Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

BACCALAUREAT: BẰNG TÚ TÀI PHÁP: BẰNG CẤP HAY CỬA NGÕ BƯỚC VÀO... THẤT NGHIỆP

Tùy bút Cuối Hè: Từ Giáo dục Tây, nghĩ đến Giáo dục Ta:
Phan Văn Song
Lay hoay thế mà hai tháng Hè đã hết. Lại sắp sửa nhập trường. Ôi nhập trường, cả một bầu trời mới.
Từ cậu bé con nhập vào mẫu giáo, lần đầu rời vú mẹ, dấn bước giang hồ tranh đua với bè bạn đến cậu sanh viên vừa đậu Tú tài bước vào ngưỡng cửa Đại học, đối với tất cả là những cuộc phiêu lưu đầy gian truân gay cấn! hồi hộp, mất ngủ…. Vào mẫu giáo - Maternelle, vào tiểu học- Primaire, vào Đệ nhứt cấp – Collège hay vào Đệ Nhị Cấp Lycée (theo cách gọi của tổ chức Giáo dục Pháp) là cả những nấc thang vĩ đại, vì nó là thước đo của đoạn đường trưởng thành của tuổi thiếu niên, hay của tuổi thanh niên. Bằng Tú tài – nói theo từ ngữ Việt Nam - là xuất thân từ cái bằng Baccalauréat của Pháp (thường gọi tắt là le Bac) - là mảnh bằng đánh dấu sự chấm dứt sự bắt buộc đi học - Luật lệ Pháp cưỡng bách Giáo dục đến 16 tuổi. Bắt buộc phải đi học đến 16 tuổi. Thường thường trẻ con Pháp đậu Tú Tài năm 16 tuổi. Và Tú tài cũng là ngưỡng cửa của thế giới bên ngoài gia đình. Xong Tú tài là cậu hay cô thanh niên, thanh nữ có thể đi chơi một mình được rồi. Cô gái có thể đi chơi đêm được rồi! “Avec la Bac, tu auras les sorties de nuit - Bằng Tú tài là giấy phép đi chơi ban đêm!”  
Trẻ con Pháp, “rủi” có một giấc mơ đeo đuổi một nghệ thuật gì, hay muốn “đi phiêu lưu giang hồ - lựa một ngành nghề không giống ai nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ... thường bị cha mẹ phán một câu hãm tài: “Passe le Bac d’abord! Hãy đậu Tú Tài đi!”. Ý muốn nói là sau đó con muốn làm gì thì làm. Tú Tài xong, nếu chờ đến 18 tuổi là có tuổi trưởng thành, tự do. Tại Pháp, khi đã 18 tuổi trưởng thành, cha mẹ không còn trách nhiệm và cũng không có ý kiến nữa! Đó là xứ Pháp ngày nay. Nhưng đầu Hè vừa qua, ngay trong mùa thi Tú tài là đã nổ ra những câu hỏi về cái thực dụng của bằng Tú tài. Bằng Tú tài có còn là một bằng cấp không?, hay chỉ là một chứng chỉ đã học xong Trung học?, là đã làm xong đoạn đường bắt buộc giáo dục?. Bằng Tú tài có tạo được một người công dân hoàn toàn hữu dụng để phục vụ một cách tích cực cho xã hôi không? Mặc dù bằng Tú tài ngày nay ở Pháp được thực tế hóa để trả lời tất cả những nhu cầu của một xã hội càng ngày càng khoa học tiên tiến hơn. Từ cái Tú tài phổ thông tạo một người “biết” quá nhiều nhưng thực sự chẳng “hiểu” được bao nhiêu, qua tới những bằng Tú tài nghề nghiệp,... công nghiệp thực dụng, thương mại, xã hội, y khoa, truyền thông… nhưng tất cả chỉ được “giới thiệu” bằng những bảng tóm lược, “giới thiệu” những ngành nghề khác nhau, những loại readers digest, rút ngắn, sơ sài nhưng thiếu đi sâu vào chi tiết. Đó là thực trạng ngày nay của bằng Tú tài. Với một bằng Tú tài “biết sơ sơ quá nhiều”, nhưng thiếu đào sâu, các cậu Tú cô Tú không có thể vào đời được nên phải tiếp tục vào Đại học. Chương trình rất “đường trường xa”: Cử Nhơn, Cao Học, Tiến sĩ – LMD (License - Maîtrise – Doctorat) nghĩa là 3 năm – 5 năm – 7 năm. Đại học là mắc tiền! Đại học là lắm hy sanh của cha mẹ! Xứ Pháp lại còn một xứ còn “kỳ thị giai cấp trong ngành Giáo Dục”. Thượng tầng kiến trúc Giáo Dục là các Trường Lớn Grandes Écoles gồm có Trường Bách Khoa đứng đầu một lô Trường kỹ sư… thường tuyển các sanh viên giỏi Toán Lý Hóa (đậu Ưu hạng – Mention Bien hoặc Très Bien. Nếu giỏi về Văn Khoa thì thi vào các Trường Khoa học Chánh Trị - Les Instituts des Sciences Politiques, nếu giỏi về kinh tế thi vào hai trường lớn về Kinh Thương là École des Hautes Études Commerciales (HEC) hay ESSEC (École Supérieure des Siences Économiques et Commerciales Trường Cao Đẳng Kinh tế và Thương Mại) hay các Trường Cao đẳng Thương Mại – Les Écoles Supériueures de Commerce ở các thành phố lớn do các Phòng Thương Mại các đô thị ấy tổ chức. Ngoài hai Đại Học Luật khoa và Y Dược ra, các trường Đại học phổ thông không tạo được những ngành nghề. Giáo dục Pháp về Văn khoa về Khoa học tạo những hiểu biết nhiều nhưng không tạo tay nghề, không tạo cán bộ. Hiện nay có những Hội đoàn, có những nhóm suy nghĩ đang cố tìm một hướng Giáo dục mới đi sát với tình hình và nhu cầu của khoa học, của phát triển, của thị trường. Khổ nỗi ngành Giáo dục hiện nay bị Nghiệp đoàn Giáo chức, nhơn danh nghề nghiệp tịch thu, độc quyền ý kiến. Giáo dục không chấp nhận thị trường hóa, mặc dù nạn thất nghiệp đanh hoành hành. Giáo dục hiện nay thiếu thực tế, thiếu viễn tượng. Đó là ngành Giáo dục của xứ Pháp. Nói đến chuyện Tây, chúng ta cũng nên nghĩ đến chuyện Ta. 
 Thế hệ chúng tôi, thế hệ người viết là thế hệ của bằng Tú tài. Cái bằng Tú tài phỏng theo cái Baccalauréat của Pháp. Cá nhơn chúng tôi người viết có bằng Tú tài ban Philosophie - Triết Pháp – năm 1961.
Tuổi trẻ thế hệ chúng tôi lớn lên với bằng Tú tài. Thi rớt Tú tài là đi quân dịch, là đi lính: dân Sài gòn tụi tui là đi vào Quán tre, và sau nầy đi vào Trung tâm Ba, nghĩa là đi vào quân trường Thủ Đức ra sĩ quan trừ bị - nguyên tắc là trừ bị - nhưng vì Việt Cộng phá quấy nên cuối cùng trừ bị muôn năm đến ngày mất nước.
Nhớ mãi mùa Hè năm 1961, tiễn một lô bạn hỏng Tú tài 2 - dạo ấy còn thi làm hai năm - vào Thủ Đức. Thằng có Tú 1 vào Sĩ quan trừ bị, thằng rớt Tú 1 đi Bảo An. Khóa năm ấy là khóa 12. Vài tháng sau, tôi xa các bạn đi Pháp du học. Mười năm sau trở về có thằng Thiếu tá, Trung tá, đứng thẳng chào, có thằng xanh cỏ, muốn chào thăm hỏi phải đến nhà thắp hương.
Nhắc bằng Tú tài ở Việt Nam ta lúc bấy giờ là nhắc đến cả một khung trời kỷ niệm. Trung học ở Việt Nam là cả một không khí gia đình, nhứt là đối với những thằng mồ côi địa dư như hai anh em chúng tôi. Từ năm 1953 đến năm 1961, hai anh em chúng tôi, người viết, được ba mẹ gởi vào Trường Thiếu sanh Quân Đà lạt để đi học. Ông cụ sĩ quan quân đội quốc gia, phục vụ tại Vùng 4 Sơn cước – theo cách chia Vùng của quân đội Quốc gia Việt Nam lúc bấy giờ, nên chúng tôi được quyền nội trú tại Trường Thiếu Sanh Quân Đà lạt - bấy giờ ở Cité des Pics, gần Sân Cù – cơ sở sau nầy được Viện Đại học Đà lạt và Trường Chánh trị Kinh Doanh sử dụng (những ai là dân Đà Lạt, và dân từng sống ở Đà lạt thi chắc biết). Bắt đầu niên học 1954-1955 trở đi, vì Trường Thiếu Sanh Quân Đà lạt phải dọn đi và nhập với Trường Vũng Tàu nên anh em tôi thi tuyển được học bổng, tôi vào nội trú Trung học Lycée Yersin, em tôi nội trú Tiểu học Yersin (Petit Lycée - nằm bên kia cầu Nhà đèn trên con đường đi về Thác Cam ly và Trường nữ Couvent des Oiseaux). Chúng tôi ở suốt thời Trung học của tôi khi tôi đậu Tú tài 2 tháng 6 năm 1961, em tôi cũng cũng theo tôi về lại Sài gòn. Từ đấy tôi xa Đà lạt, từ đấy tôi thực sự xa thời niên thiếu.
Hôm nay, đọc báo và nghe thiên hạ bàn cãi bằng Tú tài Pháp, tôi bỗng nhớ tới cái thời tuổi Tú tài của thế hệ thanh niên nam nữ Việt Nam ở Sài Gòn hay ở miền Nam, những năm 60 của chúng ta. Bằng Tú tài những năm tháng ấy to lắm, đấy là một mảnh bằng ra đời thực thụ. Có thể mưu sanh với bằng Tú tài. Ngay vào tháng sau đó, cậu Tú mới ra lò, non choẹt – vừa 19 tuổi - của chúng ta đã bắt đầu hái ra tiền: vừa kèm dạy Pháp Văn Français và Anh Văn Anglais cho các tiểu thư, công tử các gia đình giàu có ở Sài Gòn, vừa cùng đi dạy hai môn ấy cho các trường dạy những lớp hè ở Sàigòn cũng lắm tiền. Chỉ dạy học sơ sơ thôi mà trong vòng hơn một tháng, cậu Tú mới, đã đủ tiền mua nổi một chiếc Vélo Solex trị giá 3 000 đồng lúc bấy giờ ở Hãng Jean Compte. Lần đầu trong đời cầm tiền bạc ngàn, nó to làm sao! Lần đầu trong đời tự tạo được một chiếc xe, không nhờ ba mẹ, hãnh diện làm sao!
Xin lỗi các độc giả đã kể chuyện tư, đã đưa độc giả cùng trang lứa trở về quá khứ, đã đưa độc giả vào một thời gian, một không gian không còn nữa. Những năm 58/59, quê hương miền Nam ta rất thanh bình. Tuổi trẻ chúng tôi, chở nhau bằng xe gắn máy, bằng Vespa đi Đà Lạt, đi Vũng Tàu. Cùng với ông chú, - nay 88 tuổi, vừa mới mất hôm thứ Hai 17/6 vừa qua tại Houston Texas, chúng tôi đi bằng xe mô tô từ Sài Gòn ra Huế. Nhiều đoạn trên con đường số 1 miệt gần Bình Định, miệt gần Đại Lãnh, chưa có cầu, phải qua sông bằng phà ngang kéo tay. Khách sạn ngủ mùng, quạt máy, tắm bằng gáo múc ở lu, quê hương ta lúc ấy còn nghèo lắm!
Nhưng quê hương thanh bình, nhưng quê hương yên lành làm sao! (cám ơn chú, nhớ chú nhiều!)
“...Quê em mướt lá dừa, bên nồi khoai mới luộc, ngát thơm mùi ngâu thưa,
em hẹn em sẽ kể, tình quê hương đơn sơ...” (Quê nghèo, Đan Thọ).

Bằng Tú tài Pháp nay không còn linh nghiệm nữa.
Ngày 17 tháng 6 toàn cõi nước Pháp, là ngày đầu tiên của suốt một tuần lễ ròng rã, hằng ngàn thanh niên, thanh nữ Pháp bắt đầu ngày, chăm chú, trong vòng 4 tiếng đồng hồ tấn công trèo lên một Hy Mã Lạp Sơn khổng lồ: giải đáp bài luận văn của môn Triết, môn bắt đầu của một tuần gian khổ: các môn thi của bằng Baccalauréat - bằng Tú tài Pháp.
Nhưng có một một môn với một câu hỏi ngày nay chưa ai giải đáp được: ấy là Bằng Tú tài mang lại cái gì? bằng Tú tài để cái gì?
Đã hết rồi cái thời mảnh bằng Tú tài mở cho chúng ta một bầu trời rông lớn, một tương lai huy hoàng, bằng Tú tài tạo cho chúng ta sự trưởng thành, biến chúng ta thành người lớn, đưa chúng ta vào đời. Với mảnh bằng Tú tài, là ta đã có vốn, ta có thể lấy vợ, lấy chồng, làm cha làm mẹ, có công ăn việc làm, có tương lai, có chương trình, có giấc mơ, có thể tậu nhà, tậu cửa, nói tóm lại Sống Độc lập. Con chim con có thể lìa tổ cha mẹ, xây tổ mới, và có thể có một địa vị trong xã hội. Con Ong Chúa Con có thể đem đệ tử lìa Ong Chúa Mẹ đi xây tổ ong mới, lập một làng ong mới!  
Vào những năm 1950, ở Pháp chỉ có 5% tổng số dân trong cùng lứa tuổi có bằng Tú tài và nhờ vậy dùng bàn đạp nầy để chiếm những đỉnh cao của xã hôi. Ngày nay, ở Pháp, có đến 70% của lứa tuổi có bằng Tú tài. Thế nhưng mảnh bằng nầy không cón bảo đảm là cái chìa khóa mở cánh cửa của thành công nữa. Đau khổ hơn nữa, nó cũng chẳng phải là mảnh bùa để tìm việc làm nữa: theo Cơ quan thống kê INSEE của chánh phủ Pháp, trên 18% những cô cậu Tú vừa mới có bằng từ 1 đến 4 năm trở lại đây đều thất nghiệp. Cuối cùng, Tú tài chỉ là một tờ giấy số lô - tô để có thể có mặt trong sự rút thăm khổng lồ hằng năm để dự phần vào cuộc thi tuyển vào các Trường Đại Học Lớn (Les Grandes Écoles), đỉnh cao của trí tuệ Pháp. Tỷ lệ được lọt vào rất mong manh, 1 trên 20 trong một lứa tuổi.
Từ quốc tế nhìn vào đất Pháp, bằng Tú tài Pháp có hai cái xấu: cái thứ nhứt, là bằng Tú tài không thể hiện được cái quyết tâm của một dân tộc là tạo một nền giáo dục đại chúng có một phẩm chất cao. Thực vậy, lần cuối cùng có một người đại diện chánh phủ phát biểu một chương trình là phải thực hiện cho được vào năm 2000 là phải đạt cho bằng được con số 80% của một lứa tuổi phải có bằng Tú tài là ông Jean-Pierre Chevènement, khi ấy là Tổng trưởng Bộ Giáo dục vào năm 1985. Con số ấy không bao giờ đạt được, từ năm 1995, sau một thời kỳ mang nhiều triển vọng đã ngưng hẳn ở con số trên dưới 70%. Như vậy chứng minh rằng, hằng năm có 1/3 thanh niên nam nữ rời trung học không một mảnh bằng dính túi. Mà bằng cấp là cái chìa khóa để vào đời ở cái xứ Pháp nầy. Và ta cũng không ngạc nhiên là thành phần nầy góp một phần không nhỏ trong tỷ lệ - khá cao – của dân thất nghiệp ở xứ Pháp.
Ở rất nhiều quốc gia, tỷ lệ các con em rời trường với một mảnh bằng cao hơn Pháp nhiều. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, ở Phần Lan, đều trên 90%, (theo OCDE, Cơ quan hợp tác và phát triển kinh tế (Âu Châu) – Organisation de coopération et de développement économique).
Cũng cần nói thêm, sở thống kê Pháp đã dùng một tiểu xảo để che giấu một sự thật, đó là cơ quan Giáo dục Pháp sử dụng sự lựa chọn “kỳ thị giai cấp”. Trên con số 260 000 thanh niên nam nữ không đậu hay không thi bằng Tú tài, một phần lớn thoát sanh từ giai cấp lao động, công nhơn. Sự “kỳ thị giai cấp” biểu thị càng rõ ràng hơn trong tỷ lệ những thí sanh đậu bằng Tú tài phổ thông, mảnh bằng thực sự có giá trị. 70% các em đậu đều sanh từ những gia đình các công chức, quan chức hay giáo chức, chỉ độ 20% là thuộc con em thành phần thợ thuyền, lao động.
Cái xấu thứ hai, là cái phần đòi hỏi một cuôc đầu tư nghị lực, hao tốn tâm thần tâm trí, cho một mảnh bằng mà giá trị đem lại không cân xứng. “Cho nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu”. Và cuối cùng cũng chỉ có 5% một trang lứa tuổi nhập vào cái Trường Đại Học Lớn, loại Grandes Écoles hay Trường Sciences Politiques, Khoa Học Chánh trị - con số tỉ lệ ngày nay cũng chỉ bằng con số ngày xưa năm 1950, cũng chỉ 5% một trang lứa tuổi. Đấy là nhóm trẻ đã trúng số, và sẽ có một tương lai đầy thành công trong sự nghiệp. Còn các em còn lại, phần đại chúng, giành giựt chen lấn chui vào những trường Đại học cộng đồng vừa nghèo nàn vừa chật chội.
Bằng Baccalauréat -Tú tái Pháp ngày nay vừa quá khó để đo lường cái trình độ của nền Trung học Pháp, nhưng cũng vừa quá yếu, không đủ tiêu chuẩn để giữ vai trò đo lường và lựa chọn những danh tài của một dân tộc. Đây là một bài học để những nhà giáo dục hay có trách nhiệm giáo ở Việt nam suy nghĩ và lựa chọn.
Để kết luận:   
Trở về một suy nghĩ và quan niệm tổ chức Giáo dục và lựa chọn kiểu 1950 không còn hợp thời nữa. Ngày nay, tại sao không dám có can đảm đưa ra một suy nghĩ mới về Giáo dục,bớt đi những hiểu biết tổng quát, đưa thêm những hiểu biết thực tiễn hơn. Các quốc gia khác đang làm và thành công. Bằng Tú tài hay bất cứ cái tên mới nào đó sẽ là một bằng cấp, một chìa khóa của một nghề nghiệp. Ngày nay tại Pháp tỷ lệ người thất nghiệp đã vượt trên 10% tổng số dân trong tuổi sản xuất, nhưng nhiều hảng xưởng vẫn phải nhập cảng “tay nghề ngoại quốc”, nhiều tiểu công nghệ vẫn than phiền không tìm ra một người thợ đúng nghĩa đúng nghề. Những thí dụ tràn đầy, từ những nghề gọi là thông dụng như những nghề phục vụ ăn uống nhà hàng, quán nước… tuổi trẻ không chịu khó thức khuya, không thích làm những ngày nghỉ, ngày Chúa Nhựt, và không chịu học nghề chạy bàn, hầu bàn, vì chạy bàn, hầu bàn là cả một nghệ thuật, từ cách bưng ly nước, đặt dĩa ăn (hằng năm ở Pháp có cuộc đua các người hầu bàn ở Paris – course des barmen – trong ấy có một pha các người hầu bàn, tay bưng một mâm đầy ly rượu và chai nước đi nhanh nhưng không làm đổ) hay biểu diễn cắt lạng cá để hầu khách… cho đến những nghề hiếm như thêu may, nghề mộc chạm trổ…
Hãy cố gắng thay đổi não trạng, mạng lưới các chuyên viên giúp đỡ các Cụ trong gia đình cũng cần thiết cho xã hội chứ không cứ phải bác sĩ. Nước Pháp các vùng quê đang thiếu bác sĩ toàn khoa đa khoa, bác sĩ gia đình, nước Pháp phải nhập cảng các y tá các bệnh viện các tỉnh nhỏ, nước Pháp đang thiếu nha sĩ, bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ thú y... thú y thứ thiệt chứ không phải thầy thuốc chó mèo ở Paris và các thành phố lớn. Từng mảng lớn các vùng ở các nông thôn thiếu y tá, thiếu các trợ y, hay người giúp các người già lớn tuổi. Đa số các người cao tuổi còn tự túc được không thích phải vào nhà dưỡng lão. Một mạng lưới y tế cần phải được tổ chức để giữ các người cao tuổi tại gia, vì ở tại gia mới tạo được điều kiện tôn trọng nhơn phẩm, điều kiện con người, nhà thương hay nhà dưỡng lão dù có khoa học đến đâu vẫn thiếu sự sống, nhà dưỡng lão chỉ là cái hành lang đi vào cõi chết. Đây chỉ là một khía cạnh nhỏ của xã hội Pháp và Âu châu ngày nay. Ngày nay, với khủng hoảng kinh tế, với toàn cầu hóa, với nạn lão hóa xã hội, kỹ nghệ tin học, kỹ nghệ xanh... sẽ có một loạt nghề nghiệp chưa ra đời ngày mai, những nghề ngày mai sẽ cần thiết, nhưng nước Pháp chưa sẵn sàng.
Còn Việt Nam? Nhà nước Việt Nam có nghĩ đến tương lai vận mệnh đất nước không? hay vẫn tiếp tục đấm đá, phe Trọng vs phe Dũng, tranh giành miếng ăn, tranh giành mồi ngon béo bở.
Mong các nhà đấu tranh dân chủ ngay từ bây giờ đã có một suy nghĩ cho một tương lai Việt Nam, vì khi giành lại được quyền tự quyết, giành lại được dân chủ mà không có sẵn sàng một chương trình xây dựng thì tội nghiệp cho dân Việt Nam lắm!
Hồi Nhơn Sơn, Cuối Hè 2013
Phan Văn Song 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét