Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

TÔN THẤT ĐÍNH NHỮNG SỰ THẬT PHŨ PHÀNG!


Lữ Giang 
Được tin Tướng Tôn Thất Đình qua đời, có vài người đã điện thoại cho tôi và hỏi có viết gì về Tôn Thất Đính không. Một số khác lại cho rằng cuộc đời Tôn Thất Đính chẳng có gì đáng nói, v.v. 

Kể từ khi về ở thủ đô Little Sài Gòn, mỗi lần gặp tôi ở trong nhà hàng, nơi công cộng, và ngay cả tại nhà ông Cao Xuân Vỹ, Tôn Thất Đính thường đến gần tôi và lặp đi lặp lại chỉ có một câu: “Anh thông cảm cho tôi. Lúc đó tôi không thể làm khác hơn được. Tôi không gióng tên Đỗ Mậu đâu…” Tôi hiểu ông muốn nói gì nên luôn trả lời rất nhã nhặn: “Ồ! Tôi có viết gì về Trung Tướng đâu?” 

Ông đã đọc những bài tôi viết về Đỗ Mậu nên rất sợ tôi viết về ông như đã viết về Đỗ Mậu, vì tôi biết nhiều về ông cũng như biết nhiều về Đỗ Mậu. Nhưng giữa Đỗ Mậu và Tôn Thất Đính hoàn toàn khác nhau. Đỗ Mậu cũng ít học như Tôn Thất Đính, nhưng Đỗ Mậu “sinh vi cáo tử vi chồn”, “sớm đầu tối đánh”, mưu mô xảo quyệt, chém cây sống trồng cây chết, chứa chấp cả cộng sản nằm vùng, sấp ngửa như trở bàn tay… rất có hại cho đại cuộc, nên không thể không nói. Trái lại Tôn Thất Đính chỉ là một tay ăn chơi, tính tình cộc cằn nóng nảy, nhưng tâm địa không độc, ít khi mưu hại ai, cứ thổi lên cho anh ta khoái tỉ là bảo gì cũng làm. Do đó, tôi thấy không có gì phải viết về Tôn Thất Đính. Tuy nhiên, trong những ngày cuối đời của ông, khi chỉ còn là một cái “xác sống”, nhiều tổ chức lại muốn dựng ông lên làm "con bài chọi" để mưu đồ chính trị nên chúng tôi buộc lòng phải lên tiếng! 
BUỐN “XÁC SỐNG” VÀ XÁC CHẾT 
Hôm 20.11.2011, Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo trên toàn vũ trụ của Huỳnh Tấn Lê đã tổ chức Lễ Thượng Thọ cho Tôn Thất Đính, có nhiều tăng sĩ đến dự. Hòa Thượng Thích Nguyên Trí thuộc nhóm Về Nguồn ở chùa Bát Nhã đã đứng lên “giảng Pháp”, ca ngợi và cám ơn Tướng Đính như một anh hùng đã thực hành Bồ Tát Hạnh để cứu nguy Phật Giáo và đất nước năm 1963. 
Tôn Thất Đính cao hứng liền xin Quy Y Tam Bảo, nhưng thay vì đọc lời nguyện “Cầu trên Mười Phương Tam Bảo lai lâm chứng giám, khiến cho các đệ tử tội diệt phước sanh…”, Tôn Thất Đính lại đọc một lời nguyện khác: “Ngày 01/11/1963 là một nhân quả trong sự lãnh đạo của gia đình họ Ngô tại Việt Nam.” 
Thầy Nguyên Trí đã chấp nhận lời tuyên thệ này và ban cho Tôn Thất Đính pháp danh là “Quảng Uy”! 
Cảm hứng, cư sĩ Võ Văn Hộ đã ngâm bài thơ: “Trung Tướng năm nay tám bảy rồi. Quảng Uy danh phận rõ mười mươi. Nay già, tu niệm lo phần đạo. Lúc trẻ, hy sinh chuyện việc đời…” (!) 
(Xin xem hophap.net
Mới đây, hôm 1.11.2013, Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo trên toàn vũ trụ lại kéo nhau đến bệnh viện Kindred Hospital ở Santa Ana, tổ chức Lễ Cầu An và Khánh Thọ 87 tuổi cho Tướng Đính. Hòa Thượng Nguyên Trí lại “giảng Pháp”: “Cuộc đời của Cựu Tướng Tôn Thất Đính với Phật Giáo là một” và "nhờ các tướng lãnh thực hiện cuộc cách mạng ngày 1 tháng 11 năm 1963 mà Phật tử chúng ta có ngày hôm nay, cho nên chúng nên chúng ta phải biết ơn và đền ơn." 
Đại Tá Lê Bá Khiếu vỗ tay vào, cho rằng Trung Tướng Tôn Đính là vị tướng với lòng "trung" sáng suốt, bởi vì trung sáng suốt là khi thấy "sếp" của mình làm sai thì dám chống lại, nếu còn phục vụ thì đó là "ngu trung." 
Thực tế như thế nào, chúng tôi sẽ nói sau. 
TÚ TÀI 2 HAY TÚ TÀI 3? 
Tin Tướng Đính qua đời được Thầy Nguyên Trí của chùa Bát Nhã loan đinh trước nhất, trong đó cho biết Tôn Thất Đính có bằng Tú Tài 2, đi học khóa sĩ quan Đập Đá 6 tháng ra trường với cấp bậc Thiếu Úy… Loan tin như vậy là hạ thấp học lực của Tướng Đính xuống một bậc. 
Tướng Tôn Thất Đính sinh ngày 20.11.1926 tại Đà Lạt, lúc nhỏ học trường Yersin rồi đi làm thư ký cho Sở Gendarmerie (Sở Hiến Binh) của Pháp ở Đà Lạt. Năm 1947 Vệ Binh Đoàn được thành lập, Tôn Thất Đính ra Huế học Trường Hạ Sĩ Quan Mang Cá và tốt nghiệp Tú Tài 3 với cấp bậc Trung Sĩ. Sau đó, chính phủ Bảo Đại cho thành lập Trường Sĩ Quan Hiện Dịch đầu tiên của Việt Nam tại Đập Đá, Huế. Đây là một trường hạ sĩ quan được tạm thời cải biến thành trường sĩ quan. Mọi việc huấn luyện đều do các sĩ quan Pháp phụ trách. Vì thế, muốn được tham dự khóa này, điều kiện đầu tiên là phải biết tiếng Pháp. Do đó, để có đủ khóa sinh, các thông dịch viên Trung Sĩ đồng hóa đều được tham dự. Những người chưa phải là quân nhân nhưng biết tiếng Pháp cũng được theo học, không cần biết trình độ văn hóa. Tôn Thất Đính vì biết tiếng Pháp nên cũng được theo học. 
Khóa 1 Đập Đá khai giảng ngày 1.10.1948 và mãn khóa ngày 1.6.1949. Có 53 người tốt nghiệp được mang cấp bậc thiếu úy, trong đó có Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Văn Quang; Tôn Thất Đính, Trần Văn Trung, Bùi Đình Đạm, Phan Xuân Nhận, Tôn Thất Xứng, Nguyễn Văn Chuân, v.v. 
VỐN LÀ CẦN LAO GỘC 
Đỗ Mậu cho biết vào mùa thu năm 1955, một số người được mời đến nhà ông Ngô Đình Cẩn ở Phủ Cam để tuyên thệ gia nhập Đảng Cần Lao trong đó có Tướng Lê Văn Nghiêm, Đại Tá Tôn Thất Đính, Tôn Tất Xứng, Nguyễn Vinh, Phùng Ngọc Trưng, v.v. Lời tuyên thệ là: "Trung thành với Tổ Quốc, trung thành với lãnh tụ Ngô Đình Diệm, và trung thành với Đảng Cần Lao Nhân Vị".(Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, tr. 243). 
Theo Đại Tá Trần Khắc Kính, vào giữa tháng 12 năm 1955, Đại Hội Quân Ủy Đảng Cần Lao đã được tổ chức tại Bộ Chỉ Huy Phân Khu Duyên Hải ở Nha Trang. Tham dự đại hội này có các đảng viên cao cấp trong quân đội như Đại Tá Tôn Thất Đính (bí danh là Vân Anh), Đại Tá Tôn Thất Xứng (Linh Giang), các Trung Tá Đỗ Mậu (Hoàng Linh), Vũ Hùng Phi, Nguyễn Khương, Hoàng Lạc..., các Thiếu Tá Phùng Ngọc Trưng, Nguyễn Ngọc Khôi, Lê Văn Sâm..., Các đảng viên đã lần lượt đến trước bàn thờ Tổ Quốc lấy kim trích máu đầu ngón tay vào một ly rượu và tuyên thệ trước sự chứng kiến của ông Ngô Đình Nhu và Bác sĩ Bùi Kiện Tín, đại diện Trung Ương. 
Như vậy Lê Văn Nghiêm, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu… đều là Cần Lao gộc và là “Cần Lao Phật Giáo”! 
THAM GIA ĐẢO CHÁNH 
Vào đầu tháng 8 năm 1962, Tướng Tôn Thất Đính được cử làm Tư Lệnh Quân Quân Đoàn 3 với nhiệm vụ chính là chống đảo chánh. Trong việc xét các chùa đêm 20 rạng ngày 21.8.1963, Tướng Đính chỉ huy ở Sài Gòn còn Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy ở Huế. 
Đỗ Mậu thường kể chuyện ông dùng bói toán để dụ Tướng Đính làm đảo chánh. Chuyện đó có nhưng mưu sự của Đỗ Mậu không thành. 
Hai cuốn hồi ký của cả Trần Văn Đôn lẫn Tôn Thất Đính không hề cho biết Tôn Thất Đính đã thật sự tham gia đảo chánh lúc nào. Hồi ký của Tướng Đính thường chép lại hồi ký của Tướng Đôn. Vả lại, tài liệu được tiết lộ sau này cho thấy người chỉ huy cuộc đảo chánh không phải là Tướng Dương Văn Minh, Tướng Trần Văn Đôn hay Tướng Tôn Thất Đính, mà là Tướng Trần Thiện Khiêm, một nhân viên CIA. Quân dùng để đảo chánh là Sư Đoàn 5 của Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu. Tướng Minh chỉ đóng vai trò “Ông Ác”, đó là tìm giết những người chống đảo chánh như Đại Tá Hồ Tấn Quyền và Đại Tá Lê Quang Tung, và bắt giết hai anh em ông Diệm và ông Nhu. Ngoài ra, Tướng Minh không có quyền nào khác. Vậy chúng ta đành phải căn cứ vào các báo cáo của Mỹ để xem Tướng Đính đã tham gia đảo chánh lúc nào. 
Trong báo cáo gởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lúc 2 giờ 24 phút chiều 29.10.1963, Đại Sứ Cabot Lodge cho biết các thân hữu trong ủy ban đảo chánh tiếp tục bao vây Tôn Thất Đình và những người này đã ra lệnh loại trừ Tướng Đính nếu ông ta tỏ ra bất cứ dấu hiệu nào làm tổn thương đến cuộc đảo chánh. 

Có thể Tướng Đính đã đồng ý tham gia đảo chánh vào chiều 31.10.1963. Tướng Đôn cho biết tối hôm đó, khi ông đi dùng cơm với Tướng Weede và Tướng Harking về, ông thấy Tướng Đính đang thảo kế hoạch hành quân. Tuy đồng ý tham gia đảo chánh, nhưng tâm thần của Tướng Đính vẫn bất định. Đại Úy Nguyễn Duy Nghệ, tùy viên quân sự của Tướng Đính có kể lại: 
“Đêm trước ngày đảo chánh (31.10.1963), Tướng Đính thao thức suốt đêm, ông ấy gọi tôi (Đại Úy Nghệ) vào hỏi: 
- Kế hoạch toa đã biết, toa nghĩ moa có nên làm không? 
- Theo tinh thần Trung Quân, Ái Quốc, xin Thiếu Tướng xét lại. Tôi không dám có ý kiến... 
- Nhưng moa làm chuyện này là để cứu ông Cụ, với sự đồng ý của ông Cậu (Ngô Đình Cẩn). 
Đêm 1/11, Tướng Đính băng khoăng lo lắng cả đêm...” 
Tướng Đôn cho biết vì chưa tin Tướng Đính, sáng 1.11.1963, Tướng Khiêm đã lấy dầu Nhị Thiên Đường bôi mắt giả khóc rồi đến gặp Tướng Đính và nói: “Thôi, bỏ chuyện đảo chánh đi anh, tội nghiệp ông Diệm, mình không nên hại ông ấy.” Nhưng Tướng Khiêm thấy Tướng Đính không bằng lòng, tỏ ra cương quyết lắm... Tướng Khiêm liền báo tin này cho Tướng Đôn biết. 
[Trần Văn Đôn, Việt Nam Nhân Chứng, Xuân Thu, Hoa Kỳ, 1989, tr. 214 – 215] 
Nhiều người tin chính Tướng Khiêm đã dụ được Tướng Đính tham gia đảo chánh. 
Sáng 1.11.1963, Lucien Conein từ Bộ Tổng Tham Mưu báo cáo rằng Tướng Đính là nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chánh của các tướng lãnh. Khi ông ta đồng ý, cuộc đảo chánh đã bắt đầu. 
[CIA Memorandum, The Coup in South Vietnam, OCI No. 3238/63, 1 Nov. 1963] 
Đúng như Tướng Đính thường nói với tôi, lúc đó ông không thể làm khác được, vì làm khác chúng nó sẽ giết như Đại Tá Hồ Tấn Quyền và Đại Tá Lê Quang Tung. 
CÓ CÔNG VỚI PHẬT GIÁO? 
Sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, Tướng Đính không còn được ở trong quân đội nữa mà được đưa về làm Tổng Trưởng An Ninh (Nội Vụ). 
Ngày 4.1.1964, 11 Giáo Phái và Hội Đoàn Phật Giáo đã họp tại Chùa Xá Lợi và biểu quyết một Bản Hiến Chương thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với những quy định nằm trên và ngoài luật pháp quốc gia, rồi gởi lên yêu cầu Bộ Nội Vụ chấp thuận. Các viên chức Bộ Nội Vụ thấy rằng dù là một hiệp hội tôn giáo, cũng không thể đi ra ngoài Dụ số 10 do Bảo Đại ban hành ngày 6.8.1950.  Dụ này được biên soạn dựa theo Đạo Luật ấn định quy chế hiệp hội của Pháp ban hành ngày 16.8.1901 và đã được áp dụng tại Nam Việt Nam từ năm 1901 rồi. Những khiếu nại của Phật Giáo trong cuộc đấu tranh về sự khác biệt giữa “giáo hội” và “hiệp hội” chỉ là ngụy biện. Do đó, ngày 29.1.1964, Bộ Nội Vụ đã gởi công văn số 1041-B/BNV/KS do Trung Tướng Tôn Thất Đính ký, thông báo cho GHPGVNTN biết: 
“Bộ Nội Vụ chấp thuận tạm thời và trên nguyên tắc bản Hiến Chương của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, trong khi chờ đợi quy chế mới về đạo giáo được ban hành. Tuy nhiên, bản Hiến Chương nói trên sẽ được xem xét lại và chấp thuận khi có quy chế mới, để luật lệ chung được tôn trọng.” 
Phật Giáo không đồng ý giải pháp này. Nhưng ngày 24.3.1964 Bộ Nội Vụ vẫn chiếu Dụ số 10, ban hành Nghị Định số 329-BNV/KS cho “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được phép thành lập trong khôn khổ luật lệ hiện hành” (tức theo Dụ số 10). Nghị Định này cũng do Tướng Tôn Thất Đính ký tên, bất chấp sự phản đối của Phật Giáo. 
Tuy nhiên, khi Tướng Khánh lên làm Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng kiêm Thủ Tướng, để lấy lòng Phật Giáo, đã ký Sắc Luật số 158-SL/CP ngày 14.5.1964 phê chuẩn Hiến Chương nói trên, ban cho GHPGVNTN một “chế độ đặc biệt” nằm trên và ngoài luật pháp quốc gia. Vì Hiến Chương này, GHPGVNTN đã bể làm hai, một là Giáo Hội Ấn Quang và một là Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự. Năm 1967, khi Giáo Hội Ấn Quang đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chống lại VNCH, Tổng Thống Thiệu đã ban hành Sắc Luật 23/67 ngày 18.7.1967 công nhận Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự và bỏ Hiến Chương Giáo Hội Ấn Quang, nên từ đó Giáo Hội này phải hoạt động ngoài vòng pháp luật cho đến nay. 
THÂN PHẬN CỦA CÁC CÔNG CỤ 
Đại Tướng Cao Văn Viên kể lại: Tối 29.1.1964 lúc 23 giờ ông được lệnh của Tướng Trần Thiện Khiêm đi bắt 5 tướng là Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đình và Nguyễn Văn Vỹ, rồi sau đó đến bắt Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung tại nhà của ông Dương Văn Minh. Ông đề nghị Tướng Khiêm giao cho người khác đi bắt Tướng Đôn và Tướng Đính vì ông rất khó xử khi bắt hai tướng này. Ba tháng trước đây hai ông đó là ân nhân đã cứu ông. Tướng Khiêm liền giao cho Thiếu Tá Cổ Tấn Tinh Châu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, đi bắt hai tướng Đôn và Đính. 
Khoảng 2 giờ sáng, 5 vị tướng là Đôn, Kim, Xuân, Đính, Vỹ được đưa vào Bộ Tổng Tham Mưu, riêng Thiếu Tá Nhung được đưa về trại Hoàng Hoa Thám, bản doanh của Lữ Đoàn Nhảy Dù và sau đó bị giết. Lúc đó Tướng Viên đang là Đại Tá Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù. 
Số phận của các công cụ đến đó coi như chấm dứt. Sau đó, họ còn bị Tổng Thống Johnson gọi là “một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” (a goddamn bunch of thugs)! 
Tôn Thất Đính đã kết thúc cuốn hồi ký "20 năm binh nghiệp" của mình ở trang 455 như sau: 
"Đối với tôi, cuộc hành quân 1-11-1963, sau 16 giờ đồng hồ với bao nhiêu biến cố  vượt ra ngoài dự liệu và quyết định của tôi, không phải là một thành công, mà chính là một thảm bại lớn lao  đối với lịch sử. Sở dĩ vậy, vì biết bao âm mưu chính trị ngoại giao, hận thù cá nhân, hận thù tập thể, đến giờ phút đó mới được phơi bày bằng lời nói hay bằng hành động trong ấy Phật Giáo Việt Nam, quân lực VNCH là những nạn nhân của lịch sử hơn là những thành phần mà lúc đó mà người ta thường qui định là chiến thắng vẻ vang! Có lẽ, ai cũng đều thất bại và phạm tội với lịch sử Việt Nam cả, kể cả Hoa Kỳ là nước đồng mình, khi kẻ thù từ quốc tế đến quốc nội bắt đầu vỗ tay cho tương lai chiến thắng của chủ nghĩa Cộng Sản. VNCH đã tự đưa mình vào hỗn loạn từ xã hội, chính trị cho đến tôn giáo, quân sự, tạo cơ hội dấn thân vào trong cuộc đại bại chung sau này khi chấp nhận đó là chính sách toàn cầu của Mỹ!" 
Với những sự thật phủ phàng như thế, tại sao nhóm Thích Nguyên Trí và Huỳnh Tấn Lê dám chém cây sống, trồng cây chết, tuyên bố Tướng Đính là một anh hùng đã thực hành Bồ Tát Hạnh để cứu nguy Phật Giáo và đất nước năm 1963? Tại vì Kinh Pháp Cú ở Phẩm Ác có nói: 
“Những ai vi phạm luật Nhất thừa, những ai ưa nói lời vọng ngữ, những ai không tin tưởng đời sau, thì chẳng điều ác nào họ không làm được.” 
Cầu cho Tướng Tôn Thất Đính được an giấc nghìn thu. Đừng ai đưa xác chết của ông ra làm "con bài chọi" như đã xử dụng "xác sống" của ông trước đây. 
Ngày 28.11.2013

1 nhận xét:

  1. "nhờ các tướng lãnh thực hiện cuộc cách mạng ngày 1 tháng 11 năm 1963 mà Phật tử chúng ta có ngày hôm nay, cho nên chúng nên chúng ta phải biết ơn và đền ơn." ???

    Trả lờiXóa