Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn |
Chép bài thơ cũ tặng em
Những bài thơ mới tèm nhem tâm hồn
Đó là nhận định của Bùi Giáng về chính thơ của
ông: những bài thơ ông mới viết sau này "tèm nhem tâm hồn",hay nói
cách khác, sướt mướt đầy những cảm xúc dễ dãi, một điều hình như ông không thể
tránh được nhưng ông lại không thích mấy, nên ông không muốn chép tặng người
thân.
Trong một bài thơ khác, bài "Từ bấy
tới nay" in trong tập Thơ Bùi Giáng do Thế Kỷ 21 xuất bản năm
1994, Bùi Giáng, một lần nữa, lại ghi nhận sự thay đổi trong thơ của mình:
Chợt mùa thơ vội đổi giòng
Cỗi nguồn cũng bởi tự lòng mà ra
Nhớ, trong bài "Xuân xanh người
Tàu" in trong tập Mùa thu trong thi ca, năm 1969, nhân nhắc đến
Nam Phương Hoàng Hậu Nguyễn Thị Lan, Bùi Giáng làm hai câu thơ, trong đó, câu đầu
tiên hao hao như câu trên:
Chợt mùa thơ vội đăm chiêu
Bên mình phố thị Lan đìu hiu đi
Câu thơ sáu chữ, chỉ khác nhau hai chữ sau
cùng. Nhưng đó là sự khác biệt quyết định. Sự thay đổi, ngày xưa, chỉ là một sự
thay đổi nhỏ nhoi: hơi thơ tự dưng chùng lắng xuống, trầm ngâm hẳn đi khi nhớ đến
người phụ nữ mình ái mộ. Sự thay đổi hiện nay không những đột ngột mà còn quyết
liệt, toàn diện. Là một sự "đổi giòng". Từ sông Thương sang sông Mã
hay ngược lại. Biến thơ Bùi Giáng, giai đoạn trước và giai đoạn sau, có những
khác biệt căn bản trong phong cách. Trong bài "Thuở chưa
điên" in trong tập Thơ Bùi Giáng do Việt Thường xuất bản tại
Canada năm 1990, Bùi Giáng nói về hai giai đoạn thơ ấy:
Ấy là thơ thuở chưa điên
Ở trong dấu ngoặc quàng xiên reo cười
Bây giờ xoang điệu đười ươi
Điệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân.
Bài thơ cấu trúc trên trục đối lập: lúc người
chưa điên thì thơ lại như điên; lúc người đã bị xem là điên thì thơ, đằng sau
cái vẻ ngớ ngẩn và nhảm nhí lại rất hiền triết, chứa đựng thật nhiều tâm sự hắt
hiu về cuộc đời.
Trước năm 1975, Bùi Giáng đã có một số những
cơn điên ngắn. Trong lời giới thiệu Bùi Giáng in trong cuốn Thơ điên ... thứ
thiệt do Thái Bình Điên Quốc xuất bản tại Sài Gòn năm 1970, các bác sĩ làm việc
trong dưỡng trí viện Nguyễn Văn Hoài đồng thời cũng là những người đứng ra biên
tập tập thơ, cho biết, lúc đầu Bùi Giáng bị xếp vào loại điên nhẹ, nhưng từ
tháng 5 năm 1969 thì ông bị chuyển sang hạng điên nặng. Tuy nhiên trước
năm 1975, bệnh tình của ông trở thành nặng hơn; những cơn điên đến với ông thường
xuyên hơn và cũng kéo dài hơn. Nhưng có điều lạ là, nếu so sánh các tập thơ của
Bùi Giáng xuất bản trước năm 1975, sau tập Mưa nguồn, với các tập thơ của ông
xuất bản sau năm 1975, cả ở hải ngoại lẫn ở trong nước, chúng ta sẽ thấy ngay
là những tập thơ sau này tỉnh táo hơn hẳn.
Thơ Bùi Giáng trước năm 1975, trừ tập Mưa nguồn
và phần nào, tập Ngàn thu rớt hột, là một cuộc tra vấn đầy khắc khoải về khả
năng của ngôn ngữ. Đó là những bài thơ viết về ngôn ngữ của một kẻ mà số phận bắt
buộc phải sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện diễn đạt và hơn nữa, như một
cách thế duy nhất để tồn tại. Ông làm thơ như một kẻ say mê chơi trò chơi chữ
nghĩa:
Một hôm gầu guốc gầm ghì
Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
Bôm ha? đạn hả? bao gồm
Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen. (Ngẫu
hứng) (1)
Dạo ấy có lẽ Bùi Giáng chưa đọc Jacques
Derrida, triết gia hàng đầu trong trào lưu hậu cấu trúc luận
(post-structuralism) và hủy cơ luận (desconstruction), người bắt đầu nổi tiếng
tại châu Âu và Mỹ trong khoảng thời gian từ 1967 đến 1972, nhưng mãi đến năm
1975, tôi chưa thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ là được biết đến nhiều tại Việt
Nam. Trong lý thuyết của Derrida, có một luận điểm quan trọng: nếu ngôn ngữ,
nói theo Ferdinand de Saussure là một hệ thống bao gồm một chuỗi những sự khác
biệt về âm kết hợp với một chuỗi những sự khác biệt về khái niệm thì, theo
Derrida, mối quan hệ giữa âm và khái niệm, hay nói theo thuật ngữ ngôn ngữ học,
giữa cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified) không phải là một
thứ quan hệ ổn định. Derrida đặt ra từ "différance" để chỉ bản chất bất
định của các ký hiệu ngôn ngữ: động từ "différer" trong tiếng Pháp vừa
có nghĩa là hoãn vừa có nghĩa là khác. "Khác" là một ý niệm về không
gian: ký hiệu này được phân biệt với các ký hiệu khác. "Hoãn", ngược
lại, là một ý niệm về thời gian: một cái biểu đạt ám chỉ một cái được biểu đạt
nhưng đến lượt nó, cái được biểu đạt đó lại trở thành cái biểu đạt để ám chỉ một
cái được biểu đạt khác, rồi đến lượt nó nữa, cái được biểu đạt ấy lại trở thành
cái biểu đạt. Các mối quan hệ, cứ thế, lan rộng ra mãi. Minh chứng rõ nhất cho
điều này có thể được nhìn thấy trong từ điển. Chẳng hạn, chúng ta thử tra chữ
"viết". Ý nghĩa của chữ viết, tức cái được biểu đạt của ký hiệu
"viết" được ghi là: "Vạch những đường nét tạo thành chữ".
Trong định nghĩa này, yếu tố quan trọng nhất là "vạch". "Vạch"
là gì? Với câu hỏi ấy, cái được biểu đạt ("vạch") tức khắc biến thành
cái biểu đạt. Từ điển giải thích ý nghĩa của chữ "vạch" là: "Tạo
thành đường, thành nét". Nhưng "tạo" là gì? Từ điển ghi:
"Làm cho từ không có trở thành có". Nhưng "làm" là gì?
v.v... Cứ thế, liên tục. Điều này một mặt làm cho mỗi từ không những chỉ có
quan hệ với các từ khác trong văn cảnh của nó mà còn có những quan hệ vô tận với
những từ khác ở ngoài văn cảnh, và mặt khác, quan trọng hơn, làm cho cái gọi là
ý nghĩa cứ triển hạn mãi mãi. (2)
Bài thơ ở trên của Bùi Giáng là một đoạn trong
chuỗi liên hệ vô tận trong ngôn ngữ: chữ "một hôm" làm ông liên tưởng
đến "hai hôm" rồi "ba hôm"; rồi chữ "ba hôm" làm
ông liên tưởng đến cách nói lái "bôm ha"; rồi trong "bôm
ha", từ tố "bôm" khiến ông liên tưởng đến "đạn", từ âm
tố "gao", ông liên tưởng đến "gạo", v.v... Thành ra, chữ
"một hôm" không phải chỉ gợi ra ý nghĩa là một đơn vị thời gian, mà
còn gợi ra ý nghĩa là súng đạn, là cơm gạo. Xin mở một dấu ngoặc: bài thơ này
được Bùi Giáng sáng tác trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đang hồi khốc liệt.
Thời ấy, với nhiều người, với rất nhiều người, sống một ngày đồng nghĩa với sự
chịu đựng những đe dọa từ chiến tranh và từ sinh kế.
Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ chỉ là một chuỗi những
liên hệ bất tận như vậy thì, như các nhà hậu cấu trúc luận sau này đã chỉ rõ,
ngôn ngữ không còn khả năng quy chiếu về hiện thực và do đó, cũng không còn khả
năng phát hiện chân lý được nữa. Bùi Giáng hoàn toàn hiểu điều đó. Trong bài "Phố
phường cỏ mọc" in trong tập Mùa thu trong thi ca, ông mỉa mai:
"người ta tưởng chừng như tin rằng ngôn ngữ có thể nói ra được sự
thât" (3). Ai tưởng thì cứ tưởng, riêng ông, ông rất bi
quan:
Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây. (Lẫn
lộn lung tung) (4)
Hoài nghi khả năng "tái hiện hiện thực"
của ngôn ngữ, có khi Bùi Giáng bỏ cuộc chơi trong lãnh vực ngữ nghĩa để đuổi bắt
một trò chơi ở lãnh vực ngữ âm, với nhịp điệu trầm bổng của các thanh, các âm.
Đó là những lúc Bùi Giáng làm những câu thơ toàn bằng chữ Hán hoặc những câu
thơ hoàn toàn vô nghĩa, trong đó, chỉ có những tiếng động lanh canh lách cách của
các âm, các vần, các thanh điệu va chạm vào nhau mà thôi. (5)
Những trò tra vấn ngôn ngữ ấy, dù sao, cũng là
những trò chơi của một người trí thức. Tôi nghĩ, đó là ý nghĩa của cụm từ
"ở trong dấu ngoặc" trong đoạn thơ trên của Bùi Giáng. Sau này, chủ yếu
là sau năm 1975, ông thoát được những ám ảnh thuần túy trí thức ấy. Thơ của
ông, đằng sau cái vẻ ngớ ngẩn điên khùng, lại chứa đựng nhiều nhân tình hơn:
Bây giờ xoang điệu đười ươi
Điệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân
Nói đến "xoang điệu đười ươi" là nói
đến những yếu tố quậy phá bên ngoài. Ở đây nên chú ý là Bùi Giáng, cả trước và
sau năm 1975, đều nói đến cái điên của mình; tuy nhiên, sau năm 1975, tần số xuất
hiện của những bài viết về cái điên ấy tăng lên rất cao. Hơn nữa, trong những
bài thơ ấy, Bùi Giáng nhắc đến cái điên của ông một cách cực kỳ tỉnh táo, như
là cái điên của một ai khác:
Chớm vừa tỉnh táo hôm qua
Mà hôm nay đã hét la vội vàng
Ồn ào quậy phá xóm làng(Cho hay là giống) (6)
Đôi khi với chút hài hước:
Điên cuồng mà tưởng nên thơ
Cuồng điên mà tưởng làm thơ như thần (Tặng
bạn điên)
Có khi vừa hài hước vừa nhuốm chút tự hào:
- Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?
- Và cô có phải cô Bông năm nào?
- Anh còn nhớ rõ, ôi chao
Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh
Anh điên mà dzui dzẻ thập thành
Còn chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu! (7)
Điên, mà ý thức về cái điên của mình một cách
sáng suốt như vậy, kể cũng rất lạ lùng. Nhưng điều đáng lạ lùng hơn nữa là,
càng điên, thơ Bùi Giáng càng chất chứa nhân tình, hay nói theo ngôn ngữ của
ông là "điệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân". Thơ không
còn là một trò chơi chữ nghĩa nữa mà là một sự bộc bạch, một sự thố lộ tâm
tình:
Lời tỉnh táo lời mê man
Điệu thê thiết rống điệu bàng hoàng ca (Y
ư mộng du ư mê)
Một tiếng đoạn trường:
Câu thơ viết ngắn viết dài
Ghép làm một mảnh miệt mài cho nhau
Ghép thât chậm ghép thât mau
Ghép lui ghép tới ghép gào rống tru (Câu
thơ viết ngắn)
Ngay cả khi may mắn, được hạnh phúc, Bùi Giáng
cũng dùng thơ để gửi gắm niềm vui:
Những tờ thơ mộng tạc ghi
Niềm vui vô tận từ khi Dì về (Tặng dì
Trang)
Chính vì đem hết tâm tình, cả vui lẫn buồn, cả
hạnh phúc lẫn thống khổ, gửi gắm vào thơ như vậy, cho nên Bùi Giáng mới khắc
khoải trông đợi sự cảm thông của người đọc, điều, trước năm 1975, có lẽ
ông ít nghĩ tới:
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không (Bao
giờ)
hay:
Xổ bầu tâm sự điêu linh
Ai người chia xẻ với mình với ta (Một giờ)
Khát khao được thông cảm, có lúc ông năn nỉ:
Tặng nhau từ ngữ lạc lầm
Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn (Y
ư mộng du ư mê)
Nói đến "từ ngữ lạc lầm" là
nói đến sự bất lực của người sử dụng ngôn ngữ chứ không phải là sự bất lực của
chính bản thân ngôn ngữ. Đó là sự thất vọng rất thực tế chứ không còn là một sự
thất vọng mang tính siêu hình:
Người điên ngôn ngữ điệp trùng
Dở chừng như mộng dở chừng như mê
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói được nghiệp nghề người điên (Người
điên)
Bùi Giáng, sau 1975, rõ ràng là một nhà thơ "ngậm
ngùi dấn thân". Ông sống ngoài đường phố nhiều hơn trong nhà; thơ của
ông cũng nhuốm nhiều chất bụi của nhân sinh. Rời bỏ những trang sách triết học
hiểm hóc của Nietszche, của Heidegger, ông lắng nghe những tiếng nói âm thầm của
đời sống chung quanh:
Anh đi đứng phố ngồi hè
Thiu thiu nằm ngủ lắng nghe chuyện gì.(Cảm
ơn)
Cũng ý tương tự, ông có một câu thơ khác không
chừng ý vị hơn, mênh mang hơn:
Chiêm bao đứng phố ngồi hè
Nghìn phương mây gió còn nghe ví dù (Ví
dù)
Nhà thơ đường phố ấy viết về mình một cách rất
đỗi hiền hòa:
Đường quanh ngõ quẹo lang thang
Niềm vui tao ngộ muôn vàn lạ thay
Trái tim mỗi mới mỗi ngày
Mỗi giờ phút động mây trời rung rinh
Đường đi mất hút thình lình
Những khôn mặt lạ những hình ảnh quen
Tạm nhờ men rượu nguôi quên
Niềm vui nỗi nhớ chênh vênh lạ lùng (Đường
quanh ngõ quẹo)
Có thể nói, sau 1975, thơ của Bùi Giáng giảm
chất siêu hình và tăng rất nhiều chất cảm xúc. Thơ ông không còn là những cuộc
tra vấn, "lời nghi vấn lời", mà chủ yếu là một sự bộc bạch
tâm sự, "lời lời vô tận từ lòng mà ra". Ông viết nhiều về
những buồn vui trong đời thường:
Tôi ngồi chép mãi bài thơ
Quẩn quanh vần điệu bao giờ cho xong
Đôi phen lệ chảy ròng ròng
Tâm tình kín đáo giòng giòng tuôn ra
Tiếng cười tiếng khóc tiếng ca
Tưởng chừng khép mở màu hoa mấy mùa (Chuyện
bữa trước bữa sau)
Hình như chính Bùi Giáng cũng ngạc nhiên về điều
ấy:
Rong chơi râu tóc bạc phơ
Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người(Râu
tóc bạc phơ)
Ngạc nhiên, nhưng chưa chắc ông đã hài lòng
khi ông tự biết:
Mỗi ngày thân thể mỗi gầy
Mỗi năm tim máu mỗi nhầy nhụa ra (Mỗi
ngày)
Có lẽ Bùi Giáng xem những bài thơ xuất phát từ
tim máu "nhầy nhụa" ấy là những bài thơ "tèm nhem tâm hồn"
chăng?
Điều rất thú vị là sau 1975, không phải chỉ có
mỗi Bùi Giáng là trở thành nhà thơ lãng mạn chủ nghĩa theo nghĩa là kẻ xem thơ
chủ yếu như một sự bộc lộ cảm xúc và nhắm tới, trước hết, mục đích giao cảm với
tha nhân. Một sự "đổi giòng" tương tự cũng diễn ra trong sáng tác của
rất nhiều người khác, kể cả Mai Thảo lẫn Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên, tuy ở
mỗi người, mức độ và thời điểm "đổi giòng" khác nhau. Hình như khi bị
đẩy xuống tận cùng thảm họa, không còn lại gì cả, người ta bắt đầu nghiêng xuống
lắng nghe tâm tình của mình một cách chăm chú và thành khẩn hơn, từ đó, người
ta cũng đâm ra thèm khát được thông cảm, được chia xẻ hơn chăng? Nếu đúng thế
thì hiện tượng ít nhiều chuyển sang xu hướng lãng mạn chủ nghĩa là một trong những
đặc điểm lớn của văn học miền Nam thời kỳ hậu 1975.
Nguyễn Hưng Quốc
(HỢP LƯU "Tưởng niệm
Bùi Giáng"
số 44, Xuân Kỷ Mão, 1999)
Chú thích:
1. Trích trong tập Thơ
điên ... thứ thiệt do Thái Bình Điên Quốc xuất bản tại Sài Gòn năm 1970.
2. Quan điểm về ngôn ngữ
và văn học của Jacques Derrida chủ yếu được trình bày trong hai cuốn: De la
grammatologie (Minuit, Paris, 1967), Gayatri Chakravorty Spivak dịch ra tiếng
Anh, Of Grammatology, Johns Hopkins University Press xuất bản năm 1976; và cuốn
L' écriture et la différence (Seuil, Paris, 1967), Alan Bass dịch sang tiếng
Anh, Writing and Difference, Routledge xuất bản tại London năm 1978. Cuốn sách
giới thiệu Derrida một cách vắn tắt và dễ đọc nhất có lẽ là cuốn Derrida của
Christopher Johnson, Phoenix xuất bản tại London năm 1997.
3. Bùi Giáng (1969), Mùa
thu trong thi ca, Sống Mới in lại tại Hoa Kỳ, không ghi năm, tr. 223.
4. Bài thơ này in trong
tập Ngàn thu rớt hột; (tôi bị mất tập thơ này và không nhớ số trang).
5. Về vấn đề ngôn ngữ
trong thơ Bùi Giáng, xin xem thêm chương "Cuộc hòa giải vô tận: trường hợp
Bùi Giáng" trong cuốn Thơ, v.v... và v.v... của Nguyễn Hưng Quốc, Văn Nghệ
xuất bản, 1996, tr. 181-216.
6. Tất cả những câu thơ
của Bùi Giáng dẫn trong bài này nếu không có chú thích riêng đều trích từ các
tập Thơ Bùi Giáng do Việt Thường xuất bản tại Canada năm 1990; Thế Kỷ 21 xuất
bản tại California năm 1994 và Bùi Văn Vịnh xuất bản tại California năm 1995.
7. Ghi theo trí nhớ,
không nhớ trong bài nào và tập nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét