Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

CHUYỆN KỂ NĂM 2000 - PHẦN 13

CHƯƠNG 37
Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày hắn được ra tù.
Người kể chuyện này lấy làm khó xử trong cách gọi hắn, trong cách đặt nhân xưng ngôi thứ ba cho hắn. Chả lẽ gọi hắn là ông, là ông ấy. Gọi một thằng tù như vậy sợ hơi khó nghe. Hơn nữa chắc bạn đọc đã quen với từ “hắn” trong suốt phần một.
Còn một lý do nữa: Cũng rất khó xác định tuổi tác của hắn. Người đoán hắn năm mươi. Người bảo sáu mươi. Người nhìn mái tóc bạc và nét mặt nhăn nheo của hắn, cả quyết: Hắn không thể dưới sáu mươi nhăm tuổi.
Vậy là hắn không có tuổi, như ông Lan không có tuổi.
Cứ gọi hắn là hắn, chẳng sao. Hắn không tự ái đâu. Nhưng đừng bảo hắn sáu mươi nhăm tuổi, hắn buồn. Hắn buồn vì nghĩ rằng hắn sắp đến cõi rồi.
Hắn đã đưa bố mẹ hắn, nhiều bạn bè hắn ra nghĩa địa, ngắm nhìn những dòng chữ ghi trên mộ chí những ngôi mộ không quen. Người chết đủ mọi lứa tuổi. Già. Trẻ. Trung niên. Có cả các cháu bé. Những nấm mồ hoàn toàn yên lặng mà sao nói nhiều đến thế.
Hắn cũng để ra nhiều đêm nhìn sao. Không. Không phải nhìn sao như ở trại Q. N. Như cái đêm về nhà bố mẹ sau khi ra tù. Hắn không nhìn sao để tìm lại những người bạn ấu thơ, tìm lại những gì đã mất. Hắn nhìn sao, nhìn vào đêm sao thăm thẳm mà ngẫm ngợi về cuộc sống con người. Hắn phát hiện ra:
Nhìn lâu vào trời sao cũng có cùng một cảm giác như nhìn vào mộ chí. Thấy rõ cái vô cùng của trời đất và cái hữu hạn của một kiếp người. Thật vô nghĩa cho những cái bong bóng xà-phòng, những con côn trùng bé tí. Thế nhưng những cái bong bóng xà-phòng ấy, những con côn trùng bé tí ấy chà đạp nhau, hành hạ nhau, tiêu diệt nhau, mưu toan, dục vọng, lừa đảo, chém giết, đầy đọa... nhau, thích thú vì đã ngoi lên, đã làm khổ được đồng loại. Những người ấy hẳn chưa bao giờ nhìn kỹ vào những nấm mồ hay để cả một buổi tối nhìn lên bầu trời thăm thẳm, lấp lánh những ngôi sao im lặng.
Hắn nghĩ chắc chắn ông Lan, ông Trần và những ông khác có dính đến vụ án của hắn chưa bao giờ nhìn sao, nhìn các nấm mồ như hắn đã nhìn. Bởi vì bất kỳ ai đã trò chuyện với các nấm mồ, đối thoại với các vì sao đều sẽ tốt hơn, nâng cao được nhân bản, giảm đi sự tàn ác, bất công với đồng loại. Họ đều sẽ hiểu cái phù du, cái vô nghĩa lý của một kiếp người.
Hắn đâm thương các ông ấy. Bởi vì chính các ông ấy - cũng như hắn - sắp tới cõi rồi. Tuổi già đến. Ai cũng sẽ hiểu được cái hữu hạn của cuộc đời. Cái cô đơn sẽ đến. Vợi cho ai được những gì đè nặng lương tâm? Trò chuyện với con cháu cũng như trò chuyện với lương tâm. Không thể nào dối trá. Vậy thì nói gì? ông Trần, ông Lan, ông Quảng (trưởng phòng của ông Trần mà sau này hắn biết là một trong những người gây đau khổ cho hắn) tự nói gì với lương tâm mình để sống được thanh thản. Rồi hắn lại lẩm bẩm: “Nhưng không biết các ông ấy có lương tâm không nhỉ?”
Đấy hắn cứ nghĩ ngợi kiểu như vậy.
Nhiều lúc hắn tự biết hắn đã hỏng, và chấp nhận điều đó. Bởi vì hắn đã cố chống lại nó nhưng không được. Hắn buồn rầu: “Mình đã bị tiêu diệt. Tiêu diệt hoàn toàn”. Bây giờ hắn chia cuộc đời hắn thành những thập niên. Thập niên thần tiên. Đó là thập niên đầu tiên khi hắn biết có hắn trên cuộc đời này. Thập niên này dài lắm. Mong từng ngày đến Tết. Mong từng ngày đến mùng ba tháng ba, ăn bánh trôi. Mong đến mùng năm tháng năm, giết sâu bọ. Mong đến xá tội vong nhân, đến Trung thu. Mong bằng tuổi anh Văn mà không sao bằng được.
Thập niên thứ hai: Thập niên tin tưởng. Dù đi đâu, ở đâu. Bến Tắm, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Thế. Thái Nguyên... Dù gian khổ đến mấy cũng không lay chuyển được niềm tin của hắn. Niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, niềm tin vào cuộc kháng chiến, vào tương lai của chế độ xã hội chủ nghĩa, vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Thập niên thứ ba: Làm việc. Hạnh phúc. Mộng du (Làm báo. Lấy Ngọc. Viết sách). Thập niên thứ tư: Dưới đáy. Cố ngoi lên để khỏi bị nhận chìm dưới đáy. Đấu tranh đòi hưởng sự công bằng, đòi hưởng luật pháp.
Thập niên thứ năm: Chiêm nghiệm. Xác nhận thực tại mình bị tiêu diệt. Hiểu. Thập niên thứ sáu..... trò chuyện với vô cùng.
Mấy thập niên thôi là hết cuộc đời.
Tất nhiên nội dung các thập niên không tách bạch bằng một tiếng kẻng. Như trong sách chính trị đã hướng dẫn: có manh nha và có tiền đề. Thập niên sau manh nha ở thập niên trước. Thập niên trước tạo tiền đề cho thập niên sau. Cuộc sống con người cũng như các giai đoạn của kháng chiến, của sự phát triển sức sản xuất, quan hệ sản xuất.
Đến đây đầu óc hắn lại mụ mị đi. Cái chất phóng xạ ấy của hắn mạnh lắm. Nên ít người nói chuyện với hắn.
Phải nhận rằng hắn rất tỉnh táo, nhận biết đtíợc điều nguy hại đang đến với hắn: Sự hỏng từ từ. Và hắn quyết chống lại. Dai dẳng. Kiên quyết. Dù thất bại.
Như cái hồi mới ra tù: Nhìn ai cũng thấy quen quen, ngờ ngợ như đã gặp ở trại nào, nhìn ai cũng thấy như người mới ở tù ra, hắn tự cảnh tỉnh ngay. Nhưng cảm giác ấy cứ bám vào hắn, xua đi không được. Giống người đi biển lâu ngày, khi lên bờ, vẫn thấy mình đu đưa, bập bềnh theo nhịp sóng mà ta gọi là say đất, hắn mắc chứng say tù.
Và cũng như người say đất, hắn phải có một thời gian mới rứt ra được khỏi lực hút ám ảnh hắn. Lực hút của nhà tù, của gần hai ngàn ngày đêm đóng dấu vào não hắn, vào từng tế bào hắn, bốc khói, cháy khét và ngấm đượm. Không ai hiểu được điều hắn đang trải qua khủng khiếp đến thế nào. Hắn cảm thấy một cái gì không an toàn. Một cái gì sắp nổ tung. Hắn thấy bọn tù mới được tha ấy đông lắm. Nhan nhản. chen chúc lẫn lộn với những người bình thường và cũng làm ra vẻ mình là người bình thường. Mọi người đều tưởng họ là người lương thiện.
Họ hệt những người hoạt động tình báo. Chỉ có điều đội quân Z7, A15, B61 này đông quá. Hắn có cảm tưởng như sắp bị lật đổ đến nơi. Rất đáng báo động. Nguy hiểm mà không ai biết được sự nguy hiểm. Vì không ai nhận ra họ. Họ giống hệt mọi người. Họ giấu biệt quá khứ đen ngòm của mình, chuỗi ngày tháng sống trong địa ngục của mình, sự đau khổ nung nấu tim gan mình, nhưng hắn vẫn nhìn thấy, vẫn nhận ra. Vì họ đều đã bị đóng dấu nung đỏ.
Cảm giác ấy càng tăng lên khi một buổi chiều, con Thương đi học về bảo hắn:
- Bố. Có ai hỏi bố ở dưới nhà ấy?
- Ai con?
- Con không biết, trông lạ...
Hắn xuống thang. Hai người quần nâu, áo nâu đứng dựa lưng vào tưởng chỗ bể nước. Quen quen. Đúng rồi. Min: toán chăn nuôi, người đã giũa răng cho hắn. Còn một anh nữa mặt loang, tay loang. Thấy hắn, cả hai cười rất tươi. Người mặt loang bảo:
- Anh không nhận ra em à?
Trời ơi. Thì ra là Dự. Dự có con chuột được đem xử án. Dự hay bắt tóp. Dự cũng đã được ra rồi. Dự bảo:
- Em bị cháy, bỏng.
Hắn mời hai người lên nhà, nhưng Dự lắc đầu:
- Thôi, chúng em đứng ở đây thôi. Hắn liếc nhanh vào cửa sổ của gia đình gần bể nước. Những cặp mắt tò mò, khinh bỉ đang nhìn bọn hắn. Bọn hắn thì chẳng lẫn vào đâu được. Bây giờ bè bạn hắn rặt một loại như vậy.
- Lên nhà! Lên nhà chuyện nào. Đừng đứng đây!
Hình như ba tiếng cuối “dừng đứng dây”có tác dụng. Họ rón rén lên thang gác. Có lẽ cả đời hai người khách chưa được bước lên thang gác lần nào.
Dự bảo:
- Em hỏi cô đồng hồ ngoài cửa. Cô ấy bảo anh ở trên gác.
Hắn pha nước và hỏi Dự:
- Còn thuốc hút không?
- Em còn.
Hắn lấy ra bọc thuốc của hắn, rứt cho Dự một nắm to. Vừa uống hết chén nước thì Ngọc đi làm về.
Thấy Ngọc, cả hai sợ hãi:
- Thôi, chúng em đi đây.
Hắn rất muốn giữ hai người lại, ăn với hắn một bữa cơm và trò chuyện đôi chút, nhưng hắn nể Ngọc. Đúng hơn là sợ. Hắn đưa mắt nhìn Ngọc và nhìn hai người bạn tù. Ngọc thấy thương hắn và thương hai người bạn tù của hắn. Chỉ trông vẻ mặt, dáng người cũng biết họ đang lâm vào hoàn cảnh như thế nào. Nàng đau xót hiểu rằng thế giới của hắn - và cũng là thế giới của nàng - từ nay đã hoàn toàn đổi khác, bạn bè đến nhà toàn những người cặn bã, mạt hạng. Nhưng hắn hiểu và thương xót những con người ấy, nên nàng cũng hiểu và thương xót những con người ấy. Nàng niềm nở như niềm nở với những nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh trước đây vẫn đến chơi nhà:
- Mời hai anh ở lại ăn cơm với chúng tôi. Cơm rau mắm thôi, có gì mà ngại.
Hình như hai người tù chỉ đợi có vậỳ. Hắn nhìn Ngọc, cái nhìn biết ơn. Đúng là gặp Dự ngoài đường hắn không nhận ra.
Vì vết loang hồng hồng, trắng trắng chạy từ má chéo xuống cổ. Cả ở tay nữa. Dự bảo:
- Suýt chết đấy, anh ạ.
Và Dự kể lại chuyện cháy chiếc xe ô-tô của trại. Dự xông vào cứu. Bỏng cả mặt, cả người. Nằm trạm xá hàng tháng. Dự bao giờ cũng vậy. Coi vỉệc trại như việc nhà. Làm hăng vì cái tính nó thế. Dự được giám thị kết nước da nghĩa là có việc gì đột xuất lại gọi Dự đi. Chủ nhật. Ngày nghỉ. Làm đường. Chữa lại đập Sửa lại cái bậc cấp ở khu cơ quan. Dự đều được gọi. Lúc về Dự chuyện như pháo rang. Những là ông Quân nói gì, ông Vui, ông Thanh Vân đi bắn chim ra làm sao. Rổi bà Mùi nhà - bếp - cán - bộ tốt lắm. Đắp lại bếp lò cho bà ấy, bà ấy cho một đa thịt, bắt ăn hết, không được mang vào trại.
Đi làm mệt nhọc, nhưng Dự thuật lại ầm ĩ, sôi nổi, phấn khởi, dù nhiều khi mất mồ hôi mà chẳng được gì, một nửa cân sữa bổi dưỡng cũng không. Chỉ được xuống suối tắm. Tắm bồi dưỡng. Dự làm hắn liên tưởng đến một anh cố nông, bỗng lạc vào nhà các quan, trở về huyên thuyên trò chuyện.
Hắn vẫn nghĩ Dự có một cái gì đó ngớ ngẩn. Không ngớ ngẩn mà lại xông vào dập ô-tô cháy. Ai khiến? Ngộ nhỡ bỏng chết thì sao? Hay co quắp chân tay, tàn phế thì sao? Hình như Dự hài lòng với cuộc sống trong tù. Chưa bao giờ thấy Dự kêu ca phàn nàn. Chẳng ngớ ngẩn mà lại đưa đầu cho hắn cắt tóc. Tù mà được cắt tóc thật như người bình thường được đi tắm Đồ Sơn. Trại vẫn có một anh chuyên làm việc cắt tóc. Đừng tưởng việc làm của anh ta nhàn nhã hơn mọi người. Tông-đơ cùn, bóp đến phát hạch ở nách. Đứng đến tụ máu ở chân. Khi anh ta mãn án được về, ông Lâm có sáng kiến trao bộ đồ cắt tóc cho Thất quản lý. Các toán mượn về cắt cho nhau ngày chủ nhật. Thế là ai cũng thành thợ cắt tóc. Hắn cũng cắt. Mọi người nghi ngờ khả năng của hắn. Dự ngồi ngay xuống cái ghế ở nhà àn thản nhiên:
- Anh cắt cho em.
Hắn cầm tông-đơ dũi tóc cho Dự. Tông-đơ cùn, đầu Dự bẩn, tóc lại dài, cợp. Hắn bóp. Tóc đứt, tóc chưa đứt giắt vào tông-đơ, nhổ lên lịch phịch nhưng Dự không kêu mà chỉ nhăn thôi. Dự ngồi cúi cúi. ngoan ngoãn. Hắn dũi và thỉnh thoảng lại phải chờ, vì một anh mượn tông-đơ sửa lại cái mai. Nói chung các đồ dùng cắt tóc được luân phiên sử dụng để ba bốn “ông thợ” phục vụ ba bốn “ông khách” cùng một lúc.
Cuối cùng mái tóc đầu tiên trong đời hắn đã được hắn sửa sang xong. Đó là một tác phẩm điển hình của những người mới tập cắt tóc: cóc gặm, làn sóng, răng cưa, bên dướí trắng, bên trên xoè ra một vành như đống rơm bị rút nham nhở. Dự đưa tay xoa lên gáy, phấn khởi:
- Nhẹ cả người. Anh cạo cho em.
Hắn lại phải chờ. Vì dao cạo còn bận. Cuối cùng hắn cầm dao, liếc liếc vào bàn tay và cạo. Bấm mai cái đã. Hắn hoảng: Lưỡi dao khoét ngay một lớp da trắng hếu và ở chỗ đó những giọt máu tươi rịn ra...
Hắn xuýt xoa:
- Chết rồi.
- Không sao, anh cứ cạo đi.
Đến lúc đó hắn mới biết cạo mặt còn khó hơn dũi tông-đơ. Lưỡi dao cùn cứ nhảy nhảy băm băm trên trán Dự thành những vệt ri rỉ... Hắn bảo Dự: “Thôi, xong”. Dự đứng lên lấy lược chải đầu, lấy tay cào tóc ở vai, ở cổ. Lấy áo đập khắp người (nước đâu mà tắm) Lúc bấy giờ hắn mới thấy mệt, đầu nhức lên vì qụá căng thẳng.
Dự được về sau hắn hai tháng. Đợt ấy về khá đông. Hắn nghĩ có lẽ những câu đăng báo, nói trên đài đã bắt đầu được thực hiện chăng: “Xóa bỏ hận thù, khôi phục tình thương”. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Hơn mười anh số lẻ về một lúc, xôn xao cả trại. Tuy toàn những người trên ba lệnh. Phố đã về. Dân Cầu Giát vẫn chưa được về. Cả Cán nữa. Cán thì về với ai? Cương nữa, gia đình Cương đi Nam hết từ năm 1954. Một mình Cương ở lại. Đủ để người ta nghi vấn, đặt vấn đề và không thể tha Cương. Có ai tin được rằng Cương ở lại miền Bắc chỉ vì một cô gái. Vũ Lượng, Cân, già Đô cũng còn ở trên ấy. “Bọn lính mới ấy mà”.
Dự đã về quê, nhưng thấy không thể sống được ở quê. Bố mẹ Dự đã mất. Không anh chị nào chịu cho Dự ở. Với lại làm công điểm cũng đói lắm. Nông thôn rất đói. Đấy là chưa kể đi tù về, ở nông thôn chẳng ai coi mình ra gì.
Dự chỉ đảo qua nhà một hôm. Rồi ra Hà Nội. Gặp Mỉn. Min rủ xuống P “tìm anh Tuấn xem sao, anh ấy về được mấy tháng rồi”. Tất nhiên là nhảy tàu. Tiền đâu lấy vé. Trên tàu họ kiểm tra vé thì chìa cái lệnh tha ra.
- Thế anh chưa làm gì à?
- Chưa.
- Gay go quá. Chúng em không biết xoay cách gì đây.
Cả ba cùng thở dài.
Hai người bạn tù nhìn căn buồng. Nhìn Ngọc và lũ trẻ bận bịu đi ra đi vào, đong gạo, nhặt rau, giặt giũ, phơi phóng quần áo, mắt họ ánh lên vẻ thèm thuồng. Dù bị bỏng, dù bị một vết loang đỏ và trắng chéo ngang mặt xuống tới cổ, nét mặt Dự vẫn quê mùa, chất phác, Dự ngửa mặt nhìn lên trần, nhìn cái quạt cóc quay xoe xoe, rồi nhìn ra cửa sổ lẩm bẩm:
- Nhà anh như động ấy nhỉ.
Hắn cố giữ để khỏi bật ra một nụ cười chua chát.
Hắn càng không hiểu vì sao Dự bị bắt. Lại là tù chính trị. Số lẻ đàng hoàng. Hắn không tin Dự là tù chính trị. Cái số lẻ của Dự là một sự nhầm lẫn. Cũng như hắn tù chính trị lại có số CR880. Số chẵn. Thì hàng vạn, hàng chục vạn người tù, cũng phải nhầm lẫn chứ.
Nhà hắn mà được Dự khen như động. Một cái buồng hơn hai mươi mét vuông. ưu điểm là cửa sổ nhiều và rộng. Trần cao, chỉ có một cái giường ba xà, bộ bàn ghế...
Dù đang lâm vào hoàn cảnh bi đát nhất, hắn cũng hiểu Dự và Min còn khốn nạn hơn hắn rất nhiều. Họ chỉ ao ước được như hắn.
Hình như Dự muốn hỏi cái gì đó mà không dám.
Hắn khe khẽ:
- Có cần gì không, hở Dự?
Dự lấy hết can đảm:
- Anh còn bộ quần áo cũ nào không?
Hắn đứng lên ngay. Quần áo hắn có. Nhiều người cho hắn. Quần áo cũ của chính hắn cũng còn. Hắn tặng hai người hai bộ. Một bộ cũ nhưng còn lành. Một bộ đã pích-kê ở đầu gối và ở mông. Hắn giục:
- Thay luôn đi, thử xem có vừa không?
Hình như cả hai đều không muốn mang trên người bộ quần áô nâu. Họ ra nhà giải. Thay ngay. Dự mặc bộ lành, Min mặc bộ vá. Đúng là dễ trông hơn. Bình thường hơn. Trà trộn với đời thường được rồi. Thế là hắn lại nhớ đến những người quen quen, ngờ ngợ hắn gạp trên đường. Nhan nhản. Hệt như những người thường. Chẳng ai biết rằng số người này đã trải qua những năm tháng nung luyện đặc biệt. Nhiệt độ trong người họ khác hẳn mọi người. Hắn thấy lo. Hắn hoảng. Sao mà đông thế. Hắn lại hơi mụ mị đi. Ngọc phải giục hắn:
- Anh nói các anh ngồi dẹp lại để con nó dọn cơm.
Cơm độn mì. Một bát canh rau đay. Một bát mắm tôm chưng. Chủ khách quây quần. Cơm nước xong, hai người khách đứng dậy xin phép đi ngay.
Hắn biết Dự và Min chẳng có chỗ nào mà đi ở cái thành phố này. Nhưng hắn không thể lưu hai người lại. Nhà hắn quá chật. Hắn cũng có quá nhiều điều phải lo. Chính hắn cũng không biết phải làm gì để sống.
Tối hôm sau cô chữa đồng hồ ngoài cửa bảo hắn:
- Hai anh hôm qua lại đến.
Thấy hắn ngớ ra. Cô nói rõ hơn:
- Cái anh bị bỏng ở mặt với một anh nữa ấy...
Hắn ngạc nhiên. Cô đồng hồ nói tiếp:
- Hai người đứng suốt buổi chiều ở bên kia đường, nhìn sang ngõ bên này.
Hắn thấy nhói lòng. Nhói lòng ở chỗ Min và Dự không dám vào nhà hắn. Họ đói. Họ cần chỗ nghỉ ngơi, chỗ ngồi than thở.
Họ thèm nhìn vào một gia đình... Họ cứ đứng dựa bờ tường ngôi nhà bên kia đường mà nhìn sang. Đứng suốt một buổi chiều ở vỉa hè bên kia đường nhìn sang rồi đi. Đi đâu?
Cô chữa đồng hồ nói là đúng. Cô rất thông cảm với hắn. Cô rất thương Ngọc và mấy đứa nhỏ. Ngày hắn đi xa, cô thấy con Thương ngồi khóc một mình ở giữa cầu thang. Khóc từ bao giờ, sưng cả mắt. Thằng Dương đứng bên cũng khóc. Cô hỏi nó vì sao. Thì ra nó đi xếp hàng mậu dịch mua thịt. Mẹ Ngọc đưa cho nó một đồng. Nó cho vào túi, suốt trong lúc xếp hàng nó lúc nào cũng nắm chặt cái túi. Nó oà lên: “Thế mà mất rồi, cô ơi”. Cô đồng hồ dỗ dành nó. Cô cho nó một đồng.
Nếu không phải cô đồng hồ, mà là một ai khác trong số nhà này nhìn thấy hai người ấy và biết họ là bạn tù của hắn, hẳn sẽ bàn tán, khinh bỉ hắn, khinh bỉ họ, đó là chưa kể người ta còn dặn con, dặn vợ: “Cửa rả cẩn thận. Quần áo kéo vào đi... “
Hắn cứ nghĩ Min và Dự còn đến nhà hắn một lần nữa. Nhưng hai người biến mất. Lặn mất. Thỉnh thoảng hắn vẫn nhớ đến họ. Nhớ đến lúc hắn xuống nhà, nhìn thấy Dự, Min dựa vào tường, sợ sệt nhìn hắn. Rồi hắn tưởng tượng ra cái lúc hai người đứng bên kia đường nhìn sang bên này suốt một buổi chiều...
Không biết họ làm gì, họ sống ra sao.
Đó là thời gian rất khó khăn.
Một mình Ngọc di làm nuôi cả nhà: một người chồng thất nghiệp, và ba đứa con (con Nguyệt đã có ông bà nuôi) với đồng lương ít ỏi: phụ kho 45 đồng. Có ngày nàng đạp xe đi làm mà chưa nghĩ kiếm đâu ra năm xu để mua mớ rau đay đem về nấu muối cả nhà chan húp. Cũng may mà có sự giúp đỡ của anh Thân - một người quen nửa thành phố - sau ba tháng nghiên cứu, xem xét, phòng lương thực đã cấp sổ gạo cho hắn. Hắn xuýt xoa vì ba mươi chín cân gạo bị mất ấy, nhưng Ngọc thì mừng. Nàng sợ hắn không được cấp sổ gạo, hoặc còn phải chờ đợi nữa. Với nàng điều gì cũng có thể xảy ra. Nàng hoảng sợ với tất cả. Đó là một nét mới hắn thấy ở nàng. Hắn càng thương nàng hơn.
Hắn không muốn quàng thêm cái ách nữa lên vai nàng. Hắn muốn san sẻ với nàng gành nặng nàng mang quá lâu rồi..
Nhưng làm gì?
Làm gì để sống?
Bình dạy hắn lau xe đạp. Lau cái xe đạp của Ngọc, Bình bảo:
- Nghề này sống được đấy, mày ạ.
Trước khi đi tù, Bình đã dạy hắn lau dầu xe đạp. Lúc ấy Bình gọi việc lau dầu xe đạp là tập thể dục trí óc.
Nhưng hắn vốn là kẻ vụng về. Công việc mang tính chất kỹ thuật nhất với hắn là đóng guốc cho Ngọc mà đinh không khoằm, không đóng vào tay.
Trong trại, những hôm đi rừng, hắn phải nhờ người mài dao hộ: Khi Kỷ Mình, khi Sơn, khi Hỉn Sán, già Gọi. Hắn mà mài, con dao cứ sáng loáng lên, chứ không sắc. Hắn lau xe đạp thì lau thôi, chứ hắn biết hắn chẳng làm được nghề này. Chỉ móc lốp vào vành cũng thấy gay go rồi.
Hắn ra trước cửa thành đoàn, la cà ngồi chơi ở vườn hoa với một anh tù V. Q. Anh này tên là Phúc mù, vì hai mi mắt trên có hai nốt ruồi đen sì mọc ra thây lẩy như hai cái đầu vú. Phúc có kiểu nói tục không chịu được. ở trong tù thì: Sáng ra chưa kịp, đ.mẹ... Đánh răng rửa mặt đã gọi đi làm rồi..
Và:
- Các chàng mà đèo các nàng đi chơi, đ.mẹ... Châm kim là chết với em, đ.mẹ... Ba hào chứ năm hào cũng trả ngay. Hí hí...
- Bây giờ về, đ.mẹ... không biết con gái đã có cơm chưa đây.
Phúc có kiểu nói như vậy. Cứ đến chữ đ.mẹ là Phúc chấm câu. Hắn tập sự thêm, nhưng Phúc gắt:
- Bố đ.mẹ. Làm hỏng hết rồi. Tôi bảo bố đ.mẹ nới ra cho tôi, bố lại đ.mẹ đi vặn vào. Cháy hết sám của tôi rồi.
Hắn cãi:
- Không. Tôi vặn ngược chiều kim đồng hồ mà.
- Khổ lắm. Cái bàn ép của tôi làm ngược răng. Vặn ra tức là đ.mẹ vặn vào. Vặn vào đ.mẹ tức là vặn ra, bố ạ!
Hắn về nhà nghĩ cách kiếm sống. Lại những ý kiến bàn tán:
- Hay là mua xe bò kéo. Sống lắm.
- Xe bò những ngày mưa còn phải lo cho bò ăn.
Có loại bò nghỉ làm là nghỉ ăn. Đấy là xích-lô máy. Cứ làm cái xích-lô máy chạy bến Tắm - bến Rầng chẳng inấy chốc mà khá.
Nhưng lại có ý kiến gàn. Công an không cấp đăng ký cho hắn đâu. Hắn cũng thấy là không được. Hắn lấy đâu ra tiền mà mua bò kéo, mua xe, mua xích-lô máy? Không biết bao nhiêu ý kiến. Có hai người quen biết bình thường, nhưng tỏ ra rất nhiệt tình trong việc tìm kiếm việc làm cho hắn. Một anh bàn đi chụp ảnh ở nhà quê. Kiếm được. Một anh khác bảo: Có một việc bên Thanh Nguyên. Trông máy bơm. Cách bến Tắm mấy cây số thôi. Nhà cửa có rồi. Tha hồ cất vó tép. Một anh còn cho hắn cả một gói chè loại hai. Anh kia thì cứ đến nhà luôn, bàn tính với hắn mọi khía cạnh trong nghề chụp ảnh.
Sao ngày xưa chỉ quen biết bình thường mà nay nhiệt tình như vậy. Điều ấy làm hắn suy nghĩ. Hắn tin rằng họ đúng là người của xịa. Cho đến bây giờ, cùng với thời gian, hắn càng tin rằng họ là đặc tình, được công an cử đến gặp hắn. Xịa cũng muốn hắn có một việc làm do xịa xếp đặt, để xịa quản lý, để hắn nằm trong sự quản lý của xịa. Hai người này cũng chẳng ác cảm gì với hắn, họ có việc đến công an (một anh có ông anh ở Nhật sắp về, một người có đứa con ngoài giá thú) thế là được công an bảo: “Anh Tuấn mới về, chúng mình phải giúp anh ấy có việc gì làm ăn. Hiện nay có việc này... anh là bạn anh ấy, anh thử dến thăm anh ấy... “
Hai người kia hiểu đây là nhiệm vụ được giao.
Họ vốn thông minh, hơn nữa việc này là việc thiện, không sợ lương tâm cắn rứt...
Dứt khoát là như vậy. Hắn đang tù chính trị, người ta sợ hắn như hủi, tránh hắn chẳng được, lại còn lo việc làm cho hắn. Có mà điên. Giữa lúc ấy Thế Hùng đến.
Thế Hùng là một họa sĩ. Anh đã làm cho nhiều cơ quan xí nghiệp, nhưng rồi anh phát hiện ra rằng: Đó là nơi chôn vùi tự do của anh. Lương thấp, lại gò bó. Hùng vẽ nhiều đi nhiều. Và chuyến đi dài nhất là chuyến đi tìm mình. Anh tìm anh. Tìm cả đời. Anh làm việc khỏe, không lúc nào không ghi chép. Anh vẽ lụa, sơn dầu, sơn mài, phấn màu. Lúc mang một chút Rêpin. Lúc bốc lên, xoáy lên một khoảng trời Van- Gogh. Lúc lại ngây thơ như Rousseau, người nhà đoan Pháp vẽ tranh.
Hắn quý Hùng vì sự tìm tòi ấy. Dù hắn sợ sự tìm tòi ấy quá dài mà Hùng vẫn chưa định hình. Hắn hay giễu Hùng:
- Thế nào, ông Gauguin còn dánh nhau với ông Van Gogh không, mày?
- Hai ông ấy hoà với nhau rồi. Để về một phe xúm lại đánh tao. Tao chấp tuốt.
Hùng đã rủ hắn và Bình làm triển lãm cho sở nông nghiệp: chuyên đề về phân bón. Hắn đặt lời. Hùng vẽ tranh. Mấy chục chiếc. Tất nhiên Hùng phải cáng đáng mọi việc quan trọng nhất. Hắn vụng chân vụng tay, hắn đi mua sơn. Căng vải quét nền trắng. Chấm xanh làm bèo hoa dâu. Bình làm mảng. Hùng tô nềt ngoài. Chính trong đợt làm ấy, Hùng vẽ tranh con Thương. Dạo ấy đang chiến tranh bắn phá, chỉ có hai bố con ở phố. Hắn mang cả con Thương đi làm tranh. Chú Hùng bắt cháu ngồi một ngày và kết quả là một bức tranh đẹp đến mức không ngờ.
Hùng mới đi vẽ ở miền núi về, nên đến thăm hắn hơi muộn. Khi hắn đi tù, Hùng lấy một cô vợ hai. Hùng kéo hắn sang nhà cô vợ mới này. Một cô y tá nhà máy xi-măng xinh đẹp, đã ly dị và có một con với người chồng trước.
Hùng đến ở với cô vợ hai và thỉnh thoảng mới quay lại phố Cầu Gỗ, nơi người vợ cả và sáu đứa con lúc nào cũng đón tiếp anh trong bầu không khí trước lúc bão đến.
- Sao mày làm ăn lằng nhàng thế?
Hắn hỏi cho có chuyện. Vì hắn biết anh em Hùng đều đã khuyên can Hùng. Vợ Hùng đã bao lần định “xé xác con đĩ”. Cơ quan không nói gì Hùng vì Hùng không có cơ quan, nhưng nhà máy xi-măng hành hạ cô Hà (cô vợ trẻ của Hùng), kiểm điểm lên xuống.
- Rất may. Cô ấy đã ly dị.
Hùng bảo hắn:
- Đi với tôi. Tôi sẽ có cách cho ông kiếm sống. Bao nhiêu năm tôi có làm biên chế đâu mà vẫn sống.
- Mày còn có nghề vẽ. Chỉ riêng làm tranh cổ động thôi cũng đã tươm rồi.
Hùng cười khì khì:
- Tươm chó gì. Không đủ tiền mua thuốc vẽ, mua vải. Không có bà Cầu Gỗ thì chết nhăn răng.
- Thế sao lại đi với bà này. Bà ấy nuôi mày...
Hùng ngắt lời:
- Bi kịch. Bi kịch. Đừng hỏi nữa.
Bà “Cầu Gỗ” có một cửa hàng bán chăn bông, gối bông. Các loại áo gối thêu chim bồ câu, hoa păng-xê, hạnh phúc, tuổi trẻ, ngủ ngon...
Hùng đưa hắn đến nhà Hà, một căn nhà bé xíu, nền vẫn còn cỏ đâm lên. Chung quanh toàn là cỏ. Nhưng cũng có cầu rửa làm bằng một tấm sắt có những lỗ thủng tròn rất đều bắc lên mấy viên gạch, có rãnh thoát nước. Và một cái bếp xinh xinh. Hà cao dong dỏng, xinh và trẻ. Chỉ khoảng hai mươi nhăm tuổi. Hùng cười chỉ vào vợ đang bế con, chỉ vào nhà:
- Một túp lều tranh, hai trái tim vàng.
Và bảo vợ:
- Anh Tuấn.
Hà cười với hắn như một người quen cũ.
- Em đi mua gì làm cơm.
Hà ẵm con nhỏ đi chợ. Hùng đòi bế con, nhưng Hà không nghe. “Nó quấy, để hai anh nói chuyện”.
Hùng còn dặn theo:
- Cá rô nhé. Một món thôi. Cho nhanh.
Nhìn Hà, hắn hiểu Hà dám đánh đổi tất cả để có Hùng. Và hắn lo ngại: Không biết Hùng có đáp ứng được tình yêu của Hà không?
Hà mang về một mớ cá rô và một bó rau muống. Hắn cảm thấy dễ chịu vì Hà đối với hắn không có chút mặc cảm nào. Kính trọng. Tin cậy. Cởi mở. Hẳn là Hùng đã nói nhiều về hắn với Hà. Hùng bế con cho Hà làm cơm:
- Thằng này vừa đầy năm đây. Hà có một đứa con với thằng chồng trước. Nó ở đây. Nhưng hôm nay nó về nội. Cả nhà cô ấy phản đối việc cô ấy lấy tao. Nhưng bạn mày không phải tay vừa. Cũng nhiều sức hấp dẫn lắm.
- ồ! Bạn tao, tao còn lạ gì. Nó là chú ruột Đông-Gioăng.
Bữa ăn ngon. Cá rô rán giòn tan. Có cả rượu. Hà bảo:
- Ngày anh còn đi vắng, em đã sang nhà với anh Hùng thăm chị.
Câu ấy làm hắn cảm động. Hắn cảm thấy Hà là người tuyệt vời. Khi Hà bưng mâm bát xuống rửa, Hùng xốc xốc thằng bé lên lòng:
- Mình nghĩ cũng kinh. Ba thứ con. Đất nước có ba thứ quân thì mình có ba thứ con. Con riêng của mình. Con riêng của vợ. Con chung. Hùng lại cười khinh khích. Anh mở tủ, cái tủ sắt con, lấy ra một tập giấy sơn các màu, đã xén thành hình chữ nhật.
Làm cái này được. Tí nữa đi với mình. Đến gặp mấy cô hiệu trưởng quen.
Đó là giấy thủ công cho học sinh cấp một. Hắn và Hùng đạp xe đi mấy trường nội thành. Các cô hiệu trưởng quen chào Hùng rất nhiệt tình. Hắn xấu hổ vì cái trò đi gạ gẫm thế này. Nó có cái gì tư hữu, vụ lợi, đáng lên án, nếu không nói đây là một hình thức đi ăn mày. Nhưng Hùng cứ nhe hàm răng chín chín ba không ám khói vàng khè dẻo quẹo:
- Đây, ông bạn tôi, chuyên gia về mặt hàng này. Các chị có thể ưu tiên cho chúng tôi.
Các cô pha trà mời bọn hắn và hứa sẽ trả lời sau. Bọn hắn lại đi trường khác. Hùng luôn động viên hắn:
- Yên tâm. Chỉ cần được một trường thôi là tạm ổn.
Đi chào hàng như vậy hắn đã gặp những cô giáo quen, những cộng tác viên của báo. Nhưng hình như cả đôi bên đều cố tình không nhận ra nhau. Cũng như khi gặp Hạnh, vợ Sơn ở một trường cấp hai, hắn và Hạnh đều lúng túng. Cả hai cùng muốn hỏi nhau một câu gì đó ngoài cái chào xã giao. Nhưng biết nói gì, “Anh ra tù bao giờ?” “Sơn được ra chưa, hả chị?” Chẳng lẽ lại hỏi nhau như vậy ở chốn đông đúc này. Chung quanh họ, các em nhỏ ríu rít, bọn chúng đều trạc tuổi thằng Hiệp, con Thương. Và các thầy, cô, những nhà sư phạm đạo mạo, nghiêm trang đứng nói chuyện ở sân hay đi vào các lớp. Hắn chỉ lí nhí: “Chị dạy ở trường này ạ. “
Cô giáo Hạnh nhìn hắn với vẻ ái ngại. Đó là cái nhìn của Ngọc nhìn bọn Min, Dự. Thế Hùng vẫn cười nhe hàm răng ám khói thuốc, liến thoàng:
- Chúng tôi chuyên sản xuất giấy thủ công, bảng - không - phấn phục vụ ngành giáo dục. Các chị cần loại dày hơn cũng được, loại mỏng hơn cũng được.
Thôi Hùng ơi Đừng nói nữa. Không bịp nổi ai đâu! Người ta thừa biết mình vừa ở đâu về. Người ta thừa biết mình chẳng làm được trò gì, thừa biết chúng mình là những tên bịp bợm. Hắn nở nụ cười gượng gạo với bà hiệu trưởng. Hạnh cúi đầu chào tất cả và đi vào lớp. Thế là hắn lại nghĩ đến Sơn. Sơn có lẽ đã hết ba năm. Được về rồi. Hắn muốn biết Sơn đã làm ăn gì chưa mà hắn chưa hỏi được.
Vừa lúc ấy có một người cầm cái chổi to dài hiện ra ở đầu sân trường, lối đi ra khu nhà xí. Người ấy quét. Quét lia lịa. Chỉ nhìn người ấy đưa một nhát chổi, hắn đã biết ngay là Sơn. Sơn đã được về. Sơn đã xin được việc làm ở ngay chỗ vợ Sơn dạy học. Khi hắn chia tay bà hiệu trưởng và nhận ở bà một lởi hứa hẹn, Sơn đã quét ra giừa sân. Sơn nhận ra hắn. Sơn gọi to:
- Anh Tuấn!
Sơn cầm chổi chạy tới. Tiếng gọi làm bà hiệu trưởng đang đi về vàn phòng, quay lại. Như cảm nhận báng gáy cái nhìn ấy của bà, Sơn đứng khựng. Hạ chổi. Quét. Nhìn trước nhìn sau. Quét. Dù sân trường sạch bong. Sơn vừa quét vừa tiến lại hắn. Hắn rỉ tai Hùng:
- Một người bạn ở trong ấy.
Hai người nắm chặt tay nhau. Sơn kéo hắn về nhà. Vợ chồng Sơn ở trong một căn buồng nằm trong khu tập thể của trường, phía sau ngôi nhà hai tầng dùng làm lớp học, có tường vây quanh, cách biệt.
Cả khu tập thể, cả chung quanh trường, khu nhà vệ sinh đều có những nhát chổi của Sơn. Sạch như ly. Không một mẩu giấy, một đầu mẩu thuốc lá, một cục phấn vỡ, một mẩu ngói non chơi lò cò.
Sơn pha nước mời hắn và Hùng. Sơn cũng về được vài tháng nay. Đúng rồi. Sơn tù sau hắn gần hai năm. Một năm giam cứu. Hai năm ở Q. N. Cũng ăn đủ ở đủ Thế là Sơn được ra vào dịp tháng Năm. Khi hắn chuyển lên V. Q, Sơn đang làm quét trại ở Q. N. Vậy là Sơn tham gia hội tù quý tộc khoảng mười sáu tháng. Thật đại phúc. Cái nghề quét dọn ấy lại được tiếp tực khi Sơn đã tự do. Kể ra cũng hơi khốn nạn, vì vợ Sơn là cô giáo dạy ngay ở trường. Nhưng dù sao cũng còn hơn thất nghiệp. Dù sao cũng còn hơn ăn bám.
Hắn thực sự ngạc nhiên và hoảng khi biết Sơn vẫn thất nghiệp. Trường có thuê Sơn đân! Không ai khiến Sơn quét. Vợ Sơn đã cấm Sơn không được quét. Nhưng Sơn cứ quét. Vợ Sơn rầy la khóc lóc, đốt chổi, chặt chổi, giấu chổi. Sơn lại có chổi mới. Bó buộc chặt chẽ vào một cái cán dài. Lại xênh xang di ở sân, lia những nhát chổi khoáng đạt. Lại lúi húi ở sau khu nhà xí quét dọn, cọ rửa... Đều đặn. Tỉ mẩn. Chăm chỉ. Các em học sinh đi làm vệ sinh trường lớp ngơ ngác hỏi cô giáo:
- Thưa cô, sạch thế này có phải quét nữa không ạ?
Cô giáo Hạnh chỉ còn muốn độn thổ. Nhục nhã, thương chồng, Hạnh phải cố gắng lắm mới có thể tiếp tục ở lại trường. Bạn bè khuyên. Bà hiệu trưởng khuyên giải Hạnh. Hạnh đã nói với Sơn mọi lời. Nhưng cô không biết khuôn mặt chồng đang ngây thộn kia nghĩ gì. Cô đã khóc biết bao đêm...
Những chuyện đó về sau hắn mới biết. Nhưng lần gặp Sơn ở trường ấy, hắn đã nhìn thấy trước kết cục dù Sơn đã trở lại dáng hình ngày trước: khuôn mạt đầy đạn, da nâu mịn, răng trắng đều. Sao mà giống Phượng Đang ngồi trong nhà nói chuyện với hắn, thấy cái lá bạch đàn mới rụng ngoài cửa, Sơn vội ra, nhặt cho vào sọt rác. Và khi nghe tiếng ồn ào của học sinh hết tiết học, biết các cô giáo đã ra khỏi lớp, Sơn cứ lăm le đứng lên vớ lấy cái chổi, định ra quét...
Hắn phải quát:
- Sơn! Ngồi đã nào!
Sơn miễn cưỡng ngồi lại, dáng vẻ bồn chồn đau khổ, lấm lét nhìn sang phía trường học. Hắn kéo Thế Hùng ra về. Sơn không giấu được vẻ vui mừng, cầm chổi đi theo hắn. Vừa tới sân trường, Sơn đã hạ chổi. Hắn nghe thấy “tiếng chổi tre xao xác hàng me” của Sơn phía sau. Hắn cảm thấy những cái nhìn của bà hiệu trưởng, của các cô giáo, của các em nhỏ bàn vào gáy hắn rát rạt. Hắn đỏ nhừ mặt: Mọi người thừa biết hắn ở chốn nào về. Tiếng chổi của Sơn tố giác hắn!
- Vợ Sơn tốt thật đấy.
Hùng bảo hắn khi hai người ra khỏi trường. Hắn cũng công nhận thế. Nhưng hắn nhìn thấy trước rằng Hạnh không thể chịu đựng được Sơn lâu hơn nữa.
Đúng như hắn đoán. Hạnh gặp Phượng, gặp mẹ Sơn khóc lóc, xin ly dị. Hoặc ít nhất cũng phải ly thân. Phải để Sơn ở nơi khác. Không thể để Sơn trong trường được.
Lúc đó Phượng đã về ở với chị. Hai chị em bán nhà ở Hải Liên, mua một mảnh vườn ven phố. Đó là thời gian hắn làm miến thất bại, làm hợp tác xã cơ khí thất bại và đang chầu chực ở công ty phế phẩm xin khâu bao tải.
Hắn đang đạp xe đi, lòng nặng trĩu thì Phượng gọi hắn. Đã dừng lại, nhưng nhìn thấy Phượng, hắn uể oải đạp tiếp. Phượng chạy theo:
- Anh Tuấn Dừng lại! Em bảo! Em không nghĩ gì khác về anh đâu.
Hắn không quan tâm đến mọi người nghĩ về hắn như thế nào. Hắn chỉ muốn chôn chặt quá khứ.
Không muốn nghĩ đến nó nữa. Nó đã chết rồi, còn khơi dậy làm gì. Hắn đang tự nghiền hắn thành bột, nhào nặn lại mình, mà Phượng thì nhắc đến cái hình hài của hắn ngày trước. Phượng gợi hắn nghĩ đến cái quá khứ hắn phải chôn đi. Phượng nắm chặt ghi- đông xe hắn:
- Vào em đi.
Cái nhìn của Phượng van vỉ, cầu khẩn như chính Phượng là người có lỗi với hắn. Hắn ngần ngừ.
Phượng nói tiếp:
- Em còn giữ một bản thảo của anh.
Câu nói ấy hơn mọi lời mời. Hắn ngoan ngoãn đi theo Phượng. Một cái ngõ to, dài, sâu. Ao. Vườn. Một mảnh sân xinh xinh. Một căn nhà lợp ngói.
- Phượng ở đây à? Thích quá nhỉ.
Hắn chưa vào nhà ngay. Hắn đứng ở sân ngắm quanh. Vườn khá rộng. Đánh thành từng luống. Ươm những cây gì đó, chưa mọc. Nhưng kìa! Một luống đã mọc rồi. Lá to xoè ra. Hình tim. Bóng. Một loại cây quen thuộc với hắn. Hắn đã tìm, đã thấy ở Q. N. Nhưng hắn vẫn còn ngờ ngợ:
- Trồng dọc mùng à, Phượng?
Phượng rầu rầu:
- Thằng Sơn đấy. Nó trồng ráy.
Như có tiếng sét đánh vào gáy. Hắn cố không thở dài. Đến lúc ấy hắn mới biết Sơn đã về đây, không ở với Hạnh nữa. Hắn bước ra vườn, cúi xuống những khóm ráy mơn mởn và hắn nghe tiếng Sơn gọi hắn. Hắn quay lại. ở dẻo đất hẹp sau nhà, Sơn đang cởi trần, chặt những cây cam cuối cùng.
Làm sao thế Sơn?
- Chặt đi. Thứ này vô tích sự.
Hắn đứng như trời trồng trước cảnh tượng lạ lùng này: Những cành cam đang mang quả bị chặt ngổn ngang. Sơn cầm con dao rựa giơ thẳng cánh bổ vào những cành cam khác. Bên cạnh đó là mai, cuốc... Đến lúc ấy hắn mới để ý thấy cái rãnh nhỏ bao chung quanh vườn đã mọc toàn ráy xanh um. Phượng kéo tay hắn:
- Thôi. Kệ nó. Anh vào nhà đi. Nó phá hết cả cái vườn này đấy. Bao nhiêu là cam. Bây giờ toàn ráy.
Khi đã vào trong nhà, hắn lo lắng bảo Phượng:
- Cẩn thận, không nó hỏng mất.
Phượng bình thản như từ lâu đã chấp nhận một thực tế phũ phàng:
- Nó hỏng rồi. Cho nó làm theo ý nó. Cho nó giồng ráy khắp nơi còn đỡ. Cấm nó là nó bỏ nhà đi. Lang thang. Vườn cam khi mới dọn đến đẹp lắm, anh ơi. Nó chặt hết. Chả lẽ lại gửi nó xuống Đặng Thất . à mà còn ghi chép nữa chứ.
Và Phượng tìm đưa hắn quyển sổ của Sơn. Trang đầu Sơn viết nắn nót:
PHụC Vụ CôNG CUộC KHáNG CHIếN
CHốNG Mỹ CứU NướC - CẩM NANG HàNH QUâN
Sơn viết cẩn thận, không xóa một chữ. Chắc là đã nháp rồi mới chép vào sổ:
- Vừa hành quân vừa nấu ăn. Bảo đảm yếu tố cơ động của trận đánh và chiến dịch. Ông cha ta từ thời Lê Lợi, Quảng Trung đã rất chú trọng để tạo nên yếu tố bất ngờ.
Thức nấu: Tốt nhất là sắn. Khoai lang lâu chín hơn. Cách làm: Sắn bóc vỏ, xắt thành khúc vừa bằng chiều dài của gô. Khi hành quân, người đi trước xách gô Người đi, sau dùng nứa đốt lửa, đưa vào đít gô. Từ chỗ làm về trại đã sôi, chín. Chú ý: Cho ít nước để chóng sôi. Sắn chín bằng hơi.
Nướng sán trong năm phút. Thời gian nghỉ ngơi ít ỏi bên suối, các chiến sĩ có thể nướng sắn bằng cách:
Đốt lửa. Cho củ sắn vào giữa ngọn lửa (không sợ cháy). Đốt khoảng năm phút cho củ sắn nóng già. Rồi vất xuống suôí. Sắn nở tung. (Nguyên tắc nóng gặp lạnh). Nêú địch đến cũng có thể áp dụng cách này để xóa dấu vết. Khi quản giáo đi thì lội xuống suối vớt lên. Sắn bị nhã và nhạt. Nhưng ăn vẫn tốt.
Định kiến sai lầm về rau tàu bay: ăn mất máu, có hại... phải được xóa bỏ. Rau tàu bay có tên khoa học là Gynura Crepidioides Benth. Rất nhiều chất bổ. Mát. 2, 5% protit. 1, 9% glucid... Ngoài công dụng riêng, khi hỗn hợp với các chất khác sẽ có tác dụng kỳ lạ (sẽ nói ở phần sau). Là nguồn sống quan trọng của các chiến sỹ Trường Sơn.
- Cây ráy. Có tên khoa học là Alocasia odora. Chỉ có ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Nam Trung Quốc và châu úc (Có thể châu úc trước đây dính liền với Đông Nam á nên đã có đươc may mắn này). Sản lượng chưa điều tra. Là nguồn thực phẩm quan trọng, nhưng chưa được đánh giá đúng mức. Đã được cha ông ta đúc kết:
Củ khoai, củ ráy. Dễ trồng. Sản lượng lớn. Trong tương lai sẽ cứu loài người khỏi nạn thiếu lương thực. Có thể trồng ở sa mạc. Phủ xanh xa mạc. Nhưng phải giải quyết vấn đề nước vì ráy thích ẩm. ăn hơi ngứa. Cách khử ngứa: Nâú lẫn với rau tàu bay, ếch (có thể thay bằng nhái), lá sắn non.
Hắn rời quyển sổ và im lặng nghe tiếng đánh gốc cam huỳnh huỵch ở phía sau nhà. Đó. Tiếng những nhát cuốc của phu đào huyệt mai táng một con người sống.
Đó. Sơn đang cởi trần, mồ hôi, đất cát, mím môi đánh bung những rễ cam dưới đất với tất cả sự chăm chú thiêng liêng của người mở đường cứu vớt nhân loại khổ đau. Huỵch. Huỵch... Phượng đứng sát vào hắn như che chở khi thấy hắn run lên. Hắn lạnh sống lưng vì chợt hiểu rằng một điều gì còn khủng khiếp hơn nhiều đang chờ đợi hắn. Lấy quyển sổ bưng mặt một lúc, hắn gập đưa trả Phượng. Phượng nhìn hắn như muốn nói: “Em biết anh ở chốn nào về”. Hắn tránh cái nhìn đăm đăm ấy và cảm thấy Phượng nắm hai bàn tay hắn. Phượng muốn chia sẻ với hắn cái quá khứ ghê gớm hắn vừa trải qua. Cái quá khứ ghê gớm ở một chốn Phượng đã tới nhưng không thể nào biết được. Cái quá khứ bí mật hiện hình thành Sơn dang hùng hục ngoài vườn. Cái quá khứ bí mật hiện hình thành hắn đang ngồi trước mặt Phượng dẫn đến thực tại này không thể nào thoát được. Phượng ôm lấy đầu hắn Phượng cúi xuống ép má Phượng vào má hắn thương xót. Hắn thấy ướt ở má. Phượng khóc. Không. Đã đoạn tuyệt với quá khứ, phải đoạn tuyệt đến cùng. Hắn đứng lên:
- Cám ơn Phượng. Phượng cho tôi xin lại bản thảo. Truyện gì đấy, hở Phượng?
Phượng lau nước mắt, mở tủ, giờ một gói giấy bọc ni-lông cẩn thận. Phượng đưa cho hắn một xếp pơ- luya đã đánh máy, phẳng phiu. Hắn nhìn: Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương - Truyện ngắn. Lại thấy choáng váng. Như cái hôm ở trại trong, trước khi được tha, nhìn thấy quyển Người gác đèn biển. Lại thấy chập chờn quá khứ. Những ngọn phi lao xanh. Khói xi-măng cuồn cuộn. Nắng chiếu xoai xoải trên dòng sông chảy ra khơi.
Phượng biết những gì hắn đang nghĩ. Phượng bảo:
- Truyện này em thích. Em đánh thêm một bản. Đó là bản thảo duy nhất còn sót lại trong số một nghìn năm trăm trang bản thảo của hắn. Hắt lật từng tờ cho đến trang cuối cùng...
Hắn run run:
- Cám ơn em
Lần đầu tiên gọi Phượng bằng em. Và cũng là lần cuối cùng. Phượng nắm chặt tay hắn, ngã hẳn vào người hắn. Hắn nâng khuôn mặt Phượng lên. Lại một lần nữa nhìn thấy quá khứ trong gương mặt ấy.
Uất hận, đau đớn, cam chịu, hắn nói với vẻ của người trở về cõi chết:
- Vĩnh biệt Phượng!
 CHƯƠNG 38
Cái cảm giác chán ngán của hắn cứ tăng dần theo với ngày tháng. Hùng đã đưa hắn đi một số trường ngoại thành, nhưng vẫn không đạt kết quả, mặc dù nếu có nơi nào nhận mua, hắn cũng chưa biết cách sản xuất loại giấy sơn màu cho các cháu cắt hình, cắt chữ này.
Hết Kiến Quốc, lại Hổ Lao. Bữa trưa ăn ở Kiến Quốc. Nhà một ông đảng uỷ. Cơm xoàng. Mắm cáy, tôm rang. Nhưng bữa chiều ở Hổ Lao thì khá. Tại nhà một giáo viên. Một con gà thiến luộc. Nước xáo đập hành. Rau thơm. Thế thôi. Cơm gạo quê nữa chứ. Rượu ngang. Ba người khà khướt. Iâu lắm mới được một bữa ngon như vậy. Hùng cuộn mấy bức truyền thần chân dung vợ chồng chủ nhà vẽ dở dang tự bao giờ đem về thành phố làm nốt. Hùng bảo hắn trên đường về: “Hay là cậu học nghề truyền thần. Nhanh thôi. Chịu khó đi nông thôn. Làm quanh năm không hết việc đâu!. Nhưng rồi chính Hùng lại gạt đi: “Được ăn cơm nữa đấy. Có khi cả thịt gà như hôm nay. Nhưng nghĩ cũng khốn nạn lắm. Mình cứ như ông phó cối”.
Hắn vẫn nằm ở nhà, chờ đợi một cái gì chính hắn không biết. Sáng ra, cả nhà mỗi người một bát cơm nóng rưới nước mắm, rồi Ngọc đi làm. (Con Thương dậy sớm. Bao giờ nó cũng dậy sớm nấu cơm. Con bé khi trước leo lẻo cái mồm mà nay chịu khó quá chừng, cứ lặng lẽ làm mọi việc, cả ngày chẳng nói một câu). Mấy bố con ở nhà. Hắn hút thuốc lào vặt. Không có cả tiền mua diêm, hắn giữ lửa bằng cái đèn con. Rồi bóng vỡ. Không có tiền mua bóng nữa, hắn để đèn khuất vào chỗ lò sưởi, khoanh một tấm giấy cong cong chắn gió.
Ngọn đèn không bóng ấy làm hắn nhớ đến ngọn đèn trong tù. Không phải ngọn đèn ở cửa nhà mét tạo thành bó hoa đen một thời Sơn vẫn đăm đăm trò chuyện, mà là ngọn đèn không bóng cũng khoanh một mảnh giấy thế này đặt trong thùng gỗ. Phía trên thùng là những cái nón úp chếch, úp nghiêng để không lọt ra một tí ánh sáng nào, không làm cháy nón mà vẫn có thể thò đóm vào châm lửa hút thuốc lào. Đó là những đêm đông rét cắt ruột ở V. Q, khi hắn còn ở toán văn nghệ. Đó là thời gian Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội.
Máy bay bắn phá bay lượn cả đến đây, nên bọn hắn không bị nhốt trong trại nữa. Mỗi toán sơ tán một nơi. Toán hắn ở một cái lán xa. Xa lắm. Sát rừng. Đi làm là gần. Ngay cạnh. Không có ai gác. Và cũng chẳng ai trốn. Toàn bọn tù mõm cả rồi. Với lại, trốn đi đâu được? Không hộ khẩu, không tem phiếu, sổ gạo. ở đâu được lâu. ở đâu cũng lòi ra. Bấy giờ chẳng ai đủ sức nuôi người khác. Nuôi mình còn khó nữa là. Tù hình sự, trộm cắp, lưu manh có trốn thì trốn. Tù chính trị không trốn. Ông Vui quẫn giáo nằm ở một gian đầu nhà. Ông cũng khổ chẳng kém gì bọn hắn. Đêm đêm, bọn hắn ở trong nhà hút thuốc lào vặt. Sột sệt. (Toàn xài lá sắn non thôi. Thứ này ninh kỹ, ăn bùi, bã deo dẻo như cao-su). Vũ Lượng nhớ kèn, nhớ đàn, Vũ Lượng đứng giữa nhà thét lên:
- Im lặng nhé, Palôma nhé.
Lượng ngửa đầu, cằm hơi đưa ra. Tay giơ ngang trước mặt. Tất cả im phăng phắc. Tất cả nhìn vào cái bóng lờ mờ của Lượng đứng cạnh thùng gỗ, nơi đặt ngọn đèn không thông phong, phía trên úp nón để chặn ánh sáng, đề phòng máy bay Mỹ. Chỉ có tiếng gió mùa đông bắc lạnh lẽo thổi qua mái nhà, xô vào rừng ào ào như tiếng suối lúc gần lúc xa. Ngoài ấy là rừng hoang vắng và đêm đen khô buốt.
- Te... Te...
Tiéng kèn đột ngột vang lên. Đúng là tiếng kèn lanh lảnh và chờ đợi. Tiếng kèn sang trọng, cung đình, như Lượng vẫn nói.
Chờ những âm thanh kỳ diệu ấy lan đi vào đến rừng sâu, chỉ còn lại dư vang trong sự im lặng chờ đợi, Lượng mới cất lên những tiếng kèn đáp lại.
- Tè te te...
Tiếp đó là những tiếng kèn đĩnh đạc, chậm rãi, tự tin của câu mở đầu bài Palôma nổi tiếng:
- Te te té tè te...
Bỗng một bóng người nhỏm dậy và một tiếng kèn trầm hòa theo như tiếng vọng của rừng xa...
- Te tè...
Đó là Tất Tình đã ở hết ba lệnh. Đó là Tất Tình, nhạc công của một đoàn văn nghệ Hà Nội trước đây, nằm trong tổ chức quân thứ hành chính lưu động của Pháp. Bây giờ ta gọi là bọn tâm lý chiến. Tình biết chơi nhiều nhạc cụ. Nhưng trong trại chỉ có một cái mandoline của Cán. Khi Tình chơi mandoline, hắn nghe tiếng đàn réo rắt như ở một đài phát thanh nào đó. Lượng bảo: “Chắc chắn Tình là một trong hai người đánh đàn mandoline hay nhất Việt Nam”.
Cái đêm sơ tán B52 ấy, nhìn hai người kèn mồm vừa vui lại vừa não lòng.
Sao mà giống. Sao mà thiết tha. Bị kích thích bởi khỏng khí im lặng, thành kính của cả toán, Lượng không chơi kèn nữa. Anh đệm contrebasse. Người Lượng gù gù xoay quanh cây đàn tưởng tượng.
Pùm. Púp. Pùm.
Dù ánh đèn bị che chắn, mọi người vẫn trông thấy cái bóng cao, đứng thẳng của Tất Tình đang thổi saxo, và dáng gù gù của Lượng xoay quanh cây đàn contrebasse tưởng tượng, một tay nắm cần đàn, tay kia bật dây: “Pùm. Pum. Pùm”... Vừa rất thật lại vừa ma quái.
“Trời ơi!” Lượng kêu lên, ôm lấy Tất Tình. Cả hai đổ sụp xuống đất, thở hổn hển. Hắn hiểu nỗi nhớ của họ. Trong bóng tối hắn đưa cho hai người cặp lồng lá sắn hắn đã ninh đến nước thứ ba.
Lượng lúc nào cũng đói. Lượng ăn lá sắn chấm muối ớt. Hắn cũng ăn. Tình ăn. Nói chuyện về những đêm ca nhạc. Về ngày về. Thế là Lượng lại hát:
Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê, đến bên luỹ tre.
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè chở đón người về.
Mẹ lần mò ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ.
Tiếc rằng ta đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ.
Tất cả nằm im trong bóng đêm như những xác chết.
Ai mà chẳng có một người mẹ đang chờ đợi và trong số này hẳn cũng có những người mẹ chờ đến loà cả mắt. Cầu sao cho mẹ mình đừng loà vì chờ đợi. Cầu mong khi mình về mắt mẹ còn sáng để nhìn thấy con của mẹ.
Một đêm cả bọn đang ư ử như vậy, có tiếng ông quản giáo quát ầm ĩ. Tiếng mở khóa, tiếng xô cánh cửa và tiếng ông Vui thét lên:
- Chết hết cả bây giờ. Các anh định giết người đấy à? Các anh định làm chết hết cả hay sao. Có ra ngay không? Máy bay nó đến bây giờ chỉ có chết. Tù cả nút.
Bọn hắn chưa hiểu ra sao, nhưng phá lên cười.
Cười thoải mái. ông Vui gầm lên:
- Còn cười à? Ra mà xem
Trong cơn tức giận, hoảng hốt, ông không biết vì sao tù lại cười, nhưng rồi ông hiểu. Ông nghe thấy một tiếng lầu bầu trong bóng đêm:
- Báo cáo cán bộ, chúng tôi đã tù cả nút rồi ạ.
Cả toán theo ông Vui ra cửa và quành lại phía sau, về phía rừng. Quả đáng sợ thật. Bọn họ hiểu vì sao ông Vui cáu ghê thế.
Cả một cây cổ thụ khô ở sườn đồi bốc lửa đỏ hồng. Rừng rực. Gió mùa đông bắc từng cơn vụt vào thung lung làm cho ngọn lửa tạt đi và những mảng than hồng bị bóc ra bay, cuộn lên trời đêm. Buổi chiều bọn hắn đi làm, nhóm lửa ở gốc cây. Ai ngờ nó lại bén vào cây như một cây đuốc khổng lồ. Đang là mùa hanh, gió mùa... Cả bọn ngây ra ngắm, thích thú nhìn cột lửa giữa rừng. Bọn hắn không sợ máy bay. Có máy bay càng vui. Chết được ngay đâu mà sợ. Mà có chết đã làm sao. Có khi còn là điều may mắn. Anh em mang nồi, thùng, xô, cặp lồng xuống suối xách nước ngược lên dốc. Mấy anh đứng đái vào cây rồi mới múc nước giội “Cho nó khỏi phí bãi nước đái”.
Quả thật hắn chưa trông thấy cảnh gì ghê gớm như thế. Rừng đen kịt. Trời đen kịt. Gió hú. Cây than cao vút. Đỏ từ gốc lên ngọn. Và trên cao là một ít lửa bập bùng soi thấp thoáng vạt rừng già. Gió lồng lộn, lạnh buốt, bóc từng mảng than ném đi vẽ thành những đường đỏ lừ tung lên, cuộn xuống.
Trong lần đến gặp Mi, vợ Lượng, hắn đã tưởng rằng mình có thể nói cho Mi biết cuộc sống của Lượng trên ấy. Lượng đã đưa thư vợ, ảnh con cho hắn. Mi viết thư cho Lượng kèm theo quà và cảm ơn ông Quảng. Ông trưởng phòng đặc trách văn hóa - người đứng đằng sau ông Lan. Người đã dồn hắn và cả Lượng đến thế giới bên kia. Mi viết cho Lượng, nhắc đến những đêm mưa, hai vợ chồng thức giấc, nghe mưa, trò chuyện. Lượng bảo:
- Nếu anh được về trước Lượng, anh phải đến nhà gặp Mi nhé, kể chuyện cho Mi biết Lượng sống trên này.
- Thằng lớn nhà anh. Lượng về, Lượng sẽ dạy nó thổi kèn. Lượng đảm bảo việc đó.
Hắn về trước. Hắn đến nhà Mi. Hắn biết Mi đang làm ở một cơ quan văn hóa của thành phố.
Nhà Mi có mẹ chồng và hai đứa con. Nhưng hôm hắn đến, mẹ và con Lượng đều đi vắng. Hắn đến vào buổi tối. Cửa đóng. Hắn gõ cửa. Và chờ. Hắn gọi: “Chị Mi ơi”. Hắn đã định về, thì Mi ra. Chỉ nhìn thoáng qua hắn cũng hiểu rằng hắn đến không đúng lúc.
Một người đàn ông đang ngồi ngay ngắn, quá ngay ngắn trên ghế. Chính vẻ cứng đơ ấy của người đàn ông và vẻ ngượng nghịu của Mi làm hắn biết hắn đến không đúng lúc. Anh hỏi ai?
Hắn đứng ở cửa và nói khẽ nơi hắn đã sống, đã từ đó trở về. Vũ Lượng nhắn hắn nói với gia đình rằng Vũ Lượng vẫn khỏe.
Mi đứng nghe. Lịch sự cảm ơn. Mi không mời hắn vào nhà. Mi trông đẹp hơn bức ảnh Lượng giữ trong tù. Thoang thoảng mùi nước hoa. Hắn chào Mi, chào người đàn ông. Mi nói: “ông anh tôi” để giới thiệu khi hắn đã quay gót.
Hắn thở dài. Hắn lại nghĩ đến Lượng. Mi có quyền có bạn trai, có người yêu. Hắn chẳng trách Mi. Nhưng hơi nhanh. Lượng mới tù được hơn một năm chứ mấy. Hãy cố chờ thêm ít lâu nữa. Còn khối thời gian để lương tâm Mi khỏi cắn rứt.
Ngày về của anh tập trung cải tạo là một dấu hỏi khoan mãi vào thần kinh, vào tâm trí và không có lời giải đáp. Lượng sẽ còn ở đó đến bao giờ? Lượng vẫn nghĩ Mi đang đau khổ vì xa Lượng. Lượng tự hào vì Mi. Trà Mi của Lượng. Tấm ảnh Trà Mi và hai đứa con, gặp ai Lượng cũng khoe, Lượng cất rất cẩn thận, bọc trong hai lần túi ni-lông.
Sau kỳ bị xà lim, Lượng phát khùng. Thích thì làm. Không thích là nghỉ. Đi làm Lượng chú ý tìm rau tàu bay, bắt nhái hơn là làm. Hình như đã được làm chánh án xử con chuột của Dự một lần, Lượng thích làm chánh án, thích đối thoại với những con vật trước khi ăn thịt nó. Bắt được con nhái nào, Lượng cũng giơ cao lên ngang mặt, quát nạt, rồi mới vất vào cạp lồng:
- à. thằng này. Mày còn định lẩn trốn hả. Định thoát khỏi tay tao hả? Không được đâu, con ơi. Tội mày nhẹ, nên chúng tao không xử. Đó là chúng tao chiếu cố đến mày. Tập trung thôi. Tập trung cải tạo.
- à, thằng này bé quá. Thiếu niên. Mày bảo mày chưa đến tuổi chứ gì. Đúng là mày chưa đến tuổi, thằng nhóc. Thì tao cứ vay tuổi của mày. Trẻ con tao cũng xài. Lớn tao cũng xài.
Lượng lại bẻ đùi vất vào cặp lồng.
Đến con khác Lượng lại giơ lên ngắm nghía.
- Được đây, vừa mắt bố đây. Bố kết nước da đây. Nhảy hở? Đã sa vào thiên la địa võng này mà còn định trốn hả? Ngu thế hả con...
Và những tối đọc báo Nhân Dân (ông chánh giám thị nói: Các anh phải quên dĩ vãng, hướng về tương lai, phải có báo đọc) Phổ cất giọng rành rọt đọc tin toà án Bertrand Russell xử án Nixon, anh em gào lên:
- Cho nó cái bọp
- Cho thằng Nixon đi tập trung cải tạo.
Tiếng Lượng gào to nhất. Và cười: “Có thằng Nixon ở đây cho nó nếm mùi tập trung với anh em mình để nó biết thế nào là lễ độ”. Rồi Lượng lại hát:
Ai có về trên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Sao đành nỡ dứt tơ vương...
Lượng có biết chuyện gì đã đến với vợ Lượng, với Lượng không? Nếu biết, Lượng sẽ phản ứng ra sao? Hắn đã từng viết thư cho Ngọc, mong muốn Ngọc được giải thoát, mong muốn Ngọc rời bỏ hắn, đừng gắn bó với cuộc đời chó má của hắn, để hắn yên tâm đi tù, chịu cho hết cái án dê đực đẻ. Nhưng Ngọc viết thư vào cho hắn với một giọng trách móc và đau đớn: “Có lẽ anh cho rằng mình có quyền được cao thượng và muốn đối xử với người khác thế nào cũng được hay sao? Em hoàn toàn không ngờ anh có thể có những ý nghĩ như vậy...”
Khi ấy hắn đã về 75 để được tha, nhưng rồi lại trở lại Q. N, tiếp tục đi tù. Lượng và Mi chưa qua cái tận cùng thất vọng ấy. Lượng mới đi tù, đến nay mới được hơn một năm thôi. Trà Mi vẫn còn nhớ những đêm mưa, hai vợ chồng thức giấc trò chuyện. Hắn hiểu được những đêm mưa đối với những cặp vợ chồng trẻ. Bồng bềnh không gian. Sạch sẽ. Tinh khôi. Mát rượi. Hai người song song nghe mưa. Tiếng mưa kéo về một thuở hồng hoang.
Hắn không trách Trà Mi. Nhưng hắn thương Lượng. Hắn thương những người như Lượng, như hắn. Biết bao người đi tù đã mất vợ, mất con. Vợ lấy chồng khác. Con đi lang thang, ăn cắp, ăn trộm, vào tù. Họ bị bỏ rơi ngay ở trong tù. Cái dinh lũy cuối cùng ấy để mình trốn tránh, để mình ẩn náu, để mình đêm đêm tìm về cung không còn nữa. May mà hắn không rơi vào cảnh ấy. Nhưng sự buồn thảm không vì thế mà không đầy ắp cuộc đời hắn. Bên cạnh nỗi đau bị tiêu diệt, việc kiếm sống quá khó khăn. Cuộc sống không có chỗ cho hắn. Hắn không thể ngồi được vỉa hè. Vì cái máu sĩ của hắn. Vì trước đây hắn đã khá nổi tiếng ở cái thành phố này, mà bây giờ nếu hắn ngồi vỉa hè sẽ là một bằng chứng chứng tỏ rằng hắn đã bị đánh gục. Hắn đã thua. Hắn đã bị trừng phạt, và chấp nhận trừng phạt.
Hắn không muốn thế.
Cuộc sống vỉa hè là cuộc sống rất bấp bênh và bị lên án: Thỉnh thoảng người ta lại mở một đợt càn quét vỉa hè. Phải nói sức sống vỉa hè thật là dai dẳng. Hàng đoàn công an, phòng thuế, quản lý thị trường, khu phố... giằng từng quang rau muống, xách từng sảo cà chua, thu từ nồi bún riêu, rá xôi. Vỉa hè sạch bách được vài ngày. Rồi như Phạm Nhan, nó lại mọc ra. Lại phải mở một đợt càn quét mới. Biết bao giai thoại, huyền thoại chung quanh việc đó. Nào là một anh quản lý thị trường kéo cái thúng của bà bán xôi đội trên đầu xuống, thế là cả một nồi cứt ụp lên mặt anh ta. Rồi chuyện mấy anh liên ngành thu nồi bún riêu vào trụ sở đang ngồi đánh chén với nhau thì bà bán bún vào, bà móc túi lấy ra mấy quả chanh để các thủ trưởng dùng “vì riêu nhà em hôm nay ít chua”...
Thật láo toét. Đúng là phản ứng giai cấp, phản ứng của bọn tiểu tư sản thị dân bị đụng đến quyền lợi. Điều đó dễ hiểu. Tiểu thương là phi xã hội chủ nghĩa, là mảnh đất hàng ngày, hàng giờ phát sinh chủ nghĩa tư bản. Đó là sự chống lại chủ nghĩa xã hội một cách tự giác hay không tự giác, là đối lập với kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh ai thắng ai vẫn chưa được giải quyết, còn gay go quyết liệt, phừc tạp khó khản không phải một sớm, một chiều mà diễn ra suốt thời kỳ quá độ. Cũng phải tính đến khả năng có bọn phản động, bọn phá hoại đang đứng đằng sau giật dây chống phá. Phải tìm ra được bọn ấy. Phải liên tục mở những đợt tiến công. Đó là tất yếu. Có cuộc đấu tranh cách mạng nào thắng lợi dễ dàng. Càng gần thắng lợi lại càng gian nan.
Một trong những kết quả của đợt quản lý thị trường ấy là Phúc mù không hành nghề ở cửa thành đoàn nữa. Cả mấy người bán thuốc lá ở đó cũng biến mất.
May cho hắn, Ngọc xin được việc dán hộp giấy cho Công ty may. Ngọc mượn cả xe cải tiến của Công ty. Mấy bố con hắn lên nhận.
Xuất hiện ở Công ty vợ trong một tư thế như vậy thật là khổ tâm, nhưng biết làm sao. Ngọc cũng không muốn hắn đi nhận các-tông, nhận giấy, nhưng một mình thằng Hiệp làm không nổi. Niềm vui có công việc làm át cả sự nhục nhã xấu hổ. Với lại Ngọc đã chuẩn bị chu đáo, hai bố con hắn chỉ việc kéo xe đi thôi. Cô Linh, thủ kho chính, một đảng viên, rất quý Ngọc. Cô cũng là một phụ nữ “goá sống” còn lâu hơn cả Ngọc. Chỉ có cái khác là chồng Linh đi bê (Nam) còn hắn đi tê (tù). Hai người thương nhau. Thời gian sơ tán, thời gian hắn còn đi xa, cả hai trông coi hàng nhà len, hàng nhà vải. Có lấy đến cá tạ len cũng không ai biết. Nhưng không ai nghĩ đến chuyện ăn cắp. Ngày ấy tiếng ăn cắp còn bị ghê tởm, còn bị mọi người khinh bỉ và lên án. Một hôm Linh ấp úng bảo Ngọc, mặt đỏ lên như chính Linh đang làm một việc xấu xa:
- Ngọc ơi, có ít len vụn tổ đan họ mới nộp lại đấy, hay là mày lấy đan cho con Thương cái áo cộc tay.
Ngọc sợ hãi:
- Chết, ai lại thế
- Khoảng hơn lạng len vụn ấy mà. Đan cải hoa dâu cho con được đấy.
Linh thương Ngọc. Hai người cùng xa chồng.
Linh còn được lương của chồng, lương đại uý với các tiêu chuẩn mà vẫn thấy khó khăn.
Sau này cả Linh, cả Ngọc cùng xuýt xoa nhớ lại mà tiếc rẻ:
- Chỉ mình ngày xưa là ngu thôi. Chúng nó bây giờ không có gì là không ăn cắp. Thằng to ăn cắp to. Thằng nhỏ ăn cắp nhỏ.
Hắn dán hộp. Và ngay lập tức tạo thành quy trình. Đầu óc hắn vốn như vậy. Phải có một số kẹp bằng sắt. Phết hồ vào các-tông cứng và khuôn lại hình hộp, phải có kẹp sắt kẹp cho đến khi hồ khô. Nhưng cái khó là phết hồ lên những băng giấy dài để viền góc hộp và cái nhãn to có in chữ Tocontap cạnh hình chiếc áo sơ-mi cổ cứng. Phết xong phải dán ngay. Để chậm giấy bị ẩm và mủn ra.
Dán được một lúc cả sàn nhà đầy hồ. Các giẻ lau tay đầy hồ. Bốn chung quanh tường chất đầy toàn hộp rỗng. Có lúc tự nhiên chồng hộp đổ nhào, đổ cả vào mâm cơm.
Khi đem đi trả hàng mấy bố con xếp lên xe mới khổ. Hộp rỗng cồng kềnh, không thể ghì chặt, ghì chặt thì bẹp hộp. Để lỏng thì hộp rơi. Phải tháo cả hai giát giường đặt lên thành xe cải tiến. Và xếp hộp lên. Ngọc nhất định không cho hắn lên cơ quan Ngọc nữa. Thằng Hiệp, con Thương xe được rồi. Ngọc bảo: “Hộp rỗng nhẹ thôi. Để bố ở nhà trông em”. Ngọc bảo vậy, nhưng hai đứa vừa xe đi, xóc mấy cái đã đổ hết hộp xuống đường. Phải xếp lại và lấy dây đan từng mắt như mắt võng, úp lên trên hộp.
Bây giờ hắn vẫn nhớ rõ ràng buổi trưa ấy. Hộp đổ ngổn ngang, cái lấm, cái nghiêng, nắp một nơi, hộp một nẻo. Mấy bố con mê mẩn nhặt, xếp và về nhà tìm thêm dây chằng buộc. May mà đường lúc ấy vắng ô-tô. Hắn đứng nhìn theo hai đứa con bé tý đứa kéo, đứa đẩy cái xe hộp cao ngất đi một quãng xa mới quay vào. Ngọc đang chờ hai đứa ở công ty. Chậm lắm là mai sẽ có tiền, thêm vào để Ngọc chi tiêu. Đó là món tiền đầu tiên hắn góp vào với Ngọc. Hắn cảm thấy yên tâm vì còn gần một nửa chỗ các-tông chưa dán. Còn ít ra là một xe hộp nữa.
CHƯƠNG 39
Việc gia công ấy khi có khi không, rất thất thường.
Hết đợt làm hộp, hắn lại nghỉ. Cứ ngồi hút thuốc lào, châm lửa từ cái đèn con đã vỡ thông phong. Cái đèn con mà Bình nói: “Ngày xưa nó đã từng có một cái bóng”. Mỗi sáng, Ngọc xách xe đi làm, hắn lại cẫm thấy mình là người có lỗi và đồng thời cũng nhẹ cả người vì Ngọc đã đi làm, ở nhà chỉ có hắn và mấy dứa con. Hắn có thể nằm nghỉ vì hắn cảm thấy mệt mỏi. Dạo này hắn hay đau đau ở ngực. Có vợ ở nhà, mình cứ năm ườn thân xác, thật bất tiện. Hình như cái lần ngã khi khiêng đá ở suối trại Q. N vẫn cỏn ảnh hưởng...
Trong tù hắn là người khoẻ mạnh. Hắn cảm ơn bố mẹ đã cho hắn hưởng khí huyết ấy của các cụ. Tiêu hoá tốt, không bị đường ruột, gánh gồng được... Không ốm vặt.
Chỉ có chứng đau đầu. Một năm rưỡi giam cứu làm gì không đau. Trong xà lim có mà đầu thép cũng đau. Trong xà lim, sợ nhất là lúc trưa, từ mười hai giờ trở đi. Anh tù nào chẳng thức giấc từ sớm. Ba bốn giờ sáng đã thức rồi. Nàm chờ trời sáng. Nghĩ. Nhớ. Lo. Ai vào đây cũng lo. Không có tội cũng lo. Lo thót ruột. Lo sao thoát được cảnh tù tội. Lo có những kẻ hại mình, những kẻ ngậm máu phun người. Thiếu gì những kẻ không bằng lòng mình, những kẻ ghen ghét. Và bây giờ thì giậu đổ, bìm leo. Rồi tự vấn lại mình. Thấy mình cũng có nhiều câu nói bậy bạ, cần phải chấn chỉnh. Như nói về nông thôn đang xuất hiện bọn cường hào mới, như nói rằng những người có năng lực, sống bằng sự làm việc của mình, không sống bằng đầu gối. Đảng thì bận gì đến mày mà mày lại nói: Nếu cứ đảng viên mới được đề bạt vào cương vị lãnh đạo, thì tất yếu có một loạt đảng viên cơ hội, quần chúng cơ hội sẵn sàng làm mọi việc để được vào Đảng. Rồi lại nói: Bây giờ nếu có vợ bán gạo, người yêu bán thịt, một “dì” nữa bán bách hoá thì không phải lo nghĩ gì.
Những câu nói đó có khi rải rác cách nhau hàng năm trời, trong lúc nhiệt huyết bàn thế sự với anh em bè bạn nay được gom lại, để cạnh nhau thì rõ ràng mình là kẻ bất mãn, chống đối thật rồi, không cựa quậy đi đâu được. Cũng giống như những hoá chất bình thường để cạnh nhau sẽ nổ tung và biến thành một chất hoàn toàn mới. Mà các vị công an, tác giả vụ án của hắn hẳn không thể bao giờ mắc sai lầm bắt nhầm người. Họ vốn là những nhà hoá học đầy tài năng. Không như những người khác, các ông ấy rút ngắn, cắt bỏ mọi khoảng cách thời gian để những câu nói, những hiện tượng bất mãn rải rác ấy liền kề nhau. Thế là nổi lên bản chất của hiện tượng. Thế là tổng hợp được điều cốt lõi từ những sự việc bình thường nhất. Bộ mặt thật vẫn ngụy trang che giấu bỗng hiện ra như tờ giấy ảnh ngâm vào thuốc hiện hình. Thế là nhìn vấn đề dưới con mắt nghiệp vụ, được nhãn quan cảnh giác cách mạng chiếu sáng, vạch trần được một kẻ bất mãn, một kẻ biến chất,, hoạt động chống phá tinh vi. Hết đường chối cãi. Có ai khiến anh tâm huyết. Có ai khiến anh chõ vào những công việc không phải của anh. Anh làm như anh sáng suốt hơn cả Đảng. Khoan hãy nói đến đúng sai, nếu anh nhiệt tình, nếu anh xây dựng sao anh không nói có tổ chức? Sao anh không nói trong cuộc họp? Sao anh không kiến nghị với Đảng? Đảng là của dân. Do dân. Vì dân. Không lý gì có lợi cho dân mà Đảng không làm. Tôi nói có đúng không?
Thật dại dột. Cái trò chính trị xó bếp. Và cũng đáng đời thôi, khi mày là một tế bào của cuộc sống bình thường. Hiểu nó. Thở hơi thở của nó. Mày hiểu sự thật ở nhà máy cơ khí nổi tiếng toàn quốc đốt pháo mừng công hoàn thành 110% kế hoạch năm trước hai ngày (và mày có được mời dự tiệc liên hoan cùng với bao nhiêu chức sắc trong thành phố tại tầng hai mậu dịch Ngã Bảy), nhưng sau đó lại có hàng đoàn thợ bí mật ra bãi để máy, sửa chữa, lắp thêm chi tiết cho máy lô-cô, việc làm ấy kéo dài hết tháng Giêng, vì phần lớn chưa thành thương phẩm. Số máy ấy còn nằm han gỉ ở bãi cho đến giữa năm sau, do chẳng có nơi nào cần, hơn nữa chất lượng quá tồi. Mày hiểu chị Chân nguyền rủa hợp tác xã khi ba lần chị đi nhận rạ, chầu chực cả tối, gọi tên từng người, cân từng cân rạ chỉ được tòn ten một quẩy không đủ dọi mái nhà bị dột, không bằng chị vơ một lúc rạ rơi dọc đường. Mày hiểu nỗi đau của những con đĩ ngựa mỗi khi mang từ cửa hàng mậu dịch về ba lạng thịt bạc nhạc Và mày khẳng định Bách không đủ tư cách là một đảng viên bình thường, đừng nói là bí thư, là biên uỷ...
Cũng tại mày thôi. Tại mày có cái đầu cứ biết tổng hợp, suy nghĩ, không chịu để người khác suy nghĩ hộ. Nhưng cái đầu suy nghĩ cũng chẳng việc gì, nếu cái mồm mày không nói ra. Chỉ tại cái mồm. Hoạ tự khẩu xuất. Bệnh tòng khẩu nhập. Bố vẫn thường dặn như vậy. Lẽ ra không được nói những điều mình nghĩ với bất cứ ai, kể cả vợ. Người thứ hai biết đã không là bí mật nữa rồi. Chuyện ông vua có tai lừa hẳn mày còn nhớ. Rồi lại còn bè bạn xa gần cứ đến ăn ngủ ở nhà. Hoàn toàn không nên. Sự lui tới của bè bạn từng làm mày yêu đời, yêu nghề, kích thích mày làm việc đã giết mày. Sự quý mến của bè bạn đã giết mày. ăn. Uống. Chuyện. Cười. Nói. Văn chương. Thế sự. Cái giá phải trả cho sự làm việc, cho nghề nghiệp, cho thành công đắt quá. Bởi vì đã viết văn là phải suy nghĩ. Đã có tí chút thành công và còn hứa hẹn một điều gì nữa, đã cởi mở chân thành lại coi sáng tác là lẽ sống của cuộc đời, thì bạn bè sẽ đến với mình thôi. Chết là ở chỗ ấy. “Nhà anh ngày nào cũng một khay bã chè cơ mà”. Họ biết hết. Không thể giấu họ điều gì. Bài học này cay đắng quá. Lẽ ra không nên có bạn. Không nên nói. Không nên suy nghĩ. Nhưng đã là con người phải có bạn bè. Có cái đầu phải suy nghĩ. Và không thể không nói những điều suy nghĩ với bạn. Đừng ngụy biện. Thế còn bao người khác, họ không có bè bạn hay sao. Họ không nói hay sao. Họ không suy nghĩ hay sao. Chỉ có điều họ không nói như anh. Không suy nghĩ như anh. Không kết bạn như anh. Ngưu tầm ngưu. Mã tầm mã. Bọn bất mãn các anh chơi với nhau, câu kết với nhau. Không ai đứng ra tuyên bố thành lập tổ chức, nhưng thực sự là tổ chức đấy. Thế là có tổ chức mà không có tổ chức. Không có tổ chức mà vẫn có tổ chức. Tinh vi lắm. Nhưng không thoát khỏi con mắt nhân dân đâu. Không che giấu được ai đâu.
Khó mà cãi được những tội sờ sờ ra như thế. Chút lòng trung thực từ sau xin chừa. Đến bao giờ được ra. ôi! Quãng đời trước thật là hạnh phúc, thật là tươi đẹp. Chẳng bao giờ còn quay lại nữa.
Cứ thế mà nghĩ. Mà chờ trời sáng. Chờ ông quản giáo tới mở cửa để đi đổ bô. Rồi lại vào. Lại nghĩ. Di quanh quẩn, năm xuống, rồi lại nhỏm dậy. Đứng lên, rồi lại nằm xuống. Chờ quản giáo mở cửa, lấy cơm. An xong, khoảng hơn 10 giờ chứ mấy. Nằm. Rồi lại ngồi dậy. Đứng lên. Sực nhớ đến mấy con rệp nhốt trong túi giấy bóng kính bao thuốc lá Berati. Lại đem ra chơi dù hôm qua đã chơi rồi.
Học Đỗ, làm thí nghiệm xem rệp nhịn đói được bao lâu. Đỗ bảo nhốt ba tháng nó vẫn chưa chết. Chẳng biết có đúng không. Hắn mới nhốt con rệp được đúng tám tuần lễ thì buồn quá, không chờ được, đã dem con rệp ra cho nó hút máu. Tám tuần lễ nhịn đói, con rệp gần như khô đi. Mỏng và trong vật vờ như tờ giấy bóng. Nhưng khi bắt ra để trên cổ tay chỗ mạch đập, chỗ các ông lang hay bắt mạch, ngửi hơi máu, ngửi hơi người, cu cậu tỉnh ngay, bò, xoay xoay và chổng đít lên cắn da hút máu. Đau, nhưng cố chịu để xem nó hút máu như thế nào. Say sưa làm. Đứng im một chỗ. Chân gại gại trên da buồn buồn. Chỗ nó cắn không đau nữa mà ngứa. Cứ bình tĩnh, không đi đâu mà vội. Cho mày hút đẫy bầu đấy. Hẳn là một bữa đại tiệc. Cu cậu lịm đi. Nhìn rõ vệt máu đỏ tươi chảy xuống bụng lềp kẹp mỏng tang của nó như dòng máu khi tiêm ven chảy vào xi-ranh. Thế rồi những lần sau đó chẳng tính thời gian để kiểm tra thí nghiệm của Đỗ nừa, mỗi khi buổn quá lại bắt nó ra cho hút máu. Khi một tuần. Khi nửa tháng. Lại còn xếp những que diêm sóng hàng bắt ba bốn con rệp chạy qua que diêm, như kiểu chạy vuợt rào. Chân bé xíu mà chạy rất nhanh, vượt qua que diêm rất nhanh. Cũng lồng lên như ngựa.
Thú vị. Nhưng chơi lâu cũng chán. Nhất là những con rệp cứ rẽ ngang, định chui vào kẽ ván. Cái giống rệp sống cuộc đời tăm tối âm thầm quá.
Lại nhốt rệp vào túi giấy bóng Berati. Lại đứng lên. Lại ngồi xo ró một mình. Lại nằm. Lại nghĩ. Lại nhìn vết ố ở trên tường gần cửa xà lim, nơi vẫn đứng lom khom nói chuyện với Đỗ. Vết ố giống hệt cái đầu Dostoiepski. Cũng cái sọ to, đôi má hóp, cặp mắt sâu và chòm râu dài. Buồn bã. Khắc khổ. Kiên nghị. Chịu đựng Nhẫn nại. Càng nhìn càng giống Đốt. Rồi nhìn chữ “Khánh” khắc trên tường xà lim. Khánh nào nhỉ. Có phải Khánh cướp của giết người trên thuyền ầm cả thành phố dạo hắn còn làm báo không? ông Tri viện kiểm sát ngày ấy đã nói với hắn là vụ Khánh không xử được, vì Khánh treo cổ tự tử.
Khánh xé màn buộc vào gióng sắt chắn cửa sổ thông hơi, rồi treo cổ chết, chân vẫn chạm vào sàn. Nếu là Khánh ấy thì Khánh đã chết ở đây, trong xà lim này. Cửa sổ treo cổ Khánh, cái cửa sổ từ khi lắp đến nay chưa một lần được mở. Mình đã bẻ một nan chớp, đu người lên, nhìn thấy B lao động, thấy anh tù động kinh đang ăn cơm bỗng ngã vật xuống đất, rồi lại bò dậy nhặt bát xúc cơm ăn tiếp. Nhưng Khánh lấy gì khắc vào tường bê-tông nhỉ? Phải là một cái đinh to. Mình thì chẳng thể có cái gì. Mảnh sắt tây giết rệp cũng là của anh tù trước để lại. Anh ta giấu rất khéo. Ngay dưới cái cùm. Anh ta là ai? Mắc tội gì? Hẳn anh ta chẳng biết ai sau anh ta sẽ dùng con dao tự chế này. Cũng như mình chẳng biết ai sẽ dùng con dao này sau mình. Chỉ cần mình yểm khéo. Và người ấy tìm thấy. Nhưng người ấy là ai? Một tên giết người? Một phần tử chống đối? Hay một kẻ buôn thuốc phiện lậu? Còn những ai sẽ đến đây. Cái xà lim này còn nhốt những ai? Đúng tội Oan khuất? Người ấy chưa được sinh ra. Chưa là một tế bào trên cuộc đời này. Già rồi. Hay đang là một em bé lẫm chẫm biết đi và sà vào lòng mẹ.
Bởi vì đã có xà lim là phải có người bị nhốt. Bởi vì đã là cuộc đời thì phải có những người lao tù và những người cao sang quyền quí, những tội phạm và những người canh giữ tội phạm. Mình đến sau Khánh ba năm. Ba năm trước, chẳng bao giờ mình lại nghĩ phải vào xà lim như Khánh và mình kinh tởm Khánh. Bây giờ minh vẫn kinh tởm Khánh, nhưng mình hiểu những gì Khánh đã chịu, bởi Khánh đã sống giống hệt mình ở đây, ngay trong cái nhà mồ này. Khánh tự tử chân vẫn chạm sàn thì ghê thật. Hẳn Khánh rất quyết tâm và đã hoàn toàn tuyệt vọng. Vậy là người ta đã gỡ Khánh xuống, đặt Khánh nằm trên miếng ván gỗ này.
Hắn ớn lạnh, và gạt ngay những ý nghĩ khủng khiếp tiếp theo về chuyện lưng hắn vẫn đặt lên những miếng ván lim đã đặt xác Khánh, về chuyện hắn sống chung với một cái xác trong xà lim tối tăm như một nấm mồ. Hắn cảm thấy Khánh vẫn có mặt ở đây Vẫn im lặng đi lại như hắn vẫn im lặng đi lại. Và vì cái xà lim quá hẹp, quá tối, Khánh cứ phải né tránh hắn, nhưng sẽ đến một lúc hắn và Khánh đâm sầm vào nhau.
Hắn tự bảo: Thôi. Không nghĩ đến chuyện ấy nữa. Hãy nhìn Đốt. Giống quá. Khi khom lưng nói chuyện với Đỗ, cúi xuống vừa trông thấy vết vôi tróc trên tường, mình đã nhận ra ngay là Đốt. Đốt có mặt trong xà lim với mình vì Đốt biết mình đau khổ. Thế kỷ trước Đốt bị lưu đày. Đến thế kỷ này mình bị lưu đày Rất nhiều người đã bị lưu đày. Đốt đến với mình, động viên mình sống. Và Đốt hẳn cũng đã động viên Khánh treo cổ. Tôi không muốn chết Đốt ạ, tuy sống thế này còn khổ cực hơn chết. Tôi vẫn muốn sống dù biết rằng cuộc đời thế là hết rồi. Nhưng còn vợ, còn con, còn bố mẹ, anh em, bè bạn. Phải sống dù khốn nạn đến đâu. Nhưng đã sống thì phải sống dai, sống lâu. Để thấy cuộc đời này thay đổi. Tôi tin là sẽ phải thay đổi. Nhưng lâu. Rất lâu. Chỉ sợ tôi không còn sống đến lúc ấy.
Hắn ao ước được sống đến lúc ấy. Để được “cô đơn ngồi bên giấy trắng” kể lại những gì đã trải. Kể lại cuộc đối thoại với Đốt. Ngày xưa hắn thương Đostoiepski tù đầy, nợ nần, nghèo túng. Và bây giờ hắn nghĩ hắn khổ hơn Đốt về mọi mặt: Nợ nần, nghèo túng, tù đầy. Nhất là Đốt đã hết hạn lưu đầy. Hắn chỉ mới bắt đầu.. Ông Lan đã bảo là ông có đủ kiên nhẫn. Đó là phẩm chất của ông, mà dù khiêm tốn ông vẫn cứ nói ra, vì ông buộc lòng phải nói. Còn câu nói nào táng tận lương tâm hơn, đểu hơn, khủng khiếp hơn. Hẳn là hắn sẽ phải ở đây cho đến chết. Nhưng hắn không thể nhận những điều hắn không có. Cho dù ông Lan có kiên nhẫn đến đâu chăng nữa. Cho dù hắn phải húc đầu vào thép. Cuộc đối đầu giữa hai ý chí. Hắn quyết không để bị bẻ gẫy.
Thế là mọi ý nghĩ lại quay lại thực tế xà lim, thực tế hắn bị bắt, mong đợi được hỏi cung. Và không biết ở ngoài kia người ta đang gọi hỏi những ai, tìm những tội lỗi gì về hắn. Người ta có đủ mọi lợi thế. Người ta lại có cả một tập thể tinh thông nghiệp vụ, trí tuệ sắc sảo, đang tìm kiếm và không bỏ qua những sai sót nhỏ nhất của hắn. Còn hắn bị tước đoạt mọi thứ, cô đơn tại đây. Buổi hỏi cung tới sẽ là những vấn đề gì. Hắn sẽ phải trả lời ra sao. Bắt người dễ. Tha người khó. Rõ ràng các ông ấy không có ý định tha mình.
Lại bồn chồn. Lại cố nén một cái gì đó trong lòng. Lại nằm xuống. Lại đứng lên. Thời gian cứa từng nhát vào thân thể, vào trí não, vào thần kinh như vật chất cùn, rắn và gai. Cho tới một hai giờ trưa thì đã thức, đã suy nghĩ, dằn vặt, quanh quẩn hơn mười tiếng đồng hồ liền. Thần kinh bị kéo càng hết cỡ. Hắn đập đầu vào tường vẩy cách âm. Hắn đập thái dương, đập trán, dập gáy để cái vòng đầu hắn được hưởng sự vỗ về của những con ốc xi-măng nhọn hoắt trên tường xà lim. Đầu óc tê đi. Dại đi. Dịu đi. Hắn đã đập thế bao lần. Hàng tỷ tế bào thần kinh đã chết. Mà cái giống ấy đã chết là không sinh lại. Thảo nào vợ hắn bảo hắn mụ mị đi, bảo hắn như người ngớ ngẩn. Đại loại khi thấy đa rau muống luộc xanh non và bát nước rau đánh giấm chua là hắn kêu lên:
- Rau ngon nhỉ! Xanh quá!
Trong tù có thể ăn thịt trâu nhưng không thể có rau muống luộc. Bọn nhà bếp nó bảo luộc một bữa rau muống vất vả bằng mấy giết trâu. Vì phải luộc từng mẻ, được mẻ nào vớt ra nong. Mấy mẻ lại phải thay nước. Nếu không nước rau đặc thành cao mất. Luộc cho hàng nghìn người thì đến bao giờ. Thế mà ngọn rau cũng cứ đen sì. Nàm năm tù chỉ được ăn mỗi bữa rau muống luộc.
Ngọc mang về cây nứa làm sào phơi là hắn lại nói:
- Đi rừng đẵn nứa là khổ nhất. Nứa mọc thành khóm, những cây bên ngoài đã chặt rồi, mình phải chặt cây bên trong, gốc nứa xóc vào tay. Sợ lắm.
Và không có gì kìm hãm được hắn, hắn tiếp:
- Lại còn cái ngọn nứa mới khốn nạn cơ. Cao phải đến sáu bảy mét, luồn vào cành cây cổ thụ, dây nhợ 6. 5 chằng chịt. Co người mà giật, rồi đu người kéo xuống. Bọn đi rừng quen họ chém nứa để đầu mặt lại. Mình chưa có kinh nghiệm chém mất đầu mặt, khi đu lên, cây nứa bị tay bóp mạnh giập đánh “rốp” suốt vào lòng bàn tay...
Và hắn xoè bàn tay ra, những vết sẹo cắt ngang lòng bàn tay hắn. Ngọc và lũ trẻ phải nhắm mắt lại. Ngọc gắt:
- Thôi, anh đừng nói nữa, kinh lắm.
Nhưng hắn không thể không nói. Cái gì cũng gợi những ngày tù. Cái hôm mỗi sổ được mua một ki-lô bánh mì trừ vào tiêu chuẩn gạo, hắn vừa ăn vừa nói:
- Có những cái bánh mì đỏ hồng. Như thắt lưng các cụ ngày xưa. Mọt nó thôi ra đấy. Toàn mọt, nhưng vẫn phải ăn. Chẳng lẽ vất đi.
Ngọc nhìn hắn van xin:
- Em lạy anh. Anh đừng nói những chuyện ấy nữa.
Hắn biết Ngọc không mnốn nghe “những chuyện ấy”. Ngoài Bình ra, hắn chẳng còn ai tâm sự. Mà Bình còn bận công việc, thỉnh thoảng mới đến.
Thì hắn tâm sự một mình. Hắn ngồi lâm bẩm một mình:
- Không phải ăn rau nấu chảo gang. Cứt của mình không đen sì như cứt lợn nữa.
- Cái răng hôm nay lại đau mới chết chứ.
Thế là một chuỗi liên tưởng: Min đâu? Còn đi với Dự hay mỗi người một phương rồi? Giang sắp được ra rồi đây. ăn đủ ở đủ cũng chỉ tháng sau thôi.
Hắn có hàm răng chắc. Không đẹp nhưng chắc và tốt. Khi hắn nằm xà lim 76, một cái răng hàm bắt đầu bị đau. Đó là cái thứ hai từ trong ra, hàm dưới, bên phải. Hắn ăn bánh mì và một chút bánh mì giắt ở mặt nhai. Mỗi bữa một tí. Mặt nhai thủng. Thỉnh thoảng lại đau. Xói lên óc. Đau đến vã mồ hôi. Ngọc gửi vào lọ dầu cao sao vàng, hắn lấy tăm chấm cao vào lỗ đau cho tê đi. Nhưng cũng chỉ được một lúc. Thế rồi hắn lên QN. Hôm ấy đúng ngày sinh nhật hắn, hắn đang gánh nước tưới thì Sơn đến. Sơn dúi cho hắn chiếc ngô nướng. Một bắp ngô dài, đẫy, vừa nướng xong: “Quà sinh nhật anh đấy”. Món quà sang trọng của người bạn chí tình. Nó chứng tỏ mình vẫn là một con người. Dạo ấy Sơn chưa nhìn hoa đen, Sơn chưa đứng ở cửa nhà mét như một cây cột mới trồng. Sơn chỉ gầy thôi, trán cao bóng lọng, da mặt bóng lọng.
Hắn giắt vội cái bắp ngô vào cạp quần. Nóng bỏng. Cứ phải luồn tay vào lăn từ chỗ nọ sang chỗ kia không thì chín thịt bụng mất. Nóng không chịu được. Tưới hết gánh nước, cái bắp ngô đã nguồi nguội, hắn quẩy thùng đến trước ông vũ trang:
- Báo cáo ông, tôi xin phép ông tôi đi ngoài. (Rõ ràng thừa một chữ tôi nhưng đó là cách đạt câu của anh em tù để tăng cường sự lễ phép. Cách đặt câu ấy sau này khi đi làm hắn vẫn dùng để nói với các sếp).
Ông vũ trang phẩy tay như có ý bảo: Đi đi. Hắn quẩy thùng xuống suối. Đặt thùng ở bờ suối, rửa chân tay, rồi lội qua suối sang bên kia, vào trong một bụi rậm, tụt quần và... lẽ ra ỉa thì hắn lại ăn. Hắn cầm bắp ngô đưa lên miệng. Không được chủ quan với các ông ấy. Tù hay ỉa non đái ép. Có anh ngày xin đi ỉa mấy lần, nhưng chẳng ỉa ra tí phân nào, mà cứ ngồi lì hàng nửa tiếng đồng hồ trong rừng. Thế là các ông ấy mò tới tận nơi kiểm tra. Tụt quần, thò đít ra là yên tâm dù có bị muỗi đói xô đến đốt, ngứa gãi mẩn đỏ cả hai mông. Các ông ấy từ xa thấy vậy là không đi đến nữa.
Cái bắp ngô thơm lừng dù đã nguội hẳn. Hắn gặm một miếng và nhai. Rắc. Chiếc răng hàm bị sâu vỡ đôi. Hoá ra là bắp ngô già, khi nguội cứng như đá. Hoá ra cái răng hàm của hắn đã ruỗng hết bên trong. Cái răng hàm gẫy. Adieu un dent.
Nó gẫy cũng được thôi, nhưng nó còn lại một nửa nhọn hoắt như lưỡi mác. Khi nói chỗ ràng nhọn ấy cào vào lưỡi. Lưỡi nhiễm trùng. Sưng vù. Không nói được. Cổ nổi hạch. Đau. Nuốt nước bọt cũng khó. Không ăn được. Uống nước cũng đau. Hắn phải nhờ Giang ăn cắp một cái giũa trong xưởng mộc, bồng về trại, đưa cho hắn. Rồi hắn lại mang ra chỗ làm. Lừa lúc gần trưa vắng vẻ, hắn đưa giũa cho Min, làm ở toán chăn nuôi gần đấy. Hai người ngồi thụp xuống khuất sau bờ tường chỗ con lợn đực giống ở phía cuối dãy chuồng lợn giáp với bìa rừng.
Thấy người, con lợn đực giống kêu “hộc hộc” “hộc hộc” rung cả chuồng. Đó là một con tê giác thì đúng hơn. Có lẽ nó phải thọ vài chục tuổi. Nó dài hơn hai mét, nặng khoảng dăm tạ. Da dày nặng trĩu như muốn tách ra khỏi thịt chảy xệ xuống thành một thứ áo giáp đạn bắn chưa chắc đã thủng. Hai mắt húp híp lúc nào cũng có hai cục dử bằng ngón tay. Lông nó cứng như dây thép và chỉ cần nghe thấy tiếng một con lợn cái nào ở phía xa là nó ghếch chân lên tường thò đầu ra “hực, hực”, rồi phóng tinh vào tường chuồng như tưới. Không một con lợn cái nào chịu được nó. Khi nó ghếch hai chân trước lên làm cái việc truyền giống, con lợn cái to nhất cũng sệp xuống đất bẹp rúm như con lợn hàng mã. Trưa hôm ấy nó cũng ghếch chân lên tường, thò cái mõm bè bè, dài như gầu sòng ỏhộc hộc”, mép vén lên, hai răng nanh trắng nhởn chĩa ra như răng lợn lòi và chăm chú quan sát bọn hắn qua đôi mắt ti hí đầy dử.
Hắn há mồm bảo Min: “Đấy đấy. Thấy chưa” Min đưa giũa đè cái lưỡi cứ cong lên của hắn:!Thảý rồi. Rồi. Thè lưỡi ra nhé. Thè dài ra. Thế. Min giũa, “Kít kít kít kít” và dừng lại hỏi hắn: “Đau không?” Hắn lắc đầu, đưa đưa lưỡi, rồi thò tay vào mồm kiểm tra:
- Cho thêm mấy nhát nữa đi.
Cẩn thận, Min nhỏm lên nhìn chung quanh xem có ông công an nào đến không, rồi lại cầm giũa “Kít kít kít... “
Khi việc chữa chạy đã xong, hai người đứng lên, con lợn sợ hãi “hộc hộc” mấy tiếng, hạ chân xuống đứng ở giữa chuồng im lặng, mắt híp nhìn xéo bọn hắn và hoàn toàn bất động như một bức tượng. Hắn quay đi, nhổ ra một đống nước bọt to lẫn với mùn răng và bước xuống suối. Hắn vốc nước suối, súc miệng, rồi vứt giũa vào bụi rậm. Cái giũa sắc cực tốt. Giang lấy cắp cho hắn là Giang sẵn sàng chấp nhận xà lim. Trong tù người ta kị nhất là trữ muối và ăn cắp giũa. Đó là những thứ để trốn trại.
Mất cái đầu nhọn, chiếc răng không cà vào lưỡi nữa. Lưỡi hết sưng, hạch cổ biến mất. Hắn lại ăn uống, nói nàng được bình thường. Nhưng chiếc răng thỉnh thoảng vẫn đau, thỉnh thoảng vẫn hành hạ hắn. Một hột cơm rơi vào hốc tuỷ là đủ chết. Đau vã mồ hôi. Đau lăn đau lộn.
Được tự do, chiếc răng ấy vẫn làm hắn khổ. Hắn tiếc hàm răng chắc của hắn. Ngọc bảo: “Hay là anh đi nhổ đi. “Hắn nói: “Nhổ một chiếc là nó xô cả hàm”. Thực ra hắn ngại. Ngại đến bệnh viện. Ngại đau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét