NGUYỄN TRỌNG TẠO
(Viết nhân dịp ra mắt cuốn sách "Bùi Giáng Đười Ươi Chân Kinh" do
Công ty Nhã Nam và nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành)
Trong
tâm trí tôi hiện lên một người hiền triết phiêu bồng. Người ấy đi đâu thì đều
có trẻ con chạy theo sau để “nghiên cứu” xem ông từ đâu tới, còn các thi sĩ thì
vây quanh hầu rượu để nghe ông đọc thơ từ lồng ngực suối nguồn, và giảng giải
những triết lý từ xa thẳm mông lung. Người ta nói ông điên, nhưng điên mà tuôn
ra thơ, múa ra triết thì chắc nhiều kẻ muốn điên như ông. Và ông trở thành người
nổi tiếng mãi mãi cùng những cuốn sách, những giai thoại bất tận ngay lúc bình
sinh và cả sau khi từ giã cõi trần.
Đó
chính là Bùi Giáng.
Tôi đọc
thơ ông khá muộn, sau ngày đất nước thống nhất 1975, và mãi đến năm 1990 mới
nhìn thấy ông. Khi tôi đang cùng Hoàng Hưng ngồi bên quán cóc vỉa hè đường Lý
Chính Thắng chợt phát hiện một ông lão gầy nhom, râu tóc bạc phơ, quần áo nhầu
nhĩ ngồi sau chiếc xe đạp thồ lướt qua đường, và điều đặc biệt là ông ngồi quay
lưng với người lái xe, tay huơ lên như đang nói với trời xanh. Tôi bật cười và
chỉ cho Hoàng Hưng nhìn theo ông. Hoàng Hưng thốt lên Bùi Giáng!
Thì ra
đó là người có tấm danh thiếp chỉ in hai câu thơ: “Hỏi tên rằng Biển Dâu
Ngàn - Hỏi quê rằng xứ Mơ Màng đã quên” hoặc “Hỏi tên rằng Biển Xanh
Dâu - Hỏi quê rằng Mộng Ban Đầu đã xa”. Chả là quê ông bên sông Thu Bồn, nơi có
những bãi dâu mênh mông xanh tốt. Đó là người đã từng đem chăn màn ra nghĩa địa
ngủ ngay trong một cái huyệt đã xây sẵn, sống chung với hồn ma và cào cào, châu
chấu.
Thơ ông
thì nhiều vô tận. Đặc biệt là thơ lục bát. Thơ lục bát của ông như một nguồn suối
từ trời cao tưới xuống trần gian. Nó lênh loáng, miên man, mát mẻ, và nhiều khi
ớn lạnh lòng người.
Xa nhau chừng đó là vừa
Gió trần gian lạnh có chừa ai đâu.
Những
câu thơ hay và cô đơn như thế rất nhiều trong thơ lục bát của ông. Đôi lúc tôi
nghĩ, thơ lục bát của Bùi Giáng câu hay nhiều hơn bài hay. Thì cứ vậy, ông như
một kẻ hát rong vung vãi tâm hồn mình ra trần gian, và ai thích gì thì nhặt lấy.
Và người ta đã nhặt lại được rất nhiều mảnh hồn lấp lánh thiên thạch thơ ông.
|
Cuốn sách Đười
ươi chân kinh.
|
Không
rõ từ bao giờ bốn câu thơ “lơ ngơ” một cách kỳ lạ và dễ thương này đã lọt vào
trí óc tôi:
Người bước về đây năm ngón chân
Tôi buồn người bảo có tay nâng
Bàn tay người có đầy năm ngón
Người đứng xa tôi tiến lại gần
Đó là bốn
câu thơ hay mở đầu cho bài thơ hay “Người về” của thi sĩ Bùi Giáng.
Mười hai câu tiếp theo của bài thơ là:
Tôi thấy người mừng rỡ xiết bao
Trời xanh hơn lá ở trên cao
Con chim nhảy nhót trên cành nhánh
Người nắm tay tôi rủ bước vào
Ngôi nhà người dựng giữu rừng xanh
Cửa gió bằng cây có nhánh cành
Để kiếp sơ sơ và cũng để
Mở mời anh chị bước vào nhanh
Hôm nay tôi kiếm củi trong rừng
Lạc mất đường về chợt bỗng dưng
Sực nhớ rằng đây, rừng rú thẳm
Là quê thân thiết biết bao chừng.
Thi sĩ
Bùi Giáng (1926-1998)
Sau khi
tìm ra bài thơ này in trong tập “Mưa nguồn” của thi sĩ “khét tiếng” họ
Bùi, tôi gặp nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và đọc lại cho ông nghe. Tuy Hoàng Phủ
Ngọc Tường nói chưa được rõ lắm, nhưng tôi nghe lời nhận xét của ông về bài thơ
này, đại ý: “Đây là một bài thơ tóm gọn hiện tượng luận của
Heidegger trong quyển Những con đường rừng: khách thể (ở đây là chân
lý) có đặc điểm cởi mở (sẵn sàng để được nhận thức) và chủ thể thì hiểu bằng sự
thông cảm. Hình như Bùi Giáng thích hiện tượng luận của Heidegger hơn
là thuyết hiện sinh của J.P.Sartre. Chả thế mà trong một cuốn sách viết
về Heidegger (in năm 1963), Bùi Giáng đòi dùng roi quất J.P.Sartre “để cho nó
biết thế nào là triết học”, và khi có người chê quyển sách ấy thì Bùi
Giáng đến sớm gõ cửa đòi đánh nhau”!
Thì ra
nhiều bài thơ “lơ ngơ” của Bùi Giáng lại thấm đẫm tinh thần triết học.
Các nhà
phê bình thường kêu thơ ta ít tính triết học, và thiếu vắng những tư tưởng lớn.
Tôi nghĩ, đọc lại thơ Bùi Giáng, phần nào chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi đó.
Cuối
năm 2011, nhà sách Nhã Namkết hợp với nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho ra mắt tuyển
tập Bùi Giáng Đười Ươi Chân Kinh là một ghi nhận những đóng góp độc
đáo của ông cho văn học nước nhà. Cuốn sách này dựng lại chân dung của một nghệ
sĩ cá biệt nhưng lại gắn bó sâu sắc với đời sống văn học của đất nước, gắn bó với
số phận của nhiều người.
Bùi
Giáng là ai? Bạn hãy đọc cuốn sách này, và mỗi người sẽ có một Bùi Giáng của
riêng mình.
_____________
Bùi
Giáng sinh năm 1926 tại Vĩnh Trinh, Quảng Nam, trong một dòng họ tiếng tăm vùng
Nam- Ngãi. Ông đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp và sau sống ở Sài
Gòn. Ông đã cho xuất bản 14 cuốn sách trước năm 1975, có thể kể đến Mưa
Nguồn (1962), Tư tưởng hiện đại (1962), Lá Hoa Cồn (1963), Ngàn Thu Rớt Hộ
(1963) Màu Hoa Trên Ngần (1063), Heidegger và tư tưởng hiện đại I, II (1963),
Khảo luận về Tản Đà, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Đình Chiểu, Con Đường ngã ba, Lời cố
quận (dịch), Sa Mạc Trường Ca, Sa mạc phát tiết, Hoàng tử Bé (dịch), Cõi người
ta (dịch), v.v…
Bùi
Giáng mất năm 1998 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét