quốc Lào và quyền “tự quyết” của
các sắc tộc Thượng.
Bữa cơm hôm đó, các
viên chức Mỹ, Smith và nhất là ông Phó Lãnh sự đã công kích chính quyền Ngô
Đình Diệm khá mạnh mẽ về vấn đề Phật Giáo. Đề cập đến vụ biểu tình tại Tòa Tỉnh
Trưởng Thừa Thiên chiều mùng 7, ông Phó Lãnh Sự Mỹ cho rằng: “Nếu chính quyền
Ngô Đình Diệm không chịu “liên hiệp” (?) với Phật Giáo tham chánh thì Phật Giáo
sẽ đứng lên tranh đấu”.
Cũng từ ngày 7- 5, có
một người Mỹ ở Đà Nẵng cấp tốc ra Huế. Đó là Đại Úy Scott. Tất nhiên là không
ai để ý đến ông ta.
Nhưng Đại Úy Scott ra
Huế để thực hiện một công tác trọng đại có thể do Trung Ương Tình Báo Mỹ trao
phó cho ông ta.
(Năm 1965, Đại Úy
Scott trở thành sĩ quan cố vấn của Tiểu Đoàn 1/3 Sư Đoàn 1 BB. Trong cuộc hành
quân tại vùng Nam Đồng, Scott trong lúc đau buồn bất mãn tiết lộ công tác mà
ông đã thực hiện ngày 8-5-1963)
Tại Sài Gòn , không có
một chuyện đáng tiếc nào xảy ra trong hai ngày 7, 8. Sáng ngày 8, Lương Khải
Minh được mấy người bạn cho biết, phía bên chùa Xá Lợi đang có chuyện bất mãn
với chính quyền về vụ cấm treo cờ Phật Đản. Lúc ấy ông ta mới hay và rất ngạc
nhiên.
Lương Khải Minh thầm
nghĩ: “Trong tình thế này cấm đoán làm chi cho dù là hợp lý. Vụ cờ Vatican rồi
vụ cờ Phật Giáo, chế độ càng ngày tạo thêm mâu thuẫn.”
Và Cộng Sản thì chỉ
mong có thế. Sáng sớm, Thượng Tọa Trí Dũng và một vị Thượng Tọa khác có lại
thăm Bác Sĩ Tuyến tại nhà riêng và yêu cầu ông can thiệp làm thế nào để chính
quyền đình chỉ thi hành bức công điện cấm treo cờ. BS Tuyến gọi điện thoại hỏi
ông Đoàn Thêm (Đổng Lý Văn Phòng Bộ PTT) Ông Đoàn Thêm xác nhận là có bức công
điện đó và do nơi ông Đổng Lý PTT Quách Tòng Đức gởi đi (ông Quách Tòng Đức thi
hành khẩu lệnh của TT Ngô Đình Diệm).
Sự việc đã xảy ra như
vậy, biết làm thế nào?
Tại Saigon, Lương Khải
Minh tự động giải quyết theo đường lối tình cảm cá nhân. Quận 3 là nơi tập
trung rất nhiều chùa chiền và là những chùa lớn như Xá Lợi, Kỳ Viên… Từ tư
thất, BS Tuyến gọi Trung Tá Phó Đô Trưởng Nội An và ông Cảnh Sát Trưởng Quận 3
(bây giờ là cò Kính) và yêu cầu hết sức thận trọng “nơi nào đã treo cờ rồi cứ
để yên đó đừng cho Cảnh Sát hạ cờ xuống. Nơi nào đồng bào Phật tử chưa treo thì
tìm lời nói khéo léo với họ xin thông cảm”.
Nhờ sự sốt sắng và
quan tâm của Cảnh Sát thuộc 7 quận Đô Thành cho nên vụ cờ Phật Giáo đã không
gây ra những chuyện đáng tiếc tại Sài Gòn. Lễ Phật Đản cử hành như mọi năm.
BÀI THUYẾT PHÁP NẢY LỬA
Ngày 8-5, từ sớm tinh
mơ, Huế đã trở mình thức dậy giữa một rừng cờ. Đồng bào Phật Tử trong khắp
thành phố nhất tề áo quần bảnh bao sửa soạn kéo nhau về Chùa Từ Đàm dự đại lễ.
Anh Nguyễn Hữu Cang trong một tâm trạng náo nức.
Nguyễn Hữu Cang đã
được bạn rỉ tai từ hôm trước là sáng nay có thể chính quyền đàn áp Phật Tử và
ngăn chặn không cho rước kiệu Phật. Song cũng vì nguồn tin như vậy nên số Phật
Tử đi dự lễ càng đông hơn và càng hăng say.
Từ 8 giờ trên các ngả
đường thành phố Huế tấp nập những người, từ Đập Đá, từ An Cựu, từ Gia Hội, từ
Diệu Đế… Hàng ngàn Phật Tử rước kiệu Phật tiến về Lễ Đài thiết lập tại Chùa Từ
Đàm.
Khoảng 9 giờ, Đại Úy
Minh vào gặp ông Cẩn và tin cho ông Cẩn hay, mọi chuyện rước sách đã diễn ra
rất tốt đẹp.
Thiếu Tướng Lê Văn
Nghiêm cũng như ông Đại Biểu Hồ Đắc Khương, ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đẳng đều
khăn đóng áo dài đến chùa Từ Đàm dự lễ vừa với tư cách chính quyền vừa với tư
cách Phật Tử.
Trước đó, một đoàn
người ước chừng 500 từ Gia Hội rước Phật qua Từ Đàm, khi đi ngang Tòa Đại Biểu
thì dừng lại, năm bảy chiếc biểu ngữ được dương lên. Không khí bắt đầu sôi nổi.
Trong số biểu ngữ đó
có khẩu hiệu như là đòi chính quyền thực thi quyền Bình Đẳng Tôn Giáo và lên án
kỳ thị Tôn Giáo.
Đoàn người dừng lại
một lúc lâu có nhiều tiếng la ó và đả đảo. Sau đó đoàn người lại thẳng bước
tiến về lễ đài. Theo Nguyễn Hữu Cang thì hôm ấy, thanh niên và hướng đạo Phật
tử đã nhận được lệnh là luôn luôn đề cao cảnh giác và chính quyền có thể đàn áp
bất cứ lúc nào.
Trong buổi lễ Thượng
Tọa Trí Quang đăng đàn thuyết giảng. Bao nhiêu ngàn Phật Tử im lặng như tờ.
Phật tử vừa thích thú vừa hồi hộp vừa ngạc nhiên, Thượng tọa Trí Quang nói hay
quá hấp dẫn và nồng nàn. Thượng Tọa lên tiếng công kích chính quyền rất nặng nề
và tố cáo sự kỳ thị tôn giáo, bất bình đẳng tôn giáo. Tóm lại, bài thuyết giảng
đó vừa công kích chính quyền vừa có tính cách kêu gọi Phật Giáo tranh đấu cho
Phật Pháp và “đòi quyền bình đẳng tôn giáo”
Tội nghiệp cho ba “ông
lớn” của chính quyền một phen “rụng tim”. Ba “ông lớn” thất sắc đưa
mắt nhỉn nhau và đành lắc đầu chịu trận. Thiếu Tướng Nghiêm cho rằng Thầy Trí
Quang công kích chính quyền quá nặng, đang dự lễ chả lẽ ông bỏ ngang ra về. Bài
thuyết giảng của Thượng Tọa Trí Quang được cơ quan an ninh thu băng.
Khi tan lễ, Thiếu
Tướng Nghiêm cũng như ông Đẳng và ông Khương cùng kéo nhau đến tư dinh ông Cẩn
và mỗi người lần lượt trình bày về nội dung bài thuyết pháp của Thượng Tọa Trí
Quang. Ông Cẩn thắc mắc nói với mọi người: “Tại sao Thầy Trí Quang lại cư xử
với mình như vậy?” Có thể nói, ông Cẩn ngạc nhiên về bài thuyết pháp của
Thượng Tọa Trí Quang. Lúc đầu nghe nói ông vẫn không tin “làm gì có chuyện đó”.
Mãi lúc sau khi nghe hết cuộn băng, ông Cẩn chỉ lắc đầu, than như bọng.
Về phía đồng bào Phật
Tử tinh thần bỗng lên cao và càng thêm hăng say nhờ bài thuyết pháp của Thượng
Tọa Trí Quang.
Theo Nguyễn Hữu Cang,
sau khi nghe Thượng Tọa Trí Quang thuyết pháp như vậy, anh cũng như bạn bè anh
và nhất là giới Phât Tử lao động và học sinh, sinh viên bỗng nhiên cảm thấy
phẫn uất và thấy cần phải làm một cái gì. Cơn giông tố bắt đầu nổi lên.
Vào khoảng 7 giờ 30,
đồng bào tụ tập tại chùa Từ Đàm chen chân không nổi. Bỗng nhiên ban tổ chức cho
biết, chương trình được thay đổi và không có đốt pháo bông như đã dự định.
Đồng bào được mời về
tập trung tại Đài Phát Thanh phía cầu Tràng Tiền. Ban tổ chức cho biết đồng bào
hãy tập trung quanh vùng Morin, để đón đoàn xe hoa từ Đà Nẵng ra tham dự. Đồng
bào Phật Tử lại chen nhau đổ xô về địa điểm đã định. Ai nấy đều nao nức, mong
chờ đoàn xe hoa từ Đà Nẵng tiến ra.
Tại Đài Phát Thanh,
ông Quản Đốc Ngô Ganh đang sửa soạn để phát chương trình Lễ Phật Đản vào lúc 8
giờ 15. Chương trình đã thu thanh từ trước và đã được kiểm duyệt theo thể
lệ chung. Linh tính cho ông biết có lẽ sắp có chuyện gì chẳng lành. Đồng bào
tập trung quanh Đài Phát Thanh đông quá sức tưởng tượng. Nhân viên của đài vẫn
yên trí làm việc vì cho rằng đồng bào đến để nghe phát thanh chương trình đặc
biệt về Lễ Phật Đản, giản dị chỉ có thế thôi.
Nhưng sau đó, có mấy
ông Thượng Tọa, Đại Đức và một số thanh niên Phật tử vào thẳng văn phòng ông
Quản Đốc yêu cầu được thay đổi chương trình phát thanh. Thay vì cho phát thanh
chương trình đã được thu thanh kiểm duyệt, Ban Tổ Chức yêu cầu ông Quản Đốc cho
truyền thanh trực tiếp buổi lễ ban sáng kể cả bài thuyết pháp của Thượng Tọa
Trí Quang mà ban tổ chức đã thu băng. Quản Đốc Ngô Ganh từ chối với lý do ông
chỉ được phép cho truyền thanh những cuộn băng nào đã được kiểm duyệt còn vấn
đề trực tiếp truyền thanh buổi lễ thì ông không thể thỏa mãn. Ban tổ chức cương
quyết đòi hỏi phải được truyền thanh theo chương trình trong cuốn băng của Ban
tổ chức. Bên ngoài Phật tử và đồng bào tập trung mỗi lúc một đông và tựa như
từng lớp sóng người trong vùng biển động.
Ngô Ganh điện thoại
cho từng cấp liên lạc để báo cáo sự tình. Đôi bên vẫn dằng co.
Về phía chính quyền từ
lúc 5 giờ chiều, cơ quan an ninh đã nhận được nguồn tin mật là tối nay các Thày
sẽ làm áp lực buộc Đài Phát Thanh phải cho trực tiếp truyền thanh cuộn băng ghi
lời thuyết pháp ban sáng của Thượng Tọa Trí Quang – Thiếu Tá Đặng Sỹ Phó Tỉnh
Trưởng Nội An đi tìm ông Tỉnh Trưởng để tường trình nội vụ. Nhưng ông Sỹ không
làm sao tìm ra ông Đẳng. Ông Sỹ cho người đến nhà vợ nhỏ ông Đẳng cũng không
thấy ông đâu.
Cuối cùng Thiếu Tá Sỹ
đến văn phòng ông Cẩn thì lúc ấy ông Lê Văn Đạm (Đổng lý Tòa Đại Biểu) và ông
Đẳng cũng vừa tới. Ông Sỹ trình bày qua loa về hiện tình, ông Đẳng cho biết ông
đã gặp Thượng Tọa Trí Quang và nói: “cứ yên trí không có chuyện gì đâu. Sau đó
hai ông Đạm và ông Đẳng vào gặp riêng ông Cẩn. Ông Cẩn cho rằng: “Nếu có rứa
thì sao bây chừ… vậy cố gắng sao nói với Thầy Trí Quang bỏ qua đi”
Tình hình Đài Phát
Thanh lúc ấy hết sức căng thẳng. Đồng bào Phật Tử đã tràn vào tới sân, nhiều
tiếng la lối, hò hét. Ngô Ganh gọi điện thoại cho Thiếu Tá Sỹ cầu cứu. Thiếu Tá
phải can thiệp gấp, họ chiếm đài bây giờ đây này. Rồi cứ năm phút Thiếu Tá Sỹ
lại nhận được điện thoại của Ngô Ganh. “Thiếu Tá không can thiệp gấp thì họ chiếm
Đài, họ giết tôi đó”. Ông Sỹ cũng không biết làm thế nào, đành trấn an Ngô
Ganh: “Anh cứ yên trí, không sao đâu, tôi ra ngay”. Sự thực lúc ấy Thiếu Tá Sỹ
cũng như văn phòng ông Cẩn cũng chưa biết giải quyết như thế nào cho êm đẹp.
Tình thế quá gấp rút,
ông Nguyễn Văn Đẳng bảo Thiếu Tá Sỹ “bây giờ chỉ còn cách giải tán, Thiếu Tá lo
dùm tôi đi”.
Ông Sỹ trả lời: “Tôi
làm ngay nhưng ông Tỉnh Trưởng cho lệnh đã”. Ông Đẳng có vẻ mất bình tĩnh.
Tin tức cho biết, Đài Phát Thanh có thể mất đến nơi. Ông Đẳng bào Thiếu Tá Sỹ
“Thiếu Tá lo gấp dùm tôi. Ký một giấy chứ hàng trăm giấy tôi cũng ký”. Thiếu Tá
Sỹ ngần ngại : “Tôi thi hành lệnh giải tán với tư cách nào? Phó Tỉnh trưởng nội
an hay Tiểu Khu Trưởng?” Ông Đẳng chưa biết trả lời sao thì ông Sỹ giải thích:
“Nếu với tư cách Phó Nội An thì tôi chỉ có một ít Cảnh Sát, công an và hai đại
đội địa phương quân”. Ông Đẳng vui vẻ: “Thiếu Tá thi hành theo tư cách
tiểu khu trưởng đi”. Ông Đẳng không quên vấn đề giấy tờ và nói: “Thiếu Tá về
Tiểu khu làm giấy tờ đi rồi tôi ký sau”. Theo dụ 57. Tỉnh Trưởng ngoài
chức Trưởng hành chính còn giữa trách nhiệm trưởng an ninh lãnh thổ. Như vậy,
giải tán cuộc biểu tình tại Đài Phát Thanh đều thuộc thẩm quyền tối thượng của
Tỉnh Trưởng Thừa Thiên.
Sau khi nhận lệnh của
ông Đẳng, Thiếu Tá Sỹ gọi điện thoại về Đà Nẵng trình nội vụ lên Thiếu Tướng
Nghiêm Tư Lệnh Vùng I Chiến Thuật. Tướng Nghiêm tỏ vẻ lo lắng và ra lệnh cho
ông Sỹ “Anh phải lo giải tán ngay còn chần chờ gì nữa… Nếu họ chiếm được Đài
Phát Thanh, Việt Cộng nó lợi dụng phá Đài rồi làm sao đây?” Thiếu Tá Sỹ
trình bày: “hiện nay Tiểu Khu Thừa Thiên không có đủ phương tiện, xin Thiếu
Tướng cho phương tiện “. Thiếu Tướng Nghiêm đồng ý cho Tiểu Khu Thừa Thiên được
xử dụng phương tiện thuộc khu và vùng chiến thuật đặt dưới quyền Tư Lệnh của
Thiếu Tướng Nghiêm.
Như vậy là đã có sự
đồng ý của ông Vùng. Thiếu Tá Sỹ gọi điện thoại xin lệnh của ông Tư Lệnh Sư
Đoàn I Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu XI chiến thuật. Đại Tá Đỗ Cao Trí đã bay về Sài
Gòn từ chiều và chỉ còn Trung Tá Lê Quan Hiền Tư Lệnh Phó . Sau khi trình bày
nội vụ, Thiếu Tá Sỹ xin lệnh và ý kiến thì Trung Tá Hiền sốt sắng đồng ý ngay:
“Tôi cho anh xử dụng đại đội Thiên Hổ” Đại đội trừ bị của Sư Đoàn I nổi tiếng
là thiện chiến do Thiếu Úy Phú làm Đại Đội Trưởng. Thiếu Tá Nguyễn Hộ Tham Mưu
Trưởng Sư Đoàn cũng có mặt tại Bộ Tư Lệnh cũng đồng ý để ông Sỹ xử dụng lực
lượng trừ bị của Sư Đoàn. Thiếu Tá Nguyễn Hộ bảo ông Sỹ: “Anh cứ làm đi, Thiếu
Úy Phú đến trình diện anh ngay bây giờ”
Thiếu Tá Sỹ lại
gọi điện thoại cho Thiếu Tướng Nghiêm báo cáo diễn tiến của nội vụ. Ông Nghiêm
ra lệnh: “Phải lo giải tán gấp đi. Tôi cho anh Đại Đội khóa sinh C1 và một
Đại Đội Thiết Giáp đang hành quân tại Phú Lộc” Hai đại đội này đều trực
thuộc cấp vùng. Thiếu Tá Sỹ trở về Tiểu Khu Thừa Thiên và gọi điện thoại
cho Thiếu Tá Vĩnh Biểu (chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Phú Bài): “Anh cho
tôi xin một Đại Đội, anh cho lên Tiểu Khu gấp, Thiếu Tướng đã nói gì với anh
chưa? “ Thiếu Tá Biểu xác nhận được lệnh của Thiếu Tướng Nghiêm qua Đại Úy
Thiết, Chánh văn phòng của Tư Lệnh Vùng I.
Thiếu Tá Vĩnh Biểu cho
biết là đại đội khóa sinh C1 đang sửa soạn lên xe trực chỉ tiểu khu. Kể từ lúc
này Thiếu Tá Sỹ đã có một lực lượng khá hùng hậu gồm đại dội Thiên Hổ, Đại đội
C1, đại đội Quân Trấn, chi đội cơ giới Bảo An (do Trung Úy Kỳ chỉ huy, sau năm
63 ông Kỳ bị bắn chết một cách rất ly kỳ sẽ nói vào đoạn sau), Đại đội Thiết
Giáp và một số Hiến Binh Quân Cảnh thuộc Quân Trấn.
Bộ Tham Mưu của ông Sỹ
có mặt Đại Úy Lê Nguyên Phu (Tiểu Khu Phó) Đại Úy Nguyễn Kinh Lược (Tỉnh Đoàn
Trưởng Bảo An) Đại Úy Lê Duy Hiền (Tham mưu trưởng).
Tuy đã nhận được lệnh
đầy đủ từ ba phía liên hệ (Tỉnh Trưởng, Vùng, Khu Chiến Thuật) ông Sỹ cũng như
các sĩ quan hiện diện đều băn khoăn do dự. Riêng ông Sỹ lại khó xử hơn cả vì
ông mắc vào hai cái kẹt: là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, gia đình bên vợ lại là
Phật Giáo (bà mẹ vợ ông Sỹ thuộc hàng tu tại gia và thọ giới trai). Các sĩ quan
hiện diện đều đồng ý là phải hết sức thận trọng, đây là vấn đề thuộc phạm vi
tôn giáo vì dù có giải tán một cách êm đẹp cũng vẫn bị mang tiếng là đàn áp.
Nếu thất bại để mất Đài Phát Thanh thì hậu quả sẽ không biết như thế nào.
Các đơn vị đã tập họp
đầy đủ tại sân tiểu khu, ông Sỹ ra trước hàng quân giải thích cho quân nhân các
cấp rõ và ra lệnh dùng súng Garant tay cầm ngang trước mặt và chỉ lấy sức mạnh
xô đồng bào, tuyệt đối không được dùng lưỡi lê đâm và cũng không được phép nổ
súng. Bộ Tham Mưu chọn 10 người và chỉ 10 người này mới được phép bắn. Đại Úy
Lược lưu ý: chỉ được bắn chỉ thiên mà thôi. Khi nào nghe thấy Thiếu Tá báo hiệu
lệnh thì mới được nổ.” Ngoài 10 người đã được chỉ định không có một quân nhân
nào được phép xử dụng đạn nổ. Bộ Tham Mưu lại chọn 15 quân nhân khác, phân phối
cho 15 địa điểm và mỗi quân nhân được phát một trái lựu đạn MK3. Đây là lựu đạn
thuộc loại huấn luyện có mục đích làm cho tân binh quen với tiếng nổ. Lựu đạn
MK3 cũng dùng khi tấn công địch nhưng MK3 không có tác dụng giết người và nếu
đứng gần chỗ nổ sẽ chói tai long óc và có thể bị thương nhẹ.
Đại Úy Phu nhắc lại
lệnh của Thiếu Tá Sỹ: “Các anh em xử dụng lựu đạn phải nhớ hai tiêu chuẩn: 1
chỉ ném khi có súng lệnh của Thiếu Tá, 2 chọn nơi nào không có người mới được
ném thí dụ như ném vào bãi cỏ, gốc cây”.
Trong khi Bộ Tham Mưu
của Tiểu Khu còn đang bàn thảo kế hoạch đối phó thì Đài Phát Thanh bắt đầu lâm
nguy trầm trọng. Gạch đá bay vun vút. Trung Tá Thưởng, Giám đốc Nha Công An
TNTP gọi điện thoại cho Thiếu Tá Sỹ, giọng bẳn gắt : “Anh còn chần chờ gì nữa…
Anh giải tán ngay đi. Tình hình nguy lắm rồi”. Thiếu Tướng Nghiêm từ Đà Nẵng
gọi điện thoại hỏi tình hình và ra lệnh cho ông Sỹ: “Việc đã gấp rồi giải tán
thì giải tán ngay đi, còn chần chờ gì…”
Ông Ái và mấy sĩ quan
tham mưu nhìn nhau, do dự… Ai cũng ngán.
Đợt thứ nhất, ông Sỹ
cho xử dụng xe phun nước nhưng vô hiệu. Đồng bào đông quá và nhấp như biển động
trong cơn giống tố. Đợt thứ hai, ông Sỹ cho hai tiểu đội Quân Cảnh, một tiểu
đội Hiến Binh và khoảng 20 nhân viên Cảnh sát. Nhưng cũng vô hiệu. Đám quần
chúng càng ngày càng bị khích động và đang như trong cơn lên đồng.
Ông Quản Đốc Ngô Ganh
kêu cứu trong sự tuyệt vọng: Đài mất đến nơi rồi họ giết tôi bây giờ đây nè.
Thiếu Tá can thiệp gấp.
Đợt thứ 3: Thiếu Tá Sỹ
cho 2 trung đội ra đi tiến theo đội hình ngang cùng với ba xe phóng thanh kêu
gọi đồng bào giải tán, gạch đá bay vun vút hàng ngàn tiếng la ó, đả đảo, hoan
hô.
Ông Nguyễn Văn Đẳng
bắt đầu mất tinh thần. Quần chúng làm dữ quá. Gạch đá ném tới tấp vào cửa Đài
Phát Thanh. Ông nói với Thượng Tọa Trí Quang “Thầy dùng micro, Thầy nói dùm như
thế này nguy hiểm quá”. Thầy Trí Quang ngần ngại: “Bây giờ tôi phải nói với
Phật Tử sao đây?” Đám đông vẫn cuồn cuộn như thủy triều dâng cao. Thầy Trí
Quang ra trước cửa Đài, lên tiếng trấn an đám đông, đại cương : “Phật tử cứ
bình tĩnh, mọi việc Thầy đang tìm cách giải quyết”… Nhưng lời Thầy Trí Quang
cũng vô hiệu.
Đám đông làm dữ quá.
Một Nhà Sư trẻ đã nhẩy lên được nóc Đài Phát Thanh và cắm cờ Phật Giáo. Khi
thượng Phật kỳ xong đám đông càng thêm phấn khởi hô to vang dội. Từ lúc đó,
chung quanh Đài, Phật kỳ bay rợp trong ánh sáng như vùng hào quang đêm hoa
đăng. Biển người nhấp nhô chuyển động và bắt đầu như con thuyền trăm lái. Đám
đông này sẽ vỡ như ong vỡ tổ. Một số ít nhân viên công lực đành khoanh tay và
lúc ấy đám đông đang làm chủ tình hình. Khi đám đông bộc phát trong ngọn lửa
của nhiệt tình tôn giáo thì thiết tưởng không có gì chế ngự được. Lúc ấy họ chỉ
biết vâng phục một thứ thần quyền qua ngọn cờ tôn giáo.
Quản Đốc Ngô Ganh cũng
như Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đẳng gần như mất hết bình tĩnh. Lúc ấy nhà cầm quyền
phải triệu thỉnh Thượng Tọa Trí Quang, Thượng Tọa Trí Quang tuy có kêu gọi Phật
tử phải nên bình tĩnh nhưng đám đông mỗi lúc một thêm cuồng nhiệt.
Trung Tá Thưởng tỏ ra
vô cùng lo ngại nên một lần nữa điện thoại cho Thiếu Tá Sỹ hối thúc: “Anh còn
đợi gì nữa? anh còn chần chờ gì nữa? anh còn chần chở gì nữa mà không bắt đầu
đi”. Dù ông Sỹ đã cho hai Tiểu đội Quân Cảnh cùng Hiến Binh và Cảnh Sát đi
giải tán nhưng họ khoanh tay không thể làm gì được hơn. Trung Tá Thưởng phải
thân hành đến Quân Trấn hối thúc ông Sỹ.
Thiếu Tá Sỹ cho 2
trung đội tiến ra theo đội binh hàng ngang. Kể từ lúc đó, đồng bào Phật tử cũng
bắt đầu lo việc bố phòng… Các xe đạp được đưa chắn ngang đường. Thanh niên Phật
Tử lẫn lộn bên cạnh các bà các cô và thiếu nhi để tạo thành vòng rào ngăn chặn
nhân viên công lực.
Từ trên nóc Đài Phát
Thanh một Nhà Sư trẻ cầm chiếc loa kêu gọi Phật Tử hãy tiến lên không sờn lòng
trước bạo lực. Nhà sư lại nhấn mạnh là đang có sư đoàn từ Đà Nẵng tiến vào để
hỗ trợ cho cuộc đấu tranh vì Đạo Pháp. Nhà sư vừa dứt lời, đám đông bỗng náo nhiệt
hẳn lên nhiều tiếng la ó hoan hô vang dậy.
Tại Tiểu khu, Thiếu Tá
Đặng Sỹ duyệt xét kế hoạch lần cuối cùng với các sĩ quan như Đại Úy Phu, Đại Úy
Lược, Trung Úy Kỳ. Ông Sỹ quyết định dùng xe cơ giới của Bảo An (thứ có 4 bánh
xe cao lênh khênh) để mở đường lính tiến theo sau xe. Một sĩ quan cho rằng
dùng xe mở đường rất hay, đồng bào thấy xe đạp bị cán sẽ sót cũng do đó sẽ tự
động vác xe lên hè phố, như thế binh sĩ mới có thể tiến được, ý kiến quả hiệu
nghiệm khi xe của Thiếu Tá Sỹ tiến lên. Theo Trung Sĩ Quang (thuộc tiểu khu
Thừa Thiên) thì xe đi với một tốc độ như rùa.
Xe tiến gần đến đâu
thì đồng bào đổ xô ra đường vác xe lên hè phố. Ai cũng biết dân miền Trung
nghèo khổ, nên chiếc xe đạp luôn là một bảo vật.
Nhờ vậy cuộc tiến quân
diễn ra êm thắm. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Nghiễm khi đồng bào thấy xe và lính
thì không khí tranh đấu bỗng dưng bùng lên cực mạnh. Bao nhiêu con mắt đều đổ
dồn về ông Sỹ, phía ông Sỹ có nhiều tiếng chửi thề. Có Phật tử gọi đích danh
ông Thiếu Tá Sỹ mà chửi bới. Thế rồi gạch đá guốc vỏ la ve bay như bướm. Theo
ông Nguyễn Nghiễm lúc ấy tinh thần đồng bào lên quá cao.
Chính Nguyễn Nghiễm
cũng có cảm tưởng như mình như mình đang dự vào cuộc thánh chiến và sẵn sàng xả
thân cho đạo pháp. Cho đến lúc ấy chương trình phát thanh vẫn ngưng bặt và chỉ
còn tiếng la ó của đám đông. Mô tả đám đông này, ông Nguyễn Nghiễm cho rằng
chưa có lễ Phật Đản nào (trước năm 63) lại đông người và phấn khởi như vậy.
Trên xe, Thiếu Tá Sĩ
mặc áo giáp cùng với 2 Hạ Sĩ Quan là Trung Sĩ Tư và Quang… Gạch đá ném lên xe
nhiều quá nhưng vì có mũ sắt và áo giáp nên không ăn nhằm gì. Ông Sỹ vẫn cho xe
tiến từ từ…
Cùng với Trung Úy Kỳ,
Chi đội trưởng cơ giới Bảo An. Xe tiến đến đâu thì đồng bào dạt ra hai bên
đường, trông cảnh tượng rất ngộ. Dù chạy thì chạy nhưng ai nấy không quên dắt
theo xe.
Ông Sỹ được một phen
nghe chửi rát tai.
Trong khi đó, ba xe
phóng thanh của Ty Thông Tin luôn luôn kêu gọi đồng bào giải tán. Văn Phòng Cố
Vấn Chỉ Đạo của ông Cẩn lại có vẻ bình thản vì không ai ngờ thảm họa sẽ xảy ra.
Cho đến lúc ấy văn phòng của ông Cẩn không có một liên lạc nào với Trung ương.
Từ Thiếu Tướng Nghiêm đến ông Hồ Đắc Khương ông Cẩn và bộ tham mưu ai cũng chỉ
lo sợ một điều duy nhất là Đài Phát Thanh bị chiếm và một khi bài thuyết pháp
của Thượng Tọa Trí Quang được phát thanh thì coi như một tai họa không nhỏ cho
mấy ông lớn vì bài thuyết pháp đó như trên đã viết công kích chánh quyền mạnh
quá và tất cả đều sợ trách nhiệm đối với Tổng Thống.
Thực nếu không xử dụng
quân đội thì lực lượng an ninh của thành phố Huế không thể nào giữ nổi Đài Phát
Thanh. Ai có mặt trong đêm 8-5-63 mới thấy rõ sức mạnh của quần chúng. Sức mạnh
đó khi được khơi động bằng lý tưởng tôn giáo và được hướng dẫn bởi một số huyền
thoại lãnh tụ thì đó là sức mạnh của giông bão.
TIẾNG NỔ RUNG CHUYỂN CẢ NƯỚC
Chiếc xe cơ giới của
Thiếu Tá Sỹ tiến đến gần Đài Phát Thanh khoảng 50 thước. Bỗng có một tiếng nổ
kinh hồn và tiếp theo một tiếng nổ khác. Lúc ấy là 10g30.
Xe của ông Sỹ quay
khựng lại, một Hạ Sĩ Quan la lớn: “nổ! Thiếu Tá coi chừng Việt Cộng” Thiếu Tá
Ông Sỹ rút Colt 12 cầm tay, nói qua máy “nghe đây , nghe lịnh đại bàng đây”
Theo sự mô tả của một
số sĩ quan có mặt ở gần Đài lúc đó thì tiếng nổ làm rung chuyển tất cả, thứ ánh
sáng từ phía nổ phát ra giống như một tia sét và trong đời binh nghiệp của họ
thảy đều chưa nghe thấy một tiếng nổ nào lạ tai như vậy.
Sau tiếng nổ, ông
Nguyễn Nghiễm cho biết cảnh tượng trở nên vô cùng hỗn loạn trong sự kinh hoàng.
Đồng bào xô đẩy nhau tìm đường thoát thân. Bao nhiêu tiếng khóc kêu la. Các
đường chung quanh Đài Phát Thanh vốn nhỏ hẹp lại càng thêm tắc nghẽn. Đồng bào
bỏ cả xe, guốc dép và tìm cách thoát thân. Trẻ con đằn bà khóc như di. Ông
Nguyễn Nghiễm đứng cách chỗ nổ 50, 60 thước, cảm tưởng của ông lúc ấy giống như
người bị mất trí người thì ngất ngư, hai con mắt hoa lên, tay chân luống cuống
không biết chạy đi đâu.
Sau hai tiếng nổ đầu,
khoảng 4, 5 phút sau ông Nguyễn Nghiễm nghe thấy ba, bốn tiếng súng lục từ phía
xe của Thiếu Tá Sỹ và tiếng la lối của mấy quân nhân trên xe. Ông Nguyễn
Nghiễm thấy tức nơi ngực ông chạy khỏi đài một quãng khá xa mới dừng lại.
Anh Nguyễn Hữu Cang chạy thoát qua cầu Tràng Tiền. Khi tiếng nổ xảy ra, Nguyễn
Hữu Cang ở ngay gần Đài. Tiếng nổ lớn quá làm anh xây xẩm và lảo đảo. Một mảng
thịt người văng tung vào mặt Nguyễn Hữu Cang cho đến nay Nguyễn Hữu Cang vẫn
không thể xóa nhòa được cái cảnh tượng bị thương hôm ấy.
Trong khi đồng bào xô
đẩy nhau chạy thoát thân, đồng bào luôn luôn được nghe tiếng người ta hô hoán:
“Chạy lẹ đi, nó bắn chết hết bây giờ” hoặc những tiếng la lối như “Bà con chạy
lối ni… đồng bào đừng về lối nớ… Đặng Sỹ nó đang cho xe cán đồng bào ở đằng
nớ…”
Đám đông quần chúng đã
hỗn loạn lại càng thêm hỗn loạn.
Về phía Thiếu Tá Sỹ,
khi nghe hai tiếng nổ, ông hét lên qua máy nói: “Việt Cộng phá đài, nghe tôi. Nghe
tôi đại bàng đây Việt Cộng phá đài”.
Lệnh trên được truyền
ra thế là 10 tay súng được chỉ định từ trước đều dơ cao nòng súng lên không
trung và nhả đạn. Họ chỉ được phép bắn chỉ thiên mà thôi. Đồng thời lúc đó, các
quân nhân xử dụng lựu đạn MK3 cũng đồng loạt cho nổ qua 15 địa điểm khác nhau.
Có anh ném MK.3 xuống phía bờ sông, có anh ném trong sân trường Văn Khoa, có
anh ném ngay gần phía Câu Lạc Bộ thể thao.
Quân đội bắt đầu
chuyển dịch và bắt tay vào hành động. Xe của Thiếu Tá Sỹ đứng trước đài. Chao
ơi cảnh tượng thê lương chưa từng thấy! Không một xác chết nào được toàn thây.
Có nạn nhân đầu bị thổi bay cách Đài cả chục thước, cẳng giò cũng bay đi đâu
mất tiêu, ruột gan phèo phổi bay lên cả cành cây, tung tóe khắp nơi, tất cả cửa
kính của đài bị bay đi hết. Cảnh tượng ấy theo những người chứng kiến, có thể
nói không bút nào tả hết được sự thê lương. Tiếng nổ đó không do mảnh
(écletements) mà chỉ do hơi (soufflement). Sức hơi ép ước khoảng tương đương
với 5 kilo thuốc nổ TNT. Nạn nhân chết không do mảnh mà do hơi ép. Sức hơi ép
ấy là cho nạn nhân tan xác. Trung sĩ Tư tiến đến cách đài 30 thước bỗng dừng
khựng lại hô thất thanh: “Bớ đầu người ta đây nè” Một chiếc đầu nạn nhân ở
ngay dưới chân ông ta. Theo ông Tư chiếc đầu người đó không còn là đầu người
nữa. Ông chỉ thấy hàm răng dính vào một mảng thịt.
Một loạt liên thanh nổ
lên trời. Thiếu Tá Sỹ colt 12 cầm trên tay, mặt thất sắc nói không ra lời ông
cố ra lệnh cho thuộc viên. “Coi chừng, nó có thể tấn công Đài bây giờ”. Sau đó…
ông Sỹ vào thẳng bên trong Đài. Vừa trông thấy Thượng Tọa Trí Quang ông Sỹ đã
mất bình tĩnh nói lớn: “Làm sao thế này. Sao có người chết như thế
này” Những người có mặt trong Đài lúc đó đều tỏ ra lo sợ và mất hết tinh
thần. Ông Đẳng mặt tái xanh ngơ ngác. Tai họa xảy ra bất ngờ quả không một ai
tưởng tượng nổi. Thượng Tọa Trí Quang cũng vậy thảy đều không giữ được sự bình
tĩnh, Thượng Tọa Trí Quang chắp tay vào nhau như nguyện cầu nói trong cơn lo
âu: “Tôi không ngờ lại xảy ra như thế này”. Thiếu Tá Sỹ bảo Thượng Tọa Trí
Quang: “Thầy phải chịu hết trách nhiệm về những hậu quả đã xảy ra như thế
này”. Ông Sỹ lại dằn giọng nhắc: “Tại sao lại xảy ra như thế
này?” Trung Tá Thưởng Giám Đốc Nha Công An Tư Pháp như không nén được cơn
tức giận. Ông lừ mắt nhìn mọi người rồi nói với Thượng Tọa Trí Quang: “Ông phải
chịu hết trách nhiệm” - Ông Thưởng lại nói bâng quơ – “Ai gây ra thì phải
chịu hết trách nhiệm” - Lúc ấy, Thượng Tọa Thiện Minh đứng bên Thượng Tọa
Trí Quang với một thái độ khá ôn tồn và khiêm tốn nói với Thiếu Tá Sỹ cũng như
Trung Tá Thưởng “Chuyện xảy ra như thế này, thì không biết nói sao. Tôi xin
chịu hết trách nhiệm”.
Lúc bấy giờ chung
quanh Đài không còn một ai ngoài quân đội và nhân viên công lực. Đồng bào đã
chạy dạt sang bên kia cầu và đang tụ tập ở phía chợ Đông Ba khoảng 5, 7 trăm
người. Những nạn nhân bị thương được di tản gấp đến nhà thương Huế. Nạn nhân bị
tử thương ngay lúc đầu không còn cách nào để nhận ra, có bao nhiêu người nam
hay nữ, già hay trẻ, vì như trên đã viết, nạn nhân chết không tòa thây da thịt
bay tứ tung.
Lúc ấy một viên chức
Mỹ tìm cách đến đây để lo chụp hình quay phim nhưng bị nhân viên công lực đuổi
khỏi. Vợ chồng Bác Sĩ Wuff người Đức thuộc Đại Học Y Khoa Huế tìm cách vào
trong Đài xin để săn sóc nạn nhân nhưng bị từ chối. Chính Bác Sĩ Wuff này nhanh
tay chụp được mấy tấm hình, một vài chiếc xe cơ giới của Bảo An lúc ấy đang đậu
ngay trước đài (nội sáng 9-5 tấm hình này được gởi về Saigon và mấy ngày sau
xuất hiện trên báo chí Tây Đức, Pháp, Mỹ. Một chi tiết cần lưu ý năm 1965, ba
Bác Sĩ Đức của Đai Học Y Khoa Huế trong đó có BS Wuff chụp hình và ráp nối hình
đêm 8-5-63 đều bị an ninh của Sư Đoàn I dưới thời Tướng Nguyễn Chánh Thi làm Tư
Lệnh, trong một cuộc hành quân tại khu Nam Đồng Khánh khám phá được tài liệu
mật cho biết rằng 3 ba BS người Đức trên đây đều là người Đông Đức vượt qua Tây
Đức và là những điệp viên Cộng Sản thuộc loại quốc tế. Nhưng lại có giả thuyết
cho rằng họ thuộc loại gián điệp đôi)
Khoảng 11 giờ đêm đồng
bào Phật tử lại nhốn nháo người thì lo các Thầy bị bắt, người thì xốn xang
không biết nạn nhân có phải vợ con mình không. Đồng bào tìm cách vượt qua cầu
Tràng Tiền tiến sang Đài Phát Thanh. Cầu Tràng Tiền lúc đó ngổn ngang không
biết bao nhiêu là guốc dép. Không khí bỗng dưng lại sôi nổi. Một Phật Tử từ
phía Đài sang bên Đông Ba kêu gọi đồng bào phải có thái độ ngay vì các Thầy đã
bị bắt hết rồi và xe tăng cán người ta chết nhiều không biết bao nhiêu mà kể.
Thế là trong cơn hăng say, một số đồng bào lại kéo nhau qua Đài.
Ông Nguyễn Văn Đẳng lo
âu lắm, bảo với Thiếu Tá Sỹ “Sự việc đã xảy ra như vậy rồi, Thiếu Tá cứ an
tâm, tôi sẽ trình với Tổng Thống về vụ này” Đám đông tiến đến phía Đài
bắt đầu sôi động, nhiều tiếng la ó. Thiếu Tá Sỹ thấy vậy chạy vào mời Thượng
Tọa Trí Quang ra coi và nói: “Thầy nhìn kìa, bây giờ mà còn làm tới
nữa. Thầy bảo họ về ngay đi, đừng làm cái trò đó nữa” . Thượng
Tọa Trí Quang vui vẻ nhận lời và nói với các Phật tử: “Các con cứ về
đi. Các Thầy không có sao cả” Đám đông nghe theo lời tự động kéo về
nhưng trong lòng rất giao động, bất mãn và ai cũng nóng muốn tìm hiểu xem đã có
bao nhiêu nạn nhân bị gục ngã
AI LÀ THỦ PHẠM
Giới chức chính quyền
Thừa Thiên bắt đầu lo sợ không biết giải quyết như thế nào và thượng cấp sẽ tỏ
thái độ ra sao. Hầu hết đều yên trí rằng đây là một “coup montée” do Cộng Sản
chủ động. Việc cấp thời lúc ấy là cho di tản các nạn nhân bị thương vào bệnh
viện
Mặt khác nhân viên hữu
trách cho người đi lượm từng mảnh thịt, từng khúc xương từng bàn chân của nạn
nhân bị tử nạn. Theo Đại Úy Minh trong số nạn nhân này, có một thiếu nữ đã chịu
phép rửa tội theo đạo Thiên Chúa. Suốt đêm 8 nhân chứng Nguyễn Hữu Cang cũng
như ông Nguyễn Nghiễm và nhiều cán bộ Phật Tử đã gần như thức trắng đêm vừa
hoang mang vừa lo âu vừa căm tức chánh quyền vì họ cho rằng chánh quyền đã gây
ra vụ nổ đó. Lại có nguồn tin loan truyền trong giới Phật Tử là Thiếu Tá Sỹ đã
cho “đằn” Phật Tử và ném lựu đạn vào Phật Tử.
Trong khi đó tại Bộ
Tham Mưu Tiểu Khu từ Thiếu Tá Sỹ đến Đại Úy Phu, Đại Úy Lược không dấu nổi lo
âu. Người trong cuộc cũng không hiểu đầu đuôi ra thế nào. Hai tiếng nổ từ đâu?
Do ai? Cảm tưởng đầu tiên của họ là bàng hoàng. Tiếng nổ lạ tai quá cũng không
giống plastic, lựu đạn lại càng vô lý. Nhưng không ai có thể suy đoán ra được.
Người nghe tiếng nổ đầu tiên là ông Sỹ cũng như một số sĩ quan và binh sĩ trên
cùng chiếc xe cũng như đi sau xe. Họ đều bị chói tai và áp lực của tiếng nổ làm
cho họ không còn phản ứng, đầu và ngực như bị một vật gì rất nặng đập ngang.
Có điều lạ là sáng hôm
sau mấy ông BS Wuff đã có một số hình ảnh về vụ nổ trong đó có tấm hình xe cơ
giới đang “đằn” qua đồng bào Phật Tử. Một số hình này BS Wuff trao cho BS Lê
Khắc Quyến. Ngày 9, ông Quyến cấp tốc về Saigon.
Ai gây ra tiếng nổ?
Trong phiên tòa xử Thiếu Tá Đặng Sỹ, các chuyên viên quân cụ có dịp phân tích
các loại chất nổ như M26, MK3… Giả thuyết M26 đã bị loại – giả thuyết MK3 mặc
dầu tòa đặc biệt lưu ý, nhưng cuối cùng cũng bị loại. Như trên đã viết MK có
thể làm cho chết người được vì áp lực của hơi nổ (soufflement) nhưng tác dụng
không thể nào đạt tới con số thương vong cao như vậy nhất là trong một khoảng
trống. Mà nơi phát ra tiếng nổ thì nền xi măng lại chỉ mõm xuống không sâu bao
nhiêu.
THỦ PHẠM MANG TÊN SCOTT
Mãi sau này, năm 1966
trong cuộc hành quân ở Nam Đồng, Đại Út Scott (Cố Vấn của Tiểu Đoàn 1/3 SĐIBB
từ năm 1965) mới cho biết về một sự thật.
Dạo ấy năm 1965, miền
Trung đang bắt đầu sôi động và ngút ngàn trong ngọn lửa Phật Giáo đấu tranh.
Trong một buổi mạn đàm Đại Úy Bửu nói chuyện trăng gió mây nước với Đại Úy
Scott rồi hai người “bắt” qua chuyện Phật giáo tranh đấu. Đại Úy Scott nói đại
cương:
- Phật giáo miền Trung
sẽ không thành công trong vụ này.
Ông Bửu hỏi: “Tại sao
không thể thành công?”
Đại Úy Scott đáp:
“Phật Giáo không tạo được những yếu tố để thành công như năm 1963″.
Đại Úy Bửu hỏi: “Đại
Úy muốn nói yếu tố nào?”
Đại Úy Scott nói:
“Những yếu tố không phải do Phật giáo tạo được”.
Đại Úy Bửu: “Đại Úy
muốn nói đến tiền bạc hay khí giới tinh thần.”
Đại Úy Scott đáp: “Khí
giới tinh thần thì Phật giáo có đấy chứ nhưng không dễ gì thành công vì không
được đồng minh ủng hộ”. Ông nói tiếp: “Hoa Kỳ đã giúp cho Phật giáo nhiều yếu
tố để thành công trong vụ 1963″
Đại Úy Bửu nói: “Bây
giờ Hoa Kỳ sẽ không còn giúp đỡ Phật giáo nữa”
Đại Úy Scott: “Bây giờ
thì tôi không biết nhưng vụ 1963 thì tôi biết rõ”.
Đại Úy Bửu lấy làm
ngạc nhiên tại sao một Đại Úy như Scott lại có thể am tường nội tình PGVN như
vậy. Đương sự hỏi tiếp: “Năm 1963 Đại Úy ở đâu?” Scott không đáp thẳng vào
câu hỏi và tựa hồ trong lòng ông còn ẩn dấu bao nhiêu điều bí mật. Sau đó Scott
tâm sự: “Tôi hiểu rõ Phật giáo ở đây, có thể còn hơn cả các anh. Tháng 5-63 tôi
ở Đà Nẵng. Tôi trở ra Huế một ngày trước khi xảy ra vụ nổ tại Đài Phát Thanh
Huế”
Đại Úy Bửu hỏi ngay:
“Theo Đại Úy có phải Việt Cộng gây ra vụ nổ đó không?”
Scott đáp: “Chỉ có
người nào ngây thơ mới tin như vậy”.
Đương sự hỏi luôn:
“Như vậy thì Thiếu Tá Đặng Sỹ, Phó Nội An cho nổ?”
Scott đáp: “Làm gì có
chuyện đó, tội nghiệp cho ông ta. Bây giờ ông ấy đang bị tù phải không?”
Đại Úy Bửu: “Hiện
Thiếu Tá Sỹ đang bị cầm tù. Ông ấy bị kết tội đã đàn áp Phật giáo và làm
chết 8 Phật tử tại Đài Phát Thanh”.
Lời Scott: “Không ai
nói thẳng sự thật để bênh vực ông ấy?”
Đại Úy Bửu hỏi: “Vậy
anh có tin là Thiếu Tá Sỹ thủ phạm vụ nổ tại Đài Phát Thanh Huế không?”
Đại Úy Scott nói:
“Thiếu Tá Sỹ cũng chỉ là một nạn nhân”.
Hỏi: “Theo Đại Úy ai
là thủ phạm trong vụ này?”
Đại Úy Scott lắc đầu
nói, chuyện còn dài lắm. Tôi sẽ kể cho anh nghe,
Trả lời tiếng nổ thuộc
về loại nào. Đại Úy Scott nói: “Tại sao người ta lại tin đó là tiếng nổ của
Plastic Việt Cộng và lựu đạn của chính quyền Việt Nam?”
“CÚ SCOTT”
Đại Úy Bửu – chính là
em họ bên vợ của Thiếu Tá Sỹ – ông cố bám sát Scott và tìm lời dọ hỏi xem đầu
giây mối nhợ như thế nào. Lúc đầu Scott thố lộ rằng chính người bạn của ông một
nhân viên CIA đã làm vụ đó. Scott mô tả chất nổ đó là một chất đặc biệt của
trung ương tình báo Mỹ. Thể tích của nó không lớn hơn bao quẹt và có riêng bộ
phận để điều khiển. Bộ phận này sẽ “canh giờ” chừng nào nổ.
Ít lâu nay, do nhiệt
tâm tìm hiểu của Bửu, Đại Úy Scott đã phanh phui tất cả sự thật, ông ta có lẽ
vì “lương tâm” xúc động cho nên tâm sự rằng chính mình đặt thứ khí giới
đặc biệt đó tại Đài Phát Thanh.
Trở lại đêm 8-5 tại
Đài Phát Thanh Huế: Những nhân chứng có mặt tại đài đều xác nhận sự tàn phá của
chất nổ thật kỳ lạ và ghê tởm. Thượng Tọa Trí Quang cũng như Thiện Minh không
dấu được sự lo âu và mất bình tĩnh.
Khi nghe tiếng nổ đầu
tiên linh tính cho biết là đã có sự chẳng lành. Đại Úy Minh, Chánh văn phòng
của ông Ngô Đình Cẩn vội vã lấy xe cùng mấy người khác chạy ra Đài. Theo Đại Úy
Minh, cảnh tượng trước mắt ông thật thê lương ông không thể dấu được xúc động.
Mọi người lúc ấy (về phía chính quyền) thì đều cho rằng Cộng Sản đã làm việc
này gây xúc động. Phật Giáo thì cả quyết là chính quyền.
Khoảng 1 giờ đêm mọi
người kéo nhau về nhà ông Cẩn trong đó có ông Nguyễn Văn Đẳng, Trung Tá Thưởng,
Hoàng Trọng Bá, Hồ Đắc Trọng. Giờ ấy, ông Cẩn đã lên giường nằm ngủ nhưng Đại
Úy Minh vẫn vào phòng đánh thức ông Cẩn dậy. Cảm giác đầu tiên của ông Cẩn là
mất bình tĩnh. Sự việc xảy ra thực không ai ngờ nổi.
Scott hay ai cũng chỉ
là một thứ thừa hành. Ai ra chỉ thị? Hoa Thịnh Đốn hay Tòa Đại Sứ hay ông Trùm
CIA? Hay Đại Tướng Richardson? Dưới thời TT Kennedy, tổ chức Việt Nam Task
Force được coi như môt thẩm quyền mạnh nhất trước các quyết định về Việt Nam do
Hilsman cầm đầu. Ngay từ năm 62 Hilsman đã chủ trương phải lật đổ chế độ Ngô
Đình Diệm và người Mỹ phải có thái độ tích cực hơn đối với các vấn đề Việt Nam
có nghĩa là Mỹ phải trực tiếp can dự vào cuộc chiến. Mỹ phải nắm quyền chủ động
tại chiến trường Việt Nam. Hilsman không phải là nhân viên tình báo chuyên
nghiệp nhưng trong quá khứ ông là một cộng tác viên đắc lực của CIA.
Hilsman thuộc phái trẻ
và khuynh hướng tự do (ông đã công khai chống đối Đại Sứ Nolting và chịu chi
phối bởi một số ký giả Mỹ cho rằng Đại Sứ Nolting quá nhu nhược đối với chính
quyền Ngô Đình Diệm và cùng lên án Nolting đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm mua
chuộc). Đã từ lâu phe Hilsman chủ trương thay thế Đại Sứ Nolting. Ông Nolting
lại là một nhà ngoại giao thuần túy. Ngôn ngữ, cử chỉ của ông có vẻ Tây hơn là
Mỹ. Ông bị ảnh hưởng văn hóa Pháp khá sâu xa. Sự thật là lập trường của Đại Sứ
Nolting là ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm và ông được coi là người Mỹ mềm dẻo
nhất tại Việt Nam.
Năm 1963, phòng Trung
Ương Tình Báo tại tòa Đại Sứ Mỹ có vào khoảng 50 nhân viên (sau năm 63 và cho
đến nay, con số này đông vô kể) Đại Tá Richardson là ông trùm CIA tại Việt Nam,
lúc đó dưới quyền là ông Smith. Nhưng Richardson lại tỏ ra đồng một lập trường
với Nolting. Sau này ông Nhu tố cáo Richardson âm mưu đảo chánh, ông Nhu đã tố
sai tuy vậy Richardson bị cấp tốc thay thế. Ông Nhu mất một CIA ủng hộ. Đó cũng
là một sự tính toán lầm của ông Nhu.
Nếu nói rằng CIA tại
Tòa Đai Sứ Mỹ chủ động vụ nổ tại Đài Phát Thanh thì không đúng. Nhưng CIA không
phải chỉ ở Tòa Đại Sứ Mỹ và họ có những đường giây (réseaux) hoạt động biệt lập
với phòng CIA của Đại Tá Richardson và chỉ trực tiếp với Hoa Thịnh Đốn. Do đó,
“cú Scott” tại Đài Phát Thanh Huế cũng chỉ là một cú “chơi lẻ” (coup isolé).
Ngay từ những năm 61,
62 nhân viên Trung ương Tình Báo Mỹ đã gài người trong nhiều cơ quan như USAID
kể cả những tổ chức văn hóa giáo dục.
Nhờ vậy CIA đã thừa
khả năng nhân sự để chơi những “cú lẻ” tương tự như trên.
Người ta tự hỏi rằng,
hà tất gì CIA phải ra tay nhập cuộc như vậy qua vụ nổ Scott tại Đài Phát Thanh
Huế? Câu chuyện thật dài dòng phức tạp và khó có thể giải thích cho một vấn nạn
trên đây nếu không căn cứ theo những diễn biến trong cuộc bang giao Việt Mỹ
1964 cùng những toan tính của Mỹ trong chiến lược của họ tại Việt Nam. Giới
chức Mỹ nhất là phía CIA đã thuộc nằm lòng phương thức này: “Những lãnh tụ Á
Đông phải dùng bạo lực mới có thể đánh đổ họ xuống được”. Một phương thuật xử
dụng bạo lực của CIA không kém tinh xảo so với phương thức của Cộng Sản.
Nhưng lúc ấy không ai
ngờ CIA nhúng tay “tinh vi” như vậy và người ta nhất định cho rằng Cộng Sản làm
vụ này.
Riêng ông Cẩn trước
cái họa như vậy và khi nghe tường trình nội vụ rồi im lặng triền miên như đành
bất lực không biết phải giải quyết như thế nào. Theo Đại Úy Minh đã có ba ý
kiến được nêu lên như sau.
1- Đã xảy ra như vậy
thì làm tới luôn. Sáng ngày 9, ban hành lệnh giới nghiêm tại thành phố Huế.
Đồng thời cô lập giữa chùa Từ Đàm với các cán bộ Phật Tử. Trong khi đó sẽ có cơ
quan an ninh sẽ truy lùng những thành phần Việt Cộng khả nghi từ bấy lâu nay.
2- Nếu không giải
quyết theo cách một thì cấp tốc phải tìm tới gia đình các nạn nhân để điều đình
thu xếp ốn thỏa và bồi thường xứng đáng.
3- Cách hai không đồng
ý thì phải thương thuyết với mấy Thầy ở chùa Từ Đàm và nhờ các Thầy xoa dịu
đồng bào Phật Tử và đồng thời sẽ bồi thường nạn nhân một cách đầy đủ
Cả ba phương thức giải
quyết đưa ra ông Cẩn không tỏ một thái độ nào rõ rệt. Ông Cẩn ra lệnh cho Tòa
Đại Biểu đánh điện cấp tốc về Sài Gòn để xin quyết định. Một việc sôi bỏng như
vậy nhưng mãi hai ngày hôm sau Saigon mới phái ông Bùi Văn Lương, Bộ Trưởng Nội
Vụ ra Huế tìm cách giải quyết tại chỗ.
Trong số những phương
thức được đưa ra để giải quyết có một phương thức khá nguy hiểm. Hoàng Trọng Bá
cho rằng, ngoài việc giới nghiêm toàn thể vào ngày 9-5 (al) chính quyền phải
cho mời ngay Thượng Tọa Trí Quang và Thiện Minh vì ai cũng biết hai vị này là
nòng cốt của Giáo hội Phật Giáo miền Trung. Ý kiến như thế này:
“Ông Cố Vấn (tức ông
Cẩn) sẵn “hồ sơ tối mật” của hai ông Thầy (ông Cẩn có thể dùng những hồ sơ đó
như một điều kiện giao tế) và cho rằng khi đã nắm được những “a tu” của mấy vị
tất sẽ dễ dàng khu xử và những cái gọi “bí ẩn” trong đời sống cá nhân cùng
những hoạt động từ năm 1945-1955, ý kiến trên căn cứ đó xin với ông Cẩn cho an
ninh “mời” ngay hai Thầy lại sẽ đưa ra điều kiện để dọa: Hồ sơ hai Thầy như
thế, như thế, hoạt động quá khứ như vậy… như vậy. Do đó, một là mấy Thầy bỏ qua
nội vụ và để chính quyền lo việc bồi thường. Hai là nếu không chính quyền sẽ
bắt giữ rồi công khai hóa “hồ sơ tối mật” đã nắm giữ từ dạo năm 56 trong khi đó
chánh quyền sẽ dùng phương pháp phóng tài hóa thu nhân tâm bồi thường nạn nhân
xoa dịu Phật tử, mua chược các Thầy khác”.
Ý kiến trên tuy có vẻ
bá đạo nhưng Hoàng Trọng Bá tin chắc chắn có hiệu nghiệm. Cuối cùng không được
chấp nhận.
Sáng 9-5 Đại Úy Minh
túc trực tại Văn Phòng Chỉ Đạo từ sớm. Ông Cẩn chỉ thị tìm mọi cách giải quyết
sao cho êm đẹp.
Về phía Phật Giáo tại
chùa Từ Đàm thì ngay đêm 8, sau vụ nổ, nhiều Thượng Tọa cũng giao động không
biết sự thể xảy ra như thế nào. Hầu hết đều ngán thứ “uy quyền” trong tay ông
Cẩn (trên thực tế uy quyền ấy đã suy giảm từ năm 1961) cho nên không một Thượng
Tọa Đại Đức nào đã bình tĩnh để trù tính kế hoạch cho ngày hôm sau ngoại trừ
một hai Thầy đã có mưu riêng.
Mấy Thượng Tọa lại lo
sợ chính quyền sẽ áp dụng biện pháp mạnh. Và có thể làm tan rã hàng ngũ mà đã
dầy công xây đắp từ chục năm qua. Riêng Nguyễn Nghiễm trong thâm tâm nghĩ rằng,
sẽ có sự bắt bớ vào sáng mai và ông đã trù tính trốn nếu sự thể không êm. Nhưng
lại có một khuynh hướng tích cực khác cho rằng, phải lợi dụng ngay biến cố này
để làm lớn chuyện. Đây là cơ hội ngàn năm một thủa. Đứng đầu khuynh hướng này
là Thượng Tọa Thiện Minh.
Theo Nguyễn Nghiễm,
Thượng Tọa Trí Quang tuy là người lên tiếng và phát động đầu tiên (qua bài
thuyết pháp) nhưng từ ngày 7 đến ngày 9 vai trò của Thượng Tọa Thiện Minh mới
là quan hệ và chủ động. Vì Thượng Tọa này có lập trường dứt khoát cho rằng phải
lợi dụng ngay biến cố đẫm máu kể trên để hướng đồng bào Phật Tử về một đối
tượng sống chết cho Đạo Pháp. Việc đầu tiên, nếu như ngày 9 êm xuôi thì phải
đứng lên. Thơi cơ đã đến.
Sáng 9-5, chính quyền
lo sợ bên chùa Từ Đàm sẽ làm tới, nên ông Cẩn muốn dùng “tấm tình cố tri” với
mấy Thầy để giải quyết. Song nội bộ Từ Đàm tuy đoàn kết nhưng ý kiến rất phân
tán, do dự và không ai ngờ phía ông Cẩn lại mềm dẻo như vậy.
Trụ cột là ông Cẩn và
chính quyền địa phương chỉ chờ đợi sự giải quyết từ phía ông Cẩn thì ông Cẩn
lại không có một quyết định nào. Mọi sự đều nhờ Trung Ương. Suốt buổi sáng ngày
9, ông Cẩn rất bận rộn nào là tiếp Thượng Tọa Trí Quang nào là tiếp các giới
chức liên hệ. Ông Cẩn vẫn không tìm ra được một phương thức nào thu xếp ổn
thỏa. Một cách đơn giản nhất, ông Cẩn chỉ dùng tiền mua chuộc những người liên
hệ và mặt khác cho người tiếp xúc riêng với các gia đình nạn nhân để giàn xếp.
Về phía chùa Từ Đàm,
chỉ cần một buổi sáng “tiếp xúc và hòa hoãn” đã trắc nghiệm được phản ứng
của chính quyền và thấy rằng, chính quyền không dám làm tới, do đó cần phải bắt
tay hành động. Việc đầu tiên là yêu cầu chính quyền phải trả các nạn nhân về
chùa Từ Đàm để nhà chùa lo phần ma chay chôn cất.
Lời yêu cầu này không
được thỏa mãn vì phía ông Cẩn đã lượng tính được hậu quả và biết thế nào cũng
có biến chuyển rất nguy hiểm nếu phía Từ Đàm tổ chức chôn cất nạn nhân.
Trong khi Huế còn đang
dằng co dàn xếp thì tại Saigon vẫn có vẻ yên tĩnh lắng đọng. Tại Dinh Gia Long,
khi nhận được tin về vụ nổ tại Đài Phát Thanh Huế, TT Diệm vẫn cứ yên trí rằng
Cộng Sản len lỏi vào sách động và gây tiếng vang để qui tội cho chính quyền đàn
áp Phật Giáo.
Ngày 9 và 10, ông Tổng
Thống vô cùng đăm chiêu, Nguồn tin và báo cáo ngoại quốc – nhất là Mỹ, Pháp đều
không đồng nhất. Tổng Thống Diệm vẫn đinh ninh câu chuyện sẽ giải quyết êm đẹp,
không có gì đáng quan trọng gọi là đại sự. Phía Phật giáo tại Sài Gòn cũng chưa
có một phản ứng nào khác hơn là xôn xao bàn tán và cũng mới chỉ biết biến cố
qua báo chí dư luận và nhất là bản tin của đài VOA, BBC.
Tòa Đại Sứ Mỹ qua ngày
9, 10 vẫn giữ thái độ yên lặng dè dặt. Ngay trong hành lãnh đạo Phật giáo tại
Huế cũng như Saigon không có ai ngờ rằng biến cố có thể lan rộng và trở thành
cơn giông tố. Nếu như chính quyền Trung Ương lúc đó có một quyết định dứt khoát
để giải quyết cấp thời thì vụ Phật Giáo cũng không nổ to và có thể thu xếp ngay
từ buổi đầu.
Trước một biến cố như
vậy, không thể giải quyết bằng đường lối hành chánh, luật pháp và công quyền mà
phải giải quyết bằng đường lối chính trị với tính cách uyển chuyển, thích nghi
và thông suốt của nó. Đằng này, TT Diệm lại chờ đợi giới chức Thừa Thiên báo
cáo sau đó mới gửi ông Bộ Trưởng Nội Vụ ra điều tra tại chỗ.
Biến cố tại Đài Phát
Thanh Huế sẽ không thể bùng nổ to nếu không có sự lợi dụng những mâu thuẫn giữa
ông Ngô Đình Cẩn và Đức Cha Ngô Đình Thục và nhất là nếu không có sự đổ dầu vào
lửa của Tòa Lãnh Sự tại Huế. Một vài Thượng Tọa thuộc phe “tích cực dấn thân”
như Thượng Tọa Trí Quang, đôn hậu có tình quen biết với ông Cẩn nên cứ làm tới
trước hết không phải để “chơi” ông Cẩn mà có ý biểu dương lực lượng cho Đức Cha
Thục coi. Sau khi trắc nghiệm thấy có thể làm tới được thì làm tới luôn. Lúc
đầu, ông Cẩn lại chủ quan tin rằng:
Các Thầy chùa Từ Đàm
nể ông và vì tình riêng ông sẽ không làm mạnh cho nên lập trường của ông Cẩn
lúc đầu hết sức dè dặt và tìm mọi cách thương nghị. Đêm 9, ông Cẩn tâm sự với
mấy nhân vật cận thân như Đại Úy Minh, Hoàng Trọng Bá, Hồ Đắc Trọng đại cương
như sau: “Dù là Cộng Sản nó gây ra như vậy thì mình cũng phải có trách nhiệm.
Sáng nay Thầy Trí Quang gặp tui tuy Thầy ấy có buồn phiền nhưng sau nói riết,
Thầy ấy cũng vui vẻ nhận lời thu xếp ” Thực tế thì sáng 9-5, khi gặp ông Cẩn,
Thầy Trí Quang cũng không có gì tỏ ra là quá “găng”. Thượng tọa Thiện Minh lại
quá “thâm trầm” nên không ai rõ Thầy Minh muốn gì sẽ làm gì nhưng Thượng Tọa
Trí Quang có sự nóng tính và qua sự nóng tính đó nhiều lần biểu lộ sự bất mãn
về Đức Cha Ngô Đình Thục cùng sự hiện diện “quyền uy” của Đức Cha tại Huế, điều
mà chính ông Ngô Đình Cẩn cũng tỏ ra khó chịu và bất mãn. Bài thuyết pháp
của Thượng Tọa Trí Quang sáng 8-5 có ý nhắm vào Đức Cha Thục hơn là chính quyền
Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Cẩn.
Có nhẽ vì thế ông Ngô
Đình Cẩn tỏ vẻ thờ ơ không lấy làm khó chịu về bài thuyết pháp của Thượng Tọa
Trí Quang và có nhẽ cũng tin rằng, mình vẫn nắm được mấy ông Thầy nên ông Cẩn
đã từ chối ngay đề nghị của Hoàng Trọng Bá yêu cầu tung ra trước công luận một
vài tài liệu “tổ chức” nọ. Tuy nhiên dù có tung tài liệu đó ra và tài liệu đó
đúng 10/10 đi chăng nữa thì quần chúng đang hăng say cũng sẽ không tin tưởng gì
vào tài liệu đó cuối cùng sẽ mang tiếng là dùng sức mạnh của nhà nước để chụp
mũ.
Trong khung cảnh và
thực tại của Huế lúc ấy chính quyền Thừa Thiên chỉ cần khôn khéo đôi chút thì
đã dễ dàng xoa dịu được phản ứng nhất thời của Phật tử. Nhưng từ Tỉnh Trưởng
đến Đại Biểu Chánh Phủ đã quá non nớt về chính trị và chỉ là cấp thừa hành về
hành chánh nên đành khoanh tay trong khi đó phản ứng của quần chúng không được
xoa dịu và càng ngày càng bị kích động do những nguồn dư luận “giật gân”.
Ngày 10-5 ông Bộ
Trưởng Bộ Nội Vụ được phái ra Huế điều tra tại chỗ. Theo thông lệ và “truyền
thống” của những nhà hành chánh xứ ta thì công việc điều tra đều tựa trên giấy
tờ và nghe các cấp bộ hành chánh điều trần. Do đó, ông Bùi Văn Lương vẫn lạc
quan vì tình hình tại Huế không có gì trầm trọng, dân tình như thường. Ông
Lương tiếp xúc qua các giới liên hệ như ông Nguyễn Văn Đẳng ông Hồ Đắc Khương,
Thiếu Tá Sĩ, Trung Tá Thưởng, chính quyền vẫn giữ nguyên luận cứ là Cộng Sản đã
gây ra thảm cảnh này. Buổi trưa ngày 10 tháng 5, trên đường từ Tòa Đại Biểu qua
Dinh ông Ngô Đình Cẩn, ông Bộ Trưởng Bùi Văn Lương gặp đoàn biểu tình khoảng
vài trăm thanh thiếu niên, hàng ngũ lộn xộn. Đại Úy Minh trình bày cho ông Bùi
Văn Lương về “nội dung” thành phần đoàn biểu tình đó còn quá thưa thớt và hỗn
tạp. Nhưng nếu chỉ ở xa, chỉ nghe hai chữ biểu tình mà lại do Phật giáo đồ chủ
trương thì cuộc biểu tình đó trở nên sôi nổi trong trí tưởng tượng của riêng
mỗi người. Riêng cuộc biểu tình ngày 5-10 giới an ninh báo cáo có ông Phó Lãnh Sự
Mỹ đi theo sau “quan sát”. Tất nhiên là ông đi trên vỉa hè. Sự hiện diện của
ông Phó Lãnh Sự Mỹ quả là một yếu tố kích động rất quan hệ, đầy ý nghĩa. Nhưng
chính quyền hồi đó vẫn còn tin tưởng quá nhiều thiện chí của ông bạn đồng minh
Mỹ. Phía Phật giáo cũng vậy, khi thấy giới chức Mỹ ủng hộ cuộc tranh đấu của
mình, thì không ai nghi ngờ thiện chí của họ.
Cùng ngày phái đoàn
của Bộ Trưởng Việt Nam ra Huế thì từ chùa Từ Đàm cũng tổ chức mít tinh và đưa
ra một bản tuyên gồm 5 điểm. Bản tuyên ngôn trở thành căn bản và đối tượng
chính yếu của Phật Giáo năm 1963.
Với bản tuyên ngôn như
vậy kèm theo lời tường trình báo cáo của ông Bộ Trưởng Bùi Văn Lương, TT Diệm
tỏ vẻ tức giận cho rằng phía Phật giáo đòi hỏi quá đáng. Ông TT lại coi đây chỉ
là một yêu sách của một khuynh hướng Phật Giáo cực đoan, quá khích. Tìm hiểu
các khuynh hướng Phật giáo tại Saigon, ông TT Diệm lại càng quyết định không
thể nhượng bộ vì từ ngày 10-15 tháng 6 giới lãnh đạo Phật Giáo Saigon vẫn còn
tiêu cực, tuy có phản đối chính quyền qua bức công điện (cấm treo cờ) nhưng lại
có vẻ hòa hoãn với chính quyền và đạt chủ trương một giải pháp ôn hòa trung
dung. Trong khi đó TT Diệm lại chỉ quyết định tìm hiểu và nói chuyện với các vị
lãnh đạo tiêu biểu qua cư sĩ Mai Thọ Truyền, Thượng Tọa Thích Thiện Hoa (chùa
Ấn Quang) và Thượng Tọa Tâm Châu (chùa Từ Quang).
Thực tế để giải quyết
vấn đề vẫn là Huế mà chính quyền Saigon vẫn tin tưởng Huế không có gì đáng
ngại. Sự thực hoàn toàn khác. Không khí đấu tranh tại Huế bùng nổ vào ngày 8-5
lắng dịu sau đó nhưng đang âm ỉ như những sóng ngầm. Chùa Từ Đàm đã qui tụ được
một lực lượng quần chúng đáng kể và rất đáng ngại đó là các thành phần các bạn
hàng tiểu thương tại chợ Đông Ba, các anh em công nhân xe đò, xích lô đạp sau
cùng một thành phần nòng cốt là các học tăng tại chùa Bảo Quốc, nơi mà các
Thượng Tọa Trí Quang, Minh Châu đã được đào tạo. Các học tăng trở nên một lực
lượng sung yếu. Thêm vào đó là tập thể sinh viên Huế. Mấy ngày đầu, tập thể
sinh viên đại học Huế yên lặng và chỉ có sinh viên Phật tử tham dự, hơn nữa
tháng 5 đã vào hè và sinh viên đang dự thi. Nếu như chính quyền giải quyết ngay
mấy ngày đầu thì lực lượng trên khó lòng có thể móc nối liên kết với nhau được.
Qua ngày 12, khi thấy chính quyền không có đàn áp và chỉ canh chừng, Huế bắt đầu
vùng dậy và các lực lượng trên tự vốn nó phân tán nay liên kết với nhau và cùng
hướng về đối tượng tranh đấu cho 5 điểm trong bản tuyên ngôn. Huế bắt đầu
chuyển động.
Phía chùa Từ Đàm Huế
thay đổi thái độ. Thượng Tọa Trí Quang gặp thẳng ông Ngô Đình Cẩn để thu xếp
với mục đích làm thế nào chính quyền Trung Ương thu xếp trực tiếp với giới lãnh
đạo Phật Giáo tại Huế mà không qua trung gian đại diện Phật Giáo tại Saigon.
Đề nghị này cũng hợp ý
ông Cẩn, vì từ lâu ông Cẩn vẫn cho rằng Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam phải
là miền Trung, chùa Từ Đàm mới là đầu não.
Các Thầy chùa Từ Đàm
khi được tin mấy Thượng Tọa Tâm Châu, Thiện Hoa nhảy vào cuộc thì không khỏi lo
ngại tiếng nói Phật Giáo Miền Trung sẽ không được chính quyền Trung Ương tôn
trọng. Sau khi đã công bố bản tuyên ngôn 5 điểm, chùa Từ Đàm đã nắm được nhiều
yếu tố thuận lợi. Dù vậy cho đến ngày 15-5, khi Phật giáo Saigon làm lễ cầu
siêu cho các nạn nhân tại Đài Phát Thanh Huế không hiểu từ một nguyên do sâu xa
nào, các Thầy chùa Từ Đàm bỗng nhiên thay đổi thái độ và trở nên hòa hoãn, muốn
“nói chuyện” với chính quyền. Ông Ngô Đình Cẩn thỉnh cầu với Trung Ương yêu cầu
điều đình trực tiếp với Huế qua hai Thượng Tọa Trí Quang và Thiện Minh. Nhưng
Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chối đề nghị đó. Điều này làm cho ông Cẩn bối rối,
khó xử. Cùng ngày 15-5, một phái đoàn Phật Giáo đại diện Nam Tông và Bắc Tông
vào yết kiến Tổng Thống Diệm và đạo đạt nguyện vọng. Kết quả là không đi đến
đâu. Saigon bắt đầu rục rịch bùng lên.
Ngôi sao Tâm Châu bắt
đầu ló dạng. Một phong trào tranh đấu của Phật Giáo tại Saigon có đủ yếu tố lớn
mạnh và có đủ điều kiện để làm mạnh với chính quyền.
Trong khi Huế, cái
đinh của biến cố lại bắt đầu mờ nhạt, không tạo được cơ hội để tranh thủ với
chính quyền Trung Ương. Dù vậy, Huế vẫn nắm căn bản “pháp lý” qua tổ chức Toỏng
Hội Phật Giáo Việt Nam mà hội chủ là Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết.
Ngày 20-5, Hòa Thượng
Hội Chủ đã đánh điện tín vào Saigon và một số Tỉnh báo tin để tâm tang và lễ
cầu siêu cho các nạn nhân vụ nổ Đài Phát Thanh. Đó cũng là cách lên tiếng. Phía
chùa Từ Đàm từ cuộc biểu tình ngày 10 đến ngày 21 cũng đã tự hiểu được rằng dù
đã có cán bộ và quần chúng, Huế không thể đơn phương vận động được một phong
trào chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Về phía ông Cẩn qua trục giao liên Hà
Thúc Luyện, Lê Trọng Quát, Lê Văn Nghiêm được biết rằng các Thầy Từ Đàm tuy bên
ngoài mạnh miệng tỏ ra cương quyết nhưng rất muốn “thương thuyết” để bảo đảm
chủ lực Huế. Chính quyền Trung Ương thì vẫn cố chấp “chỉ nói chuyện” với đại
diện Phật Giáo tại Saigon. Do đó Thượng Tọa Trí Quang đến gặp ông Cẩn rồi tự
tay Thượng Tọa viết một lá thư gửi TT Diệm nhờ ông Cẩn chuyển giao. Nội dung lá
thư thật hòa hoãn khiêm nhường.
Qua cuộc tiếp xúc giữa
Thượng Tọa Trí Quang, giới Phật Giáo Từ Đàm không đòi hỏi chính quyền phải thỏa
mãn 5 điểm trong bản tuyên bố. Trái lại bên Từ Đàm đã hạ 5 điểm xuống còn 3
điểm và những điểm này đều có thể thỏa mãn được như “yêu cầu chính quyền bồi
thường một cách xứng đáng cho gia đình những kẻ chết oan vô tội và kẻ chủ mưu
giết hại phải đền bù xứng đáng.”
Theo giới thân cận ông
Cẩn thì nếu như chính quyền Trung Ương gặp trực tiếp giới Phật Giáo chùa Từ Đàm
thì mọi việc thu xếp cũng không có gì khó khăn. Tuy nhiên Phật Giáo chùa Từ Đàm
vẫn bị kích động qua một khuynh hướng “cứ làm tới”. Cũng khuynh hướng này tuy
chỉ là một thiểu số nhưng đã đóng góp vai trò chủ động và lấn át những khuynh
hướng ôn hòa. Thượng tọa Minh bắt đầu nao núng.
Saigon chuyển động,
dần dần trở thành trung tâm biến cố. Trước hoàn cảnh này tuy, các Thầy chùa Từ
Đàm đứng trước bài toán:
1/ Phải làm mọi cách
để có mặt tại Saigon hoặc trực tiếp với chánh quyền hoặc có thể nắm một phần
chủ động trong những biến chuyển tại Saigon.
2/ Nếu không được như
vậy tạm thời thỏa hiệp và thương nghị với chánh quyền qua những đòi hỏi tối thiểu
và nhượng bộ nhau.
Thực tế xuất hiện của
Thượng Tọa Tâm Châu cũng như Cư sĩ Mai Thọ Truyền sẽ làm nghiêng ngả… nếu không
nhanh tay hành động thì Phật Giáo miền Trung sẽ bị lép vế do đó nguyện vọng và
đòi hỏi của Phật Giáo miền Trung sẽ trở thành cái cớ thúc đẩy những tập thể
đứng lên lãnh “công đầu”. Bởi vậy bằng một giá nào các Thượng Tọa Trí Quang,
Thiện Minh cũng phải nắm lấy thế chủ động và các vị này vẫn tin rằng ông Ngô
Đình Cẩn sẽ bênh vực lập trường của Giáo Hội Phật Giáo Miền Trung. Mà thực vậy,
ông Cẩn tìm mọi cách thuyết phục TT Diệm “tiếp kiến” riêng một phái đoàn Phật
Giáo miền Trung. Nhưng ông Cẩn không còn đủ tín nhiệm để thuyết phục bào huynh.
Biến cố 8-5 tại Huế, TT Diệm lại chỉ theo tường thuật một chiều và chật hẹp của
Đức Cha Ngô Đình Thục. Ngày 7-5 khi tình hình có vẻ căng thẳng, Đại Tá Đỗ Cao
Trí gặp riêng Đức Cha Ngô Đình Thục rồi bay thẳng về Saigon yết kiến TT Ngô
Đình Diệm để trình bày nội vụ vào ngày đó đến khi Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự
thiêu.
Đã hàng tháng trôi
qua, TT Diệm vẫn được nghe trình bày nội vụ về một phía tức phía Đức Cha Thục
và giới chức chánh quyền, cho nên TT Diệm lại càng tin mình đã làm việc chính
đáng để tôn trọng quốc kỳ và thể thống quốc gia.
Một biến cố như vậy
đáng lẽ phải cấp thời thu xếp cho êm đẹp vì càng kéo dài càng bất lợi. Và nó đã
bất lợi thật: gần nửa tháng không giải quyết được gì. Biến cố đó đã đẻ ra bao
nhiêu biến cố giây chuyền khác.
Chính quyền đã hết sức
lầm khi ra lệnh cấm treo cờ, tuy cái lầm lẫn đó bất cứ một chính quyền thiếu sự
cảnh giác có thể mắc với bộ máy công quyền thư lại làm việc quen chiếu lệ
(routiner) điều đó có thể không đáng trách lắm trong bối cảnh một nước chậm
tiến. Song điều đáng trách là khi chánh quyền đã làm lỗi lại không biết kịp
thời khôn ngoan sửa chữa lỗi lầm, do đó mới bị tràn ngập các biến cố. Lúc ấy
chính quyền “túng thế” cho rằng phải cương quyết bảo vệ uy quyền nếu cân bằng
biện pháp mạnh. Khi biện pháp mạnh được xử dụng (trong hoàn cảnh tràn ngập biến
cố) thì chính những biện pháp mạnh đó lại nuôi dưỡng biến cố và chỉ là cách đổ
dầu thêm vào lửa.
Nếu như TT Diệm nghe
lời ông Cẩn và chấp thuận nói chuyện với các Thượng Tọa miền Trung thì nội vụ
đã không đổ vỡ lớn như vậy. Mặc dù, có sự yêu cầu được tiếp kiến của Thượng Tọa
Trí Quang, TT Diệm lại trả lời không tiếp kiến, không thu xếp với phía Từ Đàm
vì ông Tổng Thống cho rằng một vấn đề địa phương như vậy một ông Đại Biểu Chính
Phủ cũng đã đủ tư cách để thu xếp.
Qua ngày 20-5, chính
quyền địa phương đành thủ lợi đợi thượng cấp. Chính quyền Trung Ương vẫn không
có một đường lối dứt khoát trong việc giải quyết vì không dựa vào sự phân tách
thực tế khách quan mà chỉ dựa vào ý kiến và xúc cảm chủ quan của mình.
Những ngày đầu biến
cố, phe Cộng Sản mới chỉ lên tiếng chiếu lệ (tuyên truyền có lợi cho phe mình
và gây hoang mang chia rẽ trong hàng ngũ quốc gia và các tập thể dân chúng)
nhưng CS đã bắt đầu điều khiển và phân tách thực tại khách quan của nội vụ để
có thể nếu điều kiện thuận lợi nhất cho phép thì họ nhảy vào vòng. Trong khi
đó, mấy ông CIA Mỹ “chìm” cố kết với báo chí Mỹ, Pháp qua các thông tấn và ký
giả tại Saigon để đóng vai trò hoạt náo viên có lợi nhất cho “đối phương” hành
động của họ.
Tại Sàigon ngày 21-5
một cuộc lễ cầu siêu tổ chức tại chùa Ấn Quang với sự tham dự của 5, 6 trăm
tăng ni, cuộc rước linh từ rất trọng thể từ Ấn Quang qua Xá Lợi. Đó là dấu hiệu
đầu tiên liên kết giữa các vị Phật Giáo ba miền Trung Nam Bắc. Trước đó, giới
Phật giáo miền Nam vẫn còn e dè thận trọng tối đa. Theo giới thân cận tại chùa
Xá Lợi cho biết, Cư sĩ Mai Thọ Truyền là chỗ tâm giao với Hòa Thượng Thích
Thiện Hòa (Ấn Quang) mà Thượng Tọa Thiện Hòa được coi là vị tu hành không
có tham vọng thế tục, bản chất rất hiền hòa phước hậu và ghét chính sự đa đoan.
Cư sĩ Mai Thọ Truyền
vốn là bạn thân của Phó TT Nguyễn Ngọc Thơ, ông lại là cựu Tổng Thanh Tra hành
chánh tài chánh Phủ Tổng Thống, ông không muốn dính dáng chính trị với Phật sự.
Đã từ lâu cư sĩ họ Mai không “hoan hỉ” cho lắm về mấy Thầy tại chùa Từ Đàm. Có
lẽ do kết quả từ những bất đồng ngấm ngầm qua một lần tham dự Hội Nghị Phật
Giáo quốc tế.
Về phía ông Ngô Đình
Nhu thì như thế nào? Ông Nhu chỉ thật sự dấn mình vào biến cố sau khi Hòa
Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu (11-6-1963) và từ đó ông càng trở nên quyết
liệt chơi ván bài “được ăn cả ngã về không”. Trước đó gần như ông không tỏ một
thái độ rõ rệt. Sau vụ Huế 2 ngày, hôm ấy hình như là thứ sáu ông Nhu lên Đà
Lạt. Lương Khải Minh có điện thoại cho ông Cao Xuân Vỹ nhờ ông Vỹ trình bày nội
vụ cho ông Nhu hay “Toa tìm cách nói thế nào cho ông Cố Vấn rõ chuyện và nên tìm
cách thu xếp cho êm đẹp không sẽ là cả một vấn đề nguy hiểm”.
Trên đường từ Dinh ra
phi trường trên xe chỉ có ông Nhu và ông Cao Xuân Vỹ. Dịp này ông Vỹ đã tường
trình nội vụ cho ông Nhu rõ đầu đuôi. Ông Nhu tỏ vẻ buồn bực nói: “Quyết định
một việc vô chính trị như vậy mà không hỏi ý kiến ai” (ý nói TT Ngô Đình Diệm
đơn phương quyết định một mình). Nhưng thật lạ lùng, thứ hai tuần sau khi trở
về Saigon ông Nhu bỗng dưng thay đổi thái độ và trở nên cương quyết. Quả khó
hiểu. Có nhẽ ông bị bà vợ chi phối quá nhiều. Khi ở Saigon một mình thái độ của
ông ôn hòa và bực tức với biến cố mà ông cho rằng “thất chính trị”. Lúc lên Đà
Lạt với bà vợ trong 3 ngày bỗng dưng ông thay đổi thái độ từ cực này đến cực
kia.
Ngày 25-5 Ủy Ban Liên
Phái bảo vệ Phật Giáo đưa ra một bản tuyên ngôn đặt trên hai căn bản chính yếu:
1- Ủng hộ 5 nguyện vọng Phật giáo qua bản tuyên ngôn 10-5-1963 (xuất phát từ
chùa Từ Đàm) 2- Thề nguyện đoàn kết trong cuộc tranh thủ hợp pháp bất bạo động
để tranh thủ cho đến khi được 5 nguyện vọng ấy. Một loạt lễ cầu siêu được tổ
chức theo giây chuyền từ chùa xá Lợi đến Giác Minh và các chùa khác trong Đô
Thành.
Trụ sở của Ủy Ban Liên
Phái đặt tại chùa Xá Lợi vì đây là chùa lớn đồng thời cũng là trụ sở của chi
hội Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại miền Nam vì chùa Ấn Quang lúc ấy còn quá
nhỏ. Chùa Từ Quang (nơi Thượng Tọa Tâm Châu trụ trì) lại ở trong con hẻm (đường
Phan Thanh Giản). Thượng Tọa Tâm Châu trở thành Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái bảo
vệ phật Giáo vì Thượng Tọa được coi nhưng một trung dung giữa “trục” Phật giáo
miền Trung và các tôn phái Phật giáo khác trong Nam. Sự xuất hiện của Thượng
Tọa Tâm Châu được coi là nhân vật thuận lợi cho nhịp cầu thông cảm giữa các tôn
phái lúc bấy giờ. Vả lại trước năm 1963 và trong 9 năm chế độ Ngô Đình Diệm,
Thượng Tọa Tâm Châu được coi là vị lãnh tụ tu hành theo đúng tôn chỉ của Đức
Thế Tôn. Thượng Tọa Tâm Châu trụ trì trong một ngôi chùa nhỏ hàng ngày dịch
kinh sách và tu đạo. Thượng Tọa Tâm Châu không có liên hệ với TT Ngô Đình Diệm,
nhưng Thượng Tọa cũng không phải là người chống lại chế độ đó. Trong 9 năm
chính quyền Ngô Đình Diệm không có hoài nghi về Thượng Tọa Tâm Châu. Trong kỳ
bầu cử Tổng Thống, ông có theo BS Tuyến đến thăm Thượng Tọa Tâm Châu. Dịp này
BS Tuyến ngỏ ý thỉnh cầu Thượng Tọa chỉ ủng hộ liên danh Ngô Đình Diệm – Nguyễn
Ngọc Thơ. Thượng Tọa hoan hỉ nhận lời. Thượng Tọa Tâm Châu trở thành chủ tịch
UBLP Phật Giáo đạt được một lợi điểm đối với chính quyền vì Thượng Tọa thuộc
thành phần chống Cộng và cũng từng đứng trong phong trào liên tôn chống Cộng
Sản (năm 45-46). Thượng Tọa lại là chỗ quen biết của Đức Cha Lê Hữu Từ cũng như
Linh Mục Hoàng Quỳnh.
Tuy vậy sự xuất hiện
của hai Thầy Tâm Châu và Đức Nghiệp đã làm cho một số người tại Huế không vừa ý
vì vậy hiển nhiên là tiếng nói phật Giáo miền Trung không được tôn trọng theo
đúng tư thế (vì Huế mới là khởi điểm của biến cố). Nhận biết được cái lợi cho
chính quyền nếu tìm cách đưa được các Thầy Từ Đàm vào Saigon và đích thân tham
dự UBLP hầu có thể cân bằng “cán cân ảnh hưởng và thế lực” Lương Khải Minh
tiếp tục thuyết phục TT Diệm chấp thuận việc đưa các Thầy ở Huế vào Saigon để
tham dự cuộc nói chuyện với chính quyền. Ai có thể làm việc giao liên móc nối
này? Lương Khải Minh đề nghị Bác Sĩ Trương Khuê Quan, (Giám đốc Xã Hội thuộc Bộ
Quốc phòng) đảm nhận công tác.
Ngày 30-3 các cấp lãnh
đạo sáu tập đoàn Phật Giáo thì hành chỉ thị của Hòa Thượng Hội chủ THPGVN tuyệt
thực 48 giờ kể từ 4 giờ cùng ngày.
Trước biến cố 5-8,
phía Xá Lợi tỏ ra thận trọng. Sau khi tiếp xúc với ông Bộ Trưởng Nội Vụ Bùi Văn
Lương (với tư cách riêng và tâm tình) giới đầu não hội Phật Học Việt “cảnh
giác” với một số bằng hữu ở chùa Xá Lợi là hãy coi chừng, chớ có nhẩy vội
vào vòng không rồi mắc mưu ông Ngô Đình Cẩn. Họ đề cao cảnh giác như vậy vì vẫn
hoài nghi và có mặc cảm với một số tổ chức do ông Cẩn đỡ đầu. Biết đâu từ biến
cố 8-5 lại không có người của ông Cẩn nhân dịp biến cố này sẽ lợi dụng để tung
một mẻ lưới lớn? Kinh nghiệm chính trị đã cho phép hoài nghi như vậy vì trong
những biến cố chính trị chính quyền biết đâu không cho những người nằm vùng để
khuấy động?
Những ngày đầu của
biến cố, phó TT Thơ vẫn đứng ngoài lề có lẽ ông muốn tránh tiếng và có lẽ cũng
không muốn dây dưa đến một vấn đề có liên hệ đến miền Trung (thuộc phạm vi ông
ngô Đình Cẩn).
Ngoài ông Bộ Trưởng
Nội Vụ có phận sự thu xếp, TT Diệm còn ủy cho Bác Sĩ Võ Vinh Hoa tìm cách dàn
xếp riêng với trục Thượng Tọa Thiện Hòa và cư sĩ Mai Thọ Truyền. Bác sĩ Hoa
cũng là y sĩ riêng của TT Ngô Đình Diệm (sau Bác Sĩ Bùi Kiện Tín) BS Hoa có
nhiều liên hệ tình cảm với Thượng Tọa Thiện Hòa cũng như cư sĩ Mai Thọ Truyền.
Gia đình ông lại quen biết với Thượng Tọa Trí Quang (qua gia đình ông Võ Văn
Hoàng- Phòng Thương Mại Saigon) BS Hoa sau những lần thăm dò đã trình cho TT
Diệm rõ là Cư sĩ Mai Thọ Truyền vẫn giữ vững lập trường ôn hòa. Sở dĩ phải có
thái độ với chính quyền vì không thể không chứng tỏ trong đoàn kết tương thân
với Phật Giáo miền Trung. Hơn nữa Cư sĩ Mai Thọ Truyền cũng là thành phần lãnh
đạo của Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Tổng đoàn Sinh Viên
Phật Tử từ Huế gởi tâm thư cho các sinh viên toàn quốc hô hào ủng hộ cuộc tranh
đấu cho tự do tín ngưỡng đồng thời gởi một bản kiến nghị lên TT Ngô Đình Diệm
sau một phiên họp khoáng đại tại chùa Từ Đàm sáng 31-5. Điều 4 trong bản kiến
nghị có ghi: “Yêu cầu chánh quyền ra lệnh triệt để đình chỉ những mánh
lới trẻ con, thiếu tri thức của cán bộ đối với tín đồ Phật Giáo trong cuộc
tranh đấu. Vì chính những mánh lới đó không lừa bịp được ai mà chỉ làm mất uy
tín của cán bộ và của chính phủ” (Bản kiến nghị có chữ ký của đại diện
6 phân khoa và các trường như Cộng Đồng Mỹ Thuật, Cán Sự Y Tế, Nữ Hộ Sinh Quốc
Gia, Quốc Gia Âm Nhạc, bản kiến nghị trên đây là dấu hiệu đầu tiên cho biết tập
thể Sinh Viên Học Sinh bắt đầu nhập cuộc. Đây cũng là lời phản kháng thứ
nhất của giới sinh viên trong suốt 9 năm chế độ Ngô Đình Diệm và cũng là lời lẽ
xúc phạm nặng nề nhất vì trong 9 năm cầm quyền TT Ngô Đình Diệm chưa hề nhận
được một kiến nghị nào công khai bày tỏ sự phản kháng như vậy.
Trên thực tế, bất cứ
một phong trào phản kháng nào của tập thể Sinh Viên dù lớn mạnh và rộng đến đâu
cũng không thể xoay chuyển được thế cuộc, không thể lật đổ được chế độ (phong
trào nổi loạn năm 1967 của Sinh Viên Pháp là một thí dụ) nếu như phong trào đó
không gắn liền với một thái độ chống đối định hình khác. Nhưng đây thì lại
khác, tập thể Sinh Viên Học Sinh đã dễ dàng bị lôi kéo và phát động mạnh mẽ
trong cuộc tranh thủ của Phật Giáo và Phật Giáo miền Trung lại có sẵn một khối
vẫn động trong tập thể Sinh Viên Huế. Khối ấy tuy nhỏ bé (là Tổng đoàn Sinh Viên
Phật Tử) nhưng lại có đủ yếu tố khích động và gợi cảm hứng tranh đấu cho tất cả
tập thể. Sinh Viên Huế nhận thức được tầm quan trọng của tập thể Sinh Viên nếu
tập thể này nhập cuộc cho nên một vài nhân vật cận thân của TT Diệm tìm mọi
cách thuyết phục Tổng Thống giải quyết mau chóng.
Tập thể Sinh Viên
trước năm 1963 tương đối thuần túy. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã thành công
trong việc “ổn định” Đại Học. Qua Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, tuy không
phải là một thực lực nhưng chính quyền lúc ấy bằng cách này hay cách khác có
thể nói đã “nắm” được Tổng Hội. Tập Thể Sinh Viên Huế không tổ chức được
như Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn nhưng lại qui tụ quanh uy tín của Linh Mục Cao
Văn Luận.
Sinh Viên Huế trước
năm 1963 đươc coi là chăm học, kỷ luật và hoạt động thuần túy học đường (tuy CS
có thâm nhập nhưng chỉ là thiểu số lén lút không dám xuất hiện dù với một chiêu
bài nào, không tạo được một ảnh hưởng lớn nào). Bỗng dưng Sinh Viên đứng lên
phản kháng, nhập cuộc. Lý do dễ hiểu là họ bị xúc động qua biến cố 8-5 lại bị
mặc cảm thụ động vì bấy lâu nay đã ỷ lại chính quyền đồng thời người dẫn đạo
sinh viên như Linh Mục Cao Văn Luận thì nay Linh Mục “buông xuôi” không có ý
kiến trong việc Sinh Viên phản kháng (dù Sinh Viên Phật Tử mà Đại Học Huế theo
thành phần tôn giáo thì đa số là Phật Giáo). Lý do sự buông xuôi của Linh Mục
Cao Văn Luận cũng dễ hiểu vì Linh Mục Luận tuy là chỗ thân tình sâu xa với ông
Ngô Đình Cẩn và TT Diệm nhưng Linh Mục lại có nhiều mâu thuẫn “cá
tính” với Đức Cha Thục (nhất là từ khi Đức Cha Ngô Đình Thục trở về Huế
trọng nhậm giáo tỉnh Huế). Lý do khác nữa là vì những mâu thuẫn giữa Công Giáo
và Chánh Quyền. Đồng thời cũng vì “liên đới thiện cảm” với Phật Giáo cho nên
Linh Mục Viện Trưởng Đại Học Huế thế tất không thể chống lại những hành động phản
kháng chính quyền và ủng hộ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam của Tập thể Sinh Viên.
Cho nên Sinh Viên được “buông thả” để nhẩy vào vòng.
Khi tập thể Sinh Viên
nhẩy vào vòng chiến, chính quyền nào cũng không thể không quan tâm đặc biệt.
Vấn đề căn bản lúc ấy là phải giải quyết vụ Phật giáo thì mới có thể làm xẹp
được “phong trào” (lúc ấy hãy còn giới hạn) phản kháng của sinh viên (đồng
thời cũng nhắm vô hiệu hóa sự sâm nhập của Cộng Sản một khi phong trào Sinh
Viên có cơ hội phát động lan rộng)
Trong khi các khối
quần chúng kể cả quần chúng Phật tử đang trong tình trạng thụ đông, do dự hoặc
tê liệt, giới lãnh đạo Phật giáo khó lòng có thể tạo được một cuộc vận động lớn
dù cho một đối tượng thiêng liêng tôn giáo. Vậy thì chỉ còn Sinh Viên là một
khối “quần chúng” chọn lọc tuy vô định hình trên lý thuyết nhưng trên thực tế
sinh viên trở thành một khối có khả năng vận động (manoeuvre) nhờ môi trường
sinh hoạt, nếp sống hằng ngày tương đối thuần nhứt lại hiếu động, dễ tin, đầy
nhiệt huyết.
Khối “quần chúng chọn
lọc” này luôn luôn là con mồi thèm khát của Cộng Sản và bất cứ thế lực nào cũng
muốn nhảy vào gây ảnh hưởng và sách động (dĩ nhiên CS thuộc nằm lòng phương
thức tri vận và sách động sinh viên).
Ngay từ đầu biến cố,
chính quyền Ngô Đình Diệm đã có lợi điểm là tập thể sinh viên không tham dự gần
như kẻ bàng quan. Ở Huế từ 8 đến 30-5, Sinh Viện Phật Tử chỉ tham dự lẻ tẻ và
với tư cách Phật Tử.
Khởi từ tháng 6, vì
không giải quyết mau chóng và kéo dài biến cố cho nên chánh quyền mất lợi điểm
trên khi tập thể sinh viên đứng vào hàng ngũ tranh đấu của Phật Giáo, đồng thời
CS thì muốn thâm nhập và “ăn có” trong cuộc tranh đấu này một cách hợp pháp và
thuận lý cho nên họ đã lanh tay bố trí kế hoạch và khởi điểm của kế hoạch ấy là
đi vào cửa ngõ vốn bao giờ cũng bỏ ngỏ theo đúng tinh thần đại học.
Tiên liệu những khó
khăn ấy và cái sức mạnh phức tạp vạn nan của khối Sinh viên học sinh cùng với
khối quần chúng “định hình” Phật Tử (một khi hai khối này liên kết) cho nên
khởi từ 22-5, một vài nhân vật thân cận của TT Diệm tìm cách “ổn định”. Mà
ổn định trong một biến cố tế nhị và phức tạp như vậy thì phương thức chính trị
phải được đặt thành trọng tâm hoạt động.
Ổn định trong trường
hợp này không có nghĩa là tìm cách đối phó và chiếu lệ. Ông Bộ Trưởng Nguyễn
Đình Thuần “hoàn toàn” đồng ý với ý kiến lập trường trên. Ông Thuần trình bày
với TT Diệm, ông TT không do dự gì cả và chấp thuận ngay nguyên tắc thương nghị
và hòa hoãn với Ủy Ban Liên Phái.
Vào một buổi sáng đầu
tháng 6 khoảng 8g30 BS Tuyến được TT gọi điện thoại bảo vào Dinh có việc gấp.
Linh tính cho ông biết là đề nghị hòa giải chắc chắn đã được Tổng Thống chấp
nhận.
- Bây giờ anh tính ra
sao?
Lời hỏi đầu tiên của
TT Diệm. BS Tuyến suy nghĩ ít phút rồi trình bày:
- Thưa Cụ bên phía
Phật Giáo cũng muốn hòa giải. Chuyện này cũng không có gì… kéo dài mãi sẽ bất
lợi, Cộng Sản nó sẽ len lỏi vô.
Tổng Thống Diệm trầm
ngâm. Vẻ mặt ông có vẻ lao lung lắm. Trong căn phòng quen thuộc ấy chỉ có ông
Nguyễn Đình Thuần, BS Tuyến. Bẵng đi một dạo, đã năm sáu tháng trời BS Tuyến
mới vào Dinh gặp Tổng Thống cùng mục đích như ông Thuần. TT Diệm quay sang hỏi
Bác Sĩ Tuyến:
- Ý anh thế nao?
Bác Sĩ Tuyến trình bày
thẳng thắn vấn đề và những lợi hại của nó. Tổng Thống yên lặng chừng 5, 7 phút.
Sau đó, BS Tuyến đưa ra đề nghi.
- Chính phủ nên chính
thức cử người đại diện để nói chuyện trực tiếp với họ.
TT Diệm hỏi: Ai có thể
đại diện cho chính phủ? Ông Thuần làm đi?
Ông Nguyễn Đình Thuần
nãy giờ vẫn ngồi im lặng.
- Để giữ thể thống cho
bên Phật Giáo và cũng là cách tạo thông cảm dễ dàng cho việc thu xếp xin Cụ đề
cử một người nào có bề thế đại diện Cụ.
TT Diệm băn khoăn: Ai
đại diện được bây giờ?
Ông Nguyễn Đình Thuần:
Tôi thấy chỉ có cụ Phó (tức PTT Thơ) là đầy đủ uy tín để đại diện Cụ.
TT Diệm đồng ý ngay: Ừ
, ông Phó được đấy. Ông (tức ông Thuần) cũng phụ vào.
BS Tuyến trình bày qua
một vài phương thức thành lập một uỷ ban hòa giải. TT Diệm lại hỏi:
- Ai nữa chứ, chỉ có
một mình ông Phó thôi à?
Đến đây thì BS Tuyến
cũng như Ông Nguyễn Đình Thuần đều không dám đưa ra ý kiến đề cử ai. TT Diệm
cũng như hai ông đều yên lặng lâu cả 10 phút. Ông TT cũng không tự ý cắt cử
thêm ai.
Tổng Thống Diệm bấm
chuông gọi ông Ngô Đình Nhu qua để tham khảo ý kiến rồi cùng quyết định.
Vẫn một vẻ “lừng
khừng” muôn thuở, ông Nhu vào phòng Tổng Thống hút thuốc lá, vẫn yên lặng.
TT Diệm hỏi:
- “Chú nghĩ sao về
việc này?” Ông Nhu thủng thỉnh đáp: “Như thế cũng được”.
TT Diệm lại hỏi: “Có
ông Phó còn phải kiếm thêm ai nữa chớ?”
Ông Nhu vẫn yên lặng,
mãi một lúc ông mới đáp: “Việc này thuộc Bộ Nội Vụ thì đặt ông Nội Vụ vô”
TT Diệm đồng ý ngay.
Thế là thành phần đai diện chính phủ đã có ba người, ông Phó TT Thơ, ông Nguyễn
Đình Thuần và ông Bùi Văn Lương. Trong lúc đang bàn tính thì ông Nguyễn Đình
Thuần được báo tin có Phó Đại Sứ Mỹ xin gặp gấp. Đó là ông Phó Đại Sứ Truchart.
Vì Đại Sứ Notlting đi vắng nên ông Phó thay mặt chuyển giao đến Chính Phủ Việt
Nam Cộng Hòa một bức công điện của của Chính phủ Hoa Kỳ. Bức công điện đó cho
biết dư luận bên Mỹ rất bất lợi cho Việt Nam và gây khó khăn cho chính phủ Mỹ
qua vụ Phật Giáo cho nên chính phủ Mỹ hối thúc chính phủ Việt Nam phải sớm giải
quyết cho xong cơn khủng hoảng này.
Ông Thuần trở vào
phòng, trình Tổng Thống bức công điện kể trên. Đọc xong vẻ mặt ông Tổng Thống
càng thêm đăm chiêu. Mọi người lại trở về vấn đề cũ quyết định thành lập một Ủy
Ban Liên Bộ này.
Về phía chính quyền
như vậy đã xong. Bây giờ là đến việc tìm cách nào để đưa mấy Thầy từ Huế vào để
nói chuyện với chính quyền trong Ủy Ban Liên Phái. BS Tuyến đã trình bày những
lợi điểm của việc này như sau: 1/ Đưa mấy Thầy chùa Từ Đàm vào đây để thương
nghị với chính phủ trên một cấp bậc cao nhất (qua Phó TT Thơ) tức là xoa dịu tự
ái địa phương của mấy Thầy. 2/ Huế mới là trung tâm của biến cố, nếu chữa được
tận gốc thì mọi sự sẽ êm. 3/ Mấy Thượng Tọa như Thích Trí Quang, Thiện Minh
được coi là thành phần nòng cốt của Tổng Hội Phật Giáo Miền Trung. Khi đưa mấy
Thượng Tọa đó vào Saigon tức là biệt lập được mấy Thượng Tọa chủ chốt đó với
quần chúng Phật Tử.
Nhưng ai đi tiếp xúc
cho tiện. Nhân vật này thật quan trọng vì phải hội đủ điều kiện mới có thể
thành công trong sứ mạng. Tổng Thống cũng như ông Nhu để tùy quyền BS Tuyến và
ông Thuần lựa chọn. BS Tuyến đề nghị BS Trương Khuê Quan. Ông trình bày với Tổng
Thống và ông Nhu:
- Ông Quan có quen
biết nhiều phía ngoài đó. Ông lại thuộc Bộ Quốc Phòng nên mọi sự đi lại di
chuyển sẽ dễ dàng hơn mà lại không ai để ý.
Đề nghị này được chấp
thuận và sau đó ông Nguyễn Đình Thuần ký sự vụ để BS Trương Khuê Quan ra Huế tiếp
xúc với chùa Từ Đàm. Tổng Thống Diệm thỏa mãn với quyết định này lắm. Theo
Lương Khải Minh, nếu không có những ngộ nhận và những cái vụn vặt tạo ra ngộ
nhận và một vài “tai nạn” đáng tiếc thì Ủy Ban Liên Bộ đã thành công và vụ Phật
Giáo không đến nỗi nổ to như vậy. Nhưng lịch sử chuyển vần lại không có chữ
“nếu”, nếu như thế này nếu như thế kia những chữ nếu đó đều ở bên lề biến cố
lịch sử. Nếu lịch sử là một sự tái diễn không ngừng thì người đời sau có thể
suy ngẫm rất nhiều và có ích rất nhiều khi đặt mình vào lịch sử đã qua để tự
vấn “nếu như thế như thế… ta phải làm thế nào khi gặp những khó khăn tương tự
như chế độ Ngô Đình Diệm.”
Bước qua năm 1963, thế
lực Mỹ mỗi ngày một lớn thì đồng thời uy thế của các Tướng Tá Việt Nam lúc ấy
cũng bắt đầu lớn dần, tham vọng cũng không nhỏ và bắt đầu hướng qua một chân
trời mới lạ khác tức chính trị. Khi một số Tướng Tá có tham vọng làm chính trị
thì tình trạng càng rối loạn bao nhiêu càng kéo dài bao nhiêu càng là một cơ
hội tốt nhất cho họ nhảy vào vòng. Lịch sử 1963 đã chứng minh như vậy là lịch
sử còn tái diễn nhiều lần như vậy nữa khi mà xứ sở này còn bị mê hoặc bởi thứ
dân chủ lòe loẹt phấn son.
Lúc bấy giờ, phía tòa
Đại Sứ Mỹ, Đại Sứ Nolting hoàn toàn ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm. Ông giữ vững
lập trường là không thể lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm trong hoàn cảnh sôi động
lúc bấy giờ. Phái đoàn Anh Quốc của Sir Robert Thomson (một nhà chiến lược về
chiến tranh du kích) cũng giữ một lập trường ủng hộ tích cực chế độ Ngô Đình
Diệm. Sir Robert Thomson tin tưởng vào sụ thành công cùa Ấp Chiến lược và Ấp
Chiến Đấu (nhất là ở vùng 2 và vùng 1). Đại Tá Richaedsson, trưởng phòng CIA
cũng như Đại Tướng Harkins (tư lệnh MACV) đều là những người cùng một lập
trường như Đại Sứ Nolting. Tuy nhiên, một số viên chức Mỹ khác bị chi
phối bởi lập trường và thái độ của Harriman, Mac Namara, Hilsman đã không ngừng
chống đối chế độ Ngô Đình Diệm và họ đã tìm cách móc nối với các tướng lãnh mua
một số nhân vật Mỹ hoạt động chìm. Thí dụ như trục liên lạc Lu Conein và Trần
Văn Đôn. Ông Lu Conein vẫn thường bình phẩm chế độ Ngô Đình Diệm là độc tài,
gia đình trị. Ông ta thúc đẩy thực hiện một số chủ trương dân chủ hóa VN. Việt
Nam phải có một thể chế dân chủ như nền dân chủ Hoa Kỳ.
Dạo ấy, các chính
khách đối lập thật khó lòng liên lạc được với Mỹ vì không thể lọt qua được con
mắt của giới an ninh chìm, nổi. Riêng các Tướng Tá thì được tự do gặp gỡ giới
chức Mỹ mà ít ai lưu tâm với lý do họ là những cố vấn về Quân Sự và An Ninh.
Biến cố Phật Giáo kéo
dài trong một hoàn cảnh bất lợi cho chế độ Ngô Đình Diệm như vậy cho nên, khi
TT Diệm quyết định dàn xếp ngay thì mọi người đều tin tưởng mọi việc sẽ êm đẹp.
Nhưng bất trắc phi lý của lịch sử thì không một ai có thể ngờ được.
Việc lựa chọn BS
Trương Khuê Quan ra Huế tiếp xúc với Từ Đàm là một “lựa chọn chính trị”.
Nói là chính trị vì
một sự tiếp xúc như vậy sẽ dễ dàng đạt được sự cảm thông tín nhiệm. Trong một
viễn cố thì phe tranh đấu ở đâu và thời nào cũng vậy không mấy khi tin tưởng
nơi thiện chí của chính quyền.
Cho nên trước khi công
khai dàn xếp thì phải có sự vận động dàn xếp ngầm. Người tiếp xúc vận động có
thể là một ông Tổng Bộ Trưởng và tuyệt đối không để cho mấy giới chức an ninh
Cảnh Sát dính vô. Người đi tiếp xúc phải hội đủ ba yếu tố: 1/ Người của chính
quyền (ở một địa vị lu mờ). 2/ Phải có sự thâm tình tri giao của phe đối lập.
3/ Phải có đức tính của một người mai mối khéo léo, linh động. Cuộc tiếp xúc
càng diễn ra âm thầm bí mật càng dễ dàng có kết quả tốt. BS Quan đã hội đủ được
mấy yếu tố đó. Như trên đã viết BS Quan vốn là chỗ tâm giao với Thượng Tọa
Thiện Minh không tin nơi chính quyền thì ít nhất cũng tin nơi thành tín của một
cá nhân thân thiết của mình.
Về phía TT Ngô Đình
Diệm, ông tin tưởng mọi việc sẽ êm xuôi và trao trách nhiệm cho bộ ba Thơ,
Thuần, Lương đều là “cỡ nặng” của chính quyền.
Ông Ngô Đình Nhu không
có một thái độ rõ rệt. Nhưng Bà Nhu bắt đầu hung hăng và tìm mọi cách nhẩy vào
vòng. Qua những biến cố lớn như vụ Tướng Minh 1954 cuộc đảo chánh 11-11-1960 bà
Nhu tỏ ra là một người có tài ứng biến mau lẹ và có nhiều sáng kiến tổ chức.
Nhưng qua hai biến cố trước, bà Nhu vẫn trong bóng tối nay thì bà tự cho là
mình đã có lực lượng lớn tức Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới. Trên thực tế phong
trào này hữu danh vô thực nhưng với Bà Nhu với lòng kiêu hãnh và thái độ nghênh
ngang của bà thì Phụ Nữ Liên Đới là một đoàn thể mà chính quyền phải kiêng nể.
Đoàn thể ấy phải có tiếng nói tham dự vào mọi diễn tiến của lịch sử.
Trong một buổi họp vào
trung tuần tháng 7-1963. Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới với đầy đủ nhân viên Ban
Chấp Hành Trung Ương (vào cuối tháng 5 âm lịch) Bà Nhu với lời nói “chanh chua”
gay gắt cho rằng, nếu chính quyền nhượng bộ, thỏa mãn yêu sách của Phật Giáo
thì phong trào của bà cũng sẽ làm áp lực cũng đưa ra một số yêu sách buộc chính
quyền phải thỏa mãn nhượng bộ. Trong phiên họp đó. Bà Nhu chỉ trích gay gắt mấy
nhà Sư với những ngôn ngữ không được mềm mỏng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét