Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

CHUYẾN TRỞ VỀ TỪ CÕI CHẾT CỦA 15 BIỆT HẢI HOÀNG SA (1974) (KỲ CUỐI)

Chuyến trở về từ cõi chết
Khoảng 16h chiều ngày 19/1/1974, có 6 phản lực cơ Trung Quốc xuất hiện. Chúng bay rất thấp lượn chung quanh các đảo ở Hoàng Sa rất nhiều lần, có lẽ là để quan sát tình hình chung trong vùng, sau đó biến mất về hướng Bắc. Đêm ngày 19/1/1974, tôi đã hội ý và bàn bạc với cả nhóm, lúc này cận Tết gió mùa Đông Bắc, nếu dùng xuồng cao su hiện có và tấm mền làm buồm, chặt cây trên đảo làm cột buồm, cơ hội về đến đất liền rất lớn, cả nhóm đồng lòng đào thoát về đất liền bằng cách này. Kiểm điểm lại lương thực chúng tôi còn đủ dùng trong 4 ngày, 1 can nước ngọt khoảng 18 lít, đêm hôm ấy bình thản trôi qua sau một cơn biến động dữ dội.

Sáng ngày hôm sau, 20/1/1974, 7 chiến hạm Trung Quốc xuất hiện trong vùng, 4 trong số này là loại Hộ tống hạm Kronstadt, còn 3 chiếc khác là loại chuyển vận hạm, chúng tôi đoán là họ đang chuẩn bị đổ bộ.


Khoảng 9h ngày 20/1/1974, các chiến hạm Trung Quốc đồng loạt bắn vào các bãi biển ở các đảo do ta trấn đóng để dọn bãi chuẩn bị lính cho của họ đổ bộ, trên đảo Vĩnh Lạc, chúng tôi ẩn núp ở các hố cá nhân đã đào trước đây dưới các gốc cây lớn trong rừng phía Nam đảo, lúc này chúng tôi liên lạc đều đặn với các đơn vị trú đóng, chúng tôi được biết sau:



- Đảo Hoàng Sa: nơi đặt đài khí tượng do nhóm dân quân địa phương trấn đóng, tàu Trung Quốc đã ngưng bắn dọn bãi và đang cho lính đổ bộ.



- Đảo Cam Tuyền: nơi nhóm nhân viên cơ hữu HQ-4 trấn đóng, tàu Trung Quốc vẫn còn đang bắn vào bãi biển.



- Đảo Vĩnh Lạc: nơi chúng tôi trấn đóng, tàu Trung Quốc đã ngưng bắn dọn bãi, họ đang cho lính đổ bộ từ mặt Đông Bắc của đảo, chính mấy ngày trước đây chúng tôi đã đổ bộ lên đảo ở chỗ này vì nơi đây bờ biển sâu, rất thuận tiện cho việc đổ bộ, cũng chính nơi đây chúng tôi đã gài nhiều mìn và lựu đạn để tổ chức phòng thủ.



Đồng bào đón tiếp các chiến sĩ vừa dự trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa trở về.



Ngay lúc này chúng tôi quyết định rời đảo từ hướng Nam, nơi đây bờ biển đầy san hô và đá ngầm, chúng tôi 15 người mang xuồng cao su và các vật dụng kể cả vũ khí cá nhân và máy truyền tin, ra xa đến 2,3km mà mực nước chỉ ngang đến bụng. Rồi chúng tôi lên xuồng, cố gắng bơi thật nhanh, rời xa đảo càng sớm càng tốt, khi thấy đảo chỉ còn 1 vệt nhỏ, lúc ấy chúng tôi mới dựng cột buồm hướng về phía Đông Nam. Chúng tôi lênh đênh trên biển 2 ngày. Lương thực và nước ngọt cạn dần, tôi đã nhìn thấy điều này nên quyết định giới hạn khẩu phần lương thực và nước ngọt.



Đến chiều ngày 22/1/1974, khi mặt trời chưa lặn, chúng tôi ghi nhận 1 điều rất đặc biệt. Từ phía sau lưng chúng tôi phía xa ở đường chân trời, bất chợt hỏa châu được bắn lên, chúng tôi cũng đáp ứng lại bằng hỏa châu, cả 2 bên đều làm tin cho nhau bằng hỏa châu vài lần rồi sau đó im bặt. Chúng tôi không biết nguồn hỏa châu này từ đâu, chỉ suy đoán là của phi cơ trinh sát, hoặc của tàu dò tìm các nhân viên chiến hạm bị trôi trên biển sau trận hải chiến. Sau này được chuyển từ Quân Y viện Qui Nhơn về Bệnh Viện Hải quân Sài Gòn, khi nói chuyện, chúng tôi mới biết đó là nhóm 23 người HQ-10 đào thoát trên bè cấp cứu của chiến hạm, họ may mắn hơn chúng tôi khoảng vài giờ sau, được một thương thuyền Hà Lan cứu vớt.



Chúng tôi tiếp trục trôi trên biển đến ngày thứ 6 thì lương thực và nước ngọt hoàn toàn hết sạch, từ đó trở đi, nếu trời mưa, chúng tôi dùng buồm hứng nước, trời nắng thì chúng tôi dùng ca sắt múc ít nước biển, sau đó lấy bao nylon bít lên, một thời gian sau, nước bay hơi đọng ở phía dưới bao nylon, cẩn thận mở bao nylon dùng lưỡi mà liếm, đó là cách chúng tôi giải khát từ ngày thứ sáu trở đi.



Sang đến ngày thứ 10, tất cả hầu như bị ngất đi vì quá kiệt lực. Mắt chúng tôi chẳng còn thấy gì nữa, ngay cả tiếng sóng biển cũng chẳng nghe. Thân xác đã chịu đựng quá giới hạn con người. Nắng, gió, sương lạnh, và những cơn sóng lớn cùng với việc thiếu thực phẩm đã khiến chúng tôi tuyệt vọng chờ chết. Trưa hôm ấy, anh Nguyễn Văn Duyên (quản kho) đã hấp hối, trong tình trạng mê sảng, anh lầm bầm trong miệng những câu nghe không được rõ, khoảng 2 giờ sau, anh Nguyễn Văn Cảnh (y tá) là người khỏe nhất trong nhóm, đã lay mọi người dậy cho hay là anh Nguyễn Văn Duyên đã mất.



Chiều ngày hôm ấy khoảng 15h, có một tàu đánh cá chạy về hướng chúng tôi, trên tàu đánh cá có 4 ngư phủ, đó là những vị cứu tinh của chúng tôi, từng người một, chúng tôi được họ ẵm lên tàu và thay phiên nhau đút từng muỗng cháo cho anh em chúng tôi. Kế đó họ báo là anh Nguyễn Văn Duyên đã chết, và chúng tôi cho họ hay là chúng tôi đã biết lúc mấy giờ trước, xuồng cao su được các ngư phủ cột vào sau lái tàu và sau đó kéo về quân cảng Qui Nhơn.



Tàu đánh cá cập bến quân cảng Qui Nhơn lúc trưa, và chúng tôi được chở vào Quân Y viện Qui Nhơn để được cấp cứu. Đây là ngày không bao giờ quên của nhóm chúng tôi, ngày 30/1/1974, ngày chúng tôi được cứu sống sau 10 ngày lênh đênh trên biển”.



Trên đây câu chuyện của 15 chiến sĩ biệt hải có nhiệm vụ đặc biệt trên đảo Vĩnh Lạc trong giai đoạn Hải quân Việt Nam đối đầu cam go với Hải quân Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa khi chúng đem một lực lượng hùng hậu chiếm cứ quần đảo này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét