Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

MỘT MẨU CÁI DẤU HỎI ĐÃ ĐƯỢC MIỄN CƯỠNG HÉ LỘ!

Nhạc sỹ Tô Hải - Hôm nay, 19 tháng 8 kỷ niệm 68 năm mình lầm đường bước vào con đường cách mạng một cách bốc nhằng, quáng gà, loạng quạng nhiều lần xuýt mất mạng cùng mấy thằng thanh niên tự vệ chiến đấu như Nhã, Kim, Năng... bạn cùng lớp...
Để rồi... càng đi càng thấy, con đường cách cái mạng của mình đầy tội lỗi với dân mình kể từ khi vào đảng, rồi làm văn nghệ vô sản động viên người mình giết người mình, qua cách cái mạng mạng long trời lở đất Cải cách ruộng đất, rồi cải tạo tư sản, đánh nhân văn, xét lại, giải phóng miền Nam khỏi sự... tự do hạnh phúc phồn hoa giả vờ...

Để rồi 30 năm phải đóng vai đại hèn cúi đầu làm việc gọi là kỹ sư tâm hồn dưới ngón tay chỉ huy của bọn có cái đầu và trái tim của những tên “trùm tùng xẻo, nướng thịt người”, để có thể kiếm miếng cơm cho vợ cho con, và để bảo tồn cái mạng sống... 

Để rồi, sau 75, tìm mọi cách chạy trốn khỏi mọi tổ chức, sớm rút lui về một xóm nhỏ ngoại thành Nha Trang bắt đầu kiểm điểm lại cuộc đời khốn nạn của mình bằng những trang hồi ký vẫn “vừa viết vừa run” mỗi khi nghĩ đến những cái chết, những án tù, những vụ thủ tiêu công khai hoặc bí mật của bao đ/c mà mình đã từng chứng kiến vì cái tội! Tội:...thoái hóa chống đảng! 

Để rồi, tuổi tác, Internet đã làm mình thay đổi đến tận gốc!

Vứt bỏ CÁI SỢ đi, mình nhảy vào Net như khát nước được một cốc nước cam Bố Hạ! Và... mình đã quyết trở thành Blogger ở tuổi 81 cho đến nay, thua tuổi của... anh-te-lét Việt 10 năm!

Năm nào cứ đến 19 tháng 8 và 2/9 mình đều có entry viết để các bạn trẻ biết: Sự Thật về Cách mạng tháng 8 cũng như mọi SỰ THẬT về các sự kiện lịch sử mà mình chính là nhân chứng đã bị lờ đi, ém nhẹm, xuyên tạc hoặc “thêu hoa dệt gấm” để tự sướng!

Cũng may mà suốt 6 năm nay, chưa thấy một tên nào dám công khai bác bỏ hoặc phản biện! Cứ cho là chúng không biết hoặc không dám, không thèm đọc những gì của một lão già sắp chết nói những điều dở hơi lẩm cẩm đi! Ít nhất mình cũng vẫn vui mừng khi nhận được những comment “Cảm ơn bác (cụ) đã cho chúng cháu biết về những gì chúng cháu không được học trên ghế nhà trường”...

Cho đến 19 tháng 8 năm nay, do chẳng còn gì hay ho hơn để viết thêm, do sức khỏe và trí nhớ so với 5, 7 năm trước đã xuống cấp khá rõ rệt, mình đã định bỏ qua đề tài này... thì... chợt đọc và xem được trên basam thứ Hai 19/8/2013 toàn bộ video clip về việc công nhận hai cán bộ tiền khởi nghĩa Tạ Quang Bửu và Phan Anh -từ báo Nhân Dân, mình bỗng nổi khùng lên mà định phản biện vài lời. 

Lý do: Mình cho đây là một sự sửa sai rụt rè và vẫn kênh kiệu của cái bản tính tự kiêu hợm hĩnh cộng sản (sufisance communiste) mà chỉ có chết bọn chúng mới có thể bứt khỏi!



(xin mời xem toàn bộ 6 youtube video clips trên tin basam. info chủ nhật 18/8/2013)

Thắc mắc của mình là: 

1- Tại sao cả một chính phủ Trần Trọng Kim với toàn là những trí thức nổi tiếng không những trong nước mà cả trên thế giới làm bộ trưởng, rồi sau 19 tháng 8/1945, chính phủ này bàn giao cho họ(cả lễ trao nhận ấn kiếm của cựu hoàng Bảo Đại cho đại diện Việt Minh) đến nayhọ vẫn cứ bất chấp lịch sử viết: “Phát xít Nhật dựng lên nội các Trần Trọng Kim “với âm mưu xử dụng nội các này cho những toan tính của chúng!...” Vậy thì Việt Minh nhận gần như toàn vẹn cái chính phủ này để thành lập chính phủ làm gì, toan tính gì?

Nội Các Trần Trọng Kim
2- Tại sao lại chỉ có 2 người được cái Ban Tổ Chức Tê Vê Đúp (toàn là bọn còn thua cả tuổi con cháu họ) công nhận? Và đáng chú ý có một đảng viên và một ngoài đảng được thông qua một cách khiên cưỡng và không được mấy vui vẻ, thậm chí người duyệt “cho” hưởng chế độ tiền khởi nghĩa còn đặt vấn đề: Giải trình rõ “Thanh niên tiền tuyến là cái tổ chức gì“?!! 

3- Tại sao, không một quan chức chính quyền nào đương thời dám có mặt mà “to nhất” chỉ là bà phó chủ tịch mặt trận! Còn lại toàn các cụ về hưu, hầu hết ngồi không thẳng lưng trước một cái hội trường mà to nhất lại là cái băng rôn “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh muôn năm!”

Còn nhiều thứ tại sao về cái sự “nhân nhượng bất đắc dĩ” này nữa mà mình muốn vạch rõ...

Dù sao mình cũng phải hoan nghênh đặc biệt công sức và “cống hiến không sợ lôi thôi” của không ít các học giả công tâm đã cố gắng trong phạm vi có thể để khôi phục lại những trang sử mà người ta đã chủ trương vứt vô thùng rác một cách cố tình này! Mình hoan nghênh ý kiến của một nhà báo trẻ đã phát biểu tại buổi “tuyên đọc 2 bản” quyết định công nhận cán bộ tiền cách mạng” cho hai vị cách mạng bậc thầy những kẻ ký công nhận này là: “Một dấu chấm hỏi trong lịch sử đã được xóa bớt”!

Mình cũng ghi nhận lời hứa của ông Dương Trung Quốc sẽ tiếp tục vượt khó khăn để các lỗ hổng, những dấu hỏi trong lịch sử sẽ bớt đi, sáng tỏ hơn, minh bạch hơn, trước mắt là tiếp tục phục hồi cho 14 vị (ai mà không biết?!) vẫn chưa được các cháu thông qua!

Nhưng nghe, xem xong cả 3 video clip thì mình cảm thấy ‘chủ trương xuyên tạc lịch sử của những nhà viết sử của đảng họ vẫn không hề giảm đi một ly ông cụ nào!


Và để góp một phần nhỏ bé với các vị làm sử vô tư, mình xin phép post lại 2 bài mình đã tung lên mạng từ cách đây 4, 5 năm.  May ra, với... “khí thế mới” liệu có giúp gì cho các vị chút tài liệu sống “mới” nào (ngoài những gì đã tìm thấy trên Google) không? 

Vì với mình, thì, nói thật, mong các vị đừng giận: cái dấu hỏi này mới chỉ bị xóa đi một mẩu cỏn con mà thôi!

Còn với các friends trẻ, với các vị cách đây 5, 7 năm chưa biết Internet là cái gì, mình xin có lời gợi ý như sau:

Hãy đọc nó dần dần cứ như đọc mấy trang “lịch sử đích thực bị người ta cố tình xuyên tạc” ấy! Mình biết sức mình: Có viết mới, chắc cũng không thể hay và nhớ được nhiều những sự kiện bằng cách đây 4-5 năm đâu! Cho nên mời các bạn cùng đọc lại:

Tuần ký số 16Cách mạng Mùa Thu bắt đầu từ bao giờ?

Tô Hải, 10/08/2009

Đối với học sinh và gần như cả toàn dân Việt Nam dưới 70 tuổi ngày nay, có lẽ câu hỏi này sẽ được trả lời là: Bắt đầu từ 19/8/45.  Nhưng với tớ, đã hơn 1 lần tớ viết là: Tớ đã từng sống qua 4 chế độ:
1) Chế độ Pháp thuộc
2) Chế độ Nhật thuộc
3) Chế độ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim
4) Chế độ Dân chủ cộng hòa sau đổi thành Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Lịch sử hôm nay được dạy trong nhà trường không hề đề cập tới những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng rất quyết định đến số phận của lớp thanh niên chúng tớ.  Chính trong giai đoạn này mà hàng vạn, hàng triệu con người bị "cuốn theo chiều gió"! vì những năm đó bọn tớ đều ngu ngơ, ngây thơ, dại dột nên số phận mỉm cười hay... xé xác bất kể anh nào, khi đón nhận ngày mùng 9/3/1945... mỗi người mỗi cách.  Chỉ sau vài phát súng nổ đì đẹt, quân đội Nhật chiếm đóng Việt Nam đã bắt sạch mọi ông tây, bà đầm, trói giật cánh khủyu, tống vào các trại giam.  Thật là sướng chưa từng thấy! Bao nhiêu năm ông cha ta đứng lên làm cách mạng đã phải theo nhau lên đoạn đầu đài, đi tù Côn đảo.  Vậy mà hôm nay, người Nhật, chỉ trong một đêm, đã giúp chúng ta vứt bỏ được cái ách nô lệ trăm năm này.  Quên hết những hình ảnh lính Nhật lê những thanh kiếm dài quẹt đất, chém người Việt một nhát thành hai mảnh từ đỉnh đầu xuống hậu môn, và đặc biệt quên cái cảnh người Nhật bắt nông dân bỏ lúa trồng đay, dùng lúa gạo Miền Nam để... đốt, thay thế năng lượng chạy đầu tầu xe lửa!!

... Cũng chính cái thời gian này, ở các thành phố, người Nhật lúc đó dần dần chiếm được cảm tình lớp Thanh Niên cánh tớ với những chính sách Đại Đông Á, "người da vàng là cùng nòi giống, đất Á Châu là của người da vàng.  Kèm theo là văn hóa Nhật, các lớp học Tiếng Nhật, phim ảnh bài hát Nhật… ùa vào!"... Không ít người hoang mang nghi ngại.  Đặc biệt trong giới thanh niên có tí chút học thức thì cho "Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa"... Một số bi quan thì cho là cái chính sách Đại Đông Á này còn nguy hiểm và mị dân hơn cả chính sách "bảo hộ" (protectorat) của thực dân Pháp… Phải nói là chính sách bịt mọi thông tin theo kiểu phát-xít nó trắng trợn và tàn bạo hơn tất cả mọi thời đại… Chỉ một cái lệnh được truyền trên phát thanh của Tư Lệnh Tô, tô, Ma, ma nào đó ban ra như: "Lệnh cho tất cả những ai có radio từ ngày... phải mang đến... để cắt mọi sóng ngắn!... Ai không chấp hành sẽ bị trừng trị nghiêm khắc." Thế là... chỉ trong một vài ngày, chẳng một ai dám không chấp hành vì luôn bị ám ảnh cái xác bị chẻ giọc làm đôi chẳng cần tòa án tòa ếch gì!! Những chiếc radio đèn điện tử to đùng đã được các chủ nhân ít ỏi khệ nệ đưa đến các địa điểm quy định để được « bịt bớt miệng »! Tất cả mọi tin tức chỉ còn được nghe qua tiếng nóí của Quân Đội Nhật Hoàng chiếm đóng.  Tất cả những ai thèm nghe những tin tức "lề bên trái" coi như bị bịt tai, cốt để không ai biết chủ nghiã phát xít đã đến hồi kết thúc!… Cho đến một ngày...

CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM RA ĐỜI…

Cái chính phủ này nó "bù nhìn" đến mức nào? Tại sao nó tồn tại được 126 ngày (từ 17/4/1945 đến 23/8/1945)? Nó đã làm được những trò trống gì? Nó tự rút lui hay bị xụp đổ? Tớ chẳng dám lạm bàn vì tớ không phải là các nhà sử gia, không có đầy đủ tài liệu, không có… những tâm và tầm của nhà viết sử đích thực!...  Tớ chỉ kể lại những gì tớ đã sống trong 126 ngày ngắn ngủi, sống trong cái "chế độ độc lập giả hiệu" này thôi! Những gì mà một lão già 83 tuổi như tớ còn nhớ được về cái lớp thanh niên tội nghiệp cánh tớ, về cái lớp người "quáng gà thời cuộc" và ngu ngơ, ngây thơ, ngơ ngác...  cánh tớ đã… "may nhờ rủi chịu" khi "hăng máu vịt" lên muốn giải phóng quê hương!

1) Tớ thật sự tin vào những gì mà chính phủ Pháp, kể cả chính phủ Nhật đã nắm chắc là chiến tranh đã đến hồi kết thúc (lúc này khái nệm về "đồng minh" của tớ chưa có) đang mong muốn có một chính phủ Việt Nam dân tộc và độc lập thật sự để rút lui trong danh dự… Trao chính quyền vào tay ai là một cuộc "mặc cả trên đầu" người Việt Nam của các trùm chính trị… nước ngoài! (Sau này hiệp nghị Genève, Hiệp định Paris cũng rứa thôi!) Và, lựa chọn ai, để thành lập một chính phủ để thay thế chính phủ bảo hộ thì được người Pháp giao quyền cho vua Bảo Đại…! Tốt xấu chúng tôi không chịu trách nhiệm! (mãi sau này, tớ mới biết là họ sợ nhất là chính quyền sẽ rơi vào tay những người cộng sản!) Ông Bảo Đại cùng ông Trần Trọng Kim đã bàn lên, bàn xuống, đi đi, về về Paris-Huế, Huế, Hà Nội, Hà Nội, Sai Gòn… Và chính phủ Trần Trọng Kim đã ra đời, chấm dứt được 38 ngày vô chính phủ mà mọi quyền lực đều nằm trong tay của bọn quân phiệt phát xít nước ngoài! Thành thật mà nói thì: Cái chính phủ này, dù gì đi nữa, tớ thấy cũng đã "hy sinh liều mình cứu nước", chứ đâu phải là kiếm chác gì ở mấy cái chức danh trong cái "nội các nằm trên đống lửa" này! Nhất là khi danh sách toàn bộ nội các được công bố thì toàn là những danh nhân không những nổi tiếng trong nước mà còn cả trên thế giới nữa.  Ai chứ cái tên Trần Trọng Kim, nhà văn hóa, sử học thành thạo nhiều ngoại ngữ (đến nay theo tớ được biết, chỉ riêng 3 năm nay đã có tới 6 nhà xuất bản của nhà nước CHXHCN Việt Nam đã tranh nhau xuất bản và tái bản tác phẩm của ông).  Hay là những cái tên như Hoàng Xuân Hãn (bộ trưởng bộ Giáo Dục), Phan Anh (Bộ trưởng bộ thanh niên), khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Trần Văn Chương (phó thủ tướng), Trịnh Đình Thảo (bộ trưởng bộ Tư Pháp) v. v...  cũng đủ làm cho lớp thanh niên chúng tớ phải xoa tay, gật đầu: "Xa va"! Xa va!" ("được đấy!") 

2) Tớ còn nhớ khi ông Phan Anh phát biểu trên báo về tổ chức thanh niên đã có "Đoàn thanh niên tiền tuyến", "Đòan thanh niên xã hội", "Trường thanh niên" mới được thành lập thì tớ là người đầu tiên ghi tên sinh hoạt "Đoàn thanh niên xã hội" với lòng tự hào là: Từ nay ta được thành lập những tổ chức theo sự chỉ huy của "ta" chứ chẳng còn một tên đế quốc nào nữa và...

"Này thanh niên ơi quốc gia đến ngày giải phóng!
"Đồng lòng cùng đi! hi sinh tiếc gì thân sống"...

Trên môi, bọn tớ "đi vào cách mạng" với những câu ca hào hùng, lấy từ bài "Hành khúc sinh viên" của Lưu Hữu Phước để tạm làm đoàn ca! Chẳng có bí thư, ban chấp hành nào chỉ thị cả!.  Một lá cờ tổ quốc mới màu vàng ở giữa có cờ quẻ ly đỏ choét, do chính phủ TTK đưa ra để dẫn đường cho chúng tớ cứ thế mà vừa hát vừa bước theo!? Độ 10 ngày sau, tớ được gia nhập vào "Đòan thanh niên khất thực", được chính ông Phan Anh "hiểu dụ" mới biết ý nghĩa của cái tên nước tại sao chính phủ lại lấy tên nước là "Đế quốc Việt Nam"(?) và quốc thiều là "Đăng đàn cung".  Thì ra chính phủ này vẫn có... Vua cho nên gọi là đế quốc? (chưa biết dùng chữ Quân Chủ Lập Hiến như bây giờ?!) Còn "Đăng đàn cung" thì là một bản nhạc không lời, đánh lên khi nhà vua đăng đàn.  Còn về bài hát "Này thanh niên ơi... " thì ông nói: "Bài này, các bạn cứ hát.  Coi đó như một bài đoàn ca!" Ai ngờ đâu sau này lại trở thành Quốc ca của Miền Nam Cộng Hòa!...

3) Càng phấn khởi hơn khi các trường học lại được mở cửa, các kỳ thi lại được tiến hành, chương trình học vẫn như cũ.  Chỉ khác là: từ nay không còn dùng tiếng Pháp trong dạy và học nữa.  Những chỉ thị này đều do chính bộ trưởng giáo dục Hoàng Xuân Hãn đưa ra với một bản danh từ Việt thay thế tiếng Pháp, kể cả trong khoa học tự nhiên lẫn xã hội, do chính ông soạn thảo.  Quay lại trường với sự tự hào đến ngây thơ của người Việt Nam đã loại bỏ được tiếng nước ngoài (!) chứ đâu có tự hào theo kiểu "Đổi mới tư duy" như ngày nay… như dùng búa xua tiếng Ăng-lê trên mọi mặt của đời sống xã hội dù tiếng Việt thừa chữ để nói thay hai cái chữ Vi-Lích, Bích sô...  Dù gặp không ít khó khăn nhất là trong Toán, Lý, Hóa, nhưng cuối cùng, cánh tớ cũng phải cố mà làm quen với những chữ "đường nho" thay "Saccharose" nhất là những chữ không hoàn toàn đổi mới mà lại gần giống nhau như "Hydrogène" lại gọi là "hydro", "Calcaire" thì gọi là "Can-xi"... Tuy vậy, bọn tớ cũng cố gắng nuốt trôi để thi cho xong cái năm học bị dang dở...  Không có cái chính phủ "bù nhìn" này, liệu người Nhật có giải quyết nổi không? Việc học hành có thể tiếp tục được không?Nhất là cái nạn đói khủng khiếp năm đó, ai? ai > đã chỉ huy cứu tế chuyên chở hàng 100 chuyến tầu lương thực từ miền Nam ra Bắc cứu sống cho hàng triệu con người cho chỉ còn biết nằm chờ chết khắp nơi, từ nông thôn tới thị thành?

4) Cho đến bây giờ, nghĩ lại cũng nực cười khi nhớ lại cái cảnh mấy anh thanh niên đầu chải bóng, mặc com lê, cra -vát đàng hoàng, tay xách bị cói, mỗi khi tan trường, đến bấm chuông từng nhà xin đóng góp một vài bát cơm để mang đi cứu trợ những… bộ xương người mong được cầm hơi trước khi... chết hẳn! Cái cảnh chết đói đầy đường này, có lẽ ngày nay nhiều bạn xem ảnh cụ Võ An Ninh để lại, cũng không thể tưởng tượng nổi.  Bộ Trưởng bộ y tế Vũ Ngọc Anh, trước khi đoàn thanh niên khất thực ra quân lần đầu, đã nói một câu với bọn tớ đại ý là: "Các bạn lên đường cố gắng làm một cái việc mà hiệu quả cứu đói...  thì chẳng bao nhiêu đâu nhưng hiệu quả về lòng yêu nước, tìm ra được cái nguyên nhân vì sao mà dân tộc ta lâm vào cảnh đau khổ này mới thật là quan trọng. " Những lời nói này lúc ấy với cánh tớ sao nó thôi thúc hơn cả tiếng kèn gọi quân xông trận! 

SỰ PHÂN HÓA DƯỚI THỜI CHÍNH PHỦ T. T. K BẮT ĐẦU

Không thể phủ nhận được những gì mà chính phủ Trần Trọng Kim đã cố gắng hết sức mình để phát triển lòng yêu nước, ý thức về Độc Lập, Tự Do ở con dân đất Việt trong thời gian 126 ngày cầm quyền...  Tuy nhiên cũng chính trong thời gian này mà "các kiểu yêu nước" đều được phát triển búa xua! Tớ có hai thằng bạn cùng lớp, một tên Tất Đắc, một tên...  Lũy (tớ không sao nhớ nổi họ gì nữa), mỗi lần thấy tớ xách bị đi xin ăn thì đều dè bỉu: "Trò hề! Muốn làm cách mạng thật hãy đi theo tao".  Tớ hỏi "Đi đâu?", "Đi phá kho thóc chia cho nông dân, chứ vài bát cơm làm sao cứu nổi cả ngàn con người. ".  Và cuối cùng 2 đứa bỏ học đi biệt tích. !Mãi sau này, trong kháng chiến chống Pháp tớ mới gặp lại thì một thằng đã làm sư đoàn trưởng còn một thằng làm vụ trưởng gì đó ở Bộ Thủy Lợi thời ông Hà Kế Tấn với cái tên mới là Lê Bình!

Ngay sát nhà tớ cũng có một nhóm thanh niên hàng ngày rủ nhau đàn địch, vui chơi bỗng dưng một hôm gia đình thấy "mất hút con mẹ hàng lươn".  Hỏi thăm gia đình thì cứ...  bí bí, mật mật: "Chúng nó rủ nhau lên chiến khu rồi".  Mãi sau 19/8 mới biết tin chúng nó đi theo Quốc dân đảng có chiến khu cả ngàn người ở Vĩnh Yên… đang chuẩn bị cũng "Đánh Tây Đuổi Nhật" như ai, cũng về Hà Nội có trụ sở ở Đường Quan Thánh, cũng ra báo (Việt Nam thì phải) và có một tên hung hăng nhất sau này...  tên Hy, đã bị thủ tiêu trong vụ Ôn Như Hầu.  Thì ra bọn này đều theo gót quân đội Tưởng Giới Thạch, lính của lãnh tụ Nguyễn Hải Thần! Còn lại số đông đều đi theo Việt Minh vào giờ thứ 24 rưỡi (!) vì nghe nói cái tổ chức này được Mỹ ủng hộ! Có cả tàu bay 2 thân, tiếp tế nhảy dù.  Đặc biệt là tin: Có một người nổi tiếng "ở cả tù Tây lẫn tù Tàu" tên là Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo.  Thế là, một số, có điều kiện, đều tự nguyện đi theo Việt Minh, bỏ hết cả học hành, gia đình, sự nghiệp.  Một số sau này có vai vế hẳn hoi trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.  Cũng không ít kẻ, sau này không thể đoàn kết được với cộng sản phải "quay cờ", “dinh tê” để trở thành những kẻ chống Cộng...  nhiệt tình, hăng say nhất, đến tận cuối đời.  Riêng tớ, với bản chất rõ ràng như ông Mác đã viết, "luôn nghi ngờ, hoang mang, dao động" và cũng do ông bố tớ cứ kềm cặp riết suốt đêm ngày nên tớ cứ "wây-en-xi" mãi...  và, khi công việc “khất thực” đã chấm dứt không kèn không trống thì tớ lại chuyển sang công tác tuyên truyền văn nghệ.  Một nhóm thanh niên có khiếu âm nhạc chúng tớ trở thành các đội tuyên truyền để biểu diễn các bài hát yêu nước, diễn các vở kịch cương về các tội ác của "kẻ thù Đế Quốc Thực Dân".  Phải nói rằng tác dụng của âm nhạc trong việc kích động lòng yêu nước lúc này đúng là cực kỳ hiệu quả. !..  Người có công số một đó chính là Lê Hữu Phước.  Các bài ca "Chi Lăng", "Bạch Đằng Giang", hoạt cảnh "Hội nghị Diên Hồng" do chúng tớ biểu diễn lúc này, kèm theo những "Thiên Thai", "Đàn Chim Việt" của Văn Cao đã góp phần không nhỏ trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của công tác tuyên truyền lòng yêu Tổ Quốc dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim mà sau nay tớ và không ít người phải giấu biệt vì sợ bị quy kết là “bọn theo Trần Trọng Kim phản động” bám đít phát xít Nhật trong các cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn, chỉnh đảng …Trái lại không thiếu tên lại khéo léo làm sao biến cái thời gian này là “hoạt động tiền cách mạng”để hưởng mọi chính sách chiếu cố rất chi là bát nháo, cơ hội! 

Cho tới một ngày (17/8/1945) Đoàn Thanh Niên của chúng tớ tay cầm cờ quẻ ly, miệng hát "Này thanh niên ơi…" đi mít tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim "thì mới trắng mắt ra rằng mình đã được huy động đi…" "Cướp chính quyền" từ tay chính phủ Trần Trọng Kim, do Việt Minh tổ chức mà không biết.  Tất cả đều diễn biến rất nhanh chóng.  Cờ quẻ li hạ xuống! Cờ đỏ sao vàng kéo lên và một người, "quần nâu áo vải" đầu đội béret, tay cầm súng pặc họoc, thắt lưng đeo một, hai quả lựu đạn OF (lựu đạn khói) ra tuyên bố vài câu gì đó mà tớ đứng xa quá nên nghe chẳng rõ, chỉ nhớ lõm bõm có mấy câu...  "Chính quyền đã về tay nhân dân" và sau đó thì… hàng ngàn người như có gài sẵn kim hỏa trong lòng đã nổ tung ra thành những khẩu hiệu "Muôn năm! muôn năm!" long trời lở đất....  Hàng chục lá cờ đỏ sao vàng được tung ra, kéo theo cả hàng ngàn người chạy ùa sang phủ thống sứ cũ (ở xế nhà hát lớn) phá cửa, leo hàng rào vào chiếm phủ Khâm sai đại thần.  Mọi việc diễn ra nhanh chóng, chẳng khác gì cái cảnh tớ đã được xem sau này trong phim "Lê Nin với Cách Mạng Tháng 10” có trường đoạn chiếm Cung điện Mùa đông! Chỉ khác là, ở V. N, không có súng nổ và chính phủ "bù nhìn" đi đâu? ở đâu? lúc đó? có ai bị bắt, bị vào tù, bị "dựa cột" không thì chẳng có ai được biết, kể cả tớ, cho tới tận bây giờ! 

Cuộc tổng khởi nghĩa như thế là xong! Có mặt tớ cũng như không! Chẳng ai hay, ai biết...  vì chính tớ cũng chẳng biết chẳng hay.

Ấy vậy mà sau này, khối tên cơ hội đã ghi vào lí lịch "tham gia tổng khởi nghĩa." Thậm chí cả... "tiền khởi nghĩa" (thời hoạt động "bốc nhằng" như tớ dưới chính thể TTK), để được quyền lợi, lương bổng, nhà cửa hơn người! Mọi phong trào, hoạt động và yêu nước dưới thời kì 126 ngày của chính phủ Trần Trọng Kim có kẻ sau này còn "phóng" lên là "hoạt động tiền khởi nghĩa".  Có kẻ thì dấu biến đi khi khai lí lịch vì sợ là dính líu tới "chính phủ bù nhìn" T.T.K.  Còn những thành viên của cái nội các "bù nhìn" này, ai đi theo Việt Minh? ai được giao nhiệm vụ gì? ai trở thành những người chống cộng triệt để nhất tới hơi thở cuối cùng... Lỗ hổng lớn về giai đoạn lịch sử bi-hài-hùng này, ngoài cuốn hồi ký "Một cơn gió bụi" của Trần trọng Kim ra, cho đến nay vẫn là những điều khó viết lên thành chữ? Hay chính là các sử học gia nước V. N biết mà không viết? Hay là muốn viết nhưng sợ bị... mất lập trường, sợ đi vào lề bên trái. Hay là? hay là?... Nhiều câu hỏi được đặt ra với các sử gia nước ta,... để rồi đành phải tự trả lời rằng: Cho đến hôm nay chưa có ai đủ tầm, đủ tâm như tác giả "Việt Nam Sử Lược"... Trần Trọng Kim!

Để kết luận: Đến ngày nay tớ vẫn "bảo lưu" cái chế độ 126 ngày đó là một thực thể có thật, có tác dụng cho lớp thanh niên chúng tớ. Ít nhất là đã mở đường cho chúng tớ đi tìm con đường cách mạng.  Lạc lõng, tồn tại, thăng tiến, hoặc... mất mạng đều do cái đầu và con tim của từng người... Khôn ngoan đến đáng... ghét hoăc ngờ nghệch đến đáng thương, chung quy cũng chỉ vì ngu dốt về chính trị mà dám liều bước vào con đường... Chính chọe! Cũng may cho tớ là qua bao biến cố thăng trầm tớ vẫn còn tồn tại để kể lại cho các friends trẻ về một lỗ hổng lớn trong lịch sử hiện đại của dân tộc mà không biết vì sao các nhà viết sử thời nay chẳng "muốn" hoặc "dám" đụng tới?

Tuần ký số 17"Cách mạng Mùa Thu"...  Ai mù? Ai sáng? Ai loạng quạng? Ai gà mờ?

Kể từ tuần ký số 15, khi tớ xới lên cái khoảng khắc lịch sử bị bỏ quên từ cách đây 64 năm, cái thời mà tớ và những người cùng thời đã sống và hành động, kẻ như thằng sáng, kẻ như thằng mù, kẻ thì loạng quạng... bước theo con đường cách mạng mà cứ như…trò đùa, bốc nhằng vì những tiếng “Độc Lập Tự Do” với mục đích:

1-/ Nhắc nhở cho con em, lớp trẻ Việt Nam hãy tìm hiểu về giai đoạn lịch sử có thật ấy.
2-/ Tìm hiểu xem vì mục đích gì mà “người ta”cố tình quên đi?
3-/ Kêu gọi những ai còn sống mà hiểu biết, nhớ lại những gì hơn tớ hãy cùng tớ công khai lên tiếng ủng hộ hay phản đối về sự nhầm lẫn của lão già lẩm cẩm này...

NÀO NGỜ: Tới tấp các commment của mọi tầng lớp (có cả của các ông già chỉ thua tớ có 2 ngày tuổi (tớ 24/9/1927-ông bạn 26/9/1927) đều gửi về để xác định những điều tớ nói tất cả là đúng.  Mừng hơn nữa là lớp sồn sồn dù những ngày ấy mới chỉ 15, 17 tuổi nhưng do có điều kiện được tự do học tập trong một thể chế khác cũng gửi về cho tớ rất nhiều tài liệu bằng các đường links.

Hơn thế nữa, họ còn uốn nắn và bổ sung cho tớ những điều tớ còn nhầm lẫn.  Đặc biệt lớp trẻ thì ai ai cũng gửi về những yêu cầu cần phải nói rõ thêm cho họ biết cái giai đoạn lịch sử bị bỏ quên này.

Chỉ độc có một người với nickname Tonvinhhong là chê trách tớ là tại sao “khả năng thẩm thấu về lịch sử chưa đạt” vậy thì viết những cái đó làm gì? Nên tập trung vào những chuyện “thâm cung bí sử”,  i ngủ với ai”, “ăn chơi, trác táng của bọn lãnh tụ CS ra sao”, những điều tớ hoàn toàn không có... khiếu, không có khả năng vì chưa có phép... tàng hình!

Trên 80 comments về 1 bài viết! Đúng là 1 niềm động viên vô cùng đối với tớ. Và tớ bỏ ra cả tuần cố gắng đọc những tư liệu theo các đường links gửi về.  Thú thật là phải cắn răng mà đọc để may ra có “thẩm thấu” được tí nào không.  Kết quả là mắt bị mờ thêm sau một tuần cố gắng, nhưng lại “sáng” ra trong nhiều vấn đề nhờ có một số tư liệu cụ thể và sau khi đã chắt lọc, sau khi loại bỏ những gì mà tớ ngửi thấy có “mùi cơ hội”, thông cảm những con chữ có nước mắt và máu của con tim người viết, tớ tự nhận thấy:

TỚ ĐÚNG LÀ MỘT TÊN GÀ MỜ


Như tớ đã thú thật, trong tuần kí số 16 là tớ chỉ viết về những gì tớ đã tham gia hoạt động thật sự cho những tổ chức có thật trong những ngày tháng, nhốn nháo tù mù đó...  Cho nên do không được hân hạnh có nhiều tư liệu như các friends, tớ chỉ mong muốn các nhà viết sử sẽ dựa vào những tư liệu có thật, không phán đoán, phê phán vô bằng cớ, không cắt gọt xuyên tạc... cùng tớ bạch hóa cái chặng đường từ 9/3/45 đến ngày ra mắt chính phủ Cách Mạng lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì cái chính phủ có cái cờ vàng, quẻ ly đỏ mà chính bản thân tớ và cả các ông “to” trong chính phủ đó từng phất cao, với câu ca “Này thanh niên ơi!” nó... biến đi đâu? Nhìn ra đường phố, hôm nay 19/8/2009 cũng như đã nhiều năm, chẳng có lệnh treo cờ.  Học sinh, công chức, hôm nay 19 tháng 8 ai cần biết, cần hát cái bài “Mười chín tháng tám! Chớ quên là ngày khởi nghĩa”... của nhạc sỹ Xuân Oanh nữa rồi!

Thế đấy!, chỉ qua những tài liệu, văn bản thu thập được chỉ trong có một tuần, so với lúc tớ viết tuần kí số 16, thì tớ đã tự trả lời được rất nhiều câu hỏi, để có thể đủ khả năng kết luận vì sao?, tại ai? mà những thời khắc lịch sử đó bị đảo lộn, đánh tráo, bỏ quên... một cách cố tình như thế. Cụ thể là:

1/ Chỉ đơn cử 2 ngày 17 và 19/8/1945 là đã có sự lẫn lộn rồi.  Thì ra 17/9 là cuộc Mít tinh của công chức biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim.  Còn ngày 19/8 là ngày Mít tinh ủng hộ Việt Minh.  Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo? Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng cờ đỏ chẳng có gì là quan trọng.  Miễn là đi qua trại lính Nhật chẳng thấy đứa nào dám nổ súng dù có hô to “Đả đảo Phát xít Nhật!”, “Việt Nam muôn năm!” Cả hai cuộc mít tinh nói trên đều có mặt cái thằng tớ. Cũng may mà tớ chẳng vướng vào các cuộc mít tinh có lính Tầu Tưởng đứng gác ở chợ Đồng Xuân để bị nghe “Tỉu cái là ma tồng pào!” khi bị Việt Minh giải tán!

2/ Chính phủ Trần Trọng Kim không hề tuyên bố từ chức, vẫn tiếp tục làm việc cho đến tận 22/9, chẳng ai bị bắt, chẳng ai lên đoạn đầu đài, thậm chí sau này còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ lâm thời như phó thủ tướng Phan Kế Toại, bộ trưởng Phan Anh, bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng Nguyễn Tường Tam.  Đặc biệt, nhờ đọc hồi kí của ông Trần Trọng Kim tớ mới té ngửa ra là ông có mời Việt Minh đến điều đình để hợp tác nhưng bị cự tuyệt và bị cho là “bù nhìn của Nhật” dù trước đó, tại Huế, tên đại tướng Nhật Yamayoto bại trận đã đầu hàng vô điều kiện, có đến gợi ý với ông là sẽ chuyển giao cho ông vũ khí và giúp đỡ quân đội Việt Nam bảo vệ nền độc lập của nước Việt Nam.  Nhưng ông đã thẳng thừng từ chối với lí do không muốn người Việt đánh người Việt.  Vì ông tin tưởng là «quân đội Tưởng Giới Thạch, dù có vào Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra chăng nữa cũng chỉ nhằm tước vũ khí quân đội Nhật hoàng và nhân cơ hội kiếm chác vơ vét tiền vàng mà thôi, và người Việt luôn có truyền thống thương yêu, đoàn kết trước họa ngoại xâm, trước sau cũng sẽ độc lập»!.  Cái niềm tin đến tội nghiệp này của ông không hiểu sau này, nằm yên nghỉ ở mảnh đất Đà Lạt thân yêu có lúc nào đó ông phải...  cựa mình?

3/ Cái ngây thơ của ông thủ tướng 126 ngày, sau này bị chính ông Phạm Khắc Hòe Ngự Tiền Khâm Sai của vua Bảo Đại đội cho cái nón to tướng là “chính phủ bù nhìn của Nhật” còn Phạm Quỳnh thì là “tay sai của cả Pháp lẫn Nhật và đã phải đền tội”(?!) Tội nghiệp hai vị Giáo Sư Phạm Khuê và nhạc sỹ Phạm Tuyên nếu đọc phải cái cuốn hồi ký quá ư vu khống và nịnh bợ này! Nó ra đời ngay khi hai ông còn sống và do nhà xuất bản Thuận Hóa in năm 1987 với lời bốc khen đến tận trời của nhà lý luận Mác Lê số 1 một thời: Hồng Chương.

4-/ Tuy nhiên dù có cố tình bêu xấu, hoặc vu cáo một ai đó, dù lợi dụng viết hồi ký để chạy tội cho mình, hoặc chối bỏ mọi tội lỗi, hoặc kể công với lịch sử nhưng tớ vẫn tìm ra được những điều “hay” trong các chiêu xuyên tạc cố tình bóp méo lịch sử để đi đến những kết luận mà tớ vẫn cố tình “nhường” cho các sử gia chuyên và không chuyên.  Nay sau một tuần, tớ xin “kích cầu” các vị ấy bằng mấy câu hỏi như sau:

a/ Chính phủ Trần Trọng Kim có hiện hữu hay không? và ai là người "đứng mũi chịu sào" với quân đội chiếm đóng Nhật, trước và sau khi bọn chúng đầu hàng vô điều kiện?

b-/ Có phải khi thành lập chính phủ cách mạng lâm thời và mời được vua Bảo Đại ra Hà Nội làm “cố vấn tối cao” với lời tuyên bố “làm dân một nước độc lập còn hơn là làm vua môt nước nô lệ” được coi như sự chấm hết của chính phủ TTK?

c-/ Với danh sách 1 đoàn đại biểu thay mặt nước Việt Nam DCCH đi dự hội nghị Đà Lạt lần đầu tiên để gặp đại diện chính phủ Pháp: Nguyễn Tường Tam (trưởng đoàn), Võ Nguyên Giáp (phó trưởng đoàn) và các đoàn viên: Trịnh Văn Bính, Hoàng Xuân Hãn, Cù Huy Cận, Vũ Văn Hiền, Vũ Hồng Khanh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Luyện, Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch, Bùi Công Trừng và Nguyễn Mạnh Tường cùng 12 cố vấn là Tạ Quang Bửu, Kha Vạn Cân, Kiều Công Cung, Đinh Văn Hớn, Phạm Khắc Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Niên, Phan Văn Phát, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Tường Thụy và Hồ Hữu Tường. 

Với mục tiêu đấu tranh phản bác âm mưu chia rẽ nước Việt Nam thành 4 kì tự trị trực thuộc liên hiệp Pháp.  Và sau này, danh sách đi dự hội nghị Fontainebleau thì:

- Đoàn trưởng (vẫn) Nguyễn Tường Tam, bộ trưởng bộ ngoại giao,
- Phó đoàn trưởng Phạm Văn Đồng, giáo sư
- Ủy viên thuyết trình: Phan Anh, bộ trưởng bộ quốc phòng,
- Phái viên: Giáo sư Hoàng Minh Giám
Ông Đặng Quốc Thông, kĩ sư công chính
Ông Vũ Văn Hiền, luật khoa tiến sỹ, luật sư
Ông Dương Bạch Mai, viết báo
Ông Huỳnh Thiện Lộc, bộ trưởng bộ canh nông
Ông Nguyễn Văn Huyên, văn khoa tiến sỹ
Ông Trịnh Viết Bính, tốt nghiệp trường cao đẳng thương mại Paris, giám đốc sở thuế quan
Ông Tạ Quang Bửu, giáo sư
Ông Bửu Hội, khoa học gia
Ông Nguyễn Mạnh Hà - tốt nghiệp trường khoa học chính trị Paris, luật khoa cử nhân
- Cố vấn: Ông Phạm Khắc Hòe, tốt nghiệp trường cao đẳng pháp luật và hành chính
Ông Hoàng Văn Đức, kĩ sư canh nông
Ông Nguyễn Văn Tình, kĩ sư vô tuyến điện
Ông Nguyễn Đệ, tốt nghiệp trường cao đẳng thương mại Paris
Ông Hồ Đắc Liên, kĩ sư mỏ
Ông Nguyễn Văn Luyện, bác sĩ 


(Trích Hồi Ký của Phạm Khắc Hòe, “Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”) trang 214, 

...Tớ bỗng dưng nhớ lại cái thời họp mít tinh đi tiễn Phái đoàn chính phủ “Việt Nam Độc Lập” đi Tây, cờ đỏ sao vàng bằng giấy trên tay, miệng hô khẩu hiệu mà lòng anh nào anh nấy đều hớn hở tin ở tương lai một cách ngây thơ đến tội nghiệp! Lý do đơn giản là: Đọc bản danh sách phái đoàn thấy toàn là những người “cả nước biết tên”.  Đặc biệt, chẳng thấy ông nào là cộng sản cả trừ ông Võ Nguyên Giáp tại Đà Lạt và Phạm Văn Đồng ở Fontainebleau.  Vậy thì, thất bại của 2 hội nghị này là do đâu? Do cái gì mà bây giờ nước ta không được cái “độc lập giả hiệu” như Maroc, Tuinisie, Madagascar... và sau này là Algérie... trong khối Liên hiệp Pháp? Hơn thế nữa, 1 điều cũng cần phải làm sáng tỏ, đó là: Đường đường 1 đấng trưởng đoàn thay mặt nước Việt Nam mà cuối cùng Nguyễn Tường Tam lại... cáo ốm ở lại để rồi lịch sử chính thống ghi chép là: “Đào ngũ mang theo hơn 1 triệu đồng bạc Đông Dương???” Để rồi sau này lại tự mình tìm đến cái chết với câu nói đầy uất ức và bí ẩn như sau: “Đời tôi xin để cho lịch sử xét xử!...” Và còn nhiều nhân vật mà theo tớ, nếu tiếp tục lãnh đạo nước Việt Nam những năm 45, 46 ấy thì biết đâu chẳng có vị sẽ có dịp được nói một câu giông giống như câu của... đức vua Thái Lan: “Nước tôi có vinh dự là một nước nhỏ, mà chẳng phải đánh một thằng đế quốc to nào nhưng vẫn có độc lập”.  Khi nghe đại sứ Nguyễn Trung phát biểu: “Nước tôi có vinh dự là một nước nhỏ mà đánh thắng ba đế quốc to...”.  “Cuộc chia tay ý thức hệ” giữa các vị này với nhau phải chăng là sự bắt đầu của cái sự “đoàn kết, đại đoàn kết” đã đến hồi kết thúc bởi khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” đẩy ba anh không vô sản ra rìa!?

Tóm lại, cái sự “gà mờ” lịch sử này của tớ cho đến hôm nay đã hơi “sáng” ra nhờ sự giúp đỡ của các bạn khắp năm châu, nhất là nhờ có biết tí ti Internet chứ chẳng trông mong gì vào mấy... nhà viết sử ăn bổng lộc nhà nước! Tớ càng thương lớp trẻ hôm nay! Ở nước ngoài thì học sử nước... người.  Còn trong nước thì chỉ được biết giai đoạn lịch sử này bằng mấy câu: “Đảng đã lãnh đạo toàn dân vùng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, làm nên cách mạng tháng 8! Cứ như thật vậy! Cứ như mọi sự trả giá cho sự loạng quạng, gà mờ, bị lừa, bị lạc của hàng hàng triệu triệu con người như bọn tớ chẳng hề xảy ra trong lịch sử Việt Nam cận đại bao giờ!

Ôi! đáng thương hay đáng ghét cái bọn tiểu tư sản chẳng tin ai 100% bao giờ mà dám đi vào con đường...  cách cái mạng đây nhỉ?

Các bạn có thấy rằng họ mới «cho phép» cắt một mẩu trong muôn vàn dấu hỏi đặt ra với các lỗ hổng trong lịch sử chăng?

Nhạc sỹ Tô Hải

1 nhận xét:

  1. Độc-Lập hay Tay sai?
    Tôi năm nay 71 tuổi, đang sống ở nước ngoài, xin đóng góp vào loạt bài của Đặng Chí Hùng về cái gọi là độc lập của HCM.
    Trải qua dòng lịch sử nước nhà, các vua của đất nước ta, ai cũng phải chịu nhục có lẽ là quỳ gối để tiếp nhận chiếu chỉ của vua Tàu phong vương cho mình. Sau đó sứ-gỉa Tàu về nước. Vua quan ta họp nhau bàn luận, tổ chức việc cai trị ra sao thì không hề phải thông báo, chứ chẳng có chuyện phải xin phép vua Tàu. Đó là sự thực được trình bày rõ ràng qua các sách sử của nước nhà.
    1/ Trái lại HCM phải trình cho Liên-Xô (LX) chương trình “Cải cách ruộng đất”. Một chương trình hoàn toàn thuộc về nội trị của đất nước! Trước khi thực hiện thì gởi người qua Tàu để học cách làm. Cứ tạm coi là đi tu nghiệp về chuyên môn, có thể chấp nhận được. Nhưng trong khi thực hiện thì có các cố vấn Tàu và phải xin phép. Việc bà Cát Hanh Long bị giết vì HCM không thể xin được là một bằng cớ về việc làm tay sai, không có thực quyền.
    2/ Trong khi đảng cộng sản VN họp hành để thảo luận về các chương trình làm việc, một việc hoàn toàn thuộc về nội bộ của đảng minh. HCM đã mời đại diện Tàu tham dự (xin ai biết rõ việc này bổ túc dùm). Đây là một bằng chứng khác về việc làm tay sai.
    3/ Thực chất của cái gọi là “Nghĩa vụ quốc tế” chính là làm tay sai cho LX. Khi thế giới phân chia thành hai khối Tư-bản và Cộng-Sản. LX muốn bành trướng vùng ảnh hưởng của mình, thì chỉ thị cho đàn em cung cấp người, anh cả chỉ cung cấp vũ-khí.

    Trả lờiXóa