Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

NHÂN VIỆC THÀNH LẬP VIỆN KHỔNG TỬ Ở VIỆT NAM, BÀN VỀ "GIAO THOA" VĂN HÓA


Trần Quốc Quân 
Không ai phủ nhận nền văn hóa Trung Hoa là vĩ đại, là có sức lan tỏa lớn và có rất nhiều điều đáng phải học tập. Nhưng trong nền văn minh nhân loại không chỉ có văn hóa Trung Hoa mà bên cạnh đó còn có nhiều nền văn hóa khác cũng không kém vĩ đại như văn hóa Ấn Độ, văn hóa Lưỡng Hà, văn hóa Hy – La và thời hiện đại là văn hóa Pháp, văn hóa Mỹ…Tất cả các các nền văn hóa ấy phải được trân trọng, phải được coi là di sản chung của nhân loại, phải được giữ gìn và phát triển.
Không quá chủ quan, tôi tự nhận là người yêu văn hóa Trung Hoa. Bằng chứng ư? Tôi đã đọc (thậm chí gần như nhớ) các tác phẩm đại thụ của nền văn học Trung Hoa cổ đại, trung đại và cận đại như Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây du kí, Hồng Lâu Mộng…Tôi thuộc sử Tàu không thua sử Việt. Ngày bé tôi thích được đi cắt tóc ngay cả khi tóc còn ngắn, chưa đến kì, chỉ bởi vì hiệu cắt tóc có bộ truyện tranh Tam quốc diễn nghĩa mà thằng bé là tôi mê mệt. Thời sinh viên tôi say sưa truyền tay nhau đọc tất cả bộ chưởng Kim Dung. Cho đến bây giờ cũng như về sau, tôi vẫn không hết ngưỡng mộ nền văn hóa Trung Hoa. Dân tộc Nhật Bản vốn rất tự hào về nền văn hóa của mình cũng phải công nhận nền văn hóa của họ được thừa hưởng nhiều tinh hoa của nền văn hóa Trung Hoa (nhất là từ đời nhà Đường, Trung Quốc).

Tôi ghét chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cực lực phản đối tư tưởng Sô Vanh và không bao giờ cổ vũ cho tinh thần đối đầu dân tộc. Nhưng tôi có quan điểm riêng về xung đột văn hóa. Ngưỡng mộ văn hóa Trung Hoa không có nghĩa là sùng bái nền văn hóa ấy.

Trong lịch sử, ít có dân tộc nào trên thế giới bành trướng trên mọi phương diện thành công bằng chính sách đồng hóa văn hóa như dân tộc Đại Hán. Theo sử sách, thủy tổ của dân tộc Hán trước đây chỉ cư trú tại vùng Hoa Hạ, lưu vực sông Hoàng Hà trên một diện tích chỉ bằng nước ta hiện nay mà dân tộc Hán gọi một cách ngạo mạn là Trung Nguyên (nghĩa là đất trung tâm). Trải qua hơn 5 nghìn năm phát triển của lịch sử, dân tộc ấy dần thôn tính các dân tộc khác vừa bằng vũ lực, vừa bằng truyền bá và đồng hóa văn hóa để đến bây giờ dân tộc ấy trở thành một dân tộc thống nhất đông dân nhất thế giới, có tới hơn 1 tỷ dân trải trên lãnh thổ rộng hơn 9,5 triệu kilomet vuông. Trong lịch sử, thế mạnh nhất của dân tộc Hán không phải là chiến tranh mà là văn hóa. Bằng chứng là gần 2 nghìn năm nay, dân tộc ấy phải xây nên một Vạn Lý Trường Thành dài hơn 6 nghìn kilomet để ngăn chặn sự lấn chiếm của dân tộc Hung Nô trong nhóm mà người Hán gọi khinh miệt là man di mọi rợ. Bằng chứng là gần một nghìn năm nay Trung Quốc bị ba quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn xâm chiếm và nô dịch là Mông Cổ (gần một trăm năm), Mãn Châu ( gần bốn trăm năm) và Nhật Bản. Nhưng trong lịch sử cổ đại và trung đại, hầu hết các dân tộc nô dịch được Trung Quốc đã phải trả một giá rất đắt, đó là mất nước, đó là xóa sổ dân tộc, đó là bị thôn tính cả nền văn hóa và bị đồng hóa hoàn toàn.

Nằm bên cạnh một nền văn hóa Trung Hoa vĩ đại vừa là một diễm phúc lớn vừa là bất hạnh lớn, vừa là cơ may vừa là thách thức đối với dân tộc Việt Nam. Trải qua 1 nghìn năm Bắc Thuộc, Việt Nam giành và giữ được nền độc lập hơn 1 nghìn năm nay và không trở thành một bộ phận của Trung Quốc, không trở thành nạn nhân hòa tan vào dân tộc Đại Hán chính là nhờ sức sống của văn hóa Việt, là nhờ bản sắc riêng có của văn hóa Việt. Vừa tiếp nhận tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác, dân tộc Việt Nam luôn phải giữ gìn và phát huy được những bản sắc riêng có về văn hóa của dân tộc mình. Đánh mất văn hóa đồng nghĩa với đánh mất dân tộc. Trong thời đại bùng nổ thông tin, văn hóa ngày càng trở thành vũ khí mềm và quyền lực mềm lợi hại.

Đừng bao giờ quên lời cảnh tỉnh của nhà báo Phu Xích „ Nhân loại, hãy cảnh giác!”.

Dân tộc Việt Nam hãy cảnh giác!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét