Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

HỒI KÝ ĐỜI TÔI CỦA CỰU TỔNG THỐNG BILL CLINTON - PHẦN 1


CƠN ÁC MỘNG MONICA

Cuốn sách dày 957 trang này, được ông Clinton viết và chỉnh sửa suốt 3 năm qua, được tung ra 1,5 triệu bản (kỷ lục mới đối với loại sách tự truyện) ngay trong lần phát hành đầu tiên và mang lại cho tác giả một số tiền ứng trước lên đến 10 triệu USD.


0h ngày 22/6, nhiều nhà sách ở New York và Washington đã không đóng cửa như thường lệ, vì tất cả đều muốn đưa đến tay bạn đọc cuốn hồi ký "Đời tôi" của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, tác phẩm làm dư luận xôn xao vài tháng qua, sớm nhất.

Theo thống kê của trang web Amazon.com chuyên bán sách qua mạng, số lượng đặt hàng cuốn Đời tôi nhiều gấp bảy lần của cuốn Living history của bà Hillary Clinton (bán được 2,3 triệu bản vào năm ngoái). Hiện nay ông Clinton đã bắt đầu chuyến đi giáp vòng khắp nước Mỹ trong một tháng để ký tặng sách cho độc giả.


Sai lầm nối tiếp sai lầm



(Ngày 17-1-1998, xuất hiện những ý kiến đòi phế truất Bill Clinton do vụ Paula Jones, một trong những nữ cộng sự cũ đang tố cáo ông về tội quấy rối tình dục).



Tôi đã tuyên thệ và lắng nghe các thẩm phán của Viện Rutherford (yêu cầu chấp nhận một định nghĩa cố ý làm sai lệch về “quan hệ tình dục”).



Nói chung thì định nghĩa này áp dụng cho mọi tiếp xúc riêng tư hơn một nụ hôn, nếu như tiếp xúc này nhằm làm thỏa mãn hoặc làm kích thích dục tình. (…)













Bill Clinton và Monica Lewinsky.





Vụ điều trần kéo dài nhiều giờ nhưng trong đó phần dành cho Paula Jones chỉ độ 10-15 phút - phần lớn thời gian còn lại dành cho đủ thứ vấn đề (…), chủ yếu là rất nhiều câu hỏi xoay quanh Monica Lewinsky (…).



Các luật sư hỏi tôi có quen biết cô ta không, (hai chúng tôi) có tặng quà cho nhau không, có nói chuyện qua điện thoại không, và cuối cùng là tôi với cô ta có “quan hệ tình dục” hay không.



Tôi đã cung cấp nội dung những cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, thừa nhận rằng đã có tặng cho cô ta vài món quà và phủ nhận câu hỏi về “quan hệ tình dục”.



(Vào thời điểm này, Bill Clinton không biết rằng công tố viên độc lập Kenneth Starr đang nắm trong tay các chứng cứ - băng ghi âm của Linda Tripp về những lời tâm sự của Monica Lewinsky).



Ngày 21/1, tờ Washington Post đăng bài cho biết tôi có quan hệ với Monica Lewinsky, và tôi bị kết tội đã khuyến khích cô này nói dối; bài báo còn viết rằng Kenneth Starr được giao lập ra chứng lý cho các cáo buộc. (…)



Starr đã cố gắng tạo ra scandal để phế truất tôi. Ông ta vừa thắng được keo đầu nhưng có vẻ như thời gian đang đứng về phía tôi: nếu tôi đương đầu được với xìcăngđan trong một hoặc hai tuần thì khói sẽ tan đi, rồi công chúng và báo chí sẽ lại quay ra phân tích động cơ và phương pháp hành động của Starr và như thế mọi người sẽ có cái nhìn tương phản về vụ việc.



Lúc đó tôi biết mình đã phạm một sai lầm to lớn và tôi không muốn làm nó tồi tệ thêm (…) Tôi tiếp tục làm việc và chọn sách lược phản công của mình là phủ nhận tất cả sự việc.



Câu trả lời “không” đó tôi đã lặp đi lặp lại với Hillary, với con gái Chelsea, với các cộng sự và nội các, với bạn bè ở Quốc hội, với một số nhà báo và với nhân dân Mỹ.



Ngoài cách hành xử tồi tệ, thì đấy là điều tôi hối hận nhất: tôi đã không nói toàn bộ sự thật với tất cả những người này.



Từ năm 1991, người ta đã ngàn lần bảo tôi là kẻ nói dối trong khi tôi luôn thành thật trong cuộc sống, trước công chúng và trong các vụ làm ăn tài chính, như nhiều cuộc điều tra đã chứng minh.



Vậy mà bây giờ tôi lại cố ý dẫn dắt mọi người hiểu sai về một vấn đề của một thoáng bốc đồng cá nhân. (…)



Lúc đó tôi mong gìn giữ vợ và con gái tôi; tôi không muốn để cho Kenneth Starr vấy bẩn cuộc sống cá nhân của tôi và tôi cũng không muốn người dân Mỹ biết rằng tôi đã phản bội niềm tin của họ. Đó là một cơn ác mộng thật sự.



Lời thú nhận đau đớn



Sáng thứ bảy 15-8-1998, sau một đêm cực kỳ tồi tệ với mối lo bị phế truất trước Đại bồi thẩm đoàn, tôi đã đánh thức Hillary dậy để nói toàn bộ sự thật về những gì đã xảy ra giữa tôi và Monica Lewinsky.



Cô ấy nhìn tôi như thể tôi vừa giáng một cú vào bụng cô ấy. Tôi đã nói với cô ấy rằng tôi lấy làm tiếc, rằng tôi đã không dám nói chuyện này với ai cả, cả với cô ấy nữa.



Tôi nói với cô ấy rằng tôi yêu cô ấy, rằng tôi không muốn làm thương tổn cả với cô ấy lẫn với Chelsea, rằng tôi xấu hổ về cách hành xử của mình và tôi đã giữ bí mật để tránh làm thương tổn những người thân và làm suy yếu vị thế của mình.



Sau tất cả những lời nói dối ấy, tất cả những vụ công kích mà chúng tôi đã phải chịu đựng kể từ đầu nhiệm kỳ của tôi, tôi muốn tránh bị cuốn đi trong làn sóng theo sau vụ đòi phế truất tôi hồi tháng giêng (trong vụ "quấy rối tình dục Paula Jones").



Tôi vẫn luôn không hiểu tại sao tôi đã phạm một sai lầm như vậy, một điều xuẩn ngốc như vậy; tôi chỉ hiểu dần dần được điều đó trong những tháng sau này khi chúng tôi cùng ngồi nhìn lại quan hệ giữa chúng tôi. (…)



(...) Ngày hôm sau chúng tôi đi nghỉ hè ở Martha’s Vineyard. Thông thường tôi tính từng ngày để được ở cùng gia đình; nhưng năm đó, dẫu biết rằng chúng tôi cần phải ở cùng nhau nhưng tôi lại thích được đi làm việc 24/24 giờ.



Khi chúng tôi băng qua bãi cỏ (trong Nhà Trắng) để lên trực thăng, Chelsea đi giữa tôi và Hillary, còn (chú chó) Buddy thì nhảy tung tăng phía sau.



Người ta đã chụp ảnh cảnh này và chúng đã làm chứng cho nỗi đau mà tôi đã gây ra. Khi xa khỏi các ống kính thì vợ và con gái tôi gần như không nói với tôi lấy một lời.





Cha tôi (2)





Cha mẹ cựu tổng thống Bill Clinton.




Sớm 19/8/1946, dưới bầu trời trong sáng sau cơn bão hè dữ dội, tôi chào đời ở Bệnh viện Julia Chester, thị trấn Hope, tây bắc Arkansas, cách biên giới Texas với Taxarkana 52 km về phía đông. Mẹ đặt tên cho tôi là William Jefferson Blythe III theo tên cha William Jefferson Blythe Jr., một trong 9 người con của một nông dân nghèo ở Sherman, Texas.



Theo lời các cô, cha tôi luôn cố chăm sóc họ. Khi lớn lên, ông đẹp trai, chăm chỉ, và là một người thích bông đùa. Ông gặp mẹ tôi tại Bệnh viện Tri-State ở Shreveport, Louisiana năm 1943 khi bà đang học làm y tá. Sau này, khi lớn lên, nhiều lần tôi đòi mẹ kể chuyện gặp gỡ, hẹn hò và hôn nhân của họ. Cha tôi tới thăm ai đó dường như đang nằm cấp cứu tại chiếc giường mà mẹ tôi phục vụ, và hai người đã nói chuyện, tán tỉnh nhau khi người phụ nữ kia được điều trị. Trên đường rời bệnh viện, ông chạm vào ngón tay mà bà đang đeo chiếc nhẫn của bạn trai bà tặng, và hỏi bà đã kết hôn chưa. Bà lúng búng nói “chưa” - bà vẫn còn độc thân. Ngày hôm sau, ông gửi tặng hoa cho người phụ nữ kia và làm rung động trái tim của mẹ tôi. Rồi cha hẹn gặp mẹ, giải thích ông luôn tặng hoa khi chấm dứt mối quan hệ.



Hai tháng sau, họ cưới nhau và ông phải nhập ngũ. Ông phục vụ trong một tổ thợ máy trong thời kỳ chiếm đóng Italy, chuyên sửa xe tăng và Jeep. Sau chiến tranh, ông trở lại Hope tìm mẹ và họ chuyển sang Chicago, nơi ông nhận lại công việc cũ là bán hàng cho công ty thiết bị Manbee. Họ mua một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Forest Park nhưng không thể chuyển vào ở đó trong vài tháng, và vì mẹ đang có mang tôi nên họ quyết định trở về Hope cho tới khi có thể chuyển về nhà mới.



Ngày 17/5/1946, sau khi chuyển đồ đạc vào nhà mới, cha lái xe từ Chicago về Hope để gặp mẹ. Đêm khuya trên đại lộ 60 ẩm ướt bên ngoài Sikeston, Missouri, cha bị lạc tay lái chiếc ôtô, một chiếc Buick 1942, khi xe bị nổ lốp bánh phải. Ông bị ném khỏi xe rồi rơi xuống, hay đã trườn tới, một rãnh nước dẫn tới một đầm hoang. Khi được tìm thấy sau hai giờ, tay của cha còn túm lấy một nhánh cây phía trên đường nước. Ông đã cố nhưng không thể leo được ra ngoài. Ông chết đuối, ở tuổi 28 và cưới vợ được hai năm tám tháng, nhưng chỉ có bảy tháng sống cùng với mẹ.



Bản tóm tắt ngắn này là tất cả những gì tôi thật sự biết về cha mình. Cả cuộc đời tôi khao khát lấp đầy những khoảng trống, hăm hở bám lấy bất cứ một tấm ảnh, câu chuyện, mẩu báo nào kể cho tôi biết nhiều hơn về người đàn ông đã cho tôi cuộc sống.



Trải nghiệm



Khi tôi khoảng 12 tuổi, ngồi dưới cổng vòm nhà cậu tôi ở Hope, thì một người đàn ông tiến tới bậc cửa, nhìn tôi rồi nói: “Cháu đích thị là con trai của Bill Blythe rồi. Cháu giống ông ấy lắm”. Tôi sung sướng suốt nhiều ngày.



Năm 1974, tôi đang tranh cử quốc hội. Đó là cuộc tranh cử đầu tiên của tôi và báo chí đã làm một phóng sự về mẹ tôi. Bà đang ở một hiệu cà phê bà thường lui tới và đang tranh luận với một người bạn luật sư về một bài báo. Khi đó, một người cũng thường ăn sáng ở đó mà bà tình cờ quen tiến đến và nói: “Tôi đã ở đó. Tôi là người đầu tiên có mặt tại xác chiếc ôtô đêm đó”. Ông kể lại cho mẹ tôi những gì đã thấy, kể cả việc cha vẫn còn đủ nhận thức hoặc bản năng sống để cố bám víu leo lên khỏi mặt nước trước khi chết. Mẹ tôi cảm ơn ông, bước ra ôtô của bà rồi khóc, sau đó lau khô nước mắt và đi làm.



Năm 1993, vào Ngày của cha đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi, báo Washington Post đăng một bài điều tra dài về cha tôi, kéo theo nhiều bài điều tra khác suốt hai tháng sau của hãng AP và các tờ báo nhỏ khác. Những bài viết xác nhận những điều mà mẹ và tôi đã biết nhưng chúng cũng đưa ra nhiều điều tôi không biết, kể cả sự kiện rằng cha tôi có thể đã ba lần cưới vợ trước khi gặp mẹ, và rõ là ông có ít nhất hai con.



Một người con khác của cha tôi được nêu tên là Leon Ritzenthaler, cựu chủ nhân một công ty chăm sóc nhà cửa ở bắc California. Trong bài báo, anh ấy kể đã viết thư cho tôi trong suốt cuộc vận động tranh cử năm 1992 nhưng không được hồi âm. Tôi không nhớ có nghe nói về thư anh ấy không…, có thể các nhân viên của tôi đã giữ nó lại, hay có thể chúng lạc trong núi thư từ chúng tôi nhận được. Dẫu sao, khi đọc được về Leon, tôi bắt liên lạc với anh và sau đó gặp anh và vợ, Judy, vào một trong những chặng dừng ở bắc California. Chúng tôi đã có một chuyến thăm tuyệt vời và từ đó chúng tôi thư từ cho nhau vào những ngày lễ. Anh ấy và tôi giống nhau, giấy khai sinh của anh nói cha của anh là cha tôi. Và tôi ước giá mà tôi biết anh sớm hơn.



Cũng đâu vào khoảng đó, tôi nhận được xác minh về những tin nói về một phụ nữ, Sharon Pettijohn, sinh ra với cái tên Sharon Lee Blythe tại Kansas City năm 1941 từ một người đàn bà mà cha đã ly dị. Bà gửi cho Betsey Wright - cựu chánh văn phòng thống đốc của tôi - giấy khai sinh của bà, giấy đăng ký kết hôn của cha mẹ bà, một tấm ảnh của cha, và một lá thư của cha gửi cho mẹ bà hỏi về “đứa con của chúng ta”. Tôi rất tiếc phải nói rằng vì một lý do nào đó mà tôi đã chẳng bao giờ gặp bà.



Tin này nổ ra năm 1993 là một cú sốc cho mẹ tôi, khi đó đang phải đấu tranh với căn bệnh ung thư, nhưng rồi bà cũng vượt qua. Bà nói giới trẻ đã làm nhiều chuyện trong thời kỳ đình trệ và chiến tranh mà người ở thời kỳ khác có thể thất vọng. Dù chuyện gì xảy ra thì cha vẫn là tình yêu của cuộc đời bà và bà không nghi ngờ gì về tình yêu của ông. Và dù gì đi nữa thì đó là tất cả những gì bà cần biết khi cuộc đời bà sắp đi vào đoạn kết. Với tôi, tôi không biết phải làm gì với tất cả những điều này, nhưng bằng cuộc đời mà tôi trải nghiệm, tôi hầu như không ngạc nhiên rằng cha tôi phức tạp hơn những bức ảnh lý tưởng mà tôi từng sống với chúng gần nửa thế kỷ qua.



Tôi luôn vội vã



... Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình, tôi chọn một số nơi đặc biệt để nói tạm biệt và chia tay với nhân dân Mỹ. Một trong những nơi đó là Chicago, nơi Hillary được sinh ra, nơi đa số những người ủng hộ tôi nhiệt thành đang sinh sống và nơi mà nhiều sáng kiến của tôi về chống tội phạm, an sinh, giáo dục chứng minh được hiệu quả. Dĩ nhiên, đó cũng là nơi cha mẹ tôi chuyển tới sống sau chiến tranh. Tôi thường đùa với Hillary rằng nếu cha tôi không mất mạng tại xa lộ Missouri đó, tôi đã lớn lên chỉ cách cô ấy có vài dặm và có thể chúng tôi sẽ chẳng bao giờ gặp nhau. Sự kiện cuối cùng của tôi xảy ra tại khách sạn Palmer House, nơi mà tôi có được tấm ảnh duy nhất cha mẹ tôi chụp cùng nhau không lâu trước khi mẹ trở lại Hope năm 1946.



Sau bài diễn văn và lời chia tay, tôi vào một căn phòng nhỏ gặp một phụ nữ, bà Mary Etta Rees, cùng hai con gái. Bà kể đã lớn lên và học cùng trường với mẹ tôi, sau đó bà dọn đi Bắc Indiana làm việc trong một ngành kỹ nghệ chiến tranh, lấy chồng, sinh con. Rồi bà trao cho tôi một món quà quý báu: bức thư của người mẹ 23 tuổi của tôi viết vào ngày sinh nhật bà cho bạn, ba tuần sau khi cha tôi chết, tức hơn 45 năm về trước... Bằng bàn tay xinh đẹp, bà viết về nỗi đau xé lòng và về quyết định tiếp tục (cuộc sống): “Dường như không thể tin được vào lúc ấy nhưng rồi bạn biết đó, mình đang mang thai sáu tháng và ý nghĩ về đứa bé đã khiến mình đứng vững và thật sự mở ra cả một thế giới trước mắt mình”.













Bill Clinton hồi nhỏ.




Mẹ tôi để lại cho tôi chiếc nhẫn cưới mà bà đã trao cho cha tôi, một vài câu chuyện cảm động, và một điều chắc chắn rằng bà yêu tôi cũng còn vì ông nữa.



Cha đã để lại cho tôi cảm xúc rằng tôi phải sống vì hai người, và nếu làm tốt điều đó thì bằng cách nào đó tôi có thể đền bù được phần đời lẽ ra ông phải có. Do biết rằng cả tôi cũng có thể chết trẻ nên tôi đã tận dụng mọi khoảnh khắc của cuộc đời mình và luôn sẵn sàng trước mọi thách đố lớn phía trước. Ngay cả khi không biết chắc phải đi về đâu, tôi cũng luôn vội




Những mối tình của Bill Clinton (3)




Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cô Monica Lewinsky tại buổi tiệc tổ chức ở Nhà Trắng năm 1996 để mừng ông Clinton tái đắc cử.




Trong khi việc học luật diễn tiến tốt đẹp thì đời sống cá nhân của tôi lại thật rối ren. Tôi vừa chia tay với một cô gái sau khi cô quyết định trở về quê làm đám cưới với anh bồ cũ. Sau đó lại có cuộc chia lìa rất đau khổ với một nữ sinh viên luật tôi rất mến nhưng cô lại không muốn sự ràng buộc...



Tôi đã bắt đầu quen với việc sống một mình và quyết định sẽ không dính líu với ai khác trong một thời gian xem sao. Thế rồi có một ngày, tôi đang ngồi ở cuối lớp của giáo sư Emerson, người dạy môn chính trị và quyền công dân, thì bỗng nhìn thấy một cô gái tôi chưa từng gặp bao giờ.



Buổi đầu gặp gỡ Hillary



Rõ ràng là cô này rất ít khi đến lớp còn hơn cả tôi nữa. Cô ta có mái tóc vàng đậm thật dày, đeo kính và gương mặt chẳng trang điểm gì cả, nhưng cô có dáng vẻ cứng cỏi và thật điềm tĩnh mà tôi ít thấy ở người nào khác, nam giới hay nữ giới. Sau buổi học, tôi đi theo cô ta với ý định tự giới thiệu mình. Khi chỉ đến sát cô ta, tôi đưa tay định vỗ nhẹ lên vai, nhưng chợt rút tay lại ngay. Linh tính mách bảo tôi biết rằng đây không chỉ là một cái vỗ vai bình thường và tôi có thể sẽ bắt đầu một điều gì đó mà không thể ngưng lại được.



Tôi gặp cô ta vài lần nữa ở trường trong mấy ngày sau đó, nhưng tôi không đến chào cô. Một tối nọ, tôi đang đứng trong thư viện phân khoa luật nói chuyện với anh bạn về việc tham gia tập san Luật của Đại học Yale.



Trong khi anh chàng đang mải mê tìm cách thuyết phục thì tôi bỗng không thể nào chú ý đến anh nữa vì chợt nhìn thấy cô ta ở góc phòng đầu kia. Và lần này cô đưa mắt nhìn lại tôi. Sau một lúc, cô gấp sách lại, bước đến nơi tôi đang đứng, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: "Nếu anh cứ đứng nhìn tôi trân trân như thế và tôi đã nhìn lại thì ít ra mình cũng nên biết tên nhau. Tên tôi là Hillary Rodham. Tên anh là gì?".



Hillary dĩ nhiên vẫn còn nhớ cuộc gặp gỡ này nhưng với lời đối thoại hơi khác một chút. Tôi quá ngạc nhiên đến nỗi không nói được lời nào trong vài giây đồng hồ. Sau cùng thì tôi cũng ấp úng nói tên mình. Chúng tôi nói vài câu xã giao, rồi sau đó cô bỏ đi.



Vài ngày sau đó, tôi đang đi xuống cầu thang trong trường luật thì gặp lại Hillary. Cô mặc một chiếc váy hoa rực rỡ dài gần chấm đất. Tôi quyết lần này phải đến nói chuyện với cô lâu hơn nữa. Hillary cho biết đang đi ghi danh cho các lớp khóa tới. Nhân cơ hội, tôi nói mình cũng định làm điều này. Hai đứa chúng tôi vừa đứng đợi trong hàng vừa nói chuyện. Tôi nghĩ là mình thật may mắn cho đến khi tới phiên gặp người nhân viên trường lo về ghi danh. Bà ta nhìn tôi và nói: "Bill, anh làm gì ở đây vậy? Anh đã ghi danh hồi sáng rồi". Mặt tôi đỏ lên như quả cà, còn Hillary thì cười thật to.



Tôi đã bị lật tẩy nên đành chữa thẹn bằng cách mời nàng cùng đi bộ đến phòng triển lãm trong trường để xem tác phẩm của Mark Rothko. Tôi quá hồi hộp đến nỗi quên rằng nhân viên nhà trường đang đình công và phòng triển lãm đóng cửa. May thay, vẫn có người đứng canh tại khu vực triển lãm. Tôi nài nỉ ông ta cho chúng tôi vào. Người gác cửa nhìn chúng tôi một lúc, có vẻ hiểu tình cảnh của hai đứa nên cũng cho chúng tôi vào. Cả phòng triển lãm tác phẩm của Mark Rothko chỉ dành cho hai người chúng tôi.



Sau khi xem triển lãm, chúng tôi ra vườn. Nơi đây có một tác phẩm của điêu khắc gia Henry Moore tạc một người phụ nữ đang ngồi. Hillary ngồi lên đùi của bức tượng, tôi ngồi cạnh nàng, nói chuyện. Chỉ một lúc sau đó, tôi nghiêng đầu qua và ngả vào vai của nàng. Đó là buổi hẹn hò đầu tiên của chúng tôi.



Mấy ngày sau đó chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Cuối tuần sau, Hillary đi lên Vermont để thăm người đàn ông mà nàng đã quen biết trước khi gặp tôi. Tôi rất lo lắng. Tôi không muốn mất nàng. Khi Hillary trở về nhà vào khuya chủ nhật, tôi gọi điện cho nàng. Hillary đang bị ốm nặng. Tôi đến thăm nàng, mang theo một ít xúp gà và nước cam. Từ đó chúng tôi không thể rời xa nhau.



Hillary không có được ngay sự thiện cảm của mẹ tôi khi bà đến thăm nàng vài tuần sau đó, một phần vì nàng mới tự cắt tóc mình ngay trước lúc mẹ đến. Với mái tóc ngắn, không trang điểm, quần jean, gót chân dính nhựa đường vì đi bộ không giày dép dọc bãi biển Milford, trông nàng giống như người đến từ hành tinh khác. Sự kiện tôi yêu Hillary đã làm mẹ tôi lo lắng. Về sau, trong cuốn hồi ký, bà tả lại nàng là cô gái "không trang điểm, đeo cặp kính dày như đít chai Coca-Cola và mái tóc màu nâu, cắt không theo một kiểu gì cả".



Nhưng dần dà thì mẹ tôi trở nên ít quan tâm hơn về bề ngoài của Hillary trong khi nàng bắt đầu chú ý nhiều hơn. Dưới dáng vẻ bề ngoài rất khác nhau, cả hai đều là những phụ nữ thông minh, cương quyết, chịu đựng và đầy nhiệt tình.



Cuộc gặp gỡ định mệnh với Monica



Trong vụ các cơ sở chính quyền tại Washington phải tạm thời giảm bớt hoạt động (vì bất đồng ý kiến liên quan đến ngân sách quốc gia) vào cuối năm 1995, thời gian mà rất ít người được phép đến làm việc tại Nhà Trắng và những người được vào thì thường ở lại làm việc rất trễ, tôi đã có một cơ hội gặp gỡ bất chính với Monica Lewinsky và đã có những lần sau đó trong thời gian từ tháng 11-1995 đến tháng 4-1996, khi cô ta rời Nhà Trắng để sang làm việc cho Lầu Năm Góc. Trong vòng 10 tháng sau đó tôi không có dịp gặp cô ta, dù thỉnh thoảng cũng có nói chuyện điện thoại với nhau.



Tháng 2-1997, Monica đã là một khách mời trong số những người tham dự cuộc thu thanh bài diễn văn thường lệ hằng tuần của tôi, sau đó tôi lại gặp riêng cô ta trong vòng 15 phút. Tôi đã ghê tởm chính mình vì đã làm điều này, và sang đến mùa xuân, khi gặp lại cô ta, tôi nói với cô rằng đây là điều sai quấy cho cá nhân tôi, cho gia đình tôi, cho chính cô và tôi không còn có thể tiếp tục như vậy được nữa. Tôi cũng nói với cô rằng cô là một người thông minh, nhiều cá tính thú vị, dễ dàng có được một cuộc sống tốt đẹp trong xã hội, và nếu cô muốn tôi sẽ luôn là bạn của cô và giúp đỡ cô.



Monica tiếp tục viếng thăm Nhà Trắng, và tôi một đôi lần cũng gặp cô nhưng không có điều gì sai trái xảy ra. Đến tháng mười, cô nhờ tôi kiếm việc tại New York và tôi đã làm điều này. Cô nhận được hai đề nghị về việc làm và đã chọn một.



Vào cuối tháng mười hai, cô đến Nhà Trắng để ngỏ lời từ giã. Khi đó cô đã nhận được lệnh gọi ra tòa làm nhân chứng trong vụ tôi bị một phụ nữ kiện. Cô cho hay không muốn ra tòa và tôi có nói rằng một số phụ nữ khi có lệnh gọi đã tránh việc bị chất vấn trước tòa bằng cách viết giấy chứng nhận nói rằng tôi không hề quấy rối tình dục họ.



Những điều gì tôi đã làm với Monica Lewinsky là thiếu đạo đức và ngu xuẩn. Tôi rất xấu hổ về điều này và tôi không muốn câu chuyện vỡ lở ra ngoài. Trong lời khai khi bị chất vấn, tôi chỉ muốn bảo vệ gia đình và chính bản thân mình vì hành động ngu xuẩn của tôi.




Thời thơ ấu của Bill Clinton (4)





Bill Clinton tự giới thiệu trong buổi gặp gỡ tổng thống Kennedy, khi tham gia đoàn đại biểu thanh niên gặp gỡ tổng thống Mỹ.
Bill Clinton tự giới thiệu trong buổi gặp gỡ tổng thống Kennedy, khi tham gia đoàn đại biểu thanh niên gặp gỡ tổng thống Mỹ.




Lớn lên giữa tình thương và những dằn vặt nội tâm, trong Bill Clinton đã phát triển một tâm lý phức tạp, đan xen những thành ý và dục vọng đen tối. Sau này, khi ông trở thành tổng thống Mỹ rồi vụ việc Monica diễn ra, mẹ ông có lần đã nửa đùa nửa thật: “Nếu ngoan hơn một chút, thì con tôi trở thành một ông thánh được đấy”.



Bill Clinton đã kể lại về tuổi thơ trong Đời tôi.



Ba tình thương yêu



Khoảng một năm sau, mẹ tôi quyết định về lại Bệnh viện Charity Hospital ở New Orleans, nơi bà đã từng thực tập ngành y tá gây mê. Ngày xưa, các bác sĩ phải tự gây mê cho bệnh nhân, do đó nhu cầu y tá ngành này cũng rất cao, mang lại sự nể vì cho mẹ và thêm tiền bạc cho gia đình chúng tôi, nhưng chắc mẹ cũng rất buồn vì phải xa tôi. Nhưng cạnh đó, thành phố New Orleans là nơi có rất nhiều cám dỗ ngay sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt. Tôi nghĩ rằng nơi đây cũng không quá tệ đối với một góa phụ trẻ đẹp đang muốn tìm quên nỗi buồn phiền.



Tôi chỉ đi thăm mẹ được đúng 2 lần khi bà ngoại đưa tôi đi bằng xe lửa đến New Orleans. Lúc đó tôi chỉ mới 3 tuổi, nhưng tôi nhớ rất rõ hai điều: đầu tiên là chúng tôi ở đối diện con đường Canal, gần khu Pháp, trong tầng trên của khách sạn Jung. Đây là tòa nhà cao hơn hai tầng mà tôi được bước vào lần đầu tiên trong đời. Tôi vẫn còn nhớ lại sự sững sờ khi từ trên lầu cao nhìn xuống ánh đèn ở khắp cả thành phố vào ban đêm. Tôi không nhớ đã được mẹ dẫn đi đâu tại New Orleans trong những lần đó. Nhưng tôi không thể nào quên được có một lần khi tôi bước lên xe lửa để trở về nhà, mẹ quì xuống bên cạnh đường ray xe lửa và khóc khi vẫy tay từ biệt. Đến lúc này hình ảnh đó vẫn còn hiển hiện trong đầu tôi, mẹ quì xuống khóc, như chỉ mới ngày hôm qua.



Thời gian mẹ ở New Orleans thì ông bà ngoại lo nuôi nấng tôi. Ông bà ngoại rất yêu thương tôi; chỉ có điều đáng buồn là họ yêu thương tôi - hay trong trường hợp của bà ngoại, là yêu thương mẹ tôi - hơn cả họ yêu thương nhau. Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn không biết gì về điều này khi còn nhỏ. Tôi chỉ biết là tôi được sự thương yêu của mọi người. Về sau này, khi bắt đầu tìm hiểu về đời sống của trẻ nhỏ lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, tôi mới thấy mình thật may mắn. Vì với tất cả những thứ ma quỉ trong đời sống riêng của từng người, ông bà ngoại và mẹ tôi luôn tìm cách làm cho tôi cảm thấy tôi là người quan trọng nhất trong đời họ. Phần lớn các đứa trẻ sẽ đứng vững được nếu có ít nhất một người thương yêu chúng như thế. Phần tôi, tôi có đến ba người.



Bà ngoại là người rất vui tính và có giọng cười to nhưng bà cũng là người dễ cáu kỉnh, bực bội, chán nản và những nỗi ám ảnh mà ngay cả chính bà cũng chỉ hiểu được lờ mờ. Khi giận dữ, bà trút tất cả mọi thứ lên ông ngoại và mẹ tôi.



Ông ngoại có tính hào phóng và rất thương người. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái của thập niên 1930, thời gian mà ai cũng nghèo khổ, ông cho bọn trẻ trong phố lên xe chở nước đá đi giao hàng với ông để chúng có việc làm, khỏi tụ tập hư hỏng. Mỗi đứa được trả công 25 xu mỗi ngày. Năm 1976, khi tôi về lại thành phố Hope để vận động tranh cử chức bộ trưởng tư pháp tiểu bang, tôi đã được gặp một người trong số bọn trẻ này, đó là thẩm phán John Wilson. Ông lớn lên và trở thành một luật sư rất thành đạt, nhưng ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm của thời đó.



Ông kể cho tôi hay có lần vào cuối ngày, khi ông ngoại trả công bằng đồng 25 xu như thường lệ, John Wilson đã xin được đổi lấy hai đồng 10 xu và một đồng 5 xu để tạo cảm tưởng rằng mình có nhiều tiền. Trên đường về nhà, John Wilson khua leng keng mấy đồng tiền trong túi. Nhưng vì khua quá mạnh, một đồng 10 xu đã bị văng ra ngoài. John bỏ ra cả mấy tiếng đồng hồ để cố tìm nhưng không thấy đồng xu này đâu cả. 40 năm sau, John nói với tôi là ông không bao giờ quên chú ý tìm đồng 10 xu đó mỗi khi có dịp đi lại con phố này.



Người cha dượng



Sau một năm ở New Orleans, mẹ trở về Hope để kiếm việc làm và nhất là để được gần tôi. Trong thời gian ở New Orleans và ngay sau khi đã về đến Hope, mẹ vẫn liên hệ với một người đàn ông, chủ một tiệm bán xe hơi Buick. Ông tên là Roger Clinton. Mẹ thích Roger vì ông để ý chăm sóc tôi và rất tốt bụng. Ông trả tiền xe cho mẹ để mẹ về thăm tôi mấy lần khi còn ở New Orleans và có lẽ ông cũng trả tiền cho hai chuyến đi xe lửa của bà ngoại và tôi mỗi khi đi thăm mẹ.



Mẹ và Roger thành hôn tại Hot Springs vào tháng 6/1950, lúc đó mẹ mới vừa 27 tuổi. Sau đó mẹ và tôi dọn vào ở chung với cha dượng, người mà tôi ít lâu sau sẽ gọi là bố. Và không lâu sau đó, tôi bắt đầu gọi tên mình là Billy Clinton. Lúc 2 người mới cưới, bố rõ ràng là đã cố gắng để gần gũi tôi hơn. Nhưng trong cuộc sống này có nhiều điều rất quý giá đối với tôi chỉ xảy ra có một lần và không bao giờ lặp lại nữa. Như lần duy nhất bố và tôi đi xem trận bóng chày ở St. Louis, lần duy nhất chúng tôi đi câu cá với nhau, lần duy nhất chúng tôi vào rừng để chặt cây thông mang về cho dịp lễ Giáng sinh, lần duy nhất cả nhà cùng nhau nghỉ hè ở nơi xa.



Roger Clinton yêu thương mẹ và tôi, nhưng ông không bao giờ thoát ra được khỏi bóng tối của sự ngờ vực chính mình, sự yên ổn giả tạo khi nhậu say bí tỉ và sự cô lập cũng như những lời chửi rủa của mẹ khiến ông không bao giờ có thể thành người đàn ông tốt như ông muốn.



Một tối nọ, sự tự hủy hoại vì say rượu của ông đã lên đến cực độ trong một cuộc cãi cọ dữ dội với mẹ mà tôi không thể nào quên được. Mẹ muốn vào bệnh viện thăm bà ngoại, lúc này đang bị bệnh và không còn sống được bao lâu nữa. Bố không cho mẹ đi. Hai người to tiếng cãi cọ với nhau trong phòng ngủ phía sau nhà. Không hiểu vì lý do gì đó, tôi bước ra ngoài hành lang và đến đứng trước cửa phòng ngủ. Và ngay lúc đó, bố rút súng bắn về hướng mẹ. Viên đạn xuyên qua tường, ngay bên cạnh nơi mẹ và tôi đang đứng. Tôi đờ người ra vì sợ hãi. Trong đời tôi chưa hề nghe tiếng súng bao giờ. Mẹ nắm lấy tôi, chạy băng qua đường vào nhà người hàng xóm. Cảnh sát được gọi đến. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh cảnh sát còng tay bố dẫn đi, giam trong tù qua đêm.



Tôi tin chắc rằng bố không bao giờ muốn làm hại mẹ và ông sẽ chết đi được nếu chẳng may viên đạn trúng tôi hoặc mẹ tôi. Nhưng có một điều gì đó, độc hại hơn cả rượu, đã đưa ông đến mức suy đồi như thế. Phải mất một thời gian rất lâu tôi mới có thể hiểu được sức mạnh của sự suy đồi này ở tôi hay ở những người khác. Khi bố được thả ra khỏi tù, ông trở nên tỉnh táo hẳn ra và cảm thấy thật hổ thẹn trong cả một thời gian dài sau đó.




Hai cách nhìn thế giới (5)






Bush và Clinton trong ngày chuyển giao quyền lực.




Trong khi tôi đang gặp hai ông Chirac (Tổng thống Pháp) và Prodi (Chủ tịch Ủy ban châu Âu), thì nhóm lo vấn đề Trung Đông bắt đầu họp tại phi trường quân sự Bolling ở Washington, Hillary đón tiếp bà Laura Bush tại Nhà Trắng, và gia đình chúng tôi đi kiếm nhà tại Washington.



Ngày sau đó, tân Tổng thống Bush đến Nhà Trắng để có cuộc họp cũng cùng một mục đích như cuộc họp tôi đã có với cha ông ta tám năm trước. Chúng tôi nói chuyện về cuộc tranh cử, về hoạt động của Nhà Trắng và vấn đề an ninh quốc gia. Ông Bush đã thành lập một nhóm phụ tá đầy kinh nghiệm gồm những người đã từng tham dự các chính phủ Đảng Cộng hòa trước đây. Họ tin rằng những vấn đề an ninh lớn nhất là Iraq và nhu cầu phải có một hệ thống phòng thủ chống tên lửa cấp quốc gia.



Tôi nói với ông Bush rằng dựa trên những tin tức có được trong tám năm qua, tôi nghĩ những vấn đề an ninh lớn nhất mà ông sẽ phải đương đầu theo thứ tự sẽ là: Osama Bin Laden và Al Qaeda; vấn đề chưa có được thỏa ước hòa bình tại Trung Đông; cuộc đối đầu giữa hai cường quốc nguyên tử Ấn Độ và Pakistan; mối liên hệ giữa Pakistan với Taliban và Al Qaeda; CHDCND Triều Tiên; và sau cùng mới đến Iraq.



Tôi cho rằng sự thất vọng lớn nhất của tôi là đã không bắt được Bin Laden, nhưng chúng tôi vẫn còn có thể đạt được một thỏa ước hòa bình tại Trung Đông; và tôi sắp sửa có được một thỏa thuận với Bắc Hàn để chấm dứt chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử, nhưng ông Bush có thể sẽ phải thân chinh đến tận nơi để đạt được thỏa thuận này.



Ông Bush ngồi yên nghe tôi nói chuyện mà không nêu ý kiến gì, sau đó ông đổi đề tài sang cách tôi cầm quyền trong những năm qua. Sau đó chúng tôi nói thêm một chút nữa về các vấn đề chính trị.



Tổng thống Bush là một chính trị gia khôn khéo trong năm 2000, ông tạo được sự hậu thuẫn cho mình nhờ những lời phát biểu có tính cách ôn hòa đi cùng với việc đưa ra những đề nghị có tính cách rất bảo thủ. Lần đầu tiên tôi xem ông ta đọc bài diễn văn "bảo thủ có lòng nhân" tại Iowa, tôi biết rằng ông ta có cơ thắng cử.



Sau các cuộc bầu cử sơ bộ, ông ta đã sai lầm khi có lập trường nghiêng hẳn về cánh hữu và do vậy đã tụt hạng trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri. Nhưng ông Bush đã kịp thời bước về phía giữa bằng cách làm dịu những lời phát biểu của mình, kêu gọi quốc hội với đa số Cộng hòa đừng tìm cách cân bằng ngân sách qua cắt giảm chi tiêu dành cho người nghèo, và cũng bày tỏ sự ủng hộ một số quan điểm liên quan đến chính sách ngoại giao quốc tế của tôi.



... Tôi đã để ý rất kỹ những gì hai ông Bush và Cheney tuyên bố trong cuộc tranh cử. Tôi biết cách họ nhìn thế giới này rất khác với tôi và sẽ làm mọi điều để thay đổi những gì tôi đưa ra trước đây, nhất là trong lĩnh vực chính sách kinh tế và môi sinh. Tôi đoán rằng họ sẽ đưa ra những đề nghị giảm thuế lớn lao và chẳng bao lâu thì chúng ta sẽ trở lại thời kỳ thâm thủng ngân sách trầm trọng của thập niên 1980.



Và dù cho Tổng thống Bush có nói rất hay về vấn đề giáo dục, ông sẽ gặp áp lực để phải cắt giảm chi tiêu trong nước, kể cả giáo dục và an sinh xã hội, các chương trình giúp trẻ em sau giờ học, đưa thêm cảnh sát viên đi tuần trên đường phố, các chương trình nghiên cứu và môi sinh. Nhưng mà thôi, giờ đây những chuyện đó chẳng còn là vấn đề của tôi.



Cú bắt tay lịch sử (6)






Cú bắt tay lịch sử.




Ngày 10/9/1993, tôi loan báo rằng lãnh đạo Do Thái và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) sẽ ký thỏa ước tại Nhà Trắng. Vài ngày trước lễ ký, báo chí hỏi tôi rằng liệu Arafat có được tiếp đón tại Nhà Trắng hay không. Tôi nói là điều này tùy thuộc vào các phe quyết định xem ai sẽ đại diện cho họ tại buổi lễ.



Thế nhưng trong lòng tôi rất muốn cả hai ông Yitzhak Rabin (thủ tướng Israel) và Yasser Arafat (lãnh đạo Palestine) cùng hiện diện vì nếu họ không có mặt thì không ai trong vùng Trung Đông tin rằng họ hoàn toàn sẵn sàng thi hành những điều căn bản vừa thỏa thuận xong.



Nhìn lại, sự kiện cả hai ông Arafat và Rabin cùng có mặt không phải là điều dễ dàng. Vào thời điểm đó, nó là cả một sự mạo hiểm cho họ vì không biết phản ứng của dân chúng hai bên sẽ như thế nào. Cả khi có đa số đồng ý, họ vẫn phải đối đầu với những thành phần quá khích, dễ dàng bị khích động bởi những tương nhượng trên các vấn đề căn bản.



Sáng ngày ký kết (13/9), chúng tôi chỉ có hai trở ngại nhỏ. Khi tôi được cho biết là Chủ tịch Arafat sẽ đến tham dự trong y phục quen thuộc của ông, bộ quân phục màu xanh ôliu, khăn quấn đầu kaffiyeh và khẩu súng lục bên hông. Tôi không chịu và chuyển lời đến phía PLO là ông Arafat không được mang súng đến địa điểm ký kết. Ông Arafat đến đây để cùng tạo dựng hòa bình và việc mang khẩu súng bên người sẽ đưa ra một hình ảnh sai lầm. Ông Arafat đồng ý là sẽ không mang theo súng. Phía Palestine không chịu để gọi trong văn bản ký kết là "phái đoàn Palestine" mà phải gọi là PLO. Phía Do Thái cũng phải chấp nhận điều này.



Lại còn vấn đề nữa là liệu hai ông Rabin và Arafat có bắt tay nhau hay không? Tôi biết là ông Arafat rất muốn làm điều này. Trước khi đến Washington, ông Rabin cho hay sẽ bắt tay "nếu cần thiết" nhưng tôi thấy rõ là ông thật sự không muốn làm điều đó.



Khi ông Rabin đến Nhà Trắng, tôi lại nêu vấn đề này lên. Ông Rabin cho hay ông ngần ngại do đã có nhiều người Do Thái bỏ mạng vì ông Arafat. Tôi có nói với ông Rabin rằng nếu ông ta thật sự mong mỏi có hòa bình, ông phải bắt tay Arafat để chứng tỏ điều này. "Cả thế giới sẽ quan sát hai ông và cái bắt tay là điều mọi người trông đợi". Ông Rabin sau cùng cũng chấp thuận nhưng lại đưa ra điều kiện "không được ôm hôn". Truyền thống của người ẢRập là hôn lên má người đối diện, và ông Rabin không muốn điều này xảy ra.



Tôi biết ông Arafat là người rất có tài hành xử trước ống kính và có thể sẽ tìm cách hôn ông Rabin sau cái bắt tay. Chúng tôi nghĩ rằng nếu Arafat không hôn được tôi thì sẽ không tìm cách hôn ông Rabin. Có người chỉ cho tôi cách bắt tay với ông Arafat mà vẫn có thể tránh không để bị hôn. Khi ông Arafat bắt tay tôi và tiến đến chuẩn bị hôn, tôi sẽ dùng tay trái nắm lấy cánh tay chỗ khuỷu bên phải của ông ta và giữ ông lại. Chúng tôi thực tập cách này cho đến khi thuần thục. Mọi người có vẻ coi đây là chuyện khôi hài nhưng tôi biết, đối với ông Rabin, đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng.



Trước khi bước xuống thang lầu để ra nơi hành lễ, khi chỉ còn lại hai ông Arafat, Rabin và tôi, ông Arafat ngỏ lời chào ông Rabin và chìa tay ra trước. Ông Rabin chắp tay sau lưng và trả lời một cách nghiêm trọng: "Ra ngoài kia". Ông Arafat chỉ mỉm cười và gật đầu ra chiều thông cảm. Ông Rabin nói tiếp: "Ông biết không, chúng ta sẽ phải cố gắng hết sức để thỏa ước này thành công". Ông Arafat trả lời: "Tôi biết, và tôi sẵn sàng làm phần việc của mình".



Chúng tôi bước ra ngoài, dưới ánh nắng ấm của một ngày cuối hạ. Sau phần diễn văn, và khi phần ký kết đã xong, mọi người đều hướng đến chúng tôi. Ông Arafat đứng bên trái của tôi và ông Rabin đứng bên phải. Tôi bắt tay với ông Arafat, thực hành đúng điều đã thực tập, rồi quay sang bắt tay ông Rabin. Sau đó, tôi đứng lùi về phía sau và dang rộng đôi tay để kéo hai người lại với nhau. Ông Arafat chìa tay ra, trong khi ông Rabin vẫn còn có vẻ ngần ngại. Khi ông Rabin đưa tay ra, đám đông ồ lên một tiếng và tiếp theo là một tràng pháo tay giòn giã.






Cú bắt tay lịch sử.




Ngày 10/9/1993, tôi loan báo rằng lãnh đạo Do Thái và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) sẽ ký thỏa ước tại Nhà Trắng. Vài ngày trước lễ ký, báo chí hỏi tôi rằng liệu Arafat có được tiếp đón tại Nhà Trắng hay không. Tôi nói là điều này tùy thuộc vào các phe quyết định xem ai sẽ đại diện cho họ tại buổi lễ.



Thế nhưng trong lòng tôi rất muốn cả hai ông Yitzhak Rabin (thủ tướng Israel) và Yasser Arafat (lãnh đạo Palestine) cùng hiện diện vì nếu họ không có mặt thì không ai trong vùng Trung Đông tin rằng họ hoàn toàn sẵn sàng thi hành những điều căn bản vừa thỏa thuận xong.



Nhìn lại, sự kiện cả hai ông Arafat và Rabin cùng có mặt không phải là điều dễ dàng. Vào thời điểm đó, nó là cả một sự mạo hiểm cho họ vì không biết phản ứng của dân chúng hai bên sẽ như thế nào. Cả khi có đa số đồng ý, họ vẫn phải đối đầu với những thành phần quá khích, dễ dàng bị khích động bởi những tương nhượng trên các vấn đề căn bản.



Sáng ngày ký kết (13/9), chúng tôi chỉ có hai trở ngại nhỏ. Khi tôi được cho biết là Chủ tịch Arafat sẽ đến tham dự trong y phục quen thuộc của ông, bộ quân phục màu xanh ôliu, khăn quấn đầu kaffiyeh và khẩu súng lục bên hông. Tôi không chịu và chuyển lời đến phía PLO là ông Arafat không được mang súng đến địa điểm ký kết. Ông Arafat đến đây để cùng tạo dựng hòa bình và việc mang khẩu súng bên người sẽ đưa ra một hình ảnh sai lầm. Ông Arafat đồng ý là sẽ không mang theo súng. Phía Palestine không chịu để gọi trong văn bản ký kết là "phái đoàn Palestine" mà phải gọi là PLO. Phía Do Thái cũng phải chấp nhận điều này.



Lại còn vấn đề nữa là liệu hai ông Rabin và Arafat có bắt tay nhau hay không? Tôi biết là ông Arafat rất muốn làm điều này. Trước khi đến Washington, ông Rabin cho hay sẽ bắt tay "nếu cần thiết" nhưng tôi thấy rõ là ông thật sự không muốn làm điều đó.



Khi ông Rabin đến Nhà Trắng, tôi lại nêu vấn đề này lên. Ông Rabin cho hay ông ngần ngại do đã có nhiều người Do Thái bỏ mạng vì ông Arafat. Tôi có nói với ông Rabin rằng nếu ông ta thật sự mong mỏi có hòa bình, ông phải bắt tay Arafat để chứng tỏ điều này. "Cả thế giới sẽ quan sát hai ông và cái bắt tay là điều mọi người trông đợi". Ông Rabin sau cùng cũng chấp thuận nhưng lại đưa ra điều kiện "không được ôm hôn". Truyền thống của người ẢRập là hôn lên má người đối diện, và ông Rabin không muốn điều này xảy ra.



Tôi biết ông Arafat là người rất có tài hành xử trước ống kính và có thể sẽ tìm cách hôn ông Rabin sau cái bắt tay. Chúng tôi nghĩ rằng nếu Arafat không hôn được tôi thì sẽ không tìm cách hôn ông Rabin. Có người chỉ cho tôi cách bắt tay với ông Arafat mà vẫn có thể tránh không để bị hôn. Khi ông Arafat bắt tay tôi và tiến đến chuẩn bị hôn, tôi sẽ dùng tay trái nắm lấy cánh tay chỗ khuỷu bên phải của ông ta và giữ ông lại. Chúng tôi thực tập cách này cho đến khi thuần thục. Mọi người có vẻ coi đây là chuyện khôi hài nhưng tôi biết, đối với ông Rabin, đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng.



Trước khi bước xuống thang lầu để ra nơi hành lễ, khi chỉ còn lại hai ông Arafat, Rabin và tôi, ông Arafat ngỏ lời chào ông Rabin và chìa tay ra trước. Ông Rabin chắp tay sau lưng và trả lời một cách nghiêm trọng: "Ra ngoài kia". Ông Arafat chỉ mỉm cười và gật đầu ra chiều thông cảm. Ông Rabin nói tiếp: "Ông biết không, chúng ta sẽ phải cố gắng hết sức để thỏa ước này thành công". Ông Arafat trả lời: "Tôi biết, và tôi sẵn sàng làm phần việc của mình".



Chúng tôi bước ra ngoài, dưới ánh nắng ấm của một ngày cuối hạ. Sau phần diễn văn, và khi phần ký kết đã xong, mọi người đều hướng đến chúng tôi. Ông Arafat đứng bên trái của tôi và ông Rabin đứng bên phải. Tôi bắt tay với ông Arafat, thực hành đúng điều đã thực tập, rồi quay sang bắt tay ông Rabin. Sau đó, tôi đứng lùi về phía sau và dang rộng đôi tay để kéo hai người lại với nhau. Ông Arafat chìa tay ra, trong khi ông Rabin vẫn còn có vẻ ngần ngại. Khi ông Rabin đưa tay ra, đám đông ồ lên một tiếng và tiếp theo là một tràng pháo tay giòn giã.




Bill Clinton và Boris Yeltsin (7)





Ông Yeltsin và Clinton.




Cuối tháng 4/1994, cựu tổng thống Richard Nixon qua đời, đúng một tháng một ngày sau khi viết cho tôi một bức thư rất đặc biệt, dài bảy trang, về chuyến đi của ông tại Nga, Ukraine, Đức và Anh [...].



Ông lo ngại về tình hình chính trị của tổng thống Yeltsin và tinh thần bài Mỹ đang gia tăng trong Viện Đuma (1). Ông kêu gọi tôi hãy quan hệ thân thiện với ông Yeltsin nhưng cũng nên giữ liên lạc với những thành phần dân chủ tại Nga; cải thiện mục tiêu và cách điều hành viện trợ quốc tế của Mỹ; và đưa một doanh gia lên điều hành việc vận động nhiều đầu tư của các công ty tư nhân vào Nga.




Ông Yeltsin và Clinton.




Cuối tháng 4/1994, cựu tổng thống Richard Nixon qua đời, đúng một tháng một ngày sau khi viết cho tôi một bức thư rất đặc biệt, dài bảy trang, về chuyến đi của ông tại Nga, Ukraine, Đức và Anh [...].



Ông lo ngại về tình hình chính trị của tổng thống Yeltsin và tinh thần bài Mỹ đang gia tăng trong Viện Đuma (1). Ông kêu gọi tôi hãy quan hệ thân thiện với ông Yeltsin nhưng cũng nên giữ liên lạc với những thành phần dân chủ tại Nga; cải thiện mục tiêu và cách điều hành viện trợ quốc tế của Mỹ; và đưa một doanh gia lên điều hành việc vận động nhiều đầu tư của các công ty tư nhân vào Nga.




Nixon cho rằng nhân vật quốc gia quá khích Zhirinovsky (2) nên bị lột mặt nạ "vì những sự giả dối của ông ta", rằng chúng tôi nên "tìm cách chia rẽ bọn xấu như Zhirinovsky, Rutskoi (3) và tìm cách kết hợp những người tốt như Chernomyrdin (4), Yavlinski, Shahrai, Travkin (5) để có một mặt trận thống nhất cho việc cải cách ở nước Nga". Sau cùng, Nixon cũng khuyên Mỹ không nên trải tiền viện trợ ra khắp Liên bang Xô Viết cũ mà chỉ chú trọng đến Ukraine ngoài nước Nga, vì Ukraine là "không thể thiếu được".



Tháng 12/1994, tôi đến Budapest, Hungary và chỉ ở lại trong vòng tám giờ để tham dự cuộc họp về an ninh và hợp tác tại châu Âu và ký một loạt thỏa ước về giải giới hạt nhân với Yeltsin, thủ tướng Major (6) và các tổng thống của Ukraine, Kazakhstan, Belarus. Việc này đáng lẽ sẽ đưa đến những thông tin lạc quan của giới truyền thông [...].



Thế nhưng, từ Budapest, các tin tức nóng hổi lại là việc ông Yeltsin đọc bài diễn văn chỉ trích tôi đã thay Chiến tranh Lạnh bằng "hòa bình lạnh" khi tìm cách thúc đẩy khối NATO thu nhận các quốc gia Trung Âu để nhanh chóng mở rộng.



Vì không ngờ ông Yeltsin có thái độ này, hơn nữa là ông lên tiếng sau bài diễn văn của tôi, tôi rất ngạc nhiên và giận dữ. Tôi không hiểu đã làm điều gì để ông Yeltsin bực mình và cũng không có cơ hội để trả lời. Rõ ràng các phụ tá của ông Yeltsin đã làm cho ông ta tin rằng NATO sẽ nhận Ba Lan, Hungary và Czech vào năm 1996 - thời điểm mà ông phải ra tranh cử với thành phần quốc gia quá khích, những người không muốn thấy có sự bành trướng của NATO; còn tôi thì sẽ phải đối đầu với phía Đảng Cộng hòa ở Mỹ, những người ủng hộ việc này. [...]



Đầu năm 1997, tôi đi Helsinki để gặp Yeltsin. Ông ta vừa tái đắc cử và NATO sắp sửa bỏ phiếu thu nhận Ba Lan, Hungary và Czech. Chúng tôi phải nghĩ ra một phương cách nào đó để hai bên có thể thỏa thuận được với nhau. Tại bữa dạ tiệc do tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari khoản đãi, tôi cảm thấy mừng là ông Yeltsin có thái độ thân thiện và khỏe mạnh sau ca mổ tim vừa qua.



Sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu làm việc. Khi tôi nói với Yeltsin rằng tôi muốn cả hai điều, bành trướng khối NATO và ký một thỏa ước với Nga, ông đã đòi hỏi tôi phải bí mật hứa với ông là giới hạn sự phát triển trong tương lai của khối NATO đến các quốc gia trong khối Warsaw mà thôi, và chừa ra những quốc gia từng ở trong Liên bang Xô viết cũ như các quốc gia vùng Baltic và Ukraine.



Tôi nói rằng tôi không thể nào làm như vậy vì trước hết là không thể giữ bí mật mãi được, thứ đến là làm như vậy sẽ làm thương tổn uy tín của cả hai bên. Sự phát triển của NATO ngày nay không để chống Nga mà để đương đầu với những mối đe dọa mới cho hòa bình và sự ổn định tại châu Âu.



Nhưng Boris Yeltsin vẫn sợ về những phản ứng nội bộ trong nước liên quan đến việc bành trướng của khối NATO. Có một lúc, khi chỉ có hai người, tôi hỏi riêng Yeltsin: "Boris, ông thật sự nghĩ là tôi sẽ để cho NATO từ các căn cứ ở Ba Lan đánh vào nước Nga hay sao?". "Không - ông ta trả lời - Tôi không sợ, nhưng có rất nhiều người lớn tuổi sống ở vùng tây nước Nga và họ thật sự tin tưởng vào các lời nói của Zyuganov (7)".



Ông Yeltsin nhắc cho tôi nhớ rằng không giống như Hoa Kỳ, nước Nga đã hai lần bị xâm lăng - từ Napoléon và Hitler - và cơn sốc của hai cuộc xâm lăng này vẫn còn đè nặng lên tâm lý của người dân Nga; do đó cũng ảnh hưởng đến chính sách nội bộ.



Tôi nói với ông Yeltsin rằng nếu ông đồng ý để cho NATO phát triển và có được sự hợp tác giữa NATO với Nga, tôi sẽ cương quyết không để việc bố trí quân NATO hay đặt tên lửa trong các quốc gia thành viên mới, đồng thời sẽ hỗ trợ Nga để trở thành hội viên của khối G-8, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác. Nhờ sự tương nhượng lẫn nhau này, chúng tôi đã có thể ký kết một thỏa ước chung.



Là tổng thống Mỹ đầu tiên của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, Bill Clinton đã đứng trước bài toán làm sao lèo lái nước Nga mới theo quĩ đạo của Mỹ.



Ghi Chú:
Hồi ký "Đời tôi" cho thấy sự can thiệp rất sâu của chính quyền Clinton vào nền chính trị Nga, kể cả vấn đề nhân sự. Tổng thống Boris Yeltsin đã buộc phải có hàng loạt thỏa hiệp với Mỹ để chống đỡ nền kinh tế trên đà sụp đổ và làn sóng phản ứng trong nước. Đọc Đời tôi, người ta hiểu rõ hơn trong bối cảnh nào mà NATO đã mở rộng sang phía đông, lá bài cuối cùng trong việc hoàn tất một thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. 




Ngày cuối cùng trong Nhà Trắng (8)




Khi tôi trở về nơi cư trú của mình thì trời đã khuya mà chúng tôi vẫn chưa dọn xong đồ đạc. Chỗ nào cũng thấy nào thùng, nào hộp, và tôi cũng chưa quyết định là sẽ gửi thùng quần áo mình đi đâu - New York, Washington hay Arkansas.



Hillary và tôi đều không muốn đi ngủ đêm nay. Chúng tôi chỉ muốn lang thang từ phòng này sang phòng khác. Chúng tôi cảm thấy thật vinh dự khi được sống trong Nhà Trắng đêm sau cùng cũng như đêm đầu tiên chúng tôi trở về đây sau bữa dạ tiệc mừng ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Thật không ngờ chúng tôi đã ở đây tám năm và nay mọi sự đã đến đoạn kết.



... Quá nửa đêm, tôi quay lại phòng Bầu dục để dọn dẹp, sắp xếp và trả lời vài bức thư. Ngồi một mình ở bàn giấy, tôi nghĩ đến tất cả những gì đã xảy ra trong tám năm qua và nhận ra rằng tất cả đi qua quá nhanh. Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ chứng kiến việc chuyển giao quyền hành và rời nơi đây.



Hillary, Chelsea và tôi sẽ cùng lên chiếc phi cơ Air Force One lần sau cùng với phi hành đoàn tài giỏi đã từng đưa chúng tôi đến mọi góc trời xa lạ của trái đất này... Tôi trông đợi việc bắt đầu cuộc đời mới của mình, xây dựng thư viện Clinton, làm việc thiện, giúp Hillary và có thêm nhiều thì giờ để đọc sách, chơi golf, nghe nhạc và đi chơi thăm thú mọi nơi mà chẳng cần vội vàng. Tôi biết mình còn có thể vui hưởng cuộc đời và tin rằng nếu giữ được sức khỏe thì vẫn còn làm được nhiều điều hữu ích lắm.



Món quà để lại cho tân Tổng thống Bush




Tôi nghĩ đến việc viết lại một vài dòng cho Tổng thống Bush trong phòng Bầu dục như cha của ông đã làm cho tôi tám năm trước đây. Tôi muốn lịch sự và khuyến khích như Tổng thống George Bush đã đối với tôi khi trước. Chẳng bao lâu nữa, George W. Bush sẽ trở thành tổng thống của tất cả mọi người dân Mỹ và tôi muốn chúc ông mọi sự tốt lành. Tôi đã nghe kỹ những gì hai ông Bush và Cheney phát biểu trong cuộc tranh cử và tôi biết họ nhìn thế giới này thật khác hẳn với cái nhìn của tôi...



Tôi nghĩ đến những mối quan hệ quốc tế mà tôi đã hình thành sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, có thể sẽ bị căng thẳng bởi cách đối xử một chiều của Đảng Cộng hòa... Tôi không thể kiểm soát những gì sẽ xảy ra cho các chính sách và chương trình của tôi, cũng như không thể nào gây ảnh hưởng được đối với những lời phê phán hơi sớm sủa về sự nghiệp tổng thống của tôi...



Lịch sử nước Mỹ, từ cuối Chiến tranh Lạnh đến đầu thiên niên kỷ, đã được viết đi viết lại nhiều lần. Điều duy nhất đáng kể đối với tôi về thời kỳ làm tổng thống là tôi đã làm được việc cho dân chúng Mỹ hay không, trong một thời đại hoàn toàn mới lạ của sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu.



...Trong đêm sau cùng của tôi trong phòng Bầu dục, nay đã trống trải, tôi nghĩ đến cái hộp bằng thủy tinh tôi để trên chiếc bàn nhỏ giữa hai chiếc ghế dài gần đó. Chiếc hộp này đựng một cục đá mặt trăng mà phi hành gia Neil Armstrong mang về từ năm 1969. Mỗi khi có một cuộc tranh luận gay gắt nào trong phòng Bầu dục, tôi sẽ ngăn mọi người lại và nói: "Quý vị có nhìn thấy cục đá đó không? Cục đá đó đã tồn tại 3,6 tỉ năm rồi đó. Chúng ta chỉ là những người đi qua cuộc đời này thôi. Vậy thì hãy bình tĩnh và ngồi xuống làm việc với nhau".



Buổi sáng hôm sau, tôi trở lại phòng Bầu dục để viết bức thư ngắn cho Tổng thống Bush. Hillary cũng bước xuống phòng này. Chúng tôi nhìn ra ngoài cửa sổ thật lâu để nhớ lại những kỷ niệm mà chúng tôi đã chia sẻ. Sau đó vợ tôi rời khỏi phòng để tôi viết lá thư. Khi đặt bức thư viết xong lên bàn, tôi gọi các nhân viên đến để nói lời từ biệt. Chúng tôi ôm lấy nhau, cười, rơi nước mắt và chụp vài tấm hình. Sau đó, tôi bước ra khỏi phòng Bầu dục lần sau cùng.



Khi tôi bước ra ngoài cửa với đôi tay rộng mở, tôi đã thấy giới nhà báo chờ đón để ghi lại hình ảnh này. Tôi bước xuống để cùng Hillary, Chelsea và gia đình ông Gore chào đón người kế vị. Khoảng 10h30, gia đình ông Bush và Cheney đến. Chúng tôi cùng uống cà phê, trò chuyện trong vòng vài phút, sau đó cả tám người chúng tôi đứng lên bước vào xe. Tôi đi cùng ông George W. Bush dọc theo đại lộ Pennsylvania để đến tòa nhà quốc hội.



... Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ nữa thôi, việc chuyển giao quyền hành thật ôn hòa đã giữ cho đất nước chúng ta được tự do hơn 200 năm nay sẽ lại xảy ra một lần nữa. Gia đình chúng tôi từ giã tân đệ nhất gia đình (First Family) và lên xe đến phi trường Andrews để bay chuyến bay cuối trên chiếc phi cơ không còn là Air Force One nữa.



Sau tám năm làm tổng thống và nửa cuộc đời làm chính trị, tôi lại trở thành một người dân bình thường, nhưng rất biết ơn, vẫn lo lắng cho đất nước của tôi và vẫn nghĩ đến ngày mai. 



Ghi Chú:
Clinton đã rời Nhà Trắng với quá nhiều chuyện dang dở phía sau lưng. Những thách thức mới từ một thế giới đơn cực đã nảy sinh ngay từ chính nhiệm kỳ của Clinton.



Cuộc chiến chống Al Qaeda bị Monica Lewinsky làm xao lãng. Sự sụp đổ của nền kinh tế dot.com đã nhen nhóm cũng từ thời Clinton. Những cải cách thuế và tài chính của ông mới đi được nửa chặng đường...



Chỉ ít lâu sau khi Clinton ra đi, người ta đã thấy một nước Mỹ và thế giới khác đi rất nhiều, một phần do cự ly trong cách nhìn của êkip Tổng thống Bush, một phần do chính những mâu thuẫn ấp ủ từ thời Clinton đã được dịp bộc phát.



Trong Đời tôi, Clinton đã không giấu sự tiếc nuối về một điều gì đó dang dở. Clinton là một tổng thống "duyên dáng" và may mắn của nước Mỹ, và đa số người Mỹ đã tha thứ cho khía cạnh bại hoại của ông (uy tín của ông đã tăng vọt ngay giữa vụ Monica). Có lẽ người Mỹ cũng kỳ vọng ông hoàn tất nhiều điều, bởi lẽ các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nếu ông tiếp tục ra tranh cử với ông Bush thì ông sẽ lại thắng.



Nhưng Bill Clinton đã quá mệt mỏi với chính trường. Không phải công vụ tổng thống mà có lẽ chính vụ bê bối Monica đã vắt kiệt sức ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét