Lê Quang Vinh Chi Ðoàn 1/8
Mưa giăng phủ trên nền trời Kontum, hạt mưa nhẹ như sương mù, những
hạt mưa chỉ mang lại ướt át, lầy lội, những hạt mưa không gây chết chóc ai.
Nhưng giữa những cơn mưa vô tình đó là một vùng Komtum khói lửa. Ðịch pháo
như mưa, pháo theo mưa liên tục trút xuống thành phố và các vị trí của quân ta
mà Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn là mục tiêu mưa pháo của địch.
Trong những cơn mưa pháo
đó, mỗi khi đạn đạo của pháo thu ngắn lại do tầm điều chỉnh của Bắc quân, là vị
trí của Chi Ðoàn bị ăn đạn. Lý do là vị trí phòng thủ của thiết giáp chỉ cách Bộ
Tư Lệnh Sư Ðoàn chưa tới 500 mét. Gia đình kỵ binh các cấp đều ăn ngủ bên cạnh
chiến xa, tất cả trong tình trạng sẳn sàng tác chiến, nhận lệnh, chỉ cần khoảng
2 phút là tất cả xích sắt chiến xa chuyển động. Cùng lúc, khả năng tác chiến của
Chi Ðoàn được phục hồi sau khi được trực thăng tiếp tế cơ phận và sửa chữa các
chiến xa bị hư. Chi Ðoàn có được 10 chiếc M41 trong tay sẳn sàng tham chiến.
Giữa tháng 5/1972, SÐ23BB và các đơn vị thống thuộc đã bẽ gẵy ít
nhất là 2 cuộc tấn công của Bắc quân, song áp lực địch vẫn còn đè nặng trên thị
trấn Cao Nguyên này. Quốc lộ 14 lại bị chốt cứng tại đèo Chu Pao. Phương tiện
tiếp tế duy nhứt cho mặt trận Kontum là thả dù, mà địa điểm thả là bãi thả dù nằm
phía Nam khu nghĩa địa. Nếu dù tiếp tế rơi bên này bờ suối thì lọt vào tay bạn,
nếu gió đưa dù qua bên kia bờ suối thì địch có dịp ăn gạo xấy, thịt hộp của phe
ta! Cả tháng trời chỉ có gạo xấy và thịt hộp, không có một miếng rau hay lương
thực tươi, mà nếu từ trời bỗng rơi xuống mấy miếng thịt heo tươi anh em cũng
chưa chắc dám ăn. Cái cảnh heo ăn thịt người làm anh em lợm giọng. Trước mắt
chúng tôi, có mấy lần chứng kiến bầy heo đói sút chuồng chạy rong dọc đường
Nguyễn Huệ, Phương Nghĩa phía Nam phi trường Kontum. Ðàn heo giành nhau gậm xé
một cái chân người, kéo lê trên vệ đường với chiếc giép râu còn dính chặc ở bàn
chân, y như trong một phim ma kinh dị…
Như mọi ngày, địch pháo ngày, pháo đêm, pháo trong cơn mưa, pháo
khi trời nắng, pháo lúc sương mù… Nhưng đêm nay, địch bỗng ngưng pháo. Trực giác
chiến trường cho biết có một cái gì bất thường, nghĩa là địch chuẩn bị giở trò.
Các Chi Ðội báo động và tăng cường canh gác. Trời Kontum tối đen như mực, màn
đêm lại rải xuống những cơn mưa phùn tê buốt thịt da, héo hắt lòng chinh nhân
đang chong súng chờ giặc. Thời gian chầm chậm trôi như con kiến bò từ lổ chiếu
môn đến đỉnh đầu ruồi, những con mắt chong vào đêm tối. Vừa qua khỏi nửa khuya,
khắp nơi, hàng loạt tiếng nổ vang rền như phá tung màn đêm. Ðịch bắt đầu đợt tấn
công mới. Qua hệ thống truyền tin, Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn nhận các báo cáo:
- Ðịch vào tới phi trường!
- Ðịch tấn công Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 44BB trong thành Dak – Pha
- Ðịch tấn công hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh….
Nằm trong tầm quan sát của Thiết Kỵ, trong cái tĩnh lặng của màn
đêm lạnh lẽo giăng giăng mưa lạnh, chợt mìn chiếu sáng và claymore đồng loạt nổ
rực sáng về phía cánh Bravo, nơi bãi thả dù tiếp tế những ngày vừa qua. Bravo
khai hỏa. Ðại bác và đại liên nổ rền một góc thành phố Kontum. Mìn chiếu sáng
và hỏa châu rọi rõ khu vực giao tranh, soi rõ bước chuyển quân của địch khi địch
bị hỏa lực khủng khiếp của chiến xa bắn giạt về phía Nam khu trường học, nhưng
cuộc di quân trốn đạn của định vẫn bị hỏa lực cánh Bravo bám chặt và bị dồn ngược
lại để sau cùng lui về bờ suối, vừa rút vừa bắn trả bằng đại liên, B40, 41 và cả
AT3 nhưng không gây thiệt hại cho các chiến xa cánh Bravo, vì địch không nhìn
ra vị trí các chiến xa. Hỏa lực địch dồn vào vách các căn nhà cháy phía sau
lưng kháng tuyến của Bravo.
Hỏa châu đã thay mặt trời. Tiếng súng ngưng, chiến trường im lặng.
Mặt trời lại từ từ bò lên thế hỏa châu. Tôi phóng ống dòm qua các vùng địch xâm
nhập tấn công hồi đêm, xác địch nằm la liệt trên những gò đất, trên những bụi
cây ngoài tuyến phòng thủ. Ðịnh bụng là sẽ xin lệnh Sư Ðoàn cho các đứa con
bung ra truy kích và khai tác chiến quả, tôi chưa bốc máy thì bất ngờ Trung Tâm
Hành Quân Sư Ðoàn gọi khẩn cấp:
- Toàn bộ gia đình Tài Lực rời vị trí, giao lại cho Bộ Binh. Chuẩn
bị cải cách để giải tỏa áp lực địch trong thành Dak – Pha và tái chiếm lại phi
trường Kontum!
- Tài Lực nhận rõ!
Lệnh ra, trong phút chốc, tất cả chiến xa lăn xích rời vị trí tiến
ngược vào thành phố, rẽ trái tại đường Lê Lợi rồi đổi hướng Bắc để vào thành
Dak-Pha. Tại khu nghĩa địa nhỏ trước cổng Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, địch ẩn nấp trong
các gò mả và giao tranh ác liệt với Trinh Sát Sư Ðoàn. Cách thành Dak – Pha khoảng
500m về phía Nam, có một khu vườn mít, tôi cho lệnh các chiến xa chui hết vào
trong đó để ẩn nấp và quan sát mục tiêu.
Cổng thành Dak – Pha sập đổ nát nhưng bức tường thành phía Nam vẫn
đứng nguyên sừng sững, phân chia trong và ngoài. Tôi nhìn đăm đăm vào tháp nước
nơi khẩu 12 ly 8 của địch đặt trên nóc tháp tác xạ lên máy bay, tác xạ vào các
cánh quân ta tiến vào trong thành. Không thể đi bằng cổng chính để làm mục tiêu
cho địch tác xạ, tôi lệnh cho ba chiến xa dưới quyền:
- Chuẩn bị khoan tường để tiến vào thành!
- Nhận rõ!
Ngay tức khắc, ba chiếc M41 như ba con cua sắt dương càng húc
vào tường. Rầm! Rầm Rầm! Tường vừa sập, chiến xa tràn vào, tác xạ liên tục vô cổng
chính và các căn nhà sập gần tháp nước, nơi địch bắn ra. Vừa lọt vào bờ thành
là các chiến xa đầu chạm địch dữ dội. Toàn bộ Chi Ðoàn vượt qua bức tường đổ. Ðịch
có mặt khắp nơi, trong đống gạch vụn, sau bức vách đổ, sau nhưng ngôi nhà sụp,
trong hầm, trong hố, sau gốc cây… Chỗ nào cũng có tiếng súng địch nhắm vào thiết
giáp.
Bên cạnh, cuộc ác chiến từ hồi đêm còn đang diễn ra tại Bội Chỉ
Huy Trung Ðoàn 44BB, nơi trước đó đã đặt Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn. Nhìn chung, địa thế
rất khó điều động chiến xa. Tôi quyết định nhanh, chia gia đình ra từng phân đội,
cứ hai chiến xa tiến theo một trục để yễm trợ và bảo vệ lẫn nhau. Trục tiến là
đường đi giữa hai dãy nhà đổ nát, một chiếc chạy sát dãy bên phải, một chiếc chạy
sát dãy bên trái, thận trọng tối đa khi tới ngả tư. Ðịch ẩn nấp trong những căn
nhà đổ nát nên tất cả mọi loại vũ khí đều được đem ra sử dụng: Ðại bác phóng
vào hầm địch, đại liên 50 và 30 dìm cứng địch trong vòng tử địa, lựu đạn được
tung vào từng ô cửa sổ, từng góc nhà, từng lổ trống vách tường. Vũ khí chống
chiến xa của địch bị vô hiệu vì khoảng cách hai bên quá gần. Trong trận quần thảo
cận chiến sinh tử này, thế bám trận của địch bị vỡ và địch tháo chạy về hướng Bắc,
để lại vô số cán binh bị chết và bị thương, một tổn thất nặng nề. Các đơn vị bộ
binh của Trung Ðoàn 44 tức tốc tràn ra khỏi vị trí phòng thủ, và một trận phản
công ác liệt diễn ra khắp nơi trong thành Dak- Pha.
Chi Ðoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong trận giải tỏa thành Dak –
Pha, Chi Ðoàn bị hy sinh cũng không nhỏ, kể cả 5 sĩ quan và 3 chiến xa bị hư hại.
Dù vết thương còn đang rướm máu, gia đình Tài Lực lại nhận tiếp lệnh của thượng
cấp: Rời Dak – Pha, giao lại cho Bộ Binh, di chuyển gấp để giải tỏa phi trường.
Xích sắt chiến xa lại nghiến đường bụi đỏ mà ào ào tiến lên, lại lao vào “gió
cát” mà chừng như nghe đâu đó âm thanh của một thứ “hồn tử sĩ gió ù ù thổi”
trong gió Kontum từ thành Dak – Pha thổi theo vết lăn của xích sắt…
* * * * *
Phi trường Kontum nằm về phía Ðông của thành phố và ở vị trí
Ðông Nam thành Dak – Pha. Phi đạo chạy dài theo chiều Ðông – Tây. Phía Nam phi
đạo, gần cổng ra vào có vài căn nhà dành cho hành khách Air Việt Nam và An Ninh
Phi Trường. Phía Bắc phi đạo có một số ụ để máy bay. Cuối phi đạo và dọc theo
hàng rào phi trường là những lô cốt bảo vệ phi trường. Phi trường là một trong
những mục tiêu quan yếu mà Bắc quân phải tấn chiếm.
Tiếng khua động của xích sắt chiến xa không át được tiếng súng nổ
vang mỗi lúc một rõ từ hướng hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh. Tôi mừng trong bụng
là tiếng đại liên 50 vẫn còn nổ ròn rã, vì điều nay cho biết địch chưa chiếm được
căn cứ Trung Ðoàn, dù có nhiều đám cháy trong doanh trại. Từ các ụ máy bay cuối
phi đạo, địch đặt đại liên bắn vào Trung Ðoàn Thiết Giáp để yễm trợ cho bộ binh
tấn công vào hậu cứ Thiết Giáp và khu vực Quân Tiếp Vụ gần thành Dak – Pha… Một
vài lô cốt bị địch thổi sập, nhưng địch vẫn chưa lọt vào được.
Ðịch chưa vào được là hậu cứ Thiết Giáp chưa mất, lực lượng quân
ta vẫn còn. Tôi lệnh cho phân đội chiến xa đầu bọc về phía Nam của hậu cứ Thiết
Giáp, sau đó chuyển sang hướng Ðông rồi bố trí đợi lệnh. Tôi cần thời gian để
quan sát, ước lượng ý đồ, khả năng và mục tiêu của địch… trước khi có kế hoạch
tấn công. Ước lượng sai, hành động sai là tự sát. Ðịch đã ở trong vị thế đã dàn
trận và tấn công. Tôi nghĩ đến cái câu của người xưa “biết mình biết địch, trăm
trận trăm thắng.” Thắng bại gì thì chưa biết, nhưng chỉ biết là yếu tố địch, khả
năng địch, lực lượng địch, vũ khí địch… tôi chưa nắm hết, mà biết mình thì tôi
biết khá rõ.
Mặc dù được bổ sung trên 10 sĩ quan sau trận ác chiến trong
nghĩa địa và sửa chữa, bổ sung chiến xa, nhưng khi giải tỏa thành Dak – Pha,
gia đình Tài Lực bị hy sinh nghiêm trọng một số sĩ quan ưu tú để bây giờ, đối
chiến với Bắc quân đã chiếm phi trường và đang uy hiếp dữ dội hậu cứ Trung Ðoàn
14 Kỵ Binh, Chi Ðoàn chỉ còn lại hai sĩ quan là Chi Ðoàn Trưởng và Thiếu úy
Nguyễn Văn Tám. Các Chi Ðội, Phân Ðội chiến xa được trao quyền chỉ huy cho các
Hạ Sĩ Quan Kỵ Binh kế quyền. Trong tình huống nguy khốn mà vết xích chiến xa chỉ
có đường lăn tới, thầy trò chúng tôi đựa lưng nhau chiến đấu. Tôi gọi Tám:
- Nhiệm vụ của cậu là ở lại với 2 M113 và bảo vệ cho 3 chiến xa
bị hư. Tất cả chiến xa còn lại và anh em Hạ Sĩ Quan gia đình Chi Ðoàn do tôi điều
động. Nhiệm vụ phải hoàn thành trong bất cứ tình huống nào! Cậu nhận rõ?
- Rõ 5! Thẩm quyền!
Giọng Tám chắc và quyết liệt. Tôi họp tham mưu bỏ túi với tất cả
anh em còn lại mà trong đó tôi là Chi Ðoàn trưởng, người sĩ quan duy nhất trong
trận đánh sắp diễn ra. Tuy nhiên, tôi vô cùng tin tưởng những Hạ Sĩ Quan Thiết
Kỵ can đảm và đầy kinh nghiệm của Chi Ðoàn. Theo lệnh tôi, tất cả chiến xa còn
lại của Chi Ðoàn được chia làm 3 Phân Ðội:
- Phân đội 1 gồm 2 chiến xa, do Trung Sĩ Nhất Y – Ðê – Niê ( người
Thượng) chỉ huy.
- Phân đội 2 gồm 2 chiến xa, do Thượng Sĩ Bảo chỉ huy.
- Phân đội chỉ huy gồm 3 chiến xa do tôi, Chi Ðoàn trưởng, trực
tiếp chỉ huy.
Qua hệ thống âm thoại đặc biệt của gia đình Tài Lực, tôi gọi, 2
Phân Ðội và giao trách nhiệm:
- 1 tấn công địch ở ụ máy bay đầu. Phân Ðội Chỉ Huy trách nhiệm
giữ cạnh sườn phải cho 1, sau khi 1 vào tới mục tiêu, Phân Ðội Chỉ Huy tấn công
mục tiêu 2 ở ụ máy bay thứ hai. 2 bảo vệ phía Nam, và Ðông khi Phân Ðội Chỉ Huy
chiếm mục tiêu thì 2 tức tốc tấn công mục tiêu 3 ở ụ máy bay thứ ba. Ngay sau
đó, 1 rút ra bảo vệ cạnh sườn mặt Ðông cho 2. Tất cả 1,2 nhận rõ?
- 1, 2 nhận rõ 5! Thẩm quyền!
Xích sắt chiến xa bắt đầu lăn trên kế hoạch, sau lưng là bộ binh
SÐ23 tùng thiết theo sát chiến xa. Bắc quân đang chỉa tất cả các loại vũ khí
vào hậu cứ Trung Ðoàn Kỵ Binh, bất ngờ tiếng xích sắt vang sau lưng họ. Bắc
quân ngỡ ngàng hoang mang trong tình huống này. Chỉ với 7 chiến xa mà Bắc quân
đã chào đón vô cùng nồng nhiệt với pháo 130 ly, cối 120 ly, đại bác 75 ly không
giật. Pháo địch bắn thành một hàng rào lửa cản chiến xa, lấy phi đạo làm ranh
giới.
Ðể tránh bị ăn pháo, tôi lệnh cho phân đội 1 tác xạ và lao thẳng
vào mục tiêu với tốc độâ nhanh tối đa, trong lúc đó, phân đội chỉ huy trải lưới
lửa vào cạnh sườn địch từ từ ụ máy bay 1 đến ụ máy bay 2. Chiến xa phân đội 1
đã gặp sự chống trả mãnh liệt của địch với đại liên được đặt ngay trên bờ thành
cùng với B40 và B41 tác xạ thẳng vào đội hình của phân đội, đồng thời pháo và đại
bác 75 ly không giật của địch từ cuối phi đạo cũng đồng loạt trút đạn vào các
chiến xa đang tấn công. Chiến xa vẫn tiến. Một trung đội bộ binh bám sát theo
chiến xa. Mục tiêu địch càng lúc càng gần, và “Ầm! Ầm!” Ðại lên địch trên bờ
thành ụ máy bay số 1 bị đại bác chiến xa bắn tung, chiến xa ủi mục tiêu và bộ
binh tràn ngập liền sau đó. Tiếng hô “xung phong” muốn át cả tiếng đạn nổ vang
trời.
Trận đánh càng lúc càng ác liệt và không kém phần hào hứng. Tinh
thần chiến đấu tuyệt vời của Thiết Giáp và Bộ Binh SÐ23 thể hiện rõ ngay trên
trận mạc máu lửa. Người trúng đạn nằm lại tại chỗ, còn khả năng bắn yễm trợ anh
em cứ tiếp tục bắn. Người không bị đạn cứ tiếp tục xông vào phía trước. Chiến
xa nào đứt xích thì nằm lại, tiếp tục tác xạ theo khả năng còn lại của mình,
chiến xa nào còn nguyên cứ lăn xích xông tới. Cả 3 phân đội chiến xa và bộ binh
quần thảo với địch đến xế chiều, từng ụ đại liên địch, từ ụ 75 ly không giật của
địch… liên tục bị nổ tung và tràn ngập. Ðến chiều cùng ngày, Bắc quân bị đẩy
sát hàng rào phía Ðông phi trường và sau đó bị quét sạch.
Súng im tiếng trên toàn phi trường và hậu cứ Trung Ðoàn Kỵ Binh.
Khói từ những đám cháy còn phảng phất trong ánh chiều tà. Trận địa xơ xác, tiêu
điều, những vị trí súng bị phá hủy, những thây người, những vết xích ngang dọc.
Tôi cho chiến xa tiếp cận hàng rào phi trường về mặt Ðông, số tử thương của địch
bỏ lại nơi này có hơn một tiểu đoàn.
Màn đêm kép sụp đến che kín dần những tang thương đổ nát của chiến
trường. Công tác thu dọn chiến trường và tản thương xong, gia đình Tài Lực di
chuyển về vị trí được chỉ định, và mắt vẫn chong vào bóng đêm vất vưởng âm hồn
tử sỉ hai bên.
Lê Quang Vinh
Phụ chú liên hệ:
- Ngày 3/5/1972, TT Việt Nam Cộng Hòa bay lên Kontum, đáp trực
thăng đến mặt trận thăm viếng và ủy lạo chiến sĩ. Mùi thuốc súng vẫn chưa tan
trong thành phố. Cùng ngày, vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội đã gắn một sao lên cổ áo vị
Ðại Tá Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Lý Tòng Bá, đồng thời cũng là tư lệnh chiến trường
Kontum 1972. Cùng lúc, có quyết định thăng một cấp cho hầu hết các chiến binh
tham dự mặt trận.
Chi Ðoàn Thiết Kỵ 1/8 đã là một trong những nhân tố vô cùng quan
trọng đóng góp cho chiến thắng giải tỏa và cứu Kontum, từ ngày nhổ chốt Chu Pao
đến lúc chiếm lại phi trường Kontum. Chi Ðoàn đã hy sinh cho chiến thắng này: -
68 kỵ binh mũ đen, trong đó có 18 sĩ quan. – Trên 300 bị thương
– 2 chiến xa M41 bị phá hủy. – 10 chiến xa bị hư hại nặng.
Ðổi lại về phía địch: -
Trên 10 chiến xa T54 bị bắn cháy. – Bắt sống một T54 còn nguyên
vẹn. – Hơn một ngàn chết bỏ xác tại trận địa, số tử thương và bị thương được đồng
đội mang theo không rõ. -
Chi Ðoàn, với những tổn thất nặng nề như trên nhưng lúc nào cũng
còn khả năng tác chiến và hoàn thành nhiệm vụ trong khói lửa, một phần nhờ lòng
ưu ái của Ðại tá Nguyễn Xuân Hường, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 Kỵ Binh Thiết
Giáp. Gần như Ðại tá Hường đã vét cạn nhân lực của hai Chi Ðoàn 2/8 và 3/8 để bổ
sung cho 1/8 sau những trận giao tranh nặng nề. Ðiều này được thể hiện rõ trong
trận giải tỏa phi trường Kontum và hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh. Khi trực thăng
còn đang đáp xuống sân vận động để di tản thương binh cũng là lúc những sĩ quan
và binh sĩ Kỵ Binh Thiết Giáp đổ xuống từ trực thăng để tăng cường, bổ sung cho
gia đình 1/8 kịp lúc cho những trận đánh kế tiếp. Chính vì thế, toàn thể Kỵ
Binh Thiết Giáp, nhất là Chi Ðoàn 1/8, đã rất kính mến người anh cả Kỵ Binh Ðại
tá Nguyễn Xuân Hường.
Sau khi Kontum được giải tỏa, Chi Ðoàn 1/8 vẫn lại là đơn vị Thiết
Kỵ duy nhất ở lại Kontum chứ không được thay thế để dưỡng quân, để rồi vài
tháng sau đó, 1/8 Thiết kỵ lại cùng Bộ Binh SÐ23 lại quần thảo với Bắc quân
trong một trận dạ chiến ác liệt để tái chiếm căn cứ hỏa lực Non Nước gần Ngô
Trang nằm về hướng Tây Bắc Kontum, đánh bật 2 tiểu đoàn địch ra khỏi vị trí
đóng chốt, cứu nguy cho Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 53 và toán cố vấn Mỹ.
Khi căn cứ hỏa lực Non Nước lọt lại vào tay ta, Trung tá cố vấn
trưởng Trung Ðoàn đã nói trước mọi người:
- Ðây là đơn vị chiến xa tuyệt vời mà lần đầu tiên trong đời
binh nghiệp tôi mới chứng kiến trong trận đánh!
Cũng sau đó, chính ông đã đề nghị cấp huy chương “anh dũng bội
tinh/silver star ” của Hoa Kỳ cho Chi Ðoàn Truởng 1/8 Thiết Kỵ Lê Quang Vinh.
Lê Quang Vinh
A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét