Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

CẢM NGHĨ VỀ NGÀY VĂN HÓA DIÊN HỒNG


Trí Lực

Ngày Văn hóa Diên Hồng do Hội Văn hóa Phụ nữ Việt Nam tự do Đức quốc, với sự cộng tác của Liên hội người Việt tỵ nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức được tổ chức vào ngày 29-06-2013 tại hội trường Saalbau Titus  Forum (Nordwestzentrum), Frankfurt am Main. Mục đích của ngày văn hóa Diên Hồng hôm nay là để cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt, đồng thời nhằm phát huy truyền thống rạng ngời tốt đẹp của các bậc tiền nhân cho thế hệ con cháu mai sau.
     1. Hào khí Diên Hồng một thuở
     Giở lại trang sử nước nhà, vào cuối năm Giáp Thân 1284, triều đình nhà Trần đã trân trọng kính mời chư vị bô lão đại diện cho tầng lớp dân dã khắp các làng xã, họ vân tập trước thềm cung điện Diên Hồng ở kinh thành Thăng Long để tham dự một hội nghị đặc biệt, nhằm đối phó với dã tâm tham tàn bạo ngược của đế quốc Nguyên Mông phương Bắc, chúng mang ý đồ muốn thôn tính đất nước Đại Việt lần thứ hai. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và đương kim hoàng đế Trần Nhân Tông đích thân chủ trì hội nghị. Tại hội nghị Diên Hồng, các vị bô lão được nghe nhà vua thông báo về việc quân giặc Nguyên Mông đã xua quân tràn sang biên giới nước ta.  Nhà vua tịnh không bàn đến chiến thuật chiến lược, mà chỉ hỏi ý kiến duy nhất, rằng nên đánh hay nên hòa. Nếu chấp nhận hòa hoãn với quân thù thì xem như mất nước, trái lại, nếu toàn dân đồng quyết một lòng liều chết xông pha để đánh đuổi giặc thù, thì may ra còn có thể giữ gìn toàn vẹn non sông. Tiếng hô quyết chiến của các vị bô lão đã làm rung chuyển cả cung điện Diên Hồng. Có thể nói, hội nghị Diên Hồng là một sáng tạo vô cùng độc đáo của vua quan đời nhà Trần, là biểu hiện của ý thức tin tưởng vào sức mạnh trí tuệ của toàn dân muôn người như một. Cuộc chiến vệ quốc chống lại quân xâm lược Nguyên Mông vào năm 1285 gắn chặt với ý chí cương quyết tại hội nghị Diên Hồng.

     Trở lại với hiện tình đất nước Việt Nam, kể từ khi Việt Minh là tiền thân của đảng Cộng sản cướp chính quyền vào năm 1945, tội đồ Hồ Chí Minh đã vâng theo ý chỉ thiên triều, khơi mào cho một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn suốt hơn phần tư thế kỷ. Không ai khác hơn, chính Trung Quốc là đế quốc đã từng nuôi tham vọng thôn tính Việt Nam bao nhiêu lần trong suốt chiều dài lịch sử, lại đứng ra bảo trợ và cung cấp chiến cụ đạn dược cho cuộc chiến phi nghĩa này. Oái ăm thay! Ngay sau khi quân cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975,  Trung Quốc đã ngang nhiên chiếm đoạt hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để thành lập huyện Tam sa. Thêm nữa, ải Nam Quan, thác Bản Giốc và hàng chục hàng trăm cây số biên giới phía bắc đã bị Trung Quốc lấn chiếm. Thế nhưng, tập đoàn độc tài toàn trị cộng sản Hà Nội vẫn im hơi lặng tiếng và mặc nhiên triều cống, họ đã lộ rõ bản chất khiếp vía nhu nhược, sẵn sàng làm tay sai, bán nước cầu vinh.  Ý thức được một ngày nào đó không xa, quê hương gấm vóc hình cong chữ S sẽ bị quân Tàu lần lượt nuốt chửng. Bởi thế, các tầng lớp thân hào nhân sĩ, sinh viên học sinh trong nước nhiều lần tổ chức biểu tình chống đối Trung Quốc, thì bọn tay sai bán nước này lại ra tay đàn áp, bắt bớ không chút nương tay. Điển hình là vụ xử tù Điếu Cày, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên... với bản án tù hết sức phi lý, quả thật là, tập đoàn cộng sản  Việt Nam quá hèn với giặc ác với dân.

     Là những người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản, đang sống trên một đất nước tạm dung, Hội Văn hóa Phụ nữ Việt Nam tự do Đức quốc và Liên hội người Việt tỵ nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức ý thức được bổn phận và trọng trách của con dân Lạc Việt, nối tiếp truyền thống Diên Hồng, nêu cao ý chí quật khởi của hai bà Trưng, bà Triệu, quyết đánh đuổi ngoại xâm phương Bắc, giành lại độc lập cho non sông. Lấy hai chữ Diên Hồng để đặt tên cho ngày văn hóa, không ngoài ý nghĩa này.

      2. Hùng khí Mê Linh

     Trong bài diễn văn khai mạc, bà chủ tịch Hội Văn Hóa Phụ nữ Việt Nam tự do Đức quốc Phi Nga đã ôn lại lịch sử vẻ vang của bao anh hùng liệt nữ làm rạng rỡ giống nòi, thề quyết một lòng chống cự giặc ngoại xâm phương Bắc, nêu cao gương tiết liệt của các bậc nữ lưu Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu..., các bà đã phất cao ngọn cờ khởi nghĩa, một lòng trung trinh son sắt, quyết đánh đuổi quân thù, vẹn toàn non sông một dải. Trái lại, đảng Cộng sản đương quyền Hà Nội không chút nhục nhã, lại ngang nhiên dâng hiến đất liền và biển đảo cho quan thầy Bắc Kinh, tỏ rõ bản chất khuyển mã, khom lưng lòn cúi xin chịu làm hạng tôi mọi ươn hèn.

     Tiếp theo, bác sĩ Trần Văn Tích, chủ tịch Liên hội người Việt tỵ nạn  đã   tham luận với đề tài Hùng khí Mê Linh. Ông đã ôn lại lịch sử đấu tranh của các bậc nữ lưu con dân Lạc Việt, từ thời hai bà Trưng, bà Triệu Ẩu, cho đến lịch sử cận đại, thời nào cũng có những anh thư liệt nữ sẵn sàng hy sinh bảo vệ giang sơn, đúng với câu giặc đến nhà đàn bà phải đánh.

Lễ dâng hương trước bàn thờ Tổ quốc – 29/6/2013


     Với những tiết mục đặc sắc trong chương trình bao gồm thi ca, vũ nhạc, diễn kịch, võ thuật v.v..., tiết mục nào cũng tràn đầy vị ngọt quê hương, thắm đượm tình dân tộc. Chương trình do sự đóng góp thiện nguyện của các hội đoàn người Việt tự do tại Đức quốc. Ngoài ra còn có các ca sĩ, nhạc sĩ đến từ Hoa Kỳ, hay các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu như Pháp, Hòa Lan... Tất cả cùng có một tâm huyết là phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là vở kịch thơ Ánh kiếm Mê Linh của tác giả Trần Thế Thi vô cùng sống động, được trình diễn bởi các em sinh viên học sinh Ban Văn Vũ Điểm Sáng và  Hội Văn hóa Phụ nữ tự do Đức quốc.     

     3. Trang trải tình thương trên đất khách quê người
     
     Ngay sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, hàng nghìn đồng bào hai miền Nam Bắc đã bỏ nước ra đi tìm tự do, vượt qua bao sóng gió nghìn trùng, không ít đồng bào bất hạnh đã bỏ thây dưới lòng biển cả. Riêng tại Cộng  hòa Liên bang Đức, con thuyền nhân đạo Cap Anamur của Tây Đức đã cứu vớt khoảng mười ba nghìn thuyền nhân trên biển Đông, chính phủ Đức đã dang rộng vòng tay đón nhận phần lớn trong số này được đến định cư, nhận nơi đây làm quê hương thứ hai. Hằng năm, cộng đồng người Việt tỵ nạn vẫn tổ chức ngày Tri ân nước Đức, tỏ lòng nhớ ơn đất nước đã cưu mang mình, cho thế hệ con cháu mai sau có một tương lai xán lạn ở bến bờ tự do.

     Ngày 9 tháng 6 năm 2013, một trận lũ lụt ở miền Đông và Nam nước Đức đã tàn phá hầu hết trường học, nhà cửa, bệnh viện, đường sá... khi mực nước sông Elbe dâng cao quá mức. Nạn lụt đã hoành hành khiến chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức phải đương đầu trước thảm họa, kêu gọi cả nước chung tay tái thiết. Hưởng ứng lời kêu gọi này, ban tổ chức Ngày Văn hóa Diên Hồng quyết định đóng góp số tiền còn lại sau khi chi phí cho Ủy ban tái thiết của chính phủ. Liên hội người Việt tỵ nạn tại xứ sở này đã thể hiện tấm lòng vàng, ngõ hầu trang trải tình người, ân đền nghĩa trả, đúng với bản chất rộng lượng độ tha sẵn có của người dân Việt. Quầy hàng tình thương của một số chị em phụ nữ trong Hội Văn hóa cũng vô cùng hoan hỷ đóng góp phần nhỏ của mình trong nghĩa cử cao đẹp này.

     Ngày Văn hóa Diên Hồng 29 tháng 6 năm 2013 đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng người Việt tự do lánh nạn cộng sản đang định cư tại Đức quốc. Có thể nói rằng, ngày ấy đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh cho chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam đang mê muội, hãy ngưng ngay để đừng vấy thêm tội ác chống lại chính dân tộc mình mà bán đứng quê hương cho Tàu cộng. Hãy trả tự do vô điều kiện cho những nhà yêu nước đang bị cầm tù bởi những bản án đầy phi lý bất công và những người bất đồng chính kiến đang chờ xét xử.

Thụy Điển, ngày hè 2013
Trí Lực

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét