Nguyễn Kiên Giang
Từ sự kiện: “Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường
Đại học Quốc gia Hà Nội” được đề cập đến trong tuyên bố chung ngày 15/10/2013
sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhiều nhân sỹ
trí thức trong nước đã lên tiếng lo ngại về mục đích thật sự của nó.
Những lời khoa trương úp mở của phía Trung Quốc; những nhận định
của các chuyên gia phương Tây trước động thái văn hóa thái quá của giới lãnh đạo
nước này khi thành lập hàng ngàn học viện như thế ở bất cứ nơi nào “thấm uy” của
họ. Điều đó cho thấy sự lo ngại của nhân sỹ trong nước là có cơ sở.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc bày tỏ lo ngại, cảnh báo “vu
vơ”, hay kiến nghị yếu ớt về sự tường minh của vấn đề thì thật đáng tiếc!
“Viện Khổng Tử” - cái tên của nó nói lên rằng: đó là một cơ quan
học thuật, nghiên cứu và chắc lọc những giá trị văn hóa của nền Nho học trong lịch
sử cùng với tư tưởng của người đã khai sinh ra nó để cùng làm phong phú thêm
văn hóa của mỗi bên, để tâm hồn hai dân tộc gần nhau hơn trong bối cảnh đương đại.
Nếu chỉ thế thì có lẽ chẳng ai kêu ca làm gì cho mệt xác! Đâu phải
bây giờ, và cũng có lạ lẫm gì khi chúng ta có bề dày nền Hán học hàng
ngàn năm. Khổng Tử cũng đã được chúng ta vinh danh cách đây gần cả ngàn năm tại
nơi trọng vọng nhất của nền khoa cử nước nhà là Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tiếp tục
nghiên cứu những giá trị tinh thần uyên thâm, những vấn đề chưa ngả ngũ của Khổng
học là điều rất cần thiết. Vậy, lập Viện Khổng Tử há chẳng phải là nên lắm sao?
E là không đơn giản như vậy!
Người ta lo ngại điều gì?
Các nhân sỹ đã lên tiếng về vấn đề này đều khẳng định: bản sắc
văn hóa là yếu tố sống còn của một dân tộc. Do đó, sự xâm lăng văn hóa cũng là
mối nguy hại vô cùng đối với tiến trình tồn tại và phát triển của các dân tộc.
“Quyền lực mềm” được nhắc đến và nhấn mạnh rằng phạm vi của nó
đã thay đổi theo một chiều hướng khó lường: không còn là sự xâm lăng về kinh tế,
mà đáng báo động hơn, là sự xâm lăng về văn hóa, giáo dục!
Thực tế hoạt động của các Viện Khổng Tử do TQ lập ra khắp nơi đã
vượt ngoài phạm vi học thuật, nghiên cứu Nho học và tư tưởng của Khổng Tử. Họ
không che giấu tham vọng biến những viện này thành phương tiện truyền bá văn
hóa Hán tộc. Câu hỏi đặt ra là: Viện Khổng Tử đó có đúng là phương tiện của một
cuộc xâm lăng văn hóa không? Nếu đúng như vậy, khả năng nó sẻ xâm hại đến nền
văn hóa Việt chúng ta đến đâu?
Mục đích của cuộc xâm lăng mà chúng ta đang nói đến là đồng hóa
về văn hóa - phong tục, nô dịch về tâm hồn – trí tuệ. Nếu điều đó xảy ra, sẽ
không còn “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta…”, không
còn áo dài, không còn ca dao, không còn mẹ VN, em gái VN, chàng trai VN… Khi
đó, Hịch tướng sỹ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều,.. sẽ thành những ký ức
nhạt nhòa… Chúng ta sẽ trơ trọi, lạc loài và bơ vơ ngay trên chính quê hương
mình!
Để nhắm tới mục đích đó, “kẻ xâm lăng” sẽ trưng bày ra những cái
hay, cái tốt để thuyết phục “nạn nhân”. Dần dà, tạo thành một quán tính “hay”,
“tốt đẹp” với bất kỳ thứ gì mà “kẻ xâm lượt chìa ra”. Cuối cùng, “nạn nhân” tự
chối bỏ chính mình để đón lấy “ân điển” từ “nền văn hóa vĩ đại duy nhất”!
Giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa và tiếp thu tinh hoa phù hợp
là sứ mệnh của mỗi dân tộc trong hành trình của mình trên quả đất này. Nhiều nền
văn hóa đang nổ lực cho hoạt động đó. Các viện học thuật, nghiên cứu được xem
như phương tiện, cầu nối hữu hiệu trong giao lưu văn hóa của thế giới văn minh
này. Viện Goethe của Đức, Hội đồng Anh, Học viện Cervantes của Tây Ban Nha… là
những phương tiện nhân văn như vậy. Thế tại sao Viện Khổng Tử lại gây cho chúng
ta sự bất an?
Không chỉ Viện Khổng Tử này, mà hầu như tất tần tật mọi thứ có
dán mác “made in China” đều gây mối nghi ngại cho chúng ta. Nguyên cớ từ lịch sử,
bạo quyền phương Bắc đã hết lần này đến lần khác hà hiếp dân tộc ta. Cho đến giờ,
“họ” chưa bao giờ hết dòm ngó cương thổ, tài nguyên, tinh túy… của nước ta. “Họ”
thường có hành động ngang ngược và thâm độc đối phó với chúng ta… Dân ta không
“dị ứng” mới là chuyện không tưởng!
Nói tiếp về cái Viện Khổng Tử, mới “mở màn” đã thấy những dấu hiệu
bất thường rồi! Trong quan hệ ngoại giao quốc tế, ta thấy nguyên tắc được tôn
trọng là “đồng cấp, đồng sự”. Việc tiếp đón phải tương xứng về cấp lãnh đạo, nội
dung làm việc phải tương xứng thẩm quyền. Ông thủ tướng Ta tiếp ông thủ tướng
Tàu là đồng cấp. Nhưng, bàn về cái Viện Khổng Tử thì xem ra hai ông đang đùa giỡn
cho đỡ căng thẳng hay sao ấy chứ!? Đó là công việc của Bộ ngoại giao hoặc cơ
quan chuyên trách về văn hóa, tức là công việc của “lính lác” mấy ông mà… mấy
ông giành làm hết việc, lấy gì người ta làm! Ai cũng hiểu, không lẽ mấy ông to
đùng không hiểu!
Tui thử “dịch” cái ý trong cách hành xử đó của thủ tướng Tàu ra
là: “Bọn bây là học trò tao nhé, tao chỉ học gì là phải học đó… Tao biết, làm vầy
mấy đứa trí thức “bản sắc” của bọn bây uất lắm… chúng sẽ chửi, sẽ biểu tình… he
he… chúng cứ manh động đi, tới mức độ tội phạm thì gô chúng lại… Dần dần, sức
kháng “Khựa” sẽ yếu dần, như hiệu ứng lờn thuốc đó! Sự “phục tùng” sẽ trở nên
bình thường dần thôi… Nhớ là tao có bí mật…”.
Đó chỉ là sự suy đoán của tôi. Đã là suy đoán thì đáng ra tôi
không nên suy đoán phần xấu về đối phương. Nhưng đây không phải là chuyện ứng xử
phải phép của cá nhân, mà là chuyện liên quan đến khí tiết dân tộc, vận mệnh quốc
gia! Ai cũng cho phép mình làm vậy cả. Những bất thường đó cộng với những thông
tin từ thực tế hoạt động của các Viện Khổng Tử, chúng ta có cơ sở để “ngó ngàng
cẩn thận” tới nó.
Đặt giả thuyết cái viện đó đúng là “nguồn nguy hiểm cao độ” đối
với văn hóa của chúng ta, nó sẽ xâm hại tới mức độ nào là một vấn đề làm hầu hết
các bậc trí giả của chúng ta bối rối. Vì dường như chúng ta chưa xác định đối
tượng cụ thể mà nó tập trung “tấn công”. Tức chúng ta chưa nắm mạch lạc cụ thể
những gì là “bản sắc văn hóa” của dân tộc ta. Chính thực trạng dằn vặt dai dẳng
ấy đã làm cho nỗi lo của chúng ta lớn hơn khi xuất hiện mối nguy trên. Chẳng
khác nào ta đang bảo vệ một bảo vật mà không biết cụ thể nó nằm ở đâu trong những
thứ chung quanh, trong khi tên cướp thì đang bên cạnh! Thực ra, việc này không
quá khó nếu chúng ta nhận thức đúng tầm quan trọng của văn hóa dân tộc sớm hơn,
và đầu tư thích đáng cho sự nghiệp chăm sóc, giữ gìn, phát huy nó. Nhưng vẫn
chưa phải là quá muộn để tiếp nhận kho báu truyền đời của cha ông!
Người ta thường hay đánh giá sai lầm “sức mạnh” bởi sự tác động
của định kiến hoặc ảo tưởng về hình thức. Dân tộc Trung Hoa không phải quá mạnh
như chúng ta nghĩ. Chúng ta đã từng nhiều lần “ăn miếng trả miếng” đích đáng
trong lịch sử. Lịch sử Trung Quốc là một lịch sử của chia rẽ và thôn tính bằng
máu và nước mắt. Họ từng đô hộ chúng ta, nhưng họ cũng đã từng bị nhiều dân tộc
nhỏ hơn về hình thức đô hộ. Và giờ đây, trong lòng Trung Quốc có hàng trăm dân
tộc; nhiều khu tự trị như Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng…; nhiều thế lực đối
kháng nhau; nhiều “tầng bậc” công dân hình thành do sự phân hóa sâu sắc trong
xã hội… Chứ không phải là hình ảnh trung Quốc rộng lớn với dân cư hơn 1,2 tỷ
người – đó khổng phải là một khối thống nhất như nhiều người vẫn nghĩ! Tiềm lực
quân sự của Trung Quốc mạnh “áp đảo” các nước trong khu vực, nếu tính theo phép
cộng đơn thuần. Đối với biển Đông, toàn bộ lực lượng hải quân của họ chẳng khác
nào vài chiếc lá liễu trên mặt Hồ Gươm. Trên bộ, yếu tố tiết diện chiến trường
sẽ vô hiệu phần lớn quân số của họ. TQ biết rất rõ điều đó, nên họ rất mạnh
trong các chiêu trò khoa trương, hù dọa. Phải thừa nhận: họ giỏi tấn công tâm
lý. Đặc biệt là các thủ đoạn “bắt vô hiệu” con người – cả những người tầm vóc!
Có thể, nhận định trên của tôi là thuần lý thuyết và chủ quan. Nhưng chúng ta
cũng không nên quá khiếp sợ “cái bóng” của láng giềng! Chúng ta không ai muốn
phải đối đầu bằng vũ lực với TQ hoặc bất cứ quốc gia nào khác. Nhưng tôi nằm
lòng lời tiền nhân răn dạy: “… Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải
thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang
ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; Đem tấm thân dê chó
mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham
khôn cùng; Khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn.
Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau. Ta thường
Tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; … Dẫu
cho Trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, Nghìn thây ta bọc trong da ngựa, Cũng nguyện
xin làm” (Hịch Tướng Sỹ - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn).
Có một điều, theo tôi là hệ trọng! Đó là chúng ta phải phân định
mạch lạc đâu là “địch”: không phải người dân lương thiện TQ, không phải những
cán bộ lương thiện, những nhà văn hóa, những người trí thức tiến bộ… Mà là những
kẻ có chủ nghĩa bành trướng xuống phương Nam. Hiện tượng “dị ứng” với “made in
China” rất dễ làm chúng ta kích động thái quá hoặc không đủ tỉnh táo để xác định
kẻ địch thật sự, và đẩy chúng ta vào thế đối đầu với cả những lực lượng mà
chúng ta hoàn toàn có thể tránh! (Nếu tấn công vào hình tượng Khổng Tử, có thể
chúng ta sẽ trúng ý đồ như thế của họ!)
Nếu TQ thật sự có ý định dùng Học thuyết Nho gia và tư tưởng Khổng
Tử làm vũ khí xâm lăng trong văn hóa thì thật hài hước. Bởi những âm mưu, thủ
đoạn cùng tham vọng của họ đi ngược lại với căn cốt của Khổng học. Sau khi Khổng
tử qua đời, ngoài việc các “nhà Nho bất thiện” và “phi Nho bất thiện” đời
sau phá tinh thần Khổng Nho, Nho gia đã bị nạn kiếp lớn lần thứ nhất vào đời
nhà Tần (Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò), nạn kiếp lớn thứ hai của học
phái độc tôn trong cả một thời đại ngàn năm này là vào thế kỷ hai mươi (Đại
cách mạng văn hóa vô sản ở TQ). Và giờ đây, giới chức TQ vẫn treo ông trên thập
giá vô hình theo các cuộc trường chinh mới!
*
Do vậy, có người nhận định rằng: Khổng Tử chỉ thật sự bắt đầu chết
sau khi ông qua đời. Tôi thấy sự vĩ đại đang tuẫn nạn trên thập giá vô hình đó.
Còn có những thập giá vô hình khác đang chờ những nền văn hóa mê ngủ!
Tên gọi là Viện Khổng Tử mà mới “mở mắt” đã đối lập với điều cốt
lõi trong tư tưởng Khổng Tử là “Chính Danh” rồi. Làm sao “ngôn thuận”, làm sao
“việc thành”!
Quyền năng kỳ diệu của văn hóa tinh thần là chia sẻ vô hạn mà
không hề bị chia nhỏ. Do đó, nó là kho tàng chung của nhân loại. Không ai đủ lý
luận để nói khác đi được. Văn hóa có cách thức của văn hóa. Cách sống và chết của
nó cũng không giống những quy luật vật chất. Nghiên cứu văn hóa để hiểu về dân
tộc, về con người là việc tốt nhất giải trừ những nguy cơ xung đột bằng những phương
cách man rợ.
Cuối cùng, xin phép dẫn lời GS Nguyễn Huệ Chi như là tâm tư
chung của nhân sỹ trí thức nhã nhặn nhưng thẳng thắn: “Nếu có một nghiên cứu có
hệ thống về Khổng giáo trông đời sống xã hội, văn hóa tinh thần của người Việt
thì rất tốt, nhưng tôi cho rằng việc ấy nên để người Việt làm”.
N.K.G
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét