Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

BÁO VẸM ĐĂNG: VÌ SAO XẢY RA HẢI CHIẾN HOÀNG SA 1974?

Hải chiến Hoàng Sa là một trận chiến giữa Hải quân Việt Nam cộng hòa và Hải quân Trung Quốc từ 17 đến 19/1/1974 trên quần đảo Hoàng Sa. Từ nguồn tài liệu của sách, báo trong nước và nước ngoài, xuất bản từ 1974 đến 2004, Petrotimes sẽ giới thiệu với bạn đọc về toàn bộ sự kiện này nhân 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Vì sao xảy ra Hải chiến Hoàng Sa 1974?
Bốn chiến hạm của quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tham dự trận hải chiến Hoàng Sa bảo vệ lãnh thổ vào năm 1974 
Năm 1970, Hoa Kỳ và Nhật Bản ký Hiệp ước trao trả Okinawa (Okinawa Reversion Treaty) trao trả quần đảo Senkaku (Sento Shosho hay Senkaku Retto của Nhật Bản) về dưới chủ quyền của Nhật Bản với sự phản đối của Đài Loan và Trung Quốc; và cùng năm, Đô đốc Elmo Zumwalt, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ họp báo tuyên bố tại Guam rằng, Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược triển khai các hải đảo tiền đồn của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ (Hạm đội 7). Theo nhận định của Hải quân Việt Nam cộng hòa thì đây là “sự kiện trao đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và là nguy cơ cho Việt Nam cộng hòa trong việc bảo vệ Hoàng Sa”.
Năm 1971, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam cộng hòa tiếp tục chạm súng trên hải phận Hoàng Sa. Những năm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam, vì nhu cầu chiến trường, tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Việt Nam cộng hòa tại Hoàng Sa được đưa vào đất liền, chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ nhóm đảo Nguyệt Thiềm.
Tháng 2 năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc hội kiến Mao Trạch Đông. Mỹ và Trung Quốc đưa ra tuyên bố chung phản đối "bá quyền" tại châu Á và Thái Bình Dương. Năm 1973, Trung Quốc và Mỹ mở văn phòng liên lạc ở thủ đô mỗi nước mở đầu cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Năm 1973, với Hiệp định Paris, Hoa Kỳ và Hạm đội 7 rút quân và thiết bị của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa. Như vậy Hoa Kỳ đã xem việc bảo vệ quần đảo này là việc riêng của Việt Nam cộng hòa.
Ngày 11/1/1974 Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc và tố cáo Việt Nam cộng hòa chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, Việt Nam cộng hòa ra tuyên bố khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam và bác bỏ những cáo buộc của Trung Quốc.
Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam cộng hòa quyết định thiết lập một phi trường trên đảo Hoàng Sa có khả năng chuyên chở bằng máy bay hạng nặng C-47 Caribou để chuyển quân nhanh ra nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Ngày 16/1/1974, khi một phái đoàn của Quân lực Việt Nam cộng hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa trong việc chuẩn bị xây dựng sân bay nói trên thì phát hiện ra sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc và giao tranh xảy ra sau đó.
Lực lượng hai bên khi xung trận
Phía Việt Nam cộng hòa có 4 chiến hạm là Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10), Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4), 1 đại đội hải kích thuộc Hải quân Việt Nam cộng hòa, một số biệt hải (biệt kích hải quân) và 1 trung đội địa phương quân đang trú phòng tại đảo Hoàng Sa.
Phía Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có 4 chiếm hạm trực tiếp tham gia trận chiến là Liệp tiềm đĩnh (tàu chống ngầm) số 274, Liệp tiềm đĩnh số 271, Tảo lôi hạm số 389, Tảo lôi hạm số 396, 2 ngư thuyền ngụy trang số 402 và số 407. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn có lực lượng thuộc Trung đoàn 10 Hải quân lục chiến. Sau khi trận chiến đã kết thúc thì Liệp tiềm đĩnh số 282 và Liệp tiềm đĩnh số 281 mới đến tăng viện. 
Vì sao xảy ra Hải chiến Hoàng Sa 1974?
Liệp tiềm đĩnh (tàu chống ngầm) số 274 của Trung Quốc chụp từ tàu của Việt Nam cộng hòa trước khi nổ súng
Về vũ khí trên các tàu, 2 chiếc Tuần dương hạm của Việt Nam Cộng hòa trang bị 1 khẩu pháo 127 ly (5 inch) đặt tại boong trước, đằng sau của khẩu đại pháo là giàn pháo 40 ly 2 nòng nằm một tầng cao hơn ngay dưới đài chỉ huy. Hai bên hông đài chỉ huy là các khẩu đại bác 20 ly đôi (2 nòng). Tại boong sau có các khẩu đại bác 40 ly đơn, một bên tả hạm, một bên hữu hạm. Vũ khí chính của HQ-10 là khẩu pháo 76,2 ly đặt tại sân trước, 2 đại bác 40 ly đơn tại boong giữa và 4 đại bác 20 ly đặt hai bên hông đài chỉ huy và boong sau. Còn tàu khu trục HQ-4 được trang bị radar phòng không (DER - Destroyer Escort Radar) và hai giàn pháo 76,2 ly có radar điều khiển (radar control) với khả năng tự dò tìm góc độ và tầm xa để "khóa chặt" (lock on) mục tiêu. Trong khi đó, tàu chống ngầm lớp Krondstadt (Kronshtadt class submarine chaser) của Trung Quốc trang bị 1 pháo 85 ly và 2 pháo 37 ly điều khiển bằng tay.
Như vậy, xét tương quan lực lượng, mỗi bên có 4 chiến hạm trực tiếp tham chiến. Việt Nam cộng hòa có ưu thế là các chiến hạm lớn, trang bị pháo và súng lớn hơn, mạnh hơn, nhiều hơn so với tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, nhược điểm của các tàu này là cồng kềnh, vận chuyển chậm. Các chỉ huy Việt Nam Cộng hòa cũng không lập sẵn kế hoạch cơ động tác chiến nếu có nổ súng, dẫn đến việc tác chiến bị động và 2 tàu trong đội hình (HQ-5 và HQ-16) còn bắn nhầm vào nhau.
(Còn tiếp)
Theo Đức Toàn (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét