Theo blog Thụy My
Thông thường, người bỏ Đảng ở Việt Nam
chỉ cần gửi một thông báo ra đảng cho tổ chức Đảng nơi sinh hoạt. Nhưng với
việc Tiến sĩ Phạm Chí Dũng gửi đơn xin ra Đảng như một cử chỉ thể hiện sự tôn
trọng và cách hành xử văn hóa, anh đã phải nhận một phản ứng ít văn hóa hơn hẳn
là quy trình tổ chức “đấu tố” và khai trừ.
Ngày 25/12/2013, Tiến
sĩ Phạm Chí Dũng đã được mời đến cơ quan Ủy ban Kiểm tra thuộc Đảng ủy khối Dân
Chính Đảng để nghe đọc quyết định khai trừ Đảng đối với anh, một loại “án bỏ
túi” được mặc định bởi Đảng ủy khối Dân Chính Đảng – cơ quan được Đảng bộ và
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo.
TS Phạm Chí Dũng cho biết, do tự xét thấy mình
không hề vi phạm Điều lệ Đảng và các văn bản liên quan nên anh đã không tiếp
nhận quyết định khai trừ Đảng trong cuộc họp thi hành kỷ luật đảng viên.
Anh bày tỏ quan điểm là toàn bộ các bài viết và
phát ngôn của anh chỉ nhằm phản biện trung thực tình hình, cảnh báo khách quan
về thế tồn vong của Đảng. Nếu Đảng vẫn duy trì thực trạng như hiện nay mà không
có bất kỳ cải cách đáng kể nào, nhiều khả năng sau bốn năm nữa Đảng sẽ tự tan
rã theo đúng cái cách mà tiền nhân Cách mạng tháng Mười Nga Vladimir Ilitch
Lenin đã cảnh báo “Không ai có thể tiêu diệt được người Cộng sản, chỉ có
người Cộng sản mới có thể tiêu diệt chính họ”.
Có thể xem đây là một sự kiện kỷ lục về thời
gian, khi quyết định khai trừ đã hiện ra chỉ sau ba tuần kể từ khi TS Phạm Chí
Dũng công bố bức Tâm thư từ bỏ Đảng và nộp đơn xin ra
Đảng. Những năm trước, ông Kha Lương Ngãi – nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài
Gòn Giải Phóng – đã phải mất đến hai năm để được thuận tình cho ra Đảng.
Việc khai trừ Đảng TS Phạm Chí Dũng xảy ra sau
khi không thành công trong việc vận động anh rút đơn xin ra Đảng, đã ghi dấu
một “điểm son” nữa trên gương mặt tổ chức Đảng đương đại: thay vì giải quyết
đơn xin ra Đảng một cách bình thường, Thành ủy và Đảng ủy khối Dân Chính Đảng
đã vin vào cớ TS Phạm Chí Dũng “truyền bá quan điểm trái với đường lối của
Đảng Cộng sản Việt Nam”, biến thành cơ sở cho việc ban hành quyết định khai
trừ Đảng.
Trước khi xảy ra việc khai trừ Đảng, TS Phạm
Chí Dũng đã được yêu cầu làm bản kiểm điểm để chuẩn bị cho một cuộc “đấu tố”
trong đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM – nơi anh làm việc và sinh hoạt
Đảng – với “gợi ý” về việc anh đã vi phạm điều lệ Đảng và quyết định số 47 của
trung ương về 19 điều đảng viên không được làm. Đó là : “Nói, làm trái hoặc
không thực hiện cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy
định, quyết định, kết luận của Đảng”, và “…tuyên truyền, tán phát thông
tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường
lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Khá trái ngược với sức ép của Thành ủy và Đảng
ủy khối cấp trên, cuộc “đấu tố” tại Đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đã
mang lại kết quả 60% đảng viên dự họp không đống ý với hình thức khai trừ Đảng
đối với TS Phạm Chí Dũng. Tỉ lệ 40% đồng ý khai trừ nhiều khả năng thuộc về
phiếu của giới quan chức Đảng và những người có chức vụ trong chính quyền.
Nhìn lại năm 2009, đại tá, nhà văn Phạm Đình
Trọng – người có một số bài viết thể hiện bất đồng quan điểm với Đảng, cũng đã
bị khai trừ sau khi cấp ủy Đảng địa phương hoàn toàn thất bại trong việc vận
động ông rút đơn xin ra Đảng. Thời gian của tiến trình khai trừ này là 5 tháng.
Mục đích chính hành động khai trừ Đảng là người bỏ Đảng luôn phải “vi phạm điều
lệ Đảng”, phải bị mất danh dự và đồng thời răn đe các Đảng viên khác không được
bỏ Đảng theo.
Thông thường, người bỏ Đảng ở Việt Nam chỉ cần
gửi một thông báo ra đảng cho tổ chức đảng nơi sinh hoạt. Nhưng với việc TS
Phạm Chí Dũng gửi đơn xin ra đảng như một cử chỉ thể hiện sự tôn trọng và cách
hành xử văn hóa, anh đã phải nhận một phản ứng ít văn hóa hơn hẳn là quy trình
tổ chức “đấu tố” và khai trừ.
Dư luận sau các tuyên bố bỏ Đảng
Từ tiến trình khai trừ Đảng một cách có hệ
thống và rất thiếu thuyết phục như vậy, Thụy My đã có cuộc trao đổi riêng với
TS Phạm Chí Dũng về phản ứng của dư luận sau sự kiện ba đảng viên bỏ Đảng, sức
ép mà những người bỏ Đảng phải gánh chịu, tâm lý thoái – bỏ Đảng trong giới hưu
trí và xu thế thoái – bỏ Đảng đang diễn ra và có thể sẽ tiếp tục diễn biến với
quy mô lớn hơn nhiều trong những năm tới. Xin phép được ghi lại ở đây.
Anh có thể cho biết về phản ứng của dư
luận sau sự kiện ba đảng viên Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng và Nguyễn Đắc Diên
đồng loạt tuyên bố bỏ Đảng vào đầu tháng Chạp năm 2013?
Tất nhiên vấn đề nào cũng có hai mặt, sự việc
nào cũng có thể phát sinh hai loại phản ứng trái ngược. Liên quan đến trường
hợp có thể xem là hiện tượng mang tính chính trị – xã hội học về bỏ Đảng, dưới
góc độ một người làm công tác nghiên cứu, tôi có thể rút ra khá nhiều đánh giá
thú vị về vấn đề «xã hội học đảng viên» của năm 2013.
Mọi chuyện bắt đầu từ lời tuyên bố bỏ Đảng của
anh Lê Hiếu Đằng. Lời tuyên bố này lại sinh ra trong bối cảnh anh Đằng đang
trong tình trạng ung thư giai đoạn cuối tại bệnh viện 115. Điều rõ rệt có thể
nhận thấy là sau tuyên bố này, không chỉ những anh em bạn bè thân thiết trong
nhóm Phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn, hay còn gọi là nhóm Lực lượng thứ
ba, đến thăm anh Đằng, mà còn có cả nhiều người không quen biết thuộc các tầng
lớp khác nhau trong xã hội cũng đến bệnh viện để gặp và chia sẻ với người cựu
tử tù chế độ cũ.
Có ít nhất một trường hợp làm tôi xúc động là
một phụ nữ làm nghề buôn bán nhỏ, có tên là N.T.M.D. hỏi tôi địa chỉ nơi anh
Đằng nằm để vào thăm. Sau đó chị đã viết cho tôi như thế này: “Mấy hôm nay
tôi bận quá, nên không đọc tin tức. Giờ giở ra mới hay bác Đằng đang nguy đến
tính mạng. Sao vậy? Hôm tối thứ Năm ngày 10/12 tôi thăm bác vẫn tỉnh táo kia
mà. Từ ông Menras André tới ông Hạ Đình Nguyên, thông tin từ ấy làm tôi lo
lắng, dẫu biết rằng cái lo ấy là lo thế thôi chứ chẳng có tích sự gì. Tôi buồn
quá! Nếu tôi không gặp Bác lần nào nữa chắc là tôi ân hận lắm. Tôi hứa mà chưa
đi thăm bác lần thứ hai. Có khi một lần gặp bác trong đời đã làm tôi thức tỉnh?
Nhưng có khi quá bé mọn thì làm gì được hở anh?”
Theo cảm nhận của tôi, chỉ vài dòng ngắn ngủi
nho nhỏ như thế đã biểu lộ tình cảm của không ít người dân với tâm tư rời bỏ
Đảng của anh Lê Hiếu Đằng. Nhiều người dân đang muốn chứng nhận một sự chuyển
đổi và hành động dứt khoát ngay trong nội tại người đảng viên cộng sản để giúp
nhân dân có được một chọn lựa xứng đáng hơn nhiều so với thực tế.
Với bác sĩ Nguyễn Đắc Diên cũng vậy, anh ấy
nhận được nhiều lời quan tâm và chia sẻ. Theo tôi biết, anh Diên là bác sĩ tư
và sinh hoạt Đảng tại địa phương cùng với những đảng viên hưu trí. Anh Diên
cũng đã nhận dược những lời động viên và chia sẻ của cả một số đảng viên hưu
trí.
Còn phản ứng dư luận đối với Tâm thư từ
bỏ đảng và đơn xin ra đảng của anh thì thế nào?
Cá nhân tôi đã nhận được gần 200 lời chia sẻ và
ủng hộ trực tiếp. Nếu xem xét vấn đề này dưới góc độ thống kê xã hội học, con
số gần 200 người liên hệ với tôi vào lần này gấp ba lần so với số người bày tỏ
đồng thuận khi tôi viết một bức tâm thư gửi Quốc hội vào tháng 11/2013 để phản
đối Dự thảo Hiến pháp, và gấp 10 lần so với số người chia sẻ với tôi khi tôi
nhận quyết định đình chỉ điều tra vào tháng 3/2013.
Sau bức tâm thư từ bỏ Đảng của tôi, đáng chú ý
là khá nhiều người đã liên hệ trực tiếp với tôi qua điện thoại để bày tỏ sự ủng
hộ, cho dù họ thừa hiểu rằng từ lâu nay máy điện thoại của tôi không còn thuộc
về quyền tự do cá nhân. Tỉ lệ người thể hiện chính kiến qua điện thoại như thế
chiếm đến 50% những người liên hệ với tôi. Còn trước đây, tỉ lệ chia sẻ với tôi
qua phương tiện điện thoại chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn lại là qua email và
nhắn tin – là những phương tiện có vẻ “an toàn” hơn và cũng dễ dàng “xóa dấu
vết” hơn.
Một chi tiết đáng lưu tâm không kém trong phân
tích là có đến 80% số người liên hệ với tôi để lại tên họ và địa chỉ rõ ràng,
trong khi trước đây tỉ lệ này chỉ khoảng 40%. Sự phân tích cơ cấu này sẽ có ý
nghĩa nếu liên hệ với việc trong số gần 200 người liên hệ trực tiếp với tôi, có
đến 80% là người trong nước, trong đó có cả một số đảng viên hưu trí, đảng viên
đương chức.
Những thống kê sơ bộ mới mẻ này cho thấy ít
nhất, không khí dư luận chung đang có chiều hướng thoát dần giới hạn e ngại và
sợ sệt. Nếu trường hợp của tôi luôn bị coi là “rất nhạy cảm” thì sự chia sẻ của
những người đồng cảm dành cho những người như tôi lại càng đáng quý. So với hồi
đầu tháng 11/2013, số người bày tỏ chính kiến với tôi qua điện thoại đã tăng
gấp đôi, cho thấy mọi người không còn mấy lo sợ về việc bị ghi âm và bị cho vào
“sổ đen”. Gần như trái ngược, trong họ đang phát triển tâm thế muốn chia sẻ và
nhu cầu tự do ngôn luận.
Nhưng tất nhiên tôi cũng chờ đợi những phản ứng
không đồng tình. Song cho tới nay, tôi thật sự ngạc nhiên là trong gần 200
người liên lạc với tôi, không có bất cứ một cuộc điện thoại hoặc tin nhắn nào
mang tính chửi bới hoặc đe dọa, và chỉ có một phản ứng không đồng tình với việc
tôi từ bỏ đảng. Tôi có hỏi anh Nguyễn Đắc Diên và được biết anh Diên cũng chỉ
nhận duy nhất một cuộc điện thoại nặc danh, la lối và chửi bới hành động bỏ
Đảng của anh. Nhưng tất cả phản ứng trái chiều cũng chỉ có thế.
Một phản ứng đặc trưng khác luôn cần được
nghiên cứu và phân tích là các chiến dịch công kích, chỉ trích của báo Đảng. Tuy
nhiên khác với hơn hai chục bài viết công kích anh Lê Hiếu Đằng vào tháng
8/2013 khi anh Đằng nêu đề xuất thành lập đảng Dân chủ Xã hội, cho tới nay chỉ
có hai tờ báo Quân Đội Nhân Dân và Hà Nội Mới đả kích chuyện từ bỏ Đảng.
Hai thể tài phản ứng của báo Đảng và giới dư
luận viên về chuyện bỏ Đảng đã gián tiếp cho thấy giới lãnh đạo Đảng đang rất
lúng túng, khi tính chính danh của họ đang bị xói mòn nghiêm trọng bởi tình
cảnh gần như biến mất của tính chính nghĩa. Mà đã quá thiếu hoặc không còn
chính nghĩa thì làm sao có thể phản ứng mạnh mẽ và minh bạch được?
Một cuộc «điều tra xã hội học mini»
Anh có thể cho biết rõ hơn về thành phần
xã hội của những người đã chia sẻ với anh và về nội dung của các cuộc trao đổi
được không?
Có nhiều tầng lớp chia sẻ với tôi như trí thức,
cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, doanh nhân, tiểu thương, nông dân, dân oan đất
đai, nạn nhân môi trường, công nhân, sinh viên và học sinh, người Việt ở nước
ngoài, kể cả một số người đang là sĩ quan quân đội, quan chức nhà nước.
Trong đó, đông nhất vẫn là những người thuộc
giới trí thức ở khu vực Hà Nội. Tôi cho rằng yếu tố phản hồi theo vùng như vậy
cũng hợp lý, vì Hà Nội chính là trung tâm điểm tập trung đông đảo nhất tiềm lực
trí thức, trí tuệ và cũng là nơi dễ phát sinh phản ứng đối với tư tưởng, thái
độ và hành vi của đảng cầm quyền.
Đa số các phản hồi bày tỏ nỗi trằn trọc và quá
đỗi bức xúc trước hiện tình hỗn loạn của đất nước, chỉ trích nặng nề đối với sự
bảo thủ của giới lãnh đạo Đảng và năng lực điều hành quá kém của chính quyền.
Họ tâm sự với tôi về đủ thứ, từ đạo đức xã hội xuống cấp thê thảm đến mặt bằng
đạo đức của giới quan chức chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương
đã xuống đến vùng đáy, về các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu “được Đảng dung
dưỡng” đang ăn trên đầu trên cổ người dân không còn chừa thứ gì…
Một nông dân ở Ban Mê Thuột vừa khóc vừa kể cho
tôi nghe là gia đình anh ấy đang bị cướp đất đến tán gia bại sản, trong khi một
người bà con của anh ấy ở Đắc Lắc bị chết trong đợt xả lũ thủy điện vào tháng 9
vừa qua nhưng chẳng hề có cấp chính quyền và doanh nghiệp nào đoái hoài, thậm
chí một đồng bồi thường cho nạn nhân cũng không có.
Và đây chỉ là một ít trong số rất nhiều ý kiến
mà tôi nhận được (*):
V.T.T.: Tôi bỗng nhớ đến
việc tôi cương quyết từ chối không làm “Đơn xin gia nhập ĐCSVN” năm 1987 và
việc chồng tôi đã lặng lẽ cất bộ “Hồ sơ Đảng tịch” để lưu niệm, sau khi nhận
huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (năm 2001) và tôi tự thấy có trách nhiệm gửi cho anh
đôi dòng chia sẻ.
T.T.: Tôi là một Việt
kiều Úc đã xa quê hương VN hơn 32 năm. Hôm nay tôi đọc bài Tâm thư bỏ Đảng của
anh, tôi thật sự rất là ngạc nhiên vì anh đã từng là đảng viên ĐCS và lại đã
từng làm việc trong ngành an ninh. Anh đã làm một việc cần thiết và đúng lúc
cho đất nước.
D.N.T.M.: Tôi mới đọc thông
tin anh từ bỏ Đảng CS, tôi – một phụ nữ bình thường chỉ làm nghề buôn bán –
hoan nghênh và ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh giành lẽ phải cho 87 (tám mươi
bảy) triệu công dân Việt Nam, vì còn lại là 3 (ba) triệu đảng viên, mà trong số
3 triệu này có MỘT BỘ PHẬN KHÔNG NHỎ đảng viên hủ nát – tham lam – ác tâm – vô
trách nhiệm với dân tộc – giả nhân giả nghĩa…
D.N.: Tôi tin rằng, rất
nhiều và rất nhiều đảng viên cũng bâng khuâng và trăn trở như ông, nhưng còn
đang lưỡng lự, hy vọng họ sẽ mạnh dạn và can đảm hơn cùng làm một cuộc cách
mạng “từ bỏ Đảng” kịp thời cứu nguy dân tộc.
Sau tất cả những ý kiến như thế, tôi lại tự hỏi
đất nước này sẽ đi về đâu? Đi về đâu với một thứ hạng tham nhũng thuộc nhóm
đáng lên án nhất thế giới, một nền kinh tế bị tàn phá đến cạn kiệt, một gánh
nặng nợ xấu và nợ công sẽ trùm lên đầu lớp con cháu trong ít nhất hai thế hệ
tới, một nền đạo lý bị băng hoại đến khó tưởng tượng và còn chưa phải là đáy?
Không ít ý kiến đã chia sẻ với tôi về tư thế
độc quyền của Đảng Cộng sản hiện nay chính là tác nhân khủng khiếp gây nên nạn
độc quyền kinh tế, tham nhũng và các nhóm lợi ích, khiến cho toàn bộ xã hội
điêu đứng. Họ đòi hỏi phải có sự thay đổi, một sự thay đổi lớn lao và có thể
gần như là một cuộc “thay máu” trong Đảng để gìn giữ những giá trị còn lại của
Tổ quốc. Họ đã trắng xóa hy vọng đối với tầng lớp đảng viên đặc quyền đặc lợi
hiện thời.
Nhưng cũng có một ít người vẫn còn đôi chút kỳ
vọng là trong Đảng sẽ xuất hiện những nhân tố mới nào đó mà có thể phục hồi
phần nào niềm tin của dân chúng, mang lại một sự thay đổi chính trị đủ lớn để
sự chuyển đổi ở Việt Nam có thể gần tương tự với trường hợp Myanmar, nghĩa là
sẽ êm dịu, dân chủ hơn và không đổ máu – một kịch bản mà ngay cả những nhóm lợi
ích tàn nhẫn nhất cũng phải tạm hài lòng khi khó còn sự lựa chọn nào khác, nếu
không muốn bị người dân “hồi tố” trong giai đoạn hậu sự.
Lại có người nói như hét vào điện thoại, chỉ
trích cực kỳ nặng nề Đảng Cộng sản bằng những từ mà tôi xin không mô tả lại, và
đòi phải dùng “bạo lực cách mạng” để lật đổ thể chế thối nát này… Người khác
thì còn hỏi thẳng: “Sao các ông 72 (nhóm Kiến nghị 72) không lập luôn
đảng mới đi? Bọn tôi sẵn sàng đi theo!”.
Tôi lắng nghe tất cả và cũng ghi nhận tất cả,
với tư cách một nhà báo độc lập.
Nhưng với tư cách một công dân và với nhạy cảm
riêng, tôi cho rằng không phải ngay bây giờ mà sau ba năm nữa, tôi có thể hy
vọng. Nhưng chỉ là hy vọng đôi chút, vào một vài gương mặt mang sắc diện cải
cách trong Đảng. Đó sẽ là những đảng viên cao cấp muốn nhắm đến mục tiêu chuyển
đổi thể chế chính trị một cách ôn hòa và hợp lòng dân, đồng thời có được sự ủng
hộ của cộng đồng quốc tế. Nếu họ có đôi chút thực tâm vì dân tộc, chúng tôi có
thể giúp họ.
Tâm trạng khủng hoảng niềm tin của đảng
viên có thể dẫn tới những nhận định nào về vấn đề mà anh gọi là «xã hội học
đảng viên» ngày nay?
Những ý kiến trao đổi với tôi cũng làm cho tôi
có thêm xác nhận về một kết quả sơ bộ trong nghiên cứu gần đây về cơ cấu tư
tưởng trong hàng ngũ đảng viên. Hiện thời có khoảng 30% đảng viên là những
người không hoặc ít gắn bó với quyền lợi liên quan đến chức vụ, là những người
có tư tưởng cải cách và một số là tiến bộ, mong muốn một sự thay đổi đủ mạnh và
chấp nhận đa nguyên chính trị để cứu vãn đất nước.
Khoảng 50% số đảng viên khác là những người có
gắn bó ở mức độ nào đấy với quyền lực và quyền lợi, theo quan điểm trung dung
và phần nào mang tính xu thời. Những người này thường có tư tưởng phản ứng đối
với quan điểm giáo điều và bảo thủ trong Đảng và sự yếu kém trong hệ thống điều
hành của chính quyền, nhưng vì nhiều lý do đã không thể hiện sự bức xúc của
mình và cũng chưa sẵn sàng cho một tiến trình cải cách.
Còn lại là khoảng 20% đảng viên – đa phần là
đảng viên giữ chức vụ cao cấp trong Đảng và hệ thống chính quyền, gắn bó mật
thiết với quyền lực và quyền lợi – là những người không muốn có bất kỳ một thay
đổi nào, thậm chí còn làm nhiều cách để ngăn chặn, ngăn cấm sự thay đổi và các
cải cách.
Tâm sự của một số đảng viên hưu trí với tôi
cũng cho thấy xu hướng thoái Đảng, không sinh hoạt hoặc bỏ sinh hoạt Đảng ở
nhiều địa phương hiện nay là rộng khắp và đang đi vào chiều sâu. Vào năm 2012,
đã có một đánh giá của một cơ quan Đảng cho biết có đến 30-40% đảng viên hưu
trí không sinh hoạt Đảng, hay nói cách khác là sâu đậm tư tưởng thoái Đảng.
Trong thực tế, phản ánh của nhiều người trong giới đảng viên hưu trí cho thấy
tỷ lệ thoái Đảng ở giới này còn cao hơn, có thể lên đến 50%. Trong số đó, đã có
một số trường hợp làm đơn xin ra Đảng và thực tế đã âm thầm ra khỏi Đảng.
Tuy nhiên, lý do vẫn chưa xuất hiện một phong
trào bỏ Đảng trên diện rộng là bởi nhiều đảng viên hưu trí vẫn lo ngại về việc
bỏ Đảng sẽ làm ảnh hưởng đến gia đình, con cái của họ, và kể cả đến chế độ sổ
hưu của họ. Hơn nữa, do cuộc đời họ đã gắn bó quá lâu và phục vụ cho Đảng, họ
luôn bị ám ảnh bởi mặc cảm xấu hổ nếu xin ra Đảng, tức mặc nhiên từ bỏ điều mà
họ đã tin hoặc đã từng tin. Ngoài ra, cũng có những người thật lòng muốn chia
tay với Đảng, nhưng họ không muốn nằm trong số người ra đảng đầu tiên và càng
không muốn bị số đông xem là “lạc loài”.
Nhưng thực ra, thực tế ở Việt Nam cho thấy trừ
một số trường hợp bị coi là “nhạy cảm về chính trị” khi tuyên bố ra Đảng, đại
đa số còn lại đều là trường hợp bình thường, thậm chí rất bình thường nếu làm
đơn xin ra Đảng. Với trường hợp này, tất nhiên chi bộ, cấp ủy nơi họ sinh hoạt
Đảng sẽ đặt vấn đề về quan điểm cá nhân họ, cho rằng họ “không còn tha thiết
với Đảng” hoặc vì những lý do nào đó như “thiếu kiên định”.
Tuy nhiên đối với đại đa số đảng viên hưu trí,
sẽ rất khó có thể xảy ra một làn sóng quy chụp chính trị như đối với những nhân
vật bất đồng chính kiến. Một số người hưu trí đã ra Đảng cho tôi biết rằng tuy
phải mất đến hàng năm trời để cấp ủy xem xét đơn và cố gắng thuyết phục họ ở
lại Đảng, nhưng trước thái độ kiên quyết và rõ ràng của họ, cuối cùng cấp ủy
cũng cho họ ra Đảng một cách hết sức lặng lẽ. Sau đó gia đình họ cũng không bị
ảnh hưởng gì.
Còn vấn đề sổ hưu lại là một chuyện khác hoàn
toàn, liên quan đến chính sách hành pháp chứ không dính dáng gì đến việc có ra
đảng hay không, tức là chẳng liên quan gì đến phạm trù “Đảng pháp”. Do vậy sự
lo ngại của một số người về hưu hiện thời về chuyện ra Đảng sẽ ảnh hưởng xấu
đến chế độ hưu trí hoặc bị mất sổ hưu là hoàn toàn không có cơ sở.
Và nếu như chuyện ra Đảng không liên quan hoặc
không liên quan mật thiết đến các quyền lợi kinh tế và gia đình, vấn đề còn lại
là những người thực tâm muốn chia tay Đảng có vượt qua được chính giới hạn kìm
tỏa trong lòng họ hay không. Tôi cho rằng sớm hay muộn, đến một lúc nào đó họ
sẽ phải tự quyết định về câu chuyện này.
Bỏ Đảng: Áp lực và tâm tư
Một câu hỏi tế nhị: việc anh quyết định
ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam có mâu thuẫn với “lời thề” của anh và khiến anh
phải chịu áp lực nào về công việc cá nhân và gia đình?
Từ lâu nay, tôi đã nói rõ quan điểm cá nhân với
gia đình tôi và với các cấp ủy Đảng là một khi Đảng không còn đại diện cho điều
được coi là “giai cấp công nhân và nông dân”, không còn chăm lo cho đời sống
của nhân dân, và thực tế một bộ phận lớn trong giới đảng viên cao cấp đã phản
bội lại quyền lợi của người nghèo, không có lý do gì để chúng tôi phải tiếp tục
trung thành với Đảng. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tự tìm cho mình lối thoát theo
lời thề “trung với nước, hiếu với dân”.
Tất nhiên sự phủ nhận lời thề cũ để chuyển hóa
sang lời thề mới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tôi và gia đình. Ở nơi em gái tôi
làm việc là Đài truyền hình TPHCM, trước đây tôi có nghe việc từng có áp lực và
sức ép nào đó đối với em gái tôi về quy hoạch cán bộ và công việc – một hành động
kém văn hóa mà tôi đã phải phản ứng thẳng thừng. Tôi đã và sẽ nói rõ rằng em
gái tôi và tôi là hai thể nhân độc lập, hoàn toàn không liên quan gì với nhau
về công việc và quan hệ xã hội. Nếu ai đó muốn gây sức ép tiêu cực đối với em
gái tôi vì chuyện của tôi thì đó là hành động hạ đẳng và chắc chắn tôi sẽ xử lý
vấn đề này đến cùng.
Còn với tôi, dù tới nay chưa bị đặt yêu cầu về
thay đổi công việc hay bị cho nghỉ việc, tôi vẫn nghĩ nếu người ta có thể dùng
thủ thuật khai trừ Đảng thay vì giải quyết cho ra Đảng một cách bình thường, sẽ
không có gì bảo đảm cho tương lai của bạn khi phải đối mặt với cả một hệ thống
tiểu xảo.
Trường hợp đại tá, nhà văn Phạm Đình
Trọng trước đây cũng là một đảng viên hưu trí và bị chèn ép bởi các tiểu xảo,
như anh nói. Theo anh, tâm tư của giới đảng viên về hưu hiện thời ra sao?
Đáng tiếc là một số đảng viên kỳ cựu vẫn chưa
thừa nhận rằng nguồn cơn sâu xa và cũng là nguồn dẫn trực tiếp cho tất cả cái
thực trạng hỗn mang như hiện thời chính là sự thoái hóa biến chất của quá nhiều
đảng viên, từ cấp trung ương đến tận cấp cơ sở theo cái cách mà dân gian đã
tổng kết “thượng bất chính hạ tắc loạn”. Rõ ràng đã có một sự khác biệt quá xa,
không chỉ về thế hệ mà còn cả về cách nhìn nhận thực trạng và lối thoát giữa
thế hệ đảng viên kỳ cựu với những người như tôi, và có thể càng xa cách hơn
nhiều nếu so với lớp công dân có độ tuổi từ 30 trở xuống.
Một trong những điều tâm sự sâu lắng nhưng cũng
dữ dội nhất mà tôi thường bày tỏ với những đảng viên lão thành là “Đảng bây giờ
không còn như Đảng ngày trước”. Tôi cho rằng đó cũng là tâm trạng chung của
nhiều người như tôi khi cố gắng làm cho lớp đảng viên lão thành cảm thông với
khổ nạn mất hoàn toàn lý tưởng của lớp trẻ. Và một khi không còn lý tưởng thì
phải làm gì?
Những người như tôi, nếu không thể tìm được xác
tín hay cụ thể hơn là niềm tin ở lớp người đi trước, thì chỉ còn biết tự nghĩ
ra cách để tự cứu mình. Cứu mình và cũng là giúp đỡ những người xung quanh. Tôi
tự hỏi nếu các đảng viên lão thành bị rơi vào hoàn cảnh của những nông dân bị
mất đất, bị cướp đất, hay bị nhân viên công lực đối xử thô bạo ngoài đường phố
hoặc phải chịu một cái án oan nào đó giữa thanh thiên bạch nhật, hẳn là họ sẽ
không thể bằng an mà bàn luận về lý luận chủ nghĩa xã hội hay về “một bộ phận”
nào đó đảng viên đang thoái hóa biến chất. Mà họ sẽ có cái nhìn khác hẳn, bởi
khi đó những bức xúc tự thân sẽ chi phối và có thể lấn át lý trí.
Chẳng hạn tôi biết một đảng viên cao cấp từng
giữ một vị trí cao trong ngành cao su, khi về hưu vẫn thường đi phổ biến nghị
quyết Đảng cho các chi bộ. Nhưng khi nhà ông này bị một dự án làm đường của
chính quyền địa phương cắt hết một phần ba, ông đã phẫn uất đến nỗi đòi mang
xăng đến trước trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố để tự thiêu.
Một làn sóng thoái, bỏ Đảng trong tương
lai?
Hiện tại là như thế… Còn có thể có những
thách thức nào đối với giới đảng viên hưu trí trong tương lai?
Ở Việt Nam hiện nay, giới hưu trí với rất nhiều
đảng viên đang phải đối mặt với cơn đột biến co thắt túi tiền, mà rất có thể sẽ
đồng pha với khả năng từ thắt chặt đến vỡ quỹ lương hưu trong một tương lai
không quá xa. Bất chấp việc cho đến nay vẫn chưa có bất cứ hạng mục nào được gỡ
bỏ trong số 432 loại phí và lệ phí – được hiểu một cách trung thực như núi thuế
trút lên đầu dân chúng, ngân sách quốc gia vẫn ngồn ngộn dấu hiệu cạn kiệt.
Tình thế hiểm trở như vậy càng trở nên hiểm
nghèo hơn khi vào năm 2012 đã lần đầu tiên manh nha thông tin về khả năng quỹ
lương hưu có thể vỡ vào năm 2030. Nhưng đến nửa cuối năm 2013, dù bị giới tuyên
giáo trung ương cố gắng ngăn chặn, thông tin từ những cuộc hội thảo của giới
chuyên gia và không ít quan chức có trách nhiệm vẫn cho thấy nguy cơ đó đang
đến gần, thậm chí rất gần. Không cần phải chờ đến năm 2030, nếu trong ba, bốn
năm tới vấn đề thu ngân sách không được cải thiện – tức tiền thuế thu từ dân
không đủ để chi cho các công trình xây dựng cơ bản của nhà nước mà thường lãng
phí ít nhất vài chục phần trăm và làm giàu thêm cho các nhóm lợi ích – những
người về hưu sẽ phải nhìn nhận một thực tế đớn đau là quỹ lương dành cho họ sẽ
bị biến thành một trong những nạn nhân đầu tiên của chế độ thẳng tay cắt xén.
Bài học hậu Liên Xô vẫn còn nguyên giá trị.
Trong thời kỳ hỗn loạn nhất về kinh tế cùng vô số nhóm lợi ích thi đua trục
lợi, giá trị lương mà giới hưu trí và các công thần của chế độ xô viết nhận
được chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với giá trị trước đó. Cũng trong bối
cảnh đó, các nhóm lợi ích đã mặc sức tăng giá để khoét sâu hơn nữa nỗi khốn
quẫn đau đớn của lớp người nghèo khó. Sau đó và khi đã không còn đủ kiên nhẫn trung
thành với chế độ, chính những người về hưu đã phải hàng hàng lớp lớp nắm tay
nhau tuần hành phản đối ngay trên Quảng trường Đỏ.
Đó chỉ là một minh họa nhỏ cho thấy sự phân hóa
xã hội và bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam đã gần đạt tới vùng cao trào. Tầng
lớp cai trị đã quá xa cách và hầu như chẳng còn đếm xỉa đến thực trạng đen tối
của giai tầng dân đen. So với thời điểm gần bốn chục năm trước, Đảng hiện nay chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các
nhóm lợi ích. Mà như thế thì những đảng viên còn chút lương tâm
làm sao có thể gìn giữ một cách mù quáng lời thề trung thành với Đảng?
Và làm sao mà những người về hưu ở Việt Nam vẫn
có thể giữ được vẻ bình thản như giờ đây, nếu như sau ba, bốn năm nữa họ chỉ
nhận được tiền hưu bằng một nửa hay một phần ba giá trị hiện thời? Họ sẽ làm gì
khi đó?
Tôi cho là không còn cách nào khác, nếu họ thấy
tất cả những kiến nghị hay khiếu nại đã không còn tác dụng gì nữa đối với tầng
lớp quan chức vô cảm, họ sẽ phải hành động. Một trong những hành động sẽ là
biểu thị thái độ không chỉ bằng lời nói, mà là ra đường, là xuống đường. Còn
cách biểu đạt khác mang tính phẫn nộ không kém là những người về hưu bức xúc
nhất sẽ thẳng thừng chia tay Đảng.
Nhưng thực tế cho đến nay số người tuyên
bố công khai bỏ Đảng vẫn còn rất ít. Anh có cho rằng làn sóng thoái – bỏ Đảng
sẽ tiếp nối và diễn ra một cách bền vững?
Dù ít người công khai nhưng thực tế nhiều năm
qua đã có khá nhiều người âm thầm bỏ Đảng.
Còn những năm tới, vấn đề cơm áo gạo tiền sẽ
quyết định tất cả tương lai khủng hoảng hay không khủng hoảng nền kinh tế ở
Việt Nam, có hay không một cuộc khủng hoảng chính trị. Đơn giản là nếu nền kinh
tế được phục hồi dù chỉ 10% so với mặt bằng hiện nay, sẽ không có con sóng bỏ
Đảng nào cả. Khi đó, hệ thống tuyên truyền một chiều sẽ đẩy thành tích 10% ấy
lên gấp ba lần. Khi đó, người dân và các đảng viên sẽ tiếp tục chấp nhận tồn
tại trong một trạng thái mỏi mòn hy vọng, dù biết rõ hy vọng đó có thể chẳng
kéo dài được bao lâu.
Thế nhưng với rất nhiều dấu hiệu suy thoái đã
và đang mở ra đề dẫn cho khủng hoảng kinh tế, lòng người không thể cầm cự được
nữa. Thời điểm cuối năm 2013 đang chứng kiến những tín hiệu suy sụp của khối
ngân hàng bởi nợ xấu, xu hướng thoái vốn khỏi ngân hàng và cuộc tranh luận quá
căng thẳng về thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến trích lập dự
phòng rủi ro. Suy sụp lại dễ dẫn đến đổ nát và do vậy sẽ ảnh hưởng hầu như trực
tiếp đến quỹ lương hưu.
Không ít đảng viên am hiểu đang đặc biệt lo
ngại về cái tương lai không hề xán lạn ấy. Một số người đã nói công khai với
tôi về ý định bỏ Đảng của họ, bởi thời gian qua họ đã thoái Đảng.
Chỉ vài ngày sau sự kiện ba đảng viên bỏ Đảng
vào tháng 12/2013, một người quen trong giới nghiên cứu cho tôi biết là một
giáo viên chính trị có thâm niên và có học vị tiến sĩ cũng muốn công khai bỏ
Đảng. Còn một người dân kể cho tôi là người bạn của anh ta đang muốn vào đảng
nhưng đã dừng lại nguyện vọng miễn cưỡng ấy.
Chưa kể đến số phản hồi ủng hộ và chia sẻ trên
các trang mạng mà bạn bè cho tôi biết, tôi cho rằng chỉ với mối tương tác trực
tiếp mà tôi đã nhận được, có thể đánh giá rằng không ít người đang mang tâm tư
thoái Đảng và bỏ Đảng, và có thể lấy ngày 4/12/2013 khi anh Lê Hiếu Đằng tuyên
bố rời Đảng là một dấu mốc cho một làn sóng thoái Đảng và bỏ Đảng trong những
năm tới.
Một khi cơm áo gạo tiền trở thành vấn đề sống
còn của con người thì không một kỷ luật hoặc sự đe dọa nào của tổ chức Đảng còn
có thể níu giữ hoặc ràng buộc được các đảng viên, đặc biệt đối với khối đông
đảo đảng viên không dính dáng đến đặc quyền đặc lợi.
Với câu chuyện ba đảng viên bỏ Đảng vào tháng
12/2013, tôi không cho rằng sự việc này sẽ gây ra một tác động trực tiếp đối
với số đảng viên hiện thời. Nhưng đang và sẽ là một tác động tâm lý tiềm ẩn và
có chiều sâu hơn. Tác động đó cần có độ trễ, sau khi đã có tiền lệ. Độ trễ như
vậy thường mất từ sáu tháng đến một năm.
Vì vậy tôi cho rằng khả năng vào nửa cuối năm
2014, khi những dấu hiệu bất ổn và tan vỡ của nền kinh tế trở nên rõ rệt hơn
hiện thời, một bộ phận lớn trong giới đảng viên hưu trí và kéo theo cả một số
trong giới đảng viên đương chức sẽ thấy cần phải chọn lựa điều gì là đỡ xấu hơn
trong một hoàn cảnh ngày càng tồi tệ. Hoặc nếu chưa thể chọn lựa cái tốt hơn,
họ sẽ có thể bày tỏ thái độ chính trị dứt khoát hơn. Khi đó họ sẽ quyết định,
và làn sóng bỏ Đảng sẽ có thể khởi động một cách mạnh mẽ hơn, có thể tiến đến
cao trào vào hai năm 2017 và 2018.
Đó cũng là hai năm mà có thể xảy ra một biến
động chính trị đủ mạnh và có ý nghĩa lớn lao.
Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Phạm Chí
Dũng.
T.M.
(*) Thụy My xin phép viết tắt tên, bỏ
dấu tiếng Việt và sửa một ít lỗi chính tả trong nguyên văn các góp ý.
***
NHÀ BÁO PHẠM CHÍ DŨNG:
‘NHẸ NHÕM SAU KHI BỊ KHAI TRỪ KHỎI ĐẢNG’
Hoài Hương, theo VOA
Hôm 25/12, nhà báo Phạm Chí Dũng trở thành đối
tượng của một buổi làm việc mà ông mô tả là “một cuộc đấu tố khá căng thẳng”,
sau khi được mời đến cơ quan Ủy ban Kiểm tra thuộc Đảng ủy khối Dân Chính Đảng
để nghe đọc quyết định khai trừ ông. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ban Việt
ngữ-VOA, Tiến sĩ Dũng cho biết cảm nghĩ của ông sau khi bị khai trừ:
“Cảm nghĩ của tôi là nhẹ nhàng, nhẹ nhõm và
thanh thản. Tôi đã giải quyết được một vấn đề cũ để chuyển sang một giai đoạn
mới tại vì tôi đã phải thao thức với vấn đề này trong suốt 10 năm vừa rồi. Ðây
là tâm trạng chung của rất nhiều đảng viên, có thông tin cho thấy có tới một
nửa trong tổng số đáng viên hưu trí đã thoái Ðảng, không còn sinh hoạt Ðảng.”
Ông Phạm chí Dũng bị chính thức khai trừ sau
khi đã nộp đơn xin ra khỏi Ðảng, sau 10 năm thao thức và trăn trở với quyết
định của ông. Ông cho biết nỗi lo âu lớn nhất của ông là sự chống đối của cha,
một đảng viên đã 65 tuổi Đảng:
“Trước đây tôi rất lo là Ba tôi không đồng ý để
tôi ra khỏi Ðảng, nhưng tôi thường nói với Ba tôi là Ðảng bây giờ quá khác Ðảng
ngày xưa, một sự khác biệt đến không thể chấp nhận được nếu còn tâm huyết, cho
nên cuối cùng Ba tôi đã đồng ý chấp nhận cho tôi ra mà không quá bị coi là một
sự ô nhục đối với gia đình. Còn những vấn đề khác thì tôi đã chuẩn bị tinh thần
đầy đủ cả trước khi tôi làm Tâm Thư Từ Bỏ Ðảng, bởi vì đây không phải là một
hành động bột phát của tôi, nhưng mà tất nhiên không phải là tất cả mọi chuẩn
bị đều đầy đủ. Làm một cái gì đó người ta luôn luôn phải gánh chịu một sự rủi
ro nào đó, nhưng mà nếu cứ nghĩ mọi sự sẽ chu toàn và trọn vẹn hết, thì sẽ khó
có thể làm được việc gì, chị ạ.”
Ông Phạm chí Dũng nhận định rằng những sự bức
xúc về các bất công xã hội, về sự hoành hành của các nhóm lợi ích đưa đến xung
khắc với lợi ích của dân chúng đã lên tới đỉnh điểm. Ông cho rằng sự đối đầu đó
giữa khối dân chúng với nhà nước hiện nay là không còn có thể cứu vãn được nữa,
ông giải thích:
“Thời gian vừa rồi thì những đối tượng chịu
nhiều thiệt thòi nhất tại Việt Nam là những người dân bị mất đất gọi là dân oan
đất đai, hoặc là những nạn nhân về môi trường, đó là những người bị tổn thương
nhiều nhất, đó chính là những tiền thân của một giai tầng dân oan dân khiếu
kiện ở Việt Nam hiện nay. Còn đa số tầng lớp trung lưu ở thành thị gần như
không bị ảnh hưởng gì, hoặc chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua việc tăng giá
của các tập đoàn độc quyền, chẳng hạn giá xăng, giá điện, giá nước, nhưng mà đó
chỉ là ảnh hưởng gián tiếp, chưa phải là đụng chạm quyền lợi trực tiếp, chưa
làm thương tổn một cách đau đớn đối với họ và gia đình họ. Nhưng nếu như các
nhóm lợi ích vẫn tiếp tục tung hoành và điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra
trong những năm tới- thì lúc đó các nhóm lợi ích sẽ phải đối đầu với lợi ích
còn lại của dân chúng, đó chính là sự đối đầu đối kháng quyết liệt giữa dân
chúng với các tập đoàn nhà nước, mà đứng sau tập đoàn nhà nước lại chính là nhà
nước, là chính phủ, thành thử tôi nghĩ đó không những là những quan hệ mâu
thuẫn mà còn là xung đột về lợi ích sống còn giữa dân chúng và các tập đoàn lợi
ích và do đó sẽ không thể cứu vãn được.”
Thế điều gì sẽ diễn ra, và nhân tố nào có thể
kích thích sự bùng phát về tâm lý đưa đến thay đổi lớn? Nhà báo, cũng là một
tiến sĩ kinh tế, tin rằng điều sẽ xảy ra là một cuộc khủng hoảng kinh tế, kéo
theo nhiều hệ quả khác:
“Theo hệ quả của suy thoái kinh tế trong suốt 6
năm qua, cuối cùng phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế. Trước tháng 10 năm
2007, ít người có thể dự báo về cuộc suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ, tại lúc đó
không khí thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản tại Hoa Kỳ là sôi
sục, chỉ số Dow Jones, chỉ số Nasdaq, chỉ số S&P 500 lên cao chưa từng
thấy, lập đỉnh cao của mọi thời đại, nhưng đến tháng 10 thì đột ngột Lehman
Brothers, một trong những ngân hàng lớn nhất ở Mỹ sụp đổ, 3 tháng sau thì gần
như toàn bộ các ngân hàng và một công ty sản xuất ô tô lớn của Mỹ, là General
Motors đã sụp đổ. Ðiều đó có thể xảy ra ở Việt Nam, huống gì Việt nam đã có suy
thoái kinh tế từ 6 năm. Thường thì sau suy thoái kinh tế là một cuộc khủng
hoảng kinh tế, dẫn tới không phải là một thập kỷ mất mát mà có thể là một vài
thập kỷ mất mát, tương tự như trường hợp ở Nhật năm 1980.”
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, đại đa số các đảng
viên, tới 80% đã nghĩ tới hoặc bàn tới giải pháp bỏ đảng, hoặc đã âm thầm bỏ
Ðảng, tuy chưa có nhiều người chính thức và công khai từ bỏ đảng vì những lý do
nhất định.
“Theo những nguồn tin mà tôi nắm được thì có
tới 80% đảng viên hiện nay không phải là những người dính dáng tới đặc quyền
đặc lợi và không có những chức vụ cao, kể cả các chức vụ trung cấp, họ mang
quan điểm chung là trung dung, trong đó có khoảng 30% là muốn cải cách, muốn
thay đổi thực sự. Nhưng chỉ có điều là họ im lặng, và điều chứng minh rõ nhất
cho sự im lặng đó là phản ứng khi Hiến Pháp mới được thông qua tại kỳ họp lần 6
vừa rồi. Thói quen im lặng của họ dẫn tới một không khí như thế này, là khi
được hỏi lựa chọn ứng cử viên ra giải trình trước Quốc hội thì có tới 40% đại
biểu quốc hội đã giữ im lặng, không phát biểu ý kiến gì cả.”
Trả lời câu hỏi thế thì giải pháp nào là giải
pháp tối ưu để giải quyết ôn hòa những xung khắc lợi ích mà ông nói không còn
cứu vãn được, nhà báo Phạm chí Dũng đề nghị:
“Giải pháp thứ nhất là chấp nhận đa nguyên
chính trị, giải pháp thứ hai là chấp nhận nhà nước pháp quyền và cơ chế tam
quyền phân lập. Giải pháp quan trọng không kém tồn tại trong mọi thời đại mọi
chế độ, là con đường xã hội dân sự cho Việt Nam. Xã hội dân sự là cái mà Ðảng
Cộng sản Việt Nam vẫn quy định, đó là dân chủ cơ sở, tức là dân biết dân làm
dân bàn dân kiểm tra, nhưng trước đây họ chỉ nói mà không làm. Xây dựng xã hội
dân sự chính là xây dựng nội lực thực thi pháp luật, thực thi việc kiểm tra
giám sát pháp luật từ phía người dân. Nếu thực thi đầy đủ cả 3 giải pháp đó thì
tôi tin là có lẽ trong nửa thế kỷ tới, Việt Nam sẽ có thể sánh ngang bằng xã
hội an sinh của các nước Bắc Âu bây giờ.”
Ông tiên đoán rằng trong vài năm tới Việt Nam
sẽ trải qua những thay đổi lớn và ông bày tỏ hy vọng, mong ước rằng mọi sự sẽ
diễn ra trong ôn hòa, ông nói trong thâm tâm, ông vẫn hy vọng là tại Việt Nam
trong những năm tới sẽ xuất hiện những nhân tố ngay từ bên trong Ðảng, muốn
chứng kiến một sự chuyển đổi êm dịu, ôn hòa, tránh đổ máu, để hạn chế đà xuống
đốc của đất nước.
Ông Phạm Chí Dũng phổ biến Tâm thư từ bỏ Ðảng
hôm 5 tháng 12. Ông là một Tiến sĩ Kinh tế, từng làm cán bộ Ban An ninh Nội
chính Thành ủy TPHCM. Cha ông là ông Phạm văn Hùng, cựu Trưởng Ban Tổ chức
Thành Ủy TPHCM.
Thụy My RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét