Bảo Ân
Bản án
Quyết định không nhận chức Khu trưởng Khu 7 của Bảy Viễn là một bất ngờ lớn đối
với Thường vụ Nam bộ. Muốn giữ Bảy Viễn chỉ có nước rút lại quyết định giải thể
tổ chức Bình Xuyên. Nhưng điều này không thể nhân nhượng được vì Pháp đã quyết
tâm biến Bình Xuyên thành đồng minh và đang tiến tới lập chiến khu quốc gia
theo chỉ thị của Cao ủy Émile Bollaert. Vậy giải quyết rắc rối này như thế nào
đây? Thường vụ Nam bộ họp khẩn ngay trong đêm đó. Có hai ý kiến trái ngược
nhau: Trung tướng Nguyễn Bình nhân danh ủy viên quân sự Nam bộ kiêm Phó thủ tịch
ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ chủ trương bắt Bảy Viễn đưa ra tòa án tối
cao xét xử, ông nói:
- Tôi là quân nhân, khẩu hiệu của bộ đội cách mạng là "công thưởng tội trừng".
Chúng ta đã có nhiều bằng cớ chứng tỏ Bảy Viễn "đi đêm" với Phòng
Nhì. Vụ Phán Huề bị bắt ở Chi đội 7 cho thấy chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân
với Thủ hiến Trần Văn Hữu quyết tâm ve vãn Bảy Viễn để nắm Bình Xuyên. Ðây là dịp
may hiếm có Bảy Viễn đã về Nam bộ lần đầu tiên mà cũng có thể là lần duy nhất.
Ta nên bắt y và đưa ra xét xử đúng luật công minh.
Nhiều vị ủy viên gật gù tán đồng ý kiến này.
Nhưng Trưởng phòng Dân quân Nam Bộ Lê Duẩn lại đưa ý kiến trái ngược lại:
- Tôi đề nghị cứ để Khu phó Lê Văn Viễn tự do về Rừng Sác. Ta không nên làm lớn
chuyện vụ nầy.
Anh Ba Bình liền cật vấn anh Ba Duẩn.
- Tại sao lại tha Bảy Viễn trong khi chúng ta nắm đủ bằng cớ phản cách mạng của
y?
Anh Ba Duẩn nhìn mọi người một lúc rồi thong thả trình bày:
- Bắt thì quá dễ, nhưng sẽ đổ máu, vì Bảy Viễn đã phòng thân khi mạo hiểm về
đây. Ta đã phái hai ba sứ giả chí thân với Bảy Viễn thuyết phục ông ta về đây
nhưng ông ta tin chắc sẽ mắc kế "điệu hổ ly sơn" nên đưa theo hai đại
đội "cứng" có cả khẩu đại bác 20 ly mượn của Chi đội 4.
Nguyễn Bình cắt ngang:
- Hai đại đội cứng có nghĩa gì với cả chục trung đoàn chúng ta đang đóng rải
rác khắp hai khu 7 và 8!
Anh Ba Duẩn liền nói tiếp:
- Cho tôi nói hết ý. Trung tướng ủy viên quân sự xử sự đúng cương vị quân sự của
đồng chí, còn tôi là cán bộ chính trị nên tôi trình bày quan điểm của tôi về
chính trị. Trước đây, đối với giáo phái, ta phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng như
tảo thanh Cao Ðài, Hòa Hảo. Rất may là ta kịp thời nhận ra âm mưu chia để trị của
thực dân nên đã cố gắng sửa sai. Bây giờ lại xảy ra vụ Bình Xuyên. Nếu ta bắt Bảy
Viễn đem ra xử - mà tội ông ta chắc chắn phải là tử hình - thì hậu quả sẽ như
thế nào? Thực dân vỗ tay khoái trá hò hét:
- Thấy chưa, tụi tôi nói có sai đâu! Việt Minh độc quyền yêu nước, Việt Minh
tiêu diệt giáo phái. Bảy Viễn theo Việt Minh ba năm, leo lên tới thức Khu trưởng
Chiến khu 7 mà vẫn bị bắt giết như thường?...
Ðó, quan điểm của tôi về vấn đề Bảy Viễn là như vậy, các đồng chí thấy thế nào?
Vài người gật gù tán thưởng.
Một người nói:
- Ý kiến của hai anh Ba đều hay, mỗi người theo cương vị mà phát biểu. Bên quân
sự quyết định bắt đưa ra tòa xét xử cũng hay, bên chính trị lo ngại thực dân
tuyên truyền ta độc quyền yêu nước, tàn sát giáo phái cũng chí lý...
Có tiếng cười:
- Nói như đồng chí thì ba phải quá? Tôi đề nghị biểu quyết đúng theo nguyên tắc
Ðảng.
Anh Ba Duẩn nói:
- Trước khi biểu quyết, cho tôi nói một câu chót: Bảy Viễn kéo quân về thành đầu
Tây là tự y ký bản án kết thúc sinh mạng chính trị của y. Lâu nay y theo cách mạng
thì được nhân dân kính yêu vì tấm lòng yêu nước của y. Nay đột nhiên y bỏ về
thành là tự y vạch trần cái mặt nạ y đeo trong 3 năm qua. Theo tôi nghĩ, bản án
tử hình đã do chính Bảy Viễn tự ký, chúng ta không phải bận tâm đưa y ra xử làm
gì cho thêm rắc rối!
Cuối cùng, biểu quyết theo thể thức đưa tay và đa số ngả theo ý kiến của anh Ba
Duẩn.
Cũng trong đêm đó, hai liên lạc viên của Chi đội 9 là Hoằng và Cung hỏa tốc xuống
Nam Bộ báo cho Bảy Viễn biết tổng hành dinh của Bảy Viễn đã bị tảo thanh.
Vừa nghe tin dữ, Bảy Viễn thất sắc, hai chân như lảo đảo. Giọng hổn hển, Bảy Viễn
nạt:
- Tảo thanh làm sao? Nói kỹ cho tao nghe?
Hai tên Hoằng, Cung tranh nhau nói:
- Hai đại đội của mình vừa tới Ðồng Tháp Mười thì có lệnh tảo thanh. Chi đội
nào làm theo chi đội nấy. Mấy cha chính trị viên cầm đầu bộ máy tảo thanh. Tại
Chi đội 9 của mình thì thằng Tám Tâm cầm đầu. Nó có một vài trung đội trung
thành chận hết các con rạch ra vô thành phố. Tư Ty vừa đưa vợ về thành thì bị
Trần Công Ðức và Lưu Quý Thoái chận bắt. Tám Tâm lùng bắt mấy người thân tín của
ông Bảy như ông Lâm Ngọc Ðường. Nghe nói ông Ðường nhanh nhân xuống tam bản chống
vô rừng. Chưa biết có trốn thoát được không. Ba Rùm phụ trách binh công xưởng
cũng bị Tám Tâm bắt. Nghe nói Ba Rùm cự nự dữ và yêu cầu ông Năm Hà can thiệp.
Bảy Viễn chửi thề:
- Đ. mẹ thằng Tám Tâm? Nếu thủ tiêu nó ngay từ đầu thì đã tránh được hiểm họa
ngày nay.
Tư Sang vội nói:
- Ông Tư Thiên nhận định thật là tài. Ông nói đi Nam bộ là mắc kế "điệu hổ
ly sơn". Nhưng ta tương kế tựu kế. Nhân dịp này mình kéo rốc về thành.
Nghe nói Thiếu tướng De la Tour sẽ dành cho mình một vùng đất bên Chánh Hưng để
tạm đóng quân.
Bảy Viễn thở dài:
- Ngu quá sức ngu! Ðã nghi gian kế mà vẫn bị mắc kế như thường. Tình thế đã vậy
thì mầy cho rút quân càng nhanh càng hay!
Ra Côn Ðảo lần một
Hồ sơ Mật Thám còn ghi rõ lai lịch Bảy Viễn, là một tù nhân thường phạm nhiều lần
vào tù ra khám. Tên thật là Lê Văn Viễn, sinh năm 1904 tại Phong Ðước, tỉnh Chợ
Lớn (nay là quận 8 TP Hồ Chí Minh), cha là Lê Văn Dậu, lai Tiều. Vậy Bảy Viễn
là gốc Minh Hương (cha Tiều mẹ Việt).
Sinh năm Giáp Thìn (1904), năm có trận bão lụt ghê gớm nhất trong lịch sử Nam kỳ
lục tỉnh mà báo Mông Cổ Min Ðàm năm 1904 đã có bài tường thuật. Chênh năm kinh
khủng đó lại cho ra đời một tay du đảng khét tiếng làm điên đảo đám nhà giàu và
làng lính, cò bót Tây tà. Nhưng Bảy Viễn bắt đầu vào đời với chuỗi tiền sự tiền
án không lấy gì vẻ vang. Vào tù lần đầu là ngày 14. 2. 1921, lúc mười bảy tuổi.
Lý do vào tù: ăn trộm xe đạp Bản án: 20 ngày tù giam. Rồi tới vụ thứ hai, ngày
31. 5. 1927 hai tháng tù giam về tội hành hung. Vụ thứ ba ngày 28. 8. 1936, mười
hai năm tù, đây là vụ đánh cướp bằng súng đầu tiên của Bảy Viễn.
Sau khi vượt ngục Côn Ðảo, Bảy Viễn đánh cướp có bài bản hơn. Bảy Viễn học hết
các lớp trường làng thì đi bụi đời, học võ, học giồng, mình xâm rồng ở lưng, đầu
rồng trên cổ, đuôi rồng tận hậu môn. Hai vai xâm đầm ở truồng, bùa và đầu rắn
xâm ở đầu dương vật. Về thể hình, Bảy Viễn to, cao một mét bảy mươi. Cha là Lê
Văn Dậu tham gia Thiên Ðịa Hội, nhóm Nghĩa Hòa Ðoàn, có tinh thần Phù Minh diệt
Thanh. Do đó, Bảy Viễn có máu giang hồ từ nhỏ. Khi còn gát sòng bạc trong
Chợ Lớn, một hôm bị chủ sòng bạc quở mắng, Bảy Viễn đánh chủ trọng thương. Ra
tòa lãnh hai tháng tù. Mỗi lần ra tù lại thăng một cấp trên chiếu anh chị. Bảy
Viễn lập băng nhóm xưng anh chị chợ Bình Ðông, bảo vệ các trường gà. Khi thế lực
mạnh, Bảy Viễn đừng bến xe đò lục tỉnh đường Schreiner (bên hông chợ Bến Thành,
nay là Phan Châu Trinh). Trong một vụ cướp tiệm vàng ở Giồng Ông Tố, lấy được
6. 000 đồng (bấy giờ 1 đồng mua được 5 giạ gạo), Bảy Viễn bị thộp cổ ở ga xe điện
Louvain (gần rạp Nguyễn Văn Hảo trên đại lộ Trần Hưng Ðạo). Ngày 28. 8. 1936,
Tòa đại hình kết án Bảy Viễn 12 năm khổ sai đày đi đảo Côn Lôn.
Năm 1936, Côn Lôn nằm dưới quyền chúa đảo Tây Bouvier. Bouvier làm chúa ngục
Côn Lôn hai nhiệm kỳ, lần đầu từ 1927 - 1931 (bốn năm) lần sau từ 1935 - 1942
(sáu năm). Bouvier mập núc, tròn vo, không chịu nổi sức nóng miền nhiệt đới nên
cả ngày chỉ ngồi trong phòng chúa đảo, mặc quần sọc, cởi trần, mình thoa phấn
như trẻ con thoa phấn ngừa rôm sẩy. Công việc trị tù lão ta giao hết cho thầy
chú. Bấy giờ có nạn dùng tù Miên trị tù Việt. Ác ôn khét tiếng là tên cặp rằn
Phòng 5 tên Khăm Chay, một tướng cướp núi Tà Lơn ở biên giới Việt Miên. Tên này
võ nghệ cao cường, lại có gồng Trà Kha, rồi bùa ngải đủ thứ.
Khi Bảy Viễn bi đưa vào phòng 5 là thầy chú muốn mượn tay Khăm Chay diệt giùm họ
tướng cướp vùng Bình Xuyên nổi tiếng ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Nhưng ta hãy theo dõi cuộc hành trình từ Khám Lớn Sài Gòn tới đia ngục Côn Lôn
của Bảy Viễn. Tây giữ bí mật tới giờ chót mới cho tù biết 5 giờ sáng ngày N.
lên xe bít bùng từ Khám Lớn xuống bến tàu Sài Gòn kế bên hảng Ba Son. Tại đây
tù nhân bi còng tay từng cặp hai người lùa xuống tàu. Tất cả tù nhân dều ở dưới
hầm tàu, trên boong chi có thầy chú và thủy thủ. Nếu gặp bão to sóng dữ, tàu
chìm thì tù chết trước chết vì kẹt dưới hầm tàu mà tay lại bị còng. Bảy Viễn
ngay phút đầu đã bất mãn và thề quyết sẽ bằng mọi cách vượt ngục, dù phải trả bất
cứ giá nào.
Tàu tới Côn Ðảo, nhưng tàu lớn không cập bến được, tù phải chuyển xuống xà lan
nhỏ. Từ trên cao, tù phải đi thang dây thả dựng đứng. Ði một mình đã khó, tù lại
bị còng tay, hai người cùng xuống thang dây một lúc, thật khó như làm trò xiếc.
Chính mắt Bảy Viễn trông thấy các tù già trật chân rơi xuống biển làm mồi cho
cá mập.
Lính coi tù người Malabar (thổ dân Ấn Ðộ) thúc tù lên ca - nô chạy vô cầu tàu.
Từ tàu lớn vô cầu tàu xa 500 thước. Trên bến có đông đủ lính coi tù, vợ con
lính đứng xem tù mới ra như là một chuyện lạ, vui trên đảo. Tù chính trị xếp
hàng bên trái, được thầy chú đưa về bagne 2 (tiếng Tây có nghĩa là Trại). Tù
thường phạm xếp hàng bên phải được đưa về bagne 1. Bảy Viễn bình tĩnh quan sát
mọi việc trên đảo mà từ lâu đã nghe các tù từ Côn Lôn về kể. Anh thấy con đường
dọc mé biển được đặt tên là Quai Andouard (bến Andouard). Vài ngày sau, Bảy Viễn
biết Andouard là tên tàn bạo nhất, làm chúa đảo hai năm (1917 đến 1919) thì bị
tù nhân tên Tư Nhỏ giết ngày 3. 12. 1919. Biết được tin này, Bảy Viễn rất phấn
khởi. À, thì ra trong tù cũng có tay hảo hớn, dám chết vì đại sự. Chuyện Tư Nhỏ
liều chết trừng trị tên chúa đảo Andouard giúp Bảy Viễn giữ vững
tinh thần trong nhưng ngày thử thách dữ dội nơi địa ngục trần gian.
Thời ấy có chuyện lạ: thầy chú cho phép tù đem vô khám thuốc lá, ống quẹt,
nhưng cấm tuyệt đối dao, lưỡi lam và đinh. Mỗi khi vào, người tù phải cởi truồng,
giang hai tay, hai chân cho lính xét coi có giấu thuốc phiện trong người không.
Sau này anh em tù gọi là múa phụng hoàng. Bảy Viễn xâm cùng mình nên khi trần
truồng, cả khám đều nhìn xem. Thằng xếp khám Santini và thằng lính Tây lai
Bonifacy lấy làm thích thú, thường hay hỏi chuyện Bảy Viễn.
Bảy Viễn ra đảo năm 1936, là năm Mặt trận Bình Dân phát động phong trào mở rộng
dân chủ tự do cho các thuộc địa. Chế độ lao tù cũng được cải thiện. Tại Côn Ðảo,
anh em tù biết tương thân tương ái hơn, tất nhiên do tù chính trị khởi xướng
làm gương cho tù thường phạm. Số tù của Bảy Viễn ở đảo là 7863. Bảy Viễn ra đảo
vài tháng thì có một bất ngờ lớn xảy ra có lợi cho Bảy Viễn:
Tàu chở hành khách tên Gougal Pasquier chạy tuyến Sài Gòn - Singapore ghé Côn
Lôn vài tiếng đồng hồ. Trên chuyến tàu này có luật sư Kim. Gia đình bên vợ Bảy
Viễn - cha vợ là triệu phú Huỳnh Ðại xuất thân buôn ve chai như Chú Hảo nhờ vận
may phát tài, nhờ luật sư Kim chuyển cho Bảy Viễn một ngàn đồng - mười tờ giấy
bộ lư (giấy 100 đồng). Mười tờ giấy nầy cuộn tròn thật nhỏ, nhét trong ống đốt
ngà. Bảy Viễn có thể giấu gọn nơi hậu môn. Khi cần thì vô hố xí móc ra, lấy một
tờ đủ chi dụng trong nhiều tháng. Do có kho tiền trong mình nên Bảy Viễn càng
giữ gìn ý tứ thận trọng đi đứng. Bảy Viễn tuy học ít ở trường làng nhưng học
nhiều trong cuộc sống. Anh biết câu châm ngôn "đồng tiền đi trước là đồng
tiền khôn" nên khéo léo đổi tiền lớn ra tiền nhỏ để dễ bề chi tiêu. Khi thầy
chú cần tiền cờ bạc thì Bảy Viễn vui lòng cho mượn rồi làm như quên, không bao
giờ đòi để gây tình cảm.
Cuộc sống đang êm xuôi thì bỗng nhiên Bảy Viễn bị đổi sang Phòng 5 là nơi cặp rằn
Khăm Chay làm chúa tể! Bạn bè, kể cả thầy chú đều lo cho anh. Một thầy chú mách
nước: "Qua đó phải mặc áo, dù trời nóng. Ðừng để Khăm Chay thấy cái lưng
xâm rồng của anh. Thế nào nó cũng giết anh".
Bảy Viễn chột dạ. Làm sao "chơi tay đôi" với thằng cọp rằn Phòng 5
Khám chay đây?
Cặp rằn Khăm Chay
Ngay ngày đầu vô Phòng 5, cũng gọi là Khám 5, Bảy Viễn đã kín đáo quan sát cặp
rằn Khăm Chay. Ðúng như thầy chú báo trước, Bảy Viễn thấy tên này rất đáng ngại:
cao trên l m70, vạm vỡ, mình xăm bùa ngải chữ Miên hay ấn Ðộ lăng quăng như con
rít. Hắn đang nằm trên chồng chiếu cao, có hai tên lâu la hầu hạ, một đấm bóp,
một quạt. Vừa thấy Bảy Viễn vô, hắn đưa tay lên ngoắt Bảy Viễn tới trình diện.
Anh nhớ lời thầy chú dặn: Chớ cho Khăm Chay thấy cái lưng xăm rồng. Nó thấy thế
nào cũng thủ tiêu vì biết Bảy Viễn là một du đãng khét tiếng và là một đối thủ
lợi hại. Cho nên dù trong khám nóng bức, Bảy Viễn vẫn cẩn thận không cởi áo tù.
Anh thấy Khăm Chay ở trần, chỉ mặc quần đùi, lại được em út quạt thì căm thù lắm
nhưng vẫn giử giọng mềm mỏng của kẻ cô thế: "Tôi mới vô phòng này, xin có
chút lễ vật kính tặng đại ca". Vừa nói, Bảy Viễn lấy trong giỏ xách một
chiếc áo thun ba lỗ bằng tơ, hiệu Ðầu Nai của Thượng Hải, cầm hai tay kính
dâng.
Mắt Khăm Chay sáng ngời lên, hắn gật gù:
- Mày biết điều quá! Tao rất thích mặc áo thun ba lỗ bằng tơ Thượng Hải. Trời
nóng, bận vô thấy mát rượi.
Hắn giật chiếc áo từ tay Bảy Viễn, ngồi dậy mặc vào.
Áo vừa khít, làm nổi bật thân trên lực lưỡng như một lực sĩ cử tạ.
Nhờ dùng tiền bạc mua thầy chú, Bảy Viễn được đưa đi làm vệ sinh ở nhà bếp Trại
I.
Tại đây Bảy Viễn gặp vài nhân vật tên tuổi mà đứng đầu là Thommas Phước.
Anh tù này rất đẹp trai. Dân "cậu" quê Mỹ Tho, có bằng Brevet nhưng
không thèm làm thư ký cạo giấy mà thích sống đời dọc ngang. Năm 1922, Thomas
Phước ' đánh ' cướp xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Nhưng vụ đánh cướp nhà buôn lớn nhất
Sài Gòn là Gian Magazin Charner, góc đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) - Bonard (Lê Lợi),
đối diện khách sạn Rex. Nhà hàng Charner rộng mênh mông, có ba tầng, mỗi tầng
chia ra nhiều gian hàng như gian hàng tơ lụa, gian hàng đồ da, gian hàng nữ
trang, gian hàng đồng hồ, bút máy v. v.. Ðắt giá nhất là gian hàng đồng hồ loại
sang như Omega, Rolex, có chiếc cẩn hột xoàn dành cho khách hàng quý tộc, trưởng
giả học làm sang. Gian hàng này chủ giao cho một cô đầm xinh đẹp trông coi.
Thomas Phước đã đóng vai dân cậu thích chưng diện, hằng ngày lui tới tìm các
hàng hóa đúng thời trang Paris mới sang, như sơ mi, cà - vạt nút mănsét, giày
ý, đồng hồ Thụy Sĩ v. v...
Sau một thời gian nghiên cứu, Thomas Phước hốt hết mấy trăm đồng hồ loại quý
trên lầu nhà hàng Charner.
Vụ trộm thật tuyệt vời, làm điên đầu cò bót. Nhưng vỏ quít dày có móng tay nhọn.
Bên Pháp gởi qua một thám tử tư để tăng cường cho các thanh tra cảnh sát Pháp ở
Sài Gòn. Thám tử này điều tra theo phương pháp cổ điển: khám chị em phụ nữ là
ra đầu mối. Y diều tra tên gái đêm ở nhà hàng và được biết tên này mới làm quen
với một cô gái xinh đẹp. Phăng ra thì đúng là cô em của Thomas Phước. Phước đã
dùng mỹ nhân kế, đưa em gái mình ra dụ dỗ tên gác dan đúng vào thời điểm Thomas
Phước trổ tài "ăn hàng".
Ra tòa, Phước không mướn luật sư mà tự biện hộ:
- Tôi nhìn nhận phạm tội vì có tật mê cờ bạc. Ðể tiện việc đánh cắp gian hàng đồng
hồ quý giá, tôi đang tâm đưa em gái tôi vào vòng tội lỗi. Tôi không xin tòa
khoan hồng cho tôi mà chỉ xin cho em gái tôi được hưởng trường hợp giảm khinh.
Em gái tôi có Tú tài, là nữ sinh Trường Couvent des Oiseaux (trường nữ sinh nhà
Dòng)...
Thomas Phước đi ngay vô đề:
- Chú mày đã biết gì về tên cặp rằn Khám 5?
Bảy Viễn gật:
- Tôi có quen với thằng Dao từ trên 10 năm nay. Nó can tội giết người, lãnh án
tù chung thân năm 1931. Dao cho tôi biết tên Khăm Chay ác độc chưa từng thấy.
Nó cướp tiền của mọi người trong khám. Người hết tiền, nó cạy răng vàng của người
ta.. ..
Thomas Phước gật gù:
- Còn gì nữa?
Bảy Viễn kể tiếp:
- Khám 5 có sòng bạc do Khăm Chay làm chủ sòng. Nó Giấy xâu ba mươi phần trăm.
Mỗi tháng kiếm sơ sơ 300 đồng, bằng lương chủ ngục Tây .
Thomas Phước cười:
- Cái đó mình cũng biết rồi. Thằng Dao còn nói gì thêm?.
Bảy Viễn bật cười:
- Còn một chuyện này nữa: Ở tù mà chơi đĩ cũng được nữa, chuyện hi hữu. Vợ Mã
tà chịu "nhảy dù" với giá 50 xu. Hạng sang thì 1 đồng. Thằng Dao nói
rõ là vợ Mã tà 76 rất đẹp, mới hăm hai thôi. Giá một đồng.
Im lặng một lúc, Thomas Phước đổi giọng nghiêm nghị:
- Thằng Dao là thằng hèn. Nó đã bị thằng Khăm Chay làm nhục mà không dám chống
cự. Mày không nên chơi với nó.
Bảy Viễn hỏi:
- Theo anh thì tôi phải đối phó với cặp rằn Khăm Chay như thế nào?
Thomas Phước ngẫm nghĩ:
- Ðánh Khăm Chay phải có bài bản. Trước nhất chú mày phải khéo léo liên kết với
một số tù tốt, chơi được để đối phó với đám lâu la của Khăm Chay. Ðể chúng nó đấu
với nhau, còn chú mày thì chơi tay đôi với Khăm Chay. Tao chưa biết hai đứa bây
ai tài hơn ai, nhưng muốn chắc ăn phải đánh trước. Sách võ dạy "xuất kỳ bất
ý" - đánh vào lúc bất ngờ nhất. Vậy là ta chiếm thế thượng phong...
Bảy Viễn thích thú gật lia:
- Cái đó tôi biết. Tiên hạ thủ vi cường. Tôi thường xài.
Thomas Phước trao cho Bảy Viễn một gói nhỏ:
- Cái này rất cần trong trường hợp chú mày đánh không lại thằng Khăm Chay.
Bảy Viễn tự ái:
- Sao anh biết tôi chơi không lại thằng Khăm chay? Gói này là cái gì đây? (vừa
hỏi vừa mở ra xem). À, muối tiêu! Thôi cũng được. Ðể tôi lận lưng, phòng lúc mình
yếu thế.
Hạ thủ Khăm Chay
Trở về phòng 5 Bảy Viễn có phần tươi tỉnh hơn.
Thomas Phước đã dạy cho anh những bài học vô giá - giới giang hồ không lạ gì những
bí quyết này, nhưng cái hay của người thầy nơi hải đảo xa xôi này là nhắc tuồng
đúng lúc, chỉ điểm đúng mặt.
Ðối thủ không đội trời chung của Bảy Viễn là Khăm Chay. Muốn thắng địch phải biết
người biết ta.
Bảy Viễn vẫn mặc áo khi bước vào khám. Không cho Khăm Chay thấy con rồng xâm
trên lưng.
Ði ngang qua chiếu cặp rằn, anh thấy Khăm Chay mặc áo thun tơ mới tinh của
mình. Anh nuốt nước miếng, cố dằn cơn phẫn uất.
Bảy Viễn về chiếu mình trái trong một góc tối. Nằm trên chiếu, anh suy nghĩ triền
miên: Chỗ mạnh và chỗ yếu của Khăm Chay là ở đâu? Sau một đêm quan sát Bảy Viễn
thấy ngay: Phòng 5 có trên 120 tù thường phạm. Thầy chú nhắm mắt cho cờ bạc gần
như công khai. Ai có tiền được tự do thử thời vận. Ða số tù là dân có máu đỏ
đen. Chuyện buồn cười là thầy chú cũng tham gia, đôi khi cay cú nướng hết tiền
lương tháng.
Tên mã tà 76 cháy túi tới hỏi vay Bảy Viễn. Anh không bỏ qua dịp may, lấy tờ
con công (5 đồng) nhét vô tay hắn để hôm sau, mã tà 76 tiết lộ với Bảy Viễn:
Dân cờ bạc trong phòng 5 không ưa Khăm Chay vì tên này dựa hơi phó đảo Jean
Jacques mà làm trời ở đây. Chúa đảo Bouvier không chịu nổi cái nóng vùng nhiệt
đới nên cứ ngồi trong văn phòng vặn quạt máy vù vù, trên bàn luôn luôn có ly cà
phê đá, mọi việc điều hành đều giao trọn cho phó đảo Jean Jacques. Tên này dùng
tù Miên trị tù Việt.
Nguy hiểm nhất là đội quân Recherehes toàn lính Miên. Bọn này chuyên leo núi,
vượt suối, biết rõ những nơi tù bứt mây làm bè, biết các bãi tù khiêng bè xuống
biển. Phần lớn các vụ vượt đảo đều do bọn này phát hiện và bắt lại. Riêng Khăm
Chay thì nằm chỉ huy bọn lâu la tới các sòng bạc lấy xâu một phần ba. Tính ra
hàng tháng, Khăm Chay thu vô 300 đồng, bằng tiền lương chúa đảo Bouvier.
Bảy Viễn mừng thầm. Chỗ yếu của Khăm Chay là đây. Nó như con trăn khổng lồ nằm
một chỗ mà nuốt những con mồi to gấp đôi, gấp ba. Mắc nghẹn là chuyện tất
nhiên. Mình đánh vào lúc nó mắc nghẹn là nắm phần thắng.
Hôm sau, vẫn theo thầy chú ra làm vệ sinh nhà bếp. Bảy Viễn báo với Thomas Phước
về sự phát hiện sốt dẻo này.
Thomas Phước cười nói:
- Mình cũng có một tin vui cho chú mày. Thằng xếp Xantini không ưa Khăm Chay
nên muốn chú mày khử Khăm Chay. Bây giờ thì chú mày hạ thủ được rồi. Thầy chú sẽ
ngó lơ cho tụi bây thanh toán nhau.
Bảy Viễn quyết định nhanh chóng: sẽ động thủ trong đêm nay. Ðể lâu, sợ Khăm
Chay biết mà đề phòng.
Ðêm đó, Bảy Viễn ngang nhiên cởi áo ra đi tắm, cố ý cho Khăm Chay thấy con rồng
lửa trên cái lưng vạm vở như tấm thớt đinh.
Ðây là một hành động khiêu khích, Khăm Chay từ lâu đã để ý Bảy Viễn vì thấy tay
này lúc nào cũng mặc áo như một thằng ho lao sợ gió, nay bỗng nhiên lại thoát y
một cách công khai như thách thức mình... Mà thằng này không phải là tay xoàng
đâu vì con rồng xâm trọn cái lưng, màu đỏ rực. Lập tức Khăm Chay chống chỏ ngồi
bật dậy, đưa tay ngoắt Bảy Viễn tới trình diện.
Bảy Viễn thấy rõ thái độ xấc láo của Khăm Chay nhưng vờ không để ý.
Khăm Chay điên tiết ra lệnh cho lâu la chạy tới yêu cầu Bảy Viễn "tới hầu"
cặp rằn.
Bảy Viễn đã chuẩn bị kỹ cuộc thư hùng đêm nay, gói muối tiêu để dưới chiếu,
nhưng Bảy Viễn không dùng tới . Thiên hạ sẽ nghĩ gì về Bảy Viễn khi biết mình
dùng đòn "hạ sách" để hạ cặp rằn Khăm chay? Gói muối tiêu này sẽ làm
giảm chiến công của Bảy Viễn.
Thấy Bảy Viễn chậm chạp, tên lâu la cười, hỏi:
- Sợ hả? Nếu biết sợ thì hứa với Khăm Chay một tiếng thôi - là mày sẽ xóa sạch
con rồng lửa trên lưng mày.
Bảy Viễn cười:
- Có lẽ mình cũng nên làm như vậy.
Rồi chậm rãi đi theo tên lâu la tới "trình diện" Khăm Chay.
Anh làm ra vẻ khúm núm hỏi:
- Xếp đòi em tới có việc gì?
Khăm Chay hách dịch:
- Mày xoay lưng cho tao xem con rồng lửa của mày coi?
Bảy Viễn cười lớn, giọng ngang tàng:
- Mày cũng là dân giang hồ, sao bắt địch thủ phải xoay lưng cho mày động thủ
trước? Con rồng lửa của tao đây nè, coi đi! Vừa nói, Bảy Viễn đá ngay vô mặt
Khăm Chay một cú như trời giáng. Cú đá thật bất ngờ, Khăm Chay đang ngồi trên
chồng chiếu, không trở tay kịp. Cú đá trúng ngay màng tang. Hại thay, đây lại
là vết thương cũ khi Khăm Chay thượng dài tại Cần Thơ trước đó không lâu. Vết
thương đã được trị lành nhưng không chịu nổi cú đá ngàn cân của Bảy Viễn. Máu
tuôn ra xối xả, chảy tràn vô mắt. Khăm Chay hai tay bụm mặt, đổ gục xuống.
Hạ địch thủ lợi hại một cách quá dễ dàng, quá nhanh chóng - chỉ một cú đá thôi
sơn - Bảy Viễn hoàn toàn bất ngờ và càng tin tưởng nơi "cái số Giáp
Thìn" của mình. Bất giác anh khẽ ngâm:
"Tuổi Thìn rồng ở Long Ðình, bay qua bay lại ẩn mình trong mây".
Ẩn mình trong mây thì "tía ai" hại mình được?
Vừa hạ xong Khăm Chay, Bảy Viễn được suy tôn làm tên cặp rằn Khám 5. Vì dân tù
phần lớn quen suy nghĩ theo phong kiến: "Nhất nhật vô vương đảo huyền
thiên hạ" (một ngày không vua, thiên hạ đại loạn).
Nước phải có vua, khám đường phải có cặp rằn?
Những Chuyện Vượt Ngục
Chào Cô Châu
Bảy Viễn chỉ nói được ba tiếng ấy rồi đứng bất động khá lâu. Anh hoàn toàn bất
ngờ trước một phụ nữ xinh đẹp quá sức tưởng tượng...
- Chào anh Bảy, mời anh Bảy vô nhà.
Cô Châu đóng cửa cẩn thận, đưa khách tới bộ bàn ghế giữa nhà. Cô rót trà nóng
trao tận khách, cười nói:
- Hình như anh Bảy có điều gì...
Bấy giờ Bảy Viễn mới nói cảm nghĩ của mình:
- Xin lỗi cô Châu về việc tôi đã ngắm nhìn cô một cách bất nhã như nãy giờ. Sự
thật là tôi không hình dung nổi nơi hải đảo xa xôi này lại có một người đẹp như
cô. Và nhất là người đẹp ấy lại là vợ anh Mã tà 76 mà tôi đã gặp vài lần trong
khám 5.
Cô Châu cười:
- Chắc là anh Bảy không ngờ vợ thầy chú lại còn lén lút tiếp khách như thế này
chớ gì?
Tới đây nàng xuống giọng trầm buồn:
- Không lẽ mới gặp nhau mà em lại kể lể chuyện không vui, nhưng nếu anh Bảy biết
chồng em rồi thì anh Bảy cũng hiểu được phần nào...
Bảy Viễn gật:
- Tôi biết. Anh 76 có máu đỏ đen, thường cháy túi và thiếu nợ tứ giăng, chính
tôi cũng đã từng cho anh ta vay để gỡ gạc.
Châu lắc đầu:
- Từ nay về sau, xin anh Bảy chớ cho anh ấy vay. Vì số tiền đó kể như... thí cô
hồn. Nhưng xin nói chuyện đêm nay. Anh Dao có trao cho em tờ giấy ngẫu của anh
Bảy gọi là quà sơ giao. Em chưa biết anh Bảy như thế nào, nhưng lấy làm cảm
kích trước cử chỉ hào hoa đó. Bây giờ thì em sẵn sàng làm vợ anh Bảy trọn đêm
nay.
Nàng trao khăn lông cho Bảy Viễn, hướng dẫn tới phòng tắm:
- Anh xối nước cho khỏe. Có xà bông Cô Ba đây.
Bảy Viễn cởi bộ đồ bà ba trắng, xếp lại đặt lên bàn:
- Em Châu chu đáo quá. Một người đẹp người đẹp nết như em mà gặp anh chồng như
anh 76 thì khác gì... xin lỗi em trước nghe... khác gì bông hoa lài cắm bãi...
Châu sửa soạn giường gối, định cởi áo thì Bảy Viễn chân tay lại:
- Không cần đâu em. Thú thật với em là trước khi tới đây, anh rất cần chuyện
đó. Nhưng gặp em rồi thì chuyện đó nên gác lại. Anh muốn chúng ta kết bạn dài
lâu, chớ không phải là chuyện "ăn bánh trả tiền".
Châu hơi bất ngờ và gài nút áo lại:
- Nhưng anh Bảy mới gặp em lần đầu, đâu biết tính nết em ra sao mà tính kết bạn
dài lâu. Em chỉ được cái mã bên ngoài thôi, còn bên trong thì rất nhiều tánh xấu,
mà đứng đầu là máu cờ bạc cũng không kém gì anh 76 đâu.
Bảy Viễn nắm tay Châu, nhìn các dường chỉ tay gật gù:
- Ðúng là em có số hồng nhan gian truân, cuộc đời lận đận cũng như anh. Như vậy,
hai cuộc đời chúng ta hợp lại có lý lắm...
Châu lộ vẻ áy náy:
- Kết bạn với anh Bảy thì em sẵn sàng rồi. Nhưng không lẽ nhận của anh Bảy món
quà sơ giao rồi chỉ có nói chuyện khào sao?
Bảy Viễn choàng tay ôm eo Châu cười nói:
- Em sòng phẳng quá. Muốn đâu ra đó phải không? Chuyện đó dễ mà. Ðêm năm canh,
thiếu gì thì giờ. Nhưng anh muốn nghe em kể chuyện trên đảo cho khuây khỏa nỗi
lòng người bị lưu đày. Nhu cầu đó cũng cần thiết như nhu cầu kia. Bây giờ ta nằm
bên nhau, em kể anh nghe cuộc sống của những người trên đảo...
Châu cười khúc khích:
- Chưa bao giờ em gặp một ông khách lạ lùng như anh Bảy. Tưởng thiếu cái đó ai
dè lại cần cái kia. Nhưng em cũng chìu anh. Bây giờ kể gì đây?
- Kể chuyện những người tù trước đi. Họ sống như thế nào? Có cam chịu hay nổi
khùng lên chống đối thầy chú? Em biết gì kể nấy. Anh cần nghe để biết cách sống
cho êm thắm.
Châu nghĩ ngợi một lúc rồi kể:
- Ở đảo này nhiều vụ vượt ngục lắm đó anh. Ðời chúa đảo nào cũng có. Ðể em kể
chuyện vợ chồng ông Tám Tề Thiên cho anh nghe. Chuyện xảy ra cách nay 10 năm.
Có người tù tên Tám nhưng tự xưng là Tám Tề Thiên. Người ta nói Tề là bằng,
Thiên là Trời. Anh Tám tự cho mình tài giỏi bằng trời đó anh Bảy. Mà anh ta tài
thiệt. Ra đảo 3 năm, năm nào cũng làm bè vượt ngục. Nhưng tài bất thắng thời,
khi thì bị lộ trên núi, khi thì bị ca-nô đuổi theo bắt lại.
- Sau cùng anh ta có vượt ngục được không?
- Ðược, nhưng phải nhờ bà vợ.
Bảy Viễn nhỏm dậy:
- Nhờ bà vợ? Chuyện ly kỳ đa! Em kể nghe?
Châu cười vui thú:
- Người ta tả vợ Tám Tề Thiên đẹp như em đây, nhưng về bản lãnh thì hơn em một
trời một vực. Hay tin chồng ba lần vượt ngục mà không về được đất liền, chị Tám
liền ra tay cứu bồ. Chị lân la tới Khám Lớn, các bót cảnh sát làm quen với thầy
chú gát tù từ đảo về Sài Gòn nghỉ phép. Nhờ có nhan sắc và bạo dạn, chị cặp bồ
với thằng cò Mô-rít. Thằng này chết vợ nên rất mê chị Tám. Hết phép, nó nài nỉ
chị Tám ra đảo với nó. Chị Tám làm như miễn cưỡng ra đảo nhưng thật tình thì thằng
cò Mô-rít đã mắc kế của chị. Ra tới đảo, chị Tám bí mật dò la sổ sách, tìm nơi
anh Tám bị giam. Chị kín đáo theo dõi và mua chuộc vài thầy chú gát tù, cho họ
tiền và nhờ chuyển các thứ cần thiết như dầu Nhị Thiên Ðường, cù là, muối tiêu,
thuốc cảm, tiền bạc. Lần đầu chị thư từ được với chồng, cho biết mùa gió chướng
tới đây hai vợ chồng sẽ vượt ngục về quê nhà ăn Tết. Tới ngày giờ đã định, hai
vợ chồng đề huề lên bè cùng với 3 người tù lướt sóng ra khơi. Chỉ một đêm, thuận
mùa gió chướng là bè trôi về tới Gành Hào gần mũi Cà Mau.
Bảy Viễn gật gù:
- Ðàn bà như vậy hiếm lắm!
Châu kể tiếp:
- Tới đây mới là khúc nhưng của câu chuyện. Trước khi theo chồng trở về đất liền,
chị Tám Tề Thiên làm một bài thơ giã biệt anh chồng hờ. Bức thư mà cũng là bài
thơ như sau:
Tạ từ (gởi me-xừ Mô-rít)
Thất thân làm kẻ vợ hờ
Vì chưng hoàn cảnh mới cơ hội này
Chia lìa hai ngả Ðông Tây
Ðó an phận đó vì đây có chồng
Xin đừng tựa cửa ngóng trông
Thuyền về bến cũ cho xong đạo hằng
Một ngày cũng nghĩa chiếu chăn
Nhưng tơ duyên cũng chỉ có ngần ấy thôi.
Tạ từ xin có mấy lời
Ông tìm người khác để tôi theo chồng.
Âm mưu vượt ngục
Sau đêm "đổ lợp" mã tà 76. Bảy Viễn đắc chí cười thầm rồi lẩm bẩm:
- Hay không bằng hên.
Bảy Viễn thấy vai trò của vợ con thầy chú cực kỳ quan trọng nếu họ chịu giúp tù
thoát cũi sổ lồng. Và anh ta nghĩ ngay tới việc kết thân với Châu để từ từ biến
nàng thành người tiếp tay đắc lực giúp mình vượt ngục.
Bảy Viễn ướm thử:
- Nghe chuyện vợ Tám Tề Thiên giúp chồng vượt ngục, mình không tin là chuyện có
thật, vì nó quá đẹp. Một người đàn bà dám đạp lên dư luận, tự nguyện lấy Tây để
ra đảo tìm mọi cách cứu chồng thoát khỏi địa ngục trần gian, thử hỏi trên đời
này có mấy ai sánh kịp vợ Tám Tề Thiên? Em Châu có thể noi gương đó không? Nếu
như chồng em là anh đây, em có dám tiếp tay giúp anh vượt ngục?
Châu bật ngồi dậy:
- Té ra anh Bảy gặp em đêm nay là vì chuyện đó chớ không vì chuyện kia?
Bảy Viễn âu yếm kéo Châu nằm xuống, nựng cằm:
- Em chớ hiểu lầm anh. Như anh nói lúc mới gặp em, anh tìm đến em đêm nay là để
kết bạn. Ra đảo với bản án 12 năm khổ sai, anh rất cần có một người tri kỷ để
giúp anh vượt qua gian lao thử thách. Còn chuyện vượt ngục thì anh thử lòng em
thôi. Chớ đang làm sếp Khám 5 thay Khăm Chay, dại gì bỏ mồi bắt bóng. Phải
không em?
Châu gật gù:
- Ờ, đúng vậy... Tội gì thả mồi bắt bóng. Mười chuyến vượt ngục, thất bại hết bảy.
Chỉ có ba phần thành công. Nếu anh Bảy mà vượt ngục thì em lo lắm. Em sợ mất một
người anh kết nghĩa hào hoa phong nhã.
Bảy Viễn nghĩ thầm:
- Dục tốc bất đạt. Chuyện quan trọng sống chết, nên từ từ. Mình phải bắt cả hồn
lẫn xác con nhỏ này mới được việc lớn. Anh chồm tới thổi tắt chiếc đèn hột vịt
rồi quay lại ôm Châu...
Ngày 9. 10. 1936, bagne 2 (khám giam tù chính trị) xôn xao lên với cái tin
chính phủ ân xá 250 người, phần lớn là những tù dưới 5 năm. Còn tù chung thân
thì chỉ được giảm án và vẫn tiếp tục ngồi tù trên đảo. Ðó là các tay "có
máu mặt" như các ông Tôn Ðức Thắng, Phạm Hùng...
Bagne 1 giam thường phạm, không ai được ân xá nhưng không khí cũng sôi nổi
không kém.
Tôn Ðức Thắng là dân Cù lao ông Hố, thuộc thị xã Long Xuyên, thợ cơ điện Trường
Máy, vô làm Ba Son vài năm rồi qua Pháp, làm lính thợ trên chiến hạm Pan, tham
gia phản chiến khi hạm đội Pháp được phái sang Biển Ðen tiếp cứu quân đội Nga
hoàng đang bị cách mạng Nga lật đổ. Tôn Ðức Thắng đã kéo cờ đỏ lên đỉnh cột cờ
chiến hạm Paris để cho biết là chiến hạm Pháp ủng hộ phe cách mạng. Vì hành động
này, ông bị Pháp trục xuất về nước. Sau đó, ông bị bắt đày ra Côn Ðảo trong vụ
án Barbier 1919 và ra đảo bị Tây thủ ngục tống vào hầm xay lúa để mượn tay tù
thường phạm thủ tiêu. Nhưng ông đã khéo léo tranh thủ được các bạn tù trong hầm
xay lúa bằng cách tổ chức lại công việc cho hợp lý, đỡ mệt nhọc, gây tình đoàn
kết tương thân tương trợ.
Còn Phạm Hùng là dân Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, học Trung học Mỹ Tho tới năm thứ
hai thì bỏ học làm cách mạng. Bị hai án tử hình. Ông đã để lại lời tuyên bố độc
đáo trước Tòa Ðại hình Sài Gòn: "Mỗi người chỉ có một cái đầu. Mấy ông xử
tôi hai án tử hình, vậy là các ông tính chặt luôn cái đầu dưới của tôi
đây".
Tuy nhiên ông Phạm Hùng được Quốc tế Công Hội Ðỏ vận động giảm án tử hình xuống
án chung thân.
Sau khi các chính trị phạm xuống tàu về đất liền, Côn Ðảo tiếp tục cuộc sống
lao động khổ sai thường ngày.
Bảy Viễn vẫn quyết tâm chuẩn bị vượt ngục. Những đêm bí mật ăn nằm với vợ mã tà
76, Bảy Viễn thường bảo nàng kể chuyện vượt ngục để thầm chọn phương án tối ưu.
Có người thì đánh cắp ca-nô Sở Lưới phóng một đêm là về tới đất liền. Nhưng
cách này khó thực hiện. Thứ hai là đánh cắp ghe cũng ở Sở Lưới. Cũng khó.
Cách thông thường nhất là xin chuyển qua Sở Củi lên núi đốn cây cưa thành củi về
nộp mỗi ngày.
Một người tù khỏe mạnh có thể làm "gồng" gấp đôi để bạn tù bứt mây
làm bè.
Cuối cùng, Bảy Viễn quyết định chọn cách làm bè. Muốn vậy phải nói khéo với thầy
chú xin đổi qua Sở Củi.
Còn chức sếp Khám 5, Bảy Viễn bàn giao cho người thân tín của mình là Dao.
Ngay ngày đầu, Bảy Viễn đã thấy nguy cơ luôn rình rập đám tù nào có ý định vượt
ngục bằng bè. Thấp thoáng trên núi có mấy toán rờ-sẹc người Miên, dưới quyền chỉ
huy của một thằng Tây. Chúng cũng biết rõ nhưng bãi biển vắng người, nơi tù hạ
thủy bè để về đất liền.
Ðang cố tìm đồng minh thì một hôm có người mở lời:
- Anh Bảy, tôi biết anh mà anh không biết tôi. Ðang là cặp rằn ở Khám 5 Trại I
mà anh xin chuyển sang đây thì tôi đoán được ý đồ của anh rồi.
Bảy Viễn nhìn anh ta, thầm đánh giá:
- Tạm cho là anh đoán được phần nào ý đồ của tôi. Nhưng trước hết, anh là ai,
tên gì...
- Tôi tên là Tư Ðiền, nhưng vô tù thì chỉ mang số 2140.
Bảy Viễn cười:
- Ðã là tù thì không còn là con người nữa mà chỉ còn con số. Bây giờ anh cứ nói
những gì anh muốn nói với tôi.
Tư Ðiền nói:
- Tôi là thợ rừng ở Ba Biên Giới. Nói vậy để anh Bảy biết tôi cũng có ý đồ như
anh Bảy, nghĩa là...
Bảy Viễn ngó chung quanh, không thấy bóng thầy chú, liền bắt tay Tư Ðiền:
- Kế hoạch của anh ra sao? Bứt mây song làm bè?
- Trên núi này có cây búng rất nhẹ mà chắc, đốn làm bè bảo đảm hơn song mây...
- Vậy hả, tôi mới nghe nói cây búng lần đầu. Nhưng tôi tin anh. Tuy nhiên mình
phải kiếm thêm đôi ba người nữa.
- Tôi đã chọn rồi. Anh Bảy tin nơi tôi.
Về đất liền lần một
Sau 3 lần toan tính thất bại, Bảy Viễn cùng nhóm Tư Ðiền làm xong bè và hạ thủy
tại Bến Dầm. Nhưng bè chưa tách bến thì bị chó săn sủa dữ dội. Bọn rờ-sẹc Miên
chạy ào xuống, nổ súng đuổi bắt.
Bảy Viễn chống cự ác liệt, cánh tay trái anh bị đâm khá nặng, đành bó tay quy
hàng.
Tây vui mừng trọng thưởng toán rờ-sẹc Miên, đồng thời nhốt bốn tên tù nguy hiểm
mà Bảy Viễn là kẻ cầm đầu.
Từ đó bọn Tây gọi Bảy Viễn là "chen de file" (tên đầu đảng).
Sau 12 ngày nằm xà lim, nhóm tù vượt ngục bị đưa ra làm khổ sai vác gỗ từ trên
núi xuống Sở Củi. Thời gian sau lại chuyển qua dập đá san hô. Vì biết Bảy Viễn
có biệt tài tổ chức tù vượt ngục nên Tây không giam giữ anh lâu tại một nơi mà
cứ đổi khám xoành xoạch. Ở Sở Củi hay Sở Lưới, đâu đâu Bảy Viễn cũng theo một
sách; đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Mấy tờ giấy bộ lư (giấy 100 đồng)
cuộn tròn trong ống đót nhét trong hậu môn vẫn là "vật bất ly thân",
không thầy chú nào khám phá được.
Trong hoàn cảnh nào Bảy Viễn cũng cố gắng giữ sức khỏe bằng cách tập thể dục, tối
thiểu mỗi ngày một giờ. Muốn vượt ngục, sức khỏe là yếu tố quan trọng số một.
Thấm thoắt đã 3 năm Bảy Viễn ở đảo. Ðã 4 lần vượt ngục thất bại nhưng Bảy Viễn
vẫn không bỏ cuộc.
Anh tính toán kỹ cho chuyến thứ năm. Và chuyến này phải là chuyến thành công.
Cánh tay mặt của anh vẫn là Tư Ðiền. Bảy Viễn giao Tư Ðiền năm trăm để lo mua sắm
vật liệu cần thiết. Lần này Tư Ðiền tuyển chọn ê kíp thật ngon. Trong 5 người
có 1 thợ rừng và 4 bạn biển.
Họ âm thầm lên núi bứt mây đóng bè. Song song với việc đóng bè. Bảy Viễn lại bỏ
tiền ra nhờ vợ mã tà 76 mua nhu yếu phẩm: 100 kí nước uống, 5 ký đường, 2 ký
chanh tươi, 10 ký chuối khô, 3 ký muối...
Ðể hạ thủy bè an toàn, Bảy Viễn chọn ngày giờ đặc biệt: đúng đêm 30 tháng chạp
âm lịch - đêm giao thừa Tết Canh Thìn, nhằm ngày 8.2.1940. Chọn ngày này rất
hay. Trước nhất, đêm ba mươi, trời tối như mực. Thứ hai, đêm ba mươi Tết thiên
hạ ở trong nhà vui thú gia đình, bọn rờ-sẹc Miên cũng làm biếng đi tuần tiễu.
Nhưng hay nhất là chuyến vượt đảo nhằm giữa mùa gió chướng. Chỉ cần gặp một ngọn
gió là bè phăng phăng rẽ sóng, chỉ một đêm là tới mũi Cà Mau.
Nghe anh bạn biển cho biết mùa gió chướng đã nhiều lần giúp tù Côn Ðảo vượt ngục,
Bảy Viễn càng thêm tin tưởng. Từ nơi giấu bè trên núi Chúa, phải mất 4 tiếng mới
xuống tới bãi biển.
Một chuyện lạ: Tết năm đó trời mưa to, mưa vuốt mặt không kịp. Nhưng rất may là
biển không động. Mặt biển đêm ba mươi tối đen như than nước. Bè đã đóng xong,
vai trò của Tư Ðiền kể như hoàn tất, nhường chỗ cho người tù tên Nhan là dân
chài quen việc sóng gió và nhắm hướng...
Ra khơi không bao lâu thì biển động, sóng cao cả hai thước, bè lắc lư như quả
trứng.
Nhan nhanh nhẹn cột dây vô cột buồm, chỉ huy mọi người ngồi đúng vị trí và tát
nước biển tràn vô bè.
Bảy Viễn thận trọng lấy ống đót giấu tiền khỏi hậu môn cho vào túi cao su cột cổ.
Thời tiết giông bão bất thường làm đảo lộn tính toán của Bảy Viễn.
Bão kéo dài 5 ngày đêm. Lương thực dự trữ đã hết sạch. Nước uống không còn, ai
cũng khát.
Nhưng Hai Nhan đã có cách trị khát. Anh ta có mang theo nửa chục lưỡi câu.
Năm ngày sau, bão tan, bè vẫn lênh đênh trên biển, Nhan thả câu kiếm được khá
nhiều cá cho đồng đội sống qua ngày. Mờ sáng ngày thứ mười, Nhan kêu lên khi vớt
một chiếc lá trên biển: "Tới đất liền rồi, anh em ơi".
Nửa giờ sau bè tới bờ.
Không ai biết đấy là đâu. Bảy Viễn nhảy ngay lên bãi, đi vô xóm. Gặp một ngôi
chùa, hỏi thăm mới biết nơi đây cách Phan Thiết 10 cây số, cách ga Mường Mán 8
cây số. Sư trụ trì khuyên anh em yên tâm nghỉ ngơi trong chùa lấy sức, chừng khỏe
rồi hãy đi.
Bảy Viễn rủ hai bạn tù Tư Ðen và Hai Nhan về Sài Gòn "mần ăn" với
mình nhưng cả hai đều từ chối. Tư Ðen trở lại Ba Biên giới với nghề rừng, còn
Hai Nhan thì bám nghề biển. Vậy là một mình Bảy Viễn lên ga Mường Mán về Sài
Gòn.
Ngày trở về của Bảy Viễn thật là vui. Tòa kêu án 12 năm khổ sai, anh ở đảo có 4
năm, tức chỉ một phần ba. Về nhà sớm hơn 8 năm. Vợ con mừng không thể tả. Thằng
con đầu lòng tên Paul đã 14 tuổi, đang học năm thứ nhất Trường Trung học Pétrus
Ký. Nó là niềm hãnh diện của Bảy Viễn. Anh không may, học ít, nên mong muốn con
học khá hơn mình để ra đời không thiệt thòi thua em kém chị. Vợ Bảy Viễn buôn
bán đủ ăn.
Bảy Viễn yên chí đi tìm thăm bạn bè trong giới giang hồ.
Bạn của Bảy Viễn phần lớn là dân Bình Xuyên, đứng đầu là Ba Dương, Mười Trí,
Sáu Ðối, Tư Ty, Tư Hoạnh, Năm Bé.
Ba Dương là thầy võ, quê Bến Tre nhưng cư ngụ tại cầu Rạch Ðỉa, làng Tân Quy,
quận Nhà Bè.
Mười Trí là dân Bà Quẹo quận Hóc Môn, đầu đảng Cửu Long Chín Rồng.
Sáu Ðối là anh chị cảng Tân Thuận.
Tư Hoạnh là tướng cướp hùng cứ vùng cầu ông Thìn.
Tư Ty là anh chị vùng Bình Ðông, xóm Câu Bót.
Năm Bế là dân chơi từ Hải Phòng trôi nổi về xóm Chiếu và Kinh Tẻ.
Gặp lại Bảy Viễn, Ba Dương vui mừng nói:
- Anh Bảy nghỉ xả hơi ngoài đảo có hơi lâu, bốn năm qua, biết bao nhiêu nước chảy
dưới cầu. Ðể mình kể sơ qua vài việc lớn cho anh Bảy biết. Bọn Nhựt lùn đã nhảy
vô Ðông Dương, thằng Tây sợ lắm. Pháp đang thua ở chánh quốc nên sợ Nhựt chiếm
thuộc địa. Hiện giờ thì Nhựt chưa ra tay vì Pháp nhân nhượng mọi mặt... Nói vậy
để anh Bảy biết hiện giờ mình phải đề phòng cả hai thằng Tây với Nhựt.
Bảy Viễn tìm Sáu Ðối thì được Sáu Ðối tặng cho một khẩu súng Colt có hình con
ngựa cái:
- Tặng anh Bảy con chó lửa với 6 băng đạn để thủ thân. Mới ở tù về chắc thiếu
"anh hai"?
Vừa nói Sáu Ðối vừa kéo tủ lấy một xấp bạc nhét vô túi Bảy Viễn.
Bảy Viễn tới Bà Quẹo thăm Mười Trí. Tay bắt mặt mừng. Ðây là cặp bài trùng,
quen biết nhau từ trước năm 30. Mười Trí ngắm Bảy Viễn một lúc rồi hỏi:
- Chương trình mần ăn sắp tới như thế nào?
Bảy Viễn cười:
- Nghỉ xả hơi vài tuần rồi tiếp tục "đi hát" như trước. Ngoài đảo
mình nghĩ ra nhiều bài bản hay lắm.
Cướp tiệm vàng Kim Khánh
Gặp lại Mười Trí, Bảy Viễn bàn chuyện làm ăn lớn:
- Bây giờ mình là mông xừ Hoảnh Xăng (monsieur Vincent). Vô dân Tây để cho làng
lính ngán, mình dễ làm ăn. Mình mời bồ làm cố vấn cho mình. Chịu không?
Mười Trí lắc đầu:
- Nói thật với bồ, sau khi vượt ngục Côn Ðảo, mình muốn giải nghệ. Cái nghề
giang hồ không tương lai. Nó là cái vòng lẩn quẩn: "đi hát", bị bắt,
ngồi tù vượt ngục rồi lại "đi hát"... Bà xã mình đang làm ăn khá, có
vựa nấm ở Bến Tranh trên Dầu Tiếng. Mình thấy không quá rách để tiếp tục mạo hiểm.
Bảy Viễn cười lớn:
- Mới ra đảo một lần mà đã sọc dưa rồi sao anh bạn?
Mười Trí trầm ngâm:
- Bây giờ nhớ lại chuyến vượt ngục đó mình còn thấy "quẩn". Vì nóng
lòng về đất liền nên mình vượt đảo vào mùa giông bão, bị bão tống ra tới đảo Hải
Nam. Ðang trôi giạt trên biển, nhờ thuyền chài vớt đưa về Móng Cái. Chủ thuyền
cho tiền về Hải Phòng. Thời may nhờ hai tay buôn lậu từng bị giam ở Khám Lớn
Sài Gòn nhận ra mình là ân nhân nên mời làm cố vấn đưa hàng vào Nam.
Bảy Viễn cười thích thú:
- Vậy là bồ đã từng làm cố vấn cho bọn buôn lậu thuốc phiện từ Bắc vô Nam. Kinh
nghiệm một bầu, giải nghệ sao được! Nghe mình trình bày kế hoạch làm ăn đây:
Mình sẽ giả làm chủ tiệm vàng ở Cần Thơ lên Sài gòn, bổ hàng. Mình mướn xe Huê
Kỳ, loại xe lô ca-xông, đổi bảng hiệu làm xe nhà, thủ súng lục của Sáu Ðối tặng.
Mình canh giờ trưa, cảnh sát đổi gát. Vô tiệm đòi xem mặt hàng rồi hốt hết cho
vào cặp da, để lại vài viên đạn cảnh cáo rồi nhảy lên xe vọt. Ðây là chuyện mới
lạ, vừa táo bạo, vừa thần tốc. Tài gia trở tay không kịp. Chừng hoàn hồn la
làng thì mình đã cao bay xa chạy mấy khúc đường.
Mười Trí gật gù:
- Kế hoạch làm ăn đó mới lắm. Bất ngờ là yếu tố thành công. Nhưng bồ phải đóng
kịch thật giỏi. Giả làm chủ tiệm vàng sao cho tài gia không chút nghi ngờ. Nếu
nó nghi là hỏng việc.
Bảy Viễn cười tự tin:
- Mình đã tập tuồng rồi. Mình ngắm kiếng, thấy ra vẻ tư sản lắm. Ðây, để mình
đóng bộ đồ lớn cho bồ xem.
Trong nháy mắt, Bảy Viễn đã trở thành một ông chủ tiệm vàng, oai vệ trong bộ đồ
màu hột gà, cà vát đỏ, kính gọng vàng, nón Fletcher, giày hai màu, xách cạc táp
da, miệng ngậm xì gà...
Mười Trí đắc ý:
- Ðóng tuồng coi được lắm. Vấn đề an toàn số một là chiếc xe Huê kỳ. Máy móc phải
cho ngon. Nó mà trục trặc là tiêu tán đời.
- Tất nhiên! Mình có một thằng sốp phơ kiêm thợ máy rành nghề. Khi mình vô
trong tiệm thì nó ngồi trên xe, máy vẫn cho nổ đều, hễ mình xách cặp nhảy ra xe
là nó phóng như bay. Ðược chưa?
Mười Trí nói ngay:
- Vai trò của bồ và tài xế tạm ổn, nhưng còn phải thêm hai người nữa. Một cận vệ
ngồi trên xe, ở băng trước với tài xế để làm ám hiệu cho bồ biết tình hình bên
ngoài, còn người kia thì giả làm dân dạo phố, anh ta sẽ tới ngã tư, nơi có chốt
lính gác công lộ. Khi nào lính đổi gác thì nó sẽ huơi cái nón làm hiệu cho bồ
nhanh chóng ra tay...
Tiệm vàng Kim Khánh nằm trên đường Rue des Manns (sau đổi là Ðồng Khánh, nay là
Trần Hưng Ðạo B) giữa khu thương mại ồn ào náo nhiệt, hai đầu trên dưới đều có
chốt cảnh sát.
Nhưng Bảy Viễn và Mười Trí đã điều tra cẩn thận, chọn đúng giờ lính thay là vào
giữa trưa, cũng là lúc đường phố vắng người nhất trong ngày để tấn công tiệm
vàng.
Ðúng như dự tính, Bảy Viễn đóng vai chủ tiệm vàng Cần Thơ rất đạt. Chiếc xe Huê
Kỳ vừa đậu trước cửa tiệm vàng, Bảy Viễn xách cặp da bệ vệ bước vô, giở nón
chào chủ tiệm:
- Tôi định lên sớm nhưng kẹt hai chiếc bắc Cần Thơ và Mỹ Thuận nên giờ này mới
tới. Trưa trờ trưa trật rồi! Bà chủ thông cảm cho - Bảy Viễn kéo tay áo lên xem
giờ, để lộ chiếc đồng hồ Omega vàng - Kém mười lăm mười hai giờ. Bà chủ chưa
nghỉ trưa chớ?
Bà chủ nhìn Bảy Viễn rồi nhìn chiếc xe Huê Kỳ đậu trước tiệm, biết là khách sộp
nên tươi cười đáp:
- Ðúng mười hai giờ, cửa hiệu nghỉ trưa ăn cơm, nhưng có khách từ Lục tỉnh lên,
chúng tôi vui lòng tiếp khách quá mười hai giờ phút đỉnh cũng không sao.
Bảy Viễn móc túi trao danh thiếp:
- Ðây là tiệm vàng của chúng tôi, mới khai trương tháng trước. Nhờ trời làm ăn
cũng khá nên chuyến này lên Sài Gòn bổ hàng. Nghe các đồng nghiệp nói hiệu kim
hoàn Kim Khánh này là nơi đáng tin cậy nên chúng tôi tới làm quen.
Tay mân mê tấm danh thiếp, bà chủ tiệm nghe khách lạ khen, nở mũi tươi cười:
- Xin cảm ơn sự chiếu cố của ông chủ. Bây giờ xin mời ông chủ xem hàng.
Bảy Viễn ngồi nói chuyện với tài chủ mà mắt thỉnh thoảng nhìn ra xe, nơi băng
trước có Mười Trí ngồi vờ đọc báo nhưng mắt theo dõi Ba Rùm đang ngồi uống cà
phê ngay vỉa hè đầu ngã tư, nơi có chốt lính gác.
Chủ tiệm vàng mời Bảy Viễn dùng trà ướp sen trong khi xem các mặt hàng. Kiểu
nào Bảy Viễn cũng khen khéo, khen đẹp và muốn xem hết tất cả các món trang sức
trưng bày trong tủ kính.
Thỉnh thoảng anh ta lại nhìn ra xe. Bỗng anh thấy Mười Trí cuộn tờ báo lại quạt
quạt, đó là ám hiệu cho biết không có lính nơi chốt gác. Lập tức Bảy Viễn mở
bung cặp da ra hốt tất cả vòng vàng trên mặt tủ kiếng tuồn vô cặp.
Dằn mạnh khấu súng lục lên mặt bàn, Bảy Viễn nói:
- Không được la! Hễ la là chết ngay lập tức với cây súng này?
Bảy Viễn vừa lên xe, tài xế vọt ngay. Ðến đầu ngã tư, mới nghe chủ tiệm vàng la
làng.
Chỉ 5 phút sau, xe của Bảy Viễn đã ra tới mũi tàu Phú Lâm.
Phấn khởi trước thắng lợi quá dễ dàng, Bảy Viễn rủ Mười Trí đánh cướp trại mộc
Bình Triệu - một hãng đóng sa lon danh tiếng số một Sài Gòn. Chủ là người Tàu ở
Chợ Lớn.
Tại trại một chỉ có tài phú với két bạc chưa gửi nhà băng.
Cướp xưởng mộc Bình Triệu
Ba tiếng còi xe vang lên ngoài ngõ - hai ngắn một dài, đó là ám hiệu của Bảy Viễn
tới rước quân sư Mười Trí "đi hát".
Mười Trí nhanh nhẹn bước lên xe, ngồi ngay băng trước với Bảy Viễn.
Băng sau có Ba Rùm, cháu gọi Mười Trí là cậu và Tư Nhị, một đàn em của Bảy Viễn.
- Mông xừ Hoảnh-xăng tìm đâu ra chiếc xe mới toanh vậy?
Bảy Viễn thích thú cười nói:
- Xe mới xuất xưởng của thằng Trần Tăng, một xì thẩu lớn ở chợ Bình Tây. Xe nó
mới chạy hết rô đa mà mình hỏi mượn "đi săn" một đêm, nó sẵn sàng
ngay, còn cho mượn luôn tài xế nữa. Nhưng tất nhiên là mình không nhờ tài xế của
anh ta. Cho nó theo thì bể mánh, lộ bí mật.
Mười Trí cẩn thận hỏi kỹ:
- Kế hoạch ra sao, kể nghe?
- Bây giờ là 6 giờ chiều. Ta chạy thẳng lên Bình Lợi. Ở ngoại ô, sáu bảy giờ tối
vắng vẻ lắm, mình "ăn hàng" thuận tiện. Xưởng mộc Bình Triệu ở ngay
ngã ba, xéo ga xe lửa. Giờ này thằng chủ về Chợ Lớn, chỉ có thằng tài phú ở lại
giữ xưởng.
- Còn tiền bạc thì sao? Coi chừng thằng chủ ôm về bỏ nhà băng.
- Mình điều tra kỹ rồi. Thằng chủ chỉ bỏ nhà băng một lần vào cuối tuần cho nhiều,
nó không thích bỏ kho bạc lắt nhắt. Hôm nay thứ sáu, mình phỗng tay trên nó gọn
hơ...
Vẫn thận trọng, Mười Trí hỏi:
- Còn vấn đề lính tráng, cảnh sát ở ngã ba Bình Triệu và các chốt gát dọc đường?
- Yên chí lớn! Tư Nhị đã để mấy ngày theo dõi đám cảnh sát gát ga Bình Triệu.
Chúng chỉ la cà bên các quán cà phê quán nhậu. Mình làm ăn bên này, chúng nó
không biết gì đâu. Còn dọc đường rút lui thì có bót cảnh sát trước chợ Bà Chiểu.
Mình sẽ chạy vòng ngã lò heo...
Xe chạy một mạch tới xưởng mộc Bình Triệu.
Bảy Viễn nhấn còi.
Tên tài phú trong nhà chạy ra.
Bảy Viễn lái xe vô sân, hỏi với giọng kẻ cả:
- Ông chủ trại mộc đâu? Tôi cần bàn chuyện làm ăn.
- Ông chủ về nhà trong Chợ Lớn rồi. Xin phiền ngày mai quý ông trở lại.
Bảy Viễn xuống xe, vờ quan sát xưởng cưa và trại mộc:
- Làm ăn hùn hạp với nhau, cần xem qua cơ sở sản xuất một chút. Ông tài phú vui
lòng hướng dẫn chúng tôi chớ?
Tài phú hơi do dự, nhưng nhìn thấy khách ăn mặc sang trọng, lại đi xe hơi bóng
loáng, vui lòng đưa khách đi tham quan một vòng.
Ði giáp vòng, Bảy Viễn mới móc súng ra kê vào hông tài phú:
- Tao tới đây để mượn tiền ông chủ của mày xài trong cơn túng ngặt. Muốn sống
thì đưa tao vô nhà mở tủ sắt đưa hết tiền cho tao...
Tài phú chết điếng, đứng ngay như trời tròng.
- Mau lên!
Bảy Viễn đẩy mạnh họng súng vô lưng tài phú.
Hắn riu ríu đưa Bảy Viễn vào trong nhà mở tủ sắt.
Tư Nhị theo sát Bảy Viễn, quơ hết mớ bạc trong tủ xuống cái bao ka ki đem theo
sẵn. Trong khi đó, Mười Trí đứng quan sát trong ngoài. Ba Rùm nhảy lên xe hơi
quay đầu ra ngõ để tiện bề rút lui. Chỉ trong vài phút, tiền trong tủ sắt xưởng
mộc Bình Triệu chảy vô túi của nhóm Bảy Viễn.
Tất cả lên xe, Bảy Viễn nắm tay lái, ra lệnh:
- Mày không được la làng, chờ xe tao đi xa rồi thì mày mới được phép la, nghe
không?
Nói chưa dứt lời Bảy Viễn đã nhấn ga cho xe vọt ra đường, quẹo lên cầu Bình Lợi.
Nhưng xe qua tới nửa cầu thì phía sau có đèn pha xe hơi chớp sáng.
Ba Rùm quay lại nhìn. Ðèn pha mỗi lúc một gần.
Ba Rùm kêu lên:
- Xe thằng Tây đi săn trên Biên Hòa về. Nó bật pha xin qua mặt xe mình đó anh Bảy.
Bảy Viễn nhấn ga cho xe phóng nhanh, không để xe sau qua mặt. Hai xe cứ lao hết
tốc độ như đua nước rút.
Trời bỗng chớp nhoáng mấy tiếng sấm rồi mưa bắt đầu rơi. Bảy Viễn bật cái gạt
nước quẹt lia lịa trên kính nhưng chân vẫn nhấn ga thật sâu. Chiếc xe sau vẫn kiên
nhẫn bám sát.
Mười Trí nói:
- Trời mưa, đường trơn, phóng nhanh dễ trợt bánh. Cho nó qua mặt cho rồi!
Bảy Viễn cự:
- Không! Cho nó qua, nó sẽ báo bót Bà Chiểu truy bắt tụi mình.
Bỗng Mười Trí biến sắc. Trước mắt là một xe bò đang cà rịch cà tang đi sát lề.
Theo sau là một chiếc thổ mộ. Thế rồi chiếc thổ mộ vụt qua mặt chiếc xe bò. Con
đường đã hẹp lại không đủ chỗ cho xe hơi vọt qua. Anh quay lại nhìn Bảy Viễn, để
xem phản ứng thế nào. Anh toát mồ hôi lạnh khi thấy Bảy Viễn vẫn giữ nguyên tốc
độ 120 km/giờ. Cây cối hai bên đường như lao vào người anh. Khi chiếc xe vừa tới
khúc đường eo hẹp thì cũng đúng lúc chiếc thổ mộ vọt qua được chiếc xe bò rồi
nép vào bên mặt. Xe Bảy Viễn lướt qua như ánh chớp. Bấy giờ Mười Trí và cả Ba
Rùm, Tư Nhị mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chưa hết gian nan. Tới cầu Băng Ky, Bảy
Viễn bất ngờ quẹo vô ngã ba Cây Thị, tính sửa lưng thằng Tây, chắc chắn nó sẽ
chạy thẳng và như vậy là Bảy Viễn "cắt đuôi" được thằng Tây khó ưa
này. Do quẹo gắt mà không bớt ga rà thắng, chiếc xe sàng dữ dội. Bảy Viễn kìm cứng
tay lái, xe mới không đâm đầu xuống các ao rau muống, ao nuôi cá vồ hai bên đường.
Nhưng giữ được cái đầu thì khúc đít lọt xuống đường, bánh xe bên mặt lún xuống
ao cá vồ. Ba anh em nhảy xuống cố kéo bánh xe lên, nhưng trời mưa, đất sình
trơn tuột, không sao kéo đít xe lên mặt đường được.
Bảy Viễn hỏi trỏng:
- Bây giờ làm sao đây?
Mười Trí thở ra:
- Chỉ có nước ôm tiền về nhà, bỏ xe lại đây. Sáng sớm mướn xe cần câu vớt lên,
đưa về ga-ra o bế cẩn thận trả cho Trần Tăng.
Thế là cả nhóm đón xe thổ mộ bao cả cuốc về nhà Bảy Viễn.
Kế hoạch của Mười Trì không thắng nổi bộ máy cảnh sát đô thành. Thằng Tây đi
săn đã ghé bót Bà Chiểu báo tin vụ cướp trại mộc Bình Triệu.
Thế là cảnh sát tỏa ra đi tìm chiếc xe mới xuất xưởng. Họ gặp nó nằm tênh hênh
trên ao cá vồ trong xóm Cây Thị. Theo số xe, truy ra chủ Trần Tăng. Thế là vụ
"đi hát" bại lộ. Lần lượt bốn tay giang hồ bị chộp, ra tòa lãnh 12
năm khổ sai đày Côn Ðảo. Riêng Bảy Viễn bị chồng án thêm 8 năm còn nợ. Thế là Bảy
Viễn ra đảo lần thứ hai.
Ra Côn Ðảo lần hai
Bảy Viễn bị bắt sau vụ đánh cướp trại mộc Bình Triệu ngày 8. 9. 1942 và lại bị
đày ra Côn Ðảo. Anh ra đảo như người con đi làm ăn xa lâu ngày trở về ngôi nhà
trọ quen thuộc. Chuyến đi đày này lại còn có ba người bạn thân là Mười Trí, Ba
Rùm và Tư Nhị. Bản án 12 năm khổ sai cộng thêm 8 năm còn thiếu trước đây là 20
năm chẵn không có nghĩa gì đối với anh. Ðã quyết vượt ngục rồi thì bao nhiêu
năm cũng không có gì đáng lo ngại.
Mười Trí cũng không xa lạ gì hòn đảo ngục tù nằm giữa biển khơi. Anh đã nhiều lần
ra đây và cũng đã vượt ngục nhiều lần. Lần đầu bè về tới Rạch Gốc nhưng khi quá
giang ghe cá từ Cà Mau về Chợ Lớn, anh bị bắt tại Chợ Nhỏ Trà Vinh. Anh lo lót
tên hương quản hai tờ giấy con công mà tên này không thèm, chỉ quyết bắt cho được
tù vượt ngục để được quan chánh chủ tỉnh phê cho mấy chữ "bon serviteur de
la France" (phục vụ tốt mẫu quốc Pháp lang sa). Thằng hương quản này ham
được Tây khen thưởng nên dân trong vùng gọi là hương quản Boong (nói trại chữ
bon là tốt của Tây). Thế là Mười Trí bị giải về Khám Lớn, ra tòa lãnh án trở ra
Côn Ðảo. Vài tháng sau, anh lại vượt ngục. Vì nôn nóng không chờ mùa gió thướng
nên anh bị bão thổi ngược lên phía Bắc, giạt vô đảo Hải Nam. Xin khoai của dân
chài ăn đỡ đói rồi xô bè ra khơi. Ðang lênh đênh trên biển thời may được thuyền
câu vớt đưa về Móng Cái. Chủ ghe cho tiền xuống Hải Phòng rồi anh nhập bọn đám
buôn lậu đáp xe lửa về Sài Gòn.
Nghe Mười Trí kể chuyện vượt ngục. Bảy Viễn hỏi: "Trở về đất liền có ân
oán giang hồ thằng hương quản boong không?"
Mười Trí gật:
- Ngay khi bị nó xét giấy thuế thân tại trạm gác, mình lót tay nó hai tờ giấy
ngẫu mà nó chê, huênh hoang nói: "Tao đâu cần tiền. Tao chỉ cần quan chánh
chủ tỉnh phê một chứ Boong thôi". Mình đã dặn lòng phải trừng trị tên sâu
dân mọt nước, cam tâm làm tôi mọi cho Tây. Cho nên khi tham gia buôn lậu thuốc
phiện từ Hải Phòng vào Nam, mình xuống Trà Vinh vô ngay chợ Nhỏ đốt nhà thằng
hương quản Boong khốn kiếp. Thấy lửa thiêu rụi nó trong ngôi nhà xây cất bằng
tiền của cướp giật của bà con trong vùng, mình hả dạ lắm.
Trên đường về mình cứ bị cái chết rùng rợn của thằng hương quản Boong ám ảnh
mãi. Làm vậy là thỏa chí giang hồ, ân nên oán trả, nhưng mà có quá tàn nhẫn, vô
nhân đạo không?
Bảy Viễn bật cười:
- Mình ít khi nghĩ lẩn thẩn như bồ. Theo mình thì luật đời là cá lớn nuốt cá
bé. Nhưng cũng có khi cá ăn kiến, mà cũng có khi kiến ăn cá.
Tàu chở tù ra tới đảo, bốn anh em bị tách ra bốn nơi. Bây Viễn ở Sở Lưới, Mười
Trí ở Sở Củi, Tư Nhị ở Sử Rẫy còn Ba Rùm là thợ nên được đưa về Bản Chế là xưởng
mộc, rèn nhỏ để sửa chữa các dụng cụ lao động...
Bốn anh em đều có giấu tiền trong mình để hộ thân.
Mười Trí và Bảy Viễn đi nước cờ cao là "tung tiền của mua nhân tâm".
Trong khám, bất cứ thầy chú nào cần tiền cờ bạc hay mua sắm hỏi vay mượn thì cả
hai đều sẵn sàng giúp đỡ. Không nhiều thì ít, năm mười đồng là chuyện thường.
Cho mượn rồi giả vờ quên. Không nhắc, không đòi.
Riêng Bảy Viễn thì vui mừng vì liên lạc được với Châu, vợ mã tà 76. Ðêm gặp lại,
cô nàng vui như Tết.
Nàng ôm hôn như mưa người tình hào hoa:
- Anh Bảy biết không, Tết rồi, hay tin anh vượt ngục giữa đêm giao thừa, em vừa
mừng vừa lo. Mừng vì đêm giao thừa trời tối đen như mực, không ai ló ra ngoài
nhà. Còn lo là khuya đó có giông to gió lớn, không biết bè anh có chịu nổi sóng
gió.
Bảy Viễn cười:
- Bị bắt lại đày ra đây cũng là chuyện hay. Hai đứa mình có duyên nợ với nhau.
Lâu lâu ra đây thăm lại em cũng có lý lắm.
Châu hỏi lại:
- Anh Bảy có tính vượt ngục nữa không?
- Hỏi gì lạ vậy? Không biết câu "ngựa quen đường cũ", hay sao?
Châu lộ vẻ buồn:
- Chừng nào vậy? Có cần em giúp không?
Bảy Viễn lắc đầu:
- Cám ơn em đã giúp cho lần trước, có lẽ còn phải nhờ em dài dài. Dạo này chuyện
vượt ngục có gì mới?
- Sau chuyến anh Bảy vượt ngục, Tây tăng cường đội rờ-sẹc người Miên, tặng tiền
thưởng nhiều hơn để chúng cố gắng luồn rừng leo núi phát hiện bè mây giấu trên
núi. Anh Bảy nên cẩn thận.
Bảy Viễn gật gù, nghĩ thầm:
- Mình phải suy nghĩ tìm cách khác hơn là lên núi bứt mây đóng bè.
Chỉ một thời gian làm khổ sai ở Sở Lưới, Bảy Viễn đã nảy ra ý định đánh cắp ghe
thuyền ở đây để vượt biển.
Anh tìm cách la cà nơi bến tàu quan sát số tàu, ghe đậu nơi đây.
Thời đó tại bến thường trực có một ca-nô tốc độ cao để đuổi theo bắt tù vượt biển;
vài chiếc xà lan để ra nơi tàu lớn đậu chuyển tù và lương thực thuốc men vô.
Ngoài ra còn có ba, bốn ghe lưới để tù đi đánh cá hàng ngày.
Có một chuyện lạ là tại bến có một chiếc tam bản chở được năm, sáu người không
biết thầy chú dùng để làm gì?
Ðêm về, Bảy Viễn trằn trọc với ý nghĩ cướp chiếc tam bản đó để về đất liền. Vài
tháng nữa là tới mùa gió chướng, chỉ một đêm là với tới Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Vượt biển bằng tam bản là phiêu lưu nhưng đành phải thử thời vận vì chuyện lên
núi đóng bè mây kể như không hợp thời nữa.
Lập tức Bảy Viễn tìm cách liên lạc với Mười Trí. Anh gợi ý Mười Trí xin chuyển
sang Sở Lưới để tiện việc bàn bạc. Sau đó, Mười Trí về Sở Lưới, nghe Bảy Viễn
trình bày, anh đồng ý ngay.
Bảy Viễn nhờ vợ mã tà 76 lo nước uống, cơm khô, cốm nếp, chanh, đường. Còn Mười
Trí thì liên lạc với Ba Rùm nhờ giũa cho một chìa khóa "vạn năng" để
lấy trộm chiếc tam bản của Sở Lưới. Tư Nhị cũng được bắt liên lạc để chuẩn bị sẵn
sàng.
Ðêm vượt biển cũng chọn vào đêm trừ tịch, trời tối đen. Tất cả xuống thuyền, trừ
một mình Ba Rùm.
Mười Trí hỏi:
- Xuống ngồi bên tao đây mày.
Nhưng kỳ lạ thay, Ba Rùm lắc đầu:
- Chúc ba anh thượng lộ bình an. Còn tôi ở lại, phòng khi nào các anh trở ra
đây thì đã có tôi giúp đỡ.
Vượt ngục lần hai
Anh em đã xuống thuyền, sẵn sàng ra khơi thì Ba Rùm đưa tay vẫy chào tạm biệt.
- Còn đây là anh Năm Bé, cũng là thợ giỏi, xin quá giang các anh về đất liền.
Tôi nhường chỗ của tôi cho anh Năm Bé. Hy vọng anh Năm Bé sẽ giúp ích các anh
nhiều trong chuyến vượt ngục này cũng như khi đã về tới đất liền.
Mọi người đảo mắt nhìn người tù được Ba Rùm giới thiệu xin quá giang.
Ðó là một trung niên vạm vỡ, tóc húi cao kiểu võ sĩ. Anh ta đang mang một thùng
thiếc khá nặng.
Bảy Viễn nhìn Mười Trí hội ý chớp nhoáng:
- Cũng được. Càng đông càng vui. Mời anh xuống đây.
Năm Bé đặt thùng thiếc xuống tam bản nhẹ nhàng:
- Cơm khô tôi sấy mấy tháng nay. Gọi là góp lương khô với các anh.
Tam bản tách bến. Ba Rùm đứng lặng nhìn các bạn khuất dạng trong sương mù lãng
đãng trên mặt biển rồi mới quay gót trở về khám giam.
Bảy Viễn thắc mắc:
- Ba Rùm lo hết mọi việc cho chuyến đi này, vậy tại sao nó ở lại? Mình không hiểu
nổi?
Mười Trí cười nói:
- Chỉ có tao mới hiểu được nó thôi. Thằng Ba Rùm là cháu họ của tao. Nó ham vui
mà đi theo tao. "Ði hát" cho biết cảm giác mạnh như thế nào. Chừng bị
bắt mới ăn năn hối ngộ. Nó thầm tính với tao như thế này: Bản án đồng hạng 12
năm. Nó mới hăm lăm. Ra tù nó chỉ mới băm bảy, còn đủ thì giờ làm lại cuộc đời...
Bảy Viễn cười ha hả:
- Thằng coi vậy mà tính nhiều nước cờ trong một lúc. Cũng hay!
Biển lặng êm, mặt nước lao xao vỗ nhẹ vào hông tam bản như bản nhạc nhẹ.
Bảy Viễn mở túi vải lấy ra một bàn cờ tướng với hai bộ quân cờ làm bằng gỗ mun
thật đẹp.
- Mình chơi vài ván cho vui.
Hai tay giang hồ đấu trí thử tài trên bàn cờ.
Cờ sao thì người vậy. Bảy Viễn nóng tính, hay thí quân trong khi Mười Trí trầm
ngâm suy tính từng nước cờ.
Vừa đánh cờ anh vừa tìm hiểu thêm về tâm tính của tay anh chị trường đua Phú Thọ.
Chơi với bạn phải biết mặt mạnh, mặt yếu để tiện việc tiếp tục làm ăn sau này.
Ðánh tới trưa, mệt nghỉ, ăn uống giải khát. Bấy giờ Bảy Viễn mới chợt nhớ tới
người tù xin quá giang:
- Anh bạn tên gì? Trước đây ở đâu, làm gì mà ra đảo?
- Tôi tên Năm Bé, quê Hải Phòng. Cái tên Năm Bé là vô Sài gòn mới đặt cho giống
thiên hạ. Tôi làm thợ máy trên tàu chở khách của Bạch Thái Bưởi. Nhưng chán cảnh
ngày nào cũng như ngày nào nên muốn vào Nam một chuyến cho biết với người ta.
Nhiều người đi phu cao su còn sống sót về kể nhiều chuyện hay như vườn cao su
ngay hàng thẳng lối bao la bất tận như rừng, còn miền Tây thì ruộng lúa cò bay
thẳng cánh, chó chạy cong đuôi, dân giàu vô kể; nghe nói có công tử Bạc Liêu sắm
máy bay đi thăm lúa ruộng. Ðang mơ mộng vào Nam thì có tin nhà nước mộ lính
không chuyên gọi là ONS sang Pháp đánh giặc Ðức. Tàu đậu tại Hải Phòng, sẽ vào
Sài Gòn trước khi qua Pháp. Mình liền tình nguyện, nhưng tới Sài Gòn thì nhảy
xuống, sinh sống trong xóm phu phen ở Khánh Hội, Xóm Chiếu. Về sau xin được một
chân phó quản đốc xưởng cưa cây giá tị. Lúđồng, bằng lương tháng thầy ký tòa bố.
Mình thả qua Sài Gòn tính sắm một cái đội cho oai. Vô tiệm nón ở dường Catinat,
thấy trưng nửa lố đủ màu, đen, xám, nâu, trắng... Mới bước chân vô, mình thấy mấy
thằng Tây ngó mình có nửa con mắt.
Lúc đó mình mặc quần lãnh đen, áo bành tô ka ki xanh, đúng là lối ăn mặc của thợ
thầy lao động bình dân. Thây kệ, mình vẫn tới sát bên tủ kiểng trưng nón:
- Cho xem cái nón đi ông bạn.
Thằng Tây lắc đâu, chỉ miếng giấy ghi giá tiền:
- Mắc lắm, anh không đủ tiền mua đâu?
Mình nổi dịch lên trợn mắt:
- Sao mày biết tao không có tiền mua? Lấy cho tao coi mau lên!
Thấy mình làm dữ, thằng Tây miễn cưỡng lấy một cái đưa cho xem. Mân mê thấy nỉ
dầy kiểu đẹp, bèn đội thử, thấy vừa, hỏi lại cho kỹ: "bao nhiêu?"
- Hai mươi lăm đồng. Có đủ tiền mua không đó cha?
Phải cho mấy thằng Tây cà sóc chó này một bài học! Mình mua một cái đội lên đầu
rồi biểu nó lấy giấy gói 4 cái còn trưng trong tủ. Năm cái tất cả. Móc bóp trả
ngay lập tức 125 đồng cho tụi nó xanh mặt chơi.
Năm Bé cười khoái trá:
- Mua rồi đem về không biết phải làm gì với bốn cái nón dư. Ðành kêu em út lại
cho, chớ để chật nhà!
Bảy Viễn vỗ vai Năm Bé:
- Tụi này không ưa Bắc kỳ, nhưng nhận anh làm bằng hữu vì anh đã Nam kỳ hóa dữ
rồi!
Anh hùng kết nghĩa
Không nơi đâu bất bình thường bằng biển cả. Mới hôm trước mặt nước phẳng lì như
bàn đá vậy mà hôm sau bão tố nổi lên ầm ầm. Từ chân trời mây đen bỗng hiện ra.
Rồi gió ta thổi đám mây hung tợn đó tới thật nhanh. Không mấy chốc bầu trời tối
đen như nhật thực. Gió tới đâu, sóng theo tới đó. Chiếc tam bản lắc lư như quả
trứng trong nồi nước sôi.
Thế rồi Tư Nhị kêu lên:
- Cha mẹ ôi, cặp "ngỗng thần" xuất hiện kia kìa? Chết tới nơi rồi các
anh ơi!
Cả ba người chóng mắt nhìn cái mà Tư Nhị gọi là cặp "ngỗng thần".
Nhưng họ chẳng thấy gì hết, chi thấy sóng cao như mấy dãy phố sâu đang ầm ầm
lao tới.
Trời nổ ra sấm sét, nhưng chớp lửa rạch đứt lưng trời cho thấy một vòi nước từ
trên cao buông xuống.
Năm Bé kêu:
- Rồng hút nước đó các anh. Không khéo mình bị hút lên rồi ném xuống như bà con
đi biển kể lại.
Mười Trí và Bảy Viễn vẫn giữ bình tĩnh trong cơn nguy. Cả hai đêu tập trung trí
tuệ để đối phó với tai họa sắp xảy ra. Hai tay nắm chặt ván thuyền.
Mười Trí dặn bạn:
- Phải cố mà nắm ván thuyền. Có gì mình cũng nổi trên mặt nước.
Anh nói chưa dứt lời thì một ngọn sóng ụp tới, nhận chiếc tam bản sụp xuống hố
sâu rồi lại văng lên, nhẹ nhàng như một chiếc lá. Tất cả bốn người trên tam bản
đứng tim. Vừa tỉnh hồn, họ chờ đợi đợt sóng thứ hai. Nhưng chở hoài không thấy,
chỉ thấy tam bản trôi băng băng theo các ngọn sóng.
Nhưng kỳ lạ là tam bản không bị nhận ghìm xuống sâu như trước nữa. Thật may mắn
lạ lùng.
Một khắc sau Bảy Viễn mới phát hiện nguyên nhân điều kỳ diệu: một con cá ông
núp sát hông tam bản.
Anh kêu lên: "Cá ông cứu mình!"
Tư Nhị mở mắt nhìn thấy, kêu lên:
- Nam mô A di đà Phật! Nam Hải tướng quân phò hộ độ trì bốn anh em chúng tôi. Nếu
chuyến vượt ngục này về tới đất liền bình an vô sự, chúng tôi sẽ vật heo tạ ơn.
Chừng bão tan, ai nấy mừng rỡ biết mình còn sống và cùng giữ lời van vái của Tư
Nhị là sẽ quay heo tạ ơn.
Nhưng đất liền vẫn còn xa lắc xa lơ. Bão làm cho họ mất phương hướng. Tuy nhiên
đói khát mới là chuyện trước mắt. Sóng tràn vô tam bản cuốn trôi tất cả thùng
thiếc cơm khô, nước uống.
Ðói không làm tù vượt ngục khổ bằng khát. Nước cả đại dương mà chịu khát mới ức.
Nhưng không thể uống nước biển được. Ðến ngày hôm sau, khát quá đành uống nước
tiểu của nhau vậy.
Bảy Viễn cười nói:
- Mình có nghe kể tù uống nước tiểu của nhau là chuyện từng xảy ra. Nhưng mình
không ngờ bây giờ mình lại rơi đúng trường hợp oái oăm này.
Tư Nhị cười thích thú nói:
- Mình dọc truyện Tàu, nhớ lúc bộ ba Lưu Quan Trương thích huyết ăn thề trong
vườn đào, nay mình có ý nghĩ bốn huynh đệ chúng ta uống nước tiểu của nhau, vậy
tại sao ta không làm lễ kết nghĩa huynh đệ, nếu về được đất liền thì giúp đở lẫn
nhau, nương tựa nhau mà sống.
Bảy Viễn nhìn Mười Trí:
- Anh em muốn làm lễ tạm gọi là đào viên kiểu bộ ba Lưu Quan Trương, anh Mười
tính sao? Ðồng ý chớ?
Mười Trí nói:
- Kết nghĩa đệ huynh giang hồ suốt đời tương thân tương ái là chuyện quan trọng.
Phải biết nhau rành rẽ từ chân tơ kẽ tóc mới dám tin nhau. Trong bốn anh em
mình, có anh Năm Bé là người mới, mình chỉ biết nhau có mấy ngày, kể từ Ba Rùm
giới thiệu cho quá giang hôm kia.
Năm Bé có vẻ buồn, gượng gạo nói:
- Anh Mười nói đúng, phải biết nhau thì mới kết tâm giao được. Ðúng là tôi mới
quen với các anh có ba ngày. Vậy thì trừ tôi ra, còn ba anh đã quen biết nhau từ
lâu thì cứ làm lễ đào viên như anh Tư Nhị mong muốn.
Bảy Viễn nhìn Năm Bé lom lom rồi nói:
- Không ai làm chuyện kỳ cục như anh Năm Bé nói. Ði trên tam bản bốn người,
cùng chung số phận, sống chết có nhau, sao lại kết nghĩa có ba người? Người bị
bỏ ra tất nhiên là sẽ tủi hổ. Tôi không phải là thầy tướng số nhưng thoạt nhìn
anh Năm, tôi biết anh là người tốt. Rồi lại nghe chuyện anh chửi cha mấy thằng
Tây cà chớn trong tiệm bán nón đường Catinat, tôi chấm anh là tay "chơi được".
Lại thêm có sự giới thiệu của Ba Rùm là cháu của anh Mười, tôi thấy có thể cho
anh Năm Bé nhập bọn chúng mình. Tuy là dân Bắc kỳ nhưng vô Sài gòn lâu năm, đã
Nam kỳ hóa nhiều, không khác gì dân trong Nam. Anh Mười tính sao?
Mười Trí khẽ gật:
- Tôi chỉ nói nguyên tắc. Nhưng trong nguyên tắc cũng có ngoại lệ. Anh Năm Bé
là người tốt. Trong mấy ngày qua, tôi có để ý theo dõi cách sống của anh thì thấy
anh hòa nhập trọn vẹn với anh em. Tôi đồng ý với anh Bảy.
Tư Nhị nghe hai đàn anh bàn bạc, vui mừng tìm một cái gáo dừa tát nước kỳ cọ sạch
trơn, đưa lên trước mặt mọi người nói:
- Trời hôm nay sáng rỡ, đúng là giờ hoàng đạo. Xin hai đại ca tiểu vô đây trước
rồi tới hai em sau. Chúng ta làm lễ thích huyết ăn thề theo kiểu tù vượt ngục,
thay máu đào bằng nước tiểu, cũng là thử nước từng lưu thông trong cơ thể chúng
ta.
Bảy Viễn nói:
- Mình tuổi Thìn, Giáp Thìn, 1904, năm nay băm sáu. Còn anh Mười?
- Mình sanh 1903, năm Quý Mão, cầm tinh con mèo.
Tư Nhị:
- Vậy anh Mười là anh Hai, kế anh Bảy là anh Ba, còn anh Năm là anh Tư, tôi là
út. Anh Hai hãy khấn vái ít lời cho cuộc lễ kết nghĩa hôm nay đi.
Trường đua Phú Thọ
Sau khi vượt ngục lần thứ hai, Bảy Viễn trở về Phú Thọ quyết chí làm ăn lớn. Khổ
nỗi làm ăn lớn thì phải có vốn mà Bảy Viễn lúc đó quá rách.
Làm sao để có vốn lớn?
Phú Thọ có trường đua hàng tuần thiên hạ kéo tới "thử thời vận".
Thế là Bảy Viễn bắt đầu nghiên cứu về lối cờ bạc công khai được nhà nước thừa
nhận này.
Ðọc mấy tờ báo có đăng "Lời bàn đua ngựa" đến nhàu nát, Bảy Viễn quyết
định thử thời vận vào chiều thứ bảy. Anh gom góp tiền đánh cá cặp "nhất
Xích Thố, nhì Huỳnh Long".
Báo chí ca ngợi hai con ngựa này là thần mã, chuyên về nhất nhì trong mấy tháng
qua.
Mua vé đánh cá xong, Bảy Viễn lên khán đài cao ngồi. Anh đem theo ống dòm để
theo dõi hai con thần mã mình chọn, hy vọng chúng sẽ giúp vốn ban đầu cho mình.
Kết quả con Huỳnh Long thắng con Xích Thố một cái đầu. Vậy là Bảy Viễn mất toi
mấy trăm bạc. "Chỉ tại mình tham" - Bảy Viễn tự trách. Nếu mình đánh
cá từng con thì dễ trúng hơn là đánh cá cặp.
Lẽ dĩ nhiên cá cặp thắng đậm, nhưng lại ít xảy ra.
Giữa trưa hè nắng đổ lửa, Bảy Viễn thả bộ ra về. Lúc đi ngang qua phòng bán vé
đua ngựa, anh thấy một người to cao, ăn mặc sang trọng từ phòng bán vé bước ra.
Vừa thấy anh, người này kêu lên:
- Anh Bảy! Sao coi bèo nhèo vậy?
Bảy Viễn bắt tay người này, khẽ hỏi:
- Phải anh Tư không?
Người kia cười vang:
- Ðúng rồi. Tư Thiên đây. Mình là dân turfiste (dân cá ngựa) tuần nào cũng tới
đây cắt cỏ nuôi ngựa đua.
Bảy Viễn thở ra:
- Tay nào đặt ra mấy tiếng "cắt cỏ nuôi ngựa đua" thật là hay. Mình vừa
cháy túi vì hai con Huỳnh Long và Xích Thố.
Tư Thiên kéo Bảy Viễn lên khán đài, thong dong trò chuyện:
- Tôi đạp vô cái nghề cá mẩm này quá lâu nên biết quá rõ về mánh mung của bọn
chủ ngựa và đám nài. Nói xin lỗi, bọn họ là một lũ lưu manh.
Bảy Viễn kêu lên:
- Sao anh Tư dám ôm đũa cả bó. Cũng có chủ ngựa tốt chớ!
Tư Thiên gật:
- Ðúng là có chủ ngựa tốt. Ðó là những tay trí thức đi học bên Tây về, xem đua
ngựa là một môn thể thao cao quý. Mình có biết bác sĩ Nguyễn Chí Nhiều, chủ
hãng Nguyễn Chí Dược Cuộc ở Ða Kao là tay nuôi ngựa đua chân chính, không hề biết
làm độ như thế nào. Nhưng số chủ ngựa đua tốt rất ít. Còn phần đông thì bị
"tiền tài ám nhãn", họ ra lệnh cho nài níu kéo để "canh
nhì". Anh Bảy biết không, ngựa về nhất, chủ được lãnh thưởng không bằng
làm độ, để mua hết các vé đánh cá. Tiền vô gấp mười lần...
Bảy Viễn bật cười:
- Lâu nay tôi tự cho mình là thằng điếm. Bây giờ mới biết thiên hạ còn điếm hơn
mình mấy chục lần. Một bài học quá đắt: bảy trăm đồng...
Tư Thiên nhìn Bảy Viễn lộ chút thương hại:
- Ðừng buồn! Ðể mình giúp bồ kiếm chác gở gạc. - Vừa nói Tư Thiên móc túi lấy
ra xấp vé cá cặp:
- Mình chia cho bồ mười vé cá cặp này. Năm phút nữa mình sẽ xem hai con thần mã
của mình đoạt giải. Và nửa giờ sau chúng ta tới phòng vé lãnh tiền.
Bảy Viễn nhìn Tư Thiên, bán tin bán nghi:
- Anh Tư nói như móc tiền trong túi!
Tư Thiên cười:
- Hễ biết đánh cá ngựa là phải biết đón tuy-dô (tiếng Tây có nghĩa là tin mật).
Mình giao du nhiều trong giới chủ ngựa đua và nhất là giới nài. Với bọn nài,
mình chơi thật ngọt. Nói nôm na là "mua" chúng nó. Không thằng nào
dám phản Tư Thiên. Nó cho tin mình cho tiền. Khi kết quả như nó cho tin, mình lại
thưởng mười lần hơn. Tất cả bí quyết của mình là ở đó, đúng như người Tàu dạy
con cháu từ ngàn xưa: "Phóng tài hóa, thu nhân tâm", nghĩa là hào
phóng ban phát tiền bạc và hàng hóa để chinh phục lòng người.
Bảy Viễn cười nhủ thầm:
- Mình chẳng lạ gì câu thần chú đó. Ở ngoài đảo mình đã mua thầy chú, vợ mã tà
76 để họ giúp mình vượt ngục an toàn.
Vụ làm độ diễn ra đúng như Tư Thiên nói.
Tư Thiên và Bảy Viễn xuống phòng bán vé lãnh thưởng.
Với mười vé Tư Thiên tặng, Bảy Viễn chẳng những gỡ được vốn mà còn có lời mấy
trăm bạc. Còn Tư Thiên thì bợ bạc thấy mà ham. Từ chiều thứ bảy đó, Bảy Viễn kết
thân với Tư Thiên.
Cả hai có nhiều điểm giống nhau như gốc Tàu lai, lại vô dân Tây (Tư Thiên lấy
tên Maurice, còn Bảy Viễn chọn tên Vincent). Tìm hiểu thêm về Tư Thiên, Bảy Viễn
biết anh ta là con một viên chức Sở Ðoan (Quan thuế) gia đình theo đạo dòng. Tư
Thiên học khá, có bằng Trung học Pháp, lấy vợ xẩm (con gái một chủ tiệm buôn lớn
trong chợ Bình Tây).
Maurice Thiên thuộc vào loại tiểu tư sản trí thức nổi tiếng ăn chơi theo đúng
phong trào "Khỏe để phụng sự" hồi đó mà lãnh tụ là trung tá Ducouroy.
Trước phong trào thanh niên yêu nước do nhóm sinh viên Nam bộ phát động, được học
sinh các trường trung học Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ hưởng ứng, thực dân Pháp lo
sợ phát động phong trào "Vui trẻ khỏe hùng" để chia rẽ Trung Nam Bắc...
Maurice Thiên là tay đua xe đạp tên tuổi ở Nam kỳ. Ngoài ra, Tư Thiên còn là cầu
thủ bóng đá của hội banh kỳ cựu nhất Nam kỳ là Ngôi Sao Gia Ðịnh. Anh có cú sút
sấm sét làm các thủ môn phải nể sợ.
Ngày kia Maurice Thiên báo tin vui cho Bảy Viễn:
- Tây sẽ tổ chức giải đua xe đạp vòng quanh Ðông Dương (Tour d'indochine). Rầm
rộ lắm. Có trên trăm tay đua gồm các ê kíp Trung, Nam, Bắc rồi ê kíp nhà binh
Pháp nữa. Theo đoàn đua có 200 xe mô tô, xe hơi của các đội chuyên lo tiếp tế
cho cua rơ dọc đường.
Bảy Viễn hỏi:
- Trong cuộc đua này mình có vô áp phe nào không?
Tư Thiên gật:
- Có chớ? Mình thầu một camion Duvette (xe giải khát). Mình giao cho anh lái
chiếc xe này. Một công hai việc. Vừa đi chơi, vừa có tiền xài chịu không?
- Chịu chớ? Mình cần mở rộng tầm mắt để có chuyện xài về sau.
Lịch sử xe Xích Lô
Càng giao du với Tư Thiên, Bảy Viễn càng khám phá nhiều điều lạ: con người Tàu
lai, vô dân Tây, lấy vợ xẩm, chơi thể thao này lại là một tay biết làm ăn.
Thời đó Sài Gòn mới có xe xích lô để tiến tới thay xe kéo bị báo chí chê là loại
xe "người kéo người", không văn minh. Xích lô hồi đó kiểu còn thô kệch,
ngồi không êm.
Tư Thiên thiết kế xích lô kiểu mới, dáng vẻ văn minh, chỗ ngồi có nệm êm.
Ðây là loại xích lô Coupeaud xuất hiện trước đó vài năm ở Nam Vang, sau mới có
tại Sài Gòn.
Tư Thiên nhanh tay mướn đóng hàng loạt xích lô kiểu mới, đặt cho nó cái tên thật
kêu là "phô tơi ba bánh".
Nhà nước cho phép lưu hành loại "phô tơi ba bánh" này.
Tổng số xe xích lô loại mới chạy khắp Sài Gòn - Chợ Lớn những năm đầu thập niên
40 là 30 chiếc và tất cả đều thuộc một chủ: Tư Thiên.
Về sau, Tư Thiên lập hội chủ xe xích lô phô tơi ba bánh, số hội viên lên mấy chục
người, trong đó có Bảy Viễn.
Cả Sài Gòn - Chợ Lớn có trên 200 chiếc.
Nhờ biết làm ăn lớn nên Maurice Thiên phất to đi xe hơi hiệu Citroen màu xanh
lá cây và trúng thầu nhiều cú áp phe béo bở như vụ thầu xe giải khát
"camion Duvette" trong cuộc đua xe đạp vòng quanh Ðông Dương.
Bảy Viễn chỉ lái chiếc xe giải khát này, nhưng trong một tháng rong ruổi trên
đường thiên lý, Bảy Viễn thấy được tầm vóc của người bạn Tàu lai vô dân Pháp:
Tư Thiên là tay buôn lậu quốc tế.
Theo cuộc đua vòng quanh Ðông Dương chỉ là hình thức nghi trang cho việc buôn lậu
vàng và á phiện - hai mặt hàng đem lại nhiều lợi nhuận cho các tay buôn lậu.
Nhưng tình hình không cho phép Bảy Viễn sống nhàn nhã dựa vào thế lực của Tư
Thiên. Nhật đổ quân lên Ðông Dương khiến Pháp lo ngại một cuộc nổi loạn như Nam
Kỳ Khởi Nghĩa tháng 11, 1940. Do đó Pháp truy quét các phần tử nguy hiểm cho an
ninh trật tự của người Pháp. Những người ghi tên vào sổ đen đều bị bắt, trước
nhất là những người làm quốc sự. Kế đến là các giáo phái làm chính trị như Cao
Ðài, Hòa Hảo. Sau cùng tới các tay du đãng, giang hồ như Bảy Viễn, Mười Trí. Vậy
là "tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng sách".
Bảy Viễn theo Mười Trí "chém vè" tại Bến Tranh. Không ngờ về nơi sơn
cùng thủy tận này, họ gặp một chiến sĩ cộng sản trí thức lừng danh: Bảy Trấn.
Bảy Trấn là dân Chợ Ðệm, quận Bình Chánh, tỉnh Chợ Lớn. Ðang học ban tú tài Trường
Trung học Pétrus Ký, anh bỏ học, theo đàn anh làm báo rồi làm chính trị. Tờ báo
Dân Chúng mà Bảy Trấn cộng tác là tờ báo nổi tiếng nhất hồi 1938.
Báo này đã làm một cuộc cách mạng báo chí là không xin phép nhà cầm quyền thực
dân. Ðây là vấn đề pháp lý rất tinh tế. Luật báo chí bên chánh quốc quy định
không cần phải xin phép. Báo mới ra chỉ cần nạp bản và lo đủ thủ tục như trình
báo rõ tên báo, tên người quán lý cùng địa chỉ. Nhưng bọn thực dân cầm quyền sợ
dân thuộc địa hưởng quyền tự do báo chí như dân bên chánh quốc nên chúng ra sắc
lệnh phải xin phép mới được in báo.
Luật sư nổi tiếng Phan Văn Trường từng hành nghề mấy chục năm ở Pháp gợi ý cho
những nhà làm quốc sự Nam Kỳ cứ việc ra báo mà không cần xin phép vì theo tinh
thần luật pháp thì một sắc lệnh (arrêté) của Toàn quyền Ðông Dương không thể
qua mặt được một đạo luật (decret) do Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất nước
vạch ra.
Nghe luật sư Phan Văn Trường mách nước, các nhà cách mạng Nam Kỳ lén ra báo Dân
Chúng mà không xin phép. Khi thực dân truy quét các phần tử nguy hiểm, Bảy Trấn
nhanh chân nhảy lên Bến Tranh, gần Dầu Tiếng "chém vè".
Cũng trong thời điểm trên, dân Bến Tranh thấy một lão Tây già xưng là thầy Tư
Hoảnh-Xăng tối ngày vận xà-rông và áo thun tơ thả lên nhà Hội đồng Thì "đậu
chếnh".
Hội đồng Thì là dân có máu mặt ở Bến Tranh, ông ta có biệt danh là "le coq
du village" (con gà trống trong làng - ám chỉ người giàu nhất).
Hội đồng Thì có em vợ là Xã Mỹ cũng là tay giàu có, quanh năm chỉ thích
"điều binh khiển tướng" (đánh bài tứ sắc). Không nơi đâu an toàn cho
dân mang bệnh xòe bằng nhà Hội đồng Thì.
Vầy là nơi đây tập trung dân chơi tứ chiếng, có thầy Tư Hoảnh-Xăng không biết từ
đâu trôi giạt về.
Sau lão Tây già là ông Năm Mắm. Do vợ có cơ sở làm ăn vững chắc, ông Năm Mắm
không cần phải làm gì mà chỉ ở không "trong veo". Ở không mãi cũng
đâm chán nên ông Năm Mắm thả lên nhà Hội đông Thì "đậu chếnh" giết
thì giờ.
Vậy là anh hùng tương ngộ: bốn tay chơi gặp nhau trên chiếu bài là chủ nhà Hội
đồng Thì, ông Tây già chuyên vận xà rông và áo thun tơ, ông Năm Mắm và thầy Năm
Dầu Tiếng.
Dân làng không biết lai lịch của ba tay chơi này nhưng mật thám mò ra được sau
vụ đánh cướp táo bạo chủ Sở Cao su Dầu Tiếng, đánh ngay tại nhà băng Sài Gòn ở
đường mé sông (bến Bạch Ðằng).
Ông Tây già xưng tên thầy Tư Hoảnh-Xăng là Bảy Viễn, ông Năm Mắm là Mười Trí,
còn thầy Năm Dầu Tiếng không ai khác ngoài nhà báo Bảy Trấn.
Xin kể lại chuyện đánh cướp táo bạo chủ Sở Cao su Dầu Tiếng. Hai tay giang hồ
"chém vè" tại Bến Tranh, ngày ngày đánh tứ sắc mãi đâm chán.
Một hôm đàn em của Bảy Viễn báo cáo tình hình: Ðã theo dõi tên Giám đốc Sở Cao
su Dầu Tiếng hàng tuần đều tới nhà băng lãnh tiền phát lương cho thầy thợ. Vậy
là Bảy Viễn họp bàn với Mười Trí "đi hát" một chuyến cho vui. Kế hoạch
được bàn kỹ: Bảy Viễn mướn xe Huê Kỳ - loại xe lô - đổi bảng số thành xe nhà,
đích thân Bảy Viễn cầm lái. Mười Trí đóng vai cận vệ.
Ðúng giờ G sáng thứ bảy, Bảy Viễn lái xe tới đậu kế xe của thằng Tây giám đốc Sở
Cao su Dầu Tiếng, bên hông nhà băng Sài Gòn. Bảy Viễn xách cặp da vô văn phòng,
ngồi trên ghế thân chủ vờ mở sổ sách ra tính toán. Ðồng thời theo dõi thằng Tây
chủ Sở Cao su Dầu Tiếng. Khi tên này ôm tiền ra xe thì Bảy Viễn xếp sổ sách lại,
bước nhìn theo. Vừa thấy thằng Tây bước ra đường,
Mười Trí vội vã chòm qua xe thằng Tây, hỏi mượn bật lửa để đốt thuốn hút. Tên
tài xế vô tình tìm bật lửa thì nhanh như chớp, Mười Trí chém mạnh bằng bàn tay
vào gáy tên này. Hắn gục xuống tay lái bất tỉnh. Bảy Viễn chờ thằng Tây chủ sở
tới bên xe mới tấn công bằng gói bột ớt ném ngay vô cặp mắt. Tên này tá hỏa,
buông va li và ôm mặt. Thế là Bảy Viễn chụp va li bạc ném vô xe rồi rồ ga vọt
nhanh. Vì cả chủ và tài xế đèu lâm nạn nên không ai la làng.
Về đến sào huyệt Dầu Tiếng cả tuần, vụ cướp táo bạo trên mới được báo chí bàn
tán xôn xao.
Các phóng viên đều nhất trí đánh cướp kiểu phóng xe Huê Kỳ là sở trường của Bảy
Viễn. Có một tay mật thám tên Ðội Cầu, quê Bà Quẹo với Mười Trí đoán biết hai
tay tổ đang "chém vè" ở đó nên cả hai mới rành đường đi nước bước của
thằng Tây giám đốc Sở Cao su Dầu Tiếng. Thế là vòng vây được giăng ra mà Dầu Tiếng,
Bến Tranh là trung tâm điểm.
Nhưng Mười Trí đã may mắn thoát hiểm.
Sáng đó xe đạp Mười Trí cán đinh, phải ghé vá nơi vệ đường. Thình lình một xe
chở đầy lính chạy lên, Mười Trí biết mật thám đã đánh hơi được nên ngay hôm ấy
vọt xuống Sài Gòn. Còn Bảy Viễn thì vẫn "đậu chếnh" tại nhà Hội đồng
Thì. Nhờ tai mắt của Hội đồng Thì báo có lính tới, Bảy Viễn và Bảy Trấn kịp thời
nhảy xuống xuồng bơi qua sông thoát hiểm...
Ði Côn Ðảo lần thứ ba
Sau vụ cướp táo bạo chủ sở cao su Dầu Tiếng, Bảy Viễn, Mười Trì lại bị bắt đày
Côn Ðảo.
Với Bảy Viễn, đây là chuyến ra đảo lần thứ ba.
Thầy chú gặp lại người hùng đã từng hạ vô địch Chùa Tháp Khăm Chay chỉ bằng một
ngọn cước sấm sét, vui vẻ chào mừng. Nhiều người còn nợ anh, bắt tay hỏi đùa:
- Bộ trở ra đây đòi tiền phải không cha nội? Mình còn nợ cha nội mấy chục đồng.
Bảy Viễn cũng đùa lại:
- Tây đưa mình ra đây như bắt cóc bỏ đĩa.
Anh vỗ túi quần:
- Về Sài Gòn mình làm ăn được. Ra đây không đòi tiền mấy thày mà còn có thể cho
mượn thêm để "đậu chến" giải buồn. Ðược không mấy thầy?
Tất nhiên là thầy chú dễ dãi với các tay giang hồ kỳ hiệp như Mười Trí, Bảy Viễn.
Họ tin hai vị này theo gương 108 anh hùng Lương Sơn Bạc chuyên đánh cướp bọn trọc
phú giúp đỡ dân nghèo.
Ngoài miệng thì bô lô ba la với thầy chú nhưng đêm đêm, Mười Trí và Bảy Viễn đều
nôn nóng sanh mưu tính kế vượt ngục vì tình hình dường như sắp biến chuyển quan
trọng. Chiến tranh thế giới sắp kết thúc. Phe Ðồng minh đang phản công như
giông gió. Phát xít Ðức - Ý - Nhật đang yếu thế. Nhờ đọc báo mà Bảy Viễn và Mười
Trí biết chút ít thời cuộc. Càng biết thời cuộc thì không thể an tâm nằm ngoài
đảo lâu ngày được.
May thay Ba Rùm vẫn còn ở Bản Chế, sẵn sàng giúp đỡ đàn anh khi có yêu cầu.
Bảy Viễn mong gặp lại Châu, vợ mã tà 76. Châu vừa là người tình vừa là tay
trong mua sắm những thứ cần thiết cho những vụ vượt đảo.
Nhưng lần này thì Bảy Viễn mất hứng. Vợ chồng mã tà 76 đã hết hạn phục vụ trên
đảo và đã đổi về Sài Gòn trước đó vài tháng. Tuy còn có nhiều chị em vợ mã tà
"nhảy dù" kiếm tiền "đậu chến", nhưng Bảy Viễn đã chán chuyện
"ăn bánh trả tiền". Bây giờ anh mới biết khó tìm được một "cánh
sen trong bùn" như Châu.
Ba Rùm tận tình giúp đỡ hai anh Mười Trí và Bảy Viễn trong chuyến vượt ngục lần
thứ ba này.
Cũng như lần trước. Ba Rùm chỉ giúp mà không bước xuống bè. Anh vẫn quyết tâm
trả hết nợ 12 năm để làm lại cuộc đời lương thiện.
Về tới đất liền thật là đúng lúc. Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Bọn
Nhật ở Ðông Dương buồn rầu còn hơn cha chết. Nhiều sĩ quan harakiri (mổ bụng) tự
tử. Theo báo chí thì quân đội Anh - Ấn gồm toàn lính Ấn có nhiệm vụ giải giới
quân Nhật ở phía Nam, còn trên miền Bắc thì nhiệm vụ giải giới quân Nhật do
quân Tàu của tướng Lư Hán ở Hoa Nam đảm trách.
Tình hình biến chuyển nhanh chóng, Sài Gòn đổi chủ không sao lường được. Pháp
đang làm trời thì bị Nhật đảo chính ngày 9.3.1945. Một tuần sau, quân Nhật đổ bộ
lên đảo bắt hết Tây đưa đi, để lại một trung đội lính Nhật điều hành mọi việc
trên đảo. Lúc này phe thân Nhật lên chân. Một số trí thức như giáo sư Trần Văn
Quế, Cao Ðài thân Nhật, được đưa về đất liền. Nhật đưa Còm mi Lê Văn Trà lên
trông coi công việc hành chính quản trị trên đảo. Phụ tá Còm mi Trà có Sơn
Vương, một nhà văn - tướng cướp.
Nhưng quân Nhật chỉ thay Pháp làm chúa Việt Nam có mấy tháng rồi "cốt khỉ
vẫn hoàn cốt khỉ".
Sau hai trái bom nguyên tử của Mỹ thả xuống hai thành phố lớn Hiroshima và
Nagasaki, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng.
Tại Nam Kỳ, quân đội Nhật bị quân Anh tước khí giới và bắt làm tù binh.
Chứng kiến cảnh này, Bảy Viện nói với Mười Trí:
- Ðúng là cá ăn kiến, mà cũng có khi kiến ăn cá.
Mười Trí thực tế hơn, lo nghĩ chuyện phải làm trước mắt:
- Trong tình hình này, mình phải làm gì đây? Tốt nhất ta nên tìm hỏi những bậc
cao minh. Anh có quen lớn với ai thì đi hỏi người đó. Còn tôi thì qua Tân Quy
thăm anh Ba Dương.
Bảy Viễn nghĩ ngay tới Maurice Thiên, người đã giúp anh "kiếm tiền chợ"
vào các chiều thứ bảy tại Trường đua Phú Thọ, rồi giới thiệu anh tháp tùng cuộc
đua Vòng quanh Ðông Dương với tư cách quản lý xe giải khát của ban tổ chức.
Gặp lại Bảy Viễn, Tư Thiên vui mừng nói:
- Anh về đất liền đúng lúc quá. Tình hình đang cần những tay chọc trời khuấy nước!
Anh biết không, Chiến tranh thế giới đã kết thúc. Phát xít Ðức - Ý - Nhật thua,
đồng minh Anh - Pháp - Nga - Tàu - Mỹ thắng. Quân Anh đang giải giới quân Nhật
từ vĩ tuyến 16 trở vào. Phía ngoài giao cho quân Tàu của tướng Lư Hán...
Bảy Viễn gật lia:
- Ðại cuộc thì tôi đọc báo biết rồi. Anh Tư nói chuyện mình phải làm gì trong
lúc này?
- Việt Minh đang nổi lên cướp chính quyền ngoài Bắc. Nghe nói trong Nam cũng có
Việt Minh. Việt Minh nổi lên rất đúng thời cơ, Nhật thua trận, buồn rầu như chết
chưa chôn. Còn Pháp thì vẫn đang còn bị Nhật giam trong trại Ong-dèm. Nghe nói
quân Pháp từ Calcutta và Bom Bay sẽ trực chỉ tới Sài Gòn tái chiếm Nam Kỳ từ
tay Nhật. Không biết Việt Minh và Pháp, ai sẽ tới trước.
Bảy Viễn dốt chính trị, hỏi tới cho rõ:
- Việt Minh là ai vậy? Mình ở ngoài đảo có nghe ai nói tới Việt Minh đâu?
Tư Thiên nói:
- Việt Minh là gọi tắt của sáu chữ Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh - một tổ chức
chính trị, quân sự do Ðảng Cộng sản lập ra để cướp chính quyền, khai sinh một
nước Việt Nam độc lập. Họ đứng trong phe Ðồng Minh, chống Phát Xít, từng cộng
tác với quân Mỹ ở Hoa Nam như cứu giúp các phi công Mỹ và Anh bị Nhật bắn rơi ở
Bắc Việt, đưa qua Vân Nam giao cho quân Ðồng Minh. Nhờ các đóng góp đó mà Việt
Minh gây được thanh thế với quốc tế. Nghe nói Tổng thống Mỹ không tán thành
Pháp tái chiếm các thuộc địa cũ ở Ðông Dương.
Bảy Viễn suy nghĩ khá lâu mới nói:
- Nghe anh Tư nói tình hình, tôi dự đoán sẽ có nổ súng giữa quân Pháp và quân
Việt Minh. Vậy mình phải chọn ai trong cuộc tranh hùng này?
Tư Thiên cười:
- Người Tàu mình không thích bàn chính trị, chỉ lo làm ăn thôi. Nhưng anh đã hỏi
thì mình nói. Nghe qua rồi bỏ nghe anh Bảy. Pháp thì mình biết quá nhiều. Mình
học tiếng Pháp từ nhỏ. Cách sống của mình cũng rập khuôn theo Pháp: sáng cà phê
sữa, bánh mì ốp la, trưa cơm gà chiên bơ, rượu chát; tối ăn súp cho nhẹ bụng ngủ
ngon giấc.
- Còn Việt Minh thắng thì sao? - Bảy Viễn hỏi.
Tư Thiên cười ngất:
- Làm gì có chuyện đó! Việt Minh mới lập bộ đội vài tháng làm sao đương cự nổi
đội quân Viễn chinh xông pha khắp chiến trường châu Âu, Bắc Phi. Khác nào đem
trứng chọi đá.
- Nhưng đời Trần, đời Lê mình đã mấy lần thắng kẻ địch mạnh gấp trăm lần, nên
có câu ca dao "Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe
nghiêng".
Trong thâm tâm Bảy Viễn nghĩ thầm: nắng chiều nào, che chiều đó. Anh quyết tâm
bán vàng mua súng đạn, lập bộ đội.
Bộ đội Bình Xuyên
Sau khi tham khảo quan điểm Maurice Thiên, Bảy Viễn gặp lại Mười Trí.
Ðôi bạn nối khố bàn nhau chuyện phải làm trước mắt.
Mười Trí hỏi:
- Anh Bảy đã gặp ai để nghe nói chuyện thời thế?
- Mình gặp Tư Thiên là tay thông thạo mọi thứ trên đời, còn anh Mười đã gặp anh
Ba Dương chưa?
- Gặp rồi. Chuyện anh Ba Dương dài lắm, mà cũng ly kỳ lắm. Mình kể vắn tắt
thôi. Ðang đứng ở bến xe Tây Ninh - Nam Vang thì Tây ban hành tình trạng khẩn cấp
gom bắt hết các phần tử nguy hiểm, Cộng Sản, Cao Ðài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu
Nghĩa, Tịnh Ðộ Cư Sĩ, bắt luôn dân giang hồ. Anh Ba phải chạy về Cần Giuộc
"chém vè". Nào ngờ bị điểm chỉ đưa lính tới bắt giải về quận. Chủ quận
độc ác buộc anh Ba uống cả một chùm tóc mới thả. Tóc vô người sẽ phá nát bộ
tiêu hóa, gây cái chết lần hồi, nhưng không còn cách nào khác, anh Ba đành phải
thi hành bản án. Thời may ảnh có học trò trung thành lãnh về chạy thuốc gia
truyền nhờ đó mà không chết.
Khi ta cướp chính quyền, anh Ba dạy võ cho Thanh Niên Tiền Phong Cần Giuộc,
tham gia cướp chính quyền. Nghe mình hỏi phải làm gì thì anh Ba vui vẻ nói:
- Dân giang hồ mình có truyền thống bất khuất từ mấy đời. Vì yếu thế mới phải
làm lục lâm thảo khấu. Nay chính quyền thuộc về mình thì tại sao mình không lập
bộ đội để đánh Tây cho thỏa chí bình sanh? Chú Mười nên về Bà Quẹo mua súng đạn
mộ dân quân. Súng tụi Nhật bán rẻ như bèo. Dại gì đem nạp cho quân Anh - Ấn!
Bảy Viễn chụp hỏi:
- Ngày anh Ba lập bộ đội, anh Ba có ân oán giang hồ thằng chủ quận khốn kiếp đã
buộc anh uống mớ tóc không?
Mười Trí kêu lên:
- Nhè khúc hay mà mình quên. Khi ta cướp chính quyền, bọn làng lính xuống nước,
kéo nhau đi trình diện. Chợt thấy anh Ba nay là chỉ huy trưởng bộ đội Ba Dương,
tên chủ quận xanh như tàu lá. Nó thụp xuống lạy anh Ba như tế sao, nhưng anh Ba
xử sự đúng người quân tử: anh chỉ nói "Tội của ông lẽ ra tôi phải chặt mười
cái đầu mới hả dạ. Nhưng bây giờ thì đã đổi đời rồi. Ông mất hết chức hết quyền,
trả thù là khi ông còn ngon lành kia, còn bây giờ tôi trả thù ông để làm gì?
Tôi tha chết cho ông đó".
Bảy Viễn gật gù:
- Vậy là giới giang hồ mình đồng tâm nhất trí lập bộ đội. Anh Mười có tiền
không?
Mười Trí gật:
- Có. Có bộn. Cả trăm cây đó nghe.
- Làm vụ nào mà có cả trăm cây?
- Ðó là năm 1942. Lúc đó Nhật mở xưởng đóng tàu biển bằng cây giá tị để thay
các chiến hạm bị Ðồng minh đánh đắm trong các trận thủy chiến ở Ðông Nam Á.
Mình cũng được Nhật mời bảo kê mấy bè gỗ giá tị trên Kinh Ðôi, ngang Bộ Hải
quân Nhật đường Galiéni (Trần Hưng Ðạo). Làm được nửa năm thì thằng tướng hải
quân Nhật tử trận trong một cuộc hải chiến. Không ai ngó ngàng tới mấy bè gỗ dưới
dòng Kinh Ðôi. Cũng không ai trả lương cho mình. Trong tình thế đó thì một mại
bản hỏi mua hết bè giá tị. Nó tưởng tao là nhân vật quan trọng vì thấy tao ngày
nào cũng vô ra Bộ tư lệnh Hải quân Nhật. Tao bán ngay, nhắn vợ đem bao chỉ xanh
tới nhét tiền. Ðem về nhà mua vàng chôn trong vườn cho chắc ăn. Bán buổi sáng,
buổi chiều tao dọt luôn.
Bảy Viễn thở ra:
- Mày thì gọn rồi. Có tiền mua tiền cũng được. Vàng còn quý hơn tiền. Chỉ có
tao là không thủ được bao nhiêu... Nhưng nhiều tiền thì mua nhiều súng, ít tiền
thì mua ít súng. Không sao? Miễn có chừng vài tiểu đội làm màu mè với thiên hạ
trước đã rồi sau sẽ tính.
Mười Trí cười:
- Tính cách gì vậy?
- Dễ thôi mà. Mình lấy danh nghĩa chỉ huy bộ đội xin dân ủng hộ, tiếp tế. Ai
nghe nói ủng hộ tiếp tế bộ đội mà dửng dưng được. Mình sẽ nhắm vô những cha
giàu có trong làng. Nếu tụi nó keo kiệt thì mình sẽ dùng biện pháp mạnh.
Lập bộ đội được vài tuần, Bảy Viễn hết tiền rủ Mười Trí đi tìm nhà giàu xin ủng
hộ bộ đội.
Mười Trí không tán thành chuyện áp dụng biện pháp mạnh của Bảy Viễn, nhưng cũng
đi theo để biết anh bạn của mình ngang ngược tới mức nào, nếu càn thì can thiệp
để tránh rắc rối cho bạn.
Bảy Viễn tìm được một chiếc xe hơi. Cả hai lên xe, chạy qua Xóm Củi.
Mười Trí hỏi:
- Mày đưa tao đi đâu đây?
- Qua nhà Hội đồng Ðồng. Nghe nói ông ta có một cô con gái coi được lắm.
Mười Trí cười ngất:
- Vậy là mày đi coi vợ chớ có phải đi xin ủng hộ bộ đội đâu!
- Ấy làm một lúc đôi ba công việc mới là tài chớ! Ði chợ mua thịt mà thấy cá
tươi nhảy soi sói thì mắc mớ gì không mua? Cha này đúng là... nói chơi nghe qua
rồi bỏ, đừng để bụng nghe cha...
- Cứ nói đại đi, sợ gì mà rào trước đón sau. Phải bồ chê mình là thằng "tiểu
đội phó" một lòng một dạ trung thành với má bầy trẻ không?
Bảy Viễn cười thích thú:
- Anh đã tự nhận là thằng Lãnh bán heo rồi thì thôi. Bây giờ tôi thỏa thuận với
anh như vậy. Anh thích nhậu, còn tôi thích cái kia. Cho nên khi Hội Ðồng Ðống
tiếp hai đứa mình, anh cứ ngồi nhà trên tiếp chuyện với ông ta còn mình thả xuống
bếp tán tỉnh con gái rượu của ông Hội đồng.
Mười Trí lắc đầu:
- Ðúng cha nội là hạm. Bao nhiêu cũng không đủ?
Ðêm thăm dân cho biết sự tình diễn ra đúng như Bảy Viễn đạo diễn, Mười Trí nhâm
nhi rượu Tây với ông Hội Ðồng còn Bảy Viễn thì xuống bếp, ban đầu để mồi thuốc
sau đó tán tỉnh cô Lúa, mà Bảy Viễn tán gái tài thật. Trên đường về, Bảy Viễn
loan tin: sẽ cưới cô Lúa với bất cứ giá nào.
Cưới vợ
Vài ngày sau khi ông Ủy viên quân sự Lê Văn Viễn tới bàn chuyện ủy lạo bộ đội
Phú Thọ, ông Hội Ðồng Ðống nhận được món quà bất ngờ. Ðó là một cái hộp giống
như hộp bánh biscuit hiệu I U gói giấy hồng có thắt nơ đỏ, ngoài đề: Người gửi:
ủy viên quân sự Lê Văn Viễn. Người nhận: ông Hội Ðồng Ðống, làng Ða Phước.
Mở hộp ra, mắt ông Hội đồng chớp lia: Một khẩu súng sáu mới toanh nạp đạn đầy đủ.
Ông Hội đồng rất mê súng. Từ lâu ông mê khẩu súng lục mà bọn cò Tây đeo xệ bên
hông, coi oai thấu trời. Ông mê có một cái "giò heo" để lấy le với
làng tổng. Nay cầm cây súng Colt có khoe hình con ngựa, nước thép sáng xanh,
chưa có dấu tay ai sờ mó, ông mừng quá réo to lên: "Lúa ơi con đâu?"
Lúa từ sau bếp chạy ra: "Gì đó ba?"
- Coi nè, thằng Ủy viên quân sự Lê Văn Viễn tặng cho ba nè.
Ông Hội đồng quơ lấy cây súng khoe với cô con gái rượu.
Nhưng cô Lúa lùi lại, đưa hai tay lên, ré to:
- Ý! Ý đồ chết người, con sợ lắm!
Ông Hội đồng cười lớn:
- Cái gì mà sợ! Ðây là võ khí để phòng thân. Thời buổi lộn xộn, mình là dân có
máu mặt, là mục tiêu của bọn cướp. Tư Ty ở cầu ông Thìn hay là đám Mười Nhỏ bên
Xóm Cỏ. Thằng ủy viên quân sự tặng mình khẩu súng này thật là biết ý mình quá.
Cho vàng cũng không mừng bằng!
Trong khi ông Hội đồng săm soi khẩu súng, cô Lúa nhìn cái hộp và thấy một tấm
danh thiếp in dòng chữ: Lê Văn Viễn, Ủy viên quân sự. Lật phía sau thấy có mấy
hàng viết tay: Cháu xin cưới cô Lúa và đây là sính lễ đầu tiên kính dâng Bác.
Cô reo lên:
- Ba đọc tờ giấy này đi ba.
Ông Hội Ðồng giật mình khi biết thằng Ủy viên quân sự không tặng mình khẩu súng
khơi khơi mà có điều kiện: bác phải gả con gái rượu của bác cho cháu. Thật là một
lối cầu hôn lạ đời!
Lập tức ông quay lại nhìn con gái:
- Ðêm trước nó xuống bếp mồi thuốc nó nói gì với con mà bây giờ xin hỏi cưới?
- Có nói gì đâu ba? Anh chỉ hỏi thăm chuyện này chuyện nọ vậy thôi. Hỏi cho có
chuyện để làm quen vậy mà.
Ông Hội đồng lo ngại:
- Con nghĩ gì về việc cầu hôn này. Ba lo lắm, nếu con không ưng thì mệt với nó.
Ngày xưa nó là dân giang hồ, vào tù ra tội, còn ngày nay nó là Ủy viên quân sự.
Thời nào nó cũng có súng...
Cô Lúa bẽn lẽn nói nhỏ:
- Lúc nào ba cũng sợ nhưng người có súng. Nhưng theo con nghĩ thì có hai loại
người cầm súng. Có loại cướp của giết người mà cũng có loại trừ gian diệt địch.
Ông ủy viên quân sự thuộc về loại sau...
Ông Hội đồng gật gù:
- Nếu nó biết tu tỉnh như vậy thì tốt. Nói vậy là con... ưng nó, phải không?
Cô Lúa gật. ông Hội đồng thở phào:
- Vậy là đỡ cho ba lắm. Nếu con không ưng thì ba biết ăn nói làm sao với nó
đây.
Thế là một tuần sau Bảy Viễn nghiễm nhiên là rể quý ông Hội đồng Ðống.
Mười Trí là bạn nối khố nên cũng được mời.
Nể tình, anh đi dự chung vui với bạn, nhưng trong lòng không thích thói đa thê
của Bảy Viễn.
Nhưng trong thời buổi loạn lạc này, chuyện đám cưới dù rôm rả mấy cũng chìm
trong những đợt sóng thời cuộc. Trong tuần trăng mật, Bảy Viễn vẫn lo chuyện
nuôi quân. Ðã đốn thì phải vác Chiêu mộ anh em bộ hạ càng đông càng chi phí nhiều.
Tiền nhà có hạn, không bao lâu đã cạn. Tiền của dân ủng hộ cũng không đủ. Bảy
Viễn phải nghĩ tới biện pháp mạnh: sung công ghe gạo, ghe heo ở chợ Cầu ông
Lãnh, trên kinh Cây Khô, sông Bình Ðiền... Nhưng các ghe thương hồ cũng thưa vắng
vì nạn cướp giật dọc đường.
Bảy Viễn bèn nghĩ cách làm tiền dân có máu mặt ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày xưa Bảy Viễn từng tới các sòng bạc ăn thua lớn như sòng Sáu Ngọ.
Cách mạng bùng nổ, các sòng bạc dẹp nhanh, nhưng Bảy Viễn vẫn nhớ các tay có
máu đỏ đen từng ăn thua bạc muôn. Một trong các trùm cờ bạc này là cậu Ba Huy,
hỗn danh là công tử Bạc Liêu, con ông Hội đồng Trạch giàu số một tỉnh Bạc Liêu.
Ông này đặt tên con theo loài thủy tộc. Cha là Trạch, con đầu lòng là Hai Ðinh
(cua đinh), cậu thứ ba là Ba Quy, cậu thứ tám là Tám Bò.
Cậu Ba Quy đi học bên Pháp về, thấy chứ Quy không hay, bèn đổi là Huy, Trần
Trinh Huy.
Không biết qua Tây cậu Ba học ngành gì, về nước chỉ ở không, đi chơi đó đây và
ăn xài rộng rãi, thậm chí sắm cả máy bay chở ông Hội đồng đi thăm lúa từ Bạc
Liêu xuống Cà Mau. Lúc đó ở Việt Nam chỉ có hai người "chơi" máy bay
là Hoàng đế Bảo Ðại và cậu Ba Huy.
Dân đi Tây về, quen thói ăn chơi, phong lưu tài tử, mà ở tỉnh thì thiếu tiện
nghi, không có hộp đêm, vũ trường, sòng bạc nên cậu Ba lên Sài Gòn mướn nhà ở
luôn, thỉnh thoảng về quê lấy tiền xài phá thỏa thuê.
Bảy Viễn cho người thăm dò và biết Ba Huy sống tại một biệt thự ở Phú Thọ Hòa,
có năm bảy đứa vệ sĩ cùng một bầy chó berge. Muốn tấn công biệt thự này không
phải dễ...
Trong lực lượng bộ đội của Bảy Viễn có một anh công nhân ngành in kiêm võ sĩ
tên Tám Tâm.
Khi nghe đại ca Bảy Viễn hỏi ai dám đột nhập biệt thự Ba Huy để đưa giấy mời của
ông Ủy viên quân sự Lê Văn Viễn thì Tám Tâm đưa tay xung phong.
- Anh có biết Ba Huy không mà đưa tay xung phong?
- Có. Tôi biết rõ công tử Bạc Liêu, ông ta có cô vợ bé tên Tuyết Nhung là chủ
sòng bạc Tuyết Nhung đường Chasseloup. Tôi thấy cậu Ba tới đó mỗi tối đưa Tuyết
Nhung vô Chợ Lớn ăn cao lâu.
- Vậy tôi giao anh nhiệm vụ đi mời Ba Huy cho anh.
Công tử Bạc Liêu
Bảy Viễn hỏi Tám Tâm:
- Anh làm cách nào đột nhập biệt thự của Ba Huy?
Tám Tâm rất tự tin:
- Tôi có kế riêng của tôi. Xin ông Bảy may cho tôi hai bộ đồ lớn, sắm cho tôi một
cây can bịt vàng và một ngàn đồng. Khi nào tôi bắt cóc Ba Huy về đây, xin ông Bảy
cho mượn chiếc xe Huê Kỳ và cả tài xế.
Bảy Viễn trố mắt nhìn Tám Tâm:
- Anh đòi điều kiện tợn kém quá. Hai bộ đồ lớn, một can bịt vàng rồi một ngàn đồng
bạc mặt. Lại còn mượn xe Huê Kỳ nữa...
Tám Tâm cười:
- Không nhiều đâu ông Bảy. Ðây là ông Bảy bỏ ra con tép để nhử bắt con tôm.
Công tử Bạc Liêu sẽ ủng hộ bộ đội Phú Thọ của ông Bảy bạc triệu, gấp trăm ngàn
lần số tiền bỏ ra...
- Anh có thể nói cho tôi biết số tiền, một ngàn đồng anh sẽ chi như thế nào? Tiền
thì tôi không tiếc, nhưng phải biết anh sử dụng cách nào...
- Tôi thích giữ bí mật kế hoạch của tôi, miễn đem lại kết quả mong muốn. Sau đó
tôi sẽ báo cáo đây đú chi tiết cho ông Bảy. Sự bất ngờ sẽ càng làm cho ông Bảy
thêm thích thú.
Bảy Viễn cười:
- Ðược! Nhưng anh phải nhớ một điều. Phải làm cho được việc thì bao nhiêu tôi
cũng dám chi. Còn không xong thì đừng có về đây gặp tôi. Nghe chưa?
Ba ngày sau. Tám Tâm mặc đồ lớn, quơ can bịt vàng tới sòng bạc Tuyết Nhung trên
đường Chasseloup. Anh tự giới thiệu là điền chủ ở Cần Thơ lên Sài Gòn đổi gió.
Nghe nói sòng bạc Tuyết Nhung quy tụ nhiều tay có máu mặt nên tới thử thời vận
và làm quen với dân quý phái của hòn ngọc Viễn Ðông.
Thấy bộ vó sang trọng của Tám Tâm, Tuyết Nhung chấp nhận ngay.
Vào sòng, ăn thua gì tám Tâm cũng tỏ ra hào hoa phong nhã, nổi tiếng là người lịch
sự nhất trong đám có máu đỏ đen. Chơi ròng rã ba ngày đêm, Tám Tâm ngỏ ý cùng
chủ sòng:
- Vài ngày nữa tôi về Cần Thơ. Tôi muốn tới sòng bạc của cậu Ba Công tử Bạc
Liêu chơi vài ngày cho thỏa lòng mong ước.
Tuyết Nhung cười thật tươi:
- Cậu Ba cũng kén người chơi lắm. Nhưng ông Tám thì đủ điều kiện để cậu Ba nhận
vô câu lạc bộ của cậu Ba. Ðể tôi cho địa chỉ và ám hiệu.
- Phải có ám hiệu nữa sao?
- Phải có chớ. Ðể phòng khách không mời mà đến. Nhớ đi xe hơi nghe. Xe đậu trước
cổng, nhấn còi ba tiếng, hai ngắn một dài. Gác cổng sẽ hỏi ai giới thiệu, ông
Tám nói Tuyết Nhung thì bảo vệ sẽ mở cổng cho xe chạy vô sân.
Nắm được địa chỉ và ám hiệu, Tám Tâm về báo với Bảy Viễn:
- Tối nay tôi sẽ mượn xe Huê Kỳ của ông Bảy để rước công tử Bạc Liêu về đây.
Bảy Viễn nhìn Tám Tâm sang trọng trong bộ u-ve tussor màu hột gà, cà vạt đỏ, gật
gù:
- Anh hẹn tôi trong vòng một tuần sẽ mời Ba Huy về đây. Nếu đêm nay anh đưa được
hắn ra tới đây thì tôi sẽ trọng thưởng cho anh đã hoàn thành sứ mạng đúng thời
hạn.
Ðêm ấy chiếc xe Chevrolet của Bảy Viễn đậu trước biệt thự Song Tùng.
Tài xế nhấn còi ba tiếng đúng ám hiệu. Bảo vệ chạy ra, Tám Tâm đưa danh thiếp của
Tu lết Nhung, bảo vệ mở cổng xe chạy vô sân.
Ba Huy tay cầm danh thiếp của Tuyết Nhung giới thiệu vị khách sộp, bước ra tiếp
khách.
Tám Tâm ngồi vào sa lông đàng hoàng mới đưa thư mời của Ủy viên quân sự Lê Văn
Viễn.
Ba Huy hết hồn, nhưng sau vài giây lấy lại bình tĩnh, lên tiếng gọi:
- Bây đâu.
Tám Tâm liền rút súng sáu ra chĩa vô người Ba Huy:
- Ðịnh gọi bảo vệ hả? Không được đâu! Tốt hơn là ông nên theo tôi gặp ông Ủy
viên quân sự xem có việc gì. Tôi bảo đảm đưa ông về đàng hoàng sau khi ông gặp
ông Bảy.
Ba Huy đứng lên, nói:
- Tôi biết trước ông ủy viên quân sự muốn gì rồi. Ðây, ông lại đây, tôi sẽ đóng
tiền nuôi quân. Ba Huy mở tủ sắt, đưa ra mấy xấp bạc toàn giấy lớn.
Tám Tâm lắc đầu:
- Cậu Ba hiểu lầm ông Bảy rồi. Ðây không phải là vụ bắt cóc tống tiền như ngày
xưa đâu. Ngày nay, ông Bảy là Ủy viên quân sự, ông Bảy mời cậu Ba tới là để bàn
chuyện quốc gia đại sự. Cậu Ba khóa tủ sắt lại và đi với tôi.
Nhờ thành tích này mà Tám Tâm được Bảy Viễn tín nhiệm giao phụ trách văn phòng.
Về sau anh mới biết nhờ anh mời công tử Bạc Liêu thật lịch sự mà cậu Ba vui
lòng ủng hộ ba triệu đồng, một số tiền rất lớn trong lúc đó. Qua hành động này,
công tử Bạc Liêu chứng minh giới đại điền chủ cũng có lòng yêu nước như các tầng
lớp khác.
Nhờ nắm văn phòng, công văn mà Tám Tâm biết nhiều điều cơ mật về Bảy Viễn trước
và sau ngày ta cướp chính quyền - ngày 25.8.1945. Người thầy dạy chính trị cho
Bảy Viễn là chính khách sa-lông Trần Văn Ân. Thuở sinh viên, Trần Văn Ân sang
Pháp học Luật tại Aix-en-provence, một tỉnh ở miền Nam nước Pháp. Ðậu cử nhân
Luật, Ân về nước năm 1938, gia nhập Ðảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu.
Ân hoạt dộng chính trị, có xu hướng thân Nhật nên bị Pháp bắt đày lên căng Bà
Rá, nhưng không bao lâu được Nhật can thiệp buộc Pháp phải thả ra. Nhật đưa
sang Singapore làm phát thanh viên cho Ðài Radio Shonan. Ân được Nhật rút về nước,
ra báo Hưng Việt tuyên truyền cổ động cho Khối thịnh vượng chung Ðại Ðông Á.
Chính Trần Văn Ân giới thiệu Bảy Viễn với Lâm Ngọc Ðường, Giám đốc PSE (ty Ðặc
cảnh miền Ðông).
Khi lập bộ đội Phú Thọ, Bảy Viễn đóng hành dinh tại đường Hoàng Cung (tên Tây
trước đó là đường Thomson).
Lúc đầu, tổng thủ quỹ của bộ đội Bảy Viễn là Maurice Thiên.
Ðến khi Tây đánh chiếm Sài Gòn ngày 23.9, Bảy Viễn rút chạy lên Cầu Xàng, Ðức
Hòa. Maurice Thiên ở lại vì tự thấy không chịu kham khổ nơi đồng quê thiếu mọi
tiện nghi.
Bảy Viễn ra lệnh binh sĩ không được nổ súng để bảo toàn lực lượng.
Dân trong vùng thấy bộ đội Phú Thọ của Bảy Viễn ôm súng chạy dài lấy làm bất
mãn. Dân chỉ tiếp tế cho các bộ đội dám đánh Tây, ngăn chặn Tây vô xóm đốt gà bắt
heo.
Ngay từ đầu, bộ đội Bảy Viễn đã không tạo được uy tín với đồng bào vùng ngoại
thành Gò Vấp, Hốc Môn. Nhưng về y tế thuốc men thì bộ đội Bảy Viễn may mắn vớ
được một số thuốc và dụng cụ y khoa của bệnh viện Chợ Rẫy. Kho thuốc và dụng cụ
y khoa này do anh y tá trưởng Nguyên Văn Tư, tự Tư Cao cùng các nhân viên y tế
bệnh viện lấy đưa ra ngoài cho kháng chiến: Chưa biết giao cho bộ đội nào thì gặp
bộ đội Phú Thọ.
Thế là y tá trưởng Tư Cao giao hết cho Bảy Viễn.
Lực lượng Bình Xuyên
Trong những ngày đầu kháng chiến, Sài Gòn có rất nhiều đơn vị bộ đội lấy tên địa
phương mình như bộ đội Thủ Thiêm, bộ đội Tân Quy, bộ đội Bà Quẹo... hoặc lấy
tên người chỉ huy như bộ đội Mười Trí, bộ đội Bảy Viễn, bộ đội Ba Dương...
Trùm lên tất cả là 4 sư đoàn chính quy: Ðệ nhất sư đoàn gồm phần lớn là lính tập
của Pháp để lại, chỉ huy là Kiều Công Cung, Trần Tử Oai, Trương Văn Giàu, Nguyễn
Văn Quan... Ðệ nhị sư đoàn của Vũ Tam Anh, Ðệ tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp
và Ðệ tứ sư đoàn của Lý Huê Vinh, một người Tàu lai học khá (có bằng Thành
chung).
Nhưng các sư đoàn này chỉ quen ăn diện đẹp đẽ để diễn hành qua các đường phố,
khi đụng trận thì quăng súng chạy dài. Còn bộ đội dân quân thì có gì mặc nấy,
chỉ có tầm vông vạt nhọn, dao găm, mã tấu, nhưng lâm trận thì như gà Cao Lãnh,
thà chết tại trận tiền chớ không "chạy xịt".
Dân giang hồ Bình Xuyên được đặc biệt chú ý trong các cuộc xuống đường biểu
dương lực lượng. Rất nhiều nhóm lẻ tẻ từ Thủ Thiêm, Tân Thuận, Phú Xuân, Tản
Quy, Chánh Hưng, Bình Ðăng, Cần Giuộc tập họp lại suy tôn Ba Dương (Dương Văn
Dương) làm chỉ huy trưởng.
Mặt trận Sài Gòn được Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ kiêm ủy viên quân sự Trần
Văn Giàu bố trí thành 5 mặt trận phòng thủ 5 cửa Ô ngoại thành.
Cánh Bình Xuyên được anh Sáu Giàu giao giữ khu vực từ cầu Tân Thuận tới Cầu Sập
Bình Ðông, gọi là mặt trận số 4. Anh Bảy Trân (Nguyễn Văn Trân) từng học ở Pháp
và sang Nga học Trường Ðông Phương (cũng gọi là Trường Staline những năm 1927 -
1930) làm ủy trưởng quân sự. Trong bộ sậu chỉ huy bộ đội Bình Xuyên, Ba Dương
được chỉ định làm chỉ huy trưởng, ông Tám Mạnh (Nguyễn Văn Mạnh) thầy võ ở
Chánh Hưng làm chính trị viên. Các ban bộ được bố trí như sau: Ba Dương phụ
trách ban do thám; Sáu Ðối phụ trách ban sưu tầm vũ khí; Ba Bang (Trương văn
Bang) chủ tịch quận Cần Giuộc, phụ trách ban tiếp tế: Sáu Tùng, dân anh chị Xóm
Chiếu phụ trách ban vận động ủng hộ kháng chiến.
Các nhóm bộ đội trong Mặt trận số 4 gồm: Bộ đội Ba Dương ở bến đò cầu Rạch Ðỉa;
bộ đội Sáu Ðối (Trần Văn Ðối) và Sáu Thơ ở Tân Thuận; bộ đội Chín Phải (Quách
Văn Phải), Tám Mao, Năm Mười Ba ở Tân Quy; bộ đội Hai Soái ở Phú Xuân, bộ đội
Ðoàn Văn Ngọc và Chín Mập, Dương Văn Ðức ở Tân Thuận; bộ đội Chín Hiệp ở bến đò
Tân Thanh; bộ đội Mười Ðen ở Kho Cảng Khánh Hội; bộ đội Mười Lực (Ngô Văn Lực),
Bảy Môn (Võ Văn Môn), Tám Hoe (Nguyễn Văn Hoe) ở Thủ Thiêm; bộ đội Ký Huỳnh
(Nguyễn Văn Huỳnh) ở Bình Ðăng; bộ đội Tám Mạnh (Nguyễn Văn Mạnh) ở Chánh Hưng;
bộ dội Tư Hoạnh ở cầu ông Thìn; bộ đội Ba Bang ở Cần Giuộc. Trong số các thủ
lĩnh nói trên có không ít dân lục lâm thảo khấu như Tư Hoạnh, Ký Huỳnh...
Phần lớn dân anh chị kể trên đều ít nhiều quen biết với Bảy Viễn. Thế nên Bảy
Viễn muốn nắm cả khối giang hồ theo kháng chiến này để nhảy lên làm lãnh tụ.
Tuy nhiên xét về tài đức thì Bảy Viễn tự thấy mình kém xa Ba Dương.
Anh Ba Dương quê Bến Tre, lên Sài Gòn làm ăn từ nhỏ. Nghề chính của Ba Dương là
dạy võ gần cầu Rạch Ðỉa, làng Tân Quy. Do nắm được các băng đảng làm ăn trên
kinh Cây Khô, ngay cửa ngõ Sài Gòn, anh Ba kiêm luôn nghề bảo hiểm bình dân, tức
là tìm lại tài sản các chủ ghe thương hồ bị đánh cướp khi có yêu cầu.
Ðôi khi Bảy Viễn để lộ ý đồ của mình thì đụng ngay phản ứng của dân Bình Xuyên.
Bảy Rô trong nhóm bảo vệ anh Ba Dương cùng Năm Mười Ba và Chín Mập thường chê Bảy
Viễn là "dân hào mé", tức không có dây mơ rễ má gì với dân lục lâm thảo
khấu trên sông nước Nhà Bè, Cần Giuộc.
Mà đúng vậy, Bảy Viễn là dân chuyên "ăn hàng" trên bộ, đánh cướp các
tiệm vàng ngoại ô, đôi khi liều lĩnh "đi hát" ngay giữa Chợ Lớn.
Trong những ngày đầu kháng chiến, Bảy Viễn chỉ lo bảo toàn lực lượng, Tây tới
thì rút lui.
Trong khi đó, bộ đội Ba Dương và Tám Mạnh liên quân đánh đoàn tàu kéo trên kinh
Cây Khô (làng Phước Lộc, Nhà Bè). Liên quân toàn thắng, thu một tàu kéo, một xà
lan bốn ghe đầy lương thực.
Tin chiến thắng tới tai Khu trưởng Khu 7 Nguyễn Bình.
Khu trưởng liền gửi thư khen:
"Toàn quốc nghe tin bộ đội Bình Xuyên đánh giặc dũng cảm, anh em xứng đáng
là Giải phóng quân Nam Bộ. Nhân danh Bộ Chỉ huy khu, tôi gửi lời khen và số tiền
ba ngàn đồng để ủy lạo anh em.
Ký tên: Nguyễn Bình."
Nhận thấy lực lượng Bình Xuyên là đơn vị lớn nhất ở miền Ðông, anh Ba Bình phái
Lương Văn Trọng và Nguyễn Văn Lội làm phái viên của khu bên cạnh Ba Dương. Sự
chọn lựa này rất khéo vì anh Trọng là công nhân gốc Hải Phòng vào Nam sinh sống
từ đâu năm 1940. Khi kháng chiến bùng nổ, Hai Trọng gia nhập bộ đội Ba Dương và
được anh Ba tin tưởng vì có trình độ văn hóa (tú tài) và chính trị. Chính Hai
Trọng được anh Ba Dương phái dự hội nghị An Phú Xã (Gò Vấp) khi phái viên trung
ương Nguyễn Bình mới vào Nam theo ngả Tây Nguyên. Tại hội nghị quân sự này,
Nguyễn Bình tập hợp các đơn vị bộ đội lẻ tẻ lại để lập ra nhiều chi đội, đánh số
từ 1 tới 25. Bộ đội của Ba Dương được tổ chức thành hai chi đội (số 2 và số 3).
Về sau giao cho Năm Hà (Dương Văn Hà), em cùng cha khác mẹ với Ba Dương chỉ
huy. Chỉ huy Chi đội 2 là Năm Chẳng và chỉ huy Chi đội 3 là Mười Lực (Võ Văn Lực).
Nguyễn Bình rất mến Hai Trọng nên phong làm phái viên của Khu bên cạnh bộ đội
Bình Xuyên của Ba Dương.
Ngoài các chi đội 2 và 3, các Chi đội 4 của Mười Trí, Chi đội của cha con ông
Tám Mạnh và Hai Vĩnh (Mai Văn Vĩnh), Chi đội 9 của Bảy Viễn, Chi đội 21 của Tư
Hoạnh và Chi đội 25 của Tư Ty cũng là Bình Xuyên đặt dưới quyền chỉ huy của Ba
Dương, 7 chi đội gọi chung là Liên khu Bình Xuyên, sau này giữ vai trò cực kỳ
quan trọng trong những năm đầu kháng Pháp.
Riêng Tám Tâm, nhờ chiến công bắt cóc công tử Bạc Liêu Ba Huy, lấy được ba triệu
đồng ủng hộ nuôi quân, nên được Bảy Viễn phong làm Chánh văn phòng Chi đội 9.
Tám Tâm có biệt tài bắn súng ngắn cả hai tay, rất thiện xạ. Trong mỗi chuyến
rút lui bảo vệ thực lực, Tám Tâm bao giờ cũng đi sau cản hậu cho Bảy Viễn.
Nhưng sau trận Tây tấn công Cầu Xàng, Tám Tâm mất chức Chánh văn phòng, và Bảy
Viễn bước tới khúc quanh lịch sử trong đời chỉ huy quân sự.
Tướng Leclerc tới Sài Gòn
Ngày 5.10.1945, tướng Leclerc tới Sài Gòn. Ðây là một ngày lịch sử đối với người
Pháp ở thành phố lớn nhất xứ Nam Kỳ. Từ hồi Nhật đảo chính - ngày 9.3.1945 -
người Pháp bị Nhật tàn sát và nhốt trong trại Ong-dèm (llè Rie - régiment
d'lnfanterie Colonial) tức Trung đoàn II Bộ binh.
Chỉ đến lúc quân Anh - Ấn của tướng Gracey tới Sài Gòn giải giới, quân Nhật bại
trận, người Pháp mới được giải thoát.
Trước khí thế của nhân dân Việt Nam vừa cướp lại chính quyền trong tay quân Nhật,
người Pháp ở Sài Gòn không còn hống hách như xưa nữa. Nói theo người bình dân
thì người Pháp lúc đó "như con mèo ướt". Họ khiếp vía trước các toán
dân quân, tuy võ trang tầm vông vạt nhọn, dao găm mã tấu, nhưng lòng quyết tử
hy sinh vì nền độc lập thì ai cũng thấy. Trong tình thế ấy, chiến hạm
Triomphant chở đầy lính cập bến Sài Gòn là một nguồn tin đầy phấn khởi cho người
Pháp. Kế đó là sự kiện tướng Leclerc tới Tân Sơn Nhất. Lập tức xe Jeep đưa ngay
về dinh Toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất).
Tại đây hàng ngàn người đội nắng dầm mưa đón danh tướng đã giải phóng Pan kết
thúc mấy năm nước Pháp bị Ðức quốc xã chiếm đóng. Ðầy chủ quan, Leclerc huênh
hoang tuyên bố: "Chúng ta sẽ quét tan Việt Minh trong ba tuần lễ".
Và Leclerc bắt đầu nống ra, đánh chiếm các tỉnh miền Ðông như Biên Hòa, Thủ Dầu
Một, sau đó chĩa mũi nhọn về miền Tây, đánh chiếm Long An, Mỹ Tho...
Nhận định trước tình hình quân Pháp với sự hỗ trợ của quân Anh - Ấn và cả Nhật
bại trận nữa, ủy viên quân sự Trần Văn Giàu cho các đơn vị võ trang lui ra ngoại
ô đánh du kích. Trong thời điểm này, bộ đội Phú Thọ của Bảy Viễn rút về cầu Bến
Phân (Gò Vấp) sau lại chạy sâu về cầu Xàng (Ðức Hòa).
Trước sức tấn công như vũ bão của đội quân viễn chinh, Bảy Viễn cho bộ đội chôn
súng và giả dạng thường dân chạy "phun khói".
Giặc rút rồi, Bảy Viễn ra lệnh cho Tám Tâm đi thu nhặt súng ống chôn giấu vội
vàng khi rút lui. Công việc này mất ba ngày.
Chừng trở về Tám Tâm thấy có hai người lạ trong văn phòng, Bảy Viễn giới thiệu:
- Anh Tám, đây là hai anh Tư Sang và Năm Tài do anh Tư Thiên giới thiệu với
tôi. Hai anh này học cao, có khả năng giúp bộ đội Phú Thọ mình một cách đắc lực.
Cho nên tôi giao cho anh Năm Tài chức trưởng văn phòng. Còn anh Tám thì vẫn giữ
chức phó văn phòng như trước đây. Anh không tự ái chớ?
Tám Tâm nhìn người được giới thiệu trước khi trả lời Bảy Viễn:
- Nếu anh Bảy tìm được người có khả năng về giúp bộ đội mình thì tôi phải vui mừng
chớ sao lại tự ái. Dù làm nhiệm vụ gì, tôi cũng làm hết sức mình để đưa kháng
chiến mau tới thành công.
Tuy nói vậy chớ bên trong Tám Tâm ngấm ngầm điều tra về hai nhân vật được
Maurice Thiên giới thiệu với Bảy Viễn.
Giày dép còn có số
Theo chỉ thị của Khu trưởng Nguyễn Bình, các chi đội ở miền Ðông đều tổ chức một
đội công tác thành làm nhiều chức năng như thám báo, trinh sát, quyên góp tiền
bạc thuốc men, ủy lạo chiến sĩ, liên lạc với các nhóm mạnh thường quân còn sinh
sống trong thành. Cũng nằm trong đội công tác thành có một hoặc vài tổ chiến đấu
võ trang súng ngắn và lựu đạn hoạt động ở ngoại ô và đôi khi chọc sâu vào các
xóm bình dân nội thành như các chợ Bình Tây, Hòa Bình, Bàn Cờ, Cầu Muối, Cầu
Ông Lãnh.
Một hôm tổ trưởng báo cáo có gặp một người tên Thomas Phước, từ Côn Ðảo về, là
bạn của Bảy Viễn.
Lập tức Bảy Viễn hỏi ngay: "Thomas Phước là thầy của tao ở ngoài đảo. Có lẽ
ông ta về trong chuyến tàu Phú Quốc ra đảo rước tù về hồi tháng 9.1945. Bây giờ
ông ta ở đâu?
- Ở Cầu Muối, đường Boresse (Ký Con).
Gặp lại Thomas Phước trong một con hẻm nhỏ đường Dumortier (Cô Bắc), Bảy Viễn rất
mừng. Hai anh em hàn huyên tâm sự bên các chai bia Con Cọp.
Thomas Phước nói:
- Mừng cho chú đã chọn được một con đường đi đúng. Ngày xưa giang hồ, ngày nay
chiến sĩ bưng biền. Nếu tôi còn trẻ, tôi sẽ xin vô Chi đội 9 của chú.
- Bây giờ cũng không trễ.
Thiếu Tướng Ba Dương
Nghe theo lời hiệu triệu của Ba Dương, các chi đội Bình Xuyên thi đua giết giặc
lập công.
Lính Chà chóp và lính Nhật đi lẻ tẻ trên đường vắng, thế nào cũng bị anh em nhảy
ra giật súng.
Bảy Rô và Ba Bay trong nhóm bảo vệ anh Ba Dương ở cầu Rạch Ðỉa đã nhử bọn Chà
chóp đuổi theo qua cầu Rạch Giới để bắn vào tổ ong vò vẽ ở trụ giữa cầu khiến
ong bu đốt bọn Chà chóp một trận nhớ đời. Có tên quýnh quá quăng súng nhảy xuống
sông, vẫn không thoát khỏi đội quân cảm tử có cánh.
Trong những trận kéo tấn công bót Thương khẩu Khánh Hội bắt sống trưởng đồn
Paul Jean, rồi thừa thắng xông lên đánh bót số 6, giải thoát 60 thanh niên bị bắt
giam.
Bộ đội Bảy Viễn đánh Sở Cứu hỏa trên đại lộ Galliéni (Trần Hưng Ðạo), leo lên
tháp canh cao 100m treo cờ đỏ sao vàng. Bốn chiến sĩ hy sinh, nhưng ta đã đạt mục
đích: treo cờ Việt Minh to bằng tấm đệm lên cột cờ tháp canh cao ngất.
Chiến hạm Triomphant, Suffren và soái hạm Richelieu đổ quân Pháp xuống Sài Gòn,
tạo thế mạnh cho quân đội Pháp. Chúng chiếm hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa dễ
dàng nhanh chóng.
Tiểu đoàn Âu - Phi và đại đội Commando Ponchardier cộng thêm lính Thủy quân với
hỏa lực hùng hậu tiến quân như vũ bão. Cũng trong thời gian này, Sư đoàn 20
Hoàng gia Anh tới Sài Gòn.
Bọn Pháp vui mừng như hùm mọc thêm cánh. Cuối tháng 10.1945, tỉnh Biên Hòa, Thủ
Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho thất thủ.
Trước tình thế đó, tướng Nguyễn Bình quyết định đánh lớn để lấy lại uy thế
kháng chiến.
Kế hoạch đề ra là đánh vô thị xã Biên Hòa vào đầu năm dương lịch, lúc Tây đang
nghỉ ngơi trong niềm vui chiến thắng.
Tham gia trận đánh là các chi đội miền Ðông, gồm Chi đội I của Huỳnh Kim Trương
(Thủ Dầu Một), Chi đội 10 của Huỳnh Văn Nghệ (Biên Hòa), bộ đội Tô Ký (liên
quân giải phóng Hóc Môn - Bà Ðiểm - Ðức Hòa), bộ đội Ðào Sơn Tây (Dĩ An).
Trận đánh diễn tiến như ta bố trí, thắng lợi hoàn toàn. Ðặc biệt có một tiểu đội
nữ chiến sĩ tình nguyện từ Quảng Ngãi vào chuyên sử dụng mã tấu. Biết bao đầu
Việt gian rơi rụng dưới những thanh mã tấu của bộ đội.
Trận chiến thắng làm nô nức nhân dân Biên Hòa. Sau đó rất nhiều nhân sĩ, trí thức
bỏ thành vào khu kháng chiến.
Trước Tết 1946, Nguyễn Bình nhận được tin khẩn cấp của anh Bùi Sĩ Hùng, sinh
viên Trường Y Hà Nội về Nam chiến đấu tại mặt trận Bến Tre, cho biết Mặt trận
An Hóa - Giao Hòa đang bị địch vây cần được viện binh tới giải vây.
Lập tức Nguyễn Bình từ Tân Uyên xuống Long Thành, ra lệnh cho Ba Dương:
- Anh Ba đưa một cánh quân mạnh xuống Bến Tre giải vây mặt trận An Hóa - Giao
Hòa. Cho anh em ăn Tết sớm rồi hành quân ngay trong ba ngày Tết.
Ăn Tết xong, đoàn quân lên đường, vượt sông Soài Rạp, vô đất Gò Công đi tắt tới
Bến Tre, gặp giặc thì đánh, khí thế xung thiên. Tới Châu Bình thì đụng giặc càn
lớn.
Một anh thư ký văn phòng chìa trước mặt anh Ba Dương một xấp giấy thuế thân:
- Tây bao vây bốn phía. Mình chỉ có nước chém vè. Ðây, anh Ba lấy một tờ để giả
dạng thường dân, rút ra khỏi vòng vây.
Ba Dương xé nát tờ giấy thuế thân, nghiêm nghị nói:
- Chỉ huy mà đụng giặc chạy trốn thì đâu phải là chỉ huy nữa! Anh em nghe tôi:
giấu súng chém vè. Xong sẽ tập hợp lại.
Mấy chiếc Spitfire lên bắn dọn đường cho bộ binh.
Anh Ba không xuống hầm mà chạy vòng quanh cây rơm, nhưng anh chậm chân bị trúng
đạn té xõng soài dưới mương ruộng.
Mất chủ tướng, đoàn quân mất tinh thần, chỉ biết tìm đường trở về Rừng Sác.
Ngày anh Ba hy sinh là 20.2.1946 tức 19.1 Bính Tuất (theo một tài liệu khác thì
anh Ba Dương hy sinh vào mùng 6 Tết Bính Tuất, tức ngày 7.2.1946).
Tin Ba Dương tử trận khiến Bảy Viễn trở lại ý đồ muốn xung thủ lĩnh Bình Xuyên.
Ngài Khu Bộ Phó
Ba Dương bị Spitfire bắn chết tại sở chỉ huy ở ấp Bình Phương, xã Châu Bình
ngày 17.2.1946.
Chỉ huy phó Trần Văn Ðối (Sáu Ðối) đưa bộ đội Bình Xuyên (Liên chi 2 - 3) về Rừng
Sác. Một tuần mở đường máu, đoàn quân về tới lãnh địa của mình.
Hay tin dữ, Năm Hà cùng các chỉ huy Bình Xuyên vội làm lễ truy điệu người anh cả.
Trong lễ này, Năm Hà đọc giấy truy phong đồng chí Dương Văn Dương - Thiếu tướng
của Chính phủ - và đọc thư Hồ Chủ tịch chia buồn cùng gia quyến.
Hay tin Ba Dương tử trận, tham vọng từ lâu trong Bảy Viễn lại nổi lên.
Bảy Viễn tự thấy mình xứng đáng thay thế Ba Dương làm thủ lĩnh Liên khu Bình
Xuyên (gồm 7 chi đội đánh số 2, 3, 4, 7, 9, 21 và 25). Hầu hết chỉ huy các chi
đội này đều là bạn thân của Bảy Viễn, như Mười Trí, Tư Hoạnh, Tư Ty; chỉ có Năm
Hà là em cùng cha khác mẹ với Ba Dương và cha con ông Tám Mạnh Hai Vĩnh là
không tán thành ý đồ của Bảy Viễn.
Ðúng như Bảy Viễn nhận định, anh em Bình Xuyên bầu Năm Hà lên thay Ba Dương làm
thủ lĩnh Liên khu Bình Xuyên. Nhưng Bảy Viễn và hai tay thân cận là Tư Hoạnh và
Tư Ty đều chê Năm Hà không đủ tầm vóc để chỉ huy.
Ðêm đó Bảy Viễn họp cấp bộ - từ trung đội trưởng trở lên - để thăm dò dư luận về
việc Bảy Viễn ra tranh chức Tư lệnh Liên khu với Năm Hà. Dưới trướng Bảy Viễn
có hai nhân vật ta từng gặp trước đây. Ðó là Ba Rùm, cháu Mười Trí ở Bình Thới,
người đã tham gia "đi hát" trại mộc Bình Triệu và đã lãnh bản án đồng
hạng 12 năm Côn Ðảo. Người thứ hai là Năm Bé, dân Hải Phòng từng lưu lạc vào
Nam, xưng anh chị bến cảng Khánh Hội, bị đày Côn Ðảo và đã quá giang bè của Bảy
Viễn về đất liền.
Bảy Viễn đặc biệt tin tưởng hai nhân vật này do đã quen biết từ trước kháng chiến
và giao cho Năm Bé phụ trách nhân sự, Ba Rùm trông coi vũ khí.
Trong cuộc họp, đa số tán đồng ý kiến của Bảy Viễn là Năm Hà không xứng đáng là
tư lệnh Bình Xuyên. Người đủ tư cách phất cao ngọn cờ Bình Xuyên phải là Bảy Viễn.
Thế là Bảy Viễn viết thư gửi các chi đội trong Liên khu mời họp để bàn việc chọn
người thay thế anh Ba Dương.
Trước cuộc họp quan trọng này, Bảy Viễn đã quyết định dời chỉ huy sở từ vườn
Thơm (Tân Nhựt - Bình Chánh) xuống Rừng Sác - một vùng sông rạch chằng chịt nằm
giữa hai con sông lớn là Lòng Tàu và Soài Rạp. Vị trí Rừng Sác cực kỳ quan trọng
vì nó án ngữ đường nước từ Vũng Tàu vô Sài Gòn cũng như từ miền Tây về Chợ Lớn.
Vùng Rừng Sác cũng có nhiều bất lợi như thiếu nước ngọt (vì đây là rừng ngập mặn),
thiếu đất cất nhà, dân phải che chòi trên sàn, lát cây tràm hay cây đước. Nhưng
bù lại tôm cá dư ăn quanh năm.
Vì sao Bảy Viễn chọn Rừng Sác thay vì Vườn Thơm? Sau khi Tây tấn công Sài Gòn
và nống ra các tỉnh, bộ đội Bình Xuyên phân tán, mỗi chi đội tìm một vị trí thuận
lợi nhất để đóng quân lâu dài. Liên chi 2 - 3 về Rừng Sác. Ba Dương chọn Phước
An, quận Long Thành đóng quân. ông Tám Mạnh và rể là Hai Vĩnh cũng rời Chánh
Hưng về đảo Long Sơn, cũng gọi là Bà Trao hay núi Nứa lập căn cứ. Ðảo Long Sơn
nằm giữa Bà Rịa và Vũng Tàu, chiếm một vị trí chiến lược đường biển cũng như đường
bộ.
Rừng Sác lại có căn cứ Lý Nhơn, cũng gọi là Xóm Tiều, là căn cứ của Bình Tây đại
nguyên soái Trương Ðịnh, trăm năm trước đã từng đốt tàu Espérance trên sông Nhựt
Tảo.
Cuộc di chuyển đại bản doanh cũng gian nan nguy hiểm vì trên lộ thì xe nhà binh
chạy liên tục ngày đêm, còn dưới sông thì các đội giang thuyền cũng hoạt động
ngăn chặn ghe thuyền đi lại trên sông.
Bảy Viễn còn đang lo âu thì vận may tới.
Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký Hiệp ước sơ bộ 6.3.1946 với Pháp.
Ngày 5.3, quân đội Anh rút khỏi Việt Nam, ta đỡ được một địch thủ lợi hại.
Công việc mở hội nghị bầu chỉ huy Liên khu Bình Xuyên được xúc tiến. Chỉ có các
chỉ huy trưởng và phó chi đội trong Liên khu được mời mà thôi. Biết ý đồ của Bảy
Viễn, hai cha con Tám Mạnh - Hai Vĩnh vận động Mười Lực, Nam Chẳng, Năm Hà, Sáu
Ðối không bầu Bảy Viễn.
Do Bảy Viễn không đủ đa số ủng hộ nên ý đồ làm thủ lĩnh đành phải gác lại.
Nhưng tới tháng 5.1946 thì vận may tới với Bảy Viễn.
Khu trưởng Nguyễn Bình ký quyết định phong Bảy Viễn làm Khu bộ phó Chiến khu 7.
Khu bộ phó thứ hai là Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghệ) - Chi đội trưởng Chi đội 10 hoạt
động trong tỉnh Biên Hòa.
Ðó là vinh dự lớn cho một tay giang hồ theo kháng chiến! Ðám binh tôm tướng cá
dưới trướng ông Bảy quyết định làm lễ lớn đón mừng chức Khu bộ phó Chiến khu 7
của chủ soái.
Ðược phong Khu bộ phó, Bảy Viễn làm lễ ăn mừng.
Tin Chi đội trưởng Chi đội 9 Lê Văn Viễn được vinh thăng Khu bộ phó, đứng kế
sau Khu trưởng Nguyễn Bình, trên đệ nhị Khu bộ phó Huỳnh Văn Nghệ - Chi đội trưởng
Chi đội 10 là một bất ngờ đối với Bảy Viễn cũng như đám thuộc hạ.
Hai tên Tài, Sang cho đây là một thủ đoạn nhằm lôi cuốn Bảy Viễn đeo sát kháng
chiến, nên nói xa nói gần: "Ông Bảy có thấy việc đề bạt này có gì không
bình thường không? "
- Sao không bình thường? - Bảy Viễn nạt Năm Tài.
- Không bình thường ở chỗ Chi đội 9 của mình chiến công đâu bằng Chi đội 10.
Tám Nghệ đánh nhiều trận chấn động ở Tràng Táo, Bảo Chánh, Ðồng Xoài, Bàu Cá...
Vậy mà Nguyễn Bình chỉ phong Tám Nghệ đệ nhị Khu phó, đứng sau ông Bảy. Có phải
đó là chuyện lạ không?
Bảy Viễn gật gù:
- Mày nói đúng. Mình không có nhiều chiến công bằng Tám Nghệ. Nhưng biết đâu
Nguyễn Bình đưa mình đứng trước Tám Nghệ vì một lý do nào đó, chẳng hạn như
mình là dân giang hồ khét tiếng trong giới lục lâm. Ông ta muốn đưa mình lên để
làm ngọn cờ hô hào đám hảo hớn còn ở ngoài thành nên noi gương Bảy Viễn ra bưng
kháng chiến?
Năm Tài ngẫm nghĩ:
- Cộng sản làm gì cũng có ý đồ. Họ chỉ nhắm cái lợi của họ mà thôi.
Bảy Viễn gật:
- Ðúng. Nhưng cái lợi của họ cũng là cái lợi của mình. Cờ đến tay tội gì không
phất!
Năm Tài:
- Ðồng ý là ông Bảy phải phất, mà còn phải phất mạnh nữa kìa. Ta nên làm lễ đón
nhận chức Khu bộ phó thật long trọng để phô trương uy thế. Nếu ông Bảy đồng ý,
tôi sẽ chịu trách nhiệm làm trưởng ban tổ chức lễ này.
- Ðược! Ðược! Mình mời hết các chỉ huy trưởng miền Ðông tới dự cho xôm.
Năm Tài:
- Còn khách quý trên thành nữa chớ, ông Bảy. Tôi sẽ thảo thư mời hai ông Lâm Ngọc
Ðường, Maurice Thiên, rồi mời luôn cả các vị lãnh đạo tôn giáo như Hộ pháp Phạm
Công Tắc, giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ...
Bảy Viễn gật:
- Ðúng! Nên mời khách quý trên thành. Như vậy phải làm lễ xôm lên cho ra vẻ xứng
đáng với khách quý.
Tư Sang xen vô:
- Về phần xây cất nhà khách, xây dựng khán đài, tôi xin lãnh. Sẽ có máy phát điện
sáng đêm, rồi sẽ có ban nhạc tân cổ đầy đủ.
Bảy Viễn thích thú:
- Hay! Tao khoái nhạc cổ. Làm sao rước nhạc sĩ trên thành xuống biểu diễn cho
xôm trò. Nhất là vọng cổ. Về khuya lai rai sáu câu nghe mới mùi.
Tư Sang tức tốc tìm Hai Dậu, trưởng ban văn nghệ của Chi đội 9.
Hai Dậu dân Trà Vinh, học đàn kìm từ nhỏ. Hai Dậu đàn cho các gánh hát "đại
ban" như Huỳnh Kỳ, Phước Cương cho tới kháng chiến bùng nổ, thất nghiệp một
thời gian rồi lên Sài Gòn đàn cho các quán có ca nhạc. Ðến khi thảy không thể ở
thành làm trò vui cho thiên hạ, Hai Dậu xách đàn vô khu tham gia kháng chiến và
đầu quân Bảy Viễn. Cùng lúc nhạc sĩ Ngọc Thới là cháu vợ Bảy Viễn cũng ra bưng,
gia nhập chi đội dượng rể. Hai anh, một tân, một cổ, nhập lại làm ban văn nghệ
Chi đội 9 khá xôm trò.
Hai Dậu vâng lệnh Tư Sang về thành mời nhạc sĩ tên tuổi xuống giúp vui lễ tấn
phong ông Bảy lên Khu bộ phó. Hai Dậu quen thân với danh ca Năm Cần Thơ và tìm
tới nhà hàng cô danh ca này ký hợp đồng. Cũng cần nói thêm là Hai Dậu rất đào
hoa, từng kết bạn tâm tình với các cô đào chánh các đại ban, trong số này có cô
Năm Cần Thơ. Nghe Hai Dậu rủ ra khu chơi vài ngày, danh ca Năm Cần Thơ hưởng ứng
ngay.
Cô nói:
- Anh đánh giặc rầm rầm, còn mình ở lại thành, đêm đêm ca hát phục vụ cho bọn
trọc phú làm giàu trong chiến tranh, nghĩ mà nhục! Ði, em đi vô khu với anh Hai
một lần cho biết mặt ông Bảy Viễn.
Ðược Năm Cần Thơ, Hai Dậu xẹt qua vũ trường Tabarin, nay là Văn Cảnh, đường Phạm
Ngũ Lão - Calmette, rủ luôn hai bạn nhạc sĩ Chín Minh và Lê Yên.
Chín Minh là nghệ sĩ nổi tiếng, sử dụng nhiều loại đàn như đàn gió, vĩ cầm,
ghi-ta.
Còn Lê Yên chuyên thổi kèn trompette. Cả hai vui lòng ra khu một chuyến để
"thay đổi không khí".
Vậy là Hai Dậu hoàn thành sứ mạng với Tư Sang.
Năm Tài thảo thư mời các yếu nhân trên thành xuống để phô trương ngài Khu bộ
phó.
Tiếng "ngài" đặt trước chức Khu bộ phó nghe lạ tai, Bảy Viễn mới đầu
thấy kỳ kỳ, nhưng Tư Sang nói:
- Mình giao du với các yếu nhân trên thành phố thì phải dùng ngôn ngữ của người
ta. Không thể ăn nói theo dân quê được. Giới trí thức họ sống có ngăn nắp lắm,
chức nào cũng có danh xưng thích hợp, như anh lính, chú bếp, chú cai nhưng phải
là thầy đội, ông quản. Từ quận trưởng trở lên phải gọi là ngài. Khu bộ phó
tương đương với đại tá gọi là ngài là quá đúng. Xin ông Bảy chớ ngại!
Năm Tài miệng lưỡi dẻo quẹo, cứ ton hót mãi, Bảy Viễn cũng không còn khó chịu
khi nghe Tài gọi mình là "ngài Khu bộ phó".
Nhưng tất cả cán bộ và chiến sĩ kháng chiến đều thấy lạ tai và cũng từ đó anh
em bắt đầu "kính nhi viễn chi" ông Khu bộ phó gốc giang hồ.
Lễ tấn phong
Chốn rừng đước ngập mặn heo hút nay bỗng trở thành nơi đô hội nhờ lễ tấn phong
ngài Khu bộ phó Lê Văn Viễn.
Máy nổ đặt ở nơi xa để không làm ồn quan khách. Ðèn điện sáng rọi xuống lòng
sông. Nhà khách được dựng lên bằng cột tràm, lá dừa nước, không ngăn vách như
kiểu nhà công chợ đồng quê, treo hoa kết dây dưới ánh đèn trông tuyệt đẹp.
Dàn nhạc trỗi lên, toàn nhạc Tây, nhạc nhảy vì nhạc trưởng Chín Minh, Lê Yên là
hai trụ cột của dàn nhạc vũ trường Tabarin.
Dân thành thị thì khoái rồi, vì quen tai. Dân quê cũng thích vì lạ, tay chân ngứa
ngáy "cà giật, cà giật" như khỉ mắc phong.
Bia Con Cọp, nước cam, xá xị rót đầy bàn, ai thích gì dùng nấy.
Long trọng nhất là khi loa giới thiệu khách quý từ các nơi tới như các chi đội
trưởng Năm Hà, Mười Lực, Năm Chẳng, Hai Lung, Mười Trí, Tám Mạnh, Hai Vĩnh, Sáu
Ðối, Tư Huỳnh, Tư Hoạnh, Tư Ty.
Kế đến, khách quý trên thành xuống: Lâm Ngọc Ðường, Maurice Thiên, Hộ pháp Phạm
Công Tắc, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ với đệ tử ruột là Trần Văn Soái, hỗn danh Năm Lửa.
Năm Tài mặc đồ lớn trân trọng giới thiệu quan khách. Ðúng vào lúc đó, một loạt
đại liên nổ giòn, các vị khách nữ hốt hoảng nhảy tót vô mình các đấng trượng
phu nhờ che chở.
Nhưng Năm Tài cho biết đó là tiếng súng chào đệ nhị Khu bộ phó Huỳnh Văn Nghệ.
Tất cả mọi người đều quay lại nhìn vị thượng khách mới tới.
Bảy Viễn đứng lên, chỉ ghế bành kế bên mình mời Tám Nghệ, đứng thẳng người,
nhìn qua cử tọa, khẽ cúi đầu chào.
Anh Tám tới với tư cách là khách mời mà cũng là tai mắt của Bộ chỉ huy Khu.
Từ lâu, Khu đã được báo cáo về hành tung của Bảy Viễn, như giao du thân mật với
dân Sài Gòn và hai vị lãnh đạo Cao Ðài và Hòa Hảo. Loạt đạn nổ vang vừa rồi
không biết là để chào mừng hay dằn mặt vị đệ nhị Khu bộ phó?
Trăm nghe không bằng một thấy, Tám Nghệ đã thấy tận mắt bốn vị khách quý trên
thành xuống dự lễ tấn phong của Bảy Viễn.
Năm Tài giới thiệu Lâm Ngọc Ðường và Tư Thiên là trưởng phó ban ủng hộ Chi đội
9 trên thành. Còn hai vị lãnh đạo tôn giáo lớn nhất Nam Bộ là Hộ pháp Phạm Công
Tắc và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ là ủy viên đặc biệt trong ủy ban Kháng chiến -
Hành chánh Nam bộ. Ai nấy đều có chức tước rõ ràng.
Năm Tài trịnh trọng mời ngài Khu bộ phó Lê Văn Viễn lên phát biểu.
Bài diễn văn do Tám Tâm soạn và đã được Năm Tài phê duyệt. Nhưng có vài câu làm
Năm Tài giật nẩy người: "Bộ đội Bình Xuyên gồm phần lớn dân lao động nghèo
từng phải làm lục lâm thảo khấu mà sinh sống qua ngày, nhưng giờ đây, theo
kháng chiến, tâm tư tình cảm anh em đã đổi khác. Từ dân giang hồ, anh em trở
thành các chiến sĩ yêu nước. Tuy nhiên, anh em nên đề phòng nhưng kẻ bất lương
sống phè phỡn trên xương máu đồng đội".
Năm Tài nhớ rõ bài diễn văn mà mlnh đã duyệt lại chắc chắn không có mấy câu đó.
Vậy Tám Tâm nhét vô hồi nào?
Bảy Viễn vừa đọc xong là Năm Tài xin lại bài diển văn để kiểm tra:
- Ai thêm vô mấy câu này? Năm Tài rút viết gạch đít rồi trao cho Bảy Viễn.
Bảy Viễn cười:
- Có ai thêm vô đâu? Bài diễn văn được Tám Tâm đánh máy sạch sẻ, lại có chữ ký
của Năm Tài dưới mỗi trang. Mà mầy thắc mắc làm gì? Chính nhờ mấy câu đó mà người
ta vỗ tay hoan nghinh quá trời đất!
Dù cho qua nhưng Năm Tài vẫn biết Tám Tâm "chơi xỏ" mình và ngày đêm
theo dõi hành động của Tám Tâm.
Ðầu hôm tân nhạc làm sôi nổi rùm beng, nhưng tới khuya thì cổ nhạc bắt đầu lên
tiếng.
Hai Dậu đờn kìm, Paul Thin đàn ghi ta, Mười Nguyên đàn tranh, Mười Một đàn vĩ cầm,
cô Năm Cần Thơ, rồi cô Ba Bến Tre thay nhau hát những bản sở trường của mình
(đã dược thâu vô đỉa hảng Asia bán khắp Nam Kỳ lục tỉnh).
Quan khách, cán bộ và chiến sĩ, đa số gốc nông dân nên rất mê vọng cổ. Ðêm càng
khuya, tiếng đàn giọng hát càng rung động lòng người. Bảy Viễn cưới nói:
- Thưởng thức vọng cổ phải thưởng thức tại đây, giữa đồng không mông quạnh mới
đã! Còn nghe vọng cổ giữa Sài Gòn sao mà lảng xẹt! Phải không quí vị?
Tiệc vui cuối cùng cũng kết thúc, nhưng với hai vị lãnh đạo Cao Ðài và Hòa Hảo
thì vẫn còn tiếp diễn. Khi quan khách đã về hết, hai vị này ở lại bàn chuyện cơ
mật với ngài Khu bộ phó.
Các nhóm chính trị và giáo phái muốn liên kết lập một mặt trận liên tôn chống
thực dân mà cũng chống cả Việt Minh. Họ muốn ở giữa. Huỳnh Phú Sổ muốn đi thăm
các chi đội Bình Xuyên như Liên chi 23 để làm quen với Năm Hà, Sáu Ðối, Mười Lực,
Năm Chẳng. Bảy Viễn liền cho liên lạc đưa Huỳnh giáo chủ qua Phước An ngay. Còn
Phạm Công Tắc thì muốn kết nghĩa với Chi đội 4 của Mười Trí.
Khi thầy Tư Hòa Hảo (tên thường gọi của Huỳnh giáo chủ) và Năm Lửa tới Liên chi
2 - 3 thì Chánh văn phòng Ba Xuân bực lắm. Anh đã nghe tin Hòa Hảo cướp chính
quyền thị xã Cần Thơ ngày 9.9, do con trai Năm Lửa là Trần Văn Hoành cùng em ruột
họ Huỳnh là Huỳnh Phú Mậu và thi sĩ Việt Châu (cố vấn đặc biệt của Huỳnh giáo
chủ) cầm đầu.
Cuộc binh biến bất thành, Tây bắt ba người lãnh đạo nói trên đem ra xử. Bây giờ
thầy Tư Hòa Hảo tới Liên chi 2 - 3 để làm gì? Với tinh thần cảnh giác, Ba Xuân
ôm khẩu tiểu liên toan thủ tiêu giáo chủ. Nhưng anh Năm Hà, vốn trầm tĩnh,
khoát tay khuyên Ba Xuân:
- Người ta tới với danh nghĩa là khách, mình phải tiếp đón lịch sự. Chuyện đâu
còn có đó, chớ vội vàng. Dục tốc bất đạt!
Có thể nói số Huỳnh giáo chủ còn đỏ, nếu không thì chắc là đã bị Ba Xuân
"hóa kiếp" từ ngày đó.
Mặt trận Quốc gia Thống nhất
Có một chuyện lạ là trong suốt thời kỳ giữ chức đệ nhất Khu bộ phó, Bảy Viễn
không bao giờ về Bộ Tư lệnh Khu 7 họp.
Bảy Viễn không rời căn cứ Rừng Sác của mình. Còn Khu 7 thì lúc đầu đóng ở Tân
Hòa, Lạc An (Chiến khu Ð).
Khi Pháp quyết định diệt Chiến khu Ð bằng những cuộc hành quân hải lục không
quân, nhảy dù thì Nguyễn Bình dời tổng hành dinh về rìa Ðồng Tháp Mười, đóng dọc
bờ sông vàm Cỏ Ðông. Ðến năm 1947 thì đóng sâu giữa Ðồng Tháp Mười, tại làng
Nhơn Hòa Lập, nằm dọc con kênh mang tên thiếu tướng Dương Văn Dương.
Vì sao Bảy Viễn không về khu họp? Trong quyết định đề bạt Bảy Viễn, Bộ Tư lệnh
khu có ghi rõ: Mỗi quyết định của Bộ Tư lệnh phải có hai chữ ký mới có giá trị.
Mà Bảy Viễn thì đóng xa Tổng hành dinh khu nên các quyết định của Bảy Viễn phải
cho người mang tới Bộ Tư lệnh khu để lấy thêm chữ ký của Khu trưởng Nguyễn Bình
hay Khu phó Tám Nghệ.
Về chi tiết này Năm Tài đã to nhỏ với Bảy Viễn:
- Nói ra sợ ông Bảy rầy, chớ tôi thấy chuyện Nguyễn Bình đưa ông Bảy lên làm đệ
nhất Khu bộ phó chỉ là cái bánh vẽ!
Bảy Viễn nổi quạu:
- Cái bánh vẽ? Mầy nói rõ hơn cho tao nghe coi?
- Bánh vẽ là như thế này: Ông Bảy quyết định, ký tên đàng hoàng đóng dấu đệ nhất
khu bộ phó, vậy mà quyết định đó chẳng có giá trị gì! Phải đưa cho Nguyễn Bình
hay Tám Nghệ ký vô nữa thì mới có giá trị. Vậy là bánh vẽ rồi, còn gì nữa?
Bảy Viễn chau mày:
- Mầy phân tách rành rẻ như vậy, tao mới thấy. Nhưng mà Tám Nghệ ký quyết định
cũng phải có chữ ký của Nguyễn Bình.
Năm Tài cười ranh mãnh:
- Ý, nhưng Nguyễn Bình với Tám Nghệ là một phe hai tay đó là cộng sản. Còn ông
Bảy là chiến sĩ quốc gia yêu nước, không đảng phái. Vậy là phe quốc gia là thiểu
số bị chèn ép. Ông Bảy có thấy không?
Bảy Viễn đưa ra một lá thư:
- Nguyễn Bình mời tao đi họp ở Ba Thu, tao ngại gặp nó quá?
Năm Tài đưa hai tay lên như can ngăn:
- Ý, không được đâu! Ông Bảy không nên đi! Nếu cần thì phái ai đó đại diện.
Nghe nói nhiều người vô đó rồi mất tích. Có lẽ đã bị thủ tiêu cũng không chừng.
Bảy Viễn vứt lá thư xuống bàn:
- Vậy thì mình không đi. Ðể mình cử Năm Hà, bên Liên chi 2 đi thăm dò xem đã.
Năm Tài mừng rỡ - ông bà mình nói chí lý:
- Thà làm đầu gà hơn đuôi phụng. Ông Bảy làm vua ở Rừng Sác này chẳng sướng hơn
làm phó cho thằng trôi sông lạc chợ Nguyễn Bình sao?
Bảy Viễn nhăn mặt:
- Mầy nói nhiều quá, tao nghe không kịp! Ðể cho tao suy nghĩ.
Những lời xúc xiểm của Năm Tài thấm dần trong tâm trí Bảy Viễn.
Ðầu năm 1948, cáo già Bazin và trung tá Savani được lệnh của Cao ủy - Ðô đốc
D'argenlieu xúc tiến thành lập Mặt trận Quốc gia Liên minh gồm các đảng phái phản
động chống phá Việt Minh. Tất nhiên Cao Ðài, Hòa Hảo, Bình Xuyên được quan tâm
trước nhất.
Ði đầu trong chủ trương theo Pháp là Trần Quang Vinh; về đầu Pháp rồi ký hiệp ước
với tỉnh trưởng Tây Ninh lôi hai chi đội 7 và 8 của Nguyễn Văn Thành và Nguyễn
Thành Phong về bảo vệ Tòa thánh Tây Ninh vào tháng 5.1946.
Tới tháng 8.1946, Hộ pháp Phạm Công Tắc từ đảo Comores được Pháp phóng thích về
lập quân đội Cao Ðài chống Việt Minh.
Năm Tài được lệnh Phòng Nhì khuyến dụ Bảy Viễn tham gia Mặt trận này.
- Ông Bảy được nhiều người trên thành nhắc quá.
Bảy Viễn cười:
- Nhắc tao về việc gì?
- Thiên hạ muốn ông Bảy đứng ra chỉ huy một tổ chức cực kỳ quan trọng, đó là Mặt
trận Quốc gia Thống nhất.
- Mặt trận đó là mặt trận gì? - Bảy Viễn hỏi.
- Như tên chỉ rõ, đó là một mặt trận thống nhất các đảng phái quốc gia chống
Pháp mà cũng chống Cộng sản tức là Việt Minh.
Bảy Viễn giật mình:
- Mày hết chuyện rồi sao Năm Tài? Tao là đệ nhất Khu bộ phó Chiến khu 7. Vậy là
Việt Minh chánh cống. Sao mầy gợi ý cho tao đứng ra chống Việt Minh?
Năm Tài cố thuyết phục:
- Ông Bảy chưa biết Cộng sản. Họ có tin anh em giang hồ của ông Bảy đâu? Họ chỉ
lợi dụng dân giang hồ theo kháng chiến được lúc nào hay lúc ấy. Ngay khi đưa
ông Bảy lên chức Khu bộ phó, Nguyễn Bình cũng tìm cách hạn chế quyền hạn của
ông Bảy. Ký quyết định phải có hai chữ ký. Một chữ ký của ông Bảy không có giá
trị gì.
Bảy Viễn lại chau mày:
- Mầy nói thêm về cái Mặt trận Quốc gia Thống Nhất cho tao nghe coi.
- Mặt trận gồm các giáo phái mạnh như Cao Ðài, Hòa Hảo, Công giáo, Tịnh độ cư
sĩ, Tin lành rồi các đảng quốc gia chống Cộng sản. Họ tập hợp lại để buộc cả
Pháp lẫn Việt Minh phải chia quyền cho họ. Không ai được độc quyền chính trị...
Sắp tới sẽ họp sơ bộ tại Bà Quẹo, có Hộ pháp Phạm Công Tắc, có giáo chủ Huỳnh
Phú Sổ tới dự.
Bảy Viễn suy nghĩ khá lâu:
- Tao chỉ định mầy đại diện tao đi họp rồi về báo cáo trước đã. Rồi sẽ tính
sau.
Thu thuế nuôi quân
Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 được ký kết, theo đó Pháp công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện,
quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất sẽ được quyết định bằng một cuộc
trưng cầu dân ý.
Nhưng bọn thực dân không tôn trọng hiệp ước này.
Ðô đốc - Cao ủy D'argenlieu tuyên bố Hiệp ước không liên quan gì tới Nam Bộ.
Hai tháng sau, vào ngày 7. 5. 1946 đại tá Cédille, ủy viên Cộng hòa tới Nam kỳ
theo lệnh Cao ủy D'argenlieu lập ra chính phủ Nam Kỳ tự trị, đưa bác sĩ Nguyễn
Văn Thinh làm Thủ tướng.
Tiếp theo đó, chúng lập Mặt trận Quốc Gia Thống nhất (MTQGTN) để ủng hộ chính
phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh, đồng thời chống phá việt Minh.
Từ trong bưng, Khu trưởng Nguyễn Bình theo dõi diễn tiến của các hoạt động của
thực dân và tay sai qua báo chí và qua báo cáo của các Ban Công tác thành. Nhận
thấy vai trò phản động của MTQGTN, Nguyễn Bình ra lệnh giải tán tổ chức này.
Các Ban Công tác thành rải truyền đơn, ném lựu đạn vào trụ sở mặt trận để cảnh
cáo trước những phần tử ngoan cố.
Trước hoạt động mạnh mẽ của quân đội của các Ban Công tác thành ở ngay sào huyệt
Sài Gòn, bọn Việt gian hoảng sợ, không dám tung hoành ngang dọc như trước.
Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh cũng tự thấy mình đi sai đường, vì ngây thơ chính trị
mà âm mưu thực dân Pháp nên đã tự kết liễu đời mình bằng cách treo cổ trong tư
dinh vào rạng sáng chủ nhật 10. 11.1946.
Khi Nguyễn Bình giải tán MTQGTN, Bảy Viễn ngày đêm lo lắng, không rõ Nguyễn
Bình sẽ có hành động gì với mình. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy Khu đá động gì tới
việc mình "xé rào" và "đi đêm" với các lãnh tụ Cao Ðài, Hòa
Hảo nên Bảy Viễn bớt lo và tự giác ngừng giao du với các tổ chức chống phá
kháng chiến.
Mối quan tâm lớn nhất lúc đó của Bảy Viễn là tranh cho được chức thủ lĩnh Liên
khu Bình Xuyên mà trước đây Ba Dương rồi sau đó Năm Hà chiếm giữ.
Nhưng giữa tháng 4.1946 thì mơ ước của Bảy viễn đã tan thành mây khói, anh Năm
Hà, Tư lệnh Liên chi 2 - 3 nhận được công điện của Khu trưởng Nguyễn Bình về việc
bầu chọn người thay thế cố Thiếu tướng Ba Dương trong cương vị chỉ huy trưởng
Liên khu Bình Xuyên.
Nguyên văn như sau:
"VNCÐH - Vệ quốc đoàn - số 7/3/KB
Tổng hành dinh, ngày 12.4.1946
Nguyễn Bình, Khu bộ trưởng Khu thứ 7, nước Việt Nam
Kính gửi đồng chí Dương Văn Hà, Tư lệnh Vệ quốc đoàn Bình Xuyên.
Về việc đồng chí được cử thay đồng chí Dương, tôi rất tán thành. Mong đồng chí
đừng phụ lòng mong mỏi ký thác của anh em chiến sĩ Bình Xuyên, của tôi, của đồng
chí Dương Văn Dương đã quá cố, nhất là giữ tiếng tăm cho đồng chí Dương là người
lỗi lạc, khác hẳn với Ðệ tam, Ðệ tứ sư đoàn phản động và lôi kéo bè phái. Có được
như vậy mới thật là xứng đáng với anh linh đồng chí Dương Văn Dương, người đã
hy sinh oanh liệt cho Tổ quốc.
Ngoài ra tôi không đồng ý việc mượn tiền dân. Bộ đội nên tăng gia sản xuất để
dân được nhẹ phần đóng góp.
Mặt khác tôi không cho phép vợ con đi theo bộ đội, tránh tình trạng ô hợp như Ðệ
tam, Ðệ tứ sư đoàn, HT29..."
Tin Năm Hà được chính thức nhìn nhận là Chỉ huy trưởng Liên khu Bình Xuyên thay
anh Ba Dương được phổ biến khắp miền Ðông.
Bảy Viễn nuốt nước bọt, chờ thời cơ sẽ tới trong những năm sau.
Tuy Khu không đá động tới việc Bảy Viễn tham gia MTQGTN, nhưng Nguyễn Bình bắt
đầu theo sát hành tung của Bảy Viễn. Phong cách lãnh đạo của Bảy Viễn còn dáng
vẻ giang hồ. Có sự ngăn cách giữa cấp chỉ huy với chiến sĩ. Phần lớn cấp bộ đại
đội là dân anh chị nên xem binh sĩ như lâu la em út. Cán bộ tiểu đoàn tách rời
cấp dưới. Nghe sinh hoạt của Bảy Viễn chẳng khác lãnh chúa, dưới trướng có nhiều
bề tôi sẵn sàng làm mọi việc theo lệnh Bảy Viễn. Xa xỉ phẩm do Lâm Ngọc Ðường
và Maurice Thiên cung cấp không bao giờ thiếu. Ở rừng mà có rượu chát đỏ, rượu chát
trắng, rồi Martell, Cognac, sâm banh, bia Con cọp uống thay nước. Cà phê, sữa hộp,
ca cao đủ thứ, trên thành có gì, Rừng Sác có nấy.
Nhưng điều mà Nguyễn Bình quan tâm nhất không phải là sinh hoạt đế vương của Bảy
Viễn mà là cách thu thuế nuôi quân của Chi đội 9. Nhờ án ngữ hai con sông cái dẫn
tới Sài Gòn - Chợ Lớn, Chi đội 9 đón tất cả ghe thương hồ từ miền Trung và miền
Tây, lấy thuế.
Ðể không bỏ sót, Chi đội 9 lập nhiều trạm thuế ở tất cả vàm rạch.
Bảy Viễn thấy thu thuế là nguồn lợi lớn nên chọn Ba Tuấn là con Hội đồng Thì ở
Bến Tranh, Dầu Tiếng làm trưởng ban.
Ba Tuấn có Tú tài, khi kháng chiến bùng nổ, Ba Tuấn chưa biết đầu quân đâu thì
cha anh khuyên nên theo chú Bảy Viễn là người quen biết của ba.
Khi làm Trưởng ban Thuế vụ của Chi đội 9, Ba Tuấn mới thấy thương dân thương hồ.
Bộ đội nào cũng đều có quyền gọi ghe buôn lại để thu thuế. Thành ra một ghe chở
nước mắm từ Phan Thiết vô hay một ghe chở hột vịt từ Mỹ Tho lên phải đóng bao
nhiêu lần thuế.
Ba Tuấn mở hội nghị với các chi đội phân chia ranh giới thu thuế để tránh giẫm
lên nhau và cũng tránh cho người dân buôn bán trên sông chịu nhiều đau khổ.
Nhưng nạn giành nhau thu thuế đã đưa tới sự xung đột giữa Chi đội 9 và Ban Kinh
tài của Khu.
Có đi không có về!
Trong khi các chi đội ở miền Ðông theo chỉ thị của Khu trưởng Nguyễn Bình lo
tăng gia sản xuất để nhân dân nhẹ phần đóng góp nuôi quân thì Chi đội 9 lo thu
thuế các ghe thương hồ.
Các quận Nhà Bè, Cần Ðước, Cần Giuộc đều có ban thu thuế nên các nhân viên thu
thuế, đụng ghe nào cũng thu. Dân đi buôn trên sông nước kêu trời như bộng!
Từ ngày Ba Tuấn làm trưởng ban thuế vụ Chi đội 9 thì có sự phân ranh rành mạch.
Nhưng nguồn thuế lớn nhất cho kháng chiến là ngay trong thành phố Sài Gòn - Chợ
Lớn.
Các hãng, xưởng lớn đều gửi tiền nuôi quân hàng năm.
Ðóng góp nhiều nhất là giới chủ nhà thuốc Tây. Không chỉ gửi tiền mà còn gửi
thuốc men vô khu.
Về sau nhận thấy ủng hộ tiền bạc thuốc men chưa đủ hai ông dược sĩ có tiệm thuốc
Tây tại Sài Gòn là Hồ Thu (quê Phan Thiết) và Bùi Quang Tùng (quê Bến Tre) bỏ
thành vô khu theo kháng chiến.
Người Tàu ở Chợ Lớn thì có người đóng, người không. Chủ nhà hàng Ðại Thế Giới
viện cớ đã đóng thuế cho Tây rồi, không thể đóng cho Việt Minh được. Vậy là phải
dùng biện pháp mạnh với tay này: Ban Công tác lập kế bắt cóc đưa vô Khu, giải
thích cho anh ta biết giới tư sản kinh doanh trên đất nước Việt Nam phải có
nghĩa vụ đóng thuế lợi tức cho chính phủ Việt Nam. Pháp chỉ là kẻ tạm chiếm mà
thôi. Ðặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn phải mở một phiên tòa hẳn hoi đưa tên chủ Ðại
Thế Giới ra xử, hắn mới chịu khẩu phục tâm phục.
Trở lại Ban Thuế của Chi đội 9 ở Chợ Lớn. Người phụ trách là ông Bồ Văn Kiểu.
Ông Kiểu là dân tài tử, thuở trẻ có học quyền Anh, rất mê đàn ca, kết bạn với
các nghệ sĩ cải lương, chơi thân với các lực sĩ đá banh, quần vợt, đua xe đạp.
Khi ta cướp chính quyền, ông Kiểu được giao giữ chức Giám thị trưởng Khám Lớn
Sài Gòn. Lúc Tây đánh chiếm Sài Gòn ngày 23.9.1945, ông Kiểu được giao quản lý
Nhà máy Ðường Hiệp Hòa. Sau đó ông được Bảy Viễn mời phụ trách thu thuế các
chành lúa trong Chợ Lớn.
Các nhà máy xay phần lớn đều ở bến Bình Ðông, xa trung tâm thành phố và thuận
đường nước, kế bên kênh rạch. Các ghe lúa gạo từ miền Tây lên đây bán cho
chành.
Hầu hết chủ chành là người Tàu.
Muốn thu thuế phải túc trực sẵn, như dân quê nói "đụng đâu xâu đó"
hay "thấy mặt đặt tên".
Người Tàu không tha thiết với chính trị, họ chỉ lo làm ăn thôi. Cho nên thu thuế
không phải chuyện đơn giản.
Ông Kiểu gần như ngày đêm luôn luôn có mặt tại chành.
Trong thời bình thì chẳng có gì đáng nói, nhưng đây là thời chiến, bọn Pháp cứ
đi tuần tiễu, nhất là các vùng ngoại ô, gọi là "xôi đậu" - sáng ngày
là của Tây nhưng từ chạng vạng trở đi là của ta. Rất nhiều lần trong tuần, ông
Kiểu phải "chém vè" khi đụng Tây ruồng bố.
Do tích cực thu thuế nên số thu chi của Chi đội 9 do ông Kiểu đem lại rất lớn.
Chuyện này tới tai Ban Kinh tài của Khu.
Trưởng ban Kinh tài Khu là người thiếu tầm nhìn xa, chỉ thấy lợi ích của đơn vị
mình nên nghĩ cánh giành nguồn thu nhập quá lớn này. Anh ta báo cáo về Khu đề
nghị dẹp trạm thuế ở các chành lúa gạo bến Bình Ðông, vì thu nhập đó chỉ giúp
cho Bảy Viễn sống phè phỡn, còn binh sĩ Chi đội 9 vẫn thiếu thốn đủ mọi bề.
Nhưng thật tai hại, không rõ anh ta báo cáo thế nào mà trong một đêm tối trời,
ghe của ông Kiểu đậu bên bờ kênh bị mấy loạt đạn tiểu liên. Ông Kiểu chết tại
trận.
Không ai nhận là tác giả những loạt tiểu liêu đó, chỉ biết một cán bộ thuế đắc
lực và dũng cảm dám bám sát vùng ngoại ô để thu thuế nuôi quân phải hy sinh một
cách bí hiểm.
Hay tin này, Giáo sư Hồ Văn Lái, nguyên là thầy dạy vẽ Trường Trung học Pétrus
Ký, lúc đó là Trưởng ty Tuyên truyền Ðặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn đóng ở Vườn
Thơm, sửng sốt nói với các bạn:
- Mình biết anh Bồ Văn Kiểu. Anh là một người có tâm hồn nghệ sĩ. Dám bám sát
các chành lúa ở Bình Ðông là dũng cảm hơn người vì Tây lui tới ngày một. Rất tiếc
là do các ban thu thuế tranh giành nhau mà anh Kiểu chết lãng".
Hay tin Bồ Văn Kiểu tử nạn, Bảy Viễn rống lên:
- Tụi bây điều tra coi thằng nào ám hại cán bộ thuế của tao. Chắc chắn là thằng
Trưởng ban Kinh tài của Khu. Nó muốn tranh giành nguồn thuế. Tao ra lệnh cho tụi
bay thủ tiêu thằng đó, có gì tao chịu trách nhiệm!
Những vụ tranh giành thu thuế giữa Chi dội 9 và Ban Kinh tài Khu ngày càng gay
gắt.
Có khi hai bên nổ súng thị uy nhau.
Khu phải họp giải quyết nạn thu thuế vô tội vạ.
Nguyễn Bình gửi thư mời Ðệ nhất khu bộ phó Bảy Viễn về Khu để họp bàn giải quyết.
Nhưng Bảy Viễn lo sợ Nguyễn Bình sẽ thủ tiêu mình, như bọn Tài, Sang ngày đêm
hù dọa nên Bảy Viễn đề cử Năm Hà đi thay.
Năm Hà lúc đầu cũng sợ về Khu vì nghe tin đồn "có đi không có về!"
Năm Hà đề nghị Khu phải đưa thư ký riêng của Nguyễn Bình là anh Hai Trọng
(Lương Văn Trọng) xuống Liên chi 2~3 làm con tin thì mới dám đi. Chuyện nghi kỵ
nhau lúc đầu thật buồn cười nhưng thật ra cũng dễ hiểu vì Phòng Nhì cố tình
gieo chia rẽ giữa Việt Minh cộng sản và những phần tử kháng chiến quốc gia.
Năm Hà lên Khu, thấy Nguyễn Bình, Tám Nghệ đối xử thân tình, mới hết nghi ngờ.
Trở về Phước An (Long Thành), Năm Hà cười bảo Hai Trọng:
- Có chuyện gì đâu! Trên đó cũng như dưới này, ai cũng một lòng đánh Tây. Ðâu
có phân biệt trí thức hay giang hồ, quốc gia hay cộng sản. Rõ ràng là mình bị bọn
địch ly gián.
Hồn ai nấy giữ
Tuy Mặt trận Quốc gia Thống Nhất (cũng được gọi là Mặt trận Quốc gia Liên hiệp)
bị Trung tướng Nguyễn Bình giải tán, Hộ pháp Phạm Công Tắc vẫn tiếp tục thúc đẩy
quân đội Cao Ðài ráo riết đánh phá vùng rừng núi, lấn chiếm các khu giải phóng.
Cái thế của Hộ pháp là "ky hổ nan hạ" đã lỡ leo lên lưng cọp rồi, nhảy
xuống là bị thực dân "thịt" ngay.
Bên ta, Khu 7 và tỉnh Tây Ninh chủ trương mở rộng đoàn kết, nhiều dân tiếp xúc
với các chức sắc cao cấp trong Tòa thánh, mời tham gia Việt Minh và vận động
tín đồ Cao Ðài tham gia kháng chiến như những ngày đầu giành chính quyền. Nhưng
các chức sắc cao cấp Cao Ðài ngả theo Hộ pháp chống đối Việt Minh và trở thành
công cụ đắc lực cho thực dân. Ðược Pháp tiếp tế súng đạn, trả lương hàng tháng,
quân đội Cao Ðài hành quân liên miên, gây khó khăn cho vùng tự do.
Trong tình thế đó, Khu 7 thành lập các liên quân đương dầu với quân đội Cao Ðài
đang thọc sâu vào vùng tự do.
Qua tình báo, Khu 7 biết Pháp sẽ làm lễ giao súng ống cho quân đội Cao Ðài tại
Tòa thánh Tây Ninh vào đêm giao thừa Tết Ðinh Hợi (nhằm ngày 21.1.1947).
Tham mưu trưởng Khu 7 Huỳnh Kim Trương chủ trương đánh ngay đầu não địch để phá
vở lễ giao súng cho quân đội Cao Ðài. Nhưng cuộc tấn công không đạt được mục
đích mong muốn về quân sự cũng như về chính trị.
Hộ pháp Phạm Công Tắc rải truyền đơn thanh minh rằng Tòa thánh trá hàng lãnh
súng của Tây để sau này đánh lại Tây và yêu cầu Việt Minh giao chiến trường Tây
Ninh cho họ, đồng thời Tòa thánh mời Việt Minh cử đại diện vô Tòa thánh hội
đàm.
Khu chỉ định ba người: Dương Minh Châu, Nguyên Hữu Dụ và Trần Văn Ðẩu vô hội
đàm với các chức sắc cao cấp Cao Ðài trong hai ngày.
Kết thúc, cuộc họp không đem lại kết quả nào.
Nhưng hậu quả thật là đáng tiếc: Vừa về tới căn cứ thì bị Pháp hành quân
"chụp" đúng cơ quan, nên Luật sự Dương Minh Châu, Chủ tịch Uy ban
Kháng chiến Hành chính tỉnh, hy sinh!
Các cuộc thanh trừng ngày càng ác liệt. Dân vô tội ngã gục giữa hai thế lực
giao tranh.
Ðó là những năm đen tối trên chiến trường miền Ðông.
Trước tình thế đó, Bảy Viễn càng tách rời Nguyễn Bình.
Năm Hà còn về Khu họp một lần, còn Bảy Viễn thì "hồn ai nấy giữ".
Xung đột Cao Ðài - Việt Minh chưa ngã ngũ thì lại xảy ra mâu thuẫn Hòa Hảo - Việt
Minh.
Mâu thuẫn này bắt đầu từ tháng 9.1945, khi giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tới Lâm ủy
Hành chính Nam Bộ yêu cầu đồng chí Nguyễn Văn Tây giao bốn tỉnh có tín đồ Hòa Hảo
cho ông ta trông coi.
Ông Nguyễn Văn Tây chỉ lên bản đồ Việt Nam treo tường nói:
- Ðất nước Việt Nam là một. Không ai có quyền chia cắt. Tôi đâu có quyền làm
theo yêu cầu của giáo chủ.
Sau đó, ngày 9.9, Trần Văn Thành là con Trần Văn Soái (tức Năm Lửa) cùng em
giáo chủ là Huỳnh Sanh Mậu và cố vấn giáo chủ là thi sĩ Việt Châu Nguyễn Xuân
Thiếp cầm đầu nhóm tín đồ Hòa Hảo tấn công chợ cá Cần Thơ. Ðến tháng 4.1947,
Hòa Hảo được sự hỗ trợ của quân đội Pháp lại nổi lên chiếm được một số làng xã
trong quận Tân Châu (Châu Ðốc), Chợ Mới (Long Xuyên) và Châu Thành (Sa Ðéc).
Khu 9 lại tổ chức hai cánh quân tảo thanh Hòa Hảo.
Ðây cũng là những năm đen tối, đất nước chìm trong cảnh "nồi da xáo thịt"
do âm mưu chia rẽ để trị của bọn thực dân.
Bảy Viễn học được cái khôn của người xưa là "tọa sơn quan hổ đấu", vừa
xem vừa rút kinh nghiệm. Và Bảy Viễn đã tìm cho mình con đường "lội giữa
hai dòng nước" - không theo Pháp, cũng không theo Việt Minh.
Ðây cũng là "cao kế" của quân sư Năm Tài.
Bảy Viễn nghe theo cố vấn Tư Thiên, chọn thế án binh bất động, không đánh Pháp
trên hai sông Lòng Tàu và Soài Rạp - tất nhiên cũng không đụng bộ đội Việt Minh
- biến chiến khu Rừng Sác thành một căn cứ an toàn không có tiếng súng.
Cái lợi trước mắt là khỏe thân mà lại được tiếp tế đều đều. Ðúng là lãnh chúa sống
đời đế vương trong thời loạn.
Nhưng tình báo của Khu đã phát hiện những dấu hiệu "đi đêm" của Bảy
Viễn và khẩn cấp báo về Khu.
Ði đêm có ngày gặp ma
Sau khi vị Hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn thức thời, trao ấn kiếm và tuyên bố
một câu để đời: "Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước
nô lệ".
Chính phủ Hồ Chí Minh mời cựu hoàng Bảo Ðại nay là công dân Vĩnh Thụy làm cố vấn
nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng không bao lâu sau, trong một chuyến công
du Trung Quốc, Bảo Ðại bay sang Hồng Kông ở luôn, không về.
Hết tiền, Bảo Ðại sẵn sàng làm công cụ chính trị cho thực dân Pháp.
Bollaert bay sang Việt Nam với giải pháp cựu hoàng Bảo Ðại để đương đầu với
Chính phủ Hồ Chí Minh.
Pháp đưa Bảo Ðại lên làm Quốc trưởng lập chính phủ trung ương, đưa đại tá Nguyễn
Văn Xuân lên làm Thủ tướng. Song song với bộ máy hành chính, thực dân lập những
chiến khu quốc gia ngay trong vùng Việt Minh, kêu gọi các chiến sĩ kháng chiến
trở về với chính phủ quốc gia do cựu hoàng Bảo Ðại làm quốc trưởng.
Một trong những chiến khu quốc gia đầu tiên là chiến khu quốc gia Bình Quới Tây
(nay là Bình Thạnh).
Tinh báo của ta đã gửi báo cáo về chủ trương mới của thực dân, nhằm chia rẽ nội
bộ Việt Minh, tách rời những người có tư tưởng quốc gia khỏi sự lãnh đạo của Mặt
trận Việt Minh.
Trung tướng Nguyễn Bình cho người về Bình Quới Tây nghiên cứu tình hình.
Giữa năm 1947, địch đưa lính Cao Ðài về đóng đồn tại Bình Quới Tây.
Ðịch chọn nơi đây vì Bình Quới Tây như một bán đảo nằm dọc sông Sài Gòn uốn
khúc quanh co khi chảy qua khỏi cầu Bình Lợi.
Trước đây Chính phủ Lê Văn Hoạch đã đưa những phần tử mất tinh thần, bỏ ngũ ra
thành đầu hàng địch.
Chúng dùng những người này làm "cò mồi" len lỏi vào vùng tự do, xuyên
tạc kháng chiến, gây bất mản và lôi kéo những người lừng khừng về chiến khu quốc
gia Bình Quới Tây.
Nắm được tình hình, Khu giao Chi đội 1 chọn người cài vô Ban Chỉ huy chiến khu
quốc gia này.
Ðây là đơn vị của Cao Ðài Tây Ninh nên ta phải chọn người có liên hệ mật thiết
với Cao Ðài.
Người được chọn là anh Hoàng Của.
Ðịch đánh giá Hoàng Của "ngon lành" nên phong chức tham mưu trưởng.
Hoàng Của đưa "bộ đội Cao Ðài" của anh cỡ một đại đội vào. Phải mất nửa
năm mới xây dựng được lực lượng "chém vè" của ta trong chiến khu quốc
gia Bình Quới Tây.
Khi thấy đã "chín muồi", ta bắt đầu "đại phá" vào hai giờ
chiều ngày 10 12.1947.
Vẫn "mánh" cổ điển, tổ chức đá banh giữa hai đội láng giềng.
Trong khi đôi bên vào giữa trận, ta nổ súng lệnh, chụp bắt các phần tử nguy hiểm.
Các kho đạn đã được bố trí người chiếm lấy súng phát cho bộ đội của mình. Năm
sĩ quan địch bị bắn chết tại chỗ. Ðội quân "nằm vùng" thu gọn chiến lợi
phẩm cả kho, vượt sông Sài Gòn, đã có bộ đội đón sẵn mà chỉ huy là anh Lương Ðường
Minh (sau là Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh binh chủng đặc công biệt động
thành phố Sài Gòn).
Song song với chiến khu quốc gia Bình Quới Tây, địch tiếp xúc Bảy Viễn lập chiến
khu quốc gia Rừng Sác. Theo trung tá Phòng nhì Antoine Savani, một tên cáo già
gốc ở đảo Corse, từng là tay đánh cướp khét tiếng, cưới vợ Nam Kỳ, ăn được mắm
sống, nói tiếng Việt rành như người Việt thì chiến khu quốc gia Rừng Sác quan
trọng gấp mười lần chiến khu quốc gia Bình Quới Tây.
Về vị trí chiến lược, Rừng Sác là yết hầu của Sài Gòn. Thứ hai, Rừng Sác là căn
cứ Bình Xuyên, thiện chiến hơn quân đội Cao Ðài. Nắm được Bảy Viễn thì biến căn
cứ Rừng Sác thành chiến khu quốc gia số 1 của nước Việt Nam của Quốc trưởng Bảo
Ðại.
Theo thủ tục hành chính, Savani truyền lệnh cho Lâm Ngọc Ðường.
Ðường lại chuyển tới Maurice Thiên.
Tư Thiên đích thân xuống Rừng Sác to nhỏ chuyện cơ mật với lãnh chúa Rừng Sác.
Chuyện không lạ vì trước đó "quân sư" Năm Tài đã gợi ý cho Bảy Viễn
"án binh bất động" đứng giữa hai bên Pháp và Việt Minh mà vẫn được
Pháp tiếp tế súng đạn và nhu yếu phẩm...
Maurice Thiên trình bày nội dung hiệp ước Phòng Nhì định ký với Bảy Viễn: Chi đội
9 "án binh bất động" không đánh các tàu Pháp từ Vũng Tàu vô Sài Gòn
và từ Sài Gòn ra Vũng Tàu. Ðồng thời không đánh các tàu vận tải Pháp từ Sài Gòn
qua Nam Vang và từ Nam Vang xuống Sài Gòn.
Pháp sẽ không hành quân đánh vô Rừng Sác suốt thời gian hiệp ước có hiệu lực.
Ngoài ra Pháp sẽ chu cấp súng đạn, nhu yếu phẩm cho Chi đội 9 theo yêu cầu.
Bảy Viễn suy nghĩ lung lắm về ba điều khoản trong hiệp ước. Riêng về Chi đội 9
thì dễ thôi. Nhưng Rừng Sác với hai con sông lớn là sông Lòng Tàu và Soài Rạp
có rất nhiều bộ đội đóng quân.
Như Lý Nhơn có bộ đội Gò Công chạy sang đóng nhờ, Chi đội 7 của Hai Vĩnh, bộ đội
Tư Hoạnh. Nếu đám này mà đâm hứng phục kích tàu Tây hay tàu hàng thì ăn làm sao
nói làm sao với trùm Savani đây?
Maurice Thiên liền trấn an Bảy Viễn:
- Chuyện ai nấy lo. Phần Chi đội 9 của anh kể như xong, còn các chi đội khác sẽ
tính sau. Nếu xảy ra bất ngờ thì tôi sẽ nói rõ đó là chuyện ngoài ý muốn của Bảy
Viễn.
Thế là Bảy Viễn đã âm thầm "đi đêm" với Phòng Nhì qua trung gian người
bạn chí thân là Maurice Thiên.
Nhưng đi đêm có ngày gặp ma.
Khu đã nhận được tin tối mật này, dù Bảy Viễn giữ bí mật tuyệt đối.
Kế mọn
Trung tướng Nguyễn Bình mời Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ kiêm Trưởng ty Công
An Ðặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn Cao Ðăng Chiếm (bí danh lúc bấy giờ là Sáu Hoàng)
bàn kế hoạch đối phó.
Sáu Hoàng góp ý:
- Chưa nắm chắc bằng chứng, công an không thể bắt bớ. Tốt nhất là lặng lẽ theo
dõi...
Nguyễn Bình nóng nảy:
- Theo dõi đến bao giờ? Làm gấp gấp đi?
Sáu Hoàng cười:
- Nhà binh thì "tốc chiến tốc quyết", còn bên công an thì tuần tự nhi
tiến, dục tốc bất đạt. Tôi có kế mọn này để tiện bề theo dõi Bảy Viễn.
- Kế mọn ra sao?
Bảy Viễn với Mười Trí là cặp bài trùng, từng "đi hát", từng nằm Khám
lớn Sài Gòn, từng đi đày Côn Ðảo, từng vượt ngục... Do đó tôi đề nghị đưa Mười
Trí - hiện là chỉ huy Chi đội 4 - lên chức đại biểu Liên khu Bình Xuyên trong ủy
ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) Sài Gòn - Chợ Lớn. Anh Mười Trí là người tốt.
Ta nắm được Mười Trí là nắm được Bảy Viễn.
Nguyễn Bình gật gù:
- Hay! Kế hay đấy? Nhưng phải bàn với quyền Chủ tịch UBKCHC Nam Bộ Phạm Ngọc
Thuần. Tôi chỉ phụ trách về quân sự.
Sáu Hoàng được Nguyễn Bình "bật đèn xanh", tiến hành ngay.
Ngày 2.2.1948, một hội nghị bất thường giữa các chỉ huy Liên khu Bình Xuyên và
giáo sư Ðặng Minh Trứ, Chủ tịch UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn nhóm với sự tham gia của
Ủy viên phụ trách dân quân Nguyễn Hộ và Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ Cao Ðăng
Chiếm. Tham gia hội nghị có Lê Văn Viễn, Khu phó khu 7; Dương Văn Hà, Tư lệnh
Liên khu Bình Xuyên; Trần Văn Ðối, Phó tư lệnh Liên khu Bình Xuyên; Huỳnh Văn
Trí, Chỉ huy Chi đội 4, Lâm Văn Ðức tức Tư Ty chỉ huy Chi đội 25; Nguyễn Văn Hoạnh
(Tư Hoạnh) chỉ huy Chi đội 21, Lê Văn Chàng, chỉ huy Chi đội 2 và Ngô Tấn Lực,
chỉ huy Chi đội 3.
Bảy Viễn chủ tọa cuộc họp, Nguyễn Hộ làm thư ký.
GS Ðặng Minh Trứ trình bày mục đích, yêu cầu của cuộc họp: cử một đại diện Liên
khu Bình Xuyên vô UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn theo Nghị định số 8 - NÐ của Nam Bộ
để dễ làm việc.
Ða số đồng ý và Bảy Viễn giới thiệu Mười Trí ứng cử đại diện cho Liên khu Bình
Xuyên trong UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn. Kết quả, Mười Trí được 25 lá thăm trong số
28 thành viên có mặt tại hội nghị.
Bảy Viễn phấn khởi tuyên bố:
- Nay đã có đại diện Liên khu Bình Xuyên trong UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn, tình
hình sẽ sáng sủa hơn. Ta có thể giải quyết mọi vấn đề lủng củng, nhất là về vấn
đề thu thuế. Trước đây chúng ta giẫm chân nhau - dân thương hồ khổ sở mà chúng
ta cũng đã có những vụ chạm súng đáng tiếc. Tôi hy vọng trong tình thế mới này,
Ban Tiêu dùng Sản vật Nam bộ hoạt động đắc lực hơn đã giúp chính phủ có đủ tiền
cung cấp cho quân đội toàn Nam Bộ.
Cũng trong cuộc họp này, GS Ðặng Minh Trứ lặp lại điều mong muốn của UBKCHC Nam
Bộ là Khu bộ phó Lê Văn Viễn nên về họp đại hội tại Nam Bộ vì từ ngày lên chức
Khu bộ phó, ông Bảy chưa có lần nào về họp Bộ Tư lệnh Khu.
Bảy Viễn vui vẻ hứa sẽ về Ðồng Tháp Mười một lần cho biết căn cứ đầu não của
kháng chiến Nam Bộ:
- Một ngày nào đó, tôi sẽ xuống Nam Bộ theo thư mời của Ban Thường vụ Nam Bộ để
giải quyết dứt khoát về hệ thống làm việc của Liên khu Bình Xuyên và những chuyện
hiểu lầm giữa Khu trưởng Nguyễn Bình và Khu phó Bảy Viễn.
Cuộc họp kết thúc trong không khí tin tưởng nhau, trong tinh đoàn kết kháng chiến.
Người vui mừng nhất là Sáu Hoàng. Kế mọn của anh đã hoàn thành tốt đẹp: đưa Mười
Trí vô UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn để dễ nắm Bảy Viễn.
Bước thứ hai là tiếp cận Mười Trí, tìm cách phá vỡ nghi vấn "đi đêm"
của Bảy Viễn.
Ðây là một cuộc đấu trí ác liệt giữa Sở Công an Nam bộ và tên trùm Phòng nhi
Antoine Savani - một tên cáo già đảo Corse, cưới vợ Việt Nam, ăn được mắm sống
và nói tiếng Việt không thua người Việt.
Trong bàn tay phù thủy của Savani, Bảy Viễn chỉ là một con chốt.
Tuy bất tài vô đức, nhưng ngày nay Bảy Viễn đã giữ cương vị chỉ huy Chi đội 9
kiêm Khu bộ phó khu 7, khó có thể hạ bệ lãnh chúa Rừng Sác.
Thượng sách là mượn tay trùm Phòng Nhì làm nhục Bảy Viễn.
Chuyện đó, Sáu Hoàng ngày đêm nghiền ngẫm và hy vọng Mười Trí sẽ tiếp tay với
mình.
Nhất cử tam tứ tiện
Sáu Hoàng đang suy nghĩ cánh ngăn chặn ý đồ "đi hàng hai" của Bảy Viễn
thì dịp may đến:
- Mười Trí tới nhờ Công an Nam bộ cấp cho mấy giấy phép đi đường từ Quân khu
Ðông Thành (Ðức Hòa - Ðức Huệ) xuống Long Xuyên.
- Chúng tôi muốn phục kích tàu Thanh Vân lấy súng. Tàu có một khẩu cà nông 20
ly, hai F. M (trung liên), hai mi (tiểu liên) và một chục súng mút (súng trường).
Tàu Thanh Vân chở hành khách tuyến đường Nam Vang về Sài Gòn, lại có giòng ghe
chài chở gạo, ngũ cốc, trâu bò heo...
Sáu Hoàng cười:
- Anh cần bao nhiêu giấy phép? Sao lại phải xuống Long Xuyên?
Mười Trí nói nhỏ tuy chỉ có hai người:
- Mình cho thằng Hai Bạc là tổ trưởng trinh sát Chi đội 4 của mình với mấy thằng
lính về cù lao ông Hổ (Mỹ Hòa An), giả làm hành khách lên tàu tại bến Long
Xuyên. Có điều nghiên phản tổng như vậy mình mới biết trên tàu là bao nhiêu
lính, mấy thằng Tây, giờ giấc ăn ngủ, bao giờ tới nơi mình phục kích...
Sáu Hoàng:
- Anh yên chí lớn đi. Tôi sẽ cấp giấy phép cho tổ trinh sát Hai Bạc, đồng thời
cấp luôn giấy laissez - passer của Tây nữa. Ðụng Tây, có bùa Tây; gặp ta có bùa
ta. Nhưng anh Mười định phục kích tàu nầy ở đâu vậy?
Mười Trí:
- Vàm Phong Mỹ. Từ đó mình chở cây cà nông với mớ súng nhỏ đi vài giờ là vô khu
Ba Sao, Cái Bèo của mình.
Sáu Hoàng ngạc nhiên:
- Sao anh Mười chỉ lấy súng mà bỏ qua mấy chục chiếc ghe chài trâu bò, heo, gạo?
Uổng quá!
Mười Trí giật mình:
- Uổng thiệt! Bộ đội đang đói. Tại mình ham súng lớn. Vậy thì phải chuẩn bị
thêm ghe xuồng để lấy gạo, ngũ cốc, heo bò...
Sáu Hoàng kéo anh Mười lại bản đồ treo trên vách lá:
- Ðịa điểm phục kích của anh Mười không thuận tiện cho việc rút quân. Con kênh
Nguyễn Văn Tiếp thẳng băng. Máy bay nó lên bỏ bom, bắn đại liên là chết hết.
Anh Mười nên suy nghĩ thêm về địa điểm sao cho thuận lợi lúc đánh cũng như lúc
rút. Và đừng quên số chiến lợi phẩm khổng lồ ngoài cây cà nông 20 ly của anh.
Ðêm đó Sáu Hoàng thao thức tìm địa điểm phục binh cho Chi đội 4. Chừng gà gáy nửa
đêm thì anh bật ra ý kiến bằng vàng; tại sao không thuyết phục Mười Trí đánh tàu
Thanh Vân ngay trên sông Soài Rạp, trong vùng kiểm soát của Chi đội 9? Nhất cử
tam tứ tiện: vừa an toàn về quân sự vừa thắng lợi về chính trị, phá được liên
minh ma quỷ giữa Savani và Bảy Viễn.
Ðầu hôm không ngủ được vì suy nghĩ tìm địa điểm phục kích giúp Mười Trí, nửa
đêm về sáng cũng không ngủ được vì vui mừng đã tìm ra "kế mọn" phá thế
"đi đêm" của Bảy Viễn, vậy mà sáng hôm sau Sáu Hoàng tỉnh như sáo khi
anh Mười tới:
- Theo lời khuyên của anh Sáu, tôi chọn được nơi phục kích mới là vàm sông Kỳ
Hôn...
Sáu Hoàng kéo anh Mười tới bản đồ:
- Chỗ này cũng bất tiện cho việc rút lui. Ghe ta chèo làm sao nhanh hơn máy bay
Spitfire (khạc lửa) ? Coi chừng thương vong nặng đó.
Mười Trí thở dài:
- Vậy theo anh Sáu thì đánh ở đâu?
Sáu Hoàng dán mắt vào bản đồ, làm ra vẻ suy nghĩ dữ lắm rồi vỗ tay cái bép, như
khoái chí phát hiện điều hay ho:
- Anh Mười ơi! Tại sao ta lại không phục binh trên sông Soài Rạp? Chỗ này là
vùng của Bình Xuyên. Rừng Sác um tùm. Ðánh tàu xong, cắt dây đói cho ghe chài tấp
vô mấy cái rạch nhỏ là xong ngay. Máy bay trinh sát L.19 cũng khó mò ra.
Mười Trí "à" một tiếng hả hê:
- Anh Sáu tài quá! Ðánh tàu Thanh Vân ở Vàm Sáu nầy thì ăn chắc. Ðể mình xuống
Tất Cây Mắm bàn chuyện liên quân với Bảy Viễn. Hai đứa mà bắt tay đánh trận nầy
thì cờ khai đắc thắng, mã đáo thành công.
Sáu Hoàng cười:
- Liên quân cái gì? Tôi nghĩ một mình Chi đội 4 của anh cũng nắm phần chắc rồi.
Cho một bán đội giả làm hành khách rồi thừa lúc chúng ăn cơm là lia tiểu liên
diệt gọn. Anh Mười chỉ cần mượn bãi của Bảy Viễn để thu đoạt chiến lợi phẩm
thôi.
Mười Trí gật lia:
- Ðúng là mình chủ động toàn bộ. Nhưng hỏi mượn bãi của Bảy Viễn thì e anh ta tự
ái. Cho nên mình dùng chữ liên quân cho đẹp dạ anh em.
Khi Mười Trí sửa soạn xuống rừng Sác, anh Sáu bắt tay động viên:
- Tuy anh Mười là bạn nối khố với Bảy Viễn, tôi nghĩ anh Mười sẽ gặp khó khăn
trong việc đề nghị liên quân đánh tàu Thanh Vân.
Mười Trí trợn mắt:
- Sao lại gặp khó khăn? Cỗ tôi dọn sẵn, ngu sao nó không ăn?
Sáu Hoàng xa xôi:
- Anh quên rằng con người là sản phẩm của hoàn cảnh sao? Ở bầu thì tròn, ở ống
thì dài. Ba năm nay Bảy Viễn đã trở thành lãnh chúa rừng Sác có đánh đấm gì ra
trò? Tâm lý anh ta là muốn ngồi mát ăn bát vàng. Tôi chỉ nói theo chủ quan của
tôi, chưa biết đúng hay sai. Anh Mười nên lựa lời mà nói cho được việc. Thuyết
phục được Bảy Viễn chịu cho anh mượn bãi Vàm Sác để "làm thịt" tàu
Thanh Vân không dễ đâu. Nhưng tôi tin tưởng anh Mười sẽ thành công.
Án binh bất động
Tàu Thanh Vân đã bị liên quân Chi đội 4 - Chi đội 9 phục kích tại Vàm Sác đúng
theo kế hoạch của Mười Trí.
Tàu đến Vàm Sác vào xế chiều. Bán đội trinh sát của Hai Bạc đồng loạt leo lên tầng
trên nổ súng tấn công.
Tên quan hai thủ súng đại bác 20 ly đang nằm trong ca bin với con bồ người Việt
toi mạng ngay sau loạt đạn đầu. Hai tên thủ trung liên F.M cũng bị diệt gọn. Do
bị bất ngờ, tiểu đội lính Miên trên tàu buông súng đầu hàng.
Hai Bạc chỉ huy tài công cặp sát mé rừng, cứ tới một cái rạch nhỏ là cho một
ghe chài tấp vô để bộ đội và dân chúng thu chiến lợi phẩm.
Gạo chứa cả kho. Trâu, bò, heo quá nhiều, phải giăng dây giữ ngoài đồng, những
món mà Bảy Viễn khoái nhất là xa xỉ phẩm...
Riêng Mười Trí thì toại nguyện: chiếm khẩu cà nông 20 ly và hai trung liên F.M.
Còn gạo, heo, bò... Mười Trí giao Bảy Viễn chia đều cho các chi đội trong Liên
khu Bình Xuyên và tiếp tế một phần cho bộ đội địa phương Gò Công đóng nhờ trên
đất Lý Nhơn.
Trở về Quân khu Ðông Thành, anh Mười kể chuyện thuyết phục Bảy Viễn cho mượn
bãi Vàm Sác.
Thoạt tiên Bảy Viễn giẫy nẩy:
- Không được! Không được? Lâu nay mình thỏa thuận ngầm với Tây. Anh không đánh
tôi, tôi không đánh anh. Nay anh đánh tàu Thanh Vân của nó trên đất tôi thì anh
hại tôi rồi!
Sáu Hoàng gật gù nghĩ thầm:
- Tình báo ta không sai. Rõ ràng Bảy Viễn "đi đêm" với Tây.
Anh hỏi:
- Anh Mười nói thế nào mà Bảy Viễn chịu liên quân?
Tôi nói:
- Mầy cứ đổ cho tao - Mười Trí - đánh mà không cho mầy biết. Chớ biết thì đời
nào mầy chịu! Với Tây, nói vậy là xong. Còn với ta thì cái lợi lớn lắm. Lâu nay
Chi đội 9 không có chiến công nào. Nay có chiến thắng Vàm Sác, chiếm trọn tàu
Thanh Vân có đại bác 20 ly, lại thêm hai chục ghe chài gạo, heo, bò, chia nhau
ăn cả năm không hết.
Sáu Hoàng bắt tay khen ngợi anh Mười đã thực hiện "kế mọn" của mình
mà không hề hay biết.
Vài ngày sau, tình báo cho biết Trung tá savani gần như chết điếng trước việc Bảy
Viễn vi phạm thỏa ước án binh bất động.
Lập tức quân đội Pháp tổ chức hành quân cấp tốc vô Rừng Sác để chiếm lại tàu
Thanh Vân và giải thoát cho số hành khách bị bắt làm con tin.
Riêng Lâm Ngọc Ðường, Maurice Thiên bị Savani đập bàn sỉ vả:
- Tại sao hai ông không kèm sát Bảy Viễn để nó nuốt lời hứa với tôi? Ðúng là
quân trộm cướp, không thể tin tưởng được!
Hai quân sư của Bảy Viễn đều lải nhải theo lập luận của Mười Trí:
- Ðây là hành động đơn phương của Mười Trí, chỉ huy Chi đội 4. Chúng mượn bãi
Vàm Sác làm địa điểm phục kích. Bảy Viễn không hề hay biết, nói gì chuyện liên
quân? Xin trung tá bớt giận để chúng tôi uốn nắn Bảy Viễn, không để xảy ra những
chuyện đáng tiếc như vậy.
Giữa lúc đó, Hai Dậu, Trưởng ban Văn nghệ Chi dội 9, nhận được một kịch bản của
Năm Tài trao cho.
- Ðây là vở kịch anh Tư Sang và tôi viết để Tết này diễn cho anh em xem giải buồn.
Anh Hai xem trước rồi phân vai cho các diễn viên.
Hai Dậu là thầy đờn, không rành về kịch nhưng ông Năm giao thì phải nhận.
"Trên ông Bảy, dưới ông Năm".
Hai Dậu đọc đi đọc lại năm lần bảy lượt vở kịch, vẫn không hiểu nó hay ở chỗ
nào.
Anh ta lén trao kịch bản cho Tám Tâm là Phó văn phòng Chi đội 9.
Ðọc xong, Tám Tâm hỏi ngược lại Hai Dậu:
- Anh là Trưởng ban Văn nghệ chi đội. Anh nghĩ thế nào về vở kịch này?
Hai Dậu lắc đầu:
- Tôi không hiểu gì hết? Mình là bộ đội Cụ Hồ mà vở kịch này lại ca ngợi Cựu
hoàng Bảo Ðại.
Tám Tâm cười bí hiểm:
- Anh Hai tính sao? Diễn hay không diễn?
Hai Dậu thở ra:
- Ông Năm ra lệnh Tết này phải diễn cho anh em xem giải trí. Tôi thấy khó quá?
Tám Tâm nói lấp lửng:
- Diễn cũng khó mà không diễn cũng khó. Tùy anh chọn lựa.
Hai Dậu suy tư khá lâu:
- Diễn thì được lòng ông Năm, nhưng... sợ sai phạm đường lối Việt Minh. Hay hơn
hết là "dục hưỡn cầu mưu ".
Tám Tâm bắt tay Hai Dậu:
- Hay! Khen anh Hai tìm được diệu kế "án binh bất động".
Năm Tài gặp Hai Dậu mỗi ngày và thúc hối dàn dựng vở kịch. Hai Dậu đề nghị giao
cho Sáu Hiếu, người thân tín của Bảy Viễn vừa được đưa lên thay Hai Dậu.
- Ông Năm giao vở kịch này cho anh Sáu Hiếu thì hơn. Tôi nay chỉ là trưởng tổ
nhạc. Nói thật, về kịch, tôi kém lắm.
Năm Tài cau mày:
- Sáu Hiếu mà biết cái đách gì về nghệ thuật? Ông Bảy đặt nó lên để kiểm soát mấy
anh. Tôi đã tín nhiệm anh. Anh không được "bán cái" cho người khác.
Năm Tài bực lắm, hăm he liền miệng, nhưng vở kịch không diễn được. Hắn ta đâu
biết nhờ vở kịch đó mà ta biết được Bảy Viễn ngả theo Cựu hoàng Bảo Ðại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét