Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

LAI LỊCH NHÀ KERRY

Kim Bảng
John Forbes Kerry nổi tiếng từ khi còn là sinh viên vì các hoạt động phản chiến, nhất là chống Chiến Tranh Việt Nam. Ông thừa hưởng tư tưởng này từ thân phụ và một số người khác. Fedora trong bài nghiên cứu về John Kerry <*> đã cẩn thận nói trước: “Từ ngữ ‘fellow traveller’ dùng trong loạt bài này để chỉ ai không phải là thành viên của Đảng Cộng Sản (ĐCS) nhưng thường xuyên hành động để tăng tiến chương trình của Đảng.
Một số có vẻ là ‘fellow traveller’ thực tế là ‘đảng viên ẩn nặc’: đảng viên của ĐCS che giấu đảng tịch. Sắp Nhà Kerry vào loại nào là một vấn đề mà loạt bài này bỏ trống không giải quyết. Loạt bài này không tranh luận về bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào bảo rằng Richard hay John Kerry hay những người khác trong gia đình Kerry thuộc ĐCS. Cái mà loạt bài này tranh luận là một mô hình nhất quán của gia đình Kerry làm việc với những người Cộng Sản và những ‘fellow traveller’ Cộng Sản trong một phương thức tăng tiến chương trình Cộng Sản“. Để dịch từ ngữ “fellow traveller”, tôi đã nghĩ đến từ ngữ “đồng chí” nhưng thấy có vẻ cộng sản quá nên xin tạm dịch là “đồng hành”
Nay John Kerry được bổ nhiệm để cầm cân nảy mực guồng máy ngoại giao Hoa Kỳ, một trong những chức vụ quan trọng nhất trong chính phủ Mỹ, có khả năng thay đổi tình hình quốc tế. Vì thế thiết tưởng cũng nên biết qua lai lịch của ông.
*
Cụ tổ bốn đời của John Kerry là Benedikt Kohn sinh khoảng năm 1824, chuyên nghề cất rượu tại miền nam Moravia, năm 1868 vợ chết, dọn sang thành phố Bennisch gần biên giới Áo-Hung, nay là Horni Benesov thuộc Cộng Hòa Czech. Sau đó, ông tục huyền với Mathilde Frankel sinh ngày 14.9.1845 tại Oberglogau, Phổ (nay là Glogówek, Ba Lan). Ngày 4.7.1876, ông mất, Malthide và 3 con nhỏ, Ida 7 tuổi, Friedrich “Fritz” 3 tuổi và Otto mới sinh, dọn về Vienna, nơi bà có thân nhân.
Fritz và Otto học giỏi nhưng bị chèn ép vì là Do Thái. Năm 1896, Otto quyết định bỏ cái tên Kohn ai nghe cũng biết là Do Thái. Ông mở một bản đồ Âu Châu, tung cao cây viết chì, rơi trúng vào quận Kerry tại Ái Nhĩ Lan, bèn đổi tên là Kerry rồi cải đạo sang Công giáo để dễ tiến thân trong quân đội.
Ông nội của John Kerry là Fritz Kohn sinh ngày 10.5.1873 tại Thượng Hải, năm 1900, cũng đổi tên là Frederick Kerry, làm kế toán cho hãng làm giày của cậu, kết hôn với Ida Lowe, cử hành hôn lễ theo nghi thức Do Thái. Ida sinh ở Thượng Hải, là một nhạc sĩ xinh đẹp ở Budapest, là hậu duệ của Sinai Loew, em của giáo sĩ Kabbalah (Mật tông Do Thái) nổi tiếng là triết gia Judah Loew. Hai anh em của Ida, Otto và Jenni Loew, chết trong trại giam của Đức Quốc Xã. Fred và Ida cư ngụ tại thị xã Mödling, ngoại ô Vienna, cùng với con trai đầu lòng Erich chịu phép rửa tội Công giáo, năm 1905, di cư sang Hoa Kỳ qua đảo Ellis, định cư tại Chicago. Fred làm cố vấn tổ chức cho Sears, Roebuck. Họ có thêm hai con trai nữa là Mildred (1910) và Richard (1915). Năm 1915, ông dọn về Brookline, vùng ngoại ô Boston, thủ phủ tb Massachusetts. Fred thành nổi tiếng trong nghề giày dép, có cửa hàng ở số 487 phố Boylston, khu Back Bay, Boston. Ông thường xuyên đi lễ nhà thờ Công giáo ngày Chủ Nhật, giữ bí mật gốc gác Do Thái. Gia đình sinh sống ở Brookline, tb Massachusetts, nơi vào đầu thập niên 1900 có tiếng là “đô thị triệu phú”. Với căn nhà riêng hai từng do kiến trúc sư danh tiếng John C. Spofford vẽ kiểu tọa lạc tại số 10 đường Downing, một xe Cadillac đen đậu trước và ba đứa con sung sướng chạy quanh, gia đình Kerry tưởng như tiêu biểu cho giấc mơ Mỹ. Mùa thu năm 1921, Ida dẩn 2 con, Richard và Mildred du lịch Âu Châu đến ngày 21.10 mới về Mỹ. Thế rồi ngày 23.11.1921, tất cả tiêu tan khi Fred Kerry lúc ấy 48 tuổi, bị trầm cảm — có lẽ vì việc chuyển đạo và cứ phải che giấu gốc gác Do Thái hay vì bị xuyễn nặng, nhưng sắp bị phá sản có thể là lý do hợp lý nhất — vào buồng tắm khách sạn Copley Plaza ở Boston, lấy súng bắn vào đầu tự tử hồi 11g30 sáng. Ida góa buạ suốt 40 năm, mãi đến ngày 19.1.1960 mới mất tại Sarasota, tb Florida.
Thân phụ John Kerry là Richard John Kerry (1915–2000) mới có 6 tuổi khi cha tự tử. Từ 1930, ông theo học Phillips Academy, năm 1937, tốt nghiệp đại học Yale, năm 1940 tốt nghiệp trường Luật Harvard, thấm nhuần tư tưởng luật pháp của các giáo sư Oliver Wendell Holmes và Louis Brandeis, trong Đệ Nhị Thế Chiến, từ 1941-1943 phục vụ trong Không Quân với tư cách phi công bay thử, lái DC-3 và B-29, đến khi bị ho lao được giải ngũ, về dưỡng bệnh tại Coloradao rồi thành phụ tá Biện Lý Liên Bang (Assistant United States Attorney) bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, năm 1949 dọn về thủ đô Hoa Thịnh Đốn, từ 1949 đến 1951 phục vụ tại Văn phòng Tư vấn Tổng quát bộ Hải Quân, và từ 1951 đến 1954 tại Văn Phòng LHQ Sự Vụ thuộc Bộ Ngoại Giao thành lập năm 1949, từ 1954 đến 1956 làm cố vấn pháp lý cho Phái bộ Hoa Kỳ tại Berlin, ở đây gặp nhiều chính khách Âu Châu nổi tiếng như chính trị gia Pháp Jean Monet. Ông làm phụ tá đặc biệt cho Walter F. George, đặc sứ tại NATO; trưởng ban chính trị tại đại sứ quán ở Na Uy từ 1958 đến 1962, sau đó ông về hưu, cộng tác trong văn phòng luật sư Sheldon & Kerry và mất ngày 29.7.2000 tại Bệnh viên Đa khoa Massachusetts vì bệnh ung thư tiền liệt tuyến.
Richard John Kerry để một dấu ấn sâu đậm lên tư tưởng chính trị của con là John Forbes Kerry. Vì thế cần tìm hiểu tư tưởng chính trị của chính ông.
Khi đi học ở Yale và Harvard, Richard Kerry thấm nhuần tư tưởng luật pháp của hai thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Oliver Wendell Holmes và Louis Brandeis. Louis Brandeis được TT Wilson bổ nhiệm làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện từ 1916 và giữ chức vụ này cho đến 1939. Ông bí mật dùng làm bô hạ Felix Frankfurter, giáo sư Trường Luật Harvard từ 1914 đến 1939 rồi Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện từ 1939 đến 1962. Brandeis và Frankfurter là hai cảm tình viên Cộng Sản nổi tiếng nhất Hoa Kỳ, đã chọn Trường Luật Harvard làm căn cứ để cài người vào chính quyền Mỹ, cố vấn chính quyền Wilson viện trợ cho chính phủ Bolshevik, dùng tờ Harvard Law Review để phản đối các đạo luật chống do thám, tổ chức các giáo sư trường Luật Harvard thỉnh nguyện khoan hồng cho những tên phá hoại bị kết án, giới thiệu các sinh viên tốt nghiệp Trường Luật Harvard vào làm trong chính phủ Roosevelt (trong số này Alger Hiss, Lee Pressman và Nathan Witt sau bị lộ tẩy là gián điệp cho Liên Bang Xô Viết). Đặc biệt, Hiss được giao cho chức vụ cao cấp tại Bộ Ngoại Giao, đồng sáng lập Văn Phòng LHQ Sự Vụ, đến năm 1948 bị khám phá là điệp viên. Nhờ những người như Hiss, bộ phận Brandeis-Frankfurter lan ra các bô khác trong chính phủ Roosevelt. Năm 1934, dân biểu Frederick Britten quan sát thấy một nhóm từ 10 đến 18 người của Frankfurter hàng đêm hội họp tại nhà của Benjamin Cohen và Thomas Corcoran để “phát huy luật pháp hướng Cộng”. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Frankfurter dùng các cựu lục sự của ông như Joseph Rauh, Edward Prichard và Philip Graham để phối hợp điệp vụ tại nhiều cơ quan chính phủ do một toán gồm từ 15 đến 20 công chức hạng trung mà họ mệnh danh là “toán khờ” (the Goon Squad), trong đó có phụ tá tòa Bạch Ốc Laughlin Currie, một điệp viên của Liên Xô. Frankfurter và nhà vật lý học Niels Bohr âm mưu trao đổi tin tức tối mật về Dự Án Manhattan Project với mục đích thuyết phục Đồng Minh chia sẻ các bí mật bom nguyên từ với Liên Xô. Một số tài liệu trao đổi giữa Frankfurter và giám sát quân sự của Dự Án Manhattan sau được tìm thấy trong các giấy tờ riêng của cố vấn cho Dự Án Robert Oppenheimer. Vị này bị coi là một rủi ro an ninh và bị tước quyền xem công văn mật. Năm 1920, Quân Báo mô tả Brandeis và Frankfurter là những người tuyên truyền cho Xô Viết và Brandeis đã liên lạc với cán bộ Xô Viết Santeri Nuorteva. Năm 1921, J. Edgar Hoover, sau là giám đốc FBI, ghi nhận liên hệ giữa Frankfurter và nhóm lao động quá khích Amalgamated Clothing Workers và mô tả Frankfurter là người hoạt động tuyên truyền cho Cộng Sản. Năm 1945, cuộc điện đàm giữa đại sứ Xô Viết với nhà báo Drew Pearson bị FBI nghe lén được, tiết lộ Frankfurter thông đồng với Pearson. Từ đó khui ra Pearson và Thomas Corcoran thuộc bộ phận Brandeis-Frankfurter. Corcoran và Laughlin Currie, một thành viên của “toán khờ” Rauh-Prichard, âm mưu để bảo vệ John Stewart Service, một viên chức bộ Ngoại Giao, khỏi bị truy tố về việc đế lọt các tài liệu mật của chính phủ cho nhà xuất bản thân Cộng Amerasia. Frankfurter cộng tác với Brandeis cho đến 1937, sau đó thành lập bộ phận riêng trong chính quyền Roosevelt và Truman và Tối Cao Pháp Viện.
Richard Kerry nhập học Trường Luật Harvard năm 1937, hai năm trước khi Frankfurter đi nhậm chức ở Tối Cao Pháp Viện. Ông “say mê các giáo huấn luật pháp của Oliver Wendell Holmes và Louis Brandeis”. Brandeis nhờ Frankfurter gửi gắm các sinh viên tốt nghiệp Trường Luật làm lục sự cho Tối Cao Pháp Viện. Sau khi tốt nghiệp trường Luật Harvard năm 1951, Richard sang làm tại Bộ Ngoại Giao lúc ấy ngoại trưởng là Dean Gooderham Acheson (1893-1971).
Năm 1920, Acheson được Frankfurter gửi từ Harvard đến làm lục sự cho Brandeis ở Hoa Thịnh Đốn cho đến năm 1933 được TT Roosevelt để ý nhân việc ông giúp Frankfurter tự biện hộ để được chuẩn nhận làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện khi bị chất vấn về các liên hệ với Cộng Sản. Ông được Roosevelt bổ nhiệm làm thứ trưởng Ngân Khố nhưng phải từ chức vì chẳng biết gì về tài chánh. Năm 1941, Acheson lại được TT Roosevelt vời ra làm tại bộ Ngoại Giao, được giao cho phụ trách những dự án phải cộng tác mật thiết với điệp viên Xô Viết Harold Glasser, đại diện Bộ Ngân Khố tại Cơ Quan Cứu Trợ và Phục Quyền LHQ (UNRRA = United Nations Relief and Rehabilitation Administration) và điệp viên Xô Viết Harry Dexter White, phụ tá bộ trưởng Ngân Khố. Năm 1945, sau khi Roosevelt mất, Truman lên thay, cải tổ bộ Ngoại Giao, loại trừ phe chống cộng do Adolf Berle và Joseph Grew lãnh đạo, bổ nhiệm James Byrnes, một cộng tác viên của Frankfurter, làm ngoại trưởng và Acheson làm tbứ trưởng Ngoại Giao. Cuối 1945 đầu 1946, Acheson và David Lilienthal cùng với sự góp ý của Stimson, John McCloy, tất cả là thành viên của bộ phận Brandeis-Frankfurter, và Robert Oppenheimer, điệp viên Liên Xô, soạn thảo một khuyến nghị chia sẻ kỹ thuật hạch tâm với Liên Xô. Tháng 5.1946, giám đốc FBI J. Edgar Hoover cảnh giáo TT Truman rằng Acheson, phụ tá của Acheson là Herbert Marks và McCloy đều là thành viên của tổ do thám nguyên tử của Liên Xô. Năm 1947, George Marshall lên làm ngoại trưởng, Acheson tiếp tục làm thứ trưởng. Ngày 7.1.1949, Marshall từ chức vì lý do sức khỏe, Acheson lên làm ngoại trưởng cho đến 1953, vẫn giữ liên lạc mật thiết với Frankfurter, hàng ngày đi dạo cùng nhau để bàn về các diễn biến trong ngành Hành Pháp. Acheson lãnh đạo việc biện hộ cho các người bị cáo giác là điệp viên Liên Xô như Alger Hiss, Laughlin Currie, John Stewart Service và John Carter Vincent, do đó bị tns Joseph McCarthy xoi bói lý lịch và chuẩn bị điều tra việc con rể Acheson là William Bundy tham gia việc biện hộ cho Alger Hiss. Cuối năm 1949, Mao Trạch Đông chiếm trọn nước Tàu, đuổi Tưởng Giới Thạch sang đảo Đài Loan. Acheson bị chỉ trích là “mềm đối với Cộng Sản”. Như để đính chính, tháng 6.1950, ông thuyết phục TT Truman can thiệp vào Chiến Tranh Cao Ly và yểm trợ Pháp tại Đông Dương. Nhưng ngày 15.12.1950, ông vẫn bị phe Cộng Hòa Quốc Hội đồng thanh quyết định ông phải bị xa thải và tạm thời thay thế bởi thấm phán Tối Cao Pháp Viện Fred M. Vinson nhưng TT Truman vẫn giữ ông tại chức. Năm 1968 ông lại cố vấn TT Johnson thương thuyết hòa bình với Bắc Việt. Năm 1952, Dwight Eisenhower đắc cử tổng thống, đuổi Acheson khỏi bộ Ngoại Giao, nhường chỗ cho kẻ thù của ông là John Foster Dulles.
Năm 1951, Richard Kerry vào phục vụ tại Văn Phòng LHQ Sự Vụ thuộc Bộ Ngoại Giao, theo quan điểm của hành pháp Truman, coi Liên Bang Xô Viết là một đe dọa chính trị cho Âu Châu hơn là một đe dọa quân sự và ý thức hệ cho tư bản chủ nghĩa và dân chủ toàn cầu, do đó ông chủ trương NATO và việc thống nhất Âu Châu ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại Mỹ hơn là ngăn chặn và đẩy lui Cộng Sản chủ nghĩa. Lập trường của ông mâu thuẫn với lập trường của ngoại trưởng John Foster Dulles. Năm 1962 ông về hưu vì chẳng ai nghe theo quan điểm của ông và từ đó bất mãn và chỉ trích chính sách đối ngoại Mỹ. Năm 1990, ông viết cuốn sách đả kích chính sách đối ngoại Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh, nhất là dưới thời các tổng thống Eisenhower và Reagan. Phỏng theo tư tưởng của McGeorge Bundy, cố vấn của hành pháp Kennedy-Johnson, ông chê John Foster Dulles, “Sắp loại các vấn đề theo hình thức lựa chọn đối cực (thí dụ biệt lập chủ nghĩa k/ can thiệp chủ nghĩa), đưa đến kết luận là nếu một bên trái thì tất bên kia phải. Theo quan điểm tương đối hơn, thường cả hai bên cùng trái”. Từ 1965 ông phản đối việc Hoa Kỳ liên hệ đến Việt Nam. Tác phẩm này lộ rõ ảnh hưởng của Acheson và các cộng sự như Paul Nitze, William Bundy và em của William là McGeorge Bundy. Cháu của hai anh em này là Harvey H. Bundy III về sau là bạn cùng phòng với John Kerry và giới thiệu John với William thảo luận về Chiến Tranh Việt Nam. Con của Harvey, Hollister Bundy, là con đỡ đầu của John Kerry, sau giúp gây quỹ cho John vận động tranh cử tổng thống.
Năm 1954, Bộ Ngoại Giao chuyển Richard Kerry sang Âu Châu làm cố vấn pháp lý cho Cao Ùy Đức James Conant, một nhà vật lý học, nguyên khoa trưởng Harvard, tại đó đã quan hệ với Felix Frankfurter, Dean Acheson và Harvey Bundy, thân sinh của William và McGeorge Bundy. Conant cũng là cố vấn cho Dự Án Manhattan và, do lời mời của Acheson, cho Ủy Ban Nguyên Tử Lực mới thành lập và cộng tác với Robert Oppenheimer để khuyến khích chia sẻ kỹ thuật nguyên tử cho Liên Xô. Khi Conant dời Harvard sang Đức thay McCloy làm Cao Ủy Đức, McGeorge Bundy lên làm khoa trưởng Nghệ Thuật và Khoa Học tại Harvard. Conant đã bị FBI để ý vì bênh vực các giáo sư có lý lịch thân cộng. Tháng 2.1947, FBI nghe lén được điện đàm Oppenheimer thúc dục Conant áp lực Ủy Ban Nguyên Tử Lực Hạ Viện chuẩn nhận David Lilienthal, một cộng tác viên của Frankfurter. Conant bị nhiều đồng nghiệp khoa học tố cáo là cùng với nhóm thân Oppenheimer ở Los Alamos phản đối các chương trình phát triển vũ khí hạch tâm của Hoa Kỳ như chương trình bom khinh khí. Từ tháng 3 đến tháng 6.1954, Conant bị liên quan đến việc biện hộ cho Oppenheimer khi phép tiếp cận thông tin mật của ông này bị xét lại để thu hồi. Cuối 1954, Richard Kerry thành cố vấn pháp lý của Conant và kết thân với chính trị gia Pháp Jean Monnet. Monnet là bạn của Frankfurter, Acheson và McCloy và nhờ họ vận động Mỹ hậu thuẫn cho Phong Trào Kháng Chiến của Charles de Gaulle qua chương trình Lend-Lease (vay-thuê). Khi ở Đức ông tỏ ra thiếu hỗ trợ cho các công tác của CIA và bất cộng tác với thủ tướng Đức Konrad Adenauer. Adenauer và CIA hết tin ông. Năm 1956, ông được thuyên chuyển sang làm phụ tá đặc biệt cho đặc sứ của TT Eisenhower ở NATO là Walter F. George. Ông này mất tháng 8.1957.
Richard Kerry ham mê lái thuyền buồm, từng vượt Đại Tây Dương nhiều lần. Khi theo học lớp điêu khắc mẫu thuyền tại Pháp năm 1937, ông gặp Rosemary Isabel Forbes (1913–2002). Ông bà kết hôn ngày 8.2.1941 tại Montgomery, quận Montgomery, tb Alabama. Rosemary lúc ấy là một y tá Hồng Thập Tự ở Paris. Bà sinh ngày 27.10.1913 tại Paris, Pháp, là người con thứ 5 trong số 11 người con của ông James Grant Forbes (sinh tại Thượng Hải ngày 22.10.1879, mất tại Paris ngày 24.4.1955) và bà Margaret Tyndal Winthrop (1880-1870). Trong cuộc Nha Phiến Chiến Tranh, các tàu Anh bị cấm đem thuốc phiện sản xuất ở Ấn Độ vào Tàu. Các tàu Nhà Forbes treo cờ Mỹ không bị cấm, lãnh việc tiếp vận cho người Anh, đi có mấy dặm đường kiếm không biết bao nhiêu tiền, sau đó dùng tiền này đầu tư vào ngành ngân hàng và hỏa xa tại khắp thế giới. Rosemary được hưởng một phần gia tài Nhà Forbes trị giá khoảng từ $20 đến $40 triệu.
Richard và Rosemary có 4 con: Margery (1941), John (1943), Diana (1947) và Cameron (1950). Năm 1983, Cameron cải đạo theo Do Thái giáo để cưới Kathy Weinman, một phụ nữ Do Thái. Ông là một luật sư nổi tiếng ở Boston.
Richard Kerry thấm nhuần quan điểm chính trị của Acheson và Monnet rồi truyền lại cho các con kể cả việc chống đối Chiến Tranh Việt Nam. Ông còn giới thiệu con trai John Forbes Kerry với Jean Monnet. John còn chịu ảnh hưởng của chị cả, Margery còn gọi là Peggy. Khi Peggy học lớp 5 thì John học lớp 3. Peggy gia nhập một câu lạc bộ ở trường ủng hộ ứng cử viên tổng thống Adlai Stevenson của đảng Dân Chủ. John giúp chị đi bán nút áo vận động cho Stevenson. Cuối năm 1968, Peggy tốt nghiệp Smith College, dọn về Greenwich Village, gia nhập VID (Village Independent Democrats), thành lập bởi một nhóm đã vận động cho Stevenson, sau khi ông thất cử năm 1956. Câu lạc bộ này nổi tiếng là “câu lạc bộ Dân Chủ cấp tiến nhất nước”. Khi làm việc với VID, Peggy được Bella Abzug, nhà hoạt động nữ quyền phản chiến, giới thiệu với Sheldon Ramsdell thuộc tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam chống Chiến tranh (VVAW = Vietnam Veterans Against the War) và được giao cho việc tổ chức các cuộc biểu tình phản chiến năm 1969 cho Ủy ban Tạm ngưng Việt Nam (VMC = Vietnam Moratorium Committee). Peggy tuyển em John vào phong trào phản chiến. John mời được diễn giả phản chiến Adam Walinsky đến dự các cuộc biểu tình của VMC. Peggy liên tiếp cộng tac với American Civil Liberties Union (ACLU), New York Civil Liberties Union, Planned Parenthood và phái bộ LHQ của bộ Ngoại Giao. Peggy cũng giúp trong việc vận động tranh cử của em.
Cũng như chị Peggy, John theo quan điểm chính sách ngoại giao và phản đối Chiến Tranh Việt Nam của cha. Trong thập niên 1950, ông phát biểu rằng Hoa Kỳ nên khai thông quan hệ với Tàu Cộng, một lập trường mà Acheson là người đầu tiên đề ra ở bộ Ngoại Giao năm 1949 theo lời cố vấn của John Stewart Service và John Carter Vincent là những đồng chí của điệp viên Liên Xô Laughlin Currie. Năm 1965, John theo cha, phản đối quan điểm chống Cộng của John Foster Dulles, “Chính là bóng ma Đế quốc chủ nghĩa Tây phương khiến cho những người Phi Châu và Á Châu sợ hơn Cộng Sản, do đó nó tự chuốc lấy thất bại”. Năm 1966, John diễn thuyết chống Chiến Tranh Việt Nam, “Cái gì là một thái quá của biệt lập chủ nghĩa đã thành một thái quá của can thiệp chủ nghĩa“. Luận điệu này chẳng có gì là mới mẻ, chỉ nhắc lại lời chỉ trích của cha: “các lựa chọn đối cực: biệt lập chủ nghĩa k/ can thiệp chủ nghĩa“. Sau khi John ở Việt Nam về, cha ông thách thức ông tỏ rõ quan điểm phản chiến hơn nữa. Cha ông cũng khuyên ông phản đối hành pháp Reagan hỗ trợ Contra tại Thượng Viện.
John Forbes Kerry chịu ảnh hưởng của chị, của cha, của nhiều người khác cho nên lập trường của ông không thể nhất quán được.
Ông sinh ngày 11.12.1943 tại Denver, tb Colorado, ngày 23.5.1970, thành hôn với Julia Stimson Thorne (1944-2006), chị em sinh đôi của David Thorne, một bạn học ở Đại Học Yale. Họ sinh được hai gái, Alexandra (sinh 1973) và Vanessa (sinh 1976), ly thân năm 1982, rồi ly dị ngày 25.7.1988, năm 1997 đựợc tòa thánh La Mã chính thức triệt tiêu hôn nhân. Cùng năm, Julia tái giá với Richard J. Charlesworth.
John Kerry thừa hưởng gia tài của mẹ Rosemary Forbes nên khá giầu, nhưng còn giầu hơn khi “rổ rá cạp lại” với Maria Teresa Thierstein Simões-Ferreira, sinh ngày 5.10.1938 tại Lourenço Marques (bây giờ là Maputo), thủ đô Mozambique, con của bác sĩ chuyên khoa bệnh ung thư và các bệnh nhiệt đới José Simões-Ferreira. Bà đậu cử nhân (BA) các ngôn ngữ Romance (vùng tây nam Âu Châu) và Văn Chương ở đại học Witwatersrand tại Johannesburg, Nam Phi, tốt nghiệp Trường Thông Ngôn của đại học Geneva rồi sang Mỹ làm thông ngôn tại LHQ. Bà nói thông thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và tiếng mẹ đẻ Bồ Đào Nha. Năm 1966, bà thành hôn với bạn học, tns Henry John Heinz III (1938-1991) là cháu 4 đời của Henry John Heinz (1844-1919), người gốc Bồ Đào Nha sáng lập ra “đế quốc sốt cà chua” (ketchup), năm 2012 bán được hơn 650 triệu chai Heinz Tomato Ketchup trên khắp thế giới. Vợ chồng Heinz được 3 người con trai: H. John IV (sinh 1966), Andre (1969) và Christopher (1973). Ngày 4.4.1991, Teresa Heinz thành goá phụ khi chồng chết trong một tai nạn máy bay trực thăng. Bà thừa hưởng tài sản của chồng ước lượng từ $750 triệu đến $1.2 tỷ. Bà là chủ tịch The Heinz Endowments và The Heinz Family Philanthropies, phân phát tiền cho các tổ chức từ thiện môi sinh khác nhau, vì thế nhận được đến 12 bằng tiến sĩ danh dự và huy chương Albert Schweitzer Gold Medal for Humanitarianism, được bầu làm hội viên Hàm Lâm Viện Nghệ Thuật Khoa Học Hoa Kỳ, quản trị viên trường St. Paul ở Concord, tb New Hampshire, nơi Kerry theo học.
Năm 1993, John Kerry và Teresa Heinz bắt đầu hẹn hò, đến ngày 26.5.1995 thì làm lễ thành hôn tại Nantucket, tb Massachusetts với sự chứng kiến của 2 con trai cùa ông và 3 con gái của bà. Chắc ông bà sẽ không có “con chúng ta” vì năm ấy bà đã 57 cái xuân xanh (Thơ Nguyễn Khuyến: “Xuân xanh xấp xỉ hàng răng rụng”). Bà mặc áo cưới màu vỏ đào do nhà thời trang Oscar de la Renta vẽ kiểu. Hôn lễ do Peter Yarrow (Peter, Paul & Mary fame) phụ trách.
Hai người sở hữu tòa nhà 6 từng trị giá $7 triệu tại khu Beacon Hill, Boston, tb Massachusetts, một biệt thự trông ra biển ở Nantucket trị giá $9 triệu, một nhà nghỉ để đi trượt tuyết tại Idaho trị giá $5 triệu, một bất động sản trị giá $4 triệu ở Fox Chapel, Pennsylvania, gần cơ sở của Nhà Heinz ở Pittsburgh, và một nhà trị giá $5 triệu ở khu Georgetown, thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
John Kerry mới mua chiếc du thuyền dài 76 bộ giá $7 triệu tại Rhode Island, vẫn bỏ neo tại đấy nhưng thỉnh htoảng vẫn xuất hiện tại Massachusetts. Từ đầu thập niên 1990, Rhode Island đã thu hồi luật đánh thuế mua bán và sử dụng tàu thuyền. Nếu John kéo chiếc du thuyền này về tb Massachusetts là nơi ông cư ngụ (Boston và Nantucket ) thì phải trả $500,000 tiền thuế. Sở Thuế Vụ Massachusetts hằng theo dõi những thuyền đăng ký tại Rhode Island lại lai vãng Massachusetts, nếu quá một số lần thì sẽ bị tịch thu. Khi biết bị để ý, John Kerry vội đóng ngay nửa triệu tiền thuế cho tb Massachusetts, lại nói bảnh là không cần biết nó ở đâu, cứ coi như bến của nó là Massachusetts. Văn phòng của ông thanh minh rằng chiếc du thuyền đậu ở Rhode Island không phải là để trốn thuế mà để bảo trì, tu bổ và chờ làm thủ tục lưu hành (Alexander Mooney. “Kerry pays big for luxury yacht”. CNN. 28.7.2010).
Teresa vốn theo đảng Cộng Hòa, đến năm 2004 khi John là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, Teresa mới đăng ký cử tri Dân Chủ và đổi tên là Teresa Heinz Kerry. Bà cũng tả khuynh. Bà tài trợ đến hơn $4 triệu trong nhiều năm cho sáng hội “từ thiện” Tides Foundation do nhà hoạt động phản chiến thiên tả Drummond Pike thành lập năm 1976 để phân phát mỗi năm hàng triệu đô la cho các tổ chức chính trị bênh vực các chính nghĩa cực tả. Ngày 15.3.2004, Diana West thuật lại một blogger trên trang web chính thức của ban vận động tranh cử Kerry cho biết: “Khi Theresa Heinz-Kerry đến, bà cho tôi một cái khuy (pin) ở giữa ghi “Đít Quỷ” (Asses of Evil) chung quanh viết tên Bush, Cheney, Rumsfeld và Ashcroft”. Nhưng Đít Quỷ cho cử tri thấy cái nhìn được phóng đại của người có tiềm năng là đệ nhất phu nhân, nó tượng trưng cho tỳ vết căn bản của chủ thuyết Kerry: rằng mối đe dọa lớn nhất mà Hoa Kỳ phải trực diện không phải là khủng bố chủ nghĩa Hồi giáo, toàn trị chủ nghĩa Hồi giáo và các quốc gia ác ôn mà là… George W. Bush. Tôi đoán rằng Kerry gọi “các công ty của Benedict Arnold đem công việc Mỹ ra nước ngoài” đứng hạng nhì nhơ nhớp. Tôi nóng lòng không chờ được để nghe Kerry tố cáo H.J. Heinz, công ty Benedict Arnold của chính ông và vợ ông. Như nhà bỉnh bút James Glassman đã viết một cáo thị hiếm hoi không tha thứ được: “Trong số 79 nhà máy mà nhà biến chế thực phẩm sở hữu, 57 ở ngoại quốc”. Điều này chuyển vô số “công việc Mỹ” sang Botswana, Thái Lan, Tàu, Ấn Độ và các nơi khác“.
TVC Weekly News tiết lộ: Một phúc trình gần đây trên WorldNetDaily mô tả những chính nghĩa cấp tiến được Teresa Heinz Kerry tài trợ. Bà tặng dữ qua Howard Heinz Endowment hơn $4 triệu cho Tides Foundation. Sáng hội này chi tiền cho những nhóm Mác-xít phản chiến, những người chủ trương phá thai, nhóm đồng tính luyến ái cấp tiến ACT-UP, và ngay cả các tổ chức Hồi giáo như Council on American Islamic Relations. Teresa Heinz Kerry sở hữu hơn $1,000,000 chứng khoán WAL-MART. Những tổ chức thiên tả này là những cử tri nòng cốt của John Kerry.
Chung quanh John Forbes Kerry toàn là những nhân vật thiên tả nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chính ông cũng có cảm tình với các chế độ cộng sản và độc tài. Vần đề này sẽ được thảo luận vào dịp khác.
Tài liệu tham khảo chính:
Fedora. “Hanoi John: Kerry and the Antiwar Movement’s Communist Connections”. Original FReeper research 11.10.2004, gồm 5 phần:
Part 1: John Kerry’s Red Roots: Richard Kerry’s Left-Wing Legacy
Part 2: Forging a Paper Hero: The Mystery of Kerry’s Medals
Part 3: Hanoi John: Kerry and the Antiwar Movement’s Communist Connections
Part 4: Subversion in the Senate: Kerry’s Communist Constituency
Part 5: John Kerry vs. the War on Terror: Candidate Kerry’s Subversive Campaign

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét