Việt Nam là một nhà nước theo thể chế toàn trị, đảng CSVN tự cho
mình quyền lãnh đạo toàn diện mọi mặt của nhà nước và xã hội. Vì thế việc các
cơ quan tư pháp phải chịu sự chỉ đạo của đảng trong công tác xét xử với các bản
án bỏ túi được chuẩn bị sẵn là điều hết sức phổ biến. Sự thực của vấn đề này
thế nào?
Xét xử mang tính hình thức
Ngày 17.7.2013 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ
trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tại
hội nghị này người đứng đầu của đảng CSVN đã đề nghị cần phải phát huy vai trò
cơ quan thường trực của Ban Nội chính Trung ương. Mà theo ông Nguyễn Phú Trọng
thì quan điểm nhất quán là Đảng lãnh đạo việc phòng, chống tham nhũng nhưng:
“Đảng không làm thay cơ quan chức năng, không can thiệp vào công tác xét xử”.
Nguyên tắc của ngành tòa án, khi xét xử thì thẩm phán không nhân
danh cá nhân hay Hội đồng xét xử, mà phải nhân danh Nhà nước để định tội danh
và hình phạt trong các vụ án. Tuy nhiên, nếu khi căn cứ vào điều 4 Hiến pháp
Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 khẳng định rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam,
là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” thì việc đảng CSVN chỉ đạo việc xét
xử các vụ án được hiểu là điều đương nhiên đối với các cơ quan trong ngành tư
pháp. Và câu phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng được hiểu, rằng lâu nay Đảng đã
can thiệp vào công tác xét xử, làm thay cho cơ quan chức năng trong công tác
xét xử.
Cái này thì rõ ràng, rằng là những gì tôi biết tới nay thì đảng
đều có sự can thiệp vào công việc của tòa án.
-Vũ Thư Hiên
Thực tế lâu nay về vấn đề này được nhà văn Vũ Thư Hiên cho biết:
“Cái này thì rõ ràng, rằng là những gì tôi biết tới nay thì đảng
đều có sự can thiệp vào công việc của tòa án cả. Cho nên nó có những bản án gọi
là bản án đã soạn sẵn, án bỏ túi ra đấy chỉ có rút ra mà đọc thôi, ông ấy nói
như thế là cái sự chối cãi không thuyết phục được ai. Tức là một thứ mà ai cũng
biết (nên) khi ông ta nói ra thì người ta cười, vì vậy có chuyện phản ứng là
đương nhiên. Không có cái gì là lạ cả”.
Việc các phiên tòa chỉ xét xử mang tính hình thức, thậm chí
nhiều lúc không cần quan tâm đến các chứng cứ, các tình tiết mang tính chất
pháp lý… kể cả lời bào chữa của luật sư là hiện tượng phổ biến. Tất cả cũng vì
Hội đồng xét xử đã có một bản án do tập thể lãnh đạo chỉ đạo, định sẵn và Tòa
án chỉ làm công việc công khai phán quyết định sẵn đó.
TS luật Cù Huy Hà Vũ ở phiên tòa xét xử tại Tòa Án Nhân Dân Hà
Nội vào ngày 04 tháng 4 năm 2011. AFP PHOTO.
Một dẫn chứng gần nhất là phiên phúc thẩm gia đình ông Đoàn Văn
Vươn hồi hai ngày 29 và 30 tháng 7 vừa qua. Chính các luật sư bào chữa cho
biết, tất cả các luận cứ của họ đưa ra không hề được phía Viện Kiểm sát tranh
luận tại tòa và được Hội đồng xét xử lắng nghe để đưa ra bản án phù hợp.
Nhận xét về vấn đề này, Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ
tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí cho chúng tôi biết:
“Vấn đề căn bản, trong một nhà nước toàn trị thì cơ quan tư pháp
đều phụ thuộc vào sự lãnh đạo của đảng hết, nên không có sự độc lập mà Việt Nam
ta gọi là bản án bỏ túi.Ví dụ như vụ Đoàn Văn Vươn chẳng hạn, vụ Cù Huy Hà Vũ
cũng vậy, mặc dầu dư luận phản đối rất nhiều nhưng vẫn y án. Do có những cái án
bỏ túi của tập thể Bộ Chính trị và Tòa án chỉ là người phán quyết. Còn vai trò
của luật sư thì tôi biết trong cơ chế này thì luật sư chả có cái quyền gì, đó
là đặc trưng của thể chế toàn trị, Việt Nam hay Trung quốc cũng chỉ thế thôi”
Ban Nội chính Trung ương để làm gì?
Sự can thiệp và chỉ đạo của đảng cũng được phân cấp, tùy theo
mức độ và cấp xử lý của các vụ án. Từ trung ương, đến các tỉnh thành, tới cấp
quận huyện thì Bí thư đảng ở các cơ quan Viện Kiểm sát hay Tòa án các cấp đều
là người đứng đầu các cơ quan đó. Nhà văn Vũ Thư Hiên cho biết:
“Đã gọi là đảng lãnh đạo toàn diện thì có nghĩa là chẳng có thừa
một lĩnh vực nào mà đảng không muốn lãnh đạo cả. Thậm chí cả lãnh đạo trẻ con
thì cũng phải có cái (hội) đoàn thiếu nhi của đảng thì đấy là những cái can
thiệp chứ sao lại bảo là không can thiệp?
Ở mọi cấp các cơ quan đó đều có cái Đảng đoàn thì Đảng đoàn họ
chỉ đạo. Bí thư Đảng đoàn thường là người đứng đầu các cơ quan Viện Kiểm sát
hay Tòa án.
-Trần Quang Thành
Riêng về lĩnh vực luật pháp thì cái nguyên tắc đảng lãnh đạo có
những cái được lãnh đạo từ trung ương, nó khác với cái lãnh đạo của đảng ở địa
phương. Như mấy anh bắt (trộm) vịt, 14 năm tù cho hai anh thì phải, thì cái đó
không thể nói là trung ương đảng chỉ đạo cái việc xử mấy anh bắt vịt. Nhưng mà
đảng bộ địa phương là có chỉ đạo, cho nên nó mới có các hiện tượng như vậy. Vì
thế nói đảng không lãnh đạo là hoàn toàn nói sai ”
Khi có những vấn đề khó khăn, vướng mắc, các bộ, các ngành phải
báo cáo Ban Nội chính Trung ương để xin chủ trương xử lý, vì thế có người cho
rằng nếu đảng không can thiệp vào công tác xét xử thì sinh ra cái Ban Nội chính
để làm gì? Thực tế cho thấy, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan quản lý các cơ
quan như là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân
dân tối cao… để chỉ đạo việc xét xử. Ở các cấp tỉnh cũng có các cơ quan tương
đương do cơ quan Đảng đoàn ở cấp đó trực tiếp quản lý và chỉ đạo. Còn ở cấp
huyện thì sẽ do thường vụ huyện ủy trực tiếp chỉ đạo. Và Bí thư Đảng đoàn
thường là người đứng đầu các cơ quan Viện Kiểm sát hay Tòa án, nhân danh đảng
để chỉ đạo vụ án.
Nhà báo chống tham nhũng Trần Quang Thành, người từng bị tạt át
xít vì chống tham nhũng nói với chúng tôi về thủ tục, cách thức và trình tự
việc đảng can thiệp vào các vụ án nói chung và án tham nhũng nói riêng. Nhà báo
Trần Quang Thành cho biết:
“Nói chung cái gì cũng phải có đảng có ý kiến hết. Đảng chỉ đạo
(thông qua) Ban Nội chính, là một cơ quan để tập hợp các cơ quan tư pháp và một
số đơn vị khác. Ở trên trung ương thì là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát
Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao. Ở cấp tỉnh thì có các cơ quan tương
tự ở cấp tỉnh, còn ở cấp Huyện không có Ban Nội chính thì thường vụ Huyện ủy họ
chỉ đạo. Ở mọi cấp các cơ quan đó đều có cái Đảng đoàn thì Đảng đoàn họ chỉ
đạo. Bí thư Đảng đoàn thường là người đứng đầu các cơ quan Viện Kiểm sát hay
Tòa án thì họ chỉ đạo nhân danh đảng chỉ đạo luôn vụ án”
Muốn công lý được thực thi để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp
luật, thì bắt buộc “Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” là
điều có tính nguyên tắc bất khả xâm phạm trong một nhà nước pháp quyền. Còn một
khi trong một phiên tòa xét xử, thẩm phán lại nhân danh một tổ chức tự cho mình
quyền lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội, với các bản án bỏ túi để tuyên án,
thì khi đó công lý và pháp luật sẽ không bao giờ hiện hữu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét