LTS: Để phá hủy và gom góp các chứng cớ ngụy tạo, nhổ cờ
Trung Quốc và dựng lại cờ xác nhận chủ quyền của Việt Nam, tổ chức phòng thủ
trên một số đảo bị Trung Quốc chiếm, ngày 17/1/1974, Hải quân VNCH đã tung một
nhóm biệt kích hải quân (biệt hải) đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc. Tuy nhiên, khi hải
chiến diễn ra ác liệt, toán biệt hải này không được tàu chiến nào đón nên phải
tự chèo xuồng về đất liền. Sau 10 ngày lênh đênh trên biển tưởng chừng sắp chết,
cuối cùng 15 biệt hải này đã được một tàu đánh cá cứu.
PetroTimes
xin trích thuật lại chuyến trở về từ cõi chết của những người lính bảo vệ Hoàng
Sa này. Bài viết được khai thác từ những số báo trong tháng 1 và 2/1974 của tờ
Trắng Đen phát hành tại Sài Gòn.
Những
chứng cứ ngụy tạo của Trung Quốc trên Hoàng Sa
12h30
ngày 30/1/1974, 15 biệt hải thuộc chiếm hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) của Hải quân
VNCH được một ngư dân cứu vớt tại một eo biển ở Qui Nhơn, cách đảo Cù Lao Xanh
45 km, thuộc hải phận quốc tế, đã về đến căn cứ Hải quân Quy Nhơn trong trạng
thái kiệt sức. Một lính biệt hải đã chết vì đói và khát. Trong số 14 biệt hải
còn lại, thì Trung úy hải quân Lâm Trí Liêm, trưởng toán biệt hải đổ bộ lên đảo
Vĩnh Lạc, là tỉnh táo nhất khi được đưa vào bờ. Trung úy Liêm được đưa vào Quân
Y viện Qui Nhơn và đã kể lại toàn bộ quá trình đổ bộ và rút lui của nhóm biệt hải
do anh chỉ huy.
“Lúc
8h sáng ngày 17/1/1974 chúng tôi nhận lệnh đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc (Money) từ
chiến hạm HQ-16. Đảo Vĩnh Lạc chỉ là đảo nhỏ trong quần đảo Hoàng Sa, đảo có
chiều dài khoảng 1km, chiều ngang 0,5km, trên đảo có rừng cây cao. Toán đổ bộ
chúng tôi gồm 15 người, sự chọn lựa này có tính cách ngẫu nhiên.
Chúng
tôi mang theo vũ khí, đạn dược, máy truyền tin, thực phẩm nước uống, chúng tôi
dùng xuồng cao su để đổ bộ, đây là loại xuồng được chế tạo rất đặc biệt, vỏ rất
dầy, được cấu trúc rất nhiều ngăn và có thể bơm không khí riêng rẽ vào các
ngăn, dài khoảng 5m, ngang 2m, ở 2 đầu trước sau có trang bị sẵn các lỗ hổng bằng
sắt để dùng gắn súng đại liên, phía trước mũi có đính sẵn một la bàn từ loại nhỏ,
và 2 bên hông gắn những tay cầm để người sử dụng dễ dàng bám vào khi ở mực nước
sâu, cũng như xách di chuyển trên cạn.
Chúng
tôi đổ bộ lên đảo từ hướng Đông-Bắc, nơi đây trong vùng lòng chảo bờ biển sâu
thuận tiện cho việc đổ bộ. Chúng tôi được chỉ thị nếu gặp địch quân hoặc ngư
dân Trung Quốc, cố gắng hòa hoãn đến mức tối đa, chỉ nổ súng khi thật cần thiết
để tự vệ, ngoài ra chúng tôi phải triệt hạ các chứng cớ ngụy tạo nếu tìm thấy.
Sau
khi đặt chân lên đảo Vĩnh Lạc chúng tôi lập tức nhổ các lá cờ Trung Quốc rải
rác khắp đảo và dựng lại cờ VNCH ngay tại vị trí các cờ Trung Quốc bị nhổ bỏ,
sau đó toán đổ bộ chúng tôi thám sát toàn đảo, trên đảo không có người, giữa đảo
trong rừng cây có một miếu thờ nhỏ rất xưa cũ có khắc chữ Việt tên họ cùng ngày
tháng năm, tôi nghĩ là của các ngư phủ Việt Nam trước đây đã lên đảo lập miếu
thờ. Về phía Nam đảo, chúng tôi phát hiện trong rừng cây 4 nấm mộ 2 có gắn bia
đá, 2 bia gỗ, khắc chữ Tàu, tất cả trông có vẻ xưa cũ, nhưng vết tích thì mới,
chúng tôi dùng xẻng đào các nấm mộ nhưng không tỉm thấy xương cốt gì cả.
Điều
chúng tôi thắc mắc là tại sao lính Trung Quốc đã cố tình ngụy tạo các nấm mộ, bỏ
công cắm nhiều cờ ở bãi biển, mà lại không phá hủy cái miếu nhỏ xưa cũ của Việt
Nam ta, điều đó chứng tỏ là họ rất vội vã, vừa thực hiện xong lập tức đi ngay
không có thì giờ thám sát đảo.
Tất cả
sự việc này được báo cáo về chỉ huy chiến hạm HQ-16, sau đó chúng tôi được lệnh
triệt hạ các chứng cớ ngụy tạo, đem các tang vật này gồm 2 bia đá, 2 bia gỗ và
các lá cờ Trung Quốc giao cho xuồng máy đem về để làm bằng chứng sau này. Tiếp
theo chúng tôi nhận thêm lương thực và nước ngọt, đồng thời tổ chức phòng thủ
trên đảo, đào các hố cá nhân trong rừng cây, gài lựu đạn ở các hốc đá và dùng
rong biển đắp lên, đặt nhiều mìn định hướng Claymore và dùng cát phủ lên ở bãi
biển mà chúng tôi nghĩ là địch quân sẽ đổ bộ, tất cả các vị trí này đều được
chúng tôi đánh dấu cẩn thận trên hải đồ.
(Còn
tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét