Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

ÔNG THÁI VĂN CẦU: ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NÊN CHẤP NHẬN CẠNH TRANH CHÍNH TRỊ


REUTERS/Kham

Thụy My, RFI
Bài viết của luật gia Lê Hiếu Đằng mang tựa đề « Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh », cũng như phần trả lời phỏng vấn RFI ngày 12/08/2013 với tựa đề « Cần cho lập thêm các đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam » đặt ra vấn đề đa đảng một cách thẳng thắn, đã được dư luận trong và ngoài nước hết sức chú ý.

Từ Hoa Kỳ, chuyên gia khoa học không gian Thái Văn Cầu đã có nhã ý góp thêm tiếng nói của trí thức Việt Nam ở nước ngoài, trên làn sóng của đài RFI.
RFI Kính chào ông Thái Văn Cầu, chuyên gia khoa học không gian, rất cám ơn ông đã vui lòng tham gia chương trình hôm nay. Được biết ông cũng có một số suy nghĩ về ý kiến gần đây của luật gia Lê Hiếu Đằng ?


Chuyên gia Thái Văn Cầu: Xin chào chị Thụy My. Sau khi đọc bài viết và bài phỏng vấn luật gia Lê Hiếu Đằng về cuộc chiến tranh Việt Nam, về tình hình hiện nay và về con đường đi tới cho dân tộc, tôi trân trọng ý kiến ông đưa ra và xin chia sẻ vài suy nghĩ cá nhân.

Cuộc chiến tranh vừa qua là đề tài nghiên cứu thảo luận sôi nổi trong hơn ba mươi năm nay. Tìm hiểu sự thật, học hỏi lịch sử là một quá trình không ngừng nghỉ, để mỗi thế hệ tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ, không để chỉ trích lên án. Nhất là khi sự chỉ trích dẫn đến mất đoàn kết – một điều rất cần phải có để giải quyết các vấn đề cực kỳ khó khăn của đất nước.

Tôi trích dẫn một câu nói trong bài viết của luật gia Lê Hiếu Đằng từ một bí thư đảng ủy. Ông nói rằng: « Chúng ta chiến đấu, xét đến cùng là vì con người ». Câu nói này cho thấy cuộc chiến đấu của luật gia Lê Hiếu Đằng, của những người cùng lý tưởng, cùng thế hệ với ông sẽ được tiếp tục một cách kiên quyết và mãnh liệt.

RFI : Nhưng thưa ông, những nhà hoạt động dân chủ hiện nay xuất thân có khác nhau, và tuy ông Lê Hiếu Đằng kêu gọi đoàn kết, nhưng vẫn còn những ý kiến săm soi những người đến từ “bên này” hay “bên kia”...

Về vấn đề yếu tố lịch sử, thì trong bao nhiêu năm nay đã có nhiều bài viết, nhiều thảo luận về công, tội của Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Hồ Chí Minh…Khi được bạn bè hỏi ý kiến, tôi cho biết tôi tin tưởng là thế hệ 2075, tức là đúng 100 năm sau khi đất nước thống nhất, sẽ có đánh giá đúng đắn hơn về vai trò của những người lãnh đạo đất nước trong hai cuộc chiến vừa qua.
Trong giai đoạn hiện nay, vì tương lai của con cháu, chúng ta phải tập trung giải quyết các nan đề của đất nước. Bằng không, tôi nghĩ là sẽ không có một ngày 30 tháng Tư năm 2075 trên quê hương Việt Nam cho con cháu chúng ta để mà nhìn lại.
Một đề tài nữa tôi muốn nói hôm nay là về quan hệ Việt-Trung. Có ý kiến cho rằng Việt Nam là nước nhỏ, ở sát bên Trung Quốc hùng mạnh, to lớn, lại đầy tham vọng bá quyền bành trướng. Do không di chuyển đi nơi khác được, Việt Nam cần khéo léo, nhún nhường, tránh mất lòng Trung Quốc để Việt Nam có được hòa bình, thúc đẩy phát triển.
Các điểm sau đây cho thấy ý kiến trên thiếu tính khách quan hoặc không phản ánh thực tế. Trước hết, trong 14 nước láng giềng với Trung Quốc, về dân số Việt Nam đứng hàng thứ tư, và về thu nhập bình quân đầu người thì Việt Nam đứng thứ sáu, dựa vào ước tính năm 2011.
Kế đến, với bờ biển dài hơn 3.000 km, với hơn 10 triệu hecta rừng, Việt Nam có lợi thế thiên nhiên hơn nhiều nước láng giềng của Trung Quốc. Nói một cách khác, Việt Nam không là nước nhỏ!
Lấy một trường hợp điển hình thôi là nước Mông Cổ. So sánh về dân số, về tài nguyên thiên nhiên, Mông Cổ thua Việt Nam rất xa, nhưng vẫn có lối đi độc lập. Gần đây có Miến Điện, cũng phụ thuộc, cũng có mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc. Thế nhưng một khi lãnh đạo Miến Điện thấy rằng đã đến lúc cần phải đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết, thì họ vẫn sẵn sàng có những hành động độc lập với ý muốn của Trung Quốc.
Do đó lập luận trên chỉ là ngụy biện, che chở cho sự thiếu hiểu biết, hèn yếu của một số người.
RFIVề Mông Cổ và Miến Điện thì đã rõ rồi, nhưng có lẽ còn một yếu tố nữa là chẳng may Việt Nam nằm ở vị trí chặn mất đường ra đại dương của Trung Quốc?
Việt Nam nằm ở vị thế chiến lược, Trung Quốc nhiều năm qua tìm cách khuynh đảo Việt Nam là vì vậy. Nhưng không vì thế mà chúng ta sẵn sàng chịu bó tay khi đối đầu với Trung Quốc.
Việt Nam phải ở trong tình trạng hiện nay vì lãnh đạo đa số không có tâm, không có tầm. Họ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của họ mà thôi, không đặt quyền lợi đất nước lên trên hết. Nếu họ có tài năng, có bản lĩnh thì cũng sẽ làm được như một số nước khác mà thôi.
Như luật gia Lê Hiếu Đằng nói, đã đến lúc cần đa nguyên đa đảng, cần phải có một xã hội dân sự, để đảng Cộng sản Việt Nam không còn là tổ chức duy nhất quyết định tất cả mọi điều, mà không được kiểm soát bởi các tổ chức khác.
Trong hàng ngàn năm, quá trình dựng nước và giữ nước của Việt Nam sáng ngời với tấm gương của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…chống kẻ thù phương Bắc. Ngày nay đối chiếu với bài học Bạch Đằng Giang, ải Chi Lăng, gò Đống Đa…mà tiền nhân đã dạy cho phong kiến Trung Quốc, là câu nói quen thuộc của một blogger :« Tàu thì lạ, sự hèn hạ thì quen ».
Thật ra tranh chấp Biển Đông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, phản ánh mối đe dọa mới của phương Bắc. Có nhiều bài viết, bài phỏng vấn phân tích mối đe dọa của Trung Quốc, mà buổi nói chuyện hôm nay không cho phép chúng ta đi vào chi tiết. Lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng cho thấy sự yếu kém của lãnh đạo và sự thoái hóa trong xã hội của một nước, là yếu tố mời gọi ngoại bang xâm phạm chủ quyền, thôn tính lãnh thổ.
Hơn bao giờ hêt, lãnh đạo Việt Nam cần thể hiện mọi quyết tâm để đối phó với hiểm họa ngoại bang. Cần đánh giá, chấn chỉnh lại toàn bộ quan hệ Việt-Trung. Quan hệ này phải được xây dựng dựa trên quyền lợi của đất nước, không trên quyền lợi của bất cứ đảng chính trị nào.
RFI : Có những lãnh tụ bản lãnh, khôn khéo thì có thể người láng giềng Trung Quốc không dễ làm mưa làm gió như hiện nay…
Tôi nghĩ rằng Việt Nam không thiếu người tài. Ngay trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam, tôi nghĩ cũng có người có tâm, có tầm trong đấy.
Trước ý kiến cho rằng các đại biểu tốt không nên ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam mà phải ở lại để làm cho đảng chuyển hóa, tôi đồng ý với luật gia Lê Hiếu Đằng là khả năng đấy không còn. Nếu còn, thì Việt Nam không rơi vào tình trạng phí phạm hay xuống cấp nghiêm trọng trong quản lý kinh tế, đạo đức xã hội, giáo dục học đường, y tế an sinh, kiến trúc xây dựng v.v… như mọi người chứng kiến.
Một đảng chính trị phải dùng trấn áp, dùng bắt bớ, giam cầm để đối phó với người khác chính kiến là một đảng chính trị không có tương lai, không dựa vào nhân dân để tồn tại.
Cạnh tranh là điều tốt, nó thúc đẩy phát triển theo chiều hướng tích cực trên mọi lãnh vực. Những người có bản lĩnh, có tài năng, biết đặt quyền lợi Tổ quốc, quyền lợi nhân dân lên trên hết trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam không nên lo sợ cạnh tranh chính trị.
Vì vậy mà tôi ủng hộ lời kêu gọi của luật gia Lê Hiếu Đằng. Những người yêu nước trong đảng Cộng sản Việt Nam, một khi thấy đảng không còn là môi trường tốt để cho họ đóng góp, nên công khai tuyên bố rời đảng, để tham gia thành lập đảng chính trị mới – đảng Dân chủ Xã hội.
RFI : Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng không có cơ sở pháp lý để thành lập các đảng chính trị mới ở Việt Nam, ông nghĩ thế nào?
Dưới Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có đảng Dân chủ và đảng Xã hội hoạt động công khai bên cạnh đảng Cộng sản Việt Nam trong một thời gian dài. Hai đảng này tuyên bố tự giải tán năm 1988.
Một khi Việt Nam là Nhà nước pháp quyền thì không có một cá nhân, một phe nhóm, một đảng chính trị nào được đứng trên luật hay đứng ngoài luật. Sự hiện hữu song song của đảng Cộng sản Việt Nam, đảng Dân chủ và đảng Xã hội trong hơn 40 năm đã chứng minh được rằng Hiến pháp Việt Nam không ngăn cấm thành lập đảng chính trị.
Trong tuyên bố chung Việt-Mỹ vào tháng trước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama cũng long trọng cam kết trước nhân dân hai nước và trước quốc tế, là lãnh đạo hai nước tuân thủ Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, tôn trọng các quyền tự do phát biểu, tự do biểu tình, tự do thành lập hội đoàn v.v…như được quy định trong Tuyên ngôn.
RFI : Ông hình dung một đảng Dân chủ Xã hội sẽ như thế nào?
Khác với đảng Dân chủ và đảng Xã hội trước đây không dựa vào nhân dân, tôi nghĩ là đảng Dân chủ Xã hội sẽ có điểm tựa là nhân dân. Độc lập, nhưng không nhất thiết là đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam, một khi cả hai đảng cùng đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi đảng phái, quyền lợi phe nhóm.
Đảng Dân chủ Xã hội sẽ công khai cạnh tranh với đảng Cộng sản Việt Nam trong các cuộc bầu cử công bằng và tự do, hai đảng cử đại diện có tâm và có tầm ra tranh cử để được nhân dân cả nước chọn lựa vào chức vụ lãnh đạo.
Người Việt ở trong nước và ngoài nước nên chúc mừng người thắng cử, bất kể người thắng thuộc đảng phái nào. Thành phần lãnh đạo mới sẽ kết hợp tín nhiệm của nhân dân cùng với bản lĩnh và tài năng của họ để thúc đẩy sự hình thành một xã hội dân sự, một Nhà nước tam quyền phân lập, nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi bế tắc hiện nay.
Tôi không thể không đề cập đến vai trò của tuổi trẻ Việt Nam, người lãnh đạo tương lai của đất nước. So với thế hệ của luật gia Lê Hiếu Đằng, tuổi trẻ ngày nay gặp không ít khó khăn, nhưng cũng có nhiều quyền lợi. Khó khăn lớn nhất của tuổi trẻ là niềm tin vào lãnh đạo đã bị đánh mất, họ không còn tin cậy những người đó. Tuổi trẻ chứng kiến sự thống trị của lừa dối trong mọi góc cạnh của xã hội, khiến họ cảm thấy lạc lõng và nghi ngờ tất cả.
Nhưng bên cạnh khó khăn là thuận lợi. Trong một nước có hơn 90 triệu người, với khoảng 60% dân số ở lứa tuổi 30 trở xuống, thì Việt Nam là một nước trẻ, có nhiều năng lực, nhiều ước mơ. Với hơn 35% dân số Việt Nam sử dụng internet, tỉ lệ này cao hơn cả Phi Luật Tân hay Thái Lan. Do đó việc tuổi trẻ tiếp cận thông tin, tìm hiểu sự thật không còn là một vấn đề như các thế hệ trước đã gặp phải.
RFI Theo ông thì tuổi trẻ Việt Nam nên chọn con đường nào?
Có hai con đường trước mắt cho tuổi trẻ Việt Nam. Con đường thứ nhất là tiếp tục giữ thái độ tiêu cực, thụ động, theo chủ nghĩa « mặc kệ nó », không có phản ứng trước các chính sách, các quyết định sai lầm nghiêm trọng của lãnh đạo gây thiệt hại lâu dài, to lớn cho đất nước như đã xảy ra trong 30 năm qua. Con đường này dứt khoát sẽ dẫn tuổi trẻ Việt Nam đến một tương lai ảm đạm, u tối, không sánh được với tương lai của các nước láng giềng hay trên thế giới.
Con đường thứ hai là kiên quyết khẳng định vị thế của tuổi trẻ Việt Nam, tiếp nối lịch sử đấu tranh bất khuất, hào hùng của tiền nhân, vì Tổ quốc, vì dân tộc, như lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam – ông Võ Văn Kiệt tuyên bố ngày nào, tôi xin được trích dẫn ở đây : “Tổ quốc là của mình, dân tộc, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng người cộng sản, hay của bất cứ tôn giáo, phe phái nào cả”.
Việc chọn lựa con đường nào cho tuổi trẻ Việt Nam trở nên rõ ràng hơn, trở nên thôi thúc hơn qua suy nghĩ từ giường bịnh của một người yêu nước.
Một số người trong hàng ngũ lãnh đạo có thể bất tài, hèn yếu, nhưng tuổi trẻ Việt Nam không bất tài, không hèn yếu. Đã đến lúc tuổi trẻ Việt Nam kết hợp lòng can đảm, tính sáng tạo cùng với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chứng minh điều này bằng hành động cụ thể, khi đối diện với đe dọa, đối diện với thách thức ở trong nước hay từ ngoại bang phương Bắc.
RFI : RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn chuyên gia khoa học không gian Thái Văn Cầu ở Hoa Kỳ.
Xin cám ơn Thụy My đã cho tôi có cơ hội chia sẻ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét