Vũ Ngọc Bích - Nghỉ dưỡng quân tại Cần Giuộc ít ngày, Tiểu đoàn tôi được tầu của
Hải Quân chở từ sông Vàm Cỏ Đông và đổ quân xuống vùng Tân Trụ, Bình Chánh để
hành quân tuần tiễu tại vùng ven đô, nhằm giải tỏa áp lực địch, và cũng để ngăn
chặn địch xâm nhập phá rối Đô Thành Sàigon. Trước đó hai ngày, được tin tình
báo cho biết có một tiểu đoàn Việt Cộng đang hoạt động tại đây, bộ chỉ huy tiểu
đoàn tôi đặt kế hoạch hành quân tảo thanh diệt địch.
Trước khi đổ bộ, thiếu tá Tôn thất Di, tiểu đoàn trưởng, đã yêu
cầu pháo binh của Sư đoàn tác xạ vào các mục tiêu nghi là có Việt Công. Từ tầu
đổ bộ hải quân, Đại Đội 1 do Trung Úy Đắc chỉ huy đi cánh phải cùng với Đại Đội
2 do Thiếu Úy Miên phụ trách. Thành phần còn lại gồm Đại Đội 3 do Thiếu Úy Liêu
đi cánh trái và đại đội chỉ huy do Thiếu Úy Tỵ hướng dẫn. Vì đang là mùa lúa trổ
bông nên các thửa ruộng đều ngập nước tới đầu gối, chúng tôi phải men theo các
bờ ruộng mà di chuyển. Thiếu Tá Tôn thất Di cho bộ chỉ huy tiểu đoàn dừng ở một
căn chòi bỏ hoang giữa đồng để điều quân. Trung đội súng nặng của tôi lo đặt
hai khẩu đại liên 30 trên hai gò đất cao để bắn yểm trợ và tìm địa điểm để đặt
súng cối. Khi gần tới bờ làng thì địch quân bắn ra ào ạt, hai khẩu đại liên của
chúng tôi nhắm bắn vào mục tiêu là các rặng dừa nước, nơi có đặt các ổ đại liên
của địch. Hạ sĩ Vàng, xạ thủ súng cối 81, đã điều chỉnh súng xong và bắt đầu thụt
đạn. Các đại đội đi cánh phải và cánh trái bố trí quân ở các bờ ruộng và bắn trả
lại mãnh liệt.
Dường như địch quân đã phát giác ra Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn chúng
tôi đang điều quân tại căn chòi không vách (chòi của những người chăn vịt), với
cần ăng ten của máy truyền tin nhô lên tua tủa, nên chúng pháo kích và bắn ào ạt
vào đây. Thiếu úy An, sĩ quan truyền tin của tiểu đoàn, đang liên lạc vô tuyến
thì bị trúng đạn nơi ngực chết tại chỗ.
Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng lập tức phối hợp với sĩ quan tiền sát
điều chỉnh pháo binh tác xạ yểm trợ với nhiều loạt đạn nổ chụp hữu hiệu. Thiếu
Tá Di cũng yêu cầu Thiếu Tá Donald R. Brown, cố vấn tiểu đoàn, gọi khu trục và
gunship bắn vào mục tiêu và thả bom lửa napalm ngay trên đầu địch quân. Hai
cánh quân đi đầu cũng chạm trán với các ổ kháng cự mãnh liệt bắn cầm chân mức
tiến quân của ta.
Sau khi hỏa lực yểm trợ của pháo binh và phi cơ vừa ngưng, chúng
tôi vừa bắn vừa ào ào tiến chiếm mục tiêu. Thiếu Úy Tỵ, đại đội trưởng, bị
thương nặng không thể chỉ huy đại đội được nên Thiếu Tá Di chỉ định tôi lên
thay thế. Từ bộ chỉ huy tiểu đoàn, tôi phải di chuyển 10 phút mới tới chỗ Thiếu
Úy Tỵ nằm vì hỏa lực địch bắn rát quá. Lính Việt Cộng trong các cuộc giao tranh
thường cố ý nhắm bắn sẻ các cấp chỉ huy của ta cùng hiệu thính viên truyền tin.
Dọc theo bờ ruộng, tôi chứng kiến cái chết bi thảm của một binh
sĩ trong trung đội tôi. Binh sĩ quân dịch Vương Lý (người Việt gốc Hoa) về
trung đội vũ khí nặng của tôi được chín tháng rồi. Lý có vóc dáng cao lớn, khỏe
mạnh, ăn nói chân thật và rất lễ độ với cấp chỉ huy. Mỗi lần đi hành quân,
Vương Lý thường nói với tôi “Ông thầy để em vác dùm ba lô.” Thấy tôi ngần ngại,
Lý nói tiếp, “Không sao đâu, ông thầy để ngộ vác dùm; nhẹ hều mà.” Khi dừng
quân qua đêm, Vương Lý cũng cẩn thận mắc dùm tôi chiếc võng nylon giữa hai gốc
cây. Mỗi lần về quận lỵ để dưỡng quân, tôi thường rủ Lý đi theo, đãi em món hủ
tíu, bánh bao với cà phê sữa đá.
Sáng hôm nay cũng vậy, trước khi lên tầu Hải quân đổ bộ, tôi
cũng kêu Lý đi theo tới tiệm hủ tiếu của người Tầu để ăn sáng. Ngoài tô hủ tiếu,
bánh bao và ly cà phê sữa, tôi kêu thêm cho Vương Lý một đĩa xíu mại, vì nghĩ rằng
tháng tới, hết hạn quân dịch, Lý sẽ giải ngũ về với gia đinh, có thể tôi sẽ không
còn có dịp ngồi ăn với em nữa. Chẳng ngờ, đó là lần cuối tôi ăn bữa điểm tâm với
người lính thân cận của mình!
Thật là oan nghiệt! Trong cuộc hành quân đổ bộ nầy, Vương Lý
lãnh phải một trái phóng lựu từ phía trước bắn tới, ruột gan đổ ra, và chết ngay
tại chỗ.
Trên quãng đường di chuyển tới thay thế đại đội trưởng để chỉ
huy, tôi chỉ có chút thì giờ dừng lại chừng một phút để vuốt mắt Vương Lý lần
cuối. Mặt Lý bê bết máu. Đầu em ngoẹo sang một bên. Nhìn xuống phía dưới, tôi
thấy bao tử của Lý bị mảnh đạn xé rách, thức ăn hồi sáng còn dính xung quanh
chưa kịp tiêu hóa. Tôi ngậm ngùi nhìn thi hài người binh sĩ thân thiết đã từng
chia gian khổ với mình gần một năm trường. Mắt tôi cay sè, miệng khô và đắng.
Vương Lý hy sinh cho Tổ quốc lúc còn quá trẻ. Năm ấy, em mới tròn hai mươi tuổi!
Tôi cắn răng, cố nén tiếng khóc thương đứa em đang nằm chết giữa
cánh đồng ngập nước. Bản đồ hành quân trên tay, tôi nhào vào một gò mối bên cạnh
một gốc cây trơ trọi giữa đồng. Người hiệu thính viên mang máy cũng nhày tới bên
cạnh tôi. Bốc ống liên hợp, tôi ra lệnh cho các trung đội tập trung vào bọn địch
đang lố nhố trong đám dừa nước cách chỗ tôi chừng 500 mét.
Có lẽ đã nhìn thấy tôi với bản đồ hành quân cầm nơi tay và khẩu
Colt 45 bên hông, bọn Việt cộng bắn đuổi theo tôi. Làn đạn chạm bờ ruộng, đất
và nước văng tung tóe. Tôi nằm xuống, bên cạnh một bờ ruộng, và ngóc đầu lên,
đưa ống nhòm quan sát tình hình. Người hiệu thính viên vẫn theo tôi từng bước.
Từ tầm xa khoảng 500 mét, quan sát qua ông nhòm, tôi thấy lính
chính quy Việt Cộng và bọn du kích chạy khơi khơi sau đám dừa nước dầy đặc. Tôi
liên lạc vô tuyến với Thiếu Tá Di, xin gọi pháo binh bắn yểm trợ thêm, và ra lệnh
cho xạ thủ đại liên dời tới địa điểm cao hơn để bắn.
Không đầy 5 phút sau, hai phi cơ Skyraider của Không Quân Việt
Nam xuất hiện. Sau những tràng đạn đại liên dòn tan từ khu trục cơ bắn xuống, mấy
trái bom làm nước sông bắn tung tóe. Những xác người, và những thân dừa bắn lên
cao. Pháo binh từ đơn vị bạn cũng dập tới tấp xuống mục tiêu. Sau khi hỏa lực của
không quân và pháo binh vừa dứt, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh cho các đại
đội vừa bắn vừa tiến chiếm mục tiêu. Địch từ các giao thông hào đã bị pháo binh
ta bắn sập, vừa “chém vè” vừa tiếp tục quay bắn trả lại. Thừa thắng xông lên,
chúng tôi hô xung phong và tiếp tục truy kích tàn quân địch.
Vừa vượt qua khỏi con lạch nhỏ, tôi nghe một loạt đạn ria về
phía chúng tôi. Tôi cảm thấy đau nhức nơi chân phải, đầu gối tê buốt. Tôi té
khuỵu xuống, thấy ống quần mình rách bươm và máu tươi tóe ra ướt đẫm cả quần. Hạ
sĩ Hùng đi phía sau tôi phản ứng rất nhanh. Anh đảo mắt nhìn lên ngọn dừa cách
đó độ chừng 50 thước. Đưa khẩu tiểu liên lên, Hùng ria một loạt đạn, người lính
Việt Cộng té nhào khỏi bẹ cây, đầu anh ta chúc xuống, treo lủng lẳng, vì ống
chân trái của anh ta bị buộc chặt vào thân cây dừa!
Tôi biết chân mình đã bị gẫy, nhưng không biết ở chỗ nào. Tôi cố
gắng đứng dậy, nhưng không đứng nổi nữa, chỉ có thể lết vào bên cạnh một gốc dừa,
dựa lưng vào gốc cây, và hai tay bóp chặt vết thương, cho máu bớt chảy. Tôi rút
lưỡi lê bên hông, rạch ống quần ra, để lộ vết thương đang tiếp tục phun máu. Gỡ
cuộn băng cá nhân trên mũ sắt, tôi thắt vội quanh phần đùi bên trên đầu gối cho
máu bớt chảy ra.
Hạ sĩ Hùng hạ tên Việt Cộng rồi, nhìn lên ngọn mấy gốc dừa gần
đó, kiểm soát thêm một lần nữa, cho chắc chắn không còn tên nào ẩn núp, rồi ngồi
xuống bên tôi, khẩu tiểu liên vẫn gác bên cạnh. Hùng gỡ cuốn băng cứu thương và
chai Teinture d’iode. Anh rắc hết chai này lên vết thương ở đầu gối tôi và băng
tạm lại. Hùng cũng thắt chặt thêm vòng băng trên đùi tôi cho máu ngưng chảy.
Anh hiệu thính viên đưa ống liên hợp cho tôi. Tôi gọi cho các
trung đội trưởng. Họ báo cáo vẫn tiếp tục truy kích tàn quân Việt Cộng trong
các vườn dừa trước mặt. Tôi dặn anh em cẩn thận, nhất là khi thu lượm vũ khí, đề
phòng địch quân cài lựu đạn bên cạnh vũ khí ngay dưới các xác chết của đồng đội
chúng..
Rồi tôi gọi cho Thiếu tá Di, báo cáo cho ông biết tình trạng của
tôi. Ông chỉ thị tôi cứ nằm đó chờ toán tải thương đang tới. Người hiệu thính
viên và hạ sĩ Hùng vẫn ở bên cạnh, trong tư thế sẵn sàng bảo vệ tôi. Chờ tiếng
súng ngưng hẳn, tiểu đoàn chúng tôi thận trọng tiến vào mục tiêu lục soát...
Theo các bạn đồng đội tôi kể lại, hầm hố cá nhân, địch đào rất nhiều, và công sự
phòng thủ rất kiên cố. Xác địch nằm ngổn ngang, người thì mất đầu, mất tay; nhiều
xác bị cháy xém và có nhiều xác không toàn thây. Lực lương Việt Cộng ở đây đông
cỡ tiểu đoàn chính quy, khi xét qua quân phục và giấy tờ tùy thân họ để lại.
Ngoài ra, còn có thêm một đại đội du kích địa phương tăng phái trong trận đánh
này.
Tổng kết thiệt hại đôi bên như sau: Phía địch có 69 tên bỏ xác tại
trận, một số bị thương được đồng bọn mang đi khi rút lui. Chúng tôi bắt sống 15
tù binh, trong đó có một thượng úy Việt Cộng. Ngoài ra, chúng tôi còn tich thu
một số tài liệu quan trọng cùng rất nhiều vũ khí cá nhân và vũ khí cộng đồng nữa.
Về phía ta, có 3 sĩ quan tử trận, 4 sĩ quan bị trong thương, 18
hạ sĩ quan và binh sĩ hy sinh. Sau đó, tôi được hai y tá của tiểu đoàn đặt lên
băng ca, đưa tới bãi đáp trưc thăng.
Một điểm son là trong lúc giao tranh ác liệt giữa hai bên, tinh
thần trách nhiệm của các phi công Việt Nam và Hoa Kỳ rất đáng khen. Mặc dầu được
yểm trợ, trực thăng tải thương đã không thể hạ cánh, mặc dù các phi công đã cố
gắng, vì hỏa lực Việt cộng bắn lên dữ dội. Tới 4 giờ chiều, khi tiếng súng hai
bên thực sự ngưng, trực thăng tải thương mới đáp được xuống, chở chúng tôi về Tổng
Y Viện Cộng Hòa. Vết thương nơi chân mặt của tôi bị làm độc, sưng vù và đau đớn;
có lẽ vì trưa nay, tôi đã lội qua con lạch đầy bùn hôi hám.
Về đến bệnh viện, tôi được đưa thẳng tới phòng cứu cấp. Bác sĩ
và các y tá chụp quang tuyến X, chuyền nước biển, và tiếp máu cho tôi. Một cô nữ
trợ tá xã hội, gọn gàng trong quân phục mầu xanh da trời tên là Hương đến bên cạnh,
ân cần hỏi tôi:
- Thiếu úy có cần nhắn tin gì cho vợ con hay thân nhân không?
Lúc đầu, tôi muốn cho vợ tôi biết tin, nhưng ngại nàng quá xúc động;
nên tôi chỉ nhờ cô nữ trợ tá xã hội giúp thông báo cho cha tôi. Khoảng 7 giờ tối,
ông đến với một gói quà. Cầm tay tôi, giọng rưng rưng, ông nói:
- Con ăn đi, cho chóng khỏe.
Tôi cảm động nhìn cha tôi. Đã ngoài sáu mươi rồi, mà cha tôi vẫn
còn phải bận rộn với con như vậy!
Lòng tôi dâng đầy cảm xúc mắt ứa lệ, và thấy thương quý ông vô
cùng. Mặc dầu tôi đã khôn lớn, có gia đình, con cái rồi, nhưng tình thương cha
tôi dành cho tôi vẫn giống như hồi tôi còn bé vậy.
Bác sĩ đại úy Hoành cho cha tôi biết là tôi bị trúng đạn gẫy
xương đầu gối. Viên đạn hãy còn kẹt ở bên trong. Sau khi chụp thuốc mê, bác sĩ
sẽ giải phẫu lấy đạn ra, và sẽ bó bột. Khi biết bệnh trạng như vậy, tôi định
xin bác sĩ, sau khi giải phẫu, giữ lại cho tôi viên đạn đồng đen đã ghim trong
chân tôi. Tôi dự tính mang đầu đạn ấy tới tiệm kim hoàn, nhờ người thợ bạc làm
cho tôi sợi giây chuyền, và sẽ đeo nó như một kỷ niệm. Nhưng, tôi lại nghĩ, dấu
tích chiến tranh ghi trên hình hài tôi sẽ là vết sẹo nơi ống chân phải. Như vậy,
cũng đủ xác nhận là tôi đã góp một chút xương máu để bảo vệ TỰ DO cho quốc gia
Việt Nam yêu quý rồi. Suy nghĩ như vậy, tôi bỏ ý định nói chuyện với bác sĩ.
Chiều hôm sau, vợ tôi xin nghỉ làm, rồi cùng hai con gái tới
thăm tôi. Vừa bước vào phòng, thấy chân phải tôi băng bột trắng và nơi đầu giường
có cặp nạng gỗ, vợ tôi chạy tới ôm tôi, khóc nức nở. Hai cháu gái cũng chạy tới
ôm bố hôn, vì đã hơn 3 tháng rồi, tôi chưa được về thăm nhà. Tôi an ủi vợ tôi,
và nhắc lại mấy câu thơ của Linh Phương “Kỷ Vật Cho Em”:
“Em hỏi anh bao giờ trở lại, Xin trả lời: Mai mốt anh về. Anh trở
về hàng cây nghiêng ngả. Anh trở về trên đôi nạng gỗ Anh trở về bại tướng cụt
chân. Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân Bên người yêu tật nguyền chai đá”…. Rồi
tôi bảo với nhà tôi:
- Rất may, là anh còn đủ chân, để mai mốt sẽ đi dạo phố với em.
Trong lòng, tôi thầm cảm tạ Thương Đế đã giữ gìn mạng sống của
tôi qua những chặng đường đầy gian nguy khi tôi đang ở đơn vị tác chiến. Rủi nếu
hôm đó, tôi lãnh nhằm loạt đạn xuyên phá chắc chắn phải cưa đi một chân; và cho
dù có bình phục, được giải ngũ chăng nữa, cũng khó cho tôi di chuyển để tìm một
công việc mới, khi trở về đời sống dân sự…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét