CTV Danlambao - Như thông tin Dân Làm Báo đã đưa,
hôm nay, ngày 09 tháng 08 năm 2013, một cán bộ xưng là Tuyết, thuộc Tổng
cục An ninh đã đến nhà để “làm việc” với bà Bùi Thị Thiện Căn,
73 tuổi, là nhà giáo hưu trí, mẹ ruột của blogger Đoan Trang về
việc blogger này đã kí tên và trao Tuyên bố 258 của
Mạng lưới blogger Việt Nam cho đại diện Cao ủy Nhân
quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) và nhiều tổ chức quốc tế khác như Freedom House,
SEAPA, Human Rights Watch, ICJ, CPJ,....
Nhận được thông tin về ý đồ sách nhiễu của cơ
quan an ninh đối với thân nhân thành viên mạng lưới blogger Việt Nam, một số
anh chị em blogger và những người ủng hộ Tuyên bố 258 đã đến hỗ trợ tinh thần
đối với gia đình blogger Đoan Trang.
Blogger Lê Thiện Nhân, người có
mặt từ sớm để hỗ trợ gia đình Đoan Trang, cho biết bà Thiện Căn đã tỏ thái độ
kiên quyết, thể hiện sự am hiểu pháp luật khi trả lời từng câu hỏi của cán bộ
an ninh, khiến người này mau chóng chán nản và thất vọng.
“Một lúc sau, khi Nguyễn Chí Đức chụp
ảnh, với thái độ lo sợ và hèn hạ, viên nữ An ninh này tỏ ra mất bình tĩnh và
phản ứng rất gay gắt,” blogger này tường thuật rõ hơn trong một dòng trạng thái
chia sẻ trên facebook.
“Cuối cùng, đỉnh điểm của sự lố bịch, hèn hạ
của đám công quyền là khi ra về, viên nữ công an tên Tuyết này gọi điện lại cho
bà Thiện Căn và hù dọa :”Nếu bác còn mời bạn bè Đoan Trang đến nữa thì chỉ khổ
con bác thôi.”
Phản ứng của blogger Đoan Trang
Nhà báo, blogger Đoan Trang hiện đang đại diện
Mạng lưới blogger Việt Nam đi trao Tuyên bố 258 cho các tổ chức nhân quyền quốc
tế tại Bangkok, Thái Lan.
Nhận được tin báo từ gia đình tối qua ngày
08/08/2013, cô không khỏi lo lắng:
“Mẹ tôi năm nay đã 73 tuổi, là nhà giáo hưu
trí, sống một mình. Cả đời cụ không biết to tiếng với ai, sợ rằng không chịu
đựng nổi sự sách nhiễu của an ninh, ” người từng bị giam giữ 9 ngày vào năm
2009 vì các bài viết nhiều ‘đụng chạm’”, Đoan Trang đã cho CTV DLB biết.
“Ngoài gia đình, họ còn tìm đủ mọi cách như
nhắn tin, gọi điện, tiếp xúc để gây sức ép với tòa soạn, bạn bè, đồng nghiệp
của tôi.”
Sáng nay, qua Facebook của
mình biết được các anh chị em blogger đã đến tận nhà để hỗ trợ
mẹ mình trong buổi làm việc với an ninh, Đoan Trang hết sức vui mừng và biết
ơn.
“Trân trọng cảm ơn các bác, các cô chú, anh
chị em, các bạn, đã hỏi thăm, động viên, chia sẻ và lo lắng cho mẹ con cháu/em.
Sự quan tâm đó là cách bảo vệ mẹ cháu/em rất hiệu quả. Cháu/em vô cùng cảm động
và thật sự bối rối, không biết nói sao để bày tỏ lòng biết ơn.
Kính gửi toà soạn báo Pháp luật TP.HCM: Em
biết nhiều anh chị ở toà soạn cũng đã gặp phiền phức, dù ít dù nhiều, vì những
việc em làm. Em biết các anh chị đã hết lòng bảo vệ em, và như một bạn đã nói,
“cho dù thế nào mọi người vẫn coi em là một thành viên của báo Pháp luật
TP.HCM”.
Em xin lỗi tất cả toà soạn - nếu có ai vì em
mà gặp phải sự khó chịu nào đó. Em cũng muốn cảm ơn thật nhiều tất cả các anh
chị em, các bạn, đã luôn ủng hộ em suốt 3 năm qua.
Cuối cùng, gửi các nhân viên an ninh (mà tôi
không muốn nêu tên ở đây): Các anh chị vui lòng chấm dứt việc nhắn tin, gọi
điện, tiếp xúc với gia đình, toà soạn, bạn bè và đồng nghiệp của tôi. Các anh
chị không cần phải khích bác đâu. Tôi biết việc gặp gỡ “chỉ là tiếp xúc thân
tình”, “thăm hỏi” thôi mà, nhưng các anh chị cũng nên để ý xem người ta có muốn
gặp mình không chứ.
Gửi riêng em “áo vàng” đến nhà chị sáng nay,
hy vọng em có Facebook: T., chị tôn trọng em và công việc của em. Chị tin là em
hiểu điều chị nghĩ và việc chị làm. Vậy tại sao chúng ta không thể tìm tiếng
nói chung được? Vấn đề “ý thức hệ”, “tư tưởng chính trị” quan trọng đến thế sao
em?”
Giới blogger nói gì?
Khi được hỏi về nguyên nhân của việc chính
quyền sách nhiễu thân nhân những người kí vàoTuyên bố 258, Nguyễn
Việt Hưng, một blogger có nhiều kinh nghiệm đối phó với cơ quan an ninh,
giải thích:
“Họ [công an] biết người Việt Nam sợ liên lụy
cho người thân, bạn bè nên họ khai thác.”
“Đây là tâm lí chung có nguồn gốc từ văn hóa
làng xã, trọng các mối dây liên kết xã hội của người Việt Nam.”
Blogger Nguyễn Việt Hưng còn chia sẻ thêm một
số kinh nghiệm với những người mà người thân của họ có khả năng bị công an sách
nhiễu.
“Một là chỉ rõ cho phía an ninh thấy việc gặp
thân nhân nhà hoạt động là hoàn toàn không có cơ sở pháp lí. Hai là dặn dò
người thân kiên quyết không tiếp công an. Ba là khẳng định ‘việc ai người đó
chịu’. Bốn là cảnh cáo công an rằng ‘thời này không phải là Cải cách ruộng đất,
không thể muốn làm gì thì làm.”
Đang ở thành phố Weimar nước Đức để tham gia
một khóa học bổng ngắn hạn, blogger Người Buôn Gió phát biểu
ngắn gọn:
“Đây là một sự lố bịch của pháp luật, không
phải thời phong kiến mà có thể bố mẹ liên can đến việc con đã trưởng thành
làm.”
Mặc dù luôn khẳng định mong muốn xây dựng nhà
nước pháp quyền, song chính quyền Việt Nam, bằng các hành động sách nhiễu thân
nhân các nhà hoạt động, đã ‘dẫm đạp’ lên một trong những nguyên tắc pháp quyền
căn bản nhất: “cá nhân trưởng thành chịu mọi trách nhiệm về hành vi
của mình trước pháp luật.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét