Ls Lê Đức Minh
Vừa qua ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên cộng
sản kỳ cựu tại Việt Nam, đã cho đăng tải bài viết khẳng định đảng cộng sản Việt
Nam nay đã trở thành một đảng “phản cách mạng” và kêu gọi thành lập đảng Dân
Chủ Xã Hội để tập hợp lực lượng đối kháng chính trị tại Việt Nam.
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Quân
đội Nhân dân, bà Cao Thị Quế Hương, một cựu “đồng chí” của ông Lê Hiếu Đằng nói
rằng ông Lê Hiếu Đằng “thậm chí còn muốn quay trở lại chế độ giống như cái chế
độ cũ” mà bà và ông Lê Hiếu Đằng từng phải chịu nhiều tổn thất hy sinh để xóa bỏ
nó.
Chế độ cũ mà bà Quế Hương nói đến đó là Việt
Nam Cộng Hòa. Nếu quả thật ông Lê Hiếu Đằng muốn thiết lập tại Việt Nam chế độ
chính trị dân chủ đại nghị của miền Nam Việt Nam trước năm 1975, như lời bà Quế
Hương nói, thì tôi xin được làm một trong những người đầu tiên ủng hộ lời kêu
gọi của ông Lê Hiếu Đằng.
Là một luật sư được đào tạo tại miền Nam trước
năm 1975, ông Đằng ngụ ý cho người đọc hiểu rằng ông đi theo cộng sản chỉ vì
tin vào chủ nghĩa xã hội tốt đẹp và muốn giải phóng miền Nam khỏi ách thực dân
mới của Hoa Kỳ.
Con người ai cũng có những lúc phạm phải sai
lầm. Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới, nhiều đảng viên
cộng sản đã khóc. Những người khóc vì tiếc thương chủ nghĩa cộng sản thì ít,
trong khi số người khóc vì uất hận cho sự u mê của chính mình thì nhiều. Tuy
nhiên vô số đảng viên cộng sản đã khóc mừng vì cuối cùng đã tìm thấy chân lý.
Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ đồng thời kéo theo
sự sụp đổ của huyền thoại cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”. Với những người
như ông Lê Hiếu Đằng, một luật gia uyên bác, một người được sống trong cả hai
chế độ để có cơ hội so sánh, thì rõ ràng chế độ chính trị của miền Nam ưu việt
hơn nhiều so với chế độ cộng sản mà ông Đằng đang sống.
Ông Lê Hiếu Đằng không phải là người duy nhất
nhận ra điều đó. Nhưng ông là một người can đảm, dám thừa nhận sự sai lầm của
mình và dám đứng lên kêu gọi. Trở về với thể chế chính trị của miền Nam trước
năm 1975 không phải là bước thụt lùi về quá khứ, mà chính là giải pháp chính
trị cho Việt Nam bước vào tương lai.
Tính ưu việt của thể chế chính trị ở miền Nam
trước năm 1975 có thể nhìn thấy ngay trong bản Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa
1967. Cùng với tính ưu việt của nó, là tính nhân bản và hiện đại, so sánh với
dự thảo hiến pháp 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay.
Có thể nói bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa
1967 là bản Hiến pháp tốt nhất của Việt Nam trong tất cả các bản Hiến Pháp của
cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam từng được soạn thảo.
Trong khi điều 2 và điều 4 của dự thảo Hiến
pháp CHXHCNVN năm 2003 quy định thể chế chính trị của quốc gia vẫn loanh quanh
với những cụm từ mơ hồ như “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, những khái
niệm lỗi thời như “liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và
tầng lớp trí thức”, những thứ chủ nghĩa và triết học đã bị nhân loại vứt vào
sọt rác như “chủ nghĩa Mác- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh (?)” thì điều 3 của
Hiến pháp VNCH 1967 khẳng định sự phân nhiệm và phân quyền rõ rệt của ba cơ
quan lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm tự do, dân chủ và công bằng xã
hội.
Người dân tại Việt Nam dù có lơ là chính trị
đến mức độ nào cũng phải đồng ý rằng không thể có dân chủ và công bằng xã hội
nếu không có sự độc lập của cơ quan lập pháp và tư pháp trước sự chi phối của
chính quyền vốn là công cụ quản lý của đảng cộng sản.
Chưa hề có bản Hiến Pháp nào tại Việt Nam quy
định rõ sự hình thành và sự phân quyền rõ ràng của hệ thống hành pháp, lập pháp
và tư pháp như bản Hiến pháp VNCH 1967. Tam quyền phân lập rõ ràng là cơ chế
chính trị tiến bộ nhất, hợp lý nhất để thực thi dân chủ và công bằng xã hội
tính trên phạm vi toàn thế giới tính cho đến ngày hôm nay.
Điều 4 của Hiến pháp VNCH 1967 ghi rõ VNCH
chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức và mọi hành vi tuyên truyền hay
thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ. Có thể nói đây là hạn chế duy nhất
trong bản Hiến pháp nói trên. Không thể nói một quốc gia có thể chế chính trị
dân chủ nếu hiến pháp của quốc gia đó ngăn cấm sự hoạt động của một đảng phái
chính trị khác.
Tuy nhiên xét trong bối cảnh hiện tại, khi chủ
nghĩa cộng sản đã được coi là một trong những lý thuyết chính trị độc hại nhất
của xã hội loài người, xét đến những tội ác mà chủ nghĩa cộng sản đã gây ra
trên thế giới, xét đến những hậu quả trầm trọng mà chủ nghĩa cộng sản đã gây ra
cho dân tộc Việt Nam, thì điều 4 của Hiến pháp VNCH 1967 có thể xem như là một
bước đi trước thời đại. Điều này có thể xem tương đương với hiến pháp của Cộng
Hòa Ba Lan hiện nay.
Điều 26 của dự thảo Hiến pháp CHXHCNVN 2013
quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội
họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Mặc dầu ghi rõ công dân có
quyền tự do báo chí, ngôn luận và lập hội, Hiến pháp này không có chỗ nào ghi
rõ quyền được công khai phát biểu chính kiến đối lập, vốn là quyền căn bản của
tất cả những quốc gia có nền dân chủ thực sự. Bản hiến pháp này cũng không có
một điều khoản nào dành cho các hoạt động chính trị đảng phái ngoài đảng cộng
sản.
Trong khi đó điều 13 của Hiến pháp VNCH 1967
ghi rõ VNCH tôn trọng các quyền chính trị của công dân kể cả quyền tự do thỉnh
nguyện, quyền đối lập công khai bất bạo động và hợp pháp (điều 13.3). Điều 12
ghi rõ cấm chỉ mọi hình thức kiểm duyệt văn hóa, ngoại trừ trong lĩnh vực điện
ảnh và kịch trường. Điều 99 của Hiến pháp quy định rõ ràng rằng các đảng phái
chính trị được tự do thành lập và hoạt động theo luật định. Điều 100 còn quy
định rằng VNCH sẽ tiến đến việc hình thành một chế độ chính trị hai đảng gồm
đảng cầm quyền và phe đối lập như tại đa số các quốc gia dân chủ hàng đầu của
thế giới như Anh, Úc, Canada, Hoa Kỳ. Điều 101 của bản hiến pháp này quy định
quyền tự do đối lập chính trị và bảo vệ sự bình đẳng của mọi đảng phái và điều
102 ghi rõ sẽ có một đạo luật riêng dành cho việc thực thi quyền đối lập chính
trị.
Bên cạnh sự độc lập của cơ quan tư pháp, quyền
tự do ngôn luận, báo chí và quyền được đối lập là những quyền căn bản của công
dân nhằm bảo đảm chính quyền luôn luôn hành xử trong phạm vi hiến định và không
có những đạo luật hay chính sách gây hậu quả xấu cho công dân hay quốc gia. Đây
cũng là một yếu tố giúp phân biệt một quốc gia có dân chủ thật sự hay không. Dự
thảo Hiến pháp 2013 của CHXHCNVN đã hoàn toàn không thỏa mãn yếu tố căn bản
này.
Trong khi điều 70 của dự thảo Hiến pháp 2013
của nước CHXHCNVN quy định lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành và bảo
vệ đảng cộng sản Việt Nam, thì điều 23.2 của Hiến pháp VNCH 1967 quy định quân
nhân tại ngũ không được sinh hoạt đảng phái. Qua đó có thể thấy rằng trong khi
VNCH cố gắng phi chính trị hóa quân đội thì CHXHCNVN biến quân đội thành lực
lượng vũ trang của riêng đảng và dùng trước hết để bảo vệ đảng, coi việc bảo vệ
đảng quan trọng hơn việc bảo vệ tổ quốc và nhân dân. Đây cũng là một điều không
chấp nhận được tại những quốc gia có thể chế dân chủ thực sự. Quân đội của một
quốc gia không thể nào trở thành cánh vũ trang của một đảng phái chính trị
được.
Tuy bản Hiến pháp VNCH 1967 tương đối ngắn
(chỉ khoảng 9000 từ), so với dự thảo Hiến pháp 2013 CHXHCNVN (khoảng 14 ngàn
từ) và Hiến pháp liên bang Úc (khoảng 12 ngàn từ), bản Hiến pháp VNCH 1967 có
đầy đủ những tiêu chuẩn và điều khoản của một bản Hiến pháp tiến bộ, nhân bản
và hiện đại. Có thể nói đó là một bản Hiến pháp làm nền tảng để xây dựng một
thể chế chính trị dân chủ và tự do.
Tất nhiên một bản hiến pháp tốt còn phụ thuộc
vào việc chính quyền có thực tâm hành xử theo đúng hiến pháp hay không.
Xét trên phương diện này, thể chế chính trị ở
miền Nam trước năm 1975 hơn hẳn các thể chế chính trị đã từng có trong lịch sử
Việt Nam từ trước đến nay. Mặc dầu nhiều người nhận định rằng miền Nam Việt Nam
trước năm 1975 không có dân chủ, hay các đảng phải chính trị tại miền Nam Việt
Nam trước năm 1975 là “xôi thịt”. Tôi xin những quý vị đó bình tâm suy nghĩ lại
và so sánh những gì mà người Việt Nam đang có dưới chế độ cộng sản Việt Nam
hiện nay.
Không ai có thể đánh giá thể chế chính trị của
miền Nam Việt Nam trước năm 1975 tốt hơn những kẻ thù của chế độ chính trị đó.
Ông Lê Hiếu Đằng mô tả ông đã bị chính quyền VNCH giam giữ do tội hoạt động cho
cộng sản. Tuy nhiên đến ngày ông thi tú tài, chính quyền đã cho phép ông tại
ngoại để dự thi. Ông Nguyễn Thành Trung, phi công đã từng ném bom Dinh Độc Lập,
nhận định rằng quân đội và chính quyền VNCH đã hành xử một cách có văn hóa khi
không ngược đãi vợ con ông vì những gì mà ông Trung đã làm. Nhà văn Đào Hiếu
từng hoạt động chính trị và bị bắt giam ở miền Nam trước năm 1975 mô tả dù ở
trong tù, những quyền căn bản của ông vẫn được bảo vệ chứ không như bị cách ly
hoàn toàn với xã hội bên ngoài như ở tù dưới chế độ cộng sản.
Cái gì đã quyết định một chế độ hành xử đối
với kẻ thù đầy nhân đạo và văn hóa như trên? Đó chính là bản Hiến pháp của chế
độ đó. Nên lưu ý rằng những hoạt động của cộng sản tại miền Nam Việt Nam trước
năm 1975 không phải là những hoạt động chính trị đối lập hòa bình, mà là bạo
lực khủng bố. Trong khi thế giới mặc nhiên công nhận độc tài là bản chất của
chế độ cộng sản, thế giới tự do xem VNCH là một quốc gia thành viên và kỳ vọng
VNCH hành xử theo đúng hiến pháp của mình.
Cho dù là một nền dân chủ non trẻ, chưa hoàn
thiện, phải xây dựng và phát triển trong điều kiện chiến tranh phá hoại khốc
liệt từ miền Bắc cộng sản, Hiến pháp VNCH 1967 và thể chế chính trị ở miền Nam
Việt Nam trước năm 1975 là tất cả những gì tốt đẹp nhất mà Việt Nam đã từng có
tính cho đến ngày hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét