Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

TỔNG HỢP NHỮNG BÀI VIẾT VỀ NHÀ THƠ BÙI GIÁNG - PHẦN 2


TUỔI CHÍN MƯƠI SÁU

- Theo ý mày, Việt Nam có đau khổ không?

- Làm sao tao có thể biết được điều đó?
- Nhưng mà mày là người Việt Nam cơ mà!
- Thì chính bởi vì tao là người Việt Nam, tao ờ giữa lòng Việt Nam, tao ở giữa lòng Việt Nam, nên tao không thể nào nhận ra được tấm lòng ấy
- Mày nói sao tao không hiểu.
- Có gì mà không hiểu, ông Tô Đông Pha đã nói sự tình đó từ lâu rồi: " Bất thức Lư Sơn chân diện mục, chỉ duyên thân tại tự sơn trung".
- Thú thật, tao hiểu Tô Đông Pha, nhưng chẳng thể hiểu mày.
- Có gì lạ đâu. Ông Tô Đông Pha là người Tàu, nên mày hiểu ông ấy. Còn tao là người Việt Nam, mày cũng là người Việt Nam, nên mày không hiểu tao, và tao cũng không hiểu mày.
- Thế sao người Tàu hiểu Tô Đông Pha
- Ấy bởi vì người Tàu không phải là người Tàu. Hoặc cũng có thể là...
- Là sao?
- Là rằng: Người Tàu thật đúng là người Tàu, còn ông Tô Đông Pha thì đích thị là người Việt Nam.
- Nếu như ông Tô Đông Pha là người Việt Nam, tại sao người Việt Nam lại hiểu ông Tô Pha
- Ấy là bởi: người Việt Nam cứ tưởng ông Tô Pha là người Tàu
- Thế bây giờ, muốn hiểu được thơ văn của mày, phải làm sao?
- Mày phải tưởng tượng rằng mày là người Tàu, rằng mày là người Ấn Độ, rằng mày là người Xiêm La
- Nói thì dễ, nhưng làm sao tưởng tượng ra cho được.
- Đơn sơ hơn, mày hãy thử tưởng tượng rằng mày là đứa con mênh mông của cô Kim Cương, cô Hà Thanh...
- Tao có thể tưởng tượng tao là đứa con của mẫu thân Phùng Khánh có được không?
- Không được.
- Tại sao không được?
- Tại vì tao là đứa con duy nhất của mẫu thân Phùng Khánh duy nhất của Việt Nam.
- Ngoài cô Phùng Khánh ra, có còn ai là người Việt Nam nữa không?
- Ngoài cô Phùng Khánh ra, không còn ai là người Việt Nam nữa cả.
- Thế ra chiến tranh đã giết lầm?
- Không phải chiến tranh đã giết lầm. Mà chính là những viên đạn đã giết lầm.
- Có cách gì khiến cho những viên đạn đừng giết lầm nữa chăng?
- Muốn được như thế, thì những viên đạn hãy tưởng tượng rằng mình không phải là viên đạn.
- Rằng mình là lá cây?
- Rằng mình là lá cỏ?
- Rằng mình là con chuồn chuồn?



(Trích từ Những Ngày Tháng Ngao Du- Bùi Giáng)


NGÀY GÁI ĐI TIỂU


Tôi đã có lần thấy gái Việt Nam đi tiểu.



Nhưng quả thật chưa hề có lần nào nhìn thấy gái Cao Miên đi tiểu



Nghe thiên hạ đồn rằng gái Xiêm La đi tiểu trong càng diễm lệ hơn gái Cao Miên



Tôi không tin rằng sự thật là như thế. Tôi tin chắc rằng gái Cao Miên diễm lệ nhất trần gian. Cả trong mộng tưởng. Cả trong chiêm bao. Cả trong thực tế. Tôi sẽ ca ngợi họ. Tôi sẽ không như ông Nguyễn Du phung phí thiên tài mình trong cuộc ca ngợi hồng nhan Gia Tĩnh Triều Minh.



Tôi đang dành một số tiền mộc mạc để sang Cao Miên để xem xét phong cảnh một thời gian.



Nếu tình thế thuận lợi, tôi sẽ vĩnh viễn ở lại bên ấy và mong rằng thỉnh thoảng sẽ nhận được một lá thư của cô Hà Thanh từ cố quận gửi qua.


Và mai mốt tôi xuống suối vàng, vẫn mong rằng các cô gái Cao Miên sẽ ban ân huệ mưa móc xum xuê trên nấm mồ mọc cỏ, những hạt sương trần gian sẽ giỏ hằng ngày xuống đáy huyệt cô đơn.


(Ngày Tháng Ngao Du- Bùi Giáng)


Bài Thơ Dở Nhất
(Tặng Ông Trời Xanh Lơ)

Tôi đang viết một bài thơ dở nhất

Tặng Ông Trời cho mọi mọi hân hoan
Bài dở nhất của Xuân Xanh Sự Thật
Biển xanh dâu vì thảy thảy đương vàng
Vì đâu đó tôi từng đang đã viết
Đã Mai Sau và sẽ đúng bây giờ
Sẽ từng đã là Xa Xuôi luyến tiếc
Đã từng đang là tờ giấy không chờ
Đã thời khắc mở chon von Cánh Cửa
Cho thời gian Vô Thủy gặp Vô Chung
Lúc kiều diễm Cô Kim Cương hớt hải
Gọi Hà Thanh lộng lẫy giữa Vô Cùng
Ông Trời ạ, ông Trời tròn hay méo
Tôi già nua, răng rụng hai phần ba
Tèm nhem mắt nhìn hoa tươi trái héo
Chiêm bao mòn Bắc Khuyết mị Nam Kha
Vì Mị Dược mị sinh viên Dược Thảo
Cũng vô ngần như Mộng Mị hôm qua
Dầu Khuynh Diệp tôi rao lời dẫu Rỗng
Hay Cù Là điệp điệp điệu tuôn ra
Phố Chợ Lớn tìm tôi trong Đêm Tối
Gởi cho tôi đầy đủ gió Giang Tây
Trăng Dương Tử sóng Tô Châu thầm dội
Mép vang lừng Miền Cỏ mọc Hây Hây
Thì Thuong Mại Tân Xuân tôi Cung Chúc
Hồn Tân Niên cho Tuế Nguyệt Phiêu Bồng
Lời Vũ Trụ tôi đầu cơ có Kế Hoạch
Vì Nguyên Tiêu cuối Sa Mạc đương cần
Người Hải Nội hay Cô Nương Hải Ngoại
Thu Trang xưa hay Xã Yến bây giờ
Hãy cầm Đuốc cho Tro Tàn thơ Dại
Còn lem nhem bừng rạng giấy như Tờ
Rồi có lúc như Bây giờ có Lẽ
Quỳnh Nga xanh nư vang bóng màu Lan
Và Vĩnh Thúy thừa thiên thu tận mị
Cùng nắm tay đưa Vĩnh Dạ lên Đàng
Thì có lẽ như bây giờ lần Nữa
Một bài ca sẽ chuyển diệu Khôn Hàn
Lời gây cấn đầu thai trong Vó Ngựa
Hồn hóa sinh về Núi Đá mưa ngàn
Truông đèo sực tỉnh còn than
Lớp phiêu bồng mọc muôn vàn nhánh hoa
Nhành mai nhành mốt hôm qua
Nhành hôm nay nữa ắt là vân vân



(Ông Trời Chịu Thua 

Không Đáp Được Lời Nào)


Bài thơ hay nhất

(Tặng Chuồn Chuồn)


Ngày chết trên bờ lúa

Đêm chết trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con
Tôi leo trèo nhảy múa
Lạc phường phố xa thôn
Còn ngọn Núi ngọn Sông nào mất ngọn
Ngọn nguồn đi trên không ngọn nguồn
Tôi leo mãi những ngọn đồi xa ngọn
Về xa xôi những thung lũng xa nguồn
Nằm giữa phố giữa trưa tôi vẽ bóng
Con chuồn chuồn cuối hạ đón đầu thu
Con châu chấu cuối thu về lóng cóng
Sắp sang đông từ giã nguyệt hư phù
Từ giã tuyết ở giữa lòng trao ngộ
Từ giã sương ở giữa nỗi tao niềm
Từ giã rét băng ơn vũ lộ
Từ giã tôi đầy viễn mộng êm đềm
Lời lời bớt bớt thêm thêm
Lời đi trong tiếng lặng chìm trong câu
Bây giờ tôi ở nơi đâu
Chóp đầu thời đại mất đầu thời gian



(Châu Chấu vui lòng chuyển giúp)



(Châu chấu và Trung Niên Thi Sĩ



Châu Chấu - Bác Trung Niên Thi Sĩ sao không nhờ một người nào chuyển giúp bài thơ, mà lại phải nhờ cháu? Cháu bé bỏng mang sao nổi tờ thơ. Bước đi của cháu cũng chậm chạp lắm.

Thi Sĩ Trung Niên - Bài thơ nhẹ hơn một giọt sương. Cháu ngại gì. Bước đi chậm cũng không sao. Bốn mùa còn dài lâu tuế nguyệt. Cháu bước đi chậm nhưng cháu vốn cần mẫn và chịu khó lưu tâm giúp việc. Sở dĩ bác không nhờ cậy con người, vì con người ngày nay lơ đễnh quá. Thơ Mưa Nguồn Của bác, họ đem ra phê bình, chép sai be bét hết cả. Trừ ông Minh Huy Nguyễn Đình Tuyến ra, còn mọi ông khác không ông nào chép đúng bài thơ, cháu nghĩ xem. Mỗi bài thơ đau có khoảng mười mấy câu, mà sai lầm ít nhất là năm chữ, nhiều nhất là mười lăm chữ. Thì còn ăn nhăm đâu vào đâu. Đôi khi họ còn xen thêm vài ba chữ, hoặc bỏ bớt vài chữ, hoặc đẩy bừa vài ba câu văn của họ vào ngay trong bài thơ, làm sai lạc cả âm điệu. Rồi họ tha hồ công kích và khen ngợi ân cần nghe có vẻ chân tình chì thiết (!)



Châu Chấu- Sao bác không cải chính?



Thi Sĩ Trung Niên – Luống tuổi già nua, sức mấy mà theo dõi họ để cải chính ngày ngày tháng tháng năm năm. Còn phải xoay xở kiếm tiền tiêu pha ăn uống, đâu có nhàn rỗi gì mà đuổi đeo dây dưa cuộc dằng dặc dai dẳng chán ngán đó. Đèo bòng đeo đuổi càng ưu phiền chết yểu mà thôi



Châu Chấu – bác năm nay bao nhiêu tuổi?



Trung Niên Thi Sĩ – gần tới năm mươi tuổi.



Châu Chấu – Năm mươi tuổi mà bác còn sợ sẽ chết yểu à?



Trung Niên Thi Sĩ – Cháu bao nhiêu tuổi?



Châu Chấu – Cháu sinh ra đời vào lúc Mùa Xuân Cỏ Mọc Tháng Ba. Nay là Trung Thu Tháng Tám. Thế là cháu được năm tuổi. Bác già gấp mười cháu đấy!



Trung Niên Thi Sĩ - Ừ! Ừ! Già gấp mười cháu đấy. Kể ra cũng thọ tuổi trời.



Châu Chấu – Bác vừa nói thọ tuổi gì?



Trung Niên Thi Sĩ – Thọ tuổi trời.



Châu Chấu – Sao gọi là tuổi trời? Tuổi của Bác sao gọi là tuổi trời?



Trung Niên Thi Sĩ – Tuổi là tuổi của bác. Nhưng làm ra tuổi tác, tuổi tên, là chính ông trời làm ra.



Châu Chấu – Tuổi tác tuổi tên của bác, là ông trời làm ra? Thế còn tuổi tên của cháu đây, thì ai làm ra?



Trung Niên Thi Sĩ – Cũng của ông trời làm ra.



Châu Chấu – Ông trời làm ra tuổi tên của cháu? Ồ!



Trung Niên Thi Sĩ – Chẳng riêng gì của cháu. Mọi sự vật khắp cả đất trời đều là của ông trời làm ra?



Châu Chấu - Ồ! Thế ông trời giỏi quá. Ngay cả bờ lúa bờ ruộng này cũng là của ông trời làm ra?



Trung Niên Thi Sĩ – Chính thế.



Châu Chấu – Mặt trăng Trung Thu cũng là của ông trời làm ra?



Trung Niên Thi Sĩ – Chính thế.



Châu Chấu – Còn mặt trời?



Trung Niên Thi Sĩ – cũng là của ông trời làm ra.



Châu Chấu – Ông trời làm ra mặt trời?



Trung Niên Thi Sĩ – Ông trời làm ra tất cả mọi mọi thảy thảy.



Châu Chấu – Chị Chuồn Chuồn cũng là của ông trời làm ra?



Trung Niên Thi Sĩ – Cũng ông Trời làm ra.



Châu Chấu – Bài thơ bác gửi tăng chị Chuồn Chuồn cũng của ông trời làm ra?



Trung Niên Thi Sĩ – Cũng của ông trời làm ra.



Châu Chấu – Bom đạn nổ từng bừng cũng của ông trời làm ra?



Trung Niên Thi Sĩ – Cũng của ông trời làm ra.



Châu Chấu - Bài Thơ Dỡ Nhất bác làm tặng ông trời cũng của ông trời làm ra?



Trung Niên Thi Sĩ – Cũng của ông trời làm ra.



Châu Chấu – Tại sao ông trời lại làm bài thơ dở nhất để tự tặng cho mình?



Trung Niên Thi Sĩ – Không ai có thể hiểu hết được ý của ông trời.



Châu Chấu – Có khi nào ông trời làm một bài thơ hay nhất để tự tặng cho mình?



Trung Niên Thi Sĩ – Có.



Châu Chấu – Bài nào?



Trung Niên Thi Sĩ – Chính là bài thơ bác đang nhờ cháu chuyển tới cho Chuồn Chuồn đó.



Châu Chấu - Ủa? Chuyển tới cho chị Chuồn Chuồn có phải để tặng chị ấy không?



Trung Niên Thi Sĩ – Chính thế,



Châu Chấu - Ủa! Khi nãy bác nói rằng đó là bài thơ ông trời làm ra để tự tặng cho mình, đã là để tự tặng cho mình, sao còn đem gửi tặng cho chị Chuồn Chuồn được nữa?



Trung Niên Thi Sĩ – tặng chị Chuồn Chuồn tức là tặng ông trời. Bởi vì Chị Chuồn tức là Ông Trời.



Châu Chấu - Ủa! Thế thì té ra ông trời kì dị thật. Kì dị thật.



Trung Niên Thi Sĩ – Kì dị như thế nào?



Châu Chấu – Ông trời làm một bài thơ để tự mình tặng cho mình. Rồi bảo bác đem bài thơ đó nhờ cháu chuyển tới tặng cho chị Chuồn Chuồn. Chị Chuồn Chuồn là ông trời. Thế ông trời hà tất phải bảo bác nhờ cháu chuyển tới chuyển lui quanh quẩn mất thì giờ như vậy làm gì?



Trung Niên Thi Sĩ – Không ai có thể hiểu được hết ý ông trời.



Châu Chấu – Chị Chuồn Chuồn có hiểu không?



Trung Niên Thi Sĩ – Chị Chuồn Chuồn cũng không thể hiểu.



Châu Chấu - Ủa! Thế nghĩa là ông trời tự mình cũng không hiểu mình?



Trung Niên Thi Sĩ – Chính thế.



Châu Chấu – Còn bài thơ này của ông trời làm ra để tự tặng mình, ông trời có hiểu được bài thơ ấy không?



Trung Niên Thi Sĩ – Nếu ông hiểu được bài thơ ấy thì ông trời tự mình hiểu mình. Nhưng mà bác vừa nói là ông trời không tự hiểu mình, thì bài thơ ông làm ra tặng ông, ông cũng không hiểu được bài thơ ấy.



Châu Chấu – Chị Chuồn Chuồn có hiểu được không?



Trung Niên Thi Sĩ – Cháu hỏi gì luẩn quẩn thế. Chị Chuồn Chuồn là ông trời, thì tất nhiên là chị ấy không hiểu bài thơ ấy.



Châu Chấu – Té ra là như thế. Cháu luẩn quẩn thật. Ủa! Nhưng mà khi nãy bác bảo rằng mọi mọi thảy thảy đều là của ông trời làm ra, thế sự luẩn quẩn của cháu đây, cũng là của ông trời làm ra?



Trung Niên Thi Sĩ – Chính là như thế.



Châu Chấu – Làm ra sự luẩn quẩn cho kẻ khác thì tự mình cũng là luẩn quẩn. Té ra ông trời luẩn quẩn?



Trung Niên Thi Sĩ – Chính như thế. Ông trời là kẻ đệ nhất luẩn quẩn. Cái gì luẩn quẩn đều là của ông trời.



Châu Chấu – Thế thì cháu cũng là của ông trời? Nhân vì cháu cũng có cái “của” luẩn quẩn?



Trung Niên Thi Sĩ - Chính là như thế cháu cũng là ông trời



Châu Chấu – Nếu cháu là ông Trời, thế thì bác nhờ cháu chuyển bài thơ này tới cho chị Chuồn Chuồn làm gì nữa? Cháu giữ lại nơi mình để đọc chơi là đủ.



Trung Niên Thi Sĩ – Chính thế. Cháu là ông Trời, cháu cứ giữ bài thơ đó để đọc chơi là đủ. Tặng chị Chuồn Chuồn hay là tặng cháu Châu Chấu cũng đều là của ông Trời tặng cho ông Trời Châu Chấu Chuồn Chuồn mọi mọi đều cứ giữ lấy mà đọc chơi là đủ).



(Trích từ Lễ Hội Tháng Ba )

Bùi Giáng - Thi sĩ kì dị
Tác giả Trần Đình Thu


Mở đầu:



Bùi Giáng là một trường hợp vô cùng đặc biệt trong nền thi ca Việt Nam. Đặc biệt trước tiên là các nhà phê bình chính thống hầu như muốn "né"ông, trong khi đại đa số độc giả thì lại rất yêu mến ông. Ngay cả những nhà văn nhà thơ nổi tiếng, nhiều người cũng rất có cảm tình với ông. Chẳng hạn như nhà thơ Huy Cận. Trong bài thơ Thân tình gởi anh Bùi Giáng, Huy Cận viết:



Đôi lời thăm bạn thơ

Thăm tấm lòng tri kỷ
Bao giờ đến bây giờ
Tình thơ không hoen gỉ.



Bùi Giáng là một con người không nhà không cửa không vợ không con. Ông lang thang giau74 đời trong bộ dạng của người mà ta quen gọi là điên. Đầu đội trời, chân đạp đất, áo quần kết đủ thứ xanh đỏ tím vàng, một đám trẻ con rồng rắn theo nhau la ó chọc ghẹo. Đó là hình ảnh thường thấy về ông trên những nẻo đường Sài thành.



Nhưng Bùi Giáng đồng thời là tác giả của sáu bảy mươi đầu sách đủ mọi thể loại, từ văn thơ cho đến dịch thuật, từ giới thiệu tác giả tác phẩm nước ngoài cho đến bàn luận về triết học phương Tây...Chưa nói đến vấn đề chất lượng thì một con số chừng đó đầu sách cũng đủ cho ta thấy một bí ẩn ghê gớm trong con người kỳ dị này.



Vì vậy tìm hiểu về Bùi Giáng là tìm hiểu về một hiện tượng chứ không phải tìm hiểu về một tác giả, một nhà thơ như những trường hợp khác. Trước nay, có rất nhiều người đã viết về Bùi Giáng nhưng phần lớn là những bài viết tản mạn đăng báo hoặc đăng ở những tập san chuyên đề về Bùi Giáng. Chưa có một tài liệu nào nói đầy đủ về toàn bộ cuộc đời và tác phẩm của ông. Vì thế chung quanh Bùi Giáng có những vô số thông tin hư thực. Nó làm cho độc giả cảm thấy mù mờ. Một đôi người lại thần thánh hóa ông, vì vậy rối rắm chất chồng thêm rối rắm.



Bùi Giáng là người như thế nào? Ông là người điên hay tỉnh? Vì sao ông có thể viết hàng trăm cuốn sách trong tình trạng như vậy? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho trường hợp thi sĩ kì dị này.



Có một điều rất khó giải thích là, thi sĩ đã tạo ra một phạm vi ảnh hưởng quá lớn trong những độc giả của ông. Một số người sáng tác "thơ theo phong cách Bùi Giáng". Tức là bắt chước thứ ngôn ngữ quái dị của ông để làm thơ. Ngay cả văn xuôi cũng xảy ra hiện tượng này. Một số tác giả khi viết truyện ngắn hay tiểu thuyết vẫn thường bắt chước cách đảo ngược từ ngữ hoặc là cách viết liên tục cả trang giấy mà không dùng dấu châm câu...Tất cả những điều ấy đã tạo nên hiện tượng Bùi Giáng độc nhất vô nhị trong lịch sử văn chương.




Chương 1: CUỘC CHẠY TRỐN QUÁ KHỨ




Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại một ngôi làng nằm ven sông Thu Bồn, nơi mà sau này có lần ông mơ màng hồi tưởng lại: “Làng tôi xưa kia có nhiều cỏ mọc. Cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn gò đồi núi thật xanh. Tôi lớn lên giữa linh hồn cỏ mọc”. Đó là ngôi làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây, gần năm trăm năm trước, cụ tổ dòng họ này đã theo chân đoàn quân Nam tiến của vua Lê Thánh Tôn từ Hoan Châu, Nghệ An vào để khai khẩn lập làng, từ đó truyền dõi dòng họ Bùi.



Trải qua nhiều đời, dòng họ Bùi trở thành một trong những dòng họ lớn ở đất Quảng Nam. Dòng họ này đã sản sinh ra những con người nổi tiếng như bác sĩ Bùi Kiến Tín, nhận bằng Y khoa tại Pháp từ năm 1940, người đã sáng chế ra loại dầu gió nổi tiếng mà trước kia ở miền Nam không ai không biết đến là dầu Bác sĩ Tín.



Thân sinh của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ chánh qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ 2 của ông Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền. Thuở nhỏ, Bùi Giáng được đặt tên là Bùi Khắc Gián, sau lớn lên đến tuổi đi học, ông được thầy giáo đổi tên lại thành ra Bùi Giáng. Ông Bùi Công Luân, một người em ruột cùng cha cùng mẹ của Bùi Giáng viết: “Không rõ cơ duyên huyền diệu nào đưa đẩy, ba tôi đã gặp được hai bà nội tướng đều thuộc hai gia đình suốt ba đời cần lao theo nếp, gia thanh giữ lễ. Mẫu thân thứ nhất là con gái cụ Phạm Tuấn, một trong năm Ngũ phụng tề phi. Mẹ đầu chẳng may qua đời sớm, lúc hạ sinh người con thứ ba – một gái đầu và hai trai. Mẫu thân thứ nhì là cháu cụ Hoàng Diệu, cũng là một gái đầu lòng, thêm một cô út, có điều, khoảng giữa là một loạt… bảy vị! Anh Bùi Giáng là con trai đầu của mẫu thân sau, tức thứ năm trong gia đình - Sáu Giáng là theo cách gọi miền Nam”.



Sáu Giáng chính là cái tên thân mật mà nhiều người gọi ông. Và Bùi Giáng cũng tỏ ra thích thú với tên gọi này. Thỉnh thoảng ông cũng tự xưng cái tên thứ đó trong những câu thơ của mình. Trong một bài thơ khá hài hước, Bùi Giáng viết:



–Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?

– Và cô có phải cô Bông năm nào?
– Anh còn nhớ rõ, ôi chao
Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh
Anh điên mà dzui dzẻ thập thành
Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu



Năm chưa đầy 20 tuổi, Bùi Giáng đã lập gia đình. Sau khi cưới vợ xong, Bùi Giáng dọn ra ở riêng ngay. Ông đi về hướng Tây, lên tận vùng rừng núi Trung Phước thuộc huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam. Nơi đó, cha mẹ ông có một ít ruộng vườn, có thể trồng cây để sinh sống. Nhưng có lẽ ông đến đó không phải vì sinh kế mà vì một điều bí mật khác. Trong bài viết Chị và anh in trong tập thơ Chớp biển của Bùi Giáng do thân nhân ông ở nước ngoài xuất bản, có đoạn kể về việc ông rời Thanh Châu lên định cư ở Trung Phước như sau: “Dường như anh muốn xa lánh, trốn tránh, thậm chí đoạn tuyệt với một cái gì đó. Có thể là một quá khứ với những kỷ niệm không phai. Có thể là một đoạn đời với nhiều bão dông còn âm ỉ”.



Tuy nhiên cái khung cảnh của một vùng đất miền sơn cước có lẽ cũng gợi cho tâm hồn thi sĩ của ông những niềm thích thú chứ không chỉ đơn thuần là chạy trốn quá khứ. Theo lời tả của ông Bùi Công Luân, thì ngôi làng Trung Phước có phong cảnh rất đẹp, địa thế trải dài bên sông Thu Bồn. Đặc biệt, nơi Bùi Giáng ở thật nên thơ: một mái nhà tranh giữa khu vườn rộng đầy cau.



Trung Phước có lẽ là mảnh đất tươi tốt ươm mầm cho hồn thơ Bùi Giáng. Không rõ bài thơ đầu tiên của ông ra đời từ lúc nào, nhưng trong tập Mưa nguồn in năm 1957, ta bắt gặp những hình ảnh dòng sông mùa nước lũ, bến đò nằm đợi khách, hoa sim hoa mua nở tím – có lẽ là những hình ảnh của chính làng quê này:



“Mây dừng lại chân trời phủ khói

Dòng sông đi đò bến đợi ngu ngơ
Chiều trời đẹp tâm tình em không nói
Đất với trời chung một nghĩa bơ vơ”



“Người xuống theo dòng trôi nước lũ

Màu sim màu móc núi sương mây
Suối đá gập ghềnh hôm sớm tụ
Khói mù mịt thổi xuống đồi cây”



Trần Đình Thu


Chương 2: CÂU CHUYỆN TÌNH BÍ ẨN


Nhưng cuộc đời Bùi Giáng không phải sinh ra để được hưởng cái thú điền viên đó. Định mệnh đã sớm sắp đặt Bùi Giáng trở thành một người cô độc để ông có thể tự do rong ruổi suốt cuộc đời sau này. Người vợ của Bùi Giáng chỉ sống với ông được có một thời gian ngắn rồi vĩnh viễn ra đi. Lúc đó Bùi Giáng chỉ mới ngoài hai mươi tuổi.



Có một sự lạ lùng bí ẩn về chuyện tình duyên của Bùi Giáng mà cho đến nay, những người thân trong gia đình ông vẫn chưa hiểu hết hoàn toàn. Người vợ mà Bùi Giáng cưới năm mười chín tuổi đó, là con gái của một gia đình mà ông trọ học ở Hội An. Gia đình này có hai cô con gái cùng tuổi nhau. Cô chị tên là N, cô em tên là T. Trước đó, trong gia đình không hề thấy Bùi Giáng thể hiện tình cảm gì với con gái của họ. Thế nhưng một hôm, Bùi Giáng đột ngột bỏ nhà trọ để về nhà một tuần lễ. Rồi ông kêu người nhà tới nơi ông ở trọ mang toàn bộ đồ đạc về. Sau đó, ông trở lại và xin nói chuyện với gia đình về vấn đề hôn nhân. Bùi Giáng đã nói một câu gọn lỏn với người mẹ của họ là: “Con muốn cưới N”. Mọi người sửng sốt nhìn Bùi Giáng. Một lúc sau đó, bà mẹ mới ôn tồn nói với Bùi Giáng: “Hai đứa chúng nó luôn coi con như anh em trong nhà, sao bây giờ con lại nói kỳ vậy?”. Nghe bà mẹ nói vậy, Bùi Giáng tuyên bố: “Nếu bác không gả N cho con, con sẽ đốt nhà bác”. Bà mẹ nghe thế liền xuống nước: “Thôi, bây giờ con ra hỏi con N, nếu nó chịu thì bác gả”. Bùi Giáng đã xin được gặp riêng cô chị khoảng nửa tiếng đồng hồ, sau đó cô gái trở lui vào vừa khóc vừa gật đầu đồng ý với gia đình.



Một thời gian sau, đám cưới được tổ chức. Một điều làm nhiều người trong gia đình ông cảm thấy ngờ ngợ là lẽ ra ông phải yêu cô em thì mới hợp lý, nhưng đằng này ông lại yêu cô chị. Bởi cô em xinh xắn, duyên dáng hơn cô chị rất nhiều. Và Bùi Giáng thì lúc này cũng rất hào hoa phong nhã. Còn gia đình vợ ông thì lại ngạc nhiên theo một kiểu khác. Lúc Bùi Giáng bỏ nhà trọ một tuần lễ là lúc mà gia đình này chuẩn bị gả chồng cho cô em. Vì thế bà mẹ nói với gia đình Bùi Giáng rằng không hiểu tại sao ông lại làm như vậy. Bởi họ gả cô em chứ có phải gả cô chị đâu mà ông lại hốt hoảng lên. Gia đình cô gái còn cho biết, trong cuốn nhật ký của mình, Bùi Giáng ghi dày đặc từ đầu đến cuối hai chữ ghép tên ông và N.



Thế nhưng một số tài liệu trước đây cho rằng Bùi Giáng không có nhiều cảm tình với người vợ của ông. Có thật như vậy không? Ông Bùi Công Luân xác nhận điều đó là đúng, nhưng lâu nay ông cũng không hiểu vì sao như vậy. Cho đến năm 1991, qua một người rất thân với gia đình, ông Luân nhận được thông tin sau đây: người vợ thuở xưa mà Bùi Giáng xin cưới làm vợ đó, ông không hề có tình yêu. Người mà ông yêu chính là cô em chứ không phải là cô chị. Và chính cô em này đã chấp nhận tình yêu của ông và hai người từng có những giây phút mặn nồng với nhau.



Trở lại với người vợ chính thức của ông. Nói rằng ông không có tình yêu với vợ nhưng chắc hẳn ông cũng không phải quá thờ ơ với bà? Ta thấy trong cuộc đời thơ sau này của mình, Bùi Giáng luôn làm thơ vì người đẹp, nhưng chúng ta không rõ ông có làm bài thơ nào tưởng niệm người vợ xấu số này không. Một số bài thơ, xét về mặt câu chữ, có vẻ phảng phất hình bóng của người vợ thời xa xưa ấy. Trong bài thơ Bờ lúa của tập Mưa nguồn, Bùi Giáng viết:



Em chết bên bờ lúa

Để lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con



Anh qua miền cao nguyên

Nhìn mây trời bữa nọ
Đêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió



Mười năm sau xuống ruộng

Đếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng



Những câu thơ này thật cảm động, rất giống một bài thơ khóc vợ. Hoặc là bài Bên này, vẫn trong tập Mưa nguồn, cũng có những câu thơ đớn đau:



Ta đứng lại bên này chờ đợi

Ồ phải không? Em đó phải không
Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy
Đời chúng ta là mấy trăng tròn



Ngày vui ngắn? Lòng đã vơi mấy bận

Ngày vui đi? Mấy bận giữa lòng ta
Đổ lây lất mưa về xuân lấm tấm
Ô thiều quang tan biến vội sao mà



Đó là những gì liên quan đến chuyện lập gia đình của Bùi Giáng vào thuở xa xưa. Ngoài người phụ nữ này ra, về sau không ai thấy ông có một người phụ nữ nào nữa.



Có một câu chuyện hết sức đặc biệt được kể lại cho thấy Bùi Giáng đã khác người từ lúc còn rất trẻ. Đó là lúc Bùi Giáng cùng vợ ra ở riêng trên vùng rừng núi Trung Phước được ít lâu. Một bữa nọ, do không thể giải quyết mối xung khắc lâu ngày giữa hai vợ chồng nên người vợ trẻ của ông quyết định về nhờ cha mẹ chồng đứng ra phân xử. Cả hai nhà đều ở dọc theo con sông Thu Bồn, nhà Bùi Giáng ở phía thượng nguồn, nhà cha mẹ ông ở phía hạ nguồn, cách nhau mấy chục cây số. Vì thế người vợ xuống đò dọc để về nhà cha mẹ chồng. Bùi Giáng có lẽ sợ người vợ về nhà mình sẽ làm lớn chuyện nên vội vã chạy theo năn nỉ vợ hãy quay về nhà. Nhưng người vợ kiên quyết không nghe và bước xuống đò.



Bùi Giáng đành phải xuống đò theo. Trên đò ông mấy lần cố gắng thuyết phục vợ nhưng không ăn thua. Đò chạy được một quãng, thấy năn nỉ không xong, Bùi Giáng liền dùng kế sách khác. Ông quyết định ra tối hậu thư để gây sức ép với vợ. Bùi Giáng đứng dậy tuyên bố: “Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ, thì tôi sẽ… nhảy ra khỏi đò!”.



Đó là một lời dọa mà không ai có thể tin là người dọa sẽ thực hiện. Bởi nhảy ra khỏi một con đò dọc đang chạy họa có là người điên. Những hành khách nãy giờ trên đò cũng đã thủng câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ, khi nghe Bùi Giáng tuyên bố như thế, ai cũng nghĩ rằng anh chàng nói chơi. Thế nhưng Bùi Giáng không hề nói chơi. Khi thấy người vợ không chịu nhượng bộ mình, thì trong tư thế mặc nguyên bộ quần áo trên người, Bùi Giáng lao mình xuống nước như nàng Kiều lao mình xuống sông Tiền Đường. Hành khách trên chuyến đò thảy đều kinh ngạc. Nhưng chưa hết. Bùi Giáng không chịu leo lên đò trở lại dù ai nói gì thì nói, cũng không chịu bơi lên bờ về nhà mà cứ bám theo con đò để bơi đi mấy chục cây số nữa cho đến tận bến sông nhà mình thì mới lên bờ.



Bùi Giáng theo vợ bước vào nhà. Bà mẹ ngỡ ngàng nhìn đứa con trai toàn thân ướt sũng và sau khi nghe cô con dâu vừa khóc vừa thuật lại câu chuyện thì cũng hết ý kiến luôn, không thể bình luận được một lời nào. Cô con dâu sụt sùi kể tiếp: “Ảnh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Ảnh không cho con mua cá, mua thịt”. Bấy giờ bà mẹ chồng mới biết rằng, lâu nay cô con dâu bị ép phải thực hiện một chế độ gần như là ăn chay trường! Hóa ra là do một quan niệm cực đoan nào đó về vấn đề ẩm thực, Bùi Giáng chỉ đồng ý cho vợ làm những món ăn nhiều rau đậu, dưa cà, còn cá thịt thì hạn chế tối đa, dù rằng ở gần sông rất sẵn những thức ăn tươi. Vì vậy người vợ trẻ của Bùi Giáng cũng hết chịu nổi cuộc sống khác người đó của ông.





Tác giả: Trần Đình Thu


Chương 3: HAI NĂM LÀM NGƯỜI DU MỤC


Gia đình Bùi Giáng là gia đình địa chủ, vì vậy điều kiện kinh tế rất khá giả. Do đó, Bùi Giáng có đủ điều kiện để học lên cho tới đại học, nhưng ông luôn luôn phá ngang. Bùi Giáng từng viết rằng ông không có ý định học để lấy bằng cấp này nọ.



Thuở nhỏ, Bùi Giáng học tiểu học ở trường Bảo An thuộc huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Sau đó ông được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở trường trung học Thuận Hóa. Năm 1945, khi đang học lớp Đệ Tứ thì thời thế thay đổi. Đại chiến thế giới thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung. Đến năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương, rồi lên đường ra Liên khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học đại học. Từ Quảng Nam thuộc Liên khu V ra tới Hà Tĩnh thuộc Liên khu IV phải đi bộ theo đường mòn trên núi hơn một tháng rưỡi trời. Nhưng khi ra đến nơi, ngay trong ngày khai giảng, Bùi Giáng đã quyết định bỏ học để quay ngược trở về Quảng Nam. Và một tháng rưỡi đi bộ nữa theo đường mòn trên dãy núi Trường Sơn với muôn vàn gian khổ. Nguyên nhân gì khiến Bùi Giáng hành động như vậy? Ông Bùi Công Luân cho biết, Bùi Giáng từng tâm sự, ông không có ý định đi học đại học mà chỉ ra đó cốt yếu là để thăm quê hương Nguyễn Du, còn theo ông Bùi Văn Vịnh thì Bùi Giáng làm vậy là vì thấy thất vọng về ông thầy hiệu trưởng!



Bỏ học đại học trở về nhà, ông theo chân đàn bò đàn dê rong ruổi khắp các vùng đồi núi. Sau này ông có sáng tác bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ in trong tậpMưa nguồn để kỷ niệm cho khoảng thời gian này. Một số tài liệu cho rằng Bùi Giáng đã có nhiều năm chăn dê nhưng thực ra ông chỉ trải qua 2 năm, từ 1950 đến 1952 trên vùng rừng núi Trung Phước. Có lẽ đây là quãng đời lãng mạn nhất của ông. Và ông đã gọi quãng thời gian này là 15 năm chăn dê, như Tô Vũ ngày xưa đi chăn dê. Nhớ lại những tháng ngày này, ông viết: “Tôi bỏ học, chẳng biết chi sách vở. Chạy về quê làm thằng chăn bò. Bao nhiêu thơ làm ra, tôi âm thầm tặng hết cho chuồn chuồn châu chấu!”.



Bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ dài đến 60 câu, được nhiều người thích đọc. Bài thơ với những lời thơ hết sức thiết tha, đằm thắm, ông dành cho những nàng thơ đặc biệt của ông là những con bò con dê, đọc lên nghe rất thú vị. Trong bài thơ, ông xưng anh với chúng và gọi chúng là em:



Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện



Anh lặng nghe em bé hé bên sườn đồi



Ông tặng các nàng thơ của ông những chiếc vòng bằng mây mà ông tự đan đủ màu sắc như người ta tặng kỷ vật cho người mình yêu:



Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm



Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu



Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh



Này đây em Hoa Cà hỡi! Chiếc nâu



Mỗi nàng dê một chiếc vòng, ông tự tay đeo vào cổ các nàng và thủ thỉ:



Ngẩng đầu lên! Dê ơi anh thong thả



Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh



Ngẩng đầu lên! Đây lòng anh vàng đá



Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên



Tặng xong kỷ vật cho các nàng bò nàng dê rồi ông mới thề thốt:



Và giờ đây một lời thề đã thốt



Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta



Cao lời ca bê hê em cùng thốt



Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha



Lấy bò, dê làm nàng thơ quả là một chuyện xưa nay chưa có ai làm. Nhưng đáng kinh ngạc hơn nữa là ông so sánh chuyện đeo vòng mây cho chúng với việc trao vòng cầu hôn cho vị hôn thê của mình: 



Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ



Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi



Trao người em trăm năm lời ước thệ



Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi



Trong lần xuất bản đầu tiên của tập Mưa nguồn, Bùi Giáng còn ghi chú rõ ý khổ thơ này là, ngày xưa khi ông cưới vợ, thì cái giây phút đeo chiếc vòng đính hôn kỳ diệu ấy không làm ông xúc động bằng bây giờ đeo vòng mây cho dê! Thật là một cảm xúc khác người. Sau này chúng ta sẽ thấy, thứ cảm xúc này không phải do ông cố nặn ra cho thành bài thơ lạ mà đó là những gì diễn ra thực tế trong đầu ông.



Nỗi lòng Tô Vũ là một bài thơ độc đáo bởi đối tượng cảm xúc của tác giả không phải là cảnh đẹp, là người thơ mà là những con dê. Tuy nhiên ngoài những đoạn thơ không giống ai đó, lại có những đoạn thơ đẹp lạ lùng:



Em nhớ hay không hồn hoa dại cỏ

Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu buông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa.



Tác giả: Trần Đình Thu

Chương 4: GIÃ TỪ ĐÀN BÒ ĐỂ ĐI DẠY HỌC


Hai năm chăn bò chăn dê có lẽ cũng đã quá đủ để nhà thi sĩ thả hồn mình rong ruổi theo những dặm đường du mục. Những ấn tượng sâu đậm trong thời kỳ này đã được Bùi Giáng tái hiện lại trong một số bài thơ mà ông sáng tác sau này. Ngoài bài thơ độc đáo Nỗi lòng Tô Vũ, còn có bài Anh lùa bò vào đồi sim trái chín. Tuy không hay bằng Nỗi lòng Tô Vũ nhưng bài thơ này cũng thể hiện một tình yêu thiên nhiên đắm say và mãnh liệt của Bùi Giáng:



“Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa

Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lả
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình”,



“Cây lá bốn bên song song từng lứa

Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc trời với đất mang mang
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó
Không biết trời đất có ngó mình không”.



Tháng 5 năm 1952, Bùi Giáng bỏ lại sau lưng những đàn bò cùng “hồn hoa dại cỏ” trên những đồi sim trái chín để ra Huế thi lấy bằng tú tài tương đương. Bằng tú tài trước đây do Liên khu V thuộc chính phủ kháng chiến cấp, đổi lại để vào Sài Gòn là khu vực đang thuộc vùng địch tạm chiếm ghi danh theo học Đại học Văn khoa. Nhưng một lần nữa ông cũng quyết định bỏ học khi đọc danh sách các giáo sư giảng dạy ở Đại học Văn Khoa vì thấy không “tâm phục khẩu phục”. Theo tác giả Thụy Khuê thì đây là lần cuối cùng ông bận tâm với chuyện học hành. Sau sự cố này, Bùi Giáng không bao giờ đi học nữa.



Sau khi kết thúc chuyện học hành, Bùi Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách và sáng tác thơ văn. Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt cuốn sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm…Sau đó ông bắt tay vào dịch tác phẩm văn học, giới thiệu tác giả nước ngoài. Ngoài việc nghiên cứu và viết sách, để kiếm kế sinh nhai, Bùi Giáng đi dạy học ở một số trường trung học tư thục. Và vì thế mới có những câu chuyện ly kỳ về việc giảng Kiều của Bùi Giáng.



Câu chuyện sau đây do một tác giả thuật lại trong một đặc san về Bùi Giáng, không nói rõ là mình chứng kiến hay giai thoại. Chuyện kể rằng, một lần nọ Bùi Giáng giảng Kiều cho các em học sinh, đến đoạn Từ Hải bị chết đứng giữa trận tiền, ông cảm thấy uất ức quá. Ông không chịu nổi việc một người anh hùng như Từ Hải mà phải bỏ thân nơi chiến trường vì bị mắc lừa. Từ bức xúc thái quá dẫn đến kích động thần kinh nên Bùi Giáng la hét dữ dội. Càng căm tức Hồ Tôn Hiến bao nhiêu thì ông càng la hét bấy nhiêu. Rồi ông khóc tức tưởi, đập bàn đá ghế, gục đầu thổn thức trên bàn giáo viên. Hết hét lại khóc, hết khóc lại hét.



Học sinh lúc đầu còn ngạc nhiên thích thú nhìn ông thầy mình thể hiện cảm xúc, nhưng sau thấy ông làm quá thì đâm ra sợ hãi. Bởi trước mặt chúng đang là một ông thầy đạo mạo bỗng nhiên trở thành một con người không còn biết gì đến chung quanh, chỉ la hét than khóc như cha chết mẹ chết. Quả thật Bùi Giáng đã biến tiết dạy của mình thành đám ma của Từ Hải, khiến từ học sinh cho đến ban giám hiệu phải một phen hết hồn. Sau sự cố “đám ma Từ Hải” đó, nhà trường đành phải mời thầy nghỉ dạy vì không dám để thầy làm các em học sinh phải thêm một phen hoảng hồn bạt vía nữa.



Cung Tích Biền cũng kể một câu chuyện tương tự nhưng kỳ dị hơn nữa. Theo Cung Tích Biền thì đây chỉ là một giai thoại, tuy nhiên căn cứ vào những gì xảy ra với Bùi Giáng trước nay thì chúng ta có thể tin được đó là câu chuyện có thật. Câu chuyện xảy ra vào khoảng thời gian đầu thập niên sáu mươi. Bùi Giáng đi dạy môn Việt văn cho một trường trung học ở một vùng tỉnh lỵ nọ. Hiển nhiên dạy Việt văn thì cũng đến lúc ông đụng đến Truyện Kiều và Nguyễn Du. Và chuyện gì đến phải đến. Trong một giờ Việt văn, khi giảng đến đoạn nàng Kiều phải bán mình chuộc cha để hồng trần lưu lạc, Bùi Giáng đã bật khóc òa, khóc tức tưởi, khóc nức nở ngay giữa lớp học. Nhưng nước mắt cũng không làm ông nguôi bớt nỗi cảm thương người con gái tài hoa bạc mệnh Thúy Kiều. Vì thế ông vừa khóc vừa nhảy phóc qua cửa sổ lớp học, chạy băng bộ ra bến xe rồi đón xe đò về Sài Gòn tức thì. Học trò nam nữ trong lớp thì cứ ngồi chờ mãi, tưởng thầy đi rửa mặt cho sạch nước mắt để dạy tiếp hoặc đi đâu đó một lát rồi sẽ trở lại. Bởi vì trên bàn thầy vẫn còn sách vở, bao thuốc lá. Nhưng hết tiết học cũng không thấy thầy trở lại. Ngày hôm sau cũng không thấy thầy trở lại. Cả tuần sau thầy cũng không quay lại. Bởi vì thầy đã quyết định bỏ lớp bỏ trường, bỏ luôn cả vùng đất tỉnh lỵ ấy đến nhiều năm sau. Hỏi thầy nguyên nhân vì sao thì “thầy ngậm ngùi nói mần răng trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn” ấy.



Tác giả: Trần Đình Thu


Chương 5: Người viết sách với tốc độ kinh hồn


Từ năm 1962 trở đi, Bùi Giáng liên tục cho ra đời nhiều đầu sách. Mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Càng về sau càng nhiều hơn. Nói về số lượng, thì ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam trước đây. Sách của ông có thể chất thành chồng cao cả mét, thơ thì phải kể bằng đơn vị ngàn bài. Về góc độ này, có lẽ ông chỉ xếp sau Nguyễn Hiến Lê và vài người khác. Nhưng chẳng hạn như Nguyễn Hiến Lê, ông là một học giả cần mẫn, suốt ngày giam mình trong thư viện, miệt mài bên trang sách nên có thể cho ra đời nhiều tác phẩm. Còn Bùi Giáng thì không phải là một con mọt sách như thế mà thậm chí còn ngược lại. Nhiều người từng gần gũi ông ngạc nhiên nói rằng họ chỉ thấy Bùi Giáng suốt ngày lang thang rong chơi nhàn nhã, bia rượu uống tràn, chẳng mấy lúc ngồi vào bàn viết, thế nhưng khi nhà xuất bản cần, chưa đến một ngày ông đã mang đến cả năm bảy trăm trang sách. Như vậy thì ông viết sách vào lúc nào? Chẳng lẽ trong vòng tuần lễ hay mười ngày ông có thể viết được cả một cuốn sách?



Mai Thảo, một nhà văn gần gũi với Bùi Giáng trước năm 1975 kể lại chuyện viết sách của ông như sau: “Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản Bùi Giáng trước mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm”.



Thế nhưng điều đặc biệt là, dù viết nhiều nhưng Bùi Giáng không tất bật như những người khác. Mai Thảo kể: “Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà thầy Thanh Tuệ, chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi trước đó, tươi cười, ung dung, trong cái phong thái của một con người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nhỏ nào của một người viết đang gió táp mưa rơi với ngàn ngàn trang sách”. Mai Thảo cho biết, ai cũng lấy làm ngạc nhiên và cố gắng tìm hiểu nhưng không thể nào hiểu nỗi. Mai Thảo đem chuyện ra kể với một nhà văn khác cũng viết rất nhiều nhưng người này lắc đầu: “Chịu không giải thích được”. Mai Thảo nói rằng chưa bao giờ những người gần gũi Bùi Giáng bắt gặp ông đang ngồi viết sách: “Vắn tắt là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần đang nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết”. Thầy Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm cũng chỉ lắc đầu cười: “Tôi cũng lấy làm kỳ. Ảnh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Đêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Điều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào ảnh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết tới phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.”



Mai Thảo cho biết, Nhà xuất bản An Tiêm suốt mấy mùa sách hầu như không thở được nữa vì lao vào in sách của Bùi Giáng. Ngạc nhiên quá, Mai Thảo tìm cách rủ Bùi Giáng tới quán uống rượu để tìm hiểu. Nhưng chỉ tốn rượu đãi Bùi Giáng chứ chẳng khai thác được chút thông tin nào. Vặn hỏi mãi ông cũng không giải thích điều gì. Bùi Giáng chỉ cười cười, đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu và nói “vui thôi mà” trước sự ngớ ngẩn của người hỏi chuyện. Trước sau ông không hề giải thích bất cứ thắc mắc nào. Mai Thảo nói: “Chừng như ông không có gì giải thích, sự thành hình một tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Ừ vui, ba chữ vui thôi mà là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông”.



Tác giả: Trần Đình Thu


Chương 6: SÁNG TÁC NGAY TẠI CHỖ, MỘT KHẢ NĂNG PHI THƯỜNG




Ngạc nhiên về tốc độ viết sách nhanh của Bùi Giáng đã đành, người ta còn lạ lùng về chuyện sáng tác ngay tại chỗ của ông. Nhiều người từng chứng kiến Bùi Giáng sáng tác tại chỗ một hai bài thơ. Thế nhưng chỉ với một hai bài thì còn có thể hiểu được. Nhưng cả một chùm bài thơ như câu chuyện sau đây thì quả là đáng kinh ngạc.



Tác giả Mai Thảo cho biết, khi tạp chí Văn thực hiện số chuyên đề về Bùi Giáng vào tháng 5 năm 1973, ông được phân công giới thiệu những bài thơ mới nhất mà Bùi Giáng sáng tác. Những bài vở khác của số tạp chí đó đã được những người khác thực hiện xong, chỉ còn chờ đợi những bài thơ của Bùi Giáng. Nhưng Bùi Giáng sống rày đây mai đó, không có một địa chỉ nào cố định, biết ông ở nơi đâu mà tìm. Thật là nan giải. Đang loay hoay chưa biết kiếm tìm ở đâu thì thật là may, thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Trước mắt mọi người là một bộ da bọc xương trong quần áo rộng thùng thình, một mái tóc dài đạo sĩ rối như tổ quạ, một cái túi vải cộng với một cây gậy. Mai Thảo mĩm cười kéo Bùi Giáng ra trước tòa soạn chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm rồi mới hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật đầu đồng ý liền. Mai Thảo tưởng rằng ông sẽ lấy những bài thơ đã chép sẵn ở túi vải ra. Hoặc nếu không có sẵn thì ông nói để chờ ông về nhà lấy đem tới liền. Hoặc là ông sẽ khất hôm sau đem thơ đến. Nhưng tất cả mọi dự đoán đều không đúng. Bùi Giáng chỉ hỏi mượn Mai Thảo một cây bút, xin một xấp giấy. Và cuối cùng ông xin một chai bia loại chai lớn. Xong xuôi rồi mới bắt đầu ngồi xuống bàn. Và ông viết. Không phải là ông ngồi nhớ để chép lại những bài thơ làm từ hôm qua hôm kia hoặc tuần trước. Mà là ông ngồi để sáng tác thơ ngay tại chỗ. Bấy giờ Mai Thảo mới kinh ngạc nhìn nét bút trong tay ông “thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả”, và những câu thơ lần lượt hiện ra trên giấy mà theo lời Mai Thảo là “như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, xa quá, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút từ đầu ngón tay thôi”. Chai bia còn sủi bọt thì Bùi Giáng còn ngồi viết không ngừng. Thơ cũng tuôn ra không ngừng trên những trang giấy. Nét chữ cũng nắn nót chỉn chu chứ không phải gạch đi xóa lại. Sau khi chứng kiến gã phù thủy Bùi Giáng sáng tác thơ ngay tại chỗ, Mai Thảo và nhiều người trong tòa soạn bấy giờ mới hiểu được một phần bí ẩn của con người Bùi Giáng: “Lần đó, tôi đã thấy, đã hiểu tại sao Bùi Giáng cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Đúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ”. Sau khi sáng tác đủ đơn đặt hàng của tòa soạn, Bùi Giáng uống cạn chai bia, cười và lặp lại ba tiếng cửa miệng vui thôi mà rồi đứng lên từ biệt mọi người. Bùi Giáng ra khỏi tòa soạn mà mọi người vẫn còn ngồi ngẩn ra đó, ai nấy đều chưa hết bàng hoàng kinh ngạc.



Quá trình tư duy và lao động sáng tạo trong con người Bùi Giáng như thế nào? Ông đã hình thành những tứ thơ ra sao? Vì sao ông có thể tuôn ra được những câu thơ mà không cần suy nghĩ? Đó là những câu hỏi mà rất nhiều người tò mò muốn biết nhưng có lẽ không ai tìm hiểu được. Huỳnh Ngọc Chiến kể, một lần nọ có mấy người bạn Quảng Nam cùng ngồi uống cà phê với Bùi Giáng, một người rất ái mộ Bùi Giáng tò mò hỏi Bùi Giáng là ông thường làm thơ như thế nào, thì Bùi Giáng cười và nói: “Qua làm thơ cũng giống như em làm kỹ sư mà làm toán lớp ba rứa thôi“. Theo lời Huỳnh Ngọc Chiến thì lúc đó Bùi Giáng trả lời rất thành thật, chẳng có một chút biểu hiện cao ngạo nào cả. Vì thế có thể tin lời Bùi Giáng rằng với ông, làm thơ là một công việc dễ dàng, đơn giản như ta làm toán cộng toán trừ, đặt bút vào là làm chứ không cần phải suy nghĩ.



Chính nhờ khả năng viết nhanh đó mà Bùi Giáng viết được nhiều. Giai đoạn ra sách nhiều nhất của Bùi Giáng là khoảng từ năm 1964 đến năm 1970. Năm 1969 Bùi Giáng cho ra đời đến mười cuốn sách. Cũng trong những năm này có người đứng ra thành lập nhà xuất bản với mục đích chủ yếu để in tác phẩm của Bùi Giáng.



Trần Đình Thu




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét