Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

CỰU TÙ NGUYỄN BẮC TRUYỂN GẶP VIÊN CHỨC HẠ VIỆN MỸ

Cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển là một trong số những người bất đồng chính kiến được phái đoàn Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Mỹ mời tham khảo khi phái đoàn tới Sài Gòn hồi cuối tuần qua. 

Hình ông Nguyễn Bắc Truyển do họa sĩ TTLan vẽ.

Trong cuộc phỏng vấn truyền thanh cũng như sự tường thuật trên mạng Internet, ông Nguyễn Bắc Truyển, 45 tuổi, cho hay ông tiếp xúc với phái đoàn gồm một số viên chức thuộc Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ và một số viên chức tòa đại sứ và tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam liên quan đến mối quan hệ giữa hai nước.

Theo ông thuật lại, họ hỏi ông nhiều vấn đề từ nhân quyền, đàm phán Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến việc bỏ cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam.

“Trong buổi trao đổi, thì tôi thấy họ đưa ra nhiều vấn đề mà tôi thấy họ hiểu biết rất nhiều về tình hình vi phạm nhân quyền ở tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, chuyến đi này như là họ muốn tìm gặp tôi, chẳng qua là họ kiểm tra lại các thông tin của họ xem có xác đáng hay không, có sự thật hay không. Và họ cũng muốn nhận một vài ý kiến, đề nghị của các nhà hoạt động trong nước, trong vấn đề về đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), về CPC, cũng như về vấn đề Hoa Kỳ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam,” ông Truyển nói trên đài RFI.

Phái đoàn của Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Mỹ, tới tiếp xúc với một số nhân vật vận động dân chủ hóa Việt Nam, gồm có ông Hunter M. Strupp, chuyên gia phân tích Chính Sách Châu Á, bà Janice V. Kaguyatan, cố vấn tư pháp, và bà Joan O’Donnell Condon, chuyên viên cao cấp. 

Ông Truyển cho rằng: “Trọng tâm của họ là vấn đề nhân quyền là chính. Họ cũng quan tâm rất nhiều đến Nghị Định 72, hạn chế tự do thông tin trên Internet, sẽ có hiệu lực từ 1 Tháng Chín. Rồi tình trạng các blogger bị nguy hiểm, có thể bị khởi tố theo những điều trong Bộ Luật Hình Sự. Ngoài ra, họ cũng quan tâm vấn đề về chuyện quảng bá các tuyên ngôn nhân quyền đến tay của người dân. Họ cũng hỏi thăm chuyện những người hoạt động trong nước đã tổ chức chuyển những tuyên ngôn nhân quyền đến cho người dân, và bị những sự đàn áp.”

“Cái điều đặc biệt mà tôi cung cấp cho họ (phái đoàn Hạ Viện Mỹ), đó là từ 2010 cho đến nay, có gần 200 nhà hoạt động hay là nhà bất đồng chính kiến, cũng như dân oan, cũng như blogger đã bị bắt và số năm tù có thể lên tới hàng ngàn năm. Đây là một con số mà khi tôi đưa ra gây cho họ sự xúc động rất là lớn, và họ cũng không thể tưởng tượng được trong cái thời buổi này mà có một Nhà nước đi đàn áp người dân và tuyên án những bản án rất là khắc nghiệt như vậy.” Ông thuật lại cuộc tiếp xúc với viên chức ngoại giao Hoa Kỳ với đài RFI. 

Theo ông cho biết, sau cuộc tiếp xúc, ông ra về thì thất rất nhiều an ninh mật vụ CSVN đứng chờ phía trước. Ông quay vào thông báo cho phái đoàn nói trên biết và họ phải theo ông ra đứng canh chừng để ông lên xe taxi an toàn. Họ cũng đã gọi điện thoại đến một số nơi được hiểu là cho nhà cầm quyền và Công an thành phố Sài Gòn để khuyến cáo đừng có sách nhiễu ông Truyển. Dù vậy, đám an ninh mật vụ đó vẫn chạy xe bám theo ông về tới nhà.

“Chúng ta không bao giờ tin nhà cầm quyền CS VN hứa hẹn bất cứ điều gì. Trong buổi làm việc hôm nay với phái đoàn Hoa Kỳ, tôi đã khẳng định rằng: một khi các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm còn bị giam giữ thì tôi không bao giờ tin nhà cầm quyền sẽ cải thiện về vấn đề nhân quyền.” Ông Truyển nói với mạng Dân Làm Báo. “Điều kiện tiên quyết là phía nhà cầm quyền phải thả tất cả các tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo. Thứ hai là không được tiếp tục, sách nhiễu, bắt bớ những người bất đồng chính kiến. Nếu thả một, hai người mà bắt thêm chục người khác thì cũng vô nghĩa”.

Trong khi phái đoàn chuyên viên Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Mỹ đến Việt Nam, Dân Biểu Ed Royce, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, cầm đầu một phái đoàn gồm dân biểu thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tới Singapore, Thái Lan và Ấn Độ thảo luận các vấn đề mở rộng mậu dịch cho hàng hóa Mỹ vào cũng như các vấn đề về an ninh.

Ông Nguyễn Bắc Truyển từng bị nhà cầm quyền CSVN giam cầm. Ông từng là giám đốc công ty Vận Tải Quốc Tế Việt-Thịnh-Phát. Năm 2006, ông tham gia làm thành viên “Khối 8406” mà Linh Mục Nguyễn Văn Lý là một trong những thành viên sáng lập vận động dân chủ hóa Việt Nam. Ông Truyển bị bắt cùng với một số thành viên đảng Dân Chủ Nhân Dân. Tháng Năm, 2007, ông bị quy chụp cho tội « tuyên truyền chống Nhà nước » theo điều 88 Bộ luật Hình sự và bị kết án 4 năm tù giam kèm theo 2 năm quản chế. Bản án tù giam sau đó đã được giảm bớt 6 tháng.

Năm 2011, ông được Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) trao giải thưởng Hellman/Hammett dành cho các cây viết có nhiều cống hiến cho dân chủ, nhân quyền. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét