Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

LẬT NGƯỢC VỤ ÁN TRƯƠNG DUY NHẤT

Nguyễn Ngọc Già  - Ngày 04/3/2014, trong phiên sơ thẩm, ông Trương Duy Nhất bị Tòa án nhân dân Đà Nẵng tuyên mức án 24 tháng tù giam với tội danh "xâm phạm lợi ích nhà nước" theo điều 258 Luật hình sự. Nếu việc kháng cáo không thành công, ông Nhất còn tiếp tục ngồi tù thêm 14 tháng. Việc kết tội ông Nhất trong phiên tòa vừa qua thiếu tính ngay thẳng - tính chất tối quan trọng của luật pháp, nơi lẽ ra phải biểu thị cao nhất sự minh bạch, công khai và quyền được xét xử công bằng. Do đó, cần tiếp tục vạch rõ những hiểu lầm và khuất tất từ vụ án này để nói tiếng công bằng cho ông Trương Duy Nhất.

Dư luận lạc lối?
Tòa Đà Nẵng - Việt Nam kết tội Trương Duy Nhất theo nội dung cáo trạng nêu ra, xuất phát từ 11 bài do ông Nhất viết cùng 1 bài do tác giả khác gởi đăng. Tựu trung, ông Nhất bị cho rằng:[1] "đã làm mất lòng tin của nhân dân vào đảng, chính quyền và làm mất uy tín cá nhân các vị lãnh đạo đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam".
Bào chữa cho ông Nhất là luật sư Trần Vũ Hải. Luật sư Hải với bài bào chữa đúng mực và trọn vẹn, không đi ra ngoài cáo trạng kết tội, chứng tỏ là một luật sư chuyên nghiệp hoàn hảo. Trả lời đài BBC, luật sư Hải cho biết những ý chính, do ông Nhất tự thân phát ngôn công khai trước tòa [1]:
- Chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm, những hiện tượng chưa đúng với hy vọng lãnh đạo đảng và Nhà nước sẽ thấy ra, khắc phục, sửa chữa và rút kinh nghiệm.
- Có công đã chỉ ra những điểm ấy để cho các lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam tốt hơn.
- Góp phần cho không khí dân chủ ở Việt Nam, góp phần giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được những vấn đề của đất nước, những suy nghĩ của người dân.
Trong các ý chính trên, người đọc thấy, "dân chủ" chỉ xuất hiện một lần bằng chữ khiêm tốn: "góp phần cho không khí...". Do đó, những kêu gọi và bênh vực cho Trương Duy Nhất phải được cân nhắc kỹ lưỡng, cũng như nên tuân theo tư tưởng và nguyện vọng của cá nhân ông, thay vì như trang Quê Mẹ cho ông là [2] "bị cầm tù vì tố cáo vi phạm Nhân quyền", hay trang Dân Luận bày tỏ [3] "Nếu Trương Duy Nhất "đóng góp rất lớn cho phong trào" đấu tranh dân chủ bằng cách sử dụng ngòi bút của mình, thì anh xứng đáng được gọi là một nhà đấu tranh cho dân chủ, dù mục đích của anh thực sự là gì...", những quan điểm này tỏ ra lợi bất cập hại cho chính Trương Duy Nhất. Nói cách khác, một hình thức "nâng quan điểm" tai hại.
Những lập luận của Quê Mẹ, Dân Luận và những người quý mến Trương Duy Nhất có vẻ, vừa đi ngược tư tưởng của ông vừa làm sai lệch ý chí cá nhân ông? Không những thế, dư luận như vậy vô tình bóp méo tâm nguyện và phủ nhận tuyệt đối những bộc bạch mà Trương Duy Nhất trực tiếp bày tỏ trước tòa, đối với nhà cầm quyền? Nó vô hình chung đẩy ông Nhất về phía càng đối nghịch với nhà cầm quyền Việt Nam mà (qua phát biểu cá nhân Trương Duy Nhất như trên) chưa chắc ông đã hàm ơn?..
"Thương mà hóa ra hại" là như vậy. Dư luận như thế, có thể là những cảm xúc mang đầy chất cảm tính, cũng như dễ bị nhà cầm quyền cho rằng có một chút hàm ý lợi dụng để "lôi kéo" Trương Duy Nhất "chống lại" chế độ mà chưa chắc ông Nhất nghĩ tới? Vì thế, những lời bênh vực như thế dễ rơi vào bẫy mà người cộng sản sử dụng hàng chục năm qua với cụm từ "kích động", "xúi giục". Đó càng tỏ rõ tác hại từ việc yêu mến mà chưa chắc ông Nhất cần?
Khi đề cập đến ĐCSVN, người ta hay nói về chữ "yêu đảng". Hãy thử hình dung một hoàn cảnh: Một người vợ dù bị đối xử tệ bạc, nhưng vẫn một mực thủy chung với chồng. Người vợ đó vẫn tha thiết mong chồng nhận ra tâm ý của mình bằng những lời nói thẳng thắn và thật tâm mang tính xây dựng, nhằm giúp cho chồng mình tốt lên, bỗng nhiên dư luận bên ngoài, vì quá bức xúc trước lòng thành và hoàn cảnh của người vợ, nên một mực cho rằng cô vợ ấy không còn yêu chồng nữa, đồng thời lên án, tố cáo rùm beng với thiên hạ rằng: người chồng ngược đãi cô ta. Đó có vẻ trở thành "sự phá hoại gia cang"? Nếu độc giả thích dùng từ "chính trị" hơn có thể dùng ý nghĩa: Can thiệp vào chuyện nội bộ người khác mà không chắc người đó đồng ý? 
Phải chăng dư luận đang làm suy giảm và hiểu sai một trong các Quyền Con Người được quy định trong ICCPR - Điều 19, khoản 1 nói rằng: "Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp"?
Dư luận có vẻ đang lầm lẫn và càng tạo "hiệu ứng nghịch", "ép phê ngược" cho hoàn cảnh Trương Duy Nhất hiện nay? 
Dường như trường hợp Trương Duy Nhất (thông qua phát biểu trực tiếp tại tòa) đang giúp cho nhà cầm quyền Việt Nam có đủ căn cứ để bác bỏ lời phản đối của Hoa Kỳ?
Phải chăng Trương Duy Nhất là một nạn nhân mà nguồn gốc xuất phát từ việc kết tội không ngay thẳng của tòa Đà Nẵng?
Kết tội không ngay thẳng.
Trước khi ông Nhất bị bắt khẩn cấp ngày 26/5/2013, ông là một trong vài nguồn thông tin (không chính thức) sớm nhất [*] với bài "Hai tân ủy viên Bộ chính trị" [4] vào hôm 04/5/2013, trong khi tin chính thức cho biết 11/5/2013 Hội nghị TW7 mới kết thúc. Bài viết này cho hay, hai người được kỳ vọng (Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ) trúng cử, nhưng ngược dự đoán, ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân trúng cử chính thức. Dư luận vào lúc bấy giờ đều nhìn nhận bài viết này gây xôn xao, đồn đoán nhiều nhất và không khí bán tín bán nghi bao trùm toàn bộ các diễn đàn về "hậu trường chính trị" nội bộ ĐCSVN chia rẽ và phân hóa sâu sắc với nhiều bài bình luận, phân tích [5].
Nguồn tin mật báo cho ông Trương Duy Nhất đã bị tòa án hoàn toàn phớt lờ và tránh né. Nếu coi ông Nhất "xâm phạm lợi ích nhà nước" thông qua 11 bài viết bị làm chứng cứ trước tòa, có vẻ bài "Hai tân ủy viên Bộ chính trị" xứng đáng nhiều hơn hẳn so với cả 11 bài kia.
Tòa đã quy tội ông Nhất "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".

Ai cũng biết nhà nước CHXHCNVN do ĐCSVN lãnh đạo toàn diện. Trong khi đó, ĐCSVN lãnh đạo thông qua nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" (khoản 1 điều 9 Điều lệ ĐCSVN). Đó là điều không ai có thể chối cãi với chế độ độc đảng toàn trị hiện nay. Trên cơ sở đó, nhà nước CHXHCNVN lãnh đạo theo nguyên tắc này. 
Mất uy tín thì không thể lãnh đạo. Vậy, làm mất uy tín các ông cộng sản cao cấp nghĩa là làm mất uy tín tập thể lãnh đạo cấp cao ĐCSVN. Làm mất uy tín tập thể lãnh đạo cấp cao ĐCSVN đồng nghĩa xâm phạm vào nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Xâm phạm nguyên tắc tối quan trọng này đồng nghĩa xâm phạm "lợi ích đảng". Xâm phạm "lợi ích đảng" nghĩa là "xâm phạm lợi ích nhà nước", ở đây là Nhà nước CHXHCNVN. 
Như thế, có thể nói: ông Trương Duy Nhất bị tòa án Đà Nẵng kết tội rất lòng vòng. Nói thằng ra: kết tội không ngay thẳng!
"Thông tin" chỉ có ý nghĩa khi đảm bảo hai điều kiện: "đầu vào" và "đầu ra". Ông Trương Duy Nhất là "đầu ra" trong bài viết "Hai tân ủy viên Bộ chính trị". "Đầu vào" là ai hay những ai?
Câu hỏi đặt ra: tại sao công an, viện kiểm sát và tòa án không tra xét đến nơi đến chốn, ai đã rò rỉ thông tin tối mật như thế cho ông Nhất, làm ảnh hưởng nặng nề "uy tín" của các ông cộng sản cấp cao? Uy tín của các ông cộng sản cấp cao tức là uy tín của ĐCSVN. Uy tín của ĐCSVN nghĩa là uy tín nhà nước CHXHCNVN.
Một câu hỏi cần đặt ra nữa: giả sử ông Nguyễn Bá Thanh không thất cử trong kỳ bầu bổ sung ủy viên bộ chính trị, ai dám khẳng định ông Nhất bị bắt khẩn cấp và buộc phải đứng trước vành móng ngựa vào ngày 04/3/2014? 
Kết

Ông Trương Duy Nhất được biết là người khảng khái và nghĩa khí. Tuy nhiên, chỉ có bản thân ông mới có thể đòi công bằng cho chính mình thông qua thuật ngữ "tình tiết mới", được công nhận chính thức. Có lẽ, ông Nhất cùng người thân và luật sư cần suy nghĩ tương tự như việc Dương Chí Dũng khai về tướng Phạm Quý Ngọ.
Người miền Trung có thơ:

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say
Bạn về đừng ngủ gác tay
Nơi mô nghĩa nặng, ân đầy thì theo

Tính "hiệp nghĩa" theo phong cách các bộ phim kiếm hiệp không còn phù hợp với thời buổi hiện tại. Sống "nghĩa khí" với những kẻ chỉ biết "ngủ gác tay" không phải là tính tiết tháo cần có, trong bối cảnh đạo đức xã hội Việt Nam suy đồi cùng cực và an ninh quốc phòng đang bị đe dọa nghiêm trọng hiện nay. Chỉ có hy sinh vì dân vì nước mới xứng gọi là "tráng sĩ".
Cuối cùng, những ai có ý định ở tù cùng ông Trương Duy Nhất nên cân nhắc lại câu ngạn ngữ thời hiện đại: "Ở tù vì đảng là ở tù rất lãng".

Nguyễn Ngọc Già

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét