Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

ĐÊM GIỮA BAN NGÀY - CHƯƠNG 8

1    2    3    4     5     6     7   8    9     10    11   12     13    14    15  16    17    18    19    20    21     22    23    24    25    26    27    28   29    30     31    32    33    34    35    36    37   38    39   40    41  CHƯƠNG KẾT

CHƯƠNG VIII
- Nào, ta mần việc, hỉ ? Huỳnh Ngự nói, run rẩy xoa xoa hai bàn tay vào nhau cho đỡ cóng. Thái độ Huỳnh Ngự mềm mỏng hẳn. Cứ như thể nhờ cấp trên xuống giải quyết chúng tôi đã giảng hòa được với nhau, giờ đã có thể thân mật với nhau được rồi. Tôi thấy cũng nên quên đi cuộc cãi cọ bữa trước. Muốn hay không, tôi vẫn phải làm việc với một tên chấp pháp, mà làm việc với tên mình biết rồi tốt hơn nhiều so với tên mình chưa biết. Huỳnh Ngự bận rộn bầy ấm chén lên bàn, lấy nước sôi pha trà, ra dáng chủ nhà. Vừa chuyên trà từ chén nọ qua chén kia, y vừa ôn tồn nói với tôi : - Nè, tui nói anh đừng tự ái, chớ đám nhà văn các anh là chúa hay nghĩ ngợi lung tung. Việc bình thường rơi vào tay các anh là cứ rối tinh rối mù lên không còn biết đâu là đầu đâu là cuối nữa. Còn về lập trường thì ôi thôi, khỏi nói, khi tả khuynh khi hữu khuynh, nói tóm lại dao động lung tung.
Trong bọn nhà văn các anh, Nguyễn Ðình Thi(1), Nguyễn Khải được coi là lập trường vững nhất, đúng vậy không ? - Tôi không rõ. Trong giới văn nghệ chưa có bình bầu lập trường. Nhưng cứ tạm coi là vậy đi. Thì sao ? - Vậy mà, tui nói cho anh hay, kể cả mấy anh nớ, cũng không thể làm việc trong cơ quan an ninh tụi tui lấy một ngày. Nói rứa để anh rõ Ðảng lựa chọn người mần chuyên chính vô sản khe khắt ra răng. Cơ quan an ninh tụi tui không lạ chi ba cái lập trường tả hữu bất tường của mấy ảnh... Anh cũng rứa, lập trường cái chi, Ðảng tính cái chi mà vừa bị bắt đã bi quan muốn chết, mất hết lòng tin ở Ðảng. Ðó, anh coi, Ðảng đã có quyết định rồi, có giống như các anh nghĩ mô... Tôi không hiểu y muốn gì. Tôi lặng thinh. - Hì hì, nghe trên phổ biến rồi, bữa ni anh còn thắc mắc không ? Hết rồi chớ ? Có thắc mắc thì cứ phát biểu, Ðảng cho phép các anh nói thẳng, nói thật, nói hết, thì cứ mạnh dạn mà nói. Tui có trách nhiệm giải đáp mọi thắc mắc của các anh, tuốt tuột. Anh phải biết khi tư tưởng chưa thông suốt thì làm việc sẽ khó, khó lắm. Mà ta phải làm sao cho công việc Ðảng giao được tốt nhứt, hiệu quả nhứt. Anh hiểu chớ ? Câu đáp bật ra theo phản xạ tự nhiên, như không phải tôi nói : - Khoan nói tới chuyện hiệu quả. Trước khi làm việc chúng ta cần phải thỏa thuận với nhau chuyện hôm nọ còn bỏ dở cái đã. Chà, sao tôi lại thế nhỉ ? Tôi đã định bụng quên cái chuyện đôi co bữa trước trong ngày hôm nay rồi kia mà. Có lẽ thái độ coi tôi như trẻ con của Huỳnh Ngự làm tôi phát khùng. Huỳnh Ngự ngạc nhiên, hay làm ra vẻ ngạc nhiên : - Chuyện chi hè ? Tôi thấy ái ngại cho y. Y thiệt thòi quá ! Ðáng lẽ đương nhiên được gọi bằng ông ngon lành thì y lại đụng đầu với một thằng dở hơi và cù nhầy là tôi để phải mà cả lằng nhằng cả buổi chỉ vì một từ. Mà tôi cũng dở. Quay lại đề tài cũ trong một ngày có điều kiện để không cãi nhau làm gì ? Khi bị gọi đi cung tôi đã vạch cho mình cách ứng xử khác. Tôi định bụng nếu có gặp một chấp pháp khác hay gặp lại Huỳnh Ngự thì tôi cũng sẽ không gây sự nữa, mà sẽ mềm mỏng để moi ở người đối thoại những điều tôi cần biết. Không có những tên chấp pháp thì làm sao tôi có thể biết được sự gì đang xảy ra bên ngoài. Nhưng gọi y bằng ông để y gọi mình bằng anh là bất bình đẳng, cũng không được ! Chúng tôi im lặng hồi lâu. Tôi quyết định rút chân ra khỏi bãi lầy : - Hay là thế này vậy : gọi bằng anh thì không được, quy định cấm, chính tôi cũng không muốn. Gọi bằng ông thì tôi đã nói rồi, tôi không chịu - nó quá ư bất bình đẳng. Thôi thì, nếu anh không phản đối, chúng ta sẽ chọn một cách xưng hô khác, ở giữa, vừa phải cho cả hai... - Anh cứ nói. - Anh lớn tuổi hơn tôi nhiều, tuổi anh nằm giữa hai thế hệ cha tôi và tôi, chi bằng tôi gọi anh bằng bác xưng tôi, còn bác thì cứ gọi tôi bằng anh là xong. Như vậy tuy không hợp với nội quy cho lắm, nhưng cũng không trái với nó... Huỳnh Ngự lưỡng lự vài giây. Rồi chặc lưỡi : - Vậy cũng được. Rốt cuộc, chúng tôi đã đạt được một thỏa hiệp không đến nỗi tồi. Nếu không chúng tôi còn lúng túng còn lâu, chưa biết khi nào mới thoát khỏi ngõ cụt. Huỳnh Ngự còn khó chịu một chút, tôi biết. Về phía mình, tôi hài lòng. Ðã đến lúc phải chấm dứt, bằng cách này hay cách khác, cuộc tranh luận vô bổ. Tôi hiền lành nhìn Huỳnh Ngự, nói bằng giọng yêu cầu được thông cảm : - Bác đừng buồn tôi, bác Ngự ạ. Con người thường có những nguyên tắc không thể vượt qua. Bác vừa nói đám nhà văn hay nhiễu sự. Cái đó có phần đúng... - Chu cha, lại còn có phần đúng ! - Huỳnh Ngự lườm tôi, nhưng trong cái lườm không có ý ghét bỏ - Ðúng quá đi chớ ! Các anh là rứa, chỉ thấy cây mà không thấy rừng, đã vậy lại còn thích chẻ sợi tóc làm tư, chẻ làm tư rồi còn muốn chẻ làm tám. Rút cuộc đa thư loạn thị, mới hiểu sai đường lối của Ðảng, hiểu sai rồi đâm mất lòng tin. Nghĩ làm chi cho mệt trong khi ở trên đã có Ðảng, có Trung ương nghĩ hộ cho hết trơn hết trọi. Ðảng là trí tuệ, là bó đuốc soi đường, là lương tâm thời đại(2)... Ðảng được võ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin, cho nên Ðảng không thể sai lầm. Chúng ta, như anh hùng Lôi Phong bên Trung Quốc đã nói, mà nói rất đúng, chỉ là những cái đinh ốc của cách mạng. Nhưng phải là những cái đinh ốc không rỉ kìa ! Tôi bất giác mỉm cười. Anh chàng Lôi Phong mà Huỳnh Ngự nói là một anh hùng từ nông dân được những nhà lãnh đạo mao-ít Trung Quốc đôn lên làm anh hùng, làm tấm gương sáng cho cả nước noi theo. Anh chàng gàn bát sách này quyết không đi xe điện để dành hai xu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Anh ta nhặt bàn chải răng người ta vứt đi trong thùng rác, rửa sạch để dùng lại, cũng vì mục đích cao cả đó. Ðể đồng đội khỏi phải đi cả chục cây số đến hiệu cắt tóc, Lôi Phong lấy tiền dành dụm mua cái tông-đơ rồi đè đầu một đồng chí Lý nào đó ra mà cắt. Sau đây là đoạn tôi nhớ gần như nguyên văn trong cuốn sách mang tên anh ta :"Ðồng chí Lý kêu váng lên, nói tông-đơ rứt tóc chịu không nổi. Lôi Phong "bèn mở sách Mao chủ tịch ra đọc". Ðọc rồi, thông rồi, Lôi Phong thêm quyết tâm, lại tiếp tục cắt. Ðồng chí Lý vẫn kêu la. Lôi Phong vò đầu bứt tai rồi "lại mở sách Mao chủ tịch ra đọc". Anh tiểu đội trưởng Giải phóng quân là người đề xướng cái thuyết nổi tiếng toàn Trung Quốc rằng mỗi con người trong xã hội phải là cái đinh ốc không rỉ của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. - Tất nhiên, mỗi người mỗi nghề, tui không đi sâu, tui không hiểu giới văn nghệ sĩ bằng anh, - mắt kém, Huỳnh Ngự không nhận thấy nụ cười thoảng qua trên mặt tôi - nhưng tui cũng có gặp người nầy người nọ trong đám văn nghệ sĩ chớ, tui cũng hiểu được các anh phần nào chớ. Nói thiệt, tui thấy các anh đông tây kim cổ cái chi cũng biết, nhưng cái chính, cái cốt lõi, là chủ nghĩa Mác vô địch thì, hè hè, các anh lại chẳng nắm được là bao... - Thì bác chả nói mỗi người mỗi nghề đó sao ! - tôi nhấp trà, hiền lành đáp - Bác có nghề của bác, tôi có nghề của tôi, bác thạo nghề của bác, chúng tôi thạo nghề chúng tôi... Huỳnh Ngự không để cho tôi nói hết câu, y chặt ngang : - Nhưng trong chế độ của chúng ta thì làm nghề nào cũng vậy, phải lấy chủ nghĩa Mác làm đầu. Nhiều người mắc sai lầm là bắt đầu từ chỗ nớ, từ chỗ không đánh giá đúng tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác vô địch, không chịu học tập chủ nghĩa Mác vô địch, khoa học của mọi khoa học. Nó là kim chỉ nam cho hành động. Chỉ có dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác ta mới nhìn mọi sự được minh bạch, trắng ra trắng, đen ra đen... Ðĩa hát cũ, chẳng cần nghe cũng biết trong đó có gì. Không khí trở lại như ban đầu, không còn căng thẳng. Tôi tận hưởng chén trà ngon đậm đặc trong căn phòng lạnh căm căm, dưới ánh sáng không phải chủ nghĩa Mác mà của ngọn đèn vàng vọt trong buổi sáng ảm đạm. ê ngoài nhìn vào chắc hẳn ai cũng phải nghĩ ở đây có hai người đang dông dài chuyện trà dư tửu hậu. - Bữa ni ta chưa dùng tới giấy bút. - Huỳnh Ngự đổ bã ấm thứ nhất rồi không vội vã pha ấm thứ hai - Chuyện vãn cũng là một hình thức làm việc, anh có đồng ý vậy không ? Nhứt là đối với những người làm công việc trí óc như tụi mình. Uở, râu anh sao mà mọc nhanh quá vậy ? Tôi bất giác đưa tay lên mặt. Ðúng là râu mọc nhanh thật. Tôi chẳng bao giờ có ý định để râu, thành thử chẳng quan tâm tới râu ria. Tôi có thói quen cạo mặt hàng ngày kể từ khi thành đàn ông. - Cạo đi ! Ðể vậy gớm chết đi được ! - Kệ, chẳng sao. - tôi chặc lưỡi - Có phải tôi đang ở nhà mình đâu. Cũng chẳng có việc gì phải ra phố. Huỳnh Ngự sững một giây, nghĩ xem có phải tôi định nói xỏ không. - Ðể tui kêu quản giáo cắt tóc cho anh. Tóc cũng tốt rồi. Hôm nay anh cạo đi cái đã, tui sẽ đưa dao bào cho anh. - Cảm ơn. Huỳnh Ngự đưa tôi tới cửa ngách. Nó mở ra một mảnh sân tí din, nơi ri rỉ một vòi nước hỏng van. Chỉ cần động khẽ vào cái vòi là nước chảy tung tóe, nhưng không dễ khóa nó lại. Muốn khóa nó phải vặn nhẹ nhàng cho tới khi nước ngừng chảy, nín thở mà hãm nó tại đúng vị trí ấy rồi rón rén đi ra. Tôi tranh thủ rửa mặt mũi chân tay cho thoải mái trong khi chờ viên quản giáo đi lấy dao cạo. Mảnh sân tiếp giáp với tường Hỏa Lò, mặt quay ra đường Hàng Bông Thợ Nhuộm. Ðứng bên vòi nước tôi nghe rõ mồn một tiếng bánh xe đạp lăn trên mặt đường nhựa, tiếng người lao xao. Chao ôi, giá mà lúc có được mảnh giấy trong tay nhỉ ! Tôi sẽ viết mấy dòng nhắn tin cho gia đình rồi lợi dụng một phút sơ hở của Huỳnh Ngự, xin ra rửa ráy và ném nó qua bức tường kia. Người nhặt được sẽ đem mẩu thư tới cho gia đình tôi. Tôi tin vẫn còn nhiều người tốt bụng. Nhưng trong tay tôi chẳng có mẩu giấy nào, chẳng có cái bút nào. - Nè, dao bào đây, cạo đi ! Nhìn thấy con dao tim tôi thắt lại. Tôi nhận ra nó, con dao cạo cũ mà lớp kền mạ đã bong từng mảng. Ðó là con dao của cha tôi. Ông dùng con dao nhãn hiệu Gillette này đã nhiều năm. Nghĩa là cha tôi đang ở đây, ngay trong Hỏa Lò này. Nghĩa là tin đồn ông bị Ðảng giữ tại một biệt thự đầy đủ tiện nghi là tin vịt. Bằng việc cho tôi thấy con dao, Huỳnh Ngự muốn tôi hiểu một điều : nếu cha tôi cũng đang ở Hỏa Lò, thì điều đó có nghĩa là Ðảng đã thẳng tay trừng phạt, không chiếu cố gì hết. Không có chuyện người ta nể nang gia đình cách mạng mà nương nhẹ cho cha con tôi. Chúng tôi chỉ có một con đường: đầu hàng, chịu khuất phục. Tôi điềm tĩnh cạo mặt, cố tình không cho Huỳnh Ngự được hí hửng thấy kết quả dự liệu. Thậm chí tôi còn khe khẽ huýt sáo. Trả lại Huỳnh Ngự con dao, tôi hồn nhiên nói : - Bác có biết không, cạo mặt sướng nhất là dùng loại dao cạo này, nhưng lưỡi phải đúng là lưỡi Gillette, và phải nhúng dao vào nước thật nóng kia, lúc ấy râu cứ đi êm như ru. - Vậy hả ? Huỳnh Ngự chưng hửng. Càng thấy rõ việc tôi nhìn thấy tướng Ðặng Kim Giang chẳng phải là ngẫu nhiên. Huỳnh Ngự dựng vở, có điều y là đạo diễn vụng... Y muốn đánh tiếng cho tôi biết đến những bậc lão thành cách mạng, thành tích đầy mình, vào đây rồi cũng đành chịu tho, huống hồ tôi. Cái gọi là xử lý nội bộ của Ðảng là thế. Nó không hơn một lời hứa suông nhằm moi ở chúng tôi lời nhận tội theo ý muốn. Cụm từ xử lý nội bộ chỉ tô đậm thêm tính chất phi lí của vụ án do Ðảng làm. Ðảng, mà lại làm án đã là phi lý rồi. Chẳng Ðảng nào có quyền lập án, xử án cả. - Tui mừng cho anh. - Huỳnh Ngự đặt tay lên vai tôi - Nếu Ðảng đã quyết định để vụ này trong nội bộ có nghĩa là ở đây không có mâu thuẫn địch ta, mâu thuẫn đối kháng, mà chỉ có mâu thuẫn nội tại, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân mà thôi. Anh thấy chưa ? Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào người cộng sản cũng cứ phải tin tưởng ở Ðảng. Ðảng bao giờ cũng anh minh, cũng sáng suốt. Ðã bảo là không phải mâu thuẫn địch ta thì tức là mâu thuẫn trong nhà với nhau, Ðảng chỉ giơ cao đánh sẽ, ví như cha mẹ thấy con cái hư thì phải đánh, chớ đánh con mình lòng cha mẹ cũng đau đớn lắm... Tội nghiệp cho Ðảng quá ! Tiếp theo Huỳnh Ngự cho chạy đĩa hát khác về các loại hình mâu thuẫn được Mao Trạch-đông tổng kết trong trước tác Bàn Về Mâu Thuẫn. Tôi đã đọc cuốn này qua bản viết lại theo cách Việt Nam cho dễ hiểu của Hồ Chí Minh. Ðối với Mao, đó là cẩm nang chia để trị dành cho các giáo đồ, phân biệt các loại kẻ thù lớn bé, xa gần, các loại đồng minh lâu dài và giai đoạn. Nó là một chương trong bộ Sấm truyền mao-ít. Huỳnh Ngự không phải là ngoại lệ trong lớp cán bộ cỡ gia nhập cách mạng theo phong trào, tiến thân bằng lý lịch. Vỗ ngực khoe thành phần cơ bản, hợm hĩnh với những ưu đãi tinh thần được Ðảng ban phát, những loại cán bộ này luôn phô ra, một cách rất hoạt kê, vốn hiểu biết nghèo nàn của họ bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Họ vênh vang tự đắc về những hiểu biết chỉ riêng họ mới có. Các lãnh tụ - những người độc quyền chân lý - bao giờ cũng dành cho họ những suất chân lý lớn hơn hẳn lũ thần dân bên dưới. Không hiếm lần chúng tôi phải chầu chực ở nhà ông chủ nhiệm tờ báo để được nghe ông nói lại những gì ông được trên phổ biến. Thông thường, mỗi khi có những sự kiện lớn hoặc chính sách mới ban hành thì Trung ương phổ biến cho cấp tỉnh, cấp tỉnh phổ biến cho cấp huyện, cứ thế chân lý của Ðảng đi lần lần xuống đến người cuối cùng trong bậc thang xã hội. Xã hội Việt Nam trong những năm ấy là xã hội khép kín. Một lỗ thủng để dân chúng có thể nhòm được ra ngoài là sơ suất của ngành an ninh, là trọng tội đối với kẻ đã dám khoét cái lỗ thủng đó hoặc phát hiện ra nó để sử dụng.Mọi thứ sách báo nước ngoài đều là sách báo địch, mọi thứ đài nước ngoài đều là đài địch, trừ các sản phẩm văn hóa của các nước xã hội chủ nghĩa. Sau Ðại hội XX ít lâu, sách báo Liên Xô và các nước Ðông Âu cũng bị cấm nốt, cũng bị coi là những sản phẩm văn hóa độc hại(3). Tin của Việt Nam Thông tấn xã cũng chia làm nhiều loại : loại thường, loại mật và loại tối mật. Loại thường là tin tức trong nước, tin nước ngoài được biên soạn lại cho sự sử dụng rộng rãi. Cán bộ cấp cao được đọc tin mật, hoặc tin tối mật. Tin mật và tối mật, không phải lấy từ kho tin tình báo mà lấy từ các đài phát thanh nước ngoài, vẫn là thứ bị cấm ngặt, không ai được nghe. Cán bộ thấp, cấp cơ sở hoặc dân thường thì nghe loa truyền thanh cũng đủ. Người dân, không trừ cả giới trí thức, trí thức kỹ thuật hay trí thức nhân văn thì cũng thế, chỉ còn cách tự túc món ăn tinh thần bằng những câu chuyện ngồi lê đôi mách. Ngu dân là chính sách không của riêng Việt Nam. Chỉ sau Ðại hội XX người dân xô-viết mới được biết đến Giã Từ Vũ Khí của Ernest Hemingway, Chùm Nho Nổi Giận của John Steinbeck(4). Ðến cả thơ của Esenin(5) cũng bị cấm trong thời gian dài, người Nga chỉ được đọc thơ ông qua các bản chép tay. Vào năm 1957, khi thơ Esenin được xuất bản, trước mỗi cửa hiệu sách là những dòng người xếp hàng rồng rắn cả cây số. Tôi cũng phải xếp hàng cả nửa ngày để mua cuốn Bút Ký Triết Học của Lênin trong thời kỳ này. ê Việt Nam kiến thức được chia thành hai loại : chính thống và phi chính thống. Người giám định văn hóa duy nhất có thẩm quyền là Ðảng, hiện thân trong cái gọi là Ban Tuyên-Giáo, Ban Tuyên-Huấn, Ban Khoa-Giáo, Ban Văn hóa-Tư tưởng vv. Những gì không được các Ban nói trên cho là chính thống thì nhân dân không được dùng. Cho nên những vụ đốt sách Victor Hugo, Shakespeare, Guy de Maupassant, Molière...đập đĩa nhạc của Beethoven, Verdi, Mozart(6), ... được lặp đi lặp lại nhiều lần không phải chuyện lạ. Nhà cầm quyền không muốn nhân dân được biết những gì họ không muốn cho biết. Và ở đây, một nghịch lý nảy sinh : trong khi các lãnh tụ ngủ yên trên chức vị, thì nhân dân ngày một trưởng thành về nhận thức do sự học hỏi vụng trộm, còn các vị thì mỗi ngày một lùn thêm trong mắt họ. - Tôi muốn hỏi bác câu này. - Ðược, anh cứ hỏi. - Theo bác, chừng nào tôi sẽ được về nhà với vợ con ? Huỳnh Ngự lắc đầu : - Cái nớ tui không trả lời được. Cái nớ phụ thuộc ở anh nhiều hơn ở tui. Căn cứ thái độ của anh mà Ðảng sẽ cho anh về lúc nào. - Tôi chắc cũng không lâu nữa đâu. - Căn cứ nơi mô mà anh nghĩ rứa ? - Thì căn cứ vào quyết định của Ðảng mà cấp trên vừa phổ biến đó. Ðảng đã nói rõ : đây là mâu thuẫn trong nội bộ Ðảng, nội bộ nhân dân, Ðảng không áp dụng luật pháp cũng như các biện pháp hành chính... - Ðúng vậy ! - Nhưng đó là đối với các đảng viên của Ðảng thôi chứ ! Tôi không phải đảng viên thì Ðảng giữ tôi làm quái gì ? Ðã không phải là đảng viên thì lẽ đương nhiên tôi không phải chịu bất cứ kỷ luật nào của Ðảng... Huỳnh Ngự ngớ ra. Câu hỏi và cách suy luận ngây ngô của tôi đưa y vào ngõ cụt. - Vả lại, theo thiển ý của tôi, Ðảng cho bắt đảng viên thế này cũng là vạn bất đắc dĩ, Ðảng không nghĩ được cách nào khác nên mới làm như thế. Nó không đúng Ðiều lệ. Kỷ luật cao nhất đối với đảng viên chỉ có khai trừ là hết, không thể có chuyện bắt giam. Chẳng riêng điều lệ Ðảng ta, các đảng phái khác cũng vậy. - Anh lý sự gớm. - Cho nên Ðảng mới có quyết định vừa rồi. Thả ra là phải. Nếu các đảng viên còn được thả thì dĩ nhiên, là người ngoài Ðảng, tôi phải được thả sớm hơn họ... - Cái nớ thì tui lại không dám khẳng định. Các hình thức kỷ luật của Ðảng không phải là bất di bất dịch. Ðảng linh hoạt trong đối sách, luôn sáng tạo những hình thức đấu tranh mới, kể cả trong lãnh vực đấu tranh tư tưởng... Y đối đáp kể cũng giỏi. Y có cái lô-gích của y. Nhưng cách y phát triển lô-gích mới tài. Y bảo : - Còn chuyện anh bị bắt cùng các đảng viên thì anh nghĩ thử coi, nghĩ kỹ chút thì hiểu liền à ? Anh tham gia cách mạng từ lúc còn là đứa trẻ, đúng vậy không hè ? - Nếu tính cả những việc mà cha tôi và các bạn ông sai tôi làm hồi bí mật là tham gia cách mạng thì đúng thế ...Còn nếu tính từ ngày tôi ăn cơm của cách mạng, lĩnh phụ cấp của cách mạng để làm việc cho cách mạng thì có thể tính từ năm 1946 khi tôi gia nhập một đội tuyên truyền xung phong ở Nam Ðịnh. Huỳnh Ngự cười hì hì : - Thấy chưa ? Tui là tui nắm lý lịch anh rõ lắm. Anh đã ở trong hàng ngũ cách mạng từng ấy năm, từng ấy năm anh chiến đấu dưới lá cờ của Ðảng, được Ðảng giáo dục, bồi dưỡng để trở thành trí thức cách mạng như bây chừ, cho nên Ðảng mặc nhiên coi anh như đảng viên. Anh phải lấy làm hãnh diện mới phải. Còn bây chừ có khuyết điểm thì Ðảng lại giáo dục cho tốt lên. Sửa chữa xong khuyết điểm thời lại về với Ðảng. Ngụy biện đến nước ấy là cùng ! Tôi không cãi. Tôi còn nghịch ngợm đeo lên cho tôi cái mặt nạ xúc động nữa kia. Thử nghĩ mà xem, có thể nào không xúc động cho được khi Ðảng dành cho mình vinh dự lớn đến thế ! Nếu mang cái cuộc đối thoại kỳ cục đó nhào nặn thành một truyện ngắn kiểu Azis Nexin(7) thì ắt hẳn phải đặt cho nó cái tên : Tôi Ðược Coi Như Ðảng Viên Của Ðảng Vĩ Ðại Như Thế Nào. Tôi không còn gì để nói nữa. Câu chuyện vãn cho một ngày làm việc đến đó kết thúc được rồi. - Bữa ni có vậy thôi, anh về nghỉ. - Huỳnh Ngự đứng lên, vuôn vai nặn ra một cái ngáp thân mật - Quên, còn chuyện thuốc lá cho anh. Tui đã báo cơ quan anh gởi tiêu chuẩn trà thuốc của anh vô, không hiểu sao chưa thấy gởi... Ðợt cung cấp nầy hơi chậm. Cơ quan tui cũng rứa hà, bữa đực bữa cái, thời chiến mà...Anh cầm tạm bao nầy về hút cho đỡ ghiền. Trong suốt buổi gặp gỡ Huỳnh Ngự nhiều lần nhả khói thuốc về phía tôi nhưng không thấy phản ứng y muốn thấy. Bao thuốc để trên bàn, trước mặt tôi, không được tôi đụng đến. - Cảm ơn. Tôi đã quyết định không hút nữa là không hút. Huỳnh Ngự điềm nhiên bỏ bao thuốc vào túi. - Còn việc nầy nữa ! Anh Hoàn(8) sẵn sàng cho anh gặp. Anh có đề nghị được gặp anh Hoàn không ? - Không ! Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có gì để nói với ngài bộ trưởng. Cách gọi Trần Quốc Hoàn bằng ngài rõ ràng chướng tai Huỳnh Ngự, nhưng lần này y không bắt bẻ. Nếu cái gì cũng bắt bẻ chắc y chẳng còn thời giờ nào làm việc với tôi về những chuyện khác. - Tùy anh. Chúng tôi chia tay, lần này không giống như những kẻ thù, nhưng cũng không phải là những người bạn. Tôi trở về xà lim, lòng trĩu nặng. Bỏ ra ngoài tính chất bất cần đời pha chút tinh nghịch cố hữu đã giúp tôi sống qua mấy ngày tù đầu tiên, tôi thấy trước mặt một tương lai xám xịt. Không thể nói trước cái gì sẽ đến với chúng tôi. Xử lý nội bộ chỉ là một cách nói. Họ chẳng dại gì mang chúng tôi ra xử công khai. Họ thừa hiểu chúng tôi là người thế nào. Họ sợ khi có diễn đàn chúng tôi sẽ vạch trần tội ác của họ, vạch trần sự lộng quyền đã mang lại những tai họa cho dân tộc, cho đất nước. Cho dù sau đó là pháp trường hoặc thủ tiêu. "Con người là một sinh vật kỳ lạ. Chỉ mình nó thích nghi được với mọi hoàn cảnh", Dostoevsky vĩ đại đã nói như thế trong Hồi Ký Nhà Chết(9). Quả nhiên, rồi tôi cũng quen dần với cuộc sống bị giam cầm. Nói quen thì không đúng, tôi dần thích nghi được với nó, hơn nữa còn thích nghi được một cách không đến nỗi quá khổ sở. Tôi tự khẳng định rằng một khi đã sa vào tay bọn độc tài thì đừng hi vọng được chúng rủ lòng thương. Những tên độc tài ở mọi thời đại, mọi quốc gia đều giống nhau. Chúng hoặc là những tên vị kỷ đến cùng cực, trong trường hợp tốt hơn cũng là những tên cuồng tín thâm căn cố đế. Chúng sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng của người khác để thực hiện mục đích. Thảng hoặc cũng có những tên độc tài có công làm cho quốc gia trở nên thịnh vượng trong thời điểm nào đó. Nhưng những cái tưởng chừng là công trạng ấy chẳng gột sạch được tội ác của chúng khi vinh quang của chúng được xây dựng trên những núi xác chết và những đại dương bi kịch. Không thể so sánh bi kịch của cá nhân với bi kịch của một quần thể, một dân tộc, để nói rằng bi kịch cá nhân không có ý nghĩa. Bi kịch nào cũng là bi kịch. Mỗi con người cảm nhận bi kịch của mình cụ thể hơn bi kịch của số đông và vì thế nỗi thống khổ của một cá nhân là nỗi thống khổ cần được chia sẻ trong tình nhân ái. Thành lồm cồm bò dậy đón tôi : - Về sớm thế ? - Họ bảo đi thì đi, họ bảo về thì về. Anh có phải đi đâu không ? - Không. Thành trả lời, tránh cái nhìn của tôi. Tôi thấy anh lúng túng. Không hỏi thêm, tôi lẳng lặng về chỗ mình. Nếu người ta bắt tên chỉ điểm gặp họ để báo cáo về tôi thì gọi y ra vào lúc tôi đi cung là tiện nhất. - Ăn đi, cơm canh nguội ngắt rồi. Thành bối rối đẩy suất cơm tù đến trước mặt tôi. Tôi ngồi xuống, xếp chân bằng tròn trước khổ hình hàng ngày. 

1    2    3    4     5     6     7   8    9     10    11   12     13    14    15  16    17    18    19    20    21     22    23    24    25    26    27    28   29    30     31    32    33    34    35    36    37   38    39   40    41  CHƯƠNG KẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét