Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

BÙI GIÁNG DỊ BIỆT


NHẬT THỊNH
Gọi như thế kể cũng không ngoa lắm, bởi Bùi Giáng đã được người đời dành cho nhiều tên gọi, thích hợp với lối sống, cử chỉ, thái độ...thậm chí tới tư tưởng của Bùi Giáng: Thi Sĩ Kỳ Dị, Nhà Thơ Siêu Hình, Nhà Thơ Điên - thực sự không phải vậy mà đó chỉ là tâm trạng  bi đát của một người thơ bị bủa vây khốc liệt - thích khoác lên mình vẻ trang nghiêm đạo mạo của một ngôi sao sáng trên vòm trời văn học miền Nam trước đây. Bùi Giáng một nhà thơ, dịch giả và nhà nghiên cứu văn học có hàng loạt biệt danh trào lộng do thiên hạ đặt cho như : Trung Niên Thi Sĩ, Brigitte Giáng, Giáng Monroe, Đười Ươi Thi Sĩ, Bùi Bê Bối, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê...Bùi Giáng còn được thiên hạ gọi: Bùi Hiền Sĩ, Bùi Tiên Sinh, Bùi Chân Không, Ban Chủ Cái Bang, Quái Vật Linh Thiêng, Bùi Giáng Chủ, Bùi Số Dách, Bùi Văn Chiêu Lỳ...chứng tỏ bản thân Bùi Giáng, sự tồn tại của Bùi Giáng đã không khác một hiện tượng cà rỡn, và khi Bùi Giáng điên, tưởng cũng là một sự cà rỡn mà chỉ Bùi Giáng mới rõ.

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 [Bính Dần] tại làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Họ Bùi nguyên gốc ở Nghệ An, sau dời đến Quảng Nam lập nghiệp kể từ đời Hậu Lê, quy tụ bao quanh các xã Vĩnh Trinh, Lệ Trạch, Cù Bàn, An Lâm, Cổ Tháp và Thành Châu. Tổ đình họ Bùi đặt tại Thủ Đức. Cha Bùi Thuyên thuộc đời thứ 16 dòng họ Bùi ở đây. Do người vợ cả qua đời sớm, Bùi Thuyên lấy người vợ kế Huỳnh Thị Kiều. Bùi Giáng con thứ hai của Bùi Thuyên và Hà Thị Kiều, nhưng là con thứ năm nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, Bùi Giáng được gọi theo cách gọi miền Nam, Sáu Giáng.

Năm 1928, Bùi Giáng bị ngã vỡ trán, vết sẹo còn nguyên kỷ niệm, hai năm sống đi chết lại. Năm 1933, Bùi Giáng đi học tại trường làng Thanh Châu với thầy Lê Trí Viễn. Năm 1939, Bùi Giáng ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa, học trò của Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh, tên thật Nguyễn Đức Nguyên, Đào Duy Anh...Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp, Bùi Giáng kịp thi đậu bằng Thành Chung. Năm 1949, Bùi Giáng tham gia kháng chiến chống Pháp, gia nhập binh chủng Công binh, hai năm sau giải ngũ. Năm 1950, Bùi Giáng thi đậu Tú tài Đặc biệt ở Liên khu 5, được gửi đi Hà Tĩnh học tiếp. Từ Quảng Nam, Bùi Giáng lội bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, khi đến nơi, lại quyết định bỏ học quay ngược về quê, đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.

Năm 1952, Bùi Giáng trở ra Huế thi đậu Tú tài toàn phần ban Văn chương. Bùi Giáng vào Sài Gòn tính ghi danh theo học trường Đại học Văn khoa, nhưng khi thấy danh sách các giáo sư giảng dạy thì quyết định ngưng việc học, bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và dạy học ở các trường tư thục.

Bùi Giáng là một người tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của Bùi Giáng, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm nhiều người trong văn giới phải kinh ngạc. Bùi Giáng đã dịch nhiều sách Pháp, Anh, Hán văn...như Hamlet của Shakespeare, Hoàng tử bé [Le petit prince] của Saint Exupéry,Ngộ nhận, Kẻ nổi loạn[L'homme révolté] của Albert Camus, Khung cửa hẹp [La porte étroite], Hòa âm điền dã [La symphonie pastorale] của André Gide, Kim kiến điêu linh của Ngọa Long Cương...Năm 1965, thần hỏa thiêu rụi nhà Bùi Giáng cướp đi nhiều bản thảo. Năm 1969, Bùi Giáng"bắt đầu điên rực rỡ" [chữ của Bùi Giáng], năm 1970, "lang thang du hành Lục tỉnh" [chữ của Bùi Giáng]. Bùi Giáng kể chuyện bà chủ khách sạn Long Xuyên cho ở không tính tiền, phòng đầy đủ tiện nghi [Bùi Giáng kể], lại được "gái Long Xuyên yêu dấu" [chữ của Bùi Giáng], "gái Châu Đốc thương yêu" [chữ của Bùi Giáng] và "gái Chợ Lớn khiến bị bệnh hoa liễu"[chữ của Bùi Giáng]. Năm 1971, Bùi Giáng trở lại Sài Gòn, "điên rồ lừng lẫy sống đi chết lại vẻ vang" [chữ của Bùi Giáng],"rong chơi như con nít." [chữ của Bùi Giáng].

Bùi Giáng trút hơi thở cuối cùng lúc 2 giờ chiều  ngày Thứ Tư 7 tháng 10 năm 1998, bị tai biến mạch máu não điều trị tại Bệnh viện Chợ Rãy. Bùi Giáng nhập viện ngày 23 tháng 9 năm 1998 vì bị té, đứt mạch máu não. Theo một người bà con ở Đức về thăm Bùi Giáng là Bùi Văn Nam Sơn thì Bùi Giáng té ngã khi đứng lên thắp đèn, sau khi đã uống nhiều rượu. Bùi Giáng được đưa vào bệnh viện cấp cứu, giải phẫu đêm 25 tháng 9 năm 1998, nhưng quá yếu nên ít hy vọng phục hồi. Nghe tin Bùi Giáng vào bệnh viện được báo chí khắp nơi loan báo, giới văn nghệ sĩ kéo nhau vào bệnh viện thăm Bùi Giáng, một nhà thơ có tiếng thơ độc đáo, gây nhiều tranh luận sôi nổi nhất là ở những thi phẩm như Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Trăng châu thổ, Sương bình nguyên, Bài ca quần đảo, Rong rêu...,tác giả của nhiều tác phẩm văn xuôi về triết học như Tư tưởng hiện đại, Thế nào là siêu thực, Heidegger và Husserl, Hình ảnh Jean Paul Sartre, Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại...,văn học đã viết các khảo luận vềTruyện Kiều, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà...,và ngay khi còn sống đã trở thành một huyền thoại trong làng văn, vì nếp sống ngang tàng, không màng danh lợi dưới bất cứ chế độ nào. Ai đã từng tiếp xúc Bùi Giáng trong trang sách đến ngoài đời, hầu như chưa thể bình luận gì về Bùi Giáng. Biết bình với luận thế nào khi kẻ khen thì tâng hết lời mà người chê thì lại thì lại đả tới số. Đến khi nghe tin Bùi Giáng qua đời, người ta bỗng sực nhớ đến các vần thơ trác tuyệt, mênh mông, lãng đãng như các lời nhắn nhủ của Bùi Giáng:

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy  nguyên mầu ấy không
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù

Và người tỵ nạn hải ngoại chia sẻ nỗi ngậm ngùi khi đọc Bùi Giáng:

Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà. 

Thi hài Bùi Giáng nhập quan sáng ngày 8 tháng 10 năm 1998 và quàn tại Nhà tang lễ Chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, an táng tại Nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức. Trước ngày động quan Bùi Giáng, Hội Nhà Văn muốn biểu lộ sự kính trọng đối với một ngòi bút lớn đã qua đời, bằng cách đề nghị được an táng Bùi Giáng tại Nghĩa trang Thành phố nhưng em trai của Bùi Giáng là Bùi Văn Luân không chấp thuận. Sau đó Hội Nhà Văn đề nghị hiến tặng hai mảnh đất hợp với hai mảnh đất của Bùi Tộc Vĩnh Trinh cho được rộng rãi.

Tối Thứ Bẩy ngày 10 tháng 10 năm 1998, những người mến mộ Bùi Giáng, đa số gồm các học sinh, sinh viên, giới trẻ đổ tới nhà quàn Vĩnh Nghiêm tiễn biệt Bùi Giáng ra đi kéo dài đến 2 giờ khuya khiến không còn một chỗ trống để chứa người. Sổ tang ghi tên nhiều người dày tới hàng trăm trang. Đám tang có tới hàng nghìn người tham dự, được đánh giá là một trong những đám tang có đông người dư kể từ sau năm 1975...Trước khi hạ huyệt nữ nghệ sĩ Kim Cương - một người từng được Bùi Giáng lúc sinh thời nói tới nhiều - được mời đọc điếu văn. Tiếp tới nhà văn Sơn Nam ngỏ đôi lời trước mộ Bùi Giáng.

Xưa nay dư luận có nhiều người nghi vấn: Bùi Giáng có mắc bệnh điên hay không ?  Có nhiều bài  đề cập đến vấn đề này, trong đó có người khẳng định Bùi Giáng điên, trong khi một số khác đã quan niệm trái ngược. Nhà văn Trần Đới xác định: "Một sự thực là Bùi Giáng chưa bao giờ điên. Cũng như anh chẳng bao giờ giả điên. Càng chưa bao giờ Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế nào. Bởi lẽ dễ hiểu Bùi Giáng chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh. Thời kỳ của Bùi Giáng bộc phát ra bên ngoài mà người ta gọi là điên, ấy là thời kỳ tỉnh lại và hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả lẽ chân thiện mỹ của nghệ thuật thi ca từ nhiều đời nhiều kiếp đều dồn về lúc đó...Bây giờ người thi sĩ này chỉ còn một cách duy nhất để sáng tác nguồn cảm hứng kia là sống." 

Một người khác, nhà văn Nhất Thanh lập luận: "Ô, chẳng có ngôn từ nào thích hợp với Bùi Giáng cả. Ông chỉ là một ông già bình thường nhất, dễ thương nhất. Nếu có điên chăng, có lẽ là tất cả người ta."

Tất nhiên, Bùi Giáng thừa biết có nhiều người tranh cãi rằng mình có điên hay không, và đã tự trả lời: "Nó điên? Vâng nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên, thì trước hết phải đáp vào câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy."

Khi nghe Bùi Giáng giải thích thế, người ta không khỏi cảm thấy bối rối, tự hỏi Bùi Giáng thuộc loại người nào, một người điên hay một người bình thường? Nhưng có một sự thật không thể chối cãi, Bùi Giáng là bệnh nhân của bệnh viện tâm thần. Năm 1969, Bùi Giáng có số lượng tác phẩm xuất bản nhiều nhất, không may vấp phải cú sốc lớn thứ hai trong đời. Bùi Giáng bị hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ sách vở quý hiếm, một số tranh và đặc biệt nhiều bản thảo hoàn chỉnh rất tâm đắc. Con người hồn nhiên của Bùi Giáng chắc không bị sốc vì chuyện này, sau đó người nhà phải đưa Bùi Giáng vào Bệnh viện tâm thần Biên Hòa để chữa trị. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần Tô Dương Hiệp, con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc [năm 1944 có bị bệnh tâm thần gần một năm] có thời gian làm Giám đốc tại đây, theo nhà văn Nguiễn Ngu Í đã soạn chung với con một tập khảo luận, thật sáng giá về mọi mặt, hơn vượt bậc các em nhiều.

Nhà văn Cung Tích Biền kể: 

"Khoảng đầu thập niên 70 có lẽ người ta đưa ông vào nhà thương điên Biên Hòa chữa cái bệnh đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy. Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh. Bèn hỏi một câu thường tình:

-Nhà thương Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay nhỉ?

Ông trả lời tỉnh queo:

-Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động thôi điên." 

Nghe Bùi Giáng lập luận vậy, phải chăng những việc làm không giống ai của Bùi Giáng là do Bùi Giáng tạo ra vậy chứ không phải bệnh tật gây ra? Nhà văn Đào Hiếu nhận định: "Cũng có thể hiểu Bùi Giáng như thế này: Ông coi đời là hữu hạn, là phi lý, là chốn lưu đày, là cõi phù du, là cái mớ bòng bong vớ vẩn."

Xem thế thì chuyện Bùi Giáng có thể không phải chỉ duy nhất Bùi Giáng có những biểu hiện tâm thần mà làm thơ viết văn. Có nhiều bệnh nhân của các bệnh viện tâm thần là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ...họ có thể vẽ tranh, sáng tác thơ văn ngay trong thời gian chữa trị bệnh. Có điều họ không có cái gốc tài năng xuất chúng như Bùi Giáng nên không thể trở thành hiện tượng đặc biệt thôi. Hơn nữa những hành vi khác đời của Bùi Giáng đã được các nhà chuyên môn khẳng định có nguyên nhân bệnh lý chứ không phải vấn đề tư tưởng hay nhân sinh quan. Có điều, bởi người ta thấy cái điên của Bùi Giáng có khác thường nên ngờ ngợ. Nhưng với thời gian người ta sẽ hiểu rõ hơn khi xét đến các vấn đề khác. Tưởng cần biết rằng, không chỉ riêng Bùi Giáng, mà nhiều bệnh nhân tâm thần khác, nếu tiếp xúc với họ, đôi khi người ta cũng dễ nhầm lẫn, bởi thấy họ có vẻ thật thật giả giả, nửa điên nửa tỉnh. Vì thế khó thể kết luận về tình trạng của họ ngoại trừ những nhà chuyên môn.

Không ai biết Bùi Giáng, đọc Bùi Giáng mà không mến mộ Bùi Giáng. Sự thật là vậy. Cho rằng Bùi Giáng tỉnh cũng được, điên cũng được, mà tỉnh hay điên thì Bùi Giáng cũng đã để lại cho đời những vần thơ trác tuyệt. Bùi Giáng mở ra một thế giới thi ca ảo diệu. Có người may mắn được gần gũi với Bùi Giáng đã phát biểu: "Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi nghĩ thầm nếu có được thêm ít người điên như Bùi Giáng, thơ ca ta còn được lạ lùng, kỳ ảo biết bao nhiêu". Lập luận này thiết nghĩ cũng không đến nỗi ngoa lắm.

Có người kể chuyện cách đây 25 năm tại một góc chơ Gò Vấp, hôm đó quy tụ bốn tay giang hồ ngồi cụng ly lúc nửa đêm, đúng lúc đó Bùi Giáng rời chùa Long Huê, tọa lạc gần đấy, ra chợ quậy phá, tay cầm cây chổi rách tượng trưng cho ấn kiếm. Sở dĩ gọi là ấn kiếm bởi Bùi Giáng thường vỗ ngực xưng vương bất cứ lúc nào cao hứng. Đêm đó Bùi Giáng làm bà con trong khu vực chạy tán loạn, múa gậy tiến về đám giang hồ. Bùi Giáng đọc thơ trên đường đi và dòm trừng trừng vào bọn nọ. Trong cơn say xỉn ngất trời, họ xúi nhau đọc thơ đáp lễ. Thế là người ngồi người đứng xuất khẩu thành thơ qua lại liên tục. Có một gã trong bọn xuất khẩu thành thơ, không biết Bùi Giáng nhận định thế nào, bỗng quỳ xuống đất dâng cây chổi rách lên và tuyên bố: "Đêm nay Trẫm thay mặt Cựu hoàng Bảo Đại giao ấn kiếm cho thế hệ Hồ Chí Minh." Câu chuyện đầy tính "chính trị" và đối phó của Bùi Giáng buộc gã nọ phải cúi nhận cây chổi, đồng thời làm một bài thơ tặng lại Bùi Giáng. 

Cuộc hội ngộ thứ hai xảy ra khoảng đầu năm 1990, khi đó một gã trong đám giang hồ đêm nọ ở chợ Gò Vấp, có vợ mang thai đứa con đầu lòng, ghé chơi nhà người quen. Không ngờ bữa đó lại có Bùi Giáng đến chơi. Bùi Giáng lên tiếng hỏi gã có vợ chửa: "Phu nhân của hậu sinh có chửa hả, đặt tên gì chưa?" Chưa ai kịp đáp, Bùi Giáng vỗ xuống bàn cái rầm nói:"Trẫm đề nghị đặt tên cho hậu duệ là Bùi Vương. Bởi họ Bùi chưa có ai làm vua cả."Lời đề nghị của Bùi Giáng làm mọi người phá ra cười.  

Hai câu chuyện này có nhân chứng rõ rệt - chỉ bởi lý do riêng tạm không nêu tên - thiết tưởng người ta đã đoán được Bùi Giáng điên hay tỉnh. Nghĩ rằng điên hay tỉnh là tùy theo phản xạ và đề kháng của Bùi Giáng khi tiếp xúc với người lạ. Gặp kẻ ác, kẻ vô cảm, kẻ ăn hiếp đàn bà con gái, trẻ con, và súc vật thì Bùi Giáng điên tới cùng. Còn ngược lại gặp tâm hồn tri âm, tri kỷ, đồng điệu Bùi Giáng tỉnh táo như "trích tiên" Lý Bạch. 

Người ta chứng kiến, trong cuộc sống, Bùi Giáng đôi khi có những hành vi, sinh hoạt khác thường, chẳng hạn một lần mặc nhiều bộ quần áo chùm lên người; ra đường hò hét, huơ gậy giữa đám đông; thản nhiên đứng tắm nơi vòi nước công cộng...và tự nhận mình điên [một phần Bùi Giáng tự nói mình điên, trong nhiều bài viết, bài thơ]. Thật ra, có lẽ đó chỉ là biểu hiện của một tâm hồn bén nhạy thái quá, do khuynh hướng siêu hình sung mãn ẩn chứa bên trong "đẩy đưa" mà thành ra bên ngoài.

Trong con người Bùi Giáng có khuynh hướng nhạy cảm với cõi siêu hình. Cùng một sự kiện, thậm chí một câu thơ vu vơ [tất nhiên phải hay] Bùi Giáng dễ liên tưởng đến các ý nghĩa, tư tưởng diệu vợi phía sau nó. Như câu thơ"Của vu vơ nghe mãi tiếng kêu thầm" của Xuân Diệu, Bùi Giáng "phát hiện" điều đó ám chỉ tâm hồn của các nhà thơ phiêu bồng  luôn "bị" những cái vu vơ "kêu thầm" để lãng đãng, suốt đời lên đường tìm kiếm một cái gì đó, rốt cuộc bị hệ lụy. 

Một đối tượng của siêu hình ám ảnh Bùi Giáng nặng nhất chính là việc con người sinh ra. Vì sao sinh ra? Sinh ra rồi sao lại chết? Thuở đầu đời cầm bút, Bùi Giáng có hai câu thơ xuất sắc diễn tả ý niệm này:

Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn

Bùi Giáng quan niệm sinh ra đời đã là "lỡ từ lạc bước bước ra", phải đi tiếp mãi trên đường đời mưa gió không chống chọi lại được. Và "chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn" cũng là cách Bùi Giáng đề cập đến sự gắn kết tâm thức mình với các rừng hoa trên núi ngàn quê mình. Lần khác, Bùi Giáng viết: "Thi sĩ sinh ra giữa cỏ cây ly kỳ gây cấn và sẽ chết đi giữa cây cỏ gây cấn ly kỳ." Cách nó đó thật quá thiết tha về cái tâm trạng của Bùi Giáng khi chào đời, cầm bút làm thơ, nó đứng ở mép rìa cõi...điên, và Bùi Giáng bị cho là"nói điên" vì vậy. 

Đến khi được ai đó mời ăn tô phở hay hủ tiếu, Bùi Giáng thường lựa...thịt ăn trước. Người ta hỏi: "Ăn vậy sao ngon?", Bùi Giáng đáp:"Thì cái ngon nên ăn trước chớ rủi chết bất tử thì sao?" . Qua đó dư luận cho rằng:"Bùi Giáng điên." Có lần ăn mì Quảng [món ăn quen thuộc của quê Bùi Giáng], Bùi Giáng chợt thở dài quay sang nói với người quen : "Ta ăn hai ngàn tô mì nữa ta chết."Người quen ngơ ngẩn. Nhưng đó là một câu nói...thăm thẳm! Điều đó giải thích vì sao, bên cạnh việc sáng tác, Bùi Giáng đã nhanh chóng cùng lúc đi sâu vào lãnh vực nghiên cứu, luận bàn triết học và có nhiều tác phẩm nổi tiếng trong lãnh vực này. 

Và cũng vì "cái tật"  hay vào quán...hò hét, chỉ trỏ, có lần Bùi Giáng bị một người bán hủ tiếu đánh trọng thương, phải chở đi bệnh viện cấp cứu. Người nhà Bùi Giáng nghe tin  tức giận kéo đi đánh trả thù, Bùi Giáng nằm trên giường bệnh lên tiếng can ngăn: "Hãy buông tha cho họ, họ là người thường nên mới đánh mình, vì họ không biết mình là con nhà trời. Nếu kiện, họ đi tù, thì lấy ai bán hủ hiếu cho bà con ăn."Nghe hai chữ"người trời", ai nấy nín cười, nhưng có lẽ Bùi Giáng nói...thật. Trong tâm thức Bùi Giáng luôn luôn chất chứa "giọng nói", "hình ảnh" siêu hình. Nhiều khi, Bùi Giáng chợt nhắc đến các tên Thích Ca, Jésus, Khổng Tử, Trang Tử đời xưa...cho đến những Shakespeare, Nietzsche, Heideger...đời nay một cách tự nhiên hầu giải thích một điều gì đó trong câu chuyện đang nói, coi họ như những nhân chứng của mình trong mọi thời gian, không gian vậy.

Những khi Bùi Giáng đứng chỉ tay rối rít cho xe cộ qua lại giữa những ngã tư, nhiều người thấy vậy đã tỏ ra lo ngại cho Bùi Giáng có ngày bị đụng xe, nhưng có điều lạ là Bùi Giáng không hề bị tai nạn. Người ta hỏi:"Đã có công an làm nhiệm vụ trật tự giao thông, nhà thơ làm vậy chi nữa?" Bùi Giáng chỉ tay lên trời nói: "Ta đâu có chỉ đường cho loài người. Ta chỉ đường cho các thiên thần đang di chuyển trên trời kia kìa." Người ta kể chuyện, hồi giữa các năm 1960, có lần nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thấy Bùi Giáng ngủ cạnh một ngôi mộ ở Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, đến lay người đánh thức Bùi Giáng dậy, miệng quát to:"Về nhà ngủ". Bùi Giáng ngồi bật dậy, đưa tay lên miệng suỵt, suỵt mấy tiếng bảo: "Mi nói nhỏ thôi để cho những người dưới mộ ngủ được ngon." Như thế phải chăng Bùi Giáng có năng lực...nhìn thấy người trời và người âm. Điều này chỉ mình Bùi Giáng biết và mình Bùi Giáng nói ra. Và qua các sự việc đó, ít ra, người ta thấy Bùi Giáng có tố chất siêu hình mạnh mẽ, chi phối không những tư tưởng, thi ca mà còn trong cuộc sống đời thường. Bùi Giáng quả thật nhà thơ phiêu bồng theo cái nghĩa tinh mật của từ này.

Bùi Giáng khi ở nhà khác hẳn Bùi Giáng ở ngoài đường phố. Người cháu rể, Nguyễn Thanh Hoài, ở cùng nhà với Bùi Giáng trong nhiều năm dài, có lần đã hỏi Bùi Giáng: "Cháu thấy ở trong nhà mình đây, bác tỉnh táo và còn ...khôn hơn người ta gấp trăm lần, vậy mà ai cũng nói bác điên, vậy bác điên giả bộ hay điên thật?" Bùi Giáng cười trả lời:"Ta vốn  là con trai trong nhà. Nhưng vì mẹ ta là vợ thứ nên ta trở thành con thứ sáu, gọi Sáu Giáng. Tuy thế, vì ta là con cả nên trong nhà từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, tụi nó đều bắt ta đứng ra giải quyết, nên chi thôi ta...điên cho nhẹ người. Vì vô lẽ ăn rồi cứ đứng ra giải quyết ba cái chuyện trời ơi. He he, đã điên thì làm sao mà đứng ra hòa giải cho được". Đây là một...thứ triết lý, nhưng triết lý khôn "không thể nói" của con người nông thôn miền Trung còn tiềm ẩn trong con người nhà thơ phiêu bồng phố thị.

Vẫn theo người cháu trai này, có những lúc Bùi Giáng giam mình trong nhà cả tháng. Suốt thời gian đó, Bùi Giáng không hé miệng nói nửa lời, thậm chí không đọc thơ vốn là nhu cầu "máu thịt" của mình. Bùi Giáng chỉ nói một, hai từ trong những lúc thật cần thiết để trao đổi, chẳng hạn:"ăn cơm không", đáp "ừ", "ăn thêm chén nữa", đáp"không"...Và dường như "công án" tịnh khẩu dài lâu như vậy không phải dễ thực hành [ngay cả với người tu chân chính], cho nên người nhà đôi khi thấy Bùi Giáng đem các quần áo rách ra vá. Bùi Giáng vá thật khéo tay, miếng nào miếng nấy "đẹp như người ta vẽ". Người ta cho rằng với "công án" vá may đó, Bùi Giáng đã thực hành pháp chánh niệm của Phật giáo [chăm chú an trú trong hiện tiền, với việc mình đang làm từng giây phút] để có được những miếng vá "tuyệt vời" như vậy. Bùi Giáng thường thức dậy sớm, tù mù sáng đã ra khỏi nhà và đến khi tối mịt mới trở về. Tuy nhiên trong nhiều năm cuối đời, dù dậy sớm "phiêu bồng" đâu đó đến khuya, mỗi ngày Bùi Giáng đều ngồi thiền khoảng một giờ vào hai thời khuya và sáng sớm. Nhiều tu sĩ cho biết "Ngồi thiền đều đặn như thế giúp cho tâm trí và cơ thể cân bằng, có nhiều năng lượng sống". Người ta cho rằng Bùi Giáng đã "tỉnh táo" khi chọn cách tịnh khẩu và ngồi thiền. Khuynh hướng siêu hình nhiều khi khiến Bùi Giáng có vẻ "điên" nhưng chính cái đó đã "đẩy" Bùi Giáng đến gần hơn với thế giới của tôn giáo nghiêm mật và minh triết. 

Không kể đến văn chương, mà ngay trong những trò chuyện đời thường, Bùi Giáng thường có những câu nói ấn tượng, phải chăng chúng mang tính "thông điệp" siêu hình của riêng Bùi Giáng? Có lần bị bệnh, nhiều người đến thăm, xuýt xoa, Bùi Giáng chậm rãi nói: "Ta có bệnh chi mô, chẳng qua ông trời khó ở, bệnh, nên ta mới bệnh theo." Lại là lời nói...điên [?!], mà chính xác lạ kỳ. Ai cũng biết, khi đất trời, thời tiết chuyển đổi, cơ thể con người bị ảnh hưởng theo và người đang yếu lúc bấy giờ lâm bệnh rất dễ. 

Năm 1969, Bùi Giáng vào Bệnh viện tâm thần Biên Hòa, chưa đầy một năm đã xuất viện. Có người hỏi Bùi Giáng:"Bệnh viện chữa  hay quá nhỉ", Bùi Giáng tính rụi: "Đâu phải thế. Tại ta ở ngoài đời điên số một, nhưng vào trong đó thì thấy mình...đồ bỏ. Có nhiều đứa điên còn rực rỡ hơn mình nên ta phải tự động thôi điên...cho khỏe." Thật dễ hiểu với  kiểu"điên khôn" vậy, Bùi Giáng hoàn thành hàng chục tác phẩm triết học rối rắm mà thông tuệ. Có khi Bùi Giáng làm bộ nói thay cho người đời bằng những câu thơ: "Ông điên mà dzui dzẻ thập thành # Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn thiu" . Thế cho nên khi xuất viện, Bùi Giáng đã trêu bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, người trực tiếp chữa trị cho mình với câu nói thay cho bác sĩ: "Hỏi chuyện ngài để thăm dò chứng bệnh, rốt cuộc ta không còn biết là ngài điên hay chính ta điên"Những câu tương tự vậy thường khiến người khác phải xem lại cuộc sống, thậm chí cả những tư duy máy móc của mình. 

Những giai thoại về cơn điên của Bùi Giáng qua truyền khẩu hay trên các tạp chí văn chương trước đây tản mạn nhiều. Người ta đặt câu hỏi: Bùi Giáng có phải người mắc bệnh điên không? Qua sinh hoạt văn nghệ ở miền Nam cùng thời với Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường...khó thể nói Bùi Giáng thân thiết ai hơn ai trong nhóm đó, nhưng Bùi Giáng xem ra gần gũi với Trịnh Công Sơn về mặt tư tưởng. Tự nhận mình điên, "phiêu bồng rớt hột"[chữ của Bùi Giáng], Bùi Giáng thích "cà khịa" với những ai thường khoác lên người vẻ trang nghiêm, đạo mạo thái quá. Trịnh Công Sơn không thuộc loại người thích trang nghiêm, nhưng tư tưởng, ý niệm mang tính siêu hình đầy quyến rũ, có tính thuyết phục trong âm nhạc, đã làm Bùi Giáng nhiều phen"chấn động dị thường"[chữ của Bùi Giáng]. Trong tâm cảm của Bùi Giáng chỉ những ai "phiêu bồng"với cuộc đời, hay có cuộc sống ít nhiều khác thường mới có tài năng lớn, tư tưởng cao. Trịnh Công Sơn không có tính phiêu bồng, cũng không sống khác thường, điều ấy làm Bùi Giáng...nghĩ ngợi. Cuối cùng, Bùi Giáng ghẹo Trịnh Công Sơn bằng hai câu thơ tưởng rằng đùa cợt mà thật sâu sắc: "Công Sơn trịnh trọng phiêu bồng # Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi"Tính cách chơi chữ gồm cụm từ "trịnh trọng phiêu bồng" có hồn, phác họa được phần nào tư thái của Trịnh Công Sơn. Trong phiêu bồng, Trịnh Công Sơn không buông tuồng, nghĩa là khi phiêu bồng vẫn có ý thức về chung quanh, nhờ thế có những nắm bắt...thần sầu. Có lần Trịnh Công Sơn ra bộ thắc mắc: "Anh Giáng chê mình, cho rằng thơ nhạc của mình có ngần ấy thôi.", Bùi Giáng liến thoắng: "Mi trịnh trọng phiêu bồng  mà thơ nhạc kỳ tuyệt như rứa giữa trần gian, nếu...dã man phiêu bồng, thơ nhạc của mi thành nhã nhạc cõi trời rồi, người đời ai còn may mắn được thưởng thức" Thời trước năm 1975, nhà xuất bản An Tiêm ở đường Lý Thái Tổ thường là nơi lui tới của nhiều nhà thơ lang thang và...trốn lính, Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn gặp nhau và quen nhau trong giai đoạn này. Ngôi nhà Trịnh Công Sơn kín cổng cao tường, ai đến thăm bấm chuông thường có một "thị tỳ" nữ  là cháu gái Trịnh Công Sơn ra mở cổng, "nhậndiện" khách, và vào "báo cáo". Bùi Giáng mỗi khi đến, không bao giờ bấm chuông mà đứng ngoài cổng kêu to: "Bớ...Sơn, trẫm đến vấn an nhà ngươi đây" . Mỗi lần như vậy đích thân Trịnh Công Sơn ra mở cổng. Có một điều lạ, Bùi Giáng hơn Trịnh Công Sơn tới 13 tuổi, nhưng ngoài lúc gặp nhau trực tiếp  goi nhau bằng"mi - ta", còn lúc vắng mặt Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng luôn trịnh trọng xưng hô anh. Gia đình Trịnh Công Sơn rất hiếu khách, mỗi khi Bùi Giáng đến chơi, chính thân mẫu Trịnh Công Sơn tự tay đơm cơm cho Bùi Giáng, khi về còn biếu thứ này thứ nọ. Một ngày nọ từ đây ra về, Bùi Giáng nhờ một người bạn đọc chở bằng xe đạp. Dọc đường hai cái bánh tét Bùi Giáng gánh trên vai cứ lủng lẳng chạm vào tay người lái xe rất khó điều khiển. Người đó đề nghị Bùi Giáng nên đem cho ai hay vứt đi cho xong. Nghe vậy Bùi Giáng sừng sộ: "Mi không chở thì cho ta xuống, chớ đây là bánh của bà mẹ vĩ đại đẻ ra anh Trịnh Công Sơn cho ta, ta làm sao dám bỏ." 

Những năm Bùi Giáng về ở nhà người cháu rể tại Bình Thạnh, hầu như không còn giao du rộng rãi với ai trong giới văn nghệ, chỉ lang thang đây đó với "người đời" ban ngày, tối về nhà. Không thấy Bùi Giáng lui tới thường xuyên, một buổi tối nọ Trịnh Công Sơn nhờ một người bạn chở đến tận nơi. Lúc Trịnh Công Sơn đến đèn trong nhà bỗng phụt tắt, Trịnh Công Sơn áp mồm vào cửa gọi:"Anh Giáng ơi! Sơn đây", đèn bỗng bật sáng. Bùi Giáng mở cửa bước ra, bộ dạng tươm tất, sạch sẽ. Trịnh Công Sơn bước vào nhà thấy Bùi Giáng trịnh trọng thắp nén nhang trầm, nói: "Bạn đến, ta phải xông hương tiếp bạn" Trịnh Công Sơn không khỏi ứa nước mắt.

Nhiều lần Trịnh Công Sơn thân mật tiếp rượu Bùi Giáng tại nhà riêng hay tại quán. Một buổi chiều năm 1988, họ uống rượu vodka tại quán Ba Miền. Trong bữa tiệc rượu này họ một lần nữa tri ngộ nhau bằng màu sắc: Trịnh Công Sơn vẽ chân dung Bùi Giáng, và ngược lại. Nói cho đúng, Bùi Giáng "thất thế" trước Trịnh Công Sơn về cái khoản vẽ, nhưng bức tranh vẽ Trịnh Công Sơm hôm đó, Bùi Giáng quá "lên tay", làm như tình bạn đã nhập vào những ngón tay tài hoa của Bùi Giáng vậy. Bùi Giáng còn cảm hứng viết ngay dưới bức chân dung của Bùi Giáng do Trịnh Công Sơn phác thảo mấy câu thơ cấp tốc: "Chịu chơi Hộ Trịnh Công Sơn # Của trời rộng mở rập rờn hoàng hoa # Chào nhau giữa những vốc-ka # Liên Xô số dzách ngọc ng..." Câu thứ tư dang dở, có lẽ lúc bấy giờ Bùi Giáng bí vần, và chuyện đó hiếm xảy ra đối với người "mắn thơ" như Bùi Giáng. Cũng có lẽ do tại Trịnh Công Sơn làm Bùi Giáng...chao đảo vì rượu, vì người.

Thuở mới bước chân vào thế giới thơ văn, triết học, Bùi Giáng viết: "Đây là một niềm tương ngộ, cuộc trùng phùng, những tao ngộ tình cờ trong cuộc hội thoại", ý muốn diễn tả những tư tưởng, những sáng tạo ngôn ngữ, văn chương đều  là một sự gặp gỡ để cùng hội thoại về những lẽ đời. Dường như Bùi Giáng đã có nhiều tao ngộ với Trịnh Công Sơn trong các cuộc hội thoại.

Về cái chết của một cô gái người Thượng trên rừng do bom đạn thời Pháp, Bùi Giáng thổn thức viết: "Em chết bên bờ lúa # Để lại trên đường mòn # Một bước chân bước của # Một bàn chân bé con" Tương tự chiến tranh ám ảnh nặng nề tâm thức Trịnh Công Sơn: "Một buổi sáng mùa đông # Một đứa bé ra đồng # Đạp trái mìn nổ chậm #  Xác thân thành hư không"  Bùi Giáng có cái nhìn siêu hình xa xăm diệu vợi: "Em về mấy thế kỷ sau # Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không # Ta đi còn gửi đôi dòng # Lá rơi có dội ở trong sương mù."Trịnh Công Sơn lại tỏ ra "lo xa": "Tôi như trẻ nhỏ # Ngồi bên hiên nhà # Chờ xem thế kỷ tàn phai."Từ hình ảnh lá của Bùi Giáng ẩn dụ người chết đi như lá rụng"dội" âm vang trong sương mù cõi đời, Trịnh Công Sơn tiếp nối dòng cảm nghĩ...có dữ hơn: "Lá úa trên cao rụng đầy # Cho trăm năm vào chết một ngày." Bùi Giáng hay nghĩ đến chuyện kiếp sau,"thích" hình ảnh "núi đá": "Ngựa về núi đá đầu thai", Trịnh Công Sơn cũng vậy: "Chờ cây non trên núi đầu thai."Một tư tưởng "loanh quanh lẩn quẩn" nhiều nhất trong các tác phẩm, từ bộ môn thi ca đến triết học của Bùi Giáng là sự kiện "lỡ từ lạc bước  bước ra" của con người khi đến với trần gian, từ đó con người cứ nhớ mãi về chốn quê xưa. Tại sao con người sinh lại tử, tiếp nối mãi vậy, khiến những câu thơ Bùi Giáng diễn tả cơ hồ lẩn quẩn theo, chẳng khác nào một sự bế tắc: "Đi về đi ở đi đi # Đi là đi biệt từ khi chưa về." Tương tự, Trịnh Công Sơn có niềm thắc mắc "loanh quanh"như : "Hôm nay ta về lại ngỡ ta đi # Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt." Chót hết, đề cập đến cái chết, ấy là lúc từ giã "cái tôi" trần gian để về  chín tầng cao gặp "cái tôi" bất tuyệt của mình, Bùi Giáng ngỏ lời: "Rồi tôi cũng phải xa tôi # Đời tài hoa cũng xa xôi phương trời", còn Trịnh Công Sơn sợ mình "về sau", thốt lên tương tự: "Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây #  Còn bao lâucho thiên thu xuống trên thân này # Còn bao lâu tôi xa anh, xa em, xa tôi."      

Ngày 7 tháng 10 năm 1998, Bùi Giáng: "Bay về ổ chín tầng cao # Con chim vĩnh biệt quên chào mái hiên." Lại Trịnh Công Sơn viết những câu thơ đúng nhất và tha thiết nhất về kẻ tri ngộ tri âm của mình: "Thi nhân vĩnh viễn chân trời ấy # Đảo điên điên đảo bụi trần gian # Từ ấy tôi buồn như cỏ dại # Buồn vì một chút bụi lang thang." Ba năm sau, Trịnh Công Sơn nối bước chân Bùi Giáng: "Những hẹn hò từ nay khép lại # Thân nhẹ nhàng như mây..." Câu nói của Trịnh Công Sơn về Bùi Giáng ngày nào hẳn cũng rất đúng cho chính mình: "Bùi Giáng là hư không, là vô thường, là thiên niên kỷ trước, là lầu không, là vô biên màu nhiệm, là bát quái trận đồ vô ra bế tắc mà rốt cuộc cũng vẫn luân lưu một sự đời miên viễn nói cười hả hê vu vơ mầu nhiệm." Và khi nhắc đến sự chết, sự đi đi về về với chốn trần gian, người đời sau cũng chỉ muốn nhắc đến tên hai người tài hoa tri ngộ này, như một biểu tượng chung: Bùi Giáng đã ra đi rồi Ttịnh Công Sơn cũng đi: "Nghìn xưa đâu có Giáng Sơn gì # Nghìn sau đâu có Sơn cùng Giáng # Dắt díu nhau về dắt díu nhau đi" [thơ của một độc giả ký tên Long Điên ghi trong sổ tang Trịnh Công Sơn] 

Đơn giản vậy thôi, vậy mà từ thi phẩm đầu tay "Mưa nguồn" đến nay, chưa ai có thể hiểu trọn vẹn về hiện tượng Bùi Giáng trong thi ca Việt Nam hiện đại. Người ta chỉ biết chắc chắn rằng, chưa một nhà thơ Việt Nam nào tự đặt và được thiên hạ đặt cho nhiều tên trào lộng như Bùi Giáng. Người ta coi Bùi Giáng như một ngôi sao sáng trên vòm trời văn nghệ miền Nam trước đây, được không ít người xưng tụng là "thiên tài", là "bậc thượng trí", là "đáng tiêu biểu hơn cả về thi ca bây giờ và có lẽ...vạn đại" và tôn Bùi Giáng làm "thần tượng"  Bùi Giáng ra đi, thơ ca Việt Nam cận đại mất một nhàthơ lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét