Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

HỒI KÝ ĐỜI TÔI CỦA CỰU TỔNG THỐNG BILL CLINTON - PHẦN CUỐI


NGÀY CUỐI CÙNG TRONG NHÀ TRẮNG

Khi tôi trở về nơi cư trú của mình thì trời đã khuya mà chúng tôi vẫn chưa dọn xong đồ đạc. Chỗ nào cũng thấy nào thùng, nào hộp, và tôi cũng chưa quyết định là sẽ gửi thùng quần áo mình đi đâu - New York, Washington hay Arkansas.

Hillary và tôi đều không muốn đi ngủ đêm nay. Chúng tôi chỉ muốn lang thang từ phòng này sang phòng khác. Chúng tôi cảm thấy thật vinh dự khi được sống trong Nhà Trắng đêm sau cùng cũng như đêm đầu tiên chúng tôi trở về đây sau bữa dạ tiệc mừng ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Thật không ngờ chúng tôi đã ở đây tám năm và nay mọi sự đã đến đoạn kết.
... Quá nửa đêm, tôi quay lại phòng Bầu dục để dọn dẹp, sắp xếp và trả lời vài bức thư. Ngồi một mình ở bàn giấy, tôi nghĩ đến tất cả những gì đã xảy ra trong tám năm qua và nhận ra rằng tất cả đi qua quá nhanh. Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ chứng kiến việc chuyển giao quyền hành và rời nơi đây.
Hillary, Chelsea và tôi sẽ cùng lên chiếc phi cơ Air Force One lần sau cùng với phi hành đoàn tài giỏi đã từng đưa chúng tôi đến mọi góc trời xa lạ của trái đất này... Tôi trông đợi việc bắt đầu cuộc đời mới của mình, xây dựng thư viện Clinton, làm việc thiện, giúp Hillary và có thêm nhiều thì giờ để đọc sách, chơi golf, nghe nhạc và đi chơi thăm thú mọi nơi mà chẳng cần vội vàng. Tôi biết mình còn có thể vui hưởng cuộc đời và tin rằng nếu giữ được sức khỏe thì vẫn còn làm được nhiều điều hữu ích lắm.

Món quà để lại cho tân Tổng thống Bush

Clinton đã rời Nhà Trắng với quá nhiều chuyện dang dở phía sau lưng. Những thách thức mới từ một thế giới đơn cực đã nảy sinh ngay từ chính nhiệm kỳ của Clinton.
Cuộc chiến chống Al Qaeda bị Monica Lewinsky làm xao lãng. Sự sụp đổ của nền kinh tế dot.com đã nhen nhóm cũng từ thời Clinton. Những cải cách thuế và tài chính của ông mới đi được nửa chặng đường...
Chỉ ít lâu sau khi Clinton ra đi, người ta đã thấy một nước Mỹ và thế giới khác đi rất nhiều, một phần do cự ly trong cách nhìn của êkip Tổng thống Bush, một phần do chính những mâu thuẫn ấp ủ từ thời Clinton đã được dịp bộc phát.
Trong Đời tôi, Clinton đã không giấu sự tiếc nuối về một điều gì đó dang dở. Clinton là một tổng thống "duyên dáng" và may mắn của nước Mỹ, và đa số người Mỹ đã tha thứ cho khía cạnh bại hoại của ông (uy tín của ông đã tăng vọt ngay giữa vụ Monica). Có lẽ người Mỹ cũng kỳ vọng ông hoàn tất nhiều điều, bởi lẽ các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nếu ông tiếp tục ra tranh cử với ông Bush thì ông sẽ lại thắng.
Nhưng Bill Clinton đã quá mệt mỏi với chính trường. Không phải công vụ tổng thống mà có lẽ chính vụ bê bối Monica đã vắt kiệt sức ông.

Tôi nghĩ đến việc viết lại một vài dòng cho Tổng thống Bush trong phòng Bầu dục như cha của ông đã làm cho tôi tám năm trước đây. Tôi muốn lịch sự và khuyến khích như Tổng thống George Bush đã đối với tôi khi trước. Chẳng bao lâu nữa, George W. Bush sẽ trở thành tổng thống của tất cả mọi người dân Mỹ và tôi muốn chúc ông mọi sự tốt lành. Tôi đã nghe kỹ những gì hai ông Bush và Cheney phát biểu trong cuộc tranh cử và tôi biết họ nhìn thế giới này thật khác hẳn với cái nhìn của tôi...

Tôi nghĩ đến những mối quan hệ quốc tế mà tôi đã hình thành sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, có thể sẽ bị căng thẳng bởi cách đối xử một chiều của Đảng Cộng hòa... Tôi không thể kiểm soát những gì sẽ xảy ra cho các chính sách và chương trình của tôi, cũng như không thể nào gây ảnh hưởng được đối với những lời phê phán hơi sớm sủa về sự nghiệp tổng thống của tôi...
Lịch sử nước Mỹ, từ cuối Chiến tranh Lạnh đến đầu thiên niên kỷ, đã được viết đi viết lại nhiều lần. Điều duy nhất đáng kể đối với tôi về thời kỳ làm tổng thống là tôi đã làm được việc cho dân chúng Mỹ hay không, trong một thời đại hoàn toàn mới lạ của sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu.

...Trong đêm sau cùng của tôi trong phòng Bầu dục, nay đã trống trải, tôi nghĩ đến cái hộp bằng thủy tinh tôi để trên chiếc bàn nhỏ giữa hai chiếc ghế dài gần đó. Chiếc hộp này đựng một cục đá mặt trăng mà phi hành gia Neil Armstrong mang về từ năm 1969. Mỗi khi có một cuộc tranh luận gay gắt nào trong phòng Bầu dục, tôi sẽ ngăn mọi người lại và nói: "Quý vị có nhìn thấy cục đá đó không? Cục đá đó đã tồn tại 3,6 tỉ năm rồi đó. Chúng ta chỉ là những người đi qua cuộc đời này thôi. Vậy thì hãy bình tĩnh và ngồi xuống làm việc với nhau".

Buổi sáng hôm sau, tôi trở lại phòng Bầu dục để viết bức thư ngắn cho Tổng thống Bush. Hillary cũng bước xuống phòng này. Chúng tôi nhìn ra ngoài cửa sổ thật lâu để nhớ lại những kỷ niệm mà chúng tôi đã chia sẻ. Sau đó vợ tôi rời khỏi phòng để tôi viết lá thư. Khi đặt bức thư viết xong lên bàn, tôi gọi các nhân viên đến để nói lời từ biệt. Chúng tôi ôm lấy nhau, cười, rơi nước mắt và chụp vài tấm hình. Sau đó, tôi bước ra khỏi phòng Bầu dục lần sau cùng.

Khi tôi bước ra ngoài cửa với đôi tay rộng mở, tôi đã thấy giới nhà báo chờ đón để ghi lại hình ảnh này. Tôi bước xuống để cùng Hillary, Chelsea và gia đình ông Gore chào đón người kế vị. Khoảng 10h30, gia đình ông Bush và Cheney đến. Chúng tôi cùng uống cà phê, trò chuyện trong vòng vài phút, sau đó cả tám người chúng tôi đứng lên bước vào xe. Tôi đi cùng ông George W. Bush dọc theo đại lộ Pennsylvania để đến tòa nhà quốc hội.

... Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ nữa thôi, việc chuyển giao quyền hành thật ôn hòa đã giữ cho đất nước chúng ta được tự do hơn 200 năm nay sẽ lại xảy ra một lần nữa. Gia đình chúng tôi từ giã tân đệ nhất gia đình (First Family) và lên xe đến phi trường Andrews để bay chuyến bay cuối trên chiếc phi cơ không còn là Air Force One nữa.

Sau tám năm làm tổng thống và nửa cuộc đời làm chính trị, tôi lại trở thành một người dân bình thường, nhưng rất biết ơn, vẫn lo lắng cho đất nước của tôi và vẫn nghĩ đến ngày mai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét