Chương
17: ÁM ẢNH NGUYỄN DU VÀ HEIDEGGER
Khi bước vào con đường nghiên cứu, Bùi Giáng quan tâm đến Nguyễn Du đầu tiên
cùng với một số tác giả cổ điển khác. Chúng ta nhớ lại, cuốn Một vài nhận
xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần được ông viết vào năm 1957 thật là
xuất sắc. Kể từ đó, thiên tài Nguyễn Du bắt dầu “nhập hồn” Bùi Giáng. Ước tính
có đến cả ngàn lần Bùi Giáng nhắc tên Nguyễn Du. Trong thơ, trong văn, trong giới
thiệu tư tưởng và triết học, thậm chí cả trong những bản dịch tiểu thuyết nước
ngoài… Đâu đâu ta cũng bắt gặp hình bóng Nguyễn Du. Bùi Giáng còn sáng tác nhiều
bài thơ về Nguyễn Du. Một số bài thơ khác không liên quan, thì ông lại đề tặng
Nguyễn Du.
Tuy nhiên, không phải như thế là Bùi Giáng sẽ dành những câu chữ hay ho nhất để
viết về “cố nhân” của mình. Ngược lại, phần lớn những bài thơ viết về Nguyễn
Du đều rất cà rỡn. Ta hãy đọc vài đoạn thơ Bùi Giáng viết về Nguyễn Du. Đây là
một đoạn trong bài Nhớ ông:
Nhớ hoài ông Nguyễn ông Du
Ông Như ông Tố Điếu Đồ biển Nam
Hồng Sơn Liệp Hộ hội đàm
Hồng Sơn sơn nguyệt minh quang một mình
Hoặc một đoạn khác trong bài Tố Như nhớ quê:
Tôi nay lão nhược hơn ông
Tôi ngoài bảy chục thong dong một mười
Ông chưa tới tuổi sáu mươi
Lìa đời lúc mới tuổi ngoài năm lăm.
Vì thơ thì không phải lúc nào cũng đưa được một người nào đó vào mãi nên sự xuất
hiện của Nguyễn Du cũng có giới hạn. Nhưng trong văn xuôi thì Bùi Giáng liên tục
đưa Nguyễn Du vào. Đi sâu vào các trang sách của Bùi Giáng, ta thấy Nguyễn Du
xuất hiện dày đặc. Khen thơ Hồ Dzếnh, Bùi Giáng viết: “Cũng may cho ông
Nguyễn Du sinh ra ở thế kỷ trước. Nếu sinh ra đồng thời với Hồ Dzếnh, ắt ông
Nguyễn Du không còn chịu viết Đoạn Trường Tân Thanh làm gì”. Viết về một câu
chuyện không đâu vào đâu, Bùi Giáng cũng lại nói về Nguyễn Du:“Lại cũng như ông
Nguyễn Du ham có hơn ba trăm năm sau có kẻ khóc mình. Có một mẫu thân Phùng
Khánh cho con bú trong hiện tại đã đủ rồi, hà tất phải dỗ con nín khóc ba trăm
năm sau”.
Viết về Albert Camus, Bùi Giáng cũng không quên Nguyễn Du: “Rồi những điều Nguyễn
Du nói với ma, thì quỷ lại tưởng là nói với quỷ. Những điều Nguyễn Du nói với
quỷ, thì thần thánh lại tưởng là nói với thánh thần. Những ngộ giải chạy tràn
lan. Quỷ không hài lòng về Nguyễn Du, thần thánh bực bội vì Nguyễn Du”.
Trong những cuốn sách như Mùa thu trong thi ca, Thi ca tư tưởng, Đường đi
trong rừng…cứ một đôi trang là ta bắt gặp hình ảnh Nguyễn Du hiện lên qua cái
lăng kính hài hước của Bùi Giáng: “Nguyễn Du không kinh hoàng nhảy lui. Cũng
không bị tẩu hỏa nhập ma, vùng vẫy rú lên một tiếng như Zarathustra also
sprach. Ông điềm nhiên làm Nam Hải Điếu Đồ. Kẻ câu ấy câu cái gì tại Nam Hải?”,
“Và đó cũng là duyên do kỳ dị thiên biến vạn hóa đã khiến Nguyễn Du mở một trận
Ẩn Tàng kỳ bí cổ kim bằng cách: cả hư không đặt để nên lời, cả nỗi đêm khép mở
nỗi ngày riêng chung của song trùng tịch hạp thượng thừa huyền môn tâm pháp –
Nguyễn Du đều đem gán vào môi miệng Bạc Hà Tú Bà”…
Bùi Giáng còn có cái thú làm thơ giả Kiều để ký tên chung Bùi Giáng – Nguyễn Du
hoặc Bùi Giáng – Tố Như. Đó là những đoạn lục bát chen vào giữa những đoạn văn
xuôi, có tí chút “chất Kiều”. Trong cuốn Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại
có nhiều đoạn giả Kiều rất dài. Những câu giả Kiều ấy có khi sai cả vần sáu tám
hoặc thiếu hẳn cả một câu sáu, nên hai câu tám liên tiếp nhau.
Theo sau Nguyễn Du là Heidegger. Ông này cũng xuất hiện rất nhiều trong các
trang viết, không kém gì Nguyễn Du. Đây là một triết gia người Đức, không rõ “nhập
hồn” Bùi Giáng lúc nào mà đến năm 1963, khi Bùi Giáng viết bộ sách hai tập
Martin Hedegger và tư tưởng hiện đại thì đã thấy ông bị tẩu hỏa bởi triết gia
này rồi. Bùi Giáng đã viết đến năm sáu cuốn sách liên quan đến Heidegger. Nhưng
như thế vẫn chưa thỏa mãn, ông lại đưa triết gia này vào trong rất nhiều cuốn
sách khác. Tuy nhiên khác với Nguyễn Du, Bùi Giáng ít dám “sờ cằm vuốt râu”
Heidegger hơn, dù đôi lúc cũng cà rỡn kiểu như: “Ông Cụ Già Nua Nước Đức
Heidegger”, “Heidegger Đức Quốc Nua Già”. Có lẽ Heidegger thì ông kính nể như một
người thầy còn Nguyễn Du thì ông mến yêu như một người ông của mình vậy.
Tác giả: Trần Đình Thu
Chương
18: CÁI ĐẸP THOÁT TRẦN TRONG VĂN THƠ BÙI GIÁNG
Nhóm đối tượng thứ hai luôn xuất hiện trong văn thơ Bùi Giáng là những người phụ
nữ. Mỗi người một vẻ, họ hiện ra trong nhiều màu sắc kỳ bí khác nhau. Đó không
phải là những nàng thơ theo nghĩa thông thường mà là hiện thân của cái đẹp. Một
cách vô thức, Bùi Giáng phân biệt họ theo những tiêu chí khác nhau. Những người
đầu tiên có thể kể đến là hoàng hậu Nam Phương và ni cô Trí Hải. Hai người này
thuộc về thế giới của cái đẹp thoát trần. Ngược lại, nghệ sĩ Kim Cương và cô
đào rực lửa người Mỹ Monroe Marilyn là hiện thân của cái đẹp xác thịt.
Một ngày nọ, Bùi Giáng nhận được một phong bì gửi đến, trên có dán con tem in
hình hoàng hậu Nam Phương. Sự kiện nhỏ nhoi ấy lập tức gây xúc động lớn với
ông. Từ lúc đó, hoàng hậu Nam Phương trở thành một hình bóng ám ảnh ông. Bà bắt
đầu xuất hiện trong các trang viết của thi sĩ. Trong cuốn Mùa thu trong thi ca
Bùi Giáng viết: “Suốt bao năm dài tại hạ làm thơ, chung quy chỉ vì cái màu xuân
xanh bất tuyệt ban sơ của Dương Hoàng Hậu. Màu xuân ấy đã một lần tái sinh cách
đây ba mươi năm trong hình hài máu me Nam Phương Hoàng Hậu. Tại hạ yêu Dương
Quý Phi bao nhiêu thì cũng yêu Nam Phương Hoàng Hậu bấy nhiêu”.
Hoàng hậu Nam Phương luôn được ông tôn kính, nhưng bởi ông phải hài hước, phải
cà rỡn, phải lan man nên hình ảnh vị hoàng hậu cũng phải hiện lên qua lăng kính
đó. Tuy vậy, Bùi Giáng cố gắng giữ “chuẩn mực”, không đi quá đà. Một đôi khi ngẫu
hứng quá thì ông cũng chỉ viết như thế này: “Chiêm bao anh thấy Hoàng Hậu Nam
Phương dắt tay Marilyn Kim Cương nương tử tới gõ cửa xin vào thăm viếng anh thì
anh bảo rằng anh đang bận viết lá thư cho em nên không thể nào đón tiếp Hoàng Hậu
được thì cảm phiền Hoàng Hậu hãy lui gót chờ qua ngày mai anh sẽ ân cần chiếu cố”.
Bùi Giáng cũng có sáng tác một đôi bài thơ về hoàng hậu Nam Phương. Trong bài Chiêm
bao Nam Phương Hoàng Hậu, dù là một bài thơ thuộc loại Thơ điên thứ thiệt nhưng
ông vẫn đủ “tỉnh táo” để ngòi bút không chệch qua chỗ thiếu đứng đắn:
Kê bô tí xí đêm đà
Ki ba ri xí i à xán da
Xã dan xoàng xĩnh giang hà
Ồ mô pha cố cồ ri xa ì
Tử tì mỉm tí tì ti
Miệng vàng hợp nhất nhu mì nhị biên
Ra sông ngồi ngó diện tiền
Ngần sương sái diện uy quyền nữ vương
Bên cạnh hoàng hậu Nam Phương, ni cô Trí Hải xuất hiện trong các trang sách Bùi
Giáng một cách khá dày. Bà là một người có trình độ uyên thâm, tác giả của một
số đầu sách. Có lúc Bùi Giáng gọi bà là Trí Hải Ni Cô, có lúc gọi là mẫu thân
Phùng Khánh. Bùi Giáng làm rất nhiều bài thơ về bà. Có thể kể tên một số bài
như Mẹ Phùng Khánh, Kính tặng Phùng mẫu thân, Mẹ Phùng Thăng Khánh, Phùng Khánh
Mẫu Thân…
Rất nhiều người thắc mắc vì sao Bùi Giáng gọi người này là mẹ, là mẫu thân. Bùi
Giáng cũng từng “giải thích” chuyện đó trong Thi ca tư tưởng như sau:
“Phùng Khánh vốn là bà mẹ Việt Nam. Tôi lại là con dân Việt Nam. Vậy thì tất
nhiên Phùng Khánh là mẹ của tôi vậy. Nếu tôi không nhận Phùng Khánh là mẹ, thì
chẳng ra tôi là người Lào? Hoặc là người Cao Miên? Hoặc con dân Âu Mỹ ư. Huống
nữa là: Phùng Khánh là bà mẹ loài người. Vậy Phùng Khánh là mẹ của tôi. Nếu tôi
không phải là con của Phùng Khánh, thì chẳng ra tôi chẳng phải con người? Chẳng
ra tôi là con vật?”.
Vì sao Bùi Giáng lại viết như vậy? Có phải do tuổi thơ của ông thiếu vắng tình
mẫu tử và điều đó đã ám ảnh ông cho đến khi gặp một người nữ tu có diện mạo
đoan trang như một người mẹ hiền trong các câu chuyện cổ tích thuở nhỏ ông từng
đọc? Hay là tấm lòng nhân ái của vị nữ tu này đã làm ông cảm động? Hay là trí
tuệ mẫn tiệp của bà khiến ông nể phục? Vì một trong những lý do nào đó mà ta
không thể đoan chắc được, thi sĩ bật ra tiếng gọi mẹ trong vô thức một cách da
diết. Những bài thơ của ông vì thế đọc lên thấy vừa tức cười vừa đau xót:
“Mẹ còn nhớ nữa con chăng
Mẫu thân Phùng Khánh con hằng chẳng quên
Tuy đôi phen chết nếp nền
Cung vang lừng bậc điệu đền bù xoang
Mẹ về ngõ vắng vườn hoang
Thừa thiên sông lạnh kéo sang khu rừng”
“Mẹ nhìn con nữa còn chăng
Mẹ đi đứng gót mẹ hằng hằng qua
Lúc vui buồn mẹ nhớ nhà
Quận châu xứ sở con đà lãng quên
Phùng thăng mẹ chớ xui nên
Từng cơn điên dại khôn đền cho con”
“Nghe tin con chết giữa đường
Mẫu thân Phùng Khánh càng thương con nhiều
Con bèn tái điệp giấn liều
Chết thêm một trận hoang liêu song trùng
Mẹ càng bất tuyệt nhớ nhung
Ngày đêm mẹ khóc vô cùng vì con”
“Con thương phùng khánh vô ngần
Phùng thăng thân mẫu cũng gần như nhiên
Nguyệt rừng lộng lẫy man nhiên
Trăng ngàn thơ dại ngậm nghiêng nghiêng vành”…
Những câu thơ này, dù không được bình thường, nhưng nó lại gieo vào lòng ta một
nỗi niềm man mác. Ta nhận ra trong tiếng gọi mẹ thiêng liêng ấy của ông một sự
cô độc dữ dội tận sâu thẳm hồn người. Và tự nhiên ta cũng thấy yếu đuối trong
tâm hồn mình.
Tác giả: Trần Đình Thu
Chương
19: HAI NGƯỜI ĐẸP KIM CƯƠNG VÀ MARILYN MONROE
Với Kim Cương và Marilyn Monroe, Bùi Giáng mạnh dạn nói năng mà không hề e ngại
điều gì. Bởi trong tâm thức ông, họ là hiện thân của cái đẹp trần tục. Hiện có
rất nhiều giai thoại mà người đời truyền tụng về chuyện Bùi Giáng chọc ghẹo Kim
Cương, nhưng có lẽ ta cũng không cần tìm hiểu rằng chúng thật giả bao nhiêu phần
trăm, bởi điều đó không mấy quan trọng. Vì như trường hợp Marilyn Monroe, một
người ở tận bên trời Tây mà vẫn nhập vào hồn ông được, huống gì là Kim Cương
tài sắc ở ngay tại Việt Nam.
Kim Cương là đối tượng số một của Bùi Giáng. Hình bóng của người đẹp này dường
như thường trú trong vô thức của ông chứ không phải thỉnh thoảng mới hiện ra
như một số người khác. Bùi Giáng đã dùng mọi cách biểu đạt kỳ quái nhất để nói
về Kim Cương. Bài thơ sau đây cho thấy sự ám ảnh kinh khủng của người đẹp Kim
Cương đối với ông. Đó là bài Cô Kim Cương ơi, in trong tập Sa mạc phát tiết,
nguyên văn như sau:
Nếu ngày sau tôi chết đi, mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt
Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được
(Nhớ giỏ ngay trên nấm mồ)
Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười mà đón nhận
(Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)
Thật là một bài thơ không thể nào tưởng tuợng nổi.
Nhưng không chỉ có vậy. Trong cuốn sách Con đường ngã ba, Bùi Giáng còn bị
ám ảnh dữ dội hơn nhiều. Suốt mấy trang liền, ông nhắc đi nhắc lại “lời đề
nghị khiếm nhã” ở trên:
Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Thiên tài buổi Hoàng Hôn thốt một
lời như thế. Nhưng Vũ Lâm Xuân của Thệ Đa Lâm vẫn không thể trùng sinh trên đống
xương tơi tả của mình…
Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Đó quyết nhiên là lời rốt ráo tối
hậu. Không cách gì nói khác. Nấm mồ tại hạ. Không thể đổi tiếng đó ra làm một
tiếng nào khác. Hãy đi tiểu. Có thể nào đổi tiếng đi tiểu ra làm một tiếng
khác…
Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ vẫn vĩnh viễn là ngôn ngữ tuyệt trù
bất tận thi nhiên. Vì chỉ nói như vậy thì ngàn vạn năm sau riêng hình ảnh cô
Kim Cương sẽ vĩnh viễn đi về Trong Tháng Ba Lễ Hội để giải oan cho Tượng Vương
hồi xứ Hoa Nghiêm Kinh…
Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ là sự vụ cần yếu ban sơ cho cuộc tối
sơ đi về hủy thân giữa trần thổ. Cô Kim Cương vén xiêm đi tiểu xong rồi, thì từ
nấm mồ của trần thổ hủy thân đó sẽ nảy nở ra cuộc đầu thai nơi núi đá…”.
Cứ một ý như vậy mà Bùi Giáng nói dông nói dài mãi. Nhưng sau đó, cách khoảng mấy
trang, Bùi Giáng lại đổi ý, không muốn giữ lời đề nghị trên nữa:
Hỡi mẫu thân Kim Cương! Mẫu thân hãy dừng cuộc đi tiểu trong một thời gian để
suy gẫm trở lại xem có thể tạo ra một vũ trụ khác để đi tiểu
Chúng ta không cần quan tâm đến ý nghĩa của từng câu chữ, vì chắc chắn là chúng
vô nghĩa. Nhưng chúng mang cái ý nghĩa tổng quát, đó là sự ứng xử của vô thức đối
với từng khái niệm. Ở đây là sự ứng xử với cái đẹp khác giới tính của thi sĩ
đang trong trạng thái điên loạn.
Theo sau Kim Cương, Marilyn Monroe cũng được Bùi Giáng quan tâm kỹ. Ông đã sáng
tác một số bài thơ về người đẹp này. Ta hãy đọc bài Trời khóc Marilyn để xem
Bùi Giáng viết về người đẹp này như thế nào:
Trời xanh úp mặt nghe tin
Thôi rồi! Em Má Ri Lyn đi rồi
Từ đây ta bỏ ngai trời
Thu thời gian đập tơi bời càn khôn
Giữa hư vô nếu em còn
Nhớ ta em gửi cái hồn cho ta
Úp môi ôm mặt khóc òa
Cồn lê lên miệng là ba bốn lần.
Đó là bài thơ ông in trong tập Hoa lá cồn, xuất bản năm 1963. Sau đó trong
phần Mưa nguồn hòa âm, toàn là thơ điên mà chúng ta đã biết, ông lại
viết một bài thơ với cái tựa cũ là Trời khóc Marilyn. Bài thơ có mấy chục
câu bắt đầu từ chữ Luống, một loạt câu khác bắt đầu từ chữ Một. Bài
thơ này, vì thuộc thể điên loạn nên có một số câu chữ đi vượt quá giới hạn “đố
tục giảng thanh”, chúng ta không thể trích dẫn vào đây được. Nhưng nó cho thấy
rõ cái cách mà Bùi Giáng trình bày về cái đẹp trần tục theo cảm hứng của ông.
Có lẽ nói mãi cũng không hết được chuyện Bùi Giáng làm thơ về những người đẹp.
Cho nên ta hãy đọc mấy câu thơ mà ông “phân loại đánh giá người đẹp” trong bài Quốc
sắc Việt Nam sau đây:
Nam Phương Hoàng Hậu đẹp một cách thong dong
Kim Cương Nương Tử đẹp một cách thoải mái
Hà Thanh Công Chúa đẹp một cách cởi mở
Trí Hải Ni Cô đẹp một cách không lời
Bài thơ này còn dài nhưng chỉ trích dẫn chừng này câu thôi cũng đủ cho thấy Bùi
Giáng vẫn có con mắt thật tinh đời trong khi sáng tác những bài thơ không tỉnh
táo.
Tác giả: Trần Đình Thu
Chương
20: NGÀY THÁNG NGAO DU
Năm 1970 Bùi Giáng được các bác sĩ ở Bệnh viện tâm thần Biên Hòa cho xuất viện.
Ngay trong năm đó, ông đã in hai cuốn sách là Biển Đông xe cátvà Mùa
thu trong thi ca. Qua năm 1971 ông in Ngày tháng ngao du. Lúc này ông
cũng đã bắt đầu ngao du thực sự trên khắp những nẻo đường Sài thành chứ không
chỉ ngao du trong các trang sách.
Phạm Xuân Đài kể: “Bây giờ anh ít làm thơ lắm, còn các cơn điên thì viếng anh gần
như định kỳ. Những lúc ấy anh đi nhiều nơi, nhưng thường xuất hiện vùng chợ
Trương Minh Giảng, chỗ Đại học Vạn Hạnh là nơi ngày xưa anh từng trú ngụ, đứng
giữa đường vung tay điều khiển xe cộ, cử chỉ rất linh động, đặc biệt đôi mắt
sáng quắc bừng bừng. Anh đang thể hiện một năng lực nào đấy đang đầy ắp trong
người anh. Có khi anh múa may trong một lớp áo lòe loẹt, động tác mạnh mẽ chính
xác gần như múa võ, miệng hò hét như đang nạt nộ với một đối tượng vô hình đang
hiện diện ngay trước mặt mình. Đêm khuya một hai giờ sáng người ta nghe thấy một
người đi vừa tranh luận với chính mình, lời lẽ khó hiểu, thì ai nấy đều biết đó
là Bùi Giáng.”
Năm 1972 ông in khá nhiều sách: Đường đi trong rừng, Lời cố quận, Lễ hội
tháng ba, Con đường ngã ba – Bước đi của tư tưởng. Năm 1973 in Bài ca quần
đảo. Năm 1974 in Mùi hương xuân sắc.
Khi không làm gì, ông lại ngao du nhiều hơn. Nguyễn Văn Thức kể lại như sau: “ Có
một lần gặp một người bạn, người bạn đó đã nói với tôi: Bùi Giáng dạo này điên
lắm. Tôi bán tín bán nghi tự hỏi không biết có thật không. Nhưng một hôm, Nguyễn
Văn Thức đã tận mắt chứng kiến những gì xảy ra trước mắt mình, mới tin lời người
bạn nói lúc trước: “Một ông lão ăn mặc thời thượng đang nhảy múa trên đường Duy
Tân, nay là đường Phạm Ngọc Thạch. Quần áo lếch thếch, dơ dáy, màu sắc lung
tung. Tay cầm một ống sáo, đầu đội khăn có cắm lông gà lua tua. Râu ria xồm
xoàm. Ống sáo trên đầu bịt một chiếc bong bóng đỏ, mỗi lần thổi bung lên tóp xuống,
không phát ra một thứ âm thanh nào. Đang từ ở một mé đường ông lại chạy tông ra
giữa đường nhảy múa. Chiếc bong bóng cứ liên tiếp phùng ra tóp vào. Lũ trẻ chạy
theo bu quanh hò reo thích chí. Cứ thế ông diễu hành dọc theo đường Duy Tân lên
đường Hiền Vương, nay là đường Võ Thị Sáu. Đám trẻ cứ bu theo ông chọc ghẹo.
Ông rượt đuổi chúng chửi rủa thậm tệ và miệng lẩm nhẩm những gì không ai hiểu nổi.
Đứng ngoài nhìn ông diễu hành, tôi thấy cám cảnh nên đã trờ xe đến gần gọi ông,
nhưng ông không hề nghe vẫn tiếp tục nhảy múa. Vài đứa trẻ nhìn tôi lấy làm lạ.
Tôi tiếp tục gọi ông. Lần này ông quay lại nhìn và nhận ra tôi rồi nhờ tôi chở
đến nhà Đinh Cường. Khi ngồi ở sau xe tôi, Bùi Giáng trở nên hiền khô. Tôi thấy
hai đòn bánh treo tòn teng ở cổ kỳ kỳ. Bùi Giáng hiểu và cho tôi hay là mẹ Trịnh
Công Sơn vừa mới cho”.
Và đây là một cảnh tượng khác xảy ra trên đường phố Sài thành mà “diễn viên
chính” không ai khác hơn ngoài thi sĩ của chúng ta: “ Bùi Giáng nhảy múa
trước bệnh viện Nhân Dân Gia Định đường Nơ Trang Long quận Bình Thạnh. Ông cầm
một cây đu đủ khô queo dài cỡ hơn hai mét. Lúc nào cũng vung cây đu đủ lên nhảy
múa, quần áo vẫn lôi thôi, chằng vá đơn kép, màu sắc linh tinh. Đám trẻ con,
người lớn bu vào. Giữa đám đông ấy tôi đến gần Bùi Giáng, vỗ vai ông: Nhảy múa
gì mãi vậy, ông?. Nghe hỏi, ông quay phắt lại phía tôi, nhếch cặp mắt trắng dã,
dữ tợn với dáng vẻ thủ thế. Tôi mỉm cười cầu hòa. Khi nhận ra tôi vẫn một tên
trung niên ông đã từng gặp: À, mày, mày cho tao về xóm gà đi. Vào nhà tao chơi.
Không cần gì phản ứng của tôi, ông nhảy phóc lên yên sau xe đạp. Lúc này xe gắn
máy của tôi đã mất nên chở ông rất khó khăn, vả lại trên tay ông đang cầm một
cây đu đủ dài hơn hai mét. Bùi Giáng và tôi đang là trò cười cho đám đông. Tôi
nói là bận không thể chở được. Ông nói như phán: Cứ đi đi, chở cây này về dùm
tao. Bùi Giáng cứ gác gốc cây đu đủ lên tay lái xe đạp, ngọn thì ông đặt lên
vai. Ông lại phán: Đi mày. Giây phút này tôi bỗng trở nên một gã hề, rất hề.
Giá ông đọc vài câu thơ Pháp lên giọng rồi xuống giọng thì tuyệt. Nhất định là
một sân khấu ngoài trời. Hình ảnh này tôi đã gặp nhiều lần ở quán cà phê Huy Tưởng.
Tôi cố sức đạp đi mà không nổi, vì lỉnh kỉnh quá. Vài người trong đám đông đề
nghị, đi xích lô thôi. Tôi đồng ý ngay. Bùi Giáng thì lưỡng lự. Nhưng trời xui
đất khiến ông cũng nhảy xuống. Tôi đưa ông ít tiền để ông đi xe, nhưng ông chỉ
lấy một nửa trước sự ngạc nhiên của tôi và nhiều người...”
Nói về chuyện ngao du của Bùi Giáng, Phạm Xuân Đài kinh ngạc: “Cái ông già gầy
gò ngoài sáu mươi ấy lấy đâu ra sức lực để trải qua các cơn điên dữ dội của
mình? Đấy là một điều bí ẩn. Đi lang thang hàng chục cây số bất kể nắng mưa,
múa may la hét suốt mấy ngày liền, kẻ lực sĩ chưa chắc đã làm được”.
Tác giả: Trần Đình Thu
Chương
21: NHỮNG BÀI THƠ NGỘ NGHĨNH
Với thơ của những tác giả khác, người ta thường phân biệt theo tập, hoặc theo
giai đoạn sáng tác để nghiên cứu tìm hiểu, còn với thơ Bùi Giáng, có lẽ chúng
ta nên phân ra thành từng loại. Trước đây ta đã chọn ra những bài thơ điên thứ
thiệt mà trong đó có nhiều trò chơi nói lái, vờn chữ, kéo dắt dây từ ngữ… Bên cạnh
những bài thơ này, có những bài thơ không có những yếu tố trò chơi như trên
nhưng cũng không phải là loại thơ bình thường mà chúng ta vẫn đọc hàng ngày
trên sách báo. Những bài thơ này rất nhiều. Và thật thú vị, một số trong chúng
đọc thấy hay một cách ngộ nghĩnh.
Bài Trẫm một mình nhớ nhung hoàng hậu của trẫm nằm trong chùm thơ mà trong đó
Bùi Giáng luôn dùng đại từ nhân xưng là trẫm. Ta hãy đọc bài thơ có cái tựa dài
thườn thượt này:
Trẫm ở bên trời
Trẫm nhớ em
Trên trời trẫm nhớ
Trẫm thương thêm
Trẫm buồn như thể
Trời buồn thảm
Trẫm khóc vô ngần
Trẫm nhớ em
Trẫm nhớ đêm nay
Trẫm một mình
Trẫm sầu ủ rũ
Trẫm nín thinh
Trẫm không dám gọi
Trẫm buồn ngủ
Trẫm sẽ chiêm bao
Trẫm một mình.
Một bài thơ khác, nằm trong chùm thơ mà trong đó Bùi Giáng đối thoại với một “nhân
vật” mà xưa nay không ai nghĩ đến chuyện phải đối thoại với “anh ta”, là tử thần.
Bài thơ này cũng không kém phần thú vị. Bài thơ có tựa là Tái tặng tử thần:
Tử thần ạ quả nhiên tao chẳng muốn
Chết làm gì cho lạnh cóng tấm thân
Nhưng nếu mày cứ liên miên gõ cửa
Đòi hội đàm một trận thiết như thân
Thì tao cũng thử một phen hội điệu
Với mày xem chút ít một thành phần
Và chút nhiều dù rất mực phân vân
Mày mấy tuổi tử thần ôi thế hử
Tao trung niên mày chẳng nể nang gì
Làm thi sĩ suốt bình sinh xuôi ngược
Gieo lộn vần sầu não thật lâm ly
Tử thần ạ! Tao không bằng lòng thế
Bài thơ còn dang dở một hoạt sinh
Một biển dâu cũng dơ dáng dại hình
Tử thần ạ! Tao không bằng lòng thế
Ở đây ta chú ý thêm một điều, Bùi Giáng rất hay làm thơ theo từng chùm. Và những
bài thơ ngộ nghĩnh thường hiện ra trong các chùm thơ này. Ta hãy đọc thêm một
bài thơ nữa nằm trong chùm thơ Bùi Giáng viết về “bà mẹ Phùng Khánh” của
ông, bài Phùng Khánh mẫu thân:
Mẹ về trong cõi người ta
Một hôm mẹ gọi con ra bảo rằng
Trần gian thơ mộng lắm chăng
Hay là đau đớn hử thằng chiêm bao
Vì sao lại có những bài thơ hay một cách ngộ nghĩnh như vậy? Bình phẩm như thế
nào về chúng? Trước hết ta thấy khác với những bài thơ điên thứ thiệt trước đây
hoàn toàn không có ý nghĩa gì, những bài thơ này ngược lại chúng có ý nghĩa.
Hơn nữa chúng hay. Nhưng có điều là chúng không như những bài thơ bình thường
khác trong cách biểu đạt. Đối thoại với tử thần, xưng trẫm, gọi một người phụ nữ
ít hơn mình đến mười lăm tuổi là mẹ…Đấy cũng là triệu chứng của tâm bệnh. Nhưng
đây là những lúc cơn bệnh không căng thẳng quá, vô thức không lấn át ý thức nên
tài hoa trỗi dậy, làm ra những bài thơ dễ thương ngồ ngộ như thế. Những bài thơ
mờ mờ ảo ảo, ẩn ẩn hiện hiện, đem đến cho ta một hương vị kỳ lạ. Có lẽ ta cũng
không cần và không nên phân tích quá sâu về nó làm gì mà hãy để cho cái hương vị
kỳ lạ đó lan tỏa mơ hồ trong ta.
Thuộc loại thơ này còn có những bài thơ rất tinh nghịch dí dỏm. Chẳng hạn như
bài Trời hỏi:
Hỏi rằng: giờ có chịu đi
Về thiên đường ngắm mấy dì tiên nga
Thưa rằng thà sống với ma
Miễn là được thấy lại tòa Mông Rô
Tòa Mông Rô, ấy là cách nói của Bùi Giáng để chỉ người đẹp rực lửa Marilyn
Monroe. Có một điều cần lưu ý, là những bài thơ kiểu này thường rất ngắn chứ
không dài lê thê như những bài thơ điên và chúng nằm cùng chung trong những phần
có thơ điên. Phải chăng là những lúc ấy, nếu viết ngắn ngắn như thế này thì Bùi
Giáng giữ được ngòi bút của mình không bị vô thức lấn lướt hoàn toàn?
Bài thơ Ở trong rừng sau đây đạt đến đỉnh cao của sự dí dỏm tinh nghịch:
Đây là ở trong rừng
Chẳng có con ma nào ngó thấy đâu
Xin hoàng hậu
Hãy cởi áo quần ra tắm khe nước
Có con ma nào đâu mà sợ
Sao hoàng hậu thẹn đỏ mặt
Có tôi?
Nhưng tôi đâu phải là con ma
Thật là may. Ông đã dừng lại được ngay cái ranh giới cuối cùng, nhích qua một
ly nữa là đụng đến sự thô tục. Thêm một chú giải cho bạn đọc rõ, ở đây, Bùi
Giáng dùng danh xưng hoàng hậu là bởi vì lúc này ông thường hay xưng trẫm chứ
nó không liên quan đến một người cụ thể nào.
Có lẽ bạn đọc còn thòm thèm muốn được đọc thêm một vài bài nữa về thứ thơ lạ
này chăng? Thì đây, xin hãy đọc bài thơ này, bài Nhớ Chế Mân:
Bây giờ tôi rất yêu ngài
Bởi vì ngài rất yêu nàng Huyền Trân
Yêu từ cổ xuống tới chân
Suốt miền thân thể như gần như xa
Quận thành đem đổi làn da
Hỏi sao lạ rứa? – Hào hoa thưa rằng
Có chi mô
Có chi mô
Nàng tuy nhỏ bé mà to bằng trời
Ô Ri tuy rứa mà rồi
Gẫm ra cũng thể như tôi đó mà
Trăm năm trong cõi người ta
Thân còn chẳng tiếc lọ là Ô Ri
Riêng công chúa nọ Ly Kỳ
Là tôi tiếc suốt ly bì càn khôn
Bài thơ này thật là quá thâm thúy. Thâm thúy theo cái kiểu tinh nghịch của ông.
Tác giả: Trần Đình Thu
Chương
22: NHỮNG BÀI THƠ BÍ HIỂM
Ta có thể tìm thấy thêm hai loại thơ nữa để bổ sung vào danh mục phân loại thơ
Bùi Giáng. Loại thứ nhất là những bài thơ hay và bình thường. Loại thứ hai là
những bài thơ hay và bí hiểm. Cả hai loại này Bùi Giáng đều sáng tác từ trước
năm 1962, thời kỳ mà trạng thái tâm thần của ông còn bình ổn nhiều. Ta hãy xem
xét loại thơ bí hiểm trước.
Những bài thơ loại này mang một màu sắc rất lạ, đọc lên ta cảm thấy có điều gì ẩn
hiện mơ hồ khó cắt nghĩa. Ta hãy đọc bài thơ Hươu sau đây:
Những con hươu đói ở trong rừng
Ngó núi nhìn khe thấy mây trôi
Trên núi rạc rời chân hươu nhỏ
Cây rừng cây rú rậm cây rơi
Con hươu từ đó lại bên người
Kể lể lông vàng rụng hết đuôi
Bốn cẳng từ đây xin bó lại
Quỳ chân trên gối khóc không lời
Bài thơ sử dụng những hình ảnh mà ta chưa từng thấy từng gặp trong thi ca bao
giờ. Những con hươu đói tận trong rừng sâu bị rụng lông rụng lá, chạy đến than
thở với con người. Chúng quỳ chân trên gối, khóc lóc thảm thiết nhưng không có
những giọt nước mắt, không ai nghe thấy tiếng khóc. Những hình ảnh ấy như là một
bức tranh siêu thực. Hoặc như một giấc mơ lạ. Hoặc là một câu chuyện ngụ ngôn kỳ
bí.
Về mặt câu chữ cũng có những nét đặc biệt. Ta thấy trong hai câu thơ “Trên núi
rạc rời chân hươu nhỏ / Cây rừng cây rú rậm cây rơi” có một cách luyến láy
hết sức đặc biệt. Toàn là vần r. Tuy nhiên ở đây nó không vượt qua ranh giới
của sự lạm dụng như những bài thơ điên mà kịp dừng lại đúng chỗ, tạo ra được một
hiệu ứng bất ngờ là đặc tả bước chân con thú luồn lách qua suối qua khe qua rừng
với một tốc độ nhanh vùn vụt.
Bài thơ Hươu nói lên điều gì? Có lẽ chúng ta không nên giải thích theo cách
bình thường đối với bài thơ này. Nó rất dễ đưa chúng ta đi vào sự ngộ nhận.
Tương tự như bài Hươu, Bùi Giáng có bài Người điên:
Người yêu mù của tôi
Người yêu câm của tôi
Một đời chàng không nói
Một đời chàng khô môi
Chàng nghe thấy ở đâu
Nơi nào chàng bắt gặp
Bên bờ cỏ bụi dâu
Một mùa xuân hấp tấp
Từ khô se cồn nội
Xuống ruộng trổ đòng đòng
Lúa mùa lên phơi phới
Bờ nước đục cong cong
Vì sao chàng nhắm mắt
Đi kiếm mãi một mình
Để trời mưa lên mặt
Một cồn lá phiêu linh.
Bài thơ phác họa một chân dung lạ lùng. Tựa thơ là người điên nhưng thật ra
không hẳn là một người điên. Đó là một người không nghe thấy gì và không muốn
nói gì. Một người mù và câm đang yêu. Người mù và câm ấy nhắm mắt lại, đi giữa
trời mưa gió bão bùng để kiếm tìm một thứ gì mơ hồ mà ta không rõ.
Người con gái trong bài thơ lại càng khó hiểu hơn nữa. Nàng như hình ảnh một vọng
phu, lặng lẽ ngồi đó, trên bậc cửa im lìm nhìn người yêu mình, một người mù và
câm, đang mải miết đi về phương trời vô định. Nàng không khóc lóc, không buồn
khổ mà chỉ băn khoăn tự hỏi không biết chàng đi tìm cái gì giữa cõi nhân gian
này.
Người điên ấy là ai? Người con gái ấy là ai? Ta ngạc nhiên khi thấy Bùi Giáng vẽ
một bức tranh về hai người yêu nhau như thế. Ta cũng ngạc nhiên hơn nữa vì sao
Bùi Giáng lại nêu ra vấn đề người điên từ cái thời ông còn tỉnh táo.
Bài thơ Tượng số cũng kỳ bí không kém. Toàn bài thơ chỉ có bốn câu:
Những nàng tiên nữ ở trên cao
Bỏ xuống cho ta những trái đào
Ù té ra sân ta chộp lấy
Gà con sợ hãi chui vô rào
Những hình ảnh ở đây lại có vẻ khá hài hước. Như một hoạt cảnh sân khấu. Vì sao
Bùi Giáng lại dùng những hình ảnh này để minh họa cho khái niệm tượng số? Trong
tập Mưa nguồn, Bùi Giáng còn sáng tác thêm vài bài thơ có tựa đề liên quan
đến tượng số nữa.
Còn có một số bài thơ thuộc loại bí hiểm này nữa như bài Người về, bài Chỗ
này..Trong bài Người về, ông tả một ngôi nhà bí ẩn giữa rừng xanh trong đó
có một hình bóng mơ hồ là chủ nhân của ngôi nhà này, đã trò chuyện, đã cầm tay
ông dắt vào ngôi nhà khi ông lỡ lạc bước trong rừng sâu. Còn trong bài Chỗ
này, bóng hình đó chỉ là dấu chân để lại trên bãi cỏ bị giẫm nát…
Những bài thơ nói trên có vẻ như là loại thơ chuyển tiếp giữa những bài thơ
hay, tỉnh táo của Bùi Giáng với những bài thơ không tỉnh táo của ông. Đây là một
sản phẩm đặc biệt. Là những viên ngọc phát ra thứ ánh sáng lạ lùng.
Tác giả: Trần Đình Thu
Chương
23: NHỮNG BÀI THƠ HAY VÀ TỈNH TÁO
Thơ hay và tỉnh táo của Bùi Giáng có không nhiều lắm. Nhưng những bài thơ này
thực sự có giá trị văn học. Một số bài đạt đến mức tuyệt tác mà đỉnh cao là bài
Phụng Hiến. Bài thơ này có thể xếp vào danh mục những bài thơ hay nhất của Việt
Nam.
Có lẽ ta chưa từng gặp một bài thơ nào có phần nhập đề bất ngờ như thế:
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
Cái độc đáo trước tiên của khổ thơ này là tác giả đã lấy cái chết để mở đầu cho
một bài thơ viết về sự sống. Một kiểu mở phản đề mà ít có thi sĩ nào làm thành
công được như thế.
Sự độc đáo tiếp theo nằm ở chỗ thi sĩ diễn đạt về cái chết. Ta hãy trở lại câu
thơ đầu tiên để tìm sự thần diệu.
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Ta hãy chú ý đến cái chữ ngày. Chết, theo như thi sĩ thì đó là lúc thời gian của
ngày đã hết, chúng ta phải ra đi. Xưa nay người đời vẫn nói nhiều đến lẽ sống
chết như vậy nhưng không ai dùng được cái chữ ngày thần tình như Bùi Giáng.
Với Bùi Giáng, lẽ sống chết cũng bình thường như chuyện đi, ở của cõi trần gian
này vậy. Ngày hết thì ra đi. Nhẹ nhàng đơn giản. Viết đến đây chợt nhớ đến câu
chuyện rất vui của ông Nguyễn Đình Phương kể về việc thi sĩ chúng ta đi thuê
nhà trọ. Đó là dạo Bùi Giáng mới đến Sài Gòn, thường đi thuê nhà trọ để ở. Thuê
nhà trọ thì hiển nhiên phải thay đổi chỗ ở luôn. Với chúng ta, nếu bị lấy lại
nhà thì sẽ đi tìm một chỗ trọ mới rồi chuyển đồ đạc đến. Nhưng với Bùi Giáng
thì không như thế. Nhà trọ hết hạn hợp đồng thì ông kêu xích lô chất đồ đạc
sách vở lên rồi đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để kiếm nhà mới, bao giờ thuê được
nhà thì bỏ đồ đạc xuống. Y như cái cách thi sĩ nói về lẽ sống chết ngày sẽ hết
tôi sẽ không ở lại tôi sẽ đi nhưng chưa biết đi đâu trong Phụng Hiến vậy.
Về mặt nghệ thuật, bài thơ có một điểm đặc biệt khác rất đáng quan tâm. Đó là
những điệp từ ở đầu câu:
Những giòng lệ tuôn mấy lần khắc khoải
Những nụ cười tròn mấy bận hân hoan
Những ngoảnh mặt im lìm trong ái ngại
Những bắt tay xao động với muôn vàn
Chúng ta lưu ý, đây là bài thơ duy nhất Bùi Giáng sử dụng thành công biện pháp
tu từ này mà không rơi vào tình trạng vờn chữ như trong thơ điên về sau này, tạo
nên những khổ thơ dồn dập:
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen
Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đen
Phụng Hiến là bài thơ Bùi Giáng viết lúc còn rất trẻ. Khoảng ba tư ba lăm tuổi
hoặc có thể còn trẻ hơn nữa. Nhưng không hiểu sao ông lại than thở về những người
bạn của mình như thế này:
Những người bạn xem tôi như ruột thịt
Những người em dâng hết dạ cho tôi
Những người bạn xem tôi là cà gật
Những người em không vẹn nghĩa mất rồi
Tại sao lại như vậy? Hay là lúc này ông đã thể hiện cái bất bình thường của
mình rồi nên bạn bè mới xem ông là cà gật? Có lẽ là thế thật. Nhưng ta thấy,
ngay cả chuyện buồn bực anh em bạn bè mình như thế, ông cũng diễn đạt bằng những
câu thơ thật tuyệt vời.
Tuy nhiên lúc này ông vừa bước chân vào trường văn trận bút. Sức trẻ còn hăng
hái. Thế nên bài thơ thể hiện một tình yêu cuộc sống dâng trào:
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiểng chân cao
Vì tình yêu cuộc sống nên ông chấp nhận bỏ qua mọi chuyện, không cần chấp nhặt:
Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em
Phải nói rằng, Bùi Giáng có cách thể hiện cảm xúc bằng lời thật mãnh liệt: Xin
chịu cuồng si để được sáng suốt, xin chịu đui mù để được yêu hết mình. Nhờ cách
cường điệu hóa đó, cảm xúc được nhân lên gấp trăm lần.
Tuy vậy cái tình yêu cuộc sống của ông cũng có đôi chút khác với chúng ta. Nó
trải rộng vô bờ bến, không gói gọn trong phạm vi anh em, bạn bè, người thân
quen:
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn
Bài thơ Phụng Hiến đã làm nhiều thế hệ độc giả say mê. Bởi nó như là một lời
tâm sự cuộc đời, chỉ mấy chục câu thơ mà nói được hết thảy tâm can. Buồn, vui,
sầu khổ, sung sướng đều có cả. Đọc nó, lòng người ta cảm thấy lắng lại dù đang
trải qua những thất vọng ngập tràn:
Ta gửi lại đây những lời áo não
Những lời yêu thương phụng hiến cho em
Rồi ta gục đầu trên trang giấy hão
Em bảo rằng
-Đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng
Bài thơ kết lại, ta còn nghe rõ tiếng lòng thổn thức của tác giả bên trang giấy
đã đầy kín chữ, trong căn phòng nhỏ nào đó thuê ở Xóm Gà, nơi ngày xưa Tản Đà
cũng từng ở trọ, với chai rượu đã vơi mất một nửa. Ngoài kia, bóng chiều đi
qua, ngày đã hết, để lại người thi sĩ một mình thật cô đơn.
Ngoài bài thơ đỉnh cao này, còn có nhiều bài thơ khác cũng rất hay. Đó là những
bài thơ tâm trạng. Ta nhận ra sự khắc khoải triền miên trong tâm hồn thi sĩ qua
những câu thơ:
Chiều chiều tôi ngắm nắng chiều
Chiều qua cũng đẹp như chiều hôm nay
Chiều mai tôi sẽ thở dài
Nhớ bao chiều đẹp thương ngày qua mau
Đổi hương đổi sắc đổi màu
Đổi bao nhiêu đẹp dạt dào phồn vinh
Vỉa hè ngồi xuống một mình
Nhìn xe qua lại đinh ninh rằng là
Những bài thơ hay và tỉnh táo phần nhiều tập trung trong tập Mưa nguồn. Có thể
kể thêm một số bài thơ hay nữa như Giã từ Đà Lạt, Người đi đâu…Chính những
bài thơ này mới làm cho Bùi Giáng có được một vị trí trong nền thi ca Việt Nam
chứ không phải là những bài thơ kỳ dị mà nhiều người vẫn ngợi ca quá lời.
Như vậy ta có thể phân thơ Bùi Giáng ra làm bốn loại: loại thơ điên loạn thực sự
hoàn toàn không có ý nghĩa gì, loại thơ ngộ nghĩnh có một ý nghĩa nhất định
nhưng vẫn thuộc loại thơ không tỉnh táo, loại thơ viết trong thời kỳ tỉnh táo
nhưng rất bí hiểm không ai hiểu nổi, loại thơ hoàn toàn tỉnh táo.
Tác giả: Trần Đình Thu
Chương
24: BÙI GIÁNG BỐN MÙA
Sau năm 1975, Bùi Giáng vẫn không ngừng bước chân ngao du. Thời kỳ này, cũng
như nhiều tác giả khác, việc in sách của Bùi Giáng không thể thực hiện được. Có
lẽ ông cũng trở nên trầm uất hơn vì không được cầm ngòi bút để sáng tạo. Đến
năm 1990, thơ ông được thân nhân in ở nước ngoài, đánh dấu sự trở lại của tác
phẩm Bùi Giáng. Năm 1993, tập Mưa Nguồn được Nhà xuất bản Hội nhà văn
tái bản. Nhiều người động viên, ông bắt đầu dịch và sáng tác lại.
Năm 1994, ông cùng Trịnh Công Sơn xuất bản cuốn sách có tên gọi Hán Tự Hào
Cú. Năm 1996 ông in tập thơ Rong Rêu. Năm 1997 in Đêm Ngắm Trăng…
Có một điều cần lưu ý là giai đoạn sau này, những biểu hiện bên ngoài cho thấy
ông vẫn còn bệnh nặng thế nhưng về mặt ngôn ngữ thì ông có vẻ bớt rối loạn hơn.
Vào năm 1973, khi tạp chí Văn thực hiện số chuyên đề về ông, có gửi một
số câu hỏi phỏng vấn, hầu như ông không trả lời được gì mà chỉ nói loanh quanh.
Thế nhưng đến năm 1997, tuyển tập Thời Văn cũng làm số chuyên đề như
vậy thì ông lại trả lời phỏng vấn khá rành mạch.
Trong đặc san Tưởng nhớ thi sĩ Bùi Giáng, Phạm Mạnh Hiên kể: “Sau năm
1975, anh Bùi Giáng lang thang đây đó nhiều nơi, một vài ngôi chùa đã mời anh
trú ngụ, nhưng cuối cùng anh về nhà người bà con trong một con hẻm sâu trên đường
Lê Quang Định. Nơi đây anh có riêng một cái cốc nhỏ nằm khuất trong góc vườn
tĩnh lặng. Tôi có đến thăm anh đôi lần. Thấy anh sức khỏe yếu đi vì tuổi già. Với
Bùi Giáng tôi nghiệm ra một điều, khi nào anh ăn mặc có vẻ tươm tất chút chút
là lúc đó tôi thấy anh nằm ủ rũ, buồn bã lắm. Ngược lại, lúc anh nhảy múa, hý lộng,
tôi lại bắt gặp trên khuôn mặt anh niềm vui vô hạn, đúng cái chất Bùi Giáng
muôn đời muôn thuở!”.
Phạm Xuân Đài cũng kể: “Từ sau năm 1975, cuộc sống của Bùi Giáng suy sụp xuống
một bực, các cơn điên có vẻ mạnh và thường xuyên hơn. Trong vòng đùm bọc của bà
con, anh được cư ngụ trong một căn lều nhỏ làm riêng cho anh giữa một khu vườn
đầy cây lá. Chỗ ở thích hợp với anh lạ lùng. Nó như một cái am của ẩn sĩ, như
túp lều lý tưởng cho một nhà thơ, lại cũng là nơi nương náu đầy may mắn của một
kẻ không vợ không con không sản nghiệp. Ở đấy anh được yên tĩnh và tự do. Cái
góc xanh tươi kín đáo ấy giữa đất Sài Gòn hỗn độn sau 75 là một món quà đặc biệt
mà số phận dành cho một kẻ tài hoa lận đận nhưng rõ ràng là cũng có phước có phần”.
Có một chi tiết thú vị được một người bạn nhỏ của Bùi Giáng là Quang Huy kể lại,
cho thấy trong con người Bùi Giáng lúc nào cũng đầy ứ thơ, sẵn sàng tuôn trào.
Đó là chuyện ông làm thơ trong cuốn sổ ghi nợ. Số là ông thường qua lại mua rượu,
thuốc lá ở cô chủ quán bên cạnh nhà ông đang ở, khi thì xị rượu, khi thì con
khô mực, và chủ quán đã dành riêng cho ông một cuốn tập để ghi lại các khoản
còn thiếu, thế là ông dùng thơ để ghi luôn. Khi mấy người bạn đến thăm ông, ông
nhờ đi mua rượu giúp thì họ mới biết. Những người bạn ông đã trả hết số nợ để
xin cuốn sổ mang về làm kỷ niệm. Ta hãy đọc vài câu “thơ nợ” của ông trong
cuốn sổ có một không hai đó:
“Hai ngàn rất mực hôm nay
Ra ba rất mực đầu dây nhì nhằng”
“Nợ thêm nợ nữa bây giờ
Một ngàn bất tận bất ngờ tương lai”.
Không chỉ ngạc nhiên về chuyện ông làm thơ ghi nợ mà những người bạn của ông
còn ngạc nhiên hơn khi ông không chịu dùng số mà chỉ dùng toàn chữ để thay cho
số. Những chữ như đợt một, đợt hai, đợt ba…đáng lẽ viết số thì ông đều viết chữ:
“Đợt nhì: Lại thêm hai hột ba ngàn
Trăm năm sau nữa nghìn vàng tương lai.
Đợt tam: Đợt tam muôn một một lần
Một nghìn vô tận tử phần tình thương.
Đợt tứ: Bình minh rượu đế một ngàn
Còn thêm gói bánh một ngàn là hai.
Đợt năm: Chịu chơi vô tận bao dong
Ba gói kem sữa thong dong ba ngàn.
Đợt sáu (Sáu Giáng): Nợ này có một không hai
Có hai không một đeo dai thượng thừa
Ông ngồi uống rượu đong đưa
Đong đầy đổ ụp móc mưa giậy thừa.
Đợt bảy: Bất ngờ ngẫu nhĩ nhận ra
Một ngàn hụt hẫng từ ta nợ người.
Đợt tám: Chín mươi chín tuổi ở đời
Ở điên uống loạn ăn rồi nói lông bông”,
“Tối hậu: Hai bịch trời ơi
Hai ngàn cả thảy
Thiên thâu tử hình”
“Tái tối hậu: Một nghìn cả thảy hôm nay
Mai sau sẽ nợ mai này sẽ tính sau”
Có một chỗ, ông không tiện gieo vần ngàn nên ông phải gieo vần triệu:
Hôm nay bất chợt trùng phùng
Rượu ngon vô tận đáng mừng rõ thay
Thưa anh trời đất sâu dày
Ba mươi chục triệu có là bao nhiêu
Hôm sau ông lại “đính chính” bằng một câu thơ khá hài hước và thâm thúy:
Té ra dữ tợn lẽ đời
Ấy là lầm một lẽ trời là muôn
Ông điên đảo xiết bao buồn
Nợ nần bốn chục nghìn trùng mai sau
Quả thật Bùi Giáng là một con người suốt một đời sống vì thơ, sống cho thơ, dù
tỉnh táo hay không.
Nhưng cuộc đời rong chơi mãi rồi cũng có lúc phải dừng lại, giã từ cuộc chơi.
Nói như câu thơ ngày trước của ông “Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại. Tôi sẽ đi
và chưa biết đi đâu”. Đó là cái ngày 7.10.1998. Trước đó từ giữa tháng 9-1998,
sức khỏe Bùi Giáng đột ngột suy giảm nhanh chóng. Đêm 23-9-1998, trong lúc làm
việc thì Bùi Giáng bị ngã quỵ tại nhà. Ông được người em ruột Bùi Văn Ký đưa
vào bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh. Khám lâm sàng cho biết có nhiều điểm
máu tụ trong não do bị té, tình trạng rất nguy kịch. Bệnh viện Chợ Rẫy chụp
Sanner và phát hiện ông bị đứt mạch máu não, tụ huyết dẫn đến hôn mê sâu. Ca mổ
đã tiến hành xong và ông vẫn hôn mê. Lúc 14 giờ ngày 7.10.1998 nhằm ngày 17
tháng 8 Mậu Dần, ông trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện, hưởng thọ 72 tuổi.
Thi hài ông được đưa về quàn ở chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM sau đó an táng tại
nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức vào ngày 11.10.1998, nhằm ngày 20.8 năm Mậu Dần.
Trước lúc mất, Bùi Giáng đã để lại một số lượng thơ chưa in rất lớn. Số thơ này
chủ yếu được sáng tác từ năm 1993 trở về sau. Chúng đều được Bùi Giáng phân
thành tập và được ông đặt tên cẩn thận. Năm 1998, thân nhân và bạn bè ông đã
cho xuất bản tập Như Sương, năm 2001 xuất bản tập Mười Hai Con Mắt, năm 2004 xuất
bản tập Thơ vô tận vui...
Tổng kết cuộc đời Bùi Giáng, nhà thơ Phạm Thiên Thư có bài thơ Bùi Giáng bốn
mùa nguyên văn như sau:
Ta thấy anh là – con dế điên
Cả mùa Xuân – hát giữa thanh thiên
Mùa Xuân hoa cỏ vương đầy sách
Anh ném thơ ca – xuống võng thiền
Ta thấy anh – là con dế què
Suốt mùa Hạ thầm – hát còn nghe
Anh chưa nhảy khỏi bờ nhân ngã
Lại ném tồn sinh tím vỉa hè
Ta thấy anh – là dế sương mù
Hát ca âm ỉ suốt mùa Thu
Anh mơ hồ cỏ đêm xác nguyệt
Vàng chuỗi Kim Cương mở lối tu
Ta thấy anh là dế nội đồng
Lẫn vào hương cỏ hát mùa Đông
Anh sai ngôn ngữ như phù thủy
Ngôn ngữ đè anh xuống cõi không
Ta với anh – cùng Dế đá trời
Thượng Đế cầm râu ngoáy ngoáy chơi
Chọi với hư vô – đầu trụi tóc
Tìm trong đá tảng – cái chơi vơi.
Tác giả: Trần Đình Thu
Chương
25: ĐÁNH GIÁ NHƯ THẾ NÀO VỀ CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG BÙI GIÁNG?
Hiện tượng Bùi Giáng là một hiện tượng đặc biệt. Vì thế, việc đánh giá về con
người và sự nghiệp văn chương Bùi Giáng phải dựa trên cơ sở khoa học. Ta cần
tránh sự thổi phồng quá đáng cũng như sự cố tình hạ thấp ông.
Trước hết nói về con người Bùi Giáng. Có rất nhiều người cho rằng Bùi Giáng là
một thiên tài. Nói như vậy có được không?
Một cách chính xác, ta có thể nói ngay rằng, Bùi Giáng là một thiên tài từ
trong máu thịt. Không ai có được một năng lực sáng tạo phi thường như Bùi
Giáng. Viết hàng trăm cuốn sách trong tình trạng cuộc sống như ông, nghiên cứu
từ đông sang tây trong một thời gian ngắn như ông, chỉ có bậc thiên tài mới làm
nổi. Đó là về năng lực sáng tạo. Còn nói về khả năng tiếp thu tri thức, Bùi
Giáng cũng là một người siêu phàm. Lấy một dẫn chứng về việc tự học ngoại ngữ của
ông. Vào năm 1960, khi viết cuốn Tư tưởng hiện đại, ông tự nhận mình không đọc
được tiếng Đức, nhưng chỉ vài năm sau đó người ta thấy ông đã sử dụng thứ ngôn
ngữ phức tạp này một cách rất nhuần nhuyễn. Bùi Giáng tinh thông đến bốn ngoại
ngữ bao gồm Anh, Pháp, Đức và Hán văn, do đó ông có thể tiếp cận với nhiều nguồn
tri thức khác nhau. Chắc chắn là Bùi Giáng có một khả năng dung nạp thông tin rất
đặc biệt mà ít người có được, nên trong một thời gian không dài lắm kể từ khi đặt
chân đến Sài Gòn, ông đã thu nhận được một lượng kiến thức khổng lồ.
Tuy nhiên, đồng thời ta cũng phải nói thêm cho đầy đủ rằng, Bùi Giáng là một
thiên tài điên loạn cho nên những sản phẩm được tạo ra từ bộ óc vĩ đại đó của
ông trong những lúc vô thức lấn át hết ý thức đã trở nên biến dạng. Những sản
phẩm đó không phải là những tác phẩm văn chương đúng nghĩa. Chỉ có thời kỳ đầu
tiên, khi ông còn tỉnh táo thì các tác phẩm của ông mới có giá trị.
Trước hết nói về thơ của ông. Đây là lĩnh vực gây ra nhiều tranh cãi nhất. Bùi
Giáng có một khối lượng thơ nhiều hơn bất cứ tác giả nào khác. Nếu đem tất cả
thơ Bùi Giáng in thành tổng tập thì sẽ vô cùng đồ sộ. Nhưng nếu chọn những bài
thơ bình thường, đúng nghĩa là thơ như những nhà thơ khác để làm thành một tuyển
tập thì e rằng nó sẽ khá mỏng. Chỗ này, hẳn nhiều người sẽ phản đối. Bởi họ quá
yêu mến thi sĩ nên muốn thừa nhận tất cả thơ ông. Điều ấy chỉ có hại cho sự
nghiệp thi ca của ông mà thôi.
Nhưng một tập thơ mỏng cũng có thể sẽ làm nên diện mạo của một nhà thơ lớn. Chế
Lan Viên chỉ có gần bốn mươi bài trong Điêu Tàn nhưng nó đã đưa ông lên đỉnh
cao vòi vọi. Tuyển tập Hàn Mặc cũng chỉ dày chưa đến một trăm trang mà thôi.
Với văn xuôi của Bùi Giáng, tình hình có lẽ cũng tương tự như thế. Những bài
tùy bút, bài phê bình văn học hay và hoàn chỉnh của ông, nếu gộp lại cũng chỉ
được một tập chừng vài ba trăm trang. Còn lại là những bài vở ông viết rất ngẫu
hứng. Có thể trong những bài vở đó, vẫn có những đoạn rất hay xen lẫn vào nhưng
ta không thể lọc ra được. Và những cuốn sách như Lễ hội tháng ba, Con đường ngã
ba…nhan nhản những sản phẩm của vô thức. Ta không thể xếp những cuốn sách này
lên trên kệ sách phê bình văn học.
Với sách dịch văn học nước ngoài, ông có khoảng gần hai mươi đầu sách. Ta cũng
chỉ nên lựa ra một số bản dịch đứng đắn như Ngộ nhận, Cõi người ta... Những cuốn
ông đùa rỡn ở trong đó, ta không thể xem giống như những bản dịch bình thường
khác.
Cuối cùng, những cuốn tư tưởng triết học của ông cũng như vậy. Có lẽ ta chỉ nên
chấp nhận mỗi một cuốn Tư tưởng hiện đại thôi. Những cuốn khác ta đành phải xếp
riêng ra. Tới đây, xin nhắc đến chuyện tái bản sách của Bùi Giáng. Năm 2001, cuốn
Heidegger và tư tưởng hiện đại được tái bản. Ông Bùi Văn Nam Sơn đã viết một
bài giới thiệu cuốn sách thật dài như là giới thiệu một tác phẩm lớn, đã trường
tồn qua thử thách thời gian bốn mươi năm. Ông khuyên độc giả: “Không có được
người như Kim Thánh Thán chỉ cho ta phép đọc Thủy Hử, ta hãy đến với Bùi Giáng
bằng tấm lòng rộng mở. Ta có thể bắt đầu từ đâu cũng được. Hoặc đi ngay vào phần
giới thiệu tư tưởng Heidegger để từ đó tỏa rộng ra. Hoặc tại sao không lần giở
những trang kể chuyện thần thoại Hy Lạp hồn nhiên, thơ mộng rồi vui vẻ bước vào
những chương bay bỗng tuyệt vời giới thiệu Kierkegaard, G. Marcel…”.
Đành rằng trong cuốn sách của Bùi Giáng có những đoạn ông viết rất hay, rất
uyên bác, nhưng nhìn tổng thể, nó không phải là một cuốn sách nghiên cứu đúng
nghĩa. Có lẽ cuốn sách này ông viết qua nhiều giai đoạn khác nhau. Một số chỗ
văn chương tỉnh táo, nhiều chỗ khác vô thức trỗi dậy quá mạnh, tạo ra những đoạn
văn dị thường. Không nên coi những cuốn sách như thế này là loại sách nghiên cứu
khảo luận để giới thiệu với độc giả theo một tinh thần như vậy. Những cuốn sách
này, có lẽ ta chỉ dùng để đọc cho vui mà thôi.
Đánh giá như thế, liệu có hẹp hòi quá chăng? Thật ra, nhẩm tính lại ta thấy,
cái gia tài văn chương còn lại của ông sau khi đã loại đi những thứ “bê bối lai
rai”, cũng đâu có ít ỏi gì. Một tuyển tập thơ hay, một tuyển tập phê bình văn học
đặc sắc, một số cuốn văn học dịch tài hoa, một cuốn sách giới thiệu tư tưởng
triết học uyên bác...Gia tài văn chương này, còn giàu có hơn rất nhiều tác giả
lớn khác của Việt Nam nữa kia mà.
Ở chỗ này, có lẽ có người sẽ thắc mắc, vì sao không thể chọn thêm nhiều hơn. Sự
thắc mắc này cần được giải tỏa. Vì sao lại không chọn nhiều hơn? Ta cần thấy một
điều rằng, cuộc đời của mỗi văn thi nhân có thể rất khác nhau, nhưng khi chọn lựa
tác phẩm, ta không thể nào chấp nhận những điều dị biệt. Một cuốn sách dịch thật
bay bướm của Bùi Giáng như cuốn Hoàng tử bé mà nhiều người khen ngợi, ta cũng
không nên để y nguyên như thế mà sử dụng vì trong cuốn sách này có những đoạn
“bê bối lai rai” cần phải cắt bỏ đi. Nếu cắt bỏ không được, thì phải bỏ luôn cả
cuốn sách. Không thể nào chấp nhận một cuốn sách luận về triết học, sách dịch
tác phẩm văn học nước ngoài, sách phê bình văn học…mà lẫn lộn những đoạn đùa giỡn
như thế vào được.
Chương
26: VÌ SAO BÙI GIÁNG SÁNG TÁC ĐƯỢC NHIỀU VÀ NHANH?
Đó là câu hỏi được đặt ra từ những chương trước nhưng chưa có lời giải đáp. Vì
sao Bùi Giáng có thể viết được một số lượng sách quá nhiều trong một thời gian
ngắn? Vì sao Bùi Giáng có thể làm ra được hàng mấy ngàn bài thơ một cách dễ
dàng trong tình trạng bệnh tật? Rõ ràng là ông phải có cách viết khác với người
bình thường thì mới có thể được như vậy.
Qua những tác phẩm của ông, cả văn xuôi lẫn thơ, ta nhận ra một điều: dường như
Bùi Giáng không viết đi viết lại bản thảo nhiều lần như những người khác. Trong
thời kỳ còn tỉnh táo, có thể ông có sửa chữa đôi chút nhưng về sau này, khi căn
bệnh đã phát mạnh, rất có thể ông chỉ viết một lần, thậm chí không cần đọc lại.
Trong các cuốn sách “Một vài nhận xét…”, “Giảng luận về…”, dù văn chương rất
bay bỗng nhưng ta vẫn thấy vài đoạn lẽ ra phải được lược bỏ đi nhưng đã không
được lược bỏ. Những đoạn này, nếu ông có đọc lại đôi lần, chắc chắn ông sẽ
không để lại. Cần nói thêm, vào thời kỳ trước, việc xuất bản những loại sách
như thế khá dễ dãi, có thể không cần đến công tác biên tập nên những chỗ nói
trên vẫn có thể được in ra.
Với những cuốn sách ông viết trong thời kỳ bệnh phát nặng, ta thấy những đoạn
hay và tỉnh táo nằm lẫn vào những đoạn dị thường. Điều này thể hiện rất rõ việc
ông không đọc lại để sửa chữa. Vì nếu ông có đọc lại bản thảo, thì những lúc
tinh thần tỉnh táo chắc chắn ông phải loại bỏ những đoạn dị thường mà ông viết
trong lúc không tỉnh táo ấy đi.
Văn xuôi thì vậy, còn thơ thì sao? Nghiên cứu nhiều bài thơ của ông, ta thấy rằng,
có vẻ như khi đã viết ra một câu thơ rồi, ông không muốn đổi lại dù việc gieo vần
của câu tiếp theo không được thuận lợi lắm. Khi đó dường như ông cố gắng tìm
cho bằng được một từ nào đó hợp vần để gieo cho câu tiếp theo. Dĩ nhiên là việc
tìm từ đối với ông rất dễ dàng. Nhưng dù sao, nó vẫn để lại “dấu tích” trong
tác phẩm. Và điều này xảy ra trong tất cả các loại thơ của ông nhưng nhiều nhất
là trong loại thơ không tỉnh táo. Do cách làm này mà nhiều khi ông đưa vào thơ
những từ rất lạ, khiến nhiều nhà nghiên cứu ngỡ ngàng.
Ta hãy đọc mấy câu thơ này:
Một hôm tháng chạp ra giêng
Rừng cây ra trái sầu riêng ra đời
Dừng chân con lộ giữa môi
Vành trăng giữa phố nối ngôi từ từ
Ngậm sương ngôn ngữ lúc ừ
Lúc vâng ạ lúc lừ đừ không vâng
Ta chú ý đến những cụm từ mà ông dùng để tạo vần: con lộ giữa môi, ngôn ngữ lúc
ừ… Nó rất lạ. Thế nhưng ngoài cái nhiệm vụ làm điệp vần trong câu, tuân thủ
đúng bằng trắc, còn lại chúng chẳng có nghĩa gì.
Hãy xem xét thêm một ví dụ nữa:
Que diêm que lửa que lời
Cõi trăm năm cũng một đời em que
Tan tành mộng đỏ la de
Cái tồn sinh khóc lóc về Hậu Giang
Mộng đỏ la de, cụm từ này hoàn toàn không có một ý nghĩa gì, được ông đưa vào
câu thơ như một cách giải quyết tức thời vấn đề vướng mắc về vần.
Rõ ràng đối với ông, việc làm thơ như là một sự sắp xếp rất mau lẹ các từ ngữ.
Cách nào ông cũng có thể sắp xếp được. Thành ra ông không cần phải sửa đi sửa lại
thơ. Động tác này phần lớn tạo ra những vần thơ vô bổ nhưng đôi lúc cũng tạo ra
những vần thơ hay. Chẳng hạn như hai câu thơ thuộc loại “giải quyết vướng mắc về
vần” nằm trong bài Chào nguyên xuân sau đây:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng ở chỗ thi sĩ đưa vào câu thơ từ miên trường. Nó
quá lạ. Ai cũng khen hay nhưng không thấy chỉ ra hay ở chỗ nào.
Thật ra, ta thấy lạ là vì miên trường không phải là một từ thuần Việt, cũng
không phải là một từ Hán Việt. Nó là một từ nguyên Hán. Miên là giấc ngủ, trường
miên là một giấc ngủ dài. Nếu “Việt hóa” cả câu thơ thì sẽ là:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước một giấc ngủ dài phía sau
Một câu thơ rất tuyệt. Tuy nhiên có điều ông không dùng trường miên mà theo
thói quen đảo lại thành miên trường, thành ra câu trên trở thành:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước dài một giấc ngủ phía sau
Về mặt ngữ nghĩa thì hay như thế, nhưng về mặt hình thức thì từ miên trường lại
không tương thích với câu thơ. Bởi mùa xuân không phải là một từ nguyên Hán để
có thể đối với miên trường. Vậy thì tại sao Bùi Giáng lại sử dụng? Ta thấy rõ sở
dĩ ông dùng từ tây ta lẫn lộn như thế là vì ông cần phải giải quyết sự vướng mắc
về vần. Nếu là người khác, có thể sẽ phải xóa câu thơ trên để gieo vần lại,
nhưng với ông thì luôn tìm được từ để đưa vào theo cách riêng của ông.
Câu chuyện sau đây cho thấy rất rõ nét quá trình tư duy ngôn ngữ thơ của Bùi
Giáng. Một ngày nọ, Bùi Giáng đến thắp nhang cho đám tang của nhà báo Huỳnh Bá
Thành. Như nhiều người khác, ông lật cuốn sổ tang ra để ghi vào đó vài dòng. Hiển
nhiên là ông phải dùng thơ để ghi. Câu thơ đầu tiên của Bùi Giáng viết ra là:
Đến thăm anh Nguyễn Bá Thành.
Tôi là Bùi Giáng rành rành bấy nay
Đọc câu thơ này, ai cũng phải giật mình cho rằng Bùi Giáng đã “bé cái nhầm”. Thế
nhưng hoàn toàn không phải vậy. Sở dĩ có chuyện đó là vì khi cầm cây bút lên,
Bùi Giáng đã lỡ nhập đề bằng ba chữ “đến thăm anh”. Tiếp theo, ông không thể
nào đưa từ Huỳnh vào vì nó không đúng bằng trắc. Nhưng chẳng lẽ ông lại dùng Huỹnh?
Vì thế buộc ông phải chọn “giải pháp” đổi họ cho nhà báo Huỳnh Bá Thành ra họ
Nguyễn để khỏi phải xóa đi sáng tác lại.
Thông qua những gì đã phân tích, ta thấy rằng quả thật Bùi Giáng có cách sáng
tác không giống ai.
Tác giả Nguyễn Đình Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét