Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

TỔNG HỢP NHỮNG BÀI VIẾT VỀ NHÀ THƠ BÙI GIÁNG - PHẦN 3


Chương 7: CUỘC ĐẤU TRANH BẢO VỆ NÀNG KIỀU

Đến Sài Gòn được ít lâu, Bùi Giáng bắt tay vào việc viết sách. Nhưng những cuốn sách đầu tiên Bùi Giáng viết ra, vì chưa có thương hiệu” nên dĩ nhiên chưa có nhà xuất bản nào chịu bỏ tiền ra in, do vậy ông phải tự lo. 

Nhưng với một người vừa chân ướt chân ráo đi lập nghiệp như ông, làm sao có tiền để in sách. Vì vậy ông phải xoay xở bằng nhiều cách. Một số người cho rằng Bùi Giáng đã nhờ người bà con đang làm ăn phát đạt lúc đó là bác sĩ Bùi Kiến Tín cho mượn tiền để in sách. Nhưng những người thân cận với Bùi Giáng cho biết ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa hưởng ở Quảng Nam để lấy tiền in sách. Chi tiết này cho thấy Bùi Giáng quả là con người đáng nể phục.

Khởi đầu, Bùi Giáng tập trung vào việc nghiên cứu Truyện Kiều. Đây là tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ông trong thời kỳ còn học trung học. Năm Bùi Giáng mười sáu tuổi, đọc những cuốn sách của Nguyễn Bách Khoa, ông cảm thấy bức xúc vì những lời Nguyễn Bách Khoa đả phá Truyện Kiều quá nặng nề.


Lúc Bùi Giáng bắt tay vào sách vở, không khí tranh luận về Truyện Kiều khá sôi nổi. Bùi Giáng đã hăng hái bước vào cuộc. Cuốn Một vài nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần do Tân Việt xuất bản vào năm 1957 có những bài viết rất hay về Truyện Kiều. Cùng với một vài tác giả khác, ông chống lại những quan điểm cho rằng Truyện Kiều là một tác phẩm phản đạo đức, không mang tính nhân bản. Song song đó, ông còn bênh vực cho cả nàng Kiều. Khi đó, tác giả Nguyễn Sĩ Tế vừa tái bản tập sách Luận đề về Nguyễn Du, trong đó phê phán nhân vật Kiều nhu nhược, lẩn thần, ham mê vật chất…Bùi Giáng bèn ra tay nghĩa hiệp bênh vực giai nhân. Ông đối thoại thẳng thắn với Nguyễn Sĩ Tế, cho rằng Nguyễn Sĩ Tế hẹp hòi trong cách nghĩ: “Sao ở mọi chốn khác ông Tế tỏ ra chu đáo là thế, mà riêng đây, ông nỡ cứ hẹp hòi. Mười năm trước ông Nguyễn Bách Khoa từng lớn tiếng: hoàn cảnh xã hội chi phối con người. Nhưng khi đem cái nguyên tắc ấy áp dụng trong việc phê phán nhân vật, bao lần ông đã không chịu xét cái cảnh ngộ nào đã trực tiếp chi phối tâm trạng con người nào”, “Ông tàn nhẫn quá. Mà chúng tôi tự lượng sức mình không đủ để bênh vực cho giai nhân. Chúng tôi đành quay mặt đi, không dám thấy, và chỉ xin phép yếu ớt khẽ kêu lên một tiếng xuýt xoa một đôi bận mà thôi – những bận nào mũi dao của ông tỏ ra tàn bạo quá”. Với một giọng văn lúc thiết tha trầm lắng, lúc sôi nổi mạnh mẽ, Bùi Giáng góp phần làm cho người đọc cảm thương nàng Kiều hơn.



Những cuốn sách đầu tiên của Bùi Giáng có lẽ bán chạy nên các nhà xuất bản bắt đầu chú ý đến ông. Những cuốn sau, Bùi Giáng không cần phải bỏ tiền ra in sách để lấy tiếng nữa mà ông giao bản thảo cho các nhà xuất bản in để lấy tiền. Từ lúc đó trở đi, Bùi Giáng kiếm được kha khá nhờ những khoản nhuận bút. Lúc này ông đã thôi hẳn việc dạy học để chuyên tâm vào viết sách.



Thế nhưng Bùi Giáng hầu như không giữ lại cho riêng mình được cái gì. Tiền nhuận bút sau khi chi tiêu cho việc sinh sống, còn lại ông đem mua mua chó, khỉ về nuôi.



Vào những năm về sau, khoảng gần cuối thập niên sáu mươi, ông in được nhiều sách, tiền nhuận bút cũng nhiều, ông càng tiêu tiền một cách lạ lùng hơn. Nhiều người kể có lúc thấy đàn chó của ông lên đến mấy chục con. Phạm Mạnh Hiên cho biết: “Hồi đó sách của Bùi Giáng thường in ở nhà xuất bản An Tiêm, mỗi lần thầy Thanh Tuệ đưa tiền nhuận bút, tôi phải đi với anh Bùi Giáng. Lại lên đường ngao du nhờ cái bộ vó thư sinh hiền lành của tôi mà nhiều lần mấy cái khách sạn ở Chợ Lớn đã để cho chúng tôi cùng vào trú ngụ, bởi bên cạnh tôi có cái ông trung niên kỳ dị, ăn mặc cổ quái chẳng giống ai, lại dẫn theo cả đàn chó hay vài ba chú khỉ nhỏ”, “Ngày đó hễ có tiền là anh Giáng ra ngay khu chợ Bến Chương Dương mua cả bầy chó, cả bầy khỉ”. Cái thú đi giang hồ đã làm cho Bùi Giáng nướng hết những khoản nhuận bút vừa nhận. Phạm Mạnh Hiên kể tiếp: “Có lần say ngất ngưỡng, sáng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm ở vỉa hè”.



Một người quen khác của Bùi Giáng kể: “ Hơn 25 năm trước, tôi thấy ông nuôi một đàn chó nhỏ, đi đâu cũng dẫn theo làm chúng sủa vang các hẻm đường, có lúc ông cho hết vào bao bố và vác trên vai làm chúng cũng muốn ngất ngư, ngộp thở, chỉ còn kêu hục hục trong bao. Có lần ông để quên đàn chó ở nhà bà Bé Ký cả tuần lễ làm bà Bé Ký phải nuôi ăn và chăm sóc rất mệt, hở tay ra là chúng sủa vang nhà không ai chịu nổi”. Khoảng năm 1974, một người em ruột của Bùi Giáng mua được ngôi nhà ở Thị Nghè và mời ông về ở. Ông đến, dắt theo cả đàn chó khỉ khiến hàng xóm hết sức kinh ngạc.



Tác giả: Trần Đình Thu
Chương 8: VĂN CHƯƠNG BÙI GIÁNG TRONG NHỮNG CUỐN SÁCH ĐẦU TIÊN


Nhiều người từng biết đến một thứ văn chương kỳ dị của Bùi Giáng. Nhưng thật ra đó không phải là văn chương đích thực của ông. Ta hãy đọc một số cuốn sách của Bùi Giáng để tìm hiểu về văn của ông. Trước hết là những cuốn ông viết ra trong thời kỳ mới đến Sài Gòn được ít lâu. Chúng được đặt tựa một cách thật khiêm tốn bằng cụm từ mở đầu “Một vài nhận xét về…”, được xuất bản trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1959. Những cuốn sách này được viết ra nhằm mục đích phục vụ cho học sinh trung học. Trong sách có kèm theo những đề bài tập làm văn cho học sinh luyện tập, nội dung liên quan đến các tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm…Trên thực tế, đây là những cuốn sách thuộc thể loại giới thiệu tác giả tác phẩm, người lớn cũng có thể đọc được và thấy thú vị.



Thật đáng ngạc nhiên là ở những cuốn sách này, văn chương Bùi Giáng giản dị và quá trong trẻo. Chúng khác xa với thứ ngôn ngữ kỳ dị mà ta thường thấy ở ông sau này. Ta hãy đọc một đoạn văn Bùi Giáng mở đầu phần bài viết về Lục Vân Tiên: “Lục Vân Tiên. Không một cuốn truyện nào đã làm xúc động tuổi nhỏ của chúng ta nhiều bằng tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Ngày tôi còn nhỏ, tôi được người vú già kể cho nghe. Kể đi kể lại mãi, và tôi cứ đòi kể lại cho nghe hoài. Dường như mỗi lần nghe lại, lại thấy mới mãi ra. Từ đó hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên cứ ám ảnh tôi luôn”, “Thế rồi ngày nay tôi lại nói chuyện Lục Vân Tiên với bà con nghe. Tất nhiên là nói sẽ dở lắm. Vì tôi không làm sao có được cái giọng của người vú già là một lẽ. Cái giọng trịnh trọng, chậm rãi, cảm động, lạ lùng, sau khi đằng hắng đủ ba lần, rồi mới bắt đầu: Trước đèn xem chuyện Tây Minh. Bao giờ cũng vậy, trước khi lựa lời kể lại, bà chậm rãi cao giọng ngâm mấy lời thơ đầu của cụ Đồ Chiểu. Và từ đó, cái câu Ai ơi lẳng lặng mà nghe mãi mãi trong tâm tư tôi sẽ còn vang một âm vang huyền hoặc”.



Ta thấy ở đây giọng văn của một người rất lịch thiệp. Giọng văn của một ông thầy giáo quần áo đóng thùng tươm tất, đầu tóc chải mượt, mắt đeo kiếng trắng. Nó quá khác biệt với những gì mà ta thường hiểu về một thứ ngôn ngữ Bùi Giáng cà riềng cà tỏi được viết ra bởi một tác giả râu ria xồm xoàm áo quần bẩn thỉu. Văn chương bây giờ của ông đẹp và thật mạch lạc. Không hề có những ngôn từ “lai rai theo điệu du côn” như ông tự nhận sau này. Chúng ta hãy chú ý đến điểm này để có cái nhìn chính xác khi tìm hiểu về Bùi Giáng. Nhưng giờ đây, ta hãy đọc tiếp một đoạn văn thật hay nữa của Bùi Giáng để thấy rõ sự bóng bẩy trong câu chữ của ông. Một đoạn văn trong cuốn sách viết về Chinh phụ ngâm: “Rồi những buổi sáng, những buổi chiều, có sương, có khói, có cánh nhạn ở cuối ngàn, có mây hồng vây ải lạnh, người sẽ trở gót ra lại bên đầu cầu, nhìn lại làn nước trong như lọc, kể lể những gì với nước suối, tỉ tê những gì với ngàn dâu xanh. Ngàn dâu xanh ngày kia che khuất bóng chàng, ngày nào sẽ trả lại cho ta bóng chàng về giữa những hàng cờ bay phấp phới?”.



Không chỉ bóng bẩy và hoa mỹ. Ngòi bút Bùi Giáng lúc này còn thể hiện một sự sắc sảo, tinh tế trong khi phân tích tác phẩm. Hãy đọc thêm một đoạn này nữa trong cuốn sách viết về Truyện Kiều để thấy rõ điều đó: “Kiều đã sống một cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số, và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý. Chúng ta cảm động. Khi lặng nghe Nguyễn Du chậm rãi giọng lời, chúng ta thấy bên kia câu chuyện tầm thường, giữa cuộc sống tối tăm, một kiếp người đương vùng vẫy. Trong tâm khảm ta, từ nay hình ảnh ấy sẽ in sâu, rõ nét, đậm màu”, “Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh không do những hành động vụn vặt của Kiều, mà do lời thuật chuyện của thi nhân, lời đây không phải là lời văn, mà là giọng nói của một tấm lòng. Lời nói mang nặng biết mấy tâm tư tâm linh của người dân Việt hội tụ lại ở đây, một lần duy nhất, trong sáng hơn ca dao, thâm thúy hơn tôn giáo, diễm tuyệt hơn văn chương, vì cái giọng não nùng của một kiếp sống dở dang trong lòng đau thương của thế kỷ”. 



Những áng văn thật là trong trẻo. Nhưng Bùi Giáng chỉ giữ được chất văn này trong mấy cuốn sách đầu tiên ấy thôi. Những cuốn sách khác cách đó một vài năm, là một loại văn chương hoàn toàn khác.



Sau những cuốn sách này, Bùi Giáng tập trung toàn bộ sức lực để viết cuốn Thi ca Việt Nam. Đây là cuốn sách ông đặt rất nhiều tâm huyết, nhưng cuối cùng đành chấp nhận ngậm ngùi cay đắng vì không được cơ quan phụ trách về văn hóa của chính quyền cũ cho phép in ra. Lý do là vì ông đề cập đến quá nhiều văn nghệ sĩ đang sống ở miền Bắc khi đó. Việc này đã khiến ông bị sốc một thời gian. Tiếp theo, ông viết một số cuốn sách có tựa đề bắt đầu bằng cụm từ “Giảng luận về…”, đề cập đến các tác giả như Tản Đà, Phan Văn Trị, Bà Huyện Thanh Quan…Những cuốn sách này cũng rất có giá trị.



Tác giả: Trần Đình Thu

Chương 9: NHỮNG CUỐN SÁCH GIỚI THIỆU TƯ TƯỞNG, TRIẾT HỌC


Thời kỳ viết những cuốn sách giới thiệu tác giả tác phẩm Việt Nam ấy kết thúc, Bùi Giáng chuyển qua viết loại sách khác. Giai đoạn này, chữ nghĩa của ông đã có vấn đề. Ông không còn giữ được thứ văn chương mạch lạc như trước đây nữa. Từ 1960 đến 1963, ông cho ra đời khá nhiều cuốn sách viết về con người, tác phẩm và tư tưởng của các nhà văn, nhà triết học phương Tây. Đầu tiên là cuốn Tư tưởng hiện đại in năm 1960, đề cập đến Gabriel Marcel, Karl Jaspers, Albert Camus, Simone Weil, Paul Claudel, Saint Exupéry, Jean Paul Sartre, André Malraux. Cuốn sách này viết tương đối nghiêm chỉnh, dù Truyện Kiều thứ thiệt, thơ giả Kiều do Bùi Giáng sáng tác, thơ Tản Đà, thơ của nhiều nhà thơ khác được đưa vào đây không ít. Có lẽ vào lúc này, Bùi Giáng vẫn còn tỉnh táo hơn nên chữ nghĩa của ông ít bị loạn. Nhờ thế mà cuốn sách này có nhiều đoạn phê bình văn học rất đặc sắc. Cuốn sách này có thể biên tập lại, bỏ đi những đoạn tiếng Pháp chen vào giữa thì có thể trở thành một cuốn sách có giá trị.



Năm 1963, bộ sách 2 tập dày ngót ngàn trang Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại ra đời. Chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên khi chuyển từ những cuốn sách trong trẻo trên kia sang những cuốn sách kỳ cục bây giờ. Hãy đọc một đoạn văn ở phần Lời tựa: “Đã là con người quay chong chóng trên quả địa cầu tròn, có một ai không cảm thấy mình là lá cỏ lá rêu mù sương lá lách, lau cồn lìa kim dứt cải…Vậy phải biết nhắm hai con mắt lại để làm một cái giây leo như Tố – Như leo khắp mình mẩy Hoa Thi Đường Thi không chừa một chỗ”.



Vì sao lại xảy ra cớ sự như vậy? Đi sâu vào nội dung cuốn sách ta còn nhặt được rất nhiều đoạn văn kiểu đó nữa. Xin hãy đọc tiếp đoạn văn sau đây nằm trong chương Martin Heidegger và vấn đề hữu thể: “Người yêu ta xấu với người / Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau / Nỗi niềm tưởng tới mà đau / Hàng rào giun dế gặm sâu cẳng gà / Con ơi học lấy nghề cha / Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. Tại sao một đêm ăn trộm bằng ba năm làm? Bằng ba năm hay bằng hai? Bằng hai hay bằng bốn? Một đêm mà bằng bốn năm kia ư? / Nhiều quá? – Mấy thì vừa? – Hai năm? Ít quá? – Vừa bằng là ấy ấy ấy chính lààà BAAA. Và ta xin trở lại với nguyên ý của nguyên tình nguyên mộng lụy CA DAO LÀ MUÔN NĂM NGÀN ĐỜI VẠN ĐẠI NƯỚC VIỆT LÀ SƯƠNG TUYẾT KIỀU ĐẠM IN PHA: Con ơi! Nhớ lấy lời cha. Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. – Vâng. Con nhớ lời cha. Tại sao nhớ? – Vì con có nghe. – Tại sao nghe? – Vì con có thấy. – Thấy gì? – Thấy rõ ràng lù lù trước mặt là… - Là gì? Là: Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. – Ai ăn trộm? – Sartre ăn trộm áo quần của Heidegger – Áo quần đẹp mới hay không? Đẹp mới vô ngần. Nhưng…Nhưng sao? Nhưng than ôi! Tại sao lại xảy ra cái chuyện này là cái nỗi nông kỳ bí… - Kỳ bí như thế nào? Cái nỗi nông nông nỗi gì? – Thưa rằng áo quần của Heidegger vốn của Heidegger thì vốn của Heidegger mặc áo Heidegger coi ra rỡ ràng thật đẹp là Heidegger rỡ ràng quắc thước là hùng dũng Heidegger rạng vẻ cân đai Heidegger râu hùm mày ngài Heidegger hàm én đồ sộ cả cười hàm én Heidegger có nhìn đêm tế ngộ trông mặt là Heidegger trông mặt cả cười với Kiều và Thúy và Tố và Như và Nguyễn Du là ấy chính Heidegger đúng điệu thiên tài vùng vẫy trong bấy nhiêu niên đáng lẽ từ thiên thu làm nên kinh thiên động địa nếu gặp người từ lâu tri kỷ là đúng điệu tri kỷ của Heidegger…”. Đoạn văn kiểu như vậy dài ngót cả mấy chục trang sách, ta như đi vào một mê hồn trận lạ lùng.



Trong hai tập sách dày hơn một ngàn trang này có rất nhiều đoạn văn như thế. Không ai có thể biên tập được những cuốn sách này. Bùi Giáng cũng biết điều đó nên trong phần mở đầu một chương của cuốn Tư tưởng hiện đại, Bùi Giáng viết: “Bài này trước kia chúng tôi đăng ở tạp chí MAI, ký tên chung với ông Hoàng Minh Tuynh. Ông Tuynh đã có nhã ý muốn bày tỏ niềm thông cảm đối với tôi là một kẻ xưa nay vốn chịu nhiều những hững hờ của độc giả. Bùi Giáng, đó là một danh từ có âm hưởng lăng nhăng, không gây được tin tưởng. Ông Tuynh đã chịu khó bỏ giúp tôi những đoạn nào tôi viết quá trớn theo điệu du côn của Sartre và loại hẳn những tiếng bê bối lai rai là những tiếng tôi quen dùng”. Bùi Giáng đã cám ơn người biên tập cho ông trong phần mở đầu đó. Có lẽ đây là người duy nhất biên tập văn Bùi Giáng, và nhờ đó cuốn sách này trở nên gọn gàng, ta có thể hiểu được một số nội dung mà Bùi Giáng đưa ra. Trừ cuốn sách đó, còn lại những cuốn sách liên quan đến triết học khác, ta không thể nào lĩnh hội được một chút gì trong đó.



Tác giả: Trần Đình Thu

Chương 10: NHỮNG CUỐN TIỂU THUYẾT DỊCH DỞ DANG


Trong những năm từ 1966 đến 1969, Bùi Giáng dịch rất nhiều tác phẩm văn học nước ngoài. Mảng sách này chiếm một tỉ lệ khá lớn trong những cuốn sách của Bùi Giáng. Ông dịch các tác phẩm của Saint Exupéry, Albert Camus, André Gide, Shakespeare…Một số bản dịch ông dịch rất bay bỗng, chẳng hạn như Cõi người ta, Ngộ nhận… nhưng nhiều bản dịch khác ông lại dịch rất kỳ cục. Cho nên các nhà xuất bản thời ấy thường than phiền là Bùi Giáng không chịu dịch trọn cuốn sách mà cứ dịch dở dang rồi cà rỡn.



Ta hãy đọc một cuốn tiểu thuyết dịch nửa chừng như vậy của Bùi Giáng. Cuốn Nhà sư vướng lụy được Bùi Giáng dịch, Quế Sơn xuất bản lần đầu vào năm 1969. Đây là tác phẩm của một nhà văn Trung Hoa đồng thời cũng là một nhà sư tên là Tô Mạn Thù.



Thoạt đọc cuốn sách, ta bắt gặp cái giọng văn vừa khúc chiết vừa văn hoa của ông khi xưa, lúc ông viết “Một vài nhận xét…”: “Tại Bách Việt, về phía Nam bờ biển, có dãy Kim Nhân Sơn nguy nga dựng sững. Những lúc trời quang mây tạnh, ta có thể nhận thấy phía bên dưới sườn núi xanh um ẩn ẩn hiện hiện một mái ngói hồng lóng lánh, lập lòe như lớp vảy con kình ngư. Đó là ngôi chùa Hải Vân, vẫn còn nguyên như thuở xưa, cái ngày nhà Tống sụp đổ”, “Cho tới ngày nay, nhìn sơn lĩnh ở xa xa cuối chân trời, vân khí sầm uất, bàng bạc chiều chiều như còn gợi mãi vang bóng triều đại xưa. Và thỉnh thoảng tiếng sóng vỗ bi thống còn khiến lữ khách ngậm ngùi, cúi đầu lặng lẽ, không dám gợi lại những bóng ma não nùng của quá khứ”.



Ta thích thú đọc tiếp những trang sau. Sự hứng thú được duy trì khoảng hai ba chục trang nữa. Đọc tiếp, ta chợt thấy thấp thoáng một vài cụm từ “có vấn đề”: “Con xin trút giũ thảy thảy hết trở lại cho Như Lai, để suốt một bình sinh đi theo dấu chân liên tồn của Tuyết Mai tiên nữ”.



Tuy nhiên chúng ta vẫn còn đọc được thông suốt văn bản thêm khoảng bốn năm chục trang tiếp theo. Rồi cuối cùng ta đụng vào cái mớ rối bòng bong của Bùi Giáng. Lúc này, Bùi Giáng bắt đầu lên đồng: “Mặt hồ nguy nga nào tinh khiết thế, cho đến nỗi những ngư ông ngư phủ đã ngây thơ báo biểu rất mực rằng, nhìn đăm đăm vào ắt các anh sẽ thấy những Đô Thị Phiêu Bồng Huyền Thuyết Cổ Hy nhô lên bất chợt bởi thần thuật Đa Na Ô kỳ bí, ở diện tiền bọn người hì hục lao công, hồ ngọc ôi, ngươi quyến rũ dã man gì như thế, khiến hằng hằng mỗi mỗi cường quốc nọ cứ lăm le muốn chiếm hữu đất đai xứ sở kia cho bằng được”.



Từ lúc này trở đi, nếu ta muốn thưởng thức một cuốn tiểu thuyết hay của Trung Quốc thì không thể được nữa. Vì đã đến lúc Bùi Giáng bận múa bút. Bùi Giáng vứt bỏ những tình tiết của tiểu thuyết ra ngoài để thay vào đó là những chuỗi dài từ ngữ dính chùm nhau, kéo từ trang này qua trang khác của ông. Hết văn xuôi thì lại đến thơ: “Hỡi ôi! / Lời tối hậu? Ý tuyệt trù / Bỗng dưng chắp nối cho sầu ma hoang / Lời thăm thẳm? Ý khôn hàn / Vì đâu riêng tụ về hàng thơ điên / Bán khai nhân vật diện tiền / Sương lung bán ẩn suốt miền cảo thơm”.



Nhưng chưa hết đâu. Bùi Giáng vẫn chưa thỏa mãn khi đã đùa giỡn như thế. Cho nên ông đưa nàng Kim Cương của ông vào trong cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc: “Ôi em Kim Cương ngàn thu một thuở Nương Tử rất mực vô ngần Nam Diện cành Nam màu lan sơn thủy”. Chúng ta không thể bình luận gì được ở chỗ này nữa.



Cho đến lúc Bùi Giáng hoàn toàn quên luôn việc dịch tiểu thuyết khi ông nhảy vào trong bối cảnh để xưng là tại hạ và ngâm thơ hoặc là hát:



“Anh đã hái ngành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi”



“Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa



Mộng trùng lai không có được trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc lên
Và nhớ nhé, ta đợi chờ em đó…”



Có lẽ nói sẽ không hết ý. Vì vậy nên trích vào đây một đoạn bản dịch tiểu thuyết Nhà sư vướng lụy của Bùi Giáng:



“Nói xong nàng vén áo xiêm, chỉnh đốn quỳ một chân xuống, trang trọng đón chút quà mọn như đón tặng vật trời ban. Ôn tồn thuần hậu mà rằng:



-Kính tạ Tam Lang! Tam Lang từ nay đừng dùng tiếng “cô nương cô nưỡng cô nuồng” mà gọi tôi. Nghe có vẻ ra làm sao ấy. Chẳng thân thiết tí nào.



Tôi nói:



-Kính thưa cô nương. Tại hạ đồng ý là: tiếng cô nương nghe ra không có vẻ thân mật. Nhưng còn tiếng “cô nuồng” thì quả là thân thiết bịch bồ.



Tĩnh Tử hỏi:



-Hà dĩ kiến đắc?



Tôi đáp:



-Nhân vì tiếng “cô nuồng” có chứa chất âm thanh “uông uông uồng uồng” ngụ trong tính tình nên lời tuyệt diệu.



Tĩnh Tử hỏi:



-Tuyệt diệu như răng?



Tôi nói:



Tranh vẽ của Bùi Giáng



-Như rằng uông uồng chuồn chuồn thèm thuồng và ở truồng vân vân.



Tĩnh Tử phì cười:



-Tam Lang chớ có giỡn như thế em không có bằng lòng.



Tôi nói:



-Dạ vâng.



Nuồng bảo:



-Dạ, vâng cái chi. Tam Lang hãy dùng tiếng ừ vậy.



Tôi đáp:



-Nhiên.



Nuồng nói:



-Phải. Nhiên. Giờ đây em đã nhận tặng vật của anh, sớm hôm nhìn ngắm, em sẽ không quên con người sẽ không quên con người đã ban cho”.



Cuốn tiểu thuyết hay của Trung Quốc coi như hoàn toàn biến mất trong bàn tay của một dịch giả tài hoa nhưng không bình thường này.



Tác giả: Trần Đình Thu

Chương 11: VIẾT TÙY BÚT VĂN HỌC 


Có nhiều cuốn sách của Bùi Giáng, việc phân chia và xác định thể loại thật là khó khăn vì ông cứ chạy lan man từ cái nọ sang cái kia. Cho nên chỉ có thể định danh một cách tương đối cho những cuốn sách của ông mà thôi. Từ năm 1969 trở đi, ông bắt đầu viết những cuốn sách “khó xác định thể loại” ấy. Có những cuốn sách không biết xếp vào thể loại gì. Chẳng hạn như Con đường ngã ba, Mùa thu trong thi ca…Với những cuốn ông bàn về chuyện văn chương, ta có thể tạm gọi là tùy bút văn học. Gọi thế là bởi vì ông viết rất ngẫu hứng, thích gì viết đó, thậm chí đôi lúc sa đà qua những chuyện ngoài văn chương.



Trong cuốn Thi ca tư tưởng do Ca Dao xuất bản năm 1969, chỉ chưa đầy 170 trang sách mà Bùi Giáng đã đề cập đến mấy chục tác giả, từ những tác giả Việt Nam như Nguyễn Du, Huy Cận, Xuân Diệu cho đến những tác giả nước ngoài như Lý Bạch, Shakespeare…Cuốn sách không chỉ nói đến các nhà văn nhà thơ như Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Albert Camus mà còn dẫn dắt qua các nhà triết học như Heidegger, Nietzsche…Và không chỉ nói chuyện trong lĩnh vực văn chương triết học mà Bùi Giáng còn la cà sang những chuyện khác. Chẳng hạn như bài Trí Hải Ni Cô, ông viết: “Ni cô vừa rời bỏ Vạn Hạnh đi tu tiên ở trên núi. Nguyên nhân là: các vị sư ở Vạn Hạnh chế ni cô đã đẻ ra Bùi Giáng già nua, ni cô bẽn lẽn bèn giũ áo ra đi. Sự tình nông nỗi ấy, Thích Minh Châu phải chịu trách nhiệm một phần lớn”.



Có rất nhiều bài viết chỉ ngắn khoảng chưa đầy trăm chữ và cũng cà rỡn như thế. Như bài Vũ Hoàng Chương, nguyên văn như sau: “ Đá đâu lên tiếng thay vàng – Gỗ đâu mở mắt hai hàng bạch dương. Nhiều người đã nói tới thơ ông Vũ Hoàng Chương. Tại hạ còn biết nói thêm được lời gì bây giờ”. Hoặc là bài Nguyễn Bính cũng tương tự như thế: “Mẹ cha thì nhớ thương mình – Mình đi thương nhớ người tình xa xôi. Đó cũng là tâm sự Đức Khổng Phu Tử vậy. Quê hương nước Lỗ thì nhớ ông. Mà ông thì giũ áo ra đi lang thang chu du lữ thứ tìm kiếm khắp nước Tàu cái vong hồn tồn lưu nào chẳng rõ. Rồi san định bao nhiêu cuốn kinh, ghi chép cái ngấn tích phiêu bồng đã trôi tuột từ bao”.




Mở đầu cuốn sách, Bùi Giáng viết vài trang về Phạm Hầu, một người có mặt trong Thi nhân Việt Nam nhưng sau này ít tiếng tăm. Xong chuyển qua hai ba tác giả khác. Rồi trở lại với Phạm Hầu vài ba trang nữa. Cái lối viết cà giựt này Bùi Giáng áp dụng cho nhiều trường hợp khác như Hồ Dzếnh, Hoài Thanh, Đinh Hùng…Không thể dẫn chứng hết những cái ngẫu hứng của Bùi Giáng. Chẳng hạn một bài viết về Hồ Dzếnh ông dùng cái tựa là Hồ Xuân Dzếnh, tiếp theo giải thích trong bài: “Tôi thêm chữ xuân vào tên ông, ấy chẳng phải làm điều phi lý. Chính ông đã có tập thơ Hoa Xuân Đất Việt. Tôi không thể tự ban thêm cho mình một tiếng xuân vào trong tên tuổi. Nhưng riêng biệt với Hồ Dzếnh, chúng ta được quyền gọi ông là Hồ Xuân Dzếnh”.



Có lẽ nói chuyện văn chương mãi cũng chán nên thỉnh thoảng Bùi Giáng viết những bài về chuyện đời chuyện người thật ngộ nghĩnh. Chẳng hạn như bài Đốn tre: “ Khó nhất là đốn tre, khó nhì là ve gái. Người thường dân thường khuyên bảo dạy dỗ con cái như thế. Thấy thằng con sỗ sàng ve gái, họ không trực tiếp ngầy ngà. Họ không nói ve gái khó lắm lắm. Con phải chậm rãi từ từ…Họ nói quanh: khó nhất là đốn tre, khó nhì là ve gái. Lời nói ấy về sau sẽ khiến đứa con suy nghĩ. Nó tự nhủ: bố bảo khó nhất đốn tre? Nhưng mỗi ngày ta có thể đốn được năm mươi gốc tre một cách dễ dàng. Khó nhì là ve gái? Sao suốt mấy tuần lễ nay ta ve con Mận mà nó vẫn dửng dưng chưa có bề nào ngã ngũ? Từ đó cái câu khó nhất đốn tre khó nhì ve gái có thể giúp đứa con hội ngược chân lý. Ấy là khó nhất ve gái khó nhì đốn tre. Đi vào cõi tư tưởng chúng ta luôn luôn phải lưu ý tới cái lối ăn nói nghịch lý của người tư tưởng. Họ nói một đường để ta suy ra một ngã”.



Có một điều cần để ý, Bùi Giáng luôn luôn tìm cách hài hước. Những điều nghiêm túc nhất cũng được ông biến thành chuyện cười được mà không sợ mất lòng ai. Viết về một người làm thơ tên là Bích Yên, ông mở đầu như sau: “Cô nữ sĩ này làm thơ chân thành. Nếu cô đi tu, ắt sớm thành quan âm bồ tát”. Hoặc ông viết về Xuân Diệu như thế này: “Nếu đọc Vân Đài và Ngân Giang, phải nghĩ rằng đó là lời thơ của bà ngoại bà nội chúng ta, mới cảm thấy hay thấm thía – thì đọc Xuân Diệu, ắt nên nghĩ rằng đó là thơ một thằng em”. Nhờ chất hài hước đó mà ta có đủ hứng thú để đọc cho hết cuốn Thi ca tư tưởng.



Tác giả: Trần Đình Thu

Chương 12: BÙI GIÁNG CÓ PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI ĐIÊN HAY KHÔNG?


Đến đây, có lẽ cần giải đáp câu hỏi làm nhiều người thắc mắc: Bùi Giáng có phải là một người bị bệnh điên hay không? Có rất nhiều bài viết về Bùi Giáng, trong đó một số tác giả khẳng định Bùi Giáng là người điên trong khi một số khác lại nói ngược lại. Nên tin ai?



Trong một bài viết, tác giả Trần Đới khẳng định: “Một sự thực là Bùi Giáng chưa bao giờ điên. Cũng như anh chẳng bao giờ giả điên. Càng chưa bao giờ Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế nào. Bởi lẽ dễ hiểu là Bùi Giáng chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh. Thời kỳ của Bùi Giáng bộc phát ra bên ngoài mà chúng ta gọi là điên, ấy là thời kỳ tĩnh lại và hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả lẽ chân thiện mỹ của nghệ thuật thi ca từ nhiều đời nhiều kiếp đều dồn về lúc đó…Bây giờ người thi sĩ này chỉ còn một cách duy nhất để sáng tác nguồn cảm hứng kia là sống.” 



Còn Nhất Thanh thì viết như thế này: “Ồ, chẳng có ngôn từ nào thích hợp với Bùi Giáng cả. Ông chỉ là một ông già bình thường nhất, dễ thương nhất. Nếu có điên chăng, có lẽ là tất cả chúng ta”.



Bùi Giáng hiển nhiên cũng biết việc nhiều người tranh cãi nhau rằng ông có điên hay là không điên. Và ông viết về ông như sau: “Nó điên? Vâng nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên, thì trước hết phải đáp vào câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy.”



Đến đây thì mọi người càng bối rối hơn. Vậy thì Bùi Giáng là người như thế nào? Ông là một người điên hay là một người bình thường? Nhưng một sự thật không thể chối cãi: Bùi Giáng đã từng là bệnh nhân của bệnh viện tâm thần hẳn hỏi. Năm 1969 là năm ông in được nhiều tác phẩm nhất nhưng cũng là năm mà ông vấp phải cú sốc lớn thứ hai trong đời. Bùi Giáng bị hỏa hoạn thiêu cháy hết toàn bộ sách vở quý hiếm, một số tranh và đặc biệt nhiều bản thảo hoàn chỉnh mà ông rất tâm đắc. Sau cú sốc này, gia đình phải đưa ông vào Bệnh viện tâm thần Biên Hòa để chữa trị.



Chúng ta hãy nghe Cung Tích Biền kể: “Khoảng đầu thập niên 70 có lẽ người ta đưa ông vào nhà thương điên Biên Hòa chữa cái bệnh đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy. Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh. Bèn hỏi một câu thường tình: “Nhà thương Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay nhỉ!” . Ông trả lời tỉnh queo: “Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động thôi điên”.



Nghe Bùi Giáng nói như thế, hẳn ta cảm thấy ngờ ngợ rằng những việc làm không giống ai của ông là do ông muốn thế chứ chẳng phải do bệnh tật gì gây ra. Chẳng hạn một nhà văn viết: “Cũng có thể hiểu Bùi Giáng như thế này: Ông coi đời là hữu hạn, là phi lý, là chốn lưu đày, là cõi phù du là cái mớ bòng bong vớ vẩn. Nếu các nhà văn hiện sinh từng nói: Tôi phản kháng vậy tôi hiện hữu, thì có lẽ Bùi Giáng muốn nói, tôi phá hủy vậy tôi hiện hữu”.



Nói như Trần Đới, như Nhất Thanh là nói đến cái ý thức quyết định hành động của con người trong trường hợp bình thường. Còn Bùi Giáng thì lại khác. Chung quanh vấn đề Bùi Giáng, có hai điều cần nêu ra sau đây. Một là, không phải chỉ có mình Bùi Giáng vừa có những biểu hiện tâm thần vừa làm thơ viết văn. Có rất nhiều bệnh nhân của các bệnh viện tâm thần là nhà văn nhà thơ là họa sĩ…Họ có thể vẽ tranh, sáng tác văn thơ ngay trong thời gian điều trị bệnh. Có điều họ không có sẵn cái gốc tài năng xuất chúng như Bùi Giáng nên không trở thành hiện tượng đặc biệt mà thôi.



Hai là, những hành vi khác người của Bùi Giáng đã được các nhà chuyên môn xác định có nguyên nhân bệnh lý hẳn hoi chứ không phải là vấn đề tư tưởng hay nhân sinh quan gì. Đó chính là căn bệnh cuồng. Tuy nhiên có điều, vì ta thấy cái điên của ông cũng hơi khác người nên cảm thấy ngờ ngợ. Nhưng dần dần ta sẽ được rõ hơn khi xem xét đến các vấn đề khác. Cần biết rằng, không riêng gì Bùi Giáng mà nhiều bệnh nhân tâm thần khác, tiếp xúc với họ đôi khi ta cũng dễ nhầm lẫn vì thấy họ có vẻ thật thật giả giả, nửa điên nửa tỉnh. Cho nên chúng ta không thể kết luận được về tình trạng của họ mà phải là các nhà chuyên môn.



Những người trong gia đình Bùi Giáng cho biết, vào thời kỳ ông chưa phải vào bệnh viện tâm thần Biên Hòa, nhìn bên ngoài Bùi Giáng không thể hiện nét gì khác người. Chỉ sau khi từ bệnh viện trở ra, thì ông mới có cái bộ dạng của những người bệnh cuồng điên mà thôi.



Tác giả: Trần Đình Thu

Chương 13: THƠ ĐIÊN, TRIỆU CHỨNG CỦA TÂM BỆNH



Vào tháng 5 năm 1970, những bác sĩ ở Bệnh viện tâm thần Biên Hòa, lúc đó còn gọi là Dưỡng trí viện Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, bao gồm các bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Tô Dương Hiệp và Trịnh Văn Lang đã tập hợp một số bài thơ của các bệnh nhân từng điều trị tại bệnh viện, trong đó có thơ của hai nhà thơ nổi tiếng đương thời là Bùi Giáng và Nguyễn Ngu Í để in thành tập và phát hành ra trên thị trường. Tập thơ này được đặt một cái tên rất đặc biệt là Thơ điên. Và để bạn đọc không bị nhầm lẫn, những người biên soạn còn mở ngoặc đơn thêm vào hai chữ thứ thiệt. Có nghĩa không phải là thơ điên của những người đi theo trường phái điên loạn mà là thơ của những người bị bệnh điên sáng tác ra. Trước khi đi vào tìm hiểu ngôn ngữ thơ Bùi Giáng cùng những vấn đề khác, chúng ta cần tìm hiểu qua về tập thơ đặc biệt này.



Tập thơ giới thiệu gần bốn chục bài thơ hoặc trích đoạn bài thơ của bảy tác giả thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Trong tập thơ, bác sĩ Tô Dương Hiệp đã viết một bài giới thiệu để giải thích cho bạn đọc rõ thêm một số vấn đề về thơ và sáng tác thơ của người bệnh tâm thần. Theo bác sĩ Tô Dương Hiệp thì “phần đông các văn nghệ sĩ có biệt tài đều sống với một tâm trạng đặc biệt, khác thường, và tác phẩm của họ cũng đượm tánh cách khác thường đó”. Những người này thường có những biểu hiện rất khó hiểu: “Hành động và ý nghĩ của họ, chúng ta cho là kỳ lạ, khó hiểu, không thực tế”. Và theo ông, cuộc sống của những người này rất mãnh liệt. Với những người này, giây phút mà họ bắt tay vào sáng tạo là những giây phút đặc biệt. Ông dẫn chứng trường hợp của Hàn Mặc Tử: “Thi sĩ Hàn-Mặc-Tử nhận thấy những lúc tâm hồn bị dao động mạnh, những lúc lòng tràn đầy ẩn ức, uất khúc, là những lúc nàng thơ đến với thi sĩ”.



Tuy vậy không phải ai trong số những người nói trên cũng trở thành như Bùi Giáng, Nguyễn Ngu Í mà chỉ có những người “dám cất giọng nguyền rủa trời đất, nguyền rủa người đời tệ bạc, làm mất an ninh và trật tự công cộng đến nỗi phải bị nhốt vào nhà thương điên” thì mới thuộc đối tượng ông nói đến.



Bác sĩ Tô Dương Hiệp viết: “Chúng tôi được may mắn gần gũi số người sau này để theo dõi biến chuyển tâm hồn của họ, cảm thông với họ và giúp họ tìm một lối thoát cho tâm hồn. Những bài thơ trong tuyển tập này là sáng tác của những người có tâm bịnh thật chớ không phải những người giả bịnh để tìm sự độc đáo. Chúng tôi rất quý những bài thơ này vì nó giúp chúng tôi hiểu được tâm trạng người bịnh nhiều hơn”. Nhận xét về thơ của những người mắc bệnh, ông viết: “Lời thơ của người mắc tâm bịnh phảng phất một hương vị kỳ lạ, nhan nhản hình ảnh ghê rợn và đưa ra một nhịp điệu cuồng nhiệt vì nó là tiếng nói của vô thức, mà vô thức là một thế giới sâu thăm thẳm, âm u mù mịt đối với chúng ta, nó không theo quy định của thế giới thực tế bên ngoài, không theo nguyên tắc của lý trí sáng suốt”.



Đó là phần giới thiệu chung về thơ điên. Trong phần giới thiệu về tác giả Bùi Giáng, nhóm biên soạn viết: “Ở đây chúng tôi không giới thiệu Bùi Giáng, nhà thơ lạ lùng nổi danh từ lâu, chúng tôi cũng không giới thiệu Bùi Giáng, nhà văn đã từng dịch thuật hoặc trình bày tác phẩm và tư tưởng của vài triết gia cừ khôi Tây phương một cách độc đáo và bay bướm, mà chúng tôi chỉ muốn trình bày cùng bạn đọc Bùi Giáng, con người mà tâm tình và cuộc sống khiến nhà thơ xứ Quảng này, nay tuổi được 43, phải ở trong số người bệnh tâm trí hạng cuồng nhẹ” và “gia đình anh phải đưa anh lên dưỡng trí viện, và nhờ đó, chúng tôi mới có dịp làm quen người cầm bút cô độc này mà bịnh đã từ cuồng nhẹ chuyển sang cuồng nặng”.



Tập thơ đã đăng ba bài thơ của Bùi Giáng và chỉ ra những mối liên hệ giữa lời thơ và triệu chứng bệnh của ông. Có lẽ trước hết, chúng ta hãy đọc một bài thơ ngắn nhất trong ba bài thơ được đăng trong tập Thơ điên đó của Bùi Giáng. Đó là bài Marilyn Brigitte, có nội dung nguyên văn như sau:



Chú bình?
Chính thị là bù
Chú hòa?
Chà vú chính lu bù cồn
Lá hoa ồ ạ oan hồn
Cảo thơm diên vĩ di tồn sinh ôi
Cây đen cành đỏ lên đồi
Ngẩng trông kiều mộc cây ngồi kể công
Khéo khuyên kỳ mộng phiêu bồng
Khuyên bao nhiêu lại tàn hồng bấy nhiêu
Băng thiên tuyết địa thịnh triều
Dặm khuya ngất tạnh ô kiều nương ôi
Monroe nường ấy xa rồi
Còn em Brigitte không lời Bardot”.


Chương 14: TRÒ CHƠI NÓI LÁI Ở TRONG THƠ


Bùi Giáng có đến hàng trăm bài thơ quái dị trong hàng ngàn bài thơ mà ông làm ra chứ không phải chỉ có mấy bài ông sáng tác trong thời kỳ điều trị ở bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Những bài thơ đó ta không thể hiểu được khi đọc nó. Tập Thơ điên thứ thiệt chỉ trích dẫn có ba bài thơ là ba bài thuộc đỉnh cao của sự quái dị này. Đó là các bài Marilyn Brigitte, Trong bàn chân đi và Ngẫu hứng. Mỗi bài thơ thể hiện một nét đặc biệt của sự rối loạn tư duy ngôn ngữ của tác giả. Bài Trong bàn chân đi là cái thú nói lái của Bùi Giáng:



Có mấy ngón
Năm ngón
Mười ngón
Món người
Non ngắm
Nắm ngon
Hoặc là năm ngón nón ngăm
Màu đi trên nước cá tăm chuyên cần
Nón ngăm dặm bóng xoay vần
Đọng nơi góp tụ và chần chờ đưa
Nón mù sương nón che mưa
Nón về phố thị em thừa thiên ôi.



Hoặc trong bài Ngẫu hứng, tác giả vừa chơi trò chơi nói lái vừa thích thú chạy theo trò chơi kéo dắt dây liên hoàn các từ ngữ:



Ví chăng văng chỉ vi ngồi
Mà ra đứng ngóng sương đồi gió thông
Bởi chưng ví chẳng phiêu bồng
Chẳng nghe con cá không đồng ý sao”



Những trò đùa với từ ngữ đó chính là những triệu chứng tâm thần. Trong tập Thơ điên, các bác sĩ trong nhóm biên soạn đã giải thích: “Con bịnh thích chơi chữ, thích nói lái, và để cho một số âm thanh nào đó chúng lôi cuốn quấn quít lấy nhau. Và ở trường hợp này, không phải ý hay tình gợi cảm hứng tác giả, mà là âm thanh, nhạc điệu”. Các bác sĩ lại nói tiếp: “Có lẽ đối với ba bài thơ này, ta không cần tìm hiểu ý nghĩa của chúng – mà ngoài tác giả, có ai hiểu được cho chăng?”.




Trò chơi nói lái kết hợp với kéo dắt dây liên hoàn rất phổ biến trong thơ Bùi Giáng. Mỗi bài có một kiểu chơi khác nhau. Ở bài Ngẫu hứng trên, sự dắt dây dựa trên cơ sở số đếm một, hai, ba (một hôm, hai hôm, ba hôm) và phụ âm đầu g (gầu guộc gầm ghì). Còn trong một bài thơ điên khác mà Bùi Giáng sáng tác sau này, bài Đằng la ca, thì sự dắt dây dựa trên một hình thức khác:



Đằng la đa dạng đãng đa thu
Đủ dạng đa thu đã tạc thù
Đính lạn hồng mai sơ phá ngạc
Điền linh diệu mấn dẫn khai lu



Mới nghe qua cứ tưởng là một bài thơ chữ Hán hoặc chữ Phạn. Nhưng đọc kỹ bài thơ chúng ta mới thấy ông đang chơi trò chơi. Trong bài thơ này, khi bật ra hai từ đằng la, trong đầu ông lập tức xuất hiện từ nói lái của đằng la là đa lằng. Nhưng ông chỉ sử dụng một từ đa rồi chuyển sang dạng để có thể kéo dài ra. Sau khi viết ra hai chữ đa dạng ông lại bật ra từ nói lái của đa dạng là đạng da. Ông viết tiếp từ nói lái đầu tiên, nhưng đổi đạng thành đãng cho đúng với bằng trắc. Rồi cứ như thế ông tiếp tục kéo dắt dây từ ngữ đi.



Rất nhiều nhà nghiên cứu do không biết “bí quyết” này của Bùi Giáng nên cứ chạy theo những câu văn bài thơ lạ lùng của ông để tìm tòi về giá trị nghệ thuật và ý nghĩa nội dung của chúng, cuối cùng chỉ tạo ra những đám mây mù bao phủ dày đặc thêm chung quanh hiện tượng Bùi Giáng. Điển hình như tác giả Nguyễn Hưng Quốc, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học. Với bài thơ Ngẫu hứng, tác giả này lại vận dụng quan điểm của Jacques Derrida mà ông cho biết là một triết gia hàng đầu trong một trào lưu triết học tại châu Âu và Mỹ để giải thích. Nguyễn Hưng Quốc đã diễn giải thật tỉ mỷ về mối liên hệ giữa âm và khái niệm trong ngôn ngữ học để từ đó suy ra rằng, đoạn thơ trên của Bùi Giáng phát triển theo một chuỗi ngôn ngữ phù hợp với luận điểm của Derrda. Đặc biệt hơn nữa, Nguyễn Hưng Quốc còn dẫn dắt qua vấn đề chiến tranh: “Thành ra, chữ một hôm không phải chỉ gợi ra ý nghĩa là một đơn vị thời gian, mà còn gợi ra ý nghĩa là súng đạn, là cơm gạo. Xin mở một dấu ngoặc: bài thơ này được Bùi Giáng sáng tác trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đang hồi khốc liệt. Thời ấy, với nhiều người, với rất nhiều người, sống một ngày đồng nghĩa với sự chịu đựng những đe dọa từ chiến tranh và từ sinh kế”. Từ một bài thơ vô nghĩa của một thi sĩ bị bệnh điên đang trong cơn cuồng nặng, tác giả này đã đưa ý nghĩa bài thơ đi quá xa.



Tác giả: Trần Đình Thu

Chương 15: VỜN CHỮ, MỘT “THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT”CỦA THƠ ĐIÊN



Năm 1973, Nhà xuất bản An Tiêm cho tái bản tập Mưa nguồn. Tập thơ này in lần đầu vào năm 1962 là một tập thơ bình thường. Nhưng trong những lần in tái bản sau này, Bùi Giáng có thêm vào một phần nội dung nữa, được ông đặt tên là Mưa Nguồn Hòa Âm với lời chú giải: “Thêm những bài hòa âm này cho tập Mưa nguồn trong kỳ tái bản, ấy là góp phần soi tỏ ý nghĩa dịch chuyển của Mưa nguồn. Đồng thời cũng giúp cho dễ nhìn thấy nội dung bức bách của những thi phẩm tiếp theo: Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn…”. 
Chẳng biết ông “soi tỏ ý nghĩa” theo kiểu nào nhưng trong phần mới bổ sung thêm này, những bài thơ điên xuất hiện rất nhiều. Lúc này là lúc ông đã ra khỏi Bệnh viện tâm thần Biên Hòa nhưng có lẽ căn bệnh vẫn không thuyên giảm. Vì thế ông vẫn còn say mê trò chơi vờn chữ. Bây giờ Bùi Giáng đã tìm ra được nhiều trò chơi mới hơn, thú vị hơn đối với ông.



Ta hãy đọc một đoạn trong bài thơ Quần sẽ đỏ in trong phần Mưa Nguồn Hòa Âm:



Quần về cỏ rậm Giậu Thưa



Quần dày mỏng quận chiều trưa nhớ quần



Quần Trong Tiết



Quận Thiên Quân



Quần đi Lễ Hội quần dừng Đạp Thanh



Quần reo Tảo Mộ Tơ Mành



Quần hò hẹn sẽ yến oanh dịu dàng



Dịu mềm tồn lập hở hang



Quần mơ trút giũ quan san bên quần



Quần Lễ Hội Tháng Ba Dâng



Triều tam mộ tứ quần thần vua vui



Quần mộng tưởng



Quận ngậm ngùi



Quần tham xế lục quần vùi lấp xanh



Chúng ta thấy đoạn trích có một đặc điểm là rất nhiều chữ quần hoặc quận, quân. Trong toàn bài thơ này có tất cả đến chín mươi chữ quần hoặc quận, quân như thế. Đa số là chữ quần, còn lại khoảng chục chữ quận, quân. Ở đây, bài thơ không có nghĩa với chúng ta nhưng với Bùi Giáng thì khác. Có lẽ ông cảm thấy rất thỏa mãn vì chỉ vờn quanh theo chữ quần mà đã làm ra được bài thơ thật là dài. Trong bài thơ, có những khi quần là chiếc quần để mặc, quần xanh quần đỏ nhưng đôi khi lạc một chút thành ra quần thần vua quan hoặc là thành quận công.




Còn trong bài Đừng đi vào ông lại có một kiểu chơi đùa khác. Ông không vờn theo tên gọi của một thứ đồ vật như chiếc quần mà lại vờn theo phụ âm đầu Đ nằm ở đầu câu thơ. Trong bài, các câu thơ đều bắt đầu bằng Đ:



Đừng đi vào trong thiều quang thớ cỏ



Đi đi em đừng đi nữa sương hoa



Đi đi đi đừng khóc nữa sơn hà



Đường lổ đổ những tro tàn hy lạp



Đầu dặm đất tới cuối cùng bão táp



Đẩy vân thiên từ nguyên thủy nguyệt ngà



Đẩy vân mồng từ nguyệt tượng kiêu sa



Đừng đi nữa tới xa xôi mạt hậu



Bài thơ này, thật là trùng hợp khi có vừa vặn chín mươi câu bắt đầu từ phụ âm Đ.



Có những khi ông khởi đầu các câu thơ bằng một từ giống nhau chứ không phải là một phụ âm đầu giống nhau. Chẳng hạn bài Trời khóc Monroe Marilyn. Có đến mấy chục câu bắt đầu từ chữ luống:



Luống chào từ những bước ra



Luống từ chết giữa màu hoa lá cồn



Luống tồn hoạt luống hoạt tồn



Luống thơ thẩn mộng luống bồn chồn mơ



Luống thần thánh luống ngu ngơ



Luống thiên tài luống dại khờ bình sinh



Luống trận trận luống phen phen



Luống hàng mộng mỵ luống hằng chiêm bao



Luống vạn đại luống thiên thâu



Luống mơ tưởng mộng luống cầu nguyện mơ.



Ta thấy ở bài Quần sẽ đỏ trên kia, dù sao từ quần vẫn còn chỉ một đồ vật cụ thể, còn ở đây từ luống hoàn toàn không nói lên điều gì cả. Và trong những câu thơ có từ luống đó, nhiều câu từ ngữ vặn vẹo kỳ dị:



Luống là lạ lắm lần khân



Luống tồn loát luống tồn lân tân ồ.



Phần Mưa Nguồn Hòa Âm thật đặc biệt. Nó trình bày những trò chơi chữ của một thi sĩ tâm thần một cách đa dạng. Ở đây có những bài thơ rất ngộ nghĩnh như bài Đầu đuôi trận trận. Nó đặc biệt hơn những bài trên vì cái tựa thơ không còn đúng nghĩa tựa thơ nữa mà như là tên gọi của một trò chơi toàn chữ trận:



Trận đầu Bỉ Ngạn vời trông



Trận đuôi Bà Lạ Mật không rõ ràng



Trận đi cuối Bến Điêu Tàn



Trận về rớt hột cho Hàng Cảo Thơm



Trận lên đầu Ngọn Sớm Hôm



Trận leo xuống giốc Hoàng Hôn Hoe Vàng 



Trận dừng giữa Trận Lang Thang



Trận e ngại trận càng ngang ngửa nhiều.



Và đúng như tên gọi của trò chơi là đầu đuôi trận trận, trong bài thơ này tất cả các câu thơ đều bắt đầu từ chữ trận, tuyệt nhiên không có chữ nào khác như những bài thơ kia.



Tác giả: Trần Đình Thu

Chương 16: NHỮNG TRÒ CHƠI KHÁC


Có những trò chơi rất độc chiêu mà có lẽ chỉ có Bùi Giáng, với tài năng sẵn có của ông về ngôn ngữ mới có thể tạo ra được. Bài thơ Hán hương u hưởng là một bài như thế. Bài thơ này có những đoạn như sau:



“Y a ô ố ế u ư



Ừ ổn yên oanh yến lập cừ



Lữ tận lịch hành thanh lịch thế



Thể cùng thông nghiệm thiểm thông thư”





“Âm u ô úc ôn tù niệm



Yếm ố ư uyên uyển tội từ



Tứ thập trung niên tiền lập tại



Tam thiên kỳ kỹ khiệp tồn lư”



Bài thơ này, Bùi Giáng đã chơi trò vờn theo các nguyên âm để tạo ra chuỗi từ ngữ. “Cao thủ” hơn trò chơi vờn theo phụ âm ở các bài thơ trên.



Cũng là vờn theo nguyên âm nhưng bài thơ Ưởng chưởng phùng nghênh dưới đây lại là một kiểu khác. Nó không theo một lúc nhiều nguyên âm mà chỉ theo một nguyên âm thôi:



Uất trì thi vận ẩn thi triêu



Ưởng chưởng phùng nghênh xuân sắc thiều



Ương thỉnh kình ma phong táp táp



Ưu sầu ác quỷ diệp tiêu tiêu



Ước ngôn mặc ngữ u tầm xứ



Ứng thoại đáp thiền uyển sách phiêu



Ứ tắc y y tàng pháp thuật



Ung hòa ủng ủng lộ vân tiêu



Úy đồ ô uế dâm ô dục



Úc úc ôn hinh tịnh thế triều



Tất cả các câu thơ trong bài đều khởi đầu bằng nguyên âm U (hoặc biến thể Ư) và trong câu cũng sử dụng nhiều nguyên âm U.



Không chỉ trong Mưa nguồn hòa âm mới có thơ điên thứ thiệt. Một số tập thơ khác vẫn có thứ sản phẩm đặc biệt này nhưng ít hơn. Trong tập thơ Sa mạc phát tiết, An Tiêm xuất bản năm 1969 có một số thơ điên với nhiều trò chơi chữ. Những trò chơi ở đây cũng khá thú vị. Chẳng hạn cũng là kéo dắt dây liên hoàn nhưng Bùi Giáng không chọn “thủ pháp nghệ thuật” vờn quanh một nguyên âm, một phụ âm, một từ như mấy bài thơ trên mà ông “sáng tạo” thêm lối mới. Như bài Gấu vượn đười ươi. Ở đây ông kéo liên hoàn bằng cách nhờ vào sự điệp vần liên tục của các câu, chữ:



Gấu vượn đười ươi tươi miệng ngọc



Mọc răng măng mủm mỉm ra đời



Rời da ban dạng rơi hình thể



Hễ thấy hay thầy hoặc giõi cô



Cô giõi thầy hay thay nét chữ



Nữ vương nương tử nữ vương tô



Vô tương nghi tận vân đầu xứ



Tuyết mấn tân thành tánh tự thô



Tô thức tức tường vi kỷ độ



Cô dì cô dượng cưỡng tiên cô



Sồ hình sinh lễ xê ngang xích



Dọc suốt mép rìa mía ngọt mô



Ta thấy chữ cuối của câu đầu luôn điệp vần với chữ đầu của câu sau. Ngoài ra trong một câu cũng có sự điệp vần của cụm từ trước và cụm từ sau. Hoặc như bài Ái hà cũng thật đặc biệt:



Ái hà thiên xích lãng



Ân hà vạn trượng hoa



Thanh hà mai cốt cách



Lục hà một cốt mai



Tuyết hà mai cách tại



Băng hà cốt một mai



Khổ hà như lan nhược



Mật hà bành bái ba.



Một loạt câu có chữ hà ở vị trí thứ hai chứ không phải đầu câu như trên kia. Hoặc như bài Tỳ hải sương, trong câu có nhiều phụ âm m:



Mò gươm mệt đất mỏi đời



Mò đao mó kiếm mọi lời mỏi mê



Mơ ra nguồn tạnh mơ về



Mộng ra mơ ngủ mùa xê xích mùa



Với những bài thơ có các trò chơi, ta cần chú ý điểm này: mức độ kỳ dị của các bài thơ tăng giảm theo tiến triển của bệnh tật. Khi bệnh nặng thì thơ ông trở nên quái chiêu. Khi bệnh thuyên giảm thì thơ ông có vẻ có một ý nghĩa nào đó. Nhưng thật ra chúng đều là những sản phẩm của vô thức. Vì thế khi đọc những câu thơ “có vẻ có ý nghĩa” đó, một số người không hiểu rõ Bùi Giáng có thể nhầm lẫn rằng ông đang sử dụng một thủ pháp nghệ thuật gì mà ông vừa sáng tạo ra.



Những bài thơ vờn chữ của Bùi Giáng quá nhiều, không thể trích dẫn hết. Ông có thể say sưa vờn theo chữ mọi như trong bài Mọi mộng mỵ, vờn theo chữ nhớ như trong bài Chiến trận chiều hôm, vờn theo chữ da như trong bài Da trắng da đen…Hoặc là ông có thể ghép những chữ bất kỳ nào đó thành ra một bài thơ. Ông bất cần nó ra cái gì. Ông bất cần nó toát ra ý nghĩa nào. Ông cứ say sưa đùa vui mãi như những đứa trẻ mải mê chơi trò. Vô tư và hồn nhiên, ông để lại cho đời những sản phẩm rối như mớ bòng bong khiến bao người kinh ngạc, loay hoay tìm lời giải đáp.



Tác giả: Trần Đình Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét