Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

HỒI KÝ ĐỜI TÔI CỦA CỰU TỔNG THỐNG BILL CLINTON - PHẦN 4


THỜI THƠ ẤU CỦA BILL CLINTON

Lớn lên giữa tình thương và những dằn vặt nội tâm, trong Bill Clinton đã phát triển một tâm lý phức tạp, đan xen những thành ý và dục vọng đen tối. Sau này, khi ông trở thành tổng thống Mỹ rồi vụ việc Monica diễn ra, mẹ ông có lần đã nửa đùa nửa thật: “Nếu ngoan hơn một chút, thì con tôi trở thành một ông thánh được đấy”.
Bill Clinton đã kể lại về tuổi thơ trong Đời tôi.

Ba tình thương yêu

Khoảng một năm sau, mẹ tôi quyết định về lại Bệnh viện Charity Hospital ở New Orleans, nơi bà đã từng thực tập ngành y tá gây mê. Ngày xưa, các bác sĩ phải tự gây mê cho bệnh nhân, do đó nhu cầu y tá ngành này cũng rất cao, mang lại sự nể vì cho mẹ và thêm tiền bạc cho gia đình chúng tôi, nhưng chắc mẹ cũng rất buồn vì phải xa tôi. Nhưng cạnh đó, thành phố New Orleans là nơi có rất nhiều cám dỗ ngay sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt. Tôi nghĩ rằng nơi đây cũng không quá tệ đối với một góa phụ trẻ đẹp đang muốn tìm quên nỗi buồn phiền. 
Tôi chỉ đi thăm mẹ được đúng 2 lần khi bà ngoại đưa tôi đi bằng xe lửa đến New Orleans. Lúc đó tôi chỉ mới 3 tuổi, nhưng tôi nhớ rất rõ hai điều: đầu tiên là chúng tôi ở đối diện con đường Canal, gần khu Pháp, trong tầng trên của khách sạn Jung. Đây là tòa nhà cao hơn hai tầng mà tôi được bước vào lần đầu tiên trong đời. Tôi vẫn còn nhớ lại sự sững sờ khi từ trên lầu cao nhìn xuống ánh đèn ở khắp cả thành phố vào ban đêm. Tôi không nhớ đã được mẹ dẫn đi đâu tại New Orleans trong những lần đó. Nhưng tôi không thể nào quên được có một lần khi tôi bước lên xe lửa để trở về nhà, mẹ quì xuống bên cạnh đường ray xe lửa và khóc khi vẫy tay từ biệt. Đến lúc này hình ảnh đó vẫn còn hiển hiện trong đầu tôi, mẹ quì xuống khóc, như chỉ mới ngày hôm qua.

Thời gian mẹ ở New Orleans thì ông bà ngoại lo nuôi nấng tôi. Ông bà ngoại rất yêu thương tôi; chỉ có điều đáng buồn là họ yêu thương tôi - hay trong trường hợp của bà ngoại, là yêu thương mẹ tôi - hơn cả họ yêu thương nhau. Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn không biết gì về điều này khi còn nhỏ. Tôi chỉ biết là tôi được sự thương yêu của mọi người. Về sau này, khi bắt đầu tìm hiểu về đời sống của trẻ nhỏ lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, tôi mới thấy mình thật may mắn. Vì với tất cả những thứ ma quỉ trong đời sống riêng của từng người, ông bà ngoại và mẹ tôi luôn tìm cách làm cho tôi cảm thấy tôi là người quan trọng nhất trong đời họ. Phần lớn các đứa trẻ sẽ đứng vững được nếu có ít nhất một người thương yêu chúng như thế. Phần tôi, tôi có đến ba người.

Bà ngoại là người rất vui tính và có giọng cười to nhưng bà cũng là người dễ cáu kỉnh, bực bội, chán nản và những nỗi ám ảnh mà ngay cả chính bà cũng chỉ hiểu được lờ mờ. Khi giận dữ, bà trút tất cả mọi thứ lên ông ngoại và mẹ tôi.

Ông ngoại có tính hào phóng và rất thương người. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái của thập niên 1930, thời gian mà ai cũng nghèo khổ, ông cho bọn trẻ trong phố lên xe chở nước đá đi giao hàng với ông để chúng có việc làm, khỏi tụ tập hư hỏng. Mỗi đứa được trả công 25 xu mỗi ngày. Năm 1976, khi tôi về lại thành phố Hope để vận động tranh cử chức bộ trưởng tư pháp tiểu bang, tôi đã được gặp một người trong số bọn trẻ này, đó là thẩm phán John Wilson. Ông lớn lên và trở thành một luật sư rất thành đạt, nhưng ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm của thời đó.

Ông kể cho tôi hay có lần vào cuối ngày, khi ông ngoại trả công bằng đồng 25 xu như thường lệ, John Wilson đã xin được đổi lấy hai đồng 10 xu và một đồng 5 xu để tạo cảm tưởng rằng mình có nhiều tiền. Trên đường về nhà, John Wilson khua leng keng mấy đồng tiền trong túi. Nhưng vì khua quá mạnh, một đồng 10 xu đã bị văng ra ngoài. John bỏ ra cả mấy tiếng đồng hồ để cố tìm nhưng không thấy đồng xu này đâu cả. 40 năm sau, John nói với tôi là ông không bao giờ quên chú ý tìm đồng 10 xu đó mỗi khi có dịp đi lại con phố này.

Người cha dượng

Sau một năm ở New Orleans, mẹ trở về Hope để kiếm việc làm và nhất là để được gần tôi. Trong thời gian ở New Orleans và ngay sau khi đã về đến Hope, mẹ vẫn liên hệ với một người đàn ông, chủ một tiệm bán xe hơi Buick. Ông tên là Roger Clinton. Mẹ thích Roger vì ông để ý chăm sóc tôi và rất tốt bụng. Ông trả tiền xe cho mẹ để mẹ về thăm tôi mấy lần khi còn ở New Orleans và có lẽ ông cũng trả tiền cho hai chuyến đi xe lửa của bà ngoại và tôi mỗi khi đi thăm mẹ.

Mẹ và Roger thành hôn tại Hot Springs vào tháng 6/1950, lúc đó mẹ mới vừa 27 tuổi. Sau đó mẹ và tôi dọn vào ở chung với cha dượng, người mà tôi ít lâu sau sẽ gọi là bố. Và không lâu sau đó, tôi bắt đầu gọi tên mình là Billy Clinton. Lúc 2 người mới cưới, bố rõ ràng là đã cố gắng để gần gũi tôi hơn. Nhưng trong cuộc sống này có nhiều điều rất quý giá đối với tôi chỉ xảy ra có một lần và không bao giờ lặp lại nữa. Như lần duy nhất bố và tôi đi xem trận bóng chày ở St. Louis, lần duy nhất chúng tôi đi câu cá với nhau, lần duy nhất chúng tôi vào rừng để chặt cây thông mang về cho dịp lễ Giáng sinh, lần duy nhất cả nhà cùng nhau nghỉ hè ở nơi xa.

Roger Clinton yêu thương mẹ và tôi, nhưng ông không bao giờ thoát ra được khỏi bóng tối của sự ngờ vực chính mình, sự yên ổn giả tạo khi nhậu say bí tỉ và sự cô lập cũng như những lời chửi rủa của mẹ khiến ông không bao giờ có thể thành người đàn ông tốt như ông muốn.

Một tối nọ, sự tự hủy hoại vì say rượu của ông đã lên đến cực độ trong một cuộc cãi cọ dữ dội với mẹ mà tôi không thể nào quên được. Mẹ muốn vào bệnh viện thăm bà ngoại, lúc này đang bị bệnh và không còn sống được bao lâu nữa. Bố không cho mẹ đi. Hai người to tiếng cãi cọ với nhau trong phòng ngủ phía sau nhà. Không hiểu vì lý do gì đó, tôi bước ra ngoài hành lang và đến đứng trước cửa phòng ngủ. Và ngay lúc đó, bố rút súng bắn về hướng mẹ. Viên đạn xuyên qua tường, ngay bên cạnh nơi mẹ và tôi đang đứng. Tôi đờ người ra vì sợ hãi. Trong đời tôi chưa hề nghe tiếng súng bao giờ. Mẹ nắm lấy tôi, chạy băng qua đường vào nhà người hàng xóm. Cảnh sát được gọi đến. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh cảnh sát còng tay bố dẫn đi, giam trong tù qua đêm.

Tôi tin chắc rằng bố không bao giờ muốn làm hại mẹ và ông sẽ chết đi được nếu chẳng may viên đạn trúng tôi hoặc mẹ tôi. Nhưng có một điều gì đó, độc hại hơn cả rượu, đã đưa ông đến mức suy đồi như thế. Phải mất một thời gian rất lâu tôi mới có thể hiểu được sức mạnh của sự suy đồi này ở tôi hay ở những người khác. Khi bố được thả ra khỏi tù, ông trở nên tỉnh táo hẳn ra và cảm thấy thật hổ thẹn trong cả một thời gian dài sau đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét