Quốc Anh
- Khi thủ đô Sài gòn chính thức thất thủ vào lúc 11h30
sáng ngày 30/4/75, nhiều người Công giáo luận bàn: “Thiên chúa đã dùng
bàn tay cộng sản để trừng phạt những kẻ sát hại tôi tớ của Ngài, cũng như khi
xưa Ngài đã trừng phạt dân Do Thái gần hai ngàn năm vong quốc, phiêu bạt vì
nhạo báng và giết hại con một của Ngài treo trên cây Thập giá...”.
Đó có phải là điềm báo ứng nhản tiền tương
xứng? Một miền Nam khốn khổ, điêu linh vì những chủ trương: học tập cải tạo,
đánh tư sản, kinh tế mới, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp
cùng những chính sách: bế quan tỏa cảng, ngăn sông cấm chợ, loại bỏ nền kinh tế
quốc gia làm cho kinh tế đất nước kiệt quệ, dân tình khốn khổ.
Hủy hoại tư tưởng của nhiều thế hệ bằng việc
truyền bá chủ nghĩa Mac-Lenin, tận diệt đời sống tâm linh, phá bỏ nền nếp văn
hóa đạo đức truyền thống. Và chủ nghĩa ngoại lai từ mấy mươi năm trước đã biến
cả một dân tộc thành những người tù khổ sai, phải sống kiếp nô lệ ngay trên
chính quê hương xứ sở của mình?
Chế độ ấy ngày nay lại tiến hóa nhanh khi biến
luật pháp trở thành công cụ cưỡng đoạt nhà, cướp lấy đất dân thông qua những
điều luật hết sức mơ hồ, giả trá: “sở hữu toàn dân, quy hoạch phát triển”. Khi
người dân rên xiết, kêu than thì đã có bọn đầy tớ công an côn đồ, cùng lũ xã
hội đen ác ôn bóp cổ, bịt miệng. Bọn chúng cấu kết, tập hợp lại với nhau thành
một tập đoàn chính trị không những ăn bám trên mồ hôi - công sức, trên bao nỗi
oan khiên, oán hờn của người dân dưới hình thức đủ loại thuế, phí; rồi chúng
quay trở mặt hành hạ, đánh đập và dồn ép người dân vào bước đường cùng của
những nhà tù nhỏ bất lương! Nằm trong hệ thống cai quản của một nhà tù vĩ đại
xhcn bất nhân.
Sự thật của cuộc chính biến ngày 01/11/ 1963
chính là sự tranh giành ảnh hưởng của hàng loạt những mâu thuẩn nằm trong một
mắc xích: Quốc - cộng, đảng phái, tôn giáo. Chẳng một bằng chứng xác thực nào
chứng tỏ rằng: “Tổng thống Ngô Đình Diệm có tham vọng muốn biến đạo
Thiên chúa thành quốc giáo ở miền Nam Việt Nam”! Đó là những luận điệu
dối trá, ngụy tạo (mà ngày nay ta thường nghe, thấy trong hệ thống công an, tòa
án chuyên dùng để bắt bớ, trấn áp và giam cầm những cá nhân hay tập thể đòi hỏi
cho dân chủ tự do), là cái bẩy tuyên truyền một trong những phương cách lôi kéo
nhằm vào mục tiêu đánh đổ chế độ.
Đối phương đã lợi dụng sự mâu thuẩn này càng
khoét sâu, càng thực hiện những thủ đoạn gây chia rẽ đặc biệt trên lĩnh vực tôn
giáo! Đây là một thủ đoạn then chốt của các đảng phái chính trị, trong đó có
các đảng phái thân cộng trá hình sử dụng đã giáng một đòn ly gián trí mạng như
lưỡi dao oan nghiệt cắm ngập vào tim của chế độ để giết chết đi một nền Cộng
hòa non trẻ. Nói rằng: “Tổng thống Diệm ưu ái Công giáo, ngược đãi Phật giáo”
trong khi có hàng ngàn thiền viện, cơ sở Phật học được xây dựng, trùng tu bề
thế, tự do phát triển, hành đạo? Đó chính là sự mâu thuẩn áp đặt đi kèm với
những mưu đồ gian trá gây chia rẽ tôn giáo, dẫn đến mối họa gây chia rẽ dân
tộc, gây bất ổn chính trị do phía miền Bắc và các tập đoàn tay sai đã dàn dựng
nên.
Nếu nói ưu ái hãy nghĩ ngay đến việc Ngô Tổng
Thống đã ưu ái gần một triệu dân di cư miền Bắc trốn chạy thiên đường cộng sản
sau hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/54, mà trong những thành phần này có cả nhóm
tình báo, gián điệp được cài cắm, trà trộn vào đoàn di cư để hình thành nên
những mạng lưới điệp báo leo sâu, trèo cao vào bộ máy chính quyền trong cả hai
nền cộng hòa ở miền Nam.
Nhiệm vụ chính của mạng lưới là thu thập tin
tức tình báo, gây chia rẽ, xáo trộn và làm phân hóa nội bộ trong đó có việc gây
chia rẽ tôn giáo, dân tộc giữa các đảng phái ở miền Nam đã góp phần tạo nên sự
kiện lịch sử ngày 30/4/75. Và cũng gần giống như tình hình dòng người di cư từ
bắc vào Nam sau ngày ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ, một số lớn lực lượng điệp báo
này trà trộn vào số đông người vượt biển trong sự kiện thuyền nhân sau ngày
30/4/75 tiếp tục hoạt đông hiệu quả ngay tại hải ngoại. Vì vậy có thể hiểu vì
sao các tổ chức phục quốc sau ngày 30/4/75 đều bị phát hiện và bóp chết từ
trong trứng nước và các tổ chức, đảng phái chính trị từ nước ngoài về nước để
hổ trợ cho các phong trào dân chủ đều bị bắt hoặc theo dõi khi vừa mới đặt chân
xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Nhiều điều man trá trong cái gọi là: “sự kiện
đàn áp Phật giáo” vào ngày lễ Phật đản 08/5/1963, vì va vấp phải sự nhầm lẫn do
cái bẩy tuyên truyền gây ra, tạo nên mối mâu thuẫn, bất hòa, xung đột giữa
chính quyền đương nhiệm và các chức sắc Phật giáo? Nguyên nhân khởi phát từ
những tin đồn thất thiệt: thiên vị Công giáo, biến đạo Thiên chúa thành quốc
giáo, cho treo cờ Vatican tại các nhà thờ nhưng lại cấm treo cờ phật giáo tại
các chùa chiền nhân ngày lễ Phật Đản? Hệ thống thông tin, truyền thông thời đó
còn hạn chế, nhiều nguồn thông tin chủ yếu lan truyền từ miệng lưỡi thế gian
giống như hiện tượng “đồng dao” dưới thời phong kiến xa xưa.
Sự thực của việc đàn áp Phật giáo chính là quả
lựu đạn được kích nổ ngay giữa đám đông làm bảy Phật tử thương vong. Và dư luận
đã được lan truyền nhanh chóng đạn được bắn ra từ một chiếc thiết vận xa đã
giết chết nhiều phật tử. Nếu một trong những chiếc thiết vận xa của chính quyền
ngày đó khai hỏa nhắm vào đám đông như những thông tin lan truyền thì thiệt hại
về nhân mạng không thể dừng lại ở con số là bảy người như nhiều tài liệu đã
thổi phồng? Chính người của “Mặt trận phá hoại miền Nam Việt Nam” đã cho người
trà trộn, ném lựu đạn vào trong đám đông phật tử đang biểu tình, đã nhanh chóng
gây nên làn sóng phẩn nộ trên cả nước, lẫn dư luận quốc tế và sự kiện này là
nguyên nhân chính đã nhấn chìm sự nghiệp chính trị của TT Diệm sau chín năm cầm
quyền cùng với việc khai tử nền Đệ nhất Cộng hòa vào ngày 01/11/1963.
Từ sau cuộc đảo chánh vô nhân năm ấy, cái gọi
là hội đồng quân nhân cách mạng đã được phía Mỹ hậu thuẫn lại chia thành năm
phe, bảy phái triệt hạ lẫn nhau chỉ để tranh giành quyền lực. Tình hình chính
trị miền Nam ngày ấy vô cùng rối ren vì những cuộc chỉnh lý, đảo chính liên miên
ngay chính trong “hội đồng tướng lĩnh" đã đem đến cơ hội cho phía đối
phương có thời gian huy động và củng cố lực lượng. Tuyến đường 559 huyết mạch
nhanh chóng được xây dựng hoàn chỉnh để vận chuyển khí tài, quân dụng và lương
thực, thực phẩm cùng những đoàn quân vượt Trường Sơn tiến vào Nam.
Suốt một thời gian dài hơn năm mươi năm, dư
luận trong ngoài nước vẫn còn nhiều ngộ nhận: chính sách gia đình trị họ Ngô tự
gây chia rẻ, phân hóa, làm suy yếu cả hệ thống chính quyền quốc gia? Đó là một
nhận xét vô trách nhiệm, không khách quan từ các phe đảng chọc gậy bánh xe, từ
giới trí thức mắc bẫy tuyên truyền, từ phong trào phật giáo xuống đường do cộng
sản giật dây dẫn đến cao trào chống đối chính quyền.
Thực tế lịch sử đã rõ ràng, Thích Trí Quang
chính là nhân vật đứng đầu mạng lưới các nhà sư nằm vùng. Sự kiện tổng tấn công
tết Mậu Thân năm 1968 nhiều chùa chiền là trạm giao liên, là nơi cất giấu vũ
khí, truyền đơn, chứa chấp, che giấu những cán binh cộng sản. Nhiều sư sãi,
tăng lữ đã có công lớn trong việc cung cấp lương thực, thuốc men và chỉ dẫn
đường. Có những nhân vật nổi tiếng được viết thành sách, được dựng thành phim
điển hình là ni sư Huyền Trang một đặc công thành viên của đội biệt động thành
tham gia nhiều vụ khủng bố gây nhiều thiệt hại cho chính quyền VNCH….
Trích dẫn bài tham luận tại Hội thảo Khoa học
50 năm Phong trào Phật giáo miền Nam 1963-2013 tại Bình Dương ngày 11/06/2013
của ông PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo
thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam như sau:
“Qua cuộc pháp nạn, Phật giáo miền Nam càng
nhận ra đường lối tôn trọng tự do tôn giáo sáng ngời của Đảng Cộng sản Việt
Nam, ủng hộ cách mạng miền Nam tiến tới đấu tranh thống nhất nước nhà. Hàng
triệu Phật tử tham gia vào cuộc kháng chiến, hàng trăm ngàn Tăng, Ni, trong đó
có những bậc cao tăng ra bưng biền, làm chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ
của Tăng Ni, Phật tử miền Nam và tinh thần đoàn kết dân tộc. Cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước ở miền Nam toàn thắng, đất nước thống nhất, có vai trò đóng góp
to lớn của Tăng Ni, Phật tử miền Nam…”.
Dẫn chứng như trên để cho thấy việc nghi ngại
của Tổng thống Ngô Đình Diệm không phải là vô căn cứ nhưng chỉ đáng tiếc một
điều là vợ chồng ông cố vấn Ngô Đình Nhu có cách hành xử không đúng mực đã
nhanh chóng làm liên lụy đến cả dòng họ Ngô.
Nhiều người cho rằng chế độ do tổng thống Ngô
Đình Diệm cầm quyền là một chế độ gia đình trị kể cả các sử gia? Điều đó chỉ
đúng một, nhưng sai đến mười vì cụ Ngô Đình Khả thân sinh của TT Diệm và cố vấn
Nhu vốn là quan lại nhà Nguyễn, bản thân cụ Diệm cũng đã từng là một vị quan
lại đầu triều dưới thời Vua Bảo Đại nhưng đã từ quan vì bất đồng với cách đối
xử không mấy thân thiện của người Pháp đối với người dân bản xứ.
Xuất thân từ một gia đình nho gia thế tộc có
quyền thế, nhưng lại chối bỏ địa vị, danh vọng không phải ai cũng làm được?
Giữa thời thế tao loạn, ông đi tìm chân lý cho độc lập dân tộc theo cách riêng
của mình! Ông dám đứng ra gánh vác trọng trách trước quốc dân, đồng bào bằng
con đường chủ nghĩa quốc gia đầy gian nan, thác ghềnh. Một nhân vật dù chưa có
tầm ảnh hưởng lớn về chính trị nhưng nếu có thừa khả năng dẫn dắt dân tộc hướng
đến một tương lai tươi sáng và ấm no, thịnh vượng có gì là sai trái? Còn hơn
một nhân vật tài ba, xuất chúng nhưng lại dẫn dắt dân tộc đi trên con đường đầy
chông gai, thử thách và đẩy cả dân tộc đi vào hoang mạc của sự đói nghèo, lạc
hậu thì tài ba, xuất chúng cũng trở thành vô nghĩa.
Trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới đã
từng có những nhân vật như thế: Vua Lý Thái Tổ, vua Lê Thánh Tông suốt cả quảng
đời niên thiếu tu, học ở chùa đâu cần đánh nam dẹp bắc hoặc thân chinh giết
giặc? Nhưng khi được tôn làm Vua trở thành những vị Vua anh minh, sáng suốt làm
cho quốc gia thịnh trị, thiên hạ thái bình, chỉ dùng ngoại giao không cần động
đến binh đao cũng yên được giặc giả, con cháu nối dõi mười mấy đời?
Tần Thủy Hoàng đánh đông, dẹp bắc sau trở
thành bạo chúa, chưa hết đời con đã tuyệt diệt; thời cận đại có Adolf Hitlle
một nhân vật xuất chúng đi gây kinh hoàng cho cả thế giới đó sao?
Tổng thống Diệm với tinh thần của một nhà nho,
từng là vị quan đầu triều dưới thời vua Bảo Đại kết hợp với tính kỷ luật của
những năm tháng học trong trường dòng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tính làm cho
ông trở nên nghiêm khắc, thưởng phạt phân minh đã làm cho lủ người thường quen
với nếp sống hải hồ cảm thấy khó chịu và oán hận bởi sự gò bó trong trật tự, kỷ
cương phép nước?
Việc TT Diệm sử dụng hai người em làm cố vấn
cũng không có gì sai trái, vì dẫu sau các ông cũng đều là những nhà khoa bảng,
trí thức chứ không phải thuộc những loại người đá cá lăn dưa ở chợ hay ở trong
rừng rú, bưng biền gặp phải thời vận rồi dạy khôn thiên hạ bằng một thứ chủ
nghĩa Mác-Le sáo rỗng, lừa mị.
Sau ngày 30/4/75, thiên hạ mong mỏi, trông chờ
một chế độ - xã hội mới tốt đẹp, đàng hoàng và tử tế, một xã hội văn minh, phát
triển và thịnh vượng. Thế nhưng, một đất nước Việt Nam gần bốn mươi năm trôi
qua chỉ là một xã hội tạp nham nhìn đâu cũng thấy toàn một màu xám xịt, u tối.
Gán ghép cho chế độ TT Diệm là gia đình trị độc tài, tuy nhiên ông cùng một vài
thành viên trong gia đình đã bị chính những kẻ bề tôi phản phúc lật đổ, giết
hại? Nhưng gia đình trị của CNXH là cả một hệ thống độc tài, toàn trị: tham
nhũng, mua quan, bán chức, cướp nhà, cướp đất, đánh đập, hành hạ dân; ngoài xã
hội tràn lan đủ mọi loại tệ nạn: ma túy, mại dâm, lừa gạt, buôn người, giật dọc
ở chốn đông người, cướp của giữa thanh thiên bạch nhật, giết người vô cớ, giết
người man rợ… chế độ ấy vẫn tồn tại lâu dài?
Từ khi còn là một trong những vị quan đầu
triều Nguyễn, cụ Diệm đã nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chính trực và cho
đến khi dấn thân vào hoạt động chính trị, trở về nước chấp chánh nắm vận mệnh
quốc gia trong chín năm Tổng thống Diệm không hề để lại điều tiếng gì có dáng
dáng đến của cải, vật chất và Cụ cũng không liên quan đến bất kỳ một phụ nữ
nào. Tổng Thống Diệm ra đi với hai bàn tay trắng, bọn hội đồng tướng lĩnh phản
phúc không thể tìm thấy tại nơi làm việc và chỗ ở của ông có thứ báu vật, gia
sản nào có giá trị, ông không xây cất bất cứ một tư dinh, biệt thự nào cho cá
nhân để an hưởng tuổi già khi không còn nắm giữ quyền lực. Ông chỉ có một mong
muốn: “sau khi rời chính trường, ông sẽ lui về tu ẩn ở một tu viện ở xa
Sài Gòn ít người biết đến…”.
Đúng năm mươi năm trôi qua, những thứ tài sản
và dinh thự duy nhất của ông chính là mảnh đất nhỏ chưa đầy hai mét vuông với
một ngôi mộ đá mài đơn sơ nằm cạnh bào đệ của mình. Người đã chết có bao giờ
còn cất lên tiếng nói biện hộ cho những lý lẽ chính đáng của mình, vì vậy lịch
sử đời sau sẽ phân xử việc đúng sai một cách công minh và một ngày nào đó, sự
thật của lịch sử sẽ phán xét để trả lại công bằng, lẽ phải cho TT Diệm và gia
tộc họ Ngô, sẽ phân xử xem chế độ nhà nước nào mới thực sự vì nước, vì dân; vì
quốc gia, dân tộc? Chế độ nhà nước nào phản dân, hại nước, bán nước cầu vinh?
Những kẻ gây nên cuộc binh biến tang thương
cho gia đình Ngô Tổng Thống vào ngày 01/11/63, đã không thể biến miền Nam trở
lại như xưa mà trái ngược những cuộc chỉnh lý, đảo chính liên miên làm cho tình
hình chính trị càng rối ren, bi đát hơn và trước làn sóng cộng sản của sự kiện
lịch sử ngày 30/4/75. Nhóm hội đồng tướng lĩnh bất tài, cùng lũ chính khách xôi
thịt đã ngụy tạo lên những màn kịch dối trá, bịp bợm: đàn áp tôn giáo, độc tài,
gia đình trị, thông đồng với cộng sản… nhằm trút đổ hết mọi trách nhiệm, tội
lỗi lên cho TT Diệm và gia đình của ông.
Ngay tại nghĩa trang Lái Thiêu ngày nay có hai
ngôi mộ nhỏ khói tàn, hương lạnh nằm cạnh bên nhau ít người biết đến, nơi đó là
hai ngôi mộ của vị Tổng thống quốc gia dân cử, cùng ông em Cố vấn những người
đã có công thiết lập nền Cộng hòa đầu tiên trên quê hương xứ sở, trên đất nước
Việt Nam.
Có những nhân vật lịch sử đến mấy đời sau mới
được xã hội chấp nhận, tôn vinh: Thời Tiền Lê, Lê Hoàn lên ngôi bằng một sự sắp
xếp chuyển giao quyền lực từ chính tay bà Thái hậu Dương Vân Nga nhưng nhờ đánh
thắng quân Tống nên được tôn vinh. Tương tự, Thái sư Trần Thủ Độ đoạt ngôi nhà
Lý bằng việc ép buộc Công chúa Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần
Thái Tông và truy sát tận gốc rễ con cháu nhà Lý, nhưng nhà Trần đã ba lần đẩy
lùi các cuộc xâm lăng của giặc nguyên Mông, lịch sử đã ghi danh một triều đại
làm rạng rỡ nước nhà, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn đánh dấu một trang
sử hào hùng của dân tộc khi đánh tan hơn hai mươi vạn quân Thanh khi đương thời
cũng bị các cựu thần nhà Lê-Trịnh-Nguyễn dèm pha là kẻ chiếm ngôi dù quyền hành
nhà Lê chỉ còn trên danh nghĩa.
Một nhân vật lịch sử khác là ông Hồ Quý Ly đã
bị sử sách thời đó lên án là kẻ cướp ngôi dù cuối đời Trần đã bạc nhược, suy
yếu. Nhưng vì những chính sách cải cách mạnh tay của ông đã đụng chạm đến quyền
lợi của giới quý tộc và quan lại là các cựu thần dưới thời Trần, đây là nguyên
nhân chính dẫn đến sự thất bại của ông khi không có sự đoàn kết nhất trí một
lòng để cùng nhau chống giặc như dưới thời Trần chống quân Nguyên Mông. Vì vậy
khi quân Minh lấy danh nghĩa: “phù Trần diệt Hồ” thì tinh thần chống ngoại xâm
của nhà Hồ nhanh chóng thất bại, đi đến diệt vong. Giả sử ngày ấy, Quân tướng
nhà Hồ đoàn kết một lòng đánh bại ý đồ xâm lược của nhà Minh thì chắc chắn ông
Hồ Quý Ly đã được sử sách tôn vinh, chúc tụng.
Lịch sử luôn khách quan sẽ trả lại công bằng
vốn có! Các sử gia và con cháu ngày nay đã không còn khắt khe với cụ Hồ Quý Ly
rằng ông là một nghịch thần soán ngôi, đoạt vị mà ông là một nhà chính trị có
tinh thần cải cách. Ông đã đưa ra nhiều biệp pháp cải tổ như thực hiện phép
“Hạn điền" nhằm hạn chế chiếm hữu lớn về đất đai của quý tộc phong kiến,
phép “Hạn nô” để hạn chế số lượng gia nô mà giới phong kiến quý tộc được sở
hữu, bổ sung số gia nô dư thừa vào việc củng cố quân đội. Dưới triều Hồ, tiền
giấy đã được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Ở đây ta nhận thấy có quan điểm tương đồng
trong chính sách cải cách mạnh tay giữa cụ Hồ Quý Ly và cụ Ngô Đình Diệm lấy
pháp trị làm nền tảng để vãn hồi lập lại trật tự, kỷ cương, thu hồi những của
cải do tham nhũng, lấy lại đất đai dư thừa phân bổ lại cho dân nghèo, khiến cho
những tầng lớp thuộc danh gia thế tộc, bọn địa chủ, phú hộ, cường hào, ác bá bị
tước mất quyền lợi, quay ngược chống đối và báng bổ chế độ. Suy cho cùng, mầm
móng đổ vỡ suy tàn dưới thời phong kiến nhà Hồ và chế độ Cộng Hòa của TT Diệm
mới chóm nở đã vội suy vong chỉ vì không biết cách dối trá, mị dân theo kiểu:
“sở hữu toàn dân, quy hoạch phát triển” và không để bọn công thần tác oai, tác
oái thao túng quyền lực, không để bọn cơ hội tha hồ tham nhũng, kiếm chác, vơ
vét (dưới dạng những Tập đoàn kinh tế nhà nước làm chủ đạo như hiện nay, trong
đó là những PMU 18, VINASHIN, VINALINE, EVN, các công trình thủy điện lớn nhỏ
trên cả nước….)
Tác giả viết bài này luận bàn theo quan điểm
cá nhân không nhằm vào việc báng bổ tôn giáo, không ủng hộ việc gây chia rẻ mất
đoàn kết giữa hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo, cũng không có tham
vọng quá lớn lao về việc lật đổ một chế độ! Chế độ nào thực sự vì nước, vì dân
đem lại cơm no, áo ấm và thịnh vượng cho dân sẽ được tồn tại lâu bền còn ngược
lại sẽ có sự đào thải, hủy diệt đó là quy luật của xã hội. Tác giả chỉ muốn “Ôn
cố tri tân” về cuộc binh biến xảy ra ngày 01/11/1963 là một bài học sâu sắc về
nạn bè phái, chia rẻ tôn giáo, chia rẻ dân tộc và buổi sáng định mệnh ngày
02/11/ 1963, là ngày mà các tướng lĩnh phản phúc giết hại vị Nguyên thủ Quốc
gia đầy tâm huyết vì nguyện vọng xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Xã hội Việt Nam có lẽ còn lâu lắm mới nhìn
thấy được dân chủ, tự do trừ phi những kẻ trực tiếp, hoặc gián tiếp làm sụp đổ
cả chính thể Cộng hòa Quốc gia và những kẻ đã cười nhạo, báng bổ chế độ ngày ấy
biết nhìn nhận đâu là sự thật.
Nguyện cầu cho vong linh hai cụ được thanh
thản trên Thiên đàng vì thời gian qua đã có rất nhiều bài viết “giải oan” cho
hai cụ, cả nhân dân hai miền ngày càng yêu mến các cụ nhiều hơn. Nhân đây cũng
không quên nguyện cầu cho dân chủ, tự do, thái bình, thịnh trị mau chóng đến
với dãy đất hình chữ S này? Để kỷ nhớ năm mươi năm ngày mất của cố Tổng Thống Ngô
Đình Diệm và bào đệ là Cố vấn Ngô Đình Nhu vào ngày 02/11/1963 sau cuộc chính
biến 01 /11/1963, xin thắp lên bàn thờ một bát hương tưởng nhớ hương hồn của
hai cụ và những anh linh ngã xuống vì đại cuộc.
Tưởng niệm hương hồn Cụ Diệm, Cụ Nhu, Cụ Cẩn
(02/11/63 – 02/11/13)
Quốc Anh
danlambaovn.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét