Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

TỪ CHUYỆN BÀ “BẢO MẪU” VÀ ÔNG “ĐẠI SỨ”: NỖI ĐAU KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Không ít người đã nhắm mắt để khỏi phải nhìn cái cảnh quá ư tàn bạo của “bà bảo mẫu“, rồi “cô nuôi trẻ” bóp cổ, dập đầu, dốc ngược cháu bé giúi đầu dìm vào thùng phuy đựng nước vì cháu không chịu mở to mồm ăn cháo, được chiếu trên màn hình tivi hôm rồi. Động tác của “bà” của “cô” thành thục đến độ nơi chuyên đánh đập tra tấn tù nhân để ép cung có khi phải đưa vào danh sách tuyển chọn, nếu thiếu.


Đây đâu còn là chuyện “xã hội đen” đang là tai ương chướng họa cho các cộng đồng cư dân vốn chỉ xin được hai chữ yên bình để mưu sinh trong thời buổi nhiễu nhương đầy bất trắc. Cũng không là bọn côn đồ đầu gấu được thuê tuyển để khỏi phải phơi mặt quá lộ liễu trong việc đàn áp thanh niên biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, nông dân khiếu kiện hay quyết liệt giữ đất. Cũng chẳng phải là hình ảnh người bán hàng rong bị nhà chức trách bóp cổ, còng tay để “giữ gìn trật tự và mỹ quan đô thị” hay chàng thanh niên nọ bị đạp thẳng vào mặt khi bị khiêng quẳng lên xe như khiêng một con lợn để “chống diễn biến hòa bình của các phần tử thù nghịch”!
Đây là chuyện lối xóm, chuyện đường phố! Chuyện khu dân cư với việc chăm nom các cháu bé con em của người lao động được k‎ý‎ thác cho các “bà bảo mẫu“, các “cô nuôi trẻ” để  còn đầu tắt mặt tối kiếm kế sinh nhai. Chắc họ nghĩ rằng, những “bà bảo mẫu”,”cô nuôi dạy trẻ” tự động lập nên “nhà trẻ” này ngay trong khu phố họ sống, cùng chung một cộng đồng, chắc là người lương thiện và dứt khoát không là “phần tử xấu”, là “bọn thù nghịch” định “diễn biến” này nọ với lũ trẻ lên ba rồi. Thôi thì không đủ tiền, đủ thế để chạy được một chỗ trong trường “Mầm non Nhà nước” thì liệu cơm gắp mắm, chọn nơi gửi con ở gần nhà, tiện đưa đón. Thế rồi, họ tá hỏa lên khi nhìn thấy những vết bầm tím trên thân thể con mình, nghĩ lại tiếng khóc thét giữa đêm khuya khi cháu bất thình lình tỉnh giấc và ôm chầm lấy mẹ nằm cạnh, và rồi hôm nay, nhờ thiên phóng sự của nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ tâm huyết và dũng cảm đã kịp thu vào máy quay phim hình ảnh con họ bị lũ ác quỷ hành hạ.
Ác quỷ? Đâu? Nào có thấy bọn “đầu trâu mặt ngựa”? Nào có thấy dụng cụ tra tấn chốn “thập điện diêm vương”? Chỉ có gương mặt người, lại là gương mặt phụ nữ! Họ thực thi các hình phạt khủng khiếp với các cháu lên ba cùng trang lứa với con họ xong thì lại điềm nhiên, bình thản quay lại xúc thìa cháo, gạn bát cơm, bón cho lũ trẻ đang ngoan ngoãn há to mồm nuốt vội vì quá sợ hãi ngón đòn mà “bà”và “cô” vừa ban tặng. Đáng sợ chính là ở chỗ này đây. Kẻ gây tội ác cứ điềm nhiên tự tại như việc ăn cơm, uống nước, nói chuyện, giao đãi, vui cười hàng ngày. Họ đang “hành nghề” mà! Thử hỏi, nếu không có đoạn phim quay lén kia tung lên trước mắt công luận, thì rồi “bà bảo mẫu”, “cô nuôi trẻ” vẫn cứ vui vẻ hành nghề như vậy. các cháu nhỏ của chúng ta sống trong một xã hội được che chở bởi một “nhà nước pháp quyền định hướng XHCN của dân, do dân và vì dân” rồi vẫn cứ phải lớn lên với vết sẹo hằn sâu trong trái tim thơ dại, bé bỏng thuở nào nay sẽ chai sạn với bão táp của cuộc đời để dạn dày thêm trong sự thù hận, uất ức và phẫn nộ.
Rồi trong số các cháu chắc sẽ nảy nòi ra những kẻ bạo hành không duyên cớ, hoặc vì những cớ rất nhỏ cũng có thể cầm dao giết bạn, xòe lửa đốt chết người tình, cầm gậy phang vào đầu bố, lấy búa bổ vào đầu ông, hoắc “tinh nhuệ” hơn thì như vị bác sĩ thẩm mỹ nọ trong vụ Cát Tường…”Gieo cây nào, gặt quả ấy“, ở đây xem ra không có luật bù trừ.
Thế nhưng, chẳng phải là chúng ta đang trong cao trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đó sao? Chẳng phải là các cuộc sơ kết, tổng kết, hội thảo “khoa học”, rồi trao giải thưởng, rồi các bài rao giảng triền miên đều cho thấy là cuộc vận động đang thành công rực rỡ, đang làm chuyển biến sâu sắc đảng bộ này, thành phố nọ…một cách “cụ thể” và “thiết thực”! Ừ thì cứ cho là chuyện nào ra chuyện ấy, không được “vơ đũa cả nắm”, không được “đánh bùn sang ao”, và phải nhớ nằm lòng lời rao giảng : “phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng“.
Quả là phải biện chứng. Bậc thầy của phép biện chứng, nhà triết học Đức G.W.F.Hegel đã từng cảnh báo về một “trạng thái cũ đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá“. Khi bàn về sự xác tín cảm tính, Hegel đã từng nói về cái “sự thật đã ôi thiu” để chỉ ra “cái phổ biến mới chính là cái đúng thật của sự xác tín cảm tính“. Vì thế, Hegel hướng lời kêu gọi của mình chủ yếu vào giới trẻ, những người “còn có trái tim mạnh khỏe, còn đủ dũng khí để kêu đòi chân lý “, và không yêu cầu gì nơi họ ngoài “lòng tin vào khoa học, lòng tin vào lý tính, lòng tin vào chính mình” Chính vì vậy,”hệ thống của Hegel là một cơn mơ trí tuệ mà triết học phải biết thức tỉnh khi đã lớn khôn“! Những ai thích nói về “biện chúng” hãy “lớn khôn về trí tuệ”. Họ cần tìm đọc vở kịch rất ngắn “Đôi giày tuyệt đối” mà tác giả là người cùng thời với Hegel , được in ở phần Phụ lục của “Hiện tượng học tinh thần” của Hegel. Kết thúc vở kịch là lời của “thày đội” : “Hỡi đôi giày tuyệt đối! Số phận của mày rồi sẽ ra sao đây ở trong dòng đời hiện thực“*
Dòng đời hiện thực ấy đang phơi bày một cách trần trụi trạng thái đạo lý‎ xã hội suy đồi mà càng rao giảng đạo đức thì càng băng hoại tưởng như vô phương cứu chữa. Không phải ai khác mà chính ông đương kim tổng bí thư chỉ ra : “Đồng tiền đã chà đạp, xuyên cả vào giáo dục, y tế, công tác đào tạo cán bộ,… cái gì cũng phải bôi trơn, cái gì cũng phải lót tay”.  Cũng chính ông than vãn : “Tham nhũng tổ chức thành đường dây chứ không phải từng người ăn mảnh….họ  đua nhau tham nhũng”. Chỉ mấy ngày trước đây thôi Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Việt Nam tham nhũng  đứng thứ 4  Châu Á, chỉ đứng sau Bắc Triều Tiên, Apganistan, Somalia! Thực ra, ông tổng bí thư chỉ nhắc lại những điều đã ghi trong nghị quyết đại hội 10 : “Suy thoái chính trị, đạo đức lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng“.
Chỉ có điều, “thực trạng suy đồi“, ngôn từ của bậc thầy biện chứng vừa dẫn ra ở trên, đang diễn ra gay gắt hơn, trầm trọng hơn kể từ đại hội 11, thời gian ông đang đương nhiệm. Chuyện đau đớn xúc phạm đến lương tri của những ai còn có lương tri nói trên là một ví dụ sống động quá tiêu biểu về sự băng hoại ấy. Nó vượt xa điều mà ông tổng bí thư quy kết là suy thoái đạo đức, lối sống trong bài nói tại tại Vĩnh Phúc, 25.2 2013 mà VTV1 buổi 19h đã trình diễn trước toàn dân. Vượt xa, nhưng nó lại có “giây mơ rễ má” với thói độc quyền tư tưởng, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết của người nắm quyền lực.
Thực ra thì từ lâu, rất lâu người dân đã quá quen với kiểu ráo hoảnh nói vậy mà không phải vậy của những lời rao giảng mùi mẫn và lừa bịp. Những điều vừa dẫn ra chỉ là một ví dụ sống động được người ở cấp cao nhất của bộ máy quyền lực sắm vai diễn. Cả xã hội đã sống quen với những lời nói dối, lại là nói dối theo sách, nói dối đúng “nghị quyết của đảng” trong khi “tình trạng suy thoái trong Đảng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư đã di căn” như lời của một vị từng gánh trọng trách của đảng đã thừa nhận. Thì, tránh sao được sự băng hoại của đạo lý‎ truyền thống? Đúng là “cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất,… chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cái này thật là nghiêm trọng” điều được ông đương kim tổng bí thư nói trong Hội nghị quán triệt Nghị quyết TƯ 4.
Cái “bộ phận không nhỏ” này càng to lên, đương nhiên là sự oán thán và mất lòng tin cũng tăng lên tỷ lệ thuận với điều này, đây là hệ lụy tất yếu mà chuyện “bà bảo mẫu” và “cô nuôi dạy trẻ” chỉ là một giọt nước tràn ly. Ung thư đã di căn mà cho ngậm kẹo ho rồi thêm viên thuốc cảm cúm để tự trấn an thì tránh sao khỏi sụp đổ. Vì vậy, chuyện “học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh” chỉ có tác dụng rõ rệt nhất là làm hoen ố hình ảnh Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc. Quả thật, “đạo đức là sự bất lực đưa ra hành động“, chưa lúc nào mà lời C.Mác nói về triết thuyết của L.Phơbach lại có được một minh họa sống động bằng câu chuyện răn dạy đạo đức đang được bộ máy tuyên truyền mở hết công suất như hiện nay. Vì, cũng chưa lúc nào mà thực trạng về sự băng hoại đạo đức lại nhức nhối như hiện nay.
Thì người ta còn có phương thuốc nào hơn? Biết là chẳng có tác dụng gì, vì chắc người ta cũng hiểu được rằng,có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đấy, có thể lừa dối một số người trong mọi lúc, nhưng không thể lừa dối tất cả mọi người trong mọi lúc được **. Nhưng nếu không thì còn có cách nào khác khi mà cách hiệu nghiệm nhất để thoát khỏi thực trạng hiểm nghèo hiện nay là đổi mới chính trị đi liền với đổi mới về kinh tế, cách mạng về thể chế để thúc đẩy việc cơ cấu lại nền kinh tế thì người ta lại e ngại.
Phương thuốc hiệu nghiệm nhất là dân chủ hóa, xóa bỏ thể chế toàn trị để từng bước xây dựng một nhà nước pháp quyền đích thực mà tinh thần cơ bản của nó đã được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là tinh thần của thời đại được Hồ Chí Minh trích dẫn theo Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 về “những quyền không ai có thể xâm phạm được”, “những lẽ phải không ai chối cãi được”. Thế nhưng, nhà nước toàn trị hiện nay đang “xâm phạm” nghiêm trọng những quyền đó. “Những lẽ phải không ai chối cãi được” ấy đang bị chà đạp một cách trắng trợn và có hệ thống để nhằm duy trì một chế độ toàn trị phản dân chủ, phản bội lại lý tưởng của Cách mạng Tháng Tám, đi ngược lại tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 2.9.
Một sự lừa dối lớn nhất người ta đã có thể làm, thì những lừa dối khác ngại gì mà không thể! Thì chẳng thế sao. Chính bản thân người đứng đầu đảng cầm quyền đã hữu ý hay vô tình nói lên một sự thật vốn tốn bao công sức che đậy : “Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ nầy không biết đã có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa”. Ấy thế mà vẫn khẳng định rằng : “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”, tức là cương lĩnh xây dựng CNXH, vẫn chỉ đạo quyết liệt lấy cái cương lĩnh xây dựng CNXH ấy làm căn cứ để sửa đổi và xây dựng bản hiến pháp mới để rồi Quốc hội biểu quyết với số phiếu tuyệt đối thông qua.
Có người dẫn ra câu nói của Hứa Hành, danh sĩ thời Xuân Thu bên Tàu để phẩm bình về tâm trạng ông tổng bí thư khi buột miệng nói ra sự thật phũ phàng đó :“Tâm không bình an, khí không hoà nhã thì lời nói hay lầm lỗi”.Có thể có chuyện đó. Nhưng sự thật phũ phàng này thì trước ông tổng, nhiều người đã thẳng thắn và công khai nói rõ mà không hề là buột miệng. Vạch rõ “chúng ta tự lừa dối chúng ta và đồng thời chúng ta lừa dối người khác” như nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban KHXHVN, nay là Viện Hàn Lâm KHXHVN thẳng thắn chỉ ra trong dịp góp ý kiến về “Cương lĩnh” năm 2010 là một ví dụ. Giáo sư Trần Phương vạch rõ :”nói CNXH mà ông không hiểu nó là cái gì cả. Ông nói định hướng XHCN mà ông không biết cái định hướng nó là cái gì… Tôi nghĩ là cái tệ hại đó phải chấm dứt “. Người ta không những không chấm dứt, không thể chấm dứt, mà lại tiếp tục đẩy tới một cách quyết liệt, rốt ráo bởi lẽ chấm dứt điều này đồng nghĩa vớituyên bố sự cáo chung của thể chế toàn trị, đi liền với sự từ bỏ lợi ích của thế lực cầm quyền.
Đã không chấm dứt được sự lừa dối lớn đó thì ngăn làm sao sự đổ vỡ của niềm tin kéo theo sự băng hoại của đạo lý xã hội? Chỉ có điều, không ai khác mà chính thế hệ trẻ phải gánh chịu nặng nề hệ lụy khủng khiếp đó, mà các trẻ lên ba, dưới bàn tay “chăm sóc” của “bà bảo mẫu” và “cô nuôi trẻ” kia là nạn nhân đáng thương đang lay động dữ dội tâm trạng xã hội. Chẳng nhẽ lời cảnh báo của văn hào Lỗ Tấn “hãy cứu lấy trẻ con” không còn đủ uy lực tác động đến lương năng lương tri những người đang nhẫn nhục chịu đựng để sống hôm nay sao?
 Nói đúng ra thì lời cảnh báo ấy đã từng chìm nghĩm trong cuộc “đại cách mạng văn hóa vô sản” do Mao phát động trên quê hương đã “định hướng XHCN” của ông. Các “tiểu tướng hồng vệ binh” được nuôi dưỡng theođịnh hướng ấy quyết trung thành với Mao Chủ Tịch, nên chỉ riêng hạ tuần tháng 8.1966, tại nội thành Bắc Kinh các tiểu tướng ấy đã đập chết tươi mấy ngàn người “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa“. Sau này, Trần Hướng Dương, một tiểu tướng hồng vệ binh tự thú : “Vì sao những đứa trẻ mười mấy tuổi đầu lại dã man giết người không chớp mắt như vậy? … Sự cuồng loạn ấy chẳng những hiện nay không mấy ai tin, mà ngay bản thân chúng tôi nhớ lại cũng không dám tin nữa. Những việc làm xấu xa của hồng vệ binh thật đáng nguyền rủa. Nhưng chúng tôi cũng có đủ tư cách lớn tiếng hỏi lại : ai đã giáo dục chúng tôi thành những thằng điên?”***.  Ai? Bỗng nhớ đến một câu hỏi và câu trả lời  Ai? không ai” trong câu thơ Nguyễn Duy viết năm 1988:
 ”Xứ sở kỷ cương
 Sao thật lắm thứ vua
 Vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chĩa                   
 Vua không ngai – vua choai choai- vua nhỏ…
  Lãnh chúa sứ quân san sát vùng cát cứ
   lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
Luật pháp như đùa như có như không có
 một người đi chật cả con đường
 Ai?
 không ai.
 ["Nhìn từ xa...Tổ quốc"]
Không ai đứng ra nhận lĩnh trách nhiệm về cái “thực trạng suy tàn đang được tập quán thần thành hóa“ như Hegel, nhà biện chứng thứ thiệt đã từng cảnh báo cách nay mấy thế kỷ, nhưng nhân dân thì biết rõ ai phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Sau cú sốc về “bà bảo mẫu”, người ta đang hối hả thực hiện những giải pháp ngăn chặn như kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nuôi dạy trẻ và thấy không kiểm soát nổi thì cầm hẳn. Thì cũng phải vậy thôi. Ai định truy tìm cội nguồn của một biểu hiện đậm nét thực trạng suy thoái đạo lý xã hội dễ dàng bị liệt vào danh mục “phần tử thù nghịch“, nhẹ hơn một tí là “cơ hội chính trị” như ông giáo sư tiến sĩ nọ ở Hội đồng Lý luận TƯ vừa dõng dạc công bố. Quả là “bậc thềm tiến vào thánh đường của trí tuệ là biết sự ngu dốt của chính mình” thôi thì đành bằng lòng với việc làm dễ nhất “mất bò mới lo làm chuồng“. Thế là đúng quan điểm lập trường như vị giáo sư rao giảng vậy.
Không truy tìm cội nguồn, nhưng lại không thể nhắm mắt mãi để khỏi nhìn cái hình ảnh quá ư tàn bạo kia, đành phải mở mắt ra để rồi phải nghe, phải nhìn lên màn hình tivi. “Ma đưa lối quỹ dẫn đường” thế nào, lại nhìn thấy chuyện chướng tai gai mắt. Đó là chuyện ông đại sứ nước ta tại Trung Quốc giữa thanh thiên bạch nhật không chút ngượng ngùng tuyên bố “Việt Nam không hai lòng trong quan hệ với TQ“. Câu này được Vietnamnet giật thành một cái tít rất đậm đập thẳng vào mắt người xem báo hình hôm 16.12.2013 để rồi tiếp đó nói rõ thêm lời ngài đại sứ:
 “Chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, tăng cường hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Chúng ta không có hai lòng. Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc cũng góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới”.
Không chịu nổi, nhấc điện thoại hỏi một vị cựu đại sứ về hưu: “từng là đại sứ anh nghĩ sao về lời tuyên bố xúc phạm đến danh dự quốc gia như thế này? “Ăn ở hai lòng” chỉ sử dụng hàm ý trung thành của kẻ ăn người làm đối với chủ, thề thốt không “lòng cá dạ chim“, “lòng lang dạ thú” thôi. Đại sứ, theo định nghĩa của “Từ Điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm 2002 là “Đại diện ngoại giao cấp cao nhất có đầy đủ quyền hạn để nhân danh nhà nước mình giao thiệp với nhà nước sở tại“. Vậy thì ông đang thề thốt với ai đây?
Vị cựu đại sứ trả lời : “không ai là đại sứ lại nói như vậy. Nhưng ông ơi. Ông này nói như thế là vì ông ấy nói hợp với ý cấp cao đấy“! Càng day dứt hơn. Gọi điện cho một cựu quan chức của Quốc hội. Được trả lời : “Hôm ấy tôi bận, không coi tivi, anh làm ơn gửi qua email cho tôi toàn văn bài đã đăng trên Vietnamnet“. Rồi ông ngao ngán nói thêm : “mà anh, tay này là Ủy viên Trung ương đấy nha“! Ngao ngán không kìm được : vừa xem xong cái clip “bà bảo mẫu“, chưa kịp hoàn hồn thì bị dồn thêm hình ảnh “ông đại sứ“! Hai chuyện chẳng có mối liên quan gì với nhau, cớ sao “một lời là một vặn vào khó nghe” là nghĩa lý ‎ gì?  Đấy là chưa nói đến chuyện trên lĩnh vực ngoại giao, chúng ta đang có nhiều cán bộ có tầm cỡ được đào tạo bài bản, am hiểu thời cuộc và có những đóng góp sắc sảo vào quá trình hội nhập rất đáng trân trọng để mong rằng chuyện đáng buồn vừa dẫn ra chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.  Nhưng chẳng nhẽ vì ham nồi canh ngon mà đành lòng nuốt cả sâu? Đành phải chỉ ra con sâu đó vậy. E rằng “mới hay tiền định chẳng lầm, đã tin điều trước ắt nhằm việc sau“![Nguyễn Du]
Không định làm thày số, chỉ xin tập tọng “biện chứng” tí ti theo gót những vị đang “tiến vào thánh đường của trí tuệ” để tìm hiểu xem sao. Cuốn “Từ điển Tiếng Việt” nói trên không có mục từ “hai lòng“. Đành mở cuốn “Hán Việt Từ điển” của Đào Duy Anh do NXBKHXH ấn hành năm 2000, tra mục từ “nhị tâm“. Cụ Đào định nghĩa như sau : ”không đồng tâm, không trung thành” (déloyal). Học giả họ Đào cẩn thận chú thêm tiếng Pháp, mà tính từ “déloyal” trong tiếng Pháp có mấy nghĩa : “bất nghĩa, bất chính, gian lận“.
Thế là rõ nhé. Tấm lòng của ngài đại sứ đã được “thiên triều” thấu hiểu rồi đó. Và chắc sự thấu hiểu này cũng làm cho đấng “cửu trùng” an tâm rồi nhé. Ngài đại sứ an tâm được rồi, bọn “bới bèo ra bọ”, “chẻ sợi tóc làm tư” để bất bình phẫn nộ này nọ chỉ là bọn “bất mãn“, “trình độ nhận thức hạn chế”, có khi là phần tự thù địch cũng nên. Chỉ biết rằng, ngay sau khi ngài đại sứ nói ra những lời vàng ngọc của phận tôi đòi này thì lập tức Google đưa ngay mục từ “hai lòng” vào nội dung tìm kiếm. Chỉ cần mở Google, gõ vào từ “hai lòng” thì toàn văn bài phát biểu của ngài đại sứ sẽ hiện rõ mồn một. Chưa chừng nhờ làm mất thể diện quốc gia mà ngài đại sứ được thưởng huân chương cũng nên .Thì còn gì ngọt ngào, mùi mẫn hơn, vui lòng người ta hơn, còn lời nào vừa ngắn gọn, vừa súc tích để minh họa cho “sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan“ bằng lời nói đúng phận chủ tớ của ngài đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
Nhưng liệu đây có phải là ẩn số đã hé lộ một phần câu hỏi Ai? Không ai! của nhà thơ đặt ra trên kia? Ai đã kiên định không chấm dứt, không thể chấm dứt, mà lại tiếp tục đẩy tới một cách quyết liệt, rốt ráo viêc “nói CNXH mà ông không hiểu nó là cái gì cả. Ông nói định hướng XHCN mà ông không biết cái định hướng nó là cái gì… chúng ta tự lừa dối chúng ta và đồng thời chúng ta lừa dối người khác“. Mặc dầu biết rằng “Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ nầy không biết đã có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa” nhưng vẫn vạch ra “Cương lĩnh xây dựng CNXH” để trên cơ sở đó mà buộc Hiến pháp phải theo, áp đặt vào đầu óc của dân chúng bằng một bộ máy tuyên truyền mở hết công suất mà bâc thầy phát xít Goebel thời Hítle còn thua xa.
Chính sự nói dối vĩ đại đó là cội nguồn của sự đổ vỡ niềm tin, đẩy tới sự băng hoại của đạo lý xã hội mà câu chuyện “bà bảo mẫu” và “ông đại sứ” kia chỉ là những cái hạch độc nổi lên trên một cơ thể ung thư đã di căn. Nơi đang cung cấp thuốc chữa trị ung thư này là liều thuốc “lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan” kia.
Chính vì cam phận như tuyên ngôn của ông đại sứ mà cái “thực trạng suy đồi” ông thầy biện chứng Hégel đã nói sẽ vô phương cứu chữa. Nhưng nói thế e quá bi quan, hãy lạc quan như ngài tổng bí thư chỉ ra, thôi thì “đến hết thế kỷ” này vậy. Các cháu lên ba dưới bàn tay “bà bảo mẫu” kia rồi còn sẽ dài dài thời gian thử thách và lớn lên cùng với dài dài những bước “quan lộ” của ngài đại sứ. Tình cờ mở trang 2 báo Lao Động ra ngày 20.12.2013 đọc thấy dòng chử đậm nét lời ông Chủ tịch Nước :”Bộ Ngoại giao cần đẩy mạnh công tác tham mưu chiến lược“. Nghĩ dại trong đầu, nếu ngài đại sứ nọ mà “tham mưu chiến lược” thì rồi vận nước sẽ ra sao đây.
Chao ôi,
        "Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế”
         …Hẳn túc trái làm sao đây tá
           Hay tiền nhân hậu quả xưa kia?   
           Hay thiên cung có điều gì?
           Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi !
                                               [Nguyễn Gia Thiều]

Sài Gòn ngày 21.12.2013
 T.L.
* G.W.F. Hegel. “Hiện tượng học tinh thần” NXB Văn học.2006 , tr.234,235, LII, LIV và tr. 1567
**. Abraham Lincoln “You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time”.
*** Tân Tử Lăng. Mao Trạch Đông. Ngàn năm công tội. Thông tấn xã Việt Nam xuât bản năm 2009. tr. 144.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét