Tác giả HUỲNH VĂN PHÚ |
Mới đây, một ông bạn văn
của tôi từ Canada gửi xuống chia sẻ cùng tôi bài viết Nghề Tổ của tác giả Hàn Sĩ nào đó ở Việt nam.
Đọc cái tựa đề Nghề Tổ,
thoạt tiên tôi cứ tưởng đấy là một bài viết về nghề nghiệp gì đó rất vinh quang
của tổ tiên, nhưng chỉ có vài giòng thì tôi bật ngửa…Tác giả bàn về nghề “hót”
cứt của dân làng Cổ Nhuế.Ông viết: “Lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường đe tôi: ‘Nếu không học hành tử tế thì sau
này anh chỉ có đi hót cứt thôi con ạ.’ Hình
ảnh người gánh phân suốt ngày lang thang trong cái thị trấn nghèo quê tôi làm
tôi rùng mình. Cái tương lai có mùi khó ngửi này chẳng quyến rủ nổi ai. Nhưng
mẹ tôi lầm.
Thời tôi lớn, đây là một nghề hái ra tiền. Ít nhất cũng hơn hẳn cái
sự kiếm ăn với tấm bằng phó tiến sĩ của tôi. Anh biết đấy, viện Khoa Học của
tôi cạnh làng Cổ Nhuế, tôi có đủ sở cứ để khẳng định với anh điều đó. Làng này
sống bằng nghề hót cứt, có đền thờ Thành Hoàng hẳn hoi, mà Thành Hoàng làng Cổ
Nhuế là một vị hót cứt chính hiệu. Trong đền, người ta thờ đôi quang và chiếc
đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu, tất cả đều được sơn son thếp vàng. Những
dụng cụ đáng được đặt lên bàn thờ lắm, bởi vì với chiếc áo tơi lá khoác hờ, với
đôi quang gánh nặng mùi trên vai và hai mảnh xương trâu cầm tay, người làng Cổ
Nhuế đã đời này qua đời khác, ngày lại ngày, làm sạch cho thủ đô Hà nội gần hai
triệu dân.
Vua Lê Thánh Tông từng ban
cho làng này câu đối:
Khoác tấm áo bào, giang
tay gánh vác thiên hạ
Vung hai thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian
…Ngoài cái vinh quang của
nghề hót cứt (lao động là quang vinh), làng Cổ Nhuế còn là quê hương của một
đại tướng lừng danh là đại tướng Văn Tiến Dũng, cũng có một tổ tiên vinh quang
như các vị đồng hương gồng gánh của ông…”
Đọc bài Nghề Tổ xong, tôi động não dữ lắm. Động não vì
những hình ảnh trong bài viết khiến tôi nhớ lại những năm tháng trong các trại
tù Cộng Sản ở ngoài Bắc sau ngày bể đĩa 30/4/75. Trong những buổi học tập chính
trị, các cán ngố Việt Cộng luôn luôn to mồm nhét vào tai đám tù chúng tôi những
luận điệu của cái gọi là biện chứng duy vật, là một hệ thống triết lý làm nền
tảng cho chủ nghĩa Cộng Sản. Tôi không tìm thấy trong hệ thống triết học ấy sự
giải thích nào thỏa đáng căn nguyên câu hỏi tôi thường “tư duy”: Tại sao chất
cặn bã của sinh vật này lại là chất bổ của sinh vật khác? Chẳng hạn “kít” của
con người là thực phẩm cao cấp của chó, và “kít” là thứ phân bón cây cối, rau
cỏ, hảo hạng nhất. Chính vì thế mà một trong những công việc lao động chính mà
bọn Cộng Sản bắt đám tù chúng tôi làm là đi “hót kít”. Nói như vậy tôi không
dám có ý so sánh ngang hàng với dân làng Cổ Nhuế, thấy người sang bắt quàng làm
họ đâu.
Trong những bài viết trước
đây, tôi thường kể lại những công việc lao động trong tù như chăn trâu, cày
ruộng, gặt lúa, trồng sắn, trồng chè, phá rừng trồng bắp, lên rừng xẻ gỗ, thợ
may, thợ rèn, thợ mộc v.v. và v.v…Tôi đã thiếu sót kể lại chuyện chúng tôi đã
phải đi “hót kít” để về làm phân bón trồng rau như thế nào. Thật lòng mà nói,
hồi ấy tôi không dám viết lại vì thấy vừa kỳ cục, vừa xuống cấp thê thảm và
nhục nhã quá sức. Còn bây giờ thì tôi lại thấy chẳng có chi kỳ cục, xuống cấp
hay nhục nhã gì sất. Trái lại, nên vui vẻ mà kể lại cho “đời thêm vui và thêm
phần long trọng”. Nhất là vừa rồi tôi được một ông anh, dân Hànội chính cống,
nhìn xa trông rộng, hiểu biết nhiều về xã hội Bắc cờ phe ta, có kể cho tôi nghe
chuyện con gái ở làng Thanh Khiết, Nam Định phải đi “hót” cứt như thế nào. Theo
lời ông, trong làng Thanh Khiết không có nhà thờ, không có chùa mà chỉ có đình.
Con gái trong làng phần lớn được mô tả là rất đẹp. Làng này có một tục lệ đặc
biệt là bắt buộc con gái trong làng trước khi đi lấy chồng phải đi “hót” cứt
cái đã. Cô nào chưa thi hành cái bổn phận mà lệ làng quy định ấy thì chưa được
phép đi lấy chồng. Như thế nếu một cô gái ở làng bên quy định với chàng thanh
niên đòi cuới mình “Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng” thì một chàng nào đó
có thể hùng dũng tuyên bố với cô gái làng Thanh Khiết rằng: Em chưa “hót” cứt thì
chưa động phòng lắm chứ?
Bây giờ, tôi xin kể anh em
tù chúng tôi đã phải lao động với cái nghề đầy vinh quang ấy ở trong các trại
tù Cộng Sản như thế nào. Năm đi tù đầu tiên, 1975, ở trại Long Giao và Suối
Máu, Biên Hòa, tôi chưa có được vinh dự bắt tay vào cái công việc làm giàu cho
tổ quốc xã hội chủ nghĩa đó. Nhà xí dành cho tù ở trại Suối Máu, Biên Hòa là
nhà xí lộ thiên. Người ta đào một cái hố thật lớn, đặt hai thanh gỗ bắc ngang
qua hố. Phe ta chỉ việc ra ngồi trên thanh gỗ ấy vừa ngắm trời (hay ngắm trăng
sao) vừa nhả đạn. Tôi đã chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng: một người tù phe
ta loay hoay thế nào trượt chân ngã xuống cái hố đầy phân ngập ngang tới ngực.
Báo hại anh em phải dùng một cây dài đưa xuống cho anh nắm để kéo anh lên. Tôi
tin rằng cho đến giây phút thở hơi cuối cùng, anh bạn tù này chẳng bao giờ có
thể quên được cảnh ngộ kinh hoàng ấy. Cách sinh hoạt của đám tù chúng tôi tại
trại giam này văn minh siêu việt như thế nên phần đông đều bị bệnh kiết lỵ.
Thời gian ở trong Nam chúng tôi chỉ làm cho đầy hố chứ không đảm nhiệm công tác
xử lý cái chất chứa trong hố ấy để làm giàu cho tổ quốc xã hội chủ nghĩa như
những ngày đói khổ trên đất Bắc.
Năm sau, 1976, ra tu luyện
trên thiên đường xã nghĩa xứ Bắc, tôi mới thật sự trở thành một chiến sĩ thi
đua “hót” cứt. Mà không phải ai cũng được phân công làm nhiệm vụ ấy đâu nhá.
Tôi vốn bị trĩ nặng, không thể leo dốc lên núi phá rừng trồng bắp nên được bố
trí vào đội canh tác, nghĩa là trồng rau cho trại. Rau cải tốt là nhờ cứt mà
cứt thì lúc nào chẳng có. Mấy trăm con người thải ra chứ đâu phải ít. Vậy thì
vấn đề chính ở đây là chuyện đi “hót” cứt mà tổ canh tác của tôi làm công việc
đó.
Trước hết là đi lấy phân
bò, phân trâu. Chúng tôi, một tổ dăm bảy người với cái xẻng và đôi quang gánh
trên vai, hàng ngày đi rảo rảo trong xóm làng thấy có bãi phân nào là xúc vào
sọt. Đôi khi các cán bộ trại liên lạc được với vài gia đình trong xóm có chuồng
trâu chuồng bò thì đến đó mà xúc gánh về trại. Nếu thanh niên làng Cổ Nhuế đã
có lời thề: “Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương” thì anh em tù chúng tôi cũng
vậy, chưa đủ “chỉ tiêu” năm gánh phân mỗi người thì bị chúng gán cho cái tội là
chưa học tập lao động tốt và phải bị kiểm điểm.
Ngoài ra trại còn có nuôi
heo và nuôi dê. Chúng tôi cũng phải xử lý các chất phế thải của những con vật
này. Riêng về chất cặn bã của sinh vật đi bằng hai chân, biết khóc cái buồn,
biết cười cái khoái và biết nằm ngửa để ngủ là con người thì người ta gọi là
phân Bắc.
Nhà xí dành cho tù phe ta
được xây dựng dưới chân núi, còn các lán trại để ăn ngủ thì cất dựa lưng vào
triền núi. Phe ta dùng lồ ồ hay nứa đan những cái sọt lớn đặt ở nhà xí để chứa
phân. Khi nào các sọt đã đầy thì tổ canh tác ra gánh về đổ vào một cái hố lớn
cạnh khu vực chúng tôi canh tác trồng rau, trồng cải. Tôi nhận thấy chất lượng
của loại phân Bắc do chính các người tù phe ta thải ra rất kém, toàn là vảy bắp
mà thôi vì thời gian đó, mỗi người tù chỉ được trại cho ăn mỗi ngày vài trăm
hạt đại mễ (một loại bắp Trung quốc, khi nấu bung ra, hạt rất lớn, to bằng đầu
ngón tay cái).
Lúc phân ủ đã hoai, việc
canh tác trồng rau cải phải áp dụng đúng theo triết lý Mác-Lê và kỹ thuật hiện
đại tiên tiến, nghĩa là phân súc vật thì dùng làm phân lót, còn muốn cho rau
cải xanh tốt, mặn mà thì phải tưới bằng phân Bắc.
Thêm vào sự liên hiệp các
chất thải đó là nước tiểu cũng do chính phe ta thải ra. Vì cần phải học tập nếp
sống mới, con người mới văn minh xã hội chủ nghĩa nên phe ta không được tiểu
bậy bạ mà phải xả bầu tâm sự của mình trên một thanh bương dài xẻ đôi, (bương
là một loại tre rất lớn chỉ có ở vùng thượng du Bắc Việt), được dùng như cái
máng, chảy vào một cái thùng chứa.
Phải thành thực nói rằng
tưới rau cải bằng phân Bắc và nước tiểu xanh tốt vô cùng. Phân hóa học, sản
phẩm của văn minh trí tuệ không cách gì theo kịp được. Theo tôi, đây cũng là
nét siêu việt của xã hội chủ nghĩa vì các đỉnh cao trí tuệ đã biết vận dụng đầy
sáng tạo cách xử dụng chất thải của sinh vật trên trái đất một cách có biện
chứng pháp đàng hoàng.
Trên đây là chuyện lấy
phân canh tác của tôi trong thời gian ở trại 8, Liên Trại 4, Hoàng Liên Sơn.
Cuối năm 1977, bọn tôi được chuyển về trại Vĩnh Quang, Vĩnh Phú, do bọn công an
áo vàng quản lý chứ không còn do bộ đội chăm sóc như thời gian ban đầu lúc mới
bị đày ra Bắc. Vào tay bọn công an rồi thì đời sống chúng tôi là đời sống của
những người tù lao động khổ sai đúng nghĩa nhất. Không còn có cái cảnh phần
đông anh em tù cải tạo, một thân một mình với con dao, cái rựa đi lên núi chặt
cây, đốn gỗ, phá rừng trồng bắp như trước kia nữa.
Hàng ngày đi lao động đều
có công an vác súng theo canh giữ, kể cả lúc đi tắm ở suối. Tối về, tất cả đều
bị nhốt chung vào trong một căn phòng với hai ba lần khóa và công an cầm súng
gác bên ngoài. Quản lý chặt chẽ như thế thì dĩ nhiên nhà xí cũng phải được xây
ngay trong căn phòng đó. Sinh hoạt của đám tù chúng tôi có phần khác với lúc
còn chịu dưới sự cai quản của bộ đội. Mỗi đội cử ra một anh trực buồng. Anh này
không phải đi lao động ngoài trời như các anh em khác. Anh chỉ ở nhà lo dọn dẹp
sạch sẽ, đảm trách những công tác như xuống nhà bếp lấy thực phẩm về chia cho
anh em, lấy nước sôi đổ vào lon gô của từng người và quan trọng nhất là mỗi
sáng anh phải lấy phân từ trong nhà xí, gánh ra đổ vào các thùng phuy đặt ngoài
sân cỏ để cho đội đặc trách canh tác chất lên xe cải tiến đẩy ra khu vực trồng
rau cải, rau muống.
Bao giờ cũng vậy, đội canh
tác luôn luôn là đơn vị đầu tiên đi ra khỏi cổng trại để bắt đầu một ngày lao
động vinh quang với cứt. Một ông bạn tôi ở trong đội này nói rằng anh là thành
viên trong đội cơ giới (ý muốn nói là đội anh phụ trách đẩy những chiếc xe cải
tiến trên có chất các thùng phuy chứa phân). Anh khôi hài cho rằng đấy cũng là
một hình thức thiết giáp đi trước, bộ binh đi sau! Chuyển qua trại này, tôi
không còn hân hạnh ở trong đội canh tác trồng rau nữa mà được điều động về đội
chuyên trồng chè. Tuy vậy, cái sự bón phân trồng rau bất cứ ở đâu, nơi nào trên
vùng đất xã hội chủ nghĩa cũng y chang đờ la y boong như đã kể ở trên thôi.
Có một chuyện quá sức
tưởng tượng của con người thường xảy ra tại trại tù Vĩnh Quang Vĩnh Phú, nói ra
không ai tin đó là chuyện có thật nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tôi không hề
nói dối, cường điệu hay bi thảm hóa vấn đề đâu. Khi tôi kể lại chuyện này, tôi
vẫn có đầy đủ các nhân chứng hiện đang sinh sống trên xứ Mỹ này. Đó là chuyện
các người tù hình sự (những người dân ở ngoài Bắc can tội cướp của giết người
hay các tội hình khác) vì đói quá đã phải ăn cứt. Chư vị có thể nào ngờ được
một chuyện như vậy lại xảy ra trong xã hội Cộng Sản không? Chuyện như sau:
Khoảng năm 80, 81 Bộ Nội
Vụ Việt Cộng có chuyển về trại Vĩnh Quang, nơi giam giữ chúng tôi, một số lớn
tù hình sự. Với số lượng tù chính trị và hình sự đông đảo như thế nên tù chính
trị phe ta được phân chia cư ngụ ở dãy nhà bên phải, còn tù hình sự thì ở dãy
nhà bên trái. Đám tù hình sự này phần lớn thuộc thành phần đầu trộm đuôi cướp.
Khi vào tù, họ rất đói vì chẳng mấy khi được thân nhân thăm nuôi. Mà nếu có
được thăm nuôi thì người nhà cũng chỉ mang cho họ vài ba ký khoai, sắn, bắp,
thuốc lào gì đó thôi chứ không được đầy đủ như tù chính trị.
Thời gian đó, tù được trại
cho ăn một thứ thực phẩm gọi là bo bo. Loại bo bo này có vỏ khá cứng, anh nào
răng cỏ trệu trạo, bao tử không tốt thì khi ăn, hình dáng ban đầu của bo bo ra
sao, lúc thải ra cũng nguyên vẹn như vậy. Coi như hạt bo bo chưa hề hấn gì hết.
Nhìn nó, không ai có thể nghĩ rằng nó đã từng chui vào bao tử con người và đã
được thải ra qua ngã hậu môn. Vì thế, một vài người tù hình sự đến chỗ mấy cái
thùng phuy chứa phân, hốt cái đám bo bo thải còn nguyên xi đó, bỏ vào bao
nylon, đem về rửa sạch rồi đổ nước vào nấu lại ăn tiếp.
Lúc ấy, tôi có một suy
nghĩ như sau: Không thể tìm ở đâu trên trái đất này một sinh vật gọi là con
người mà có một cuộc sống tệ hại, bi thảm như những người tù trong chế độ lao
tù Cộng Sản. Và tôi vẫn tin rằng các bà, các cô nào đã từng đi thăm chồng, cha,
thân nhân mình ở tù ngoài Bắc đều không bao giờ có thể quên cảnh những người
tù, chỉ còn da bọc xương, mắt đã lạc thần, quần áo vá trăm mảnh đủ màu sắc, đi
từng đoàn giữa giữa cơn mưa phùn gió thổi rét căm căm hay giữa những buổi trưa
hè nóng bức, sau lưng họ là những họng súng AK đi kèm…
Trở lại chuyện Nghề Tổ, ông Hàn Sĩ còn tiết
lộ rằng sau ngày Đại Hội Đổi Mới Đảng năm 1986, dân làng Cổ Nhuế bị bó tay suốt
thời kỳ hợp tác xã ở thập niên 50, nay được trở lại nghề xưa là đi “hót” cứt và
buôn cứt. Trong cái thị trường buôn bán món hàng hái ra tiền ấy ở quê nhà hiện
tại, ông Hàn Sĩ đã phân chia ra 4 loại như sau:
- Hạng 1 (first class):
lấy từ khu Ba Đình, nơi có nhiều quan chức và dân giàu có nên cứt được coi là
nạc (tiếng nhà quê chỉ rằng cục phân rắn, chất lượng cao) – Hạng 2: Từ khu Hoàn
Kiếm, nơi có nhiều dân buôn bán, nhiều nhà hàng, khách sạn. – Hạng 3: Từ khu
Hai Bà Trưng và Đống Đa, nơi đa số dân cư là người lao động xài nhiều rau nên
phân “Mỡ” (nhiều nước, lõng bõng) – Hạng 4: Từ ngoại thành, loại này xanh lẹt
vì nguồn nguyên liệu thuần túy rau muống. Bà con nông dân làm gì có thịt mà ăn?
Ông Hàn Sĩ còn thêm rằng
có một lần tại chợ phân xuất hiện một sọt phân đề hàng chữ phân ngoại 100%. Dân
chúng thắc mắc không hiểu tại sao lại có bọn dám qua mặt hải quan nhập lậu phân
ngoại về xài. Về sau chủ nhân giải thích đó là phân lấy từ các sứ quán nước
ngoài thì gọi là phân ngoại chứ còn gì nữa.
Khi phân chia ra 4, 5 thứ
hạng phân kể trên, ông Hàn Sĩ quả là một nhà tư tưởng lớn của thời đại hôm nay
và bi giờ. Cái tư tưởng của ông lớn ở chỗ ông đã vận dụng sáng tạo triết học
Mác Lê tranh đấu giai cấp vào việc phân chất phân. Triết học Mác Lê vạch ra
trong xã hội chỉ có hai giai cấp là tư sản và vô sản thôi. Đàng này về phương
diện phân, ông đã nhìn ra được Tứ Đại Giai Cấp. Có điều, ông không nói rõ phân
Bắc có từ thời nào? Cũng không thấy ông đề cập đến phân Trung và phân Nam? Hay
là vì phân Bắc có những hợp chất tạo thành (ingredients) đặc biệt chăng?
Riêng ông bạn văn của tôi
ở Canada thì hỏi tôi có biết gì về phân Nam Kỳ Lục Tỉnh trước 75 ra sao không?
Và phân Nam thành Hồ Xã Hội Chủ Nghĩa gồm những thành phần gì, khác biệt như
thế nào? Ông còn khôi hài thắc mắc về phân Trung nữa các cụ ạ. Ông cắc cớ hỏi
rằng có phải ngày xưa dân miền Trung thường ăn cá gỗ thì chắc là phân Trung thế
nào cũng có chứa gỗ trong đó?
Chuyện này thì quá sức của
tôi, tôi không thể giải thích nổi mặc dù suốt thời gian ở trong tù Cộng Sản tôi
cũng được nhồi nhét khá kỹ về biện chứng duy vật, duy vật sử quan, triết thuyết
về thủy tổ của loài người là con vuợn v.v. và v.v…
Vì sự hiểu biết của tôi
trên lãnh vực ấy (về việc phân chất phân) chưa thuộc vào hàng đỉnh cao nên xin
ghi ra đây để các bậc cao minh nào nếu có đọc qua bài viết tầm phào này mà giải
đáp thắc cho thì thật là muôn vàn cảm tạ.
Huỳnh Văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét