Trịnh Công Sơn |
Trịnh Công Sơn có viết: "Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được".
Nghe nhạc Trịnh Công Sơn đối với nhiều người Việt cũng gần giống
như nghe một câu kinh...
Đạo Phật với Trịnh Công Sơn là hơi thở là triết học làm cho con
người yêu đời hơn chứ không phải là lãng quên sự sống.
Đạo Phật đến với Ông qua nếp sống gia đình, và rồi đi vào âm
nhạc của ông ngày càng sâu sắc hơn qua sự trải nghiệm thăng trầm giữa cuộc đời
này.
Trịnh Công Sơn có viết: "Tôi vốn thích triết học và vì thế
tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng
mà ai ai cũng có thể hiểu được".
Trong Tứ Diệu Đế của đạo Phật, chân lý đầu tiên là khổ đế. Khổ
đế là một đề tài rất phổ thông trong nhạc Trịnh Công Sơn: Tin buồn từ ngày mẹ
cho mang nặng kiếp người, ông đã hát trong Gọi tên bốn mùa. Cuộc đời đầy khổ và
buồn vì không có gì trường cửu cả. Theo Kinh Kim Cương, Tất cả các pháp hữu vi
là “như sương mai, như ánh chớp”. Đây là một ý niệm mà Trịnh Công Sơn đã nhắc
đi, nhắc lại trong nhiều lời ca của mình. Giống như con chim ở đậu cành tre và
một con cá... trong khe nước nguồn, không ai trong chúng ta là những người định
cư vĩnh viễn, tất cả đều là những người ở trọ trần gian này. Trong khi tạm cư ở
chốn trần gian này chúng ta tìm chỗ ẩn náu trong tình yêu, nhưng rồi tình yêu
cũng mất đi.
Tình yêu như tất cả mọi sự khác đều vô thường như Trịnh Công Sơn
đã viết trong bài Đóa hoa vô thường và nhiều bài ca khác. Các bài tình khúc của
Trịnh Công Sơn là những lời tuyên bố siêu hình rằng những đổ vỡ tình yêu không
phải là những chông gai nho nhỏ trên con đường đời đẹp đẽ vô song. Các bài tình
khúc của Trịnh Công Sơn, như Hoàng Phủ Ngọc Tường nói, là những “bài kinh cầu
bên vực thẳm”. Các bài ca này là những lời nhắc nhở cho chúng ta về lẽ vô
thường.
Một đề tài Phật giáo khác trong nhạc Trịnh Công Sơn là thuyết
luân hồi. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi, ông hát
trong Cát bụi. Hay Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô,trong Rừng
xưa đã khép. Trong các ca khúc của mình Trịnh Công Sơn có vẻ đồng ý với đạo
Phật rằng “Hiện tại là hình bóng của quá khứ và tương lai là hình bóng của hiện
tại”.
Trịnh Công Sơn cũng tỏ ra chấp nhận thuyết luân hồi của nhà Phật
trong những câu mà Trịnh Công Sơn đã làm nhòa nhạt biên giới giữa đi và về, như
trong bài Phôi pha: Có những ai xa đời quay về lại/ Về lại nơi cuối trời. Nếu
chết là để đi đến tái sinh thì khi ta ra đi nghĩa là ta trở lại. Nhìn sống và
chết cũng như nhìn nước chảy trên sông và tự hỏi nước đang ra đi hay nước đang
trở về. Đó là ý của Trịnh Công Sơn trong Gần như niềm tuyệt vọng: Những ngàn
xưa trôi đến bây giờ/ Sông ra đi hay mới bước về.
Theo đạo Phật không có cái ta trường cửu nhưng mà có một chút gì
trong cái ta đã mất được tiếp nối trong cái ta tái sinh. Quá trình này thường
được so sánh như khi ta thắp một cây nến từ một cây nến khác, có cái ra đi và
cũng có cái trở lại, một cõi đi về như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài ca cùng
nhan đề.
Một ảnh hưởng khác của Phật giáo trong ca khúc của Trịnh Công
Sơn là sự mập mờ và siêu lý luận của các câu văn. Nhạc, lẽ dĩ nhiên là tiếng
nói của con tim không phải là của lý trí nhưng sự xác định này cũng chưa đủ dể
giải thích tại sao Trịnh Công Sơn có vẻ như không muốn làm cho lời ca rõ ràng.
Tôi nghĩ rằng đây là ảnh hưởng của Phật giáo, rằng người ta không thể chỉ ngồi
mà lý luận để đi đến một sự bình an cho tâm hồn, rằng ý niệm giác ngộ vượt qua
biên giới của ngôn ngữ và lý luận.
Cái mập mờ danh tiếng của Trịnh Công Sơn là do sự phá bỏ biên
giới giữa các điều mà chúng ta thường xem là khác biệt, một phương pháp mà Cao
Huy Thuần gọi là “đối hợp”. Trịnh Công Sơn hay dùng lối văn đối nghịch, một
nghệ thuật ngôn ngữ hay dùng để nhấn mạnh sự khác nhau của hai điều, nhưng
ngược lại, Trịnh Công Sơn hay đem đối nghịch làm trùng hợp như trong các câu
này: Tình không xa nhưng không thật gần; Không xa đời và cũng không xa một
người; Một phố hồng một phố hư không.
Trịnh Công Sơn giống như một nhà thiền sư phủ nhận rằng tuyết
thì trắng, quạ thì đen, với mục đích nói lên rằng muốn giác ngộ thì phải tránh
xa cái đối lập giữa “có” và “không” để thành một tổng thể hài hòa. Lời ca của
Trịnh Công Sơn giống như các công án trong Phật giáo, chẳng hạn như công án nổi
tiếng nói về lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay, và cũng giống như công án, bài
hát của Trịnh Công Sơn không thể giải thích được bằng đầu óc.
Khi nói về triết lý trong nhạc Trịnh Công Sơn chúng ta cũng cần
nói tới ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh nữa. Các bạn thân của Trịnh Công Sơn
xác nhận rằng, ông cũng như một số đông các nhà trí thức miền Nam vào cuối thập
niên năm mươi và đầu thập niên sáu mươi, rất bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa hiện
sinh.
Thái Kim Lan bảo rằng: ở Huế hồi đó nhiều người nói về lo âu
(angst), hư vô (nothingness), nôn mửa (nausea) và nỗi hoài công phi lý của Sisyphus.
Nguyễn Văn Trung hồi đó mới từ Bỉ về, theo Bửu Ý là “nòng cốt” của các cuộc
tranh luận về triết lý tại Huế. Nguyễn Văn Trung viết nhiều bài về hiện sinh và
đăng trong tạp chí Đại Học, do ông làm chủ nhiệm.
Các bạn của Trịnh Công Sơn bảo rằng ông rất ham đọc sách của
Camus về huyền thoại Sisyphus. Các bạn này cũng bảo Trịnh Công Sơn rất thích
các phim trong đó có tài tử James Dean đóng vai của một người lưu lạc cô đơn.
Chúng ta thấy hình ảnh chàng cô đơn này trong nhiều bài của Trịnh Công Sơn trong
đó có bài Dã tràng ca. Trong bài này Trịnh Công Sơn muốn so sánh mình với
Sisyphus, qua một hình ảnh đã được Việt Nam hóa là con dã tràng suốt ngày “xe
cát biển đông” trong Nghe thân lưu đày.
Trong cuốn Huyền thoại Sisyphus, Camus nói: trong cái thế giới
phi lý này, chúng ta thường hay bị quyến rũ bởi hai cách trốn thoát: một là tự
vấn thân xác, hai là tự vấn triết lý, tức là nuôi dưỡng niềm hy vọng rằng mình
sau này khi chết đi sẽ được lên chốn thiên đàng vĩnh cửu. Theo Camus, chúng ta
phải từ chối hai con đường giải thoát này và phải chọn một con đường khác: con
đường chống đối thế giới phi lý này giống như nhân vật Sisyphus trong huyền
thoại vậy.
Ông Nguyễn Văn Trung đã giải thích thuyết của Camus theo một
cách khác. Ông viết về tự vấn triết học như thế này: “Hy vọng một đời khác,
hoài niệm một quê nhà sau tù đầy là một cách phủ nhận tình trạng phi lý khác,
mà không chấm dứt được phi lý. Camus gọi những giải pháp thoát ly đó là một tự
vấn triết lý (Suicide philosophique)”. Nguyễn Văn Trung cho rằng, theo Camus,
chúng ta phải chấp nhận rằng “Tù đày chính là quê nhà”.
Rất có thể Trịnh Công Sơn đã bị ảnh hưởng của Camus qua cách
giải thích của Nguyễn Văn Trung. Giáo sư Trung đã Việt Nam hóa lý thuyết về lưu
đày và thiên đàng vĩnh cửu của Camus. Lời giải thích của Nguyễn Văn Trung đã
làm lẫn lộn hoài vọng về một cõi thiên đàng trong kiếp sau với hoài vọng về quê
nhà.
Trịnh Công Sơn quả thật đã bị lôi kéo từ hai dòng lực tù đày và
quê nhà. Nhiều đêm muốn đi về con phố xa/ Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới
mái nhà, ông đã hát trong Lời thiên thu gọi. Nhưng vì đã được uốn nắn trong một
nền văn hóa mà trong đó tình yêu quê nhà đóng một vai trò rất mạnh, Trịnh Công
Sơn đã không do dự chọn quê nhà. Ông đã hát Chân đi xa trái tim bên nhà, trong
Có nghe đời nghiêng và Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá/ Góc phố nào cũng thấy
quê nhà trong Tình yêu tìm thấy.
Do đó ta thấy Trịnh Công Sơn không chấp nhận sự nổi loạn chống
lại thế giới phi lý như Camus đã cổ vũ. Trịnh Công Sơn không thể nào chọn lưu
đày làm nơi quê nhà. Tù đày theo Trịnh Công Sơn không phải là sự nổi loạn hiện
sinh mà là sự nhìn nhận của một người con Phật trước nỗi khổ và tính cách tạm
bợ của cuộc đời: Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây Trịnh Công Sơn hỏi
trong Phúc âm buồn. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này.
Hiện sinh khuyến khích cá nhân đứng lên một mình để chống lại xã
hội và văn hóa. Phật giáo, ngược lại, dạy thuyết vô ngã, dạy rằng không có gì
khác biệt giữa ta và tha nhân, rằng mọi sự mọi việc trên đời đều hỗ tương ảnh
hưởng vào nhau. Tôi tin rằng Trịnh Công Sơn có ý nói đến thuyết vô ngã trong
các bài ca của ông. Ông có nói đến “phụ người” như trong bài Ru em nhưng cái
buồn của ông thật ra cũng là cái buồn của nhân thế. Yêu em yêu thêm tình phụ /
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ (Ru em). “Từ bi” có nghĩa là tâm từ (maitri) và
tâm bi (karuna), hai đức hạnh mà theo Phật giáo mình nên tu dưỡng.
Lúc mới bắt đầu sự nghiệp, Trịnh Công Sơn cũng như nhiều thanh
niên trí thức khác tại miền Nam, thích bàn luận về thuyết hiện sinh. Triết lý
nói chung và thuyết hiện sinh nói riêng hồi đó là một đề tài rất phổ thông
trong giới trẻ. Các bài hát đầu của Trịnh Công Sơn đã đáp ứng được nguyên vọng
này của giới trí thức miền Nam. Phật giáo và hiện sinh quả thật có gần nhau ở
một vài điểm. Cả hai đều tin rằng con người phải đối diện với cái chết và với ý
niệm hư vô trước khi có thể thực sự sống một đời sống đích thực.
Trịnh Công Sơn lúc mới vào nghề nổi tiếng vì đã “chịu chơi” với
thuyết hiện sinh nhưng theo tôi Trịnh Công Sơn đã sáng tác nhạc của mình dựa
trên các đề tài của Phật giáo. Nếu hồi đó ít ai để ý tới cái tính cách Phật
giáo trong các bài của ông, có thể là vì Phật giáo và hiện sinh gặp nhau ở một
vài điểm và người ta chỉ để ý đến khía cạnh hiện sinh mà thôi. Tuy nhiên lý do
chính vì sao Trịnh Công Sơn vẫn tiếp tục thành công trong một thời rất dài là
vì những ưu tư có tính cách rất Phật Trịnh Công Sơn đã gửi gắm trong lời ca của
mình.
Nghe nhạc Trịnh Công Sơn đối với nhiều người Việt cũng gần giống
như nghe một câu kinh. Nhạc Trịnh Công Sơn khó hiểu nhưng lời ca của ông có khả
năng xoa dịu những tâm hồn bị dao động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét