Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

CỰU TÙ CHÍNH TRỊ NGUYỄN BẮC TRUYỂN GẶP ĐẠI DIỆN ỦY BAN ĐỐI NGOẠI HẠ VIỆN HOA KỲ

Gia Minh, RFA
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển vào chiều ngày 10 tháng 8 vừa qua có cuộc gặp gỡ với một số đại diện của Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, đại sứ quán và lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn để trao đổi về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Vào ngày 12 tháng 8, ông Nguyễn Bắc Truyển có cuộc trao đổi lại với biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu Tự do về nội dung cuộc gặp. Ông cho biết một số đề đạt của bản thân ông nêu ra với phía những vị đại diện Hoa Kỳ như sau:

Nhân quyền ở Việt Nam cần được cải thiện
 Ông Nguyễn Bắc Truyển: Điều mà tôi gửi gắm cho phái đoàn Ủy ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ là trông đợi sự thúc đẩy của họ với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền; phải có những chính sách buộc nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng những cam kết đã ký với quốc tế về nhân quyền; cũng như đề nghị với nhà nước Việt Nam phải tham gia vào Công ước Chống Tra tấn Tù nhân để tôn trọng các người tù trong các trại giam hiện nay.

Ngoài ra tôi cũng đề nghị với phái đoàn nên thúc đẩy vấn đề tự do tôn giáo của các đồng bào ở những vùng xa như Phật giáo Tiểu thừa của người Khmer, rồi đạo Tin Lành- Thiên chúa giáo của đồng bào sắc tộc tại Cao nguyên, những nhóm đồng bào tôn giáo khác như Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài. Đó là những tôn giáo thường xuyên bị đàn áp, bị sách nhiễu do đặc điểm họ ở các vùng sâu, vùng xa nên không có thông tin thường xuyên và ít ai biết đến sự đàn áp đó. Tôi nói họ quan tâm đến vấn đề tôn giáo tại các vùng đó, cũng như đời sống của người dân tại những vùng đó hết sức cơ cực.

Gia Minh: Sau khi có những đề nghị như thế, họ có những phúc đáp thế nào?

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Thông thường những buổi gặp như thế các phái đoàn Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc… họ ít đưa ra những giải pháp cụ thể. Họ ghi nhận những thông tin mình đưa ra, họ nói ghi nhận đặc biệt về những vấn đề đó. Họ sẽ thúc đẩy và nói mình hãy tin tưởng vào những hành động của họ mặc dù họ không thể hồi báo cho mình họ sẽ hành động như thế nào. Nhưng chắc chắn họ rất quan tâm đến tình hình nhân quyền của Việt Nam và những thông tin của mình đối với họ thật quí báu.


Điều mà tôi gửi gắm cho phái đoàn Ủy ban Đối Ngoại Hạ Viện HK là trông đợi sự thúc đẩy của họ với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền; phải có những chính sách buộc nhà cầm quyền VN tôn trọng những cam kết đã ký với quốc tế về nhân quyền

Ông Nguyễn Bắc Truyển

Gia Minh: Qua thời gian, những lần gặp gỡ trước đây cho đến bây giờ vẫn còn tiếp tục những việc mà mọi người cho là còn đàn áp nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam; vì sao tiếng nói của những quốc gia dân chủ đến tại Việt Nam, nói với Việt Nam như thế mà vẫn còn tình trạng đó, theo ý kiến của ông thế nào?

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Theo đánh giá của tôi, sở dĩ tiến trình nhân quyền trong thời gian gần đây bị đẩy lùi có thể nói do tình trạng nhà nước Việt Nam ngày càng không còn kiểm soát được kinh tế, xã hội cũng như chính trị ở Việt Nam nữa. Về mặt chính trị, các phe cánh đấu đá nhau trong nội bộ; kinh tế bị suy giảm, nhiều nhóm quyền lực đã xâu xé những tài nguyên thiên nhiên cũng như ngân sách của quốc gia.

Khi thấy nguy hiểm của việc đó dẫn đến có thể mất quyền lực, hoặc có thể thay đổi chế độ, Nhà nước CS Việt Nam đã đàn áp những nhà đấu tranh, những nhà bất đồng chính kiến và cho rằng đây là mối tai họa có thể nguy hiểm trong lúc họ đang mải mê đấu đá với nhau, nhóm này có thể trưởng thành, phát triển lên và sẽ thay đổi được chế độ tại Việt Nam. Do đó họ không ngần ngại, trong khoản thời gian từ năm 2010 đến nay đã có khoảng gần 200 nhà bất đồng chính kiến, các bloggers bị bắt giữ và bị kết án hằng ngàn năm tù.

Phản ứng ngược của chính sách đàn áp

Gia Minh: Mặc dù bị ngăn trở, thậm chí bị sách nhiễu, hành hung, ông thấy sự phản ứng, sức đấu tranh của những thành phần giống như ông và của những người trẻ ra sao?

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Vào năm 2006 khi bắt tôi họ nói rằng để trấn áp những người có tư tưởng giống như tôi hay những anh em cộng sự khác trong vụ án của tôi. Trong những lần làm việc tôi có nói đây là xu hướng tất yếu của lịch sử, sự phát triển của lịch sử. Nếu nói rằng bắt để ngăn cản việc đấu tranh trong một thể chế có quá nhiều độc tài như vậy, tôi e rằng sẽ có phản ứng ngược. Chúng ta thấy rằng điều đó đã diễn ra đúng như dự đoán của tôi. Càng ngày càng có nhiều người dấn thân vào công cuộc đấu tranh này; có người trước đây là quan chức từng phục vụ cho chế độ cộng sản, cũng có người giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước cộng sản; rồi chúng ta thấy có những em thanh niên, sinh viên còn rất trẻ như Phương Uyên, Nguyên Kha cũng nhận thức được rằng đấu tranh là một việc rất cần thiết hướng đến bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xâm của Trung Cộng. Và đấu tranh giành nhân quyền cho người dân, cho đại đa số người dân do đó họ đã dũng cảm đứng lên.

 Đây là xu hướng tất yếu của lịch sử, sự phát triển của lịch sử. Nếu nói rằng bắt để ngăn cản việc đấu tranh trong một thể chế có quá nhiều độc tài như vậy, tôi e rằng sẽ có phản ứng ngược

Ông Nguyễn Bắc Truyển

Gần đây tôi thấy rằng các bạn trẻ blogger, các nhà blogger đã thành lập ra mạng lưới bloggers và có những hành động rất khôn ngoan khi phản đối Nghị định 72 của chính phủ về việc kiểm soát Internet. Các bạn đã chủ động tiếp cận với các cơ quan nhân quyền của Liên hiệp quốc cũng như các cơ quan nhân quyền khác. Họ đã có những hành động thích hợp để lên án nghị định 72 đó.

Mỗi ngày cuộc đấu tranh mỗi đi vào chuyên nghiệp và được tổ chức.

Tôi rất mừng và chắc chắn rằng sắp tới đây, cuộc đấu tranh này sẽ càng ngày càng lớn mạnh ra mặc dù gặp sự đàn áp, bắt bớ và tù đày. Nhưng khi người dân đã hiểu ra rằng cần phải đấu tranh để tồn tại, để con em của mình ở thế hệ mai sau có tương lai sáng hơn, tốt hơn, họ phải chấp nhận việc bị đàn áp trước mắt.

Gia Minh: Cám ơn ông Nguyễn Bắc Truyển, người vừa có cuộc gặp với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Cám ơn sự quan tâm của Đài đến bản thân tôi cũng như những người đấu tranh trong nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét